Phần ba: Một trận đòn oan

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


     Thời gian qua đi, bài vở mỗi ngày một nhiều thêm. Nguyên chăm chỉ học tập như một chú ong thợ cần mẫn làm việc giữa một vườn hoa nở rực, thơm ngát. Vườn hoa của Nguyên là những môn học, những kiến thức mới mẻ và hấp dẫn mà nó được tiếp thu mỗi ngày. Nó bỏ quên đâu đó cảm giác biết rung động trước một câu con trai, quên những lần va chạm bằng ánh mắt, quên cả những lần quan sát đôi mi cong dài của ai kia.


      Quốc cũng quên béng vụ mảnh giấy, những tiết học ngủ gật và sự nghịch ngợm vẫn cứ tiếp diễn ngày qua ngày.

     Một chiều, cả lớp đang đứng ở khu thể thao của trường, Nguyên ngồi xuống lúi húi mang vớ, xỏ giày để chuẩn bị đến lượt ra sân bóng chuyền cùng với tổ hai của nó. Bỗng thằng Quân "màu mè" từ đâu lao đến. Nó dúi vội vào cặp Nguyên một cái bọc màu đen, rồi lí nhí ghé vào tai Nguyên nói, giọng sợ hãi:

     - "Chó ghẻ", giấu hộ tao cái này. Ông thầy Nhân sắp đến đấy!

     Nguyên ngơ ngác, ngước ánh mắt khó hiểu bị che khuất dưới chiếc nón kết màu đen lên nhìn. Quân đã chạy biến đi, hòa lẫn vào đám đông con trai đang tụ tập gần đấy. Cái thằng này, đã nhờ vả rồi còn không chịu gọi tên Nguyên cho tử tế. Mà bọc đen ấy là cái gì, sao khiến nó phải hoảng sợ tột độ như vậy? Nguyên ra chiều thắc mắc, nhưng không định mở ra xem. Đồ đạc được gói trong bọc đen thế này, hẳn là không muốn cho ai thấy. Khu thể thao thì đông người, ngoài lớp 9A còn có ba lớp khối mười một đang đánh cầu lông bên kia. Phải giấu diếm kiểu đó, chắc chắc là đồ bị cấm sử dụng trong trường rồi. Đồ của bọn con trai, chúng đưa Nguyên giữ làm gì? Bao nhiêu câu hỏi cứ bám víu lấy tâm trí Nguyên như đang muốn yêu cầu nhận được câu trả lời rõ ràng. Nguyên trước giờ chỉ khắt khe với bọn bạn trong việc học. Phần vì muốn làm tròn bổn phận của một lớp phó học tập. Phần còn lại, nó mong các bạn cùng lớp học hành chăm chỉ và nghiêm túc, để cuối năm chẳng đứa nào vác cái mặt méo mó khi nhận được kết quả học tập. Nguyên ít nói nhưng không quá trầm tính, nó vẫn tham gia đầy đủ các hoạt động vui chơi của cả lớp, thậm chí còn hưởng ứng nhiệt tình. 9A là một lớp đoàn kết. Đúng như người ta vẫn hay nói, khi ngồi chung một con thuyền, sự đoàn kết và hợp sức mang lại kết quả cho cả một đoàn người ngồi trên nó chứ không riêng một cá thể nào. Lớp Nguyên về khoản học hành có hơi kém thật, nhưng trong những ngày hội thi đua do nhà trường tổ chức, chẳng lần nào không có giải. Giải nhất bóng đá khối cấp hai, giải ba cắm hoa, giải triển vọng cho tiết mục tài năng, giải nhì phần thi thiết kế trang phục dân tộc bằng các vật dụng từ thiên nhiên...Nguyên hạnh phúc khi được học cùng một lớp với những con người như thế. Cái biệt danh "chó ghẻ" mà chúng gán cho Nguyên, thực ra cũng chẳng có sự ghét bỏ hay xa lánh gì cả. Cái tên ấy như đánh dấu cột mốc đáng nhớ cho những việc đã từng diễn ra. Dẫu vì bất kỳ lí do gì và với cái tên gì, Nguyên đều tin rằng, mọi thành viên trong lớp đều yêu thương và quý mến lẫn nhau. Ngôi trường giờ đây biến thành ngôi nhà chung cho tất cả, thầy cô là cha mẹ, và bạn bè chẳng khác gì anh chị em một nhà. Yêu thương nhau cũng là điều dễ hiểu.

     Nguyên đưa tay siết mạnh dây giày, chỉnh cho ngay ngắn lại, đứng phắt dậy gọi Quỳnh "còi". Nó không quên kéo dây khóa cặp cho cẩn thận kẻo lộ cái bọc đen bí hiểm ấy ra ngoài. Quỳnh là bạn thân của Nguyên, người còi như học sinh lớp sáu mặc dù ăn uống rất tợn. Quỳnh đang ở căn-tin mua hai phần fast food kèm hai cốc co-ca cho cả hai đứa. Nghe tiếng Nguyên gọi, Quỳnh ở phía xa đưa tay ra ám hiệu đợi nó một lát. Nguyên định theo vào căn-tin, nhưng thầy Nhân đã đứng sau nó từ bao giờ. Với khuôn mặt nghiêm nghị, hai tay để phía sau mông chụm lại với nhau cùng chiếc roi mây. Roi mây ở trường nhiều lắm, hầu như mỗi thầy giám thị đều có một chiếc. Mỗi chiếc to nhỏ, dài ngắn khác nhau, Nguyên đếm được tương đối bảy cái, còn cả một đống dự phòng được dựng ngay góc nhà bếp trong khu ăn uống. Biết có chuyện chẳng lành nhưng Nguyên vẫn bình tĩnh chào:

     - Con chào thầy. (Ở các trường học miền Nam, học sinh thường xưng "con" thay vì xưng "em.")

     - Nguyên, con có điều gì giấu thầy không đấy?

     Thầy Nhân chậm rãi hỏi dò.

     Nguyên biết thầy đang hỏi về cái bọc đen kia. Ông thầy này được mệnh danh là "chó trinh sát" trong trường vì đánh hơi cực giỏi những tội lỗi của bọn học sinh nội trú. Đứa nào cũng khiếp xanh mặt mỗi lúc phạm lỗi. Trong trường, những lỗi của học sinh đa phần đều bị phạt bằng roi, hiếm hoi lắm mới thấy bị lập biên bản hoặc mời phụ huynh. Cha mẹ ở nhà giáo dục một đứa con thôi đã khổ lên bờ xuống ruộng. Còn các giám thị ở đây phải quản lí đến vài trăm học sinh. Toàn những thành phần quỷ sứ, lì lợm, ngang bướng. Dùng bất kỳ ngôn từ nào cũng chẳng diễn tả nổi sự khó bảo của chúng. Bảo ban, nhắc nhở nhẹ nhàng dường như là một chuyện xa vời, chúng chẳng hề mang lại hiệu quả như mong muốn bằng những lời dọa nạt và mấy cái roi. Ngoài biệt danh là "chó trinh sát", thầy Nhân còn được chúng gọi bằng một cái tên khác - "thánh roi." Chiếc roi của thầy chỉ to bằng ngón tay út, được quấn chặt bằng băng keo đen phía ngoài. Nguyên ngày mới vào trường cũng ngơ ngác chẳng hiểu vì sao thầy ấy phải làm thế. Những thứ lần đầu được thấy, đối với ai chẳng lạ lẫm. Nhiều lần chứng kiến cảnh các học sinh khác bị đánh, Nguyên hiểu ra, thầy dán băng keo để chiếc roi không bị nát, không bị gãy, không bị tách ra làm đôi ba phần vì sử dựng quá nhiều.

     Nguyên liếc nhìn chiếc cặp da nâu của nó ở ghế đá rồi bối rối nhìn thầy Nhân:

     - Con chẳng giấu gì cả!

     Lúc ấy, cả đám lớp nó đã ùa lại, vây quanh hai thầy trò, xì xào, bàn tán không hiểu gì cả. Chỉ có Quân cùng một vài tên con trai khác là hiểu đầu đuôi ngọn ngành. Chúng nhìn Nguyên với con mắt nửa ái ngại nửa lo sợ. Nguyên mà khai ra chủ nhân cái bọc đen ấy là đứa nào, không chỉ Quân mà nhiều tên khác phen này phải lãnh cả trận "mưa roi" không chừng. Nguyên vẫn đứng thẳng, tỏ ý không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Quốc chiều nay bị sốt siêu vi, đang nằm truyền nước ở phòng y tế, nên không có mặt lúc ấy. Có tiếng thì thầm to nhỏ trong đám con gái, chúng không biết Nguyên phạm phải lỗi gì. Nguyên xưa nay tiếng chăm học, không để phật ý các thầy cô bao giờ. Vậy mà thầy Nhân đến tìm nó với chiếc roi cứ lăm le thế kia. Lạ thật!

     Thầy Nhân im lặng như chờ đợi sự thành thật của Nguyên, như cho Nguyên một cơ hội để chuộc lại lỗi lầm sau câu nói dối kia.

     

Nhưng không.

     Không có sự thành thật nào được lên tiếng.

     Khuôn mặt thầy Nhân bỗng chốc đanh lại, trở nên giận dữ và trông vô cùng đáng sợ. Vừa lúc ấy Quỳnh đã mua xong đồ ăn, từ căng-tin trở ra. Nhìn lớp đứng tụm lại thành một vòng tròn, nó hớt hải chạy đến xem có chuyện gì. Thấy Quỳnh, thầy Nhân gọi:

     - Quỳnh mang cặp sách của Nguyên ra đây cho thầy!

     Quỳnh "còi" ngáo ngơ, trông mặt nó lúc ấy đáng thương đến tội nghiệp. Quỳnh lo cho Nguyên nhưng vẫn nghe lời thầy tiến lại ghế đá, mang cặp của Nguyên đưa cho thầy. Thầy Nhân kẹp chiếc roi "siêu nhân đen" vào nách, mở khóa lôi ra từ bên trong cặp một cái bọc màu đen vứt phịch xuống nền sân. Những đồ vật từ trong bọc đen văng ra, bốn gói thuốc lá ba số năm, hai gói Dunhil, và cả một chiếc hộp hơi dẹp hình chữ nhật màu vàng sáng loáng bị bật tung nắp rơi ra năm điếu "xì-gà" màu nâu đậm. Nguyên choáng váng. Những suy đoán ban đầu của nó là đúng. Học sinh bị cấm hút thuốc lá trong trường là điều không thể chối cãi. Mà bọn con trai lớp nó cũng chỉ mười lăm, mười sáu, có đứa mười bảy tuổi là cùng. Chưa gì đã tập tành cái thói hư thân mất nết này rồi. Mặt Nguyên cúi gằm xuống. Bọn con gái há hốc mồm kinh ngạc. Nhưng chắc chắn chẳng ai tin những thứ đó là của Nguyên. Không một tiếng động nào phát ra từ đám con trai. Nguyên cảm tưởng kể cả việc hít thở ngay lúc này cũng bị chúng nén lại vì quá sợ.

     - Những thứ này của ai?

Câu hỏi không chỉ dành cho Nguyên mà cho tất thảy những ai đang có mặt. Nguyên không trả lời, sự im lặng bao trùm khắp bốn bề.

     - Tôi hỏi của aiiiiii?

     Thấy Nhân nhắc lại, kéo dài chữ cuối cùng như muốn nhấn mạnh, thêm một lần nữa kiên nhẫn chờ đợi sự dũng cảm của thủ phạm.

     Những tiếng khàn đục xen lẫn sự tức giận đỉnh điểm của thầy Nhân khiến tất cả đám học trò đứng khép nép với nhau. Thằng Quân khiếp đảm, mặt mày tái mét, nó đưa tay lên ngực trái như muốn lấp liếm cho quả tim nhỏ đang run lên. Vẫn chẳng có sự dũng cảm nào được thể hiện.

     - Nguyên theo tôi về phòng kỷ luật!

     Câu nói lạnh lùng và ánh mắt hiện rõ những đường mạch máu đỏ tươi như gạch nung của thầy Nhân để lại sau những bước đi nhanh thoăn thoắt của thầy.

     Nguyên lẽo đẽo đi theo. Quỳnh chạy lại, níu lấy tay Nguyên dồn dập hỏi:

     - Có chuyện gì vậy? Sao trong cặp mày có thuốc lá? Không phải của mày đúng không?

     Nguyên im lặng, sự lì lợm hiện diện trên khuôn mặt nó không hề bị biến đổi. Điều Nguyên đang phân vân lúc này là có nên để sự thật được phơi bày hay không? Mình mà khai ra, kiểu gì thằng Quân, hay thêm một vài thằng khác nữa nhừ đòn đợt này. Bị đánh cũng đáng, lỗi của chúng cơ mà. Việc gì phải chịu tội thay chúng vì một cái lỗi to đùng như thế! Nhưng như vậy thì ác quá. Lỡ đâu chúng không những bị đánh, mà bị đuổi học thì sao? Nó chẳng muốn điều ấy xảy ra.

     Còn im lặng. Mình có bị ăn đòn không? Xưa nay đã bao giờ mình nếm thử cái hương vị "ngọt ngào trào máu" của chiếc roi mây hôn lên cặp mông mình đâu. Đau là cái chắc. Thậm chí còn rất đau, bọn con trai bị đánh có khi còn rơm rớm nước mắt cơ mà...

     Sự việc động trời này làm tan tành cả một buổi học thể dục chiều thứ bảy hôm ấy...


     Phòng kỉ luật...

     Nguyên bước vào, thầy Nhân đã đứng sẵn ở đấy. Đám 9A lố nhố đứng nhìn ngoài cửa. Thầy gõ đầu chiếc roi mây lên cái bàn dài màu nâu sẫm, ra hiệu cho Nguyên nằm lên. Chiếc bàn ấy chẳng bao giờ thấy ai ngồi học, nó chỉ có một công dụng duy nhất là để cho những học sinh vi phạm nội quy nằm chịu đòn!!!

     Hiểu ý, Nguyên không chút sợ hãi, trèo lên bàn nằm sấp lại.

     - Thầy hỏi con lần cuối, thuốc lá của ai?

     Nguyên dựa cằm lên hai bàn tay để úp trên bàn, chân duỗi thẳng, mắt nhắm nghiền. Sự lì lợm và thương xót cho đám con trai khiến đôi môi nó mím chặt, không thốt ra một lời.

     - Vút! Vút! Vút! Vút!

     Tiếng roi mây hoạt động nhịp nhàng và liên hồi đáp xuống. Đám con gái la ó. Quỳnh bật khóc quay người lại về phía đám bạn:

     - Chúng mày đứa nào là thủ phạm khai nhanh, để nó bị đánh oan thế kia hả? Các gương mặt nhớn nhác nhìn nhau, cả vô tội lẫn có tội. Một vài đứa con gái hùa theo trách móc:

     - Con trai gì mà hèn quá!

     Nguyên thấy tai mình ù đi, một cảm giác bỏng rát ở mông lan tỏa khắp cơ thể. Nó không nhúc nhích, mắt rưng rưng nước toan trào ra ở hốc mắt nhưng Nguyên kiên định không để một giọt nào rớt xuống. Tiếng roi "vút, vút" đã ngưng. Vậy mà cảm giác đau thấu trời ấy vẫn chưa dứt. Nguyên từng bị ba mẹ đánh, nhưng không giống cảm giác lúc này chút nào. Một từ "đau" thôi làm sao diễn tả hết.

     - Bao nhiêu roi rồi mấy đứa?

     Thầy Nhân hỏi cả đám.

     Có tiếng rất nhỏ trong đám trả lời:

     - Bốn! 

     Nguyên thấy oan ức. Chính sự ngoan cố đã đẩy nó vào cảm giác ấy. Khai ra là xong chuyện, tại sao phải giấu cơ chứ? Thế này chỉ làm thầy càng giận thêm. Chắc thầy biết thừa không phải nó là chủ nhân, nhưng vẫn đánh vì tội bao che. Cả lúc thằng Nhân chạy đến đưa cái bọc đen cho Nguyên, nó đang đeo khẩu trang. Thầy chỉ ngờ ngợ cái bóng dáng chứ không biết chính xác ai. Thêm nữa, thầy muốn thủ phạm nhìn thấy Nguyên bị oan mà lên tiếng nhận tội. Nhưng bọn nó hèn quá. Hèn cũng đúng. Đắc tội với thầy Nhân là không xong rồi. Nghĩ thế nên Nguyên chẳng thể trách nổi sự hèn nhát của bọn con trai lớp mình.

     - Thầy biết số thuốc lá đó không phải của con. Nhưng thầy đã hỏi rất nhiều lần mà con không chịu khai. Thầy đánh con mười roi vì tội bao che. Như thế là không tốt, là dung túng cho các bạn vi phạm nội quy nhà trường. Thầy thất vọng vì con nữa. Một học sinh gương mẫu như con mà lại phạm phải cái lỗi ấy. Con đủ thông minh để hiểu việc làm sai trái của con đúng không? Nếu hôm nay thầy không đánh con, chắc cả cái lớp 9A này làm loạn lên mất!

     Cơn đau điếng vừa rồi làm Nguyên không còn tâm trí nghe những lời thầy nói. Nhưng con số "mười roi" thì nó nghe rõ mồn một. Mới bốn roi mà nó đã xụi lơ thế này, mười roi thì cặp mông của nó chắc tan ra bã mất. Sáu tiếng vút quất vào mông Nguyên liên tiếp khi Nguyên còn chưa kịp chuẩn bị tinh thần. Nó thấy khó thở nơi lồng ngực. Nằm sấp mới được mười phút thôi, nên đó không phải lý do khiến Nguyên có cảm giác ấy. Vết roi mới chồng vết roi cũ. Ánh mắt nó gắn chặt xuống mặt bàn. Nó không khóc, nhưng vài giọt nóng hổi đã rơi. Rất nhanh, Nguyên đưa tay lau vội, cố không để ai nhìn thấy. Cảm giác hơi ướt ở mông, máu rỉ ra. Thầy Nhân đã bước ra khỏi phòng, đám bạn cũng tản đi phân nửa. Nguyên quá quen với cách sử dụng roi vọt của thầy Nhân. Thầy bao giờ cũng đánh vài roi trước, rồi mới bắt đầu nói lí do vì sao học sinh bị đánh. Sau khi kết luận tội của chúng bị phạt bao nhiêu roi, nếu đã đủ số roi thầy đánh ban đầu thì thôi, còn không thầy lại bất thình lình quất thêm tiếp cho đủ với số hình phạt đã đưa ra. Mà có bao giờ thầy kết luận ngang bằng với số roi bị đánh ban đầu đâu. Tội có nhẹ lắm thì cũng phải ba roi. Đấy là gặp lúc thầy không mấy tức tối. Còn lần này, thầy Nhân tức đến sôi máu còn gì. Thầy bất lực trước sự ngoan cố của Nguyên còn gì. Phải cái đứa nào mau mồm mau miệng, xin khất thầy mấy roi sau kèm theo những lời hứa nhăng hứa cuội rằng sẽ ngoan, sẽ nghe lời, sẽ không tái phạm nữa...Nếu may mắn, số roi khất nợ ấy sẽ đi vào dĩ vãng. Thầy chẳng nhớ, mà trò lại càng muốn quên.

     Nhưng Nguyên thì không, Nguyên lãnh đủ số hình phạt và chẳng hề có lấy một lời xin xỏ. Quỳnh vẫn còn mếu máo, chạy vào đỡ Nguyên xuống. Nguyên cố gắng gượng dậy bước từng bước khó khăn. Gương mặt lì lợm thật là vũ khí đắc lực. Nó che giấu dùm Nguyên sự đau đớn khốn cùng ngay lúc ấy, thản nhiên như chưa hề bị đánh bao giờ. Nguyên bước vài bước rồi dừng lại, cố hít một hơi thật sâu, lấy hết tinh thần và sức lực để đi một cách bình thường nhất như mọi ngày.

     Quốc nằm mê man trong phòng y tế suốt từ rạng sáng đến mãi chiều tối, truyền hết ba bình nước biển. Bàn tay phải chích kim truyền đau ê ẩm, đầu buốt không tả. Trưa nay, chị My - chị ruột của Quốc đã vào thăm, định đưa nó về nhà chị ở quận Bình Thạnh mấy hôm nhưng nó từ chối. Cả cô y tá chuyên phụ trách chăm sóc cho học sinh ở trường cũng cam đoan trong trường đều có đầy đủ thuốc men và các vật dụng cần thiết. Nghe vậy, chị My dặn dò nó, bắt phải dùng hết số trái cây và sữa chị đã đem đến rồi mới yên tâm ra về. Quốc chẳng muốn về nhà chị My. Chị ấy là giáo viên cấp ba, đi dạy cả ngày. Tối lại đi dạy thêm ở trung tâm luyện thi. Mỗi lần về nhà chị My, nó chỉ biết lủi thủi ngồi xem ti vi, chán chết. Ở đây còn có một bầy nặc nô như nó, dại gì mà về nhà.

     17h45, chuông reng báo hiệu giờ ăn cơm chiều.

     Học sinh túa ra từ hai dãy nội trú nam - nữ đổ về khu ăn uống mau chóng ngồi vào những chiếc bàn tròn đã xếp sẵn những khay thức ăn. Quốc thấy đầu đã bớt choáng, người cũng không còn nóng hừng hực như hai hôm trước nữa. Nó mò dậy tiến ra phòng ăn, ngồi vào bàn chung với bọn con trai cùng lớp. Vinh "híp" thấy nó, vỗ vai chào hỏi:

     - Thằng giặc này chán cháo thèm cơm rồi à? Đã khỏe hẳn chưa mà ra đây thế?

     Người Quốc vẫn còn dư âm của trận sốt, làm sao khỏe khoắn như bình thường. Bị Vinh vỗ vai, cơ thể nó mềm oặt như cọng bún chúi đầu về phía trước.

     - Mày không nhẹ tay hơn được à?

     Quốc nhăn nhó. Vinh híp cười hề hề xí xóa.

     -Chiều nay "chó ghẻ" lớp mình bị thầy Nhân đánh mười roi đấy mày!

     Thằng Vinh mách lẻo. Nó là cái loa truyền phát thông tin di động của lớp, chuyện gì cũng bép xép cho được. Nhưng lần này nó đâu có nhiều chuyện. Nguyên bị đánh, cả lớp chứng kiến hết cả, Vinh chỉ thuật lại cho cái thằng "thú" tù mù này thôi, có gì xấu đâu.

Đang nhai dở miếng thịt bò, Quốc nghe thế giật mình hỏi:

     - Nguyên bị đánh á? Tao có thấy nó phạm lỗi gì ghê gớm bao giờ đâu.

     Vinh vẫn cắm cúi ăn, miệng vừa nhóp nhép vừa trả lời:

     - Nó giấu hộ thằng Quân "màu mè" mấy gói thuốc lá của anh em mình. Thầy Nhân bắt được, nó không chịu khai nên bị đánh. Công nhận con "chó ghẻ" trông vậy mà gan lì. Nó thậm chí còn chẳng thèm khóc nữa. Tao hôm trước bị đánh ba roi đã xót quắn cả đít lên. Con Nguyên nó cứ trơ ra như người sắt ý.

     Quốc thả mạnh chiếc nĩa trên tay xuống. Một cảm giác tội lỗi bao trùm lên thân thể vừa mới ốm dậy của nó. Đầu óc choáng hẳn đi. Hai từ "anh em" mà thằng Vinh vừa nhắc đến, bao gồm cả nó trong ấy. Bọn con trai thường chọn mỗi chiều thứ bảy học thể dục để dễ bề hành sự. Ở khu thể thao có một cái cửa sắt nhỏ, thường gọi là cửa sau của trường. Chẳng bao giờ người ta mở cửa cho học sinh đi lối ấy, và hầu như nó được đóng im ỉm. Chỉ mở hai lần mỗi ngày sáng chiều để người giao hàng đưa thực phẩm vào trường, và các cô dọn vệ sinh cũng lựa thời gian đó ra ngoài đổ rác bằng cửa sau. Bốn bề quanh trường đều được bao bọc bởi những bức tường cao hai mét rưỡi sừng sững, phía trên được bọc lưới chắc chắn. Quốc phải thốt lên kinh ngạc ngày mới vào trường bởi cảnh tượng này. Đây là nhà tù chứ trường học cái quái gì. Thằng nào có ý định "trốn tù" thì thách cả bố con nhà nó cũng chẳng thoát ra nổi.

     Phía ngoài cánh cửa có mấy bác xe ôm hay đứng chờ khách trước con đường T5. Quốc là ma mới, chẳng hiểu cái bọn ma cũ lớp nó móc nối thế nào được với một bác xe ôm già, thường nhờ bác mua dùm mấy ổ bánh mì ở cái xe đẩy nhỏ gần đấy. Bánh mì ngon lắm, chúng gọi là "bánh mì cổng sau". Rồi dần dần thành quen, ngoài việc nhờ bác ta mua đồ ăn, bọn nó còn nhờ bác mua được cả thuốc lá nữa. Đó chính là cách mà những thứ bị cấm sử dụng vẫn có thể có mặt trong một môi trường khắc nghiệt này. Mỗi tuần một lần vào chiều thứ bảy đều đặn như thế.

     Quốc cũng hút thuốc. Quốc hút từ khi còn ở nhà, nhưng giấu mọi người. Chuyển vào trường nội trú, Quốc như cá gặp nước. Cả bọn bàn bạc rồi đồng lòng nhất trí thay phiên nhau mỗi đứa một tuần chịu trách nhiệm ra mua thuốc lá. Để che mắt giám thị, chúng lúc nào cũng mua đầy ắp những ổ bánh mì thơm ngậy và đồ ăn vặt, được đựng trong cái bọc đen. Những gói thuốc lá nằm len lỏi trong cái bọc đen ấy.

     Nhưng lần này tại sao bị phát hiện? Thằng Quân "màu mè" cũng lanh lẹ lắm cơ mà. Nó đem sự thắc mắc ấy quay sang hỏi Vinh. Vinh "híp" đã ăn xong dĩa cơm, đang ngồi chén trái chuối bự tổ chảng, vàng ươm một màu.

     - Vì nó tham quá, bình thường thì chỉ mua bốn gói thôi. Hôm nay nó mua hẳn sáu gói với một hộp xì-gà. Mày nghĩ xem, cái đống đồ ăn có che nổi từng ấy gói thuốc không? Vì nhiều quá, không thể giấu ở giữa các ổ mì, nó để chèn dưới góc. Đúng lúc ông thầy Nhân đi qua, nhìn cái bọc đen bất thường. Ổ mì nó dài cơ mà, làm gì có chuyện nó vuông vuông hiện rõ thế kia? Thằng này thì chúa nhát, vừa thấy dáng "chó trinh sát" xuất hiện, mặt nó đã hoảng loạn như cháy nhà, ba chân bốn cẳng chạy như ma đuổi. "Thánh roi" thấy hết, thấy nó giấu cái bọc đen vào cặp sách "Chó ghẻ". Thế là vỡ lở!

     Ra thế. Quốc chưa biết nói gì thêm, thằng Vinh tiếp tục sang sảng:

     - May là Nguyên nó im thin thít, chứ khai ra là chết cả lũ. Giờ này nằm xếp hàng chờ "siêu nhân roi" ghé thăm chứ làm gì có chuyện ngồi đây hốc chuối thế này. Nó khai ra, không những bị đánh, mà đổ bể hết cả kế hoạch, bí mật bị bại lộ. Tao đứng nhìn nó bị đánh mà đau thay!


     Vậy thì Quốc cũng chính là tòng phạm khiến Nguyên bị oan uổng. Nhưng kể cả là nó có mặt ở đấy, chắc gì đã can đảm nhận tội. Không chừng lại bị cả đám con trai tẩy chay vì không biết bảo vệ đồng đội. Quốc từng bị đánh, nó quá hiểu cái cảm giác bị đánh đến rớm máu ấy. Nghĩ lại vẫn còn thấy rùng mình. Lần ấy bị đánh năm roi vì tội chểnh mảng học hành. Năm roi thôi mà cả tuần trời đứng lên ngồi xuống nó còn thấy đau. Huống gì Nguyên bị đánh gấp đôi nó. Nguyên lại là con gái nữa chứ. Chắc chắn nỗi đau không phải là nhân đôi, mà là nhân lên gấp vạn lần vì sự oan khuất mà Nguyên đã hứng chịu thay để bao che cái lũ con trai hèn, trong ấy có cả nó.

     Quốc thấy thương Nguyên quá!

     Nó đưa mắt nhìn sang bàn ăn của bọn con gái cùng lớp tìm Nguyên. Chẳng thấy Nguyên đâu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro