Trôi - Thuận Ân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lưu ý: Mỗi con người đều có một cách tiếp cận vấn đề riêng. Thế nên, nếu suy nghĩ của tôi khác với tác giả thì ấy cũng là điều thường tình. Vậy nhé.

P/s: Mình sẽ xưng tôi - tác giả với @-ThuanAn- nhé.

----------------------

Tôi đã nghĩ rất nhiều về Trôi kể từ khi nhận được đơn của Ân.

Nói sao về Trôi nhỉ? Kỳ thực đây không phải là một tác phẩm tôi nghĩ mình có thể gói gọn hết trong một từ. Vậy nên:

Hay. Nhiều tâm huyết. Nhiều tầng nghĩa. Khó đọc. Khó hiểu.

(Chà, có lẽ bài review này sẽ khá lan man đây...)

Đầu tiên khi nói về Trôi, tôi muốn nói về ý tưởng chủ đạo của truyện. Theo những gì tôi đọc được, cảm nhận được - hình như tác giả đang cố thể hiện bản chất của thế giới trong mắt mình qua những hình ảnh, sự việc mang tính hình tượng trong Trôi. Ví như hai ông bà Tân, Cúc trong căn nhà hai tầng. Ví như Mẹ là người cung cấp mọi thứ cho Tân. Ví như cuộc đời chỉ có sáng đi tối về, ôm việc, như bố Tân. (Còn rất nhiều nhiều hình tượng nữa nhưng tôi không muốn kể hết ra. Âu cũng bởi thứ nhất là mất thời gian, thứ hai là spoil hết mẹ truyện thì sao người ta còn đi tìm đọc Trôi nữa.)

Cũng nói về ý tưởng chủ đạo của Trôi, có lần tác giả đã kể với tôi rằng: ban đầu, Ân chẳng qua chỉ nghĩ nếu cái hội trường - chỗ Ân đang ngồi lúc đó - mà ngập trong nước thì hẳn sẽ thú vị lắm. Và rồi câu truyện bắt đầu tuôn ra như thế, như cái vòi nước vừa được vặn mở.

Đúng là Trôi kể về một thế giới kỳ quặc ngập nước nhưng nó còn đi xa hơn một câu truyện khoa học viễn tưởng. Câu truyện đã trở thành một thứ gần như là một tác phẩm triết học. Bởi lẽ, bản thân Trôi thể hiện rất rõ quan điểm của chủ nghĩa hiện sinh - một chủ nghĩa mà có vẻ tác giả bị ảnh hưởng khá nhiều (điều này tôi tình cờ biết khi đọc 31 writing challenge của Ân).

Tôi chưa học hay đọc qua sách về môn triết, đơn giản là vì chúng quá nặng đô để nhét vào đầu một đứa tuổi teen mơ mộng như tôi. Hơn nữa, tôi cũng chưa muốn lớn vội. Tuy nhiên thông tin lại rất dễ tìm. Dân mạng đã từng nói:" Cái thì không biết thì tra google." và tôi đã search một chút về chủ nghĩa Hiện Sinh.

Theo wikipedia (cái chỗ mà đứa nào cũng ngó vô và tin tưởng khi nó cần tìm cái gì đấy, âu bởi trang này xuất hiện đầu tiên): Trong góc nhìn của các nhà hiện sinh, xuất phát điểm của con người cá nhân được đặc tả bởi cái được gọi là "thái độ hiện sinh" (the existential attitude), hay một tình trạng mất định hướng, bối rối hoặc kinh sợ khi đối diện với một thế giới có vẻ như vô nghĩa hay phi lý.

Chà, nghe quen không nhỉ? Đặc tả một cá nhân: Tân. Một thế giới có vẻ vô nghĩa hay phi lý: một thế giới thực đầy nước, hư hư thực thực và chứa đầy các Tân.

Đến đây thì tôi có lẽ nên kết thúc cái đoạn lảm nhảm về chủ đề truyện thôi nhỉ. Ta hãy nhận xét chút xíu vào cốt truyện.

Cốt truyện mới, motif chìm vào trong mơ không lạ nhưng trong Trôi, tác giả đã xử lý nó một cách ngon nghẻ hết sức. Tôi dám cá với các bạn dù có những tác phẩm khác cùng nói về một chủ đề với Trôi thì tác phẩm này của Ân vẫn là độc nhất vô nhị và nổi bần bật. Nổi bần bật - điều quan trọng cần được nhắc lại hai lần.

Nhân vật trong Trôi nhiều, nhiều nhưng không khó để làm quen với bọn họ. Âu cũng là do họ được sắp xếp để xuất hiện một cách lần lượt và đi kèm với từng người là từng sự kiện mang tính hình tượng khó quên - nó khiến người đọc nhớ họ trong lần xuất hiện thứ hai hoặc ba (nếu có). Nhưng ngược lại là các tình huống trong Trôi đan xen nhau khá rối và liền mạch một cách khó chịu. Đọc truyện mà như đi tàu lượn cao tốc, có đoạn đường ray xe đi từ từ, song lại có khúc chạy như ma rượt, nhanh đến nỗi da mặt bị tróc ra và não mỏi nhừ không xử lý tình huống nổi. Ngoài ra, việc tác giả để các đoạn truyện dài cũng cực kỳ nhức mắt. Tôi hiểu đây là cách mà Ân đã cố ý trình bày truyện nhưng nó khiến người đọc nhiều khi nản không tả nổi, chỉ muốn bỏ quách đoạn ấy mà nhảy sang phần khác. Có lẽ do tác giả muốn giữ mạch truyện được liền nhau nên không muốn cách đoạn. Việc này thì tôi hiểu nhưng thật sự là lúc đọc thấy mệt ghê hồn. Hồi trước lúc ngồi nhai mấy tác phẩm cũng luông tuồng kiểu này do Ghauwld viết, kỳ thực tôi cứ nghĩ ngoài gã ấy ra chắc chả còn ai chơi kiểu giết tế bào mắt thế này nhưng rõ là lầm to. Ân chắc là sát thủ tế bào mắt số một trong danh sách của tôi.

...

Kỳ thực là đoạn trên tôi đã cố viết dài và lan man nhất có thể để trả thù Ân đấy. Thấy sao nào?

Trì chiết phần nội dung và trình bày đã xong, giờ tôi sẽ bắt tay vào bới móc văn phong tác giả.

Giọng văn trong Trôi được viết vô cùng trôi chảy, tự nhiên và l i ề n m ạ c h. Tác giả sử dụng cách viết thuần Việt, một cách viết mà ít ai ưa xài trên wattpad. Người viết trên mảnh đất màu cam này thường theo đuổi phong cách Mẽo hiện đại cho tác phẩm thêm phần phan-xì và bí ửn (chính tôi cũng viết kiểu này) nhưng họ quên giọng văn thuần Việt sẽ gần gũi và bình dị hơn. Cũng nhờ giọng văn này của Trôi mà khi đọc, tôi thấy mình như đang ngồi nghe một người bạn thân quen kể lại môt giấc mơ lạ lùng nó gặp hôm trước. Cũng nhờ giọng văn thần Việt mà tôi quý Ân hơn một chút.

Viết đến đây có lẽ bài đã hơi dài nhưng tôi vẫn còn chưa hết high caffeine nên sẽ nói dai thêm tẹo nữa. Không thể phí phạm ba mươi chín ngàn và số tế bào não đã tèo được. Vì Giời, tôi ghét cà phê.

Khi được hỏi về ý nghĩa mà Trôi muốn truyền tải, Ân đã nói là giải nghĩa giấc mơ thì đến mùa quýt mới xong và rằng tôi nên tập trung vào "tuổi mười lăm tự vấn bản thân", " tâm lý" và một cụm từ nữa mà tôi tạm thời quên mất.

Kỳ thực là tôi - miễn cưỡng mà nói thì vừa mười lăm tuổi nên cũng lờ mờ hiểu được Tân, nhân vật chính của chúng ta. Tuổi mười lăm là cái tuổi mà con người ta giao động giữa một đứa trẻ và một người lớn. Đồng thời, vào cái tuổi này, ta đặt ra nhiều nghi vấn. Về thế giới người lớn, về chính mình, về con người nói chung và cuộc đời. Tân (trong vô thức) đã lần lượt đặt ra những câu hỏi và tự tìm câu trả lời cho mình trong giấc mơ về một thế giới đầy nước - thực chất chính là thế giới nội tâm của cậu. Ở đấy, cậu tổng kết những gì đã quan sát được ở thế giới thực và ngẫm ra bản chất, quy luật của mọi thứ: ấy là chẳng có quy luật gì cả. Mọi thứ xuất phát từ con người và kết thúc bởi con người. Hành trình trong Trôi của Tân cũng như người ta đi tìm ý nghĩa cuộc đời rồi nhận ra đời đếch có ý nghĩa gì mà từ đầu đến cuối ta đang cố ép cho nó có nghĩa. (Kỳ thực câu trên là được đạo lại một câu nói của Ghauwld. Đây, tôi để credit cho chính chủ. Tôi thấy suy nghĩ của gã này hợp Ân ra phết, hay là hai người làm quen thử đi.)

Đọc xong Trôi trong lần đầu tôi lập tức nghĩ đây là tác phẩm tác giả viết để tự bộc bạch bản thân. Đó hẳn cũng là lý do Tân nghe na má Ân. Đây nhé:

Thuận Ân, T. Ân, Tân. (boom, mind blowing)

Cũng vì lẽ trên, tôi nghĩ có lẽ Ân viết Trôi để gửi lại cho bản thân của tuổi mười lăm, cho những cảm xúc không rõ tên mà khi ấy Ân từng đối mặt, cho những ý nghĩa cuộc đời mà mình từng chỉ lờ mờ nhận ra. Xin lỗi nếu đoạn này xâm phạm quyền riêng tư của tác giả nhé.

Kỳ thực là khi đọc và review Trôi, chính tôi cũng phải đối diện với bản thân mình.

Trong truyện Ân có nhiều đoạn tự sự và mô tả nội tâm hay cực kỳ. Hay đến mức mà có lẽ chính người viết đã phải "thân chinh" trải qua mới có thể viết như vậy.

Tuy nhiên, quá nhiều đoạn mô tả nội tâm cũng là điểm trừ đáng tiếc cho Trôi. Giống như thưở đầu đầu của nhà văn Nguyễn Minh Châu, Ân nhồi quá nhiều tư tưởng, triết lý vào khiến nó gần như biến thành một đoạn tiểu luận vậy. Cá nhân tôi nghĩ trong văn chương thì chỉ nên để mặt nổi cho độc giả ngắm nghía chứ đừng nói toạc móng heo ra hết cả. Tuy nhiên, đây chỉ là vài đoạn trong Trôi thôi chứ không phải tất cả, nhìn chung thì tác phẩm này vẫn rất "ngấm ngầm" và khó hiểu.

Ôi, suýt thì tôi quên. Nếu đã nhắc đến nhà văn lớn là Nguyễn Minh Châu thì làm sao quên Murakami Haruki được - người mà Ân đã trực tiếp lấy cảm hứng từ.

Không thể phủ nhận, xuyên suốt Trôi, tôi "đánh hơi" được một cái mùi rất Murakami. Có lẽ cũng là do tôi vừa nuốt chửng 1Q84 trong một đêm trước lúc đánh chén Trôi. Cái cách xây dựng một nhân vật "tôi" khác đứng bên ngoài quan sát nhân vật chính chật vật khá là giống thằng cu tên Quạ trong Kafka bên bờ biển (đây cũng là tác phẩm Ân đọc để lấy cảm hứng). Song, cách Ân kể truyện lại giống Biên niên ký chim vặn dây cót nhiều hơn Kafka - chả hiểu sao tôi lại thấy như vậy nữa.

Lúc đọc xong Trôi, tôi đi kể lể với Emma là truyện khó review lắm bla blô nhưng lúc chị đề nghị giúp thì tôi lại gạt phắt đi. Có một cái gì đó trong tôi muốn tự mình viết review cho Trôi, cũng như Tengo muốn viết lại "Nhộng không khí" ấy. 

Nói tóm lại - như tôi đã nhắc ngay từ đầu bài review: Trôi là một tác phẩm hay, nhiều tâm huyết, nhiều tầng nghĩa, khó đọc. Ân là một tác giả có tài thực sự. Có tài thực sự - điều quan trọng cần được nhắc lại hai lần. Trong một ngày không xa, khi Ân xuất bản sách, có lẽ tôi sẽ là đứa đầu tiên đem số tiền lì xì ít ỏi đi mua ngay.

Tôi muốn để HR cho Trôi nhưng đây là tác phẩm mà tôi nghĩ người ta cần đọc vào đúng thời điểm và hơn hết là có duyên để đọc. Do đó, tôi không muốn và sẽ không quảng bá cho truyện. Mong Ân thông cảm.

-------------------

Hết bài review rồi. Ở đoạn này, tôi muốn nói là tác giả đừng coi trọng những gì tôi nói quá. Đồng thời, nếu bài review không theo ý Ân hoặc không đạt kỳ vọng của tác giả thì cũng bỏ qua cho. Với tư cách là một reviewer, số bài tôi viết mới chỉ đếm trên đầu ngón tay còn với tư cách một tác giả thì chắc là còn kém Ân xa. Vậy nhé. 

Nếu hài lòng với bài review, tác giả hãy vote cho bài nhé.

Peace,

Thea

P/s: Mà nếu Ân phàn nàn thì tôi cũng không viết lại bài đâu. (Tất nhiên nếu đó là lỗi chính tả thì sẽ chỉnh liền)

P/s 2: Tính về tuổi tác thì tôi thua Ân xa, nhưng để review cho tốt và nghiêm túc thì tôi cần đặt mình ngang hàng với tác giả. Có lẽ lời tôi khá là hỗn nên nếu có gì thì xin lỗi Ân sau nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro