Phần hai: Tình cảm ơi, đừng lớn lên nữa nhé!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Năm phút sau khi Quốc trả lời, mảnh giấy mới được thảy ngược lại về bàn Nguyên. Chẳng hiểu lí do nhưng cảm giác hơi sợ sệt xen lẫn ngại ngùng làm Quốc chần chừ. Hay là thôi, ngó lơ cho qua!

Nhưng Nguyên nó là con gái, nó chẳng ngại mà mở lời bắt chuyện trước, dù cách bắt chuyện có phần hạnh họe, thì sao một thằng con trai như mình phải ngại thay. Cũng chỉ là trả lời một mảnh giấy, đâu phải trực tiếp mặt đối mặt, đâu phải cãi nhau, đâu phải bắt lỗi mình vừa ngủ gật...sợ gì chứ?

Ý nghĩ ấy làm Quốc mạnh dạn trả mảnh giấy về cho chủ nhân đích thực của nó.

Nguyên nhìn cô Vy, xem cô có đang đưa mắt về phía mình không rồi từ tốn mở mảnh giấy ra xem câu trả lời. Chà, hắn ta trả lời thông minh phết! Nguyên nghĩ thầm rồi tủm tỉm cười. Suốt từ lúc quyết định gửi giấy cho Quốc, Nguyên bồn chồn đến khó tả. Chính nó cũng chẳng tìm ra được một lý do chính đáng để giải thích cho việc làm đấy. Nhưng chuyện nó để ý Quốc là có thật. Mỗi lần cắm cúi chép bài, qua kẽ hở giữa những sợi tóc kiểu mái ngố trước trán, Nguyên nhìn thấy lờ mờ hình ảnh Quốc nằm rạp xuống hướng đôi mắt về bàn nó. Nguyên không chắc Quốc có đang nhìn nó không, hay chỉ thuận mắt nhìn ra khoảng không gian phía trước bao gồm cả Nguyên trong ấy. Nó vén mái tóc ngố chấm ngang dưới hàng chân mày lên nhìn lại. Ánh mắt phía bàn đối diện bỗng nhiên cụp xuống, chỉ để Nguyên sững sờ bởi hàng lông mi dài và cong vút chẳng khác nào con gái. Vài lần tương tự diễn ra như thế trong khoảng thời gian một tuần từ khi Quốc chuyển đến lớp. Nguyên chẳng nhớ nổi chính xác là bao nhiêu, nhưng nhiều hơn một lần sự việc ấy diễn ra khiến Nguyên khẳng định chắc nịch, không thể có chuyện ngẫu nhiên được.

"Mày cũng phải nhìn tao, thì mới biết tao nhìn mày chứ, đúng không?" Quốc quả là một tên con trai thông minh và láu cá. Nó biến một câu trả lời thành một câu hỏi khó nhằn, biến mình từ thế bị động sang chủ động, để Nguyên bây giờ trở nên lúng túng lạ thường. Nguyên tạm thời chưa tìm được câu trả lời cao tay hơn, bèn gấp mảnh giấy lại làm tư rồi cất vào hộp bút kèm với sự thích thú về Quốc. Chỉ tiếc rằng, giá như lúc ấy Nguyên gửi cho Quốc mảnh giấy vuông vức, đàng hoàng hơn, như một tờ note màu hồng con thỏ mà nó luôn có sẵn một cục dày chẳng hạn...

Tiếng chuông báo tiết học Ngữ Văn kết thúc!

Ở trường cũ nơi Nguyên học, mọi giờ giấc bắt đầu hay kết thúc đều báo hiệu bằng tiếng trống. Bảy năm học, tiếng trống mòn mỏi và ngân dài đi vào lòng Nguyên như một bài ca quen thuộc. Quen đến nhẵn nhụi, quen đến mức thuộc làu rằng nó bao nhiêu tiếng dùi đánh, tiếng trống trước cách tiếng trống sau bao nhiêu tích tắc, đứng ở đâu nghe vang và rõ nhất...Nguyên đều nhớ cả. Bây giờ đã bắt đầu chuyển sang năm thứ hai học nội trú, số lần nghe chuông nhiều gấp ba lần trong một ngày Nguyên nghe tiếng trống, nhưng Nguyên chẳng thể yêu nổi cái tiếng chuông réo inh tai ấy. Phòng học 9A ở tầng bốn. Ngay góc trần nhà phía bên ngoài cửa lớp lại còn được trang bị thêm một chiếc loa để các tầng phía trên nghe chuông được rõ hơn. Điều đó khiến Nguyên càng khó chịu. Nó nhớ da diết tiếng trống trường ngày ấy, nó yêu tiếng "Tùng! Tùng! Tùng!" đơn sơ, giản dị, yêu như thể tình yêu giữa những con người ruột rà máu mủ; hay đơn giản hơn, một thói quen lặp đi lặp đi suốt chín tháng trong một năm. Và bảy năm cho một thói quen, chắc chẳng ai nỡ lãng quên.

Nhưng hôm nay Nguyên chẳng đủ tâm trí để cau có với tiếng chuông, cũng chẳng vội chạy xuống tận tầng trệt để vào căn-tin mua nước uống giữa giờ giải lao. Nó lặng lẽ cất sách vở môn Văn vào ngăn bàn, mắt lại quay sang bàn ba đối diện, như muốn tìm kiếm một hình ảnh thường thấy lờ mờ qua kẽ tóc, giữa lớp học đang nhốn nháo. Chẳng thấy Quốc đâu.

Hẳn cậu ta đã chạy biến ra hành lang nghịch ngợm chơi trò đuổi bắt với đám đực rựa cùng lớp rồi. Hôm nào mà Nguyên chả thấy Quốc đầm đìa mồ hôi, quần áo xộc xệch. Phần tà áo phía sau bung ra khỏi quần mà trước đó đã được sơ-vin nghiêm chỉnh, còn phần lưng áo thì ướt nhẹp dính sát vào cơ thể, thở hồng hộc như một con bò mộng vừa thi đấu sau những bước chân chạy đuổi, những tiếng la ó ầm ĩ khi kết thúc hai mươi phút ra chơi.

Nguyên thoáng buồn. Từ lúc gửi mảnh giấy lại cho nó, Quốc chả thèm nhìn nó lấy một cái. Quốc không hiểu rằng nó đang để ý Quốc sao? Chẳng có đứa con gái nào lại đi viết giấy trong giờ học chỉ để hỏi một câu ngớ ngẩn ấy. Nếu có, thì cứ đứng trước mặt hỏi công khai minh bạch, ngại ngần đến nỗi nào đâu mà phải viết giấy. Mà Nguyên cũng lạ, để ý cậu ta chỉ vì hai hàng mi đẹp thôi sao? Thế thì lạ quá. Người Nguyên thích trước nhất phải nghiêm túc và tích cực trong học tập, còn Quốc thì...ôi thôi. Nguyên chưa xem qua thành tích học tập năm rồi của Quốc, nhưng nhìn cung cách cậu ta cư xử với việc học, chắc điểm trung bình cuối năm cũng chẳng khá khẩm gì. Nhưng ánh mắt ấy duyên lắm, dường như còn là ánh mắt mắt biết nói. Chúng trong veo màu hổ phách và không gợn chút vẩn đục. Chết thật, chẳng lẽ Nguyên tương tư một người chỉ vì họ có đôi mắt đẹp, có nụ cười ấm áp?

Không đời nào!

Nguyên gạt ngay ý nghĩ ấy ra khỏi đầu. Phim ảnh, báo chí chả thường nhan nhản rêu rao rằng những mối quan hệ nam nữ chung lớp, chung công ty thường mau chóng lụi tàn đấy sao? Lại còn học ở một môi trường khắc nghiệt này, thầy cô, giám thị và quản phòng nghiêm cấm yêu đương nam nữ qua lại với nhau. Mỗi sáng thứ hai và tối thứ tư hàng tuần sinh hoạt nội trú, thầy tổng giám thị chẳng bao giờ quên nhắc điều ấy kèm theo những lời cảnh báo vô cùng đáng sợ. Các cô cậu liệu hồn đấy nhé, cha mẹ bỏ hàng đống tiền ra để vào đây ăn học, chứ không phải yêu đương nhăng nhít rồi lơ là việc chính đâu. Tôi mà phát hiện ra cặp nào, lần đầu sẽ nhắc nhở, bỏ qua. Lần hai còn thì lập biên bản, mời phụ huynh vào làm việc. Mà cha mẹ các em ở xa xôi, nhà có khi ở tít Quy Nhơn, Phú Yên, Cà Mau...bỏ công bỏ việc vào đây chỉ để nghe thầy cô mắng vốn có đáng không? Lần thứ ba để tôi bắt gặp thì xác định rõ một trong hai người của cặp ấy phải chuyển trường khác, hoặc rút hồ sơ về quê mà học đi nhé! Tôi ngày đêm ăn ở, học hành, sinh hoạt cùng các em, đừng nghĩ đến chuyện có thể lén lút qua mặt tôi. Thầy giám thị vừa gằn giọng để nhấn mạnh, vừa cầm chiếc roi mây huơ huơ trước đám học sinh. Đứa nào đứa nấy im thin thít. Cái roi ấy mà quất vào mông thì cả tháng mới hết bầm.

Nguyên nhớ lại khuôn mặt dữ dằn cùng những lời nói đáng sợ ấy mà rùng mình. Nó bỏ quên luôn ý nghĩ sẽ trả lời câu hỏi hóc búa của Quốc bởi những quy định ngặt nghèo trong ngôi trường mà nó đang sống và học tập mỗi ngày. Cảm giác thích một ai đó vào quãng đời học sinh thuần khiết như những giọt ở mạch nước ngầm trong vắt khẽ rỉ ra bên ngoài, rồi len lỏi vào các phiến đá, hòa quyện lại với nhau tạo nên tiếng róc rách vui tai. Nhưng trong lòng Nguyên, nó thoáng lo sợ nhiều hơn vui, tình cảm ấy mà lớn dần lên thật chẳng hay ho gì.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro