Chương 2: Haili, Êmê và cuộc chiến quyền lực

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đức tính nổi trội nhất của thằng Suku để tôi nghĩ nó là một con chó ngoan thực ra nằm ở chỗ này: Nó không bao giờ có tham vọng trở thành con chó đầu đàn dù nó là con chó giống đực duy nhất trong nhà.

Trừ những loài thú ưa sống cô độc, còn đã sống bầy đàn bao giờ cũng có những con khát khao vượt lên tất cả các con khác. Đó là những con có đủ tư chất thủ lĩnh.

Cuộc tranh giành quyền lực này dĩ nhiên dựa trên sức mạnh. Trong quá trình sàng lọc và đào thải, sẽ có những con chiến bại, những con đầu hàng, và những con tử trận.

Con giành chiến thắng cuối cùng trở thành con đầu đàn.

Với xã hội bọn tôi, đó là một cuộc bỏ phiếu bằng răng.

Lúc này trong nhà tôi có đầy đủ cả năm mống: tôi, Suku, Êmê, Haili và Pig. Trong bọn không đứa nào có hàm răng khỏe mạnh và sắc bén bằng con Haili.

Hồi con bé bọn tôi cũng hay giành ăn, cãi cọ ỏm tỏi và tất nhiên cuối cùng là choảng nhau. Nhưng chỉ là choảng nhau theo kiểu trẻ con chứ chưa có ý thức khẳng định cái tôi.

Cho tới một ngày, con Haili quyết định không tốn thì giờ vào chuyện đánh nhau hằng ngày với bọn tôi nữa. Nó muốn vươn tới một vị thế khác: kẻ áp đặt quyền lực. Tức là nó muốn không đứa nào trong bọn tôi dám nghĩ đến chuyện đánh nhau với nó, kể cả trong những giấc mơ táo bạo nhất.

Hồi nhỏ, con Haili rất sợ thằng Suku. Nhưng càng lớn lên, Haili nhận ra Suku chỉ là đứa to xác nhưng chậm chạp. To xác thì chỉ ăn nhau ở chỗ đánh vật theo kiểu trẻ con. Còn khi quyết đấu sinh tử, sức mạnh và sự nhanh nhẹn đóng vai trò then chốt. Về khoản này thì Suku chỉ đánh đi theo xách dép chi Haili, tất nhiên nếu con Haili có mang dép.

Trong cái ngày Haili chọn để bắt đầu cho một cuộc lật đổ lịch sử, thằng Suku đang thong thả nằm gặm xương cạnh bàn thờ ông địa đằng trước cửa nhà.

Nằm ườn trên nền nhà để nghe tiếng người thân yêu trò chuyện bên tai vừa nhấm nháp một cục xương thơm phức đối với bọn tôi cũng hạnh phúc không khác gì đang yêu.

Haili gây sự với Suku đúng vào lúc đó, tức là lúc Suku đang thấy đời tuyệt một màu hồng và cuộc sống có quá nhiều lý do để xem là đáng sống. Haili xán lại sát bên Suku, không nói không rằng, giật phắt khúc xương khỏi mõm thằng này.

Sau một thoáng ngơ ngác vì bất ngờ, Suku xông vào Haili.

Cho tới lúc đó, chưa bao giờ Haili dám tấn công trực tiếp Suku. Nhưng tối hôm trước chắc Haili đã suy nghĩ suốt đêm về trận đánh này. Nó đã tính toán mọi thế đánh, lường trước mọi tình huống và chọn lựa chiến thuật phù hợp.

Nó tránh xáp chiến để không rơi vào tình thế bị Suku ép vào tường hoặc đè xuống nền nhà.

Haili chỉ đánh tầm xa. Nó lượn quanh thằng Suku, giữ một khoảng cách nhất định để thằng này không chạm vào nó được. Rồi bằng những cú phóng như tên bắn, nó lao vào Suku tung ra những cú táp bất ngờ rồi nhanh nhẹn lùi ra xa để chuẩn bị một cú đánh khác.

Trong vòng một phút, Suku mệt đứ đừ vì phải liên tục xoay quanh chính nó, không phản công được cú nào trong khi mõm nó xuất hiện vô số vết xước còn đôi tai dày của nó đã tươm máu đỏ lỏm.

Tới phút thứ sáu, Suku rên lên đau đớn và quay đầu cuống cuồng bỏ chạy, tông đổ cả bàn thờ ông địa khiến những chiếc cốc bằng sứ văng tung tóe.

Cuộc chiến kết thúc chóng vánh, trước ánh mắt ngơ ngác của bọn tôi. Lúc đó tôi chưa đủ trưởng thành để hiểu rằng lịch sử thỉnh thoảng vẫn đi nhanh hơn bình thường, chỉ thấy hụt hẫng vì một tượng đài bị hạ bệ quá đơn giản, dễ dàng.

Kể từ đó, Haili bắt đầu diễu võ giương oai.

Sau này tôi hiểu ra nó chọn Suku làm mục tiêu tấn công là có ý đồ.

Không phải nhọc công đánh Đông dẹp Bắc, chỉ cần hạ gục đứa mạnh nhất-lâu nay vẫn được cả bọn xem là chúa trùm, Haili nghiễm nhiên trở thành kẻ thứa kế quyền lực.

Cứ xem thằng Suku rúm ró sợ hãi thế nào trước Haili thì biết.

Chỉ cách đây vài hôm, cuộc sống đã kể một câu chuyện rất khác: Suku đủng đỉnh đi tới đâu cả bọn dạt ra đến đó, y như thế thần dân nhường đường cho xa giá của nhà vua.

Bây giờ thế giới giống như bị lộn ngược: chị Ni đặt trước mõm Suku một cục xương nhưng một lúc lâu thằng này vẫn không dám đụng vào. Nó chỉ dám sờ soạng cục xương bằng mắt, đơn giản vì Haili đang nằm gần đó.

Con Haili nằm im nhìn cục xương, không thốt tiếng nào, cũng chả buồn cất một tiếng ho nhưng đối với Suku (và cả bọn tôi nữa) bản thân sự hiện diện của Haili đã là một sự đe dọa.

Tôi chứng kiến cảnh đó không chỉ một lần. Có lúc thèm quá, nước dãi chảy ước cả mớ lông quanh mõm, Suku khẽ liếc mắt nhìn Haili, thấy chúa trùm lúc này đang nằm đưa mông về phía mình, nó đánh liều chồm tới rón rén ngoạm cục xương. Suku chạm vào cục xương rất khẽ nhưng Haili biết ngay. Nó không đứng dậy, không đổi thế nằm, đầu cũng không thèm ngoái lại. Nó chỉ

thốt một tiếng gầm khe khẽ trong cổ họng, lưng vẫn quay về phía Suku, thế là thằng này hoảng sợ rút ngay cổ lại như thể vừa chạm phải than hồng.

Trong lịch sử loài người, những chuyện như thế này đã từng xảy ra. Nhưng trong lịch sử của chúng tôi đây là lần đầu tiên đường biên giới tính bị mờ nhạt đi trong cuộc tranh giành quyền lực. Và một con chó cái quyền lực như Haili lên làm vua.

Tôi biết con Haili không đoái hoài gì cục xương đó. Vừa chẽn đẫy thức ăn, bụng nó đang no căng. Nhưng đứa nào đụng vào cục xương lập tức nó tỏ thái độ. Thông điệp của Haili rất rõ ràng: Cục xương đó là của chúa trùm, một khi tao chưa cho phép thì không đứa nào được đụng vào.

Vậy khi nào thì nó cho phép? Đó là lúc nó nhỏm người dậy lững thững bỏ đi chỗ khác. Hành động đó có nghĩa là lệnh cấm đã được bãi bỏ: Tụi mày được quyền ăn rồi đó!

Khi Haili vẫn nằm im chưa chịu nhúc nhích, tôi và con Pig nhiều lần lượn qua lượn lại trước cục xương; hai đứa thè lưỡi liếm mòn cả mép,nhưng cũng chỉ biết đưa mắt ngăm nghía một cách thèm thuồng, trong lòng ức chế không thể tả.

Nhưng giống như xã hội loài người, loài chó bọn tôi cũng có những con ngang ngạnh, chẳng biết sợ trời sợ đất.

Êmê là một đứa như vậy, cứng đầu, liều lĩnh, sẵn sàng thách thức quyền lực - cứ như thể nó thuộc về một giống nòi khác.

Nó là đứa duy nhất trong bọn thản nhiên nhặt lấy cục xương bất chấp lệnh cấm đanh thép của chúa trùm Haili ban bố.

Bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần Êmê châm ngòi, một trận chiến quyết đấu lập tức nổ ra.

Trước khi mô tả những trận đánh ác liệt và dai dẳng giữa Haili và Êmê, tôi xin mở ngoặc nõi rõ: Êmê, Haili và tôi là ba chị em sinh cùng một mẹ (nhưng có cùng một cha hay không thì tôi không biết).

Tôi là chị cả, vì tôi ra đời trước tụi nó sáu tháng.

Tôi là đứa được mẹ chị Ni đón về nhà đầu tiên - mục đích là để làm bạn Suku. Gần bảy tháng sau, đến lượt Haili và Êmê tiếp tục được mẹ chị Ni đưa về vì người chủ cũ không có thì giờ chăm sóc hai đứa nó sau khi một tôi đột ngột qua đời. Tôi nghe người ta bảo Êmê và Haili bú khỏe quá làm mẹ tôi mệt mỏi đến mức không ăn uống được gì được cuối cùng kiệt sức mà chết.

Tôi không biết ba tôi là ai vì mẹ tôi giao du rất rộng, điều đó đưa đến hệ quả là mỗi lứa đẻ mẹ tôi là cho ra một đàn con có lý lịch rất khác nhau.

Vì tôi không khoái đánh nhau nên tôi đoán ba tôi là một con chó không khoái đánh nhau và chắc là tôi giống ba tôi.

Riêng khoản này, tôi nghi Êmê và Haili thừa hưởng cái gien của mẹ tôi. Tôi từng nghe mẹ chị Ni kể về thành tích lẫy lừng của mẹ tôi (tất nhiên là do người chủ trước kể lại) : Có lần một khách lạ vào nhà bị mẹ tôi tấn công tối tăm mặt mũi, sau đó phải đưa đến bệnh viện cấp cứu và khâu tổng cộng ba mươi tám mũi mới kín được vết thương. Tôi không rõ mẹ tôi sử dụng môn võ gì mà dấu răng trên bắp chân nạn nhân trải dài, đều tăm tắp và sau khi khâu nhìn giống như ông ta có một gắn cái phéc-mơ-tuya trên bắp chân.

Tôi phải công nhận Êmê là một con chó hào hiệp, ra dáng một đàn chị mặc dù nó nhỏ hơn tôi sáu tháng tuổi.

Thuở nhỏ, tôi, Haili, sau này thêm cả con Pig, luôn bị thằng Suku to xác bắt nạt và kẻ duy nhất dám ra mặt chống lại Suku để che chở cho bọn tôi là Êmê, mặc dù Êmê lúc đó cũng là một con chó con, thậm chí là đứa nhỏ con nhất trong ba chị em tôi.

Mõm ngắn, chân ngắn, lại vòng kiềng nhưng mỗi lần Suku hiếp đáp bọn tôi là Êmê lập tức đâu mõm vào mõm Suku để ngăn thằng này lại.

Êmê đứa kế thằng Suku chẳng khác nào hột mít đặt cảnh một củ khoai, thằng Suku chỉ đè cho một phát là bẹp. Nhưng Êmê không chút gì ngán ngại, nó cản thằng Suku bằng cái mõm ngắn của nó và bằng những tiếng gầm ghè phát ra từ cái mõm đó.

Vậy mà rốt cuộc thằng Suku chăng phán ứng gì. Nói đúng ra thì Suku cũng gừ gừ đáp trả nhưng sau đó thì nó lặng lẽ bỏ đi trước ánh mắt hả hê của bọn tôi.

Theo trí nhớ không đến nỗi quá ngắn của tôi thì kể từ khi tôi bước chân về nhà chị Ni, thằng Suku gây gổ với tất cả các con chó khác, trừ Êmê.

Có lẽ nó đánh hơi được Êmê là đứa không thể khất phục.

Như vậy, tính cách bất khuất này Êmê đã bộc lộ từ khi nó còn là một con chó con.

Lớn lên, khi con Haili quyết thâu tóm quyền lực để trở thành nhà độc tài đáng ghét, Êmê với phẩm chất của mình đã trở thành kẻ phản kháng vĩ đại trong mắt bọn tôi.

Êmê không có được sức vóc vạm vỡ của thằng Suku, cũng không sở hữu được hàm răng sắc và sự nhanh nhẹn của con Haili.

Nhưng nó có một thứ không phải con chó nào cũng có: đó là nguyên tắc sống. Nói ngắn gọn là nó không muốn cai trị ai và không muốn ai cai trị mình.

Khi Êmê chấp nhận chống lại một đứa hùng mạnh hơn nó gấp bội là con Haili, nó xem việc bảo vệ nguyên tắc sống quan trọng hơn việc bảo vệ tính mạng của nó.

Nó là lý do tại sao khi con Haili bắt đầu say mê quyền lực và cương quyết thiết lập chế độ toàn trị trong lãnh thổ kéo dài từ cổng rào vào tận góc bếp, Êmê đã phản ứng bằng cách bất tuân mệnh lệnh của con này, cứ tỉnh bơ vớ bất cứ cục xương nào nó muốn.

Đó là cũng là lý do bọn tôi thường xuyên chứng kiến những trận đánh ghê hồn giữa hai đứa này.

Thằng Suku cũng từng bị Êmê chống đối nhưng bản chất thằng này chỉ là đứa ỷ mạnh hiếp yếu nên khi nhận ra Êmê là đứa không dễ bức hiếp, nó chấp nhận rút lui mà không bận tâm gì.

Haili thì khác. Không trị được Êmê đồng nghĩa với việc quyền lực của nó bị thách thức, vị thế của nó trong bầy bị lung lay, tệ hơn nữa là nếu Êmê phản kháng thành công thì đó sẽ là tấm gương rất xấu cho những đứa khác.

Vì vậy Haili xem Êmê là cái gai phải nhổ bằng bất cứ giá nào và cuộc đụng độ giữa chúa trùm và kẻ khiêu khích mang một ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều so với sự tranh giành một cục xương nhỏ xíu. Đó là cuộc chiến có màu sắc chính trị, thậm chí triết học: tồn tại hay không tồn tại? 

Tôi chưa từng thấy những trận đánh nào kinh hoàng như thế trước đây.

Haili là con chó cực khỏe, cực nhanh, cực khéo. Người nó thon gọn và bốn cẳng chân dài giúp nó tiến thoái dễ dàng, linh hoạt. Nhờ ưu thế này khi Haili tấn công, đối phương thường bất ngờ và gần như không thể tránh né dù đã đề phòng, trong khi nó thoát khỏi những đòn phản công của bọn tôi dễ như bỡn.

Xét kỹ năng chiến đấu, Êmê chẳng có gì để so sánh với Haili. Nó chỉ có tinh thần chiến đấu rực lửa. Rực lửa ở đây thậm chí có thể hiểu theo nghĩa đen: nếu bạn nhìn vào mắt Êmê lúc đó bạn có thể thấy mắt nó chuyển sang màu đỏ như thể mỗi tế bào trong người nó đang được đốt cháy.

Xem cái cách con Êmê lâm trận bọn tôi thấy rõ nó sẵn sàng gác chuyện sống chết qua một bên. Nó chiến đấu nhưng thể đó là trận đánh lớn nhất trong đời nó, như thể nó không có chọn lựa nào khác ngoài cách sắn sàng hy sinh tính mạng để đổi lấy tự do.

Bạn cũng biết rồi đó, đối đầu với một đứa liều lĩnh như vậy đối phương dù mạnh đến đâu cũng khó bề khuất phục.

Nếu là tôi, Suku hay Pig, khi bị Haili cắn đau quá sự sợ hãi sẽ nhanh chóng lấp đầy bọn tôi và sớm muộn gì bọn tôi cũng cúp đuôi bỏ chạy.

Êmê không biết sợ, cũng không biết đau, bất chấp đó là cuộc chiến hoàn toàn không cân sức. Haili cắn nó mười cái, nó chỉ cắn lại được một, hai cái. Nhưng nó đã ngoạm được mẩu tai hay mẩu đuôi của con Haili rồi thì trời sập nó cũng không buông. Đến khi rứt được ra khỏi Êmê, con Haili bao giờ cũng tả tơi ê ẩm.

Đó là những trận đẫm máu.

Máu trên mõm, trên tai, trên vai và trên đuôi.

Mãu nhỏ lòng tòng xuống nền nhà và loang lổ khắp mọi nơi.

Với những đứa như Haili và Êmê, mùi máu chỉ càng khiến tụi nó hăng hơn. Có vẻ như tụi nó xem bộ dạng đầm đìa máu của mình là bức họa không thể thiếu cho cuộc chiến tranh thần thánh mà tụi nó theo đuổi.

Hai đứa vừa đánh vừa gầm gừ vừa ăng ẳng vang nhà và chiến trường mở rộng từ sau bếp đến trước hiên rồi trải dài từ trước hiên vào sau bếp.

Tôi, Suku và con Pig không tham gia đánh nhưng tịch cực tham gia sủa. Điều đó tạo cảm giác đang xảy ra một cuộc loạn chiến trên quy mô lớn.

Tất nhiên những kẻ khốn khổ nhất trong lúc đó không phải là Haili và Êmê, càng không phải là những khán giả hăng hái hò reo như tôi, Suku và Pig.

Mẹ chị Ni hốt hoảng:

- Trời tụi nó lại đánh nhau nữa kìa!

Chị Ni mếu máo:

- Mẹ ơi, làm sao tách hai đứa nó ra đây!

Ba chị Ni hấp tấp lao xuống từ tâng hai, tiếng chân rầm rập càng làm cho khung cảnh thêm náo loạn.

Cả nhà xúm vào chỗ Haili và Êmê đang quấn lấy nhau. Ba chị Ni và mẹ chị Ni mỗi người ôm chặt một đứa nghiến răng nghiến lợi kéo ra nhưng chẳng ăn thua gì. Cũng có khoảnh khắc hai đứa nó sơ sểnh rời nhàu ra nhưng ngay lập tức cả hai lại sần sổ xông vào cắn loạn xạ, bất chấp những cánh tay đang ghì chặt tụi nó.

Thảm cảnh nối tiếp thảm cảnh, với kịch bản lần nào cũng giống nhau: nếu ba chị Ni đang ôm con Êmê thì tay ông thế nào cũng bị con Haili cắn nhằm và nếu mẹ chị Ni đang ôm con Haili thì bàn tay bà thế nào cũng bị con Êmê cắn phải.

Dĩ nhiên không có con chó nào trên cõi đời này tấn công chủ, dù chỉ là trong ý nghĩ, vì loài chúng tôi được định nghĩa và định giá bằng lòng trung thành. Đó là phẩm chất có lẽ là không loài nào có được, kể cả loài người. Trong từ điển của loài chó không có từ "phản bội".

Nếu ba mẹ chị Ni bị Haili và Êmê đớp vào tay chẳng qua do lúc đó tụi nó say máu cắn càn. Con này nhắm mắt nhắm mũi tấn công con kia, không phân biết được đâu là vành tai con chó đâu là bàn tay con người.

Mười lần như một, khi cuộc ẩu đả kết thúc bàn tay của ba chị Ni và mẹ chị Ni cũng lỗ chỗ dấu răng và nhoe nhoét máu, trông cũng thảm thương bầm dập không thua gì hai đứa trực tiếp tham chiến là Haili và Êmê.

Phải rất lâu về sau, anh Nghé mới nghĩ ra cách dập tắt lò lửa xung đột, đó là xối nguyên một xô nước lạnh vào đám đánh nhau để làm nguội những cái đầu bốc khói, lúc đó hai đấu sĩ mới chị buông nhau ra và mỗi đữa tản đi một hướng.

Từ ngày anh Nghé tìm ra biện pháp giải tán bọn Haili, ba mẹ chị Ni không còn phải liều lĩnh thò tay vào cuộc chiến để khi rút ra vừa nhăn nhó vì vết tích chiến tranh chi chít vừa sung sướng thở phào vì mình vẫn còn đầy đủ mười ngón tay.

Đối với những người trong nhà, rứt được Haili và Êmê ra khỏi hàm răng của nhau dù sao cũng chỉ là thành công bước đầu.

Làm thế nào để hai đứa nó không lao vào nhau mỗi ngày mới là điều quan trọng.

Cũng nên thông cảm cho ba chị Ni, mẹ chị Ni và cả chị Ni: làm sao con người ta có thể sống yên ổn trong một không gian thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng gầm gừ, ăng ẳng điếc tai của năm cái miệng, làm sao có thể làm được chuyện gì ra hồn khi cứ chốc chốc phải bỏ ngang công việc để hối hả hứng nước đầy xô rồi cuống quý chạy theo đám xô xát. Lần nào cũng vậy, sau mỗi cuộc dẹp loạn, mẹ chị Ni đều ngồi ôm ngực thở dốc, mặt mày tái xanh, tóc tai phờ phạc, trông như bà vừa đi đánh giắc về.

Thực ra, nếu am hiểu tập quán của bọn tôi gia đình chị Ni sẽ biết họ không nhất thiết phải nhúng tay vào các trận đánh dằng dai giữa Haili và Êmê. Bởi đó không phải là những cuộc đụng độ bình thường, cấu xe nhau cho hả giận rồi thôi. Đây là cuộc quyết đấu tranh giành quyền lực có tính chất một mất một còn. Cho đến chừng nào cuộc tỉ thí chưa ngã ngũ, nó vẫn sẽ tiếp diễn và chỉ ngưng khi một bên chấp nhận đầu hàng hoặc bỏ mạng. Chính sự can thiệp của con người khiến các trận đánh không được đẩy đến tận cùng. Chúng luôn dang dở, bất phân thắng bại, do đó khi nào con Haili chưa được thừa nhận quyền lãnh đạo tuyệt đối trong bầy còn con Êmê vẫn ngang nhiên không chịu phục tùng Haili, chúng sẽ còn lao vào cắn nhau dài dài. (Hai cọp không thể sống chung một rừng là vậy, trừ khi con cọp này là ... vợ con cọp kia)

Cũng có thể ba mẹ chị Ni biết hết những điều đó nhưng họ không nỡ nhìn thấy một trong hai đứa vẫy đuôi từ giã cõi đời. Chỉ chứng kiến cảnh Haili và Êmê đổ máu thôi họ cũng đã không chịu nổi trong khi bọn tôi coi đó là chuyện vặt của loài chó. So với loài người, những vết thương của bọn tôi rất chóng lành.

Cuối cùng, ba chị Ni quyết định chấm dứt tình trạng báo động bằng cách nhốt riêng con Êmê trên tầng hai.

Để con Êmê không mò xuống tầng trệt gây sự và con Haili không lò dò trên tầng hai, ba chị Ni dựng một vách ngăn bằng những thanh sắt có chốt khóa cửa giữa cầu thang dẫn lên lầu.

Những ngày đầu, cánh cửa ngăn đó chẳng có tác dụng gì mấy. Tụi nó vẫn có thể nhiếc móc nhau ầm ĩ, chõ mõm qua song sắt cắn nhau và từ hai chiếc vách ngăn con này ngoạm lấy mõm con kia chặt đến mức cả nhà lại phải vội vã cầu cứu đến vòi nước máy.

Chỉ đến khi ba chị ni buộc phải dựng thêm một vách ngăn mới cách vách ngăn cũ khoảng hai mét để tạo ra một vùng đệm ở giữa, kiểu như con người ta thiết lập các khu phi quân sự, thì trận tự mới chính thức được vãn hồi và những người trong nhà từ hôm đó mới có thể yên tâm hít thở không khí thanh bình.

Tất nhiên hòa bình nào cũng có cái giá của nó. Từ khi hai rào chắn được dựng lên, những người trong nhà mỗi khi lên xuống các tầng lầu phải nhấc chân thật cao để bước qua. Vách có then cài, nhưng khổ nỗi hễ nghe tiếng kéo then lách cách thế nào hai võ sĩ, đặc biệt là con Haili, cũng lật đật xuông tới để chờ cánh cửa mở hé là chui tọt qua.

Thế là kẻ gây hấn đó (anh Nghé từng gọi Haili là "tên đầu gấu" khi thấy nó bắt nạt bọn tôi) là con chó rất được gia đình chị Ni yêu chiều.

Trước tiên là vì nó đẹp. Haili là con chó ngực nở, eo thon, chân dài miên man. Nó là con chó lông đen nhưng hai bên mõm lại màu vàng. Mắt cũng điểm hai đống vàng phía trên tựa hai hàng lông mày ngộ nghĩnh. Ngực Haili trổ một vạt lông trắng như thế nó đang đeo yếm. Bốn chân cũng mang vớ trắng kéo dài quá khuỷu. Haili có dánh đi uyển chuyển và khi nó nằm thì y hệt các mệnh phụ phu nhân: hai chân trước lúc nào cũng bắt chéo, đài các và trang nhã

- Xem Haili kìa! Nếu nó là người, khối chàng trai chết vì nó!

Ngắm dáng nằm điệu đà của Haili, bao giờ mẹ chị Ni cũng buột miệng tấm tắc, còn chị Ni thì thích thú lôi máy ảnh ra bấm tanh tách.

Nhưng chính sự thân thiện với con người mới là yếu tố giúp Haili chinh phục được cảm tình của mọi người.

Với bọn tôi thì Haili rất thích ra oai, nhưng với con người nó luôn tỏ ra là một con chó hồn nhiên đáng yêu. Nó có thể làm quen với bất cứ ai bằng cách quấn quít quanh chân khách và khi khách ngồi xuống ghế thì nó nhảy tót lên lòng khách y như thể hai bên quen biết nhau đâu từ kiếp trước.

Nó bất ngờ nhảy lên, bất ngờ thè lưỡi liếm vào mặt khách và trong khi khách giật bắn mình chưa biết phải phản ứng như thế nào thì nó bất ngờ nhảy xuống, đủng đỉnh bước đi, mặt mày thản nhiên như không có gì xảy ra.

Khách chỉ biết cười xòa:

- Con chó này vui tính ghê!

Với người nhà, Haili còn tự nhiên hơn. Thích thì nó nhảy lên đùi ngồi chơi, hết thích nữa thì ngày xuống, một lật cảm thấy thích thì lại nhảy lên. Nó làm như đùi con người ta là chiếc ghế, đá phiến hay gốc cây, có thể nhảy nhót rong chơi tha hồ trên đó. Thế nhưng chẳng ai la rầy nó, còn lấy đó làm thích thú:

- Đầu hàng con nay luôn!

Rất nhiều lần gia đình chị Ni và anh Nghé đang ngồi quanh bàn uống cà phê, nó nhảy một phát lên người mẹ chị Ni ngồi chễm chệ. Ngồi chưa nóng chỗ, nó phóc qua người ba chị Ni, rồi lấy trớn phóng qua chị Ni, nhún mình một cái nữa để đáp xuống đùi anh Nghé. Xong, nó nhảy xuống đất, lững thững đi ra chỗ khác.

Mẹ chị Ni mắng yêu:

- Trời, nó xem mình như đồ chơi của nó.

Chị Ni cười khúc khích:

- Nó chơi trò cầu tuột đó mẹ!

Cô Hà cũng thích Haili, chú Peter cũng thích Haili. Chú William lại càng thích Haili.

Vì những lý do tôi đã kể ở trên. Và còn vì Haili sở hữu dáng dấp của một kẻ phớt lờ. Tức là kẻ không xem việc gì trên đời là quan trọng. Ngay chính cuộc đời cũng không quan trọng nốt.

Thế mới có cái chuyện nó nhảy lên nhảy xuống trên đùi mọi người chơi bời thỏa thích, bất kể người đó là ai.

Chơi đùa chán, nó ra trước hiên nằm nhìn xe cộ lướt qua bên ngoài cánh cổng rào, ánh mắt thờ ờ như thể chẳng có cảnh vật nào đáng cho vào mắt, tóm lại là cuộc đời này chẳng có gì đáng để ưu tư.

- Con Haili đang nghĩ gì thế nhỉ? - Chú Peter nhìn dáng nằm kiêu sa uể oải của nó thắc mắc.

Chú William nói:

- Cứ theo bộ dạng của nó thì chắc nó đang suy nghĩ xem sống là như thế nào.

Cô Hà kêu lớn:

- Haili

Haili trả lời bằng cái vẫy đuôi lười nhác, mông vẫn quay về phía mọi người.

Ba chị Ni nhún vai:

- Con chó này nó chẳng coi ai ra gì!

Ông nói vậy, nhưng giọng ông ra chiều âu yếm.

Tất nhiên, con Haili không phải lúc nào cũng được điểm mười trong mắt những người trong nhà.

Mỗi lần nó đánh nhau với Êmê, tất cả cái miệng đều rên rỉ:

- Con Haili này hung hăng quá!

- Con này có máu "đại ca"!

Anh Nghé nheo mắt:

- Nó là "đầu gấu" trong nhà này.

Ba chị Ni nhận xét:

- Con Êmê cũng đâu có vừa.

Mẹ chị Ni phản đối:

- Nhưng con Haili gây chiến trước.

Chị Ni bênh Haili:

- Trong thế giới loài vật tất yếu phải xảy ra đánh nhau để chọn ra con đầu đàn, mẹ à.

Ba chị Ni gật gù:

- Con nói đúng!

Rồi ông nhún vai:

- Thế giới loài người cũng thế thôi! Chỉ có điều loài người không đánh nhau bằng răng!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro