chương 4: [ hoa phiêu tiềm thuỷ ]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


"Em cứ nằm im đấy! Bây giờ em là Tiểu thư nhà Đại tướng quân. Ai đến hỏi cứ bảo bệnh không tiện gặp!"

"Thật sự ổn không... tiểu thư ơi?"- Mặt Tuyết Liên trắng bệch, giọng run run.

"Đây là hình phạt cho em vì làm ta khổ sở suốt mấy tiếng. Em không tin ta à?"- Tôi lườm nàng ta. Không để nàng có cơ hội trả lời tôi liền vội nói:

"Vậy nhé ta đi đây!"

" Tiểu thư à! Để tiểu thư đi như vậy em không an tâm... lỡ tiểu thư mà gặp chuyện gì thì em có mười cái mạng cũng không đền nổi."

" Em cứ tin tưởng ở ta! Nữ nhi nhà Đại tướng quân thì sợ cái gì?"

" Nhưng mà—"

Không để Tuyết Liên nói hết câu, đoạn, tôi lập tức chạy ra ngoài. Tôi nhìn ngó xung quanh tìm kiếm rồi hòa vào đám người của thiếu phu nhân đang điềm nhiên bước ra khỏi cổng lớn.

[...]

Cảnh vật bên ngoài thật sự vượt ngoài sức tưởng tượng. Những gian nhà với mái ngói được chạm khắc một cách tỉ mỉ theo nhiều hình dạng độc đáo được xếp san sát nhau tạo nên một khung cảnh tráng lệ. Tiến sâu vào khu buôn bán đô hội, khung cảnh càng náo nhiệt hơn nữa. Các gian hàng với đủ thứ đồ được bày biện ở khắp nơi. Người người đi lại mặc trên mình những bộ quần áo đậm nét xưa cũ. Lướt qua những nam nhân búi tóc cao lên gọn gàng, vài người thì buộc kiểu đuôi ngựa. Những thứ trước kia tôi cứ ngỡ chỉ có trong phim hoặc trí tưởng tượng giờ đây đang hiện hữu ngay trước mắt khiến tôi mới thật sự tin mình đã sang một thế giới khác rồi và thế giới này hoàn toàn mới lạ so với sự hiểu biết của tôi.

Cảm thấy mình bị tụt lại với đoàn người phía trước, tôi nhanh chân đuổi theo họ. Nếu thật sự bị bỏ rơi ở nơi này thì tôi sẽ chẳng thể tìm được đường về nhà mất.

[...]

Bữa nay là khai trương cửa hàng y phục của trưởng tức nhà Đại tướng quân, khách ra vào không đếm xuể. Khách ở đây chủ yếu là tầng lớp thương nhân giàu có hay là các tiểu thư, phu nhân nhà quan chức cấp cao ở trong thành. Thân là "người làm" tại đây, tôi phải chạy ngược chạy xuôi không ngớt việc. Trần đời ai lại có vị tiểu thư nào đang "ăn bám" cha mẹ yên lành lại tự làm khổ bản thân mình như tôi đây không?

Tuy việc không ngớt tay là thế nhưng ở đây tôi còn được gặp gỡ và trò chuyện với vô vàn kiểu người, khám phá văn hóa của họ, đặc biệt tôi còn được tận mắt chứng kiến những bộ trang phục mà trước kia tôi chỉ có thể nhìn thấy trong sách vở. Là một sinh viên khoa thiết kế thời trang thì quả đây là thiên đường cho tôi!

Sau cả một ngày quần quật làm trâu làm ngựa, tôi ngồi bệt xuống sàn, lưng dựa vào một cái cột gần đó. Tuy nói là cửa hàng của trưởng tức nhưng người làm chủ nơi này là một người khác. Nay là ngày khai trương nhưng nàng ta dù một cái bóng cũng chẳng thấy đâu.

Bỗng nhiên tôi cảm thấy có người ngồi xuống cạnh mình. Tôi khẽ liếc qua.

Là một cô gái có dáng người nhỏ gầy, trông cũng trạc tuổi tôi. Do bận bịu bởi công việc nên tôi cũng chưa làm quen được ai. Cảm thấy một mình đơn phương độc mã ở "công ty" đặc biệt là thời đại này thì sẽ chẳng thể tồn tại nổi. Tôi quay sang, nở một nụ cười công nghiệp nhất có thể:

" Xin chào, bà tên là gì thế?"

"Bà? Trông ta già đến vậy sao? "- Cô gái kia quay sang nhìn tôi ánh mắt tựa như sắp ăn tươi nuốt sống tôi.

Chợt nhận ra có gì đó sai sai ở đây, tôi nhanh chóng tua lại cuộc hội thoại chưa đầy mấy giây trong đầu. Thôi chết rồi!

Vì quá mau mải muốn kết giao bằng hữu mà tôi đã quên mất mình đang ở thời điểm mà cách xưng hô kia hoàn toàn không phù hợp. Chưa quen được ai mà đã gây ấn tượng xấu thế này... Tôi bối rối, khua chân múa tay hết cả lên, miệng cười đến méo cả mặt:

"Ý ta không phải th—!"

Chưa kịp giải thích thì bất ngờ một nam nhân bước vào cửa hàng nhìn ngang ngó dọc. Nếu ở thời đại này mà có loa để bật nhạc thì tôi sẽ không ngần ngại bật bài "Đi về nhà" của Đen Vâu và JustaTee ngay và luôn.

Nhìn quanh cửa hàng hiện giờ mọi người đều đang sắp xếp lại đồ đạc. Dường như chỉ có tôi và nữ nhân bên cạnh là những người rảnh rang nhất ở đây. Thấy thế tôi đành phải uể oải ngồi dậy, mồm không cười nổi tiến tới chỗ người kia đang đứng.

Vị khách này là một cậu con trai khoảng mười lăm mười sáu tuổi. Nhìn qua y phục, tôi có thể đoán y tới từ một gia đình thương nhân nào đó. Y đưa cho tôi một tờ giấy nhỏ kèm một túi bạc:

"Gia mẫu ta muốn thêu một bộ y phục nhân dịp bà lên chùa cầu an. Đây là tiền cọc, sau bảy ngày ta sẽ tới lấy. Đừng làm phật ý bà ấy."

Tôi cúi đầu đợi y đi khỏi cửa mới quay lại chiếc bàn gần đó. Đó là bàn của Nhã Trúc, người thay trưởng tức quản lí nơi này. Tôi cất giọng đầy uể oải, đoạn, đặt tờ giấy và túi bạc lên bàn:

"Thưa bà chủ, có người tới đặt may, bảy ngày sau nữa sẽ tới lấy. Còn đây tiền cọc ạ."

"Tiểu thư hôm nay chơi không vui sao? "- Giọng người nọ nhẹ tênh, cố nói nhỏ sao cho chỉ tôi và nàng nghe thấy.

"Sao tỉ biết!?" - Tôi hốt hoảng, không kìm lại nổi âm lượng của mình.

Mọi người đang làm việc bỗng quay ra nhìn chằm chằm vào tôi đầy khó hiểu. Giật mình, tôi vội lấy hai tay che miệng lại.

"Mọi người xếp nốt chỗ đó rồi về phủ nghỉ ngơi trước đi nhé. Ta có việc sẽ về sau."- Nàng quay sang nói với đám người làm, giải vây cho tôi trong gang tấc.

Thấy bà chủ nói thế làm gì có đám tôi tớ nào dám trái lời, họ quay lại công việc đang dang dở. Tôi nhìn nàng ánh mắt đầy xúc động. Nàng kéo tôi xuống nói nhỏ đủ cho tôi nghe:

"Hoài An bảo ta trông chừng em."

Hoài An là ai? Các nơ ron thần kinh của tôi liền vận động qua lại. Trong trường hợp này người tên Hoài An kia chỉ có thể là trưởng tức - người chị dâu đáng mến của tôi. Nhưng để mà gọi hẳn tên trưởng tức ra như thế thì chắc hẳn mối quan hệ giữa Nhã Trúc kia và chị dâu tôi cũng không phải tầm thường. Chưa để tôi đáp lời người trước mặt tiếp tục lên tiếng.

"Tối nay có hội chợ vui lắm em đi với ta không?"

Cả người tôi đang như cỏ khô sắp chết vì héo úa, vừa nghe hai từ "hội chợ" bỗng cả người như được hồi sinh hừng hực sức sống. Tôi nở nụ cười tươi rói, gật đầu như gà mổ thóc:

"Đi chứ! Chắc chắn là đi rồi!"

Nhã Trúc cười trừ không đáp, nàng búng vào trán tôi:

"Làm việc đi."

Tôi ôm trán cười hì hì rồi quay đi làm nốt công việc còn lại.

Đến khi ánh chiều tà đã ngả cam len lỏi qua những ô cửa gỗ, người làm dường đã đi về hết thì tôi mới chợt nhớ ra khi nãy mình còn xin lỗi cô gái mà tôi lỡ lời làm tổn thương kia. Đảo mắt xung quanh không thấy người mình đang tìm, tôi tự nhủ người ta đã về rồi. Chắc chắn vào ngày mai tôi phải giải thích rõ với cô ấy mới được.

[...]

Kinh đô vào đêm được bao phủ bởi vô vàn màu sắc khác nhau, sáng rực cả một vùng trời. Tôi rảo bước theo Nhã Trúc đi quanh từ hàng quán này đến hàng quán khác. Nào là bánh giò nóng hổi bọc mộc nhĩ cùng thịt xay, hay bánh đúc mềm dai, dẻo ngon, kết hợp với nhân đậu phộng bên trong bùi bùi béo béo, còn có cả bánh trôi nước trắng trẻo, trơn mềm ăn kèm với dừa nạo khiến tôi lưu luyến không thôi. Cứ thế cứ thế bao thứ của ngon vật lạ lũ lượt được đưa vào chiếc dạ dày bé nhỏ. Khi chúng tôi đã no căng cả bụng, đoạn, Nhã Trúc háo hức rủ tôi đi xem múa rối nước. Đứng trước sự rủ rê hấp dẫn tôi không thể không từ chối.

Lướt qua một cửa hàng treo những chiếc mặt nạ giấy cùng nhiều họa tiết ngộ nghĩnh. Tôi không kiềm lòng được liền mua lấy hai chiếc. Một chiếc cho tôi, một chiếc cho Nhã Trúc.

Khu múa rối nước tấp nập người qua lại. Chúng tôi cố gắng len lách qua hàng người để tìm cho mình vị trí tốt nhất. Sân khấu biểu diễn được trang trí tựa như một bàn thờ lớn ở đình chùa, xung quanh trang trí cờ, quạt, voi, võng lọng. Tiếng trống, tiếng mõ rộn rã nổi lên thúc giục từng hồi, những đợt pháo thăng thiên, pháo mở cờ ngoạn mục vang lên. Những con rối bắt đầu di chuyển dưới bàn tay điêu luyện của những người nghệ nhân tựa như được thổi hồn, chúng thoát ẩn thoát hiện tài tình trên mặt nước. Những con rối sinh động như người thật càng làm không khí càng thêm náo nhiệt. Tôi hòa mình vào buổi kịch rối nước, cảm thấy công sức mình cố gắng để ra ngoài thật sự không hề lãng phí.

[...]

Kết thúc buổi diễn rối, tôi nhìn Đông ngó Tây mãi chẳng thấy Nhã Trúc đâu. Tôi đứng chết lặng giữa dòng người qua lại khi nhận ra mình chẳng biết đường về phủ tướng quân.

Trong lúc tôi hoang mang như đứa trẻ bị lạc mẹ thì tiếng nô nức của một đám đông nọ thu hút sự chú ý của tôi.

Thiết nghĩ mãi mới ra ngoài vui chơi được mà kiểu gì mình cũng còn miệng lưỡi để hỏi đường. Tôi quên đi việc mình lạc mất Nhã Trúc, theo vào đám đông xem náo nhiệt.

Với thân hình nhỏ bé của mình, tôi lách qua đám người tiến lên phía trước để xem một cách dễ dàng. Hóa ra những người này đang chơi cá cược! Trước mắt tôi là một chiếc bàn, trên bàn có một cái bát ngửa chứa ba viên xúc xắc, bên cạnh bát ngửa là một cái bát úp.

Có hai nam tử ngồi đối diện nhau. Người ngồi phía bên phải là một người đàn ông trạc tuổi tứ tuần, thân hình mập mạp, khuôn mặt đỏ ửng như vừa ăn phải ớt. Ngược lại, phía bên trái tôi đây lại là một người đàn ông với dáng dấp cao, thật khó để đoán được tuổi vì y đeo mặt nạ. Nhưng quan sát y phục hắn mặc thì hẳn đây là người có xuất thân quyền quý. Hắn tiêu diêu tự tại cầm quạt tựa như đang tận hưởng một buổi kịch vui mắt.

Đại khái trò cá cược này là tung xúc xắc đoán chẵn lẻ. Hai người sẽ lần lượt thả xúc xắc vào bát đặt sẵn trên bàn rồi úp một cái bát còn lại lên mà lắc. Sau đó người đối diện phải đoán số ra là chẵn hay lẻ. Nếu đoán đúng thì được coi là người thắng cuộc, có quyền chiếm đoạt đồ vật đặt cược của người đối diện. Còn nếu đoán sai thì coi là người thua cuộc, phải tự giao nộp đồ vật mình đã đặt cược trước đó. Hiển nhiên "đồ vật" ở đây phải là những thứ có giá trị.

Nếu như thế thì rõ ràng đây là một trò chơi may rủi nhưng chẳng hiểu thế nào mà người đeo mặt nạ kia liên tục đoán đúng, gần như đã ẵm trọn gia sản của lão già kia.

Kết thúc vòng chơi thứ mấy tôi cũng chẳng nhớ rõ, lão già kia tức giận bật dậy đấm xuống bàn làm hai chiếc bát rơi xuống vỡ tan tành, xúc xắc rơi tung tóe ra khắp nơi. Lão ta quát lớn:

"Không thể nào! Rõ ràng là gian lận! Làm sao có thể có chuyện phi lí như thế được!" - Mặt ông ta đỏ phừng phừng như sắp phun lửa tới nơi.

Đám đông bắt đầu xôn xao. Riêng người nam nhân kia vẫn ung dung phe phẩy quạt. Khóe môi hắn nhếch lên như đang cười. Giọng hắn đầy giễu cợt:

"Bằng chứng?"

Lão già kia cứng họng, không nói nên lời. Cơn thịnh nộ trong lão có lẽ không thể kìm nén lại được nữa, toan lao lên giơ nắm đấm vào người đối diện.

Tôi chưa kịp định hình lại mọi thứ thì đã thấy một bóng đen lao ra quật ngã lão già kia ngã sõng soài dưới đất. Đám đông đang rộn rã bỗng im thin thít, tình cảnh căng như dây đàn chẳng ai dám hé một lời. Bóng đen kia cũng đeo một chiếc mặt nạ lễ hội, cả thân y khoác một tấm áo vạt chéo màu đen đơn giản. Đây hình như là người đứng cạnh nam tử đeo mặt nạ từ đầu đến cuối không nói một lời.

Theo sự quan sát của tôi thì hình như đây là "vệ sĩ" của tên tự cao kia. Có vẻ như tên này biết được dáng vẻ kênh kiệu của hắn rất dễ ăn đấm nên thuê "vệ sĩ" trước đây mà. Tôi thầm gật đầu với suy đoán của mình.

Lão già kia nằm lăn lộn trên nền đất, rên ư ử như lợn cắt tiết. Tôi nhìn lão mà thấy đau nhói cái lưng mình. Cảm thấy hai người kia rõ ràng là đang bắt nạt người quá đáng. Trong người tôi lại đang rủng rỉnh túi bạc. Thiên thời Địa lợi Nhân hòa rõ ràng ông trời đang muốn Lam Châu tôi đây thay trời hành đạo. Tôi thề là không phải do tôi thấy trò cá cược kia quá thú vị đâu.

Tôi cúi xuống nhặt viên xúc xắc đã rơi dưới chân mình từ lúc nào. Nở nụ cười tự đắc, tôi tiến lên phía trước phá tan không khí yên tĩnh:

"Ngươi!"

Tôi chỉ tay vào nam nhân ấy, hét lớn:

"Chơi với ta!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro