Sự tích "cây lúa"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Truyện viết vội, chưa kịp chỉnh sửa. Tên truyện cũng đặt vội, xin lưu ý dấu ngoặc kép để chắc chắn rằng bạn biết chuyện này không kể về lúa gạo trước khi đọc.
—- —- —-

Hồi xưa, mà cũng không xưa lắm, xưa vừa đủ thôi, nhỏ là không được chửi thề. Tất nhiên. Nhỏ mà, chỉ có ăn ngủ, học hành và vui chơi, ba mẹ còng lưng quần quật kiếm tiền để cho ăn học, sung sướng quá rồi, bất mãn cái gì mà phải chửi thề? Vậy nên, chửi thề bị cấm trong mọi hoàn cảnh với trẻ em, ít nhất là trẻ em được người lớn quan tâm dạy bảo. Những tiếng "đ.m, đ*o bà" nổ như bắp rang trên miệng một đứa trẻ đã được người lớn góp ý vài lần mà không nghe rất dễ nhận lại phản ứng như thế này: "Ba má con đâu, sao biết sinh mà không biết dạy?" Không chửi tiếng nào cả, nhưng đau hơn nhiều lắm. Chính vì thế, đứa con nào biết thương ba mẹ thì càng không dám chửi thề.

Khi những bạn trẻ em đó lớn lên, rời khỏi vòng tay ba mẹ, va vấp với cuộc đời, đôi khi thấy đời thật khốn nạn. Bất công, bất hạnh cứ tới tấp đổ ập xuống đầu. Từ nhà trọ ra đường rồi vào đến cơ quan, chạy không thoát, tránh không khỏi. Vậy là bất mãn, lần đầu tiên sẽ là "má nó", "mẹ nó", dần dần nếu chưa bị người lớn - lúc này đã già - phát hiện, nó sẽ được nâng cấp lên thành "đ.m, đ*o bà". Lúc đầu thì chửi phong lông, lép bép trong miệng thôi, lâu dần thành quen, đôi khi không khống chế được âm lượng. Và việc gì đến sẽ đến, kiểu cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra ấy mà - người già phát hiện người lớn chửi thề. Lúc đó, người lớn biết nhiều rồi, gan hơn rồi, người lớn không im lặng nghe la rầy nữa, người lớn sẽ nhỏ giọng thanh minh: "Chửi thề đâu phải lố lăng, chửi thề cho mạnh bạo câu văn vậy mà." Câu này là thơ lục bát đấy. Có điều, người già lại chẳng mảy may quan tâm đến cấu trúc bằng trắc bằng hay trắc trắc bằng nghe nói khá đơn giản của thơ lục bát, cũng không thèm quan tâm đến vần từ sáu câu sáu với từ sáu câu tám luôn. Người già sẽ la dữ hơn, hoặc đơn giản chỉ cần nói: "Thơ thẩn cái gì? Lố lăng hay mạnh bạo cái gì? Chửi thề quen miệng rồi bà con nghe được nói hồi nhỏ ba má không biết dạy con." Nghe đau quá, nên là thôi, người lớn không dám chửi thề nữa.

Truyện đúng ra nên kết thúc như thế. Quẩn quẩn quanh quanh rồi mấy tiếng chửi thề phải rơi vào cảnh tuyệt chủng, hoặc chí ít phải chui rúc trong xó xỉnh tối tăm nào đó. Hiển nhiên. Bởi nó có gì hay ho đâu nào!

Nhưng truyện như thế thì còn gì hấp dẫn. Người xấu phải sống dai, phải huy hoàng rực rỡ thì mới đúng motif kinh điển hồi xưa đến giờ, mới làm độc giả tức tối mà theo dõi tiếp chứ. Vậy nên, truyện đã có phần tiếp theo.

Mấy tiếng chửi thề buồn bã, rầu rĩ vì sắp bị tuyệt diệt, vô tình gặp phải những anh chị rất muốn nổi tiếng. Biết được cách nổi tiếng đơn giản nhất là dụ dỗ một bộ phận trẻ em chưa có nhận thức đầy đủ về đúng sai và thích cái mới lạ, các anh chị này đã quyết định phẫu thuật thẩm mỹ cho mấy tiếng chửi thề để thu hút bọn nhỏ. Đ* thành đù, đ*o thành đ*ch. Thuận theo xu hướng, vài người lại suy nghĩ ra vcl, vl, sml, clmn gì đó. Người lớn lúc này đang bận lo cơm áo gạo tiền, khi quay đầu lại đã thấy con mình viết tắt chữ gì lạ lắm, vậy là tò mò "Con viết cái gì thế?"; "Dạ, đâu có gì?"; "Đâu có gì tức là cái gì?"

Ở một không gian khác, nơi con người có khi không cần làm chính mình nữa, có một câu hỏi mới được đăng lên, nhanh chóng được xếp hàng đầu vì tính khẩn cấp của nó: "Cứu! Cứu! Mẹ tao đang hỏi vcl, vl, sml các loại là gì? Trả lời sao đây? Giúp gấp! Còn đang online chờ." Hàng ngàn câu trả lời được đưa ra, đứa bé đang-online-chờ thấy chữ lướt qua với tốc độ chóng mặt. Và rồi nó đã thấy điều-hợp-lý nhất: "Lúa, lúa nghe mậy. Mấy chữ khác giữ nguyên."

Sau khi đưa ra câu trả lời hợp lý, uống mấy ngụm nước chanh thông cổ, hít vài hơi thật sâu, đứa bé đang-online-chờ lại bước vào không gian tuyệt vời kia. Câu trả lời lúc nãy đã được ghim lên vị trí cao nhất. Phía dưới nó là vô vàn lời khen tặng - đúng là một phát kiến vĩ đại! Tại sao ấy à? Nói dong nói dài chi cho mệt. Có biết rằng người Việt Nam mấy ngàn năm nay sống nhờ cây lúa nước không? Lúa không phải l**, không cần che giấu. Tức là vcl giờ không phải ẩn núp ở đâu cả, có thể bước ra đời thực làm "vãi cả lúa" rồi.

Giờ thì cả cần thanh minh "Chửi thề đâu phải lố lăng, chửi thề cho mạnh bạo câu văn vậy mà.", trẻ em cứ quả quyết nói: "Con không có chửi thề. Mọi người thật là lạc hậu, đây là xu hướng. Từ lúa có gì xấu đâu mà không cho con nói? Người nghe nghĩ bậy rồi đổ thừa con.". Đơn giản như đang giỡn vậy đó!

Tiếng-chửi-thề-đã-tiến-hoá vô cùng hạnh phúc vì độ phủ sóng của nó dày đặc gấp chẳng biết bao nhiêu lần thế hệ ông cha nó. Duy có một điều, đôi khi vẫn làm nó chạnh lòng - Tại sao nó không được đường đường chính chính lấy tên như ông cha nó là tiếng chửi thề? Tại sao con người bây giờ lại nói là nó không phải là chửi thề? Nó như vậy là có bị mất gốc không?

—- —- —-

Trên đây là câu chuyện cổ tích tạm đặt tên là "Sự tích cây lúa", và nó chưa có hồi kết. Chắc tới lúc người viết ngủm cù tèo rồi, câu chuyện này vẫn chưa có hồi kết đâu. Vì tốc độ tiến hoá của nó nhanh khủng khiếp lắm, biết đâu dăm bữa nửa tháng nữa người viết lại ngoáy bút kể về "Sự tích cây cối".

09/01/2019

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro