Phần 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

[...]

Trường Bưởi được cái may mắn ở trên bờ Hồ Tây, một thắng cảnh bậc nhất ở Hà Nội. Thêm vào đó lại có những di tích lịch sử chung quanh hồ phối hợp thành một nguồn gợi cảm về cả thiên nhiên lẫn nhân tình thế thái.

Những câu thơ của nguời xưa để lại như tấm gương sáng cho kẻ hậu sinh. Ví dụ những câu:

Lơ thơ khóm trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ.


Câu:

Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn trời.


Câu:

Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.


Câu:

Sương lam phủ đất chim chờ gió
Sóng bạc tung trời cá đón mây.


Thật là hay, vô cùng gợi cảm. Người học sinh Trường Bưởi được ngắm cảnh hồ buổi sáng buổi chiều, nhất là lúc canh khuya trăng sáng và được chơi giỡn trên bờ, hoặc bơi thuyền mặt nước. Họ gắn tâm hồn mình với làn sóng bạc, tự coi mình như những cụ già đã trải bao hưng vong kim cổ. Họ lại liên hệ với cuộc sống hiện tại, với nhân dân làng xóm chung quanh hồ mà man mác lòng thơ.

Có anh nằm trên phòng ngủ của nhà trường, canh khuya nghe tiếng chuông Trấn Võ làm bốn câu thơ:

Canh khuya Trấn Võ, mấy hồi chuông
Theo gió Hồ Tây lọt tới trường
Rền rĩ xa xưa nhường bảo khách
Kìa gương kim cổ cuộc tang thương.

Có anh đương đêm trở dậy ra ngắm hồ, nhớ lại cảnh cũ chuyện xưa làm một bài thơ tức cảnh có câu:

Gió ào, đầu sóng lơ phơ bạc
Trăng ló hình trâu thấp thoáng vàng
Dấu tích ngàn xưa phong cánh ấy
Càng nhìn càng nhớ chuyện Trưng Vương...

Có anh chiều ra ngắm cảnh hồ, thấy mấy chiếc thuyền của khách chơi hồ qua lại, cảm cái thú tự do trên mặt nước ứng khẩu bốn câu:

Hồ trong, gió hiu hiu,
Thuyền ai lững thững chèo
Mặt nước tự do nhí?
Ghé chèo tôi đi theo ...

Có anh viết cả một bài văn xuôi tả "cảm tình đối với phong cảnh Hồ Tây", có những câu:

"... Trong khi đêm khuya cảnh vắng, bầu trời cùng mặt nước long lanh ... thì cảnh hồ có một vé tĩnh mạc âm thầm, hình như hồn tử sĩ, cảnh chiến trường xưa còn vơ vẩn. Ngọn cờ độc lập của Hai bà Trưng hình như gió thổi phất phơ.

"Ôi, mặt hồ phẳng lặng, cây cỏ xanh om, mấy ngàn năm vẫn trơ trơ đó, đã trải bao cuộc thay đổi ở trên bờ, trải bao lúc đồ vương kế bá, cuộc thành bại hưng vong của người trong nước, lúc phơi gan đổ máu với kẻ ngoại xâm; trải bao cái nhục cái vinh của cổ Việt ta đây, mặt hồ kia soi bóng cả ...

"Ôi, anh hùng liệt nữ, tài tử giai nhân, nào đâu đâu cả, mà chỉ thấy non sông một dải bơ phờ, khóc người xưa đà cạn lệ ... "

Có anh sau khi ra trường, đã nhắc lại trong tác phẩm văn học của mình mối tình thắm thiết đối với Hồ Tây trong mấy năm lưu luyến:

"... Tôi nhớ xưa, khi học Trường Bưởi bên cạnh Hồ Tây, chiều chiều tan học, mấy anh em ra đứng bờ hồ, ném thia lia, thả thuyền giấy, cười đùa hớn hở, phong cảnh xem như cũng bỡn cợt với mình. Mà hôm nay vẫn da trời kia, vẫn mặt nước ấy, núi Tam Đảo vẫn lờ mờ đằng xa, chiếc thuyền ván vẫn từ từ qua lại. Thân thế năm xưa ..."

Có anh trong nhóm "thơ thối” thường làm những bài thơ tả các nhân vật giáo Tây và Giám thị mà chúng tôi chỉ nhớ có mấy câu:

TẢ CỤ RÙA

Bâng khuâng tôi nhớ cụ Rùa
Cái cổ thì rụt, cái mu lặc lè ...

VỊNH XU-BA-GIĂNG (Giám thị)

Bọn Xu-ba-giăng có một anh
Mặt sùi da cóc rắn như sành.
Đố ai, ai biết là ai đó?

Quỳnh.

NHẮN CẢ TOE

Này anh béo phị cả Toe ơi
Trông cái thân anh rõ chán đời
Mặt úp mo nang trơ bóng trán,
Mồm loe ống nhổ cặp dài môi
Canh Trường Bảo hộ từ bao thưở?
Gác cửa chuồng tiêu đã mấy đời?
Nhắn bảo đôi lời cho nó biết,
Vừa vừa ngậu xị, nếu không thời...

Thơ văn của anh em học sinh hồi ấy kể ra cũng còn non yếu, vì là bước đầu của những con người mới lững chững trên đường sáng tác văn học, nhưng nó nói lên được lòng hâm mộ quốc văn, tinh thần tự học và luyện tập quốc văn, tức là lòng yêu nước, tự hào dân tộc, chống lại cái dã tâm "đồng hóa" của thực dân. Đó là điều đáng ghi nhớ.

Nói đến "thơ thơm" không thể quên bài thơ "khóc hoa gạo" của một học sinh còn trẻ măng, mà thơ đã khá. Nó liên quan mật thiết với hai dấu tích lưu niệm mà học sinh ai cũng còn nhớ là "Cây gạo bờ hồ" và "Quán bà mẹ".

Ở khoảng đất rộng trên bờ hồ cách trường độ 100 mét, có một cây gạo rất to. Bên gốc cây là một cái quán bán hàng quà: xôi cháo, bánh đúc, bánh đa, hoa quả ... Ở nơi này, sáng cũng như chiều, trước khi vào trường học sinh tụ tập rất đông. Họ ăn sáng, uống nuớc chè, xem lại bài học. Họ cười đùa, kháo nhau những chuyện mới xảy ra trong trường, ngoài phố. Đây là một "phòng thông tin" sinh động và nhiều khi cũng là đại bản doanh cho "ban tham mưu" bàn bạc bí mật những chiến thuật, chiến lược chống các thầy cai và thầy dạy. Nó lại ở vào ngã ba đường Quan Thánh và đê Cổ Ngư, nên cũng là nơi nghỉ chân của khách đi lễ bái đền chùa hoặc quan chiêm thắng cảnh.

Mùa xuân năm ấy hoa gạo nở nhiều lạ thường, đỏ ổì trên cây và rụng đầy mặt đất. Học sinh và khách qua đường đã xéo nát nhừ, nom rất tàn tạ. Mấy anh bạn gọi một “nhà thơ” thơm đến bảo rằng:

- Cảnh đáng thương thế này mà anh không có thơ à? Chàng thơ sao khéo vô tình.

Nhà thơ bình tĩnh trả lời:

- Hoa gạo đây mà.

- Hoa gạo lại cần được nói đến. Hoa gạo "hữu sắc vô hương" vẫn bị coi là hạ đẳng, chịu phận hẩm hiu, lại càng phải được để ý.

Nhà thơ bèn ngồi sệp xuống cỏ, viết vào bìa sách mấy câu:

Chín chục xuân chưa hết
Vội chi bấy hoa ơi?
Cánh đỏ rơi tan tác
Đài xanh rụng tả tơi
Nào ai nhìn khi úa?
Chỉ kẻ chuộng lúc tươi
Cái kiếp hoa là thế
Thương hoa viếng mấy lời.

Thật ra bài thơ cũng chả hay gì lắm. Ý đã cũ mà lời cũng không "tân", nhưng nó gặp lúc hợp cảnh hợp tình nên các bạn khen: hay lắm! hay lắm! Mọi người vỗ tay ồn ào, làm cho bà quán đương bán hàng cũng phải chạy ra ngó xem. Bà chỉ cuời.

Bà quán này được anh em học sinh quý mến và nhớ mãi đến nay. Không ai biết bà quê quán ở đâu, tên họ là gì. Người ta thường gọi là bà Khán. Tiếng "khán" là một chức vị trong làng, không phải là một cái tên. Điều này cũng chả can hệ. Chúng tôi đi học thì đã thấy bà bán hàng trong cái quán ngói (nói là cái ga xe điện thì đúng hơn). Người ta nói bà đến cùng với Trường Bưởi, nghĩa là từ năm 1907. Có một điều ai cũng biết là bà rất tốt với học trò. Bà thường bán chịu cho học trò nghèo, những anh đi bộ hàng 6,7 cây số mà bụng vẫn rỗng không. Bà bán chịu cũng có khi mất, vì ngưòi thôi học bất thường, nhưng không ai định lừa dối bà cả. Bà mù chữ, nhưng thông minh, có tài nhớ đặc biệt. Những anh ăn chịu quà thường hỏi bà số tiền để giả. Bà chỉ cười rồi nhìn lên bức tường là nói đúng số tiền ăn chịu. Thì ra bà ghi tên người nợ và số tiền nợ lên tường bằng một hòn ngói. Bà ghi những dấu hiệu rất thô sơ đơn giản mà chỉ mình bà đọc được thôi. Bà thường góp ý kiến với học trò về việc học hành và nhất là việc cư xử. Ý kiến nôm na nhưng rất thiết thực và thành thực. Học sinh thường gọi bà bằng mẹ, vì tuổi cao và lòng tốt của bà, nhưng cũng vì bà thường đóng vai "bà mẹ" đến trường xin phép cho học sinh lưu trú ra phố chơi hoặc "về nhà có việc". Có ngày chủ nhật, bà xin cho hàng chục đứa con ra chơi. Bà khéo nói thế nào mà không lộ chuyện.

Danh từ quý mến ấy đã phổ biến khắp học trò nên cái quán bán hàng của bà bên gốc cây gạo bờ hồ, anh em đều gọi là "quán bà mẹ". Hồi đó, đến vùng "khóm trúc trăng tà" này, hỏi đến quán bà mẹ, ai cũng biết. Có mấy anh đã làm vè làm ca về bà mẹ mà chúng tôi chưa sưu tập được.

Ở Trường Bưởi, hồi ấy có nhiều bài ca tán dương những việc tốt, đả kích những việc xấu có tính chất đàn áp tư tưởng và hành động tiến bộ của học sinh, ví dụ bài về "nhà ăn", bài ca "buồng tắm", bài về "đi chơi bắt buộc" (7) mà chúng tôi chỉ còn nhớ một ít câu, chưa sưu tập được cả văn bản. Một lý do khá phổ biến là những bài đả kích đó chỉ truyền miệng không viết ra, nên không lưu lại được. Nó cũng như đa số những bài văn thơ yêu nước chống xâm lăng hoặc đả kích cái xã hội thối nát hồi Pháp thuộc.

[...]
______

(7) Đi chơi bắt buộc: Promenade obligatoire. Nguyên là một cách giải trí tốt cho học sinh nội trú. Ngày chủ nhật ở lại trường được ra chơi vưòn Bách Thảo, đền Trấn Võ v.v... về sau đã biến thành một hình phạt tập thể để đàn áp những hành động tập thể của học sinh chống chính quyền nhà trường, như việc "làm reo" cơm. Có lần Giám thị bắt học sinh đi một vòng quanh Hồ Tây. Có anh mệt lả không đi được (NC).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro