Chương kết : CON TRỜI LƯNG CHỪNG NÚI THIÊN MÔN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương kết : CON TRỜI LƯNG CHỪNG NÚI THIÊN MÔN

Một chiều cuối thu “con trời” thả bộ bên dòng suối uốn cong theo triền dốc núi Thiên Môn. Hai bên bờ suối nước chảy róc rách cùng với tiếng chim và gió lướt qua rừng thông như một bản tình ca muôn thuở. “Con trời” ngây ngất trong nắng chiều, một màu vàng óng ánh trải dài hai bên bờ suối. Tất cả suối, sông đều chảy ra biển cũng như tất cả tôn giáo đều qui về Đấng Tạo Hóa. Có một nhà văn nói : “Thượng Đế tìm kiếm con người và con người cũng đi tìm Thượng Đế”. Trong sự chân thành ngây ngất cảm nhận trước thiên nhiên và sự sống, một thi sĩ cũng thốt lên : “Hơi thở của Thượng Đế là có tôi trong đó”. Suy nghĩ hồi lâu, “con trời” chợt hiểu : Hơi thở là sự sống, phải rồi Thượng Đế là sự sống. Tôi sống và đi lang thang theo bờ suối như thế này để thưởng thức tác phẩm còn gọi là một sự sáng tạo của Hóa Công. Tôi sống và nhìn ngắm thế gian trong cái biển vật chất mà mọi người quay cuồng để “kiếm sống” và đi tìm một thứ hạnh phúc mong manh như sương khói. Tôi như một công cụ của Thương Đế, một chấm nhỏ trong tác phẩm của Ngài.

 Nghĩ đến vấn đề Thần Lực của Thượng Đế ở trong tôi thì tôi đi đứng nói cười vui vẻ, mai kia nếu thần lực rút đi, tôi không còn hơi thở, thế gian gọi là sự chết. Tôi đi về đâu ? Có người lẹ miệng trả lời : “Có trời mới biết”. Có trả lời câu hỏi ấy, mà có cũng như không.

Với một Đấng Tạo Hóa trừu tượng, không hình không ảnh, xa xôi và mênh mông quá thì làm sao con mắt trần tục được cấu tạo bằng thịt, máu và tinh thể lỏng của vật chất hồng trần có thể thấy được Ngài.  

Cái mà không có nó thì con trời phải chết, đó là không khí, một thứ không hình, không ảnh được con trời sử dụng hàng ngày mà đôi khi còn không  biết đến huống chi là Đấng Tạo Hóa.

Cách đây gần một trăm năm, một nhà thiên văn tại Mỹ tuyên bố : Tôi dùng viễn vọng kính tìm khắp nơi trong vũ trụ bao la mà không thấy thiên đàng hay Thượng Đế cư ngụ ở nơi nào. “Con trời” thuật lại lời tuyên bố ấy cho “người ấy” nghe. “Người ấy” chau mày có vẻ hơi buồn :

– Tội nghiệp cho nhà thiên văn, cái viễn vọng kính của họ là một vật được cấu tạo bằng Nguyên Tử Hồng Trần, theo luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” thì con mắt và cái viễn vọng kính ấy chỉ thấy được vật chất hồng trần mà thôi.

 Họ nghĩ  Thượng Đế là một ông vua già ngồi ở trên một cõi trời nào đó để xét xử người đời sau khi chết, hoặc ở cõi thiên đàng do cái trí tưởng tượng phàm tục của họ. Dầu họ có chế ra một viễn vọng kính có tăng sự lớn của một vật hàng trăm ngàn tỉ lần cũng  không bao giờ thấy được Thượng Đế; vì Thượng Đế là một NGUYÊN LÝ VI DIỆU chớ không phải là một Đấng có cá thể riêng biệt.

Vấn đề tin có Thượng Đế hay không là do từ trong tâm của con người phát ra. Vì vậy vấn đề tìm kiếm Thượng Đế là quay về đời sống nội tâm để nghe tiếng vọng trong tâm, đó là tiếng nói của linh hồn, thì thầm của lương tâm, nhận thức bằng trực giác, qua kinh nghiệm hàng ngàn kiếp làm thức tỉnh con người trong bể trầm luân. 

Vấn đề tin có Thượng Đế hay không là tùy theo sự tiến hóa của linh hồn. Những văn bằng của tất cả các đại học là cái chứng chỉ cho một người đã học qua một chương trình, đó là những kiến thức đã có sẵn (to have in reserved) được đưa vào một bộ não (brain), bất cứ ai có đủ điều kiện để học đều có thể được những văn bằng đó. Còn sự tiến hóa của Linh Hồn, cũng như Phẩm Hạnh, Đạo Đức, Phẩm Giá và Tư Cách của một người không có liên quan gì đến những cái văn bằng nói trên. Vì phẩm hạnh, (behaviour) đạo đức (virtue), phẩm giá (dignity) và tư cách (character) là những thứ không thể thiếu được của một linh hồn tiến hóa.

Nói cách khác đạo đức khác với kiến thức, chính vì lẽ đó nếu một xã hội chỉ chú trọng phần kiến thức mà quên đi phần đạo đức thì không khác nào trao kiếm cho kẻ cướp.

Vấn đề lý thuyết thì ai nói cũng được, nhưng thực hành mới là điều quang trọng. Vào thời xa xưa có vị Hoàng Đế Asoka là một vị minh quân Ấn Độ, ông thường đàm đạo về triết lý và vấn đề tâm linh với các tu sĩ. Một hôm nhà vua giả dạng thường dân cùng đi với tu sĩ dạo quanh thành phố. Tu sĩ tay ôm một bình bát nhỏ, quấn một chiếc khố rách, vừa đi vừa nói :

– Nếu muốn đến gần Thượng Đế thì Ngài phải biết xả bỏ tất cả, từ bỏ ngai vàng điện ngọc, vợ con, cung phi mỹ nữ, các quan văn võ và toàn thể vương quốc thì mới hy vọng đạt được những gì mong muốn. Nhà vua vui vẻ nói mạnh dạn :

– Tôi sẽ làm đúng như vậy.

Tu sĩ ngạc nhiên, ngập ngừng hỏi :

– Bao giờ thì ngài có thể từ bỏ những thứ này ?

Không một chút do dự nhà vua đáp :

– Ngay thời điểm này.

Tu sĩ hơi bối rối vì nhà vua chấp nhận một cách dễ dàng nên không nói  nữa. Khi băng qua ngã tư, tu sĩ bị một gã cướp cái bình bát rồi chạy mất dạng. Tu sĩ giận quá nên chưởi những lời thô tục. Vua Asoka nói một cách nhẹ nhàng 

– Này ông bạn, ông chỉ có một cái bình bát cũ mà ông còn gắn bó vào nó, nếu có cả một giang sơn như thế này thì ông sẽ phản ứng như thế nào ?

“Người ấy” lật qua, lật lại vài trang sách :

– Nếu đọc qua kinh sách để hiểu biết và thuộc lòng mà không thực hành thì người tu ấy cũng giống như cái máy ghi âm chờ có dịp phát âm ra, ngôn ngữ văn chương đưa ra hình tượng đó là thứ nhai lại như loài gậm nhấm.

Dùng lửa để thử vàng. Định luật về sự tiến hóa của linh hồn cũng giống như vậy, nghĩa là linh hồn phải xâm nhập vào cõi vật chất. Chính vì lẽ đó trong tất cả kinh sách đều nói con người có hai phần : phần vật chất và phần tinh thần. Chỉ khi nào đi vào cõi trần gian thì mới biết “ai chỉ huy ai”.

Nếu linh hồn làm chủ được thể xác thì nó sẽ hướng lên những gì thường tồn, cao cả và lo trao dồi đạo đức, phẩm hạnh sống theo đạo lý thánh hiền, còn ngược lại nếu thể xác làm chủ thì chỉ có biết vật chất mà thôi.

Có những linh hồn bị vật chất bao phủ không còn nhìn ra ánh sáng Chân Lý, đôi khi cũng cố vùng lên đó là khi con người tự nhìn lại mình và biết được những cái xấu xa bỉ ổi thấp hèn, tán tận lương tâm. Chính lúc đó con người cố gắng tách rời nó ra. Sự cố gắng ấy là kêu gọi đến “Ánh Sáng Thiêng Liêng” và ân huệ ở trên ban xuống để biến đổi tánh xấu ấy. Hay nói cách khác cái mà ta gọi “Ánh Sáng Thiêng Liêng” chính là Ý Chí của con người. Vì ý chí là một sức mạnh vô địch mà Đấng Tạo Hóa ban cho con người và chỉ có con người mới có ý chí tự do.

 Do đó muốn loại trừ những gì làm trở ngại cho vấn đề tu tập bản thân chỉ có cách hiệu quả nhất là sử dụng ý chí. Vì ý chí là một công cụ sáng tạo làm thay đổi được tất cả.

Hơn mười năm “con trời” lắng nghe và tự mình suy nghĩ, đôi khi “người ấy” nhắc lại một số “định luật của vũ trụ” bảo “con trời” cố gắng nhớ cho nhập tâm vì không một vị Giáo Chủ nào phát biểu tư tưởng vượt ra ngoài định luật của vũ trụ.

Thắm thoát hơn sáu mươi năm “con trời” tự hỏi : “Đi vào thế gian để kiếm sống và học được những gì ? Một kiếp người quá ngắn, không có ai học được tất cả kiến thức của trần gian cũng như trao dồi phẩm hạnh và đào tạo tánh tình. Có chăng là những gì đã va chạm vào cái tôi trong những thành công cũng như thất bại; nhận về mình những hạnh phúc hoặc đau khổ. Có chăng là những hoàn cảnh éo le ngang trái, những tai nạn phũ phàng mà kinh sách gọi là “nghiệp quả”, hoặc cái định nghiệp phải trả trong hiện kiếp. (Nghiệp là cái đã huân tập trong nhiều kiếp). 

Ngồi dựa vào vách đá bên bờ suối “con trời” nhìn dòng nước lượn lách qua kẻ đá để tìm lối thoát, rồi đi về đâu, có đi chăng là bị nắng bốc hơi rồi gặp khí lạnh để trở thành mưa cũng trở về nguồn. Đó là cái vòng lẩn quẩn của vật chất trần gian.

Còn LINH HỒN cũng có cái vòng lẩn quẩn (vicious circle) khi mượn thể xác, nghĩa là linh hồn vẫn đến thế gian, mượn tạm vật chất cõi hồng trần để tạo ra thể xác. Khi linh hồn bỏ đi thì thể xác tan rã. Vì linh hồn bất tử nên vẫn tiếp tục trở lại thế gian và cứ như thế hàng ngàn “kiếp”. Mỗi một kiếp linh hồn học được một vài kinh nghiệm.

“Con trời” bồi hồi nhớ lời của “người ấy” :

“Trước khi Linh Hồn xuống thế gian để “đầu thai” thì Đấng cầm cân tội phước có cho nó thấy những gì sẽ đến với nó theo đúng với định luật của vũ trụ là “mỗi động lực đều đem lại cái phản động lực; động lực và phản động lực không thể chia ly được”. Và cũng chính linh hồn có những mong muốn xuống thế gian để hoạch đắc những gì cần thiết cho sự tiến hóa của nó đúng với đẳng cấp linh hồn. Nghĩa là tùy theo sự tiến hóa của linh hồn, nó sẽ phải học những bài học tiếp theo giống như học mẫu tự a, b, c … rồi tiếp theo vần xuôi, vần ngược, đọc từng chữ và nguyên câu.

Còn về thể xác, linh hồn cũng không có quyền chọn lựa; vấn đề đẹp, xấu, tật nguyền là do các vị thần “nhân quả” căn cứ vào “ba hột nguyên tử thường tồn” mà tạo ra hình thể cho đúng với “NGHIỆP” của linh hồn. Sau một thời gian mượn thể xác là cái vỏ khoát ngoài để hoạt động cõi hồng trần, theo luật của Trời là nó bị DỊCH nghĩa là biến hóa; cái biến hóa của linh hồn là tiến hóa vì linh hồn thường sinh bất tử, nó thuộc về TINH THẦN, trạng thái tuyệt đối. 

Còn cái biến hóa của thể xác là tử vong vì nó được cấu tạo bằng VẬT CHẤT hồng trần thuộc vũ trụ tương đối. Khi thể xác không còn sử dụng có hiệu quả, linh hồn bèn bỏ ra đi, đó là sự chết xảy đến cho thể xác.

 Trước khi vĩnh viễn rời thể xác, linh hồn được thấy một kiếp của nó, nó đã làm được những việc : tốt, xấu, thiện, ác, giống như xem một vở kịch mà trong đó nó đóng vai chánh. Nếu nó thấy những hành động gian ác, tán tận lương tâm, hoặc ích kỷ, hại nhân thì tử thi có nét mặt như sợ hãi; còn ngược lại nếu nó làm việc phước thiện, thi ân bố đức thì nét mặt rạng rỡ. Trong giờ phút chia tay với thể xác, nó còn lưu lại việc làm của nó trong kiếp vừa qua trên nét mặt. 

Do đó khi nhìn nét mặt của người vừa qua đời, chờ tẩn liệm; có nhiều người không biết luật Trời nên ngạc nhiên về thân nhân của họ và thầm hỏi tại sao có sự thay đổi trên nét mặt.

“Con trời” dựa lưng vào vách đá nhìn mây bay, bây giờ thì y không còn như “con trời” cách đây gần hai mươi năm; lần đầu tiên gặp “người ấy”, y tranh luận quyết liệt. Đó là vào một buổi trưa hè “con trời” và “người ấy” trao đổi tư tưởng dưới gốc cây cổ thụ trước sân nhà.

– Thôi ông nên giảm bớt vấn đề đam mê vật chất mà nên dành một ít thì giờ cho vấn đề tinh thần, nếu ông cứ ngụp lặn trong biển vật chất như thế này thì không biết đến bao giờ ông mới thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn.

“Con trời” trợn mắt nhìn “người ấy” :

 – Ông nói cái chi tôi chẳng hiểu gì hết. Tôi chỉ thấy cái gì trước mắt tôi mới tin rằng “nó có”. Ông biết không, nhà tôi nghèo, tôi là đời thứ ba, thế gian gọi là tôi nghèo ba đời. Một đêm trăng tôi nằm trong nhà, tôi gọi là nhà nhưng hàng xóm kêu là cái chòi, ánh trăng xuyên qua vách lá, một thứ ánh sáng dịu dàng làm tôi thoải mái. Tôi kiểm lại giòng họ ba đời mà cái nghèo vẫn còn đeo đuổi, không có một cục đất chọi chim, toàn là ở đậu. Năm ấy tôi vừa tròn hai mươi tuổi, với sức khỏe dồi dào, tôi quyết chí vươn lên chạy bỏ cái nghèo. Tôi lên rừng một thời gian, rồi xuống biển sau cùng trở về đồng bằng. Tôi lao vào cuộc sống để tìm kiếm cái mà ông vừa gọi là VẬT CHẤT. Người bình thường làm một ngày tám giờ, còn tôi, bất kể sống chết, một ngày tôi làm mười sáu giờ.

“Con trời” đưa tay chỉ vào “cơ sở vật chất”, đó là một ngôi nhà ngói chữ đinh trông khá khang trang, phía sau có khu vườn chừng một mẫu trồng cam quít. “Con trời” nhìn “người ấy” hồi lâu rồi chậm rãi :

– Từ hai bàn tay trắng tôi đã tạo sự nghiệp như thế này, bây giờ ông bảo tôi từ bỏ, nghĩa là như thế nào ? Tôi nghĩ, có lẽ người thế gian không ai nghe ông nói đâu; vì ai cũng đổ mồ hôi mới có được của cải như thế này. Của cải này, không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải từ dưới đất trồi lên mà bằng sự lao động quyết chí của con người. Ông nhìn xem hai bàn tay tôi chai cứng như thế này.

Nói đến đây “con trời” có vẻ mệt mỏi, ngồi dựa lưng vào gốc cây cổ thụ, bóng mát của tàng cây làm dịu cái nóng của trưa hè. “Người ấy” ngồi xuống dịu dàng :

– Này ông bạn, ông hiểu lầm câu nói của tôi rồi. Từ bỏ vật chất, nghiã là đừng để cho cái tâm vọng động lôi cuốn mình theo nó mà phải làm chủ nó, đứng để nó sai khiến. Vật chất là một mãnh lực ghê gớm mà biết bao nhiêu người làm chính trị và “đi tu” đôi khi cũng “thân bại danh liệt” vì nó. 

Vật chất tự nó không là gì cả mà do cái tâm của ta tự cho nó một giá trị rồi quyết chí theo đuổi. Vật chất không tốt mà cũng không xấu, nhưng nếu nói theo nhị nguyên thì nó là cái vỏ khoát ngoài cho những ai cần nó; còn cái đẹp, xấu, giá trị, không giá trị là do người phàm đặt ra cho nó. Cũng chính vì “thế giới nhị nguyên” đặt cho nó một giá trị, thì những người nào để vật chất trên bàn thờ thì phải thường xuyên cúng lạy, tôn vinh nó trên tất cả mợi sự, đó chỉ là để thỏa mãn dục vọng.

 Vì mọi người chung quanh đều nghĩ đến sự ham muốn, nhiều khi tư tưởng này xâm nhập vào ông bạn mà ông bạn không hề hay biết. Chỉ khi nào ông bạn làm chủ được tư tưởng, tự mình quyết định cuộc đời mình, thì mới không còn lệ thuộc hình thức bên ngoài.

 Khi con người sống lệ thuộc vào  một “bảng giá trị” thì trọn một kiếp người, họ chỉ là một thứ lập lại, đội khi họ tự lừa dối chính mình, những cái gì không thích cũng được họ che lấp bằng những sự  giả dối bên ngoài. Họ tự đóng kịch để thủ một vai theo cái kiểu mẫu bằng những hình thức. Kết quả là họ tự lừa dối với chính mình. Họ nhìn vấn đề gì cũng chạy theo dư luận, ai khen một tác phẩm nào thì họ khen và nếu chê thì họ chê theo.

 Cái óc phán đoán và tự chủ trong tư tưởng của họ hình như bị giãy chết từ khi họ sống theo hình thức bên ngoài. Họ đã phí phạm một kiếp sống ở thế gian mà họ không hề hay biết. 

Loài vật thì sống theo bản năng, do đó chúng sinh hoạt giống nhau của cùng một  loài. Nhưng con người lại khác vì con người có Cá Tánh và có một Ý Chí hoàn toàn tự do.

 Nếu con người sống theo hình thức bên ngoài là tự mình chối bỏ Ý Chí tự do và Cá Tánh, một quyền năng mà Đấng Tạo Hóa đạc ân cho con người. Nói cho có mùi kinh kệ là con người không còn hồn nhiên như trẻ con, thì những tư tưởng cao thượng khó mà chen vào bộ não chứa đầy sự hơn thua, tranh giành chiếm đọat để chạy theo cái hình thức bên ngoài.

Này ông bạn, từ bỏ vật chất không phải là ông bạn bỏ tất cả vật chất “rồi ra mình không”; nhưng mà từ bỏ cái nếp sống lệ thuộc vào vật chất, lệ thuộc vào hình thức. Cũng không phải là lên non cao rừng thẳm âm u tịch mịch, không bóng dáng con người để “quên đi những gì tục lụy” và dục vọng còn vọng động. Sự thật không phải như vậy mà phải tự biết mình, rằng những cái dục đó, nó đã có từ muôn ngàn kiếp, thì không thể một sớm một chiều triệt tiêu nó như là đẩy lục bình cho trôi xuôi theo dòng nước.

 Chỉ khi nào phát khởi từ trong tâm của ông, tiếng thì thầm từ hư vô. Đó là tiếng nói của linh hồn kêu gọi đến thể xác trần tục bằng những kinh nghiệm vừa qua. Trong sự sinh tử luân hồi mà linh hồn đã có sự trưởng thành để phá tan cái vỏ VẬT CHẤT.

 Linh hồn có đời sống song đôi :

 Phần thứ nhứt : liên lạc với Các Hạ Thể : Xác, Vía và Hạ Trí, thuộc NGƯỜI GIẢ, đó là cái Vỏ Vật Chất.

 Phần thứ nhì : liên lạc với TINH THẦN.

 Như vậy, chỉ khi nào ông phá tan cái vỏ vật chất thì mới tiếp thu được tư tưởng Thiêng Liêng, hay tia sáng của Tinh Thần hay đời sống Tinh Thần.

Đời sống Tinh thần là một đời sống hiểu biết về Đấng Tạo Hóa và trong cuộc sống hành ngày thực hành sự  hiểu biết ấy. Không có gì huyền bí trong một đời sống Tinh Thần, đó là một cách sống theo đinh luật của vũ trụ; sống theo cơ tiến hóa hay Thiên Cơ mà con người cố gắng trong sự sống hàng ngày bằng cách làm nẩy nở cái phần Thiêng Liêng có sẵn trong mỗi người. 

Vì mỗi sinh vật đều có cái mầm Thiêng Liêng; sự tiến hóa của linh hồn tức là làm phát triển phần Thiêng Liêng. Cái mà ta gọi sức mạnh Thiêng Liêng đó chính là phần Thiêng Liêng mà linh hồn đã có được. Trong mỗi một kiếp nguời, tùy theo hành động, tình cảm và tư tưởng mà có được “sức mạnh Thiêng Liêng”.

“Con trời” hơi rối trí, vì một vấn đề quá trừu tượng nên vội vàng lên tiếng :

– Những điều ông vừa nói tôi chẳng hiểu gì hết. Vì ở thế gian này người ta chỉ thích nghe nói cái gì có lợi cho người ta mà thôi. Ngay như các tôn giáo, người ta đến đó để cầu xin ơn phước, lợi lộc, được một cái gì theo ước nguyện của họ. Như một số tôn giáo thì hứa hẹn một thiên đàng, một niết bàn, một cõi trời có trăm hoa đua nở cho linh hồn đến cư ngụ .

Người ấy mỉm cười, thân mật :

– Này ông bạn, một vị Chân sư dạy đệ tử như sau : “Con phải hết lòng khoan dung cho tất cả mọi người và phải nhiệt thành quan tâm đến Đức Tin của những người thuộc tôn giáo khác cũng như là con với tôn giáo của chính con vậy. Vì tôn giáo của họ cũng như tôn giáo của con đều là con đường dẫn đến Đấng Tạo Hóa. Muốn giúp đỡ mọi người thì con phải hiểu rõ tất cả họ.

Nhưng muốn có lòng khoan dung toàn vẹn, thì trước hết chính con phải vứt bỏ hết thói dị đoan và mê tín. Con phải hiểu rằng không có lễ bái nào là cấn thiết cả; bằng không con tưởng rằng con giỏi hơn những người nào không hành lễ. Nhưng con đừng chê trách những người nào còn bấu víu vào lễ bái. Hãy để họ làm theo ý họ; miễn họ đừng xen vào việc của con là người đã biết Chân Lý, họ không được cố buộc con phải làm những mà con đã trải qua rồi. Hãy khoan dung và tử tế trong mọi trường hợp.

Bây giờ con đã sáng mắt, nên một vài tín ngưỡng và lễ nghi cũ của con hồi trước dường như trở nên phi lý đối với con; mà quả thật nó có vẽ phi lý thật. Song dù rằng con không còn không còn tham dự lễ bái nữa, con vẫn phải kính trọng những việc này; vì lòng thương những tâm hồn trong trắng mà họ còn cho những việc đó là quan trọng. Những lễ bái này có vị trí của nó và có chỗ dùng của nó; chúng giống như những hàng gạch đôi giúp con viết ngay ngắn và đều đạn khi con còn nhỏ, cho đến khi nào con biết tự mình viết thật giỏi mà không cần dùng chúng nữa. Có một lúc con cần chúng ; nhưng bây giờ, thời đó đã qua rồi”. 

Một vị Thầy Cả có lần viết : “Khi tôi còn nhỏ tôi nói như một đứa trẻ, tôi hiểu như một đứa trẻ, tôi nghĩ như một đúa trẻ; nhưng khi tôi lớn tôi bỏ hết các thói trẻ con. Những người nào đã quên tuổi ấu thơ của mình và mất đi thiện cảm với trẻ thơ thì không phải là người có thể dạy dỗ hoặc giúp đỡ chúng. Vậy hãy tỏ ra tử tế, dịu dàng, khoan dung với tất cả mọi người, dù họ là người Phật giáo, đạo Jain, Do Thái giáo, Thiến Chúa giáo hay Hồi giáo”.

– Này ông bạn, sự thật thì không có ai nhìn đúng về một tôn giáo khác, một người khác mà chỉ nhìn theo cái quan niệm riêng của ta mà thôi. 

Nhà hiền triết Socrate đã trả lời, khi người ta hỏi :

 Trong những việc,việc gì dễ làm nhất ?

– Khuyên dạy. 

 Trong những việc, việc gì khó nhất ?

– Tự biết mình.

Như vậy thì cái dễ nhất là cái ưa làm thầy đời, cái phê phán người khác, cái nói hành một người, cái mà gặp cái gì cũng chê. Xét cho cùng thì đó là cái bệnh của trí não, rồi lâu ngày không chửa trị biến thành cái tật, thôi đành chịu vậy. Ngay trong vấn đề tôn giáo, một số tín đồ cũng vẫn còn cái bệnh làm thầy đời, đạo này chê đạo kia, rồi còn tự cho chỉ có cái đạo của mình mới đi đúng đường. 

Hiện nay, khoa học có sáng chế ra nhiều dụng cụ để thăm dò khắp nơi trên địa cầu, kể cả trong cơ thể trong con người. Nhưng cái tự biết mình là chưa có cái máy nào hết; vì đó là việc khó nhất. Khó nhất là vì thuộc về lãnh vực tâm linh, nói đến tâm linh là phải nói đến tôn giáo.

Tôn giáo nào cũng có cái cao quí và Thiêng Liêng của nó. Những vị Giáo chủ là những bậc tiến hóa “siêu nhân loại”, giáo lý của các Ngài giúp con người thăng tiến bản tánh đạo đức, trí tuệ và giúp tinh thần tự khai mở. Tôn giáo, sự thăng tiến như một bậc thang lên cao, trên đó mọi người đều không cùng một trình độ, nên bậc nào cũng có họ, năng lực nhận thức và hành động thay đổi theo từng mỗi bậc; tiến hóa cao, xa hẳn tiến hóa thấp về sự sáng suốt và đức hạnh. Tôn giáo nhìn nhân loại như một phức thể và cố gắng đáp ứng mọi thành phần. 

Tôn giáo là cái căn bản để đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người. Mặc dù cái xác phàm chỉ cần có thực phẩm nhưng mà con người cũng tha thiết với nhu cầu của tinh thần. Trên đường hành hương, họ cần những lời chỉ dạy của  vị Giáo Chủ, vì bước chân dẫm lên gai nhọn rướm máu, họ cần một con đường ít chong gai, ít hiểm trở; và chính lời vàng ngọc của vị Giáo Chủ chỉ cho họ lối đi ấy, những lời vàng ngọc ấy chỉ tìm trong kinh sách.

Nhưng kinh sách, vì bị lớp bụi trần tục phủ lên nên những người kế tiếp không còn giữ đúng những gì mà vị Giáo Chủ đã dạy. Và họ tự biên soạn theo cái trí phàm tục của họ, không những đã tam sao thất bổn mà còn lợi dụng danh nghĩa tôn giáo. Đó là bọn con buôn chính trị lợi dụng sự mê tín và cuồng tín của một số tín đồ để có cái gọi là “thánh chiến”. Chính vì mất cái tinh hoa của Chân lý doVị Giáo Chủ  phát biểu, từ đó về sau chỉ đi vào con đường cuồng tín, mê tín và tin dị đoan. 

Muốn tìm hiểu ý nghĩa đích thực của tư tưởng một tôn giáo, cách tốt nhất là đọc và suy nghĩ những gì do chính vị Giáo Chủ đó phát biểu, còn những phần ghi chép, biên soạn và giáo điều là do tổ chức của tôn giáo. Vì tôn giáo là một tổ chức để trình bày Chân lý mà trước đây vị Giáo chủ đã phát biểu.

 Chỉ có một vị Giáo chủ mà người phàm chia ra “nhiều chi nhánh, nhiều tổ chức”. Ta cũng không nên tranh cải vì đó là việc riêng của họ. Nếu người tín đồ có cái tâm chân thành hướng về phần Thiêng Liêng, thì những hình thức bên ngoài, dù có gì đi chăng nữa cũng không quan trọng.

Vì Đấng Tạo Hóa chỉ phán xét con người qua cái Tâm mà thôi. Ngày xưa nhân loại chưa biết về sự rung động của nguyên tử Tâm Thức, nên gọi là Phán Xét.

Phán xét nghĩa đích thực của nó là sự rung động của nguyên tử Tâm Thức. Tùy theo tâm thức thanh hay trược, nguyện vọng thanh cao hay trần tục mà ta có được sự rung động của nguyên tử tâm thức. Vấn đề ngày Phán Xét cũng có nghĩa như trên, nghiã là khi ta có nguyện vọng thanh cao là ta có được Tâm Thức trong sáng, một bảo vật trong cõi Tinh Thần .

                          Atlanta mùa thu  Giáp Thân – 2004                                      

                                      Hoàn  Công  Đình

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro