🌈Đơn mẫu - #gride🌈

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác phẩm: Thú tội.
Tác giả: Minato Kanae.
Hướng dẫn viên kì lân: HuynhNgocThanhBinh (#gride)

Lưu ý: đây chỉ là đơn mẫu.
______________________

"Một câu chuyện tâm lí kinh dị, ớn lạnh, thuyết phục, gây bất ngờ không chỉ một lần... Day dứt, tàn nhẫn và choáng váng." Đó là những gì Wall Street Journal đã viết về Thú tội của Minato Kanae. Và phải công nhận rằng đó là lời nhận xét rất đúng với Thú tội, bởi từng chương, Minato Kanae đều dồn tôi nói riêng, và các độc giả nói chung đến chân tường của sự nghẹt thở, gây cấn cùng tâm lí vặn vẹo đến đáng sợ của học sinh cấp hai, lứa tuổi mà ai cũng cho rằng chúng vẫn còn là "trẻ con".

Truyện kể về Morgiguchi Yuko, một bà mẹ đơn thân, đồng thời cũng là giáo viên cấp hai. Một hôm, đứa con gái bốn tuổi của cô được phát hiện chết đuối trong bể bơi của trường, cảnh sát kết luận đây chỉ là một vụ tai nạn, nhưng Moriguchi biết rõ chân tướng phía sau, kẻ sát nhân không ai khác chính là học sinh của lớp mà cô chủ nhiệm. Từ đó, cô bắt đầu trả thù theo cách của riêng cô...

Tuyến nhân vật của truyện, theo tôi, không quá phức tạp. Nhưng mỗi chương đều bộc lộ góc nhìn của một nhân vật đồng thời "tôi" trong chương truyện cũng "thú tội" những gì mình đã làm. Trong chương đầu tiên, cô giáo Moriguchi đã cho cả lớp biết chân tướng đằng sau cái chết của con gái cô, và cũng tiết lộ một phần "danh tính" của thủ phạm, học sinh A - Watanabe và học sinh B - Nao. Cô không vạch tội chúng bằng cách đưa đến đồn cảnh sát vì những đứa trẻ này mới chỉ mười ba tuổi, và những gì phát luật trừng trị chắc chắn không thể nào bù đắp được cho cái chết con gái cô. Vì vậy, cô đã trộn máu có nhiễm HIV/AIDS vào sữa của chúng. Đó là khởi đầu, suy nghĩ của hai tên thủ phạm vốn dĩ đã lệch lạc, việc biết sữa mình vừa uống có máu AIDS như một que diêm, châm ngòi cho hàng loạt hành động "méo mó" của chúng sau này.

Cả Watanabe và Nao đều có tâm lí vặn vẹo, và nguyên nhân hầu như đến từ gia đình và cái tôi của chúng. Nếu Watanabe giết người chỉ vì muốn được người mẹ đã bỏ đi chú ý đến thì động cơ của Nao, thật sự khiến tôi "rùng mình" bởi sự lệch lạc trong suy nghĩ. Vì vậy, bài cảm nhận này, tôi sẽ đi sâu vào Nao, một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình tưởng chừng như rất "bình thường" và "hạnh phúc".

"Bình thường" có vẻ là từ thích hợp nhất để mô tả gia đình của Nao, với bố mẹ và hai chị gái. Nhưng nào ai biết trong sự "bình thường" đó là một "tình thương méo mó, kỉ luật méo mó, giáo dục méo mó" và hậu quả chính là Nao, một con người với "suy nghĩ méo mó". Cậu ta sống trong sự bảo bọc quá mức của mẹ. Cậu thương mẹ, nhưng càng thương, cậu càng tự ti về bản thân vì sức học chỉ vừa trên trung bình của mình. Ấy vậy mà, người mẹ vẫn luôn tự hào về cậu ta, về điều gì? Một sự "tốt bụng", bởi bà ấy chả có một từ gì để nói về người con của mình . Vì vậy, mỗi lần nghe đến từ đó phát ra từ mẹ, cậu ta như muốn chui rúc vào trong vỏ ốc tự mình dựng nên.

Đến khi lên cấp hai, Nao quyết định tham gia vào câu lạc bộ tennis chỉ vì cậu ta thấy nó thật oách. Tuy nhiên, việc bị bắt rèn luyện thể lực hết tuần này sang tuần khác khiến cậu chán nản, và rồi cậu quyết định bỏ ngang trong khi đã sắp được vào đội chính thức. Qua việc này, độc giả dễ dàng nhận ra cái tôi của Nao thật sự quá lớn, dẫn đến việc cậu ta cảm thấy tự ti khi mẹ cứ mãi tự hào về cậu cũng như việc bỏ chơi tennis. Và người mẹ, thay vì dạy dỗ đứa con đang đang trong tuổi dậy thì, độ tuổi mà con người ta muốn nổi loạn nhất, thì bà lại cổ xúy, đổ hết trách nhiệm lên nhà trường, lên người thầy huấn luyện, cũng như cô giáo chủ nhiệm đơn thân Moriguchi vì họ khiến con của bà mang một cảm xúc tiêu cực khi họ chỉ tán dương những người ưu tú chứ không phải những học sinh "tốt bụng" như Nao. Chính vì sự "giáo dục méo mó" đó mà Nao dần hình thành nên một cái tôi quá đỗi lớn. Để rồi chỉ vì ghen tỵ với thành tích học thêm của một bạn khác ở lớp học thêm, Nao thay vì cố gắng hơn, vượt qua giới hạn bản thân, thì ngay lúc trọng yếu nhất, cũng như việc chơi tennis, cậu ta bỏ cuộc, đi lang thang đến tiệm game trong đêm để rồi bị đánh bởi đám học sinh cấp ba. Và mọi việc dường như đỉnh điểm khi người đến đón cậu từ đồn cảnh sát là thầy dạy tennis chứ không phải Moriguchi. Điều này khiến cậu ta cay nghiến mà cho rằng cô giáo chủ nhiệm là một người vô trách nhiệm khi ưu tiên đứa con gái nhỏ hơn là học sinh của mình trong khi cậu ta chả hề biết việc đến gặp học sinh sau giờ học chỉ có giáo viên cùng giới với học sinh đó mới được phép để tránh những điều không hay.

Nao cứ mang một tâm lí như thế, thêm việc người mẹ cứ mãi bảo thủ cho rằng tất cả mọi chuyện đều do những người kia. Cho đến khi nghe con mình thú tội đã ném con gái cô chủ nhiệm xuống bể bơi, bà vẫn cho rằng con trai bà "thật đáng thương" và chắc chắn rằng thằng bé làm vậy chỉ để "bảo vệ bạn mình".

Lớn lên trong một sự giáo dục méo mó như thế, suy nghĩ, tâm lí của cậu ta càng ngày càng lệch lạc hẳn đi từ khi nghỉ học. Nao lớn tiếng với chính mẹ, dọn dẹp sạch sẽ quá mức mọi thứ để chắc rằng mình không lây bệnh cho người nhà nhưng lại khiến bản thân trông dơ dáy hết sức có thể. Bởi cậu ta nghĩ rằng chỉ khi thấy lớp vỏ bọc dơ bẩn kia, mới có thể cảm nhận rằng mình được sống. Vậy nên khi mẹ cắt đi mái tóc đã quá hai tháng không tắm gội kia, cậu ta dường như phát điên, "gầm rú như một con thú hoang dại" và ném cả quyển từ điển dày cộp vào mẹ mình. Đỉnh điểm của sự cao trào là Nao tự đi tắm rửa, lột bỏ lớp vỏ bọc dơ dáy. Cậu ta sợ, sợ chứ, nhưng lúc đó cậu ta nhận ra rằng nỗi sợ cũng chính là một hình thức để biết rằng mình vẫn đang sống. Thế rồi sau bao ngày, cậu ta bước ra khỏi căn phòng của chính mình, đến cửa hàng tiện lợi, bằng một khuôn mặt chẳng còn tí cảm xúc gì, cậu bôi máu của mình lên tất cả mọi thứ. Vì sao cậu ta làm vậy? Chỉ vì cảm thấy "thỏa mãn" mà thôi.

Cuối chương truyện, Nao nói với mẹ mình, trước khi gây ra tội ác, cậu đã thấy con bé mở mắt. Nhưng cậu ta vẫn giết con bé vì nghĩ rằng một người thiên tài như Watanabe không thể giết đứa bé này, vậy nếu như cậu giết được nó, cậu sẽ có cảm giác "thành tựu" chăng? Kết thúc chương, Nao đã giết chết mẹ của mình...

Nao, một học sinh mới chỉ mười ba, nhưng tại sao lại có thể có những suy nghĩ vặn vẹo như thế? Có thể thấy, Nao chính là "sản phẩm" của một sự "giáo dục méo mó". Nhưng cách giáo dục này lại được đa số gia đình sử dụng. Cha mẹ bảo bọc con cái họ quá mức, luôn bênh vực chúng trong mọi hoàn cảnh. Nhưng họ không hề biết, yêu thương chiều chuộng chỉ làm bản lĩnh con cái họ trở nên yếu đuối nhưng lại sở hữu cái tôi quá đỗi to lớn. Trở lại với Nao, cậu ta dường như đại diện cho phần lớn học sinh sống trong lớp "vỏ bọc" cha mẹ tạo ra. Cậu ta yếu đuối, hay tự ti, nhưng lại luôn muốn chứng tỏ bản thân. Có được sự yêu thương, bảo vệ quá sức chu đáo của mẹ, cậu ta dễ bị tổn thương, rồi đổ mọi tội lỗ lên người khác, và hai mạng người đã mất trong tay cậu ta. Thế nhưng cuối chương, cậu ta cảm thấy dường như mọi chuyện chỉ là giấc mơ, và nếu là mơ thì mau thức giấc, ăn món hăm bơ gơ của mẹ và đi học thôi. Chỉ một chi tiết nhỏ nhoi đó nhưng tôi cảm nhận rằng sâu thẳm bên trong Nao, cậu ta cũng chỉ là một đứa trẻ mà thôi...

Trong "Thú tội" Minato Kanae đã cho độc giả biết trước thủ phạm, đây là một điều rất hiếm thấy trong những quyển sách. Nhưng độc giả vẫn không thể rời bỏ quyển sách dù chỉ một giây phút bởi diễn biến tâm lí phức tạp của từng nhân vật. Mỗi chương là góc nhìn của một người, để rồi khi gấp quyển sách lại, tôi nhận ra bản thân nhỏ bé đến lạ thường! Nhận ra suy nghĩ con người sao lại có những lúc vặn vẹo, méo mó đến vậy. Khép lại câu chuyện, là một cái kết đầy mang đầy tàn nhẫn của xã hội. Và có lẽ sự chân thực đến từng chi tiết nhỏ như vậy mà "Thú tội" mới có thể gây ra một sự ám ảnh lâu dài cho tôi nói riêng và bạn đọc nói chung.

        (#gride)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro