{ Giao tiếp }

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giao tiếp: một việc mà bất cứ ai từ khi có được nhận thức đều phải trải qua, đều phải làm nhưng không phải ai cũng giỏi trong việc giao tiếp và chắc chắn không phải ai cũng thích giao tiếp với người khác, đặc biệt là giao tiếp với người lạ.

Và tôi đây, thưa các độc giả, cũng là một trong những antifans lớn nhất của việc giao tiếp.

Nếu mọi người hỏi tại sao tôi lại ghét giao tiếp đến như vậy thì đây là câu trả lời của tôi nên đọc kĩ nhé. Không phải do tôi nhút nhát vì nói thật, tôi có hơi thân thiện quá mức và rất hay thích biến tất cả mọi thứ mà trong phạm vi đạo đức cho phép thành những trò đùa nhạt nhẽo để chọc cười người khác, không bao gồm người lạ đi ngang qua vì tôi rất không thích làm phiền người khác. Tôi ghét giao tiếp là vì mắc hội chứng sợ/ám ảnh xã hội (Social Anxiety Disorder - S.A.D) nên hiểu theo đúng nghĩa thì phải là tôi SỢ giao tiếp.

Người nhút nhát thì khi sẽ hay thường không thích nói chuyện nhiều với người mới gặp mặt lần đầu, thường hay tránh các công việc mà bản thân phải đứng trước nhiều người và nói như thuyết trình chẳng hạn. Nhưng đó là không thích thôi chứ không phải là cảm thấy khiếp sợ khi phải nói chuyện với người lạ hay phải phát biểu trước đám đông.

Những người mắc hội chứng S.A.D, dù nặng hay nhẹ, đều cảm thấy sợ hãi, khiếp sợ khi phải làm những hành động như giao tiếp với người lạ, phát biểu trước đám đông, ăn uống mua sắm đồ đạc ở nơi công cộng, làm việc khi có ai đó đang quan sát mình cho dù người khác chỉ đơn giản là lướt mắt qua thôi chứ không hề để tâm đến những việc mình đang làm,...

Nếu bị nhẹ thì sẽ chỉ cảm thấy tim bắt đầu đập nhanh, tay hoặc chân hoặc cả người có hơi run, nói lắp bắp. Bị nặng thì sẽ bắt đầu cảm thấy khó thở/thở gấp, đầu óc quay cuồng, có thể cảm thấy buồn nôn, rồi ngất bất cứ lúc nào hoặc thậm chí là đột quỵ.

Tôi thì ở khoảng giữa giữa mức nhẹ và nặng, cũng không biết rõ nữa vì tôi thường hay cố gắng tránh làm những việc khiến tôi phải tiếp xúc giao tiếp với người lạ. Ngoài ra tôi cũng rất giỏi trong việc đè nén tất cả cảm xúc của bản thân nên đôi khi biết mình đang trải qua cơn hoảng loạn thật nhưng lại không hề cảm thấy gì vì cứ quen kềm chế thể hiện cảm xúc mãi thành ra nó như trở thành một phần của bản năng của tôi, đó là kềm chế, đè nén và tuyệt đối không được thể hiện ra bên ngoài.

Người ngoài thì cho là tôi quá nhút nhát hoặc quá lười nhác hay thậm chí còn cho rằng tôi là một kẻ vô dụng, vô trách nhiệm. Người thân trong gia đình tôi cũng vậy vì họ không biết tôi mắc phải chứng bệnh tâm lý cực kì phổ biến này, mà có biết thì họ cũng không chịu hiểu cho tôi. Như mẹ tôi chẳng hạn, tôi đã giải thích cho bà ấy nghe về chứng S.A.D nhưng rồi tôi cũng cũng chỉ nhận được cái gật đầu qua loa của mẹ tôi chứ bà ấy lại chả hề để tâm đến nó hay việc nó đã, đang và sẽ gây ra biết bao nhiêu vấn đề khó khăn cho tôi.

S.A.D là một hội chứng thuộc nhóm bệnh rối loạn lo âu vô cùng phổ biến. Có khoảng 75% người ở độ tuổi trẻ em đến thanh thiếu niên mắc hội chứng này, 5% đến dưới 10% người trưởng thành bị S.A.D. Tuy rất phổ biến nhưng nó lại rất ít được để tâm bởi cộng đồng vì phần lớn mọi người đều cho những người mắc chứng S.A.D là những người hơi quá nhút nhát.

Căn bệnh này là một trong những lý do tại sao tôi có thể thay đổi một trời một vực. Như khi tôi đi cùng với bạn bè thân quen đến nơi công cộng thì tôi rất hay cười lớn, đùa giỡn thoải mái vô cùng, chẳng hề để tâm đến thế giới là mấy ; ngược lại khi tôi chỉ có một mình ở nơi công cộng thì tôi sẽ trở nên vô cùng im lặng, cố gắng khiến bản thân trở nên càng "vô hình" càng tốt.

Đọc đoạn bên trên xong dám chắc thế nào cũng sẽ có người cho rằng việc đó chả có gì đặc biệt hay to tát cả mà rất là bình thường. Xin được nói với các độc giả rằng đối với những người như tôi đây thì việc đó chính là cả một vấn đề đấy. Người bình thường thì chỉ đơn giản là đứng yên thoải mái chờ đồng bạn hay đơn giản là sẽ không hề cảm thấy vô cùng áp lực và nặng nề khi chỉ có một thân một mình giữa chốn đông người. Còn những người như tôi thì sẽ không thể nào có thể cảm thấy thoải mái khi phải đứng một mình ở nơi công cộng đông đúc người lạ mặt qua lại được cả.

Cái cảm giác muốn làm gì đó nhưng lại lo sợ mình sẽ làm gì sai, sợ sẽ bị người khác phê bình, sợ sẽ làm tổn hại đến người khác, sợ nhờ vả người khác vì nghĩ rằng mình sẽ làm phiền họ, sợ bị người khác nhìn khi mình đang làm việc hay ăn uống hay mua sắm tại cửa hàng,... nó rất ư là khó chịu nhưng bản thân lại không thể nào khắc phục được, càng cố tự khắc phục thì nó lại càng nặng thêm và phức tạp hơn.

Nó khiến bản thân mình lúc nào cũng nơm nớp lo lắng, lúc nào cũng căng thẳng tinh thần dẫn đến sự mệt mỏi, chán nản. Cái cảm giác đó khó chịu lắm chứ đâu phải đùa. Lúc nào cũng cứ nghe người khác bảo mình phải mạnh dạn lên, phải lanh lợi lên thiệt đúng là rất dễ gây ức chế tinh thần nhưng cũng chẳng thể nào làm được gì.

Nào nào các độc giả của tôi, hãy nói là không phải chỉ có mình tôi cảm thấy như vậy đi. Hãy thành thật với bản thân chút đi nào và hãy kể cho tôi nghe về những suy nghĩ và cảm giác của bạn về việc này đi.

Liệu bạn có giống tôi hay không?

Liệu bạn có quen biết ai bị giống như tôi không?

Bạn có cảm thấy những người như tôi chẳng qua chỉ là làm quá lên thôi hay là bạn cảm thấy cảm thông cho chúng tôi?

Hãy cho tôi biết suy nghĩ của các bạn!


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro