Chương hai : CON TRỜI ĐI HỌC

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương hai :CON TRỜI ĐI HỌC

Thắm thoát hơn mười năm, từ ngày “con trời” gặp “người ấy” vào buổi chiều cuối thu, có những chiếc lá vàng rơi. Đối với thi sĩ thì có cảnh để làm thơ, riêng với “con trời” chiếc lá vàng là sự chết. Nói đến sự chết “con trời” rùng mình nhớ lại năm xưa “người ấy” nói về Thiên Thần làm lễ tiếp rước sự giáng phàm của con trời, tưởng làm gì ngóng cổ nghe, té ra làm người đi ăn mày. “Người ấy” nói :

– Không có ai biết kiếp trước y đã từng làm gì, có thể là vua, quan, nhà quí tộc, nhà tu, tướng cướp v.v… Chỉ một sự chuyển kiếp có thể làm người đi ăn mày.

 Khi bỏ thể xác lại cõi trần, có thể nó nằm chơ vơ trên cánh đồng nắng cháy, nơi hoang vu rừng núi chập chùng, nếu đem thiêu xác chỉ còn một mớ tro tàn, rải trôi theo dòng đại dương. Rồi cũng một kiếp người, chỉ có ba từ đơn giản; nhưng muốn tìm hiểu cho ra cội nguồn là cả một vấn đề ưu tư của con người từ ngàn xưa đến nay. Chẳng lẽ thế gian này giống như cái quán trọ, cho kẻ đến rồi đi mà không bao giờ có được “sự nhớ” là mình đã từng ở nơi đó hồi thuở nào.

Suy nghĩ đến đây “con trời” hơi thấm mệt, thẫn thờ đi theo đường mòn quanh co uốn khúc. Bị đám sậy đế che khuất tầm nhìn, “Con trời” lầm bầm, chỉ có mấy cây sậy đế lởm chởm như thế này mà cũng che được tầm nhìn của ta, thì thôi mắt ơi tao lạy mày, không ngờ mày chỉ giúp tao có sự thấy mà thôi. “Con trời” quơ tay chen lá đi theo lối mòm uốn quanh và chợt nghĩ “đi theo lối bà cậu” như thế này đôi khi trở về điểm cũ thì làm sao gặp được “người ấy” ở trong cái chòi bên bờ sông.

Nhưng rồi, nhờ sự cố gắng “con trời” không ngại vất vả, bon chen vượt qua đám sậy đế. Một sự mừng vui khôn tả khi “con trời” thấy được con rạch nhỏ, dòng nước chảy nhẹ nhàng; vì “con trời” biết rằng nước rạch này chỉ có chảy ra sông mà thôi. Dọc theo hai bên bờ rạch có những đám lục bình bông màu tím trắng, “con trời” bôi hồi xúc động, nhớ cái thuở hái hoa bắt bướm, yêu màu tím, cũng không biết yêu thật tình hay ảnh hưởng thơ và nhạc, đem màu tím ra để than khóc một chuyện tình. Hình như trên thế gian chuyện tình yêu là đề tài ăn khách nhất. Cái diễn tiến của tình yêu nó biến hóa khôn lường, như hạt kim cương, nhìn góc độ nào cũng thấy phát ra ánh sáng; nói hoài mà con người vẫn say mê và ngây ngất trong mem tình, đôi khi cũng chết vì nó. Bất chợt “con trời” mỉm cười và tự nhủ “hình như cái thứ tình yêu này là tập cho con người có được tình thương”, hèn chi người ta nói người nào mà không có tình thương thì cõi lòng băng giá, chai đá. Hay là tình yêu này là tập cho con người lần hồi từ kiếp này sang kiếp khác, phát triển thành tình thương yêu vạn vật và giúp đỡ muôn loài. Thôi cái đó cao thượng quá, biết đến bao giờ mới thực hiện được, kiếp này yêu thương “người dưng khác họ” là tập cho có tình thương là ngon lành rồi. 

Cuối cùng thì “con trời” ra đứng bên bờ sông, nhìn nước chảy cuồn cuộn, dòng sông mênh mông, bên kia bờ chỉ còn thấy hàng cây lờ mờ, vài chiếc xuồng câu dật dờ trên sóng nước. “Con trời”  thong thả nương theo bờ sông và tìm gặp cái chòi của “người ấy”.

Màn đêm buông xuống, nhờ ánh trăng rằm xuyên qua vách lá, nên cũng còn thấy lờ mờ, “người ấy” kéo hết tấm phên che gọi là cửa cho ánh sáng tràn vào. Dưới ánh sáng dịu dàng của trăng, “con trời” chợt hỏi về trăng để mở đầu câu chuyện. “Người ấy” để nhẹ tách trà xuống bàn rồi thong thả :

– Thiên thơ cho biết, dãy Địa cầu hiện thời là dãy thứ tư của Địa cầu hệ. Dãy thứ nhứt, dãy thứ nhì, dãy thứ ba đã tan rã từ lâu. Nhưng dãy thứ ba còn để lại một di tích là MẶT TRĂNG chờ ngày tan rã. Bầu Hỏa tinh (Mars), Địa cầu (Terre), Thủy tinh (Mercure) cấu tạo  bằng nguyên tử Hồng Trần.

Theo Giáo Lý Huyền Môn: Căn cứ vào Thiên Cơ và sự tiến hóa của vũ trụ thì MẶT TRĂNG đã hoàn tất cái chu kỳ mà Thiên cơ đã qui định; cho nên Thần Lực của Đấng Tạo Hóa được chuyển xuống Địa Cầu. Do đó toàn bộ Hồn Khóm và Linh Hồn từ mặt trăng đến Địa Cầu để tiếp tục của cái vòng “sinh tử luân hồi” đúng với Thiên Cơ.

Vấn đề MẶT TRĂNG đã chết, nghĩa là không còn Thần Lực của Đấng Tạo Hóa thì tất cả từ đá, đất, cỏ, cây cho đến muôn loài đều “chết sạch” vì sự sống đã đưa xuống Địa cầu. Cái mà không có thì muôn loài đều chết đó là “không khí”, không có con mắt trần tục nào thấy được nó,vậy mà cũng được chuyển xuống Địa cầu. Do đó trên mặt trăng không có không khí. Tất cả sự di chuyển từ MẶT TRĂNG xuống Địa cầu đều có ghi chép rõ ràng trong Giáo Lý Huyền Môn. Đó là trong chủ đề nói về sự tiến hóa của linh hồn tại Địa cầu, trước đây khi nó còn ở Mặt Trăng, những linh hồn ấy thuộc “đẳng cấp” nào.

Mặc dù Huyền Môn nói rằng MẶT TRĂNG đã chết, không có sự sống trên đó, nhưng khoa học vẫn tiến hành đổ bộ lên mặt trăng. Với khoảng cách Địa cầu và Mặt trăng vào khoảng ba trăm tám mươi ngàn cây số, với tốc độ vũ trụ cấp một vào khoảng mười sáu ngàn cây số một giờ thì thời gian lên đến mặt trăng không quá bốn mươi tám giờ. (Phi thuyền phóng lên Mặt Trăng không phải bay trên một đường thẳng của hai điểm A và B mà bay theo đường quĩ đạo và tiệm tiến ra). Với một chương trình không gian được quảng cáo rầm rộ về việc đổ bộ lên mặt trăng. Các nhà đại tư bản được ai mách bảo một vài tư tưởng Đông Phương :

 “Con chim bay đến cánh rừng mênh mông để tìm chổ ngủ qua đêm; rừng bạt ngàn, hàng tỉ cành cây thế mà nó chỉ có đậu được một cành để ngủ. Con chuột sống trong cánh đồng khô cháy thế mà lần mò ra đến bờ sông mênh mông nước, vậy mà chỉ uống đầy bụng là thôi”.

Thay vì hiểu theo quan nịêm tinh thần, bằng trực giác, tự biết từ trong tâm là Tinh Thần mới là cao quí. Họ quên rằng hạnh phúc từ trong tâm phát ra mới là hạnh phúc chân thật. Vì say mê vật chất nên chỉ biết có vật chất, đó là họ ngghĩ với số tiền quá lớn làm sao mà tiêu sài cho hết trong quả Địa cầu này. Họ bèn liên lạc với cơ quan không gian, bằng bất cứ mọi giá, mua một khu đất trên mặt trăng, xây một biệt thự, hằng đêm  ngồi nhâm nhi uống rượu nhìn xuống Địa cầu, thì đúng là “đáng đồng tiền” để thưởng thức những gì mà người thế gian chỉ biết qua chuyện thần thoại.

Nhưng rồi dự định của họ cũng tan tành như viên đại bác tiễn đưa bao chúa xuống lòng đất lạnh. Đó là sau khi hoàn tất việc đổ bộ lên mặt trăng, các phi hành gia báo cáo không thấy cái gì có sự sống như : rong rêu, cây, sông, hồ, nước và hoàn toàn không có không khí. Các phi hành gia kết luận : đó là vùng đất khô cằn, hoang vu, không một sinh vật nào từ Địa cầu lên đây mà sống được. Chẳng lẽ ra về tay không, các phi hành gia bèn quơ quào vài hòn đá của “chú cuội” mang về làm quà cho nước Mỹ. 

“Người ấy” ngừng nói, thả hồn theo ánh trăng xuyên qua xách lá. 

“Con trời” tự biết rằng từ trước đến nay có nghe nói đến mặt trăng qua thi ca, nhứt là các nhà văn, thi sĩ , họa sĩ và nhạc sĩ; thông thường là hình ảnh trăng in đáy nước, trăng hôn lên má, vệt sáng trăng như tấm lụa trên dòng sông. Đôi khi đem trăng ra để nói về cái “không tưởng” như mò trăng đáy nước và có nhiều huyền thoại về trăng. Hình ảnh của trăng trong những đêm trời trong gió mát, ngồi cạnh bờ hồ, dòng suối, bờ biển, con người thấy có một cái gì gần như thoát tục. “Con trời” thầm nghĩ những hình ảnh đó vẫn còn tiếp tục trên thế gian này, dù có nói rằng trăng chết hay sống cũng không ảnh hưởng gì. “Con trời” trầm ngâm hồi lâu : 

– Ông vừa nói Thần Lực của Đấng Tạo Hóa được chuyển từ mặt trăng xuống Địa cầu nên trên mặt trăng không còn sự sống, như vậy thì mặt trăng có ảnh hưởng gì đến Địa cầu không ?

“Người ấy” uống xong tách trà, khẽ khàng :

– Này ông bạn, ai đã tạo ra khoảng cách giữa Mặt Trăng và Địa Cầu là vào khoảng ba trăm tám chục ngàn cây số, hai vật thể đó ở trong vũ trụ bao la và mỗi vật thể đều không có một điểm tựa. Như vậy thì ai đã làm cho hai vật thể đó có một khoảng cách không thay đổi.

Nếu hai vật thể đó thu ngắn khoảng cách thì với sức hút của mặt trăng sinh ra ngập lụt; nếu khoảng cách ra xa thì sinh ra hạn hán. Tóm lại chỉ có sự thay đổi khoảng cách giữa mặt trăng và địa cầu mà nhân loại lãnh không biết bao nhiêu là hậu quả. Nói cho gần hơn, nếu Địa cầu, trục của nó không nghiêng hai mươi ba độ thì làm sao có thời tiết bốn mùa. Chỉ có vấn đề khoảng cách và độ nghiêng, đòi hỏi một sự tính toán siêu phàm.

Đấng làm cái công việc đó người thế gian ít ai biết đến. Nếu có người suy luận bằng trực giác tâm linh, cảm nhận thiên nhiên bằng cái rung động sâu xa của linh hồn, họ kính cẩn gọi đó là công trình của Đấng Tạo Hóa.

“Con trời” sốt sắng hỏi :

– Xin ông nói thêm cái gì gần và mắt thấy được.

“Người ấy” trầm ngâm hồi lâu :

– Này ông bạn, những bông hoa có đủ loại màu sắc, tùy theo loại hoa mà có mùi thơm khác nhau, giống cây nào thì trổ hoa và kết trái của giống đó, có mùi vị cho từng loại cây. Nhưng cái chất làm cho cái cây có sự sống để có được hoa và trái là một loại nguyên sinh chất trong suốt, và nếu có đưa vào phòng thí nghiệm thì cũng không phân biệt là loại nguyên sinh chất của thứ cây nào. Vậy mà khi trổ nụ, hoa, trái thì khác nhau hoàn toàn. Ai đã sắp thứ tự theo cái tiến trình không thay đổi của từng loại cây ?

 Khoa học ngày nay đã đưa người lên đến cung trăng và phóng vài dụng cụ khoa học đến sao Hỏa vậy mà cũng không “Sáng Tạo” được một HỘT MÈ. Một hột “nhỏ mọn” như vậy, nếu khoa học thưc nghiệm có đem nó ra “nghiên cứu” thì cũng không biết nó cấu tạo như thế nào, mà có được sự đâm chồi nẩy lộc, Huyền Môn gọi cái đó chính là SỰ SỐNG. Không có một dụng cụ nào của khoa học dù tối tân cũng không tìm ra cái mà ta gọi là SỰ SỐNG nằm ở trong hột mè; một sự nhận thức không vượt qua cái ngũ quan của con người là mùi thơm và chất béo. 

Danh từ SÁNG TẠO ở đây, nghĩa của nó là tạo ra Sự Sống và được lưu truyền không biết từ đời nào. Nó có đó như là một bằng chứng về sự SÁNG TẠO mà cái trí phàm không hiểu và không biết đâu là bờ bến. Hay nói cách khác trong sự chân thành của con người, tin một cái gì mà mắt trần không thấy, nhưng tin là có cái đó, chỉ có ĐấngTạo Hóa đã sáng tạo mà thôi.

Khoa động vật học nói : loài động vật sống theo bản năng sinh tồn. Khi có người hỏi : “Ai tạo ra bản năng sinh tồn” thì ngập ngừng trả lời … chúng sống theo bản năng sinh tồn. Trả lời giống như khoa tâm lý học : Này, anh có tiền thì anh có được hạnh phúc, tôi bảo đảm với anh điều đó.

Những hiện tượng : mưa giông, núi lửa, sấm sét, động đất, bão lụt, thì khoa học giải nghĩa và chứng minh dễ dàng; nhưng khi nói đến vấn đề cái gì có sự sống ở trong đó thì khoa học thực nghiệm đành bó tay. Chẳng hạn như loài chó và mèo nuôi trong nhà, chủ của chúng nó “không hề phân biệt đối xử”. Nhưng khi đi ra ngoài đường, bắt chợt gặp hai con : chó và mèo, chủ của chúng kêu lại : con chó thì mừng rỡ vẫy đuôi, con mèo thì ngó ngang và bỏ đi. Chủ của mèo tức giận, dù có huấn luyện nó cách nào đi chăng nữa, nó cũng không thay đổi cái bản năng , thôi cũng đành chấp nhận gọi là bản năng của nó là như vậy.

 Chỉ khi nào đặt câu hỏi : “Ai tạo ra bản năng sinh tồn ?” thì khoa học không cách nào trả lời được. Vì khoa học xây dựng trên căn bản của giác quan bằng những gì phải được chứng minh bằng dụng cụ của khoa học thực nghiệm và ngũ quan của cái xác phàm. 

Con mắt phàm và dụng cụ của khoa học thực nghiệm được cấu tạo bằng nguyên tử Hồng Trần, theo luật đồng khí tương cầu thì nó chỉ “khám phá, phát hiện” những vật chất Hồng Trần mà thôi.

“Người ấy” đưa tay nâng nhẹ tách trà, gió hiu hiu từ bờ sông xuyên qua kẻ lá. “Con trời” đăm chiêu suy nghĩ “Địa cầu và mặt trăng, không có  một điểm cố định để bám vào trong vũ trụ bao la này, vậy mà vẫn luôn luôn giữ một khoảng cách không thay đồi. Nếu trục của địa cầu không nghiệng một góc 23 độ thì không có thời tiết bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Chỉ có một hột mè đơn giản mà con người cũng không SÁNG TẠO được và cái nguyên sinh chất trong suốt cũng không phân biệt được của loại cây nào. “Con trời” để nhẹ tách trà xuống bàn và hỏi :

– Tôi có cần phải cám ơn Đấng đã SÁNG TẠO.

“Người ấy” mỉm cười hồn nhiên :

– Đấng Tạo Hóa không cần ta phải xưng tụng Ngài một cách rùm beng bằng những câu lập đi lập lại một cách vô ích, mà phải hiểu Ngài là Sự Sống đang ngự ở trong ta.

 Quyền năng hao tán là động, quyền năng tập trung là tĩnh. Khi ta đạt đến chỗ im lặng trong tư tưởng, đó là đến chỗ của quyền năng; vì IM LẶNG LÀ QUYỀN NĂNG. Khi ta tập trung tư tưởng vào một điểm duy nhất trong cái im lặng thâm trầm là ta tiếp xúc với quyền năng của Đấng Tạo Hóa. Đó không phải là việc dành riêng cho người nào muốn tu thân, luyện trí  mà cho tất cả mọi người khi gặp một vấn đề rắc rối. Chỉ cần để cho tâm hồn im lặng, cho những cái  lao chao lóc chóc không còn tác động giống như ly nước cho cặn chìm xuống đáy, nước trong suốt, cái trí không còn sương mù bao phủ thì có được tư tưởng trong sáng.

Một vị Chân Sư nói : “Chúng ta phải tìm kiếm Đấng Tạo Hóa bằng cái Chân Ngã trong NỘI TÂM, đó là sự liên lạc vô hình giữa ta với Ngài mà ta vốn có sẵn ở tự nơi mình. Ngài nghe lời kêu gọi của linh hồn chân thành cỏi mở để tiếp đón Ngài, nều người cầu xin biết sùng kính Ngài bằng tâm hồn và trong  im lặng. Người nào tiếp xúc với Đấng Tạo Hóa trong  âm thầm sẽ nhận được quyền năng của Ngài do sự thực hiện các điều mong ước của họ.Vì Đấng Tạo Hóa công khai ban thưởng  cho kẻ nào tìm kiếm Ngài  trong chỗ sâu kín của tâm hồn”.

Con  trời suy nghĩ hồi lâu :

– Những điều ông vừa nói, liệu thế gian này có ai hiểu không ? Nếu hiểu được thì có lợi gì ?

– Này ông bạn, đa số người chưa tiến hóa về tâm linh đều nghĩ đến cái lợi về vật chất, đó là việc làm của cái xác cần có vật chất. Vì thể xác được cấu tạo bằng nguyên tử Hồng Trần nên nó cần phải có vật chất hồng trần để cung phụng theo nhu cầu của nó.

Bản chất của thể xác là thích lợi lộc, những hành động đưa tay nhận của phi nghĩa, đó là cái xác phàm tục đang thu hút về mình để thỏa mãn cho nhu cầu của cái xác, càng nhiều càng tốt. Nếu ta tách rời ra khỏi thể xác và quan sát việc làm của nó thì ta không khỏi chạnh lòng trắc ẩn; vì nó không biết gì về những thứ mà ta cố gìn giữ như tư cách và phẩm hạnh, còn nói về đạo đức và lương tâm thì dĩ nhiên nó không hề có.

Tại sao con của ta, ta biết lo cho nó ăn học cho đến trưởng thành và giảng đạo lý cho nó nghe để biết sống cho ra một người hữu ích trong xã hội. Còn ta có cái xác, ta phải nhìn lại nó như “một sinh vật”, chỉ cần cho nó “đủ liều lượng” là sống được rồi. Vị Chân Sư dạy đệ tử :

– Thể xác là con thú của con, là con ngựa để con cỡi. Vậy con phải đối đãi với nó tử tế và săn sóc nó cho kỷ; đừng bắt nó làm việc quá sức, phải nuôi nó đàng hoàng bằng thức ăn thức uống tinh khiết mà thôi, và luôn luôn giữ nó thật sạch sẽ, không một mãy may dơ bẩn. Vì nếu không có một thể xác hoàn toàn tinh khiết và mạnh khỏe, con sẽ không kham nổi công việc tập luyện khó nhọc, không thể chịu đựng được sự cố gắng không ngừng. Nhưng luôn luôn con phải kiểm soát xác thân của con chứ không phải nó sai khiến con. Đừng lầm lộn các thể của con là chính con, THỀ XÁC cũng như THỂ VÍA và THỂ TRÍ của con không phải là chính con đâu. Trong ba thể này, cái nào cũng XƯNG LÀ CON để mong đạt điều nó muốn. Nhưng con phải biết rõ chúng nó và biết rằng CON LÀ CHỦ CỦA CHÚNG.

“Con trời” nhíu đôi chân mày, lớp nhăn trên trán dún lại, hình như chẳng hiểu gì hết, vội vàng hỏi :

– Ông vừa nói “trong ba thể cái nào cũng xưng là con để mong đạt điều nó muốn”. Thật là vô cùng khó hiểu; vì mọi cử động (Xác), tình cảm (Vía), tư tưởng (Trí)  đều do tôi tạo ra là của tôi chứ còn ai vô đây nữa. Ông nói cái gì thực tế, thấy trước mắt thì họa may tôi còn hiểu, cái gì đã thấy rõ là NÓ làm rồi lại nói thể Xác, thể Vía hoặc thể Trí làm, chớ NÓ không có làm như vậy đâu.

“Người ấy” mỉm cười, thâm mật nói :

– Này ông bạn, tất cả những điều mà con người thấy trong đời sống chỉ là những họat động của ba trạng thái của sự vật mà thôi. Ba trang thái đó là TĨNH, ĐỘNG và QUÂN BÌNH. Vật chất tự nó vốn bất động và không có hình tướng gì; nó chỉ thụ động còn phần chủ động là tác dụng của sự sống.

Hay nói cách khác, vật chất không có quyền sinh hóa, chỉ khi nào có sự sống nhập vào thì có được sự sinh hóa. Sự sống đung đẩy vật chất làm cho vật chất di động một cách hổn độn hoặc ít hoặc nhiều. Khi nào con người thoát khỏi Ba Trạng Thái của Vật Chất thì mới biết được con người chân thật của mình tức là LINH HỒN.

 Vật Chất, Sự  Sống :

“Con trời” vội vàng hỏi :

– Cái từ VẬT CHẤT, SỰ SỐNG sao khó hiểu, ông nói cho cụ thể hơn.

“Người ấy” im lặng hồi lâu  :

– Theo Giáo lý Huyền Môn : Vì SỰ SỐNG muốn ứng hiện nên đã tạo ra tất cả mọi sự, mọi vật, từ cõi hữu hình cho đến cõi vô hình với sự cộng tác của VẬT CHẤT. Nguyên tố của vật chất và sự sống cả hai đều bất diệt; vô thỉ vô chung. Đối với vật chất, ngũ quan của ta chỉ nhận thức được một phần rất ít.

Vật chất tự nó vốn bất động và không có hình tướng gì cả, nó chỉ thụ động còn phần chủ động là tác dụng của sự sống. Ban sơ sự sống nhập vào vật chất và chuyển sang vật chất những phẩm tính đặc biệt, tiếp theo sự sống dùng vật chất để cấu tạo ra những hình thể, khiến cho linh động lại còn nâng đỡ và bảo tồn.

Nếu sự sống lìa hình thể, tất hình thể phải chết, rã rời và tiêu tán; nhưng những NGUYÊN TỐ CỦA VẬT CHẤT vốn bất diệt và không hình tướng nên vẫn luôn luôn tồn tại. Sau khi tiêu tán, VẬT CHẤT sẽ bị rút vào những hình thể MỚI khác, do sự SỐNG nắn đúc và chủ động. Bởi đó, sanh ra rồi chết, tăng trưởng rồi tiêu tán là những cách thay đổi, biến hóa của vật chất. Những hiện tượng đó phát hiện mãi mãi và ở khắp nơi trong vũ trụ. 

SỰ SỐNG chính là nguyên do và tác nhân linh hoạt mà đồng thời cũng chứng kiến mọi hiện tượng ấy. Các hình thể nối tiếp nhau tương tục, càng ngày càng cải thiện và hoàn hảo hơn trước, đồng thời SỰ SỐNG càng phát triển về phương diện năng lực, hoạt động tri thức và ý thức. Triều lưu tiến hóa của sự sống thật là vô cùng, không biết đâu là bờ bến. 

 SỰ SỐNG có ba trạng thái :

* 1. Một TRÍ NĂNG không có giới hạn, hoàn toàn minh mẫn, có một năng lực sáng tạo trác tuyệt.

* 2. Một NGUYÊN LÝ vô cùng từ thiện, một bản tánh YÊU THƯƠNG vô tận vô biên đối với tất cả mọi vật

* 3. Một Ý CHÍ có một quyền lực vô cùng.

SỰ SỐNG đó phổ biến chúng ta gọi là ÔNG TRỜI, THƯỢNG ĐẾ, ĐẤNG TẠO HÓA, (Đấng Tạo Hóa là một NGUYÊN LÝ Vi Diệu chớ không phải một Đấng có cá thể riêng biệt). 

 Sự khác biệt giữa con người là do mức tiến hóa khác nhau qua các kiếp sống; vì sự sống vô cùng cần biểu lộ qua nhiều hình thể. Sở dĩ có người thánh kẻ phàm người thanh kẻ trược là do các đặc tính khác nhau của các thể của linh hồn. Hay nói cách khác là do sự trải qua của các kiếp sống mà mỗi Linh Hồn có sự “thu hoạch” khác nhau. Khi đến giai đoạn tiến hóa các thể của linh hồn, con người ý thức từ trong nội tâm, tiếng nói của trực giác và lương tâm, nghĩa là có sự liên lạc giữa Phàm Nhơn (người giả) và Chơn Nhơn (người Thật), hay Hạ trí liên lạc được Thượng Trí. Cái quan trọng là huấn luyện cái không thường tồn (Hạ Tri) có cùng một thứ rung động với cái thường tồn (Thượng Trí ) thì có cảm, có biết những gì mà con người đã hoặch đắc từ muôn ngàn kiếp; giống như cái bông, đến thời kỳ phát ra mùi thơm. 

Sự tiến hóa chẳng qua chỉ là sự biểu lộ của sự sống Thiệng Liêng, con người càng ngày càng trở nên tốt đẹp tế nhị.

“Người ấy” ngừng nói, quan sát xem “con trời” có hiểu gì không, vì là một vấn đề quá trừu tượng, vượt ra ngoài cái suy luận của một người tâm thức ba chiều đo,  nếu chỉ biết có ăn, ngủ, giải trí và tất cả sự hiểu biết trên đời phải thông qua ngũ quan của thể xác.

“Con trời” đăm chiêu suy nghĩ,  lại một vấn đề rắc rối nữa, ba trang thái của vật chất : tịnh, động và quân bình, nó tác động trong sự sống mà sinh ra nhiều hình thức sinh họat khác nhau của mỗi người. Còn thể xác, thể vía và thể hạ trí  cũng sinh hoạt trong con người. Con người thật tức linh hồn khi tiến hóa, phải kiểm soát và làm chủ được thể xác, thể vía và thể hạ trí rồi còn phải “nắm thế chủ động” của ba trạng thái của vật chất. Một vấn đề quá mênh mông, không biết kiếp nào mới hiểu được.

 Trực giác :

– Ông nói khi linh hồn tiến hóa thì làm chủ được các hạ thể và ba trạng thái của vật chất.  Như vậy thì linh hồn, sự tiến hóa của nó như thế nào mà trong đó có trực giác

– Này ông bạn, TRỰC GIÁC nhà Phật gọi là tuệ giác, Nho Giáo gọi là lương tri.

Lý trí do ý thức tạo nên, lý trí tạo ra tư tưởng hay tình cảm của con Người Giả. 

Còn TRỰC GIÁC là kết tinh của kinh nghiệm trong vô lượng kiếp về quá khứ, trực giác là cái linh tính của Người Thật tức linh hồn. Trực giác bao giờ cũng đoan chánh, thuần hậu, rộng rãi và thông suốt, nó là cái kho vô tận của tình bác ái.

Trực giác không thể cùng chung với NGƯỜI GIẢ để bàn định ý kiến gì; vì nó không phải là một lợi khí để NGƯỜI GIẢ sai khiến (cái không thường tồn thì không cùng một thứ rung động với cái thường tồn, ba chiều đo phải khác hẳn bốn chiều đo). Trực giác thuộc về Người Thật, nó khác với trí hóa thuộc vê Người Giả, bởi vì cái trí còn biện luận; nhưng trực giác thấy ngay trong tâm vạn vật, nó là cái “thấy, hiểu, biết” của LINH HỒN.

Trực giác giúp ta nhận rõ CHÂN LÝ trong Kinh Sách. Ai chưa mở lòng bác ái, còn kiêu ngạo, ưa gây thù kết oán, chưa tự biết mình, còn lừa dối mình thì không hề có trực giác. Trực giác bao giờ nó cũng có đầy đủ trong người, nó chỉ  xuất hiện khi bản ngã của ta không còn nữa, hay nói cách khác nó là tiếng nói cùa LINH HỒN. 

Con người không phải hoàn toàn là thể chất; cơ cấu thể chất của y được vận động và điều khiển bởi một THỰC THỂ TINH ANH, không những có trí khôn mà còn có thể tác động như một sức mạnh trên cõi vật chất, làm được những việc đó chính là LINH HỒN.

Giáo lý Huyền Môn cho biết về cuộc hành hương của linh hồn :

“Con người đã từng sống trên nhiều bầu thế giới trước khi đạt tới bầu này. Hằng vô số bầu thế giới vận chuyển không gian, nơi đó linh hồn trong trạng thái ấu trĩ thực hiện những cuộc hành hương của nó, trước khi đạt đến địa cầu này, mà chức năng vinh diệu của nó là ban cho con người có một TÂM THỨC CÁ BIỆT. Chỉ đến giai đoạn này, nó mới thật là một người, còn ở những giai đoạn trước đây, trong cuộc hành hương trường kỳ, xa xôi diệu vợi của nó, nó chỉ là một sinh vật phôi thai, với một hình thể vật chất mỏng manh, phù du, tạm bơ, một sinh vật trong đó chỉ có một phần của linh hồn là chói rạng. Trong trạng thái đó, nó là một hình thể sơ khai, với những chức năng thô thiển, lẩn quẩn trong vòng sinh tử, và bảo tồn một sự sống tâm linh cũng bấp bênh, tạm bợ như vòng sinh tử, và cái hình thể vật chất từ đó sinh ra.

 Cũng ví như con bướm, chui ra từ cái kén, nhưng con người vẫn luôn luôn phóng tới trước, trải qua những cuộc đầu thai mới, những lần bỏ xác mới, những kiếp luân hồi mới nữa, để rồi lại chết, rồi lại sống, nhưng vẫn luôn luôn tiến lên, cố gắng vượt lên mãi, vẫn tiếp tục xong pha trên con đường gian lao, hiểm trở, vất vả nhọc nhằn, cho đến khi nó lại thức tỉnh một lần nữa, một lần nữa để sống và trở thành một hình thể vật chất, một vật làm bằng cát bụi, một sinh vật mang xác phàm bằng xương thịt, nhưng nay đã là MỘT NGƯỜI”.

“Con trời” say mê nghe, qua cuộc hành hương của linh hồn, vẫn cứ tiến mãi trong muôn ngàn kiếp luân hồi, từ một sinh vật phôi thai, tạm bợ rồi tiến lên thành một linh hồn. “Con trời” trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu rồi hỏi :

– Như vậy thì động cơ nào thúc đẩy sự tiến hóa của linh hồn ?

Gió từ bờ sông thổi vào, “Người ấy” sửa lại cái khăn choàng cổ, uống cạn chén trà :

– Này ông bạn, sự tiến hóa của vũ trụ còn gọi là CƠ TRỜI qui định tất cả sinh vật tuần tự tiến hóa : Từ kim thạch tiến lên thành thảo mộc, từ thảo mộc tiến lên động vật, chúng nó ở dạng hồn khóm, sự sống của chúng nó hoàn toàn lệ thuộc luật thiên nhiên còn gọi là bản năng sinh tồn. Loài động vật biết sự đau đớn là vì nó mở mang được thể vía. Tất cả sự đau đớn và cảm xúc của nhân loại và loài động vật không phải ở trong xác thịt mà ở trong thể vía. (thể Vía là trung tâm của cảm giác).  

Đời sinh hoạt của loài thực vật chỉ có một cõi duy nhất là cõi Hồng Trần.

Đời sinh hoạt của loài động vật có hai cõi : Hồng Trần và Trung Giới vì loài động vật có thể vía.

Khi con vật bỏ xác lại cõi trần, thể vía nhập vào cõi trung giới, nó sống trong hồn khóm thuộc loại của nó. Sự sống và chết của động vật chỉ có hai cõi trung giới và hồng trần mà thôi. Khi con vật có được một ít trí khôn tức là nó đã có cái mầm của thể Hạ Trí như chó, mèo, khỉ, cọp v.v… Tùy theo Thiên Cơ quy định trong mỗi Cuộc Tuần Hoàn mà những con thú đó được thoát khỏi HỒN KHÓM để trở thành một LINH HỒN. 

Khi còn ở dạng Hồn Khóm thì nó sống theo bản năng, hoàn toàn lệ thuộc luật thiên nhiên (luật trời, định luật của vũ trụ). Nhưng khi thoát khỏi Hồn Khóm để trở thành một Linh Hồn, thì Đấng Tạo Hóa ban cho nó một đặc ân, đó là nó có được Ý CHÍ TỰ DO, nó có toàn quyền quyết định số phận của nó mà không có một Đấng nào có quyền can thiệp với một điều kiện duy nhất NÓ KHÔNG ĐƯỢC VI PHẠM CÁC ĐINH LUẬT CỦA VŨ TRỤ. 

Sở dĩ con người bị đau khổ, trầm luân trong sinh tử luân hồi, quả báo ( cái phản động lực) phủ đầu là vì Y ĐÃ VI PHẠM CÁC ĐỊNH LUẬT CŨA VŨ TRỤ. Với một Ý CHI TỰ DO, con người tự tạo cho mình một giá trị đặc biệt trên địa cầu này, đó là những phát minh, khám phá tiên phong trên lãnh vực vật chất hồng trần.

Chính vì lẽ đó mà con người có thể làm những việc “kinh thiên động địa”. Vì được toàn quyền quyết định lấy số phận của mình, nghĩa là nó có thể làm theo Thiên luật hay chống lại Thiên luật. Ta gọi là nó chống lại luật trời, cũng tội nghiệp cho nó, vì thật ra nó không biết gì về cái mà ta gọi Ông Trời có làm ra các luật bủa vây trong Thiên Cơ của Ngài.

Cũng vì không biết có luật trời nên nó nghênh ngang, tung hoành một cõi, đó là các hành động của các bạo chúa và những ai gây chiến tranh đem bom đạn phủ lên nhân loại làm chết hàng triệu người.

Vì không biết Thiên Cơ, nên một số người chỉ biết có thể xác này mà thôi, đối với họ chết là hết. Có một tờ báo, vẽ tấm bia mộ có hàng chữ  như sau :

 Tiểu sử người không tin có linh hồn :

 Họ và tên : không cần biết tên và họ vì không có linh hồn.

 Sinh ngày … tháng … năm … không cần biết, vì không cần nhớ đến năm tuổi.     

 Sinh quán : không cần biết vì tất cả là không.

 Lý do có mặt trên địa cầu : Do sự ham vui của một người nam và một người nữ.

 Quá trình hoạt động : Được người nam và người nữ còn gọi là cha mẹ, nuôi và cho đi học đến hai mươi hai tuổi thì bắt đầu lao động tự nuôi bản thân. Đã từng đi trên khắp nẻo xuyên qua các lục địa để mưu cầu sự sống, và học được những tinh hoa của nhiều dân tộc trên thế giới. Có rất nhiều kinh nghiệm trong những lãnh vực như thương mại, giao tế, ngoài ra có được một trí nhớ rất tốt là thuộc nguyên  bộ tự điển kỹ thuật bách khoa.

Vì quá hăng say học hỏi và nghiên cứu nên thể xác bị lão hóa trước tuổi và sự chết xảy ra. Tất cả những kinh nghiệm của một kiếp người : cần cù lao động, ra công học hỏi trong nhiều lãnh vực kể như trôi theo dòng sông ra biển.

** Tương lai hậu kiếp. Không có tương lai cho hậu kiếp, vì không có linh hồn thì dĩ nhiên chết là chấm dứt. 

Nói đến đây “người ấy” bị xúc động nên không nói thêm gì nữa. “Con trời” ngồi ủ rũ thở ra có vẻ bi quan, và tự hỏi chỉ có cái việc con người không có linh hồn, sao mà nghe thê thảm quá. Nếu đặt thêm vài câu hỏi như tại sao có người quá giàu còn người thì quá nghèo, kẻ thông minh, người tối dạ, người hiền lương, kẻ hung ác v.v… Nói rằng con người KHÔNG CÓ LINH HỒN, do đó con người chỉ có một kiếp thì những câu hỏi đơn giản như trên không có ai trả lời cho thỏa đáng được. “Con trời” thẫn thờ ra đứng trước hiên chòi, hồi lâu trở vô, buồn bã lên tiếng.

– Thôi ông đừng nói về người không tin có linh hồn, suy đi nghĩ lại sao mà phí phạm nhiều thứ quá.

“Người ấy” đến bàn thờ đốt cây nhang trầm, rồi trở lại chỗ ngồi. Mùi nhang trầm làm không khí trong chòi gần như thoát tục.

– Này ông bạn, vì không biết Thiên Cơ, nên một số người nghĩ rằng ta đây chỉ có thể xác này mà thôi. Nếu biết rằng con người ngoài thể xác này còn có nhiều thể khác nữa đang cư ngụ trong thể xác thì cái quan niệm về “cuộc đời” thay đổi rất nhiều.

Giáo Lý Huyền Môn : Con người CHƠN THẬT không phải là một tổ hợp tế bào, một số tình cảm và một ít trí hóa mà là một CHƠN THẦN có nhiều thể, mỗi thể thích hợp cho một cõi trời.

Một vật cụ thể như cái radio, công dụng của nó cho ta “nghe” được âm thanh do cái “đài” ở xa phát ra, vậy mà nó cũng có trên mười linh kiện điện tử, mà cái đó cũng do con ngưởi chế ra. Chẳng lẽ quyền năng của con người thua cái vật do mình chế ra hay sao ? Con người thua nó là vì con người chưa sử dụng hết quyền năng các thể của LINH HỒN.

Nếu cái loa của radio phát ra âm thanh, với một người không cần suy nghĩ để hiểu biết thêm bèn vội vàng kết luận chỉ cần có cái loa là nghe được đài; vì âm thanh từ loa phát ra. Cũng gần giống như vậy, nếu ta nhìn một người đang hoạt động hoặc chính ta, chính cái xác phàm tục này cử động chứ còn ai vô đây nữa. Cái loa phát ra một lời ca, chính tai ta nghe rõ ràng. 

Với một bộ não đơn giản, có thể đơn giản như cái loa, thì cái bộ não đơn giản ấy chỉ biết có thể xác mà thôi. Chỉ có một thể xác đang hoạt động là chỉ biết có thể xác, giống như chỉ có cái loa phát ra âm thanh thì chỉ biết có cái loa, thật là tội nghiệp cho cái “biết” đó. 

Trong cơ tiến hóa : LINH HỒN giáng phàm phải mượn các chất của các cõi để “làm ra” con “NGƯỜI GIẢ”, gọi là GIẢ là vì nó chỉ có MỘT KIẾP NGƯỜI.

 Sự cấu tạo của Người Giả gồm có :

* 1_ Nguyên tử HỒNG TRẦN tạo ra thể Xác và thể Phách.

 * 2_ Nguyên tử THANH KHÍ tạo ra thể Vía.  (thể tình cảm, dục vọng, oán ghét, yêu thương, giận hờn)

  * 3_ Nguyên tử THÁI THAH KHÍ  tao ra thể Hạ Trí. ( suy luận cụ thể,kiêu ngạo, tranh luận hơn thua quyết liệt )

Người Giả muốn thấy cái gì phải thông qua mắt; nó là một trong năm giác quan của cái xác phàm, cái viễn vọng kính cũng được cấu tạo bằng nguyên tử hồng trần giúp cho mắt có cái nhìn vượt khỏi địa cầu.

 Chỉ có vấn đề “Cái nào là trung tâm của vũ trụ” mà cũng nay nói thế này, mai nói thế khác. Họ quên rằng các hiện tượng xảy ra trong vũ trụ không bao giờ thay đổi; vì nó tuân theo các định luật bất di bất dịch của Thiên Cơ; chỉ có con mắt trần tục quan sát các hiện tượng ấy rồi phát biểu theo kiểu anh mù rờ voi. 

Trải qua nhiều thời đại, đã có sự hiểu biết khác nhau của một vấn đề trung tâm. Chẳng hạn như trước đây con người nói địa cầu là trung tâm của vũ trụ, tất cả hành tinh đều xoay quanh địa cầu trong đó có mặt trời. Khi chế ra được viễn vọng kính, thì con người lại bảo các hành tinh trong đó có địa cầu xoay quanh mặt trời và chính mặt trời mới là trung tâm của vũ trụ. Rồi con người tiếp tục chế ra viễn vọng kính tối tân hơn, nên phát hiện rằng mặt trời đích thực là trung tâm của Thái Dương Hệ, mà trong vũ trụ có rất nhiều Thái Dương Hệ nằm trong một hệ thống gọi là giải Ngân Hà.

 Với sự phát triển của khoa học không gian, phát hiện ra giải Ngân Hà chỉ là một phần nhỏ của một khối Tinh Vân xoay vần trong vũ trụ, rồi lại phát hiện thêm nhiều khối Tinh Vân trong vũ tru bao la. Như vậy câu hỏi “Cái nào là trung tâm cũa vũ trụ ?”, vẫn còn là một câu hỏi trong sự kiếm tìm của khoa học không gian.

Người Giả muốn thấy cái gì phải thông qua mắt. Vì con mắt được cấu tao bằng nguyên tử hồng trần, theo định luật của vũ trụ : đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu thì “đôi mắt long lanh ấy” chỉ thấy những vật chất cấu tạo bằng nguyên tử hồng trần mà thôi.

Biết được nguyên tắc này thì ta không còn ngạc nhiên khi nghe các khoa học gia, nhà bác học, những người học hết các đại học trên thế gian này nói rằng “cái gì thấy tôi mới tin”. Thật ra tin hay không là việc riêng của mỗi người. Không có một Đấng nào bắt buộc ta phải tin, tin một cái gì mà con mắt không thấy, và không có một trực giác tâm linh để phân biệt chánh và tà. 

Nếu một người không có cái trí để phân biệt được cái nào thường tồn và cái nào không thường tồn, cái nào thực, cái nào giả, nhưng mà vẫn cứ tin, tin như thế sẽ rơi vào mê tín và tin dị đoan.

 Người mê tín và tin dị đoan là người sống bằng cảm giác; vì sự điều khiển cuộc đời của họ bằng thể vía là thể tình cảm. Đó là những người “nhẹ dạ, yếu lòng” ai nói cái gì hễ nghe “bùi tai” là họ tin, gọi nôm na là người chạy theo “phong trào”, họ tiếp xúc với đời sống bằng hình thức bên ngoài.

Chỉ khi nào thể Hạ Trí liên lạc được thể Thượng Trí và làm chủ được thể Vía thì người ấy không còn mê tín và tin dị đoan. Trong giáo lý bí truyền nói rằng : “Người đi tu, nếu thể Hạ Trí chưa làm chủ được thể Vía, họ bị thể Vía làm chủ trong tình cảm và cảm giác; họ sống bằng tình cảm mà không có trí hóa dẫn đường thì người tu ấy sẽ rơi vào nhục dục và tà đạo”.

“Con trời” hơi rối trí, vì nghe quá nhiều ngoài sự hiểu biết phổ thông của người thế gian nên vội vàng hỏi :

– Cũng là một con người, còn gọi là người GIẢ có thể Xác, thể Phách, thể Vía và thể Hạ Trí, rồi còn có LINH HỒN  tức người THẬT cùng ở trong thể xác, thể xác như căn nhà cho các thể kia cư ngụ và họat động. Như vậy làm sao phân biệt được từng việc làm của mỗi thể ?

“Người ấy” nở nụ cười hồn nhiên :

– Này ông bạn, theo cơ tiến hóa thì con trời xuống thế gian “hoàn thành một sứ mệnh” đó là phải trải qua nhiều kiếp luân hồi, mỗi một kiếp, con trời học được một ít để có kinh nghiệm “về sự rung động của vật chất”. Vì sự tạo lập vũ trụ chỉ là sự rung động, cho nên con trời phải biết và có kinh nghiệm tất cả sự rung động các hiện tượng trong vũ trụ. 

Hay nói cách khác là con trời phải học và thực hành cho có kinh nghiệm trong tất cả các định luật của vũ trụ, từ cõi vô hình cho đến cõi hữu hình, ngoài ra còn phải biết sử dụng được các định luật ấy. Một vấn đề đặt ra, không một cái trí phàm nào hiểu nổi; nhưng con người nhờ cố gắng trải qua nhiều kiếp rồi từ từ cũng hiểu, vì trong Thánh kinh có câu : “Nhà ngươi gõ cửa thì cửa sẽ mở”. Khi ta muốn kêu gọi một mãnh lực Thiêng Liêng, với  một tấm lòng trong sạch, nghĩa là ta không còn cái “ta” của bản ngã hèn mọn của con người GIẢ, chỉ có cái “ta” của CHÂN NGÃ thì ta có được điều mong ước (Cái thường tồn thì cùng một thứ rung động với cái thường tồn). Vì đấng Thiêng Liêng không bao giờ sử dụng bất cứ quyền lực nào để đi vào trong tâm hồn của ta, mà phải chính ta mở tâm hồn ra để tiếp rước Ngài vào. 

Thể xác, vì được cấu tạo bằng nguyên tử hồng trần, nên tất cả mọi người đều thấy nó, nhất là khoa học thực nghiệm đem nó ra “nghiên cứu” và có đủ loại thuốc phục hồi cho thể xác khỏe mạnh. Ngoài ra, nếu cần thì đem giải phẫu để cài đặt vô một vài “linh kiện”. Thể xác khỏe mạnh thì sự họat động của các thể vô hình mới được hữu hiệu. Cho đến khi thể xác cằn cỗi, sự phát triển của tế bào không còn đủ để bù vào, thể xác bắt đầu yếu dần, các hệ thần kinh không còn nhậy bén; linh hồn thấy rằng “cái này không còn sử dụng có hiệu quả nữa nên linh hồn bèn bỏ ra đi, đó là sự chết đến với người GIẢ”. Sự chết này chỉ xảy ra ở thể xác, còn các thể vô hình như thể Vía và thể Hạ Trí lặng lẽ thu xếp việc ra đi. Vì thần lực, tức sự sống không còn nên tế bào xác thịt bị phân hủy và tan rã.

Cái mà ta gọi sự chết chỉ có thể xác bị phân hủy mà thôi, còn thể vía và thể hạ trí vẫn còn SỐNG, chúng nó tiếp tục SỐNG trong cõi Trung Giới của thể Vía và cõi Hạ Thiên của thể Hạ Trí. Sự chết của thể vía và hạ trí là nó tan rã tư từ của chất khí tạo ra nó. Chỉ khi nào thể vía và hạ trí hoàn toàn tan rã thì mới chấm dứt một kiếp của người giả.

 Thông thường thì người thế gian chỉ biết có thể xác chết là xong một kiếp nguời. Nhưng thật ra NGƯỜI GIẢ còn hai thể kia chưa tan rã nên Người Giả vẫn còn sống trong hai thể kia mà ai nào hay biết.

Đa số người thế gian chỉ biết có thể xác, do đó trong tất cả hành động, cảm xúc, suy tư, tình cảm, giận hờn, oán ghét, tham lam, ganh tị, ích kỷ, vị tha,từ bi, bác ái, nhân đạo, … đều nghĩ Tôi (thể xác) làm những thứ đó. Thể Xác là căn nhà để cho thể Vía và thể Hạ Trí cư ngụ và hoạt động tiếp xúc với cõi hồng trần. Theo luật đồng khí tương cầu thì nó phải có sự “ăn khớp” trong tất cả tình cảm và tư tưởng, nghĩa là không bao giờ có một thể xác ô trược, hắc ám mà có được tư tưởng (Hạ Trí) cao thượng và tình cảm (thể Vía) chân thành. Ba thể của Người Giả phải có sự hòa hợp trong khí chất tương đồng.

Chính vì lẽ đó mà tư tưởng, tình cảm của mỗi người đều khác nhau. Tư tưởng và tình cảm : thanh cao cũng như hèn hạ đều bị thu hút vào các thể và TRỰC TIẾP ảnh hưởng đến tính tình con người. 

Cái mà tôi muốn cái này, cái nọ, thật ra đó là việc làm của thể Vía. Vì bản chất của thể Vía là luôn luôn rung động để đáp ứng với hoàn cảnh xung quanh và nó rất mẫn cảm với các bản năng ham muốn (covet) và dục vọng (desire). Người xưa nói : “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Quả đúng như vậy; vì bất cứ sự rung động nguyên tử của các thể đều có tính cách hay lây, với sự rung động thường xuyên lập lại và làm nổi dậy những mối cảm xúc tương tự nơi kẻ khác. 

Cái mà ta gọi tính tình con người, chẳng qua chỉ là cái thói quen lập lại của tư tưởng. Những tính xấu như giận hờn, oán ghét, do sự cô đọng của tư tưởng tạo một lớp vỏ bao trùm lên thể vía, thành ra họ nhìn kẻ khác theo cái chủ quan của họ, họ phán đoán sự việc bằng cái thành kiến của họ. Hay nói cách khác, họ chỉ sống trong thành kiến, mà người sống trong thành kiến là sống trong “tư tưởng chết”, không bao giờ tiến bộ vì họ bị cái “ám khí” che lấp cái trí khôn của họ. 

Tất cả tinh hoa của ý niệm được đem ra gạn lọc để biến thành trí khôn. Với một ý niệm không vượt nổi bức tường thành kiến do họ dựng lên, thì làm sao họ có được cái trí khôn để hiểu biết cái mênh mông của trời đất, cái đa dạng của sự sống mà ta gọi là cuộc đời của thế tục.. 

 Tư tưởng có sức mạnh :

Sự vận hành của tư tưởng giống như phát sinh một tia chớp để thu hút những tinh chất, những tinh chất này dần dần kết hợp thành một mãnh lực lớn lao và có sức mạnh. Nếu cái sức mạnh này được hướng RA VẬT CHẤT ta gọi nó là DỤC VỌNG, còn nó hướng VÀO NỘI TÂM ta gọi nó là Ý CHÍ. Như vậy sức mạnh của Ý Chí là do từ trong nội tâm phát ra, còn sức mạnh của Dục Vọng là do bị vật  chất bên ngoài thu hút.

Hay nói cách khác Ý Chí là do sự chủ động từ trong tâm phát ra và nó tự quyết định theo ý riêng của nó. Còn Dục Vọng là nó bị vật chất bên ngoài thu hút và nó chạy theo mà không có sự chủ động.

Nói cách khác Ý Chí là một mãnh lực tự ên định liệu, còn Dục Vọng là do hấp lực ở bên ngoài. Nói cho gọn : Khi hành động bằng dục vọng là không có Ý Chí, mà chỉ làm nô lệ cho vật chất mà thôi.

Từ ngàn xưa, theo kinh sách lưu tuyền thì mọi sự bất ổn ở thế gian đều do dục vọng sinh ra. Cái dục vọng đã đeo vào cổ con người từ khi y chập chửng bước vào đời để kiếm sống, nếu không có dục vọng có lẽ y không còn gì để hứng thú. Cái mà ta gọi để có được niềm vui, hạnh phúc; xét cho cùng chỉ là để thỏa mãn sự mong ước chiếm đoạt, hoàn thành một ước vọng nào đó. Khi đạt mục đích rồi thì niềm vui ấy không bao giờ tồn tại vĩnh viễn. Nói theo đức Lão Tử là nó bị “DỊCH”, biến hóa khôn lường, cũng tàn phai theo ánh nắng chiều.

Hình như có sự mầu nhiệm trong cơ tiến hóa, đó là nó “khiến” cho con người không chịu dừng lại tại cái điểm mà mình đã tốn không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt. Vừa chiếm được là muốn dửng dưng với nó, bèn xông xáo bốn phương trời để lao vào một ước muốn khác. Cứ như thế từ kiếp này sang kiếp khác, con trời đã tạo ra không biết bao nhiêu là ân oán giang hồ, càng có nhiều dục vọng thì nghiệp chướng càng bủa vây.

Trong cơ tiến hóa, con trời xuống thế gian “đi học”, trong đó có yếu tố đau khổ, vì đau khổ cũng là một “môn học”. Vì mỗi sự đau khổ đều chất chứa bên trong cái mầm móng của một năng lực mới.

Hay nói cách khác sự đau khổ sẽ biến thành quyền năng, những sự đau đớn giống như một vòng gai nhọn, sẽ trở thành vòng trân châu sáng ngời.

 Chẳng lẽ đau khổ từ trên trơi rơi xuống; không phải như vậy mà do chính con trời tạo ra bằng những hành động, tình cảm và tư tưởng của y trước đây. Bây giờ y nhận trở lại để lập lai sự quân bình trong vũ trụ.

 Kinh sách nói : “Sự đau khổ của con ngưởi là do y đã vi phạm các định luật của vũ trụ”. Có đoạn nói : “Nguồn gốc của đau khổ là do dục vọng”. Từ hai ý trên ta suy luận rằng : Trong cuộc hành trình của con trời có quá nhiều dục vọng nên đã vi phạm các định luật của vũ trụ. Con người bị “lưới trời” bủa vây, đôi khi ngồi ở không còn bị họa lây.

“Con trời” để ly trà xuống bàn vội vàng hỏi :

– Ông vừa nói “ngồi ở không đôi khi còn bị họa lây”, tôi không hiểu ý ông muốn nói gì ?

“Người ấy” thong thả :

– Này ông bạn, khi ta suy nghĩ điều gì, nếu là điều cao thượng là ta sử dụng phần THƯỢNG TRÍ, là trí hóa trừu tượng; còn nếu ta nghĩ vu vơ, suy tính những gì cụ thể là ta sử dung phần HẠ TRÍ. Với con mắt trần tục, ta chỉ thấy phần hoạt động của thể xác, còn phần hạ trí, dù người đối diện với ta có nghĩ gì, ta cũng không biết. 

Ai cũng biết là tư tưởng phát sinh ra hành động; còn trường hợp tư tưởng cũng phát sinh nhưng không có hành động thì sao ? Hãy tưởng tượng có một người ngồi “ở không” y bèn có những tư tưởng oán hận và có ý giết người, cái tư tưởng này người thế gian không hề thấy và biết. Nhưng bất cứ tư tưởng nào khi được tạo ra, đều có hình tư tưởng được cấu tạo bằng chất khí của cõi ấy, và nó cũng bị sự tác động và phối hợp của Tinh Linh Các Chất còn gọi là TINH CHẤT.

Con trời vội hỏi :

– Ông sử dụng nhiều từ, không có dạy trong các trường học phổ, nếu ông không giảng nghĩa thì làm sao tôi hiểu.

“Người ấy” bước đến đưa vài cây củi vô lò, ánh lửa bập bùng, vài cục than hồng trông vui mắt.

– Này ông bạn, sự phân hủy của một vật có thể bằng lửa, nếu đem phân tích và đặt ra một vài câu hỏi đơn giản về “lửa”, với cái trí phàm đôi khi còn mù mờ về nó. Lửa có đó rồi đi về đâu, có phải nó mang sự sống cho muôn loài, con người đang sử dụng nó nhưng không ai quan tâm đến nó. Cũng như sự sống của con người, phải có Thần Lực của Đấng tạo Hóa thì mới sống được, không ai rảnh đâu mà bận tâm, và cứ xem đó là việc tự nhiên.

 Cái mà để cho nó tự nhiên thì quá dễ, chỉ khó khăn trong tâm trí khi nào ta đặt cho nó một vấn đề, để tìm hiểu nguốn gốc hoặc trả lời cho câu hỏi. Kiến thức Huyền Môn chỉ dành cho người nào tự nguyện tìm đến, hoàn toàn không có một lợi lộc về vật chất mà chỉ có lợi về lãnh vực TINH THẦN. Chỉ khi nào tâm hồn hướng về Tinh Thần, cầu mong một sự hiểu biết về tâm linh, thì đúng theo luật đồng khí tương cầu, linh hồn ấy tiếp thu được Giáo lý Huyền Môn.

Ngay trong lãnh vực triết học, khoa học, mỗi môn học đều có những danh từ riêng của nó, chỉ khi nào hiểu được nghĩa danh từ của nó thì mới “hiểu được bài”. Giáo lý Huyền Môn cũng có những từ ngữ riêng biệt, người nào muốn học hỏi Huyền Môn thì phải hiểu nghĩa từ ngữ của Huyền Môn.

 Tinh Linh các chất gọi là Tinh Chất :

Tinh Chất là sinh vật bán tri thức, chúng phối hợp với chất khí của các cõi : Trung Giới, Hạ Thiên, Thượng Thiên tạo thành Hình Tư Tưởng còn gọi là Tinh Linh Nhân Tạo. Hình tư tưởng là một mãnh lực bán tri thức; nó thường tác động trong con người mà ta gọi là dục vọng, là quỉ dục. Tinh Chất cũng là một Thần Lực của Đấng Tạo Hóa, nó phối hợp với các chất khí ở trong các cỡi để tạo ra một Mãnh Lực. Tinh chất có đường tiến hóa đi xuống để xâm nhập vào vật chất, càng trọng trược thì tốt cho nó. Nó có mặt trong các chất khí nào là khi con người sử dụng đến chất khí đó.

* 1_ Cõi Thượng Thiên, chất Thượng Thanh khí tạo ra Thượng trí : trí hóa trừu tượng

* 2_ Cõi Hạ Thiên, chất Thái Thanh khí tạo ra Hạ trí : trí hóa cụ thể.

* 3_ Cõi Trung Giới, chất Thanh khí tạo ra thể Vía : tình cảm, cảm giác, dục vọng.

 Tinh chất biến chuyển không ngừng, vừa có hình này, đã biến sang hình khác. Tinh chất thay đổi ăn nhịp với sự rung động của mỗi tư tưởng, mỗi xúc động của ta. Tinh chất là một thứ môi vật, là vật liệu cấu thành hình vóc của tư tưởng và xúc động. Nhờ sức tưởng tượng, ta dùng tinh chất để tạo ra hình ảnh giống tạc những gì mà ta để cái TRÍ tư tưởng đến hoặc tưởng tượng ra đó là HÌNH TƯ TƯỞNG

Tinh chất có khuynh hướng từ cõi cao đi xuống cõi thấp để biến thành vật chất cõi Hồng Trần. Do đó con người càng ít tiến hóa thì tư tưởng, dục vọng, bản năng của họ biểu hiện trong TINH CHẤT càng xoay chiều về vật chất, về sự thỏa thích giác quan của xác thịt. Tất cả những cám dỗ của xác thịt quá mạnh, người nào không kiểm soát được bèn cho là “quỉ dục” hoặc tự trách mình “không biết tại sao tôi làm như vậy”.

Tinh chất là một mãnh lực bán tri thức sống trong vũ trụ, là thần lực trong các cõi của NGƯỜI GIẢ hoạt động.Tinh chất như một thực thể, một sinh vật, nó cũng đầu thai và cũng tấn hóa.

Ba loài tinh chất tấn hóa vào vật chất gọi là nhập thế. Tinh chất liên kết mật thiết với con người, vì chúng nó có mặt trong những thể : xác, vía và hạ trí. Tinh chất bị cảm nhiễm bởi những tư tưởng, tình cảm và hành vi của con người.

“Con trời” hơi bối rối, vì một vấn đề quá trừu tượng. Cũng nhiều lần đi đến chùa và nhà thờ mà sao không nghe nói đến cái mãnh lực của TINH CHẤT nó tác động trong con người, nó tạo ra muôn hình thức mà người chưa tiến hóa về Tinh Thần không kiểm soát được nó. “Con trời” trầm ngâm hồi lâu :

– Ông có thể nói cái gì cụ thể mà trong đó có “sự hoạt động của tinh chất”.

– Này ông bạn, không một mãnh lực nào lại có thể tác động nếu không có một thứ vật chất làm trung gian "giúp nó" biểu lộ ra. Tinh Chất là một sinh vật sống trong vũ trụ, sự tiến hóa của nó là ĐI XUỐNG để xâm nhập vào vật chất. Trên con đường tiến hóa Tinh Chất phải kết hợp với các các chất khí như : Thái Thanh Khí và Thanh Khí của các thể Hạ Trí và Vía để tạo ra hình tư tưởng, dục vọng, và những mãnh lực của tư tưởng và tình cảm.

Tinh chất có đường tiến hóa riêng của nó, tùy theo vấn đề của ta suy nghĩ thì nó đáp ứng ngay tức khắc để tạo ra hình tư tưởng mà ta đã “suy nghĩ về cái đó”. Nếu ta giữ tư tương đó lâu thì hình tư tưởng đó rõ ràng và nó có đời sông riêng của nó, nó như một sinh vật trong vũ trụ và còn gọi nó là “tinh linh nhân tạo”. 

Trở lại vấn đề người ngồi “ở không”, y có tư tưởng thù hận, muốn giết người thì chất khí tư tưởng giết người của y nó kết hợp với TINH CHẤT tạo ra một sinh vật gọi là “tinh linh nhân tạo hoặc hình tư tưởng”. Sinh vật này nó đi  ngao du khắp chốn và nó bị tư tưởng khác thu hút bởi định luật đồng khí tương cầu. Nếu có một người đang sử dụng vũ khí và có tư tưởng sát nhơn, theo luật đồng khí tương cầu thì  hình tư tưởng của người ngồi “ở không” ấy, nó hòa nhập với tư tưởng sát nhơn, vì lẽ đó, người cầm vũ khí giết người một cách dễ dàng.

Cho nên, có nhiều án mạng, người ta xét rằng hung thủ là người nhát gan (coward) mà tại sao dám làm chuyện “động trời” như vậy. Luật trần gian thì kẻ sát nhơn phải thọ án, còn người “ở không” mà có tư tưởng giết người, với “luật trời” thì y cũng có “dự phần” vào cái án mạng ấy, thì dĩ nhiên định luật của vũ trụ không hề tha thứ cho y. Vì luật Thiên Nhiên không cần ta biết luật hay không biết. Chinh vì lẽ đó, phải giữ gìn tư tưởng trong sạch, chân chánh là điều quan trọng. Thật ra vì không biết sức mạnh tư tưởng, nó truyền nhiễm như bệnh dịch và con người phải có trách nhiệm với tư tưởng của mình, cho nên mới có người ngồi “ở không” mà suy nghĩ “tào lao” như vậy. Nếu biết được cái “tai hại” như vừa kể trên, có lẽ cho tiền, họ cũng không dám ngồi suy nghĩ “ba láp ba xàm” như thế ấy.

“Con trời” đưa tay xoa lên đầu, hít hà :

_ Ớn quá, không biết mấy tháng nay có nghĩ gì bậy bạ không, nếu có thì kẹt dữ à. Như vậy thì ông có thể cho biết, bằng cách nào để có được tư tưởng tốt.

“Người ấy” nhìn qua kẻ lá, rồi quan sát vệt sáng của ánh trăng lấp lánh trên tách trà, cái phản chiếu nhẹ nhàng của tách trà nhỏ, nếu quan sát hồi lâu thì nó không khác cái ao hồ của đêm trăng mùa hạ.  

Này ông bạn, Giáo lý Huyền Môn cho biết : “Khi trí khôn chú ý vào một đức tánh nào thì đức tánh đó sẽ dần dần thành một phần tử tánh nết của mình; về sau đức tánh ấy biểu lộ ra một cách tự động, không khó nhọc chút nào”. Đó là một nguyên tắc vô cùng quan trọng, để con người tự đào luyện “tánh nết” của mình. Nếu một tánh tốt hoặc xấu mà ta cứ luôn luôn nghĩ về nó thì nó sẽ tăng trưởng, vì tư tưởng đã thêm sức cho nó.    

Nếu ta biết những làn sóng dĩ thái tiếp xúc với thị giác, những làn sóng của không khí mang đến lỗ tai những rung động, thì CHẤT KHÍ CỦA TƯ TƯỞNG giúp cho TRÍ KHÔN tự biể lộ ra. Hay nói cách khác, con Mắt ứng đáp với Anh Sáng, lỗ Tai ứng đáp với  Âm Thanh, còn Trí Khôn ứng đáp với Chất Khí Tư Tưởng (thượng thanh khí) thì có sự “hiểu biết”. 

Làn sóng dĩ thái và sự rung động của không khí là một thứ “vật chất” được cấu tạo bằng nguyên tử hồng trần, nên dụng cụ khoa học quan sát được nó; còn chất khí của TƯ TƯỞNG là chất THƯỢNG THANH KHÍ thì làm sao dụng cụ khoa học cũng như con mắt phàm “thấy” được nó.

Khi ta nghĩ đến một người nào là trong trí ta có có hình của người đó. Cái hình ảnh này nó tồn tại lâu hay mau là tùy theo mãnh lực tư tưởng của ta tạo ra chúng. Với con mắt phàm không hề thấy hình tư tường này, chỉ  người mở được Thần Nhãn hoặc vong linh mới thấy mà thôi. Như vậy, tư tưởng tạo ra một hình dáng bình bồng với chất khí của nó, tùy theo tư tưởng thanh cao hay hèn hạ mà có được đặc tính của nó. Cái đặc tính đó chính là sự rung động nhanh hay chậm của nguyên tử thuộc về cõi trí.

Nếu là một tư tưởng tôn kính đấng Thiêng Liêng, thì nó không cần biết là đấng nào. Mãnh lực tư tưởng không hề phân biệt Phật, Chúa, Thượng Đế mà nó chỉ bị thu hút bằng định luật đồng khí tương cầu, nó vượt lên "cõi trên" tạo thành con kinh dẫn lực, giữa người cầu nguyện và chất khí thanh cao cõi trên, làm cho họ được tăng trưởng về sức mạnh Tinh Thần.

Nếu là tư tưởng thấp hèn, bỉ ổi, xấu xa, thù oán thì nó cũng có hình tư tưởng và có sự rung động nguyên tử của chất khí tạo ra nó. Nhưng vì tính chất hèn hạ nên rất nặng nề u tối, và nó cũng đi nghêu ngao và bị thu hút với chất khí cùng một thứ rung động, thông thường thì nó trở về nhập vô người “sáng tạo” ra nó. Thật đúng như câu nói của người xưa : “Ngậm máu phun người dơ miệng mình”.

Chỉ có tư tưởng cao thượng, từ bi, bác ái, vì cấu tạo bằng chất khí thanh cao nên vượt lên cõi cao; còn tư tưởng thấp hèn cấu tao bằng chất khí nặng nề u tối chỉ ở cõi thấp xấu xa hắc ám. Người nào mà tự tạo ra tư tưởng xấu xa, hạ cấp, oán thù, chém giết; nếu người có con mắt Thánh nhìn vào thấy y như đang bơi lội trong vũng bùn nhơ.

Hình Tư Tưởng giống như một bình chứa điện mà trong đó chứa cái năng lực của tình cảm và tư tưởng; khi nó gặp một vật khác, cõi Trí hay cõi Vía thì nó truyền qua vật ấy cái mãnh lực cùng một thứ rung động của nó.

Sự tồn tại của một hình tư tưởng tùy thuộc ở :

 Năng lực đầu tiên tạo ra nó.

 Năng lực phụ trội nhờ sự lập đi lập lại, nếu tư tưởng được bồi bổ đều đều thì nó có hình dáng rất rõ ràng và có một sức mạnh vô địch.

 Cái mà ta gọi Hồn Thiêng Sông Núi, chính là một Hình Tư Tưởng khổng lồ của một dân tộc; vì cùng một thứ rung động nên thu hút vào nhau. Và cái mà ta gọi tình yêu tổ quốc, tình tự dân tộc, nét đặc thù văn hóa của một quốc gia, cũng chỉ là những hình tư tưởng của “đồng bào” Tổ Quốc mà họ đã kính yêu.

Cho nên con người dù đi năm châu bốn biển, khi trở về nơi chôn nhau cắt rốn (birth-place), thì cũng bị thu hút và rung động bởi hình tư tưởng “tình yêu quê hương”. Chỉ trừ những ai lòng dạ chai đá, tự mình chối bỏ quê hương thì mới không hòa nhập với sự rung động của hình tư tưởng đó mà thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro