Chương 3: Pig đã trở thành con chó tai cụp như thế nào

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thực ra mà nói, về chuyện đánh nhau Haili quyết không phải là đối thủ của con Pig. Tôi vẫn luôn nghĩ thế.

Pig là một con chó thon thả có lông màu hung. Tôi không rõ nó là giống chó gì nhưng xét về cơ bắp và sự nhanh nhẹn, nó không hề kém cạnh Haili. Nhìn nó phóng vun vút từ đầu nay sang đầu nọ căn nhà, đôi lúc tôi có cảm giác nó là một con ngựa hơn là một con chó. Và khi Pig đứng lều nghêu lâu thật lâu trên hai chân để ngóc cổ nhìn ra đường mỗi khi xe của chị Ni về tới trước cổng thì nó giống hệt một con quái, trông rờn rợn thế nào.

Khi quần thảo với tôi và Êmê, Pig luôn giành phần thắng. Tôi chưa từng biết con chó nào có phản ứng thần tốc như nó. Đặc biệt, trong lúc tôi và con Êmê mải tìm cách cắn tai và đuôi của nó thì Pig luôn nhằm vào cổ họng của hai đứa tôi. Nó ngoạm cú nào trúng phóc cú đó và cứ thế nó ngoạm cổ tôi và Êmê lôi đi xềnh xệch quanh nhà.

Lôi chán, Pig nhả bọn tôi ra rồi có vẻ cảm thấy đùa như vậy là hơi quá, nó bắt đầu liếm lông bọn tôi (kiểu như con người ta mát-xa vậy) để làm lành.

Dĩ nhiên những cú ngoạm của Pig tuy hơi mạnh nhưng không làm bọn tôi xây xát. Và sau mỗi lần chơi đùa, tôi thường tự hỏi nếu là đánh nhau thật, con chó nào có thể địch nổi Pig?

Haili có thể tương đương với Pig về nhiều mặt. Nhưng xét về đòn thế, Haili chỉ đáng là học trò của Pig. Haili đụng đâu cắn đó, và nó cắn thì đau thật nhưng không khiến đối thủ toi mạng. Trong khi đó, Pig không cắn bừa. Tấn công đối thủ, nó chỉ nhăm nhăm ra đòn hiểm: cắn ngay cổ họng. Nếu con Pig đánh nhau thật sự như Haili và Êmê, nó chỉ cần nghiến chặt quai hàm, cổ họng đối thủ nếu không đứt lìa cũng sẽ gãy nát.

Vì con Pig sống chung với bọn tôi từ nhỏ và cùng bọn tôi lớn lên bên nhau nên tôi biết không ai dạy nó ngón đòn chết người đó. Cú đánh đó sinh ra cùng với nó, chảy trong huyết quản nó như một thứ bản năng.

Tôi ngờ rằng ba nó là một loài chó săn. Nhiều lúc tôi rùng mình vì một ý nghĩ ghê rợn gãi lên vỏ não: nếu con Pig có tham vọng trở thành con chó đầu đàn như Haili, liệu điều gì sẽ xảy ra? Chắc sẽ có vào đứa trong bọn tôi gãy cổ ngay từ cú đánh đầu tiên của nó.

Thật may Pig là con chó hiền lành, thậm chí rụt rè. Hằng ngày, nó sợ hãi tất cả nhưng con chó khác.

Nó luôn nhường nhịn bọn tôi. Chưa bao giờ tôi thấy nó giành ăn với đứa nào. Ngay cả khi chị Ni đặt thức ăn trước mõm nó, nếu có đứa nào lại gần với vẻ thèm thuồng là nó lảng đi chỗ khác.

Chỉ khi đùa giỡn vô tư, nó giở võ ra bọn tôi mới biết nó là một sát thủ thứ thiệt.

Sát thủ Pig, may thay nó là đứa yếu bóng vĩa nhất trong bọn.

Tính nhút nhát của con Pig không phải do bẩm sinh. Chằng qua lúc mới về nhà chị Ni. Pig còn bé, suốt ngày bị thằng Suku bắt nạt.

Suku tẩn con Pig vô tường khiến nó muốn bẹp ruột, xong lại đè nó xuống nền nhà bằng thân hình như hòn đá tảng của mình khiến con bé cảm thấy đầu óc quay cuồng đến quên cả cách thở.

Chỉ đến khi Êmê thấy chướng mắt chạy lại gầm gừ thì thằng Suku mới buông tha Pig.

Bất cứ một con chó con hay một đứa bé con nào cũng vậy, ở nhà bị anh chị ức hiếp, đến trường bị bạn bè bẹo tai đá đít, con cún đó (hay đứa bé đó) sớm muộn gì cũng bị tự kỷ, hễ thấy bóng ai lại gần là sợ hãi vãi cả linh hồn.

Con Pig rơi vào tình cảnh đáng thương đó. Bị thằng Suku ăn hiếp suốt một tháng, Pig sợ đến cụp tai. Từ tháng thứ hai trở đi, nó chỉ vểnh được tai trái. Tai phải xụi lơ, không bao giờ trở lại bình thường được nữa và nó bị cả nhà trêu là con Tai Cụp.

Chỉ khi chơi trò vật nhau với tôi và Êmê, mải hào hứng nhảy tới nhảy lui tai phải con Pig mới dựng lên trong chốc lát. Nhưng đó là những khoảnh khắc hiếm hoi. Khi giờ ra chơi kết thúc, sự nhút nhát lại quay về với nó và một bên tai nó từ từ cụp lại-theo cái kiểu người ta cụp ô khi bước vào nhà.

Cái cách nó hấp tấp lại gần tôi và Êmê để liếm láp hai đứa tôi sau khi chơi đùa cho biết nó ý thức rất rõ về thân phận bề dưới của nó.

Con Pig, đôi khi tôi buồn rầu nghĩ, như vậy đã bị thằng Suku vô tình biến thành một sản phẩm lỗi. Những chấn động tâm lý của một tuổi thơ bị hiếp đáp khiến nó hoàn toàn đánh mất ý thức về bản thân.

Nhưng điều đó dù sao cũng có mặt tốt của nó. Nếu giống chó săn như con Pig không biến thành con thỏ nhút nhát rất có thể không đứa nào trong bốn đứa còn lại sống sót khi Pig quyết ăn thua đủ. Lúc đó, Pig sẽ không có cơ hội làm lành như khi đùa giỡn cho dù người ta vẫn nói cuộc sống luôn cho ta cơ hội để chuộc lại lỗi lầm.

Như đã nói, con Pig không bao giờ giành ăn với bọn tôi. Không phải là nó không muốn mà nó không dám.

Gặp những lúc thức ăn thừa mứa, mỗi đứa được ba, bốn cục xương, Pig mới rón rén lấy phần của nó. Nhưng Pig không bao giờ ăn ngay. Nó thận trọng nhặt một cục xương đem đi giấu. Sau đó nó quay

lại nhặt cục xương khác, lại đem giấu tiếp.

Gặm xương trước mặt những con chó khác, Pig luôn phập phồng lo lắng cho dù đó là phần ăn của nó.

Giấu thức ăn vào một chỗ, đợi lúc bọn tôi đi ngủ hay chạy nhảy đằng trước hiên Pig mới yên tâm lôi ra nhấm nháp.

Pig tính như vậy nhưng ý định của nó luôn thất bại. Đã gọi là giấu phải giấu nơi nào kín đáo, nơi không ai nhìn thấy. Nếu là tôi, tôi sẽ giấu mấy cục xương trong kẹt cửa hoặc giữa mớ chai lọ ở góc nhà. Đằng này con Pig tha hết cục xương này đến cục xương khác đặt hớ hênh trên chiếc niệm cũ sát vách. Tôi không hiểu tại sao nó không nhét dưới tấm niệm.

Để sờ sờ như vậy khác nào mời bọn tôi xơi.

Và bọn tôi xơi thật. Thằng Suku ăn hết phần của mình, chạy lại chỗ tấm niệm tha một cục xương. Con Haili tha một cục xương khác. Con Êmê tha một cục xương khác nữa.

Trong khi đó, Pig cữ mải mê cái trò giấu giấu giếm giếm buồn cười của nó.

Đến khi không còn một cục xương nào trên nền nhà, nó quay lại chỗ giấu thức ăn để bần thần ngơ ngác thấy chiếc niệm trống không.

Có lẽ sự nhút nhát quá đáng đã khiến con Pig có những hành vi ngớ ngẩn.

Nhưng con Pig dứt khoát không phải là con chó khờ khạo.

Ngược lại, so với bọn tôi nó là con chó biết tận hưởng cuộc sống nhất.

Buổi tối nó là đứa đầu tiên chui vào niệm ngủ và buổi sáng nó là đứa cuối cùng rời khỏi niệm - khi lá trên đầu tường nhà hàng xóm rụng đầy sân nhà chị Ni.

Nó luôn chọn những khoảng hiên có nắng chiếu vào để nằm sưởi ấm, trong khi bọn tôi chẳng hề để tâm đến điều đó.

Pig cũng là đứa biết giữ vệ sinh sạch sẽ.

Về điểm này, chị Ni thường lấy nó ra làm gương cho bọn tôi:

- Tụi em thấy Pig không. Nó cũng chạy nhảy suốt ngày như tụi em mà mình mẩy chẳng có một hạt bụi. Người nó lúc nào cũng thơm tho.

Chỗ này chị Ni chỉ nói đúng phân nửa. Nó không phải là đứa suốt ngày chạy nhảy. Thỉnh thoảng nó đùa giỡn với tôi và Êmê khi bọn tôi rủ nó. Thời gian còn lại, nó thích ngồi trước hiên nhà, nhìn cuộc đời qua cánh cổng gỗ. Tôi thường bắt gặp nó ngồi bất động như thế hàng giờ. Thú thật tôi chẳng thấy ngoài phố có gì hay. Chỉ người và xe chạy qua chạy lại. Sáng trưa chiều tôi y hệt như nhau. Nhưng Pig không thấy chán. Ngày nào nó cũng ngồi chết gí một chỗ mê mẩn ngắm phố ngắm phường.

Cuối cùng, nhận ra bọn tôi không quen tự giác giữ mình như con Pig, chị Ni lôi bọn tôi ra tắm, mỗi tuần một lần.

Lúc đầu ngồi dưới vòi nước máy, đứa nào cũng sợ. Lại thêm màn xát xà phòng khắp người nữa. Nhưng lâu dần thành quen, bây giờ đứa nào cũng ghiền tắm, thậm chí còn tranh nhau được tắm trước. Hễ thấy chị Ni cầm chai xà phòng, tay khoác chiếc khăn dày chuyên để lau mình cho mấy bọn tôi đẩy cửa phòng tắm là cả bọn xô đẩy nhau để được là đứa đầu tiên lọt vô theo. Về khoản này, không đứa nào địch lại nổi thằng Suku vì nó lấn rất khỏe.

Trong khi chị Ni tắm thằng Suku, cả bọn háo hức bu quanh cửa. Đợi cửa mở cho Suku chạy ra, bọn tôi lại chen huých để là đứa tiếp theo.

Chị Mí, bạn chị Ni tới chơi, thấy cả đám xúm xít trước cửa phòng tắm, ngạc nhiên hỏi:

- Cái gì trong đó vậy? hổng lẽ phòng tắm bây giờ biến thành phòng ăn?

Chị Ni cười:

- Tụi nó giành nhau đi tắm đó.

- Hì Hì, mình tưởng chó Phú Quốc mới thích nước chứ!

Nhà chị Mí có nuôi một con chó Phú Quốc. Chị bảo lúc mới đem nó về, chị muốn xỉu khi thấy nó vừa đặt chân xuống sân đã nhảy tót vào hồ cá kế gốc mãng cầu.

Nó nhảy vô hồ cá, ngồi xổm trên đuôi ngóc cổ ngó ra, nước ngập gần tới cổ.

Chị Mí vất vả ẵm nó ra ngoài, lát sau nó lại nhảy vô, cả chục lần như vậy.

Sau này, chị mới biết giống cho Phú Quốc là chúa ngịch nước. Về trình độ bơi lội, nhiều người bảo giống chó này bơi giỏi không thua gì rái cá.

Chó Phú Quốc thích lội nước nhưng lúc lên bờ chỉ cần lắc mình vài cái là khô ngay, vì giống chó này có bộ lông rất mượt, lại ngắn, dán sát vào da.

Ngược lại, Suku là con chó lông dài và dày, xoăn tít thò lò, nhiều lúc dính bết vào nhau thành từng mảng, chị Ni phải lấy kéo để cắt để không bị ghẻ lở.

Vì vậy, sau khi tắm dù được chị Ni lau người cẩn thận bằng tấm khăn lớn và dày, thằng Suku vẫn cảm thấy không thoải mái, vẫn cứ thấy người rin rít khó chịu.

Trong khi bọn tôi tắm xong là chạy lăng xăng quanh nhà một cách thích thú thì Suku khổ sở chùi lông bằng cách cọ người vào bất cứ thứ gì có thể cọ được.

Nó ủi người vào hết bức vách này đến bức vách khác, vừa ủi vừa đi để làm khô lông. Ủi vách chán, nó ủi vào tủ lạnh, tủ thức ăn, xong lại nằm vật ra dưới nền nhà, lăn qua lăn lại như bị ai cù.

Hôm nào tắm xong, Suku cũng loăng quăng cả buổi như vậy. Vậy mà tới lần kế tiếp, nó lại hăng hái huých bên phải lấn bên trái để được là đứa chui vô phòng tắm trước tiên. Bó tay, à quên, bó chân nó luôn!

Thằng Suku không chỉ ủi người vào vách sau khi tắm.

Nó còn có thói quen lấy chân cào lên vách để mài móng. Cứ khi nào trong nhà vang lên tiếng "soàn soạt" là tôi biết ngay thằng này đang chăm chú mài giũa các móng chân của nó.

Có lần nó cào ngay ổ điện, cào hăng đến mức bong cả nắp an toàn khiến chị Ni mặt mày xanh lè.

- Suku, sao em cào ngay chỗ đó? Em có sợ bị điện giật không hả? - Chị sợ hãi hét lên vừa hấp tấp lôi nó đi chỗ khác.

Anh Nghé cốc nhẹ lên đầu Suku:

- Tao thấy mày nên mài răng thì hơn.

Chú Peter nheo mắt phụ họa:

- Ờ, chừng nào răng mày mòm vẹt bao nhiêu người sẽ cảm ơn mày đó, Suku.

Anh Nghé và chú Peter từng là nạn nhân của thằng Suku. Họ đang châm chọc tật cắn người của thằng này. Suku có lẽ cũng biết điều đó nến nó cụp đôi tai dày xuống kiểu như con người bịt tai lại ra vẻ ta đây không nghe gì hết và lẳng lặng theo chân chị Ni vào trong.

Chị Ni vuốt ve Suku:

- Em đừng cắn người là được. Chứ răng mà mòn hết em đâu có gặm xương được Suku há!

Cái cách thằng Suku cào chân điên cuồng lên vách hay nằm lăn qua lăn lại hàng giờ dưới nền nhà, đôi khi tôi nghĩ, không chỉ để làm khô mình mẩy hay giũa móng. Tôi luôn có cảm giác những ai béo quá thường khó chịu với cơ thể của mình và họ quyết định phải làm một cái gì đó như một cách giải tỏa.

Tôi từng thấy những ông bụng béo khổ sở mỗi khi cúi xuống cột dây giày, những bà bụng bự thở dốc khi phải leo lên các bậc thang. Trọng lượng một con người hay một con chó đề giống nhau ở chỗ mỗi khi vượt quá mức cho phép, lập tức trở thành một nhà máy sản xuất những phiền toái. Mọi sinh hoạt thường nhật đâm ra bất tiện và những người quá béo thường khổ sở vì phải suốt ngày hầu hạ bản thân mình.

Bản thân họ lúc đó giống như long thể của đứa vua. Họ phải nương nhẹ nó, không cho nó làm những điều mà lúc nó còn là thân dân họ vẫn được làm: chạy băng băng qua đường, nhảy qua vũng nước hay leo lên mái nhà để nhặt một quả cầu lông.

Vì lẽ đó mà những việc bình thường đối với những con chó khác thì với Suku tôi ngờ rằng những hành động của nó còn đi xa hơn việc giũa móng hay làm khô lông: nó nhằm xả bực bội, một cách vũng vẫy để thoát khỏi những ký mỡ thừa tròng lên cuộc đời nó như một thứ gông cùm.

Vì vậy mà nó trở nên đáng thương, tiếp theo là trở nên đáng yêu chăng?

Con Pig cũng là đứa được gia đình chị Ni yêu quý.

Ai cũng nhận ra nó là một con chó săn. Và ai cũng nhận ra con chó săn đó không có ý định tận dụng ưu thế trời cho của mình để gây náo loạn như con Haili "đầu gấu".

Nhưng điểm hay nhất của con Pig, điểm mạnh vượt trội của nó, là tiếng sủa.

Sủa thì con chó nào chả sủa. Mỗi khi thấy người lạ vào nhà là bọn tôi nhảy chồm chồm vừa sủa ầm ĩ, lần nào cũng vậy.

Pig không thế. Lạ nó cũng sủa, quen nó cũng sủa, nhưng nó chọn người để sủa chứa không đụng đâu sủa đó như bọn tôi.

Anh Tự sáu ngón hàng xóm hễ đút đầu vào nhà là con Pig bắt đầu sủa.

Đặc biệt Pig sủa dai nhách, sủa từ lúc khách bước vào nhà cho đến lúc khách bước ra. Nó lại cứ khuỳnh chân chõ mõm vô mặt khách mà sủa. Kiểu sủa giống mấy bà mất gà chửi bới của Pig khiến khách ngượng. Anh Tư cười giả lả:

- Mày chửi tao hảy mày?

Khách ngượng, chủ cũng ngượng.

Ba chị Ni nạt:

- Pig, mày điên hả?

Mẹ chị Ni la:

- Pig, con có thôi đi không?

Con chó nào cũng vậy, nghe chủ quát một tiếng là cụp đuôi lảng đi chỗ khác. Riêng con Pig, nó có tài giả điếc. Chủ quát phần chủ, nó cứ sủa phần nó.

Nạn nhân của con Pig còn có chú Tư râu thợ hàn. Lần nào tới nhà sửa ống nước, chú Tư râu cũng bị con Pig sủa tối tăm mặt mũi.

Ba chị Ni lại nạt. Mẹ chị Ni lại la.

Kết quả: Pig càng sủa hăng.

Chú Tư râu rờ râu, cười hè hè:

- Sao mày biết hôm qua tao mới ăn thịt chó hả mày?

Cho đến ngày mẹ chị Ni than thở sao đồ đạc trong nhà mỗi ngày một biến mất, mọi người mới bắt đầu để ý người ra kẻ vào.

Sau một thời gian âm thầm quan sát, mẹ chị Ni khám phá ra một quy luật: hôm nào anh Tư sáu ngón qua chơi hay chú Tư râu ghé sửa ống nước, trong nhà luôn mất món gì đó. Chẳng phải đồ đạc quý giá gì nhưng chúng cứ ra đi dần: cặm muỗn i-nốc, chiếc tách bằng sứ, lọ đựng ớt, chiếc bật lửa khui bia, các huy hiệu có nam châm gắn trên cửa tủ lạnh. Thứ đặt tiền nhất và mới mất tích gần đây là chiếc đồng hồ chị Ni bỏ quên chỗ rửa chén bát.

Mẹ chị Ni nhìn ba chị Ni:

- Vậy là hai người đó lấy cắp.

Ba chị Ni chép miệng:

- Ăn cắp vặt thôi. Chắc là do quen tay.

Ông nhún vai:

- lần sau họ ghé, mình chỉ cần cử người ngồi bên cạnh họ là được.

Mẹ chị Ni đảo mắt quanh nhà, giọng áy náy:

- Con Pig bị mắng oan rồi!

Bà kêu:

- Pig ơi, Pig!

Con Pig rụt rè bước lại, tai cụp đuôi cụp và vẫn cứ dáng đi ngập ngừng như sẵn sàng quay mình chạy trốn.

- Cô kêu con lại để khen con chứ có phải đánh đòn đâu mà mà con nhát thế.

Mẹ chị Ni xoa đầu con Pig và con Pig cảm động liếm tay bà.

- Con giỏi lắm!

Bà nói và ẵm nó lên đùi nhưng con Pig hấp tấp nhảy xuống ngay. Khác với Haili,

con Pig không bao giờ để ai bế nó quá một giây.

Vì nó là con chó nhút nhát. Cái gì nó cũng sợ. Độ cao là một trong những nỗi sợ của nó.

Chị Ni nghe ba mẹ khen tài của con Pig, tặc lưỡi trầm trồ:

- Chắc con Pig có giác quan thứ sáu, phân biệt được người ngay kẻ gian.

Ba chị Ni cười:

- Ba không nghĩ vậy. Ta tin nó sủa vì nó đã nhìn thấy hai người kia lấy đồ đạc trong nhà. Và nó nhớ mặt nên những lần sau họ vừa bước chân qua cửa là nó lập tức báo động. Chỉ có điều chúng ta không hiểu được ý nghĩa trong tiếng sủa của nó.

Ba chị Ni nói đúng. Pig không phải thần thánh gì, chẳng qua nó so với đám bạn hời hợt bọn tôi nó là đứa ưa để ý.

Chị Mí là bạn thân của chị Ni nhưng lần nào chị ghé nhà, con Pig cũng sủa kinh hoàng.

Suốt một thời gian dài chẳng ai hiểu được lý do. Mãi đến khi phát hiện ra ý thức bảo vệ tài sản của Pig, mọi người mới vỡ lẽ.

Chị Mí có cái tính trẻ con là thấy thứ gì hay hay, ngộ ngộ là lập tức hỏi xin. Bữa xin ba chị Ni cuốn sách, hôm xin chị Ni cái áo pull.

Con Pig thấy chị Mí lần nào bước ra khỏi cửa cũng cầm theo món gì đó thế là nó liệt ngay chị vào thành phần bất hảo.

Đã vậy, vào nhà bao giờ chị Mí cũng đi thẳng tới tủ lạnh, mở cửa lục lọi rồi nhón khi thì miếng chả lụa, lúc thì mấy thỏi chocolate ra ăn ngon lành. Con Pig đáng giá hành động tự nhiên đó cũng ngang với tội ăn trộm.

Khi nghe chị Ni giải thích lý do con Pig sủa mình, chị Mí cười méo xẹo:

- Trời đất! Mày nghĩ sao mà xem tao ngang với kẻ cắp vậy, Pig?

Chị Ní cười hí hí:

- Lần sau Mí đem trả lại mấy cuốn sách với mấy cái áo là con Pig xóa tên mi khỏi danh sách đen liền!

Chị Mí không trả lại sách và áo. Còn xin thêm.

Nhưng bây giờ mỗi khi chị Ni cho chị Mí món gì, chị đều đưa công khai trước mặt con Pig để nó chứng kiến.

Chị Mí tay cầm món quà, mắt nhìn con Pig miệng rối rít thanh minh:

- Cái này chủ mày cho tao, mày nhìn thấy rõ ràng rồi đó nghe!

Con Pig lừ lừ quan sát, mắt đi qua đi lại giữa chị Ni và chị Mí dõi theo móm đồ, vẻ cảnh giác.

Lần đó con Pig không sủa. Cả những lần sau nữa cũng vậy. Vì nó phân biệt được rồi: khi khách lấy đi món đồ gì trước mặt chủ nhà hoặc do chủ nhà tận tay trao thì đó không phải ăn cắp.

Nhưng Pig sủa chị Mí chuyện khác.

Gia đình chị Ni và gia đình chị Mí thân nhau mấy chục năm.

Ba chị Mí mất, bây giờ trong nhà chỉ có hai mẹ con.

Bữa nào có chuyện phải đi xa vài ngày, mẹ chị Mí đề gửi chị đến ăn cơm ở nhà chị Ni.

Bây giờ thì con Pig đã biết chị Mí không phải là kẻ gian rồi. Chị lục tủ lạnh, nó xem là bình thường. Chị ngày hai bữa đến ăn cơm, nó cũng xem là bình thường. Nhưng có một hôm nó sủa. Sủa dữ dội.

Đó là hôm mẹ chị Ni hỏi chị Mí:

- Ngày mai má con về rồi hả Mí?

- Dạ.

- Vậy là từ ngày mai con ở nhà ăn cơm với má con hả?

- Con cũng chưa biết được, cô ơi.

- Chưa biết là sao?

- Có thể con vẫn qua nhà cô ăn cơm.

- Ủa, hổng lẽ con để má con ăn cơm một mình?

- Dạ đâu có, cô! - chị Mí cười hì hì - Con rủ má con qua đây ăn luôn!

Ba chị Ni kêu "trời". Mẹ chị Ni kêu "trời".

Chị Ni kêu:

- Vừa phải thôi nghe mi!

Còn con Pig kêu:

- Gâu gâu! Gâu gâu gâu!

Vừa sủa nó vừa nhảy tưng tưng trước mặt chị Mí khiến chị sợ hãi rụt chân lên, mặt xanh lè:

- Bình tĩnh đi Pig! Tao chỉ nói chơi thôi mà!

Chị Mí thè lưỡi nói với chị Ni:

- Con Pig này ghê quá! Nó giữ đồ con hơn thần giữ của!

- Có lẽ giống chó này sinh ra đã vậy.

Chị Mí rụt cổ:

- Nó còn nghe được những gì tao nói nữa.

Chị Ni nheo mắt:

- Vậy mi đừng đòi hỏi xin đồ nữa.

Chị Mí phồng má:

- Tao vẫn hỏi xin. Nhưng tao sẽ nói tiếng Anh.

- Con Pig nghe được tiếng Anh của chú William đó. - Chị Ni dọa.

- Vậy tao nói tiếng Pháp.

Chị Mí nói vậy vì chị đang học chương trình song ngữ Pháp - Việt.

- Không biết con Pig có nghe được tiếng Pháp không. Nhưng thằng Suku chắc nghe được. Nó từng chửi nhau với anh Guiilaume. Và nó sẽ phiên dịch cho con Pig.

- Vậy tao sẽ bút đàm.

Búi đàm tức là ghi ra giấy. Chị Ni cười:

- Vậy thì được.

Tôi chắc là chị Ni nói đùa:

Pig chắc chắn không biết tiếng Anh, cũng như Suku không biết tiếng Pháp.

Nhưng với một đứa nhạy cảm như con Pig, dù bạn nói bằng thứ tiếng gì, nó vẫn hiểu được.

Có một thứ ngôn ngữ chung, thể hiện bằng cử chỉ, ngữ điệu, nét mặt mà một con chó có trực giác tốt có thể cảm nhận được.

Pig là một con chó như vậy.

Pig còn là một bác sĩ tài ba.

Trong bọn tôi, nó là đứa duy nhất biết cách tự chữa bệnh.

Tôi, Suku, Haili và Êmê mỗi khi ốm vặt chỉ giỏi mỗi chuyện nằm rên hừ hừ cho mẹ chị Ni đổ từng muỗn thuốc vào miệng. Nếu vẫn không hết bệnh, bọn tôi được đưa tới bệnh vệnh thú ý cho bác sĩ khám và chích thuốc.

Pig là trường hợp ngoại lệ. Mỗi khi cảm thấy trong người khó ở, nó thường lảng vảng dọc hành lang dẫn xuống bếp nơi ba chị Ni đặt những chậucây be bé trên bục xi măng.

Bọn tôi chẳng biết đó là những loại cây gì nhưng con Pig biết. Nó đánh hơi một vòng chọn ngay thứ cây chứa dược liệu cần thiết và dùng mõm rứt từng chiếc lá nhai chóp chép.

Thoạt đầu, mẹ chi Ni ngạc nhiên:

- Con là chó chứ đâu gà vịt đâu mà vặt hết lá trong nhà cô vậy, Pig?

Chị Ni xoa đầu Pig:

- Nó nhai lá để tự chữa bệnh đó mẹ.

- Ô, nó giỏi thế à!

Thằng Suku thấy con Pig rứt lá nhai ngon lành, liền bắt chước. Nó vặt hết chiếc lá này đến chiếc lá khác, nhằn qua loa thấy chẳng có gì hấp dẫn liền phun ra rồi tò mò vặt tiếp những chiếc lá khác. Suku hí hoáy một lát, nền nhà đầy rác, còn các chậu cây thì xác xơ, trụi lủi.

Anh Nghé nhìn thấy, cốc cho nó một cái:

- Cái thằng ham ăn này. Lá này để chữa bệnh chớ có phải để cho mày đánh chén đâu.

Căn nhà mới của chị Ni không có hành lang dẫn xuống bếp. Các chậu cây đều đặt trên sân thượng.

Khi ốm, Pig chỉ biết luẩn quẩn chỗ mẹ chị Ni làm thức ăn.

Thấy nó cứ hau háu nhìn mình, mẹ chị Ni tắc lưỡi:

- Con đói bụng hay sao đấy, Pig?

Nhưng khi bà liệng cho nó cái xương gà, con Pig chỉ đưa mắt liếc mẩu xương mọt cái lại ngước lên nhìn bà.

Mẹ chị Ni ngó chị Ni:

- Nó muốn gì vậy con?

Chị Ni ngồi xổm, ôm cổ Pig:

- Em đòi thứ gì hả Pig?

Con Pig quay sang thè lưỡi liếm mặt chị Ni một cái rồi lại nghiến cổ nhìn lên chỗ mẹ chị Ni đang làm thức ăn.

- Hay là em bị ốm?

Chị Ni nói với mẹ:

- Mẹ cho nó vài cọng rau thử coi!

Quả nhiên, khi mẹ chị Ni bỏ những mẩu thừa trong rổ gồm rau húng, rau quế, rau cần, tía tô, kinh giới, bạc hà... xuống nền nhà, con Pig lập tức chạy lại đưa mũi hít hít và chọn vài cọng nhai lấy nhai để.

Ba chị Ni nghe chuyện, gật gù:

- Trong cây cỏ có vị thuốc. Người ta gọi là thảo dược.

Ông nhìn con Pig, cảm khoái;

- Nếu đứa nào cũng có khả năng tự chăm sóc bản thân như con Pig, nhà mình chắc đỡ tốn tiền thuốc men biết mấy.

Nghe ba chị Ni khen ngợi con Pig, tôi hơi ghen tị một chút. Nhưng rồi tôi thấy sự ghen tị đó thật là vớ vẩn. Tạo hóa là một kiến trúc sư tài giỏi nhưng tinh nghịch: một khi ngài quyết định xây dưng con Pig thành một phòng chứa bí mật thì bọn tôi chỉ có cách hiếu kỳ chiêm ngưỡng những khả năng kỳ diệu của nó, thậm chí cần phải cảm thấy tự hào khi có một con chó đặt biệt như nó là bạn.

Thay thế sự khâm phục bằng sự ghen tị thường là không giải quyết được gì, ngoài việc ghen tị sẽ quay lại đầu độc và thôn tính chính mình.

Để cuộc sống không trở thành một gánh nặng, đôi khi chỉ cần suy nghĩ giản dị thế thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro