Phần 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

[...]

Các mẩu chuyện của học sinh trêu chọc các thầy Giám thị và các thầy giáo Tây thì nhiều lắm, kế hết phải đến mấy tập sách. Chúng tôi kể lại mẩu chuyện trên đây có ý nêu lên một khía cạnh gắn bó của học sinh: họ không tố cáo nhau. Ở Trường Bưởi lúc ấy hình như có cái "giao ước không lời" là anh em không "lập bô" nhau với cấp thống trị thực dân và đám nhân viên dưới quyền họ trong công việc đàn áp học sinh. Họ phân rõ ranh giới: một bên là Giám hiệu, Giám học, Tổng giám thị Tây; một bên là hầu hết học sinh trong trường. Họ tự cho mình là những đứa "thấp cổ bé miệng", những kẻ "bạch diện thư sinh" bị áp bức.

Ngày thường anh em chơi với nhau, họ vẫn cãi nhau, đánh nhau, thậm chí có khi chia bè chia cánh mà đả nhau chí tử. Nhưng khi động đến việc có tính chất đàn áp của bọn "Giám” thì họ lại đoàn kết chống lại. Cố nhiên vẫn có chuyện "mách thầy" kể cả thầy Tây nữa. Thậm chí có cả những "trò gian" nghĩa là những trò làm mật thám, gián điệp như trong tất cả các xã hội bị thống trị, mất tự do. Nhưng ở đây, bọn trò gian không gây tác hại được gì mấy, vì trong cái xã hội "nhất quỷ nhì ma” này bọn chúng dễ bị vạch mặt ngay.

Chúng tôi không nhắc đến các thầy giáo ta, vì hồi ấy cả trường chỉ có hai người, một ông tên là Xuân Mai dạy môn văn dịch Việt ra Pháp và ngược lại, mỗi tuần lễ một giờ. Đây là môn độc nhất của Việt Nam! Thật là ngược đời. Việt văn bị coi như một ngoại ngữ. Một ông là nhà nho dạy chữ Hán. Cũng mỗi tuần một giờ. Cả hai thầy đều là thầy giáo phụ. Đến trường thường đứng ở hành lang hoặc ngồi ở buồng các Giám thị, không bao giờ vào phòng Giáo sư.

Có người hỏi rằng: nhà trường như vậy, Giáo sư như vậy, Hiệu trưởng, Giám học như vậy, tại sao học sinh Trường Bưởi có tiếng là học giỏi, học chăm? Câu trả lời cũng không lạ lắm: trong giai đoạn này và mấy khóa về sau, đại đa số anh em học lấy. Chúng tôi tự học tất cả các môn, nhất là quốc văn. Ví dụ lớp A có nhiều anh thông minh và rất chăm học. Các anh đã sẵn có cái vốn ở cấp tiểu học hoặc sẵn có cái truyền thống của gia đình nên tự học có phần dễ dàng và chóng tấn tới. Các anh thường học văn với các cụ nho, với các người giỏi tiếng Việt và tiếng Pháp. Các anh học toán với sinh viên Trường Công chính, học lý hóa với sinh viên Trường Y duợc (5). Đến lớp họ dạy lẫn nhau. Anh giỏi giúp anh kém. Họ chia ra từng nhóm, thông cảm với nhau. Ngày thường thì học ở lớp trong những giờ không có Giáo sư, có khi học cả trong những giờ có Giáo sư, những ông thầy lười biếng không để ý đến học trò. Ngày chủ nhật họ đến nhà nhau, học hỏi đàm luận. Anh nào nhà chật hẹp thì học ở vườn Bách Thảo, ở bờ Hồ Tây, ở gác chuông Trấn Võ. Họ học say sưa quên cả thời gian và bất chấp cả nắng mưa đói rét. Đây mới thật đúng câu "học thầy không tày học bạn". Họ chuyên về hai môn chính: là toán và văn. Nhiều anh giỏi cả hai môn này. Có những bài văn, bài toán lúc đưa đến thầy chấm, thầy phải ngạc nhiên, cho là học sinh đã "cóp" trong sách. Có anh phản ứng hỏi thầy: "Cóp ở sách nào", thì thầy không trả lời được, về khoa học tự nhiên, nhất là toán, cá biệt có anh giỏi hơn thầy lúc bây giờ.

Pháp văn, họ học với những người giỏi tiếng Pháp ngoài nhà trường. Lúc đó xã hội Việt Nam đã có những người có kiến thức, ngôn ngữ Pháp giỏi hơn nhiều thầy Tây ở Trường Bưởi. Ví dụ ông Nguyễn Văn Tố ở Trường Viễn Đông bác cổ, ông Hàn Thái Dương ở Phủ Thông sứ Bắc Kỳ. Các ông này lại thích dạy học tư, chủ yếu không phải vì tiền, mà vì muốn "dìu dắt con em" để cho bọn Tây biết người "bản xứ" cũng thông minh tài giỏi không kém gì các "quan bảo hộ". Học sinh Trường Bưởi lúc đó có nhiều người giỏi Pháp văn, ví dụ anh Phạm Quang Đẩu đã viết được những bài văn được nhiều người khen ngợi.

Còn về Việt văn là một việc tự học khá đặc biệt. Ở truờng không dạy Việt văn như trên đã nói. Nhưng học sinh rất thích quốc văn. Họ cũng thấy tủi vì nhà trường bỏ rơi môn ấy. Nên anh em tự học và giúp nhau học. Việc này, một anh học sinh trẻ tuổi, người bé nhỏ và rất thông minh là Hồ Trọng Hiếu ở lóp A đã nói đến. Anh Hiếu về sau là Tú Mỡ, nhà thơ trào phúng nổi tiếng, đã tự thuật trong một bài hồi -ký về việc tập làm thơ. Tú Mỡ lúc ấy bé nhất lớp và nghịch nhất lớp, anh em thường gọi là "Hiếu oắt". Anh giỏi cả Việt văn và Pháp văn, chuyên làm những bài trêu ghẹo Giáo sư Tây, đầm và những Giám thị nịnh Tây. Anh đứng đầu một nhóm thích làm thơ đả kích mà anh gọi là "thơ thối" để "đối" với một nhóm làm thơ trữ tình, thơ niêm luật, thơ thời thế mà anh gọi là "thơ thơm" đứng đầu là Hoàng Ngọc Phách. Còn một số nhóm khác thì có cả thối và thơm. Anh em đua nhau học quốc văn rất vui vẻ phấn khởi, suy nghĩ cũng lắm và cười đùa cũng nhiều. Một hôm, thầy Tây không biết tiếng Việt, gọi học sinh Hàn Dụng Cư là "Hàn Rụng Cu" (mọi lần thì ông gọi bằng con số như trên đã nói). Thầy ra khỏi, học trò cười ầm. Anh Hiếu đứng dậy nói to:

- Đó là thầy ra cho chúng ta một vế câu đối. Tôi xin tức cảnh đối với "Đỗ Quẳng Giái".

Anh muốn nói đến tên anh Đỗ Quang Giai, ngồi cạnh anh Cư. Cả lớp lại cười.

Anh Hiếu thường hay trêu ghẹo Giáo sư Tây đầm để làm trò vui cho cả lớp.

Một hôm đương học vẽ với bà Ri-đê (Ridet), vợ một lái súng ở phố Tràng Tiền, anh Hiếu đứng dậy làm vẻ hốt hoảng:

- Thưa bà giáo, chúng tôi sợ lắm!

Bà ngạc nhiên hỏi:

- Sợ cái gì?

- Sợ súng đại bác đương ầm ầm ở phía Tam Đảo vang qua Hồ Tây đến chúng tôi. Ngưòi ta bảo ông Ba Quyến (6) sắp đến Hà Nội.

- Đến thế nào được! Sợ gì? Đã có chúng tôi, quân đội Pháp sẽ chặt cổ chúng đi.

- Chúng tôi vẫn sợ lắm! Hay là bà cho chúng tôi đến nhà bà, mỗi đứa vác một khấu súng mang về đây giữ nhà trường.

Bà có vẻ lúng túng, trả lời:

- Các anh dở hơi lắm! Súng đâu mà cho các anh mượn. Thôi, ngồi xuống vẽ đi, còn nói nữa tôi mách ông Đốc.

Các anh em nhìn nhau mỉm cưòi. Một anh nói: "Hiếu oắt mà to gan thật, dám trêu cả vợ lái súng". Anh Hiếu có làm bốn câu thơ viết lên cái bảng vẽ mà tôi không nhớ. Và anh cũng quên. Cũng là một bài thơ đả kích vui đùa mà thôi.

Nói chung, thơ văn của đa số anh em học sinh hồi đó rất đáng chú ý.

[...]
______

(5) Hai trường y và dược có trước khóa Đại chiến của chúng tôi (NC).
(6) Lương Ngọc Quyến, con trai thứ ba cụ cử Lương Văn Can, nhà nho yêu nước có tiếng. Năm 1917 ông cùng ông Đội cấn khởi nghĩa đánh Pháp ở Thái Nguyên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro