Chương 5: Thương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

___

China không thích Soviet.

Đúng hơn thì, hai người không thích nhau

Dù rằng đã có một khoảng thời gian, hai người khiên cưỡng tạo nên kí ức rất đẹp. Nhưng bởi vì không thể cùng chung hướng lối, cũng chỉ có thể bỏ mặc nhau.

Y tham lam, cái gì cũng muốn giữ cho riêng mình. Tưởng chừng sau cách mạng và kháng chiến, y sẽ đả thông tư tưởng, được chân lí chiếu rọi tâm hồn, gột rửa sạch sẽ những gì thật trái ngang và nhem nhuốc. Nhưng không.

Y đã bị chiến tranh nuốt chửng, đã bị những tư tưởng phong kiến cổ hủ, bảo thủ và những cuộc chiến tranh nửa vời, dai dẳng, vô vọng nuốt chửng, bủa vây. Y chìm dưới bùn lầy quá lâu, đã không thể trong sạch thêm lần nữa. So với gã tìm thấy ánh sáng trong vực thẳm, y nhúng chàm.

Thế nên y tuyệt vọng.

China níu kéo tất cả những gì có thể níu kéo, trói buộc tất cả những gì y đã từng sở hữu. Tham vọng to lớn kia đã hoá thành bức tường ngăn cách giữa y và gã, cho đến tận sau này mãi không buông bỏ được.

Mà Soviet, lại chính là một cản trở với y.

Người đứng về bên gã. Đứng cả về bên người nọ. Từng chút một rời khỏi y. Soviet thời điểm ấy cũng đã chán ngán với sự vùng vằng của China. Người không phải ngoại lệ của y, nên y càng không kiêng dè dù chỉ một chút. Điều này cuối cùng dẫn đến mối quan hệ tan vỡ.

Câu chuyện kết thúc.

___

Gã lại ngồi hút thuốc bên hiên nhà. Phố xá vẫn tấp nập người qua dù đã nhá nhem tối. Đèn đường sáng rỡ bật tự bao giờ, chiếu sáng rỡ những đỉnh đầu rối bù sau một ngày làm việc mệt mỏi. Tiếng còi xe bin bin nhức óc liên hồi lấp đầy khoảng không trong lòng gã. Ánh chói vụt qua lại liên tục, cái cũ kĩ trầm ổn nghiêm nghị ban ngày bị phá vỡ hoàn toàn. Một chút khói bụi không làm ô nhiễm xế tà. Không gian thoáng đãng mát rười rượi, mà gã lại thấy nao nao.

- ''Anh, đừng hút nữa.''

Laos không biết từ bao giờ đã xuất hiện ở phía sau, dùng chân trần đá nhẹ vào eo gã. Giọng nam không quá cao, ấm áp cất lên nhẹ nhàng nhắc nhở không làm gã giật mình. Cậu mặc nguyên xi trang phục đi học đơn giản, vai trái lủng lẳng một chiếc cặp không nặng lắm. Trông thật dáng tri thức ôn hoà, dù những vết sẹo lấm tấm nửa mặt  gớm ghiếc đến mấy cũng không phai nhạt đi ấn tượng rất hiền lành. Hiển nhiên là vừa mới về vào nhà từ cửa sau.

Thời chiến, Laos bị thương tích nặng. Một nửa gương mặt cùng một con mắt cứ thế bị tàn phá thảm thương, phẫu thuật gắp mảnh đạn xong ngoại hình cũng không khá khẩm hơn là mấy. Nhưng ngay cả cậu cũng không để ý nhiều. Bọn họ đều đã lớn cả, cùng chiến đấu, chơi vơi giữa bờ vực sinh tử đã hàng trăm ngàn lần, còn quý báu gì chút nhan sắc ưa nhìn nữa. Chiến tranh kết thúc, chằng chịt vết sẹo không biến mất, Laos tham gia xông pha từ sớm, không có bằng cấp học hành bài bản. Vì vậy, sau khi ổn định hoà bình một thời gian, Vietnam thương cậu thiệt thòi, xách nách cậu sang nước mình hoàn thành đại học. Laos còn trẻ, có quá tuổi thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gã lấy đủ loại lí do rủ rê cậu rối rít, rước thêm một bạn nhóc về nhà.

- ''Sao không đi dép vào?''

Gã không trả lời, ngược lại càu nhàu. Thu chuyển giao muộn, nhưng năm nay thời tiết không nóng ấm như mọi khi, thành ra lạnh se tới dần mọi người cũng chẳng để ý. Không rét run cầm cập, nhưng nếu chú trọng sức khoẻ thì mặc áo dài tay là thích hợp nhất.

Laos đi chân trần, cậu không có da thịt ấm áp. Ngón chân lạnh ngắt chạm nhẹ vào eo gã, cách một lớp vải mỏng tang hoàn toàn cảm nhận được.

-"Em không thấy dép. China vừa đến đây ạ? Em nghe hàng xóm kể trước có một người Hoa hỏi đường tới đây."

Mối quan hệ của cậu với y, thật lòng mà nói, cũng như của y với gã. Nói là không thích thì không phải, mà yêu quý cũng chẳng đúng.

Vietnam, khi thời cuộc hoà bình rồi, ở trong một căn nhà dân thân thuộc. Kể ra thì rất dài, nhưng thoạt qua thực sự giản dị, không dính chút mùi xa xỉ kiêu kì. Gã bình đẳng, không khoe mẽ, ở ẩn nên muốn liên lạc chỉ có thể thông qua con đường ngoại giao chính trị. Mà muốn tìm tới trực tiếp thì phải tự mò ra, hoặc chờ gã chủ động mời tới.

Gã không tò mò vì sao China có thể tìm ra chỗ ở của gã. Hoặc là nhờ người điều tra, hoặc là lần mò bằng cách nào đó. Dù sao thì cái quỷ gì mà con cáo già đó chẳng thực hiện được, tìm không ra gã mới không phải China. Gã đã tiếp xúc với những tính toán của y nhiều tới mức không còn bất ngờ nữa.

-"Ừ."

Laos hơi bĩu môi, không hỏi sâu thêm. Gã không dịch sang cho cậu đặt mông ngồi xuống. Hoặc là đuổi cậu, hoặc là không cho cậu đặt chân xuống nền gạch lạnh buốt. Chỉ thấy gã đang ngồi lại hơi cúi người, đặt lên sàn đôi dép kế bên chỗ cậu đứng. Là dép của gã.

-"Anh đừng hút nữa. Nghĩ làm gì cho nhiều."

-"Ừ."

Nhưng gã vẫn chẳng dập thuốc.

.

.

.

Không sai, có gì phải nghĩ cho một kẻ khốn nạn mưu mô, từng không tiếc thương vùi dập bản thân trong đau đớn? Tội lỗi chồng chất, giả nhân giả nghĩa, y cút xa một chút mới là may cho gã. Gã còn hi vọng cái gì, níu kéo hình tượng một đồng chí đã biến hoá quá xa? Tới ghét còn chẳng hết nữa là. Tất thảy đã đủ lí do để hận thấu xương rồi.

Nhưng gã vẫn chẳng dập thuốc.

Bởi một cảm giác gì đó cứ man mác và canh cánh trong lòng.

Không phải thương. Không còn thương nữa.

Gã thực ra vẫn nhớ.

'Bởi chúng ta, vẫn còn thương nhau cơ mà.'

Thương không phải, không nhất thiết là yêu. Người ta định nghĩa chữ yêu, nhưng giải thích từ thương lại quá mập mờ. Huống chi là cái "thương" của riêng họ, thấu hiểu thì nhẹ mà thấu cảm thì xa.

"Chúng ta" về sau chẳng còn là "chúng ta" nữa. Con người thay đổi nên từ ngữ cũng thay đổi, duy chỉ có chữ "thương", không một hạn mức tình cảm, cứ mập mờ không rõ.

-". . .Phải không? Nhưng ta hết thương nhau rồi."

Có một giọng ngọt nhạt từng thủ thỉ như thế.

Thế nào thì là "thương"?

.

.

.

-"Vào ăn cơm đi. Phần cậu đấy."

Nghe gã gạt phăng lời nhắc nhở lần thứ hai, cậu không ép buộc nữa. Dù sao thì mồm gã, ai ngăn được gã hút đâu. Laos thở dài, bỏ cuộc.

Cậu lười biếng mang dép trong nhà vào.

Ấm hơn hẳn.

-"Không nhắc nổi anh nữa."

___

-"Anh."

Có tiếng gọi, nhưng gã không đáp lời.

Mưa ngớt, tạnh dần. Rừng rậm rạp vì thế đỡ lạnh hơn. Lửa trại bập bùng đỏ rực, củi hơi ngấm nước nên khói bay lên ngùn ngụt. Không khí ẩm thấp thoảng mùi đất ngòn ngọt và sương đêm trong veo. Trăng cao tỏ hơn bao giờ hết, vằng vặc trên trời đêm u tối, yên bình đến lạ trong những năm tháng khói lửa mịt mù.

-"Này, nếu sau này đất nước giải phóng, mày có yêu không?"

-"Tao sẽ học đại học."

Cuộc trò chuyện mà gã bỏ ngoài tai tiếp đó là của một anh lính và cậu. Trong khi Vietnam thẫn thờ đưa mắt theo bóng dáng của chàng quân y ngoại quốc kia, thì Laos lí nhí thỏ thẻ về ước nguyện ấp ủ trong lòng. Nếu sau này, nước anh, nước cậu, nước gã, nước của tất cả mọi người đều hoà bình rồi, thì cậu sẽ ước tiếp, rằng bản thân "sẽ học đại học".

Cuộc trò chuyện không phải giữa gã và người nọ, mà là cậu và thiếu niên ấy.

-"Chán bỏ xừ. Đằng nào cũng biết chữ rồi. Chưa từng yêu ai à? Trông mày non nớt vãi cả."

-"Em không muốn được nhiều như thế."

Cậu cười trừ, không muốn trả lời những câu hỏi này. Người nọ ngậm miệng một lúc lại niềm nở trò chuyện tiếp. Ngoại quốc cũng được, đồng hương cũng được, hiểu nhau để hàn huyên thôi là đủ rồi.

Tuổi trẻ thực ra không dài, chỉ có vết tích thời gian để lại là vĩnh viễn. Người lính kia tháng sau ra trận bị bom nổ tan xác, người thương chờ mãi cũng không thấy anh về thăm nữa. Cũng trong trận chiến giành về từng tấc đất đầy khốc liệt, Laos bị mù một bên mắt, một nửa khuôn mặt chằng chịt sẹo sâu.

Tuổi trẻ thực ra không dài, nhưng đủ để nhiều lần cố gắng vì những điều cả đời này vẫn mơ.

Cùng là những người đã yêu, đã ước, đã tồn tại.

Để sống, để chết, cho để đời như thế.

Những câu chuyện dang dở mãi chôn vùi dưới họng súng bỏng nóng, ngòi pháo đỏ rực. Chúng là chứng tích của một đời, một đời, trong những vết thương lòng, trong cả một cuốn nhật kí cháy xém đã vĩnh viễn bị lãng quên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro