Cổ nhân luận đàm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Lời Quản Trọng tiếp kiến Tề Hoàn Công

Bào Thúc tiến Quản Trọng lên Hoàn Công. Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng chính trị và gây dựng kỷ cương trong nước. Trọng thưa : «Lễ, nghĩa, liêm, sĩ, là bốn mối lập kỷ cương. »

- Làm thế nào sai khiến được dân ?

- Muốn khiến dân trước phải yêu dân.

- Đạo yêu dân thế nào ?

- Trên dưới cùng sửa sang, cùng giúp nhau, cùng chia lợi lộc, dùng người hiền, chính lệnh nghiêm.

- Cách sử dân thế nào ?

- Sĩ, nông, công, thương, trong tứ dân, con kẻ nào nói nghiệp kẻ đó, luyện tập, yên phận, chớ đổi nghệ, thì dân yên.

- Nước nghèo thì làm thế nào ?

- Đào núi lấy tiền, gạn biển lấy muối, đem giao thông, thu tài vật thiên hạ về, thì giàu.

Vua tôi cùng nhau đàm đạo suốt ba ngày không chán, rồi Hoàn Công bái Quản Di Ngô lên làm tướng quốc, trong có vài năm mà nước Tề nên được nghiệp Bá.

( ((((((((= cười ỉa ((((((= đọc sách hồi xưa bao vui )

2. Không tham của phi nghĩa

Khi vua Anh Tôn nhà Lý mất, để di chiếu lập vua Cao Tôn, sau khi mất, bà Thái Hậu lại muốn lập em là ông Long Xưởng, mới lấy vàng nói lót với quan Phụ Chánh Đại thần là ông Tô Hiến Thành, ông từ mà nói rằng : « Từ xưa đến nay chưa từng nghe lấy của bất nghĩa mà phú quý bao giờ. » Bà Thái Hậu phải thôi, vua Cao Tôn lên làm vua, thế nước được yên, là nhờ một lời nói của ông Tô vậy.

3. Mỗi người một nghề

Ông Tây Lư đi du thuyết các vua nước chư hầu, qua sông chẳng may bị đắm thuyền, thằng thuyền chài vớt lên hỏi ông đi đâu mà bị đắm thuyền tội nghiệp ? Ông nói là đi du thuyết các nước. Thằng thuyền chài ôm bụng cười mà bảo ông rằng : qua sông suýt chết đuối, ông cứu ông còn chẳng xong, còn tài gì mà đi nói được các vua chư hầu. Ông đáp : « Chớ nói vậy, mỗi người có một tài riêng ; hòn ngọc bích đem dệt cửi không tiện bằng hòn ngói ; hạt châu đen làm đạn bắn chim thì không tiện bằng viên đất ; ngựa kỳ ngựa ký, ngày chạy ngàn dặm, nhưng cho bắt chuột thì không nhanh bằng con mèo, thanh gươm quý, đem mà khâu giày thì không tiện bằng cái dùi. Nay chú có tài lội nước, qua sông, vượt gió, nhưng nếu nay cho tiếp một ông vua chư hầu thì chắc mờ mịt, khác nào như quạ vào chuồng lợn. »

4. Thầy Tử Cống bị mắng

Thầy Tử Cống là học trò đức Khổng Tử, một hôm qua chơi đất Hán âm, gặp một ông già làm vườn xẻ cái rãnh ra tận giếng, múc từng vò nước ở giếng đổ vào rãnh, vất vả mà không tưới được mấy. Thầy Tử Cống mới bảo ông già cách làm gầu mà tát, vừa được nhiều mà nhanh. Ông già sầm nét mặt mắng rằng : « Phàm ở đời, có máy cơ sảo tất có việc cơ sảo, có việc cơ sảo tất có lòng cơ sảo, đã cơ sảo thì mất thuần bạch, mất thuần bạch thì tinh thần không nhất định, không hợp với đạo trời. Anh đừng che mắt chúng dân, tưởng mình là thành, nói giọng thương đời để mua tiếng với thiên hạ đâu, họa chăng anh phải quên cái hình hài của anh mới được, nhưng thân anh còn chưa trị nổi, sức đâu mà bảo được người, trị được thiên hạ. Thôi đi đi, đừng làm mất việc ta. »

( .-. này thì tui thấy ông già bậy .-. cổ lỗ sỉ có khác )

5. Trí hùng dùng đức Trần Hưng Đạo

Quân Mông Cổ sang đánh, quân ta thế nguy, thua luôn. Vua Trần Nhân Tôn bảo ngài rằng : « Thế giặc nay to quá, chống lại với nó thì dân sự tàn hại, hay trẫm chịu hàng, để cứu muôn dân ? » Ngài tâu rằng : « Bệ hạ nói vậy thực là nhân đức, nhưng còn tôn miếu xã tắc thì sao ? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin chờ bao giờ đầu tôi rơi đã sẽ hàng. » Vua nghe nói yên lòng cất quân đánh. Lại một khi ngài đuổi tướng Nguyên, đến sông Hoa giang, bảo quân sĩ rằng : « Trận này không phá song được quân Nguyên, thề không về đến sông này nữa. » Vì thế quân sĩ đều hết lòng quyết chiến.

6. Lòng trung liệt

Ông Trần Bình Trọng giúp vua Trần Nhân Tôn đánh quân Nguyên, chẳng may trận đánh trên sông Thiên mặc, Hưng yên, ông bị bắt, người Tàu thấy ông khỏe mạnh cho ăn uống, dỗ ông về hàng, sẽ phong vương đất Bắc. Ông nghiến răng mắng lại rằng : « Tao thà làm quỷ nước Nam, không thèm làm vua đất Bắc, tao bị bắt, chỉ có chết mà thôi. » Đau xót thay, quân Nguyên đem ông ra chém !

7. Bác sự mê tín

Nước ta trước có tục lấy chàm vẽ vào mình để trừ ma quỷ, đến đời vua Trần Anh Tôn ngài bắt phải bãi tục đó. Một khi ngài ốm, Hoàng Hậu cho mới thầy thăng về làm lễ, xem sự tử sinh. Ngài ngồi phắt dậy gạt đi mà bảo rằng : « Thầy tăng đã chết đâu mà biết được sự chết. » Rồi ngài chỉ uống thuốc mà khỏi bệnh.

8. Lời nói trung thành

Ông Tô Hiến Thành làm quan đời nhà Lý. Khi ông sắp mất có quan Tham Chi Chính Sự là Vũ Tán Đường, ngày đêm hầu hạ quanh giường. Vua Cao Tôn ngự đến nhà thăm hỏi : khi ông mất rồi nên chọn ai thay ông. Ông tâu rằng : « Có quan Dán nghị Đại phu Trần Trung Tá. » Vua ngạc nhiên hỏi sao không cử Vũ Tán Đường ? Ông đáp : « nếu bệ hạ hỏi người hầu hạ, tôi xin cử Tán Đường, nhưng hỏi người giúp nước, tôi xin cử Trung Tá. » Lời nói thiệt trung thành thay !

9. Khuất Nguyên bị đuổi

Ông Khuất Nguyên làm quan bị đuổi, ra chơi bờ sông, buồn rầu, tiều tụy. Lão chài hỏi ông đến nỗi bị đuổi ? Ông nói : « Đời đục cả, một mình trong, đời say cả một mình tỉnh, bởi đó mà bị đuổi ». Lão chài cười mà trả lời rằng : « Đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm nước. Đời say cả, sao ông không uống cả men, húp cả dấm, cho đục cho say một thể, việc gì lo xa, để bị đuổi. » Ông lắc đầu mà bảo rằng : « Ta không thế được, vật trắng không bao giờ để dây bụi, thân ta trong sạch không thể để dơ bẩn dính vào được. » Lão chài cười mà quay thuyền đi.

10. Chớ nên coi thường kẻ sĩ

Nước Tàu vây đánh nước Triệu, vua sai tướng quốc là Bình Nguyên Quân vâng mệnh, về nhà định trong số 3000 khách ăn cơm, sẽ chọn lấy 20 người văn võ toàn tài để cùng đi sang Sở. Kén mãi chỉ được có 19 người, còn thiếu một, bỗng có một người lùn bước ra xin đi. Bình Nguyên Quân hỏi : « Ông tên gì ? Và ở nhà tôi đã mấy năm ? » -- Thưa, tên tôi là Mao Toại, ở đã ba năm. -- Bình Nguyên nói : « Chà ! Tôi nghe người hiền ở đời như cái dùi ở trong túi, đầu dùi thế nào cũng thò ra ngoài, ông ở ba năm nhà tôi mà tôi không nghe ai khen ông câu nào, tôi chắc ông không có tài gì rồi, xin ông ở nhà cho. » Mao Toại nói : « Tôi hôm nay mới ở trong túi, nếu ở trong túi đã lâu, thì chẳng những là thò đầu dùi mà thò cả dùi ra rồi. » Bình Nguyên cho đi, 19 người kia cùng cười ! Bình Nguyên sang đến Sở, bàn lẽ lợi hại với vua Sở trên thềm điện rồng, từ sáng đến quá trưa vẫn chưa xong. Mao Toại ở dưới rút gươm nhảy qua mấy tầng thềm lên điện, bảo Bình Nguyên rằng : « Sự hợp sức đánh Tần, chỉ có hai lời lợi với hại là xong, nay bàn từ sớm tới trưa mà không quyết là sao ? » Vua Sở hỏi : « Ai vậy ? » -- Bình Nguyên thưa : « Người nhà tôi. » Vua Sở quát đuổi Mao Toại xuống. Mao Toại múa gươm tiến sát đến Sở Vương mà nói rằng : « Có phải ngài cậy quân Sở nhiều đuổi tôi chăng, trong một bước chân này, là mạng ngài ở trong tay tôi rồi, sao trước mặt chủ tôi đây, ngài dám đuổi tôi, ngài chẳng xem vua Thang chỉ có 70 dặm đất mà làm vua thiên hạ, vua Văn có 100 dặm mà làm chủ chư hầu, có cần nhiều quân đâu, chỉ là giữ được thế mà hăng hái. Nay nước ngài đất vuông 5000 dặm, quân 100 vạn, thiên hạ ai đương nổi, thế mà ngài để cho tướng Tần là Bạch Khởi đem quân vài vạn, sang đánh nước ngài có mấy trận mà lấy được Yển Sính, đốt được Di Lăng, nhục đến tiên nhân ngài, nước Triệu tôi lấy làm xấu hổ thay cho ngài. Ngày nay hợp sức đánh Tàu là vì ngài, chẳng phải vì Triệu, thế mà còn bàn định gì ! » Vua Sở nghe ra, liền cử binh giúp Triệu. Bình Nguyên trở về Triệu nói rằng : « Ta từ giờ không dám coi thường kẽ sĩ nữa, Mao tiên sinh sang Sở phen này, làm vẻ vang cho nước Triệu, dùng ba tấc lưỡi mà mạnh hơn 100 vạn quân. »

11. Còn lưỡi là đủ

Trương Nghi học Quỷ cốc tiên sinh, thành tài rồi, đi du thuyết các nước, thường theo tướng quốc nước Sở đi dự tiệc, một hôm tướng quốc mất ngọc, nghi cho Trương Nghi lấy, bèn bắt đánh mấy trăm roi, nhưng không nhận, sau phải tha. Nghi về nhà than thở với vợ. Vợ bảo rằng : « Giá đừng đi học nghề du thuyết thì đâu có nhục như vậy ! » Trương Nghi chỉ vào mồm mình mà bảo vợ rằng : « Ta dẫu còn bị đòn đau ở lưng, song lưỡi ta đây còn đủ, rồi sau sẽ biết. » Nói xong, đi sanh nước Triệu, nhờ có Tô Tần giúp đỡ được làm tướng nước Tần. Khi làm tướng rồi, mới đưa hịch sang tướng quốc nước Sở rằng : « Trước ta theo ngươi dự tiệc, ngươi vu cho ta ăn cắp ngọc mà đánh ta, vậy nay ngươi giữ nước cho khéo, ta bây giờ thực sắp đến ăn cắp thành trì nước ngươi đó. » Rồi cử binh sang đánh Sở.

12. Cách chiêu hiền sĩ

Vua Chiêu Vương nước Yên hỏi Quách Ngôi làm thế nào cho hiền sĩ thiên hạ về với mình nhiều ! Quách Ngôi tâu rằng : « Bệ hạ muốn làm Đế thì phải tìm thầy, chắp tay mà thờ, chịu học người ta, thì thầy đến ; muốn làm Vương thì tìm bạn, chịu nhún mình mà hỏi, thì được bạn ; muốn làm Bá thì tìm bầy tôi, thì tự người ta chạy đến, thì được bầy tôi ; muốn làm hôn quân thì tìm kẻ sai khiến, cứ ngồi ngất ngưởng trên bệ vàng mà phán bảo, thì chẳng tìm cũng có kẻ sai khiến, nay bệ hạ muốn cầu hiền, thì phải thân đến tận cửa nhà người ta mà chầu, thiên hạ nghe tiếng vua yêu hiền, thì tự nhiên người ta sẽ kéo cả đến. »

13. Đầy phải đổ

Thầy Tử Lộ hỏi đức thánh Khổng Tử rằng : « Dám hỏi thưa thầy, có cách gì giữ cho đầy mà khỏi đổ chăng ? » Đức Khổng Tử bảo rằng : « Thông minh thánh trí thì giữ bằng ngu độn ; công lớn tiếng to thì giữ bằng nhường nhịn ; sức khỏe dũng đảm thì giữ bằng nhút nhát ; giàu có hiển vinh thì giữ bằng nhún mình. Đó là cách bỏ bớt đi cho khỏi đổ. »

14. Gan dũng sĩ.

Khâu Tố sức khỏe lạ thường, một hôm sang Ngô viếng tang bạn, qua sông Hoài, cho ngựa xuống uống nước, bị thần vật dưới sông tha mất ngựa, bèn nổi giận cởi áo, cầm gươm nhảy xuống sông đuổi, đánh nhau ba ngày ba đêm mới lên, bị quái vật làm mù một mắt mà mất ngựa. Khi đến viếng tang ngồi dự tiệc có ý kiêu ngạo, khoe sức khỏe, lấn người. Trong tiệc có Yêu Ly bất bình, bảo rằng : « Có phải anh cậy sức khỏe mà ngạo ngược ở đây chăng ? Anh phải biết : đã là dũng sĩ thì chịu chết chớ không chịu nhục. Nay anh đánh nhau với quái, không lấy được ngựa lại còn bị mù một mắt, bị tàn tật, không biết liều chết, còn tham cái sống thừa, thế là đồ vô dụng, còn phơi mặt ra đây khoe hợm với ai ? » Khâu Tố xấu hổ ra về. Đêm hôm đó Yêu Ly về nhà bảo vợ rằng : « Hôm nay ta làm nhục một anh dũng sĩ, tất nó đến giết ta, vậy đêm nay chớ đóng cửa, ta sẽ nằm trên giường chờ nó » . Quả nhiên Khâu Tố đêm lẻn cửa vào, kề gươm lên cổ Yêu Ly mà bảo rằng : « Mày có ba tội chết, biết không ? Mày sỉ nhục tao giữa đám tang là một tội, về nhà không đóng cửa là hai tội, thấy tao mà mày không chạy, là ba tội, thực là mày cầu cái chết, chớ oán tao. » Yêu Ly bảo lại rằng : « Mày cũng có ba điều xấu đáng chết biết không ? Một là, tao mắng mày giữa đám tang, mà mày không dám nói lại một câu, hai là mày vào nhà không đằng hắng, lên thềm không đánh tiếng, mày muốn đánh lén tao, ba là mày kề được gươm vào cổ tao mới dám nói khoác, còn mày kể tao có ba tội là tại lòng dũng cảm của tao xui ra, ba tội mày là xấu đáng chết, mày còn không biết nhục sao ? ». Khâu Tố nghe xong vứt gươm than rằng : « Mày thực là dũng sĩ thiên hạ, kể sức khỏe của tao bây giờ thực thua trí mày, nay tao giết mày thì đời chê cười, không giết mày thì tao mất danh dũng sĩ » nói xong đập đầu chết. Từ đó Yêu Ly nổi tiếng. Bấy giờ vua Ngô Dương cần một người thích khách để giết công tử Khánh Kỵ. Ngũ Tử Tư hiến Yêu Ly ra mắt. Vua Ngô thấy bé nhỏ có ý chê. Yêu Ly tâu rằng : « Người ta cốt trí khôn, không cần sức mạnh, nếu thần được gần Khánh Kỵ thì đâm chết coi dễ như giết gà vậy. » Rồi bày khổ nhục kế, xin vua giết vợ con, và chặt một cánh tay mình đi, sang hàng, ở hầu cận Khánh Kỵ. Khánh Kỵ tin dùng sau ba tháng Khánh Kỵ đi thuyền cất quân về Ngô, ngồi đầu mũi thuyền, Yên Ly cầm mâu đứng hầu đằng sau, xuất kì bất ý, dùng sức theo chiều gió, đâm một nhát suốt qua bụng. Khánh Kỵ sức khỏe to lớn, quay lại nắm Yêu Ly, dìm đầu xuống nước ba lần, rồi nhấc bổng để lên đùi gối, cười bảo rằng : « Thiên hạ còn có người dám đâm ta ư, can đảm thực ! ». Các tướng ồ lại toan giết Yêu Ly, Khánh Kỵ không cho, bảo rằng : « Nó là dũng sĩ đời nay đó, không lẽ một ngày chết hai dũng sĩ, tha nó về Ngô, cho rõ lòng trung của nó ». Nói xong bỏ Yêu Ly xuống, tự rút ngọn mâu ra mà chết. Các tướng tha Yêu Ly về, nhưng Yêu Ly không về, bảo rằng : « Ta có ba tội chết, một là giết vợ con đi mà thờ vua là bất nhân, hai là vì vua mới giết con vua cũ là bất nghĩa, ba là hại cả nhà và thân thể để thành việc cho người là bất trí. Ta có ba điều ác đó, còn mặt nào mà sống ở đời ». Rồi nhảy xuống sông tự tử.

15. Không nhục quân mệnh

Thoát Hoan và Ô mã nhi sang xâm nước ta. Đức Trần Hưng Đạo mang quân chống cự, quân Nam ta đều thích mực vào cánh tay hai chữ « Sát Đát » , nghĩa là giết hết quân Mông Cổ. Vua Trần Nhân Tôn muốn sai người sang trại giặc xem binh tình hư thực, chưa biết sai ai, bỗng có tên đầu hàng lính thị vệ là Đỗ Khắc Chung, tình nguyện xin đi. Vua bảo rằng : « Ngươi học thức ít, ngộ giặc nó vận nghĩa lý thì ứng đối làm sao ? » Khắc Chung tâu : « Tôi tuy học không mấy, nhưng cốt là đi dò xét binh tình, tôi tinh thạo việc đó, còn như ứng đối, thì tuỳ cơ ứng biến, làm gì chẳng kham nổi, xin bệ hạ cứ cho tôi đi ». Vua khen rằng : « Trong đám ngựa kéo xe, lại có lẫn ngựa kỳ ký thế này a ! » Rồi sai Khắc Chung đi, giả là mang thơ cầu hoà. Sang trại Nguyên, Khắc Chung cứ thong thả tiến vào trung quân, Ô mã nhi quát hỏi đi đâu ?

- Sứ Nam Quốc đi giảng hoà.

- Giảng hòa mà sao quân mày dám thích chữ vào tay sất như vậy ?

- Thích chữ là tự bụng trung nghĩa họ, tức thì thích vào tay, chớ ai xui !

- Đại quân đến đây, sao nước mày không giữ lễ phép đón rước, lại dám kháng cự là sao ?

- Giá tướng quân dùng mẹo Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ngoài cõi, cho thư vào trước nói tử tế, mà nước tôi không đón rước, mới là lỗi tại nước tôi. Nay lại ỷ thế ức nhau, đem quân lấn cõi, thì chó cùng đường phải cắn, chim túng thế phải mổ, nữa là người.

- Mày định đến đây làm gì ?

- Định giảng hoà, tướng quân bằng lòng thì hoà, không bằng lòng thì đánh.

- Về bảo vua mày đến đây ra mắt ta thì cho hòa, cõi bờ yên ổn, bằng không thì trong giây phút, giang sơn nước mày phẳng nhẫn như không.

- Vâng để tôi ra về bảo vua tôi đến.

Khắc Chung khi ra thì thủng thẳng, nhìn hết doanh trại, chiến thuyền, rồi mới về. Ô mã nhi bảo các tướng rằng : « Người này đang khi hò hét nạt doạ, mà ăn nói vẫn dễ dàng như không, ứng đối lại giỏi, không nhục mệnh chủ, nước Nam còn người giỏi thế, phen này vị tất đã làm gì được họ. »

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro