Interlude chapter: Năm Chính Hòa thứ 19, triều đình đào được thứ khoai lạ! (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chú ý:

- Hầu hết nguồn sử liệu tôi dùng là của triều Nguyễn, các sử quan của chúa Trịnh vậy nên chắc chắn sẽ có xuất hiện những thiên hướng và định kiến, nhưng tôi vẫn sẽ cố hết sức hạn chế những câu từ như vậy.

- Niên hiệu dùng xuyên suốt trong phần Interlude này là niên hiệu của vua Lê, nếu có xuất hiện niên hiệu khác sẽ được chú thích trong ngoặc đầy đủ.

- Mục tiêu cao nhất phần truyện này là truyền tải tri thức nhưng sẽ không tránh được những lỗi sai, mong mọi người thông cảm và góp ý.

----------------------------------------------------------- 

Năm Cảnh Hưng thứ 36 [1775] (Đại Thanh Càn Long năm thứ 40)

Đàn Nam Giao (Thăng Long), Đàng Ngoài, Đại Việt.

Hằng năm vào tháng Giêng, vua Lê sẽ thân hành đến lễ tế trời để cầu quốc thái dân an, dịp quan trọng thế này chắc chắn không thể thiếu chúa Trịnh. Tuy vậy, gần đến sát giờ lễ diễn ra cũng không thấy bóng dáng chúa Trịnh Sâm cùng Trịnh gia ở đâu nên Lê trung hưng rất lo lắng. Mấy ngày trước được thông báo rằng bồi tụng Nguyễn Hoàn sẽ tạm thời thay chúa Trịnh Sâm dự lễ nhưng chi tiết thì Lê trung hưng không biết thực hư ra sao. Sốt ruột đi qua đi lại một hồi thì ngài cũng bực tức hỏi thăm:

- Trịnh gia đâu rồi? Còn không mau kêu hắn đến đây?

Các quan nhìn nhau một hồi, tâu:

- Bẩm thánh triều, chúa thượng và Trịnh đại nhân có việc nên vắng mặt ạ.

- Bận bịu cái gì? Quan trọng hơn việc cầu phúc cho bách tính à? Đừng nhiều lời nữa, gọi bọn họ đến đây cho ta!

Các quan lại ấp úng không dám mở lời càn khiến Lê trung hưng khó chịu hơn nữa. Ngài biết họ đang giấu giếm gì đó và hôm nay ngài sẽ buộc bọn họ khai hết ra.

- Dạ thưa. --- Thị vệ đứng gần gần ấy không rõ đầu đuôi sự việc, thấy tình hình căng thẳng nên bẩm báo mọi điều anh ta được biết. --- Chúa thượng dẫn một đại quân tiếp ứng Quận Việp đến Nghệ An và đóng ở Hà Trung phòng trường hợp quân ta cần chi viện gấp. Còn Trịnh đại nhân đã đi cùng Quận Việp lên đường đánh giặc rồi ạ.

- Giặc? --- Lê trung hưng khó hiểu, gặng hỏi thêm. --- Giặc nào?

- Dạ bẩm, thần nghe đâu là đi giúp Đàng Trong diệt gian thần và phản loạn ấy ạ. Ngài không biết sao? Lệnh tổng động viên quân đội là do ngài ban xuống mà?

- Ta không hề-

Lê trung hưng chợt nhớ ra vào năm Cảnh Hưng thứ 34 [1773] (Đại Thanh Càn Long năm thứ 38) có một khoảng thời gian dài ngài không có ở trong cung mà đến Yên Kinh (Bắc Kinh) chầu Đại Thanh. Chẳng lẽ ngay tại thời điểm đó có kẻ lẻn vào phòng trộm ấn và giả mạo chiếu chỉ của ngài sao?

- Các ngươi cũng chẳng thèm nói với ta? --- Lê trung hưng nhìn các quan.--- Ta bây giờ là gì đấy hả? Không đáng để các người bẩm báo sao? Lén lén lút lút làm chuyện mờ ám sau lưng ta, cái ngôi vị này còn bao nhiêu giá trị đây hả?

Hoàng đế Lê Hiển Tông đặt tay lên vai Lê trung hưng để giúp ngài lấy lại bình tĩnh, lại khuyên nhủ nhỏ nhẹ bảo ngài thôi gây xáo trộn. Dù gì thì hôm nay cũng là lễ tế trời, xung đột mâu thuẫn như vầy có thể mang đến xui xẻo cho bách tính.

- Tuân lệnh hoàng thượng.

Nói ra lời này nhưng trong lòng Lê trung hưng vẫn chưa thể buông bỏ. Ngài đây không phải là một tên ngốc thiếu suy nghĩ chỉ lo sống trong nhung lụa xa hoa, mục đích chính của Trịnh gia bày trò gặp mặt tại sông Gianh năm đó chính Lê trung hưng đã thấy nhận thấy có chuyện chẳng lành. Phải, cuộc gặp mặt đó là do Trịnh gia khởi xướng sau đó thuyết phục Lê trung hưng viết thư mời Nguyễn gia đến chơi. Ban đầu, ngài cứ nghĩ rằng Trịnh gia thương nhớ người cũ, muốn nối lại ân tình xưa nên đã rất ủng hộ. Tuy nhiên ngay khi đến gần biên giới, có vài người thường xuyên lui tới trò chuyện bí mật với Trịnh gia. Kỳ thực Trịnh gia nào nhung nhớ người bằng hữu ngày xưa, y chỉ đang liên hệ với nội gián và bắt liên lạc với nội ứng hẹn ngày lành chiếm Phú Xuân mà thôi.

Lê trung hưng biết chứ nhưng ngài không dám nói ra, cuối cùng cũng chẳng thể làm gì được.

Năm Cảnh Hưng thứ 36 [1775] (Đại Thanh Càn Long năm thứ 40)

Quảng Nam, Đàng Trong, Đại Việt.

Những tưởng sau khi loại được Trương Phúc Loan rồi thì cả triều đình sẽ trăm người như một, đồng lòng trung hưng vương triều nhưng thật ra khoảng trống quyền lực mà quan Quốc phó này bỏ lại là quá lớn. Ngôi vị chúa thượng của Định vương mất đi người chống chịu dần xiêu đổ, những người ghét bỏ, chống đối chính quyền do Trương Phúc Loan dựng lên nay bắt đầu tạo thêm nhiều xung đột chia rẽ nội bộ . Khi thuyền Định vương dừng chân tại Giá Tân thuộc Quảng Nam, các quan, các tướng dâng lời rằng: "Hoàng tôn Dương vốn có đức hiền, trong ngoài đều trông mong, xin sớm đặt làm trừ nhị để mưu đồ cuộc khôi phục" [1] . Không còn cách nào khác, Định vương đành lập hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương lên làm thế tử, gọi là Đông cung, giao Quảng Nam lại cho trấn giữ, tổng lý các công việc trong ngoài.

Ổn định chỉ được vài ngày, phía Tây Sơn ngay lập tức có động tĩnh. Tập Đình vâng mệnh thủ lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Nhạc đem thủy binh tiến sát cửa biển Hiệp Hòa (hiện nay là Cửa Đại thuộc Hội An) còn bộ binh do bản thân chỉ huy thì từ sông Thu Bồn đổ xuống hiệp lực kẹp chặt phe chúa Nguyễn. Du Quận công Nguyễn Cửu Dật bấy giờ là tướng trấn giữ Quảng Nam đem quân nghênh chiến nhưng không chặn nổi bước tiến quân Tây Sơn, buộc Đông cung phải lui về Câu Đê còn Định vương đi Liên Chữ.

Tình hình ngày một nguy khốn, nếu cứ tiếp tục đóng quân ở đây thì sớm muộn lương sẽ hết sạch, quân Trịnh phía sau thêm quân Tây Sơn chặn trước sẽ tuyệt diệt phe chúa Nguyễn. Vì vậy, Định vương sai quan hầu truyền bảo Đông cung kế sách của mình, đại ý Định vương sẽ tìm đường vào Gia Định, thu quân về đánh Phú Yên, Quy Nhơn cốt để phân chia lực lượng địch, phía Đông cung sẽ tiếp tục ở lại trấn giữ Quảng Nam để thu phục lòng dân, nếu mọi việc thuận lợi thì hai cánh quân sẽ hợp lực tiến đánh Tây Sơn từ hai phía.

- Kế sách này thần nghĩ nó sẽ tốt hơn nhiều so với việc co cụm tại nơi này.

Khoai ngước lên trình bày ý kiến của mình với Đông cung khi đã nghe xong mọi kế sách từ phía Định vương. Đoạn, nó nhanh chóng nhảy đến vị trí Gia Định thành được vẽ trên tấm bản đồ Đàng Trong đang trải phẳng nơi bàn gỗ. Trong lòng nó bỗng dâng lên một nỗi bùi ngùi, thân quen đối với mảnh đất phía Nam này. Dù gì thì cũng đã nằm lại đây rất lâu và đó cũng là nơi mà nó gặp được Nguyễn gia, là nơi khởi nguồn cho kiếp sống mới. Biết rằng kỷ niệm của Khoai với xứ Gia Định không nhiều nhưng tất cả đều là những kỷ niệm quan trọng.

- Quan quân và người dân Gia Định sẽ bảo vệ chúa thượng, thần tin chắc là vậy. --- Khoai nói. --- Còn thần sẽ cố hết sức giúp Đông cung thu phục nhân tâm, thuyết phục dân chúng rằng điều cấp thiết bây giờ là phải đồng lòng chống giặc, cùng nhau xây dựng lại đất nước này! Thần thật lòng mưu cầu đất nước không còn chiến tranh loạn lạc để không ai phải khổ cực như vậy.

Lời khẩn cầu của Khoai dường như đã chạm đến trái tim của Đông cung, ngài ôn nhu xoa đầu nó, ánh mắt giấu sau hàng mi nặng trĩu nỗi âu lo cho cơ đồ gia tộc. Định vương nếu có thể an toàn về đến Gia Định thì không cần phải lo nữa, dù quân có ít và yếu nhưng ít ra nanh vuốt kẻ thù khó mà chạm tới. Ngược lại, Đông cung đóng tại nơi này chẳng khác nào giơ tay chịu trói và cầu mong rằng bản thân rơi vào tay kẻ nào nhân từ hơn. Biết là có chút nguy hiểm nhưng kỳ thực cũng hết cách rồi, dân chúng và binh lính trong vùng có vẻ ưng thuận Đông cung hơn vì dù sao Định vương cũng từng là con bài chính trị của Trương Phúc Loan, những tai tiếng ấy vẫn còn đeo bám ngài cho đến tận bây giờ. Đông cung cũng không muốn nhìn thấy cảnh người thân thích trong gia tộc bị lính quay lưng, bị tướng hạ bệ. Chỉ khi Định vương vào được đến xứ Gia Định xa xôi thì ngôi chúa của ngài mới được đảm bảo.

- Ta ghét cái cảnh chia bè kết phái thế này. --- Đông cung thở dài. --- Ta và chúa thượng thì không cần bàn đến nhưng mà cái quan đại thần hai phe, họ không chịu ngồi cùng một bàn Khoai à.

- Đó là lí do thần ở đây, thưa Đông cung. --- Khoai quay người, ánh mắt ngước lên nhìn vị thế tử. --- Cả Đông cung và chúa thượng đều mong triều đình ta có thể đoàn kết như xưa, chia bè kết phái sẽ khiến chúng ta yếu đuối. Thần sẽ hết sức phò tá Đông cung cũng như là khuyên nhủ các đại thần hãy mở lòng với nhau. Đừng lo lắng, mọi sự rồi sẽ êm xuôi thôi.

Khoai được Định vương bí mật gửi sang phe này để giúp Đông cung kết nối hai bên lại với nhau nhưng tiếc rằng không thu được nhiều kết quả. Mọi khó khăn lớn nhỏ hầu như bắt nguồn từ tên Quốc phó, các đại thần ghét hắn rồi lại ghét sang Định vương, các vị ấy tin rằng đã đến lúc tôn một vị chúa mới để chấm dứt sự hiện diện của "di sản" mà Quốc phó để lại và bắt đầu một kỷ nguyên mới. Khoai không khuyên nổi họ, nó ước gì có thể cho họ thấy được nỗ lực tự thay đổi bản thân của Định vương, ước gì họ hiểu được sự hối lỗi của ngài khi đã dành sự quan tâm của mình vào những thú ăn chơi của tên Quốc phó bày cho mà quên bẵng đi câu hỏi han năm nay đất nước có được mùa không. Định vương không vô tội nhưng ngài vẫn đang nỗ lực sửa sai từng ngày.

Ngày 12 tháng 2 năm ấy, thuyền Định vương khởi hành vào Gia Định. Kế sách của ngài ít nhất cũng được đa số đại thần nhất trí, Nguyễn Cửu Dật và Tôn Thất Kính đi theo hộ giá còn Hữu quân đại đô đốc Nguyễn Cửu Thận sẽ ở lại cùng Đông cung trấn giữ Quảng Nam. Ngày tiễn biệt, Định vương không nói với Khoai câu gì, chỉ khẽ liếc nhìn nó với một tâm niệm khó đoán và một trái tim rạn nứt từ lâu, đó có thể là lời tạm biệt. Vị chúa chầm chậm bước lên chiếc thuyền, chờ chiếc neo nhổ lên, chờ cho gió thổi căng buồm để tránh mặt những ánh mắt dè bỉu của các quan đại thần chiến tuyến đối địch.

- Bảo trọng.

Khoai nghe tiếng của một cậu thiếu niên vang lên gần chiếc thuyền. Một hoàng thân 13 tuổi đứng bên mạn thuyền đang vẫy tay chào nó. Khoai biết đó là ai. Khoảng thời gian nó phải vào hầu Quốc phó để rồi trở thành thứ đồ chơi bắt mắt và lạ lùng, cơ thể trở nên bẩn thỉu vì mấy vết mực tàu, phẩm hạnh bị chà đạp đến mức nó nghi ngờ thân phận hoàng gia cao lãnh. Những lúc như vậy thường sẽ có một cậu bé đến chơi với nó. Khi Quốc phó vắng mặt trong cung, Định vương sẽ nhờ cậu bé đến đưa thuốc cho Khoai, tiện thể ngồi đó tâm sự với nhau một chút cho khuây khỏa. Dần dần thì Khoai cũng biết gia cảnh của cậu bé, cha là thế tử bị Quốc phó hại chết, gia đình thì bị giam lỏng, cậu lại là người vốn thông minh, hiểu chuyện nên được Định vương hết mực yêu thương và đưa cậu vào cung sinh sống. Tuổi thơ của cậu cũng tương tự tình cảnh của Khoai hiện giờ nên hai người dễ mở lòng hơn, dễ thân thiết với nhau hơn nhiều. Dù gặp nhau trong cảnh khốn khổ, đau đớn và xấu xí nhưng mối quan hệ của họ lại rất đẹp và bền chặt.

- Cầu mong thuyền của chúa thượng và hoàng tôn Ánh cập bến Gia Định an toàn! --- Khoai nảy lên xuống ở bến tàu, cố tình hét to để lấn át gió và tiếng sóng biển cuộn trào. --- Mọi người đi đường bình an nhé!

Vị hoàng tôn Ánh mỉm cười vẫy tay với nó, hăng hái hét lên câu hẹn ngày tái ngộ với người bạn đáng yêu. Định vương thấy quan hệ hai người tốt như vậy thì cũng mừng thầm, ngài đến bên vịnh tay đứa cháu của mình lại để cậu bé khỏi ngã, tay còn lại cũng thuận theo hoàng tôn mà đưa lên vẫy chào tạm biệt nhóc Khoai. Ngày 25 tháng 2, thuyền của Định vương và hoàng tôn Ánh cập bến phủ Gia Định an toàn.

Tin Định vương phong Đông cung làm thế tử nhanh chóng đến tai quân Tây Sơn. Dân chúng Đàng Trong thời điểm này vẫn còn trông ngóng chúa Nguyễn nên nguyện đi theo Đông cung rất đông, vì vậy nếu muốn tranh thủ ủng hộ của đa số người dân thì Tây Sơn cần phải có Đông cung trong tay. Ngay sau khi xác định được nơi Đông cung náu thân, thủ lĩnh Tây Sơn Nguyễn Nhạc liền lệnh cho "thống suất Diện, tiên phong chính thống bộ là Tường (hai người đều không rõ họ) đem 2.000 quân đóng đồn ở Thúy Loan và Bồ Bản (thuộc Quảng Nam) làm thượng đạo, Tập Đình và Lý Tài đem 2.000 quân đóng đồn ở Ba Độ làm trung đạo, đốc chiến Phong, hổ tướng Hãn (đều không rõ họ) đem 2.000 quân đóng ở Hà Thân làm hạ đạo, hẹn ai rước được Đông cung thì có trọng thưởng" [2].

Đông cung hay tin này liền cho mưu sĩ là Giáo Quý (không rõ họ) và nhóc Khoai đến thu phục tướng thượng đạo là Diện và Tường. Thuyết phục họ rằng nay quân Tây Sơn đang bị kẹp chặt giữa quân Trịnh ở phía Bắc và quân Gia Định ở phía Nam, tại Quảng Nam thì dân chúng tin yêu nhà chúa hơn. Nếu bị tấn công từ ba mũi như vậy làm sao quân Tây Sơn chống giữ nổi? Khoai còn nói rõ thêm về kết cục không mấy tốt đẹp nếu Tây Sơn thất bại, khi ấy chính hai người sẽ bị kết tội là bè đảng giặc, thanh danh bị vấy bẩn, gia quyến sẽ bị xử chết theo. Nghe thế, Diện và Tường đều cho là phải, bèn vâng mệnh đứng về phía Đông Cung.

Đến tháng 4, quân của Tập Đình và Lý Tài đuổi đến, phá tan đạo quân của Diện và Tường, cưỡng ép Đông cung mang về Hội An.

- Lần này được trọng thưởng chắc rồi! --- Tập Đình đắc chí. --- Có được ông chúa Nam Hà này trong tay, anh em mình ít nhất cũng phải được thưởng vài ngàn lượng vàng!

Lý Tài đi bênh cạnh cười trừ không đáp, đoạn quay ngựa ra sau, không vội vén màn nhìn vào mà chỉ gõ gõ xe ngựa của Đông cung xin phép đầy ý tứ.

- Đông cung và vương tử có thấy khó chịu ở đâu thì nói cho ta biết ngay nhé.

Tập Đình thấy thế thì tỏ ra bực bội, hắn chửi bới:

- Lo lắng cái gì? Từng tuổi này rồi mà không tự lo cho bản thân được à? Chưa kể là có anh em phải bỏ mạng trong lần vây bắt ông chúa Nam Hà này đấy! Thay vì lo cho người ngoài thì ngươi nên tỏ chút lòng thương xót anh em mình đi!

Quân sĩ tháp tùng nghe vậy thì cũng cho là phải, họ chịu khổ đủ điều, đối mặt với tử thần tất cả chỉ vì chiến dịch vây bắt thế tử nhà chúa. Lại thêm chuyện lúc bọn họ sắp túm tay kéo Đông cung đi thì bị thứ sinh vật lạ tròn tròn dữ tợn đuổi đánh. Như một quả bóng với độ đàn hồi cao, chính nó đã khiến đầu của vài binh sĩ sưng tấy. Bây giờ cái thứ đó được ngủ ngon lành trên xe ngựa trong khi ba quân phải đi bộ mệt mỏi, càng nghĩ càng ức.

- Ngươi thôi đi có được không? --- Lý Tài khuyên nhủ. --- Thủ lĩnh bảo phải đem ông chúa này về an toàn, lỡ như giữa đường chết tức tưởi ngươi gánh nỗi trọng tội không?

Quân sĩ tháp tùng nghe vậy thì cũng gật gù cho là đúng. Lần nữa, họ chịu đủ khổ hạnh để bắt thế tử, không may mà Đông cung bỏ mạng trên đường trở về thì một là mọi cố gắng hi sinh đổ sông đổ bể, hai là bọn họ chắc chắn sẽ bị phạt rất nặng. Đông cung trong giai đoạn này rất quan trọng với Tây Sơn, chỉ cần sai sót nhỏ khiến vở kịch tôn phò này thất bại thì chẳng ai trong quân của Lý Tài và Tập Đình sống yên ổn cả.

- Bọn hoàng tộc đúng là yếu như sên! --- Tập Đình quay ngựa, chỉ tay vào xe. --- Anh em mình phơi nắng phơi sương bao năm có bệnh tình gì tìm tới! Cái lũ này sống trong hoàng cung sa hoa thì sướng rồi, có hiểu được khó khăn của anh em mình bao giờ đâu hả?

Quân sĩ tháp tùng nhìn nhau đồng tình--

- Thôi đi, đây không phải là lúc ghi thù. --- Lý Tài lên tiếng. --- Chúng ta đến tận nơi này để rước chúa Nam Hà về tôn phò, không phải lên mặt dạy đời. Tỏ thiện chí chút đi.

Rồi gã quay sang xe ngựa thế tử, nói vọng vào.

- Đông cung đừng để tâm, tên đó bị ngốc đấy.

- Ngươi bảo ai đấy? Đánh chết bây giờ!

Chặng đường về Hội An không được yên bình cho lắm, chủ yếu là do Tập Đình hung hãng muốn hại Đông cung và lần nào Lý Tài cũng phải chắn trước xe ngựa chúa khuyên mãi mới thôi. Những lần ấy, Đông cung và Khoai bên trong cũng thấp thỏm không ít trước tính khí nóng nảy của Tập Đình, thật lòng hai người cũng phải cảm ơn Lý Tài vì đã kiên trì đã bảo vệ Đông cung còn nguyên vẹn đến khi về giao lại cho thủ lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Nhạc đang đóng ở Hội An. Cũng vì vụ việc ấy mà phía Đông cung và Lý Tài có cảm tình với nhau.

Những ngày bị giam lỏng ở Hội An đối với Đông cung và Khoai mà nói thì chắc chắn không được tự do cho lắm. Nơi hai người náu thân có một tướng sĩ mạnh mẽ, uy nghiêm trấn giữ. Người ấy có chút khó gần lại ít nói lắm, hầu như cả ngày đều đứng ở một khoảng cách vừa đủ để quan sát mọi nhất cử nhất động của hai người bọn họ. Khoai không dám nói chuyện với y, đối với nó thì người này thật sự quá là đáng sợ đi, bởi vậy ngoài khuôn mặt nổi bật cùng một loại giống Nguyễn gia ra thì nó chẳng biết gì về người đó cả. Sau này nghe binh sĩ đi đi lại lại trong đồn binh kêu tên hắn, Khoai mới biết rằng y tên là Tây Sơn.

Tây Sơn được thủ lĩnh Nguyễn Nhạc giao nhiệm vụ canh chừng Đông cung và Khoai nên y thường xuyên xuất hiện trong phủ. Mọi nơi Khoai đi, những thứ Khoai làm đều bị người này quan sát cả, chỉ trừ những lúc thổi nến đi ngủ thì mới không thấy mặt của y. Tuy vậy, Tây Sơn vẫn đứng gác ngoài phòng để linh hoạt xử lý khi có chuyện gì đó không may xảy ra. Có lần Khoai trốn được ra sân sau nơi có đám hoa sử quân tử đỏ rực trên tường đồn. Thấy mấy cánh hoa rụng tả tơi trên đất, Khoai hứng thú chạy đến nô đùa như đang sống lại những ngày còn hạnh phúc trong thành Phú Xuân. Nó nhớ đến Đông cung đang cô đơn trong phủ, lòng liền thấy thương người kia, lập tức nó lại nhặt mấy cánh hoa tươi nhất cho vào chiếc rổ tre nhỏ luôn mang theo bên mình.

Vừa nhặt vừa hát, Khoai như chìm đắm trong thế giới riêng của mình. Đó là một thế giới bình lặng như mơ, ngày dài thong thả trôi chầm chậm như dòng Phú Xuân (sông Hương), nơi có cơn mưa bất chợt, có rêu phong phủ kín những bức tường thành cổ kính và là một nơi thơm ngát mùi hoa xoan, hoa sứ độ tháng 4 về.

- Ngươi?!? Ngươi nhìn cái gì? Ta ... Ta không có tặng hoa cho ngươi đâu!

Thế giới tươi đẹp của Khoai bỗng tan mất như làn sương mù nhạt dần khi mặt trời lên, chút bất ngờ vô tình kéo nó về hiện thực. Cách đấy không xa, Tây Sơn đứng khoanh tay quan sát nó được một khoảng thời gian rồi vậy mà Khoai vẫn luôn đắc ý rằng vẫn chưa có ai phát hiện sự mất tích đột ngột của nó. Ngay cả trước lúc Khoai lén trốn khỏi phủ, Tây Sơn đã nhờ người khác trông coi Đông cung còn y bí mật theo sau thứ sinh vật tròn tròn này xem nó định làm gì. Kỳ thực Tây Sơn thấy khá vui mắt, y đã từng nghe trong thành Phú Xuân có thứ sinh vật quái lạ nhưng không ngờ nó lại trông như thế. Nói sao nhỉ? Tây Sơn nghĩ rằng nó khá đáng yêu.

Tiếc rằng Khoai không nhận ra thiện chí ấy, thấy Tây Sơn tới gần nó lại sợ hãi lùi ra sau. Trước kia tướng sĩ chúa Nguyễn rất hay kể về y cho nó nghe, họ bảo rằng quân Tây Sơn có một hiệu kỳ rất hung tợn, thanh đao trên tay hắn rất vô tình, thẳng tay bổ chết kể cả những đứa nhỏ vô tội. Những lời đồn thổi đó không biết thực hư mấy phần nên khi ấy Khoai chưa vội tin, nhưng mà bây giờ đứng trước phiên bản bằng xương bằng thịt thế này, mấy câu chuyện kinh dị bịa đặt đó lại khiến Khoai có chút bất an.

- Đứng im!

Khoai ra lệnh cho Tây Sơn dừng lại, nó đắc ý khi biết rằng Nguyễn Nhạc đã lệnh cho tất cả mọi người trong đồn binh phải kính cẩn với Đông cung mà Khoai lại là vương tử thân cận nhất với ngài nên ít nhiều gì thì nó cũng được hưởng chút nể phục. Tây Sơn cũng không phải là ngoại lệ, y theo lệnh thì dừng lại ngay nhưng tâm tình có chút không vui vẻ. Sự yêu ghét của Tây Sơn chỉ có một vài người biết, họ bảo rằng y ghét sự kiêu ngạo của bọn hoàng tộc nhu nhược, mệnh lệnh vừa rồi vô tình chọc khoáy điều ấy. Không những thế y vừa bị thứ mình thuận mắt từ chối, coi như cũng là điều khó chịu đi.

- Vương tử mau quay về phủ đi ạ. --- Tây Sơn nhắc nhở. --- Nơi đây quân sĩ thường đến luyện tập, người sẽ gặp nguy hiểm.

- Về thì về. --- Khoai cố tỏ ra mình cứng cáp. --- Không cần ngươi quản!

- Lần sau thần không nhắc nhở nữa đâu. Vương tử nhớ cho kỹ.

Khoai không dám nói thêm tiếng nào, vội chạy thật nhanh về phủ mách Đông cung có người ức hiếp. Tầm vài phút sau Tây Sơn gõ cửa trả lại cho nó chiếc rổ tre đầy cánh hoa.

Tháng 4 cũng là lúc quân Trịnh có động tĩnh, án binh nghỉ ngơi đã lâu nay Quận Việp Hoàng Ngũ Phúc cho đại quân vượt cửa Hải Vân tiến đánh Quảng Nam. Thủ Lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Nhạc cho quân Tập Đình làm tiên phong, Lý Tài là trung quân hợp lực với nhau đón đánh quân Trịnh ở Cẩm Sa. Phía quân Trịnh cử tiền bộ Thế Trung hầu, chi hậu Dĩnh Vũ hầu làm tiên phong, Quận Việp sẽ cùng Xuân Quận công, Xán Trung hầu tiến theo sau.

Trận Cẩm Sa năm Cảnh Hưng thứ 36 [1775] thật sự đã không như những gì Tây Sơn đã dự kiến. Đại quân Bắc Hà không những mạnh mẽ mà còn được tổ chức rất bài bản, một khi đã trúng kế rơi vào trận địa thì khó lòng mà thoát thân. Một giây trước, Tây Sơn còn thấy bọn họ dàn quân đợi sẵn bên kia khe nước, vài giây sau đã nghe bao tiếng hô hào vang dậy cả chiến trường. Súng ống quân Tây Sơn không có thời gian để nạp đạn!

Đại quân Bắc Hà phối hợp với nhau cực kỳ ăn ý, chi đội cánh quân tả hữu của hơn 5 vị tướng quân cùng xông ra trực diện càn quét đội hình kẻ thù. Phía cánh hữu có quân của Dĩnh Vũ hầu Nguyễn Đình Đống ra tiếp chiến, chọc thẳng vào sườn quân Tây Sơn. Chưa kể các cánh quân này đều dẫn theo tượng binh, quân Tây Sơn nếu không muốn bị giẫm đạp đành liều chết nhảy xuống khe nước sâu mới trốn được cuộc tiến công ấy. Quan quân Bắc Hà thừa thắng truy bắt, "giết được tỳ tướng 4 người, sĩ tốt 80 người, bắt thám báo 1 tỳ tướng, lính 15 tên" [3].

- Tiến lên! --- Trịnh gia đứng trên một con voi hô to. --- Kẻ nào bắt được tù binh và chém được gia khách ta sẽ thưởng ngân 1 lạng!

Mũi kiếm vô tình của Trịnh gia chĩa về phía quân Tây Sơn như một thợ săn lành nghề từng đe dọa thành Phú Xuân vào cuối năm trước nay tìm được con mồi mới.

- Nghe thấy chưa hả, Tây Sơn? Tiếp theo là ngươi đấy.

Tây Sơn lập tức thấy bất an, lần đầu tiên trong đời y sợ hãi đến như vậy. Y từng rất tự hào về thực lực của mình, từng đắc y gọi ba quân yên tâm mà núp sau bóng lưng, bây giờ lại chịu thất thế trước kẻ địch, Tây Sơn rất sợ sau này nếu có dịp đối đầu với kẻ thù thế này y sẽ không thể bảo vệ nổi những người yếu thế. Lúc trước nghe quân sĩ đồn thổi với nhau về cái ngày thành Phú Xuân thất thủ, hình tượng của Trịnh gia chính là trung tâm của câu chuyện ấy. Người ta kể lại rằng vào cái ngày quân Trịnh áp sát đến tận cửa các đồn binh bên bờ sông Hương, ngài đã dứt khoát ném thủ cấp của Nguyễn gia trước cổng đồn. Quân lính trong đồn trông ra đều ngã quỵ, họ phải mất một lúc mới chấp nhận rằng Nguyễn gia đã không còn bên họ nữa. Cũng cùng lúc ấy, Trịnh gia chĩa mũi kiếm về phía họ, bằng một chất giọng lạnh lùng, y phán:

- Tiếp theo đến lượt chúng bay.

Nhớ lại chuyện đó khiến Tây Sơn khẽ rùng mình, nhìn quanh chỗ mình đang đứng thấy ba quân đều tan tác hết, người chết mở mắt trừng trừng nhìn trời âm u khói đạn, kẻ bị thương gào khóc đến thổ huyết. Thất bại rồi, làm sao mà còn chút hi vọng chiến thắng? Nếu cứ bướng bỉnh trói quân sĩ tại sa trường thì sẽ có càng nhiều người phải ngã xuống, càng nhiều người mẹ phải mất con. Những người lính đứng đây, y đều nghe câu chuyện nhỏ của họ, rằng họ túng quẫn tham gia vì miếng ăn, rằng họ lang thang không nhà cửa cầu xin một mái ấm, rằng trái tim họ đã vỡ vụng mong tìm được nơi náu thân an toàn. Những kẻ yếu thế dưới tầng đáy xã hội, Tây Sơn đã thề sẽ cứu họ bằng mọi giá.

- Rút quân!

Tây Sơn cắn răng quay đầu, vội cõng một binh sĩ bị thương rời khỏi chiến trường hỗn độn.

Ngày hôm sau, đại quân Bắc Hà cùng tiến đánh. Phía Tây Sơn có Nguyễn Nhạc và Tập Đình hợp quân được hơn 6.000 người thêm cả hơn 30 con voi chiến. Lần này, quân Tây Sơn do Tập Đình và Lý Tài chỉ huy quyết liều chết với quân Trịnh. Bọn họ "đầu đội vải đỏ, cổ đeo giấy vàng, giấy bạc, tay cầm lá chắn bằng mây và siêu đao lớn, cỡi trần xông pha đánh chém, thế rất mạnh tợn" [4]. Bọn họ liều chết thì phía quân Trịnh cũng có cánh quân của tướng Quế Vũ Bá hiên ngang ứng chiến, không may vị ấy đã bỏ mạng trên sa trường.

Nguy khốn một lúc, Thạc Vũ hầu Hoàng Phùng Cơ cùng Thể Trung hầu Hoàng Đình Thể ngay lập tức thúc đàn voi trận xung kích giải vây. Đại quân thừa thắng 4 mặt giáp kích, ồ ạt tiến đánh khiến thế trận của Tây Sơn tan vỡ, ai nấy đều tháo chạy lấy thân. Tập Đình thấy trận này không thể cứu vãn được nên đã lên thuyền dong buồm về Đại Thanh. Nguyễn Nhạc và Lý Tài rút về Bản Tân [Bến Ván] (nơi giáp ranh Quảng Nam và Quảng Ngãi).

Việp Quận công đóng quân ở dinh Quảng Nam, dâng khải đưa tin chiến thắng, xứ Quảng Nam thuộc đất Đàng Ngoài.

Để Đông cung không rơi vào tay địch, Thủ lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Nhạc bèn đón ngài về Quy Nhơn, cách ly với quân Trịnh càng xa càng tốt. Những ngày đầu bị giam lỏng tại Quy Nhơn Khoai nghe rất nhiều chuyện về trận Cẩm Sa nhưng toàn là những lời xì xầm to nhỏ chứ không phải bài hịch hay tuyên cáo từ thủ lĩnh truyền xuống quân nhân. Không khí nặng nề chưa từng thấy, ngay cả người suốt ngày trốn trong phòng, không vướng víu chuyện thế sự như Khoai cũng lấy làm khó chịu. Thấy lòng quân Tây Sơn có dấu hiệu ly tán, Khoai đáng lẽ phải thấy mừng khi kẻ thù nguy khốn nhưng dù cố thế nào nó cũng chẳng vui nổi. Tình cảnh của quân Tây Sơn hiện giờ chẳng phải rất giống triều đình chúa Nguyễn sao? Chính sự ly tán, mất lòng đã khiến đô thành Phú Xuân phải mở cửa đón giặc. Viễn cảnh đó rất buồn, Khoai bỗng dưng bị ám ảnh bởi điều đấy.

Lại nhắc đến vị tướng sĩ tên Tây Sơn kia dạo trước giữ nhiệm vụ canh chừng Đông cung và Khoai nay bỗng dưng ít gặp mặt hơn hẳn. Nguyễn Nhạc đã thay người trông coi phủ thế tử thành ra Tây Sơn cứ như vừa bốc hơi khỏi thế giới của Khoai vậy. Gặp mặt thì sợ nhưng không thấy thì lại không quen, Khoai thường thẫn thờ phóng tầm mắt thật xa ra cửa sổ cả buổi chiều nắng vàng, không nói không cười khiến Đông cung nhiều lúc lo lắng.

Tây Sơn không tiếp tục công việc của mình là có lí do, sự thất bại trong trận Cẩm Sa đã khiến tinh thần y sa sút nghiêm trọng hơn người ta tưởng. Mùi máu tanh trên chiến trường vẫn còn nồng nặc, tiếng rên la đau đớn của những binh sĩ bị thương tật vì đao kiếm súng ống vẫn dội về tai Tây Sơn mỗi giây. Nhìn lại thanh đao trên tay rồi lại nhìn về phía các binh sĩ bỗng chốc Tây Sơn lại bị giày vò bởi những con người không còn nguyên vẹn duỗi tay về phía y mà kêu cứu. Những bàn tay đen sạm nhăn nheo quen việc đồng án, những bàn tay Nho sĩ vụng về cầm khẩu súng và cả những bàn tay sặc mùi đất khi phải chống người cúi lạy lũ tham quan, tất cả đã không còn động đậy nữa rồi.

Quân lính sợ hãi và thất vọng, có nhiều người đào ngũ, có nhiều người làm loạn, có nhiều người bất tuân khiến mọi chuyện tồi tệ. Lời ra tiếng vào vang khắp đồn binh này đến đồn binh khác cho rằng Tây Sơn đã hết thời. Và cái người mang tên Tây Sơn ấy thật ra chẳng bảo vệ ai đâu, chẳng bảo vệ được ai hết!

Tây Sơn cúi gầm mặt chịu những từ ngữ ấy đến mức sắp phát điên. Y biết tại sao họ lại giận dữ và nỗi thất vọng chua chát luôn hiện hữu trong từng lời nói cử chỉ. Y không biết rằng bản thân lựa chọn rút lui có đúng hay không nhưng thật tình trong lúc ấy Tây Sơn chỉ muốn bảo vệ mọi người.

- Xốc lại tinh thần nào, chúng ta không có nhiều thời gian.

Vị tướng trẻ Nguyễn Huệ, em trai thủ lĩnh Nguyễn Nhạc, đặt tay lên vai y khiến một phần sầu não có chút tiêu tán. Khác với Nguyễn Nhạc có nét từng trải giàu kinh nghiệm, Nguyễn Lữ điềm đạm tinh tế thì Nguyễn Huệ kỳ thực mang dáng vấp của một thiên tài lỗi lạc với đôi mắt tinh anh rất sáng, luôn luôn cho người ta một cảm giác an toàn, Tây Sơn muốn trở thành một người như vậy.

Tây Sơn vội vã đứng lên, cúi đầu chào vị tướng trẻ. Cùng lúc ấy, hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ cũng vừa tới nơi.

- Ha ha, chú em nói phải đấy. --- Nguyễn Nhạc cười. --- Ngươi đấy, Tây Sơn. Ngươi ủ rũ cũng được 2 ngày rồi đấy, phấn chấn lên đi chứ!

- Huynh trưởng nói phải. --- Nguyễn Lữ dịu dàng đặt một chiếc bánh lên tay Tây Sơn. --- Ăn đi rồi vui vẻ lên nhé!

- Thủ lĩnh ... Hai vị tướng quân ... Mọi người không cần phải nhọc lòng lo lắng cho tôi như thế.

- Lại chuyện gì nữa đây? --- Nguyễn Nhạc khoanh tay, mày ngài có chút đanh lại. --- Đã là người một nhà mà ngươi lại bảo bọn ta không cần lo lắng cho ngươi sao? Ngươi có biết là chú Lữ sợ ngươi bị bệnh tinh thần nên cả đêm qua ngồi nấu canh tẩm bổ cho ngươi không?

- Huynh trưởng! Suỵt suỵt! Canh chưa xong!

Phải ha, đã là người của quân Tây Sơn thì chính là thành viên của đại gia đình này. Nhớ lại khoảng thời gian trước kia Tây Sơn chưa có tên gọi, lang thang khắp vùng này đến vùng khác mà chẳng biết nương tựa vào đâu. Khoảng thời gian ấy kỳ thực rất thiếu thốn, mọi nơi mà y đi qua, những cảnh mà y lưu lại, trên cánh đồng bị hạn hán và lũ lụt nuốt tươi, trên con đường đất bùn lầy nhớp nháp nóng lên dưới cái nắng gắt đặc trưng đều có những mảnh đời đói khổ ngồi xin từng hạt gạo. Xin không được thì đi cướp, y gia nhập đám lưu manh chặn đường cướp xe thóc của triều đình. Nhưng một lũ đói khổ làm sao địch nổi súng ống dao gươm? Lần cướp đầu tiên ấy, bọn y bị đánh cho tan tác hết cả.

Lúc đó y có một ý nghĩ tàn độc hơn. Nếu không cướp được của triều đình chi bằng chặn đường dân đen, cầm gậy gộc dọa họ một lúc tự khắc sẽ có gạo ăn. Nghĩ vậy nên y trốn trong bụi rậm chờ thời cơ, nhưng lạ thật, cơ thể đói khát đó lại không muốn động thủ. Ngày qua ngày cứ như vậy, y nhìn những con người lam lũ đi qua đi lại trên đường, thấy họ cũng khổ, cũng đói, cũng chịu sưu cao thuế nặng đến kiệt quệ nên dần dà y cũng chẳng muốn cướp họ nữa.

Rồi đến một hôm, mọi chuyện dần thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ có việc đến vùng này lại vô tình bắt gặp y nằm chờ chết bên vệ đường. Không thể thấy chết mà không cứu, Nguyễn Lữ tặng y hai chiếc bánh nếp để ăn cho qua cơn đói, còn dúi vào tay vài đồng mong sao y có thể tự tay xoay xở. Bắt đầu từ ấy, Tây Sơn vẫn ngồi lại bên đám cỏ dại, vẫn nhìn dòng người xác xơ qua lại như hồn ma, nhưng từ hôm ấy y đã muốn đợi hai người ấy trở lại để mong sao nói cho trọn lời cảm ơn.

- Có cướp!

Tây Sơn bật dậy nhìn xung quanh, cách đấy không xa, trên dòng sông nước chảy êm đềm có bóng dáng đoàn thuyền buôn neo đậu. Trên thuyền, có nhiều tên lưu manh hung hãn cở trần, tay lăm le chiếc roi và gậy gộc quát tháo những người trên thuyền giao hàng hóa và tiền bạc ra.

- Đại ca! --- Một tên nhỏ con nhiễu sự tâu bày. --- Bọn nó đi buôn trầu đó đại ca!

- Trầu? Bọn bay không bán cái gì đó đáng giá hơn được à?

Một người đứng trên thuyền lấy nón che mặt, khoanh tay dựa lưng vào thuyền lên tiếng:

- Trầu nguồn đang được ưa chuộng lắm đấy. Ngươi có biết là có bao nhiêu người đang đợi đợt hàng này về không? Xuống khỏi thuyền đi.

- Thằng ranh con này! --- Tên trùm nổi cơn thịnh nộ, hắn điên tiết quất roi tới tấp về phía vị kia. --- Đừng có mà ăn nói kiểu đó với tao!

Ngay trước khi đòn roi giáng xuống, Tây Sơn từ đâu phi tới và kịp túm được tay tên trùm cướp. Tên ấy thấy mình bị phục kích liền giãy giụa đòi y thả người. Tức giận, hắn lấy tay còn lại đấm túi bụi vào người y thêm những câu mắng chửi thậm tệ. Nhưng dù vậy, Tây Sơn quyết không buông.

- Các người chạy đi! --- Tây Sơn thét lên. --- Tôi giữ được hắn rồi!

Những người dân buôn trên thuyền không biết làm sao, luống cuống một hồi thì cũng tản ra hết, kẻ nhảy lên bờ, người rút vào mấy chỗ chứa trầu như muốn trốn chạy. Duy chỉ có vị đội chiếc nón ban nãy vẫn đứng yên, người đó có chút kinh ngạc.

Tây Sơn dùng hết sức mình vặn tay của tên cướp, nhanh nhẹn tước chiếc roi da và chĩa về phía hắn như đe dọa. Những tưởng là nắm được phần thắng trong tay, ấy vậy mà tên cướp vẫn hung hăng xông về phía Tây Sơn không do dự. Y đã lầm to, sức mạnh của tên cướp không đến từ chiếc roi mà là đến từ cơ bắp!

Một sào nhanh gọn và dứt khoát gạt chân của tên cướp khiến hắn ngã nhào trước khi kịp chạm tay tới Tây Sơn. Không chỉ tên cướp, ngay cả y cũng ngạc nhiên không kém khi thấy người đội nón kia tung chiêu. Cách đánh của người đó nhanh nhẹn và mạnh mẽ, chỉ một đường cơ bản đã khiến đối thủ phải ngã lăn quay trên thuyền.

- Mày! --- Tên cướp tức giận kêu lên. --- Tụi bay! Giết nó cho tao!

- Phiền cậu trai đằng kia tránh xa một chút. --- Người kia cầm con sào như thanh đao, thoáng chốc trở thành một vị dũng tướng trên trận mạc. --- Dù sao thì, cũng cảm ơn cậu vì đã ra tay nghĩa hiệp.

Tây Sơn nép một góc quan sát trận hỗn chiến trên thuyền, chỉ trong nháy mắt tất cả bọn cướp bị người đó đánh văng hết. Ngay cả tên trùm cướp cao to lực lưỡng như vậy mà còn bị ném sang một bên. Hôm nay đi làm anh hùng giúp người nhưng chính Tây Sơn đây mới là kẻ được mở rộng tầm mắt. Thế võ của người ấy làm y thích thú vô cùng, nhanh gọn và dứt khoát, thanh sào trên tay như trở thành một thanh đao sắc bén có thể chém đứt mọi sự tự tin của kẻ thù. Trong đòn tấn công lại có thế phòng thủ tạo nên những bước chuyển động không tồn tại chút sơ hở nào, không những vậy những đòn công thủ luôn được tung ra bất ngờ khiến quân địch chao đảo không kịp trở tay.

Lũ cướp bị đánh cho ngã lăn quay trên sàn thuyền nhưng vẫn còn mấy tên cứng đầu chưa buông tay chịu trói. Ngay khi định đứng lên tẩu thoát thì bống phương tám hướng dân buôn của tàu đã lăm le gậy gộc, dao rựa bao vây.

- Trói bọn chúng lại rồi ném lên bờ. --- Người kia cầm con sào chĩa về phía lũ cướp. --- Nhưng trước hết hãy nhớ tước vũ khí của chúng.

Nói rồi, người đó đi đến gần Tây Sơn lân la hỏi chuyện.

- Có bị thương không?

- Không ... không sao ạ.

- Ban nãy bị đánh như thế mà liều chết không buông, coi như là cũng có khí chất đi. --- Rồi người ấy xưng tên họ. --- Thật ngại quá, tôi là Nguyễn Huệ. Đoàn thuyền này chở trầu từ miền thượng về trường trầu nhà tôi, tôi có việc trên ấy nay xin họ cho quá giang. Còn anh?

Tây Sơn nghĩ nghĩ một lát rồi cũng lắc đầu thành thật rằng mình cũng chẳng biết bản thân là ai. Chuyện cổ quái như vậy khiến Nguyễn Huệ suy đi tính lại nhiều, cuối cùng vị ấy lên tiếng.

- Nếu không có nơi để đi chi bằng đến trường trầu nhà tôi nhận việc? Coi như là trả ơn vì đã anh dũng xả thân giúp bọn người xa lạ chúng tôi. Anh thấy thế nào?

Dĩ nhiên là Tây Sơn đồng ý, kể từ ngày ấy y đã tiếp xúc, làm quen với ba anh em kiệt xuất vùng Tây Sơn. Đến khi khởi nghĩa bắt đầu, y đã kiên nhẫn phát triển bản thân, ai có thể ngờ rằng một tên lính nhỏ nhoi ăn nhờ ở đậu tại trường trầu nhà thủ lĩnh nay đã trở thành một viên tướng có thể cầm quân? Hành trình ấy không hề đơn giản nhưng ít nhất y vẫn được Thủ lĩnh Nguyễn Nhạc dẫn dắt, may mắn được Tướng quân Nguyễn Lữ quan tâm và cả những chỉ bảo của Tướng quân Nguyễn Huệ nữa. Từ xưa đã vậy và đến tận sau này vẫn thế, mối liên kết kỳ bí của y và ba vị ấy đã nhanh chóng bền chặt rồi.

- Nghe này các chú. --- Nguyễn Nhạc lên tiếng. --- Ta không muốn làm các chú lo nhưng hiện tại chúng ta đang không thuận lợi cho lắm. Các chú cũng biết là trận vừa rồi quân mình bị đánh cho tơi tả. Nay Tống Phước Hiệp của chúa Nguyễn đã tiến lấy được Phú Yên, bọn họ muốn chúng ta giao ra Đông cung, ta đã nhận lời nhưng giờ suy nghĩ lại thì thấy không nên. Các chú nói xem, chúng ta nên làm gì?

- Chúng ta có thể loại được 1 thế lực. --- Nguyễn Huệ ban đầu xoa cằm sau cũng nói rõ ý định.

- Quân Nguyễn? --- Nguyễn Lữ hỏi.

- Không, quân Trịnh.

- Làm sao có thể? --- Tây Sơn hỏi ngược lại vị tướng trẻ Nguyễn Huệ. --- Chúng ta không thể cứ tiến đánh họ được.

- Ta đã bàn chuyện này với huynh trưởng nay sẽ nói lại với hai người. Chuyện là ta đã quan sát tình hình quân Trịnh từ khi chúng vào Quảng Nam. --- Nguyễn Huệ phân tích. --- Ở Thuận Hóa và cả Quảng Nam vẫn đang còn nạn đói và dịch tể, người Bắc Hà vào chắc chắn không quen khí hậu trong này nên sẽ mắc bệnh hàng loạt. Chưa kể các cựu thần chúa Nguyễn ở Thuận Hóa vẫn còn và họ không dễ dàng buông tha. Còn dân chúng, thử hỏi họ có đồng ý sự cai quản của chúa Trịnh không?

- Ra vậy. --- Tây Sơn gật đầu. --- Vừa chiếm được hai vùng Thuận Hóa và Quảng Nam chắc chắn họ sẽ ưu tiên dẹp loạn nơi ấy trước. Thêm cả chuyện thời tiết, khí hậu khác lạ sẽ làm chậm bước tiến của quân Trịnh vào Nam. Nếu tiếp tục tiến quân, quân Trịnh sẽ ngay lập tức gặp bất lợi.

- Mong là họ ở đấy luôn, đừng tiến sâu hơn nữa. --- Nguyễn Lữ lên tiếng.

- Ta đã cho người dâng biểu xin hàng như lời chú Huệ mách. Quân Trịnh đã viết thư hồi đáp, ta đã đọc qua một lần nhưng vẫn muốn các chú đọc cùng ta. --- Nguyễn Nhạc lấy từ trong người ra một bức thư, trên đấy có ấn của chính quyền Đàng Ngoài. --- Bọn họ đúng là có mong muốn chấp nhận thư xin hàng nhưng lại muốn gây khó dễ. Trong thư ghi rõ điều kiện tiên quyết để hai bên hòa giải là Tây Sơn phải đến gặp mặt Trịnh gia.

- Ông ta muốn gì ở tôi chứ?

Câu hỏi này Nguyễn Nhạc cũng không trả lời được, đành khoanh tay suy nghĩ mọi trường hợp có thể xảy ra. Có thể bọn họ muốn Tây Sơn đến để dễ bề trừ khử, cũng có thể là muốn y cúi đầu thuần phục hoặc bọn họ chỉ đơn giản muốn làm khó dễ quân Tây Sơn mà thôi. Nhưng biết làm sao được, nếu quân Tây Sơn không mau chóng cầu hòa một phe thì viễn cảnh bị ép từ hai phía chắc chắn sẽ xảy đến và kết quả sẽ rất tồi tệ cho quân Tây Sơn.

- Vậy thì không còn cách nào khác, tôi sẽ đến gặp bọn họ xem sao. --- Tây Sơn gật đầu, mong rằng bên kia sẽ không đưa ra yêu cầu quá đáng.

- Vậy thì mai này chú đi cùng với Phan Văn Tuế nhé, trông cậy vào chú! --- Nói rồi, Nguyễn Nhạc lại day trán suy tính đến chuyện khác ngay. --- Còn quân của Tống Phước Hiệp, biết làm sao đây?

Nói đến đây, Nguyễn Nhạc nháy nháy mắt với người em của mình là Nguyễn Huệ.

- Không biết có vị tướng tài ba nào giúp ta không nhỉ? Ta cần những vị tướng tài ba trẻ tuổi cơ, nếu thắng được trận này chắc chắn sẽ là chiến công đầu hiển hách lắm đấy. Hửm?

- Để em ra chiến trường. --- Nguyễn Huệ khoanh tay, tiếng thở dài vang lên rất khẽ. --- Nhưng em muốn Tây Sơn ra chiến trường cùng em.

Tây Sơn hôm nay được nhiều người săn đón quá nhỉ?

- Em muốn dạy cho Tây Sơn một số thứ. --- Nguyễn Huệ giải thích. --- Còn chuyện quân lính mất nhuệ khí thì chỉ cần 1 trận thắng sẽ lại phấn chấn lên thôi.

- Anh để ý rồi nhé, hai chú cứ lén lén lút lút, muốn làm phản anh à? --- Rồi Nguyễn Nhạc lại cười, một nụ cười gần gũi và tỏa nắng. --- Anh đùa đấy, sao hai chú nhìn anh nghiêm trọng vậy? Thôi thì, anh và chú Lữ chúc hai người may mắn.

Tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 36 [1775] (Đại Thanh Càn Long năm thứ 40), Thủ lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Nhạc sai "thuộc hạ là bọn Phan Văn Tuế đem vàng bạc đến quân Hoàng Ngũ Phúc xin hàng, cầu làm quân tiền khu" [5] . Cũng ngày hôm ấy, như đã định trước, Tây Sơn đi cùng Phan Văn Tuế đến dinh Quảng Nam để gặp Trịnh gia. Dù vẫn chưa rõ đối phương có ý định gì nhưng để cứu nguy cho tình hình ba quân thì hôm nay y phải làm hết sức. Biết là vậy nhưng kể từ khi tiếp xúc mặt đối mặt với Trịnh gia, Tây Sơn có đôi lúc suýt không giữ được bình tĩnh.

- Một đám hèn hạ, ô hợp tụ về với nhau như đàn kiến chỉ vì những lời hứa viển vông ngọt ngào như mật. --- Trịnh gia nhìn Tây Sơn phán xét. --- Suy cho cùng cũng chỉ là một bọn chết đói bị "chúa thượng" của các người bỏ rơi. Lũ chúng bay nên được người ta dạy lại cho kỹ càng.

Mặt Tây Sơn nghiêm lại, y thấy thật khó chịu khi phải ngoan ngoãn đứng nghe một kẻ ngạo mạng không biết gì lên tiếng bình phẩm những con người khốn khổ. Tây Sơn đã dành nhiều năm lang thang trên từng cung đường đầy xác người chết đói, từng ghé qua bao ngôi làng tả tơi vì thiên tai và con người bị dìm sâu trong sưu cao thuế nặng. Kể cả lũ cướp đường tàn nhẫn vung gậy đánh lương dân chỉ vì họ đã bị nỗi thống khổ tước đi nhân tính. Đối với Tây Sơn những người ấy đáng được sống hạnh phúc hơn những kẻ hoàng tộc, tầng lớp tinh hoa ngày ngày trốn sau tấm rèm quyền quý, che mất hiện thực khổ đau của dân đen. Những lúc nghĩ về bè đảng chúng nó, Tây Sơn lại càng tức giận hơn, ông hoàng bà chúa, tôn thất đại thần phe phẩy mãi chiếc quạt nói bao lời hay tiếng đẹp, thuộc làu hàng trăm lời dạy của các bậc tiên hoàng liệt thánh triều nhưng lạ kỳ thay vào những lúc biến loạn do thói ăn chơi sa đọa của họ gây ra thì dân đen là người có tội. Tây Sơn nghe họ rao giảng đạo làm người đã đến mức phát ngán.

Dân tình nổi giận chỉ vì họ đói. Nếu họ không thiếu thốn miếng ăn thì nổi dậy để làm gì? Giáo hóa dân chúng sao? Chỉ là thứ yếu mà thôi. Nếu đã đói rồi thì chẳng có cái đạo nào cả.

- Thưa đại nhân, vấn đề ở đây chính là--

- Đừng có ngắt lời ta khi đang nói. --- Trịnh gia có vẻ không coi trọng ý kiến của Tây Sơn cho lắm. --- Khuôn mặt bất mãn ấy là sao? Những lời ta nói không đúng?

Không phải là chuyện đúng sai, Tây Sơn đồng ý, chỉ là xuất phát điểm hai bên khác nhau khiến cách nhìn đại cục của hai bên hoàn toàn khác nhau.

- Ngài gọi tôi đến đây để là gì cơ chứ?

- Ta cần biết vài thông tin từ kẻ đã dâng biểu xin làm tiền khu cho triều đình. --- Trịnh gia vừa nói vừa viết trên giấy. --- Những lời vừa rồi là cảm quan ban đầu của ta, nếu ta sai ngươi có quyền chỉnh.

Đoạn, Trịnh gia ngước lên, ngón tay gõ gõ trên mặt bàn.

- Nào? Ta có nói điều gì khiến ngươi bất mãn?

- Những con người đó không phải kẻ hèn hạ! --- Tây Sơn nhìn thẳng vào mắt người đối diện. --- Không có họ thì ngài cũng chẳng có được quyền lực đâu.

- Thật là. Không ai bắt nạt được lũ dân đen khi có Tây Sơn ở đây nhỉ? Bảo vệ kẻ yếu thế, mục tiêu của ngươi nhỉ?--- Trịnh gia nghiêng đầu, tay lại cầm bút viết thêm những điều quan trọng vào giấy. --- Mong rằng sau này ngươi vẫn sẽ còn tỉnh táo như thế.

Tây Sơn im lặng nhíu mày thay cho câu hỏi trực tiếp "Ý ngài là sao?". Nhưng khi y im lặng, Trịnh gia cũng chẳng gợi mở thêm điều gì, người đó muốn y tự chiêm nghiệm, tự khắc ghi để không sa chân vào con đường xấu xí đầy gai góc tìm kiếm quyền lực như Trịnh gia đã đi. Không hiểu sao trong một thoáng, khi áng mây trên bầu trời như ngừng trôi, khi ánh nắng ban trưa không còn gắt, khi thời gian khẽ chậm lại, Tây Sơn dường như thấy một con người năng nổ, bền trí, chẳng mưu cầu gì hơn ngoài đưa đất nước này đi lên. Người ấy cũng từng rất dịu dàng và thương mến dân chúng nhưng vì đại cục lại giấu khuôn mặt ôn nhu ấy đi, dùng sự cứng rắn, cương quyết đối đãi cuộc đời. Ai sẽ hiểu cho người ấy?

- Dù sao thì ngươi cũng là kẻ có tài cán. --- Tiếng nói của Trịnh gia vang lên như kéo cả dòng thời gian tiếp tục chảy. --- Lần này xin làm tiền khu đừng để ta thất vọng. Còn muốn nói gì không?

- Tại sao ngài lại kéo đại quân vào Đàng Trong?

Trịnh gia không vội trả lời mà thay vào đó im lặng quan sát biểu hiện Tây Sơn. Liếc nhìn tấm bản đồ Đại Việt trên bàn được vẽ hoàn hảo từ Bắc chí Nam, Trịnh gia đã muốn nói câu gì đó nhưng cuối cùng lại thôi.

- Về mà tự đọc lại bài hịch Quận Việp truyền ra, ta không rảnh nhắc lại.

Tây Sơn có chút thất vọng, y cúi chào định ra về.

- Ta cho phép ngươi lui chưa? --- Trịnh gia khoanh tay, khuôn mặt thể hiện sự không vừa ý từng dọa chết các quan trong triều. --- Nôn nóng trở thành tiền khu của triều đình đến vậy sao? Ta còn chưa giao việc cho nhà ngươi nữa mà.

Tây Sơn đành đứng lại lắng nghe qua loa cho xong rồi về nhưng những lời tiếp theo lại khiến y lạnh gáy.

- Nguyễn gia có một đứa con trai. --- Trịnh gia nhếch mép. --- Mặc dù nó không làm được gì nhiều nhưng nó vẫn là hoàng tộc.

- Ý ngài là sao? --- Tây Sơn nhíu mày.

- Ngươi biết không? Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc. Chủ tướng của ngươi đã xin triều đình làm tiền khu tiên phong diệt giặc ở Gia Định, Hà Tiên, bọn nó là kẻ nào thì ngươi biết rồi đấy. Lũ trong tay các ngươi không khác gì chúng nó đâu. Nếu là muốn chém thì hãy chém cả họ. Một đứa trẻ cũng là mầm mống tai hại.

Quân Tây Sơn khởi binh lấy danh nghĩa phù Hoàng tôn Dương diệt loạn thần Trương Phúc Loan, dĩ nhiên là Tây Sơn biết chuyện này. Có điều, màn kịch tôn phò ấy chỉ được dựng lên để lôi kéo thêm nhiều lực lượng mạnh mẽ căm hận tên Quốc phó chứ kỳ thực Tây Sơn tam kiệt làm sao mà chịu phận tôi tớ? Họ Nguyễn có như thế nào thì liên quan gì đến phong trào? Dù nói vậy nhưng thật sự khi nghe những lời này từ Trịnh gia, Tây Sơn không khỏi rùng mình.

- Ban đầu ngươi bảo là bản thân sẽ bảo vệ những kẻ yếu thế đúng không? --- Trịnh gia đan tay, nhìn thấu tâm can của Tây Sơn. --- Nhưng kẻ yếu thế nào chứ? Phải định nghĩa cho đúng. Là dân đen? Vậy thì bọn người hoàng tộc đang trốn chui trốn lủi kia chính là mục tiêu của ngươi đấy. Dù sao thì chính bọn nó làm khổ dân chúng yêu quý của ngươi mà. Phải trả thù chứ? Hiểu không? Sứ mệnh ta giao cho ngươi đấy. Không bỏ sót bất kì tên nào. Chém không tha.

Lần gặp mặt ở dinh Quảng Nam đã giúp cả hai phe ít nhất loại được một kẻ thù. Phía Tây Sơn thì sẽ được an toàn ở mặt Bắc, cụ thể là quân Trịnh sẽ không tiến công nên hiện giờ họ chỉ cần chú tâm vào nhiệm vụ Nam tiến. Còn quân Trịnh, đúng như những phân tích trước đó, đã không thể tiến xa thêm vì cảm nhiễm nặng cùng những rối loại không ngừng dấy lên ở các vùng vừa chiếm. Hiện giờ quân Trịnh không tiện tiến quân, cách tốt nhất là lợi dụng Tây Sơn diệt tàn dư chúa Nguyễn, nếu Tây Sơn mà thắng thì không cần lo, còn nếu Tây Sơn mà thua thì quân Trịnh sẽ lên kế hoạch diệt Tây Sơn để lấy nốt vùng Quảng Ngãi và Quy Nhơn.

Quận Việp Hoàng Ngũ Phúc chấp nhận biểu văn xin hàng của quân Tây Sơn không lâu sau đó, phong cho Thủ lĩnh Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn trưởng hiệu tráng tiết tướng quân.

Càng sống thật lâu, càng trải nghiệm nhiều, Tây Sơn càng thấy ý niệm "đúng" hay "sai " sao mà mờ mịt và khó xác nhận như thế? Có thể ở vị trí của Tây Sơn hoặc Trịnh gia việc tru di một dòng tộc bất kể tộc nhân là gái hay trai, già hay trẻ thì là điều nên làm nếu họ thật sự muốn con đường đi của mình có tương lai xán lạn. Mặt còn lại của đồng xu dĩ nhiên là họ Nguyễn Phúc của Nam Hà, bên cạnh lũ tội nhân cũng có những người đàn ông chăm chỉ, hiếu thảo sẵn sàng bảo vệ dòng tộc, vẫn còn đó bao người phụ nữ tần tảo sớm tối vì gia đình và cuối cùng là lũ trẻ thơ, dù đã sống được vài năm hay chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời, chúng vẫn chưa phạm phải tội ác nào. Chém hết tất cả bọn họ có giúp Tây Sơn ngủ yên mỗi đêm không? Nhưng nếu cứ để họ sống thì bao người chết thảm vì họ có oán Tây Sơn không?

- Ngươi buộc phải chọn phe thôi, Tây Sơn.

Vị tướng trẻ Nguyễn Huệ cưỡi con ngựa chiến, hùng vĩ đứng trên đồi quan sát cảnh sắc yên bình chỉ chốc nữa thôi sẽ bị thổi tan tác vì chiến tranh. Hôm nay đã được định là ngày quân Tây Sơn tiến công diệt sạch phe Tống Phước Hiệp, bằng cách gửi sứ đi vờ hàng, vị chủ tướng trẻ tuổi kia sớm muộn cũng xua quân đánh đòn phủ đầu dứt điểm mối nguy ngại của tiền triều tại dải đất miền Trung. Để đại nghiệp có thể thuận buồm xuôi gió, để những tổn thất về người và của trong tương lai gần không phải đổ sông đổ bể, chủ tướng Nguyễn Huệ cần đảm bảo ba quân cùng hướng về một đích đến.

- Ngươi có thể cảm thấy nội tâm bị dằn xé dữ dội, cảm thấy hành động thực tế và nguyên tắc sống có sự xung khắc, triệt tiêu lẫn nhau. Nghe này, ta không cần biết đã có chuyện gì xảy ra với ngươi nhưng nhớ kỹ rằng ngươi là một người lính thuộc về phong trào. Phe của ngươi là ở đây. Nếu đã chấp nhận điều đó rồi thì hãy toàn tầm toàn ý mà phục vụ, những biểu hiện khó chịu, dùng dằng, nửa vời luôn là biểu hiện của kẻ phản trắc nghịch thần.

Tây Sơn tiếp thu từng chữ, gật gù cho rằng những lời chủ tướng dặn dò là hợp lý, là đúng đắn. Dâng hiến tất cả tài năng, sức lực, của cải và cả ý chí, cả trái tim cho phe phái của chính mình, đó chính là biểu hiện của lòng trung hiếu. Nếu một lòng trung thành với phong trào thì Tây Sơn chỉ có lỗi với phe còn lại còn nếu như cứ trung lập, mãi đứng trên lằn ranh chia cắt hai bên không chịu bước đi thì Tây Sơn đã phụ bạc tất cả mọi người, có tội với cả hai phe.

- Dâng hiến tất cả cho phong trào Tây Sơn! --- Tây Sơn nắm chặt thanh đao trên tay. --- Đa tạ chủ tướng đã cất công dạy bảo.

Đúng vậy, như thế này là hợp lý nhất rồi.

Năm Cảnh Hưng thứ 38 [1777] (Đại Thanh Càn Long năm thứ 42)

Thuận Hóa, Đàng Ngoài, Đại Việt.

Người ta nói, Chính Dinh nơi chúa Nguyễn từng ngự trị có 7 cửa ra vào tất thảy, duy chỉ có cửa dẫn ra sông Hương là được trang hoàng lộng lẫy nhất, phía trên có vọng màu tía màu son canh giữ một trời tấp nập thuyền ghe. Cũng tại cửa ấy, hàng loạt bảng cáo thị ngắn dài được dán ngay ngắn trên chiếc bảng gỗ đã có phần mốc meo. Dân tình đi qua đi lại hiếu kì đứng lại chỉ trỏ bao điều lệ mới mẻ do người của chính quyền mới biên soạn ra. Là luật của Đàng Ngoài. 

Mực viết trên giấy chưa kịp thấm đã bị lòng đỏ trắng lẫn lộn của trứng ung kéo chảy xệ xuống, thật loang lổ, bừa bãi, trông giống giấy vệ sinh hơn là một chiếu chỉ của vị vương giả nào ban xuống. Lính canh phòng đứng gần đấy giật bắn mình, liên tục ngó xung tìm con chuột nhắt nào dám phá hoại của công giữa thanh thiên bạch nhật. Huýt vai người này, quát tháo người kia một hồi thì cũng lôi ra một thằng ăn mày lem luốc mặc mỗi cái quần rách nát. Tên lính canh phòng kia bắt tại trận lúc nó có ý định ném thêm một quả trứng nữa vào bản cáo thị kia, cũng may hắn nhanh nhẹn đánh cho nó một gậy vào tay, hất quả trứng xuống vỡ tung trên đất. 

- Ranh con! Chỉ biết quậy phá!

- Sao nào? --- Cậu trai kia gân cổ lên cãi lại. --- Nếu không muốn tao ném cho thêm mấy quả thì chúng bay liệu hồn mà cút về đi!

- Xấc xược! 

Người lính canh quất cây gậy vào lưng khiến cả cơ thể bất thình lình co giật, cậu ta lăn lộn trên đất, gồng cả cơ thể gầy gò lên mà chống chọi cơn đau. 

- Tao cho mày một gậy để mày chừa, ranh con! --- Người lính chĩa cây gậy vào mặt cậu mà đe dọa. --- Biến đi, đừng có mà làm loạn với ông!

Cậu trai trẻ bấu móng tay vào tấm lưng trần đã rỉ chút máu, run rẩy chống tay đứng lên đầy khó nhọc. Có vài người đàn ông ái ngại chạy đến đỡ lên, còn mấy người đàn bà tay xách giỏ, tay chống nạnh mắng cho nó chừa cái tật khi không gây chuyện. Mà gây chuyện ở đâu không nói, đây lại dám chọc đến triều đình, nhẹ thì bị đánh, nặng thì bị giam trong nhà lao, suy đi tính lại chẳng thấy cái lợi đâu, đúng là ngốc hết thuốc chữa. 

- Theo phong tục Bắc Hà? --- Cậu ta nghiến răng. --- Chuyện ngược đời vậy mà cũng dám viết ra thành con chữ cơ đấy!

Người lính ban nãy nghe vậy thì xua mấy người đàn ông kia tản ra, tay hắn nâng ngược cằm cậu lên, mỉa mai:

- À, mày biết chữ à? Ăn mày mà cũng biết chữ cơ đấy.

- Người quân tử phải đi học để làm quan. --- Cậu nhìn thẳng vào người đối diện. --- Nếu chúng bay không xuất hiện thì thầy tao đã dạy xong Tứ thư Ngũ kinh rồi! Phá hoại! Cứ chờ đi, khi mà tao trở thành quan của chúa Nguyễn, tao sẽ đuổi tất cả lũ chúng bay ra khỏi đô thành!

Tên lính ôm mặt cười thành tiếng.

- Làm quan? Cho ai cơ chứ? Tao nói mày nghe, tụi nó sớm muộn gì cũng sẽ bị chém hết thôi. Gia Định thành sẽ trở thành mồ chôn chính chúng nó.

Xứ Gia Định, Đàng Trong, Đại Việt.

Giờ Ngọ là khoảng thời gian giữa trưa, tương đương với khoảng 11 đến 13 giờ ở thời hiện đại, khi ấy cái nóng lên đến cực điểm, ánh nắng đến rát bỏng da thịt xâm phạm từng con đường, lối nhỏ. Chính trong khung giờ Ngọ, người xưa lấy khắc thứ ba làm thời điểm Mặt trời phóng lên cao đứng trên đỉnh vạn vật và bóng tối thu mình sợ sệt dưới gót giày bao người qua lại, khi ấy đồng hồ gần điểm 12 giờ trưa, dương khí đạt cực đại thiêu đốt âm khí của người tử tù. Xã hội phong kiến khi xưa chọn giờ Ngọ ba khắc làm thời điểm hành hình cốt để đàn áp phần âm khí nặng nề của oán linh vừa mới bị xử chém, xua tan mây mù từ âm ti và bảo vệ an nguy cho đoạn đầu đài. Không những vậy, ánh nắng bỏng rát của giờ Ngọ ba khắc sẽ cầm chân người dương gian ở trong bóng râm dưới mái hiên nhà mát mẻ, họ sẽ ngại đến pháp trường để rồi chứng kiến những hình ảnh không mấy xinh đẹp. Thời điểm đao phủ vung nhát chém tột cùng là một cảnh tượng ghê sợ, vậy mà từng có rất nhiều người muốn một lần chứng kiến cái quyền uy của sự thống trị. Hôm nay, quyền lực thống trị kia lại vỡ vụn, quỳ gối trước công cụ mà mình đặt ra. Mặc cho nắng nóng cực đoan, mặc cho âm hồn thét gào vì máu chảy đầu rơi, hàng trăm, hàng ngàn con người từ nội thành và khắp vùng ngoại thành Gia Định chen chúc nhau xem cảnh đầu chúa lìa khỏi cổ.

Binh hùng tướng mạnh đã không thể bảo vệ được nhà chúa, Gia Định thành rộng lớn cũng chẳng thể giấu nổi tung tích của tiền triều. Trong năm nay, từng người một trong chính quyền lung lay này đã ngã xuống khi mà trong tay họ vẫn còn nắm chặt thanh gươm và trái tim vẫn nhuộm màu phẫn nộ. Có một thanh đao càn quét mọi ngõ ngách xứ Gia Định, chém phăng cả những tấm khiên từng một đời vỗ ngực xem mình là chắc chắn nhất, bàn cờ dần vắng bóng quân, đến cuối cùng chỉ còn một vị tướng sừng sững đứng giữa trời đất và không ai dám thách thức quyền lực của y. Nhà chúa Nam Hà đã bị bắt và theo như cách lập luận của người hiện đại thì có lẽ cái chết của họ chính là những viên gạch đầu tiên xây dựng chiếc cầu nối liền Bắc - Nam. Nhưng mà những con người thuộc thời đại ấy làm sao mà vui vẻ cho nổi? 

Khoai đưa mắt nhìn xa ngoài kia khỏi chiếc lồng sắt chật chội nơi có khu chợ huyên náo văn minh, có cánh đồng thơm mùi lúa chín, có cả sự tự do êm dịu sau những thế kỷ chôn thây dưới nhà tù biển khơi. Phải rồi, nó là tù nhân của biển cả, nơi có ngàn con sóng vỗ tung bọt trắng xóa ngoài kia là nỗi ám ảnh cứ đau đáu trong tim. Đáy biển tĩnh lặng khiến lòng nó chẳng yên, vị muối mặn chát lấp đầy khiến đôi mắt cay xè và mọi cảnh vật nhạt nhòa vô vị, Khoai đã ở đấy cô đơn qua hàng thế kỷ mà chẳng hề có một chút ký ức nào về cuộc đời mình trước khi bị trấn dưới "thủy lao". Dần dần mực nước biển thay đổi, lục địa trồi lên như cây xé đất vươn lên bầu trời và hình thành một vùng đất đầm lầy độc. Dù vậy, nơi này đã dần rộn ràng hơn, thú dữ cùng chim muông inh ỏi gọi nhau khiến nơi này bớt chút tĩnh mịch ngạt thở. Sau đó, con người ghé qua, bao sắc tộc, bao dòng họ nối đuôi nhau đến và lưu lại trên mảnh đất xấu xí này, họ lập làng lập ấp, chăn nuôi trồng trọt trên những bãi đất hoang vu, lời ra tiếng vào tại khu chợ đông vui buôn bán bao loại hàng hóa mà Khoai chưa từng thấy. Khoai dưới làn nước sâu cũng cảm nhận được một chút năng động trên mặt đất, nó tò mò muốn ngoi lên xem mọi người đang làm gì, muốn xem thử thế giới này trông ra làm sao và liệu bản thân nó có thể là một thành viên của thế giới này không. Khoai vùng vẫy mãi nhưng nó không thể di chuyển. 

Rồi từ trong bóng đêm, nó cảm nhận được một chút hơi ấm, một chút dịu dàng mềm mại chạm vào người và nhấc bổng nó lên khỏi đáy bùn xiềng xích, khỏi "thủy lao" nghìn năm tuổi. Lần đầu tiên nó bắt gặp ánh sáng Mặt trời rực lửa và vầng thái dương lấp lánh rạng rỡ trên nụ cười của Nguyễn gia. Nó đã được tái sinh và sống một cách tự do tự tại bên những người thân yêu, cùng họ ngắm nhìn giang sơn hùng vĩ. Giờ đây nó sắp bị hành quyết, như bao người thân khác trong gia đình, nó sẽ phải từ bỏ kiếp sống này. Liệu nó có chết không hay lại mở mắt ra cảm nhận vị mặn mà cay xè của biển cả? Liệu đây có là một giấc mơ dài của nhận thức mơ mộng rong ruổi theo cơn gió trong khi bản thể vẫn trói mình nơi vực sâu? Đến cuối đời Khoai mới nghiêm túc ngẫm lại những điều ấy, cuộc đời như giấc mơ này thực hay ảo, liệu nó có thật sự tồn tại không và nó tồn tại nhằm mục đích gì? 

- Hành quyết! 

Chiếc đao đầy máu người thân quen được nâng lên cao, Khoai nghe không rõ những lời xì xầm to nhỏ khắp tứ bề. Không biết có phải do trời quá nắng hay chính nó cũng đã buông bỏ mà dường như thế giới trước mắt nó mờ nhạt đi, từng âm vang trong không khí cũng vơi dần vơi dần, ngay cả chiếc xích quấn quanh người nó khi cự quậy vẫn không vang lên chút tiếng động. Khoai đã chuẩn bị cho một lời chia tay thanh thản với cuộc đời quá nhiều biến động. Nó mang ơn Nguyễn gia từ những ngày đầu tiên, như một đức Phật hiền từ ngự trên đài sen, y đã cho nó cơ hội được tái sinh và sống một đời có ích. Được cả dòng họ Nguyễn Phúc chăm non, yêu thương chính là một món quà ấm áp nhất mà nó từng được nhận. Bằng chính đôi mắt này ngắm nhìn giang sơn diễm lệ có núi cao, sông dài, biển rộng, cánh đồng lúa phì nhiêu đó là một diễm phúc to lớn khi thị giác may mắn chưa bị nước biển ăn mòn. Một cuộc đời tua nhanh trong tâm trí nó và dừng lại khi hai bóng hình ẩn hiện sau lớp sương mờ. Dáng hình cao lớn với bàn tay chắc nịch cầm thanh đao im lặng đứng đó làm nó thấy rợn người, Tây Sơn hiệu tiền phong tướng quân Nguyễn Huệ, nó sẽ không bao giờ dám quên tên người đó. Bóng hình còn lại trông nhỏ nhắn hơn thuộc về một cậu thiếu niên nhưng nét mặt đã phủ đầy bụi hồng trần, đôi mắt ủ dột cụp xuống đầy mệt mỏi sau bao ngày khổ sở để sinh tồn. Khoai gọi cậu ấy là Hoàng tôn Ánh. 

- Ta sẽ đợi ngươi.

Hoàng tôn Ánh ngẩng đầu, đôi mày khắc khổ cố đanh lại đầy kiên cường khiến người ta xót xa. Khung cảnh trắng muốt buồn tẻ xung quanh cậu cũng dần bị đốt cháy bởi sự kiên định kia, tạo thành bãi chiến trường sau đợt càn của quân địch khi mà xác người vẫn còn nằm chỏng chơ chưa có ai chôn cất và ánh lửa bập bùng của thuốc nổ vẫn còn bén trên lớp quân phục, lùm cây. Cuộc chia tay với quân của Định vương trong trí nhớ của Khoai dường như được tô vẽ cho ghê sợ hơn gấp bội nhưng duy chỉ có bóng hình cùng lời hẹn của Hoàng tôn Ánh là vẫn như trước kia. Vẫn khuôn mặt tràn đầy sự quyết tâm ấy, vẫn chất giọng dịu dàng mà mạnh mẽ kia, tất cả được tái hiện ngay trước thời khắc hành quyết. Hoàng tôn Ánh sẽ đợi nó ở một nơi an toàn và khi nó quay trở lại tìm thì hai người sẽ dựa vào nhau mà sống và báo thù. Trong một khắc cuối cùng của cuộc đời, Khoai không còn muốn buông xuôi nữa. 

- Rồi ta sẽ còn quay trở lại! 

Mùa Xuân, năm Mậu Dần đời Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế (Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu) [1698] (Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ 19, Đại Thanh Khang Hy năm thứ 37), triều đình cử Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Cao Miên, lấy Nông Nại làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn (Sài Gòn) làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn. Chính thức xác lập chủ quyền của Đại Việt trên vùng đất mới tại Nam Bộ. Năm ấy, triều đình cũng đào được thứ "khoai" lạ lùng, nó biết nói, biết cười và sẵn sàng chiến đấu vì dòng họ Nguyễn của Đàng Trong. 

Ánh sáng chiếu vào khiến đôi mày đanh lại khó chịu, sắc trời đã rõ ràng hơn khi từng tia nắng đầu tiên tỏ rõ những ngọn dừa cao lêu nghêu hai bên bờ con rạch. Sáng rồi, trời đã sáng, Khoai lồm cồm bò dậy sau một giấc ngủ dài, không biết có phải do cảm lạnh không mà hôm nay nó thấy nhức mỏi quá chừng, mà không phải nhức mỏi thông thường, cái cảm giác mà Khoai đang chịu đựng như là có ai đó xé nát da thịt nó ra rồi chắp vá lại, di chuyển là lại đau. 

Khoan đã, tại sao nó còn di chuyển được? Nó chết rồi kia mà?

Những kỷ niệm cùng người cha đáng kính và nhà chúa, bao ký ức về những ngày khói lửa chiến tranh hóa thành một cơn lũ tràn khắp tâm trí Khoai. Nó vẫn còn nhớ, nhớ rất rõ là đằng khác, buổi hành hình vào đúng giờ Ngọ ba khắc hôm ấy chính là lúc nó lìa khỏi cõi đời, lưỡi đao đã bổ nó ra làm đôi, cái đau thấu tâm can ấy không thể nào là một giấc mơ. Vậy thì ai đã cứu nó và rồi ném nó giữa chỗ đồng không mông quạnh này? Những người khác sao rồi? Định vương, Tân Chính vương, Hoàng tôn Ánh! Khoai phải gặp lại họ, Khoai cần biết là họ có ổn không! 

Thân dưới của Khoai bỗng nặng nề như đeo chì, mỗi khi di chuyển lại đau như đang bước đi trên vạn con dao đâm thẳng lên trời khiến nó không thể nào nảy tự do như trước. Quay đầu nhìn lại bản thân nó bỗng thấy bản thân có chút đổi khác, không còn hình dạng tròn tròn bụi bẫm như củ khoai, thân thể của nó bây giờ cao lớn và nhiều chi tiết hơn hẳn và cái thứ mà nó vừa dùng để nâng cả cơ thể lên là một đôi chân.

- Cái gì thế này!?! Đây là ... chân!?! Và ... tay!?! --- Khoai bật dậy hoảng loạn múa máy tay chân xem chúng có thật sự được gắn chặt trên người nó không. Đoạn, ngó nghiêng xem một số bộ phận khác mà nó chưa từng thấy bao giờ. --- Thứ dài dài kia là gì thế nhỉ? 

Cố gắng giữ cho lục phủ ngũ tạng không dậy sóng nhưng Khoai không sao bình tĩnh nổi. Cũng phải thôi, cơ thể của nó hiện giờ khác hoàn toàn so với trước kia. Không còn chỉ là một quả bóng tròn mà giờ đây nó sở hữu cơ thể của một người trưởng thành, mà cơ thể này còn trần như nhộng, thật kỳ dị. Đây có phải là nó không hay linh hồn của nó đã vô tình nhập vào một người đàn ông tội nghiệp nào đó. Càng nhìn nó càng thấy dị hơn, nước da của nó không giống bất kỳ người nào nó từng thấy, màu xanh biếc này giống với Nguyễn gia. Khoai gắng bò lại gần con rạch để soi tỏ khuôn mặt của mình, làn nước vẫn đủ trong để nó nhìn ra nhan sắc kỳ lạ mà mình đang sở hữu. Ký hiệu trên khuôn mặt nó rất giống Nguyễn gia, chỉ là không còn chữ "阮" ngự trên đó. Nhan sắc của nó cũng hao hao Nguyễn gia nhưng vẫn có thể dễ dàng phân biệt giữa cha con nhà họ, tổng thể khuôn mặt cũng dễ nhìn, có nét thư sinh và mang một chút ngây thơ của một tấm chiếu chưa từng trải.

Một chút hân hoan trong lòng vì nó có thể làm được nhiều việc hơn với cơ thể mới này, dù vậy Khoai vẫn thấy không quen, nó cần thời gian để học và thực hành thêm để thuần thục cơ thể mới. Cơ thể mới đồng nghĩa với một mục tiêu, định mệnh mới cao cả hơn, những gì chưa làm được ở kiếp trước thì tại kiếp này Khoai thề rằng sẽ đem cả bản thể và linh hồn của mình ra để hoàn thành. Không còn là một vật tròn tròn không tên không tuổi, mang trên mình họa tiết của quốc kỳ chúa Nguyễn thì nó chính là người của nhà chúa. Mà đã là người của nhà chúa thì nó phải phụng sự cho lợi ích của nhà chúa cho đến lúc Khoai nếm trải cái chết một lần nữa.

Nhưng trước khi nghĩ đến những điều vĩ đại, nó kỳ thực cần tìm một bộ y phục để khoát lên cơ thể trần như nhộng này. Cứ để thế này thì có chút ngại thật.

--- THE END---

-----------------------------------------------------------

Chú thích:

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn. (2001). Đại Nam thực lục - Tập một (Viện sử học, dịch). NXB Giáo Dục. (Bản gốc hoàn thành năm 1909). tr.182

[2] Đại Nam thực lục - Tập một, tr.183

[3] Sử gia chúa Trịnh. (2009). Tứ bình thực lục thời chúa Trịnh. (Đinh Khắc Thuần & Hồng Phi dịch). NXB Văn hóa - Thông tin. tr.202

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn. (1998). Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (Viện sử học, dịch). NXB Giáo Dục. (Bản gốc hoàn thành năm 1881). tr.935

[5] Đại Nam thực lục - Tập một , tr.184

-----------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc sử quán triều Nguyễn. (1998). Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (Viện sử học, dịch). NXB Giáo Dục. (Bản gốc hoàn thành năm 1881).

https://drive.google.com/file/d/0B_tgXQd77XPeS3ZVUjNnN0NGT3M/view?resourcekey=0-YUlzsAP_xVBwR47cXbEvvw

2. Quốc sử quán triều Nguyễn. (2001). Đại Nam thực lục - Tập một (Viện sử học, dịch). NXB Giáo Dục. (Bản gốc hoàn thành năm 1909).

https://thuvienhoasen.org/images/file/vNkae_vW2QgQAH59/vn-dai-nam-thuc-luc-1.pdf

3. Trịnh Hoài Đức. (2019). Gia Định thành thông chí (Phạm Hoàng Quân, dịch, chú và khảo chứng.). NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. (Bản gốc được hoàn thành năm 1820).

4. Tạ Chí Đại Trường. (2017). Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802. NXB Tri Thức.

5. Sử gia chúa Trịnh. (2009). Tứ bình thực lục thời chúa Trịnh. (Đinh Khắc Thuần & Hồng Phi dịch). NXB Văn hóa - Thông tin. 

https://vietsu.org/tu-binh-thuc-luc-thoi-chua-trinh/

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro