Phần 8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

[...]

Trường An-be Xa-rô xây xong năm 1918 ở khu đất rộng, cạnh Phủ toàn quyền. Đây là một truờng trung học Pháp lớn nhất Đông Dương, chuyên dạy các con Tây và một số ít học sinh Việt Nam con cái những nhà lắm tiền nhiều thế. Truờng này chỉ cách trường Bưởi độ 300 mét. Học sinh cũng đi học bằng xe điện.

Mấy thằng ”Tây con” thường rất láo, nhất là mấy thằng Tây lai. Mà tâm lý chúng tôi hồi ấy thì ai cũng giống ai: cứ thấy Tây là ghét. Bọn Tây con lên xe điện lại hay tranh chỗ ngồi. Có khi chúng xô ngã học sinh ta để chiếm lấy chỗ. Đôi khi chúng tỏ ý khinh miệt cả những ông già bà cả đi xe. Một hôm vì chuyện tranh nhau lên xuống, ba học sinh Tây đánh một học sinh ta. Mấy anh em Trường Bưởi xúm lại bảo vệ bạn, nhưng rồi cũng giải tán ngay, cho là một trò trẻ. Hôm sau, mấy học sinh Tây lớn xác đến đón đánh mấy anh em Trường Bưởi. Chúng lại chửi bới láo xược, nên tất cả anh em Trường Bưởi trên xe đều nhảy xuống cạnh đền Trấn Võ, thách chúng xuống đánh nhau. Lúc sắp giáp trận thì trống vào học đã đánh vang, nên anh em phải giải tán và bảo vào mặt chúng rằng: "Chúng bay có giỏi chiều mai tan học đến đây đánh nhau" [15]. Hôm sau, đúng giờ hẹn, hai bên cùng kéo đến. Bên chúng nhiều thằng cầm gậy (baton), quả đấm, có thằng cầm dao găm, có thằng mang búa lớn. Bên ta chỉ dùng thước kẻ, quản bút dài, nhiều anh buộc xu vào khăn mùi-xoa, một vũ khí "vừa đánh vừa đỡ" rất tốt. Cuộc giao chiến kịch liệt làm cho nguồi qua lại đứng xem đầy đường. Có nhiều thanh niên căm phẫn muốn xông vào đánh hộ, nhưng anh em học sinh khước từ, vì muốn để học trò đánh nhau với học trò thôi... Có cụ già kêu to lên rằng: "Các con khéo nhớ! Chúng nó có súng đây!”. Có tiếng trả lời: "Xin các cụ cứ yên tâm, chúng cháu không sợ ... Có súng cũng đánh!" Anh em tấn công hăng quá. Nhiều anh biết võ, bắt gậy, bắt búa, đá. chúng ngã lăn queo. Nhiều thằng bị thương bỏ chạy. Chúng đi gọi đội xếp [16] (cảnh sát) ở sở cẩm Hàng Đậu. Một tốp đội xếp, đi đầu là thằng Sen đầm Tây (người ta vẫn gọi là thằng Khàn) kéo đến vây bắt mấy học sinh to lớn, hăng hái, sát khí đương bùng bùng, mặt và vai chảy máu. Chúng đưa các anh về “bóp” Hàng Đậu. Tất cả các anh em dự trận kéo nhau đi theo đều đứng đầy trước sở cẩm và vườn hoa Hàng Đậu đòi tha cho những anh bị bắt. Bọn đội xếp ra đuổi không được, dọa bỏ tù. Anh em đều trả lời: "Tốt lắm! Tốt lắm! Mở cửa ra cho chứng tôi vào, vào tất cả". Chúng đóng cửa lại. Anh em đứng ở vườn hoa mãi đến tối. Có anh đứng cả đêm, nhưng vẫn giữ trật tự không làm điều gì mà chúng có thể quy vào tội "phá cuộc trị an". Cuộc đánh nhau này, có bàn bạc trước với nhau như trên đã nói. Không những bàn bạc việc lớn như trận địa, thời gian, mưu kế, mà còn cả những việc nhỏ như chuẩn bị vũ khí thô sơ, những câu khiêu khích, những câu trả lời bọn đội xếp, mật thám, cò cẩm. Việc đánh nhau này bề ngoài thì ra vẻ một bọn học trò đánh nhau với học trò, nhưng bên trong là cuộc đấu của những người bị trị đánh lại thực dân thống trị, nên phải "trá hình" để khỏi rơi vào chỗ "phạm pháp" mà chúng có thể đàn áp, khủng bố.

Viên cẩm thấy tình hình không tốt, báo cáo lên Tòa Đốc lý Hà Nội. Đốc lý thấy việc có tính cách chính trị nên cấp tốc trình lên Tòa Mật thám Phủ Toàn quyền. An-be Xa-rô ra lệnh tha ngay học sinh bị bắt. Lúc tha ra đem trả cho nhà trường để nhà trường giáo dục. Lệnh này thật là khôn và xảo.

Ngày hôm sau, Xa-rô ra lệnh cho truờng Tây tập họp học sinh và phụ huynh học sinh để ông ta đến nói chuyện. Ông ta bảo học sinh rằng: "Các anh đừng tưởng nước Đại Pháp sang đây giáo hóa cho nước An Nam, mang tiền của đến đây mà xây dụng. Cái trường học tốt đẹp đồ sộ này được dựng lên là nhờ tiền của của người An Nam. Nếu các anh khinh rẻ người An Nam tôi sẽ không cho các anh học ở đây nữa, v.v..." Rồi ông ta quay về phía phụ huynh An Nam nói mấy câu an ủi và khuyên nên dạy bảo con em biết ơn nước Đại Pháp và thân thiện với người Pháp v.v... Các "ông An Nam" ngồi đó có vẻ rất cảm động và thán phục lòng quảng đại của "quan Toàn quyền", cho nên ít lâu sau, hôm Xa-rô bị thằng La-vích (Lavique) một tên thực dân ngang ngạnh bắn bị thương ở Hội chợ Hà Nội, mấy tờ báo An Nam đăng lên trang đầu một cái "tít" to, từ bên nọ sang bên kia: "Ngôi phúc tinh của Việt Nam bị mờ ám", ý nói Xa-rô bị ám sát hụt.

Buổi họp hôm ấy thật là một tấn bi hài kịch mà Xa-rô dã diễn rất tài tình. Những khán giả An Nam ngồi xem đã vỗ tay nhiệt liệt.

Sau đó một tuần lễ thì có chỉ thị đổi giờ vào học của hai truờng cách nhau 15 phút để khỏi gặp nhau trên xe điện. Biện pháp hành chính này không ngăn được lòng căm thù của học sinh ta. Họ vẫn bảo nhau hễ chúng còn láo chúng ta còn đánh, nên cuộc xung đột còn kéo dài đến mấy năm sau, nhưng cũng lẻ tẻ. Một đôi khi gặp nhau ở đường bọn chúng cũng rất dè dặt, không phải chúng sợ lời đe dọa của "quan Toàn quyền". Chúng gờm những miếng đòn gan lỳ của học sinh Trường Bưởi. Chúng cũng sợ sự ủng hộ của quần chúng qua đường.

Cũng sau đó, có một hậu quả gián tiếp là việc giải tán Hội học sinh tương tế Trường Bưởi. Sau trận đánh nhau ít lâu, thì Hội bị giải tán. Chính quyền thực dân lấy cớ là Hội thành lập không hợp pháp, điều lệ không được duyệt, học sinh có nhiều người vị thành niên v.v... Trụ sở của Hội bị niêm lại, sổ sách giấy tờ bị tịch thu, quỹ của Hội bị sung công. Tủ sách bị sát nhập vào nhà trường. Những người lãnh đạo bị khiển trách và được ghi tên vào sổ đen, v.v...

Kể ra mật thám chính trị thực dân cũng tinh mắt đây. Chúng trông rõ mục đích ẩn náu và sự hoạt động thầm kín của Hội này. Nhưng mấy năm trước, chúng chưa ra mặt đàn áp, vì "mẫu quốc” đương mắc vào chiến tranh và thua liểng xiểng, nên chúng “lơ" đi cho yên chuyện. Lúc này mẫu quôc đã thắng trận, chúng liền trở mặt. Đó là chính sách "cổ điển" của thực dân nói chung và của Toàn quyền Xa-rô nói riêng. Cho nên mấy năm sau chiến thắng của Pháp, phong trào yêu nước và cách mạng bị khủng bố dã man, có phần sút kém đi ở trong trường cũng như ở ngoài phố. Phải chờ đến năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị bắt về nước; năm 1926, cụ Phan Châu Trinh diễn thuyết và mất ở Sài Gòn, phong trào mới lại được khua dậy. Cuộc mít tinh tuần hành đòi tha cụ Phan Bội Châu và lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh đã rất sôi nổi và thức tỉnh những người còn do dự. Mấy cuộc bãi khóa năm 1926 bị đàn áp đã gây nên một phong trào đấu tranh sâu rộng từ trong trường ra ngoài phố và có ảnh hưởng lớn trong mấy năm sau ...

Hoàng Ngọc Phách
Viết tại Hà Nội tháng 9 năm 1964.
(đúng nửa thế kỷ sau ngày vào học. _ Tư liệu.)

______

(15) Ngày hôm ấy và mấy ngày sau có nhiều đám đánh nhau lè tẻ ở Bờ Hồ, ở cửa chợ Đồng Xuân ... Chúng tôi không nắm được hết cả, nên chỉ thuật đám này có phần quan trọng đặc biệt (NC).

(16) Đội xếp: danh từ này rất phổ biến thời đó. Nó do chữ Pháp police mà ra. Có nơi gọi là lính cu-lít, đội cu-lít. Hà Nội gọi là đội xếp (NC).

(HẾT)​

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro