Chương 1: Suku thiên thần part 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Thằng Suku thỉnh thoảng hay cắn người.

Nhà chị Ni phát khổ với nó về chuyện này.

Khác tới nhà chơi, thấy Suku đáng yêu quá, không ai kềm được ước muốn vuốt ve.

Thoạt đầu, Suku để mặc cho khách nựng nịu, còn giương đôi mắt trong veo thánh thiện long lanh ngước nhìn khách.

Khách mê tơi, càng mơn trớn dữ.

Đúng vào lúc khách đang lâng lâng, Suku bất thần nhe nanh đớp một phát vào bàn tay đang mải mê âu yếm kia.

Nạn nhân của thằng Suku nhẹ thì lõm dấu răng, nặng thì máu chảy đỏ lòm.

- Ôi, cha mẹ ơi!

- Ối, con chó này làm sao thế này?

- Ây da! Tao nựng mày chứ có làm gì mày đâu mà mày cắn tao!

Từ khi thằng Suku phát hiện ra răng không chỉ dùng để nhai thức ăn, những tiếng là hoảng, những tiếng kêu thảng thốt của các nạn nhân của nó có thể chép kín một cuốn sổ dày.

Thêm một cuốn sổ cũng dày không kém để chép những lời rối rít xin lỗi của ba mẹ chị Ni.

Tôi nhớ có lần ông thợ điện đến nhà sửa cầu chì.

Khi ông vừa bước vào cửa, mẹ chị Ni đã cẩn thận thông báo cho ông biết Suku là con chó hay cắn bậy, dặn ông không nên vuốt ve nó.

Ông thợ điện y lời, suốt buổi không dám đến gần thằng Suku.

Nhưng khi ông sửa xong, đang ngồi đằng bàn uống nước thì Suku mon men lại gần, nhẹ nhàng gối đầu lên chân ông.

Nhớ lời cảnh báo của mẹ chị Ni, ông nín thở ngồi im, bụng nơm nớp.

Ngồi bất động một lát thấy Suku sao thân thiện ngoan hiền quá, chẳng giống chút gì với những lời chủ nhà nói, từng cụm lông trắng xoăn tít như lông cừu của nó càng nhìn lại càng mê, thế là ông đánh bạo đưa tay khẽ vuốt lên đầu nó.

Như thông lệ, thằng Suku đang vô cùng ngoan ngoãn dễ thương đó lập tức trở mặt khi bản tay ông thợ điện chạm vào nó. Nó quay ngắt đầu lại, bất ngờ cắn vào tay ông.

Cũng may là ông thợ điện vẫn có ý đề phòng. Ông rụt nhanh tay lại, tránh được cú đớp. Nhưng hồn vía đã lên mây, ông hấp tấp quơ vội túi đồ nghề trên bàn, co giò phóng thục mạng.

Thằng Suku rượt ông thợ điện ra tới tận ngoài đường nhưng ông đã kịp nhảy lên xe, rồi máy vọt đi.

Nếu là tôi, đuổi không kịp người ta thì thôi. Cáu lắm thì sủa ăng ẳng vài tiếng cho hả tức rồi quay trở vào nhà. Nói chung con chó nào cũng hành xử như vậy.

Nhưng Suku là con chó đặc biệt. Thấy ông thợ điện chạy mất, nó bực quá. Không biết làm sao cho hết bực, nó hầm hầm đảo mắt nhìn quanh, thấy cô Oanh bán bánh mì đang đứng gần đó, thế là nó chạy tới đớp vào chân cô một phát.

- Í, í, con chó này! - Cô Oanh giật mình, thét be be - Sao con cắn cô? Hằng ngày cô vẫn cho con ăn bánh mì mà!

Cô Oanh ngạc nhiên về thằng Suku. Nhưng tôi thì chẳng ngạc nhiên chút nào.

Sống chung nhà với Suku lâu năm, tôi từng chứng kiến những cú ra đòn khó đỡ của nó. Nó không chỉ căn người lạ mà khi nổi hứng lên nó săn sàng tấn công cả người quen.

Cô Hà là bạn thân với gia đình chị Ni, tuần nào cũng ghé chơi. Mỗi lần ghé, cô không quên đem quà cho bọn tôi.

Mỗi lần cô đem tới một túi bánh. Chia ra, cho bọn tôi mỗi đứa được ba cái.

Cô cho từng đứa ăn. Khổ nỗi, bốn đứa tôi ăn thì không sao, đến thằng Suku thì có chuyện.

Cô chìa bánh cho nó ăn từng cái một. Nó lần lượt ăn hết ba cái, vừa ăn vừa ngoáy tít đuôi, ra vẻ biết ơn cô hà lắm lắm.

Cho Suku ăn xong, cô Hà quay sang trò chuyện với mẹ chị Ni.

Trong khi bọn tôi tản đi chỗ khác thì Suku vẫn ngồi chầu chực dưới chân cô. Có lẽ nó vẫn còn thòm thèm, thôi thấy nó cứ thè chiếc lưỡi đỏ hỏn ra liếm mép.

Tất nhiên bọn tôi biết túi bánh đã hết. Thằng Suku cùng biết rõ điều đó. Nhưng có lẽ nó thèm quá hóa bực. Bực cô Hà tại sao chỉ đem tới một túi bánh mà không phải là ... mười túi. Tôi đoán vậy, vì bất thình lình nó chồm lên đớp một phát vào bàn tay cô hà lúc đang gác trên đầu gối - bàn tay vừa rồi đã đút bánh cho nó ăn.

Lần đó, cô Hà giận thằng Suku suốt một tuần.

Anh nghé còn thân thiết với thằng Suku hơn cả cô Hà.

Những ngày gần đây, anh là người thường xuyên dắt nó đi dạo.

Cứ nghĩ với tình cảm thắm thiết đó, Suku sẽ không bao giờ xem anh là đối tượng để thử độ cứng của răng.

Vậy mà hôm nào anh Nghé ngồi ăn cơm vô tình quơ chân trúng phải đầu nó, nó không ngận ngại tặng anh một cú đớp.

Biết mình có cái tật xấu đó, lẽ ra tới giờ cả nhà ngồi vào bàn ăn, thằng Suku nên lảng đi chỗ khác cho thế giới yên bình. Đằng này, nó cứ rúc dưới gầm bàn, đầu gối lên hai chân trước, đặc biệt lúc nào cũng quay về phía anh Nghé, chỉ đợi anh lơ đễnh chạm vào nó là nó sinh sự.

Có lần bị nó căn đau quá, anh Nghé nổi điên cầm dép rượt nó chạy vòng vòng.

Nhưng Suku vẫn chứng nào tật nấy: hôm sau đó nó lại chui xuống gầm bàn trong giờ ăn mai phục ngay chân anh Nghé.

Đại khái thằng Suku giống hệt một quả mìn điên, chẳng biết nổ lúc nào và nổ vào ai. Từ khi biết sự thật phũ phàng đó, anh Nghé đành ngồi thu chân lên ghế, mặc dù ngồi trong tư thế đó khó mà nói con người ta có thể mô tả được món mình đang ăn có mùi vị gì.

Có khá nhiều nạn nhân của thằng Suku là người nước ngoài. Chú Peter người Ý chồng dì Út, anh Guillam người pháp chồng chị Bùm, chú William người Mỹ bạn của ba chị Ni khi tới nhà chơi đều bị thằng Suku để lại không ít kỷ niệm trên bắp chân.

Chú Willam đi hà nội làm phim, về Sài Gòn ở chơi nhà chị Ni một tuần.

Hôm đầu tiên, chú xách ba lô lên phòng tắm rửa thay đồ, lúc trở xuống nhà, mẹ chị Ni sực nhớ, dặn:

- Em coi chừng con chó màu trắng nhé. Đừng đụng vào người nó. Nó hay cắn sảng lắm đó.

Chú William cười méo xẹo:

- Dạ, nó cắn em rồi chị.

Chịu thua thằng Suku luôn!

Nhưng chú William coi đó là chuyện nhỏ. Chú thuộc loại người không sợ chó, thậm chí là mê chó.

Chỉ có chú Peter là hay nổi điên với Suku. Cũng giống như anh Nghé, chú từng đuổi thằng Suku chạy quanh nhà vì nó hay cao hứng cắn chú vào lúc chú đang thấy đời đẹp nhất.

Anh Guillaume sợ Suku, không dám rượt. Nó cắn anh, anh vọt ra ngoài, đóng sập cửa lại. Rồi anh đứng phía ngoài, thằng Suku đứng phía trong, hai bên chưa qua chửi lại qua tấm cửa lưới.

Anh chửi bằng tiếng Pháp, thằng Suku chửi bằng tiếng chó, không biết có ai hiểu ai không mà cả hai đều sủi bọt mép, trông rất hăng.

Sau lần đó, tôi không thấy anh Guiillaume tới nhà chơi nữa.

Nhớ dạo gia đình chuyển sang chỗ ở mới, trông mẹ chị Ni lo lắng đến mất ngủ.

Căn nhà cũ nằm ở tầng lầu của một chung cư, chỉ có khách tới nhà mới bị thằng Suku "hỏi thăm sức khỏe".

Chỗ mới nằm dưới tầng trệt, lại ngay khu buôn bán. Trên vỉa hè đằng trước nhà, bên trái là cô Oanh bán bánh mì, bên phải là cô Thảo bán trái cây, khách khứa từ cao ốc văn phòng đối diện kéo sang nườm nượp.

Tất nhiên ngày nào bọn tôi cũng rủ nhau mon men ra phía trước ngắm người xe qua lại. Thế là danh sách nạn nhân của thằng Suku nhanh chóng được bổ sung những tên tuổi mới.

Khoảng sân nhỏ trước nhà được ngăn cách với vỉa hè bởi một cánh cửa gỗ ghép bằng những chấn song. Khe hở giữa các chấn song đủ nhỏ để bọn tôi không chui ra ngoài được nhưng lại đủ lớn để người bên ngoài có thể thò tay vào trong nựng nịu thằng Suku. (Thật oái oăm, bọn tôi năm đứa nhưng người ta chỉ thích vuốt ve thằng nguy hiểm này).

Không nói thì ai cũng biết: những bàn tay bất hạnh đó khi thò vào thì đẹp đẽ phẳng phiu lúc rút ra thì dẫu răng lồi lõm.

Nghe hoài những tiếng "ối", "à", "ái chà", "ui da", mẹ chị Ni rầu quá, nói với cô Thảo và cô Oanh:

- Tụi em nhớ dặn khách đừng vuốt ve Suku nữa.

Ba chị Ni bảo:

- Chắc phải in tờ giấy liệt kê danh sách nạn nhân của thằng Suku rồi đeo lên cổ nó để thiện hạ cảnh giác.

Chị Ni nheo mắt:

- Có cần in hai cột không ba? Cột bên nay là nạn nhân quốc nội, cột bên kia là nạn nhân quốc tế!

Nói cho đúng ra, thằng Suku không phải là chó dữ.

Năm mươi phần trăm những cú táp của nó là những cú táp dữ, không trúng ai.

Số còn lại lực táp không mạnh. Thỉnh thoảng nó mới làm người ta đau, phần lớn chỉ làm người ta giật mình hay hoảng sợ.

Mẹ chị Ni bảo thằng Suku hồi bé không vậy. Hồi bé nó là một con cún ngoan. À không, bây giờ nó vẫn ngoan, chỉ mỗi tội hơi "tưng tửng".

Tại sao nó "tưng tửng"? Theo như những gì mẹ chị Ni kể với cô Hà mới đây thì hồi Suku còn bé có một lần anh Nghé nhốt nó trong phòng tắm khi cả nhà đi vắng. Sở dĩ phải nhốt nó là để nó khỏi phá phách vì trước đó nó từng quậy tưng khi ở nhà một mình. Trong vòng một buổi sáng, nó kịp cắn xé tất cả những gì có thể cắn xé: giày dép, sách báo, áo quần, kéo cả chăn trên giường xuống đất và moi ruột mọi cái gối mà nó vớ được. Kinh hoàng nhất là nó lật tung gần như tất cả các tấm nhựa lót sàn. Cho đến tận bây giờ mẹ chị Ni vẫn không sao giải thích được nhờ đâu thằng Suku có thể làm được điều tày đình đó với sức vóc của một con cún.

Lần đó, vừa mở cửa nhà, ai nấy há hốc cả miệng. Trước mắt mọi người, cảnh vật tan hoang như cướp vừa vào nhà, lại là cướp đến từ tiểu bang Texas vốn quen đào bới lung tung để tìm vàng.

Chỉ một thoáng quan sát mẹ chị Ni biết ngay kẻ cướp chính là thằng cún đang vừa nhảy chồm chồm vừa tè lên chân bà, đuôi vẫy lia, miệng kêu ư ử như khoe thành tích kia.

Đó là thời thằng Suku là con cún duy nhất trong nhà. Sau trận tàn phá ghê hồn đó, mẹ chị Ni quyết định lần lượt đem bọn tôi về nhà làm bạn với nó - trước tiên là tôi, sau đó đến Êmê, con Haili và con Pig.

Tất nhiên trước khi bọn tôi xuất hiện, anh Nghé tin rằng nhốt thằng Suku trong phòng tắm khi cả nhà đi vắng là cách tốt nhất để nó đừng xới tung thế giới lần nữa.

Thằng Suku không xới tung thế giới. Nhưng nó xới tung bản thân nó.

Đối với một con cún, bị nhốt trong phòng tắm trong vòng hai tiếng đồng hồ là một điều gì đó kinh khủng, càng kinh khủng hơn khi con cún đó tên là Suku.

"Nỗi nhớ con người" bén rễ trong lòng Suku sâu xa đến mức ở nhà một mình đối với nó là một sự đày ải. Vắng mặt con người, bên cạnh lúc đó lại không có con chó nào khác làm bạn, nó lập tức bị nỗi sợ vô hình tóm lấy. Nó cảm thấy cô độc và hoang mang. Tâm hồn nó trở nên mong manh, bất an và tiếp theo là hàng loạt những hành vi xuẩn ngốc. "Phá phách đối với Suku là một cách giải tỏa tâm lý đó mẹ", vào ngày nó biến ngôi nhà ngăn nắp thành một mớ hỗn độn chị Ni đã nói như thể để bào chữa cho nó.

Lần bị nhốt trong phòng tắm, Suku không cắn xé thứ gì được. Thế là nó liên tục húc đầu vào cánh cửa để mong thoát ra bên ngoài nhưng không thành công.

ĐIều ít ỏi nó có thể làm được là phá tung miếng gỗ ghép bên dưới cánh cửa và trả giá cho "thành tích" đó bằng cái đầu tươm máu.

"Không khéo nó bị chấn thương sọ não", chị Ni rơm rớm nước mắt lúc ẵm thằng Suku lên xích lô đi bệnh viện.

Tôi không nghĩ thằng Suku bị chấn thương gì lớn sau cú húc đầu đó. Vì theo như những gì mẹ chị Ni kể lại, sau khi từ bệnh viện thú y trở về nó vẫn chạy nhảy, ăn uống, vui chơi bình thường.

Nhưng từ đó, nó mắc cái tật thỉnh thoảng hay cắn người. Lúc này tôi đã được đưa về nhà để đánh bạn với Suku, nhờ vậy tôi đứa đâu tiên chứng kiến cái tật này của nó.

Thoạt đầu Suku hay táp những bàn tay nào vuốt ve đầu mình.

Chị Ni suy đoán:

- Chắc vết thương trên đầu nó vẫn còn đau.

Nhưng về sau nó táp cả những bàn tay nào mơn man trên lưng nó.

Tới đây thì chị Ni làm thinh.

Anh Nghé nheo mắt:

- Hổng lẽ vết thương trên đầu thằng Suku bây giờ lan ra tới lưng?

Ba chị Ni khôi hài:

- Mai mốt nó còn lan tới tận đuôi nữa đó.

Về sau sau sau nữa thì không cần ai chạm vào người Suku, nó cũng tung ra những cú táp bất ngờ.

Chị Ni lại đi tìm nguyên nhân:

- Chắc nó bị giật mình.

Mẹ chị Ni đồng tình:

- Ờ, từ sau khi bị thương, Suku rất hay hốt hoảng.

Thỉnh thoảng giật mình hoảng hốt thì con chó nào mà chẳng thế. Một động chậm bất ngờ, một xê dịch đột ngột, một tiếng động thình lình, tất cả đều khiến không chỉ con chó mà cả con người cũng giật mình.

Thằng Suku nằm dưới gầm bàn, chân anh Nghé vô tình đụng phải nó, nó táp anh. Đó là do nó giật mình. Khi giật mình, con chó nào cũng nhe nanh, đó là phải xạ có tính chất tự vệ. Điều đó có thể hiểu được.

Nhưng khi không có bất cứ tác động nào của ngoại cảnh, chỉ nằm im nghĩ ngợi thôi nghĩ lan man một hồi tự nhiên thấy buồn bã quá, thấy cuộc đời một con chó chẳng có gì vui, hoặc là thấy bực bội trong người, tầm thường hơn là thấy đói bụng hay thèm ăn quá mà chẳng có gì cho vào miệng, thế là nhe nhanh đớp người một cú - như lần Suku đớp cô Hà, thì hành vi đó ngay cả bọn tôi cũng không cắt nghĩa được. Giống như thằng Suku đang giật mình trong mơ.

Nếu đúng vậy thì Suku thường xuyên có những giấc mơ. Mơ giữa ban ngày. Mơ khi đang thức.

Suku biến thành một đứa như thế có phải do hồi trước nó húc đầu vào cánh cửa phòng tắm, tôi cũng không biết nữa.

Rốt cuộc thì anh Nghé cũng nghĩ ra cách khống chế tật cắn người của Suku.

Một lần Suku suýt táp trung tay anh khi anh đang bắt bọ chét cho nó. Nhưng con bọ chét lấn sâu trong lớp lông dày của Suku, để bắt được chúng đôi lúc anh vô tình bứt phải mớ lông dày của thằng này. Bị đau, Suku quay đầu táp vào tay anh. Nếu anh không bị nó cắn phải là nhờ anh nhanh bắt kịp dùng tay kia ghìm được đầu nó.

Bí quyết được phát hiện, tuy muộn màng: Cứ ôm cứng đầu thằng Suku thì nó không ngọ nguậy để cắn ai được.

Kể từ hôm đó, bất cứ ai cũng có thể nựng nịu Suku-thiên-thần.

Anh Nghé dắt thằng Suku ra trước hiên, tay ôm sát đầu nó vào ngực, khác bên ngoài tha hồ thò tay qua chấn song vuốt ve bộ lông mượt mà và êm như nhung của nó.

Như tôi đã nói, Suku không phải là chó dữ. Nó là con-chó-hay-giật-mình. Bị bàn tay người lạ chạm vào người, phản ứng đầu tiên của nó là quay lại cố táp lại nhưng đầu nó lúc này đã bị anh Nghé giữ chặt.

Không nhúc nhíc được, nó cũng chỉ gừ gừ vài tiếng rồi ngoan ngoãn nằm im.

Tóm lại, trừ những lúc không ngoan thì Suku đúng là con chó ngoan.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro