Chap 3: Ấu trùng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mẹ mất từ năm tôi lên sáu.

Và bây giờ, tôi đang đứng trước mộ phần của bà, với một bó cúc vàng ươm mới mua. Đây là bình hoa đầu tiên tôi có thể tận tay cắm cho mẹ sau chừng ấy năm xa cách.

Nghĩ đến chuyện mẹ phải chịu cảnh cô đơn lẻ bóng sau chừng ấy năm dưới chín tấc đất trống vắng lạnh lẽo, đáy lòng tôi lại dấy lên một cảm giác chua xót không lời. Phần là áy náy, phần là lo âu.

"Sau tất cả những biến cố đã qua, con gái của mẹ chẳng còn giống như xưa nữa rồi."

Hương đã tàn khói từ lâu, mà chẳng hiểu sao khoé mắt tôi lại cay đến lạ. Cay xè ẩm ướt. Ừ, là cay đắng thay cho một kiếp bán nghệ hẩm hiu. Thương thay cho phận hồng nhan yểu mệnh, buồn thay cho đoá hoa xuân chưa rộ đã tàn.

Đời người ngắn ngủi, có điều gì đáng để ngoảnh mặt lại và thốt ra hai chữ "tiếc nuối" không?

Là chấp niệm day dứt khó buông, hay là mảnh quá khứ đã vô tình đánh rơi trong hồi ức?

Tôi cũng có nhiều điều để hối hận. Một trong số đó có lẽ là không được gặp mẹ lần cuối. Lời vĩnh biệt đành ngậm ngùi cất sâu trong lòng, thỉnh thoảng đem ra tưởng niệm người đã khuất. Ít nhất thì giữa thế gian rộng lớn, trái tim tôi vẫn mang trọn vẹn hình bóng của bà. Bạn biết đấy, cái chết chỉ thực sự đến khi không ai nhớ về sự tồn tại của bạn.

Tôi lướt đầu ngón tay lên di ảnh, lặng lẽ thở dài. Có nhiều thứ thay đổi quá, kể cả dáng vẻ vô ưu vô lo hồi ấy cũng vậy.

Thời gian trôi nhanh thật.

Nhớ lại hôm bà mất, tôi vừa mới đi học về cùng bài kiểm tra đạt điểm tuyệt đối. Tôi muốn khoe mẹ thành tựu đầu đời đạt được. Trong trí tưởng tượng của tôi, bà sẽ nở một nụ cười đôn hậu, xoa đầu tôi rồi nói rằng bà yêu tôi vô ngần. Chỉ nghĩ tới đấy thôi là trái tim trẻ thơ đã háo hức đợi chờ. Sau đó tôi sẽ mang thêm nhiều, thật nhiều bài kiểm tra điểm cao về nữa để mẹ có thể cười vui vẻ mãi mãi. Phải học thật giỏi để trở nên giàu sang phú quý. Tôi muốn mua cho mẹ tất cả những gì tốt đẹp nhất mà tôi biết. Tương lai tôi ước, hai mẹ con sẽ cùng nhau sống trong một ngôi nhà nhỏ xinh xắn, yên bình tận hưởng những khoảnh khắc đẹp đẽ đáng nhớ trên thế gian. Cuộc sống như vậy, trong nhận thức của đứa bé non nớt như tôi là quá đủ rồi.

Nào ngờ, thứ chào đón tôi khi bước vào nhà lại là một chiếc xe cấp cứu đậu trước cửa và thân xác héo tàn của mẹ gói ghém trong tấm vải trắng được bọc cẩu thả. Sở dĩ tôi biết đó là bà, bởi, nơi cổ tay gầy guộc lộ ra có đeo sợi dây bện bằng len mà tôi mới mày mò tập đan cho mẹ từ tuần trước. Bên cạnh bà, là đoạn dây thừng oan nghiệt còn rơm rớm máu tươi. Chẳng khác nào một con rắn độc thâm hiểm dài ngoằng chỉ chực chờ đợi người ta bất cẩn là quăng mình xâu xé.

Cả hai sợi dây đều trói mẹ tôi chơi vơi giữa sự sống và cái chết. Nhưng có lẽ, tình yêu tôi trao không đủ lớn để lấp đầy khát khao được tử thần cứu rỗi của bà.

Ánh mắt tôi bất chợt va vào sợi dây len, lại một lần nữa. Mẹ đã cười rất nhiều vì món quà nhỏ ấy. Bà cứ đeo nó khư khư trên tay, cho tới tận lúc giã từ cuộc sống.

Nhưng bằng đầu óc non nớt bấy giờ, tôi vẫn đinh ninh là mẹ đang say giấc. Trẻ con vốn không hiểu chuyện, khi cần tìm đáp án cho bất cứ điều gì, chúng sẽ đem thắc mắc ấy đi hỏi những người lớn tuổi hơn. Và tôi cũng vậy.

Nhưng mọi người bảo, mẹ tôi chỉ đơn giản là đang ngủ.

Thế thì bao giờ mẹ sẽ tỉnh lại? Trực giác mách bảo, có lẽ chúng tôi sắp phải chia xa trong một thời gian rất dài.

Và bà có thực sự ổn không? Tại sao bác sĩ và xe cấp cứu lại xuất hiện ở đây?

Tôi bối rối nhìn mọi người xung quanh tìm kiếm câu trả lời, nhưng đổi lại là bầu không khí não nề rùng rợn. Mặt ai cũng sầm xuống u uất, còn nước mắt thì ầng ậc rơi trên gò má đã điểm hồng sắc phấn.

"Kiyomi!"

Bà ngoại ngoắc tay kêu tôi lại gần. Tôi sà vào vòng tay bà, trốn tránh hàng chục cái nhìn ái ngại từ những người xung quanh. Ánh mắt dò xét kì quặc của họ làm tôi sợ.

"Bà thương con lắm! Từ giờ con phải chịu khổ rồi..."

Tôi ngơ ngác đứng chôn chân tại chỗ, vì sao bà lại khóc? Tôi chẳng biết nên nói gì. Nhưng khi nhìn vào khuôn mặt hiền từ của bà, trông thấy đôi mắt hằn dấu chân chim ngập ngụa lấy là những thương cảm xót xa, tôi đã vô thức rơi nước mắt theo. Tôi không đủ nhạy cảm để hiểu được chừng ấy tâm tư suy nghĩ chồng chất đè nghiến lên vai bà, nhưng những giọt lệ vừa rồi đã chạm tới một nơi nào đó, sâu thẳm trong trái tim tôi.

Chạm vào nơi nào đó, mà tôi lúc bấy giờ không dám đối mặt. Là nỗi đau mà tôi tự dối lòng rằng mình chẳng hiểu gì sất.

"Bà đừng buồn nữa nhé, cháu cũng thương bà lắm. Cháu không muốn bà buồn đâu."

Mọi người xung quanh bỗng đồng loạt bật khóc rưng rức. Tôi hoảng loạn ngẩng đầu lên, lo sợ rằng mình đã nói gì sai. Nhưng các cô chẳng ai buông lấy một lời quở trách, họ chỉ lặng lẽ rời khỏi phòng, để lại tôi và bà ngồi đơn độc bên bàn trà đã nguội ngắt từ khi nào. Đợi hồi lâu, tôi mới nhen nhúm tích được chút dũng khí mà đánh bạo hỏi:

"Bà ơi, người ta đưa mẹ con đi đâu thế ạ?"

Một khoảng lặng trôi qua nặng nề.

"Người ta dẫn mẹ con đi nghỉ ngơi thôi. Đợi qua nhiều mùa thu, khi con đủ trưởng thành, mẹ sẽ về mà."

Bà sụt sùi đáp, không quên nhón vài cái kẹo trên bàn, đưa cho tôi:

"Ăn đi con, vừa đi học về đúng không? Tắm rửa sạch sẽ rồi ăn cơm cho lại sức. Từ giờ, buổi tối con sang phòng bà ngủ nhé? Bà sẽ kể chuyện cổ tích cho Kiyomi nghe."

Nghe đến chuyện cổ tích, hai mắt tôi sáng rực lên. Nhưng nghĩ đến việc mẹ chẳng còn ở đây, tự dưng trái tim tôi hụt hẫng đến lạ. Trước giờ, toàn là mẹ cùng tôi đọc sách. Nay lại là người khác thay thế, ắt có phần cảm thấy gượng gạo.

"Mẹ con đi có lâu không bà? Mẹ đi sao chẳng dẫn con theo gì cả."

Tôi buồn bã nghịch gấu váy, trong lòng tủi thân cùng cực. Hay là do mẹ hết yêu tôi, mẹ thấy tôi phiền nên dứt áo ra đi mà chẳng báo trước?

"Mẹ con thực ra là một cô tiên. Cô tiên đến lúc phải trở về với trời để đi giúp đỡ mọi người nên không thể mang con theo được. Nhưng mà..." - Bà chủ bỗng dưng thở dài ngẫm ngợi, đôi mắt trải đời mơ hồ trông lên con chim chiền chiện đậu trên khung cửa sổ - "Nhưng mà, nếu cô tiên đi làm nhiều việc tốt thì sẽ được về thăm gia đình."

"Thế ạ?" - Tôi vui sướng reo lên - "Mẹ con sắp về với con rồi bà nhỉ. Mẹ con rất tốt bụng, ông trời sẽ cho mẹ con đến đón con đi sớm thôi, đúng không bà?"

Bà ngoại vội ngoảnh mặt đi, lấy vạt áo lau qua quýt nước mắt. Tôi cúi đầu nhìn chằm chằm mũi chân. Chẳng biết bà đang nghĩ gì, cũng chẳng biết các cô đang nghĩ gì. Chỉ biết, mỗi lần thấy tôi, họ lại không kiềm lòng được mà thở dài thườn thượt.

"Phải, mẹ con rất tốt bụng. Quả là đáng tiếc, quả là đáng tiếc..."

Tôi toan mở miệng hỏi, nhưng lại thôi.

Trước kia, tôi cứ đau đáu mong mình sớm trưởng thành để có thể hiểu được những lời nói đầy ẩn ý của mọi người. Với tôi, đấy là điều gì đó cao siêu lắm mà cái đầu bé nhỏ này chẳng tài nào đủ trình độ giải thích nổi. Nhưng lớn lên rồi mới thông suốt, có nhiều việc không nên hiểu, vĩnh viễn không nên hiểu mới thanh thản mà sống được.

Lớn lên, tìm được đáp án thoả mãn cho trí tò mò của mình thì buộc phải đánh đổi sự ngây thơ thuần khiết sâu thẳm trong linh hồn.

Người lớn có phúc của người lớn, trẻ nhỏ cũng có phúc của trẻ nhỏ. Mà người lớn, hoạ lại nhiều gấp trăm ngàn lần phúc. Vì họ hiểu chuyện. Hiểu đến đau lòng, hiểu đến tâm tê phế liệt.

Bầu không khí ngày hôm ấy, bỗng trở nên tang thương sầu thảm hơn bao giờ hết. Thời gian cứ chầm chậm trôi qua tâm trí tôi như nước mưa chảy dưới mạch rừng già, mãi chẳng tới suối.

Buổi tối đầu tiên không dùng bữa cùng mẹ thật lạ lẫm.

Tôi muốn bỏ ăn, nhưng bà ngoại vẫn ở đây, chẳng thể trốn nổi. Thái độ của các cô hôm nay cũng thật lạ, hình như họ đều cư xử vồn vã với tôi hơn bình thường. Tôi bỗng dưng trở thành một con mèo nhỏ nằm gọn trong vòng tay âu yếm của họ.

Nhưng mọi thứ vẫn hết sức tẻ nhạt. Khoảng lặng trống vắng giữa lòng tôi chẳng thể nào lấp đầy nổi. Nhân lúc mọi người không chú ý, tôi len lén mò lên trên gác mái. Một mình tôi.

Đây là nơi mẹ con tôi thường ngắm sao mỗi ngày. Mẹ bảo tôi, mỗi vì sao đều là một linh hồn của người đã khuất. Tôi hỏi mẹ, "chết" là gì? Bà chỉ cười, rồi bảo tôi chưa đến lúc nên hiểu về nó.

Dù vậy, tôi vẫn lờ mờ cảm nhận được quyền lực đáng sợ của tử thần.

Khái niệm về cái chết trong tôi vốn mơ hồ, nhưng mỗi lần nhắc tới, sống lưng đều rờn rợn hơi lạnh gai góc bốc lên từ nơi cổ họng. Tôi buồn nôn. Nơi nào xuất hiện "cái chết", nơi ấy dường như đều chùng xuống thứ hàn khí tanh tưởi như con trùng có mùi hương ngai ngái man rợ, luôn âm thầm cắn nuốt từng chút niềm vui nụ cười.

Đèn chợt tắt, tôi giật mình la lên. Thắp lại đèn, phòng bập bùng ánh lửa. Đèn sáng, sáng quắc, nhưng vẫn chưa đủ để xua tan nỗi bất an nhộn nhạo trong tôi.

Tôi muốn về phòng, nhưng tôi nhớ mẹ. Tôi không muốn khóc, cũng không muốn ở một nơi thiếu vắng hình bóng của bà. Lòng rối bời, tôi ủ rũ ngồi xuống, thất thần trông ra phía cửa sổ. Phố xá hôm nay vẫn náo nhiệt như thường lệ, khách khứa qua lại xôn xao tấp nập. Buồn thay, người ta có bày biện, trang hoàng mọi thứ lung linh đến mấy thì mắt tôi vẫn chỉ nhìn ra được những gam màu nặng nề hiu quạnh. Ảm đạm, chẳng khác nào bức tranh cũ bị nhuộm sang màu trà tẻ nhạt.

Tôi cô đơn quá. Giá như có mẹ ở đây lúc này.

"Kiyomi?"

Tôi chột dạ nuốt nước bọt. Là bà ngoại.

Tôi cứ lo mình sẽ bị mắng, tệ hơn là trừng phạt. Nhưng tôi đã lầm, bà chỉ lẳng lặng ngồi xuống cạnh tôi. Đối lập với tôi có phần luống cuống, bà lại bình thản như thể hôm nay chưa từng diễn ra sự kiện gì đáng bận lòng. Vậy là, hai người cứ im lìm như vậy suốt quãng thời gian dài, chẳng biết nên nói gì cho phải.

Chúng tôi đều đợi đối phương mở lời trước. Thấy tôi vẫn ngậm hột thị, nét mặt căng thẳng, bà bật cười. Đoạn, chậm rãi lấy từ trong túi ra gói kẹo chanh nhỏ xíu đưa tôi:

"Mẹ con ngày xưa thích cái này lắm. Bà cho con đấy."

Tôi nhận lấy túi kẹo, nước mắt rưng rưng. Bà ngoại dịu dàng kéo tôi vào lòng, vỗ về an ủi.

"Ngoan, nghe lời bà nhé. Từ giờ con phải chăm chỉ học hành để mẹ ở xa yên tâm làm việc, nhớ chưa? Mẹ con sẽ về sớm thôi."

Tôi ôm bà thật chặt, cắn răng khóc thút thít. Hương nước hoa trộn lẫn với phấn bột tràn vào khoang mũi tôi. Tuổi thơ của tôi, nơi nuôi tôi lớn lên là một quán trà cổ trong khu phố hoa tại Asakusa. Và bà ngoại tôi chính là "mẹ cả" của một Okiya có tiếng. Vì thế, tuổi thơ của tôi gắn liền với những nàng geisha mang khuôn mặt trắng toát dặm thơm mùi phấn và đôi môi đỏ được kẻ nét vô cùng tỉ mỉ. Thủa bé, tôi cứ ước ao sẽ có một ngày được bận lên mình bộ kimono truyền thống và gảy đàn ca múa như những người đẹp duyên dáng mà tôi từng lén lút coi trộm sau khe cửa hở. Và mẹ, trong những khoảnh khắc ấy, bà luôn toả sáng trong mắt tôi, tựa một nhành hoa yêu kiều bung nụ trong đêm trăng tròn.

Bà ngoại cũng thường kể tôi nghe, rằng mẹ tôi thật khác so với những thiếu nữ kiêu kỳ ngoài kia. Mẹ đẹp, đẹp một cách riêng biệt. Mẹ không có cái vẻ đài các nền nã như họ, mà thay vào đó, là nét thanh khiết yểu điệu tựa cánh hoa xuân diễm lệ. Ngây thơ pha lẫn với chút ngọt ngào quyến rũ, nhưng cũng rất đỗi bí ẩn và hoang dại.

Hoa khôi Kiyoka của quán Hanasuki, mong manh e ấp như nụ hoa chớm nở, dịu dàng huyền bí tựa khói sương phảng phất. Một ánh mắt lơ đãng của nàng cũng đủ khiến bao trái tim đắm say thảng thốt. Một nụ cười của nàng cũng thổi cho lòng người chộn rộn những nắng mai đong đầy.

Người ta bảo nhau, đấy là phong tình vạn chủng. Tiếng lành đồn xa, mẹ tôi năm hai mươi hai tuổi đã trở thành đoá hoa rực rỡ nhất Asakusa.

Hồng nhan, thường bạc phận. Mà tôi của hồi xưa, quên mất rằng khuôn mặt mình giống mẹ gần y như đúc. Chỉ trừ những lọn tóc xoăn bồng bềnh và đường nét có đôi phần sắc sảo. Bà ngoại nói, đôi mắt tôi cũng buồn như mắt mẹ, nhưng ánh nhìn trong trẻo hơn nhiều. Vì tôi chưa từng trải. Bà còn nói, giá như tôi mãi thế này thì tốt.

Tôi bây giờ không đồng tình. Tôi nhớ mẹ, yêu mẹ, muốn mình càng giống mẹ nhiều càng tốt. Mẹ là thần tượng, là hình mẫu tôi luôn hướng tới. Nhưng đấy là do tôi chưa hiểu chuyện.

Thật đáng tiếc, giờ thì tôi hiểu rồi. Hiểu cả tiếng thở dài nhè nhẹ của bà ngoại khi ấy.

Có những người, từ khi sinh ra đã phạm mệnh đa truân. Càng đẹp, lại càng khiến người ta khi nhìn vào phải thở dài tiếc nuối.

Vì bông hoa càng đẹp, càng thu hút nhiều bướm ong rắc rối. Đặc biệt là hoa phù dung, sớm nở tối tàn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro