Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

     Vừa  Nhận Thiệp Mời Họp Lớp
    Kí Ức Tuổi Thơ, Một Nơi Để Nhớ
                              ***

Đồng hồ đã điểm giờ tan ca, Quốc Khang vộ vàng rửa qua loa, để còn về cơm nước cho mẹ ở nhà, thì anh cai bước đến hỏi:
_ Chú Khang! Chiều nay được nghỉ, mọi người đều đi nhậu, sao chú không đi cùng cho vui?
Quốc Khang nghe anh cai hỏi như vậy, mới lắc đầu nói:
_ Anh cai thông cảm cho, cũng muốn đi với mọi người cho vui, nhưng nay còn mẹ ở nhà, chẳng đi đâu cho được.
Anh cai nghe thế mới nói nhỏ:
_ Chú Khang! Sao chú không tìm một người nào đó, như ở nơi chúng ta đây  có chị Na, chị Liên cũng đi phụ hồ cùng, vừa cùng làm việc, cùng chăm sóc mệ ở nhà có hơn không?
Quốc Khang chỉ lắc đầu cười trừ, rồi vội vàng bước ra chiếc xe tàu đã cũ, chỉ còn trơ bộ khung, lấy cái nón bảo hiểm,  đề máy để về nhà.
Phố thị vào lúc tan tầm, người người xe xe đông nghịt, ấy vậy mà lại có những người mất bình tĩnh cứ bấm còi inh ỏi. Quốc Khang cũng len lỏi vào dòng người vội vàng đó. Đang cố gắng chạy nhanh để về nhà, bởi vì  ở nhà có người cần chăm sóc, thì có tiếng gọi:
_ Quốc Khang! Quốc Khang!
Quốc Khang đang vội, nhưng cũng đưa mắt nhìn quanh, chỉ thấy toàn là những chiếc xe con với nhiều màu sắc, nhiều thương hiệu đang nhích từng chút, còn người đi xe máy như Quốc Khang thì nào có mấy ai. Lúc này, Quốc Khang cứ ngỡ mình nghe lầm, thì có chiếc xe con tấp vào lề, rồi cánh cửa xe mở ra, một người đàn ông trung niên trông bảnh bao, nhanh chân chạy đến, chỉ kịp nói mấy tiếng.
_ Quốc Khang! Gửi ông cái này.
Người đàn ông trung niên kia, dúi vào tay của Quốc Khang, cái thiệp mời thơm mùi nước hoa, rồi quay người bước nhanh về phía chiếc xe ô tô con. Quốc Khang chưa kịp nhận biết người đàn ông kia là ai, thì cánh cửa xe đã đóng sập lại và lăn bánh. Quốc Khang cũng vậy, cũng nhanh chóng chạy xe về nhà, chẳng nhìn cái thiệp mời thơm mùi nước hoa kia là cái gì? Quốc Khang đang vội, đang vội trở về nhà để chăm sóc cho người mẹ của mình. Quốc Khang trở về ngôi nhà ba gian nằm sâu trong con ngõ nhỏ, một ngôi nhà có từ hơn năm mươi năm về trước. Ngôi nhà mà vách đã mọc rêu xanh, loang lổ những vết lở của thời gian, mái ngói đỏ tươi nay đã mang một màu rêu mốc. Nhưng những thứ đó chẳng làm cho Quốc Khang để ý, kể cả cái thiệp mời mà người đàn ông ăn mặc bảnh bao, đi ô tô con ấy dúi vào tay. Giờ đây Quốc Khang đang chú ý vào một người đang nằm dưới nền nhà được lát bằng gạch men, cũng đã cũ theo thời gian. Quốc Khang vừa nhìn thấy đã lao đến, vừa gọi lớn:
_ Mẹ! Mẹ! Tại sao mẹ lại như thế này?
Quốc Khang nói xong liền bế mẹ lên và hỏi:
_ Mẹ! Mẹ ngồi xe hay nằm trên giường, thôi thì mẹ ngồi xe nhé?
Mẹ của Quốc Khang là một lão bà bán thân bất toại,  hết nằm nơi giường, nhiều lắm thì lần qua được chiếc xe lăn, cũng chỉ đi lui đi lại trong ngôi nhà nhỏ, hoạ hoằn lắm khi nào Quốc Khang rảnh mới đẩy ra ngoài đường để đi dạo. Bà lão giờ đây, không nói là mình ngồi xe lăn hay nằm ở trên giường, chỉ phân trần.
_ Quốc Khang! Mẹ thấy con đi làm vất vả, chỉ muốn giúp con nấu bữa cơm, ấy vậy mà mẹ lần qua chiếc xe, lại không may thành ra thế này.
Quốc Khang nghe vậy thì cười bảo:
_ Mẹ! Còn may, còn may chán, nếu như mẹ bật bếp ga, lại ngã ra nền nhà như thế này, thì không biết chuyện gì xảy ra. Thôi thì mẹ cứ xem ti vi, hay đọc sách cũng được, con có vất vả một chút, cũng không phải lo sợ cho mẹ, những lúc con đi vắng.
Quốc Khang nói xong liền đặt mẹ lên chiếc xe lăn, chẳng kịp thay áo quần còn vương mùi mồ hôi với mùi vôi vữa, liền xắn tay nấu nướng bữa trua cho hai mẹ con.
Bà lão ngồi trên chiếc xe lăn nhìn đứa con trai đã gần năm mươi của mình, mà nước mắt lăn dài trên má. Phải chi bà không bị như thế này, thì con của bà nào thua kém gì ai. Bà lão lăn chiếc xe đến nơi ban thờ, ở nơi đó có di ảnh của một người lính ngực đeo đầy huân, huy chương và gọi thầm.
_ Ông nó ơi! Có phải tôi là người vô dụng, đã làm hại con nó hay không? Nếu như không có tôi, thì Quốc Khang, con nó không phí hoài tuổi xuân như vậy.
Nhìn cái di ảnh đang mỉm cười ở trên ban thờ mà bà nhớ lại cái hồi bà còn trẻ. Cái hồi ấy bà vừa học xong trường sư phạm ở thủ đô, mang nhiêu niềm mơ ước truyền con chữ cho những em bé ở nơi vùng khó khăn vừa qua cuộc chiến. Một cô giáo ở nơi xa xung phong vào trong miền đất vừa trải qua khói lửa chiến tranh, một miền đất xa xôi đầy nắng và gió.
Không! Phải nói bà đi theo tiếng gọi của con tim. Bà đã yêu người con trai ở nơi xứ ấy. Ông là một chàng trai đã trải qua thời quân ngũ, nay đã hòa bình, ông cầm bút bước vào nơi ngưỡng cửa trường sư phạm.
Cái  người con trai nói giọng miền Trung, với bộ quân phục trên người, với bao mơ ước trở về quê hương, gieo chữ  cho trẻ thơ ở quê mình.
Bà lão là một cô gái đẹp, là hoa khôi của trường, bao nhiêu người tương tư, ấy vậy mà bà yêu ông và đã theo ông đến vùng đất này. Một vùng đất vừa trải qua chiến tranh, chỉ có  hố bom kéo từng vệt dài trên cánh đồng  từng quả đồi trọc, chỉ trơ sỏi đá và những cái lô cốt,  những chiếc xe tăng đã bị bắn cháy cùng các loại vũ khí vứt bừa bãi.
Một người con gái từ xứ xa, theo chồng trở về nơi làng nhỏ bên bờ sông Thạch Hãn. Một làng nhỏ như bao làng quê ở nơi xứ này, vừa trải qua một cuộc chiến ác liệt, giờ đây là lúc xây dựng lại quê hương, nhưng điều kiện hết sức khó khăn, có những lúc bà cũng trăn trở, sao mình lại chọn con đường khó khăn như thế này? Bà theo chồng về nơi xứ lạ, khi trên nền đất cũ, chỉ còn lại là cái nền nhà, cây, cỏ mọc um tùm. Ông trở về khi cha mẹ không còn, nhưng ở nơi đây tuy nghèo, cái đường đi thì nhỏ, lại đầy gai tre, chẳng bì được với nơi thị thành đường bê tông, đêm đêm ánh đèn đường lại sáng tỏ. Nhưng được cái người ở nơi đây tấm lòng lại rộng rãi, khi ông trở về quê nhà với người vợ trẻ đi theo. Ông trở về quê nhà ngoài bộ quân phục mặc trên người, với cái ba lô đầy sách và cô vợ người xứ xa, chẳng còn thứ gì nữa hết. Ấy vậy mà bà con chòm xóm, người người đều còn đang khó khăn, cũng  dựng cho ông bà trên nền đất cũ một ngôi nhà. Một  ngôi nhà nhỏ như người xưa thường bảo "một ngôi nhà nhỏ hai trái tim vàng". Vui chiến thắng, vui xây dựng quê hương mới, bà tạm bỏ những nỗi khó khăn, của người con gái làm dâu xứ lạ cùng với ông và bao đồng nghiệp cũng từ nơi khác đến, gieo con chữ trên miền đất Quảng Trị đầy nắng và gió, với tàn tích chiến tranh mà đến mấy mươi năm sau vẫn còn. Niềm vui của ông bà càng được nhân lên gấp nhiều lần, khi cậu con trai của mối lương duyên của người con trai xứ Quảng và cô gái Hà thành đơm hoa kết trái, đó là Quốc Khang. Ông đặt tên cho con trai của mình là Quốc Khang, với mong muốn là nước sẽ giàu mạnh hơn.
Bà vẫn ngồi trên chiếc xe lăn mà nhìn di ảnh của ông, thì có tiếng hỏi:
_ Mẹ! Mẹ lại nhớ đến cha của con sao?
Nghe tiếng hỏi của con trai bà chỉ lặng lẽ gật đầu.
Muốn biết sự thế ra sao? Xin mời mọi người xem chương sau sẽ rõ.

                         Hết chương 1

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro