65. Hát ả đào

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Không nghề nào nhiều tên khác nhau bằng nghề này: nhà trò, ả đào, nhà tơ, cô đầu. Lại một cái tên hoa mỹ thường thấy trên sách báo: ca trù. Lại còn một tiếng lóng tom chát, đi tom chát (bắt chước tiếng trống chầu). Và ở mỗi nơi còn có tiếng lóng, ở Hà Nội thì rủ nhau đi KT (Khâm Thiên), đi Ngã Tư Khổ (Ngã Tư Sở), sang sông (các nhà cô đầu bên Gia Lâm).

Tưởng như cũng không nghề gì biến thiên, thay đổi nhiều bằng nghề ả đào. Sử sách chép: hát ả đào ra đời từ nhà Lý, thế kỷ XI - không rõ xuất xứ. Ban đầu, hát trong cung cấm, hát thẻ (cho vua và quần thần nghe, xem. Tương truyền ả đào là tên một danh ca thời hát trong tế lễ), hát nhà tơ (nhà quan tỉnh, quan phủ và các cuộc chánh lý khao vọng, mừng thọ), hát cô đầu (hát cho khách chơi thưởng thức). Cũng không nghề nào nổi đình đám danh giá ngất trời rồi lại đến sa xuống vũng bùn theo thời gian đổi thay của tình hình. Ngày nay, nghề hát ả đào chỉ còn thoi thóp trong tiếng hát học lỏm của mấy ca sĩ chịu khó tự học hỏi ở các đoàn ca vũ - mà có lẽ chỉ có ở Hà Nội. Dẫu cho hát ca trù đã được tặng giải thưởng Âm nhạc châu Á (đào Phúc, đào Hồ hát, thu băng gửi đi dự thi ở Nhật).

Hát ả đào, một cô đào với một bộ phách. Phiến gỗ lim chữ nhật làm nền đã lên nước bóng như gụ, hai thanh tre cô đào cầm gõ. Tiếng phách đổ như mưa sa. Một đàn đáy, anh kép gảy nhịp cho câu hát, tiếng đáy tửng tửng mơ màng ngất ngư nửa say nửa tỉnh. Cái trống chầu với roi chầu của khách sành điệu. Nghe hát, tiếng trống thay lời, thưởng thức chỗ hay, nhắc nhở chỗ kém, tiếng trống chầu hoà vui, lẳng lơ tình tự, tâm sự...

Các làng quanh Hà Nội còn những họ, chi họ có nghề hát ả đào mà các bà các chị học truyền khẩu đời này qua đời khác. Nghề cô đầu ở Lỗ Khê - Đông Anh, ở Phú Đô - Từ Liêm, ở Thanh Thần - Thanh Oai, ở Quế Quyển - Kim Bảng. Hát ả đào cũng tương tự ngày trước, những tay tuồng, chèo, liền anh liền chị quan họ khi nông nhàn được chạ mời, thế là họp phường gồng gánh đi hội các làng. Hát ả đào không nghiệp dư mấy như thế, có tính nhà nghề hơn, đã thành nghề trong nữ giới cả xóm, cả họ. Nhưng sau này, nhà trò hát đám không đâu còn, chỉ có đôi nơi hát thờ - hát cửa đình, và cô đầu hát ở nhà hát là đông nhất.

Đầu thế kỷ, ở Hà Nội, phố Hàng Giấy phố có nhà hát ả đào. Các cụ nhà nho đến phố Hàng Giấy nghe hát, đánh trống cầm chầu. Bài hát hay, bài hát thù tạc các cụ làm rồi đưa cho ả đào hát có thưởng tiền. Nguyễn Tuân đã kể thời ông khoảng mười tuổi, đôi khi được theo thân sinh là cụ tú Hải Văn đến nhà hát ả đào phố Hàng Giấy.

Người phong lưu, thú chơi tao nhã, với bao tâm tư gửi vào đấy. Như bài hát ả đào "Phỗng đá" của Nguyễn Khuyến: "Cuộc tỉnh say say tỉnh một vài câu. Nên chăng, đá cũng gật đầu".

Khi tôi vào tuổi thanh niên thì thú chơi này vẫn còn câu hát tiếng đàn có thể như xưa, nhưng rồi sau thêm món rượu ôm, cô đào rượu không biết hát thì ve vuốt khách như bia ôm. Bấy giờ, nhà hát đã rải khắp thành phố, mỗi vùng một đặc điểm theo khách chơi.

Các nhà hát ả đào phố Hàng Giấy đã dọn cả xuống Khâm Thiên. Được tiếng nơi ăn chơi phong lưu nhất Hà Nội, chỉ ở phố Khâm Thiên mới nổi lên những đào hát tài danh: đào Mộng Hoàn, Chu Thị Năm, Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc (bà Phúc mới mất mươi năm nay, bà Hồ đã trên tám mươi tuổi bị bệnh liệt). Không phải phố Khâm Thiên rặt nhà hát ả đào như có người tưởng, nhà hát chỉ lác đác, phần nhiều nhà có gác, còn hàng phố rải rác lò may, hàng gạo và hiệu ăn.

Tối tối, cô đào với túi phách, anh kép xách đàn, có tối hát một nhà, có khi hát nhận tiền bài chạy nhà này nhà khác, như ca sĩ "hát sô" các nhà hàng và tiệm nhảy bây giờ. Đào hát là người hành nghề tử tế, nếu cô đào hát mà nhân ngãi nhân tình hay nên duyên chồng vợ với ai là đời riêng của người ta.

Mỗi nhà hát nuôi cả chục cô đào rượu. Phần đông gái trong làng ra lạc bước vào đây. Son phấn bôi bệch bạc, áo hồng áo tím hở sườn, chân dép guốc nhưng gót còn nứt nẻ miếng.

Lên đèn rồi, khi nhà hát có khách vào hát thì cô đào rượu ra khép cửa. Mỗi quan viên được bà chủ chứa khéo ghép với một cô đào rượu. Việc của cô đào rượu ấy là: trò chuyện, quạt mát (còn hiếm quạt máy), ngồi mâm ăn rỗ mồi, hầu rượu, giải chiếu mắc màn và nằm với khách, nếu khách ở lại qua đêm.

Các nhà hát mà thêm đào rượu cũng do người đi chơi. Khi đó đi chơi nhiều và tạp, không còn thú thanh tao. Trước kia chỉ có khách thạo chơi, bây giờ khách đông mà đủ loại, nhiều người không biết đánh trống chầu. Tôi cũng chưa cầm roi chầu bao giờ. Chỉ toàn đi theo hát "che tàn". Nhà hát có khách, khép cửa lại, quan viên chẳng trống phách gì, đợi thức nhắm về, đánh chén, rượu quay thìa vừa ngả ngốn với đào rượu vừa nghe cô đầu ngâm mấy câu Kiều lẩy, bài sa mạc, rồi sai mắc màn đi ngủ.

Nhà hát phố Khâm Thiên đài các và tiền khách chi mỗi tối đắt hơn mọi nơi. Các nhà hát ở Hăm bốn gian - cuối phố Huế, ở Vạn Thái trước chợ Mơ, ở ấp Thái Hà và Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở khách lui tới là mấy ông nhà buôn, công chức, tư chức loại vừa, loại xoàng. Các nhà hát biên thùy bên Thượng Cát, Gia Quất, chỗ Cầu Giấy, Mả Ông Năm phủ Hoài Đức, ở Ba La Bông Đỏ gần cầu Đơ chẳng khác những hàng cơm chứa trọ của các chánh lý ra phủ huyện có việc quan. Thế nhưng, cái hôm Vũ Trọng Phụng mất, đêm ấy Nguyễn Tuân và mấy bạn lại sang ngả bàn đèn suốt sáng hút ở nhà hát bên Thượng Cát, sớm hôm sau các ông qua cầu Bồ Đề về Ngã Tư Sở đi đưa đám bạn. Cái đêm ngã vào cô đầu nhà quê ấy Nguyễn Tuân có viết lại trong bài ký Khóc Vũ Trọng Phụng ở tạp chí Tao đàn. Không hiểu tại sao các ông hút thuốc khóc bạn lạc bước sang tận đấy, buồn quá hay là hết tiền. Bởi vì sáng ra dong từ Thượng Cát về chắc hẳn quốc bộ thôi.

Nhà cô đầu trên bến Chèm thì vách đất, mái tranh. Tiếng trống chầu gõ nghe bộp bộp như tiếng dao chặt thịt gà. Các lái đường ngược xuôi sông Hồng về cắm bè nứa lá, củ nâu, bè gỗ, bè gió ở bên ấy. Đợi mối trong phố ra ăn hàng, ông khách lái lên bờ tìm thú vui.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro