Chương 1: Nói chuyện với nhà tài trợ (Part 2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Căn nhà trọ tôi đang sống nằm ở lưng chừng một con dốc thoai thoải, hai bên đường hầu như chỉ toàn những ngôi nhà mái ngói cũ, thỉnh thoảng đan vào những khoảng không rộng là vài ngôi nhà cao tầng khang trang như làm điểm sáng cho vùng trời mang đôi phần u ám. Gần đến cuối, con đường dẫn ra một cánh đồng khác. Nó cách đường quốc lộ 5 không quá xa và đêm xuống nghe được cả tiếng mục đồng rả rích hòa vào âm thanh của những tiếng còi xe đã bớt đi phần inh ỏi từ ngoài đường quốc lộ vọng về. Đêm đến, có thể nghe được cả tiếng ve sầu râm ran phát ra từ tán những cây nhãn cổ thụ phía rìa và cuối làng.

Tôi đang nằm mân mê chiếc điện thoại khi nghĩ mãi không ra câu hỏi mới để gửi tới nhà tài trợ, thì bạn đang sống cùng phòng tôi về, bạn hàng xóm về, cô chủ nhà về. Tôi chỉ có thể nghe được tiếng xe máy khi bạn cùng phòng và hàng xóm về còn khi cô chủ nhà về thì để âm thanh reo vui của con gái út cô thông báo. Không hiểu sao hôm nay mọi người lại về muộn thế trong khi mọi khi tôi luôn là người về sau cùng.

Trong lúc tôi đang nằm mân mê điện thoại thì bạn cùng phòng phải về nhà cất đồ. Rồi bạn sang phòng hàng xóm chuẩn bị đồ nấu bữa tối và bởi vì bạn hàng xóm tranh thủ đi tắm trong lúc nhà tắm không có người nên cô chủ nhà bị chậm một bước chân, đành cất tạm công việc dự định lại đó, ngó qua phòng trọ xem tình hình tôi sống thế nào?

Cô đứng tựa mép cửa, hai tay đan vào nhau sau khi khoanh lại để nâng đỡ nhau, chân phải vắt chéo qua chân trái ở phía trước, ung dung cô cất tiếng hỏi:

"Thế đang làm gì đấy hử?" - Cô mỉm cười.

Tôi vừa bật dậy vừa nói: 

"Cháu đang nghỉ thôi," - và trong lúc làm hành động nhanh thoăn thoắt ấy, cô chủ nhà không thấy được tay trái tôi cứ rấp ra rấp rứ du điện thoại lại phía sau. Tôi mau miệng nói tiếp. - "Mời cô vào nhà cháu chơi."

Cô chủ nhà không chỉ từ chối bằng cách gỡ cánh tay phải ra để phủi qua phủi lại mà sự từ chối này còn được thể hiện rất rõ ràng qua lời nói.

"Thôi cô đứng đây được rồi." - Cô giải thích lý do vì sao ghé chỗ tôi bởi lâu rồi cô không thường xuyên lui tới. - "Cô định đi tắm nhưng nhà tắm đang có người nên cô chỉ ghé qua xem dạo này mày sống thế nào thôi." - Rồi cô hỏi tôi: - "Thế đã ăn uống gì chưa?"

"Cháu chưa!" – Tôi đưa mắt nhìn ra trời trước khi trả lời cô. - "Lát cháu sẽ kiếm gì đó ăn sau."

Trời đã nhá nhem tối, bây giờ chắc ở quê mẹ và bà nội đã ăn tối rồi, tôi thầm nghĩ. Lần này thì đã nghe được tiếng gà trống gáy và tiếng bò mẹ gọi bò con ngoài đường, tiếng roi quất khi bò mẹ không chịu đi chỉ vì mải ngoái lại phía sau tìm con mà không thấy. Rồi tiếng mẹ con nhà hàng xóm đang í ới gọi nhau sửa soạn bữa tối.

"Mày lại ăn linh tinh chứ gì?" - Cô chủ nhà nhận định như thể biết tỏng tính tôi. Cô xoay đầu nghiêng góc 90 độ, hất cằm sang chỗ cô bạn cùng phòng tôi đang ngồi nấu ăn trước cửa nhà hàng xóm, cũng trên cùng một cái hiên nhà nối dài cho cả hai phòng, cô hắng giọng bảo tôi: - "Sao không nấu ăn cùng chúng nó vừa đảm bảo lại còn rẻ nữa."

Mùi của các hương vị quyện vào nhau trong món tép khô rang chua ngọt làm tôi chảy cả nước miếng. Thế nhưng miệng tôi lại bảo cô thế này:

"Cháu ăn riêng cho thoải mái, thích ăn gì thì ăn. Hôm nào thích ăn cơm thì có thể nhờ các bạn nấu thêm phần của cháu."

Giọng con gái út cô chủ nhà đang ở độ tuổi trưởng thành vang lên lanh lảnh, hơn hẳn chất giọng nhẹ nhàng nữ tính của cả ba cô thôn nữ chúng tôi ở độ tuổi ngoài đôi mươi.

"Mẹ ơi, lên ăn cơm đã rồi tí tắm sau, không đồ ăn nguội hết bây giờ."

Cô chủ nhà rời đi và không quên dặn tôi tối nhớ ăn gì đấy, đừng có bỏ bữa kẻo không tốt cho sức khỏe.

Không giống với dự định ban đầu, câu chuyện dở với nhà tài trợ sẽ được tôi mở ra ngay sau khi về nhà trọ. Tôi ngó tìm điện thoại và trong suốt khoảng thời gian rồi, ngoài việc nói chuyện với cô chủ nhà ra, tôi vẫn dành sự quan tâm kha khá cho nó. Trong suốt khoảng thời gian đó, nhà tài trợ không có ý định gửi tới tôi tin nhắn mới. Nếu thực lòng muốn gửi sự giúp đỡ tới cho tôi trong lúc tôi còn do dự, đúng ra nhà tài trợ nên thuyết phục tôi mới phải. Đằng này nhà tài trợ cứ im lặng mãi, tôi không tài nào giải thích nổi sự im lặng sau mỗi câu trả lời nhà tài trợ mang tới. Tôi nhìn ra trời, cảnh vật đã nhuốm màu u tối.

"Vì sao anh muốn giúp đỡ em?"

Tôi đi thẳng vào vấn đề chính khi phát hiện ra mình đã dùng cả hai cách trực tiếp và gián tiếp khám phá nhà tài trợ. Trên công ty tôi đã đi thẳng vào vấn đề để hỏi nhà tài trợ là ai? Còn trên đường về nhà, tôi đã dùng cách thứ hai, hỏi từ xa về gần mà vẫn không khám phá ra. Với cả, khi có thời gian ngừng lại để suy nghĩ thì tôi cũng hiểu, nhà tài trợ không muốn nói thì cho dù tôi có cố gắng hỏi anh cũng không nói ra.

"Để trả ơn những gì em đã làm cho tôi." - Nhà tài trợ trả lời.

Tôi không biết mình đã làm gì cho ai tới mức người ta phải dùng cách này để trả ơn tôi. Tuy không nhớ nổi, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng, những gì tôi làm, nếu có thì nó cũng chỉ nho nhỏ thôi không tới mức nhà tài trợ phải dùng tận cách này để trả ơn tôi.

"Vậy em cần phải làm gì để trả ơn anh?" - Tôi hỏi.

"Em không cần phải trả ơn tôi!" - Nhà tài trợ trả lời.

"Không được?!" - Tôi cương quyết từ chối nếu nhà tài trợ nhất định không nhận sự trả ơn từ tôi bởi anh là ai tôi đã không được biết mà vẫn phải nhận lời rồi.

"Chỉ cần em sống vui vẻ và thoải mái." - Nhà tài trợ nghĩ đại ra một lý do cho có lệ để thuyết phục tôi.

"Như vậy lại càng không được?!" - Tôi tỏ ra nhún nhường.

"Hãy sống thanh thản, thoải mái và có một kết quả học tập thật tốt, nếu muốn trả ơn tôi."

Dù nhà tài trợ chỉ thay từ "chỉ cần" bằng từ "hãy" mà tôi thấy câu trả lời sau mang sắc thái khác ngay so với câu trả lời trước. Dẫu vậy, nó vẫn không thể thuyết phục tôi được.

Trước khi bắt tay vào hoàn tất các công việc cuối ngày như tắm táp, giặt rũ, tôi lang thang ngoài sân. Khi ra chỗ cửa nhà, tôi hay có thói quen đứng một lúc để nhìn ra bức tường rêu rong phủ kín ngăn cách sân với khu vườn nhỏ chỉ có ngọn cây nhãn vọt lên cao nhưng không tài nào chạm tới được đầu đốc nhà cô chủ nhà, rồi cái mái ngói đã trải qua nhiều mưa gió mà có vẻ cũ đi nhiều. Tôi hiểu, ngôi nhà cô chủ nhà đang sống có lẽ nó được xây sau ngôi nhà ở quê tôi vài năm. Tôi đoán điều này qua phong cách thiết kế ở bên trong. Nhà ngoài có ba gian, gian chái có cửa sổ nhìn ra vườn không được thiết kế giống ba gian nhà ngoài mà nó chạy dài qua cả phần hè rồi dừng lại chỗ bậc cuối cùng trong số ba bậc để xuống sân mới kết thúc. Cũng có một ô cửa sổ nhìn ra sân nhưng gần như ô cửa này không bao giờ mở cả. Dạo trước, tôi vẫn thường hay lên đó dạy con gái út cô chủ nhà học bài.

Quay một vòng, tôi ngược lại khu vườn, bức tường rong rêu phủ kín, ngước lên trời bây giờ chỉ còn một màu xám đậm, những thân và ngọn cau vọt lên bầu trời cao rộng làm tôi thấy có đôi phần nhớ nhà. Giá như có thể biết nhà tài trợ này là ai, chắc tôi sẽ nhận lời. Tôi nghĩ tới ngôi nhà năm gian ở nhà đã đi qua bao mùa mưa gió để lại trong đó những dột nát, thiếu thốn, khó khăn làm cho những bữa ăn cơm cũng chẳng lành canh cũng chẳng ngọt, rồi còn những lần vì túng thiếu bố mẹ tôi cãi vã, bố tôi quăng cả mâm cơm ra ngoài sân. Sau những lần ông đập phá đồ đạc trong nhà lại là công cuộc lao động vất vả để dồn tiền mua đồ đạc thay thế.

Tôi trở lại nhà khi đã thấy vơi đi phần nào đấy những đè nặng trong lòng. Tuy không nói ra, nhưng mà tôi mong nhà tài trợ có thể hiểu được quyết định này của tôi.

Tôi sửa soạn đồ rời khỏi nhà, trong lúc làm công việc này tôi cũng không quên ngó qua đồ ăn khô mà tôi thường tích trữ trong nhà liệu có đủ dùng cho bữa tối không? Đúng như tôi nhận định, chúng còn rất ít nhưng bởi đang vội nên tôi tạm để bữa tối lại đó. Tôi ngó qua chiếc điện thoại, không phải để quan tâm tới câu chuyện dở vừa rồi mà chỉ để tính xem nên giấu nó đi chỗ nào cho thuận tiện thôi. Tôi sợ rằng, với bản tính tò mò sẵn có, có thể tôi sẽ tìm kiếm nó rồi lại mở câu chuyện dở ra sau khi vào nhà. Nếu mà giấu kỹ quá, việc này chẳng những không hiệu quả mà còn phản tác dụng cho mà coi. Rồi tôi moi vài tờ giấy trên tập tài liệu tôi đặt ở bàn từ lúc về nhà, che gần hết chiếc điện thoại, để chừa ra một góc. Trong trường hợp sau khi vào nhà vẫn quan tâm câu chuyện vừa rồi, tôi có thể dễ dàng lôi điện thoại ra, nếu nhà tài trợ không nhắn lại thì khỏi cần phải bàn cãi. Nhà tài trợ mà nhắn lại thì cũng chẳng cần phải chú ý quá nhiều. Tôi hiểu, dù thế nào tôi cũng cần phải đóng câu chuyện lại tại đây.

Mất khoảng chừng ba mươi phút thì tôi làm xong những công việc như tắm táp giặt giũ. Tất nhiên trong lúc làm những công việc ấy, sự quan tâm căn nhà trọ có câu chuyện vừa rồi cứ dậy lên trong tôi. Phải cố gắng lắm tôi mới ngăn trí tưởng tượng của tôi không cho nó vào nhà. Bầu trời đêm đẹp thế kia mà! Sao và trăng rắc lên cảnh vật bên ngoài những hạt vàng lấp lánh. Khi màn đêm buông xuống, gió bắt đầu thổi mạnh hơn nhưng điều này chẳng những làm cho cảnh vật về đêm trở lên sống động, mà còn thay cho chiếc quạt bị hỏng chân chạy rất yếu ớt trong căn phòng trọ tôi đang sống. Chiếc quạt này cô chủ nhà cho tôi mượn hồi mới chuyển qua đây.

Tôi cũng cứ phải do dự mãi mới dám trở lại nhà trọ đấy, và khi vừa mở cửa ra, gió lùa vào nhà và sự quan tâm về nhà tài trợ và về câu chuyện dở vừa rồi lại ùa về trong tôi. Tôi lại tìm tới điện thoại và cứ thắc mắc mãi, không hiểu tại sao nhà tài trợ lại im lặng trong suốt khoảng thời gian dài vừa rồi. Trước đó, tôi cứ cho rằng ít nhất anh cũng phải gọi tôi tới tận ba cuộc điện thoại khi tôi không trả lời, rồi kèm theo đó là hai dòng tin nhắn thể hiện sự sốt ruột của anh. Tôi cảm thấy hơi buồn và có đôi phần trống vắng khi màn hình điện thoại chẳng có gì. Ngồi xuống bàn, tôi mân mê điện thoại, nghĩ lại cuộc nói chuyện vừa qua và sự im lặng kéo dài lần này của nhà tài trợ giúp tôi hiểu ra, không phải anh không muốn gửi sự giúp đỡ tới cho tôi nữa mà bởi tôi chưa bao giờ coi trọng nó. Anh bỏ đi, mang nó tới cho người mà tôi nghĩ là biết quý trọng nó hơn tôi, quý trọng sự chân thành của anh thông qua sự giúp đỡ vừa rồi.

Để không nghĩ tới câu chuyện này nữa, tôi chuyển bàn làm việc từ chỗ gần cửa chính cạnh đầu giường sang phía góc nhà nơi mà ngồi ở trong nhà tôi có thể nhìn ra ngoài trời qua những ô cửa sổ bằng kính bỏ ngỏ. Chỗ này gió cũng có thể lùa vào nhà.

Cách duy nhất để tôi có thể quên đi những gì vừa xảy ra, những gì nhà tài trợ đã mang tới cho tôi thông qua sự giúp đỡ khó hiểu vừa rồi, là tôi cần vùi đầu vào công việc. Tôi tập trung vào việc nghiên cứu tài liệu.

Tôi ngồi lật từng trang A4 có chứa các thông tin liên quan đến hóa chất trong công ty tôi đang dùng. Các thông tin trong mỗi loại hóa chất đều có một số những điểm chung như mô tả đặc tính, thông tin sản phẩm, quy cách đóng gói, một số thông số kỹ thuật. Đối với hóa chất dạng lỏng như nhựa Acrylic - nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất tạo ra sơn sẽ có các thông số liên quan cần chú ý như pH, độ nhớt, hàm lượng rắn, độ bóng... Đối với những hóa chất dạng bột như Titan thì các thông số kỹ thuật quan tâm lại hoàn toàn khác. Nó cũng có thể kiểm tra qua pH, độ trắng, độ ẩm, tỷ trọng khi hòa tan bột titan vào trong nước, độ mịn sau khi bột được hòa tan vào nước với tỷ lệ đủ đặc để kéo trên giấy kéo mẫu , sau đó dùng thước kéo màng sơn4 để gạt. Trong quá trình gạt sẽ phải thật nhanh và thật đều tay để màng phủ trên giấy kéo mẫu phải được đảm bảo phân bổ đồng đều. Từ lớp màng trên giấy kéo mẫu sau khi se lại, nhìn hạt bột sẽ rất rõ. Do kích thước hạt của các loại bột trong sản xuất sơn nước đều yêu cầu rất nhỏ, nên chỉ cần nhìn bằng cảm quan mà không cần đo đạc công đoạn này...

Tôi cứ ngồi lật từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên mà không tài nào tập trung vào công việc được. Trước sự bí bách đó của tôi, bạn sống cùng phòng tôi về. Khi về hay khi rời đi thì mặt bạn cũng chỉ thể hiện duy nhất một sắc thái, xị ra giống như những lần giận ai đấy mặt tôi vẫn thường hay xị ra như vậy. Tôi quan sát bạn ấy từ lúc vào nhà, đến khi nhảy tót lên giường và đứng trước mắc treo quần áo chung của cả hai. Cánh tay trái bạn khoanh lại trước ngực còn bàn tay trái thì lại có công dụng chống đỡ gối tay phải. Ngón trỏ tay phải bạn cứ gõ mãi vào cằm như con chim gõ kiến đang miệt mài gõ chiếc mỏ thật dài và nhọn hoắt vào thân cây để tìm mồi vậy. Bạn đang tính xem nên thay đồ gì trước khi lên nhà cô chủ nhà xem tivi. Lúc này, sắp đến giờ VTV3 chiếu bộ phim "Cô gái xấu xí".

"Đi xem phim không chị?"

Cô em hàng xóm nhanh nhảu hỏi khi vừa đặt chân vào phòng tôi.

"Không, chị bận làm việc rồi." - Tôi trả lời.

"Sao tối nào chị cũng ngồi nghiên cứu tài liệu làm gì? Đi xem phim tí cho khuây khỏa rồi về nghiên cứu cũng được mà?" - Em hàng xóm gợi ý sau khi cứ đứng và lẩm bẩm về thói quen rất hiếm gặp này của tôi. Tôi thích nghiên cứu hóa chất buổi tối.

"Chị không thích phim này." - Tôi trả lời.

Cô bạn cùng phòng tôi sau một hồi đứng ngắm mắc quần áo, cuối cùng cũng chọn được cho mình cái áo phông cộc tay màu trắng. Ở nhà cô hay mặc quần vải màu đen ôm sát đùi và mông, như để làm cho thân hình mình trông sống động hơn trước một chiều cao khiêm tốn.

"Sắp xong chưa chị?" - Em hàng xóm hỏi khi thấy bạn cùng phòng tôi không nói gì.

"Đợi tí, chị xong đây rồi."- Bạn cùng phòng vắt chiếc áo phông trắng ngang cánh tay trái, chia đôi chiếc áo thành hai phần bằng nhau. Vạt và hai cánh tay bên hai vai rủ xuống mau. - "Chị phải đi thay đồ đã."

Trong suốt khoảng thời gian vừa qua, khi có hai con người đã không còn xa lạ với tôi ở trong nhà, tôi cứ cân nhắc mãi và cuối cùng tôi quyết định phải nói ra chuyện có một nhà tài trợ lạ đột nhiên xuất hiện muốn được giúp đỡ trong thời gian tôi đi học. Chuyện này ngay cả bản thân một người trong cuộc như tôi còn thấy khó tin huống chi người ngoài. Để minh chứng tôi phải lôi điện thoại ra, vừa kể vừa đưa cho em hàng xóm xem qua những dòng tin nhắn mà nhà tài trợ để lại như một sự khẳng định chắc chắn rằng những gì anh mang tới cho tôi là có thật. Sau khi xem xét cẩn thận những câu hỏi của tôi, gắn kết với những câu trả lời nhà tài trợ gửi để thành cuộc đối thoại của hai người, một người có vẻ biết tương đối về tôi trong khi tôi không hề biết người đang nói chuyện với mình là ai, bạn hàng xóm cũng không thể kiên nhẫn hơn mà gọi lại. Bạn cùng phòng tôi thì đáng lẽ phải ra nhà tắm thay đồ, nhưng khi đi qua chỗ em hàng xóm thì ngừng lại. Hai người cứ chúi mặt vào điện thoại và kết quả không nằm ngoài dự đoán của tôi. Nhà tài trợ im lặng! Tôi đồ rằng, chắc hẳn lúc này nhà tài trợ đang tức giận tôi lắm. Chẳng những tôi đã gọi tới ba cuộc. Bây giờ còn kể cho người ngoài nghe. Có vẻ vì giận quá mà sau cuộc điện thoại này, nhà tài trợ đã vội vã bỏ đi ngay. Bạn cùng phòng và hàng xóm rời đi khi cuộc điện thoại này đóng lại. Sau đó bạn hàng xóm còn cứ dặn đi dặn lại tôi:

"Dù thế nào chị cũng không được đồng ý nhận sự giúp đỡ của nhà tài trợ này đâu đấy!"

Qua hai hàm răng nghiến chặt như thể câu nói vừa rồi được rít ra một cách thật khó khăn, tôi mang máng hiểu rằng, trong câu chuyện này của tôi, có kể ra thì người ngoài cũng rất khó mà hiểu được.

Không tài nào tập trung vào công việc được, tôi quyết định ngừng làm việc một tối. Tôi phóng tầm mắt ra ngoài trời như đi kiếm một con người còn rất xa lạ đối với tôi. Một con người, tôi chỉ có thể thấy được trong tưởng tượng mà thôi.

Hiện ra trước mặt tôi là bức tranh về một người. Người con trai này đập ngay vào mắt tôi khi bức tranh vừa hiện ra. Qua dáng đi và cả những gì không đưa được vào bức tranh bởi chẳng còn chỗ, tôi thấy một người con trai với những bước đi vô cùng khắc khổ. Người con trai này có thể vừa rời khỏi thành phố vô cùng nguy nga, tráng lệ sau lưng để tới ngôi làng nghèo nàn tăm tối trước mặt. Những bước đi nặng nề như nói với tôi rằng, chắc hẳn quyết định của nhà tài trợ cũng chẳng dễ dàng gì đối với anh. Anh mang sự giúp đỡ tới cho tôi mà lòng thì cũng thấp thỏm và lo lắng lắm. Chẳng phải anh sợ mình đánh giá con người tôi ở hiện tại là sai, mà bởi anh sợ tương lai con người ai ai cũng thay đổi, nhất là khi người ta có điều kiện hơn rồi và tôi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Trong chuyện này, đâu chỉ có mình tôi nghĩ ngợi, mà bản thân anh cũng chẳng kém gì tôi. Có khi anh còn phải nghĩ nhiều hơn tôi. Thứ anh đánh đổi là rất lớn, còn tôi có mất mát gì đâu.

Trở lại thực tại, hình ảnh người con trai vừa rồi cứ ám ảnh mãi trong tôi.

Thời gian trôi qua đã lâu quá rồi, liệu anh còn ở đó đợi câu trả lời của tôi hay đã rời đi rồi? Tôi cố gắng nghĩ ra câu hỏi mới, để câu trả lời anh gửi tới sẽ giải đáp được phần nào đó thắc mắc trong tôi. Câu hỏi này, tôi nghĩ ra khi nghĩ tới nhóm bạn thân bốn người - "hpth".

"Hãy cho em ba lý do để có thể chấp nhận lời đề nghị đó."

Qua cái cách trả lời ngày một chậm dãi, tôi cảm thấy như thể nhà tài trợ muốn nói với tôi câu này: Em cũng một vừa hai phải thôi, sức chịu đựng của tôi cũng có giới hạn của nó. Nhưng khi đọc câu trả lời anh gửi, thì tôi lại có chút thay đổi suy nghĩ vừa rồi. Thì ra trong suốt khoảng thời gian đã qua, anh vẫn kiên nhẫn đợi câu trả lời của tôi.

"Thứ nhất: Tôi đã từng gặp em và đã từng nói chuyện với em."

"Em rất tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, trong đó có tôi."

"Tuy em hơi bướng bỉnh, nhưng lại đáng yêu và tôi rất quý em."

Điều tôi quan tâm sau câu hỏi này, không phải nhà tài trợ là ai nữa, sự giúp đỡ này là gì mà tôi chỉ quan tâm lý do tại vì sao anh gửi nó tới cho tôi chứ không phải ai khác?

Tôi đoán người này què cụt chân tay, không đủ khả năng tự chăm lo cho bản thân và tôi rùng mình khi lờ mờ đoán ra ý định đen tối của anh.

Không thể nào đóng câu chuyện dở lại được. Từ khi mở nó ra tôi đã thử bao nhiêu lần và cứ tiếp tục cũng không phải cách hay. Lúc này đã hơn 22 giờ tối và thậm chí bạn cùng phòng và em hàng xóm đã về nhà ngủ được một lúc rồi. Tối nay bạn cùng phòng không ngủ ở nhà cùng với tôi, sau khi xem phim về thì về thẳng nhà hàng xóm. Dù còn đang quan tâm tới câu chuyện dở, nhưng tôi vẫn nghe được tiếng thở của hai người khi đang chìm dần vào giấc ngủ. Điện bên nhà hàng xóm tắt. Tôi nhìn qua bức tường ngăn cách hai phòng hở một đoạn bên trên gần sát mái ngói. Có vài lần đi qua nhưng tôi không để ý phòng hàng xóm có bạt che bụi phía trên mái ngói không, phòng tôi thì lúc nào nằm ngửa mặt lên trần nhà, tôi cũng khá là để ý tấm bạt trên sát mái. Tôi không hiểu tại sao cô chủ nhà lại để tấm bạt khá cũ trên đó và có nhiều lần vì tò mò xem trên đó có gì, tôi cứ có ý định đi mượn thang nhà cô chủ nhà bắc lên khám phá mà cứ lần nữa mãi rồi quyết định bỏ qua. Chắc trên đó chỉ có bụi bặm chứ chẳng có gì khác.

Sau khi thử một lần nữa vùi đầu vào công việc không kết quả, tôi quả quyết với bản thân tôi là, mình cần phải nghĩ ra một câu hỏi mang tính chất quyết định, hoặc là nhận hoặc là không. Tôi đi đi lại lại trong phòng mãi không nghĩ ra, có vài ba lần tôi gieo mình xuống giường và tôi chả buồn để ý chỗ gờ của mép hai tấm phản ghép không khít làm hằn lên sau lưng tôi một vết tím bầm. Tay tôi mân mê điện thoại còn mắt thì cứ để ý mãi tấm bạt sột soạt trên sát mái. Gió ngoài trời thổi vào qua vài ô thông hơi với khoảng cách hình chữ nhật to hơn một viên gạch phồng trong khi tấm bạt thì bị trùng xuống vì bụi bẩn. Những lần gió thổi vào những chỗ bạt trùng cọ sát vào nhau tạo ra thứ âm thanh sột soạt.

Tôi làm việc này lặp đi lặp lại khoảng ba lần, tất nhiên là trong lúc đi, ngồi bàn làm việc hay nằm xuống giường thì một tay trái tôi cầm điện thoại, tay phải tôi đập mạnh liên tục vào trán bắt ép đầu tôi phải sản sinh ra câu hỏi cho bằng được mới chịu thôi. Tôi đứng bật dậy ngay khi trong đầu tôi chỉ vừa kịp lóe lên một ý nghĩ và trong lúc đi từ giường sang bàn làm việc thì nó cũng hình thành nên được hình hài dáng dấp. Tôi gửi sang cho nhà tài trợ rất nhanh, chẳng quan tâm anh có sẵn lòng tiếp nhận nó nữa hay không.

"Được! Em sẽ đồng ý nhận lời nếu anh trả lời được tất cả các câu hỏi sau đây của em."

Tôi đang định đem cất quyết định vừa rồi đi thì anh gửi tin nhắn sang mang hàm ý vẫn đang đợi tôi từ khi nãy tới giờ.

"Cứ hỏi đi!"

Tự nhiên trong đầu tôi lóe lên hết ý nghĩ này tới ý nghĩ khác mà tôi hoàn toàn không ý thức được mình gửi chúng sang cho nhà tài trợ để làm gì. Sau khi gửi tin nhắn đi, tôi tính dừng lại một chút để suy nghĩ thì những dòng tin nhà tài trợ dồn dập gửi tới khiến tôi không có cả thời gian để nghĩ ngợi về những câu hỏi của tôi chứ đừng nói gì tới câu trả lời của nhà tài trợ.

"Hãy cho em biết: Ước mơ của em về một gia đình? Nghề nghiệp? Loài hoa em thích? Thói quen khi buồn? Những người có ý nghĩa? Nơi ở có ý nghĩa?"

"Chồng vừa là anh vừa là bạn."

"Em muốn làm kinh tế để có thể kiếm được thật nhiều tiền, nhưng lại rất yêu ngành đang làm."

"Em thích màu xanh, nhưng lại rất yêu màu tím của hoa bằng lăng."

"Em ăn nhiều, đôi khi là đi lang thang đâu đó, hoặc làm bất cứ thứ gì em muốn."

"Bố và gia đình."

"Nơi em đang sống."

Tôi toát hết cả mồ hôi khi cố gắng đuổi cho kịp những dòng tin nhắn vừa rồi. Khi tiếng ting ting ngưng lại, tôi mới có thời gian quay lại xem những câu trả lời nhà tài trợ gửi. Tôi xem tới tận hai, ba lần thì bất giác toàn thân run rẩy khi lúc này mới nhận ra có ai đấy đang ở ngoài vườn dương mắt nhìn tôi chằm chằm từ tối tới giờ. Cái cảm giác điện thoại bị ma ám lần thứ hai kết hợp với cặp mắt của ai đó đáng sợ ở bên ngoài khiến tôi hốt hoảng. Toàn thân tôi run rẩy, tôi đứng bật dậy mà không biết nên làm gì trong lúc này đây. Tôi thấy cửa chính mở to, gió bên ngoài thổi mạnh. Sao và trăng không còn rắc lên cảnh vật bên ngoài những ánh màu lấp lánh mà lúc này đặc sệt một màu tăm tối. Tiếng gió cứ rít lên liên hồi và sau mỗi lần như vậy, người nào đấy ở trên ngọn cây nhãn ngoài vườn, men theo lối đi trong vườn, ra sân rồi men theo hè ngày một tiến gần lại căn phòng trọ tôi. Hắn đứng ở chỗ cửa chờ đợi thời cơ thích hợp để chuẩn bị tấn công tôi. Người này đã đi theo tôi hai ngày nay rồi mà tôi không hề hay biết.

Việc duy nhất mà tôi có thể làm trong lúc vô cùng hoảng loạn tới mức hoàn toàn không ý thức được những gì đang diễn ra quanh tôi là thật hay tất cả chỉ là do trí tưởng tượng phong phú mà ra, là tôi lấy hết can đảm, tiến lại chỗ cửa chính. Trước khi có ý định thò hai tay ra bên ngoài để kéo hai cánh cửa rẽ sang hai bên lại, tôi cần phải hít một hơi thật sâu, thật dài. Tôi như thể chỉ muốn nhắm mắt lại trong lúc làm công việc này và trong lúc hai bàn tay chạm được vào hai mép cửa, tôi cứ sợ người bên ngoài túm chặt tay trái và ngăn hành động này của tôi lại. Cho đến khi hai cánh cửa được khép lại, cài then chắc chắn và không hề bắt gặp ai lao ra hoặc là túm chặt tay tôi ngăn hành động vừa rồi của tôi lại, tôi mới cảm thấy có chút hoàn hồn.

Tôi nấp sau bức tường nằm giữa ô cửa chính và ô cửa sổ. Chỗ đó có công tắc điện. Trong lúc ngắm cái cửa sổ như để cố gắng đối diện với nỗi sợ một lần nữa mà đóng nó lại, tôi chợt nghĩ, người bên ngoài là ma, mà ma thì thích bóng tối hơn là ánh sáng. Thay vì đóng cửa sổ, tắt công tắc điện thì tôi lao thẳng lên giường, giấu mình dưới lớp chăn nhung mềm mại, chiếc chăn do bạn trai cũ của tôi để lại. Tôi nằm im lặng, nín thở, giả vờ chết.

Có lẽ tôi chết thật. Tôi chết lâm sàng trong một khoảng thời gian tôi hoàn toàn không ý thức được ngắn hay dài, và trong khoảng thời gian này, tôi lại phải đối mặt với một nỗi sợ còn khủng khiếp hơn thế rất nhiều lần.

Tôi bị một cơn gió độc cuốn vào một khu rừng vắng. Tôi chẳng biết nơi đó là đâu cả nên chỉ đoán là nó cách thế giới tôi đã sống rất xa. Như thể đó là nơi cùng trời cuối đất. Khu rừng hoang vu, lạnh lẽo và chứa đựng chỉ toàn sự chết chóc. Không có một động vật nào có thể sinh sống được trong khu rừng này. Cơn gió độc ban nãy chuyên đi bắt những đứa trẻ ham vui tới khu vườn này, thả chúng lại đó cho tới khi không có gì ăn, vì sợ mà chúng chết. Xác chúng phân hủy được làm phân bón cho những gốc cây to gấp mấy cái cột nhà, còn thân chúng thì cứ vươn dài ra, lao vun vút như chỉ muốn trọc thủng trời. Những bộ rễ lòa xòa dưới gốc bắt đầu nhúc nhích khi tôi di chuyển, chúng như những bàn tay tàn bạo lúc nào cũng chỉ chầu chực muốn tóm tôi, bóp nghẹt cho tới chết mới chịu buông tha. Vất vả lắm tôi mới thoát ra được khu vực có những bàn tay đáng sợ đó. Gió rít. Trời âm u. Nơi đây ngày cũng như đêm. Ánh sáng mặt trời không bao giờ có thể xuyên thủng những lớp lá dày đặc bao phủ mãi trên cao. Trong khu rừng không có động vật nào sinh sống, không một âm thanh tiếng động ngoài tiếng gió rít khiến tôi muốn đi tìm tiếng chó sói rú, tiếng hổ gầm gừ. Thà cứ để những âm thanh đáng sợ đó cất lên để tôi biết rằng nơi đây có sự sống còn hơn là chân bước dưới những lớp lá khô dày bao ngày không phân hủy được. Tôi cứ cảm tưởng như dưới những lớp lá khô ấy là xác của những con người đã vì sợ quá mà chết ở nơi đây. Thậm chí tôi còn cảm thấy như thể tôi đang dẫm chân lên những đốt xương người và điều đó khiến tôi rùng mình. Khi nỗi sợ nhân lên tới đỉnh điểm, tôi tính chạy thục mạng. Việc này sẽ làm cho tôi quên đi cảm giác sợ tạm thời. Tôi cứ chạy như vậy cho tới khi mỏi mệt đến dã rời, trước mặt tôi là ngã ba đường và không có con đường nào cho tôi một hi vọng sống. Tất cả các con đường trước mặt đều cho tôi một cái kết giống nhau là chết. Khi ngừng lại chút vì mệt thì nỗi sợ lại từ đâu ập đến và đằng nào cũng chết thì tôi tính chết trong vinh quang còn hơn chết vì tủi nhục. Dẫu sao chết vì mệt vẫn hơn cái chết sợ. Tôi chọn đại lấy một con đường để đi. Tôi chạy thục mạng như đang bị ai đó đuổi theo ám sát. Tôi cứ chạy, chạy mãi, chạy mãi, có lúc tôi còn cảm tưởng như chạy lại chỗ tôi vừa chạy qua và sau khi đã quá mệt vì kiệt sức, lúc này không còn một tí hi vọng nào nữa cả, thì một tia sáng mặt trời từ đâu đó xuyên qua đám lá dày, rọi xuống khu rừng này làm tôi bừng tỉnh ngay. Tôi đoán chỗ này chắc tới gần rìa rừng rồi và có thể cố gắng thêm một chút nữa thôi, tôi sẽ tìm được lối ra.

Cảnh vật ngoài khu rừng dần hiện ra. Trước mắt tôi là con đường mòn chạy dài hun hút mà tôi cũng không biết nó sẽ dẫn tôi tới đâu. Sau một khoảng thời gian đủ lâu để mất ý thức về không gian, thời gian và ngày tháng, thì sự xuất hiện của hai cha con bác tiều phu đang làm rẫy giúp tôi dần lấy lại được phần nào đấy ký ức trước lúc bị cơn gió độc cuốn đi. Tôi nghĩ về người thân trước nhất khi trở lại thực tại. Lúc này con ma bên ngoài đã dùng phép biến hóa để vào nhà. Sự di chuyển của nó cứ tạo ra âm thanh tiếng động sột soạt trên tấm bạt. Hình như nó đang tìm cách di chuyển xuống chỗ tôi. Nó muốn kiểm tra xem trong suốt khoảng thời gian vừa rồi tôi đã chết thật hay chưa. Tôi còn tưởng tượng ra cảnh nó đưa tay ngang mũi xem tôi còn thở nữa hay không và khi biết tôi còn sống nó sẽ tiếp tục tấn công.

Tôi tính thò tay hướng lên tường để tắt công tắc điện nhưng sợ con ma đang đợi bên ngoài sẽ túm lấy tay và ngăn hành động này của tôi lại. Lúc này mà phải trải qua một trận sợ hãi nữa, chắc tôi tắt thở thực sự.

Tôi tính thử thò tay ra tìm điện thoại nhưng ý thức được ngay nó không phải ở ngoài giường mà nó đương ở bên bàn làm việc. Lúc trước vì sợ quá tôi đã gắng hết sức để đẩy nó ra xa. Nó như thể là cứ muốn dính chặt lấy bàn tay tôi vậy.

Cách này cũng không được, cách kia cũng chẳng xong. Hay mình hét toáng lên cho mọi người đến giúp mình nhỉ? Khi nghĩ tới cảnh mọi người trong xóm nghe được bật dậy, thấy gì cầm nấy đổ dồn vào sân nhà cô chủ nhà. Nào là tay cầm búa, tay cầm cuốc, tay cầm rìu... lao qua và khi phát hiện ra trong nhà trọ tôi chẳng có con ma nào cả, lúc đó người ta sẽ cho là thần kinh tôi có vấn đề mà tôi không thích lúc nào ai đó bảo về tôi như thế. Thậm chí, để mọi người không phát hiện ra, tôi có trí tưởng tượng khá là phong phú, tôi cứ sống khổ sống sở như cố gắng bào chữa cho bản thân tôi rằng, tôi sống thực tế lắm. Một chị đồng nghiệp trong phòng cứ thỉnh thoảng lại nhắc đi nhắc lại rằng, chẳng hiểu sao tôi có trí tưởng tượng phong phú vậy. Đấy là ngày nào ăn tôi cũng còn phải tính xem một ngày ăn hết mấy ngàn, sáng ăn gì, tối ăn gì. Để cho tiết kiệm thì trưa nào tôi cũng phải ăn thật no cơm, tối đói thì ăn nhẹ mà vẫn no thì sẽ tiết kiệm được vài ngàn khi không phải đi mua đồ ăn cho bữa tối.

Cuối cùng, tôi cũng làm theo hành động của lúc trước, hít một hơi thật sâu và thật dài rồi bật dậy. Thậm chí để chứng tỏ cho con ma đang ngồi ngoài thấy tôi không sợ đâu, tôi còn lật tung chăn ra và ngồi một cách hiên ngang. Tôi làm hành động này vô cùng dứt khoát.

Tôi ngồi quan sát quanh căn nhà và không thấy có chút gì thay đổi cả. Gió vẫn làm tấm bạt trên sát mái kêu sột soạt. Mặc dù vẫn chưa hoàn hồn, tôi xuống đất để sang bàn làm việc tìm điện thoại. Khi tôi vừa đặt bàn chân trái xuống đất thì nhận thấy một tờ giấy bị bứt ra khỏi tập tài liệu trên bàn. Tôi quan sát cửa sổ trước khi đặt nó lại chỗ cũ. Có thể gió thổi vào nhà bứt nó ra khỏi tập tài liệu thôi, tôi thầm nghĩ. Sau đó thì tôi đi tìm chiếc điện thoại. Lúc này tôi vẫn còn khá là sợ hãi. Cái cảm giác điện thoại bị ma ám lần một chính là lúc tôi còn ở trên công ty, khi nhà tài trợ gửi dòng tin nhắn thứ ba tới. Nhưng lúc ấy nó chỉ thoáng qua và tôi không để ý làm gì cả. Lúc này, điện thoại vẫn chỉ là điện thoại, không có gì đổi thay. Trong suốt khoảng thời gian tôi trải qua hết nỗi sợ này đến nỗi sợ khác, nhà tài trợ không gửi sang cho tôi thêm lấy một dòng tin nhắn mới. Lúc này, sự im lặng của nhà tài trợ sau những câu trả lời vừa rồi cũng không còn quan trọng với tôi.

Tôi ngồi xuống, nghiên cứu những câu trả lời nhà tài trợ gửi và dù có cố gắng lắm, quả thật vẫn có những câu trả lời tôi chưa có đáp án. Nhưng những câu hỏi quan trọng nhất, nhà tài trợ lại trả lời được gần như là tất cả. Anh là ai mà lại có thể hiểu tôi đến vậy? Tôi tưởng tượng ra cảnh trong lúc anh soạn tin nhắn gửi tới, thì người bạn thân của tôi đang ngồi giúp anh soạn câu trả lời. Kể như vậy thì những câu trả lời ấy cũng không thể gửi tới nhanh được như vậy. Đấy là còn chưa kể, cô ấy chả hiểu mấy về tôi cả, nhưng mà lúc nào cũng vỗ ngực tự hào là hiểu rất rõ về tôi. Bên ngoài tôi chỉ tỏ ra vậy thôi.

Tôi muốn lên luôn Hà Nội để hỏi cô xem nhà tài trợ này là ai. Thời gian đã ngăn mong muốn đó của tôi lại. Bây giờ không phải chỉ vắng xe mà có lẽ tôi không nên làm phiền cô thì hơn.

Tôi không làm việc nữa, xem lại toàn bộ những dòng tin nhắn anh gửi tới giờ. Tất nhiên là không cần xem thì tôi vẫn rất nhớ. Tôi làm trong lúc đang không biết nên làm gì, sau đó thì, tôi đưa ra cho anh một gợi ý và chỉ hi vọng anh sẽ vì những gì tôi đã trải qua mà bằng lòng.

"Đúng! Nhưng anh hãy trả lời thêm một số câu hỏi khác nữa của em."

Lần này anh từ chối thẳng thừng sau khi cho tôi biết lý do và lúc phát hiện ra sự từ chối này có lẽ phũ phàng với tôi quá, anh đã chêm thêm câu nói mang hàm ý nhắc nhở.

"Tôi đang có một cuộc họp quan trọng. Tôi sẽ không trả lời thêm bất kỳ câu hỏi nào khác nữa của em. Nói lời thì phải giữ lấy lời."

Tôi im lặng giống như mỗi khi bị ai đó mắng. Trong lúc tôi bắt đầu tưởng tượng ra cuộc họp anh đang có mặt ở Lào, trên một tòa nhà cao tầng với những người đồng nghiệp vận đồ công sở trông rất chuyên nghiệp. Anh đang thuyết trình trước một dự án đầu tư nào đó mà tất cả các đồng nghiệp trong đó đều chăm chú nghe. Có vẻ anh vừa làm việc này vừa nói chuyện với tôi và không hiểu sao tôi lại thấy có gì đấy hãnh diện trước những đồng nghiệp nữ giỏi giang xinh đẹp đang chăm chú nghe anh thuyết trình.

Điện thoại tôi đột nhiên có tin nhắn gửi tới. Khi tôi còn đang nghĩ chắc đây chỉ là tin anh khuyến mại thôi thì tôi lại hết sức ngạc nhiên trước tin nhắn đến liền sau đó. Nội dung của nó khiến cho tôi cảm thấy cực kỳ khó nghĩ.

"Từ bây giờ tôi sẽ làm chỗ dựa cho em. Nếu muốn, em có thể tựa vào vai tôi khóc mà không phải suy nghĩ gì cả."

"Tuy sống xa quê hương, nhưng tôi sẽ luôn nhớ về những gì em đã nói với tôi. Vì ở đó có gia đình tôi và có người con gái tôi thương."

Tại sao anh ta lại kể cho mình nghe về người con gái anh ta thương nhỉ? Tôi thầm nghĩ. Trong khi câu trước đó thì anh lại bảo sẽ làm chỗ dựa cho tôi. Mà tôi thì có cần nó đâu kia chứ? Tôi cũng đã nói gì với người ta đâu nhỉ? Hai dòng tin nhắn sau cùng cứ làm tôi rối trí.

Tự nhiên tôi lại mường tượng ra cảnh anh đang sắp lên máy bay tới Anh. Trước mắt tôi là cánh đồng lau trải rộng kéo dài tưởng chừng như bất tận. Tôi cũng không chắc đây là cánh đồng lau hay lúa mì vì trời tối, tôi chỉ chắc cánh đồng này ắt hẳn ở bên Nga. Chiếc máy bay ở cách tôi khá xa và tôi chỉ đứng từ xa tiễn anh trong im lặng.

Suốt đêm, tôi cứ trằn trọc mãi không tài nào ngủ nổi và bởi cuộc nói chuyện kết thúc khi đã tương đối muộn rồi, tôi đành hồi tưởng lại những gì đã diễn ra liên quan tới câu chuyện này của tôi hai ngày trước, khi tôi nhận được thông báo cô bạn thân bảo đã tìm được cho tôi một nhà tài trợ

 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro