66. Con chó đá

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chẳng biết từ bao giờ, ở chỗ đường cái vào, áp vách đầu nhà tôi, có con chó đá. Thoạt nhìn không biết, rồi đoán mới ra, bởi nó chỉ là mẩu đá bằng hòn gạch. Nếu không có mấy nét đẽo đá vạc xuống thành hình cái mõm, hai vệt con mắt và cái hàm, nhác trông tưởng hòn gạch mộc được chôn ngập một nửa xuống đất đánh dấu cái chốt kê chiếc ngõng mắc tơ hồ biên cuốn cửi thường ngày mỗi khi nhà có cửi.

Đấy là con chó đá canh cổng, nhiều nhà có. Chó đá canh cổng trông quen mắt như cái bình vôi treo ở đám rễ si, rễ đa. Chỉ khác con chó đá nhà tôi bé tí teo, còn bên cổng đình, cổng chùa thì con chó đá lừng lững cao to bằng chó thật. Chân đứng trước, hai chân sau ngồi trên bệ như chó sắp nhổm lên sủa người lạ vào nhà.

Ở chỗ thờ cúng, thế mà trẻ con nghịch thi nhau cứ xoa đầu chó rồi doạng chân ra cưỡi chó. Chúng nó chẳng biết con chó đá là thần canh cửa nơi miếu mạo và cổng ngõ các nhà có của. Bắt chước nhau, lắm nhà méo mặt chạy ăn từng bữa cũng đẽo con chó đá đêm về chôn bên cổng tán. Ý chừng ao ước rồi cũng có ngày biết mặt đồng tiền nên rước sẵn chó đá về ngồi ấm chỗ canh cửa, đón tài, đón lộc.

Nhà tôi ngủ đêm không đóng chốt cổng ngoài, thế mà bà tôi cũng bê về con chó đá cạnh vách, chắc là vì tích hóng của ấy. Mỗi chiều rằm, mùng một bà lấy chiếc bát đàn múc trong vại bên gốc cau ra bát nước mưa, một lá trầu không quệt sẵn vôi và miếng cau khô, một nén hương, đem đặt trước mõm chó đá. Bà chắp tay, khấn lâm râm rồi vái mấy vái. Cũng con chó đá bên cổng xây nhà ông hộ Nghĩa trong xóm thì tuần rằm được hai nén hương, một miếng thịt lợn sống đặt trong cái đĩa sứ, một cút rượu mở sẵn nút. Nhà có nhà nghèo đều khói hương những ngày tết nhất mời ông thần khuyển về "thượng hưởng", nhưng chó nhà khó thì ngửi hơi nước lã, chó nhà có máu mặt mới được cúng rượu thịt thật.

Con chó đá nhà tôi chỉ được bát nước lã, mà tôi không dám xem thường đâu. Tôi không báng bổ, nhưng cũng không thấy chó đá thì thiêng và đáng hãi như ông hộ pháp trên chùa, như Quan Ngài hiển thánh trên sân khấu ngoài rạp Quảng Lạc. Bởi vì chó đá ngồi đấy, cạnh chỗ chúng tôi xúm xít chơi đánh đáo, người qua lại bước trên đầu, chẳng ai đoái hoài. Đồng xu cái ở đám đánh đáo văng ra rơi coong vào đầu chó. Có đứa mỏi chân, ngồi xổm lên đầu chó như với mẩu gỗ kê đít. Đứa nọ kêu choe chóe: "Phải tội đấy! Phải tội!" Thằng kia vẫn ngồi, nghếch mặt lên nheo mắt cười.

Ấy thế mà một năm mất mùa kia, con chó đá cũng không được ngồi yên. Không phải năm ấy lại vỡ đê Hoàng Mạc, Liên Mạc, nước đồng sắp ập vào cuốn đi con chó đá. Mà suýt nữa con chó bị đào trộm. Ông ngoại tôi thường thức giấc từ gà gáy. Nghe tiếng chân thình thịch ngoài vách. Ông tôi lăm lăm trong tay cái rõi cổng. Ông tôi nện một phát vào bờ rào găng. Huỵch một cái, có bóng người chạy vụt đi. Ông tôi thọc đầu gậy, đụng vào con chó đá lăn lóc đấy. Thằng trộm đói đã vứt con chó đá lại.

Rồi năm ấy đã kém đói, lại áp Tết. Hình như năm nào đói thì trời cũng rét hơn mọi năm, rét cắt ruột. Ông tôi mất rồi, đã táng mả năm ngoái. Nhà càng vắng hơn. Ngoài đường cuối năm thật hiu quạnh. Nhưng chẳng hôm nào không có đám tán loạn chửi đánh nhau. Cãi nhau qua bờ rào. Cãi nhau trong nhà. Vì đòi nợ, vì bị trộm, mất con gà, luống rau cải bị nhổ đã ra đại sự rồi. Lấy quẩn của nhau, sểnh một cái thì xâu đồng bạc thiếu vài xu, cái thắt lưng, cái lược bí vừa để đấy đã không cánh mà bay. Thế là nghi nghi hoặc hoặc, đám gà què lại ầm lên.

Dì Bảy cắp cái rổ ra ngõ. Dì Bảy đứng lại trước con chó đá, đặt rổ xuống. Dì cúi mặt, nhìn lét vào nhà, nhưng không trông thấy tôi đứng trong vách. Hai tay dì túm đầu con chó đá, lay mấy cái rồi bê lên, vụn đất lả tả. Dì bỏ con chó đá vào rổ, con chó lọt thỏm giữa cái vỉ buồm đậy trên. Dì lại trông trước trông sau, toan bước ra cổng. Bỗng trông thấy tôi đã ra ngoài sân. Dì hỏi:

– Thằng cu đứng làm gì đấy? Tôi hỏi lại:

– Dì mang con chó đá đi đâu?

– Tao đem bán. Trên chợ, có người mua. Tôi bảo:

– Bà mà biết thì dì chết. Dì tôi chép miệng:

– Ôi dà, hòn đá chứ cái quái gì. Để hòn đá sống cho người chết đói nhăn răng à? Mày có muốn sang Bắc Bỏi làm con nuôi ngày nào cũng được ăn cơm no thì mai tao quảy mày đi bán nhé?

Nói vậy, nhưng rồi dì Bảy ghé tai tôi:

– Không được mách bà. Bép xép thì chết với tao. Nhớ đấy!

Dì tôi cắp cái rổ quay đi. Vừa hay, bà tôi ở đâu về. Chẳng nói chẳng rằng, bà tôi lật cái vỉ buồm trong rổ lên. Bà tôi kêu to tướng:

– Ôi giời ôi! Lạy thánh mớ bái... lạy thánh mớ bái... mày đem đi... Dì tôi nói dửng dưng:

– Đem đi bán. Trên chợ người ta còn bán ối trẻ con đấy. Bà tôi giãy nảy hai chân, nước mắt đổ ròng ròng.

–           Thế này thì giời đánh thánh vật mày, mày... Thằng cu vào lấy con dao phay ra đây.

Tôi đem con dao trong chạn bát ra. Hai tay bà tôi bưng con chó đá trong rổ lên rồi ngồi xệp váy xuống đất, chắp hai tay "Lạy thánh mớ bái... con dại cái mang, lạy thánh đánh chữ đại xá cho...". Bà tôi đâm sục mũi dao xuống cái hố chỗ con chó đá vẫn ngồi, hắt đất lên, run rẩy đặt con chó đá xuống, lèn đất quanh, nện chắc lại như cũ. Mõm con chó đá vẫn tây ngây như mọi khi. Dì Bảy tôi đã tong tả bỏ đi từ lúc nào.

Bà hỏi tôi:

–            Sao thằng cu không đi tìm bà? Cái con giời đánh thánh vật ấy mà bán mất ông chó này thì rồi ông ấy vật chết cả nhà đấy, con ạ.

–           Dì bảo rồi dì về quảy cháu đem bán sang Bắc Bỏi.

–           Ối giời ơi, giời chu đất diệt cái quân độc mồm!

Cái rổ, cái vỉ buồm vẫn quăng đấy. Bà tôi vào vại múc một bát nước. Không có hương, không có trầu không, bà tôi đặt bát nước lã rồi đứng khấn lầm rầm. Phải trận hút chết mà thần chó đá nhận lễ tạ cũng chỉ có bát nước mưa thanh khiết.

Con chó đá lại ngồi chỗ ấy như mọi khi, hai chân trước đứng thẳng. Bao nhiêu năm sau đi tản cư đến năm ấy về thì nhà chẳng còn cái bức vách. Cũng không thấy con chó đá đâu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro