Phần một: "Chó ghẻ" gửi thư tay

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"Mày làm gì nhìn tao hoài?" Nguyên viết mấy chữ gọn lỏn trên mảnh giấy xé vội ở cuối vở, vò lại rồi vứt qua dãy bàn bên cạnh. Thấy cục giấy bay sang bàn mình, Vinh quay lại nhìn Nguyên, ánh mắt ngơ ngác như muốn hỏi: "Chủ nhân nó là ai?" Dãy bàn có nó và Quốc, cục giấy được vo tròn lại ngoài việc dễ dàng thảy nó đi xa hơn, còn ám chỉ rằng nó chỉ dành cho duy nhất một đứa nào đó. Chứ nếu muốn giao tiếp với cả nhóm dăm ba đứa trong tiết học, chỉ cần truyền mảnh giấy qua tay từng đứa, để đứa nào cũng đọc được.

Nguyên hất hàm nhìn Vinh:

- Thằng bên cạnh mày ấy!

Vinh cầm cục giấy toan định mở vì thói tò mò, khóe miệng ánh lên một điệu cười ranh ma khiến người khác phải khó chịu. Đôi mắt ti hí như mắt lợn nheo lại, chỉ còn là hai đường đen dưới hàng lông mày thưa thớt. Nguyên nhìn hắn cáu bẳn, cổ họng khẽ rít lên một lời hù dọa:

- Mày thích chết không?

Vinh thôi đùa, đưa tay khều ngay hông sườn Quốc đang ngủ gục trên bàn. Sự va chạm làm Quốc ngẩng đầu lên kèm theo khuôn mặt nhăn nhó. Được ru ngủ bằng giọng điệu thánh thót đang giảng bài của cô Vy, Quốc cảm giác như mỗi giấc ngủ ngắn vào lúc ấy làm nó dễ chịu hơn bao giờ hết. Trên đời này, chỉ có những tiết Văn chán ngấy ấy mới có thể đưa nó chìm vào giấc ngủ nhanh gọn không gì sánh bằng. Tiên sư cái thằng khỉ gió nào dám làm phiền mình, nó chửi thầm, kiểu gì cũng phải cho nó một trận nên thân mới được.

- "Chó ghẻ" gửi mày đấy!

Vinh chìa cục giấy trước mặt Quốc, không quên vứt lại cho nó cái nhin khinh khỉnh rồi tiếp tục hí hoáy chép bài.

"Chó ghẻ" - biệt danh trong lớp của Nguyên. Sau lần cãi tay đôi với thằng Ngân "đít nhọn", cả đám hùa theo gọi Nguyên với cái tên chẳng mấy đẹp đẽ như thế, thậm chí còn có phần gớm ghiếc. Chả là thằng Ngân, con trai mà mồm mép như đàn bà con gái, không chịu thua một cuộc đấu khẩu nào dù cho đối phương của nó là một đứa như Nguyên. Nguyên lỳ lợm, nhưng ít nói. Mỗi đứa trong lớp đều có một biệt danh khác nhau bắt nguồn từ những đặc điểm hình thể, tính cách, hay một sự việc nào đó đã từng xảy ra trong lớp.

Như Trúc "vịt". Trúc chân ngắn, đi sandal chả bao giờ chịu cài quai sau, thêm bước đi mạnh nện xuống sàn. Thành ra cả lớp gọi là Trúc "vịt". Trang "heo". Vì nó mập như heo. Nam "bê đê", Phát "mập", Khanh "thúi", Tú "bom", Mạnh "sịp"... Cả thảy ba mươi hai gương mặt lớp 9A chẳng sót mạng nào.

Dụi mắt cho tỉnh ngủ, Quốc kín đáo cho hai tay vào ngăn bàn mở mảnh giấy đã nhàu nát: "Mày làm gì nhìn tao hoài?"

Quốc thất thần quay sang Nguyên rồi rất nhanh lại liếc xuống mảnh giấy đọc lại thêm lần nữa; như sợ nhìn nhiều hơn một giây, hai ánh mắt từ hai dãy bàn đối diện lại choảng nhau không chừng.

Nó mới chuyển vào lớp Nguyên từ hè năm lớp chín, còn Nguyên đã gắn bó với lớp đã được một năm lớp tám. Ở những trường nội trú trong Sài Gòn, khái niệm nghỉ hè dường như không có. Sau khi kết thúc một năm học, các học sinh chỉ được nghỉ vỏn vẹn nửa tháng, rồi tiếp tục quay trở lại trường bắt đầu chương trình của một lớp cao hơn. Tất nhiên, không một ngôi trường nào bắt buộc học sinh phải học hai tháng hè ấy, nhưng các bậc phụ huynh đưa con vào trường nội trú dù vì bất kì lý do gì cũng đều muốn chúng học đầy đủ các khóa học tại trường.

Nhà Nguyên ở Gia Lai, còn Quốc ở ĐakLak. Hai tỉnh Tây Nguyên hàng xóm với nhau. Quốc tuy mới vào lớp nhưng nhanh chóng trở nên thân quen với mọi người nhờ tính cách vui nhộn và hòa đồng. Cậu ta trắng trẻo, cao, gầy. Nụ cười luôn gây được thiện cảm bởi cái miệng móm để lộ hàm răng hơi lộn xộn. Nhưng chính chiếc răng khểnh mới là điểm nhấn cho nụ cười tỏa nắng của Quốc, trông đáng yêu vô cùng.

Ngoại hình và việc học của Quốc dường như tỉ lệ thuận với nhau về việc tạo nên sự chú ý trong mắt mọi người, nhưng đem so sánh kết quả của hai vấn đề ấy thì khác xa nhau một trời một vực. Nó luôn bị các thầy cô giáo bộ môn nhắc nhở vì thái độ lơ là, lười chép bài và đặc biệt - thích ngủ. Từ đặc điểm ấy mà thằng Ngân liên tưởng đến những con gấu trúc ngủ xuyên suốt vào mùa đông. Nhưng với cái thằng "miệng mồm đàn bà" và thích xỏ xiên người khác như thế, đời nào nó chịu đặt cho Quốc cái biệt danh "gấu" dễ thương. Nó gọi Quốc là "thú". Nguyên nghe còn thấy tởm hơn cả hai từ "chó ghẻ" mà chúng nó cứ í ới gọi mình thay cho cái tên cực kì nữ tính Thảo Nguyên. Sự khó chịu về cái biệt danh mà thằng đàn bà đầu sỏ trong lớp thường đầu têu đã tan biến, chỉ bởi Nguyên thấy nó còn đẹp chán, đẹp hơn "thú". Dù rằng nghe chúng đều "bẩn bựa" như nhau!

Quốc để mặc mảnh giấy, rút hai tay đặt lên quyển sách mở hờ trước mặt, mắt giả vờ dán vào từng dòng chữ trong trang sách làm bộ đang chăm chú đọc, đầu óc mông lung nghĩ ngợi. Quốc nhớ lại, mỗi lúc gặp một tiết học tẻ nhạt, nó đều nằm rạp xuống, áp một bên má vào trang vở kê phía dưới, nhìn sang dãy bàn đối diện. Nguyên và nó đều ngồi bàn thứ ba từ bàn giáo viên đếm xuôi xuống, nhưng hai bàn khác dãy nhau. Cả phòng học có hai dãy ngăn cách nhau bằng lối đi tầm một mét. Nguyên ngồi đầu bàn ba, tức là chỉ cách nó một khoảng trống lối đi, và thằng Vinh. Những tiết Ngữ Văn chẳng bao giờ đánh thức nổi sự hứng thú với Quốc thì đổi lại, Nguyên cực kì say mê nó. Nguyên chú tâm nghe giảng, ghi chép bài vở một cách đầy đủ và tỉ mẩn. Cả những dòng lưu chú ngoài lề bảng, Nguyên cũng viết lại vào mấy tờ note nhỏ xinh hình con thỏ nhiều màu, rồi kẹp lại vào từng trang vở. Không chỉ riêng môn Văn, bất kể môn nào Nguyên cũng áp dụng một phương pháp học nghiêm túc như thế. Quốc biết, vì nhiều lần, các thầy cô thường cầm vở Nguyên dơ cao trước bục giảng khen ngợi và đề nghị cả lớp nên học theo cách làm ấy.

Còn câu hỏi trong mảnh giấy Nguyên gửi, đúng là có lần nhìn sang, nó vô tình va phải ánh mắt Nguyên. Mà có khi nào nó để khoảnh khắc ấy ngưng đọng quá lâu đâu. Nó cụp mắt xuống để hai hàng mi dài như liễu rủ che bớt tầm nhìn, rồi dần dần chìm vào giấc ngủ ngắn.

Một lần. À, không. Hai, ba...hoặc nhiều hơn thế mới phải. Như thế thì Nguyên mới hỏi vì sao nó nhìn Nguyên hoài. Mà kì thực, nó có cố ý quan sát Nguyên đâu cơ chứ. Chỉ là giống như một phản xạ tự nhiên, trước khi ngủ hay nhìn lâu vào một hướng nào đó rồi mới từ từ nhắm mắt lại thôi. Chẳng lẽ Nguyên để ý nó? Hay Nguyên thích nó rồi? Gớm, cái con "chó ghẻ" lì như trâu này, từ ngày vào lớp đến giờ có thèm bắt chuyện với nó đâu. Mà một khi Nguyên mở lời, toàn những câu ra lệnh hách dịch đến bực bội. Ngẫm cũng đúng quá, Nguyên là lớp phó học tập, bọn trong lớp thì trơ trẽn và quậy phá chọc trời, chẳng chịu học hành gì; nếu ăn nói nhẹ nhàng mà có hiệu quả, chắc Nguyên cũng không ngu gì mà hò hét, dọa nạt chúng nó cho khô cổ bỏng họng.

Sau một hồi lan man suy nghĩ, Quốc lôi mảnh giấy trong ngăn bàn ra, đặt bút viết: "Mày cũng phải nhìn tao, thì mới biết tao nhìn mày chứ, đúng không?"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro