Cuộc sống muôn màu part 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lời biện minh cho cái đẹp

27/03/2012 18:27 (GMT + 7)

TTCT - Lần giở lại những quan điểm khác nhau về cái đẹp trong lịch sử có rất nhiều điều thú vị. Plato nhìn cái đẹp ở sự tự nhiên, nhưng gần với thế giới hiện đại. Freud yêu cầu cái đẹp phải gắn liền với khao khát thể hiện bản thân.

Tuy nhiên, thể hiện bản thân như thế nào là đẹp trở thành mối quan tâm của giới trẻ ngày hôm nay.

Tiêu chí tuyển nhân vật tham gia chương trình Snog Marry Avoid (tạm dịch Yêu, Cưới hay Tránh xa) của kênh truyền hình BBC như sau: "Hãy đăng ký tham gia chương trình nếu bạn tin mình có vẻ đẹp lôi cuốn, tỏa sáng ở bất cứ nơi đâu bạn đến, vượt trội so với những người mà bạn biết, và bạn đang tìm kiếm một hình ảnh mới về bản thân".

Chương trình đã bước qua số thứ tư và thật sự khiến giới trẻ sửng sốt. Bởi lẽ những gì được cho là đẹp như lối trang điểm cầu kỳ, đường kẻ mắt và lông mi giả thật dày, cộng với bộ đồ thật sexy lôi kéo sự chú ý của người khác giới nơi công cộng, hay vũ trường... lại bị cho là rẻ tiền (theo nghĩa bóng) và là dấu hiệu để gần 70-80% phái nam tránh xa.

Tẩy sạch lớp trang điểm dường như là một thử thách đối với những ai tham dự. Tuy nhiên khi được mặc trang phục phù hợp với vóc dáng, độ tuổi, phong cách thời trang, vẻ đẹp tự nhiên được minh chứng là lôi cuốn nhất thông qua tỉ lệ người khác phái muốn kết bạn trên 40%, và tỉ lệ đánh giá "Đây là một nửa lý tưởng" trên 50%. Vậy điều gì đã khiến giới trẻ có những sai lệch về tiêu chí cái đẹp, chạy đua theo thời trang mà quên mất nó có thể không phù hợp với bản thân và ở mức độ nào đó có thể đánh mất thiện cảm ở người tiếp xúc?

Ðẹp = "thẻ căn cước" của mỗi người hay đẹp = sức khỏe tâm hồn

Nghiên cứu của nhóm tác giả Lan Nguyễn Chaplin thuộc Đại học Texas, Mỹ (2010) cho thấy: bạn trẻ tự tin, yêu đời không đánh giá con người qua vẻ bề ngoài của họ hay nhãn hiệu quần áo họ mặc, trong khi người thiếu tự tin sẽ đơn giản hóa cách nhìn người (ví dụ sành điệu thì phải mặc đồ hiệu, thu nhập cao thì phải đi xe đẹp).

Chaplin, Lan Nguyen, Bastos, Wilson and Lowrey, Tina M. (2010) ”Beyond brands: Happy adolescents see the good in people”, The Journal of Positive Psychology

Cái đẹp gần đây được nghiên cứu ở góc độ làm thế nào giúp con người thể hiện nét riêng và cái tôi. Mỗi người có một nét duyên khác nhau tựa như "thẻ căn cước" xác lập giá trị con người họ.

"Chúng tôi sản xuất đôi giày, bạn dựng cho nó một câu chuyện" (tiến sĩ Martens) là câu nói nổi tiếng trong nghiên cứu về tâm lý tiêu dùng, lý giải vì sao các nhà kinh doanh phải nỗ lực xây dựng thương hiệu. Rõ ràng nhà sản xuất không đơn thuần chỉ bán một sản phẩm, mà họ làm giới trẻ tin rằng cá tính của mỗi người được thể hiện khi sử dụng sản phẩm hàng hiệu. Nhà tâm lý học Hills (2011) thuộc Trường đại học British Columbia, Canada khẳng định các nhà sản xuất làm giới trẻ tin rằng họ có cá tính và giá trị riêng khi mặc đồ hiệu, dù thương hiệu có được người đối diện nhận biết hay không.

Các nhà tâm lý hiểu rõ rằng từ 8 tuổi, trẻ em đã bắt đầu tìm kiếm những cách thức để khẳng định giá trị của bản thân, và ao ước sở hữu một sản phẩm giúp em nâng cao giá trị trong mắt bạn bè. Khi những câu chuyện về thời trang và các ngôi sao trở thành chủ đề chính từ lứa tuổi ô mai, giới trẻ dường như sẵn sàng mua sắm để có vẻ đẹp lý tưởng theo hình tượng nổi tiếng. Sức ép từ bạn đồng lứa và tác động của truyền thông là hai lý do khiến giới trẻ phải dành thời gian và tiền bạc để chăm chút cho vẻ bề ngoài của mình.

Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu tâm lý đã lên tiếng về áp lực của xu hướng vật chất hóa giá trị con người đến sức khỏe tinh thần của giới trẻ, đặc biệt là sự tự tin. Nếu như nhóm thanh niên gia đình khá giả có thể mua hàng cao cấp bất cứ lúc nào, thì nhóm trẻ gia đình thu nhập thấp sẽ phải tiết kiệm chi tiêu trong một thời gian dài (có khi cả tháng trời) để được công nhận giá trị bản thân khi cố gắng sử dụng sản phẩm đắt tiền.

Ở một mức độ nhất định, xây dựng giá trị bản thân trên vật chất sẽ tác động tiêu cực đến sự tự tin và gây căng thẳng cho chính bạn trẻ. Nghiên cứu của nhóm tác giả Lan Nguyễn Chaplin thuộc Đại học Texas, Mỹ (2010) cho thấy sự khác biệt về sức khỏe tinh thần của trẻ lấy giá trị vật chất làm thước đo của sự hạnh phúc. Cụ thể, bạn trẻ tự tin, yêu đời không đánh giá con người qua vẻ bề ngoài của họ hay nhãn hiệu quần áo họ mặc, trong khi người thiếu tự tin sẽ đơn giản hóa cách nhìn người (ví dụ sành điệu thì phải mặc đồ hiệu, thu nhập cao thì phải đi xe đẹp).

Vì thế, chọn lựa làm đẹp như thế nào không chỉ là vấn đề bạn có bao nhiêu tiền để mua sản phẩm, mà còn là những gì bạn cho là đẹp có mang đến sự hài lòng và vui sống cho chính bản thân bạn hay không.

Nhu cầu làm đẹp và khả năng quản lý chi tiêu

Có thể nói thanh niên sử dụng những nhãn hàng mắc tiền như một nhu cầu để khẳng định vị trí xã hội của cá nhân trong nhóm bạn đồng lứa (Nghiên cứu về văn hóa tiêu dùng ở tuổi teen của Marion và Narn, 2010). Như vậy, nếu có sự cạnh tranh trong một nhóm, những bạn trẻ không có nguồn cung cấp tài chính sẽ thể hiện bản thân như thế nào? Những lo ngại về tình trạng thanh thiếu niên phạm tội để thỏa mãn nhu cầu có tiền nhằm ganh đua với bạn bè không chỉ ở Việt Nam mà cả những nước phát triển.

Làm đẹp là một nhu cầu tất yếu, tuy nhiên nếu bạn đánh giá cá tính của người khác bởi vẻ bề ngoài lấp lánh những sản phẩm hàng hiệu, chứng tỏ bạn không tự tin về những gì mình đang có. Thực tế, rất nhiều bạn trẻ chưa thể tạo ra đồng tiền, song khả năng chi tiêu lại vô hạn. Đặc biệt, khi phụ huynh không thể ở bên để giám sát thường xuyên, bạn trẻ cần phải học cách sử dụng tiền bạc và đánh giá những giá trị cuộc sống hơn là chạy theo văn hóa tiêu thụ.

Thạc sĩ TRẦN THỊ NGỌC DUNG

(Đại học Northumbria - Anh)

Tâm sự một bà mẹ có con học lớp 7...

31/03/2012 11:50 (GMT + 7)

TTCT - 1. Con tôi là một thiếu niên 13 tuổi, đang học lớp 7 và cực kỳ mê bóng đá. Tuần rồi, cháu theo dõi sát tình hình sức khỏe của Fabrice Muamba - cầu thủ đội Bolton bị đột quỵ trên sân bóng khiến trọng tài quyết định dừng trận.

Nó ấn tượng với cái quyết định đó lắm, nhất là cảnh các cầu thủ trên sân thất thần, lo lắng nhìn Muamba.

Chưa hết, sau đó nó đọc được ở đâu để kể lại trong bữa cơm rằng ngôi sao bóng đá lớn David Beckham đã gửi lời chúc Muamba mau hồi phục, rồi các cầu thủ Real Madrid mặc áo thun có in dòng chữ “Phục hồi nhanh Muamba” (Get well soon Muamba). Hay chuyện cầu thủ Gary Cahill của Chelsea sau khi ghi bàn trong trận gặp Leicester City đã kéo áo thun lên để người hâm mộ thấy lời kêu gọi in trên chiếc áo trong của anh “Hãy cầu nguyện cho Muamba” (Pray 4 Muamba).

Khi ba nó giảng giải bóng đá không chỉ có đua tranh hay fair-play mà còn có tinh thần đồng đội và cả tình người, nó có vẻ thấm thía lắm. Bởi ngay sau đó nó bảo vậy mà hôm trước, thằng bạn ngồi kế bị bệnh nghỉ mất mấy ngày, con không biết hỏi thăm hay chúc bạn mau lành bệnh.

2. Nghe nó nói, tôi chợt ngẩn ra. Ừ, sao điều tối giản đó mà con không biết. Nó đã bao nhiêu lần đi thăm ông bà bị bệnh, sao lại không biết một lời hỏi thăm người bạn ốm của mình. Có lẽ vì nó chỉ thấy mà chưa hiểu. Có lẽ vì mẹ nó chưa lần nào chỉ con cách hỏi thăm người ốm. Mà con có học giáo dục công dân không, sao cái “lễ” đơn giản này con không biết?

Tôi nhớ lại những bài học của con, có chứ, giáo dục công dân lớp 7 có dạy về lòng khoan dung, về tình yêu thương, bên cạnh những điều to tát từ quyền trẻ em tới tôn giáo, tín ngưỡng. Chúng chỉ chưa được dạy nên cư xử ra sao trong cuộc sống này.

3. Một chị bạn tôi có con học đại học ở nước ngoài kể chị đã “toát mồ hôi” chat với con ra sao khi bài tập về nhà của con là phân tích phong trào “Chiếm lấy Phố Wall”, lý giải vì sao phong trào này không giành được chiến thắng dựa trên học thuyết của chủ nghĩa Marx.

Có lần con chị còn hỏi mẹ coi phim chống chủ nghĩa tư bản của đạo diễn Michael Moore chưa (phim có cái tên khá thú vị: Chủ nghĩa tư bản, một chuyện tình), vì lớp con đang phải coi phim này để phân tích cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ dưới trào Tổng thống Barack Obama.

Khi quyển truyện Mẹ Hổ của Amy Chua làm mưa làm gió dư luận xã hội, lớp nó phải phân tích cách dạy con ở phương Đông khác phương Tây thế nào, chọn cách nào, vì sao. Mới thấy học lý thuyết mà vận dụng, đối chứng ngay với thực tiễn thì lý thuyết mới trở nên hữu ích, không còn “là màu xám”. Mới thấy vì sao giới trẻ nước ngoài tự tin và có chính kiến trước nhiều vấn đề sát sườn, thực tế không chỉ của đất nước mà cả toàn cầu.

4. Mấy ngày nay, tôi và những người bạn, những bà mẹ khác, không khỏi suy nghĩ chuyện ba cô bé ở Đắk Nông bằng tuổi con trai chúng tôi rủ nhau tự tử. Chúng tôi hỏi nhau những cô bé đó nghĩ gì vào giờ phút cuối, có nghĩ đến nỗi đau của cha mẹ các em không, tại sao các em lại hành động dại dột, đáng thương như thế.

Chỉ hỏi thôi chứ biết câu trả lời ra sao vì các cô bé đâu còn để giãi bày. Rồi chúng tôi tự hỏi sao ta không đưa những câu chuyện này, từ cách hỏi thăm người bạn ốm, biết quan tâm đến những người xung quanh tới câu chuyện dại dột của ba cô bé rủ nhau tự tử… vào tiết học giáo dục công dân?

Một chi tiết trong bản tin về đám tang ba cô bé làm chúng tôi không khỏi thắt lòng, khi trên bàn thờ của một em là bài kiểm tra giáo dục công dân 9,5 điểm. Nó giúp được gì cho em?

MINH NHIÊN

Phản hồi loạt bài Thời của “giao diện đẹp” trên TTCT số ra ngày 25-3:

Cái áo có làm nên... nữ hoàng?

02/04/2012 12:17 (GMT + 7)

TTCT - 1. Có câu nói “cái áo không làm nên thầy tu” nhưng cũng có câu “y phục sánh kỳ đức”.

Trang phục của một người luôn nói lên rất nhiều điều, từ khiếu thẩm mỹ, trình độ văn hóa, tính cách, khả năng kinh tế, nghề nghiệp, khung cảnh xuất hiện, khuynh hướng thời trang tới thời đại sinh sống.    

Thế nên khi Đan Mạch kỷ niệm 40 năm ngày lên ngôi của nữ hoàng Margrethe đệ nhị vào đầu năm 2012, một trong những sự kiện được chú ý nhất là tập sách ảnh Trang phục của nữ hoàng (*).  Tất nhiên đây không phải là chuyện khen “nữ hoàng tốt áo” nhưng vì nữ hoàng Margrethe đã 71 tuổi nên trang phục không chỉ phản ánh những giai đoạn lịch sử, sự thay đổi trong xã hội Đan Mạch thời gian này mà còn cho thấy những chuyển biến của một hoàng gia có lịch sử 1.000 năm trong thời hiện đại.

Điều thú vị là bộ ảnh cho thấy vị nữ hoàng khả kính khá… tiết kiệm. Khác với quan niệm thông thường là giới quý tộc hay thượng lưu chỉ mặc một bộ dạ phục một lần khi xuất hiện trước công chúng, nữ hoàng Margrethe thường sử dụng một bộ áo vài lần, thậm chí còn cho cắt ngắn vạt áo dạ hội cũ để biến thành áo mặc ban ngày.    

2. Gần đây nước ta có tình trạng một số người có tiếng, được gọi chung là các “sao”, đua nhau lên một số tờ báo giấy và báo mạng nói về xe cộ, quần áo, giày dép, nữ trang - tất nhiên là rất đắt tiền, hơn là về những thành quả nghệ thuật của họ. Của cải vật chất, trong một mức độ nào đó, có thể được xem là thước đo của thành quả lao động nhưng không thể thay thế tài năng.

Tất nhiên ai cũng có quyền sử dụng đồng tiền của mình theo sở thích cá nhân nếu như đó là từ thu nhập chính đáng và không trốn thuế. Tuy nhiên, ranh giới giữa hai khái niệm “chia sẻ“ và “khoe khoang” thường rất mong manh. Và khi những vật dụng đắt tiền được xem như công cụ để thể hiện sự giàu có của sở hữu chủ hơn là kiến thức, trình độ thưởng ngoạn, khiếu thẩm mỹ... thì những biểu hiện quá lố rất dễ khiến chủ nhân của chúng trở nên lố bịch.  

Văn hào Andersen có một truyện rất thú vị Bộ quần áo mới của hoàng đế. Hoàng đế rất tự hào khi khoác lên mình bộ áo mới mà chỉ những người thông minh mới có khả năng nhìn thấy. Và tất nhiên cả triều đình chẳng ai muốn nhận mình là dốt nên mới mắc mưu hai tay bợm.

Ngày nay tuy khoa học vẫn chưa tạo ra được những loại vải vóc có khả năng thể hiện chỉ số thông minh của người mặc, nhưng trong chừng mực nào đó trang phục của một người  vẫn là tấm gương phản ánh trình độ nhận thức của chủ nhân.

QUẾ VIÊN (Copenhagen)

(*) Trang phục của nữ hoàng, dày 228 trang do nữ phóng viên Katia Johansen thực hiện, Nhà xuất bản Penguin Books xuất bản tháng 1-2012.

Câu chuyện cuộc sống

Hàng hóa hay nhân cách?

07/04/2012 18:56 (GMT + 7)

TTCT - Chưa giàu có, nhưng VN đang làm thế giới ngạc nhiên vì khả năng tiêu dùng những món hàng xa xỉ. Chúng ta đang vay tiền và bán tài nguyên để trình diễn lối sống như những người giàu có?

Nỗi băn khoăn của bạn đọc Viên Thông được chọn mở đầu loạt bài mới cho chuyên mục Câu chuyện cuộc sống kỳ này. Mời các bạn cùng tham gia. Tin bài xin gửi về [email protected], mục Câu chuyện cuộc sống.

Chưa giàu có, nhưng VN đang làm thế giới ngạc nhiên vì khả năng tiêu dùng những món hàng xa xỉ. Thống kê những bài viết được đọc nhiều nhất trên báo mạng sẽ thấy phần lớn là tin về xe hơi đắt tiền, nhà cửa, quần áo, trang sức của các loại “sao”. Những phát ngôn hợm hĩnh, gây sốc về tiền bạc, tài sản của các nhân vật “nổi tiếng” tràn ngập trên báo lá cải, và được nhiệt tình tung hứng trong sự tham gia sôi nổi của dân chúng. Chúng ta đang vay tiền và bán tài nguyên để trình diễn lối sống như những người giàu có.

Các loại “sao” mới

“Điều cần nói là lớp thanh niên ngày nay sẽ nói như thế nào khi nền văn hóa của họ bị “bán tuốt” ngay khi họ đang sống với nền văn hóa ấy?... Bản sắc của một thế hệ gần như là một món hàng được đóng gói sẵn, và việc tìm kiếm bản ngã luôn được tạo ra bởi một lối tiếp thị thổi phồng... Sự mất đi không gian xảy ra bên trong từng cá nhân mỗi người. Đó là quá trình “thực dân hóa” không chỉ về thực thể mà cả về không gian tinh thần...”.

NAOMI KLEIN

(trích từ No Logo, quyển sách về thương hiệu trong thời toàn cầu hóa, với nghệ thuật của các công ty đa quốc gia moi tiền những “kẻ sành điệu”, chiếm lĩnh mọi khoảng trống tự do của con người theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng)

Mối quan hệ cá nhân trong xã hội hiện nay dường như được xác lập thông qua trao đổi hàng hóa. Hàng hóa trở thành đại diện cho con người, và chúng ta chỉ cần quan hệ với nhau thông qua những hàng hóa - vật thể ấy như đại biểu cho mình. Hàng hóa cùng với định chế sản xuất hàng hóa đã đứng trung gian ngăn cản mối quan hệ trực tiếp giữa những cá nhân. Khi con người quan hệ với nhau, đánh giá nhau thông qua hàng hóa, tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả họ bất chấp tất cả để có được hàng hóa cần thiết.

Ảo tưởng về giá trị có được khi sở hữu hàng hóa làm nhiều người mất đi ý thức tự do lựa chọn hành động của mình. Món hàng đó có thể là xe hơi, nhà cửa, tiền bạc, chứng khoán... và thậm chí là bằng cấp giả. Không cần biết là thật hay giả, có được bằng cách nào, nhưng người ta tin rằng chúng sẽ giúp họ có được vị thế tốt hơn trong xã hội.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sùng bái hàng hóa ngày càng gia tăng. Người ta chơi với nhau vì cùng đam mê một loại điện thoại, tôn trọng nhau vì ở một căn nhà đắt tiền, đánh giá sự thành công dựa theo thu nhập, sợ hãi người khác vì họ đi trên chiếc xe hơi trị giá hàng triệu USD.

Rất nhiều nhãn hàng xa xỉ như Porsche, LV, Hermes... đã có cửa hàng tại VN, thỏa mãn nhu cầu dùng hàng hiệu để xây dựng hình ảnh cá nhân của những người Việt mới thoát khỏi đói nghèo chưa lâu. Bạn vẫn chưa tin ư? Thì đấy, hãy nhìn những đám cưới tốn kém hàng triệu USD, những “người nổi tiếng” của giới showbiz Việt hằng ngày khoe các món hàng đắt tiền trên mặt báo.

Những năm trước đổi mới, các nghệ sĩ VN nổi tiếng và được yêu mến nhờ những vai diễn của mình. Ai cũng nhớ đến một Trà Giang đại diện cho hình ảnh phụ nữ VN thời chiến tranh chống Mỹ, một Chánh Tín tài hoa qua nhân vật chiến sĩ tình báo cộng sản Nguyễn Thành Luân trong loạt phim Ván bài lật ngửa. Họ đã từng là những nhân vật không hề cần khoác lên người những món hàng đắt tiền, không cần đi những chiếc ôtô bạc tỉ, nhưng hình ảnh của họ vẫn còn mãi trong lòng khán giả.

Nền kinh tế thị trường sau đổi mới đã nhanh chóng sản sinh ra những loại “sao” mới, những kẻ hầu như không tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật khoa học nào, mà chỉ dùng hàng hóa, xìcăngđan và truyền thông mạng để đánh bóng hình ảnh. Không biết từ khi nào, rất nhiều cô gái đã bước vào showbiz theo một công thức có sẵn: mua danh hiệu (hoa hậu, diễn viên, siêu mẫu), cặp kè đại gia để có xe hơi và đồ dùng đắt tiền. Ngay cả giới doanh nhân cũng thấy ngạt thở với chi phí mua và “nuôi” một chiếc xe hơi đắt tiền tại VN, vậy mà có những cô gái chẳng hiểu nghề nghiệp cụ thể là gì, ngoài nhan sắc trời cho, vẫn lượn lờ quanh thành phố hằng đêm trên những siêu xe.

Không chỉ giới giải trí, trong xã hội chúng ta đang có những nhân vật nổi tiếng chỉ vì là hiện thân cho những món hàng đắt giá. Nói thế bởi không ai biết họ đang làm gì, kiếm tiền thế nào, đóng góp gì cho xã hội. Tính cách cá nhân của họ cũng không rõ ràng. Cuộc đời cá nhân và ngay cả hình thức bên ngoài của họ cũng chỉ là những hình ảnh méo mó đã được tô son trát phấn, chỉnh sửa kỹ lưỡng đến mức không còn nhiều điểm chung với sự thật.

Những vai diễn trong cuộc đời này của họ thì mờ nhạt và phản cảm. Công chúng biết đến họ chỉ qua chiếc váy vài tỉ, chiếc xe vài chục tỉ, bộ trang sức vài chục tỉ, và rất nhiều hàng hóa đắt tiền khác. Nếu tách rời khỏi những món đồ đó, xuất hiện không có hàng hóa đi kèm, có lẽ họ chẳng còn giá trị gì. Nói cách khác, bản thân các nhân vật đó đã trở thành hàng hóa.

Những “vật thể mang dáng vẻ nhân cách”

Một trong những nhân vật nổi tiếng trong giới trẻ VN những năm gần đây có cái tên gắn liền với một loại ngoại tệ mạnh, có thể nói anh ta đã là một hình ảnh sống động của sự sùng bái hàng hóa khi xã hội đã không còn khả năng phân biệt được ranh giới giữa hàng hóa và con người. Con người trở thành hiện thân nhân cách (personnification) của hàng hóa và tiền bạc. Là sản phẩm của quan hệ hàng hóa, họ đã bị cơ chế sản xuất ấy tước hết nhân cách để trở thành một hình thái vật thể mang dáng vẻ nhân cách.

Phải thừa nhận rằng chính truyền thông đã đóng góp không nhỏ trong cơn sốt sùng bái hàng hóa nói trên. Từng đôi giày, giỏ xách, chiếc nhẫn, chiếc xe của “người nổi tiếng” gần như được liệt kê để so sánh ai “hiệu” hơn ai. Những nhân vật của công chúng, từ nghệ sĩ đến doanh nhân, được quảng bá hình ảnh một chiều, che giấu các góc khuất và sự thật đằng sau cách sống, cách kiếm tiền không phải lúc nào cũng minh bạch. Để rồi vài ba tháng lại bung ra một xìcăngđan về người mẫu bán dâm, diễn viên nợ nần, doanh nhân phá sản nào đó, thì công chúng mới giật mình nhận ra rằng không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng.

Vụ nợ nần bê bối gần đây của một nữ đại gia vốn nổi tiếng với việc sở hữu những món hàng siêu khủng, làm người ta nhớ đến câu ngạn ngữ “chiếc áo không làm nên ông thầy tu”, hay nói cách khác “chiếc Roll-Royces chưa chắc đã làm nên một quý bà”. Dòng xe thượng lưu chuyên dành cho giới quý tộc phương Tây này rất được ưa chuộng tại VN, nhưng rất có thể nó sẽ là hình ảnh đại diện cho các “đại gia” trốn nợ và phá sản trong tương lai gần, cùng với cuộc khủng hoảng tài chính và đóng băng nhà đất đang lan rộng chưa biết khi nào ngừng tại VN.

Nhìn lại hàng loạt bài báo ca ngợi những chiếc xe “siêu khủng” về VN trong vài năm gần đây, thấy dường như phần lớn chủ nhân của chúng đang lâm vào nợ nần, kiện tụng, phá sản, thậm chí “xù” lương, “xù” bảo hiểm của nhân viên.

Sự sùng bái hàng hóa - từng được Karl Marx nhắc đến từ thế kỷ 19 (*) - đã làm nhiều người trở thành nạn nhân. Người ta hay bị lừa vì nhầm lẫn giữa hàng hóa và chủ nhân của nó. Hình ảnh oai vệ của chiếc Roll-Royces che giấu những món nợ khổng lồ của người ngồi trong. Những chiếc vòng hột xoàn nghe nói trị giá đến hàng tỉ đồng làm quên đi xuất xứ đáng ngờ của người đeo.

Lạm dụng hàng hóa để đánh bóng hình ảnh không chỉ xuất hiện tại VN. Các ngôi sao phương Tây cũng sử dụng hàng hóa rất đắt tiền, do mức thu nhập lên đến hàng chục triệu USD hằng năm, họ có thể sử dụng dịch vụ và mua sắm hàng hóa rất cao cấp. Tuy nhiên xã hội biết đến họ trước tiên vì tài năng, vì những đóng góp cho cộng đồng, chứ không phải qua những chiếc váy, vòng đeo cổ hay siêu xe.

Nhưng ở phương Tây cũng không ít siêu lừa, điển hình là Madoff, một nhà đầu tư tài chính đã lừa đảo hàng tỉ USD của khách hàng bằng cách giả mạo giấy tờ và trình diễn một lối sống xa hoa với những món đồ siêu cao cấp.

Tất nhiên thời gian rồi sẽ lật tẩy những gì giả mạo, không có giá trị thực. Nhưng trong một xã hội có mức thu nhập trung bình còn rất thấp như VN, thì sự sùng bái hàng hóa quá mức càng đào sâu thêm khoảng cách giàu nghèo, đưa người ta đi ngày càng xa khỏi những giá trị đích thực của chân, thiện, mỹ.

VIÊN THÔNG

(*) Mục 4: tính chất bái vật giáo của hàng hóa và bí mật của nó, trang 113, chương 1, phần 1, quyển 1 (Tư bản luận - Karl Marx), NXB Chính Trị Quốc Gia, năm 1993.

Sống xa hoa - không chỉ là chuyện cá nhân

21/04/2012 08:35 (GMT + 7)

TTCT - Việc dùng vật chất để “lượng giá” một con người đã có từ xa xưa, có lẽ từ lúc con người có ý thức về việc sở hữu vật chất mình có được. Điều này đã trở thành động lực - có thể nói là lớn nhất - thúc đẩy con người làm ra nhiều của cải vật chất hơn để phục vụ mình.

LTS: Tiếp tục loạt bài “Hàng hóa hay nhân cách?”, Câu chuyện cuộc sống kỳ này giới thiệu góc nhìn về vai trò của xã hội trong việc đề cao các giá trị nhân cách.

Ngày nay, những vật chất mang tính tiện nghi đang dần mang thêm chức năng chứng minh giá trị của chủ sở hữu, và ngày càng nhiều thứ không có giá trị sử dụng mà chỉ để làm vật trang sức. Ví dụ những viên đá quý đính trên chiếc điện thoại đời mới chẳng nâng cao thêm tính năng sử dụng của phương tiện liên lạc này nhưng chắc chắn sẽ cho biết mức độ “chịu chơi” của chủ nhân nó.

Nếu một người xem hàng hóa đồng nghĩa với nhân cách thì đó là việc của một cá nhân, nhưng nếu cả xã hội cũng sùng bái lối thể hiện này thì phải chăng đó là sự yếu kém của chính não trạng và nền tảng đạo đức của xã hội đó? Một khi xã hội quá đề cao vật chất và sự xa hoa thì chưa thể nào chấm dứt những cuộc chơi phù phiếm của những kẻ giàu có lẫn những kẻ cố - gắng - làm - ra - vẻ - giàu - có; vì đây là cách nhanh nhất để đáp ứng được sự định giá của xã hội đó.

Nói vậy cũng có nghĩa xã hội có khả năng đưa ra những cách định giá mới để chống lại sự suy tôn quá mức đối với thói xa hoa, nhất là trong hoàn cảnh toàn cầu đang chống chọi với sự suy thoái kinh tế hiện nay. Nếu các vụ “đốt tiền” vào hàng hiệu hoặc các vụ chơi ngông của người nổi tiếng còn được tung hô thì làm sao đề cao được các giá trị nhân cách?

Hiện nay ở Việt Nam chắc chắn rằng những biểu hiện tò mò, ham hố, “sành điệu” của một tầng lớp “nhà giàu mới” đề cao lối sống phù hoa có xuất phát từ sự ảnh hưởng của lối sống phương Tây, từ tâm lý hưởng thụ sau những năm dài chiến tranh gian khổ và cả sự suy yếu trách nhiệm cá nhân đối với gia đình và cộng đồng nữa.

Nhưng nên nhớ rằng phương Tây có nhiều thế kỷ hình thành nên cấu trúc xã hội với các tổ chức vận hành từ cơ sở đến thượng tầng hiệu quả, giúp chúng có khả năng “định lượng” giá trị một cá nhân qua những hoạt động khác nhau chứ không phải chỉ vật chất.

Như vậy không thể lên án một chiều những người thể hiện và cả những người tung hô giá trị hàng hóa, mà cần tìm cách giải ngay trong việc đề cao các giá trị nhân cách, đồng thời phải tìm kiếm những sự bảo hộ các giá trị đó về mặt đạo đức.

Dù được bào chữa hay biện minh là vô tình, không cố ý, “tôi giàu tôi có quyền” thì việc đốt tiền vào những siêu đám cưới, những bộ trang phục chỉ mặc vài lần có giá bằng cả một đời làm việc của công nhân, vẫn gợi lên sự liên hệ chua xót với rất nhiều cảnh đời đang chạy ăn từng bữa. Đã đến lúc hiện tượng khoe khoang cần được nhìn nhận với sự nghiêm khắc hơn và các biện pháp hay định chế xã hội cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để kiểm soát thói xa hoa, tiêu xài vô trách nhiệm.

ĐÔNG PHƯƠNG (Thủ Đức, TP.HCM)

1. Trong thời gian Mark Zuckerberg - nhà sáng lập mạng xã hội Facebook - du lịch Việt Nam, ngạc nhiên trước sự giản dị của nhà tỉ phú trẻ, có độc giả của một tờ báo mạng lớn đã nhận xét: “Không biết ông này để tiền làm gì!”. Thắc mắc này cũng dễ hiểu vì trong vài năm trở lại đây, tại nước ta đã mặc nhiên hình thành một quan niệm là hễ thành đạt thì phải phủ lên mình những món hàng xa xỉ, tới mức chúng được không ít người xem là biểu hiện cho sự thành công và giá trị của một người.

Tất nhiên ai cũng có quyền sử dụng đồng tiền của mình theo ý thích (và trong khuôn khổ của luật pháp), nhưng khi quần áo, đồ phụ tùng, giày dép... được xem như những tiêu chí quan trọng nhất khi đánh giá một ai thì tất nhiên sẽ dẫn đến tình trạng có những người cố tạo cho mình giá trị ảo bằng hàng hóa thay vì bỏ công sức ra xây dựng những giá trị thật cho bản thân. 

Tâm lý quan trọng hóa những món “hàng hiệu” còn dẫn tới một hệ lụy khác là một bộ phận không nhỏ người trẻ háo thắng và nông nổi, tìm mọi cách để sở hữu chúng cho “bằng chị bằng em”. Chuyện cậu học sinh Trung Quốc bằng lòng bán đi một trái thận để mua iPhone, được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây, là một minh chứng cụ thể cho sự quyến rũ đầy nguy hiểm của ánh hào quang “hàng hiệu”!

Năm ngoái không ít người đã phải giật mình khi đọc thấy trên mạng lời rao của một cô bé sẵn sàng qua đêm với người lạ để đổi lấy chiếc vé xem buổi diễn của nhóm Super Junior. Cho dù chỉ là một chiêu gây sốc để thu hút sự chú ý, thì ý tưởng này cũng cho thấy ánh hào quang “sành điệu” có thể đưa những người trẻ và rất trẻ đi xa tới đâu. 

2. Chẳng riêng tôi mà những bạn bè đã định cư lâu năm hoặc đang làm việc tại các nước phát triển phương Tây đều thấy choáng trước cách ăn xài của nhiều người tại TP.HCM và thủ đô Hà Nội hiện nay trong những chuyến về thăm quê hương.

Những “siêu xe”, những món trang phục mang mác các nhãn hiệu hàng đầu thế giới, những chiếc iPad, iPhone thường được giới thiệu tại Việt Nam sớm hơn trên thị trường Tây Âu từ 3-6 tháng, tuy có cho thấy sự phát triển nhanh chóng của đất nước nhưng cũng gợi lên không ít băn khoăn khi vẫn còn một khoảng cách rất xa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. 

Năm 2011 GDP của ta chỉ là 3.354 USD/người, đứng hạng 129/181 nước (tụt hai hạng so với 2010). Thu nhập bình quân của người Việt năm 2011 là 1.382 USD (năm 2010 là 1.224 USD, đứng hạng 141/189 nước, Thái Lan là 5.281 USD, hạng 90/189, Indonesia là 3.469 USD, hạng 108). 

Trào lưu sở hữu những món hàng xa xỉ của không ít người Việt có thể nhằm mục đích “lòe” thiên hạ, cũng có thể do bị lây bệnh “nhà giàu mới” (nouveau riche) đang lan rất nhanh tại các thị trường mới nổi. Trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy bao cấp sang kinh tế thị trường, không ít người có cơ hội phất lên nhanh chóng.

Nhiều người ngất ngây với sự đổi đời mau chóng này đã sa vào sự hoang phí thay vì tích lũy cho tái đầu tư và phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh; hoặc lưu danh bằng các công trình phục vụ lợi ích của xã hội và cộng đồng - như cách làm của nhiều nhà giàu tại các nước phát triển.

Những cách hành xử lố bịch, như một đại gia Trung Quốc chơi trội bằng cách rải tiền làm thảm cho con giẫm lên trong lễ cưới, những biểu hiện coi thường pháp luật, không tôn trọng những người xung quanh... gọi chung là tính trọc phú, là hệ quả tất yếu khi có khoảng cách đáng kể giữa nền tảng văn hóa, tri thức với khả năng kinh tế.

3. Trong cái có thể gọi là “cơn lốc hàng hiệu” hiện nay, chúng ta không thể không nói tới trách nhiệm của một bộ phận trong giới truyền thông. Khi những trang báo giấy, báo mạng tràn ngập hình ảnh các “sao” lớn nhỏ khoe khoang những món hàng đắt tiền mà giá mua nếu là hàng thật vẫn quá cao so với thu nhập khai thuế của không ít “sao”, thì không tránh khỏi những tác động nhất định lên công chúng, đặc biệt là giới trẻ. 

Có nhiều người cho rằng phô trương, xa xỉ là đặc tính của giới showbiz, nhưng những ngôi sao giàu có như Angelina Jolie cũng chỉ chưng diện khi thật sự cần thiết, chẳng hạn như lễ trao giải Quả cầu vàng. Diễn viên Trần Khôn (Chen Kun) - ngôi sao của Long Môn phi giáp - mặc trang phục thể thao trong buổi lễ nhậm chức đại sứ của Tổ chức Unicef tại Trung Quốc gần đây.

Bản thân tôi đã không nhận ra diễn viên Đan Mạch có đẳng cấp quốc tế Mads Mikkelsen (*) khi tình cờ gặp anh trong quán cà phê của ông bà thân sinh anh tại quê nhà anh Nykoebing S (gần Copenhagen). Có lẽ đối với Mads thì những vai diễn ấn tượng đáng chú ý hơn là trang phục.

QUẾ VIÊN (Copenhagen)

George Clooney từng biến mình thành công cụ

Trong vòng một tháng qua, tài tử điển trai của Hollywood George Clooney liên tục xuất hiện trên truyền thông thế giới, với tần suất nhiều hơn trước đây và vì những lý do không liên quan tới điện ảnh hay vẻ điển trai của mình. Đặc biệt, ngày 19-3, Clooney tự nguyện vào tù cùng cha mình khi cả hai cứ đứng lỳ trong khuôn viên Đại sứ quán Sudan ở Washington.

Cảnh sát xuất hiện, còng tay anh và đưa vào tù (ảnh). Chỉ vài giờ sau anh ra tù. Tin “hot” lập tức lan ra khắp nơi trên thế giới: Clooney bị bắt vì biểu tình phản đối những hành vi bạo lực chống dân thường vô tội, trẻ em và phụ nữ, yêu cầu Chính phủ Sudan cho phép các tổ chức viện trợ nhân đạo vào để cứu giúp người dân nước này trước khi Sudan trở thành nơi khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới.

Vụ bắt giữ khiến Clooney cảm thấy “rất hài lòng” vì nó khiến thông tin về Sudan được nhắc tới nhiều hơn cả sau khi anh điều trần trước Quốc hội Mỹ. Anh làm mọi việc để đảm bảo truyền thông thế giới chụp được hình ảnh anh tay bị còng đằng sau.

Các hoạt động vì xã hội của các ngôi sao thế giới không phải là điều mới mẻ. Từ những năm 1960, Paul Robeson và Woody Guthrie đã trở thành hình mẫu trong lĩnh vực tăng cường nhận thức, gây quỹ và lên tiếng vì một vấn đề nào đó mà xã hội quan tâm. Không “mượn” hàng hóa để đánh bóng mình, nhiều ngôi sao nước ngoài còn biến mình thành công cụ nhằm đánh động quan tâm về những vấn đề xã hội lớn lao...

H.N.

(*) Mads Mikkelsen: 48 tuổi, được nhiều khán giả Việt Nam biết tới qua vai phản diện Le Chifre trong Casino Royale và mới đây là vai Rochefort trong Ba chàng ngự lâm phiên bản 2011

Lợi ích của tư duy bằng ngoại ngữ

05/05/2012 00:10 (GMT + 7)

TTCT - Một nghiên cứu mới đây ở các doanh nhân làm việc quy mô toàn cầu của Đại học Chicago (Mỹ) cho thấy con người có thể suy nghĩ sáng suốt và ra quyết định chí lý hơn khi họ tư duy một vấn đề không phải bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

“Chúng tôi đã biết từ các nghiên cứu trước đó rằng vì con người có khuynh hướng sợ mất mát, họ thường bỏ qua các cơ hội hấp dẫn” - trang mạng khoa học Science Daily dẫn lời nhà tâm lý học Boaz Keysar, một chuyên gia hàng đầu về thông tin ở Đại học Chicago.

Cảm xúc dẫn tới nỗi sợ

Con người thường tránh rủi ro nếu câu hỏi đề cập đến cái được, và chấp nhận rủi ro nếu câu hỏi nói về cái mất.

Trong bài báo của ông và các cộng tác viên Sayuri Hayakawa và Sun Gyu An đăng trên tạp chí chuyên ngành Psychological Science, Keysar viết: “Ngôn ngữ nước ngoài mang tới một cơ chế ngăn cách giúp con người rời khỏi hệ thống tư duy hiện tại để chuyển đến một hệ thống tư duy lý tính hơn”. Trong thí nghiệm rất đáng chú ý, các nhà nghiên cứu thử nghiệm với 54 sinh viên Đại học Chicago nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, nhưng cũng thành thạo tiếng Tây Ban Nha.

Mỗi sinh viên nhận 15 USD tiền mặt và họ được cược mỗi lần 1 USD. Họ có thể giữ lại đồng đôla đó hoặc mạo hiểm để có thêm 1,5 USD nếu thắng một lần tung đồng xu, tức mỗi vòng họ có cơ hội thu về 2,5 USD nếu thắng, hoặc mất 1 USD nếu thua. Về mặt thống kê, đây là một vụ đánh cược hấp dẫn vì theo lý thuyết các sinh viên sẽ có được số tiền nhiều hơn nếu họ chấp nhận tham gia cả 15 lần cược với 15 USD.

Khi thí nghiệm được tiến hành bằng tiếng Anh, các sinh viên tư duy một cách thiển cận: họ tập trung vào nỗi sợ thua cuộc và chỉ nhận cược 54% số lần. Ngược lại, các sinh viên suy nghĩ bằng tiếng Tây Ban Nha nhận cược tới 71%. Đồng tác giả nghiên cứu Hayakawa nói: “Có lẽ cơ chế quan trọng nhất tạo ra ảnh hưởng này nằm ở chỗ ngoại ngữ ít gây ra ảnh hưởng tới cảm xúc hơn là ngôn ngữ mẹ đẻ. Một phản ứng cảm xúc sẽ dẫn tới những quyết định có động lực là nỗi sợ thay vì hi vọng, ngay cả khi tỉ lệ cược rất có lợi”.

Bớt tư duy thiên lệch

Trong một thí nghiệm khác về cách tư duy không đối xứng, nhóm của Keysar đã áp dụng một kịch bản có nguồn gốc từ nhà tâm lý học Daniel Kahneman - chuyên gia hàng đầu về kinh tế học hành vi từng đoạt giải Nobel 2002 cho nghiên cứu của ông về kỳ vọng, mô tả cách con người phản ứng lại trước rủi ro. Theo đó, con người thường tránh rủi ro nếu câu hỏi đề cập đến cái được, và chấp nhận rủi ro nếu câu hỏi nói về cái mất. Cách tư duy thiên lệch đó không phù hợp với nguyên lý kinh tế học, nhưng dễ hiểu với tâm lý con người.

Cụ thể, nghiên cứu của Keysar hỏi 121 sinh viên lựa chọn phát triển một loại thuốc có khả năng 100% cứu 200.000 trong số 600.000 người, hoặc một loại thuốc có cơ hội 33,3% cứu tất cả 600.000 người, nhưng 66,6% không cứu được ai hết. Gần 80% sinh viên lựa chọn cách an toàn hơn, cứu 200.000 người. Nếu thay vì hỏi cứu 200.000 người, đặt lại câu hỏi là loại thuốc chắc chắn sẽ khiến 400.000 người mất mạng, chỉ còn 40% chọn giải pháp an toàn. Tuy nhiên, khi những sinh viên đó thành thạo tiếng Nhật cũng tư duy điều tương tự bằng tiếng Nhật, tỉ lệ chọn trong cả hai cách đặt câu hỏi là như nhau, khoảng 47%.

Các nhà tâm lý học cho rằng con người cân nhắc dựa trên hai mẫu suy nghĩ bản năng: một kiểu hệ thống, duy lý, mang tính phân tích và tập trung vào lý trí; kiểu kia nhanh chóng, không nhận thức và thường do cảm xúc chi phối. Tư duy dựa trên một ngôn ngữ đã học chứ không phải nói tự nhiên, buộc con người phải phân tích, lựa chọn từ ngữ, tìm kiếm cấu trúc ngữ pháp... và cùng với quá trình đó, giảm bớt các chi phối của cảm xúc.

Để cẩn thận hơn, các nhà nghiên cứu không chỉ tiến hành thí nghiệm với sinh viên nói tiếng Anh. Hai thí nghiệm tương tự cũng được thực hiện với 144 sinh viên Hàn Quốc ở Đại học Chung Nam và 103 sinh viên du học tại Paris, Pháp. Kết quả không thay đổi. Tính ứng dụng của nghiên cứu này có thể là rất lớn.

HẢI MINH

(Science Daily, Wired.com, Uchicago.edu)

Không phải BMW hay Mercedes, mà là sách!

06/05/2012 15:34 (GMT + 7)

TTCT - Khi xã hội Trung Quốc “nóng” lên với hàng loạt vụ việc như con đại gia lái xe đụng chết người, ăn chơi trác táng, con quan hủy hoại nhan sắc người yêu cũ..., thì việc một nữ sinh trung học tỉnh Trùng Khánh khoe sách với bài viết “Nhà tôi không có xe BMW, chỉ có hàng ngàn quyển sách” được ghi nhận như một điểm sáng.

Sinh nhật năm 18 tuổi, cô nữ sinh trung học với nickname Trùng Khánh Vi Tử được ba mẹ tặng toàn bộ số sách trong tủ với hơn ngàn quyển, trong đó có những quyển sách tuổi đời hơn cả ba mẹ cô. Vốn sinh ra trong một gia đình trung bình, cô biết rất rõ họ phải nhịn ăn nhịn mặc thế nào mới có được chúng: có nhiều quyển sách được mua vào những năm kinh tế gia đình hết sức khó khăn.

Có lúc, ba mẹ cô dám chi hơn 1.000 NDT để mua hết số sách của một thư viện thanh lý. Số tiền đó vào những năm 1980 tương đương sáu tháng lương của họ. Sau này dọn nhà một số sách bị thất lạc, nhưng rất may đại bộ phận vẫn còn giữ gìn đến hôm nay vì luôn được đóng gói vận chuyển cẩn thận.

"Thế hệ mê sách thứ hai"

“Nhà tôi không có túi Hermès cũng không có xe BWM. Nhà tôi có hàng ngàn quyển sách, đối với tôi đó là một tài sản vô giá. Mọi người thích khoe sự giàu sang, tôi thích khoe sách. Tôi là thế hệ 9X, cũng có nhiều sở thích như các bạn đồng trang lứa, điểm khác biệt duy nhất là họ không có nhiều món ăn tinh thần như tôi. Ai rồi cũng sẽ lớn lên, bước vào xã hội. Khi chúng ta già đi, chúng ta sẽ để lại cho thế hệ mai sau những gì?... Những quyển sách cũ kỹ, vàng úa, đọc từng trang sách chẳng khác gì đang làm spa dưới ánh nắng mặt trời. Suốt ngày làm bạn với sách giáo khoa khô khan, đã đến lúc thay đổi khẩu vị... “.

TRÙNG KHÁNH VI TỬ

Sinh ra trong gia đình có ba là giáo sư, mẹ là biên tập viên, Vi Tử bắt đầu làm bạn với sách từ năm 6 tuổi. Cô thích nhất là nhà văn Lỗ Tấn, từng học theo cách viết của ông nên tự nhận mình là "thế hệ mê sách thứ hai". Thích đọc sách, thích viết, nhiều người nghĩ Vi Tử sẽ trở thành nhà văn, nhưng ước mơ của cô là trở thành Miyazaki Hayao (họa sĩ truyện tranh nổi tiếng của Nhật) của Trung Quốc. Thần tượng của cô là chiến sĩ phòng cháy chữa cháy chứ không phải nhà văn Hàn Hàn hay Quách Kính Minh như nhiều bạn trẻ khác.

Lý do cô khoe sách là trong một lần nói chuyện với bạn học về những cuốn sách ưa thích nhất, các bạn đều liệt kê những cuốn như Thần thoại Grimm, Cổ tích Andersen, hay những quyển sách có đề tài hậu cung, nhân vật vượt thời gian, tình cảm.

Họ ít đọc sách kinh điển, nhiều bạn còn không phân biệt được nhà văn Hemingway (Mỹ) và ca sĩ trẻ Hải Minh Uy. Cho rằng đó là điều không bình thường đối với một học sinh trung học, Vi Tử đã chụp hình những quyển sách của mình tải lên mạng, giới thiệu cho mọi người cùng xem. Vì đang trong giai đoạn chuẩn bị thi đại học, Vi Tử mới đọc được 1% số sách trên. Qua bài viết của mình, cô muốn xã hội hiểu rằng thế hệ 9X cũng có người biết trân trọng giá trị của sách, không phải là thế hệ sống không mục đích, để xã hội có thể thay đổi cách nhìn lâu nay về thế hệ 9X.

Không bị "xã hội đồng hóa"

Theo tờ Tân Kinh, sau khi đăng bài viết trên blog, Vi Tử nhận được sự ủng hộ của rất nhiều cư dân mạng. Có bạn muốn đến tham quan tủ sách nhà cô, nhưng bên cạnh đó cũng có người cho rằng cô đang PR cho mình. Trang www.hnol.net cho rằng việc cô khoe sách có phải là hành động PR hay không cũng không quan trọng, vì đã góp phần cảnh tỉnh xã hội, khơi gợi niềm đam mê đọc sách ở thế hệ 9X, là việc làm có giá trị, cần phải phát huy. Trang www.cnhubei.com đánh giá cao việc làm của Vi Tử vì cô đã không bị xã hội đồng hóa khi cho rằng sách mới là những chiếc "BMW" hay "Mercedes" đáng để khoe trong đời.

Thực tế, Vi Tử đã là nhân vật nổi tiếng của thế giới ảo ở Trung Quốc từ năm 16 tuổi khi cô viết nhật ký du lịch Nhật Bản trên blog. Sau đó nhiều website nổi tiếng như 163.com, ifeng.com hay people.com.cn đều chủ động mời cô tham gia diễn đàn. Cô đã hợp tác với các báo đài làm những cuộc điều tra xã hội về thế hệ 9X, tác phẩm Điều tra xã hội của nữ sinh trung học sắp được đăng tải trên tạp chí Đương Đại của NXB Văn Học Nhân dân. Theo cô, thế hệ 9X có nhiều vấn đề cần bàn cãi, họ chưa đủ trưởng thành, "nhưng mọi người phải hiểu chúng tôi mới có thể đánh giá chúng tôi được".

CẢNH CHÁNH 

(Theo Nhật Báo Quảng Châu, Tân Kinh, Trùng Khánh Buổi Sáng)

Ném ra ngoài cửa sổ

19/05/2012 00:18 (GMT + 7)

TTCT - Đó là tên một trang web (www.zccw.info) ra đời từ tháng 6-2011 ở Trung Quốc, nhưng đến đầu tháng 5 vừa qua lượng truy cập mới tăng lên chóng mặt, mỗi ngày có hơn 650.000 lượt truy cập.

Lập trang web vì… cao thịt bò

“Chúng ta đừng tự dối lừa nhau, điều đó sẽ khiến không ai thoát khỏi sự bủa vây của thực phẩm độc hại, kết cục là tất cả mọi người đều bị đầu độc, loài người bị tiêu diệt” 

NGÔ HẰNG

Người sáng lập trang web là Ngô Hằng (sinh năm 1985), nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử địa lý Đại học Phúc Đán, Trung Quốc. Ngô Hằng bắt đầu có ý tưởng thành lập trang web khi anh ăn món cơm thịt bò chỉ với giá 32.000 đồng nhưng lại có rất nhiều thịt suốt nửa năm trời.

Cho đến khi báo chí nước này đưa tin “nhiều địa phương sử dụng cao thịt bò biến thịt heo thành thịt bò, ăn nhiều sẽ gây ung thư” anh phải đổi món. Tìm kiếm trên mạng, Ngô Hằng bị sốc nặng vì phát hiện nhiều thực phẩm độc hại khác như sữa bột, dầu tái chế bằng nước cống, lỗ tai heo nhân tạo, mứt đường độc hại, trà Lipton chứa hóa chất vượt tiêu chuẩn, đậu nành pha bằng hương liệu, cháo hải sản và thịt xá xíu nêm bằng hương liệu…

Ngô Hằng kêu gọi 33 tình nguyện viên cùng tham gia kế hoạch của mình, trong vòng một tháng họ thu thập được 2.000 tin bài về thực phẩm độc hại từ năm 2004 đến nay. Trang web “Ném ra ngoài cửa sổ” chính thức ra mắt ngày 17-6-2011, gồm ba phần chính: báo cáo điều tra, cảm nghĩ khi viết điều tra, kho dữ liệu. Ngay đầu trang là bản đồ tình hình an toàn thực phẩm ở các tỉnh thành Trung Quốc sắp xếp theo số vụ thực phẩm độc hại bị phanh phui trên mặt báo.

Theo thống kê, năm 2004 chỉ có bốn địa phương xếp vào danh sách an toàn thực phẩm kém, đến năm 2011 đã tăng lên 11 địa phương, tập trung ở các thành phố ven biển, thành phố lớn, cũng có lẽ do những nơi này lực lượng báo chí hùng hậu nên dễ dàng phát hiện hơn. Trong hai năm 2008 và 2010 tình trạng an toàn thực phẩm ở nước này có chiều hướng giảm, theo Ngô Hằng là do Bắc Kinh tổ chức Olympic 2008 và Thượng Hải tổ chức Expo 2010.

Theo thống kê của Google Analytics, lượng truy cập hiện nay lên đến 1.530.000 lượt, chủ yếu ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Thâm Quyến, Vũ Hán…, trong đó 92% lượt là truy cập lần đầu. Ngô Hằng nói 2.000 tin bài đó đủ để khiến mọi người buồn nôn! Và đó là mục đích của anh: trang web như hồi chuông cảnh báo, giúp những ai còn đang ngái ngủ tỉnh giấc.

Ăn uống trong bất an

Sau khi lập trang web, Ngô Hằng luôn bị ám ảnh bởi những thông tin về thực phẩm độc hại, anh luôn cảm thấy bất an khi ăn, ngay cả mì gói cũng không dám đụng đến, ra ngoài uống nước chỉ gọi nước suối. Suốt gần một năm nay, Ngô Hằng luôn bị mọi người hỏi nên ăn thứ gì và anh chỉ biết cười trừ, vì chuyên ngành anh đang học chẳng liên quan gì đến thực phẩm.

Ngô Hằng tuyên bố trang web chỉ bổ sung thông tin về thực phẩm độc hại, không quan tâm đến việc các vụ việc đã được giải quyết hay chưa. Vì theo anh, nếu đăng phản hồi từ doanh nghiệp chẳng khác nào giúp họ quảng cáo không công. Tuy nhiên, luật sư Thư Vĩ Giang (Thượng Hải) cho rằng trang web “Ném ra ngoài cửa sổ” chỉ đóng vai trò truyền thông nhưng vẫn có nguy cơ xâm hại uy tín doanh nghiệp nếu thông tin họ thu thập là sai sự thật. Ngoài ra, việc chỉ đưa thông tin xấu cũng hơi thiếu công bằng.

Tuy nhiên Ngô Hằng nói trang web chỉ làm việc đưa thông tin đến người tiêu dùng. Anh hi vọng sau khi được cư dân mạng chú ý, người tiêu dùng sẽ nói không với thực phẩm độc hại, khi đó thực phẩm độc hại sẽ sớm bị ném ra ngoài cửa sổ.

“Ném ra ngoài cửa sổ” - tên trang web bắt nguồn sau khi Ngô Hằng đọc được một bài báo viết: “Năm 1906, Theodore Roosevelt, tổng thống thứ 26 của Mỹ, vừa ăn sáng vừa đọc tiểu thuyết, đột nhiên ngài hét lớn, đứng phắt dậy, nôn hết thức ăn chưa kịp nhai trong miệng và cầm đĩa xúc xích ném ra ngoài cửa sổ”. Tiểu thuyết tổng thống đọc mang tên The Jungle của nhà báo Mỹ Upton Sinclair, nói về cách chế biến thịt dơ bẩn của một nhà máy chế biến thức ăn ở Chicago.

CẢNH CHÁNH

(Theo Đô Thị Nam Phương, NDNB)

Chuyện "đi một ngày đàng" của ba bạn trẻ Anh

19/05/2012 16:25 (GMT + 7)

TTCT - Ba công dân Anh Johno Ellison - 28 tuổi, Paul Archer - 23 tuổi và Leigh Purnell - 24 tuổi, đang lập kỷ lục đi vòng quanh thế giới bằng taxi, vượt hơn 45.000 dặm (hơn 72.000km) trong 400 ngày.

Đến nay, cả ba đã qua hơn 40 quốc gia, bốn lục địa trên chiếc taxi đen 18 tuổi. Dưới đây là câu chuyện dọc đường của họ.

Tốt nghiệp Đại học Aston (Birmingham), ba bạn trẻ mua một chiếc taxi cà tàng từ trang mạng đấu giá eBay năm 1992 với giá 2.000 USD. Sau khi sửa chữa, kiếm tiền tài trợ, cả ba lên đường chu du. Mục đích của họ là đạt kỷ lục Guinness về việc đi quanh thế giới bằng taxi, đồng thời quyên góp cho Hội Chữ thập đỏ Anh. Chuyến đi bắt đầu từ  ngày 17-2-2011, đến nay là một hành trình thú vị.

Tại Ấn Độ, chiếc taxi già còn được tham gia trong phim hành động Bollywood Agent Vinod. Hành trình diễn ra đúng vào thời điểm nổ ra “Mùa xuân Ả Rập” nên họ phải tránh Ai Cập, Libya và Syria để đi ngang những nước “an toàn hơn” là Iraq, Iran và Pakistan. Tại Iran, họ từng bị tình nghi là gián điệp Do Thái bởi vô tình cắm trại qua đêm trong một sa mạc vốn là bãi đặt súng chống trực thăng!

* Nước nào nguy hiểm nhất?

- Đối với du khách thì có hai loại nguy hiểm. Thứ nhất là chính trị. Trong ý nghĩa này thì phức tạp nhất là Pakistan và Iraq. Ở đó có Taliban, tình hình chiến sự. Nhưng cũng có những nước đơn giản là nguy hiểm nếu lái xe hơi. Thí dụ đường sá ở Ấn Độ - ổ gà này sang ổ gà khác,  nơi người ta chạy xe không theo luật  nào.

* Các bạn có gặp ai thú vị không?

- Có, ở Lào chẳng hạn. Trên một con đường nhỏ bụi bặm suýt chút nữa chúng tôi tông phải một chiếc Roll Royce to đùng, sản xuất đâu cũng phải khoảng những năm 1920.  Nó lao tới phía chúng tôi mà không chịu de lại. Chúng tôi nhá đèn hiệu. Cuối cùng nó dừng và chúng tôi xuống xe làm quen nhau. Hóa ra đó là cả một gia đình ở Argentina, đã 11 năm du lịch khắp thế giới bằng xe. Suốt thời gian đó bốn đứa trẻ đã ra đời nên chiếc Roll Royce  trở nên quá chật. Họ bèn nối dài chiếc xe thêm để đủ chỗ cho tất cả.

* Người dân nơi đâu thân thiện nhất?

- Chúng tôi nhớ nhất là Tây Tạng. Ở đó thiên nhiên tuyệt đẹp, đường đi xuyên qua Hi Mã Lạp Sơn. Trên thực tế chúng tôi đã phá kỷ lục không chỉ về khoảng cách đã vượt qua trên taxi, mà còn phá cả kỷ lục đi bằng taxi lên điểm cao nhất đấy nhé. Ở Tây Tạng người dân rất tốt bụng và thoải mái. Ở Iran người dân cũng rất dễ thương. Tới nước này rồi, chúng tôi đã xóa đi những định kiến nào đó chúng tôi từng có khi sống ở Anh.

* Các bạn ngủ đêm trong khách sạn hay trên xe?

- Chúng tôi có lều và nếu thời tiết cho phép thì chúng tôi ngủ trong lều. Chúng tôi cũng sử dụng trang web www.couchsurfing.org  (một trang web nổi tiếng cho dân du lịch bằng cách “đổi chỗ”: bạn được sử dụng căn hộ hoặc phòng của người khác miễn phí để họ sử dụng căn hộ hoặc phòng của bạn). Trong chuyến đi Matxcơva, chúng tôi sống cùng các bạn sinh viên. Chúng tôi ngủ trên ghế xếp hoặc trên sàn.

* Có lời khuyên nào cho những ai muốn chu du bằng xe hơi không?

- Nếu có thể, trong những chặng dừng  nên sử dụng thời gian riêng biệt. Bởi ngay cả những người bạn tốt nhất, phải trải qua chừng ấy thời gian cùng nhau trên một ôtô cũng sẽ mệt mỏi vì nhau. Cứ gặp nhau mãi trong một nhóm là một trong những đe dọa lớn nhất của những cuộc du lịch dài ngày.

MINH THƯ

(Theo Wall Street Journal, Daily Mail, KP)

Kỷ lục trước đó do Jeremy Levine và Mark Aylett (Anh) cùng Carlos Arrese (Tây Ban Nha) lập năm 1994 với 21.691 dặm (hơn 34.000km), bốn tháng trên taxi từ London tới Cape Town (Nam Phi) và trở về, theo sách Guinness. Khi đó, đồng hồ tính tiền trên taxi của họ nhảy lên tới 64.645 USD. Dự kiến sau chuyến đi kỷ lục mới này, số tiền hiện trên bảng đồng hồ taxi sẽ hơn 100.000 USD.

 (Foxnews)

Khi sự lãng mạn được... đóng gói

27/05/2012 18:27 (GMT + 7)

TTCT - Gần đây, hình thức tỏ tình hoặc cầu hôn có nguồn gốc từ phương Tây - kiểu flashmob - dường như đang trở thành thời thượng trong giới trẻ.

Thử tưởng tượng bạn đang đi trên đường với người ấy, đột nhiên xung quanh xuất hiện rất nhiều người lạ mặt, rồi nhạc nổi lên, tất cả thế giới đều nhảy múa quanh bạn, kể cả người ấy. Trong khi bạn hết sức bối rối, không hiểu mình có đang rơi vào một cái bẫy nào không thì người ấy quỳ xuống tặng bạn một bó hoa, hay chiếc nhẫn, hay một thứ gì đó đại loại như một vật chứng của tình yêu. Bạn còn biết làm gì khác ngoài chấp nhận tình cảm đó, phải không?

Hình như trên thế giới cũng đã có trường hợp cô gái bực mình bỏ đi chứ không nhận tình cảm của chàng trai, nhưng chắc xác suất để chuyện ấy xảy ra cũng không nhiều. Con người, nhất là phụ nữ, có lẽ khó nói câu từ chối trước mặt quá đông người.

Lãng mạn giá bao nhiêu?

Flashmob được xem là đã ra đời vào năm 2003, theo sáng kiến của Bill Wasik, trưởng ban biên tập tờ báo Harper’s Magazine. Để huy động đám đông, anh đã phát tán một email hướng dẫn tất cả những người quen biết. Hơn 130 người đã đáp lời kêu gọi của anh và cùng xuất hiện tại cửa hàng Macy’s ở New York (Mỹ) vào ngày 3-6-2003. Họ tụ họp lại một cách bất ngờ, đồng loạt vỗ tay reo hò và chớp nhoáng rút lui. Yếu tố ngẫu hứng rất được coi trọng trong mọi sự kiện flashmob.

(http://en.wikipedia.org/wiki/Flash_mob)

Theo như định nghĩa ban đầu thì flashmob là một cuộc huy động chớp nhoáng hay ngắn gọn là đám đông chớp nhoáng, “tự phát ngẫu hứng”. Ví dụ hoạt động của một nhóm bạn bè cùng hẹn trước (thông qua Internet, blog, email hoặc tin nhắn nhanh, SMS...). Họ nhanh chóng tụ họp tại một nơi công cộng để cùng làm một việc gì đó lạ mắt và lý thú theo kịch bản hay tự phát ngẫu hứng rồi lập tức giải tán nhanh như lúc tụ họp, xem như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Cảm giác của nhiều người khi lần đầu nhìn thấy flashmob trên tivi, YouTube và các trang báo mạng có lẽ là sự xúc động, thậm chí xúc động đến nghẹn ngào khi thấy sự lãng mạn vẫn còn đâu đó trong cuộc sống hiện đại này.

Những người nghĩ ra cách tỏ tình bằng flashmob thật sự rất sáng tạo, vì kết hợp cả âm nhạc, múa, nghệ thuật đường phố, sức trẻ, sự bất ngờ và rất nhiều thứ chỉ có thể thấy trong phim hoặc trong các giấc mơ điên rồ nhất. Xem các màn trình diễn này, nhiều cô gái thầm mong được như nhân vật nữ trong đó, nhiều chàng trai cũng ước gì mình được như anh ấy. Không phải cái gì cũng mua được bằng tiền, đúng không nhỉ?

Để tự tổ chức thành công một sự kiện công chúng như flashmob không đơn giản, cần khá nhiều người giúp đỡ nhân vật chính, cần sự phối hợp hoàn hảo giữa các thành viên, chưa kể khâu tổ chức phải rất kỹ càng, tính toán hết phương án xử lý những yếu tố ngẫu nhiên như thời tiết hay công an can thiệp vì sợ đám đông cản trở giao thông...

Rất nhiều cái không lường trước, nhưng khi xảy ra có thể làm mọi thứ rối tung lên và sự kiện có nguy cơ biến thành một trò hề. Nhưng có lẽ do tỉ lệ tỏ tình và cầu hôn thành công cao nên một số bạn trẻ chuộng flashmob, và với những nhà kinh doanh nhạy cảm thì đây là cơ hội làm ăn mới, thị trường mới.

Hiện nay đang có nhiều công ty đứng ra tổ chức “dịch vụ” này với mức giá cũng hết sức mềm. Chỉ cần vô Google gõ từ khóa “dịch vụ flashmob” sẽ thấy vô số công ty, nhóm sinh viên… sẵn sàng đứng ra tổ chức sự kiện, huấn luyện đào tạo khách hàng, lo địa điểm, cam kết cung cấp những nhóm nhảy chuyên nghiệp nhất, kinh nghiệm nhất.

Liên hệ thử với một vài công ty thấy quả thật họ cũng nhiều kinh nghiệm trong công việc này, kịch bản được sắp xếp rất khoa học và độ hoành tráng của “sự kiện” cũng tương ứng với số tiền mà khách hàng chấp nhận chi trả. Nói chung flashmob đang trở thành một sản phẩm kinh doanh, sự lãng mạn được đóng gói, như bao nhiêu thứ khác trong cuộc sống chúng ta ngày nay.

Người ta đang quen với kiểu kết bạn qua Facebook, chỉ cần một ngón tay là có hàng ngàn người bạn. Người ta đã quen với tình công sở, la liệt nhà nghỉ bao quanh thành phố. Người ta đã quen với những đám cưới được đóng gói sẵn, giống hệt nhau từ nụ cười cô dâu chú rể, tấm vải để ký tên, bài phát biểu với những câu pha trò không cười nổi của đại diện nhà hàng. Thậm chí một trong những dịch vụ “lãng mạn” đang được quan tâm hiện nay là cho thuê người yêu.

Với số tiền nào đó, bạn sẽ được công ty đưa cho người để chat, gọi điện, nhắn tin, để nhắc ăn đúng bữa, ngủ ngon giấc, thậm chí có thể đưa đi chơi, tức là giống người yêu từ A đến Y, chỉ có Z là không được. Công ty bảo thế. Có thể nếu bạn chi nhiều tiền hơn thì sẽ nhận được nhiều sự lãng mạn hơn.

Không tiền có yêu được không?

Có “hoa hậu” vừa bảo “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à”. Người ta rần rần phản đối cô, nhưng phải nói thật là bây giờ không những yêu, mà cái gì không có tiền cũng khó. Thật ra những cái cô nói cũng không hẳn là sai, thuốc đắng dã tật, mà sự thật thì mất lòng. Cũng nhiều cô gái nói, nghĩ và yêu như cô, nhưng họ không phải là hoa hậu nên những suy nghĩ của họ không được đưa lên báo mà thôi.

Dường như cái thời lãng mạn lá diêu bông, khi người ta yêu nhau, sống chết vì một cái gì đó mơ ảo đã đi qua rồi. Những cô gái chờ đợi hết tuổi xuân vì một lời nhắn nhủ “đợi anh về em nhé” của chàng trai lên đường nhập ngũ, những anh bộ đội cặm cụi hằng tháng đẽo gọt mảnh xác máy bay thành chiếc lược cho người yêu ở nhà phải chăng họ đã thành những ông lão bà lão hết rồi, và sự lãng mạn đã bay đi như tiếng thở dài của thi sĩ Lưu Quang Vũ:

Thôi nhé, em đi

Như một cánh chim bay mất

Phòng anh chẳng có gì ăn được

Chim bay về những mái nhà vui

Nghĩa gì đâu kỷ niệm tháng năm dài.

(Trích bài thơ Từ biệt)

Chỉ còn chút băn khoăn là những thứ tình cảm không liên quan đến tiền thì có còn là tình yêu nữa không? Và nếu người ta cứ đóng gói những sự lãng mạn lại, tính toán chi phí, thuế má, lời lãi, rồi treo lên nó một cái giá, đem ra chợ bán như thế thì xã hội sẽ đi về đâu? Các công ty cung cấp dịch vụ flashmob có bớt giá cho những khách quen, khách mua sỉ, mỗi tháng mua một cái gọi là “sự kiện” flashmob hay không? Và họ có mở rộng kinh doanh qua những sản phẩm cũng đầy hứa hẹn khác, như “anh hùng cứu mỹ nhân” chẳng hạn.

Khách hàng cần chiếm tình cảm của cô gái nào đó ư? Hãy dùng dịch vụ của chúng tôi, với đội ngũ diễn viên đóng thuê chuyên nghiệp đảm bảo chúng tôi sẽ dàn dựng cho quý khách một sự kiện hoành tráng, trong đó quý khách xuất hiện đúng lúc đúng chỗ và ra tay nghĩa hiệp, đả thương hàng chục tên cướp đang tấn công cô gái. Chắc chắn trái tim nàng sẽ hoàn toàn nằm trong tay quý khách, chỉ với một số tiền rất cạnh tranh cho dịch vụ của công ty chúng tôi.

Biết đâu trong tương lai sẽ có những gia đình bắt đầu quen nhau bằng gói  dịch vụ lãng mạn, tỏ tình với nhau bằng gói khác, cầu hôn bằng gói khác nữa, kết hôn thì không phải lo vì hiện nay đã có quá nhiều nhà cung cấp dịch vụ rất chuẩn, rất công nghiệp rồi. Liệu những nhà kinh doanh sự lãng mạn có nên nghĩ đến việc cạnh tranh bằng một gói dịch vụ tổng thể, hoàn hảo từ đầu đến cuối, thậm chí cả “sự kiện lãng mạn” cho việc ly hôn?

Flashmob có thể đã không lan rộng trên toàn cầu như hiện nay nếu không có sự hỗ trợ của Internet và điện thoại di động. Nhờ khả năng huy động đám đông và tính ngẫu hứng, các sự kiện flashmob mở rộng dần dần từ hoạt động mang tính chất thử nghiệm ban đầu với sự tham gia của vài trăm người, qua các lĩnh vực khác như tiếp thị quảng cáo, thậm chí là vì mục đích chính trị như trong phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” thời gian gần đây.

Đằng sau vẻ ngoài ngẫu hứng của sự kiện flashmob nhiều khi là một hệ thống tổ chức rất chuyên nghiệp và công phu của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm.

AN DI

Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?

04/06/2012 08:46 (GMT + 7)

TTCT - Rất nhiều gia đình Việt Nam, sống ở trong hay ngoài nước, đang ẩn chứa trong lòng những câu hỏi lớn về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, nhất là khi công nghệ và tốc độ sống đang mang lại những biến đổi âm thầm và lớn lao trong xã hội đương đại.

Trong hành trình tìm kiếm và gìn giữ bản sắc, truyền thống, bồi đắp những “con người riêng”, ta có gì cần ngoảnh lại nhìn?

Công việc của tôi thường phải đọc và suy ngẫm những vấn đề về văn hóa cộng đồng, nên thỉnh thoảng hay gặp những câu chuyện rất lý thú mà các đồng nghiệp ngành Việt Nam học trên thế giới đem ra chia sẻ, như một báo cáo mới gần đây từ Đại học Tổng hợp Warszawa.

Bọn trẻ có soi “gương” để noi theo?

Khi nghiên cứu cộng đồng người Việt ở Ba Lan, tiến sĩ Teresa Halik phát hiện một vấn đề mà có lẽ tất cả người Việt dù đang sống ở đâu cũng sẽ cảm thấy cần suy nghĩ. Xuất phát điểm để hiểu điều này là hiện tượng các gia đình người Việt ở nước ngoài thường chỉ có hai thế hệ là bố mẹ và con cái, thiếu vắng hẳn sự có mặt và vai trò truyền thống của ông bà. Do điều kiện địa lý cách trở, vé máy bay tốn kém, thủ tục visa rắc rối và cả điều kiện tài chính bên cạnh nhiều yếu tố khác, số lượng thành viên trong một đơn vị gia đình được rút xuống tối thiểu.

Các em bé Việt Nam sinh ra và lớn lên trong môi trường không chỉ không có ông bà, mà còn mất mát mối quan hệ với cô dì chú bác và anh em họ. Hơn vậy, nhiều em hầu như không mấy khi gặp bố mẹ đang phải vất vả lo toan cuộc sống từ sáng sớm đến tối mịt, phó thác con cho nhà trường, bạn bè và bảo mẫu - thường là một bà Tây gần nhà.

Nhìn rộng ra thì đây không chỉ là hiện tượng của các nhóm di dân kinh tế người Việt ở nước ngoài mà có thể xảy ra bất cứ nơi đâu ở chính ngay tại Việt Nam, khi thanh niên rời quê đi lập nghiệp, kết hôn và nuôi con ở các thành phố và trung tâm công nghiệp. Thậm chí ngay cả khi bố mẹ và ông bà cùng sống trong một thành phố nhưng cường độ công việc và áp lực cuộc sống cũng thường khiến cả nhà không mấy khi gặp nhau.

Đây không chỉ là hiện tượng đơn lẻ mà còn là câu chuyện của thời đại, là dấu hiệu cho thấy cấu trúc nền tảng trong xã hội đã thay đổi, như từng được một trong số những nhà nhân học hàng đầu thế giới là giáo sư Margaret Mead dự báo trong một bài giảng, độc giả quan tâm có thể tìm đọc quyển sách của bà về văn hóa và sự gắn kết, có sẵn trên mạng ở địa chỉ http://mx.esc.ru/~assur/ocr/mead/mead.htm.

Khởi đầu từ những nghiên cứu trên các đảo ở Thái Bình Dương mà nhiều nhất là Samoa, chủ tịch Hiệp hội Nhân học Hoa Kỳ dần liên kết thêm các quan sát thế giới đương đại để xây dựng cơ sở lý thuyết văn hóa nhìn vào tiến trình lịch sử thế giới. Theo đó, cũng như ba chương trong tập sách vừa kể, lịch sử thế giới đương đại có thể được phân kỳ thành ba giai đoạn, nếu nhìn qua lăng kính của khái niệm figurative, tức mô hình tạo dựng bản sắc.

Trong xã hội truyền thống của quá khứ, tức phân kỳ đầu tiên mà giáo sư Mead gọi là postfigurative, các hình mẫu đã được định hình qua năm tháng và đứa trẻ lớn lên trong khuôn khổ gia đình, tiếp nhận bản sắc văn hóa từ những người già trong cộng đồng mà gần nhất là ông bà mình. Trong xã hội đương đại cũng như trường hợp cộng đồng di dân ở Ba Lan, xã hội chỉ còn lại mối liên kết giữa hai thế hệ là phụ huynh và con cái, mà mỗi người đều phải tự bươn chải để thích nghi với cuộc sống mới.

Di dân thế hệ một và con cái của họ đều đứng cùng một vạch xuất phát điểm để học tất cả những thứ cần thiết cho cuộc sống hằng ngày trên mảnh đất mới, từ ngôn ngữ, luật lệ đến phong tục, văn hóa và cả những thói quen nhỏ nhặt. Thường nhờ lợi thế cả về điều kiện học tập lẫn tiếp xúc mà các em ở thế hệ hai sẽ vượt xa bố mẹ.

Cùng nhau tìm kiếm bản sắc?

Xã hội đương đại cũng tràn ngập những sản phẩm của nền văn minh, nổi bật nhất là các thế hệ thiết bị điện tử và hệ thống mạng, đặt các bậc phụ huynh vào thế yếu trong cuộc chạy đua bên cạnh con cái. Trong một xã hội như vậy, bản sắc và cá tính con người không còn chịu nhiều ảnh hưởng từ ông bà với vai trò nay đã mờ nhạt, mà hình thành chủ yếu qua mối quan hệ với bạn bè đồng lứa, thế hệ bố mẹ với bố mẹ, thế hệ con cái với con cái. Vòng ảnh hưởng có thể nhỏ như liên kết cộng đồng ở tổ dân phố, khu dân cư hay công việc và nơi vui chơi giải trí, cũng có thể rộng như mạng lưới xã hội trên Internet, điển hình như Facebook, trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh đó của thời đương đại, bản sắc được hình thành trong mối quan hệ tác động qua lại bổ sung lẫn nhau, tức là cofigurative như giáo sư Mead phác họa cho phân kỳ thứ hai. Điều này thật ra cũng không quá mới mẻ với nhiều người Việt, khi trong xã hội truyền khẩu nhau kinh nghiệm “học thầy không tày học bạn”, nhắc nhở về tầm quan trọng của bạn đồng lứa.

Sau ngày mở cửa thì thế hệ con cái và thế hệ phụ huynh ở Việt Nam ở vào thế cùng đứng trước một xuất phát điểm trong cuộc chạy đua tìm hiểu thế giới, mà trong nhiều gia đình thì thế hệ trẻ có nhiều lợi thế hơn. Nhiều người ý thức được giới hạn của mình nên sẵn sàng “hi sinh đời bố củng cố đời con”, tạo cơ hội cho con trẻ hội nhập thế giới toàn cầu từ rất sớm.

Nếu quan sát kỹ cộng đồng người Việt ở các nước, chúng ta sẽ còn ghi nhận thêm một biểu hiện là sau khi nhận thấy mình thua kém con cái trong quá trình hội nhập thì thế hệ phụ huynh sẽ phải học ngược từ thế hệ con cái để bảo đảm cuộc sống. Ở Ba Lan chẳng hạn, bạn có thể hình dung ra chuyện bố mẹ không biết tiếng Ba Lan và phải lệ thuộc vào con cái làm phiên dịch trong buổi họp phụ huynh.

Đến phần gặp riêng giáo viên chủ nhiệm và phải lựa chọn giữa hai phương án thì có khi con họ chỉ chọn dịch duy nhất phương án mình thích và thêm vào câu kết luận là cô giáo bảo như vậy, thay vì dịch chính xác cô giáo bảo chọn giữa hai phương án và trình bày phương án còn lại. Và phụ huynh chỉ có một con đường là gật đầu với phương án mà chính con mình đã chọn, mất đi quyền uốn nắn con theo cách tính của mình.

Những chuyện tương tự như vậy rất thường xảy ra không chỉ trong cộng đồng người Việt ở đây. Và sau đó trong rất nhiều gia đình, con cái được trang bị trình độ đại học thật sự ở nước ngoài cũng sẽ hơn hẳn phụ huynh từ luật pháp, tài chính đến chính trị, xã hội và tâm lý cuộc sống, rồi nhanh chóng nắm quyền chi phối trong các quyết định kinh doanh hay cuộc sống của toàn gia đình.

Mô hình tiếp biến văn hóa theo chiều ngược như vậy được giáo sư Margaret Mead ghi nhận bằng thuật ngữ prefigurative, tức là xã hội chưa hề có hình mẫu nào, phải học theo những đứa trẻ mà bây giờ mới đang hình thành bản sắc. Hơn vậy, đó sẽ là xã hội trong tương lai, tức phân kỳ lịch sử văn hóa thứ ba mà nếu xét thời điểm bài giảng của giáo sư Mead là vào năm 1969, đây chính là quy luật hoạt động của xã hội toàn cầu mà chúng ta đang sống hiện nay.

Vấn đề là sau khi nhận ra quy luật của lịch sử văn hóa, mỗi phụ huynh còn phải dám vượt qua ego (cái tôi) để học tập từ con mình, không chỉ để biết “con hơn cha nhà có phúc” mà còn dám nhận “trứng khôn hơn vịt” trong ngôi làng toàn cầu của thế giới phẳng mà chúng ta đang sống. Bởi nếu không thì các vị tiên chỉ nhà ta đến một ngày sẽ phải nghe không phải là con cháu mình giảng bài mà chính là những bạn trẻ như Dâu Tây (Joe Ruelle) hay thầy cúng Paul Sorrentino (*) và tiến sĩ Edyta Roszko (**) dạy lại về bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bạn sẽ muốn phụ thuộc vào một thế hệ trẻ đầy ẩn số là con cháu mình hay con cháu những cộng đồng dân tộc xa lạ nào đó? Trong một thế giới mà các bạn trẻ Việt Nam sẽ tự do chọn lựa bản sắc, nếu không học hỏi con cháu để tạo mối dây gắn kết thì đến một ngày bọn già chúng ta sẽ cô đơn ngồi tranh cãi trên mảnh đất không còn đơm hoa kết trái - mải mê hồi tưởng về một thời xa xưa “có gì đẹp hơn lúa” khi xung quanh một đám trẻ từ nơi khác từ lúc nào đã tràn ngập và đang thay đổi hết mọi đường đi lối lại lẫn ngay cả tên địa danh nơi này - để rồi ngơ ngác hỏi nhau: (chúng) ta (sẽ) là ai?

Thế giới từng lên cơn sốt vì những chiếc máy Walkman của đám trẻ thích đeo tai nghe và nhún nhảy khắp mọi nơi, khiến tất cả lứa tuổi đều chạy theo thế hệ Walkman. Cách đây không lâu, ta có thế hệ @ của những chàng trai cô gái sống trong không gian ảo nhiều hơn ngoài đời thật, nói chuyện với nhau toàn bằng từ ngữ lượm lặt từ game online, khiến các bậc phụ huynh phải học dùng webcam để mà còn chat.

Gần hơn nữa người ta nói nhiều đến thế hệ viết blog, một thú tiêu khiển mà ban đầu chỉ là dành cho thanh thiếu niên nhưng đã nhanh chóng gây nghiện cho những tên tuổi năm sinh không phải 9x, 8x, thậm chí là 7x, 6x... Thế hệ phụ huynh luôn phải chạy theo những trào lưu khó mà dự báo trước của thế hệ trẻ, cho nên để cho tiện người ta đặt tên luôn là thế hệ X - một ẩn số. Nếu bạn không hiểu ít nhất một nửa những từ khóa vừa được dùng trong đoạn văn này thì chắc sẽ rất vất vả mới đuổi kịp thời đại.

LÊ THANH HẢI

(nghiên cứu sinh Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan)

(*) Paul Sorrentino, người Pháp gốc Ý, giảng viên Đại học Paris 5 chuyên ngành dân tộc học, biệt danh “thầy cúng” vì dành nhiều thời gian nghiên cứu tập tục thờ cúng ở miền Bắc Việt Nam.

(**) Tiến sĩ Edyta Roszko, người Ba Lan, làm việc tại Viện hàn lâm Khoa học Max Planck (Đức).

Theo chứ không bị dắt

11/06/2012 16:08 (GMT + 7)

TTCT - Việc người lớn phải... xuống nước với con trẻ là điều cần thiết. Thời hiện đại bây giờ, nếu cha mẹ không chủ động mở lời với con cái thì rất khó con cái tìm tới cha mẹ, bởi có nhiều thứ thú vị cho chúng quan tâm hơn những lời giáo huấn khô khan.

Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?

LTS: Tham gia loạt Câu chuyện cuộc sống “Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?” (xem TTCT số ra ngày 3-6), tình cờ chúng tôi nhận được hai ý kiến đầu tiên từ hai lứa tuổi khác nhau.

Xin trích giới thiệu cùng độc giả.

Tôi đang đi qua thời... tuổi teen tuyệt vời!

Tôi đúc kết những điều trên từ trường hợp con gái lớn. Ngày còn nhỏ cháu mê các thần tượng là những ngôi sao ca nhạc, điện ảnh Đài Loan, Hong Kong... Suốt ngày thấy cháu bận bịu cắt dán hình diễn viên, lơ là việc học hành tôi thường la mắng cháu và thậm chí xé hay đốt những cuốn sổ, báo, tạp chí của cháu.

Rồi cháu vào đại học, đi học xa nhà. Vào thăm cháu, tôi tá hỏa khi thấy phòng trọ của cháu dán đầy hình ảnh những nhân vật là thần tượng một thời của cháu. Cháu có thể dùng hết tiền ăn của cả tháng để mua sticker những nhân vật hoạt hình hay báo, tạp chí có hình diễn viên điện ảnh, ngôi sao ca nhạc... cắt, dán vào vở, hộp bút...

Điều này khiến tôi hiểu ra cháu đã có một thời quá thiếu thốn việc thể hiện sự yêu mến thần tượng của mình do bị cấm đoán. Và khi xa nhà, được tự do cầm tiền trong tay, cháu phải thực hiện cho bằng được đam mê này. Mãi đến năm thứ 3, con tôi mới thoát khỏi cái bóng những thần tượng của tuổi teen ngày trước. Tuy nhiên, thậm chí giờ đây đã đi làm tôi vẫn thấy cháu thích đọc truyện tranh, coi phim hoạt hình và vẫn say mê khi nói về Jackie Chan...

Rút kinh nghiệm từ con gái, tôi bắt buộc phải cùng với con trai đi qua tuổi teen của cháu một cách vui vẻ và rất... bạn bè (dù cách nhau 36 năm). Trên Facebook tôi “add” những bạn bè của cháu và theo dõi diễn biến trên lớp học cũng như trong đời sống ảo của chúng. Con tôi tập beatbox, tôi phải tra Google tìm hiểu kỹ về nghệ thuật này để trao đổi với cháu; cũng như biết cháu đang theo dõi bộ phim nào, hay đang chơi trò chơi nào, nâng cấp level nào...

Từ đó mới có thể nói chuyện được với con mà nó không chán và có thể khai thác nhiều thứ từ tâm tư nguyện vọng của cháu. Tôi cảm thấy mình trẻ trung và đang đi qua thời... tuổi teen rất tuyệt vời!

Đến ông/bà cũng phải... teen!

Khi con cái còn nhỏ, ông bà, cha mẹ hay nói ngọng nghịu theo con trẻ để chơi với chúng. Thế thì tại sao khi chúng lớn hơn lại không theo cách nghĩ của chúng để tìm được tiếng nói chung?

Một trong những lý do tôi thích phim Hàn Quốc là hầu như phim nào cũng có đầy đủ ba thế hệ trong một gia đình. Ông bà có mâu thuẫn của ông bà, cha mẹ có việc của cha mẹ và con cái cũng có những tranh luận của chúng. Mới thấy để dung hòa cả ba thế hệ, bây giờ qua rồi việc người lớn áp đặt con cái mà đôi khi lại nhờ vả chúng rất nhiều.

Điều đơn giản nhất chúng ta thường thấy đó là khi con cái còn nhỏ, ông bà, cha mẹ hay nói ngọng nghịu theo con trẻ để chơi với chúng. Thế thì tại sao khi chúng lớn hơn lại không theo cách nghĩ của chúng để tìm được tiếng nói chung.

Ở thời đại mà trình độ công nghệ ngày mỗi tân tiến thì đối với người già, việc tiếp cận công nghệ hiện đại không thể theo kịp bọn trẻ. Cách tốt nhất là phải dựa vào chúng. Mẹ tôi năm nay 78 tuổi vẫn có thể sử dụng iPad một cách thuần thục để coi hình ảnh hay đọc sách điện tử. Việc chat voice qua webcam với bạn bè cách nhau nửa vòng trái đất đối với bà là chuyện nhỏ!

Người ta cũng thấy rằng giờ đây ngày càng nhiều người già biết sử dụng máy tính để lướt web, chat, trao đổi qua các trang mạng xã hội như Facebook, Yahoo, Multi... post hình, comment... Những thứ đó đã kéo dài tuổi thọ và giúp họ có những ngày vui sống, không cô đơn, bớt suy nghĩ nhiều đến bệnh tật hay ngồi buồn rầu chờ đợi hoàng hôn sụp xuống.

Vấn đề ở đây không phải là bọn trẻ sẽ dắt chúng ta đi mà là chúng ta nên đi theo chúng, đó là cách tốt nhất để xâu lại sợi chỉ gia đình vốn đã rất mong manh. Đó là quy luật của cuộc sống, người lớn đừng trở thành lực cản mà phải là bạn đồng hành với con trẻ.

Thêm nữa, với kinh nghiệm từng trải, khi theo chúng người lớn sẽ biết nơi nào có ổ gà, ổ trâu hay hầm hố, vực sâu mà nhắc chúng phải cẩn thận, chú ý để không bị sa lầy! Cần phải nhạy bén theo trẻ và có tầm nhìn xa hơn. Hãy cứ nghĩ đơn giản rằng trẻ là vui, là sức sống, là ngày hôm nay, là món quà mà thượng đế ban cho mỗi gia đình.

KIM DUY (Nha Trang, Khánh Hòa)

Mô hình tiếp biến văn hóa theo chiều ngược - khi những niềm tin và giá trị mà các bậc cha mẹ theo đuổi không là gương soi cho con mình như tác giả Lê Thanh Hải đề cập, đâu chỉ là “độc quyền” của cộng đồng người Việt ở Ba Lan.

Tôi chứng kiến điều này ở Mỹ gần như hằng ngày.

Tôi có một người bạn sống ở Mỹ, có bố mẹ vừa từ Việt Nam sang. Từ ngày bố mẹ sang ở chung bạn mất vui hẳn, có đi chơi với bạn bè thì tới 7g tối là mẹ gọi điện nhắc về nhà. Xin lưu ý là bạn tôi đã 22 tuổi, sắp tốt nghiệp đại học nhưng vẫn bị bố mẹ kiểm soát rất chặt chẽ. Một lần bạn xin chuyển qua tiểu bang khác để tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ, mẹ bạn khóc hết nước mắt bảo con muốn học cũng phải học gần nhà, ở chung với gia đình chứ không đi đâu xa cả.

Quá mệt mỏi, bạn tôi dành dụm tiền tìm cách chuyển ra sống riêng.

Khi con trẻ là đại diện cho gia đình

Chuyện của bạn chỉ là một trong nhiều thí dụ tiêu biểu cho những trục trặc trong cơ cấu gia đình do điều kiện xã hội thay đổi. Ở nhiều gia đình Việt định cư tại Mỹ, những đứa con trở thành thông dịch viên bất đắc dĩ và thậm chí là người đại diện cho cha mẹ mình. Mọi công tác trao đổi với các dịch vụ như hãng bảo hiểm xe cộ, đặt hẹn bác sĩ, đặt chỗ trong khách sạn khi đi chơi xa... đều do những đứa con đảm trách.

Khi một sự cố xảy ra, ví dụ như xe của gia đình bị hỏng giữa đường, thì đứa con, nhờ vốn hiểu biết về văn hóa và ngôn ngữ, là người duy nhất biết cách giải quyết. Ở một số gia đình, sự đảo lộn về trật tự này phần nào làm giảm đi sự nể trọng của những đứa trẻ dành cho cha mẹ. Chưa kể khi bắt đầu trưởng thành, họ trực tiếp tham gia các quyết định hệ trọng của gia đình, sẵn sàng gạt đi ý kiến của cha mẹ nếu cảm thấy không phù hợp.

Trong khi các bậc cha mẹ chủ yếu chỉ giao lưu với các bậc cha mẹ khác, hoặc những người bạn người thân cùng độ tuổi với một lượng kinh nghiệm chung mang tính cộng đồng, những đứa con liên tục cập nhật sự hiểu biết của chúng với thế giới phát triển không ngừng ở bên ngoài, không bị thu gọn trong khuôn khổ người Việt với người Việt nữa.

Ví dụ như nhà vừa sắm một chiếc xe mới và bàn về mua bảo hiểm cho xe. Hai bậc cha mẹ sau khi nghe từ phía của họ hàng (những người đã sống ở Mỹ lâu hơn) thì có ý chọn hãng A (vì phần lớn gia đình người Việt khác đều chọn hãng này). Trong khi đó đứa con tìm đọc các điều khoản dịch vụ của hãng A và so sánh với những hãng khác để tìm ra lựa chọn tối ưu, hoặc hỏi ý kiến những người bạn Mỹ có kinh nghiệm trong việc mua bán bảo hiểm xe cộ, đề nghị chọn hãng B.

Mâu thuẫn xảy ra, đứa con không phục khi cha mẹ chúng đưa ra lựa chọn thiếu cơ sở lý tính. Các bậc cha mẹ không thể thuyết phục con cái mình khi dưới mắt chúng, họ là người “lạc thời” trong thế giới mà họ sống.

Xin làm cái... tivi

Nhưng trong thời đại mà công nghệ đang thay đổi cuộc sống của ta mỗi ngày, mô hình tiếp biến văn hóa theo chiều nghịch đâu chỉ là câu chuyện của cộng đồng người Việt. Tôi có một cô giáo người Nga, và câu chuyện của cô cho thấy sự thay đổi cơ cấu xã hội này rất phổ biến. Cô kể trong một bài tập luận văn đề tài tự do, một học sinh phổ thông ở Matxcơva đã nói mơ ước lớn nhất của em là trở thành cái... tivi.

Bởi trong gia đình em, đây là vật được nhiều người “sùng bái” nhất, có thể “trò chuyện” với tất cả và cho lời giải đáp cho rất nhiều câu hỏi. Đó là nơi gia đình của em trải qua ngày nghỉ, cũng là cái làm cho gia đình bần thần, lo âu khi đột nhiên bị hỏng hay mất kênh nào đó. Cha mẹ đi làm suốt, cái tivi trở thành bạn không chỉ của em mà còn của cha mẹ những lúc hiếm hoi ở nhà. Nó trở thành “người thầy” thứ hai của em, thay vì cha mẹ.

Để đối phó với tình trạng mà báo chí Nga gọi là “chip hóa người thầy”, trong hàm ý những người dẫn dắt tinh thần cho trẻ em giờ không còn là thầy cô, người lớn, mà đã là những phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại; một số nhà sư phạm Nga đang đề nghị đưa giáo lý, ở đây là tinh thần của Chính thống giáo, vào giảng dạy trong nhà trường.

Họ cho rằng chỉ có tinh thần của tôn giáo mới có thể lấp đầy khoảng trống do tiến bộ công nghệ quá nhanh mang lại, rằng thiếu cốt lõi tinh thần này thì họ sẽ chỉ tạo ra một xã hội của “những người no nê mà ngu dốt”. Dĩ nhiên đó cũng chỉ là một cuộc vận động của thiểu số. Cái lớn hơn cần nói là nguy cơ một sự kế tiếp thế hệ có khả năng đứt gãy bởi cơ cấu xã hội đã thay đổi trong khi kỹ thuật và công nghệ phát triển vũ bão.

Có lẽ đã qua rồi thời quan hệ cha mẹ, con cái, người lớn và trẻ em được xử lý theo cách “cá không ăn muối cá ươn”...

VĨ ANH (CSULB)

Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?

Hãy sánh bước cùng con

23/06/2012 16:50 (GMT + 7)

TTCT - Bài viết “Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?” của Lê Thanh Hải trong số TTCT ngày 3-6-2012 đã đề cập một vấn đề mà theo tôi, là mang tính thời đại trong thế hệ phụ huynh 5X, 6X và có thể cả 7X.

Đúng là “Sau ngày mở cửa thì thế hệ con cái và thế hệ phụ huynh ở Việt Nam ở vào thế cùng đứng trước một xuất phát điểm trong cuộc chạy đua tìm hiểu thế giới”, nhưng có thật sự chúng ta (phụ huynh) “kém lợi thế” hơn thế hệ trẻ theo như tác giả bài viết. Theo tôi, có lẽ đúng hơn là do chúng ta, khi đứng trước vạch xuất phát này, đã chưa nhìn nhận đúng vấn đề. Từ quan sát của bản thân, tôi thấy có hai nhóm phụ huynh như sau:

Một là nhóm “buông xuôi”, cho rằng việc “tìm hiểu thế giới” là của giới trẻ và tự loại mình ra khỏi cuộc đua. Những đứa trẻ, khi chúng thành thạo với Google và Facebook, dễ dàng với Discovery và National Geographic bằng tiếng Anh, chủ động đặt vé máy bay và phòng khách sạn online cho những kỳ nghỉ gia đình, bỗng trở nên những người thuộc “thế giới văn minh” ngay chính trong nhà mình, đối với chính cha mẹ mình. Chúng trở thành “thần tượng công nghệ”, là “biết tuốt” trong mắt cha mẹ và một cách bản năng, chúng “nhìn ra” thế giới và “nhìn xuống” cha mẹ.

Tôi đã từng chứng kiến một cậu bé đi cùng với bố để mua một thiết bị tin học. Cậu bé vốn đã nghĩ rằng bố chẳng biết gì về lĩnh vực này nên không “giảng giải” gì cho bố mà mặc nhiên cho rằng việc mua gì là do mình quyết định. Vì vậy mà khi người bố, cuối cùng được nhân viên bán hàng giải thích đã nghe theo tư vấn của anh ta, khiến cậu con trai giận dữ tới tột đỉnh. Cậu phản ứng với bố như thể là “đã không biết gì còn nghe tư vấn lung tung”.

Có phải những phụ huynh này đã buông xuôi để lũ trẻ kéo mình đi xềnh xệch trước vạch xuất phát? Chúng ta không nhất thiết phải có cùng hiểu biết với con về mọi lĩnh vực vì mối quan tâm của từng lứa tuổi sẽ khác. Nhưng thiết nghĩ hiểu biết về thế giới xung quanh, về thời cuộc, trước hết đã là nhu cầu tự thân của con người, sau nữa điều này lại giúp chúng ta có cơ hội gần gũi và hiểu con cái hơn, tại sao chúng ta không cố gắng?

Hai là nhóm “lấy mình làm chuẩn”. Có thể với chút thành công trong việc tạo dựng cuộc sống và công việc, nhóm này luôn lấy câu “ngày xưa mẹ thế này”, “hồi trước bố thế kia”... làm cửa miệng mỗi khi dạy dỗ con. Họ không cần biết rằng cái tấm gương “mua được nhà ở tuổi 35” của bố đã trở thành vô nghĩa với lớp trẻ ngày nay, khi mà chúng chả mảy may bận tâm xem chúng sẽ ở tỉnh này hay tỉnh khác, Việt Nam hay nước ngoài, miễn là ở đó chúng có một công việc phù hợp.

Một người bạn 6X của tôi cứ một mực bắt con thi đại học quản trị kinh doanh vì “phi thương bất phú”, trong khi cô con gái nhất định muốn thi vào ngành vật lý sau ba năm liên tục ở hàng “top” của lớp chuyên lý. Cô bé bực đến phát khóc khi mẹ không chịu hiểu rằng được làm gì mình thích thì thú vị thế nào.

Thật đáng buồn khi còn không ít phụ huynh vẫn chép miệng cho rằng “tụi trẻ bây giờ không bằng chúng ta ngày xưa”. Thiếu tôn trọng và niềm tin vào lớp trẻ, áp đặt chuẩn mực của thế hệ mình cho con cái, nhóm phụ huynh này đã vô tình đặt thêm vài “cục gạch” trước “vạch xuất phát” của con (và cũng là của chính mình).

Chúng ta đã quá quen với lời khuyên của các nhà sư phạm và chuyên gia tâm lý rằng phụ huynh nên “làm bạn” với con. Chúng ta sẽ chẳng thể “làm bạn” nếu chúng ta không hiểu và có cùng mối quan tâm với “bạn” và chắc chắn “bạn” cũng sẽ chẳng sẵn lòng chia sẻ hiểu biết, bàn bạc tương lai và xin tư vấn nếu “bọn già chúng ta” bảo thủ, tự mãn và lười học. Và nếu thế thì quả là cái kết cục đáng thương “bọn già chúng ta” ngơ ngác hỏi nhau “Chúng ta là ai?” đã đến gần lắm rồi.

ANH THƯ (Vũng Tàu)

Trong cuộc sống có một điều không thay đổi đó là tất cả đều thay đổi và tốc độ thay đổi ngày càng nhanh. Nhóm yếu tố xã hội được xem là ít thay đổi nhất thì cũng dần đổi thay nhiều hơn do sự biến động mạnh mẽ của kinh tế, chính trị, công nghệ và tự nhiên. Tất cả chúng cộng hưởng lẫn nhau tác động đậm nét lên đời sống từng gia đình, mỗi con người.

Cuộc sống bon chen lo toan sinh kế trong thế giới đất chật người đông này cùng với “công nghệ phát triển vũ bão” đã thiết kế ra lối sống mới, gấp gáp hơn, gọn tiện hơn, làm lu mờ dần những giềng mối cũ. Mặt khác, người trẻ sáng tạo tri thức và làm chủ công nghệ tốt hơn, họ nhạy bén với cái mới hay hơn, tạo ra và nắm bắt cơ hội nhanh hơn... khiến ta có cảm tưởng bị bọn trẻ dẫn đường.

Thật ra ai dẫn dắt được ai không phụ thuộc vào họ trẻ hay già mà ai giàu tri thức hơn ai. Cùng với giàu tri thức sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn, nắm quyền lực chi phối hơn. Điều này không có gì mới. Vậy hà cớ gì băn khoăn “Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?”. Đó là tín hiệu đáng vui hay buồn? Đó là điều tất yếu!

Xưa nay vẫn biết cha mẹ chỉ dìu con đi một đoạn đường đời, tuy nhiên đoạn đường này dường như ngày càng thu ngắn lại, cũng như kinh nghiệm ngày càng giảm giá trị so với sức sáng tạo do thế giới thay đổi chóng vánh làm chuyển biến cả thế giới quan, nhân sinh quan. Không còn cuộc sống chầm chậm để “cây đa, cây đề” mãi phát huy giá trị hoài hoài. Thừa nhận sự thật này quả hụt hẫng cho người luống tuổi thường nhớ về cõi huy hoàng xa xăm.

Vấn đề là làm sao để làm chủ cuộc đời mình lâu hơn, hạn chế sự phụ thuộc dẫu đó là tuổi già bên con cháu. Phải chăng gìn giữ sức khỏe và học hỏi không ngừng? Có lẽ câu “sinh con rồi mới sinh cha” phần nào đúng trên khía cạnh này. Từ khi có con, đấng sinh thành bước ngoặt sang lối rẽ mới - liên tục học hỏi: học để nuôi dạy con, học để chơi cùng con, học để chia sẻ được với con, học để hiểu con cùng mỗi chặng đường con đi theo dòng chảy miệt mài của xã hội.

Cần cầu thị để học từ con trẻ mới mong song hành bên con được dài hơi. Vì con trẻ là tương lai nên học hỏi lớp trẻ sẽ là ẩn số, là biến số, thú vị và bất ngờ, có lẽ khó tiếp thu hơn cách học từ các bậc cao niên, đó là học từ kiến thức ổn định và rõ ràng như một hằng số, như những công thức minh định cả rồi.

KIM OANH

(Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TP.HCM)

Mỗi lần dòng tộc có việc nhóm họp, người lớn chúng tôi lại thấy mình nhỏ bé hẳn đi trước lớp con cháu ngày một giỏi giang. Những việc chúng tôi mù mờ, thậm chí hiểu sai lạc thì nay với chiếc máy tính xách tay, con cháu giúp chúng tôi thông suốt. Nghe những thuật ngữ khoa học, tài chính, ngân hàng mãi rồi chúng tôi thấy quen tai nên dần dần hiểu được các khái niệm cổ phần, chứng khoán, lên sàn, khớp lệnh, chỉ số Index...

Những gì mà thế giới quan tâm như hiệu ứng nhà kính, thủy triều đen, sự tan chảy của băng ở hai cực Trái đất, đồng bằng sông Cửu Long sẽ như thế nào khi nước biển dâng cao trong vài mươi năm tới... cũng được làm sáng tỏ.

Không chỉ trẻ ở nước ngoài mới có khả năng làm chệch hướng phán đoán, quyết định của cha mẹ do sự vượt trội trong ngôn ngữ, trẻ trong nước cũng không thua kém gì. Một thí dụ rất nhỏ: kinh nghiệm trong nghề và tham khảo ý kiến đồng nghiệp của tôi cho thấy nhiều bậc phụ huynh không hiểu hết những gì thầy cô phê trong sổ liên lạc.

Do yêu cầu của ngành sư phạm, các câu chữ được sử dụng khi cần thông tin đến cha mẹ học sinh phải được cân nhắc, thận trọng tránh xúc phạm đến nhân cách các em nên lời phê: nghịch phá trong lớp chuyển thành: cần giữ trật tự trong lớp. Tương tự, không lễ phép với thầy cô sẽ thành: chưa ngoan... Khi đó học sinh có thừa năng lực để giải thích cho cha mẹ về những sai sót của mình và rất lâu mới sửa chữa được khuyết điểm.

Việc con trẻ sẽ hướng dẫn chúng ta trong tương lai cũng không có gì là bi quan nếu thật sự ta không giỏi bằng. Có lẽ nên tìm cách kết hợp giữa kinh nghiệm của thế hệ đi trước với khả năng của lớp trẻ hôm nay. Bên cạnh đó, việc nỗ lực học tập, tìm hiểu để nâng cao nhận thức trình độ hiểu biết, giải quyết công việc là rất cần thiết. Có như vậy mới hết băn khoăn về câu hỏi “Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?”.

NGUYỄN TRUNG NGUYÊN (Đồng Tháp)

Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?

Ba má không hiểu nhiều thứ lắm...

29/06/2012 23:30 (GMT + 7)

TTCT - Tôi đem những câu chuyện trong loạt bài “Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?” (xem TTCT từ số ra ngày 3-6) thảo luận với nhóm học sinh lớp 12 vừa thi tốt nghiệp xong.

Nhóm học sinh này sống cách thành phố Tuy Hòa 8km, một vùng nông thôn đang bị/được đô thị hóa từng ngày. Sau đây là một phần của cuộc chuyện trò.

* Ba má có thường nói chuyện với chúng ta không? Như là trao đổi vấn đề gì đó hay hỏi ý kiến, kể chuyện thời ba má đi học...

- Không bao giờ hỏi ý kiến. Quanh đi quẩn lại chỉ nhắc chừng ráng học, nghe hoài mệt.

- Ba má không kể chuyện đi học mà chỉ so sánh hồi xưa ba má khổ cực, bây giờ bọn em sung sướng đủ đường còn đèo bòng nọ kia. Ba má than van đến điếc tai rồi mới chịu đáp ứng những đòi hỏi của bọn em như: mua điện thoại di động nhiều chức năng, sắm quần áo, mua máy vi tính...

- Ba má ra lệnh là chủ yếu.

* Chúng ta có chia sẻ với ba má về trường lớp - thầy cô - bạn bè, về tình yêu đôi lứa chẳng hạn?

- Cũng có, nhưng thường hỏi được vài câu là bị nạt. Hồi nhỏ thì không như thế.

- Về những chuyện này bọn em tìm câu trả lời trên Google, chia sẻ với bạn bè qua Yahoo chat, email... Bọn em còn có một trang blog riêng cho lớp nữa đấy.

* Có điều gì chúng ta hiểu nhưng ba má không hiểu, ba má không theo kịp chúng ta?

- À, hình như ba má mình chỉ biết nghe - gọi điện thoại là hết, ngay cả gởi tin nhắn cũng không được.

- Nhiều thứ lắm, riêng chương trình tivi đã có nhiều thứ ba má không hiểu vì họ dùng tiếng Anh nhiều quá.

- Em nghĩ ba má không theo kịp giới trẻ là bình thường. Ai làm nuôi mình để ba má lên mạng, tìm hiểu thế giới của bọn mình. Nếu bọn em không theo kịp các bạn, cái đó mới đáng xấu hổ.

* So với học sinh ở thành phố, chúng ta có thấy mình lạc hậu hơn, thiệt thòi gì không?

- Lạc hậu thì không, trên không gian mạng ai cũng như ai. Bọn em cũng biết thế nào là lối sống emo, biết hip hop, biết flashmob, biết idol... Nhưng chỉ biết thế thôi chứ không dám thực hành, cũng không có điều kiện thực hành.

- Sao không thực hành, tóc bạn đang để bù xù phủ cả con mắt kia, không emo thì là kiểu gì?

- Các bạn ở phố giàu có, nhà ai cũng nối mạng còn bọn em muốn chia sẻ, liên lạc, tìm hiểu cái gì đó phải ra tiệm Internet. Nhiều khi không có tiền trả cho tiệm net.

- Thiệt thòi nhiều chớ. Các bạn ở phố tự do hơn, nhiều thứ giải trí hơn, nhiều chỗ chơi hơn. Bọn em mong đậu được cao đẳng, đại học để thoát ly gia đình, để được tự do làm điều mình thích.

* Chúng ta sợ ba má điều gì nhất?

- Em thì chỉ sợ ba má buồn nên ráng học, ráng nghe lời.

- Không nghe lời ổng bả, ổng bả không cho tiền.

- Ba má nhiều khi la rầy không đúng, ngầy ép tụi em nhưng tụi em phải nghe, phải sợ. Ba má nuôi mình mà, ba má có quyền la rầy.

* Chúng ta mong muốn điều gì nhất?

- Bọn em mong đất nước mình phát triển, giàu mạnh để có nhiều việc làm cho bọn em. Nhất là làm ra nhiều tiền giúp ba má hết khổ, theo kịp văn minh thế giới.

NGUYỄN PHI HÙNG 

(Trung tâm GDTX-HN huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên)

Hiện nay cảnh tượng các bà mẹ tuổi trung niên vò đầu bứt tai học “mổ cò” từng phím một trên máy tính để có thể liên lạc bằng mạng Internet với con đi học xa không còn mới mẻ nữa, cũng như vài ông bố đầu hai thứ tóc không ngờ mình đang còn lò dò tìm hiểu các chức năng trên cái điện thoại đời mới thì thằng con lớp 5 đã biết dùng nó để chụp hình và chơi game rồi. Hiện tượng bố mẹ... lạc hậu xuất hiện ở cả thành thị và thôn quê, với nhiều mức độ khác nhau.

Không chỉ là chuyện sử dụng công nghệ mới mà cả quan niệm sống cũng bị tấn công, khi truyền hình chiếu cảnh nhạy cảm, có khi chính các ông bố bà mẹ mới thấy... nhạy cảm chứ con cái thì không. Khi người già thắc mắc: “Cái đứa đang hát là con trai hay con gái vậy bây, sao nó nhảy nhót gì mà như bị điện giựt vậy?” thì bọn trẻ nhìn nhau cười... độ lượng: “Bà bị... sốc văn hóa đó mà!”.

Sự phát triển của kỹ thuật công nghệ khiến chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận rằng rồi tất cả cha mẹ sẽ lạc hậu với thời gian. Khi cuộc sống thay đổi nhanh chóng như hiện nay, sự lạc hậu cũng xảy ra nhanh hơn với khoảng cách lớn hơn so với hàng ngàn năm trước. Và chúng ta đang chứng kiến khoảng cách đó có thể xảy ra ngay trong cùng một đất nước, một xã hội, một thế hệ; khi khoảng cách giàu - nghèo, thành thị - nông thôn đã dẫn tới khoảng cách khó san bằng hơn về hiểu biết - ngu dốt, tiến bộ - thiển cận, cởi mở - cực đoan...

Và một khi bố mẹ rồi sẽ lạc hậu, sẽ nhận ra việc đồng hành cùng con mang nhiều giá trị tinh thần hơn, rằng nhờ chạy đua cùng con mà họ lại có cơ hội khám phá thêm nhiều điều mới mẻ cho chính mình, rằng mình sẽ có thêm nhiều chọn lựa cho bản thân trong việc giáo dục con trẻ, rằng nhờ vậy mà mình có thời gian dành cho con hơn; điều đó có ý nghĩa hơn việc lo sợ bị con bỏ lại phía sau để rồi cảm thấy bất lực và tức giận.

Bản sắc hay truyền thống là những khái niệm mang tính riêng biệt, kế thừa; nó cần được thừa hành liên tục trong thời gian dài và tiếp nối nhau. Bản thân cha mẹ phải có tinh thần lưu giữ truyền thống gia đình chứ đừng nghĩ mình phải chạy theo con rồi quên đi việc nhắc nhở vị trí con trẻ cũng như trách nhiệm của người lớn trong gia đình.

Đây không phải là việc lưu giữ những điều xưa cũ hay tôn ti trật tự kiểu cực đoan “cha mẹ nói đố có sai”, mà cần xác định với con trẻ rằng mọi thành viên trong nhà đều có tiếng nói tương ứng với vị thế của họ trong gia đình. Đó còn là bản lĩnh của người đi trước, điều mà thế hệ trẻ cần có thời gian để học hỏi và hoàn thiện.

VĂN CƠ

Những chuyên gia tư vấn tâm lý như tôi thường xuyên nhận email của các em than thở về những mâu thuẫn thế hệ, mâu thuẫn giữa các quan niệm, các giá trị sống cũ và mới, xưa và nay. Em H., học sinh một trường cấp III tại Thủ Đức, TP.HCM, viết: “Thưa cô, ba mẹ không hiểu con. Con thấy gia đình con giống như trại lính vì ba mẹ chỉ biết ra mệnh lệnh...”.

Em Y., sinh viên một trường đại học tại Quy Nhơn, ray rứt hơn: “Nhiều ngày con và mẹ không nói chuyện với nhau rồi. Tình trạng này ngày càng kéo dài và thường xuyên. Hình như con không còn có thể chia sẻ với mẹ điều gì cả. Giống như con và mẹ nói chuyện với nhau qua tấm kính dày, vô hình, lạnh giá...”.

Tôi có người bà con xa tên D., một Việt kiều làm nghề kế toán tại Canada. Con gái duy nhất của anh chọn học mỹ thuật vì muốn trở thành một chuyên viên thiết kế thời trang. Năm thứ hai đại học, cháu xin bảo lưu kết quả và bắt đầu đi du lịch khắp nơi. Với một số bậc cha mẹ, có lẽ họ sẽ quyết liệt ngăn cản nhưng với anh D. và vợ anh thì không. Cả hai cùng cho con “mượn” tiền để đi được nhiều nơi hơn.

Anh D. bảo: “Tôi luôn dạy con là người trung thực, tử tế, còn thì mọi thứ tôi đều ủng hộ con, con cứ sống như con mong muốn và con hãy là người hạnh phúc. Con hạnh phúc thì con mới đem hạnh phúc đến cho người khác được”. Anh như người bạn lớn của con, mọi thứ con đều tâm sự cùng cha. Ngay cả khi chia tay bạn trai, con anh đã lao vào vòng tay cha mà khóc. Anh ôm con và bảo: “Khóc nữa đi con, khóc nhiều đi con nghen. Khóc rồi hãy quên đi...”.

Trong thời đại thông tin bùng nổ, khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái không chỉ diễn ra ở các gia đình trẻ Việt kiều mà còn diễn ra tại các gia đình trẻ Việt Nam. Trẻ con được tiếp xúc với một thế giới đa chiều với vô số giá trị mới và cả những lời cổ vũ cho tự do cá nhân. Sự dung hòa giữa cha mẹ và con cái không phải là điều đơn giản.

Nhiều cha mẹ sợ mất con, càng cố níu giữ và kiểm soát con nhiều hơn, do đó cả con cái và cha mẹ không tìm được tiếng nói chung, thậm chí đó còn là bi kịch của trẻ mà trẻ chỉ biết chống đỡ bằng câm lặng và đóng cửa lòng mình trước cha mẹ. Vấn đề là ở chỗ cha mẹ hãy biết học những kỹ năng giáo dục mới, biết làm bạn với con và biết đồng hành cùng con trên bước đường phát triển trí tuệ và nhân cách.

BẢO NHI

Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?

Ta dắt chúng và chúng dắt ta

09/07/2012 16:44 (GMT + 7)

TTCT - Dựa trên lý thuyết về ba giai đoạn tạo dựng bản sắc con người của Margaret Mead (1969), bài “Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?” của tác giả Lê Thanh Hải viết rất hay về một chủ đề thời sự: quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội đương đại.

Tôi xin chiếu theo lý thuyết về ba làn sóng văn minh của Alvin Toffler (1980) để góp thêm tiếng nói cho vấn đề này.

1. Tổ tiên và ông cha ta sống trong xã hội cổ truyền của nền văn minh nông nghiệp (làn sóng văn minh thứ nhất, theo Toffler). Khi ấy, con người sống ở quê hương nào thì cố định ở nơi đó hết thế hệ này sang thế hệ khác, để tạo nên những đại gia đình “tam tứ đại đồng đường” với nền nếp gia phong chặt chẽ và trật tự người trên kẻ dưới nghiêm ngặt.

Ở Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng, Nho giáo đã tạo ra nguyên tắc bất di bất dịch về bổn phận của các thành viên trong gia đình: người dưới phải kính trọng và phục tùng người trên, người trên phải yêu thương và dạy bảo người dưới. Mối quan hệ một chiều bất bình đẳng giữa “người trên” và “kẻ dưới” ấy xuất phát từ một thực tế hiển nhiên của xã hội cổ truyền: nền kinh tế nông nghiệp chỉ dựa vào kinh nghiệm của quá khứ để áp dụng vào hiện tại, mà “người trên” (già hơn) bao giờ cũng có nhiều kinh nghiệm hơn “kẻ dưới” (còn non trẻ).

Tương tự trong quan hệ thầy trò: thầy là bề trên truyền thụ đạo lý và trò lĩnh hội nó duy nhất chỉ qua thầy. Các câu “không thầy đố mày làm nên” và “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” đã khẳng định điều này. Mối quan hệ một chiều đó chính là mô hình tạo dựng bản sắc đầu tiên mà Margaret Mead gọi là “postfigurative”.

2. Khi nhân loại bước vào nền văn minh công nghiệp (tức làn sóng thứ hai, theo Toffler), xã hội phát triển rất nhanh nhờ sự xuất hiện của máy móc, điện lực cùng các phương tiện giao thông và truyền thông cực kỳ tinh xảo. Sự phát triển đó đã phá vỡ xã hội nông nghiệp cổ truyền, biến những cộng đồng dân cư truyền thống cố định từ bao đời trở thành thị trường nhân lực năng động và linh hoạt với muôn vàn nghề nghiệp khác nhau.

Từ đó khuôn mẫu đại gia đình bị lay chuyển, vai trò của thế hệ ông bà ngày càng mờ nhạt để cho tiểu gia đình (chỉ gồm cha mẹ và con cái) trở thành tế bào chủ yếu của xã hội, đồng thời cá nhân con người luôn có xu hướng tách rời gia đình để tạo dựng cuộc sống độc lập.

Xã hội công nghiệp lấy khoa học - kỹ thuật làm động lực phát triển thay cho kinh nghiệm trong xã hội cổ truyền, nên học vấn do nhà trường hiện đại giảng dạy và những thông tin do các phương tiện truyền thông nhạy bén cung cấp cho học sinh sẽ có tỉ trọng ngày càng lớn hơn, so với sự sút giảm của những tín điều mà các bậc trưởng thượng trong gia đình giáo huấn cho con cháu.

Khi ấy, bản sắc của thế hệ trẻ sẽ được hình thành trong mối quan hệ tương tác, tức là “tác động qua lại bổ sung lẫn nhau” giữa cha mẹ và con cái, đúng như mô hình tạo dựng bản sắc thứ hai mà Mead gọi là “cofigurative”.

Việt Nam bước vào nền văn minh công nghiệp muộn hơn các nước Âu - Mỹ trên hai thế kỷ, nên mãi đến ngày nay vẫn còn diễn ra sự xung đột về văn hóa giữa thế hệ già với thế hệ trẻ. Một vị trưởng đoàn dẫn đội tuyển ưu tú của nước ta đi tham dự một kỳ thi học sinh giỏi toán quốc tế ở nước ngoài.

Ông chăm lo các thí sinh đến mức tự mình nấu ăn để đảm bảo vệ sinh và sức khỏe cho các em. Các thí sinh thản nhiên hưởng thụ sự chăm lo đó, đến mức ăn sạch những gì thầy nấu mà không nghĩ đến việc để phần cơm cho thầy.

Vị trưởng đoàn vô cùng tức giận cho rằng đám sĩ tử này chỉ giỏi toán nhưng vô đạo đức vì không “tôn sư trọng đạo”, không biết “ăn trông nồi ngồi trông hướng”, vô ơn đối với người đã chăm sóc chúng... Còn đám sĩ tử trẻ trung ấy thì lại nghĩ sự ăn uống nhiệt tình của mình chính là cách tán thưởng tài nấu bếp của thầy, và sẽ đền ơn thầy bằng kết quả đạt được trong kỳ thi, còn chuyện thầy bị đói thì có thể giải quyết đơn giản tại các nhà hàng!

3. Nhưng sự thể không dừng lại ở đây. Ngay từ năm 1970, Toffler đã dự báo về một “cú sốc tương lai” sẽ diễn ra trong làn sóng văn minh thứ ba mà ông gọi là xã hội hậu công nghiệp hoặc thời đại công nghệ thông tin.

Trong thời đại này, xã hội phát triển vô cùng nhanh chóng với lượng thông tin tri thức tràn ngập trên Internet và các phương tiện truyền thông khác, khiến kinh nghiệm lưu truyền của tổ tiên ta lùi hẳn vào quá khứ, buộc nhà trường cũng phải biến đổi để theo kịp với nhịp điệu phát triển của xã hội. Quan hệ thầy - trò giờ đây đã trở nên rất bình đẳng khi các giáo sư đại học Mỹ đề ra nguyên tắc của họ là “học từ sách vở, học từ đồng nghiệp và học từ chính sinh viên của mình”.

Thầy dẫn dắt để trò lĩnh hội bằng tư duy sáng tạo và trò cũng có thể bổ sung những thiếu sót của thầy. Tức là mọi người đều bình đẳng trong việc sử dụng kho tàng tri thức sẵn có của nhân loại và sự khác biệt giữa thầy và trò, cha mẹ và con cái chủ yếu chỉ ở khả năng và kỹ năng tư duy để xử lý thông tin. Từ đó, tư duy của con người chủ yếu hướng về tương lai để sáng tạo những giá trị tốt đẹp hơn cho cuộc sống, mà không đi theo những lối mòn sẵn có trong quá khứ.

Tại Thung lũng Silicon có một tảng đá đen rất lớn, trên đó nổi bật hai từ bằng vàng: “Different Thinking” (Hãy nghĩ khác) - triết lý của “người khổng lồ” Apple. Còn Steve Jobs - nhà sáng lập hãng này - kêu gọi các sinh viên đại học: “Hãy biết bạn muốn gì và làm theo ước vọng của chính bạn”. Đó chính là con đường hình thành bản sắc văn hóa tương lai mà Margaret Mead ghi nhận bằng thuật ngữ “prefigurative”.

Các thời đại văn minh xuất hiện như những làn sóng biển, làn cũ chưa lặng hẳn làn mới đã trào dâng. Vì thế, trong mỗi gia đình đương đại có thể tồn tại cùng lúc hai, thậm chí ba bản sắc văn hóa: ông bà (nếu còn ở chung với gia đình) với bản sắc văn minh nông nghiệp, cha mẹ thấm nhuần bản sắc văn minh công nghiệp ở những mức độ khác nhau, còn con cái luôn ngồi bên máy tính đang hình thành bản sắc văn hóa mới cho riêng mình.

Các mâu thuẫn trong gia đình thường xuất hiện từ sự va chạm giữa các bản sắc văn hóa khác nhau đó. Cùng trên một mặt phẳng của thời đại, ai có nhiều tri thức hơn người ấy sẽ dẫn dắt. Bởi thế, “ta dắt chúng và chúng dắt ta” là dạng thức cơ bản của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện đại. Dạng thức đó có một sự khác biệt rõ ràng so với câu châm ngôn “trẻ cậy cha - già cậy con” mà xã hội cổ truyền đã để lại cho chúng ta.

LÊ VINH QUỐC

Tại sao lại quá lo lắng khi thấy con cái giỏi hơn mình, không ăn những món ăn, không đi những con đường mình chọn sẵn cho chúng hay thấy bất lực khi kiểm soát chúng? Tại sao lại phải tách rời con cái với bản thân mình? Đã có ai làm chủ hoàn toàn chính cuộc đời mình chưa mà phải đau khổ khi không được làm chủ cuộc đời con cái?

Không phải quá khích khi cho rằng cái gọi là bản sắc văn hóa ta cho là tốt đẹp (của dân tộc, dòng họ, gia đình) mà chúng ta muốn duy trì, muốn nối dài qua cuộc sống tiếp nối của con cháu chỉ được tiếp thu, tiếp nối không chỉ do lời răn hoặc sự có mặt của cha ông bên cạnh mà chủ yếu - nếu không nói duy nhất - là hành vi thực tế của ông bà, cha mẹ. Gốc khỏe thì cành tươi, gốc mục thì cành khô lá úa.

Con có thể giỏi hơn cha mẹ về nhiều mặt (ví như một tiến sĩ trẻ có bố mẹ là nông dân, thậm chí còn mù chữ). Nhưng hành vi của ông bà, cha mẹ, tấm gương sống lương thiện, tốt đẹp của họ mãi mãi như vầng trăng dõi theo con cháu trong đêm trường. Đạo làm người chỉ là một, dù mỗi thời, mỗi nơi, mỗi dân tộc có thể có những biểu hiện bên ngoài khác nhau. Thời nào phong tục ấy (autres temps, autres moeurs) nhưng đạo lý thì đâu có khác.

Vậy thì, không nên sợ con cái “dắt” mình đi. Mà dù có bị con cái dắt hoặc nói cách khác, “lãnh đạo” mình hay phải “học ngược con cái” thì đã sao, nếu không muốn tự hào. Một gia đình di cư sang Mỹ hay Ba Lan với bà cố không nói tiếng Anh, không biết đi siêu thị, thậm chí không biết dùng máy sinh tố xay một quả táo. Nhưng nếu bà là một phụ nữ Việt có đạo đức từ nếp nhà thì vẫn là chỗ dựa tinh thần cho con cháu.

Thậm chí khi bà vắng mặt, ở tận cố quốc hay đã mất, trong nhà chỉ còn Mỹ con hay Ba Lan con thì những câu chuyện kể về hành vi, đạo đức gương mẫu của bà vẫn có sức định hướng cho con cháu dù chúng chưa hề đến Việt Nam hoặc mù tịt tiếng Việt.

Văn hóa là những thứ không thể quên và chôn chặt rất sâu tận đáy tâm hồn chứ không như nước sơn bên ngoài dễ bong. Nghe Phạm Quỳnh Anh hát Bonjour Vietnam ta bỗng hiểu kho tàng được chôn chặt nhờ ảnh hưởng của cha mẹ trong đáy tâm hồn một cô bé Bỉ chưa hề nói hay hát tiếng Việt ấy sâu sắc đến chừng nào!

Con hơn cha nhà có phúc, thì tại sao lại thấy bất yên khi con đã thật sự hơn cha và tìm thấy những cơ hội mới tận chân trời?

NGUYỄN QUANG THÂN

Vì sao “cơn sốt Bieber”?

14/07/2012 18:08 (GMT + 7)

TTCT - “Cơn sốt Bieber“ đang là “nạn dịch” toàn cầu, đặc biệt sau khi album mới nhất Believe của ngôi sao 18 tuổi này ra mắt.

Nhưng khác với những đợt bùng phát của người hâm mộ trước đây, nay các nhà khoa học đã hiểu được vì sao thanh thiếu niên, đặc biệt là giới nữ, lại trở nên yêu cuồng nhiệt một số nhạc công và ngành thu âm lại quá lão luyện khai thác hiện tượng này.

Sự cuồng dại - triệu chứng bao gồm hành vi la hét không kiểm soát được, bất tỉnh và dành nhiều giờ liền theo dõi thần tượng trên Twitter, Facebook. Ban đầu triệu chứng chỉ ảnh hưởng tới những bé gái chưa đến tuổi thanh thiếu niên hoặc thanh thiếu niên, nhưng hiện tượng này đang lây lan nhanh và ảnh hưởng cả tới các bà mẹ. Thậm chí cùng với con cái, các bà mẹ cắm trại nhiều ngày bên lề đường để chờ đón thần tượng.

Các sử gia về âm nhạc cho biết từ lâu trước thời Beatles, Elvis và Frank Sinatra, từ thế kỷ 19 những người hâm mộ cuồng nhiệt là nữ giới từng ném quần áo vào nghệ sĩ piano, nhà soạn nhạc Franz Liszt, thậm chí đánh nhau để giành cho được lọn tóc của ông.

“Điều khiến tôi cảm thấy hấp dẫn, tất nhiên, là vì anh ấy đẹp” - Emma Reeves, 15 tuổi, từ Madison, Connecticut, “bật mí”. Emma đã đến xem ngôi sao nhạc pop người Canada Justin Bieber biểu diễn trực tiếp hai lần và với Emma: “Khó mà tìm thấy người nào thành công lại tốt bụng và quan tâm tới người khác. Justin có tất cả!”.

Giải phẫu "Bielieber"

“Tôi cũng rất mơ mộng khi 6, 7 tuổi. Nhưng khi qua một lứa tuổi nhất định thì ông già Noel phải chết thôi”.

Nhà tâm lý Robert Epstein - tác giả của Tuổi teen 2.0: cứu con cái và gia đình chúng ta khỏi sự giày vò thời thanh niên”

Nhà khoa học thần kinh Daniel Levitin đã quan sát quá trình thay đổi trong não bằng cách sử dụng các hình chụp fMRI trong phòng thí nghiệm của ông tại ĐH McGill ở Montreal (Canada). Ông cho biết khi nghe những giai điệu âm nhạc quen thuộc và thích thú, cơ thể sẽ tiết ra dopamine, một chất liên quan tới cảm giác hưng phấn, hài lòng và gây nghiện, cũng giống như một tay nghiện cờ bạc vừa trúng một ván.

Nghiên cứu của tiến sĩ Levitin cũng cho thấy thẩm mỹ âm nhạc hình thành từ những năm niên thiếu. Đó là lý do người trưởng thành thích âm nhạc thường có xu hướng hoài niệm về thứ nhạc mà họ nghe thời niên thiếu.

Các chuyên gia cho biết tuy nam thiếu niên cũng phát triển thị hiếu âm nhạc ở thời điểm niên thiếu của cuộc đời, nhưng các nữ thiếu niên thường có xu hướng mê tít ngôi sao nhạc pop. Đó là vì các ngôi sao đánh thức trong các em cảm giác lãng mạn, vừa mang cảm giác giới tính một cách sợ hãi, vừa say như men rượu. Tự nhiên các em “phải lòng” một người nổi tiếng mà các em khó có khả năng gặp mặt trực tiếp, một cách để các em thử cảm giác đó ở khoảng cách an toàn.

Trong khi đó, các em trai thường có xu hướng theo sát các vận động viên - một phần vì mong muốn tích cực noi gương họ, phần khác vì các em thích đặt mình vào một đội nhóm nào đó để thể hiện bản sắc riêng. “Các nhà phê bình hay lo lắng việc người hâm mộ cuồng si, bé gái thấy đầy cảm xúc hay bé trai thấy cô đơn - Joli Jensen, giáo sư truyền thông tại ĐH Tulsa, Oklahoma, cho biết -

Không có khuôn mẫu nào cho trải nghiệm của các em - có thể là hài lòng, có thêm kiến thức, kết nối tưởng tượng đầy nghịch ngợm giữa các em với một nhân vật nhiều người biết đến, với con người đặc biệt hấp dẫn”.

Ngành âm nhạc cũng đổ vào trí tưởng tượng lãng mạn của các cô gái trẻ bằng cách vẽ các sao có vẻ ngọt ngào, giữ cho vẻ nhẹ nhàng nam tính càng lâu càng tốt. Các bài hát được chọn chơi rất kỹ để đi vào trí tưởng tượng lãng mạn của các cô gái trẻ, từ I want to hold your hand (Anh muốn cầm tay em) của Beatles tới Boyfriend (Người yêu - bài hát mới nhất của Bieber với lời như “Nếu anh là người yêu của em, anh sẽ không bao giờ để em rời xa) chẳng hạn.

Đừng đi quá xa

Không những thế, mạng xã hội cũng đem người nổi tiếng tới gần với người hâm mộ, hay ít ra khiến người hâm mộ cảm giác như thế. “Khi tôi còn nhỏ, phải chờ cả tuần mới thấy Shaun Cassidy trên tivi, rồi chờ một tuần nữa - Mathilde Forsell, sống ở Westfield, New York, có con gái Carley Dugan là một Bielieber (người hâm mộ Bieber), cho biết - Giờ đây, các em có thể download video 24 tiếng mỗi ngày”.

44 triệu người hâm mộ của Bieber trên Facebook và 23 triệu người theo dõi trên Twitter nhận tin cập nhật gần như hàng giờ thần tượng đang ở đâu, đang nghĩ gì. Twitter của ngôi sao này còn có như: “Believe Zinepak hiện chỉ bán ở siêu thị Walmart. Có CD deluxe và hình ảnh nội dung độc quyền, cả phỏng vấn, thiệp tặng”.

Nhưng cơn sốt của người hâm mộ đã đi quá xa khi trẻ con bỏ bê học hành, sao nhãng việc nhà, hay bỏ quên mối quan hệ thật sự xung quanh mà chìm đắm vào tình yêu lãng mạn. “Các em dành quá nhiều thời gian trên máy tính, 5-6 tiếng/đêm theo dõi blog của Justin Bieber” - nhà tâm lý học Alan Ravitz tại Viện Tâm thần trẻ em, tổ chức nghiên cứu và điều trị phi lợi nhuận ở New York, nhận xét. Alan cho rằng thậm chí cha mẹ có thể bị cuốn vào cơn mê đắm đó.

“Một người cầm cố nhà để đến New York và ngủ bên lề đường - đó hẳn là vấn đề...” - nhà tâm lý học Patrick Markey của ĐH Villanova ở Villanova, Pennsylvania, nhận xét.

Các chuyên gia khác nhận định cách hành xử của người hâm mộ như vậy không “khỏe mạnh gì”. “Ngược lại với cách suy nghĩ của mọi người, “cơn sốt Bieber” hay chủ nghĩa cực đoan tuổi teen là điều không bình thường” - nhà tâm lý Robert Epstein, tác giả của Teen 2.0: saving our children and families from the torment of adolescence (Tuổi teen 2.0: cứu con cái và gia đình chúng ta khỏi sự giày vò thời thanh niên), nhận xét. Cha mẹ nên giúp con cái nhận ra niềm hứng khởi quá đà và sự thương mại hóa (của một số hiện tượng).

“Tôi cũng rất mơ mộng khi 6, 7 tuổi. Nhưng khi qua một lứa tuổi nhất định thì ông già Noel phải chết thôi” - ông Robert nói.

HẠNH NGUYÊN (Theo WSJ)

Thưở đôi mươi lặng thầm của tôi

11/08/2012 16:43 (GMT + 7)

TTCT - Bây giờ ở lứa tuổi gần gấp đôi thuở ấy, thỉnh thoảng tôi hồi tưởng về thời sinh viên yên ắng mà lòng bâng khuâng. Tôi đã sống thế nào ấy nhỉ? Không quá sôi động, không hề hư hỏng, cũng chẳng có gì nổi bật.

LTS: Tham gia loạt Câu chuyện cuộc sống “Những việc lẽ ra tôi đã phải làm” có không ít ý kiến của các độc giả đã qua tuổi 20 từ lâu. Có hối tiếc nhưng cũng có những trải nghiệm thành công. Có bài học nào từ những tuổi thơ này?

Cuộc sống của tôi đến quá nửa đời người vẫn dường như hanh thông lắm nên cũng rất bình lắng: chào đời ngay khi đất nước thống nhất vì thế hết chịu cảnh bom rơi đạn lạc, thuở bao cấp thiếu thốn thì còn quá bé do đó chưa cảm nhận được gì, gia đình bình an, học hành trôi chảy, công việc suôn sẻ, trưởng thành xây dựng mái ấm riêng sung túc sinh được hai bé gái xinh xắn...

Phải chăng tôi không gặp vận khó đủ để thử thách “thời thế tạo anh hùng”? Nên tuổi 20 tôi vẫn ngày hai buổi đến trường “chỉ biết học thôi, chả biết gì”: sáng học kinh tế, tối học luật, chưa kể các lớp ngoại ngữ, vi tính. Học hành như vậy đã khá kín thời gian, tôi đâu rảnh rang mà vui chơi hay quan tâm điều khác.

Bố mẹ muốn tôi tập trung học hành, vả lại gia cảnh không đến nỗi nào nên không cho tôi làm thêm, càng chưa được yêu vội... Thế là 20 tôi vẫn rất lành, trong suốt, thơ ngây, trong khi nhiều bạn bè đã chai sạn vì lăn lộn kiếm sống hoặc tháo vát trong các hoạt động cộng đồng. Cũng có đứa đã kịp thâm trầm với chức phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ, hoặc chí ít cũng chớm lãng đãng yêu đương vơi đầy nỗi niềm. Chính vì an lành như thế nên tôi tốt nghiệp với hai tấm bằng rất đẹp và tìm được việc tốt ngay. Chẳng hiểu là khen hay chê khi đồng nghiệp, đối tác thường đùa rằng tôi “lành lắm” nên không ai nỡ hại (!).

Hỏi rằng hối tiếc gì không? Tôi chẳng dại suy nghĩ nhiều về chuỗi ngày bình lặng đã qua bởi đâu thể thay đổi quá khứ, cũng chả dám thử bứt phá nhằm điều chỉnh tương lai. Tôi thấy chưa đáng để đánh đổi (hay bị mòn ý chí đấu tranh?) cuộc sống hiện tại đã được đóng khung vào cương vị là một công chức, là người con, người em, người vợ, người mẹ trong nhà.

Nhưng tôi đang điều chỉnh cách giáo dục các con: không mớm sẵn vật chất no đủ, không định sẵn suy nghĩ cho chúng, không vạch sẵn con đường chúng đi, cho phép chúng được ước mơ và trải nghiệm, được va vấp đôi chút để hoàn thiện bản thân, được thất bại để chiến thắng, tạo cơ hội cho chúng tận hưởng cuộc sống đích thực với đầy đủ mùi vị của nó, để chúng được sống trọn vẹn cuộc đời của mình mà không bao giờ phải tiếc nuối bất kỳ khoảnh khắc nào.

“Tôi đang điều chỉnh cách giáo dục các con: không định sẵn suy nghĩ cho chúng, không vạch sẵn con đường chúng đi, cho phép chúng được ước mơ và trải nghiệm, được va vấp để hoàn thiện bản thân, được thất bại để chiến thắng, tạo cơ hội cho chúng tận hưởng cuộc sống đích thực với đầy đủ mùi vị của nó...”.

KIM OANH (TP.HCM)

Tuổi 20 của trai làng như tôi đứng trước vô vàn khó khăn. Vừa cố gắng làm lụng để thoát nghèo, nuôi dưỡng ước mơ thay đổi cuộc sống của mình, tôi còn phải đối mặt với những rung động của tuổi thanh xuân. Chỉ có khát vọng và quyết tâm mới giữ tôi đứng bên này của tình yêu đôi lứa để đi tiếp con đường mình đã chọn. Tôi làm việc với tất cả sức lực của một thanh niên cùng với hừng hực khát khao và quyết tâm. Mùa cày cấy, gieo tỉa; mùa giăng câu, bắt ốc; lúc chặt củi, đốt than; khi khai hoang, lúc làm thuê cuốc mướn...

Trong túi cơm làm đồng của tôi ngày ấy luôn có một quyển sách. Lúc nghỉ giải lao hay sau bữa cơm trưa ăn vội ngoài đồng tôi lại đọc sách. Đêm về tôi chỉ tìm vui với sách, mà sách ngày ấy đâu có nhiều như bây giờ, chỉ là mấy cuốn sách giáo khoa đã ngả màu. Tôi đọc sách trong sự ngạc nhiên của nhiều người, với tôi đó là cách nuôi dưỡng ước mơ.

Sau bảy năm làm nông, tôi cơ bản đã thoát nghèo. Mùa thi năm ấy tôi vào đại học. Số đất tôi đã khai hoang lần lượt trở thành nguồn sống của tôi suốt bốn năm đại học.

Tôi đã đi qua tuổi 20 của mình như vậy. Ngày ấy nghèo, tôi không có 20 công việc cụ thể như Sofie Rye. Cả xóm chỉ có một cái tivi trắng đen, sách báo thuộc vào thứ cực hiếm. Tôi sống bằng khát vọng và quyết tâm. Tôi đã từng bước thực hiện mơ ước của mình bằng tất cả quyết tâm của tuổi 20. Sau này khi đi xin việc, nhiều người xem qua hồ sơ của tôi khi thấy bằng tốt nghiệp THPT ghi năm 1990, bằng tốt nghiệp đại học ghi năm 2001 đã có nhận xét: khát vọng và quyết tâm lớn đấy.

Tuổi 20 của mỗi người, theo tôi, quan trọng nhất là biết ước mơ và có quyết tâm để biến ước mơ đó trở thành hiện thực.

LÊ QUANG THỌ (Đắk Lắk)

Bài viết của Sofie Rye “Tuổi 20 của mỗi người” (TTCT ngày 22-7) đánh ngay vào nỗi lòng vợ chồng tôi. Chúng tôi bằng tuổi nhau, đều 31 tuổi, đời sống vật chất và tinh thần có thể nói là không có gì để phiền hà. Nhưng nếu có thể sống lại lần nữa năm năm đoạn đời từ 15-20 tuổi, thậm chí 25 tuổi, cả hai đều có nhiều điều tiếc nuối...

Gia đình chồng tôi nghèo, thuộc tầng lớp lao động bình dân nên việc học không được quan tâm. Ba anh, một người chạy xích lô, định cho con trai nghỉ ngang từ hồi lớp 8 (may mà chuyện đó đã không xảy ra). Vì vậy chồng tôi, đang trên đường trở thành một vận động viên thể hình chuyên nghiệp, muốn trở lại năm 15 tuổi để nỗ lực học hết mình (dù lúc đó tôi thấy anh đã rất nỗ lực, luôn đạt thứ hạng cao). Mong ước của anh là hoàn tất chương trình đại học và lên cao học, thậm chí du học.

Anh thích tìm hiểu về vũ trụ, tự nhiên. Anh nói phải chi ngày trẻ nhà anh có tivi và xem những “chương trình truyền hình về thú vật, thiên nhiên vũ trụ, các phát minh” như Sofie Rye nói trong mục số 11. Nhưng nhà anh không có tivi, và nếu có thì người lớn trong nhà chỉ xem cải lương hay phim bộ. Cũng may việc này anh hoàn toàn có thể thực hiện trong lúc này.

Tôi thì ngược lại. Tôi đã làm nhiều việc Sofie Rye đề cập. Tôi đã học, đã đọc, xem những chương trình tivi cung cấp kiến thức trong suốt quãng thời gian trước và sau 20 tuổi, và bây giờ vẫn vậy. Tôi miệt mài trau dồi kiến thức (đến nỗi nhiều người coi tôi như từ điển sống ở một số lĩnh vực) để rồi nhận ra mình không biết... chơi và chẳng hề trải nghiệm chút nào thế giới ngoài kia. Nếu trở lại tuổi 15, tôi sẽ...

Học kỹ năng sống. 17 tuổi tôi mới tự mình ra chợ lần đầu tiên để mua một món đồ và bị mắng là điên. 17 tuổi tôi đi chơi với người yêu (là chồng tôi bây giờ) nhưng ăn mặc như một cô bé 9 tuổi. Thiếu kỹ năng sống trầm trọng khiến tôi thành một con “tưng tưng”, một kẻ khó ưa. Cho đến tận năm 25 tuổi tôi mới học được cánh ăn mặc, xử sự đúng mực.

Tôi từng có thân hình săn chắc, gọn gàng. Từng thượng võ đài thi đấu taekwondo, từng đi biểu diễn khiêu vũ. Nhưng rồi tôi bỏ hết. Tôi lao vào kiếm tiền. Giờ tôi thừa cân, liên miên bệnh vặt. Nếu được làm lại, tôi sẽ theo lời của Sofie: “Xem trọng sức khỏe”.

Tôi muốn được thử thách để xem sức mình tới đâu, mình có thể làm gì. Tôi muốn làm những việc “điên rồ” như về bản xa dạy chữ, qua Singapore rửa chén trong nhà hàng, đạp xe xuyên Việt. Tôi biết những thứ đó có gì “điên” đâu với nhiều người, nhưng đã là quá sức tưởng tượng khi tôi 15 tuổi, và thật sự rất “điên rồ” với tôi hiện tại.

Nhưng trên tất cả, điều tôi tiếc nhất là... chơi. Điều thật lạ không thấy Sofie đề cập đến. Tôi thích nhảy ở vũ trường. Tôi muốn chơi trò audition. Tôi thích du lịch. Tôi chưa bao giờ đi đâu ra khỏi thành phố của mình quá bốn ngày. Những nơi tôi đến là các điểm du lịch cũ mòn và đều trong lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào. Gặp gỡ nhiều người là điều thú vị. Nhưng thời trẻ tôi chỉ biết học. Bây giờ công việc của tôi là ngồi trong phòng thu một mình với tờ báo hay cuốn sách. Tôi không có mấy cơ hội giao lưu, gặp gỡ ai cả.

Cụ Lê Quý Đôn có câu nói: “Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”. Tôi thích sáng tác nhưng chỉ có một mớ chữ nghèo nàn từ sách vở. Tôi biết không bao giờ là quá trễ để bắt đầu. Nhưng đọc bài viết “Tuổi 20 của mỗi người” tôi thật sự phải cảm thán: “Ôi, giá mà...”.

NGUYỄN XUÂN THẢO (TP.HCM)

Trải nghiệm đúng cách

20/08/2012 09:32 (GMT + 7)

TTCT - Khi biết tôi cho con tham gia chương trình Học kỳ quân đội, nhiều người quen ủng hộ nhưng cũng nhiều người nói rằng không bao giờ nỡ quăng con mình vào môi trường kham khổ như vậy.

LTS: Tham gia loạt Câu chuyện cuộc sống kỳ này là tâm sự của hai độc giả đã qua tuổi 20, với những bài học họ từng trải nghiệm ở tuổi 20.

Đúng là sau một tuần dầm mưa dãi nắng, ăn cơm bộ đội, mất ngủ vì nóng, con tôi sút mấy ký, mặt xanh xao, người đầy nốt muỗi đốt... Nhưng tôi vẫn mừng vì cháu đã có thêm một trải nghiệm mới mẻ.

Bước đường thành công của mỗi người phần lớn gắn với hành trình trải nghiệm vì hầu như ai cũng công nhận những kiến thức học ở trường chỉ là nền tảng. Nhưng đi nhiều và tiếp xúc nhiều tôi mới phát hiện cách thức trải nghiệm cuộc sống của thanh niên ta và Tây (những người mà tôi biết) có nhiều điểm khác nhau.

Đi chưa hẳn là trải nghiệm

Phong trào đi du học, đi du lịch, đi “phượt” trong nước, nước ngoài giờ không còn xa lạ với giới trẻ Việt Nam. Nhưng tôi đồ rằng nó chưa chắc tỉ lệ thuận với việc mở rộng nhân sinh quan, thế giới quan của lớp trẻ. Rất nhiều sinh viên Việt Nam đi du học ở nơi cách Việt Nam mười mấy ngàn cây số nhưng chỉ kiên quyết ăn mỗi cơm hoặc mì ăn liền vì “không thể chịu nổi thức ăn của chúng nó”. Họ từ chối các cơ hội giao lưu, đi bảo tàng, đi nhà hát, đi công viên nướng BBQ với bạn cùng lớp, tự thỏa mãn với việc đóng cửa phòng suốt ngày nghe đĩa của Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng và chat chit với các bạn ở quê nhà.

Thế là sau một hai năm hoặc thậm chí nhiều năm du học, họ không có thêm nổi một người bạn nào, một mối quan hệ xã hội nào ở nước sở tại, không biết thêm chút nào về văn hóa, bản sắc địa phương. Họ có đủ lý do để biện minh cho việc mù mờ văn hóa xứ người dù Tây du, Đông du đủ cả. Nào là bận học, nào là người nước ngoài lạnh lùng, khó gần. Và họ luôn tự hào một cách rất AQ rằng “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Để tới khi phải hoặc được làm việc trong môi trường đa quốc tịch, đa quốc gia, nhiều người đã ngã ngửa vì những cú sốc văn hóa...

Đơn giản bởi các bạn chưa được trang bị những kỹ năng giao tiếp đa văn hóa (intercultural communication), mà đáng lẽ các bạn đã có cơ hội đúc kết nếu biết dấn thân và quăng mình vào cuộc sống phong phú nơi xứ người lúc còn đi học.

Nghĩ cho kỹ, điều này có nhiều phần trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Trong khi giới trẻ quốc tế luôn được cha mẹ khuyến khích trải nghiệm càng nhiều càng tốt, tự lập càng nhiều càng tốt, tham gia hoạt động cộng đồng, câu lạc bộ càng nhiều càng tốt thì các bậc cha mẹ Việt Nam chỉ cảm thấy yên tâm khi con học điểm cao, đỗ đạt, có vị trí trong xã hội.

Một vị cựu đại sứ Anh ở Việt Nam khi hết nhiệm kỳ đã rất ủng hộ quyết định của cậu con trai vào ở ký túc xá một trường đại học tại Hà Nội để học thêm tiếng Việt. Liệu có nhiều bậc phụ huynh Việt sẵn sàng nâng đỡ những ước mơ của con mình như vậy hay không hay luôn cật lực chạy đôn chạy đáo xin việc cho con khi con vừa tốt nghiệp? Và có nhiều bạn trẻ sẵn sàng từ chối những cơ hội tốt đẹp do người khác sắp đặt để thưởng thức cuộc sống theo cách riêng của mình?

Khi khoe lý lịch xin việc, các bạn trẻ Việt Nam phần nhiều chưa chú trọng đề cao những hoạt động từ thiện, xã hội mà mình đã tham gia, trong khi những “gap years” (thời gian tạm nghỉ học/nghỉ làm để đi đây đi đó, làm các việc ngoài chuyên môn của mình) lại được coi là niềm tự hào của các bạn trẻ quốc tế.

Từ trải nghiệm tới trân trọng sự khác biệt

Học hỏi về sự khác biệt, học cách chấp nhận sự khác biệt rồi tôn trọng sự khác biệt là cả một quá trình đòi hỏi sự giáo dục kỹ lưỡng

Tôi vẫn nhớ lời nói nhẹ nhàng của một thầy giáo đáng kính (rất quen thuộc với các nhà báo Việt Nam theo học báo chí ở Đức) khi tôi phàn nàn cách phát âm của các bạn học châu Phi quá khó nghe. Thầy bảo: “Người châu Á cũng có cách phát âm riêng mà”. Thầy vốn dễ mến, rất quý học sinh nên tôi chắc thầy phải thấy tôi “chướng” lắm mới nhắc nhở nhẹ tôi như vậy. Đó là một trong những bài học đầu tiên của tôi về việc tôn trọng sự khác biệt khi đi ra với thế giới.

Tôi nhớ những cái bếp ăn tập thể dành cho sinh viên đủ mọi quốc tịch lúc nào cũng đông đúc mà tôi từng trải qua. Trong khi không ai tỏ vẻ đặc biệt khó chịu với mùi nước mắm từ hộp cơm của các sinh viên Việt thì hộp cơm đầy màu sắc cùng mùi đặc trưng của các bạn Ấn Độ, châu Phi thường bị một số sinh viên Việt chỉ trỏ bình phẩm, nhăn mặt. Cô bạn cùng phòng còn xanh mắt khi tôi nếm thử thức ăn của mọi người và khen ngon. Tôi biết nhiều sinh viên Việt Nam hãnh diện vì món phở và nem luôn nhận được nhiều lời khen ngợi từ các sinh viên nước bạn. Vậy đã lần nào bạn tự hỏi mình đã từng khen (thật lòng và lịch sự) món ăn xa lạ của một nước khác chưa?

Học hỏi về sự khác biệt, học cách chấp nhận sự khác biệt rồi tôn trọng sự khác biệt là cả một quá trình đòi hỏi sự giáo dục kỹ lưỡng. Tôi thấy điều này thanh niên Tây có vẻ thấm nhuần hơn thanh niên ta. Các chương trình chống phân biệt đối xử với các nhóm người đặc biệt (đồng tính, khuyết tật, người thiểu số...) được lồng ghép vào chương trình học và cả trong sổ tay nhân viên các nơi công sở. Nếu bạn biết tôn trọng người khác dù họ khác màu da, tuổi tác, sở thích, đức tin tôn giáo, trình độ văn hóa... thì bạn sẽ nhận được sự tôn trọng ngược lại.

Và xa hơn nữa, bạn sẽ biết chấp nhận những ý kiến khác biệt, những tư tưởng phản biện. Đó chính là chìa khóa để thế giới này trở nên bao dung hơn. Để cho những trải nghiệm thời trẻ của bạn trở thành một vốn sống vô giá giúp bạn thành công trên bước đường tương lai.

CẨM HÀ

Là con út trong gia đình khá giả, tôi được nuông chiều hết mực. Rút kinh nghiệm người mẹ cả đời tảo tần, về già nhiều tiền vẫn không biết cách hưởng thụ cuộc sống; hình ảnh người chị mực thước và mô phạm, mỗi ngày tẻ nhạt với thời gian biểu rập khuôn: cơ quan - gia đình, lấy chồng giàu vẫn chẳng sung sướng...

Ở tuổi mới lớn, tôi “ngựa non háu đá”, muốn chứng tỏ mình biết hưởng thụ cuộc đời hơn thế hệ trước, bèn lao vào mọi cuộc chơi có thể: tụ tập nhậu nhẹt, nhảy nhót, đua xe, đánh bạc, xăm mình, thuốc lá, thuốc lắc... may còn mỗi “hàng trắng”, “cơm đen” là chưa dám thử, nhờ vậy mà chưa đến nỗi ra ma. Với lập luận: còn cả đời để học mà chỉ có một thời để chơi, quyết không đánh rơi tuổi trẻ, tôi ăn chơi bạt mạng thâu đêm suốt sáng, ban đầu lén lút, về sau chai lì công khai như thách thức gia đình. Mặc cho người thân vật vã lo âu, tôi tự trấn an rằng họ nâng cao quan điểm quá mức, chuyện thường thôi!

Sớm sớm bạn bè áo dài thướt tha đến lớp, tôi vẫn ngủ vùi vì bận “bão đêm”, hơi đâu học mớ giáo điều nhọc thân vô ích, tôi lăn lộn trường đời thực tế hơn. Ngày bè bạn bước chân vào giảng đường, tôi lang thang làm thợ “đụng” kiếm thêm tiền ăn chơi vung vít.

Lúc các bạn đi làm công sở, tôi lông bông mở tiệm làm tóc, bán cà phê cóc, quán nhậu bình dân... chả đâu vào đâu, bấy giờ mới ngộ ra mình rỗng túi và rỗng tuếch vì đã quá phí hoài thời gian qua. Tôi bèn xin gia đình hỗ trợ cho đi học lại, rồi thì lẹt đẹt cũng xong trung cấp kế toán. Giờ ban ngày tôi làm tư vấn ở một trung tâm ngoại ngữ (lương ba cọc ba đồng lại chẳng được ký kết hợp đồng lao động), tối đi học liên thông cao đẳng mà vẫn chưa thấy ngày mai tươi sáng.

Nhìn xung quanh, bao người tốt nghiệp đại học chính quy còn chật vật tìm việc, vả lại tôi không cẩn thận và kỹ tính, e khó hợp với nghề kế toán (nhưng thấy báo hay đăng tuyển và cũng chẳng biết thích ngành nào nên chọn đại), tôi cũng không muốn bị gò bó trong công tác hành chính, lại chẳng dám xông pha buôn bán chợ trời... Đã U-30 đâu còn nhiều cơ hội thử nghiệm. Tóm lại tôi vẫn trắng tay, ngổn ngang buồn chán, trong khi lứa bạn ngày xưa hiện đã có vị trí xã hội, đang tạo dựng sự nghiệp vững vàng hoặc chí ít cũng yên bề gia thất, cuộc sống ổn định...

Đã thấm thía mà vẫn chưa khắc phục được, thật không ngờ một quãng huy hoàng (giả tạo) của thời bồng bột mà ảnh hưởng dài lâu đến vậy. Nhiều đêm tôi mơ mà tiếc ngày xưa, biết không thể mạnh mẽ dời non lấp biển thì hãy chấp nhận tuân theo chuẩn mực phổ biến: học hành, đi làm, dẫu giống như mẹ tôi, chị tôi và bao người khác sống chỉ như ánh lửa leo lét (về tinh thần) chắc không đến nỗi ân hận như tôi đã cháy hết mình (chơi bời) trong quá khứ suýt thiêu tàn cả tương lai.

HAPPY NGUYỄN (TP.HCM)

Những việc lẽ ra tôi đã phải làm...

Để đời không hối tiếc...

03/09/2012 16:19 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Tham gia loạt “Những việc lẽ ra tôi đã phải làm” kỳ này, TTCT giới thiệu hai bài viết về việc chuẩn bị hành trang vào đời. Dù ở tận phương Tây hay tại Việt Nam thì việc học từ những chuyến đi cũng là một bài học giúp người ta lớn lên không phải hối tiếc.

Vào tuổi 20, người ta chẳng có gì ngoài một đôi chân rất khỏe mạnh và một trái tim ít sợ điều gì chưa đến. Đó là những ngày tháng tốt nhất để đi và học về thế giới.

Trên các diễn đàn, người ta đã biến việc đi thành một thứ tôn giáo. Nào là phải mũ áo, phải xe máy, phải cung đường, phải bạn đồng hành. Thật ra thứ quan trọng nhất ở một con đường đó chính là bạn đi và nhìn ngắm thế giới.

Đi và chăm chú ngắm nhìn

May mắn cho tôi, vào tuổi 20 tôi không cắm đầu chạy để chinh phục các cung đường hay đi theo hội này hội kia. Đi mà nhắm mắt lại trong cái thế giới quen thuộc của mình thì chẳng ý nghĩa gì, nên ở nhà cho xong. Khi đi một mình, tôi được gặp gỡ, trò chuyện, được chạm tay vào sinh hoạt thường ngày, được nói chuyện với những số phận khác biệt trong đời. Nhiều ứng xử của người đã gặp sau này lại là bài học để chính tôi sử dụng với hoàn cảnh của mình.

Tôi thích mê những ngọn núi, vì đi lên từng bước thật mệt mỏi, cứ một quãng cảnh quan lại thay đổi, gặp cả những người sống suốt đời trên núi. Lên đến đỉnh núi, thật ra chỉ là một dấu chấm hết cho một câu văn, chẳng còn gì nhiều thú vị ngoài việc thấy một thế giới bên dưới thấp hơn một chút. Còn sự thú vị của cỏ cây, con đường, lời trò chuyện với người xung quanh, hay đơn giản nhất là bạn làm sao để đạp đúng chân vào đúng chỗ mà bước, đó là một hành trình thật sự, vui nhất là khi đi.

Vào năm 20 tuổi, tôi đã không từ chối bất cứ cơ hội nào để đi... lung tung. Vì ở đó tôi thấy người ta sống các cuộc đời khác, gặp các biến cố, đau khổ, tâm trạng. Tôi thấy cách ăn mặc khác, nói năng, sinh hoạt, tập tục khác. Mọi bài học đều không thừa. Nó dạy tôi sống cởi mở hơn và ít thấy những điều sợ hãi nghiêm trọng vây quanh. Nếu như tốn quá nhiều thời gian để nghi ngờ hay lo sợ về một điều gì đó, tốt nhất là nên gặp trực tiếp những góc cạnh khác của chính nó, trong đời sống thường ngày. Khi thấy đủ nhiều rồi thì bạn chẳng có gì sợ nữa.

Tôi thấy người ta hay sợ cánh lái xe quốc lộ, bảo rằng họ hơi côn đồ, có thể làm gì đó nguy hiểm và thường hay dính tới tệ nạn này nọ. Đi thật nhiều rồi thì hiểu cuộc sống của họ quá gian nan, khắc nghiệt, đôi khi khổ sở và căng thẳng đến mức chẳng có gì giải trí, thư giãn, những yếu tố góp phần hình thành họ như vậy. Nhưng những người lái xe rất hay giúp đỡ nhau vô điều kiện trên đường, rất hay giúp đỡ người lỡ đường gặp trắc trở, chia sẻ và bảo vệ người yếu trên đường xa. Những bài học như vậy, chính các con đường đã dạy tôi.

Tận hưởng cuộc sống thật vui

Hãy tưởng tượng năm 75 tuổi bạn rất giàu có. Bạn chi tiền để đi du lịch. Nhưng 75 tuổi thì không thể lái xe máy chạy vòng vòng khắp nơi, không thể đeo 15kg hành lý trên lưng đi lang thang. Ở tuổi ấy và sự giàu có, bạn chỉ có thể ngồi trong khách sạn 5 sao và nặng nề ngắm nhìn thế giới trôi qua trong ngày tháng cuối cùng.

Ở tuổi 20, bạn không một xu dính túi. Nhưng trẻ thế này bạn làm cách nào chả tìm ra cách để đi. Tôi đi làm, kiếm tiền, tiết kiệm và biến lên đường ngay khi tìm được lúc. Tôi có cả ngàn lý do để từ chối chuyến đi. Thời gian eo hẹp quá. Tiền phải để mua xe, mua nhà. Người yêu không muốn mình đi. Cha mẹ ở nhà lo lắng. Nhưng tất cả lý do ấy chỉ dẫn đến một đáp án duy nhất: thật ra bạn không muốn đi.

Có nhiều người tin rằng người ta chỉ đi du lịch khi đã hoàn toàn giàu có và sung túc. Du lịch là một thứ giải trí. Còn với tôi, đi là cách để học các thứ mình thiếu thốn trong cuộc sống tù đọng và bó hẹp của mình. Đi để nhìn thấy xung quanh, thấy bản thân mình, thấy tất tần tật những gì khác thường so với cuộc sống mòn mỏi và đơn điệu xung quanh mình.

Từ đó thấy yêu, thấy vui, thấy học được nhiều chuyện mới mẻ. Chẳng thừa đi đâu cả, rồi tôi sử dụng tất cả những thứ ấy vào cuộc sống của mình trong mỗi ngày. Tôi tự động viên mình vượt qua cái khó, như khi tự nói mình cố gắng đi hết 100km cuối cùng trong mưa. Tôi tự thấy mình chiến thắng khi làm xong việc nào đó, tuy nhỏ nhặt nhưng rất khó với mình. Tôi tự thấy mình vui vẻ, vì biết rằng nếu mình có khổ sở cô đơn dằn vặt mãi cho một ai đó thì cả thế giới này cũng không thể biết đến hay gánh chịu hộ mình. Cuộc sống về cơ bản là vui vẻ, nhiều màu sắc và đáng để tận hưởng.

Tôi cũng biết nếu mà ráng chăm chỉ cày cuốc chờ đến 75 tuổi (giả thiết không chắc chắn là giàu có), tôi chẳng tin mình có thể lái xe hàng trăm kilômet hay đi bộ suốt một tuần trong một thành phố xa lạ như bây giờ.

Thế thì thật đáng tiếc cho một thời trai trẻ chẳng biết đi đâu...

KHẢI ĐƠN

Sự trưởng thành bắt đầu từ đâu?

1. Những người Việt định cư lâu năm tại nước ngoài khi về thăm quê hương thường có nhận xét chung là thanh niên Việt thành thị ở độ tuổi

16-20 hiện nay không tự lập cao như các bạn cùng lứa tuổi các nước. Đa số hay ỷ lại vào những người xung quanh, từ thầy cô ở trường tới cha mẹ, ông bà, cô dì... Thanh niên các nước từ 18 tuổi dẫu không phải kiếm tiền phụ giúp gia đình cũng lo làm thêm, nhất là trong các dịp nghỉ hè, nghỉ đông để có tiền sắm sửa, đi du lịch mà không phiền tới cha mẹ.

Tại các nước thuộc khối Scandinavia, tuy trẻ em có tiền trợ cấp từ khi sinh ra cho tới năm 18 tuổi nhưng vẫn có nhiều thanh niên tranh thủ đi làm thêm trong các kỳ nghỉ, từ bán hàng, làm dịch vụ trong mùa du lịch, thu hoạch trái cây, hoa tại các nông trang tới giữ chó mèo cho các gia đình đi nghỉ hè, dành dụm tiền để mua xe, thuê căn hộ riêng. Sự trưởng thành bắt đầu từ độc lập về tài chính. Nhiều người cũng tranh thủ thời gian nghỉ để tham gia những chuyến công tác xã hội tự nguyện.

2. Thanh niên từ 16 tuổi trở lên là có thể đăng ký tham gia những lớp học hè tại các nước đang phát triển hay thuộc thế giới thứ ba, kết hợp du lịch với công tác xã hội, văn hóa theo đặc thù của địa phương, từ tham gia những đoàn khảo cổ, khảo sát hay nghiên cứu, làm công tác bảo vệ môi trường, biển, động vật hoang dã... đến dạy tiếng Anh, chăm sóc trẻ thiểu năng, trồng cây rừng, đào giếng... Chỉ riêng tổ chức Projectsabroad (trụ sở chính đặt tại Anh) đã thu hút 10.000 thanh niên Đan Mạch tham gia trong năm 2011.

Tại Việt Nam thì Projectsabroad có chương trình chăm sóc trẻ bị bệnh Down bằng phương pháp vật lý trị liệu, chăm sóc trẻ câm điếc tại Hà Nội, dạy tiếng Anh tại các trường cấp II, III vùng xa... (*). Người tham gia ngoài vé máy bay sẽ tự trả chi phí sinh hoạt ăn, ở. Thí dụ như tham gia công tác y tế, xã hội tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ phải trả trung bình 13.450 Kr (khoảng 2.400 USD)/tháng (lương trung bình của một sinh viên Đan Mạch mới ra trường khoảng 18.000-20.000 Kr trước thuế).

Tuy chi phí cao hơn một chuyến du lịch bình thường nhưng họ lại có được những trải nghiệm quý báu trong cuộc sống, có cơ hội đi đến những nơi mà khách du lịch bình thường không đặt chân tới, làm được những chuyện có ý nghĩa cho người khác và nhất là tập cho mình thích ứng với những môi trường xa lạ và không hề tiện nghi như khi ở nhà.

3. Tất nhiên khi thanh thiếu niên có tính tự lập cao quá hay độc lập về tài chính quá sớm thì cũng có những hệ lụy của nó, nhưng đối với người Đan Mạch thì những rủi ro ấy không đáng kể so với sự phát triển của tuổi trẻ. Theo kết quả khảo sát của tổ chức EU Kids Online, được công bố đầu tháng 7-2012, đối với phụ huynh Đan Mạch, mối quan tâm cao nhất là sự học của con cái (chiếm 54%), chuyện trẻ em bị chúng bạn bắt nạt rồi tới tai nạn xe cộ.

Nguy cơ bị dụ dỗ vào chuyện xấu qua mạng chỉ chiếm 29% cho dù Đan Mạch có tỉ lệ người tham gia các mạng xã hội cao nhất thế giới - gần một nửa dân số có tài khoản Facebook. 17% phụ huynh lo con mình nghiện rượu hay sa vào ma túy các loại và chỉ có 9% phụ huynh lo con mình gặp rắc rối với cảnh sát (nguồn: EU Kids Online, Center for Digital Paedagogik). Điều này không có nghĩa là người Đan Mạch ít quan tâm tới con cái, chỉ là họ đã tập cho trẻ em tính tự lập từ rất nhỏ!

QUẾ VIÊN (Copenhagen)

Câu chuyện giáo dục

Trường 20 và trường 2,5

07/09/2012 13:46 (GMT + 7)

TTCT - Một huyện đồng bằng ven đô thị có hai ngôi trường THPT cách nhau 4km, cả hai tương đương mọi thứ từ cơ sở vật chất, địa lợi, nhân hòa cho đến đội ngũ giáo viên. Vậy mà hằng năm, điểm tuyển sinh vô lớp 10 giữa hai trường hết sức chênh lệch.

Năm nay một trường tuyển vô 20 điểm/5 môn, trường kia 2,5 điểm/5 môn (thi ba môn toán, văn, Anh, trong đó toán, văn hệ số hai). Tạm gọi tên hai trường là Trường 20 và Trường 2,5.

Học sinh thi vô Trường 20 không đậu, cầm số điểm từ 19,75 trở xuống ngậm ngùi rời xa huyện nhà xuống phố học trường tư, xa xôi, tốn kém, lo âu. Phụ huynh bức xúc, đề nghị Trường 2,5 nhận con họ vô học nhưng quy định tuyển sinh của sở không cho phép. Họ quay ra than với hiệu trưởng Trường 2,5: “Biết con tôi học dở thế này tôi cho nó thi trường thầy”. Hiệu trưởng nhăn mặt: “Thế trường tôi chuyên dạy học sinh dở à?”.

Hiệu trưởng Trường 2,5 tiếc số học sinh có điểm cao, xin sở chiếu cố cho nhận thêm một lớp, đã không được còn bị sở giáo huấn: “Nếu nhận số học sinh này, năm sau học sinh cứ đâm đầu vô trường kia thi, tình trạng chênh lệch lại xảy ra, anh không hiểu điều ấy sao”. Sao không hiểu, nhưng làm giáo dục vậy có đành đoạn quá không?

Một cán bộ quản lý nói: “Cũng như tuyển sinh đại học vậy, anh không thể rớt trường y thì được sang kinh tế. Cứ coi như một lần các em vấp ngã”. Ông phụ huynh kia nổi nóng: “Đó là học chuyên ngành, còn đây học phổ thông, thưa thầy. Hơn nữa các cháu mới tí tuổi đầu biết gì mà vấp với ngã”.

Hỏi phụ huynh: “Thầy cô giáo Trường 20 đâu có giỏi hơn thầy cô Trường 2,5, sao cứ phải cho con thi vô đó, rớt, rồi hối hận”. Trả lời: “Trường đó có thương hiệu. Hằng năm học sinh đậu đại học nhiều”. Ô vâng, đầu vào tốt hơn thì đầu ra có thành tích cao hơn. Đầu ra thành tích cao hơn thì lại tuyển được đầu vào chất lượng hơn, cứ thế. Thử hoán đổi học sinh lớp 10 năm nay giữa hai trường liệu có còn “thương hiệu”?

Làm thế nào rút ngắn sự chênh lệch kia? Hiệu trưởng Trường 2,5 khoát tay đầu hàng. Nhưng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông “đổ thừa” như sau: Cách đây bảy năm, thời ông hiệu trưởng cũ, không ngày nào ông ấy không rủ rê giáo viên đánh bida, matxa, nhậu nhẹt. Ai chịu khó chơi với ông thì ông nâng đỡ, ai không chơi ông trù úm. Làm hiệu trưởng nói trước học sinh không khi nào chuẩn bị, cứ bạ đâu nói đấy, nhớ đâu nói đấy, nói dây dưa, nói ngô nghê học sinh cứ ôm bụng cười rộ từng đợt chẳng ra thể thống gì.

Tiếp đến ì xèo việc ông biến quá nhiều “hóa đơn nhậu” thành “hóa đơn tiếp khách”. Lúc nào cũng ba hoa mình quan hệ rộng, chỗ thân tình với giám đốc sở. Giáo viên không nể hiệu trưởng, họ đâm chểnh mảng. Rồi thì học sinh đánh lộn liên miên, xử lý không triệt để. Dân tình chê trách ghê lắm, họ nói hiệu trưởng như thế thì quản lý làm sao, giáo viên như thế thì dạy dỗ ai. Một cá nhân để mất uy tín, tìm cách lấy lại đã khó, một tập thể mất uy tín biết bao giờ mới lấy lại được đây.

Điều hiệu trưởng Trường 2,5 nói không sai nhưng chưa hẳn đã là nguyên nhân của điểm thi cách biệt giữa hai trường. Râm ran trong dân, họ nói hay hơn: Tại sao sở không phân luồng học sinh, bên này tỉnh lộ thi vô trường A, bên kia tỉnh lộ thi vô trường B chẳng hạn, học sinh sẽ đỡ thiệt thòi. Hoặc, hết hạn nhiệm kỳ hiệu trưởng năm năm (nên ba năm) sở phải tổ chức sát hạch lại chứ không lấy tín nhiệm qua loa, đại khái.

Thật ra có những việc cần tài năng chứ đâu cần kinh nghiệm chung chung. Anh muốn làm quản lý giáo dục thì phải mua tài liệu về học để thi, để làm cho trúng chứ sao có chuyện mở lớp đào tạo quản lý nhỉ? Hoặc, luân chuyển giáo viên giữa hai trường cũng là một cách thể hiện sự năng động của guồng máy giáo dục, tất nhiên phải có quy chế từ trước, tránh lợi dụng gây khó khăn.

Bàn cho lắm, kẻ thiệt thòi vẫn là những học sinh thi vào Trường 20 để rồi phải cầm số điểm từ 19,75 trở xuống ra trường tư học!

HẠ CƯỜNG

Hãy đi cùng con suốt chặng đường dài

10/09/2012 07:49 (GMT + 7)

TTCT - Sau bài viết “Thư gửi cô giáo lớp 1 của con tôi” (TTCT ngày 26-8-2012), chúng tôi đã nhận được bài viết của cô Đỗ Thị Hồng Hải - giáo viên ở Nha Trang, như một phản hồi cho bài viết trên cũng là những gửi gắm của thầy cô giáo cho các bậc phụ huynh.

TTCT xin trích đăng.

Một năm học mới bắt đầu. Cô lại đón một chuyến đò mới trong sự nghiệp chèo đò suốt mấy mươi năm của mình. Nhìn những khuôn mặt sáng sủa, xinh xắn của các cô bé, cậu bé lần đầu tiên đi học, lòng cô dâng tràn niềm vui và niềm hi vọng. 12 năm, chặng đường vô cùng quan trọng ấy của cuộc đời một con người, bên cạnh trọng trách của mình, cô có biết bao nhiêu điều muốn gửi gắm đến cha mẹ của các em.

Thưa các bậc phụ huynh,

Khai giảng năm học mới đối với học sinh lớp 1 là một dịp thật đặc biệt. Những giáo viên lớp 1 chúng tôi đón nhận từ phụ huynh đứa con thân yêu với trách nhiệm nặng nề. Suốt 12 năm, chúng tôi phải dạy dỗ để các em trở thành những công dân có ích, một con người phát triển toàn diện về sức khỏe, trí tuệ, nhân cách và tâm hồn - vốn là mục đích cao cả của ngành giáo dục. Nhưng xin thưa phụ huynh, một mình chúng tôi không đủ khả năng thực hiện những điều lớn lao ấy nếu không có sự kết hợp chặt chẽ từ phía phụ huynh. 12 năm, trước mắt với biết bao đổi thay, vậy nên chúng tôi mong các vị phụ huynh:

- Đừng phó mặc hoàn toàn việc dạy dỗ, chăm sóc con mình cho cô giáo mà hãy xác định rằng khi đưa con vào lớp 1 là sẽ bắt đầu cùng con đi một chặng đường dài với biết bao khó khăn, sự kiên nhẫn, lòng bao dung và cả kiến thức của các bậc cha mẹ.

- Hãy là người bạn lớn của con mình. Cha mẹ thương con, quý con, chăm sóc con thôi chưa đủ mà phải hiểu con. Mỗi lớp học qua đi theo thời gian, cha mẹ phải biết con mình chơi với bạn nào, đang học với thầy cô nào. Hằng ngày các cháu có biết bao chuyện vui buồn trên lớp, cha mẹ hãy là bạn bè để con cái sẻ chia, hãy biết lắng nghe để uốn nắn con đúng cách.

- Đừng quá tham công tiếc việc. Cuộc sống hối hả tất bật, bao điều phải lo toan, việc kiếm ra tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Đừng để con mình phải ngồi sau lưng bác xe ôm xa lạ trên con đường đến trường mà chẳng biết nói chuyện gì. Đừng để những bữa cơm chỉ mình con ăn mau, ăn mải để đến lớp học thêm rồi dần dần cháu càng lầm lì ít nói.

- Hãy cố gắng gìn giữ hạnh phúc gia đình, để con được hưởng không khí yêu thương. Thực tế cho thấy những đứa trẻ hạnh phúc (hồn nhiên, nhiều kỹ năng tốt, học tốt) thường được sống trong một gia đình hạnh phúc.

- Đừng nôn nóng khi thấy cháu học hành không xuất sắc; thấy con người khác học hành nổi bật, đừng vội bắt con mình lao vào các “lò” học thêm triền miên; hãy cho các cháu những phút giây được vui chơi, giải trí, thoải mái nói cười.

- Nếu thấy con mình còn thua kém các bạn, hãy giải thích, động viên, khích lệ cháu cố gắng, đừng mạt sát, đánh mắng vì làm như thế cháu chẳng thể giỏi hơn.

- Và một điều nữa mà cha mẹ cũng nên biết: nếu con mình chưa ngoan, học hành sa sút, hay đánh bạn, vi phạm nề nếp..., hãy đừng bênh con vô lối, hãy bình tĩnh liên hệ với cô giáo, với nhà trường để tìm ra cách dạy con tốt nhất.

Rất mong các quý vị phụ huynh hợp tác để sau 12 năm nữa, cô và mẹ cùng dâng cho cuộc đời, xã hội những thành quả ngọt ngào là những công dân chuẩn mực nhất.

ĐỖ THỊ HỒNG HẢI (Nha Trang)

Để trẻ vững tin vào lớp 1, cha mẹ hãy giúp trẻ hình thành những kỹ năng cần thiết. Cha mẹ cần giải thích cho con hiểu vì sao cần đến trường, có lợi gì khi trẻ đi học. Nên kể những điều thú vị ở trường để trẻ cảm thấy hứng thú. Dạy trẻ các kỹ năng giao tiếp với bạn, thực hiện theo yêu cầu của giáo viên.

Ngày khai giảng cha mẹ nên sắp xếp thời gian đưa con đến trường, cần gặp gỡ trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về đặc điểm cá tính của trẻ, điều này đặc biệt cần thiết đối với những trẻ hiếu động hay quá nhút nhát. Sự thích ứng học tập ở trẻ diễn ra khác nhau, cha mẹ không nên đặt ra yêu cầu quá cao mà nên khuyến khích, động viên để trẻ đạt được kết quả tốt hơn, tránh việc so sánh với các trẻ hàng xóm khiến trẻ sẽ nảy sinh tâm lý tự ti, mặc cảm dẫn đến chán nản, mất hứng thú học tập.

Tiếp thu kiến thức mới là một trong những thử thách rất lớn đối với trẻ lớp 1. Trong khi đó hạn chế lớn nhất của trẻ ở lứa tuổi này là rất khó để tập trung vào một việc nhất định. Hướng dẫn trẻ cụ thể cách lắng nghe bài giảng, cách viết bài theo yêu cầu của giáo viên trên lớp… Không được tạo áp lực cho trẻ, đừng áp đặt trẻ một cách gò ép, giúp trẻ làm quen với thời khóa biểu, linh hoạt tạo cho trẻ khoảng thời gian, không gian nghỉ ngơi phù hợp.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN

(giảng viên tâm lý học Trường ĐH Nguyễn Huệ)

Cuộc sống muôn màu

Nhớ một ngày khai trường không có bóng bay

15/09/2012 07:51 (GMT + 7)

TTCT - 1. Nước Ý suy thoái kinh tế và nền giáo dục của nó chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng ấy: ngân sách bị cắt giảm mạnh dẫn đến việc đội ngũ giáo viên phải tinh giản biên chế và cơ sở hạ tầng không được nâng cấp.

Nhưng những giá trị cơ bản của nền giáo dục ở một đất nước đã sản sinh truyện Những tấm lòng cao cả (*) vẫn được bảo tồn.

Đến bây giờ, tôi vẫn không sao quên được gương mặt đầy ngạc nhiên của bà hiệu trưởng ngôi trường tiểu học trên đường Giovan Battista Valente gần nơi tôi sống ở Ý, khi tôi rất vô tư hỏi cô rằng tại sao các cháu từ mẫu giáo lên lớp 1 mà lại không phải học hành hay chuẩn bị một chút nào về kiến thức trong suốt ba tháng hè trước năm học mới.

Đó là khi năm học mới của con bé nhà tôi sắp bắt đầu, năm đầu tiên nó cắp sách đến lớp, sau một năm rưỡi theo học mẫu giáo cũng ở ngôi trường ấy. Tôi vẫn nghĩ theo kiểu giáo dục ở Việt Nam, là trước khi trẻ vào "đại học chữ to", nó sẽ phải học trước ít nhất là vài tháng cách phân biệt chữ và số, dù là đơn giản nhất.

Bà hiệu trưởng hơi chau mày trước cách giải thích ấy và sau đó trả lời rằng ở nước Ý, người ta không dạy trẻ con phải thành thiên tài bằng cách nhồi nhét chữ nghĩa và gây sức ép tối đa lên chúng bằng những chương trình học đến nghẹt thở. Bà cũng nói ngôi trường này gặp nhiều vấn đề về giáo viên và cơ sở hạ tầng, nhưng mục tiêu của bà và ban giám hiệu là ngôi trường phải là nơi mà khi đứa trẻ đến học phải cảm thấy yêu ngôi trường, gắn bó với nó và luôn chỉ tìm thấy những niềm vui.

2. Những điều mà bà nói không hề sáo rỗng và giáo điều bởi hết sức thực tế. Mấy năm tôi ở Ý là mấy năm đưa con đi học và đón nó về, cũng là ngần ấy năm tiếp xúc, cảm nhận những gì bà hiệu trưởng đã nói và không ít dịp chia sẻ, trao đổi với các vị phụ huynh khác.

Họ cũng có không ít những nỗi lo lắng giống tôi. Một người cha có con đi học và dù là người cha đó có quốc tịch gì, xuất thân ra sao, thì trong cùng một môi trường giáo dục, những suy nghĩ đều giống nhau: đứa trẻ của mình đi học có vui không, nó học có tốt không, cô giáo nó thế nào, trưa nay nó ăn uống ra sao, trường lớp của nó có sạch không, an toàn không...

Những câu trả lời đã có: trường cũ rồi, đồ dùng học tập cũng cũ, số giáo viên trẻ không nhiều, ngân sách nhà nước cấp cho giáo dục bị cắt giảm tối đa vì khủng hoảng, thành ra có một vài học kỳ các bé thậm chí còn phải tự mang giấy vệ sinh để sử dụng cho nhu cầu cá nhân. Nhưng việc cắt giảm ấy đi kèm một hệ lụy khác mà người ta cho là nghiêm trọng hơn, dẫn đến những cuộc họp liên miên giữa các phụ huynh và nhà trường, những cuộc bãi công của chính các giáo viên, và sau đó giáo viên và các phụ huynh cùng biểu tình chống chính phủ.

Đấy là việc Bộ Giáo dục Ý quyết định không thay thế các giáo viên già đã về hưu bằng giáo viên trẻ và giảm số lượng giáo viên bộ môn xuống, buộc một giáo viên phải phụ trách nhiều đầu học sinh hơn. Các phụ huynh cho rằng chính sách ấy khiến chất lượng giáo dục giảm sút.

Trong các cuộc họp khá gay gắt với phụ huynh, ông hiệu phó, một người có nụ cười rất hiền và bộ râu quai nón, không biết bao lần phải đứng lên cam đoan rằng trường sẽ cố gắng giữ vững chất lượng.

3. Nhưng điều mà tôi cảm nhận được về ngôi trường ấy có lẽ không phải là ở chất lượng giáo dục như ông hiệu phó nói. Điều tôi ấn tượng mãi chính là cách nhân văn mà họ dạy bọn trẻ. Ngày đầu tiên con bé đi học lớp 1, vở của nó chỉ có một dòng chữ duy nhất, còn trong trang giấy ấy là nguệch ngoạc những bức tranh mặt trời và ngôi trường mà cô cho chúng tự do sáng tạo. Dòng chữ ấy ghi vẻn vẹn một câu: "Tôi hạnh phúc".

Mấy ngày sau, vẫn câu ấy, nhưng bé con phải viết thêm mấy dòng nữa trong trang vở. Cô giáo bảo: "Chúng tôi muốn đứa trẻ cảm nhận được một cách giản dị nhất ý nghĩa về cuộc sống và niềm hạnh phúc. Đấy là đến trường và có lúc trẻ cùng trang lứa chơi và học cùng". Năm học của bé con cứ thế trôi đi, và những sự phát hiện của ông bố là tôi về giáo dục lấy con người làm trung tâm của họ tiếp tục.

Sự khác biệt của mẫu giáo và lớp 1 là gì? Bé con bảo: "Chẳng có gì khác, ngoài việc lớp 1 thì không được mang đồ chơi đến lớp". Tại sao hầu như đứa trẻ nào ở trường con tôi khi đến lớp cũng vác theo một balô nặng trịch? Chẳng nhẽ trẻ con Ý cũng giống trẻ con Việt Nam khi chúng bị bắt phải mang nhiều sách vở đến lớp? Không, con bé bảo nó và các bạn thích mang sách đến trường để học, để vẽ và để chơi.

Tại sao chúng có thể sống hòa hợp với những đứa bé da đen hoặc gốc Á, trong hoàn cảnh nước Ý ngày càng trở nên khó tính và hằn học hơn với người nhập cư? Vì cô giáo ở trường đã dạy bọn trẻ lớp 1 về một thế giới toàn cầu.

Những buổi họp phụ huynh học sinh trở thành những cuộc nói chuyện thoải mái nhất giữa cha mẹ học sinh và giáo viên. Một bà mẹ kể rằng cô giáo có gặp bà và hỏi về chuyện gia đình bà có vấn đề gì không. Người mẹ ngạc nhiên nói rằng vợ chồng chị đúng là đang lục đục.

Cô giáo bảo: "Tôi nhìn thấy điều đó trong các tranh mà con chị vẽ. Nó vẽ rất u ám và không có cha mẹ trong bức tranh ấy, điều chưa từng xảy ra trước kia. Đừng để chuyện của vợ chồng anh chị ảnh hưởng đến bé". Hóa ra, các cháu ở lớp ngày nào cũng được cho vẽ tranh. Cô giáo theo dõi sự phát triển về tâm hồn của từng trẻ một thông qua những bức tranh và sẽ can thiệp kịp thời nếu phát hiện những bất thường trong quá trình vận động tâm lý của chúng.

4. Sự kiên nhẫn và nhạy cảm sư phạm của họ thật tuyệt vời. Đến bây giờ, con bé nhà tôi cũng vẫn chưa quên được những "ngày hội bán cây" của chúng mỗi học kỳ. Mỗi đứa trẻ phải trồng một cây nhỏ trong vườn trường, chăm sóc chúng và trong thời gian cây lớn, chúng được giảng những bài học cơ bản về sinh học và bảo vệ môi trường. Cuối kỳ, khi cây lớn, lớp tổ chức bán cây, phụ huynh sẽ bỏ ra 2 euro để mua cây do chính con mình trồng. Tiền sẽ được góp vào quỹ phúc lợi của trường, chậu cây thì trẻ mang về và chăm tiếp.

Những quan tâm hết sức chi tiết khác: nhà trường đăng một apphich rất to cảnh báo cha mẹ về việc trẻ con có thể có chấy và một lần khi phát hiện trong hành lang nhà trường có phân chuột, người ta đã đóng cửa trường ba ngày để gọi cả một đội chống chuột và mèo đến để tìm cho ra chuột thì thôi!

Mấy năm đã qua kể từ ngày con tôi vào lớp 1 ở Ý, trong một ngôi trường không thật sự khang trang và hiện đại nhưng lại không thiếu tình người và tính nhân văn trong giáo dục, nhân văn từ những chi tiết nhỏ nhất. Con bé sẽ không bao giờ quên ngày khai giảng đầy ý nghĩa của nó. Không ai đọc diễn văn, không ai hứa hẹn, không có những màn ca nhạc ầm ĩ và thả bóng bay.

Chỉ có cảnh cha mẹ các bé ngồi trong một sân khấu ở giữa sân trường có mái che, xúc động lắng nghe cô hiệu trưởng đọc tên từng bé một để cô giáo mẫu giáo cầm tay bé ấy trao cho cô chủ nhiệm lớp 1. Cô giáo mới sẽ dẫn từng bé vào lớp như thế trong tiếng vỗ tay của các vị phụ huynh và trong tiếng cười bẽn lẽn của lũ trẻ...

Những buổi họp phụ huynh học sinh trở thành những cuộc nói chuyện thoải mái nhất giữa cha mẹ học sinh và giáo viên. Một bà mẹ kể rằng cô giáo có gặp bà và hỏi về chuyện gia đình bà có vấn đề gì không. Người mẹ ngạc nhiên nói rằng vợ chồng chị đúng là đang lục đục.

Cô giáo bảo: “Tôi nhìn thấy điều đó trong các tranh mà con chị vẽ. Nó vẽ rất u ám và không có cha mẹ trong bức tranh ấy, điều chưa từng xảy ra trước kia. Đừng để chuyện của vợ chồng anh chị ảnh hưởng đến bé”. Hóa ra, các cháu ở lớp ngày nào cũng được cho vẽ tranh.

ANH NGỌC

(*) Những tấm lòng cao cả hay Tâm hồn cao thượng (tiếng Ý: Cuore) là cuốn tiểu thuyết trẻ em của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis, xuất bản đầu tiên năm 1886. Tác phẩm được viết theo hình thức nhật ký của Enrico Bottini (là An Di trong bản dịch của Hà Mai Anh), một cậu học trò 10 tuổi học tiểu học ở Ý.

Phản hồi bài “Cần tình yêu và lòng tin” trên TTCT ra ngày 2-9:

Càng yêu, càng cần cân nhắc chu đáo

21/09/2012 23:47 (GMT + 7)

TTCT - Xin được hoàn toàn chia sẻ với tác giả bài báo rằng trẻ con rất cần tình yêu và niềm tin của người lớn, cụ thể ở đây là thầy cô giáo. Tuy nhiên theo thiển ý cá nhân, chỉ tin cậy và yêu thương thôi chưa đủ, thậm chí tin và yêu cũng cần đúng cách.

Chuyên nghiệp trước, yêu sau

Cái thuở “các thầy cô 7+2, 7+3 đã đi dạy cấp II (...) mà bao thế hệ vẫn được giáo dục nên người”; “nhiều bà mẹ trình độ học vấn không cao mà vẫn dạy con thành tài”... đem so sánh với thời no đủ hiện nay e khập khiễng bởi mỗi thời điểm lịch sử mỗi khác, có thuận lợi và khó khăn riêng. Trẻ con bây giờ thông minh và nhạy cảm, chúng đâu dễ gì nể phục một người thừa tâm mà thiếu tài. Mặt khác, những người thật sự “thành nhân” trong hoàn cảnh ấy là do nhiều yếu tố tác động, bao giờ tự ý thức cũng đóng vai trò quan trọng nhất, chứ đâu chỉ nhờ vào tình yêu thương kia mà trưởng thành.

Ngay cả tình mẫu tử thiêng liêng vốn thuộc bản năng, hầu như bà mẹ nào cũng dành cho con là vô bờ bến, vô điều kiện song nuôi dạy chúng nên người được hay không còn do cách yêu thương nữa, mà điều này phụ thuộc nhiều vào khả năng nhận thức của bà mẹ đó.

Rất đồng cảm với tác giả khi cho rằng “cái mà các em cần chỉ đơn giản là học cách suy nghĩ, tư duy độc lập, được khích lệ tinh thần sáng tạo, ham học hỏi”, song để khơi gợi được điều này nơi các em thì rất cần tầm nhìn của nhà hoạch định, người quản lý giáo dục và giáo viên, chứ đâu đơn giản cứ tình yêu và lòng tin là xong.

Hơn nữa, tình yêu trẻ không phải là mặc nhiên, người ta chọn nghề bởi nhiều lý do mà nếu đòi hỏi chỉ tuyển giáo viên vừa có trình độ phù hợp, khả năng truyền đạt và tương tác tốt, lại dồi dào lòng yêu trẻ e quá khó. Vì thế tình yêu trẻ có thể tác động từ từ và họ sẽ thấm dần ít nhiều theo thời gian, chỉ nên yêu cầu giáo viên có trình độ tương thích, có phương pháp sư phạm phù hợp, có trách nhiệm nghề nghiệp nghiêm túc.

Chỉ bấy nhiêu e cũng là nhiều, và chỉ bấy nhiêu e cũng vừa đủ cho họ làm tròn chức phận một nhà giáo. Những tiêu chí này dễ đào tạo và “cân đo” được hơn là yếu tố tình cảm.

Và phải biết cách yêu

Thiết nghĩ thế nào là yêu trẻ đúng mực cũng nên bàn bạc trước khi khuyến khích phổ rộng. Có thể chúng ta từng yêu trẻ sai lầm, tạo ra một thế hệ “công nghiệp” và “đồng phục”.

Vì tình yêu trẻ, chúng ta sẵn sàng chuẩn bị những gì tốt đẹp nhất cho mầm non tương lai, mạnh dạn đổi mới giáo dục, thậm chí nên tiến hành triệt để, toàn diện và có hệ thống. Vì vậy càng cần cân nhắc chu đáo, không thể cứ thí điểm mô hình này nọ rồi lại sửa chữa vì trả giá bằng cả thế hệ, trẻ em không phải là “chuột bạch” cho những loay hoay thử nghiệm của người lớn. Có lẽ hiếm lĩnh vực nào tối quan trọng lại nhiều phép thử - sai đến vậy.

Thí điểm mô hình mới trong một môi trường cũ “đồng bộ” (nếp sinh hoạt cũ, nền văn hóa tổ chức cũ, người quản lý cũ cùng tư duy cũ, giáo viên cũ cùng phương pháp cũ…) liệu có thực thi toàn vẹn? Bởi rất có thể thói quen cũ sẽ trì kéo rất nặng.

Nên chăng, nếu chưa thể tạo sinh khí mới toàn diện thì cố gắng làm mới thật sự ở một đối tượng có sức ảnh hưởng bao trùm, và chí ít là ở nhóm cần thí điểm. Cho rằng việc “tự học, tự giáo dục” của học sinh là trung tâm thì cần cởi bỏ ngay lối tư duy áp đặt và vâng lời nơi học đường. 

KIM OANH

Khi nào ta nói cùng con?

Chúng tôi cô đơn

22/09/2012 18:37 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Giáo dục giới tính là chuyện không mới, nhưng chưa thể là chuyện cũ khi vấn đề nạo phá thai tuổi vị thành niên và trẻ bị hiếp dâm vẫn đang thời sự.

TTCT giới thiệu hai bài viết của hai tác giả trẻ liên quan tới việc họ cần gì trong giáo dục giới tính tuổi học đường...

Năm nay tôi vừa bước vào lớp 12. Chuyện có người yêu ở độ tuổi chúng tôi là bình thường. Những nụ hôn, những lần hẹn hò làm sao tránh khỏi... Cả lớp, nam cũng như nữ, trừ tôi ra, ai cũng có người yêu, thậm chí có bạn đã trải qua vài mối tình. Luật bất thành văn, ai càng có nhiều mối tình thì càng có “đẳng cấp”, “số má” trong mắt bạn bè. Thỉnh thoảng con gái lớp tôi lại rủ nhau sang lớp khác... đánh ghen và ngược lại.

Năm lớp 11, L. - bạn gái thân của tôi, có người yêu là một sinh viên đẹp trai, học đại học ngân hàng năm 3, ở trọ gần nhà L.. Thấy hai người khá thân thiết, tôi như linh tính điều gì đó. Đem nỗi băn khoăn nói với L., L. trấn an tôi: “Anh ấy đàng hoàng lắm. Tụi tao chỉ mới hôn thôi mà”.

Ngày hôm sau, giờ ra chơi, L. gọi tôi và lấy trong túi ra một que thử thai. Hai vạch hồng. Nó hỏi: “Làm sao đây?”. Ánh mắt nó nhìn tôi cầu cứu, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt và cổ, hai tay run rẩy. Tôi chết lặng. Cứu bạn ư, tôi biết gì đâu mà cứu bạn khỏi tai họa này? L. chỉ ôm mặt khóc.

Trường chúng tôi cũng có mời bác sĩ chuyên khoa sản đến nói chuyện nhưng bác sĩ cũng chỉ nói về các bệnh xã hội, HIV, đồng tính, còn về vấn đề phòng tránh thai thì không nói gì cả. Có bạn hỏi thì bác sĩ trả lời không nên quan hệ tình dục sớm vì như thế không tốt.

Những phút ngồi chờ L. trong phòng khám của một bác sĩ sản khoa, tôi vừa thương L., vừa giận mẹ L.. Mẹ L. ly hôn với ba L. nhiều năm nay, ngoài giờ làm ở cơ quan, tối về bà rất bận với nhóm bạn trong câu lạc bộ khiêu vũ của bà, với những cuộc điện thoại kéo dài vài giờ mỗi tối. L. là con gái duy nhất nhưng hầu như hai mẹ con không có thời gian nói chuyện với nhau.

“Tối nay mẹ không về ăn cơm” là tin nhắn mà L. nhận được thường xuyên từ mẹ. Từ những buổi vắng nhà thường xuyên của mẹ, L. đã dại dột rủ bạn trai tới, lúc đầu chỉ là dạy kèm toán lý, sau là uống ly cam vắt. Chuyện gì đến cũng đã đến. Biết L. có thai, bạn trai của L. dọn phòng trọ biến mất, thay sim điện thoại. L. chới với tìm đến tôi. Chúng tôi chạy khắp các con đường, tìm đến một phòng khám tư nào có vẻ khuất nhất.

Nhìn L., tôi cũng ngẫm đến tôi. 18 tuổi, ba mẹ là người trí thức. Thế nhưng ba mẹ và tôi luôn có khoảng cách quá xa. Tôi nghĩ gì, làm gì cũng không muốn nói cho ba mẹ biết vì sợ nghe hàng tá những nghiêm cấm răn dạy. Nếu làm một điều tra nho nhỏ trong lớp, hình như những người như ba mẹ tôi rất phổ biến. Các phụ huynh chỉ quan tâm chúng tôi học có được 9 hay 10 điểm không, có đậu được vào trường chuyên, trường chuẩn quốc gia không. Ngồi trước cha mẹ, chúng tôi là những đứa trẻ còn bé nhỏ, không làm nên việc gì ra ngô ra khoai. Còn chuyện yêu đương nếu nói ra thì cha mẹ lại nhảy dựng lên: “Lo học đi, con nít biết gì”.

Cha mẹ quên rằng thời của những đứa “con nít” này chỉ một cái nhấp chuột là mở ra cả thế giới, tha hồ làm quen, nhắn tin, online rồi offline. Chuyện yêu đương, hò hẹn, quan hệ tình dục, tránh thai... nghe cư dân mạng nói tràn lan và bình thường như chuyện ăn uống, hít thở. Nhưng giữa bão lũ thông tin, chẳng biết thế nào là đúng, là sai.

Cơ thể và bản năng thế hệ chúng tôi phát triển rất sớm nhưng thật ra chúng tôi vẫn là những đứa trẻ mà sự trải nghiệm cuộc sống là con số 0. Muốn hỏi cha mẹ về chuyện thầm kín nam nữ chẳng khác nào chạm phải điều cấm kỵ. Ngoài cái nhìn nghi ngờ, chúng tôi nhận được từ cha mẹ những câu trả lời quanh co, mơ hồ khiến chúng tôi càng hoang mang và khó hiểu.

Nhìn L. xanh rớt, bèo nhèo nằm trên giường sau ca nạo thai, tim tôi thắt lại. Tôi nắm bàn tay lạnh và đẫm mồ hôi của bạn, nhận rõ sự cô đơn của tuổi 18 chúng tôi, cô đơn trong những sai lầm và vấp ngã. Cô đơn trong sự sợ hãi và bất lực. Trong những tiết học về giáo dục giới tính ngắn ngủi, thầy cô thật ra cũng dạy chúng tôi về từng bộ phận trên cơ thể, làm thế nào một em bé được ra đời, con gái tuổi nào thì có thể có thai, con trai tuổi nào mọc râu và bể tiếng.  Những tiết học về giáo dục giới tính ấy chưa nói đến thế nào là an toàn tình dục, cũng không một dòng nào về cách sử dụng bao cao su và những viên thuốc tránh thai khẩn cấp.

Những nỗi đau, sự vấp ngã, đổ vỡ niềm tin đôi khi có thể tránh được nếu nhà trường, thầy cô, cha mẹ thông hiểu và hành xử thực tế hơn với thế hệ chúng tôi. 

LỆ THANH

Năm 17 tuổi tôi có người yêu. Anh học trên tôi một lớp, dịu dàng, chỉn chu, yêu thương tôi hết mực. Mọi thứ đến rất tự nhiên, lời tỏ tình, những buổi hẹn hò, cái nắm tay đầu tiên, vòng ôm siết từ phía sau trên những vòng xe, nụ hôn đầu tiên...

Đối với tâm trí tôi lúc ấy, nụ hôn giống như một chứng nhân cho tình yêu vậy. Tôi không biết là nụ hôn ấy có thể dẫn dắt mình đến những khám phá hoàn toàn mới mẻ, những trải nghiệm vượt khỏi tầm hiểu biết của tôi. Dần dần, sau những nụ hôn, những va chạm, chúng tôi đi rất gần đến quan hệ tình dục. Nhưng chưa phải là quan hệ tình dục (sau này tôi mới biết!) ngoài những khám phá cơ thể lẫn nhau.

Cho đến một lần, tôi không có kinh gần ba tháng.

Khi ấy tôi bắt đầu hoang mang. Mặc dù có một số kiến thức về tình dục nhờ tự tìm hiểu qua Internet, tôi vẫn có rất nhiều khúc mắc. Khúc mắc lớn nhất là liệu có phần trăm cơ hội nào tôi có thể mang thai vì những tiếp xúc như vậy không? Tôi không trả lời được, anh vẫn trấn an tôi là không sao cả, nhưng sau gần ba tháng không có kinh, tôi cảm thấy bất an vô cùng.

Tôi muốn tìm đến một ai đó để hỏi, để tìm lời lý giải, nhưng không có nơi nào cho tôi tựa vào cả. Tôi không thể hỏi bố mẹ tôi (làm sao họ có thể chấp nhận được một chuyện tày trời như vậy, nhất là khi trước đó họ không thể trả lời những khúc mắc cơ bản về tình dục của tôi, và mỗi lần tôi hỏi đến lại bảo tôi chờ thêm... vài năm nữa).

Tôi cũng không thể hỏi cô phụ trách y tế trong trường (làm sao có thể chia sẻ một chuyện riêng tư như vậy với một người không thân thiết, và cô sẽ nghĩ sao về tôi, sẽ đánh giá tôi thế nào?). Tôi đành quay sang người yêu tôi, nói với anh là tôi đã chậm kinh gần ba tháng rồi. Phản ứng khi đó của anh làm tôi hoàn toàn sững sờ. Từ một người chỉn chu, bình tĩnh, anh trở thành một người con trai yếu đuối, hoảng sợ. Mặt anh tái đi, anh chỉ có thể nói: “Anh mệt mỏi lắm rồi, em đừng nói nữa có được không?”.

Lời anh nói như một gáo nước tạt thẳng vào mặt tôi. Đó là lúc tôi nhận ra dù có yêu thương nhau đến mấy thì cả tôi và anh đều hoàn toàn không sẵn sàng cho cái có thể là hậu họa trước mắt. Và dù anh có tử tế đến thế nào thì khi tình thế xoay chuyển, anh cũng không phải như chàng hoàng tử trong truyện cổ tích mà tôi có thể dựa vào.

Sau mấy ngày đau khổ, hoang mang, tôi quyết định thú nhận bí mật của mình với người bạn thân nhất. Cô ấy cũng hoảng sợ y hệt tôi vậy. Chúng tôi quyết định đi mua que thử thai ở một nhà thuốc gần trường. Cảm giác bước vào nhà thuốc để mua que thử thai với tôi thật kinh khủng. Mặc dù cô bán thuốc không hề soi mói gì cả, tôi vẫn có cảm giác hàng trăm ánh mắt đang cắm vào mình.

Và sẽ ra sao nếu que thử có hai vạch màu hồng trên đó? Tôi phải làm gì tiếp theo? Tôi đã đủ tuổi để đi phá thai một mình chưa? Tôi không biết. Có quá nhiều điều tôi không biết, có quá nhiều khúc mắc tôi không tìm được câu trả lời. Tôi khao khát có được một người lớn hiểu biết và sẵn lòng giải đáp cho mình, sẵn sàng chỉ bảo, hướng dẫn, đưa mình tới những nơi mình cần tới mà không phán xét. Nhưng không có ai ở đó với tôi ngoài cô bạn của tôi, một người cũng dại khờ, hoang mang và bất lực giống tôi.

Hai đứa tôi dắt nhau vào nhà vệ sinh của trường, không nói được với nhau lời nào. Cái khoảnh khắc ngồi chờ cái que ấy lên màu dài như vô tận. Chưa có kết quả mà nước mắt tôi đã rơi lã chã. Tôi chưa bao giờ thấy mình bơ vơ và tủi thân đến như vậy.

Sau vài phút, cái que cũng lên màu. Chỉ một vạch mà thôi. Hai đứa tôi nhìn nhau, rồi òa khóc vì mừng rỡ. Cả gánh nặng như trút khỏi người tôi. Duy cảm giác hoang mang và bơ vơ là còn mãi ở đó.

Sau chuyện đó, tôi chia tay người yêu. Tôi quay trở lại làm cô nữ sinh bình thường, sáng sáng đến trường, chiều đi học thêm rồi về nhà học bài làm bài, chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp. Tôi cảm thấy mình không còn đủ sức để trải qua nỗi sợ hãi tột cùng đó một lần nữa, khi mà xung quanh tôi chẳng có một chỗ dựa nào.

Người ta cho rằng đối với lứa tuổi của tôi, tình dục đến vì sự thiếu hiểu biết, vì tò mò, tôi thì không nghĩ như vậy. Khi đến với anh, tôi có trang bị cho mình những kiến thức sơ đẳng về tình dục, về nguy cơ mang thai, về sự cần thiết của bao cao su. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ, tôi vẫn thấy thiếu thốn, thấy bơ vơ. Điều tôi cần là sự thấu hiểu, chấp nhận, là những bậc cha mẹ, thầy cô sẵn sàng lắng nghe, không chê trách, không phán xét, sẵn sàng giúp tôi tìm ra giải pháp, sẵn sàng ngồi đợi tôi trước cửa phòng vệ sinh, sẵn sàng đưa tôi đến bệnh viện nếu tôi buộc lòng phải đến đó.

Tôi không thiếu kiến thức, nhưng tôi thiếu sự quan tâm và nhận thức. Nhưng tôi biết đó cũng chỉ là mong muốn của mình mà thôi, còn để tìm được một người lớn như vậy trong môi trường xã hội này quả thật là hi hữu.

KHÁNH LINH ghi

Bao giờ ta nói cùng con?

Hãy công bằng với người trẻ

28/09/2012 23:40 (GMT + 7)

TTCT - Giáo dục giới tính là một đề tài không mới. Các quốc gia phát triển trên thế giới đều có học phần về giáo dục giới tính (sex-education) trong học đường. Ngay cả các quốc gia châu Á với nền văn hóa vốn khép kín và xem chuyện tính dục là điều cấm kỵ cũng dần cởi mở hơn về vấn đề này.

LTS: Loạt bài khởi đầu câu chuyện giáo dục giới tính cho giới trẻ đã được sự hưởng ứng khá nhiệt thành của nhiều bạn trẻ và các bậc phụ huynh. TTCT giới thiệu hai bài viết về những nghịch lý trong cách thức thực hiện giáo dục giới tính hiện nay.

Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhất là khi sự giao hòa với các nền văn hóa phương Tây ngày càng đậm đặc trong những chương trình truyền hình và ấn phẩm văn hóa. Các trường học cũng có chương trình giáo dục giới tính. Nhưng Việt Nam hiện là quốc gia có tỉ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ năm trên thế giới (*). Vì sao?

Vẫn là nỗi sợ, sau… 10 năm

Chỉ cần gõ cụm từ “giáo dục giới tính” trên một công cụ tìm kiếm của Internet, truy xuất dữ liệu lên đến hơn 19 triệu kết quả. Tuy nhiên, lướt qua những website được quảng cáo giáo dục giới tính chỉ thấy thông tin về tư thế, về clip hot, về thuốc tránh thai khẩn cấp, một số website chính thống hơn thì đưa ra những khuyến cáo về các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc có thai ngoài ý muốn nếu người trẻ trót quan hệ mà không có biện pháp bảo vệ. Những thông tin về giáo dục giới tính kiểu nửa vời này chỉ càng khiến người ta tò mò và muốn thử trái cấm, trong khi điều cần thiết là kỹ năng đàm phán và làm chủ cảm xúc của người trẻ khi những va chạm giới tính diễn ra lại không được đề cập một cách cụ thể.

Tôi nhớ bài học đầu tiên của tôi khi đặt chân vào cổng trường trung học phổ thông là cái lắc đầu của thầy giáo bảo rằng: Con gái dễ bị lừa lắm. Trong năm học ấy lũ học sinh chúng tôi râm ran chuyện một cặp yêu nhau “ăn cơm trước kẻng”. Nạn nhân nữ sau đó phải tìm đến cô giáo nhờ giải quyết hậu quả, trong khi kẻ “hưởng lợi” vừa được ăn vừa được nói. Câu chuyện xảy ra đã 10 năm, nhưng đến hôm nay vẫn có những cô bé lo lắng và hoảng loạn về cơ thể mình.

10 năm trời là quãng thời gian làm nên những đột phá về công nghệ, 10 năm làm nên những biến đổi trong cấu tầng xã hội, 10 năm tạo ra những thế hệ người Việt mới bản lĩnh hơn, nhưng 10 năm không làm thay đổi được cách suy nghĩ về giáo dục giới tính.

Hai câu chuyện được chia sẻ trên báo TTCT ngày 23-9-2012 vẫn là hai người trẻ bơ vơ trước các kiến thức về an toàn tình dục. Muốn biết nhưng không dám hỏi. Gia đình lẽ ra là chốn bình yên cuối cùng giúp người trẻ chống đỡ với rủi ro của cuộc sống thì lại trở thành một chiếc hộp bí mật dán nhãn cấm kỵ và biển kiểm soát trẻ dưới 18 tuổi.

Quan hệ tình dục không làm chết người. Nó sinh ra thêm người. Không sớm thì muộn, người ta có gia đình và cũng phải quan hệ tình dục. Vậy tại sao phải ngăn cấm người trẻ quan hệ tình dục? Cái cần ngăn cấm chính là những đứa trẻ ra đời không có sự chuẩn bị của cha mẹ, là những bà mẹ trẻ chưa có kỹ năng nuôi sống bản thân, là những chấn thương tâm lý do sự thiếu hiểu biết về cơ thể mình. Vậy tại sao phải hạn chế nói về một trong những đề tài mấu chốt của giáo dục giới tính - là quan hệ tình dục?

Câu trả lời là vì chúng ta - những người tự cho mình đã trưởng thành, có thu nhập - có cái nhìn kém công bằng đối với nhóm người trẻ tuổi, những người bị xã hội mặc định chỉ có ăn và học, không có sự phát triển của cảm xúc giới tính.

Một trong những điều kém công bằng chính là cách người lớn nói về tình dục và quan hệ tình dục của lứa tuổi thanh thiếu niên. Trong các văn phòng hiện đại hay những quán cà phê vỉa hè, người lớn thoải mái nói chuyện tiếu lâm mặn với đủ các mức độ khác nhau. Tôi từng làm việc tại Tổ chức NGO, tình dục an toàn là một chủ đề hoạt động của tổ chức. Mọi người có thể tự do trao đổi với nhau về hiện tượng thanh thiếu niên thiếu các kiến thức về an toàn tình dục với những câu chuyện người thật việc thật, nhưng ai cũng mặc nhiên loại trừ con mình ra. Những chị phụ nữ văn phòng sẵn sàng gán mác hư hỏng cho nhóm quan hệ tình dục trước hôn nhân, rồi lại bảo chắc nịch rằng: Con chị không bao giờ làm như thế. 

Điều kém công bằng thứ hai là chúng ta tự dựng nên những điều kiện tương đồng giữa người lớn và thanh thiếu niên để  buộc thanh thiếu niên phải sống như cách người lớn muốn. Sự hấp dẫn về giới tính trong lứa tuổi học đường mặc nhiên bị cha mẹ loại trừ bởi họ cho rằng trường học không có chỗ cho những cám dỗ. Cho nên khi con gái, con trai họ bị cám dỗ bởi sự hấp dẫn về tính dục, đó là điều xấu hổ và nhục nhã dù nó là minh chứng cho bản chất con người với những rung động của cảm xúc.

Giáo dục giới tính không phải là kiểm soát đức hạnh

Giáo dục giới tính không chỉ hướng dẫn người trẻ sự an toàn về tình dục mà nhìn rộng ra còn là cách xã hội kiểm soát những hậu quả của vấn đề này. Những đứa trẻ ra đời ngoài ý muốn, trong sự ghẻ lạnh của người thân là tiền đề đẩy chúng vào những ngõ cụt trong khoảng 20 năm sau. Những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục không được kiểm soát ổn thỏa là gánh nặng cho ngân sách và phúc lợi xã hội tương lai. Những lệch lạc về tình dục tạo ra những con người không hoàn hảo, làm nên một thế hệ lạc lối, ảnh hưởng nỗ lực của cả xã hội. Giáo dục giới tính để kiểm soát tác động xã hội chứ không phải đánh giá sự đức hạnh của một con người.

Trường học Việt Nam cũng có chương trình giáo dục giới tính, nhưng những dữ liệu trên cho thấy hiệu quả thực chất của hoạt động này trong nhà trường. Tuy nhiên, trong câu chuyện này không thể quên vai trò của gia đình. Sự chia sẻ của cha mẹ với thanh thiếu niên về quan hệ tình dục trước hôn nhân và những hậu quả xảy ra có giá trị sinh động hơn những con chữ của sách giáo khoa.

Là những người gần gũi với thanh thiếu niên nhất, cha mẹ là người bắt sóng nhanh nhất những biến chuyển tâm lý của từng cá nhân thanh thiếu niên và kịp thời đưa ra chỉ dẫn. Cuối cùng, vấn đề chỉ dẫn vẫn chỉ là quan điểm của người lớn về chuyện quan hệ trong lứa tuổi thanh thiếu niên.

Người lớn hãy nhìn bằng đôi mắt của người trẻ, trở về với những rung động cảm xúc và tò mò giới tính ngày xưa. Hãy chấp nhận sự khác biệt, lắng nghe nhiều hơn thay vì áp đặt những nhãn đánh giá đức hạnh lên người trẻ. Xã hội lành mạnh là xã hội của các mảng màu khác biệt. Chừng nào vẫn còn những gương mặt thất thần và những dằn vặt tổn thương vì phá thai, chừng đó giáo dục giới tính vẫn chỉ là kiến thức giáo khoa khô cứng.

HƯƠNG AN

(*): http://www.guttmacher.org/pubs/Abortion-Worldwide.pdf

Đọc hai bài viết “Chúng tôi cô đơn” của bạn Lệ Thanh và “Chuyện của N.” trên TTCT ngày 23-9, tôi chợt nghĩ: Ngay cả học sinh tại thành phố với đầy đủ phương tiện (tivi, Internet, báo chí) còn gặp vấn đề với việc thiếu sự chia sẻ và thông tin giới tính, thì làm sao những đứa trẻ ở nông thôn (An Lão, Bình Định) như chúng tôi có thể có đầy đủ?

Cách đây gần bảy năm khi chúng tôi còn là những học sinh cuối cấp II, trong sách sinh học cũng có những bài về giới tính, về các bộ phận trên cơ thể người như bạn Lệ Thanh đã nói nhưng nếu như bạn được học đầy đủ, chỉ thiếu những thông tin về quan hệ tình dục, cách phòng tránh thai thì chúng tôi thậm chí có khi chẳng được học những tiết đó không biết vì lý do gì.

Ở một số lớp, thầy cô cho học sinh về nhà tự học vì nó là... chương trình giảm tải (môn sinh học, chúng tôi học đầy đủ về loài, động thực vật, song lại giảm tải vấn đề về... chính mình), có lớp thầy cô dạy qua loa, thậm chí một số cô giáo đứng lớp còn đỏ mặt ngượng ngùng, nói cái được cái mất và né tránh thì làm sao những đứa học sinh “mới nứt mắt” như chúng tôi có thể hiểu và dám hỏi thêm.

Nhà trường, thầy cô đã vậy thì còn lâu chúng tôi mới dám đem chuyện giới tính ra hỏi các bậc phụ huynh, giống như những chuyện cấm kỵ chẳng bao giờ được nhắc tới. Chúng tôi chẳng thể nào mở miệng hỏi vì có thể bị nghi ngờ “mới tí tuổi đầu mà hỏi chi ba chuyện đó, có yêu đương gì đấy không hả” và quát tháo ầm ĩ, mà nếu có đủ can đảm hỏi chúng tôi nghĩ chắc gì đã được giải đáp...

Tuy thiệt thòi về thông tin nhưng chúng tôi “may mắn” sinh ra ở miền quê, khi mọi thứ còn rất quy củ và những quan niệm khó khăn trong chuyện con trai con gái yêu đương. Hồi đó, chỉ cần trong trường có một cặp hẹn hò là cả trường đều biết và bị tai tiếng không hay, thậm chí còn bị giáo viên chủ nhiệm gọi nói chuyện riêng để nhắc nhở. Vậy nên chúng tôi được lớn lên trong một môi trường được gọi là “trong sáng” nhưng lại mù tịt về thông tin giới tính.

Tuy nhiên những quy củ và quan niệm khó khăn cũng không thể giúp những thế hệ sau chúng tôi còn “trong sáng” khi ảnh hưởng từ phim “người lớn”, lãng mạn Hàn Quốc và Internet phát triển tràn lan, xâm nhập các miền quê. Vì không được chuẩn bị về kiến thức giới tính và bị cấm đoán nên những đứa trẻ mới lớn đang trong giai đoạn tò mò khám phá những cái mới đã “ăn trái cấm” khi còn đi học và rồi không biết xoay xở ra sao để đến kết quả đau lòng là nạo phá thai hoặc nghỉ học ở nhà cưới chồng.

Những đứa con gái mới lớn như lúa bị ép chín non phải làm mẹ, làm vợ ở cái tuổi đáng lẽ ra chỉ ăn học và vô tư với bạn bè. Bây giờ mỗi khi có dịp về quê lại nghe ba mẹ ta thán phải đi đám cưới nhiều, hỏi ai vậy thì nhận được câu trả lời: Thì con bé đang đi học bỗng có bầu phải ở nhà lấy chồng chứ ai. Và những chuyện như thế đã không còn hiếm.

ĐẶNG ANH

Khi nào ta nói cùng con?

“Con nít lớn” hãy trưởng thành

13/10/2012 15:43 (GMT + 7)

TTCT - Tôi là một 9X đời đầu, nay đã 21 tuổi, và tôi dám nói “giáo dục giới tính” với riêng tôi không phải là chuyện gì quá khó khăn và phức tạp. Thẳng thắn mà nói, nó lại còn vô cùng đơn giản.

LTS: Tham gia loạt bài về vấn đề giáo dục giới tính kỳ này là chuyện kể của một bà mẹ và một cô gái, chia sẻ kinh nghiệm trong việc cùng người ruột thịt của mình vượt qua những trở ngại của câu chuyện “nhạy cảm, khó nói” mang tên “giáo dục giới tính”.

Từ khi tôi là một con bé 16 tuổi (tức là giai đoạn tôi bắt đầu dậy thì, những đứa trẻ trong giai đoạn này tôi xin tạm gọi bằng cái tên “con nít lớn”), tôi có cảm giác cụm từ “giáo dục giới tính” luôn được đón nhận bởi những thái độ na ná nhau. Người lớn thì nghiêm trọng hóa để rồi làm cho nó trở nên quá xa lạ khiến “con nít lớn” không thể hiểu nổi. “Con nít lớn” thì tỏ ra quá xem nhẹ để rồi làm cho nó trở nên quá đơn giản, vì thế mà trượt dài. Người lớn nói “con nít lớn” không thèm nghe, “con nít lớn” thì lại không dám hỏi “chuyện đó” với những người vốn dĩ bị chúng mặc định chẳng hiểu gì về mình.

Và thế là những câu chuyện dù có nhân vật và bối cảnh không giống nhau lại có nội dung, cao trào và kết thúc y hệt nhau cứ hoài mãi nhan nhản trên khắp các mặt báo, các trang mạng, đủ thể loại, đủ hình thức, tựu trung lại thành vấn nạn quan hệ tình dục, nạo phá thai tuổi vị thành niên và hàng loạt tệ nạn liên đới. Trong khi sự thật thì “con nít lớn” không cần những bài giảng quá vĩ mô về môn học nhạy cảm này, tự sức chúng có thể hiểu được lý thuyết, còn chuyện thực hành nhiều khi lại dễ dàng đến không ngờ.

“Cụm từ “giáo dục giới tính” luôn được đón nhận bởi những thái độ na ná nhau. Người lớn thì nghiêm trọng hóa để rồi làm cho nó trở nên quá xa lạ khiến “con nít lớn” không thể hiểu nổi. “Con nít lớn” thì tỏ ra quá xem nhẹ để rồi làm cho nó trở nên quá đơn giản, vì thế mà trượt dài...”

Cái hồi tôi là một đứa “con nít lớn”, tôi cũng tập tành yêu đương, cũng nắm tay, ôm ấp, gần gũi, rồi hôn. Tôi cũng mải mê trong những cảm xúc và cảm giác mới mẻ mà người con trai lúc ấy tôi gọi bằng “người yêu” mang lại cho mình, cũng tò mò nghĩ ngợi đến những “gia vị” đậm đà hơn. Tôi thừa nhận dù được đi học ở một ngôi trường danh tiếng và sống trong một môi trường lành mạnh, được ít nhiều tiếp nhận cái gọi là chương trình giáo dục giới tính, tôi vẫn cảm thấy những cám dỗ hoàn toàn có thể lấn át lý trí của mình khiến mình đôi lúc không thể làm chủ, thiếu tỉnh táo và dễ chao đảo.

Nhưng một đứa “con nít lớn” khôn ngoan sẽ biết cách giải quyết ổn thỏa mối nguy hại chết người đó. Nó sẽ biết điểm dừng, sẽ nhận thức được tác động của “một lần thử cho biết” lên hiện tại và tương lai của chính nó, sẽ không thể phớt lờ những kiến thức giới tính mà mình được trang bị để đưa ra quyết định chính xác nhất khi đứng trước lựa chọn uống ực hay không uống ực “ly chè” tình cảm tuổi mới lớn mà nó đang có.

Tôi không dám nhận mình khôn ngoan, tôi chỉ chắc chắn mình rất may mắn. Ở chỗ, dù rằng ba mẹ tôi là những người cực kỳ bận rộn, có rất ít thời gian dành cho con cái, vậy mà nhất cử nhất động của tôi ba mẹ đều có thể nhìn thấu và kịp thời can thiệp, bằng những phương cách hết sức tế nhị và độ lượng. Khi cặp bồ, tôi giấu tiệt ba mẹ vì sợ bị cấm cản. Sự giấu giếm dần dẫn tới nhiều hành động đáng trách. Có một lần tôi đưa bạn trai của mình về nhà khi không có ai khác ngoài hai đứa, dù đã dặn bụng cuộc ghé thăm sẽ hết sức trong sáng nhưng “ly chè” vẫn quá đỗi ngọt ngào và đầy mê hoặc đã khiến chúng tôi tiến lên khám phá một giới hạn cao hơn những nụ hôn “con nít bé” từng trải qua trước đó.

Thế rồi đột ngột điện thoại reo vang, tôi choàng tỉnh trong vòng tay của bạn trai và không thể xua tan sự thảng thốt trong giọng nói khi biết được người gọi chính là mẹ mình. Tôi không nghĩ mẹ có năng lực siêu phàm gì trong việc đoán biết sai trái của con gái qua giọng nói, nhưng chỉ bằng một câu nói rất đơn giản: “Con có làm gì thì cũng phải để mẹ tin con!” đã khiến tôi giật bắn mình biết lỗi, để rồi trở nên khôn ngoan hơn, đưa ra được quyết định đúng đắn nhất.

Sau ngày hôm đó, tôi đã lấy hết can đảm kể với mẹ về anh chàng “người yêu”, về mọi chuyện đã xảy ra giữa chúng tôi, về cả những gì chúng tôi đang làm khi mẹ gọi cuộc điện thoại đó, đồng thời xin lỗi mẹ.

Và những gì sau đó mẹ tôi tiếp tục dạy bảo tôi không phải là sự cấm cản, không phải về bao cao su hay thuốc tránh thai, cũng không phải những thao thao bất tuyệt về sự khủng khiếp của vượt rào rồi vượt cạn bất đắc dĩ tuổi vị thành niên, mà đơn giản chỉ là thái độ “Mẹ lúc nào cũng tin tưởng con”, hết sức kiên định như lần đầu tiên mẹ đã khẳng định như thế. Cả tôi và bạn trai của mình sau này rất lâu vẫn còn nhắc lại câu nói đó của mẹ tôi và đều đồng ý rằng: “Rất may lúc đó tụi mình đã để mẹ tin”.

“Con nít lớn” cần phải khôn ngoan để trưởng thành đúng nghĩa. Nếu không thể khôn ngoan thì hãy trở nên can đảm. Còn đối với người lớn, quan trọng hơn hết thảy những lý thuyết suông về giáo dục giới tính, họ cần tin tưởng vào sự khôn ngoan và can đảm mà “con nít lớn” đang cố gắng hết sức để thực hành. Đơn giản vậy thôi.

TRÚC CHI

Không may mắn như bao phụ nữ khác, tôi sinh con một bề, hai con “vịt giời” xinh xắn mà mọi người thường nói đùa là con gái như quả bom nổ chậm trong nhà.

Một ngày nọ con gái lớn của tôi bỗng lên tiếng hỏi: “Mẹ quen bố như thế nào?”, tôi chợt nhận ra là con tôi đã lớn. Tôi trả lời: “Mẹ có ghi điều đó trong nhật ký, hôm nào sẽ cho con đọc”. Thế nhưng tôi biết mình phải làm một công việc rất khó khăn là nói cho con biết “chuyện ấy” sẽ đến như thế nào. Tôi hứa với con sẽ “phổ cập” khi con tốt nghiệp trung học, vì chuyện học hành là chuyện đại sự ưu tiên ở lứa tuổi này.

Khi con gái đậu đại học, tôi biết thời khắc để nói chuyện ấy phải đến. Dù biết rằng những bài học về giới tính được học ở trường, hoặc thông qua bạn bè, con tôi có thể chắp nhặt được những điều gì tối thiểu cần biết, nhưng để có được một sự hiểu biết đầy đủ thì tôi biết chính mình phải truyền đạt.

Quả là một việc vô cùng khó khăn và không thể nào quên được ngày hôm ấy, tôi chở con ngồi sau lưng đi dọc theo đường biển dài hơn chục cây số để một cách tự nhiên tôi không nhìn vào mặt con gái, và con tôi cũng không thể nhìn thấy những diễn biến cảm xúc trên khuôn mặt mẹ mình.

Tôi nói:

- Hôm nay mẹ sẽ nói với con một chuyện, chuyện của người lớn, vì con gái của mẹ đã gần trưởng thành và sắp phải sống một mình. Chuyện mà con đã hỏi mẹ cách đây không lâu đó.

Con tôi đáp nhanh nhảu:

 - Mẹ không cần phải nói nữa đâu, con biết hết rồi.

- Làm sao con biết được?

 - Con có học mà mẹ. Ở trường có dạy rồi, hơn nữa bạn con cũng có nói.

 Tôi nói:

- Vậy thì mẹ cũng sẽ dạy cho con một lần nữa xem thử có giống ở trường không nhé.

Thế là tôi nói cho con về cơ thể người phụ nữ trưởng thành, về sứ mệnh của những cái trứng rụng mỗi tháng một lần, về thân nhiệt người phụ nữ thay đổi trong thời kỳ trứng rụng, về những phương pháp ngừa thai bằng cách đo thân nhiệt, bằng cách dùng bao cao su, bằng cách uống thuốc cấp kỳ, về những bệnh tật có thể sẽ lây lan...

Tôi nói với con về sự cao cả nằm sau những chuyện ấy, đó là tình yêu và sự tôn trọng. Tình dục là một món quà thiêng liêng của tạo hóa dành cho con người, thông qua đó gắn kết những người yêu nhau và gìn giữ cho cuộc hôn nhân của họ được bền vững.

Tôi nói với con về hiện trạng xã hội với những đôi nam nữ yêu cuồng sống vội, về những hậu quả đáng tiếc xảy ra khi không được trang bị kiến thức chu đáo, những biến chứng có thể xảy ra khi lạm dụng thuốc ngừa thai hoặc tai biến của việc nạo thai có thể dẫn đến vô sinh...

Con tôi nghe rất chăm chú và thỉnh thoảng yêu cầu mẹ nhắc lại để ghi nhớ. Cuối cùng, con gái tôi nói: “Khi mẹ nói cho con biết thì con mới hiểu rằng con chẳng biết gì hết”. Hai mẹ con tôi cùng cười nhẹ nhõm.

Hành trang con tôi đi học xa, tôi có gói thêm vào hai chiếc bao cao su dán kín trong phong bì. Tôi nói với con: “Con hãy cất “bùa hộ mệnh” này trong ví và mẹ mong rằng sau bốn năm học ở Sài Gòn, con mang về trả lại cho mẹ đầy đủ với niêm phong như thế này”.

Tôi nói với con cho dù tất cả mọi điều đều đã được căn dặn, nhưng nếu điều đáng tiếc nào đó có thể xảy ra thì “hãy nói với mẹ, hãy nhớ rằng mẹ luôn yêu thương con”. Tôi cũng không đồng tình với việc phá thai, một đứa trẻ hoài thai nghĩa là nó đã chọn cha mẹ cho mình, không được quyền từ chối nó.

Những lần hè con tôi về thăm nhà, tôi hỏi: “Bùa hộ mệnh mẹ cho đâu rồi?”. Con gái tôi cười đáp: “Một điều giấu kín trong tim con người mãi là điều giấu kín thôi”.

Nhìn nụ cười ấy, tôi biết con mình đang hạnh phúc.

NHỊ TƯỜNG

Khi nào ta nói cùng con?

Mẹ là người đầu tiên được biết

20/10/2012 12:54 (GMT + 7)

TTCT - 1. Là người mẹ có con gái 18 tuổi đi học xa nhà, việc đầu tiên tôi nói với con là về quan hệ nam nữ.

Tất nhiên ngoài những câu giáo điều kiểu như cần phải biết giữ mình, không yêu người đã có gia đình, cố gắng không quan hệ tình dục trước hôn nhân…, tôi còn thẳng thắn nói với con rằng nếu con có việc gì như lỡ có thai chẳng hạn, mẹ hi vọng là người đầu tiên được biết và gia đình sẽ tìm cách giải quyết.

Có thể ban đầu mẹ sẽ hoảng hốt và nặng lời với con, có thể con sẽ nghe những lời trách cứ, la mắng… nhưng đó chỉ là phản ứng tức thời từ những người rất yêu thương con. Tất cả vướng mắc trên đời đều có cách tháo gỡ. Tuyệt đối không được giấu gia đình. Không ai có thể lường trước những tai biến trong y khoa, và chỉ có mẹ là người duy nhất không bao giờ thổ lộ bí mật của con cho bất cứ ai.

Quan sát xung quanh mình và theo dõi các thông tin trên báo chí, tôi thấy phần lớn các bạn trẻ một khi “lỡ bước” không muốn báo cho gia đình biết. Phần các bạn sợ cha mẹ đau khổ, phần vì sợ “quê” với cha mẹ nếu bạn là niềm kỳ vọng của gia đình. Nói chung trong cái sợ đó có nỗi lo cha mẹ sẽ buồn phiền và cả việc phải chịu đựng cơn thịnh nộ từ cha mẹ nữa. Từ những áp lực đó, các bạn đã giải quyết hậu quả một mình, có bạn nhờ sự hỗ trợ từ bạn bè. Nhưng có thể chắc chắn một điều rằng bạn bè không thể nào giữ kín việc của bạn mình được. Đường đi còn rất dài, mọi thứ đều ở phía trước, đôi khi theo thời gian sự việc vỡ lở sẽ là lực cản rất lớn cho hạnh phúc sau này.

2. Tôi hỏi anh bạn đang sống ở Mỹ rằng nếu trường hợp con gái lỡ có thai ngoài ý muốn thì sao, bạn tôi bảo bên này trẻ con được học về giới tính từ trung học, chúng được trang bị kiến thức khá kỹ nên ít khi để xảy ra hậu họa. Tuy nhiên, cũng chính vì ý thức tự lập rất sớm nên bọn trẻ tự giải quyết. Nếu chúng yêu nhau và để có con là chuyện chúng muốn chứ không phải ngoài ý muốn.

Một anh bạn khác của tôi cũng cho rằng một khi con cái lầm lỡ, thái độ của phụ huynh là quan trọng. Phải hiểu được rằng phàm là con người thì bất cứ ai cũng có thể phạm phải sai lầm đôi khi đến cuối đời, cho nên không có gì phải trách mắng con cái cả. Cha mẹ phải tạo cơ hội cho con sống khỏe mạnh, giải quyết hậu quả trong an toàn và thậm chí nếu cần thì sinh con, ông bà ngoại sẽ nuôi và động viên mẹ cháu làm lại cuộc đời!

3. Đối với con trai thì sao? Một bà mẹ kể chuyện một hôm dọn dẹp căn phòng của con vào buổi sáng, bà phát hiện con có hiện tượng giống như “dấm đài”. Khi ấy bà nói với con: “Mẹ nghĩ con nên tắm buổi sáng trước khi đi học, cho đầu óc sảng khoái sau một đêm ngủ dậy”, và rồi bà mang câu chuyện này kể với chồng để hai cha con “lo liệu” với nhau. Ngày hôm sau chồng bà sửa sang lại cái xà kéo tay trên sân thượng, ông đem ximăng về làm cho cậu con mấy cái tạ nhỏ, hai cha con hì hà hì hục suốt ngày chủ nhật. Từ đó buổi sáng nào hai cha con cũng dậy sớm tập thể dục trên sân thượng như hít đất, kéo tay, tập tạ. Nếu tối hôm trước chồng bà bị “xỉn” quá không tập nổi, cậu con theo thói quen cũng tự tập một mình.

Theo ý bà, việc tạo cho con có một hoạt động thể dục thể thao lành mạnh cũng là biện pháp tốt để cháu không còn thời gian suy nghĩ về những hiện tượng “bộc phát” trong cơ thể mình.

Một bà mẹ khác kể rằng có lần chị thấy trong cặp táp của cậu con trai 16 tuổi một bao cao su, khỏi phải nói chị hẫng đến mức độ nào. Tuy nhiên, khi bình tĩnh rồi chị tự an ủi nếu thật sự có việc… gì đó xảy ra dù sao cháu cũng còn hiểu biết, có nghĩa là những chương trình giáo dục về phòng chống aids cháu có theo dõi và biết tự bảo vệ. Giờ đây con trai chị đã lớn và đi học xa nhà. Chị không thể biết được những sinh hoạt của cháu khi ở xa gia đình, bởi thế chị vẫn căn dặn chồng thỉnh thoảng nhắc con một cách tế nhị là không được quên cái bao cao su. Chị hiểu ra rằng đã đến lúc cha mẹ phải bình tĩnh và chấp nhận thực tế của xã hội, bên cạnh đó phải nhắc chừng con cái biết bảo vệ mình và bảo vệ người yêu!

4. Mới thấy đã đến lúc cha mẹ cần phải dũng cảm đối mặt với giới tính. Quan niệm đó là việc bình thường hay chưa còn phải chờ thời gian và sự thay đổi trong suy nghĩ của mỗi người, nhưng nhất thiết không thể bỏ con cái tự đương đầu một mình với khó khăn mà không thể lường trước được tai biến. Do đó, dù bây giờ con gái đã trưởng thành, tôi vẫn luôn nhắc chừng con nếu có việc gì không hay xảy đến thì mẹ là người đầu tiên được biết và mẹ sẽ bên cạnh con.

TÂM AN

Năm tôi 16 tuổi, gia đình tạo điều kiện cho tôi đi du học. Đêm trước khi tôi đi xa, mẹ đã dặn dò tôi rất nhiều thứ, và điều làm tôi bối rối nhất là khi mẹ hỏi: “Con có biết làm thế nào mà con gái có thai không?”. Thú thật là tôi không rõ lắm, chỉ hiểu vấn đề một cách đại khái, nhưng tôi nghĩ đại khái như vậy là đủ rồi nên tôi gật đầu. Vả lại, tôi biết mẹ tôi cũng không thoải mái mà bàn về chuyện này với tôi, chỉ vì tôi sắp đi xa nên buộc lòng mẹ phải đề cập tới nó mà thôi.

Trước đó, khi tôi học trung học, sách giáo khoa lớp 9 có đề cập về bộ phận sinh dục của hai giới, nhưng cô giáo môn sinh không giải thích gì nhiều trong tiết học đó nên hiểu biết của tụi tôi vẫn rất mù mờ. Cứ thế, tôi bước chân sang một xứ sở mới, những hiểu biết về sức khỏe tình dục vẫn hết sức ngây ngô. Nhưng tôi không biết mình ngây ngô thế nào, cho đến một lần trường tôi tuyên truyền việc đảm bảo sức khỏe tình dục và cho một nhóm sinh viên đi phát bao cao su khắp trường.

Vốn không hề biết cái bao cao su trông ra sao nên khi nhìn thấy rổ bao cao su mà những bạn sinh viên ấy cầm, tôi tưởng đó là một loại kẹo. Tôi đã nhặt lấy một bao và suýt chút nữa đã xé bao ra để “ăn kẹo”, may là cô bạn đi cùng ngăn tôi lại và nói: “Trời ạ, cậu có biết đó là bao cao su không?”. Lúc ấy tôi đã ngượng chín cả mặt.

Sau “sự cố” ngày hôm đó, tôi nhận ra mình quả thật không hiểu gì về tình dục cả, vì vậy tôi đã đăng ký học một lớp giáo dục giới tính cho học kỳ sau đó. Lớp học ấy đã thay đổi hoàn toàn nhận thức và quan điểm của tôi về tình dục, giúp tôi có cái nhìn thoải mái và khách quan hơn về vấn đề này. Ngày đầu tiên của khóa học, thầy giáo bảo chúng tôi hãy viết những câu hỏi mình có vào một tờ giấy rồi chuyền lên cho thầy trả lời. Vì không phải đề tên lên giấy nên các sinh viên rất thoải mái viết những thắc mắc của mình.

Ngay từ những phút đầu đặt chân vào lớp, tôi đã được nghe thầy và các sinh viên khác bàn về tình dục hết sức cởi mở, từ việc kích cỡ của bộ phận sinh dục phái nam đến việc tránh thai khẩn cho phái nữ. Quyển sách giáo khoa khi ấy với tôi rất đáng sợ, vì chỉ cần mở ra là thấy vô số hình ảnh hết sức nhạy cảm, từ bộ phận sinh dục bình thường đến những bộ phận sinh dục khi bị nhiễm bệnh, thậm chí có cả các tư thế quan hệ khác nhau trong đó.

Không những thế, trong một số tiết học thầy tôi còn cho chiếu những bộ phim nhạy cảm, và một lần dạy về S&M (một kiểu quan hệ khi sự khoái cảm đến từ những hành động bạo lực), thầy tôi đã mời một số chuyên gia đến, cầm theo những cây roi và chích điện cho các sinh viên thử qua.

Đương nhiên tôi vẫn ngồi yên tại chỗ, nhưng có khoảng 50 sinh viên trong giảng đường khi đó đứng xếp hàng, cởi áo ngoài và thử cảm giác bị roi quất và điện chích vào người. Một lần khác thầy tôi mời một ngôi sao khiêu dâm đến giảng đường để phỏng vấn, cho chúng tôi một cái nhìn khác về nghề diễn này. Lần khác nữa, thầy mời một người chuyển giới đến kể về trải nghiệm của họ.

Quả thật, tôi như đi vào một thế giới hoàn toàn khác mỗi khi bước chân vào lớp học đó, khi mà những điều tôi từng nghĩ là cấm kỵ lại được nói đến và trưng ra hết sức minh bạch, thậm chí lộ liễu. Thời gian đầu ngồi nghe giảng, đọc sách và tài liệu phát ra đối với tôi là một kiểu cực hình vì nó làm tôi quá xấu hổ. Nhưng tới gần cuối khóa học, khi chúng tôi phải viết một bài cảm nhận về những gì đã qua, tôi nhận ra nhận thức của mình về tình dục đã thay đổi hoàn toàn.

Chúng tôi hiểu được rằng nếu có quyết định quan hệ với một ai đó, phải đề nghị người đó đi xét nghiệm xem có mắc phải loại bệnh lây qua đường tình dục không. Với phụ nữ, có những cách tránh thai nào. Tôi biết một số độc giả đọc tới đây sẽ cảm thấy không thoải mái, nhưng điều cơ bản nhất tôi học được từ khóa giáo dục giới tính đó là phải tập nhìn về tình dục như một vấn đề bình thường của đời sống, tập chia sẻ những thắc mắc về nó, tập để cho mình không xấu hổ vì nó.

Chỉ khi nào tôi hiểu nó, chấp nhận và công nhận nó, tôi mới hoàn toàn hiểu biết, lý giải được nhu cầu của bản thân và chủ động để bảo vệ mình. Bản thân tình dục cũng chỉ là một hiện tượng, một khi chúng ta thôi đính kèm nó với những tính từ “kinh tởm”, “dơ bẩn” thì sẽ dễ dàng nhận ra về bản chất nó không đáng để chúng ta phải hoảng sợ đến như vậy!

NGUYÊN ANH (CSULB - Mỹ)

Viên gạch đầu của một viễn mơ?

22/10/2012 20:33 (GMT + 7)

TTCT - Giải Nobel vật lý năm nay được trao cho hai nhà khoa học Serge Haroche (Pháp) và David J. Wineland (Mỹ) do đã phát triển “các phương pháp thực nghiệm đột phá cho phép đo đạc và điều khiển các hệ lượng tử”.

Vì sao công trình nghiên cứu của hai ông lại được vinh danh? Và liệu các nghiên cứu đó có được ứng dụng trong đời sống hay không? Trước khi đưa ra câu trả lời, ta hãy cùng thử xem xét những bí ẩn của thế giới lượng tử (1).

Con mèo sống hay chết?

Cơ học lượng tử - môn khoa học mô tả thế giới ở kích thước rất nhỏ - là một trong hai trụ cột của vật lý thế kỷ 20. Nhưng từ khi được khám phá, đến nay đã gần 100 năm mà con người vẫn chưa thật sự hiểu rõ về cơ học lượng tử. Các nhà vật lý vẫn đang nỗ lực để giải mã những bí ẩn hoặc nghịch lý của nó.

Sở dĩ gọi là bí ẩn hay nghịch lý vì những điều này thường trái với nhận thức và trải nghiệm thông thường của con người trong thế giới vĩ mô, tức trong cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn, ai có thể nghĩ rằng một người lại có thể phân thân để vừa ở cơ quan lại vừa ở nhà cùng lúc, hay ai đó lại có thể có phép biến - hiện như trong cổ tích? Hoặc sự chồng chập trạng thái, như một người có thể đồng thời vừa sống vừa chết được hay không?

Trải nghiệm của đời sống hằng ngày nói rằng không. Đời nào lại có những trò phù phép đó trong thế kỷ 21 này. Đây là khoa học chứ không phải ma thuật!

Nhưng cơ học lượng tử lại nói rằng có, một cách chặt chẽ, khoa học, không thể bác bỏ.

Erwin Schrödinger, một trong những cha đẻ của cơ học lượng tử, giải Nobel vật lý năm 1933, đã trình bày một trong những nghịch lý đó bằng một thí nghiệm tưởng tượng nổi tiếng như sau:

Giả sử ta nhốt một con mèo vào trong một buồng kín. Trong buồng này có để một bình khí độc và một nguyên tử chất phóng xạ. Nếu nguyên tử này phóng xạ, bình khí độc sẽ vỡ và con mèo sẽ chết. Còn không, con mèo vẫn sống như thường.

Việc phóng xạ tuân theo các định luật của cơ học lượng tử nên việc nguyên tử này có phát xạ hay không mang tính xác suất. Ta không thể tiên đoán chính xác vào một thời điểm, nguyên tử có phát xạ hay không. Nói cách khác, nguyên tử này ở trạng thái vừa phát xạ vừa không. Câu hỏi đặt ra là: Tương ứng với trạng thái vừa có vừa không này, con mèo sống hay chết?

Rõ ràng, theo cơ học lượng tử, con mèo vừa sống vừa chết, hay con mèo tồn tại trong sự chồng chập của cả hai trạng thái sống và chết!

Giả sử bạn chọn lượng chất phóng xạ đủ lớn, để theo tính toán sao cho sau một giờ, xác suất có một nguyên tử phóng xạ là 50%. Bạn sẽ kiên nhẫn chờ hết một giờ và ghé mắt nhìn xem con mèo sống hay chết. Nếu như bạn thấy con mèo chết thì sao?

Rõ ràng trước đó, theo cơ học lượng tử, thì con mèo ở trạng thái vừa sống vừa chết. Vậy mà chỉ vì bạn nhìn vào, con mèo trở thành chết hẳn. Vậy ai đã giết con mèo? Chính bạn, đúng hơn là chính cái nhìn của bạn đã giết chết con mèo!

Nói theo ngôn ngữ của cơ học lượng tử thì chính sự tương tác với môi trường bên ngoài đã làm cho sự chồng chập trạng thái của các hệ lượng tử co sập về một giá trị duy nhất. Trong trường hợp này là con mèo sống hoặc chết. Nếu không có sự tương tác này thì hệ ở trong hai trạng thái này với xác suất bằng nhau, tức con mèo vừa sống vừa chết. Quả là một nghịch lý!

Nghiên cứu các hệ lượng tử

Việc cái nhìn của bạn đã giết chết con mèo trong thí nghiệm trên cho thấy bản chất mong manh của các hệ lượng tử. Sự chồng chập trạng thái trong các hệ lượng tử sẽ bị phá hủy khi có tác động từ bên ngoài.

Muốn nghiên cứu thì phải tiến hành đo đạc, về mặt bản chất là tác động lên hệ và ghi những thông tin phản hồi. Nhưng với một hệ nhỏ bé như vậy, bất cứ tác động nào từ máy đo bên ngoài đều làm nhiễu loạn chúng. Hệ nghiên cứu không còn là chính nó nữa.

Ngoài ra, việc cô lập một nguyên tử để nghiên cứu là việc rất khó khăn. Bất cứ nơi nào trên Trái đất này, kể cả nơi có chân không cao nhất trong phòng thí nghiệm cũng đầy rẫy các nguyên tử phân tử khí nhảy múa không ngừng. Chúng tác dụng với hệ nghiên cứu, thường là các hạt có kích thước từ nguyên tử trở xuống, một cách hỗn loạn không thể kiểm soát được, làm chúng mất hết tính chất lượng tử của mình.

Chính vì thế, việc đo đạc và điều khiển các hệ lượng tử là một thách thức rất lớn của khoa học.

Đến đây thì câu hỏi vì sao công trình của Serge Haroche và David J. Wineland lại được vinh danh đã rõ ràng. Hai ông độc lập với nhau trong việc phát triển các phương pháp đo đạc và kiểm soát các hệ lượng tử, theo hai chiều trái ngược nhau. Tuy trái ngược nhau nhưng lại gắn bó chặt chẽ như hai mặt của một đồng xu.

Để thực hiện việc đo đạc và kiểm soát này, trong thí nghiệm của David Wineland, các ion hoặc nguyên tử tích điện bị bẫy trong điện trường, ở một môi trường chân không cực cao để tránh các tác động từ môi trường. Sau đó, một chùm laser sẽ được sử dụng để triệt tiêu tối đa dao động của ion, đưa nó về trạng thái có mức năng lượng thấp nhất (2), tạm gọi là mức 0. Mức năng lượng kế tiếp trên nó sẽ được gọi là mức 1.

Nếu một hạt ánh sáng có mức năng lượng nằm giữa 0 và 1 được truyền qua và tương tác với ion này thì ion sẽ thu thêm năng lượng của hạt ánh sáng và chuyển lên trạng thái lơ lửng giữa 0 và 1. Nói cách khác, nó tồn tại đồng thời ở cả hai trạng thái 0 và 1, giống như con mèo vừa sống vừa chết trong ví dụ đã nêu trên.

Sau khi tương tác với các ion, hạt ánh sáng này sẽ bị thay đổi tính chất và thoát ra ngoài. Việc nghiên cứu tính chất của hạt trước và sau tương tác sẽ cho phép biết được tính chất của ion mà nó đã tương tác.

Ngược với David Wineland, Serge Haroche lại tìm cách giam một hạt ánh sáng trong một hốc nhỏ được tạo bởi hai tấm gương đặc biệt làm bằng vật liệu siêu dẫn. Đây quả là hai tấm gương bóng nhất thế giới, khi một hạt ánh sáng bị nhốt trong đó có thể sống được, tức bị phản xạ qua lại giữa hai mặt gương, trong khoảng thời gian hơn 1/10 giây. Khoảng thời gian này quả thật ngắn ngủi với trải nghiệm hằng ngày, nhưng dài kỷ lục đối với việc nhốt hạt ánh sáng. Với tốc độ 300.000km/giây thì trong 1/10 giây đó, hạt ánh sáng đủ để di chuyển một quãng đường 40.000km, ứng với một vòng xung quanh Trái đất.

Sau khi đã nhốt được hạt ánh sáng vào hốc gương, một nguyên tử Rydberg sẽ được truyền qua hốc. Cũng như trong thí nghiệm của David Wineland, sự tương tác giữa nguyên tử và hạt ánh sáng sẽ làm thay đổi tính chất của nguyên tử Rydberg. Việc đo đạc tính chất của nguyên tử Rydberg khi đi ra khỏi hốc gương sẽ cho biết tính chất của hạt ánh sáng ở trong hốc.

Một viễn mơ

Những nghiên cứu của Serge Haroche và David J. Wineland được nhiều nhà khoa học coi là viên gạch đầu tiên của một viễn mơ: máy tính lượng tử.

Nếu trong máy tính thông thường các bit thông tin có hai giá trị 0 và 1 riêng biệt, thì trong máy tính lượng tử các bit lượng tử - gọi là qubit (3) - có thể có các trị 0 và 1 đồng thời, tương ứng với sự chồng chập các trạng thái khác nhau của hệ lượng tử. Do đó, với một hệ lượng tử có hai trạng thái 0 và 1 như ion trong thí nghiệm của David J. Wineland, các qubit này có thể có bốn giá trị khác nhau: 00, 01, 10 và 11. Hơn nữa, cứ mỗi lần thêm một qubit nữa vào trong hệ, số lượng các giá trị này sẽ tăng gấp đôi.

Việc điều khiển các hệ lượng tử, mà David J. Wineland là người đầu tiên thành công với việc điều khiển 2 qubit, về mặt lý thuyết cho phép tạo ra các máy tính với nguyên tắc hoạt động hoàn toàn mới, dựa trên cơ sở của cơ học lượng tử, gọi là máy tính lượng tử. Sự ra đời của máy tính lượng tử, có thể trong thế kỷ 21 này, sẽ thay đổi một cách to lớn đời sống của con người, như sự ra đời của máy tính thường trong thế kỷ 20 vậy.

Tuy nhiên, việc này không dễ dàng chút nào. Lý do là giả sử bằng cách nào đó ta có được một hệ lượng tử có thể điều khiển được, thì thông tin từ trong hệ này cần phải được truyền ra ngoài theo một cách nào đó. Tức là phải có một sự tương tác hệ với môi trường. Mà như đã thấy trong ví dụ về con mèo của Schrödinger, sự tương tác này sẽ phá hủy các tính chất lượng tử của hệ, tức phá hủy chiếc máy.

Trong khi việc xây dựng máy tính lượng tử còn là một viễn mơ và đòi hỏi nhiều nghiên cứu tiếp theo thì một trong những ứng dụng khả dĩ khác của công trình này là đồng hồ quang học siêu chính xác. Hiện nay, đồng hồ nguyên tử Cesium được coi là đồng hồ chính xác nhất, và được dùng để chuẩn hóa thời gian (4). Nhưng nó vận hành ở dải sóng vi ba, trong khi các ion của David J. Wineland lại vận hành trong vùng của ánh sáng thường nên có độ chính xác lớn hơn so với đồng hồ nguyên tử Cesium hàng trăm lần.

Nếu dùng các ion này làm đồng hồ chuẩn thì ta sẽ có các đồng hồ quang học có độ chính xác lên đến một phần của 10 lũy thừa 17. Để hình dung độ chính xác của loại đồng hồ này, ta giả sử nó tồn tại ngay sau vụ nổ lớn Big Bang khi hình thành vũ trụ, khoảng 14 tỉ năm về trước, thì đến nay sai số của nó chỉ cỡ 5 giây!

Với sự chính xác này, hàng loạt hiện tượng tinh tế và kỳ thú của tự nhiên, như sự thay đổi dòng chảy của thời gian hay sự thay đổi tế vi của trọng lực, có thể được nghiên cứu và mở ra nhiều chân trời khám phá mới, đầy kỳ thú trong khoa học.

GIÁP VĂN DƯƠNG

(1) Từ phần này trở đi, các hình vẽ và một phần lớn thông tin được trích ra hoặc lược dịch từ tài liệu dành cho đại chúng của Ủy ban Nobel 2012.

(2) Kỹ thuật này cho phép làm lạnh các vi hạt đến một nhiệt độ siêu thấp, thường là cỡ một vài phần tỉ độ trên độ không tuyệt đối, và đã mang lại giải Nobel vật lý cho Eric A. Cornell, Wolfgang Ketterle, Carl E. Wieman năm 2001.

(3) Quantum bit, gọi tắt là qubit.

(4) Từ năm 1967, đồng hồ nguyên tử Cesium được quốc tế sử dụng làm đồng hồ chuẩn thời gian với định nghĩa: 1 giây là khoảng thời gian của 9192631770 chu kỳ dao động của bức xạ phát ra khi điện tử chuyển đổi giữa hai mức năng lượng trong nguyên tử Cesium 133.

Câu chuyện giáo dục

Hãy bớt ngợi ca chúng tôi...

23/10/2012 09:32 (GMT + 7)

TTCT - “Đừng để người khiếm thị nói chuyện với ma!”. Đó là câu nói đùa - mà - thật của chủ nhiệm mái ấm Thiên Ân Nguyễn Quốc Phong, trong buổi giao lưu giữa các trường, mái ấm khiếm thị và sinh viên nhân sự kiện Ngày cây gậy trắng 15-10-2012 tại hội trường Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

Phong cùng các bạn khiếm thị đã chia sẻ những chuyện dở khóc dở cười mà họ rất hay gặp phải trong giao tiếp với người sáng mắt. Đó là những lúc người sáng mắt không giới thiệu họ là ai, khiến các bạn khiếm thị rất bối rối; khi đang trò chuyện họ lại... đột ngột bỏ đi đâu mà chẳng nói, thế là các bạn khiếm thị cứ... tiếp tục nói mãi, sau mới hay là đang nói chuyện một mình; chỉ đường thì cứ vung tay nói “đằng này, bên kia” mà họ có thấy đó là đâu...

Ngược lại, cũng có nhiều bạn sáng mắt rất nhiệt tình giúp đỡ các bạn khiếm thị, nhưng bằng cách chạy lại... cầm giùm cây gậy rồi nắm tay kéo họ đi “cho nhanh”. Điều này sẽ khiến người khiếm thị vừa mất cây gậy là chỗ dựa cho việc di chuyển an toàn, vừa làm họ trở nên mất tự chủ (do bị lôi, kéo đi mà không biết đi đâu).

Theo thống kê của Viện Mắt trung ương, cả nước hiện có khoảng 2 triệu người khiếm thị và mắc các bệnh về mắt ảnh hưởng đến thị lực, trong đó có 400.000 người mù hoàn toàn. Trong khi đó, theo số liệu của Hội Người mù trung ương, số lượng người mù hoàn toàn là hơn 600.000 người.

Phong chia sẻ thêm, đáng buồn hơn là có nhiều người sáng mắt có lẽ không biết giao tiếp với người khiếm thị như thế nào nên thường tránh nói chuyện trực tiếp mà cứ hỏi những người xung quanh người khiếm thị. Điều đó khiến các bạn khiếm thị cảm thấy mình bị bỏ rơi hoặc không được tôn trọng.

Giám đốc Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng Lê Thị Vân Nga nhắc lại câu nói của một bạn khiếm thị: “Tôi không mơ ước mình nhìn thấy được, vì điều đó là không thể. Nhưng tôi ước mình được mọi người nhìn thấy. Bởi rất nhiều khi tôi cảm nhận rằng dường như không ai thấy, không ai nhớ tới mình, như thể mình không tồn tại trong mắt mọi người”.

Tâm sự của bạn Nguyễn Quang Nhị - khoa công tác xã hội Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - cũng không khỏi làm người ta suy nghĩ.

Năm học 2011-2012, Nhị nộp đơn vào Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội và Trường đại học Lao động xã hội Hà Nội nhưng đều bị từ chối vì là người khiếm thị. Đấu tranh hàng tháng trời không được, Nhị kêu lên cả báo chí và các cấp cao hơn. Bộ Giáo dục - đào tạo nói thí sinh có quyền liên hệ với sở giáo dục để nộp đơn. Nhưng Nhị nói nếu các trường không đồng ý và không biết đơn đó là của một thí sinh khiếm thị, thì khi vào thi ai chuẩn bị phương tiện dành riêng cho người khiếm thị?

Hơn nữa, quy trình xét tuyển có vẻ không kỳ thị, nhưng lại “thòng” thêm một câu quy định thí sinh khuyết tật thi đại học phải có ba năm cấp III đạt loại khá trở lên, và nhất là còn “tùy thuộc vào hiệu trưởng các trường tuyển dụng”, như vậy là tạo điều kiện cho phân biệt đối xử rồi còn gì? Cuối cùng, đến ngày hạn chót nộp hồ sơ, Nhị mới liên hệ được với hai trường sẵn sàng nhận thí sinh khiếm thị là Đại học Huế và Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Đã có vài bài báo viết về Nhị. Nhưng Nhị nói có lẽ nên bớt mô tả người khiếm thị, hay người khuyết tật nói chung, theo cách ca ngợi những nỗ lực “phi thường” của họ. Thay vào đó, hãy tranh đấu cho họ được nhìn nhận và đối xử bình đẳng, có những cơ hội sống và học tập công bằng.

Mới thấy, rào cản đôi khi không từ đôi mắt của người khiếm thị, mà từ cách nhìn nhận về người khuyết tật của người sáng mắt. Người khiếm thị, cũng như tất cả mọi người, đều cần sự tự chủ, an toàn và độc lập, và trên hết là được tôn trọng nhân phẩm.

Người thiết kế những biểu tượng thể hiện thông điệp của chương trình truyền thông Ngày cây gậy trắng cho cả hai năm 2011, 2012 là một designer tình nguyện còn rất trẻ, sinh năm 1988 Trần Phan Kim Ngân. Ngân cho biết: “Tham gia các hoạt động xã hội và từ thiện là một niềm đam mê của tôi từ hồi còn là sinh viên Đại học Kiến trúc. Tôi không giàu có để giúp đỡ những người thiệt thòi bằng tiền bạc, vì thế tôi đóng góp thời gian và kỹ năng của mình cho những hoạt động phi lợi nhuận. Đó là những trải nghiệm quý báu cho nghề nghiệp và cuộc sống của tôi”.

Giới kinh doanh và nhân sự kỹ thuật cao đóng góp kỹ năng chuyên môn cho hoạt động xã hội là một xu hướng làm tình nguyện mới ở TP.HCM - theo bà Dana Doan, cố vấn chiến lược của Trung tâm phát triển cộng đồng LIN.

THANH HƯƠNG

Khi nào ta nói cùng con?

Tình dục đâu chỉ để sinh con

27/10/2012 16:15 (GMT + 7)

TTCT - 1. Tôi ra đời trong hình hài con gái, đương nhiên được mọi người mặc định tôi chính là con gái, gia đình mong mỏi tôi trở thành cô gái ngoan, gọi dạ bảo vâng, “kín cổng cao tường” cho an toàn.

Tuổi dậy thì tôi chúm chím như bông hoa hé nở, lại sẵn ưa nhìn nên có khá nhiều “vệ tinh”. Dĩ nhiên tôi thích thú điều đó, lòng cảm mến anh bạn cùng lớp song thâm tâm lại quý cô bạn láng giềng đến lạ. Biết cô ấy dối trá và lợi dụng nhưng tôi mặc kệ, vẫn lặng lẽ dành tặng cô những món quà nho nhỏ bằng nhịn tiền quà sáng cả tuần.

“Giáo dục giới tính cũng đã quên mất chúng tôi - những người mang giới tính thứ ba...”

Gia đình rất yên tâm khi thấy tôi chơi thân với con gái, ít quan tâm lũ con trai trêu ghẹo xung quanh. Cả nhà không biết và ngay chính bản thân tôi cũng mơ hồ trạng thái của mình: con gái chính hiệu, hay les, hay lưỡng tính? Riêng theo lời giáo huấn cổ điển của cha mẹ thì kết bạn với người đồng giới là an toàn, đi lại với bọn khác giới mới phải cảnh giác! Thế là thử nghiệm xúc cảm đầu đời của tôi với chính cô bạn gái đỏng đảnh đó mà không phải lo lắng hậu quả gì cả.

Ngờ đâu về sau tôi thích thú luôn chuyện gần gũi với phụ nữ và tránh né dần các “vệ tinh” mày râu của mình. Quá xấu hổ, tôi trốn biệt các hoạt động tập thể, hết hồn nhiên đỏm dáng như bạn bè trang lứa, không thể tập trung học hành, dần thua sút, cúp cua rồi bỏ học luôn ngay giữa năm lớp 11. Một thời gian dài tôi trầm cảm, quẩn quanh suy nghĩ về giới tính của mình, hoang mang tột độ mà không biết và không dám cầu cứu ai (tôi không tin sẽ được cảm thông và giúp đỡ từ thành trì gia giáo và mô phạm của cha mẹ, thầy cô), chỉ khóc thầm, oán trách chính mình, ghê sợ bản thân, tự cô lập...

2. Khoảng thời gian sau gia đình dần nhận ra, nỗi bất an đó chuyển sang vai người thật thì tôi đã trở thành trơ lì, xem như tự chọn giới tính của mình là les công khai. Lúc này nhiều người quen bắt đầu né tránh tôi, lịch sự hơn thì làm ngơ, không còn thân mật như hồi xưa. Càng bị cô lập, tôi càng dạt về nhóm chấp nhận mình là những người đồng cảnh ngộ và một số ít người không thuộc giới tính thứ ba nhưng biết bình thường hóa với sự khác biệt. Tuy nhiên lượng người cởi mở này ít ỏi, càng hiếm hoi trong thời mười năm trước, chủ yếu là những người tranh thủ sự yếu đuối và thua thiệt của chúng tôi để trục lợi.

3. Sau những vùi dập và rẻ khinh của người đời, cùng với sự chở che của gia đình và gắng gượng của bản thân, tôi đã thoát khỏi nỗi ám ảnh về giới tính của mình, dám sống thật và cố gắng làm việc dù vất vả và thiệt thòi hơn nhiều so với đồng nghiệp.

Tôi đã trơ với xúc cảm của mình, cũng quen với cảm giác bị phần lớn xã hội bỏ rơi và bất công, chỉ ái ngại cho đến hiện nay, hơn một thập niên của thế kỷ 21 rồi mà gia đình, nhà trường và truyền thông vẫn loay hoay với giáo dục giới tính, với chuyện nên quan hệ trước hôn nhân hay không, những được - mất của sống thử... phần lớn nghĩ về hậu họa của tiết hạnh và mang thai trước kết hôn, nghĩa là quên mất chúng tôi - người mang giới tính thứ ba, nhóm thiểu số đang đông dần lên - không có khái niệm trinh tiết và sinh nở.

Chúng tôi cũng cần được tư vấn tình dục an toàn và văn minh. Tình dục là nhu cần rất thật - sự kết hợp tuyệt vời của tình cảm và sinh lý - mà tạo hóa ban cho mọi người khi bước vào tuổi dậy thì đến lúc mãn dục, và đâu phải/chỉ để sinh con, cũng đâu chỉ dành cho riêng đôi nam và nữ.

Giáo dục giới tính còn cần giúp nhận biết sự phát triển của tâm sinh lý trong mỗi giai đoạn, thế nào là bình thường hay bất thường, đâu là dấu chỉ mình thật sự là nam, nữ, hay thuộc giới tính khác, khi nào cần thăm khám và tư vấn chuyên sâu...; cách cư xử trong quan hệ khác giới, đồng giới ra sao cho tế nhị, lịch sự và an toàn; trách nhiệm với bản thân và với hệ quả của quan hệ tình dục...

Giáo dục giới tính thẳng thắn sẽ giúp tránh những sai lầm do ngô nghê hay lạc lõng của tuổi mới lớn do sự phát triển vượt trội của cơ thể so với hiểu biết của các em. Giáo dục giới tính đúng đắn hôm nay còn tạo ra những bậc phụ huynh thông hiểu trong tương lai. Đừng chần chừ nữa, hãy bắt đầu thật tự nhiên, thật nhẹ nhàng tùy từng lứa tuổi con em mình. Xin hãy phổ quát nhanh chóng phương pháp diễn giải giáo dục giới tính đến giáo viên và phụ huynh để họ có thể tiến hành ngay một cách đơn giản và dễ dàng.

HAPPY NGUYỄN

Trong bài viết có tựa đề “Chỉ nói về việc tiết chế - giáo dục giới tính không dẫn đến hành vi kiêng khem” đăng trên Sciene Daily (*), tác giả David Hall và Kathrin Stanger đưa ra nhận định giáo dục về sự tiết chế trong các chương trình giáo dục giới tính tại trường học công chỉ tạo nên tỉ lệ mang thai cao hơn ở thanh thiếu niên Mỹ. Nghiên cứu này cho thấy tại những bang mà giáo dục giới tính bao hàm cả việc nói về HIV, về tình dục song hành cùng các biện pháp tránh thụ thai, tỉ lệ trẻ vị thành niên mang thai thường thấp hơn những bang giáo dục giới tính nhấn mạnh việc ngăn cấm quan hệ cho đến khi kết hôn.

Nghiên cứu cho thấy cách giáo dục kiểu đe dọa, tô đen một chiều thường đem lại tác dụng phụ không mong muốn, thường thấy nhất là sự ngấm ngầm phản đối hoặc tìm cách vượt khỏi vòng kiềm tỏa của cha mẹ.

Kể cả khi có người lớn theo dõi...

Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể, nhưng sự bốc đồng của thanh thiếu niên và sự biến chuyển của môi trường sống trong làn sóng toàn cầu hóa khiến tình trạng không khác mấy. Với lịch học hiện nay của học sinh cấp II, cấp III, nhiều bậc cha mẹ cứ đinh ninh con trẻ sẽ miễn nhiễm với mọi chuyện khi luôn có người lớn bên cạnh theo dõi.

Tôi có một cô bạn làm giám thị tại một trường quốc tế. Câu chuyện cô kể về học sinh của trường có lẽ sẽ thay đổi suy nghĩ của cha mẹ về việc giám sát con sát sao. Ngôi trường của cô đảm bảo với phụ huynh về nền nếp học tập. Camera được gắn khắp trường theo dõi học sinh liên tục. Thế nhưng trong một tiết học, cô đã không tin vào mắt mình khi camera ghi lại cảnh hai học sinh nam và nữ cùng rủ nhau vào phòng vệ sinh nam hơn 15 phút mới ra.

Câu chuyện râm ran trong giáo viên rồi sau đó rơi vào im lặng vì nhà trường không muốn làm lớn chuyện. Còn các thầy cô giám thị sau đó được yêu cầu phải chú ý hơn đến những khu vực vắng vẻ trong trường để tránh trường hợp tương tự. Rõ ràng trong chuyện này, camera quan sát, thầy cô giám thị và sự ủy quyền của các bậc phụ huynh không kiềm chế được sự cuốn hút về giới tính của học sinh.

Giới tính không chỉ là chuyện quan hệ

Tranh cãi về hoạt động giáo dục giới tính tại Việt Nam chủ yếu vẫn dừng lại ở giới hạn chương trình trong nhà trường. Trong khi đó giáo dục giới tính, cụ thể là chuyện có hành vi tính dục, chỉ là một phần trong cả hệ thống giáo dục sức khỏe của thanh thiếu niên. Đó còn là những bài học giúp hiểu rõ hơn về cơ thể, đơn giản như vì sao phải thường xuyên rửa tay, vì sao cần tập thể dục?

Làm thế nào để biết cơ thể đã sẵn sàng cho chuyện quan hệ? Làm sao để biết chúng ta đã sẵn sàng có con? Những cách đặt vấn đề này không làm tình dục trở thành điều cấm kỵ mà trở thành chủ đề bàn luận, đặc biệt nhấn mạnh đến hệ quả của chuyện quan hệ tình dục - điều mà thanh niên thường không chú tâm khi có ý vượt rào.

Với mục đích ngăn chặn trẻ vị thành niên trở thành cha mẹ bất đắc dĩ thì phụ huynh có nhiều cách tiếp cận với con. Một chị bạn của tôi có con trai đang ở lứa tuổi “cưa bom”. Nguy cơ một ngày bác sĩ bắt cưới hiện diện rất gần vì con chị khá đẹp trai và được phong là hotboy. Một ngày, cậu con trai học lớp 12 dẫn về nhà một cô bạn. Trái với cách ứng xử lạnh nhạt mà các bậc cha mẹ hay làm khi con dẫn bạn khác giới về nhà, chị ân cần nói chuyện với cô gái trẻ, hỏi thăm chuyện học hành và bạn bè của hai đứa.

Rủ rỉ rù rì, chị nhắn nhủ cô bé: “Con là con gái phải cẩn thận, bọn con trai bây giờ ghê lắm. Có chuyện gì xảy ra thì người chịu thiệt là phụ nữ đó con”. Mặt khác, chị lấy quyền của mẹ nửa đùa nửa thật răn đe cậu trai trẻ: “Nghiêm cấm không được bỏ bạn gái, mẹ mà nghe nói con bỏ bạn là biết tay mẹ”. Cuộc nói chuyện không căng thẳng lại tạo hiệu ứng tốt. Đến giờ, khi cậu nhóc lên đại học vẫn thấy hai đứa đi chung với nhau, cùng học, cùng tham gia các hoạt động của trường. Còn chị bạn tôi vẫn trên tinh thần cảnh giác, luôn đợi cơ hội là tiếp tục bài giảng về sự thiệt thòi của con gái.

Với chị, không nhất thiết phải nói về quan hệ tình dục, nhưng khi đã nói về sự thiệt hơn của hậu quả do quan hệ trước hôn nhân mà bọn trẻ vẫn cứ vi phạm thì chúng phải tự chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình. Chị chỉ làm được đến thế. Chị kết luận.

Cách hành xử của chị cũng là một cách để tham khảo. Thay vì tạo ra hố ngăn cách, chị chọn cách trở thành bạn đồng hành. Có thể sẽ có người bảo chị bạn tôi làm sao dám chắc đôi trẻ kia không vượt rào? Nhưng chắc chắn một điều đôi trẻ kia sẽ biết cân nhắc khi quyết định vượt qua khỏi giới hạn bạn bè bình thường.

Rõ ràng càng lạnh lùng, khép kín, xã hội càng tạo ra hố ngăn cách và khiến người trẻ hành động theo bản năng nhiều hơn. Vì vậy, chọn một cách chia sẻ thẳng thắn theo góc nhìn Á Đông là điều cần cân nhắc trong việc giáo dục giới tính hiện nay.

Tôi xin khép lại bài này với nhận định của Stanger - Hall trong nghiên cứu về hoạt động giáo dục giới tính tại Mỹ như sau: “Nếu trường học không dạy học sinh về cách duy trì nòi giống, bao gồm cả thực hành tình dục an toàn để chống lại việc mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục như cách người lớn chúng ta đang làm, thì chúng sẽ học ở đâu và từ ai?”.

DUY HƯƠNG

Khi nào ta nói cùng con?

Đừng lãng quên giới tính thứ ba

03/11/2012 16:52 (GMT + 7)

TTCT - Là một bộ phận không nhỏ tồn tại thật trong xã hội, cộng đồng LGBT (lesbian - đồng tính nữ, gay - đồng tính nam, bisexual - lưỡng tính, transfer - chuyển giới) dường như chỉ được xã hội nhắc đến trong những chương trình giải trí hay những xìcăngđan gây sốc.

LTS: Tâm sự của bạn Happy Nguyễn (xem TTCT số đề ra ngày 28-10) đã được giảng viên tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ bằng những câu hỏi anh vẫn hay nhận được ở các giờ giáo dục giới tính.

Thực tế, họ cũng như tất cả mọi người, cũng cần được tôn trọng, được lắng nghe, được chia sẻ, đặc biệt là được hướng dẫn về lối sống và giới tính.

Đừng nên chờ đợi

Những tài liệu hiện nay chỉ đề cập giới tính thứ ba dưới góc độ giải thích đồng tính là gì. Tuy nhiên, hướng dẫn họ những biện pháp tình dục an toàn, hướng dẫn họ trong tiến trình phát triển tâm sinh lý, định hướng lối sống lành mạnh, hướng dẫn cách cư xử trong mối quan hệ khác giới, đồng giới... là một mảng hoàn toàn bỏ trống. Thực tế, cộng đồng LGBT cũng có những vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần; họ cũng có bạn bè, tình yêu và những vấn đề tình dục. Trừ việc mang thai, họ cũng có thể mắc tất cả các bệnh lây lan qua đường tình dục, có thể trải nghiệm tất cả các đau đớn trong tình yêu, chịu đựng những nỗi đau tinh thần như bao người khác; thậm chí những căn bệnh đó, những nỗi đau đó có khi còn mãnh liệt và giằng xé hơn gấp nhiều lần. Thế nhưng, họ đã bị bỏ rơi với giới tính của mình.

Hiện tại, xã hội chúng ta chưa có cái nhìn hoàn toàn cởi mở về giới tính này, chưa xem đó là một xu hướng tình dục tự nhiên. Khi cái nhìn xã hội chưa được mở thì làm sao việc giáo dục giới tính cho cộng đồng LGBT một cách chính quy có thể được cởi trói?

Tuy nhiên, chúng ta đừng nên chờ đợi. Trước khi xã hội cởi mở hơn, trước khi được pháp luật công nhận, những nhà giáo, những bác sĩ, những người có chuyên môn cần phổ biến các hiểu biết về chăm sóc sức khỏe giới tính cho họ. Song song đó, chính gia đình và các tổ chức xã hội phải quan tâm chăm sóc đến cộng đồng này vì đó cũng là con em, bè bạn của tất cả chúng ta, cũng là một thành viên tích cực của gia đình mình, của xã hội mình. Quan tâm đến họ là quan tâm đến đồng loại, một hành vi nhân văn.

Câu hỏi về giới tính thứ ba là một trong những câu hỏi nhạy cảm nhất và được quan tâm nhất. Bởi hiểu biết của giới trẻ và tất cả chúng ta về cộng đồng này vẫn còn rất mù mờ. Trong quá trình tư vấn tâm lý cho tuổi học đường, dưới đây là những câu hỏi thường xuyên nhất mà tôi hay được hỏi.

Làm sao biết mình là gay hay les?

Một người được khẳng định là đồng tính phải hội đủ hai điều kiện:

+ Thứ nhất, bản thân chúng ta có cảm giác bị thu hút về mặt cảm xúc đối với một người cùng phái nào đó (họ khiến ta yêu thương, nhung nhớ, đam mê).

+ Thứ hai, bản thân chúng ta cảm thấy người cùng phái ấy có sức hấp dẫn tình dục khi tiếp xúc với họ (ta thích đụng chạm họ, ôm hôn...).

Mà điều thứ hai này thì chỉ có chính bản thân người đồng tính mới cảm nhận được. Thế nên chúng ta không nên kết luận vội ai đó là đồng tính khi thấy một cậu con trai ăn mặc chải chuốt, nói năng nhẹ nhàng, thích vào bếp hay một cô con gái tóc ngắn tomboy, tính cách mạnh mẽ.

Câu hỏi dễ nhầm lẫn nhất: Đồng tính giả là gì?

Với câu hỏi này, tôi thường nói với các em rằng không có đồng tính thật 30%, 50% hay 80%. Chỉ có những dạng sau đây:

• Một số bạn là dị tính, “cặp” với người cùng giới để thử cho biết, thử cho vui rồi hoàn toàn thôi thì không gọi là đồng tính được.

• Những bạn ban đầu có vẻ như là dị tính, sau một số lần trải nghiệm cảm xúc với người cùng giới và khám phá ra xu hướng giới tính “ẩn” bấy lâu nay của mình thì đó là đồng tính thật.

• Những bạn vừa có cảm xúc với cả nam lẫn nữ thì là “bi” (lưỡng tính - yêu được cả hai phái).

Câu hỏi lo lắng nhất: Đó có phải bệnh không? Có lây không? Chữa được không?

Đồng tính không phải là bệnh, có giới tính thứ nhất, có giới tính thứ hai thì cũng có giới tính thứ ba. Đó là một hiện tượng bình thường tồn tại khá phổ biến trong giới tự nhiên (ở các loài động vật bậc cao, hiện tượng này rất phổ biến). Là con trai, con gái hay LGBT thì cũng là con người và là người bình thường.

Đó không phải là bệnh nên không lây. Có vài giả thuyết đặt ra về hiện tượng tập nhiễm: người dị tính quan hệ với người đồng tính vài lần thì có thể trở thành đồng tính. Tuy nhiên, giả thuyết này cũng không có cơ sở và chưa ai chứng minh được.

Có rất nhiều trường hợp đã bắt ép con em của mình quan hệ với người khác phái để “chạy chữa căn bệnh” của họ, đó là một việc làm hoàn toàn vô ích và sai trái. Đồng tính không “chữa” được và cũng không cần “chữa”. Quan trọng là họ chọn lối sống thế nào, lành mạnh hay không lành mạnh. Nếu muốn giúp, hãy giúp họ bằng cách thể hiện sự đồng cảm và đóng góp xây dựng để họ có một cuộc sống đẹp được tất cả mọi người chấp nhận. Đừng cố gắng gán ép giới tính mà làm khổ con em mình.

Trăn trở lớn nhất: Là người đồng tính, làm sao để sống mà không bị kỳ thị?

- Giới tính không có tội. Cái xấu không nằm ở giới tính mà nằm ở cách sống. Là nam hay nữ mà sống xấu thì cũng là người xấu, là LGBT mà sống đẹp thì cũng là người tốt.

- Người đồng tính hoàn toàn có quyền sống đúng với giới tính của mình, có quyền được thích, được yêu và bày tỏ tình cảm. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta cứ cư xử với mọi người như “người cùng tần số” mà không nghĩ đến cảm nhận của họ. Để có thể trở thành một G-Boy (đồng tính nam) hay L-Girl (đồng tính nữ) luôn được mọi người yêu mến, họ phải chú ý vài điều:

Thứ nhất là lịch sự trong hình thức bên ngoài. Các bạn đồng tính nam vẫn có thể dễ thương vô cùng với bộ quần áo dù “nổi” hơn bình thường mà vẫn không “lụa” quá. Còn các bạn đồng tính nữ vẫn có thể thể hiện cá tính với những bộ quần áo phong cách “cứng cỏi” mà không nên quá hở hay thô thiển.

Thứ hai là phong thái vẫn thanh lịch. Ai bảo gay thì phải uốn éo mới đẹp? Và ai bảo les thì phải thô lỗ mới là chất?

Thứ ba là lời nói đường hoàng. Các bạn gay đừng gọi nhau là chị, các bạn les cũng đừng gọi nhau là anh này anh kia. Người đồng tính cũng là người bình thường, chúng ta chỉ trở nên khác thường nếu như buông ra những lời “khó đỡ”.

Cuối cùng, quan trọng nhất là cách ứng xử và thể hiện tình cảm của chúng ta. Nếu muốn “bắn tín hiệu” tình cảm thì phải rà đài xem người ta có phải “cùng tần số” với mình không đã, kẻo lời tỏ tình đặt nhầm hộ khẩu thì khiến người ta hốt hoảng rồi rạn nứt tình bạn... Cố gắng kiềm chế cảm xúc để không có những hành vi manh động, ta sẽ giữ được danh dự của bản thân mình và được người khác tin tưởng thay vì ánh mắt ghê sợ hay e dè.

Cuối cùng, điều tôi luôn nhắc các bạn là làm sao sống đúng với chính mình mà vẫn làm cho người ta yêu mến và tôn trọng mới là một người đồng tính bản lĩnh!

ThS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU 

(Khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM)

Ở Việt Nam, nghiên cứu về người đồng giới chủ yếu tập trung vào nhóm đồng giới nam. Năm 2009, Trung tâm iSEE (Viện Nghiên cứu xã hội - kinh tế và môi trường) đã thực hiện một cuộc thăm dò trực tuyến mang tên “Đặc điểm kinh tế, xã hội của nam giới có quan hệ tình dục đồng giới tại Việt Nam”.

Nghiên cứu được thực hiện bằng cách đăng tải bộ câu hỏi trả lời trực tuyến và đã có 3.231 người tham gia đáp ứng các điều kiện là nam giới, sống tại Việt Nam, trên 18 tuổi và có quan hệ tình dục với nam giới trong vòng 12 tháng đã tham gia nghiên cứu. Cũng thời gian này, Trung tâm phòng chống STDs/HIV/AIDS, thành viên của mạng GENCOMNET, đã tiến hành nghiên cứu “Tình dục đồng giới tại Việt Nam - sự kỳ thị và hệ quả xã hội” qua phỏng vấn bằng bảng câu hỏi với 813 người có quan hệ tình dục đồng giới nam.

Dư luận xã hội dường như dần cởi mở hơn với người đồng giới. Hiện nay, chúng ta chưa có con số thống kê chính thức về người đồng tính ở Việt Nam. Có hai nguyên nhân chính: một là từ trước đến nay những người đồng giới/giới thứ ba vốn được xem là “bất thường” và chịu sự kỳ thị của xã hội; hai là trong lĩnh vực thống kê không chú ý đến vấn đề này, và những người hoạch định chính sách cũng chưa nhận thấy sự cần thiết tính tới các chính sách đối với người đồng giới. Mặc dù vậy, từ thông tin của những nguồn khác nhau, có thể ước tính ở nước ta có đến hàng chục vạn người đồng giới.

Theo một nghiên cứu của cố bác sĩ Trần Bồng Sơn, số đồng tính nam ước tính khoảng 70.000 người (chiếm 0,09% dân số). Theo một nghiên cứu khác do Tổ chức CARE quốc tế thực hiện tại Việt Nam, con số này khoảng 50.000-125.000 người (chiếm 0,06-0,15% dân số). Nếu theo tỉ lệ này, với dân số nước ta gần 90 triệu, sẽ có khoảng 135.000 người đồng giới nam. Đó là chưa kể những người đồng giới nữ và tình dục hai giới. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với các nước phát triển, ví dụ ở Mỹ theo nghiên cứu của Viện Williams thuộc Trường Luật (Đại học California, Los Angeles UCLA), tỉ lệ đồng giới nam/nữ là 1,7% và tình dục hai phía là 1,8% trong tổng dân số.

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Hà Nội)

Đi tìm cội nguồn cảm xúc?

04/11/2012 07:10 (GMT + 7)

TTCT - Sự hiểu biết về chính những cảm giác tâm sinh lý sơ đẳng của con người vẫn còn là bí ẩn, cho đến khi những nghiên cứu tiên phong của Robert J. Lefkowitz và Brian K. Kobilka - hai nhà khoa học vừa đoạt giải Nobel hóa học 2012 về “nghiên cứu về các thụ thể bắt cặp với protein-G” - hé lộ được một phần.

Vậy thụ thể (receptor) là gì? Trong hóa học, receptor có thể hiểu đơn giản là thể nhận, nhưng trong những quá trình sinh lý đề cập trong các nghiên cứu đoạt giải Nobel năm nay, receptor có vai trò như một thụ thể, tức chất có khả năng nhận các hormone (1) trong cơ thể để kích hoạt một số phản ứng khác tiếp theo. Còn G-protein ở đây là các protein bám dính guanine nucleotide có khả năng khởi động các phản ứng bên trong tế bào sau khi bị kích hoạt. Thụ thể trong các nghiên cứu mang lại giải Nobel năm nay là những chất có khả năng tương tác với các G-protein và kích hoạt chúng, vì thế có tên tiếng Anh là “G-protein-coupled receptor”, gọi tắt là GPCR.

Vì sao nghiên cứu về thụ thể bắt cặp với protein-G lại quan trọng như vậy? Ở mức trực giác nhất, có thể trả lời rằng: Vì nó làm sáng tỏ một phần quá trình truyền tin từ ngoài vào trong tế bào, do đó làm sáng tỏ quá trình truyền tín hiệu của cơ thể. Sâu xa hơn, chính quá trình này là một bước hiện thực hóa hành trình đi tìm cội nguồn của cảm giác. Và sâu xa hơn nữa, có thể hi vọng rằng cũng chính nhờ việc hiểu rõ các quá trình truyền tin trong cơ thể này, cội nguồn của cảm xúc có thể được làm sáng tỏ.

Điều này có nghĩa gì? Có nghĩa rằng những cảm xúc của con người, như tình yêu, sự sợ hãi... - hiểu như một tổ hợp của cảm giác và cảm xúc - có thể được giải mã như một chuỗi các phản ứng hóa học nối tiếp. Khi đó, nếu bạn hết yêu, hoặc đang sợ hãi, chỉ cần đến bác sĩ là mọi chuyện sẽ tốt đẹp trở lại. Vì khi đó, cội nguồn của cảm giác và cảm xúc đã được làm sáng tỏ ở cấp độ phân tử và do đó có thể điều khiển được. Một viễn tượng hấp dẫn, nhưng cũng không kém phần đáng sợ!

“Hãy tự biết mình!”

Trên chiếc cột ở tiền sảnh đền Appollon ở Delphi (Hi Lạp) có khắc một câu châm ngôn nổi tiếng: Hãy tự biết mình! (2). Câu châm ngôn này có thể coi là ngọn đuốc soi đường không chỉ cho các triết gia thời Hi Lạp cổ đại mà còn cho các nhà khoa học sau này. Vì thế, “hãy tự biết mình!”, cùng với “hãy dám biết!”của tinh thần triết học khai minh, có thể được coi là những ngọn đuốc chỉ đường của nền văn minh phương Tây sau này.

Nhưng thế nào là tự biết mình? Và làm thế nào để tự biết mình? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời.

Khoan hãy xét đến những biến chuyển tâm lý và đời sống tinh thần phức tạp, vô hình, thì ngay cả với những cảm giác hằng ngày mà mọi đứa trẻ đều quen thuộc như: phân biệt được ánh sáng và bóng tối, cảm nhận mùi thơm bằng mũi, vị ngọt trên đầu lưỡi, cảm giác yêu thương, sợ hãi, hồi hộp... lại là những thách thức to lớn kéo dài, có lẽ ngay từ khi xuất hiện con người.

Những cảm giác này có nguồn gốc từ đâu, cơ chế hoạt động của chúng ra sao, làm thế nào để điều khiển chúng... vẫn còn là bí mật, mà ngay cả những nghiên cứu tiên phong như các nghiên cứu của Robert J. Lefkowitz và Brian K. Kobilka mới chỉ được hé lộ một phần nhỏ.

Những năm 1960-1970, khi con người đổ bộ lên Mặt trăng, khởi động những chương trình chinh phục không gian lớn thì kỳ lạ thay, sự hiểu biết về chính những cảm giác tâm sinh lý sơ đẳng trên của con người vẫn còn là bí ẩn.

Bạn có sợ ma?

Bạn từng ít nhất một lần trong đời có cảm giác sợ hãi một cái gì đó vô hình, như sợ ma khi đi một mình trong đêm tối chẳng hạn (3)? Bạn đang đi một mình bỗng nghe thấy tiếng chân ai đó phía sau, mỗi lúc mỗi nhanh. Dù tự nhủ “không có gì đâu, không có gì...” nhưng rõ ràng bạn đang rất sợ hãi. Có ai đó đang thật sự ám theo... Bạn co cẳng chạy một mạch về nhà. Vừa mở cửa vừa run bần bật. Hơi thở gấp gáp. Trống ngực đánh thình thình.

Thật sự chuyện gì đã xảy ra? Khi bạn vừa thấy một cái bóng chấp chới phía sau, các tín hiệu thần kinh từ não được truyền đi khắp cơ thể để báo động lần thứ nhất. Tuyến yên bắt đầu tiết ra hormone và giải phóng vào các mạch máu, kích hoạt tuyến thượng thận. Tuyến này bắt đầu tiết ra cortisol, adrenaline và noradrenaline để báo động cơ thể lần hai: Chạy thôi! Các tế bào chất béo, tế bào cơ, tim, gan, phổi và các kinh mạch liền phản ứng tức thì. Máu tràn ngập các phân tử mỡ và đường, cuống phổi nở rộng, nhịp tim tăng nhanh. Những điều này giúp hệ cơ có thêm năng lượng và oxy để chạy. Mục đích là để chạy thật nhanh. Chạy như ma đuổi!

Như vậy, hàng nghìn tỉ tế bào trong cơ đã tương tác với nhau và cùng hoạt động nhịp nhàng. Nhưng các tế bào này phần lớn đã biệt hóa. Mỗi loại có một chức năng riêng: loại thì chứa các phân tử chất béo, loại ghi nhận hình ảnh, loại tạo hormone, loại sản xuất tế bào cơ... Để mỗi người có thể hoạt động được, các loại tế bào này phải vận hành đồng bộ nhịp nhàng như một thể thống nhất. Muốn vậy, chúng phải cảm nhận được mọi thứ đang xảy ra xung quanh. Nói cách khác, chúng cần các cảm biến.

Những cảm biến trên bề mặt tế bào được gọi là các thụ thể, theo nghĩa chúng nhận tín hiệu hóa học được các hormone chuyển dẫn và sau đó kích hoạt các quá trình khác ở bên trong tế bào. Robert J. Lefkowitz và Brian K. Kobilka đã làm rõ cách thức các GPCR - các thụ thể bắt cặp với các protein-G - hoạt động. Hầu hết các quá trình sinh lý trong cơ thể phụ thuộc vào các GPCR này. Thực tế khoảng một nửa loại thuốc chữa bệnh tác động đến cơ thể thông qua các GPCR này. Đến đây, ý nghĩa thực tế của các nghiên cứu này, đặc biệt trong ngành dược phẩm, đã được hé lộ.

Chính vì vậy, tri thức về các GPCR là cực kỳ cần thiết và mang lại những lợi ích rất lớn đối với con người. Nhưng trong suốt thời gian rất dài, con người đã không thể hiểu được chúng. Lý do là chúng ẩn nấp quá kỹ dưới lớp màng của các tế bào. Chỉ khi các phương tiện kỹ thuật đủ mạnh, kết hợp với những ý tưởng khoa học đầy sáng tạo, chúng mới được phát hiện và nghiên cứu.

Truy tìm thụ thể

Ngay từ cuối thế kỷ 19, các nhà khoa học đã làm thí nghiệm về tác động của adrenaline với cơ thể. Họ thấy rằng adrenaline có tác dụng làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và giãn đồng tử. Nhờ công dụng này mà adrenaline được sử dụng làm thuốc trợ tim trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, vì cho rằng tác dụng của adrenaline được thực hiện thông qua hệ thần kinh nên họ đã làm tê liệt hệ thần kinh của con vật thí nghiệm. Kỳ lạ thay, adrenaline vẫn còn tác dụng. Kết luận: các tế bào cần phải có các thụ thể để cảm nhận được sự có mặt của những chất ở môi trường xung quanh, chẳng hạn như các hormone, chất độc và thuốc.

Nhưng khi các nhà khoa học tìm kiếm các thụ thể này, họ như húc đầu vào bức tường đá. Rõ ràng là adrenaline ở ngoài tế bào nhưng lại gây ra những phản ứng ở bên trong tế bào. Mỗi tế bào đều có một màng bao bọc. Vậy tín hiệu đã được truyền qua màng tế bào như thế nào? Và làm sao phần nội bào lại có thể cảm nhận được những gì đang xảy ra ở ngoại bào?

Các thụ thể này đã ẩn nấp quá kỹ trong màng tế bào, vì thế không thể bị phát hiện cho đến khi Robert J. Lefkowitz tìm ra và công bố năm 1970 (4). Thành tích này đã được đón nhận nồng nhiệt. Một chân trời khoa học mới đã được mở ra.

Cùng khoảng thời gian này, hiểu biết về những gì xảy ra bên trong tế bào ngày càng thêm rõ ràng. Các nhà khoa học đã tìm ra một nhóm protein-G (5) bị kích hoạt bởi tín hiệu hóa học nhận được từ một thụ thể, để rồi sau đó sẽ khởi động chuỗi phản ứng bên trong tế bào. Đến những năm 1980, quá trình truyền tin từ bên ngoài vào bên trong tế bào đã bắt đầu được hiểu rõ.

Như vậy, việc tìm ra các thụ thể và vai trò của chúng trong việc truyền tin không chỉ mang lại lợi ích to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe con người, mà còn giúp con người hiểu rõ hơn về nguồn gốc và cơ chế phát sinh cảm giác, sau đó là cảm xúc của bản thân mình.

Ngoài những lợi ích to lớn mà nó mang lại cho ngành y tế và dược phẩm, thì việc chúng tác động ra sao đến đời sống con người khi nguồn gốc và cơ chế của cảm xúc được giải mã vẫn là điều khó đoán định. Thử hình dung: Bạn sẽ phản ứng ra sao nếu bị tiêm một liều “thuốc yêu” để suốt đời phải yêu một người hoặc một điều gì đó? Câu trả lời thật không dễ dàng, nhưng cảm giác rùng mình là có thật.

GIÁP VĂN DƯƠNG

Phát triển dược phẩm

Tuy không được phát hiện và nghiên cứu, nhưng giả thuyết về sự tồn tại các thụ thể vẫn được nhiều nhà khoa học sử dụng để phát triển các loại thuốc mới. Trong những năm 1940, Raymond Ahlquist đã nghiên cứu phản ứng của các bộ phận khác nhau trong cơ thể đối với các chất tương tự như adrenaline. Những nghiên cứu này cho thấy đối với adrenaline, có hai loại thụ thể khác nhau: một làm cho các tế bào cơ trơn ở thành mạch máu co lại, còn loại kia lại có tác dụng kích thích tim. Ông gọi chúng là thụ thể alpha và beta.

Những nghiên cứu tiếp theo đã giúp tìm ra loại thuốc ức chế beta, dùng để kiểm soát chứng rối loạn nhịp tim và huyết áp cao, một trong những loại thuốc phổ biến nhất trong điều trị tim mạch hiện giờ.

Những loại thuốc như vậy rõ ràng đã được kiểm chứng là có tác dụng, và trên thực tế đã được dùng để điều trị. Nhưng cơ chế tác động của thuốc ra sao vẫn còn là bí ẩn. Sau hàng chục năm tìm kiếm mà không thấy, chính Raymond Ahlquist cũng phải nghi ngờ giả thuyết về hai loại thụ thể của mình, đến mức cho rằng chúng chỉ là những khái niệm trừu tượng dùng để giải thích phản ứng của các mô đối với các loại hóa chất khác nhau, chứ trên thực tế chúng không tồn tại.

Chính vì vậy, việc tìm ra các thụ thể là một bước đột phá của khoa học và có tác động rất lớn trong ngành dược phẩm. Ngày nay, có đến khoảng 50% các loại thuốc đang lưu hành có tác động thông qua sự trợ giúp của các thụ thể.

(1): Hormone là những chất mà tế bào hoặc các tuyến nội tiết trong cơ thể tiết ra để truyền tín hiệu hóa học và gây ra ảnh hưởng ở các tế bào hoặc bộ phận khác trong cơ thể. 

(2): Tiếng Hi Lạp: . 

Phiên âm Latin: .

(3): Từ phần này trở đi, hình ảnh và một phần lớn thông tin được trích từ tài liệu dành cho đại chúng của Ủy ban Nobel 2012.

(4): Proc Natl Acad Sci USA 65, 745-752; Science 170, 633-635.

(5): Thành tích này đã mang lại giải Nobel y học cho Alfred G. Gilman và Martin Rodbell năm 1994, vì đã “tìm ra các protein-G và vai trò của chúng trong quá trình truyền tin bên trong tế bào”.

Khi nào ta nói cùng con?

Nói với con về giới tính

10/11/2012 15:42 (GMT + 7)

TTCT - Ngày nay, với phương tiện thông tin đại chúng, cha mẹ ít nhiều được trang bị kiến thức về tình yêu, tình dục và an toàn tình dục. Tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng biết giáo dục giới tính cho con như thế nào cho đúng, bắt đầu từ đâu và bắt đầu từ độ tuổi nào là thích hợp.

Khi nào nên nói với trẻ?

Giáo dục giới tính đòi hỏi đúng thời điểm. Không quá sớm để trẻ có thể lĩnh hội được. Đồng thời cũng không quá muộn vì trẻ hiểu sai có thể có hành vi sai. Chuyên gia giáo dục Mỹ, tiến sĩ Laura Berman khuyên các bậc phụ huynh nên nói với con về giới tính tùy theo độ tuổi. Nói bằng cách không dùng ẩn từ mà phải gọi đúng tên những bộ phận kín của cơ thể. Ví dụ: bộ phận sinh dục nam gọi là dương vật, bộ phận sinh dục nữ gọi là âm hộ. Khi chúng ta dùng các thuật ngữ đúng sẽ giúp trẻ hiểu và nhìn nhận các bộ phận cơ thể của chúng một cách không xấu hổ. Đây là bước khởi đầu tốt để về sau các bậc phụ huynh dễ dàng giáo dục giới tính cho trẻ một cách tự nhiên và hiệu quả.

Có thể chia ra các độ tuổi để giáo dục giới tính cho trẻ như sau:

- Từ 2-5 tuổi: Ở tuổi này trẻ thường thích thú với việc sờ mó bộ phận sinh dục khi chúng trần truồng, đi vệ sinh, đi tắm, nhất là bé trai. Còn bé gái thì hay thắc mắc tại sao sinh ra được em bé. Khi ở độ tuổi lên 3, trẻ có rất nhiều câu hỏi về cơ thể mình và người khác như: “Tại sao con lại ngồi tè mà anh lại đứng?”, “Con sinh ra từ đâu?”, “Con trai khác con gái chỗ nào?”, “Tại sao mẹ có vú to mà con không có?”... Trẻ thích thú tìm hiểu cơ thể mình là hoàn toàn tự nhiên, vì thế cha mẹ không nên quá lo lắng và nên xem đó là chuyện bình thường. Đây là thời điểm thuận lợi để cha mẹ trò chuyện với con. Cha mẹ nên dùng tranh ảnh minh họa khi giáo dục giới tính cho trẻ.

Ở lứa tuổi lên 5, trẻ thường tìm hiểu cơ thể để phân biệt giữa nam và nữ. Trẻ thường chơi trò đóng giả làm cha mẹ, thích trò chơi làm bác sĩ cho phép trẻ khám phá thân thể của nhau. Cha mẹ dạy trẻ các từ ngữ về cơ thể, những sờ chạm “được phép” và “không được phép”. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa việc trẻ bị lạm dụng. Mẹ có thể nói với bé gái rằng: “Chỗ này (bộ phận sinh dục, môi, ngực...) chỉ có mẹ và con là được chạm vào thôi nhé”, với bé trai thì: “Con có thể sờ vào nó (dương vật) lúc ở nhà thôi”.

Cha mẹ cần trả lời thắc mắc của con một cách tự nhiên, đơn giản và trung thực. Trẻ từ 5 tuổi trở lên có thể hiểu một cách đơn giản việc em bé từ đâu mà ra, em bé lớn lên trong bụng mẹ thế nào. Cha mẹ không nên nói với con như: cha mẹ hôn nhau nên có con, con là do cha mẹ nhặt được... Cha mẹ có thể trả lời rằng: “Con là do kết quả tình yêu của cha mẹ mà thành, con có một chỗ để sinh ra”.

- Từ 6-11 tuổi: Giai đoạn cơ thể trẻ chuẩn bị phát triển, cha mẹ cần có những kiến thức về phát triển cơ thể người. Một số bé gái dậy thì sớm, cha mẹ cần cho trẻ biết về kinh nguyệt, sự phát triển tuyến vú, hướng dẫn trẻ cách vệ sinh thân thể. Cha mẹ cần nói cho bé trai biết về việc đôi khi ngủ dậy quần bị ướt. Cha mẹ cần cho trẻ biết cảm giác trẻ sẽ trải qua ở giai đoạn này để trẻ chuẩn bị tâm lý chứ không đợi đến khi dậy thì rồi mới nói. Cha mẹ cần chú ý tình bạn khác giới của trẻ trong giai đoạn này rất khó hiểu, thất thường và mất ổn định. Trẻ đi học sẽ bị ghép đôi, trẻ thường sợ bị hiểu lầm. Vì thế, cha mẹ giúp trẻ phân biệt giữa rung cảm về giới tính và tình cảm yêu thương.

- Từ 12-17 tuổi: Bé gái có kinh nguyệt, ngực phát triển. Bé trai bắt đầu vỡ tiếng, lún phún râu và mặt có mụn trứng cá. Lông mu, lông nách xuất hiện. Xuất hiện hiện tượng dậy thì trẻ sẽ dễ cáu gắt, vui buồn thất thường, thích khẳng định mình, thích khám phá... Các em bắt đầu giai đoạn dò dẫm và bước vào chuyện tình cảm. Từ “yêu” đơn phương (lớp 6), tiến đến chủ động chinh phục (lớp 8, 9), rung động đầu đời (10, 11, 12).

Cha mẹ cần phải trò chuyện nghiêm túc các vấn đề như cảm giác rung động đầu đời với người khác phái, việc quan hệ vợ chồng, các phương pháp tránh thai, khả năng mang thai và sinh nở. Cha mẹ nhất thiết phải giúp con biết giữ gìn và bảo vệ cơ thể, tránh những thử nghiệm nguy hiểm.

Cha mẹ phải chủ động hỏi để biết trẻ đang nghĩ gì về vấn đề giới tính để kịp thời uốn nắn và cung cấp những thông tin đúng, cần thiết.

Nên nói với con như thế nào?

Bắt đầu giáo dục từ khi con còn nhỏ thì cha mẹ sẽ ít bối rối. Ta trả lời các câu hỏi một cách đơn giản và nhã nhặn tùy theo độ tuổi của trẻ. Cha mẹ không cần thiết nói cho trẻ nhiều hơn cái trẻ hỏi. Khi muốn biết thêm, trẻ sẽ hỏi tiếp. Tốt nhất là cha mẹ sử dụng những tình huống mỗi ngày để bắt đầu trò chuyện. Cha mẹ có thể nói với con khi đang vui chơi hay cùng con rửa chén bát, dọn dẹp phòng, hoặc khi đang cùng chúng xem những chương trình thích hợp trên tivi. Điều này khiến trẻ cảm thấy việc này là một phần bình thường của cuộc sống và không phải là một chủ đề đặc biệt.

Cha mẹ cũng có thể cho trẻ đọc hoặc đọc cùng trẻ những cuốn sách thích hợp. Đối với những câu hỏi khó, cha mẹ có thể kéo dài thời gian để suy nghĩ bằng cách như: “Đó là một câu hỏi hay. Chúng ta sẽ nói về điều này vào tối mai nhé!”, hay “Chúng ta cùng tìm hiểu nhé”. Cũng có khi ta cần hỏi xem trẻ nghĩ gì về vấn đề này.

Trẻ thường để ý giọng nói và những gì cha mẹ nói, cần giữ bình tĩnh và bình thản để trẻ không cảm thấy đề tài quá nặng nề, hay nói về giới tính là sai trái.

LÊ THỊ MINH HOA (chuyên viên tư vấn tâm lý)

Trích Cẩm nang giáo dục giới tính (cho trẻ em từ lớp 7 đến lớp 9)

Vai trò của truyền thông

Các bậc phụ huynh thường có định kiến rằng truyền thông đang chống lại họ trong việc giáo dục giới tính cho con cái. Thật ra, thay vì chống lại những tin tức về tình dục trên báo chí, truyền hình, các bậc cha mẹ nên biết tận dụng lợi thế bằng cách tạo ra những tình huống giáo dục. Ví dụ khi xảy ra những chuyện như của Jamie Lynn Spears (*) hay Bristol Palin (**), hãy nhân vụ việc đó mà đặt câu hỏi cho đứa con tuổi teen của bạn: Con nghĩ gì về vụ này? Các bạn con nghĩ gì? Con có biết những bạn gái nào trong tình cảnh tương tự không? Các bạn phản ứng thế nào với bạn ấy?

Một cách khác để khởi sự những “khoảnh khắc giáo dục” là tranh thủ những lúc coi tivi cùng nhau. Nếu một cảnh yêu đương diễn ra, đừng tỏ ra ngần ngại hoặc đổi kênh. Hãy xem đó như một khởi đầu để nói với con bạn (có thể ngay lúc đó hoặc sau đó) như: Con có nhớ bộ phim hôm qua mình coi và họ nói về tình dục không? Trong trường con có bạn nào nói về chuyện đó không?...

Vai trò của lòng tự trọng

Đây cũng chính là lúc bạn truyền đạt cho con mình sự tự trọng bản thân. Có thể các bậc cha mẹ đã làm vậy rồi liên quan đến thành tích học tập, thể thao, âm nhạc, nhưng bạn cũng cần truyền đạt cho con mình ý tưởng rằng tình dục cũng là một điều cần trân trọng. Đó là một món quà, một niềm vui, không phải là thứ chúng phải gạt qua một bên hay để người khác lạm dụng.

Hãy dạy chúng rằng tình dục có thể tuyệt vời nhưng chỉ khi nào đúng hoàn cảnh, đúng lúc, đúng người. Còn nếu không như thế, nó có thể gây tổn thương, đau khổ hơn là thăng hoa và hạnh phúc. Hãy dạy con bạn rằng làm sao để không chỉ lần đầu tiên, mà cả những lần khác, thể xác của con được tôn trọng và trân quý, chứ không phải bị sử dụng và chà đạp.

MINH THƯ trích dịch

(http://media.oprah.com/lberman/talking-to-kids-about-sex-handbook.pdf)

(*): Jamie Lynn Spears, nữ diễn viên và ca sĩ, em gái của ca sĩ nhạc pop nổi tiếng Britney Spears. Tháng 12-2007, khi mới 16 tuổi, Jamie Lynn Spears tuyên bố có thai với bạn trai Casey Aldridge và sinh con năm 2008. Vụ việc đã gây tranh cãi một thời gian dài về trường hợp có thai tuổi vị thành niên. 

(**): Bristol Palin - con gái nữ TNS Sarah Palin, ứng viên phó tổng thống Mỹ - từng tham gia chương trình truyền hình thực tế “Nhảy với ngôi sao”. Tương tự Jamie Lynn Spears, Bristol Palin có thai năm 18 tuổi.

Khi nào ta nói cùng con?

Giáo dục giới tính và thái độ của người lớn

17/11/2012 12:22 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Giáo dục giới tính, nếu nhìn từ học đường, cần những chương trình bài bản, có tổ chức cho tuổi thiếu niên thì từ góc độ gia đình và xã hội, có thể thông qua những hoạt động thường ngày, rất bình thường cho trẻ em ngay từ tuổi mẫu giáo.

TTCT giới thiệu bài viết kết thúc loạt chuyên đề này.

Chưa bao giờ câu chuyện giới tính lại được nhắc đến nhiều như thời nay, đối với mọi lứa tuổi. Và việc giáo dục giới tính được quan tâm một cách tích cực, đôi lúc thái quá, khiến tôi tự hỏi không biết trước đây những tính nữ, tính nam hay thậm chí là các vấn đề của giới tính thứ ba không tồn tại hay sao mà chúng tôi vẫn sống hạnh phúc, không cần để ý tới chúng?

Gần đây, tôi được nghe rất nhiều chuyện của các bà mẹ hay kể cho nhau nghe. Họ hốt hoảng vì những thể hiện giới tính hay quan tâm đến tính dục (sex) một cách bất ngờ, lộ liễu và bất hợp lý ở những đứa con bé nhỏ trong độ tuổi mẫu giáo hoặc những năm đầu tiểu học. Những hành vi kỳ lạ, những lời trao đổi thì thầm qua lại về tình yêu, về “thích nhau”, về chuyện nam nữ... của các em bé khiến không ít bố mẹ bị sốc và chỉ biết tỏ thái độ bằng cách quát, mắng át đi.

Giáo dục giới tính thông qua việc trả lời câu hỏi của con

Những đứa trẻ từ khi bắt đầu làm chủ được ngôn ngữ thường khiến bố mẹ ong đầu vì những câu hỏi, trong đó có những câu hỏi khó. Chẳng hạn:

- Mẹ ơi, sao bạn Hoa lại ngồi tè?

- Vì sao buổi trưa con trai phải ngủ riêng, con gái phải ngủ riêng? Con thích nằm cạnh bạn Hoàng cơ, mà cô không cho!

Đó chính là những tìm hiểu đầu tiên về giới tính chính đáng cần được bố mẹ giải đáp rõ ràng, khéo léo, dễ hiểu chứ không phải lảng tránh hoặc lờ đi. Bắt đầu từ những hỏi - đáp như thế, bố mẹ có thể giáo dục giới tính cho con rất nhẹ nhàng và tự nhiên. Nếu bố mẹ có thói quen bỏ qua không đối mặt với những câu hỏi hóc búa của con hoặc những câu hỏi liên quan đến các vấn đề tế nhị như trên, không chóng thì chầy đứa trẻ sẽ tiếp cận nguồn thông tin khác để thỏa mãn tò mò của mình. Vô hình trung, đây chính là bước đầu tiên cho việc chính các phụ huynh bị sốc sau này khi bé con khoe những kiến thức thu nhặt được bên ngoài, từ các nguồn đáng tin hoặc chưa được kiểm chứng.

Thật ra, đứa trẻ rất dễ dàng thỏa mãn và nhanh chóng quên đi những băn khoăn khi được nghe một câu chuyện hợp lý và chứng kiến thái độ bình thản, không chút bối rối nào của cha mẹ. Theo tôi, đối với trẻ mẫu giáo và tiểu học, ý nghĩa giáo dục giới tính không nằm trong việc giới thiệu tỉ mỉ về bộ phận sinh dục, về các quá trình phát triển giới tính của con người. Điều này trẻ có thể được học muộn hơn một chút như một vấn đề khoa học.

Giáo dục giới tính cho trẻ ở tuổi mẫu giáo cần hiểu là xác lập cho trẻ một khái niệm chung về sự khác nhau giữa nam và nữ, hiểu được mình thuộc giới tính nào và cách thể hiện giới tính ấy trong cuộc sống thông qua các hành vi được coi là thích hợp. Trẻ cần được biết về cơ thể mình, cũng như những nguyên tắc xử sự tương tác với giới khác. Đôi khi chỉ đơn giản là ý niệm con trai rất nên “galăng” với con gái, hay con trai không nên đánh bạn gái, hoặc con gái ở nơi công cộng cần phải có tác phong kín đáo...

Giáo dục giới tính còn nằm ở chỗ: chỉ cho trẻ cách xác lập một định nghĩa về bản thân thông qua những câu chuyện tưởng chừng “xa xôi” về tình bạn, tình yêu, về những đồ vật mà em yêu thích, về màu sắc mà em thích dùng, những công việc mà bố (như đại diện cho tính nam) hay làm hằng ngày, những công việc mà mẹ (như đại diện cho tính nữ) hay làm thường ngày và em quan tâm đến công việc nào, thích làm việc nào hơn cả. Trẻ đồng thời cũng cần được biết cảm xúc yêu quý có thể có giữa nam và nữ, được biết vai trò của bố và mẹ như thế nào trong việc tạo dựng một gia đình và việc một đứa trẻ ra đời. Ở đây chỉ cần một chút khoa học và một chút tưởng tượng, bạn hoàn toàn có thể giải thích cho trẻ quá trình hình thành em bé như thế nào.

Ngoài ra, khi chúng ta hay nói đến việc chống kỳ thị những người đồng tính, thì việc cho các em biết về giới này cũng là một việc cần làm - cũng với thái độ bình thản, giản dị, để trẻ có thể tôn trọng sự khác biệt về giới tính của người khác như là tiếp nhận một hiện tượng xã hội hoàn toàn bình thường và đúng quy luật của tự nhiên. Chính những thông tin hoặc tín hiệu ẩn chứa nhiều thông tin như thế được đưa đến từ các nguồn tin an toàn là bố mẹ, thầy cô... sẽ dần tạo nên khái niệm về giới tính một cách đúng đắn ở đứa trẻ, dựa trên sự tiếp nhận về các giá trị quan trọng trong quan hệ xã hội như tình bạn, tình yêu - sẽ tránh được các phức tạp thường có khi trẻ đến tuổi dậy thì.

Giáo dục giới tính không thể đơn giản là một môn học tách biệt, mà trẻ phải được chuẩn bị để học môn học ấy bằng cách xây dựng một “phông” về cảm xúc, văn hóa, tri thức... từ khi còn nhỏ nhờ gia đình và xã hội, và cả từ thiên nhiên thông qua những bản năng vốn có của con người, sự tiếp nhận các vấn đề về giới tính qua việc bắt chước những người trong gia đình... Điều này chúng ta thấy rõ mỗi khi quan sát trẻ mẫu giáo chơi đồ hàng - trò vợ chồng, trò bố mẹ và con cái...

Giúp trẻ tự bảo vệ mình

Tuy nhiên nói đến vấn đề giới tính, chúng ta cũng không thể không nói đến những nguy hiểm đến từ bên ngoài ảnh hưởng tới trẻ với vấn đề tính dục. Những thông tin về trẻ em bị lợi dụng tình dục đã rung hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh và các nhà sư phạm - cần phải dạy trẻ điều gì để trẻ nhận biết các tình huống nguy hiểm và biết cách tự bảo vệ mình?

Đây là một việc khó, nhất là khi nói chuyện với trẻ lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, bởi nếu không khéo chúng ta có thể làm mất đi sự trong trẻo, hồn nhiên vốn có khi trẻ nhìn thế giới và con người. Vậy có lẽ quan trọng hơn cả là dạy trẻ biết làm chủ cơ thể mình, rằng “không ai, ngoài con, được quyền va chạm vào cơ thể của con vì người khác có thể làm con đau”.

Với trẻ ở tuổi dậy thì, các con cần được học khái niệm “lợi dụng tình dục” trong các giờ học chính khóa, cùng với các vấn đề về sinh trưởng của con người: những biểu hiện của nguy hiểm từ bên ngoài, đến từ một người khác và những hậu quả mang tới. Tiếp đó mới là các bài tập phòng tránh thông qua các câu hỏi trắc nghiệm, các bài tập lựa chọn tình huống để trẻ có thể biết cách tự bảo vệ mình ngay từ khi có những biểu hiện đầu tiên gợi lo lắng, chứ không phải đợi đến khi tình huống xảy ra đã quá rõ ràng và khó có lối thoát.

Ở đây, vai trò của bố mẹ hoặc giáo viên rất quan trọng. Họ phải vượt qua được cảm giác ngại ngùng khi bàn vấn đề này với trẻ và tỏ ra rất bình thản, đúng mực, không hoảng hốt. Thái độ đó khiến trẻ nhìn vấn đề một cách khoa học hơn và cũng không quá lo sợ khi nhìn ra thế giới. Thêm vào đó, người lớn phải có thái độ chấp nhận và đối mặt với bất kỳ vấn đề gì trẻ nêu ra, cũng lại một cách bình thản, để giữa trẻ và người lớn có thể có những thảo luận thật sự, chân thành, không e ngại, cũng không tự đánh lừa mình rằng “con/học trò của mình còn quá bé, chưa biết đến điều này đâu”!

Thái độ tôn trọng, bình tĩnh, tiếp nhận vấn đề và sẵn sàng cùng giải quyết bất kỳ vấn đề nào của trẻ là thái độ cần có trong giáo dục giới tính.

THỤY ANH (TS giáo dục)

EU làm như thế nào?

Ở Hà Lan, hầu như mọi trường cấp II đều có các bài giảng về giáo dục giới tính - một phần của môn sinh học, hơn một nửa trường tiểu học có thảo luận về tình dục và tránh thai. Truyền thông đã khuyến khích đối thoại công khai và chương trình chăm sóc sức khỏe đảm bảo một cách tiếp cận bí mật và không phán xét. Hà Lan có tỉ lệ mang thai vị thành niên ở hàng thấp nhất thế giới, và cách tiếp cận của Hà Lan thường được các nước khác coi là hình mẫu.

Ở Thụy Điển, giáo dục giới tính trở thành chương trình bắt buộc trong giáo dục học đường từ năm 1956. Môn học được bắt đầu từ tuổi lên 7-10 và tiếp tục ở những lớp cao hơn, có liên hệ chặt chẽ với những môn như sinh học và lịch sử.

Ở Anh và Xứ Wales, giáo dục giới tính trong trường học không phải là môn bắt buộc do có nhiều bậc cha mẹ e ngại không muốn cho con tham gia. Chương trình nhắm vào việc giảng dạy hệ thống sinh sản, sự phát triển của bào thai và những thay đổi tâm sinh lý của tuổi thiếu niên, trong khi thông tin về việc ngừa thai và an toàn tình dục thì tùy ý và việc thảo luận về quan hệ tình dục thường được bỏ qua. Anh hiện là nước có mức có thai tuổi thiếu niên cao nhất châu Âu và giáo dục giới tính là vấn đề nóng bỏng trong chính phủ cũng như các báo cáo y tế.

Năm 2000, theo một nghiên cứu của Đại học Brighton, nhiều thiếu niên 14-15 tuổi thất vọng với nội dung các bài học giáo dục giới tính. Giới trẻ cảm thấy việc thiếu tin cậy đã ngăn cản họ đặt những câu hỏi cho thầy cô giáo về vấn đề phòng tránh thai. Một nghiên cứu năm 2008 của chương trình YouGov cho kênh 4 truyền hình cho biết: 3 trong 10 thiếu niên nói họ cần nhiều hơn kiến thức về tình dục và giáo dục giới tính.

Thế giới không phẳng

Năm 2013, nếu được chọn nơi sinh ra...

01/12/2012 09:32 (GMT + 7)

TTCT - Tuần san The Economist vừa công bố bảng xếp hạng những quốc gia tốt nhất trên thế giới cho một đứa trẻ được sinh ra năm 2013... Đã có không ít thay đổi kể từ lần xếp hạng đầu tiên năm 1988.

TTCT trích giới thiệu bảng xếp hạng này.

Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư thành công nhất thế giới, có lần đã nói mọi thứ tốt đẹp đến trong cuộc đời ông là nhờ ông sinh ra đúng nơi (nước Mỹ) và đúng lúc (1930). Quả thật, 25 năm trước, lúc The World in 1988 xếp hạng 50 quốc gia tốt nhất để sinh ra khi ấy, nước Mỹ đứng đầu bảng. Nhưng nay thì đâu là nơi 

tốt nhất?

Đơn vị tổ chức xếp hạng - Economist Intelligence Unit (EIU) - cho biết năm nay đã "tổ chức một thống kê nghiêm túc". Chỉ số chất lượng cuộc sống của bảng xếp hạng này gắn kết quả của các nghiên cứu về sự hài lòng cuộc sống có tính chủ quan - trong đó người thăm dò được hỏi họ hạnh phúc thế nào - với những yếu tố quyết định có tính khách quan về chất lượng cuộc sống của các nước. Dĩ nhiên, sự giàu có vẫn là tiền đề mạnh mẽ nhất nhưng không phải là tất cả. Những yếu tố khác như tội ác, niềm tin vào các định chế công và sự lành mạnh của đời sống gia đình vẫn có những tác động nhất định.

Tổng cộng có 11 chỉ số quan trọng nhất, trong đó có những nhân tố cố định (như địa lý), những nhân tố thay đổi rất chậm theo thời gian (như nhân khẩu học, nhiều đặc điểm xã hội và văn hóa); trong khi một số nhân tố khác lại tùy thuộc vào chính sách và tình trạng kinh tế đất nước đó. Bảng xếp hạng này sử dụng dự báo kinh tế của EIU cho năm 2030, tức cột mốc mà một đứa trẻ sinh ra năm 2013 bước vào tuổi trưởng thành.

Năm quốc gia tốt nhất theo thống kê này, theo thứ tự từ 1 đến 5 là Thụy Sĩ, Úc, Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch. Những nền kinh tế nhỏ dẫn đầu tốp 10, một nửa trong số này là các nước châu Âu và trong số các nước khu vực đồng euro chỉ có duy nhất Hà Lan lọt vào tốp đầu này. Mỹ, nơi những đứa trẻ sinh ra năm 2013 sẽ phải thừa hưởng những món nợ khổng lồ của thế hệ cha anh tiêu xài hoang phí, tụt xuống hạng 16. Và các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), mặc cho sự năng động kinh tế cũng không ghi điểm tốt.

Việt Nam trong bảng xếp hạng này được chấm 5,64 điểm và đứng hàng 68 (trong số 80 quốc gia và lãnh thổ được xếp hạng). Từ châu Á, Singapore dẫn đầu (hạng 6), tiếp theo là lãnh thổ Hong Kong (10), Hàn Quốc (19) và Nhật (25).

Giới thiệu bảng xếp hạng, Laza Kekic, giám đốc bộ phận dự báo quốc gia của EIU, đã đưa ra vài gợi ý cho những cuộc tranh luận quanh bảng xếp hạng này. Ông nhắc lại năm 1988, khi Mỹ giữ vị trí quán quân, đã có người mai mỉa về "nhân tố Philistia" (người định cư ở Philistia thế kỷ 12 trước Công nguyên, ở đây hàm ý chỉ thiên về đời sống vật chất mà nghèo nàn về tinh thần) và "chỉ số Yawn" (tuy có nhiều ưu điểm nhưng lại rất buồn chán). Ông nhắc lại hai chỉ số này cho trường hợp Thụy Sĩ năm nay.

Trong bộ phim Người thứ ba (do Orson Welles đạo diễn năm 1949), nhân vật Harry Lime có câu nói nổi tiếng là: "Nước Ý trong 30 năm dưới thời giáo triều Borgia đã có chiến tranh, khủng bố, tội ác... nhưng lại sản sinh ra Michelangelo, Leonard de Vince và thời kỳ Phục hưng; còn Thụy Sĩ trong suốt 500 năm hòa bình và dân chủ chỉ sản xuất có mỗi đồng hồ đánh chuông cúc cu!". Vậy thì bạn sẽ chọn sống ở đâu? Một đất nước tốt đẹp nhưng buồn chán hay một đất nước đầy biến động với những tài hoa?

Dù sao, đâu có đứa bé nào có thể chọn nơi nó sinh ra! Chẳng trách bảng xếp hạng được The Economist gọi tên là "Xổ số cuộc đời".

Một trong những công cụ được EIU sử dụng là cuộc thăm dò Gallup năm 2006 xếp hạng “Sự hài lòng cuộc sống” của 130 quốc gia.

Các biến số độc lập trong việc dự báo “Sự hài lòng cuộc sống” này bao gồm: GDP đầu người, tuổi thọ, chất lượng đời sống gia đình (dựa trên mức ly dị), bảo đảm công ăn việc làm (đo bằng mức thất nghiệp), khí hậu (đo bởi hai biến số: độ lệch bình quân của nhiệt độ tối đa và tối thiểu hằng tháng từ 140C; và số tháng trong năm có lưu lượng mưa dưới 30mm), xếp hạng an toàn thực thể cá nhân (dựa trên số vụ án giết người ghi nhận được cùng với đe dọa tội ác và khủng bố); chất lượng đời sống cộng đồng (dựa trên việc tham gia của cá nhân vào các tổ chức xã hội), trình độ quản trị (dựa trên xếp hạng tham nhũng), bình đẳng giới (đo bằng số ghế của nữ đại biểu trong quốc hội).

MINH THƯ (Theo The Economist)

Sống cùng công nghệ cao

Hãy thử "ngắt cầu dao điện"!

02/12/2012 11:29 (GMT + 7)

LTS: Hưởng ứng loạt Câu chuyện cuộc sống mới về việc giới trẻ quá sa đà trên thế giới ảo là tâm sự của hai bà mẹ. TTCT trích giới thiệu.

So ra, ông bảo, an tâm hơn ông ngày xưa vừa học không giỏi lại ham chơi, phá phách nổi tiếng ở trường.

Một hôm có người đến tìm cậu con hỏi mua một cây kiếm rao bán trên mạng. Ông bố giật mình, con ông có bao giờ đem “đồ hung của dữ” này về nhà? Lộn địa chỉ chăng? Quan sát đối tượng tóc nhuộm vàng, một tai xỏ khuyên, ông càng khẳng định chắc chắn không phải đến tìm con mình. Tuy nhiên, hỏi ra mới thấy đúng tên thật, địa chỉ nhà. Hoảng hồn ông truy vấn tới nơi, tá hỏa khi biết thằng con rao bán cây kiếm với giá 2 triệu đồng (cây kiếm ảo trong một trò chơi online).

Hỏi tới ông bố mới biết con ông thuộc loại game thủ có số má đạt đến trình độ cao rồi! Sau đó ông còn biết thêm số giờ con ông đến lớp ít hơn nhiều ngồi đồng ở tiệm game. Tất cả những điều bí mật (đối với ông), bà vợ ông bao thầu hết. Đã vậy còn cung cấp tiền cho thằng con. Chậm còn hơn không, may mà ông bố phát hiện kịp thời từ cây kiếm ảo.

2. Thời công nghệ số phát triển rất nhanh như bây giờ, thú thật ngay như tôi, một bà mẹ hơn 50 tuổi, cũng có những đam mê từ thế giới ảo. Tôi có thể bỏ nhiều giờ liền vào các diễn đàn nghiên cứu về tính năng của một loại điện thoại hay máy ảnh nào đó mà tôi dự định mua. Và khi tậu được rồi, tôi mất khá nhiều thời gian tìm hiểu các ứng dụng.

Tuy không chơi điện tử như giới trẻ, nhưng tôi phải thừa nhận rằng đã sống với máy vi tính hơi bị nhiều. Phần do công việc, nhưng không thể chối cãi đó là sức hấp dẫn của thế giới mạng. Tìm gì cũng có, bí gì cũng giải quyết được ngay. Từ một bài thuốc cho đến cách nấu một món ăn… Tôi có thể tán chuyện với bạn bè khắp năm châu, thậm chí có thể khoe ngay với bạn bè trên thế giới tấm hình nơi tôi đang đứng hay đoạn clip tôi đang quay. Nói chung, tôi thấy không sa vào thì thôi, vào rồi rất khó… thoát ra.

Từ kinh nghiệm chính bản thân mình, tôi thấy bọn trẻ đam mê thế giới ảo hoàn toàn có thật và chúng luôn thích thú khi có điều kiện để ngồi vào máy vi tính. Đứa con trai 17 tuổi của tôi cũng vậy. Đi đâu thì thôi, về nhà là bật ngay máy vi tính. Nếu cấm vi tính, nó ôm điện thoại. Từ chiếc điện thoại bé tí xíu nó vẫn có thể giao lưu toàn cầu và cũng đủ trò chơi trong đó. Thậm chí, tôi cũng biết được con tôi không chỉ chơi ở nhà mà còn hẹn hò bạn bè ra quán net. Theo chúng, cấu hình máy ngoài quán mạnh hơn ở nhà, có thể chơi cùng lúc nhiều bạn với nhau…

Đã đến lúc cha mẹ phải chấp nhận sự thật rằng thế giới ảo đã chiếm phần lớn thời gian của con người thế giới thật, phải thở cùng với nó. Nhiều người đã đặt câu hỏi về mối quan hệ của con người trong tương lai khi mà mọi sự việc trong hiện tại đều qua màn hình vi tính, người ta không cần nhìn nhau, ngay cả khi ngồi cùng với nhau! Thử quan sát bọn trẻ đang chơi game online, chúng chỉ nhìn vào màn hình và đâu cần nhìn vào người chơi. Hay bạn bè ngồi cà phê với nhau mà ai cũng chăm chăm vào màn hình điện thoại, máy tính bảng.

Bây giờ rất ít thấy những nhóm bạn trẻ sinh hoạt ngoài đời. Tôi thấy ở lớp con tôi mọi thứ đều liên lạc qua mạng. Nghỉ học báo qua mạng, bài học trao đổi qua mạng… Cuối năm, bảng điểm tổng kết lớp cũng được gửi cho tất cả bạn bè trong lớp qua email hay chat. Thậm chí, giờ đây nhiều thầy cô phải tạo ra trang Facebook riêng của mình để liên lạc với học sinh.

Mới thấy rằng từ năm lớp 8, tất cả học sinh đều được trang bị kiến thức máy tính và có điều kiện sống trên mạng ảo. Và cho đến khi vào được đại học rồi chẳng hạn, tôi thấy nhiều bạn trẻ có thêm điều kiện “cày game”, ăn, ngủ cùng thế giới ảo. Không còn áp lực bài học và sự kèm cặp của bố mẹ như thời phổ thông, khẳng định được sự trưởng thành qua tuổi 18… Tôi biết có nhiều bạn trẻ không qua được ải đại học vì không có sự kiểm soát của cha mẹ.

3. Ai cũng biết rằng game máy tính rất dễ nghiện và đó là thử thách cho các bậc cha mẹ. Nhưng không phải đứa trẻ nào ngồi vào máy tính đều nghiện. Một bà mẹ cho rằng tốt nhất là hãy canh bọn trẻ và “rút phích cắm”, như thế là đủ rồi và chúng phải đứng lên. Thậm chí, có lần bực mình vì đứa con trai 15 tuổi ngồi trước màn hình vi tính quá lâu, bà bèn tắt cầu dao điện. Coi như cúp điện! Có thế bà mới lôi được đứa con lên sân thượng cùng bà chăm sóc cây cảnh.

Có một đứa trẻ hỏi rằng tại sao lúc nào cũng thấy mẹ ngồi máy tính, đi làm về mẹ cũng mở máy tính ngay? Câu trả lời nào của mẹ cũng khó thuyết phục bọn trẻ con. Đâu phải mẹ ngồi máy tính chỉ có làm việc? Mẹ cũng chat, lướt net, thậm chí con còn bắt quả tang mẹ chơi game nữa cơ!

Tùy theo điều kiện, mỗi gia đình phải có cách khống chế thời gian con cái ngồi máy tính. Nhiều người khuyên rằng thôi thì trong “tam thập lục” cách, hay nhất là “tắt quách cái cầu dao”, kéo con cái tham gia các hoạt động ngoài trời, đọc sách, vẽ tranh, lao động tay chân, chơi thể thao…

Tất nhiên đây là việc không đơn giản, đòi hỏi không chỉ quyết tâm của cha mẹ mà còn là thái độ làm gương. Trò chuyện với con, đi chơi cùng con, thậm chí có bà mẹ phải đánh đòn tâm lý “thương mẹ” của đứa con… Tất cả những điều đó đều là những cách “cắt cầu dao” và phải quyết tâm ngay từ khi con cái bắt đầu chập chững bước vào thế giới ảo!

TÂM AN

Là mẹ của hai đứa con ở tuổi teen, tôi rất thấm thía chủ đề Câu chuyện cuộc sống kỳ này. Câu hỏi nên sống thế nào trong một thế giới có quá nhiều “đồ chơi” nhờ sự phát triển vũ bão của công nghệ truyền thông cũng là câu hỏi âm ỉ trong gia đình tôi. Âm ỉ là bởi nó chưa bộc lộ những vấn đề lớn, nhưng không phải vì thế mà không cần những quan tâm đúng mức.

Con gái tôi thuộc thế hệ 9x đời đầu, lớn lên cùng với sự du nhập Internet vào VN và tiếp đó là rất nhiều tiện ích ngày càng cập nhật, nên có một thói quen kỳ lạ: chỉ học bài trên nền...Internet. Nhiều lần tôi nhắc con tắt máy để tập trung thì nhận được câu trả lời mà tôi không hiểu nổi: chính mở mạng như thế con học mới vô. Và cứ thế, nó vừa học vừa nghe nhạc, vừa xem Facebook, đôi khi trả lời cả những lời nhắn bạn bè từ đâu đó bất ngờ “buzz”! Mà kết quả học tập của con lại không có gì đáng chê trách, nên tôi đành đầu hàng thói quen kỳ lạ (?) này của con gái.

Con trai tôi đang tuổi teen, đi học về là bật máy ào vào xem... kết quả bóng đá. Khác với chị mình, cháu phải tập trung mới học bài được, nhưng thời gian còn lại ngoài việc học bài (mà cháu dành cho rất ít thời gian) chính là... net. Ngoài “món” bóng đá, trên mạng con trai tôi còn xem phim, nghe nhạc, chat chit, chơi game, thậm chí tập đàn piano qua những bài hướng dẫn trên Internet. Lợi hại cứ thế trộn lẫn vào nhau, tôi chỉ còn biết... lâu lâu “rình” sau lưng để xem con mình đang ở “chỗ nào” trên thế giới ảo. Nhưng dĩ nhiên, như tác giả Thi Trang, tôi cũng biết sự giám sát của mình chỉ có tính chống chế, chủ yếu để... chính mình yên lòng; chứ không thể là phên giậu che chắn hết mọi hiểm họa mà cái màn hình nhỏ ấy có thể mang tới.

Tôi đoán có lẽ cách tốt nhất để cùng con đi qua những tháng ngày này là trang bị cho chúng nội lực đủ để tự vệ. Nội lực đó là những cuộc trò chuyện, tâm tình để chúng hiểu thêm những mặt lợi bất cập hại của thế giới ảo. Nội lực đó là những lúc ta cố lôi chúng ra khỏi màn hình, đưa chúng đi xem phim ngoài màn ảnh rộng, đi dã ngoại những ngày cuối tuần, hoặc ít ra là tham gia những cuộc họp mặt gia đình.

Tôi hỏi những bạn bè mình và được học thêm những cách thức khác: một chị bạn thường đưa con đi làm công tác từ thiện ở nhiều nơi, bằng nhiều hình thức khác nhau vào cuối tuần. Có người ra “kèo” cho con đọc sách. Nếu con đọc được một cuốn sách hay thì thưởng cho cháu một khoản tiết kiệm. Một anh bạn thì kéo con vào các hoạt động thể thao. Một anh bạn khác thậm chí hi sinh cả thú vui cuối tuần của mình để đưa con tới chơi ở nhà văn hóa nhằm “cai” cho con khỏi nghiện trò chơi trên mạng.

Tất cả những hoạt động này nhằm để bọn trẻ hiểu là ngoài thế giới mạng còn có một cộng đồng xã hội thực không kém thú vị nếu ta dấn thân nhiều hơn, sống nhiều hơn.

Có lẽ cuối cùng cũng phải thú nhận lợi ích của Internet là không thể chối cãi. Chính lướt web tôi mới biết là chúng ta đang sống trong một cái “bẫy tốc độ” của công nghệ cao (từ của tác giả một bài báo trên Newsweek Andrew Blum sau vụ xìcăngđan do bộ phim Sự ngây thơ của người Hồi giáo mang tới). Và để khỏi phải sập bẫy, sự thận trọng và tỉnh táo là cần thiết.

Xem các bộ phim Hollywood, bạn trẻ nào chẳng nằm lòng câu nói mà các thanh tra, cảnh sát đọc cho tội phạm trước khi giải họ đi: “Những gì anh nói có thể chống lại anh”, nên bạn có thể nhắc các con mình lời khuyên của tiến sĩ Laura Berman: Những gì con lưu dấu trên mạng, dù đã “delete” nhưng nó sẽ không bao giờ mất đi. Nó vẫn ở đó mãi mãi. Nhiều người (các nhà tuyển dụng, các bạn học) có thể tiếp cận những thông tin này và không hiếm khi nó có thể được sử dụng để chống lại con!

NGUYỄN THU THANH (TP.HCM)

Muốn con thành đại bàng, phải hất chúng xuống vực

08/12/2012 18:29 (GMT + 7)

TTCT - Làm cha mẹ là việc khó! Khó nhất là nuôi dạy con đạt được những kỳ vọng của cha mẹ. Cha mẹ muốn con nối nghiệp mình, hơn mình mọi mặt nhưng lại không đủ nhẫn tâm nhìn con tự đương đầu với thực tế khắc nghiệt.

Sống cùng công nghệ cao:

LTS: Tham gia cuộc thảo luận về việc làm thế nào để “sống sót” trong một thế giới có quá nhiều “đồ chơi” (xem TTCT số ra ngày 25-11 ) là hai ý kiến có phần lạc quan. Các tác giả kêu gọi người lớn đừng chống lại “ông thầy Internet không mời mà đến”, mà hãy tin để cùng giới trẻ vượt qua thử thách.

Cho nên mới có những bà mẹ khóc vì con mình quen người lạ trên mạng, hay thảng thốt khi thấy con xem phim cấp ba; những ông bố nổi trận lôi đình cắt nát bộ quần áo thiếu vải của con gái vì bắt chước cô người mẫu trên Facebook.

Không nên trầm trọng hóa

Phải thừa nhận rằng các bạn trẻ hiện nay tiếp cận với công nghệ mới khá nhanh nhạy. Đó là lý do chính khiến cha mẹ cảm thấy bất an, nhất là những bậc cha mẹ sinh ra vào khoảng thập niên 1960, thời đại của những cánh đồng xanh ngát, bờ đê trải dài hay những tình cảm ngọt ngào trong trẻo của Em tan trường về, mưa bay mờ mờ. Anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở. Ép vào cuối vở muôn thuở còn thương, còn thương (1).

Những kinh nghiệm đầu đời khiến cha mẹ vẽ nên một “giáo trình” dành riêng cho con cái của mình. Nhưng bọn trẻ có lý lẽ riêng của chúng. Với chúng, những suy nghĩ của cha mẹ không thật và thực tế bằng những thông tin mà chúng tìm được trên mạng (Ít nhất là nhìn tận mắt, nó khác xa với điều mà cha mẹ kể: mắt không thấy mà tay cũng không chạm vào được). Do đó, chúng tiếp tục với hành trình của chúng mà không chút đếm xỉa đến những gương mặt đang héo hon của các bậc phụ huynh.

Phải chăng trong những tiếng kêu than trách móc Internet đang cướp mất những đứa trẻ ngoan là cảm giác bất lực của các bậc cha mẹ vì không tìm ra cách thức giao tiếp với con? Cha mẹ thường mặc định đứa trẻ từ 3-18 tuổi không lường trước được những khó khăn của cuộc sống, nên những lời dạy bảo của cha mẹ là liều thuốc quý chúng nên trân trọng. Tuy vậy, những bậc cha mẹ ấy hình như đang quên mất thời tuổi trẻ của họ. Thời của những thanh niên hăm hở khám phá thế giới với sự hồn nhiên và và táo bạo tuổi trẻ. Họ muốn đập phá xây lại, thử và nếm, tò mò và háo hức.

Có gì khác biệt với những đứa trẻ của 20 năm sau tò mò với các mối quan hệ trên mạng xã hội, háo hức với các phát hiện về giới tính và muốn nếm trải cảm giác làm một người trưởng thành được tự quyết định mọi thứ? Những đứa trẻ đang được cha mẹ liệt vào danh sách hư hỏng, không thể dạy bảo do ảnh hưởng của Internet chẳng qua đang thể hiện đúng với bản chất của lứa tuổi chúng - là một điều rất bình thường mà các bậc phụ huynh không nên trầm trọng hóa.

Hướng dẫn con làm quen với thực tế

Có một câu chuyện về gia đình đại bàng: đại bàng con khi đã đủ lớn thường được chim mẹ dẫn đến những hẻm vực sâu. Bài học bay đầu tiên là cú hất của chim mẹ để những đôi cánh bé nhỏ phải đập liên hồi chống chọi lại những cú rơi tự do xuống vực thẳm. 20% đại bàng con đã chết do không vượt qua được thử thách này, nhưng mỗi năm đại bàng mẹ vẫn đẩy con mình xuống những hẻm núi. Không vượt qua được những cú đập cánh đầu đời, đại bàng con không thể trở thành biểu tượng của sự dũng mãnh mà chúng ta đang thấy ngày nay. Đó là sự thật về những con đại bàng - loài vật kiêu hãnh, luôn ngự trên những đỉnh núi cheo leo, khắc nghiệt gió và tuyết.

Câu chuyện về bài học bay đầu đời của đại bàng con làm dấy lên câu hỏi: chim mẹ có lường được hiểm nguy mà chim con phải đối mặt khi hất chúng xuống núi không? Để trở thành chim mẹ ngày hôm nay, đại bàng mẹ chắc chắn đã phải đối mặt với vực thẳm ít nhất một lần trong đời. Nó biết hiểm nguy mà chim non gặp phải nếu không cố gắng thắng được những cơn gió và sức hút của vực sâu. Nó hiểu điều đó, nhưng vẫn muốn chim non phải tham gia thử thách sống còn. Bởi lẽ nó biết chim non lớn lên có thành đại bàng hay không tùy thuộc vào khả năng chiến thắng tự nhiên của nó.

Ở một khía cạnh nào đó, việc cha mẹ đặt kỳ vọng vào con cũng giống như cách đại bàng mẹ hất con xuống núi. Sẽ không có đại bàng trên bầu trời cũng như không có những người thành công trên đời nếu không có những cú huých đầu đời. Nhưng đáng lẽ phải như đại bàng mẹ cho con thấy ý thức được sự khắc nghiệt của cuộc sống, thì nhiều bậc cha mẹ lại bao bọc con mình và đưa ra các quy tắc an toàn dựa trên kinh nghiệm người lớn của mình. Chính vì thế, sự ưa thích khám phá của lũ trẻ bị tổn thương và chúng trở nên nổi loạn trong mắt cha mẹ, hoặc chúng mãi mãi chỉ là những con gà đại bàng, không bao giờ cất nổi cánh lên trời, chôn vùi ước vọng về một ngày chim non sẽ tung cánh đại bàng của cha mẹ.

Công nghệ thông tin ngoài những mặt tiêu cực còn chứa nhiều tác động tích cực đối với xã hội. Ngăn cấm hay cách ly hoàn toàn với công nghệ không phải là một giải pháp khả thi. Việc của cha mẹ là biến mình thành những đại - bàng - mẹ sẵn sàng hất con xuống vực, cho những chú chim non làm quen môi trường thực tế với sự hướng dẫn về các quy tắc an toàn tối thiểu. Chim non sẽ tự đập cánh và chịu trách nhiệm về hành động của mình trong sự quan sát và điều chỉnh kịp thời của cha mẹ. Làm một đại bàng mẹ tốt hơn làm một bà mẹ lo âu và rầu rĩ!

DUY HƯƠNG

(1): Ngày xưa hoàng thị - thơ: Phạm Thiên Thư, nhạc: Phạm Duy

1. Đành rằng Internet là một “ông thầy không mời mà đến” dạy cho con cái chúng ta tất tần tật những điều tốt lẫn cái xấu nhưng tại sao chúng ta phải chống lại ông thầy đầy hấp lực đó, sao không hướng dẫn con lựa chọn cái tốt để học tập và loại bỏ cái xấu?

Trước đây trong lớp “học kỹ năng làm cha mẹ” do cố thạc sĩ xã hội học Nguyễn Thị Oanh hướng dẫn, những bậc cha mẹ chia nhau ra làm nhiều nhóm nhỏ để thảo luận về đề tài “Chống lại tác hại của Internet”. Nhóm chọn cách không để máy tính ở phòng riêng của con mà để máy tính tại phòng khách để cha mẹ lui tới kiểm soát, nhóm thì chọn cách cài password để con chỉ dùng máy khi cha mẹ cho phép, nhóm lại chọn cách hạn chế tối đa việc dùng máy, thậm chí cấm dùng khi không cần tra cứu tài liệu.

Cuối cùng giải pháp tối ưu được cô Oanh khen ngợi là của nhóm chọn cách nói chuyện với con về cái tốt và cái xấu của Internet, sau đó dùng sự tin tưởng mà trao cho con quyền lựa chọn. Với nhóm này, bọn trẻ có thể vào net khi nào chúng muốn, xem những trang nào thích mà không cần sự kiểm soát quá chặt chẽ từ cha mẹ. Dĩ nhiên cha mẹ sẽ quy định thời gian sử dụng vi tính tối đa không quá hai giờ mỗi ngày. Bởi nếu cài password cho máy hay kiểm soát gắt gao bằng nhiều cách khác có thể dẫn tới nhiều hệ quả xấu khác.

Theo kết quả nghiên cứu của những người làm công tác giáo dục dày dạn kinh nghiệm, niềm tin vào con cái là một điều hết sức quan trọng. Niềm tin của cha mẹ khiến con tự thấy có trách nhiệm với bản thân mình và tự điều chỉnh thái độ, hành vi theo chiều hướng tốt mà cha mẹ kỳ vọng. Niềm tin của cha mẹ khiến con thấy mình có giá trị và được yêu thương. Con sẽ trở nên mạnh mẽ, lạc quan, kiên quyết  và tự tin.

2. Khi trẻ vị thành niên gắn bó với Internet, ngồi giữa bốn bức tường, ít tiếp xúc với thế giới thực, cảm xúc của chúng sẽ dần chai sạn. Chúng có thể “chém gió” lung tung trên Facebook nhưng lại là một đứa trẻ “sợ đủ thứ” và không dám nói lên ý kiến của mình trước đám đông, thậm chí không có chính kiến gì rõ ràng.

Muốn có một thứ thay thế Internet, người làm cha mẹ phải tìm một sân chơi khác cho trẻ, đánh thức một đam mê, năng khiếu nào đó của trẻ. Một chị bạn đồng nghiệp của tôi có con gái tuổi teen mê net nặng, luôn học đòi các siêu sao về mọi thứ. Cháu hết online tới offline với một fan hâm mộ nhóm nhạc nữ Hàn Quốc nào đó.

Sau khi tư vấn chuyên viên tâm lý, chị tìm cách gần con, trò chuyện và khéo léo chuyển con sang một đam mê mới là làm búp bê gỗ, hoa đất sét vì cô bé này có khiếu mỹ thuật và rất khéo tay. Dần dần con chị có một thu nhập nhỏ từ đam mê của mình, vậy là nó thôi không quan tâm tới ban nhạc thần tượng nữa mà chuyên tâm hướng dẫn một số trẻ khác muốn học nghề của nó. Cô bé ấy đã tìm thấy giá trị thật sự của mình, sự khác biệt của bản thân khi được là “thầy” dạy nghề cho các em nhỏ hơn.

Một người bạn khác của tôi là bác sĩ có con trai duy nhất đang học đại học năm nhất bỗng nhiên nghiện chat sex. Anh bạn thấy được, tỏ ra rất bình tĩnh, anh nói chuyện với con chân tình và cùng con tổ chức đi “phượt” vào  mỗi cuối tuần. Không bao lâu sau, cậu tỏ ra mê mẩn chuyện “xách balô lên và đi” cùng bạn bè hay cùng ba mình. Cứ mỗi chuyến đi cậu lại bắt đầu ghi chép và hi vọng sẽ ra một tập truyện ký hấp dẫn nhất. Chuyện chat sex dần không còn chút hứng thú nào với cậu.

3. Để xóa một hành vi, một thói quen xấu thì bao giờ cũng cần thay thế bằng một hành vi tốt, một thói quen tốt. Cha mẹ cần hiểu con, hiểu năng khiếu, khả năng trí tuệ  của con. Cha mẹ vừa khuyến khích vừa tạo điều kiện cho con rời bốn bức tường và bước ra ngoài cuộc sống, tách con ra khỏi chứng nghiện net ở thời điểm sớm nhất có thể. Càng trễ bao nhiêu, việc thay đổi thói quen càng khó khăn bấy nhiêu.

Thay vì chống lại Internet, chúng ta hãy học nó và hướng dẫn cho con. Hãy biết tin và tôn trọng con để tạo cho con những cơ hội thay đổi chính mình.

BẢO NHI 

(chuyên viên tư vấn tâm lý học đường)

Sống cùng công nghệ cao:

LTS: Tham gia Câu chuyện cuộc sống kỳ này là bài viết của một thầy giáo và một học sinh, cùng chung một kinh nghiệm: nếu người lớn như thầy cô, cha mẹ thật sự quan tâm thì giới trẻ sẽ không dễ dàng ”biến mất” trong thế giới ảo.

Khi trẻ không có sự chọn lựa...

TTCT - 1. Laptop, iPad, iPhone vẫn là cái gì đó xa lạ với học sinh xa thành phố như nơi tôi đang dạy. Thế nhưng chúng vẫn là điều khao khát ở bất kỳ trẻ nào khi được hỏi.

Bây giờ điện thoại di động loại rẻ tiền cũng chứa đầy trò chơi nên các em tạm thỏa mãn nhu cầu của bản thân.

Khi gia đình và nhà trường chung tay khép chặt học sinh bằng lịch học và sinh hoạt khá kín, các em có giảm thời gian đến các tụ điểm Internet nhưng bù vào đó là tăng cường sử dụng điện thoại để giải trí. Ngành giáo dục cũng đã thực hiện nhiều cách để đưa các em về lại với thế giới thực, ví dụ như các trường khuyến khích học sinh chơi các trò chơi dân gian trong giờ nghỉ chẳng hạn. Các hình vẽ cho trò chơi: ô ăn quan, nhảy lò cò... được vẽ kín mặt sân trường.

Thế nhưng xem ra chỉ có học sinh tiểu học là còn thích thú chứ học sinh trung học đến giờ giải lao là cầm ngay lấy điện thoại hay máy chơi game mà thôi. Cũng dễ hiểu là các em đã lớn rồi. Cách ăn mặc cũng không còn phù hợp để ra sân chơi nhảy dây, kéo co, đánh đũa nữa. Một số trường đồng phục nữ sinh là váy ngắn lại càng hạn chế các em tham gia.

Nhưng điều đáng nói là ngay cả ở các trường gọi là vùng xa, vùng sâu thì trò chơi công nghệ cao cũng là điều thu hút các em lớn nhất. Chỉ một việc các phần mềm viết cho các trò chơi này cực kỳ công phu, hấp dẫn, luôn kích thích người chơi vươn đến chiến thắng là đủ thu hút các em rồi. Học sinh nam mê các trò chơi đậm tính bạo lực, học sinh nữ thích vào các trang ca nhạc, phim ảnh nước ngoài.

Có một số em tự hào xưng danh bản thân là cư dân của cộng đồng mạng, sẵn sàng lao vào các cuộc khẩu chiến vì thần tượng của mình mà quên mất bao công việc cha mẹ chờ phụ giúp ở nhà. Một số học sinh cho tôi biết là trò chơi của nước ngoài vô cùng hấp dẫn, đã chơi thì khó mà rút ra được. Cha mẹ bận lo sinh kế cũng không thể nào quản lý được con. Mối quan hệ trên mạng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro mà lành ít dữ nhiều.

2. Từng mất khá nhiều thời gian vào game, tôi hiểu được vì sao học sinh của mình thức dậy từ lúc trời chưa sáng, đạp xe hàng mấy cây số để tụ họp trước các điểm Internet chờ mở cửa là vào tiếp tục game của ngày hôm qua và quên đi cái đói cồn cào, tất nhiên quên cả việc học bài để khi sắp đến giờ vào học là tất tả đạp xe đi. Những em nào không đủ sức thắng sự cám dỗ của game, việc bỏ học là chắc chắn.

Câu hỏi làm thế nào để các em sống với thế giới thực tại luôn ray rứt trong tôi. Cấm thì không thể. Tôi thực hiện một số việc như thông báo đến từng em rằng đã đến lớp, mỗi em phải hạn chế tiến tới không chơi game, không vào Facebook, không chat... trong buổi học. Cấm tuyệt đối thì không thể dù Bộ Giáo dục và đào tạo đã nghiêm cấm học sinh mang điện thoại tới trường nên đành nhắc các em tắt nguồn, cất vào cặp sau khi không quên thông tin đến học sinh là nếu đi thi mà bị phát hiện có mang theo điện thoại thì coi như biết trước kết quả hỏng thi rồi.

3. Tôi bắt đầu một cuộc chiến với phần thua đè nặng lên mình bằng cách hướng dẫn các em sử dụng thời gian vào việc đọc sách báo. Tự tôi mua về, đọc trước các bài gần với lứa tuổi các em và yêu cầu phải đọc lúc đầu giờ, giờ ra chơi... Các em cũng có thể mượn về nhà đọc tiếp. Mấy ngày sau đó, tôi cho các em tự do phát biểu ý kiến về những bài viết này và rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.

Phải mất một thời gian khá lâu, các em mới quen dần với việc đọc. Con số sử dụng điện thoại để chơi game hay chat vào giờ nghỉ từ từ giảm đi. Các em biết vây quanh trao đổi về một nhân vật, một hành động mà bài viết đã đăng. Sự cảnh giác về các mối hiểm nguy khi chat với người xa lạ trong các em ngày càng cao. Ngoài bạn bè và người thân, các em biết từ chối các lời mời gọi trên mạng. Có em đã mang đoạn chat cho tôi xem để xin tư vấn có nên bắt đầu cho một mối quan hệ mới không.

Đối với phụ huynh, tôi cùng bàn bạc tìm ra phương thức cho các em gắn kết với gia đình thông qua cách giao việc cho các em. Không cấm đoán thô bạo nhưng không thả trôi hoạt động của các em. Đầu tiên là chú ý thời lượng mà các em sống với chat, với game, tìm cách đưa các em về cuộc sống thường ngày với những sinh hoạt đầy tình yêu thương của gia đình. Sau đó, cha mẹ cố gắng trò chuyện với con cái mỗi ngày.

Dù không thể đánh giá chất lượng học tập của con ngay nhưng việc quan tâm nhắc nhở, kiểm tra gián tiếp sự chuẩn bị bài, xem xét sổ liên lạc, tâm tình về mọi lĩnh vực... cũng giúp cha mẹ gần con hơn. Cần kiên quyết không đáp ứng yêu cầu của con khi con đòi hỏi mua thiết bị công nghệ cao chỉ để phục vụ việc giải trí hay chứng tỏ đẳng cấp của mình.

Tôi còn cùng các đồng nghiệp hướng dẫn các em tìm kiếm thông tin phục vụ học tập trên thiết bị như máy tính, điện thoại... để các em không mất thời gian vào các trò chơi bạo lực, trò chuyện vô bổ... Các kỹ năng ứng xử được phát huy tối đa để đạt kết quả cao nhất. Kỹ năng tự bảo vệ được xếp hàng đầu khi đưa các em tiếp cận với các thông tin về thủ đoạn của bọn tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, bọn lừa gạt nữ sinh qua mạng Internet...

Học sinh của tôi tuy chưa phải và không nhất thiết phải đoạn tuyệt với trò chơi công nghệ cao nhưng số chìm đắm trong thế giới ảo đã giảm đi rất nhiều.

Với sự tận tụy của nghề nghiệp, với lòng yêu thương các em, chúng tôi hi vọng sẽ giúp các em hiểu được những tiện ích của công nghệ cao không chỉ nhằm giải trí. Nếu ta sử dụng chúng đúng mục đích, việc học tập sẽ thu được kết quả to lớn. Khi ấy cả thầy và gia đình các em không phải loay hoay với câu hỏi tận dụng thế nào ích lợi của những “trò chơi” công nghệ cao này.

NGUYỆN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)

Bạn đã biết làm chủ bản thân?

Tuy đang ở tuổi sinh viên, song tôi rất chia sẻ nỗi lo của những bà mẹ trong “Sống cùng công nghệ cao”. Bởi tôi từng hỏi các bạn tôi mỗi ngày truy cập Internet mấy lần, đa số câu trả lời là “không thể sống thiếu Internet quá một ngày”, dường như là bị nghiện vậy. Mỗi ngày các bạn truy cập mạng từ 3-4 lần, mỗi lần hai tiếng, chủ yếu là vào Facebook, chat qua mạng...

Nghe điều này tôi rất ngạc nhiên. Không biết có phải là khuôn phép quá không mà từ nhỏ ba tôi chỉ cho phép tôi được mở máy tính một lần một tuần (trừ những lúc thật sự cần thiết), mỗi lần như vậy chỉ được kéo dài từ 45-60 phút. Ngay cả xem tivi cũng được ba giới hạn không quá hai tiếng một ngày. Nhờ ba nghiêm khắc và được rèn từ rất sớm, tôi đã hình thành được thói quen tốt, không sa đà vào những thiết bị hiện đại.

Song song với những bài giảng chính, thầy còn nói thêm cho chúng tôi cách bảo vệ thông tin cá nhân trên Internet, nào là chỉ được dùng Facebook khi đủ 18 tuổi trở lên, nên để ảnh đại diện là hình tập thể... Thật sự, những kiến thức đó vô cùng cần thiết trong thời buổi hiện nay.

Nhưng bên cạnh đó tôi cũng có những người bạn, dù chỉ chiếm số ít, lại rất đặc biệt. Các bạn ấy được tự do mở mạng truy cập Internet mà không bị đưa vào “kỷ luật” như tôi. Nhưng các bạn ấy không chìm mình vào thế giới ảo mà truy cập rất điều độ, chỉ tìm kiếm kiến thức trên mạng cho mình chứ tuyệt đối không nghiện game, chat... Lại có những người bạn rất sành Internet, có tài khoản trên nhiều trang mạng xã hội, giỏi máy tính, biết tạo web, dùng photoshop... nhưng không lạc mất mình trong thế giới mạng, lại học hành rất tốt, tham gia hoạt động xã hội tích cực, biết giúp đỡ gia đình, thương yêu bản thân.

Những bạn ấy có điểm chung là gia đình, đặc biệt là ba mẹ, rất gần gũi, tâm lý, luôn nói chuyện, lắng nghe các bạn, không áp đặt mà rất tôn trọng sở thích, nguyện vọng của con mình (xin nhấn mạnh là “tôn trọng” chứ không phải “chiều chuộng”, không quan tâm đến, cho phép con mình muốn làm gì cũng được). Hơn nữa, mối quan hệ bạn bè của các bạn cũng rất tốt.

Điều này cũng dễ lý giải. Khi bố mẹ quan tâm tới con cái, chúng không cảm thấy cô đơn, thiếu thốn nên sẽ dành nhiều thời gian bên cạnh cha mẹ hơn là suốt ngày làm bạn với tivi, máy tính..., chán nản lao đầu vào chơi game trên máy tính, iPad... Hay khi quan hệ bạn bè tốt, chúng sẽ không phải bỏ hàng giờ tìm kiếm người trò chuyện, kết bạn ảo trên mạng, rồi dần trở thành “nghiện”, quên mất cuộc sống thực.

Không chỉ nhờ mối quan hệ gia đình, bạn bè, thầy cô tốt, chúng tôi còn được một điều may mắn khác, đó là thầy của chúng tôi, người luôn dạy chúng tôi nhiều về Internet. Thầy tôi dạy tiếng Anh, biết tiếp cận với thời đại công nghệ mới, toàn cầu hóa và rất năng động. Song song với những bài giảng chính, thầy còn nói thêm cho chúng tôi cách bảo vệ thông tin cá nhân trên Internet, nào là chỉ được dùng Facebook khi đủ 18 tuổi trở lên, nên để ảnh đại diện là hình tập thể... Thật sự, những kiến thức đó vô cùng cần thiết trong thời buổi hiện nay.

Vậy mới thấy những bài học chỉ bổ sung kiến thức phổ thông như bình thường là chưa đủ. Công nghệ hóa là điều hoàn toàn tất yếu, quan trọng là mỗi người phải biết làm chủ mình để không bị cuốn sâu vào nó. Muốn vậy cần có những giờ học về cách làm chủ bản thân trước cơn sóng @, tràn ngập những thiết bị hiện đại, mạng xã hội như hiện nay.

NGUYỄN THỊ QUÝ TRÂN 

(TP Tàm Kỳ, tỉnh Quảng Nam

Tiếng nói của học sinh, thầy cô giáo

Mặt trái chỉ là số ít?

22/12/2012 17:05 (GMT + 7)

TTCT - Có vẻ như ở thành phố, các tiệm net có phần ế ẩm nên một số tiệm giải tán bán tháo máy tính về nông thôn, miền núi. Nay các tiệm net ở nông thôn tràn ngập học sinh từ sáng đến khuya.

Chủ tiệm phục vụ nước uống, bán bánh ngọt và chuẩn bị cả máy phát điện phòng khi điện cúp. Mỗi giờ lên mạng từ 2.500-3.500 đồng/người.

Học sinh ở nông thôn

* Nhà bạn nào đã nối mạng, bạn nào đang dùng iPhone, iPad?

- Trong lớp chỉ có mấy bạn nhà có nối mạng. Phần lớn tụi em cần gì thì ra quán net, ngồi chút xíu mất mấy ngàn.

- Nhà tụi em nghèo lắm không dùng nổi iPhone đâu, có bạn có nhưng lại tốn thêm tiền kết nối GPRS, 3G.

* Chúng ta lên mạng lúc nào, xem gì, chơi gì? Có bạn nào mê game, chat quên học hành không?

- Tụi em học buổi sáng. Nếu chiều không học thể dục, không học thêm thì ra tiệm net đọc tin tức, nghe nhạc. Game thì em thích chơi audition, bắn gà... lúc đầu háo hức nhưng giờ ớn rồi. Cô giáo giao làm tập san, tham gia văn nghệ, tụi em lên mạng coi rồi bắt chước.

- Hồi lớp dưới em thích game võ lâm, đột kích, kiếm thế nhưng ngoài tiền giờ còn tốn tiền thẻ cào để nâng cấp thì chơi mới hấp dẫn, giờ em bỏ rồi, lo học.

- Đúng là có bạn tới quán net không làm gì khác ngoài chơi game, hỏi thì bạn nói học không hiểu thì tới lớp làm gì. Lớp em có hai bạn, lớp nào cũng có vài bạn như vậy, sáng cũng đi đến trường nhưng vô quán net ngồi, trưa cùng về với tụi em.

* Chà gay quá, không có cách nào giúp các bạn đó sao?

- Ba má bạn rầy la, thầy cô khuyên bảo nhưng không thấy tác dụng.

- Đến lúc nào đó bạn tỉnh ra, không thì thôi, chấp nhận.

* Chúng ta học đến lớp 12, đừng ngại khi tôi hỏi các em câu này: Các em có xem gì hay nghe bạn bè giới thiệu cái gì liên quan đến sex không?

- (cười, im lặng) Dạ không có đâu.

- Cũng có, nhưng em nghĩ bạn nào hư là hư thôi, không hẳn do Internet, không hẳn do một lần xem cái đó.

Học sinh ở thành phố

Tham gia cuộc phỏng vấn bỏ túi có các học sinh lớp 12B3 của Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Hòa, đại diện học sinh nông thôn; một nhóm học sinh lớp 10 chuyên sinh của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh ở Tuy Hòa, đại diện học sinh thành phố; và một số giáo viên Trường Lương Văn Chánh: Đinh Thị Tuyết dạy hóa, Trần Quốc Nhuận dạy địa, Bùi Ngọc Bửu dạy văn, Trần Cao Nguyên dạy sinh kiêm tổ trưởng tổ công nghệ thông tin.

* Nhà bạn nào chưa nối mạng, bạn nào đang dùng iPhone, iPad?

- Em thấy nhà bạn nào cũng nối mạng.

- Em dùng iPhone cho sang thôi, khi đi học đâu có xem được, cuối cùng cũng chỉ để nghe, gọi, gửi tin nhắn. Về nhà lên Facebook, tìm kiếm thông tin em vẫn thích dùng máy để bàn hơn.

* Chúng ta lên mạng xem gì, chơi gì? À, máy nối mạng ấy dùng chung hay chỉ một mình em?

- Em dùng chung máy với em trai. Em lên mạng học tiếng Anh, tải đề thi, lời giải. Để hiểu rộng bài giảng của thầy cô, em cũng lên mạng tìm hiểu thêm. Xong bài vở, tụi em chat với bạn bè, xem phim, học nấu ăn, chơi game.

- Em tìm tư liệu thầy cô chỉ, thi giải toán. Giải trí thì nghe nhạc chứ xem phim nhiều tập ba má không cho, ba bảo Bill Gates cũng từng khuyên như vậy.

* Có bạn nào mê game, chat quên học hành không?

- Dạ không có đâu. Hồi học cơ sở (trung học cơ sở) thì có.

* Vậy có thể nói tuổi trung học phổ thông ba má không phải lo tác dụng xấu của Internet?

- Cũng không dám chắc (cười).

Thầy cô giáo

* Thầy cô có thấy trường hợp nào học sinh mê game bỏ học không? Nhà trường có động thái gì hướng các em sử dụng Internet cho học tập?

- Chúng tôi dạy trường chuyên. Một số học sinh lớp kề chuyên có ham chơi game, các lớp chuyên thì không. Nếu có, giáo viên chủ nhiệm tìm đến quán net gặp học sinh đó hoặc thấy có hiện tượng mệt mỏi, học hành sa sút ở lớp, chúng tôi liên hệ với phụ huynh ngay. Hiện nay đáng lo là các trường ở nông thôn.

- Tôi nghĩ học sinh đã quá quen Internet, nhà trường cũng có thông qua giáo viên nhắc nhở đừng tốn thì giờ nhiều vô Facebook, vô các trò giải trí. Phụ huynh cần biết rõ thời khóa biểu con em mình, chúng xem gì trên mạng. Tốt hơn là không đặt máy vi tính trong phòng riêng và theo dõi lịch sử tra mạng của con.

- Thật tình chương trình phổ thông bài vở quá nhiều, nếu học sinh có lên mạng thì cũng phục vụ việc học thôi. Giáo viên chúng tôi cũng đưa kiến thức đến học sinh bằng các đường link, các địa chỉ trang web. Như tôi đây một ngày không lên mạng không chịu được, nhưng đó là cái "ghiền" tích cực, tôi nghĩ học trò cũng thế. Sắp tới tôi mong giáo viên trường tôi bước đầu có bài giảng e-learning để tương tác với học sinh.

- Một lần tôi tập trung bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi bốn ngày liền. Trời, không cho lên mạng các em bứt rứt. Ngày cuối cùng giao bài tập, mỗi học sinh một laptop, vừa lên mạng vừa làm bài mà chẳng ảnh hưởng gì. Các em lên mạng xem trang của bạn bè, liên lạc, chia sẻ đoạn phim quay được... Nói tóm lại, học sinh thích ứng tốt với công nghệ cao, có chăng mặt trái chỉ là số ít.

NGUYỄN PHI HÙNG 

(Trung tâm GDTX-HN Phú Hòa, Phú Yên)

Có hay không những “con nghiện Internet”? Các chuyên gia thế giới đã cảnh báo về một loại nghiện mới mà mức độ nguy hiểm và tính khó lường trước của nó cũng giống như nạn... biến đổi khí hậu!

Mùa hè 1996, bảy nhà nghiên cứu trẻ tại Đại học Công nghệ Massachusetts (MIT) quyết định xóa nhòa ranh giới giữa thế giới ảo và thực bằng cách sống cùng lúc trong các thế giới thực và ảo. Họ mang các bàn phím trong túi áo, các máy phát vô tuyến trong balô và một màn hình kẹp trước mắt. Họ gọi mình là “cyborgs” (nửa người nửa máy, những nhân vật trong tiểu thuyết viễn tưởng). Khi đó, họ bị cho là dị hợm.

Thế nhưng giờ đây, Sherry Turkle, một nhà tâm lý học tại MIT, đã phán: “Tất cả chúng ta đang là cyborgs”. Cuộc sống với việc nối kết liên tục với thế giới ảo đã trở nên bình thường. Thế nhưng khó nói lối sống đó là lành mạnh hay bền vững khi công nghệ đang trở thành nguyên nhân cũng như giải pháp cho tất cả những vấn đề trong cuộc sống chúng ta.

Trung bình một người, bất kể tuổi tác, đang nhận hoặc gửi khoảng 400 tin nhắn/tháng, nhiều hơn bốn lần năm 2007. Trung bình một thiếu niên Mỹ xử lý 3.700 tin nhắn mỗi tháng, gấp đôi năm 2007!

Sherry Turkle khẳng định như thế vì trẻ em Mỹ gần như đang gắn chặt với máy tính: chúng ngồi trước màn hình ít nhất 8 giờ/ngày, tức dành cho Internet nhiều thời gian hơn bất cứ hoạt động nào khác kể cả việc ngủ. Còn thiếu niên Mỹ thì ngồi 7 giờ/ngày trước màn hình, và nếu tính cả thời gian của các cuộc trò chuyện trên các thiết bị điện tử thì hết 11 giờ.

Trong khi đó, việc nhắn tin thì càng khủng khiếp hơn: trung bình mỗi người, bất kể tuổi tác, đang nhận hoặc gửi khoảng 400 tin nhắn/tháng, nhiều hơn bốn lần năm 2007. Trung bình một thiếu niên Mỹ xử lý 3.700 tin nhắn mỗi tháng, gấp đôi năm 2007. Và 2/3 trong số các “cyborgs” thường nhật này có cảm giác điện thoại họ đang rung mặc dù thật sự chúng vẫn im lặng. Từ lâu người ta đã biết tới hiện tượng được gọi là “hội chứng rung bóng ma” này.

Liệu Internet có làm người ta phát điên? Chắc chắn bản thân công nghệ này hoặc nội dung của nó không có khả năng đó, nhưng Peter Whybrow, giám đốc Viện Khoa học thần kinh và hành vi con người tại UCLA, đã dẫn chứng rằng “computer giống cocaine điện tử”. Được biết, trong ”Cẩm nang thống kê và chẩn đoán về các rối loạn tâm thần” mới sắp được phát hành năm 2013 ở Mỹ, lần đầu tiên chứng rối loạn tâm thần vì Internet sẽ được bổ sung. Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc gần đây đã thừa nhận chẩn đoán về loại rối loạn mới này và bắt đầu coi việc lạm dụng web như một trong những đe dọa cho sức khỏe tâm thần quốc gia.

Ở những nước và lãnh thổ này, hàng triệu người (trong số này ít nhất có 30% thiếu niên) được cho là nghiện Internet, trong đó chủ yếu nghiện trò chơi điện tử, thực tế ảo và truyền thông xã hội. Người ta chưa quên một cặp vợ chồng bỏ con chết đói vì bận nuôi một đứa trẻ ảo trên mạng, hay một thanh niên đánh chết mẹ mình khi bà ngăn không cho con lên mạng. Cũng đã có cả chục trường hợp đột quỵ vì chứng nghẽn máu do ngồi quá lâu trước màn hình. Ở Ấn Độ, tháng 4 vừa qua các bác sĩ đã nói trên tờ The Times of India về tình trạng “nghiện Facebook”.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng não của những người nghiện Internet cũng giống như não của những người nghiện ma túy hoặc rượu. Hai công trình nghiên cứu khác nhau của họ đều cùng gắn việc nghiện Internet với “những bất thường trong cấu trúc chất xám”, mà cụ thể là chúng co lại từ 10-20% ở khu vực não chịu trách nhiệm việc xử lý lời nói, trí nhớ, cảm xúc và sự kiểm soát. Tệ hơn là quá trình co lại này không bao giờ dừng: càng bỏ nhiều thời gian lên mạng, não càng teo lại.

PHƯƠNG THẮNG (Theo NewsWeek)

Thư Manchester

Nước Mỹ: Nghịch lý mùa Giáng sinh 2012

23/12/2012 20:31 (GMT + 7)

TTCT - Với học sinh tiểu học như con gái tôi, tháng 12 là tháng nhẹ nhõm nhất trong năm. Kỳ kiểm tra đầu tiên trong năm học đã xong, học sinh đến lớp với tinh thần “vui là chính”, hầu hết thời gian dùng để chuẩn bị cho hai ba buổi tiệc lớp vào tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới.

Giấy màu, bút vẽ, dụng cụ làm thủ công thường được rải la liệt trên bàn để học sinh làm thiệp và quà cho gia đình. Hôm qua, con gái tôi mang về túi quà màu trắng vẽ hình gia đình bên cạnh cây thông, ghi dòng chữ “Con yêu ba mẹ và em bé”, bên trong là một quả thông sơn lấp lánh. Tôi nhìn gói quà, ứa nước mắt.

Tôi đã ứa nước mắt suốt mấy ngày trước đó mỗi lần đối diện với những thông tin về vụ thảm sát tại Trường tiểu học Sandy Hook. Con gái tôi 6 tuổi, là học sinh lớp 1. Không có gì đấm vào trái tim người mẹ trực diện hơn là việc biết có những đứa trẻ cùng độ tuổi chết thảm ngay tại phòng học vì một tay súng điên cuồng, ngay vào thời điểm chính con mình đang ngồi trong lớp. Chiều thứ sáu ngày xảy ra vụ thảm sát, tôi chạy đến trường đón con thay vì để cháu đi xe buýt về nhà. Cô giáo nhìn tôi, mắt đỏ hoe: “Ôi, bọn trẻ, chúng (đã) nghĩ là chúng an toàn ở đấy!”.

Một phòng học lớp 1 điển hình tại Mỹ thường rộng chừng mười mét vuông, một bề là khung cửa kính chạy dọc chiều dài tường để đón ánh sáng ngoài trời. Trên tường, xung quanh một tấm bảng trắng phau là những bức tranh vẽ bằng sáp, bút chì, màu nước; những dòng chú thích tranh ngộ nghĩnh chạy dọc chân tranh. Giữa lớp, một tấm thảm tròn màu cầu vồng, chia thành từng ô tròn có số, là nơi cả lớp tập hợp nghe thầy cô giảng bài.

Bốn năm bàn tròn, mỗi bàn chừng 5-6 ghế, được đặt xung quanh tấm thảm đó, được gọi là các “trạm” - nơi lớp chia thành nhóm ngồi làm bài tập, viết, vẽ, làm thủ công cùng nhau. Trong một góc khác, một vài bộ ghế bành nhỏ đặt cạnh cây đèn vàng ấm áp, là góc đọc sách dành cho giờ đọc và kể chuyện cho nhau nghe.

Thiết kế này hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Với những đứa trẻ 6-7 tuổi, trường học là “chặng bay” đầu tiên khỏi tổ ấm gia đình. Vì thế, một không gian gần gũi và ấm áp là điều kiện đầu tiên để tránh gợi tâm trạng bất an của những con chim mới ra ràng. Các phương tiện truyền thông Mỹ - không biết có phải là cố ý - đã không đưa bất kỳ hình ảnh nào về các lớp đầu tiên của bậc tiểu học. Có lẽ bất kỳ một gợi ý nào - dù rất nhỏ - rằng khoảng không gian mười mét vuông ấm áp ấy giờ đây sẽ vĩnh viễn không còn an toàn nữa, sẽ tạo một tâm lý kinh hoàng cho hàng chục triệu bậc cha mẹ trên toàn nước Mỹ.

Trong ngày thứ sáu nghiệt ngã vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói trong nước mắt: “Làng xóm đó (nơi xảy ra vụ thảm sát) là làng xóm của chúng ta, những trẻ em đó là trẻ em của chúng ta”. Với vụ thảm sát tại Sandy Hook, nước Mỹ - đất nước luôn tự hào là đặt trẻ em lên hàng đầu - thêm một lần nữa bị chấn thương nặng nề ở chính tâm điểm của niềm tự hào này, cho dù - ít nhất là nhìn từ bên ngoài - nhịp sống ngày thường vẫn bình thản trôi.

Hôm qua, khi lái xe lang thang trong một thành phố nhỏ, tôi nhìn thấy các trường học đồng loạt treo cờ rủ như một thông điệp chia sẻ với những nạn nhân tại Sandy Hook. Nhưng tôi cũng nhìn thấy những cây thông rạng rỡ, những mái nhà lung linh và những máng cỏ tự tạo ấm áp trước nhiều hiên nhà. Trên truyền hình, xen giữa những phóng sự về Sandy Hook vẫn là những quảng cáo dập dìu về mua sắm trong kỳ nghỉ dài cuối năm.

Tôi không biết nên yên lòng hay đau lòng vì sự tương phản rõ nét đó. Rõ ràng có một nghịch lý khó hòa giải giữa một nỗi đau không cùng và một sự hân hoan không giới hạn vào thời điểm này trong năm.

Chỉ vài ngày nữa là đến Giáng sinh. Không may mắn như con gái tôi, có hai mươi em bé đã không còn được mang thiệp và quà Giáng sinh (mà có lẽ đã được vẽ và gói ghém cẩn thận) về cho cha mẹ của mình. Trong đêm Giáng sinh tới, dưới những mái nhà bình yên trong lòng nước Mỹ vừa trải qua chấn thương nghiệt ngã này, có bao nhiêu lời cầu nguyện sẽ được dành cho Sandy Hook? Và có bao nhiêu câu hỏi không lời đáp sẽ được gửi lên cao thay những lời nguyện cầu hằng năm?

CAM LY (Manchester - New Hampshire)

Câu chuyện giáo dục

Ôi, vở sạch và chữ đẹp

12/01/2013 13:35 (GMT + 7)

TTCT - Tuần vừa rồi, tôi đi họp phụ huynh cho đứa cháu học lớp 3 ở một trường tiểu học TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Cuộc họp đánh giá tình hình học tập của các cháu trong nửa học kỳ vừa qua nhưng cuối cùng lại thành cuộc tranh luận là vì sao cô giáo không cho học sinh đem vở viết về nhà sau khi kết thúc ngày học.

Nhiều phụ huynh khá bức xúc khi nói đến việc này.

Sau khi bảo phụ huynh bình tĩnh, cô chủ nhiệm lớp cháu tôi bắt đầu từ tốn giải thích. Cô thông báo việc tham gia phong trào thi viết vở sạch chữ đẹp đang là một định hướng mũi nhọn của nhà trường. Tất cả các lớp đều bắt buộc phải tham gia. Tất cả học sinh đều phải giữ vở sạch chữ đẹp. Để bảo đảm “quyền lợi” và “nghĩa vụ” của học sinh, trường đóng cho mỗi lớp một tủ sách. Sau ngày học, tất cả vở viết (có chữ viết bằng bút bi, bút mực của học sinh) đều phải bỏ vào đó không được mang về nhà. Định kỳ mỗi tháng một lần, học sinh mới được mang về cho phụ huynh xem nhưng phải trả ngay lại vào hôm sau.

Lý giải điều này, cô chủ nhiệm bảo vì đem về nhà các cháu bôi bẩn vở hoặc để lạc vở thì khổ. Bên cạnh đó, phụ huynh các cháu làm nhiều nghề khác nhau (trong đó có nông dân và công nhân), rủi khi vội xem vở của con mình mà làm vấy bẩn vào đó thì cũng mệt cho con và cũng mệt cho giáo viên nữa. Nghe đến điều này, đa số phụ huynh đều bức xúc. Vì trường cháu tôi học phụ huynh đa số làm nông và công nhân, lao động tự do, chỉ một số ít là viên chức nhà nước.

Thấy phụ huynh có vẻ không đồng tình với ý kiến của mình, cô chủ nhiệm bắt đầu kể ra nỗi khổ của mình. Cô bảo mấy năm trước, trường và giáo viên chủ nhiệm cũng cho học sinh đem vở về nhà, thế rồi các em làm bẩn vở. Đến lúc gần thi vở sạch chữ đẹp nhà trường kiểm tra, giáo viên chủ nhiệm bị kiểm điểm. Vậy là cô phải chạy đi mua lại tất cả vở để về viết lại nắn nót, sạch đẹp vở của những em đã bôi bẩn. Có khi cô phải thức suốt đêm để làm việc ấy. Không khí phòng học trầm xuống hẳn (!?). 

Buổi họp kết thúc, cô giáo khẳng định vẫn không cho học sinh đem vở viết về nhà bởi đây là chủ trương đúng đắn của nhà trường trên con đường hướng đến những tiêu chí để đạt trường chuẩn quốc gia. Cô bảo phụ huynh cần phải có trách nhiệm cùng với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường thực hiện mục tiêu này. Bởi trường đạt chuẩn quốc gia thì cả phụ huynh cũng sẽ rất vinh dự vì con mình được học ở đây.

Nhưng thật tình chúng tôi có vinh dự không? Chỉ biết rằng học sinh có em viết chữ đẹp, cũng có em viết chữ xấu. Không thể cả lớp viết chữ đẹp hết được. Việc đáng làm là rèn luyện giúp đỡ các em ngày càng hoàn thiện chữ viết và thói quen giữ vở sạch. Và chỉ thế thôi.

NGUYỄN THÀNH GIANG

“Lưu vong thuế”

13/01/2013 07:09 (GMT + 7)

TTCT - Không nghi ngờ gì, một trong những vấn đề sẽ còn được nhắc tới trong năm 2013 là chuyện “lưu vong thuế”, được tài tử Gerard Depardieu mở màn ầm ĩ...

Tin vui đầu năm 2013 ở Nga có lẽ là sự kiện “công dân Depardievsky” (tên Depardieu theo kiểu Nga do tờ Times đặt). Ngày 6-1, nam diễn viên này đã diện kiến Tổng thống V. Putin và nhận hộ chiếu Nga trong một chuyến đi đến Sochi.

Tin vui này của Nga hiển nhiên là... tin không vui của Pháp, nước mà nam diễn viên này vừa từ bỏ quốc tịch vì không chấp nhận mức thuế 75% đánh vào những công dân có thu nhập trên 1 triệu euro/năm. (Vẫn theo Times (1), năm 2012 nam diễn viên này đã phải đóng 85% thuế từ thu nhập 1,3 triệu euro của mình. Còn theo Itar Tass, trong 45 năm qua, ông Depardieu đã đóng tổng cộng 145 triệu euro tiền thuế).

Trong cái “thế giới phẳng” theo hình dung của Thomas Friedman nhưng vẫn chưa thật sự phẳng này, rõ ràng nước sẽ chảy vào chỗ trũng, “đất lành chim đậu”. Đất lành ở đây là mức thuế 13% của Nga. Trên Interfax, giám đốc Ngân hàng Dự trữ Nga German Gref đã bình luận nhân vụ “công dân Depardievsky” như sau:

“...Nếu các bộ ngành khác đạt thành tựu như trong chính sách thuế thì chắc người ta sẽ xếp hàng chờ nhận quốc tịch Nga”.

Nhưng với nước Nga, cái “được” còn nhiều hơn 13% thuế mà tài tử này sẽ đóng góp. Chỉ riêng nhận định về nước Nga mà Depardieu đưa ra những ngày qua đã bổ sung một góc nhìn khác, không giống hình ảnh nước Nga qua lăng kính của truyền thông phương Tây. Chỉ cần lên Google và gõ cái tên Putin sẽ thấy ngay hình ảnh “V. Putin bạo chúa” (xuất hiện nhiều hơn từ khi ông Putin nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ ba), “nước Nga thiếu dân chủ” (gắn với vụ nhóm Pussy Riot)...

Hình dung của Depardieu về nước Nga khác thế. Kênh 1 Đài truyền hình Nga ngày 3-1 công bố thư ngỏ của Depardieu gửi các nhà báo Nga (2). Trong thư, Depardieu không chỉ nói ông rất quý mến Tổng thống V. Putin, mà từ lâu đã “ngưỡng mộ văn hóa và cách suy nghĩ của người Nga. Cha tôi từng là một người cộng sản và nghe Đài Tiếng nói nước Nga. Đó cũng là một phần văn hóa của tôi... Tôi đã nói điều đó với Tổng thống Pháp François Hollande... Tôi đã nói với ông ấy rằng Nga là một đất nước dân chủ vĩ đại”...

Trong phần trình bày khá bay bổng tiếp theo đó, diễn viên này cho biết ông sẽ không chọn sống ở Matxcơva, mà sẽ sống ở miền quê: “Chỉ ở một đất nước vĩ đại như thế, người ta mới không bao giờ cô đơn. Bởi ở mỗi làng quê, mỗi phong cảnh đều mang đến cho ta hi vọng. Nước Nga không có những điều nhỏ nhặt, mà đầy những cảm xúc lớn. Và sau những cảm xúc đó che giấu một sự minh triết vĩ đại. Trong sự vĩ đại đó, tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn”.

Những lời tốt đẹp này hiển nhiên có giá trị nhiều lần hơn số tiền mà Nga đã phải bỏ ra đầu tư cho các kênh truyền thông phát ra nước ngoài, như Russia Today chẳng hạn. Nhà chính trị học Pavel Svyatenkov coi tác động của sự kiện Depardieu chọn sống ở Nga quảng bá cho nước này “chẳng khác nào một Olympic”. Giám đốc German Gref cũng nhận ra điều này: “Trường hợp Depardieu cho thấy sự ổn định chính trị, kinh tế tài chính là một nhân tố quan trọng trong chọn lựa không chỉ cho các nhà đầu tư, mà cả những nhà hoạt động chính trị và văn hóa”.

Tin hay không những lý do trên cho sự chọn lựa là quyền của mỗi người. (L'Express chẳng phải đã dán cho Depardieu nhãn hiệu “kẻ sẵn sàng làm tất cả để giàu có”?) (3). Nhưng Depardieu khá ý thức về nơi ông chọn lựa sẽ sống trong những ngày tới, khi thẳng thắn nhận định: “Tôi có quan hệ tốt với báo giới (Nga), dù nó khá buồn chán vì chỉ trình bày một loại tư tưởng”. Có lẽ với Depardieu, điều này vẫn còn hơn sống ở một “đất nước mà một thủ tướng có thể gọi công dân mình là một kẻ đáng thương” (Depardieu dẫn lời thủ tướng Pháp nói về mình khi biết quyết định từ bỏ đất Pháp của ông).

Công tâm mà nói, Depardieu không phải là trường hợp người Pháp đầu tiên “lưu vong thuế”. Trước ông đã có nhiều người giàu làm thế, nhưng vụ Depardieu lại ầm ĩ hơn vì xét về khía cạnh nào đó, ông là một “báu vật văn hóa” của Pháp (HTV9 đã gọi như thế trong bản tin sáng 7-1).

Người Pháp đã phải bỏ dự luật thuế 75% và đang tìm cách đánh thuế khác đỡ gây sốc hơn. Từ Mỹ, ông Obama cũng đang đau đầu về vấn đề thuế khóa sau khi vừa vặn thoát khỏi “vách đá tài chính”, nhưng vẫn chỉ là giải pháp tạm thời và nước Mỹ vẫn đang loay hoay chưa đưa ra được giải pháp dài hạn. Việc tận thu hoặc đánh thuế thật cao vào người giàu chắc chắn không phải là giải pháp bền vững khi bài học “công dân Depardievsky” đang nhãn tiền.

Điều này được Thomas Friedman mách nước trên New York Times ngày 6-1, khi cho rằng nhiệm vụ của một tổng thống không chỉ là đánh thuế các triệu phú, mà còn phải tạo ra nhiều triệu phú và tầng lớp trung lưu hơn nữa để mà đánh thuế. Nguyên văn của ông: “Tổng thống được bầu để làm cái bánh lớn thêm chứ không chỉ để chia lại chúng”.

Bằng không thì những cánh chim sẽ lại tìm đất lành để bay đi...

DUY VĂN

Chuyện trò với người tạm đóng Facebook:

“Giao thiệp xã hội cũng cần có chu kỳ”

26/01/2013 16:19 (GMT + 7)

TTCT - Bạn đóng Facebook được bao lâu rồi? Tại sao lại đóng?

Sống cùng công nghệ cao:

LTS: Câu chuyện “Sống cùng công nghệ cao” đã thu hút đa dạng các ý kiến. Nhiều bậc cha mẹ lo âu, nhưng cũng có lời kêu gọi phải bản lĩnh sống trong thế giới mà truyền thông xã hội đang trở thành lối sống. Kết thúc loạt diễn đàn này, TTCT trò chuyện với bạn Nguyễn Đức S. - 22 tuổi, sinh viên đại học y, người vừa quyết định “deactivate” (tạm đóng) tài khoản Facebook của mình, và lời khuyên mới nhất của nữ hoàng Đan Mạch cho giới trẻ sử dụng truyền thông xã hội…

- Tôi off Facebook được một tuần rồi. Nguyên nhân ư, vì cảm thấy mình bị sao nhãng bởi chuyện của người khác hơn là chuyện của chính mình. Mình có thể trầm trồ về người khác, nhưng vì vậy mà lại quên mất bản thân và mất tập trung vào chuyện mình có thể làm.

Bạn đã tham gia Facebook bao lâu rồi? Bạn có cảm thấy mình bị nghiện? Bạn có tham gia mạng xã hội khác không?

- Từ năm năm rồi. Ban đầu mục đích là để liên lạc với những người bạn ở xa. Nhưng dần dần nó trở thành một phần rất hiển nhiên của đời sống, thành công cụ thể hiện cảm xúc trên bình diện hằng ngày.

Tôi có tham gia Tumblr, nhưng đây là một dạng mạng xã hội mang đậm chất cá nhân hơn, chứ không tập trung nhiều vào tương tác như Facebook. Tương tác ở đây chủ yếu là chia sẻ hình ảnh hay bài viết hay, chứ không phải trò chuyện đấu đá nhau hay có thể nói bóng gió qua Facebook.

* Sau khi đóng Facebook, bạn cảm thấy thế nào?

- Năng suất làm việc của tôi tăng lên gấp nhiều lần. Thời gian đầu, tôi cảm thấy quyết định của mình khá đúng đắn. Theo tôi, chuyện giao thiệp xã hội cần phải có một chu kỳ, đối với tôi đó là một dạng cảm hứng, đem đến ý tưởng cho mình, nhưng tôi cũng cần thời gian dành cho riêng mình. Nhưng rồi một thời gian sau tôi cũng thấy… bứt rứt vì cảm thấy mình ngưng "giao thiệp" quá lâu.

* Nhưng đâu chỉ phải lên Facebook mới "giao thiệp" được? Bạn có thể trò chuyện với bạn bè hay giao tiếp công việc trực tiếp được mà. Con người đã từng giao tiếp trước khi có mạng xã hội.

- Khác chứ. Qua Facebook, bạn có thể tiếp cận được, trong một khoảng thời gian ngắn, bất cứ lúc nào, với một số lớn người, dẫn tới sự khẳng định cho ý tưởng của mình, sự công nhận cá tính của mình.

Trong giao tiếp bình thường, mỗi khi có một ý tưởng muốn bàn luận, tôi phải suy nghĩ trong đầu xem câu chuyện này có thể nói được với ai. Trong khi trên Facebook, tôi chỉ cần ném ý tưởng đó ra thì những ai đồng điệu sẽ dễ dàng tìm đến chia sẻ. Đó là cái lợi của giao tiếp trên mạng mà giao tiếp bình thường khó có được. Ngoài ra, có thể dễ dàng tìm bạn và lại an toàn (ngạc nhiên chưa!) ở chỗ bạn có thể nhanh chóng kết bạn, tìm hiểu được người bạn đó thế nào và có thể "bỏ rơi" đối tượng nếu bạn thấy chán mà không cần "chào ra đi" như trên giao tiếp thực.

* Nhưng đâu phải ai cũng sống thật trên mạng? Biết đâu người ta sống ảo, đưa những thông tin ảo về họ?

- Tôi cũng gặp trường hợp này rồi. Nhưng dù sao gặp một người offline sau khi đã quen họ online thì bạn đã biết chút đỉnh về người ta hơn là gặp một người mà hoàn toàn chưa biết gì. Nếu người ta đã sống ảo trên mạng thì chính những cuộc gặp thật sẽ giúp bạn phát hiện những độ lệch này, bằng kỹ năng phân tích thông tin và chọn lọc.

* Như vậy chứng tỏ bạn phải có bản lĩnh khi giao tiếp trên mạng xã hội?

- Đúng vậy. Đó là lý do tôi phải "đau đớn" đóng Facebook sau một thời gian.

* Trước khi sử dụng Facebook, những mối quan hệ của bạn thế nào?

- Tôi có rất ít mối quan hệ, nhưng là những mối quan hệ chất lượng.

* Vậy những mối quan hệ trên Facebook thì thế nào? Kém chất lượng hơn à?

- Khi chưa có Facebook thì tôi đâu có chọn lựa khác. Tôi vào Facebook từ cấp III, sau đó lên đại học thì bạn bè tứ tán, Facebook giúp tôi giữ mối liên kết cuối cùng với những quan hệ cũ và tìm được những mối quan hệ mới. Tôi thích Facebook ở chỗ giúp tôi giữ liên lạc với bạn bè.

Facebook cũng giống như một kiểu số điện thoại khác. Ngày nay gặp nhau người ta đâu cần hỏi số điện thoại (quá riêng tư chăng), mà chỉ cần hỏi địa chỉ Facebook là được rồi.

* Bạn thích Facebook ở điểm nào?

- Nó mở ra cho tôi nhiều mối quan hệ mới. Mình không thích phải tới gặp mặt thật sự để duy trì mối quan hệ vì tốn thời gian. Có những mối quan hệ mình không hề thân đến mức phải gặp nhau vì ai cũng có công việc riêng của họ. Đối với Facebook thì tôi có thể ngồi một chỗ, mặc đồ ngủ và vẫn có thể duy trì những mối quan hệ của mình hoặc kết bạn mới.

* Còn mặt tác hại của mạng xã hội?

- Như đã nói ở trên, nó làm tôi sao nhãng và chú tâm vào những chuyện không liên quan gì đến mình, ảnh hưởng tới năng suất làm việc của mình.

* Nếu phải so sánh thì bạn thấy mạng xã hội đem lại lợi hay hại nhiều hơn?

- Theo tôi, nó có tính chất chu kỳ. Bạn phải có cách điều hòa được nó, không thể để nó thành một thói quen hằng ngày được, nhưng bạn cũng không cần phải triệt tiêu nó hoàn toàn vì nó cũng có thể là một phương tiện giải trí và giao tiếp lành mạnh. Tất cả đều dựa vào sự điều chỉnh và ý thức của bản thân.

* Bạn có dự định thế nào về tương lai? Chừng nào bạn tính "active" lại Facebook?

- Ít nhất là tôi sẽ lên lại Facebook để theo dõi mọi người sau khi mình đã làm xong hết những công việc mình cần làm. Tức là phải đặt công việc lên trên Facebook. Nếu mà lên lại Facebook sớm thì giống như cai nghiện không xong vậy.

* Cảm ơn bạn. Chúc bạn "cai nghiện" thành công và làm chủ được cuộc sống trên mạng của mình.

YÊN LINH thực hiện

Gió đào vẫn thổi

03/02/2013 12:09 (GMT + 7)

TTCT - Với người Hà Nội, ngày tết mà không có cành đào thì chưa thể là tết. “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” là câu đối tết rất phổ biến ở nông thôn.

Nhưng ngay cả nông thôn bây giờ cũng phổ biến chỉ còn giữ lại được “bánh chưng xanh” và “dưa hành”. Pháo nhà nước cấm. Lợn hướng nạc. Chỉ còn lại vài ông đồ trẻ ở thành phố viết thư pháp.

Người Hà Nội ai cũng chơi đào tết nhưng thật ngạc nhiên chỉ chia làm hai hạng. Tao nhã kín đáo và trọc phú khoe của. Hạng nào cũng có cái hay. Ít nhất thì cũng xứng là dân Hà Nội chuộng hoa. Trải qua nhiều thăng trầm biến động về dân số, hai hạng người chơi đào ấy cứ lần lượt thay nhau lên ngôi. Kéo theo nó là những nơi trồng đào cũng tùy biến tăng giảm mà đáp ứng nhu cầu. Không bao giờ có chuyện mất hẳn đi một hạng.

Những người mới đến nhập cư thoải mái lựa chọn cách chơi của mình. Nhưng sống ở Hà Nội nhiều thời gian lên một chút họ sẽ thay đổi cách chơi theo hướng tao nhã kín đáo. Ở Hà Nội muốn khoe khoang cái gì cũng không dễ.

Hà Nội bây giờ không chỉ có duy nhất một cái chợ hoa trên Cống Chéo, Hàng Lược. Đã thêm ra con đường Nghi Tàm dịp tết như một chợ hoa kéo dài cả cây số. Thêm ra những siêu thị hoa tết cao cấp trên bãi Tứ Liên, triển lãm Giảng Võ, Vân Hồ. Và ngày tết thì bất cứ con đường nào đông người qua lại rất có thể trở thành một chợ hoa di động họp trong chừng vài tiếng đồng hồ.

Hoa đào cũng không còn được trồng ở những vùng đất loanh quanh Hà Nội nữa. Cơ hội để người chơi đào kỹ tính chọn cho mình một cành ngay tại vườn bây giờ đã hết. Còn sót lại vài bờ ao trên Nhật Tân, Phú Thượng và mấy mảnh ruộng trồng đào bên Tứ Liên sát bờ sông Hồng thì chỉ trồng thuần nhất một loại bích đào trăm cành như một. Chẳng phải cất công lên tận đấy lựa chọn làm gì. Nó cũng giống như hoa đào trồng ở Hải Dương, Hưng Yên mà thôi. Chính vì thế cái chợ hoa truyền thống Hàng Lược bây giờ cũng không còn là nơi người sành chơi đào tín nhiệm tìm đến.

Hơn mười năm trước trên Nhật Tân vẫn còn một vườn đào khá nhỏ. Có lẽ cả vườn chỉ cưa được mươi lăm cành. Như thế cũng là đủ cho những người khách vào hàng tinh túy cao cấp nhất ở Hà Nội. Thêm nữa cũng chẳng biết bán cho ai. Ngày ấy hơn chục triệu một cành đào ở đấy là số tiền bán cả một vườn đào rộng mấy sào Bắc bộ mới có được.

Chủ vườn là một ông lão đã ngoài tám mươi tuổi có thêm anh con trai trạc năm mươi giúp sức. Ông lão chỉ còn có thể đi lại chậm chạp trong vườn hướng dẫn anh con trai cách uốn nắn từng cành. Chặt bớt nhánh và gây vết thương cho chảy nhựa sần sùi ở những nơi cần thiết. Khu vườn nằm kề sóng nước hồ Tây mênh mang gió. Chẳng biết vô tình hay cố ý, những cành đào của ông lão thường được uốn theo thế “bạt phong” trông rất quắc thước dãi dầu cứng cỏi. Những đóa hoa như sương khói hòa vào gió hồ chẳng còn ranh giới. Là gió hay là hoa?

Hoa đào ta cánh đơn màu hồng nhạt khỏe khoắn như đào rừng. Nó chính là đào rừng người ta trồng để lấy thân ghép bích đào. Nó là cây chủ để có thể ghép rất nhiều bích đào bán ở chợ hằng năm. Chính vì thế chăm sóc nó chỉ để cắt lấy vài cành là một việc làm hết sức xa xỉ không phải ai cũng hiểu được giá trị.

Khách mua những cành đào ấy phải là người có tiền, dĩ nhiên thế. Người có tiền ở Hà Nội không thiếu. Nhưng để thưởng thức được vẻ đẹp của nó thì tiền là chưa đủ. Cần phải có một con mắt thẩm mỹ hơn người và một tâm hồn thanh sạch sâu lắng của người thành phố lâu đời. Đã có những khách hàng không đủ tiền mua đào về chơi nhưng năm nào cũng ghé thăm khu vườn có một không hai ấy.

Từ ngày ông lão mất đi, những khách hàng quen vẫn thường quay lại vườn đào ấy để rồi ra về tay không. Vườn đào xác xơ vẫn còn đấy nhưng không có một cành nào ra hồn. Họ bâng khuâng đứng bên hồ lắng nghe trong gió những cánh đào xưa cũ vẫn ẩn hiện đâu đó rất gần. Chỉ thế thôi cũng là...

ĐỖ PHẤN

Tết của mẹ

05/02/2013 11:55 (GMT + 7)

TTCT - Ngoài nấu ăn một mình, đi tập thể dục mỗi sáng, ngắm hoa quỳnh mỗi chiều tối trong lúc chờ chị đi làm về thì suốt một năm qua ở Mỹ mẹ đã làm gì?Mẹ lang thang trong các siêu thị, canh hàng giảm giá đến mức “đụng sàn” thì mua về, phân loại, đóng thùng, xếp theo tên bà con ở Việt Nam. Chị không lạ gì thói quen ấy nữa, mẹ nghĩ về “nơi xa” ấy đến mức mỗi thứ bảy theo chị ra gara xe đi chợ vẫn còn giật mình quay vào nhà vì “quên lấy nón bảo hiểm”...

Về đến Sài Gòn, sau khi đem biếu xén hết những món quà đã chuẩn bị từ cả năm trước đó rồi - đi thăm hết một lượt bà con cô bác, bạn bè là mấy chị bán rau, bán sữa đậu nành, bán cá, bán phở ngoài chợ rồi - xem cho chán chê những kênh truyền hình nói toàn tiếng Việt rồi - nấu những món anh thích rồi - mẹ làm gì nữa?

Dì Hoa xem phim truyền hình Việt Nam mãi cũng chán, có vẻ giận dỗi: Chị tranh phần uốn mai, lặt lá mai đã đành, đến cả lau nhà, giặt mền mùng, màn cửa, xếp quần áo cũng giành nữa thì em biết làm gì bây giờ? Mẹ tủm tỉm: Yên chí.

Rằm cuối năm, hai người phân công nhau đi thu gom keo nhựa, keo thủy tinh về rửa sạch, phơi khô. Loay hoay với những tiếng uỳnh ọp, xủng xoẻng mất hai ngày trời. Nhìn những cái keo phơi khô nằm la liệt kín cả một căn phòng khách hai chục mét vuông, mẹ có vẻ không hài lòng lắm: không đủ, chắc tại mua trễ quá.

Anh thắc mắc, mẹ rủ dì Hoa thức làm gì lúc tờ mờ sáng, trưa chiều rồi cắt kiệu không được sao? Mẹ cười, làm kiệu, gặp nắng để phơi quý như gặp vàng - gặp nắng sớm quý hơn gặp kim cương.

Thế là kéo dài cho đến bốn năm ngày, mẹ và dì Hoa phải tranh thủ ngủ sớm để thức sớm mà cắt thêm củ cải trắng, củ cải đỏ, mấy ngày về sau có thêm phần su hào để tăng cường cho món dưa món. Cắt đến độ đầu ngón tay trỏ bên phải phồng rộp lên, đầu ngón trỏ bên trái hằn dấu của cái sống dao, mắt thâm quầng, bắt đầu cho căn bệnh tụt huyết áp hoành hành. Anh lẩm bẩm một mình: hành xác vậy làm gì không biết...

Sáng đưa ông Táo, trời không thèm nắng, mẹ tự an ủi, chắc chút nữa thôi. Mẹ và dì Hoa trước khi ra khỏi nhà còn thắp nhang, chỉ xin ông Táo điều giản dị cuối cùng trước khi đi là phù hộ cho mớ kiệu, hành, củ cải đã cắt đang phơi ngoài sân. Ông Táo chắc ham vui đi sớm chẳng nghe thấy - trời đen, lâm thâm rớt hạt, rồi đổ rầm xuống sân nhà chừng năm phút thôi, cũng đủ tiễn nửa công trình của mẹ và dì suốt bốn năm ngày vào thùng rác.

Vậy là chẳng những phải thức sớm mà còn phải tăng cường thức khuya, ăn cơm hộp, huy động thêm mấy cô nhà hàng xóm sang hỏi thăm “chuyện ở Mỹ” để cắt kiệu, cắt hành, cắt củ cải giùm, để mẹ có thể hoàn thành chỉ tiêu cho xứng với phần keo đã mua, đã phơi khô rồi.

Ngoài sân, trong nhà, sàn nhà, nóc nhà thành sân phơi hết đã đành, anh đã bắt đầu thấy khó chịu khi kiệu, hành, củ cải nằm lăn lóc ở cả phòng đọc sách và tất cả những lối có ánh sáng chiếu vào trong nhà. Khắp những nơi anh thường nằm đọc báo, xem tivi không lúc nào không có mùi nước mắm và giấm chua, dù quạt máy, quạt trần đã mở hết cỡ, hướng vào những củ cải, củ kiệu nằm quắt queo trên những tờ giấy báo cũ.

Hai lăm tết, nhà anh - nơi vẫn được bạn bè khen là thông thoáng, ngăn nắp - thành trung tâm dưa, những keo dưa sắp lớp lớp dọc theo cửa sổ, cửa cái và lối đi để hứng nắng. Anh nhìn lại cái công trình đó, nén tức, thở dài: Mẹ đi buôn à? Mẹ tính cho anh nghe danh sách những dì, cô, cậu, thím... cần biếu (mà anh còn chẳng nhớ nổi tên nữa) rồi kết luận: còn sức, mẹ cũng muốn làm thêm đợt nữa để dành mang sang cho chị con bên đó ăn cả năm sau.

Dì Hoa về quê trong niềm hân hoan tuyệt đối: chắc ba ngày tết em mơ thấy toàn kiệu với hành. Mẹ có vẻ hối hận được một chút: năm sau để chị tính lại... Anh chớp ngay cơ hội đó chua ngoa: mẹ cũng nên để cho mấy người làm kiệu còn buôn bán với.

Hai tám tết, ngày nghỉ đầu tiên, anh phải thực thi nghĩa vụ cao cả, chở mẹ đến từng nhà người quen, người thân, gửi mỗi nhà ba keo: một kiệu, một hành, một dưa món. Được một buổi anh say nắng, nằm vật ra. Có lẽ mẹ phải nhờ đến bác Hùng chạy Honda ôm thôi - anh không giấu vẻ mệt mỏi - Con không chịu nổi nữa rồi. Nhiệm vụ được giao lại cho bác Hùng cùng với danh sách được mẹ chuẩn bị sẵn và gọi điện cẩn thận đến từng nhà, riêng mẹ cũng nằm sốt li bì suốt buổi chiều còn lại.

Sáng hai chín, mẹ dậy lúc ba giờ, bảo đi chợ. Anh hỏi: Còn định làm gì nữa? Mẹ hỏi lại anh, vậy còn nồi bánh tét thì sao? Anh định lý lẽ với mẹ, con đi mua bánh tét từ miền Tây chở lên còn rẻ hơn, ngon hơn của mẹ nấu. Nhưng rồi có điều gì đó ngăn anh lại khi thấy mẹ ngơ ngác trước sự bất bình của anh, như thể tất cả những việc mẹ đang làm đây là nhiệm vụ, là việc không thể thiếu được.

Mẹ xách giỏ ra chợ, mặc cho anh ngồi nhắm mắt tưởng tượng ra viễn cảnh củi được chất trước sân nhà, mẹ còng lưng ngồi lau lá, tỉ mẩn gói từng cái bánh, bắt anh phải tháo ra làm lại những cái anh lỡ tay cột ẩu, rồi hai mẹ con ngồi chụm củi, canh bánh...

Anh tặc lưỡi, thôi đừng nghĩ nữa, bây giờ việc của anh là phải đi nghỉ thôi. Mơ ước của anh, niềm vui của anh sau một năm làm việc cả ngày chủ nhật là gì nếu không phải là ngủ những giấc thật dài, không màng đến cả việc có ăn trưa, ăn chiều vào những ngày tết thế này. Còn niềm vui của mẹ là gì? Anh tự hỏi. Là gì nếu không phải là còn thấy mình, mỗi năm một lần, còn bận rộn vào những ngày giáp tết thế này?

ĐỖ DUY

Nước Bỉ trong mắt mẹ

25/02/2013 08:44 (GMT + 7)

TTCT - Mẹ tôi, một giáo viên dạy sử trường huyện về hưu, lần đầu đặt chân đến châu Âu, cụ thể là nước Bỉ.

Chắc ở nhà chị gái và em gái “dìm hàng”, vẽ nước Bỉ to bằng cái Hà Nội mở rộng cho mẹ (cũng không sai), nên mẹ đinh ninh đi một ngày là tận kiến cả quốc gia.    

Điểm đến đầu tiên là công viên trong một thành phố nhỏ. Đi mãi không hết công viên, nhìn mãi không thấy bờ bên kia của hồ nước, mẹ lo lắng: “Nước Bỉ để công viên to thế này thì hết cả đất à?!”. Tôi bấm bụng lặng im.

Đưa mẹ đến Waterloo - nơi diễn ra trận đánh nổi tiếng và cũng là chiến trường đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Napoleon, mẹ bồi hồi leo hơn 200 bậc cầu thang lên đỉnh Đồi Sư Tử cao 41m (dựng khoảng năm 1824-1826) nhìn ra xung quanh những dải thành phố uốn lượn theo sông dài, bao la cánh đồng lúa mì vàng rực điểm xuyết đồi cỏ xanh lốm đốm đàn bò trắng gặm cỏ.

Mẹ lẩm bẩm: “Từ đây là nhìn thấy hết cả nước Bỉ rồi chứ gì?”. Con rể Tây sau cái bật cười vô duyên, vội giải thích: “Mới thấy hết một tỉnh trong vùng nói tiếng Pháp của Bỉ thôi mẹ ạ, còn vùng nói tiếng Hà Lan, vùng nói tiếng Đức nữa”.

Mẹ tiếp tục đi nhiều thành phố khác sở hữu những “quảng trường rộng mỏi cả chân, nhà thờ cao mỏi cả cổ!”. Vẫn chưa hết nước Bỉ!

Dừng chân ở thành phố Antwerpen, mẹ lạc vào thế giới mua sắm. Chỉ một gian hàng bày bán đồ trang sức, nhỏ nhặt như chiếc nhẫn hay hoa tai, vòng lắc thôi mà cũng được trưng bày rực rỡ như một bàn tiệc trong cung điện. Mẹ khuyến khích tôi mua một chiếc váy đen chấm bi nền nã, nhãn mác ngoại nhưng ghi rõ “made in Vietnam”, tấm tắc “giản dị mà sang trọng”. Và mẹ ngỡ ngàng ngắm một nghệ sĩ vác piano ra chiếm cả một góc phố say sưa chơi đàn. Chưa từng thấy nghệ sĩ hát rong nào chơi sang đến thế, trên piano còn đặt một bình hoa hồng.

Rồi mẹ giật mình, cách nghệ sĩ hát rong vài chục mét là những người vô gia cư, ăn xin tội nghiệp thế này sao? Cả đám thanh niên nằm co quắp bên nhau trong một tấm lưới giữa trưa hè nóng nực! Tôi cười: “Họ không phải ăn xin mà là người của các tổ chức hòa bình xanh, đấu tranh bảo vệ môi trường”. Nước Bỉ nhỏ mà cũng có đủ cả những con người quan tâm vấn đề toàn cầu thế này! Lạ lùng với mẹ!

Nhờ mẹ sang chơi, tôi được dịp khám phá thêm nhiều ngóc ngách ở thủ đô Brussels, biết bao nhiêu tượng đài danh nhân (rất ít tượng đài lãnh tụ, chính khách). Vui mắt nhất là ngắm tượng chú cún ghếch chân đứng tè ở một góc phố. Chỉ cần có cảm xúc, chỉ cần một cách nhìn khác, cái gì cũng có thể thành tượng được, không giới hạn, không khoanh vùng!

Du khách tham quan tượng Chú Bé Tè - Ảnh: K.B.H.

Nhưng đứng trước tượng Chú Bé Tè, mẹ đã tìm ra một điều khiến mình thất vọng: “Bé thế này có gì mà xem”. Dĩ nhiên mẹ biết theo những câu chuyện huyền sử, Chú Bé Tè khi được kể là một anh hùng, khi là một vị thánh, một nhà quý tộc, và người ta còn truyền tụng rằng nhờ chú vô tư tè vào ngòi thuốc nổ vừa được châm lửa mà cứu được cả thành phố không bị nổ tung! Mẹ vẫn cảm thấy thất vọng về quy mô của một biểu tượng quốc gia trong góc phố chật hẹp.

Chẳng riêng mẹ, mới đây tôi đọc một bài báo đăng ý kiến của du khách Úc cũng bày tỏ nỗi thất vọng về quy mô của Chú Bé Tè, dù họ có khen vớt vát “gần tượng Chú Bé Tè có những cửa hàng bán sôcôla cực ngon và bia hơi thì tuyệt đỉnh!”. Tôi chợt à lên một tiếng, kéo mẹ lại: “Mẹ nhìn kỹ nhé. Tại sao nước Bỉ lại chọn Chú Bé Tè làm hình ảnh biểu tượng quốc gia. Trông Chú Bé nhỏ thế thôi nhưng tè - phun nước cả ngày lẫn đêm không mệt mỏi. Đấy, có những thứ tưởng nhỏ mà không nhỏ!”.

Một kiểu giải thích tếu và phi lịch sử với người dạy sử! Nhưng mẹ không bảo tôi đúng hay sai, chỉ cười cười rồi bước đi. Và vẫn chưa đi hết nước Bỉ đâu, hẹn mẹ lần sau lại sang chơi!

KIỀU BÍCH HƯƠNG

Tôi và chúng tôi: con người và hệ vi khuẩn

27/02/2013 13:35 (GMT + 7)

TTCT - Ta thường nghĩ mỗi con người là một cá thể độc lập, về mặt sinh học cá thể đó là tập hợp của 10.000 tỉ tế bào, bao gồm trong nó 23.000 gen chuyển tải các thông tin di truyền. Tuy nhiên, quan điểm này đang bị một số nhà sinh học đánh giá lại.

Các nhà sinh học này cho rằng mỗi con người không phải là một cá thể độc lập mà là một hệ sinh thái. Tại sao vậy? Vì ở khắp nơi trong cơ thể, đặc biệt ở hệ tiêu hóa, tồn tại 100.000 tỉ vi khuẩn thuộc nhiều trăm loài khác nhau và số lượng này mang 3 triệu gen của nó. Các vi sinh vật này không phải ở nhờ hay sống ký sinh trong cơ thể người mà là một thành tố đóng góp trong quá trình chuyển hóa của cơ thể mà nó cư ngụ.

Các nhà sinh học có quan điểm mới này tin rằng khoa học phải tính đến hệ vi sinh này vì mỗi chúng ta không phải là một cá thể mà là một siêu cá thể hình thành bởi rất nhiều cá thể đó.

Một bộ phận của cơ thể người

Cách tiếp cận mới này còn mạnh dạn hơn khi xem hệ vi sinh này như là một bộ phận của cơ thể con người. Họ lập luận: toàn bộ lượng vi khuẩn này cân nặng khoảng 1kg, “cấu trúc” của nó dĩ nhiên khác biệt, nhưng cơ quan nội tạng của người cũng đầy khác biệt, như sự khác biệt của tim và gan chẳng hạn. Về hình thức, nó phân tán và không định hình cụ thể, nhưng con người cũng có những cơ quan như thế, chẳng hạn hệ miễn dịch cũng bao gồm các tế bào phân bổ khắp nơi, hệ miễn dịch thật ra cũng chỉ là một hệ thống các tế bào có tổ chức.

Và cái cơ quan mới này có nhiều chức năng đóng góp cho cơ thể cưu mang nó. Trước hết, nó cung cấp thêm cho con người 10% lượng calori cần thiết mỗi ngày. Nhiều chất dinh dưỡng có trong các loại thực vật mà men tiêu hóa của con người không thể chiết xuất ra được, phải nhờ vi khuẩn ăn các chất dinh dưỡng phức tạp ấy trong thực vật rồi thải ra các acid béo, đặc biệt là acid formic, acid acetic, acid butyric, những chất có thể thấm qua thành ruột vào máu tạo ra năng lượng cho cơ thể.

Cũng vậy, trong sữa mẹ có một chất dinh dưỡng gọi là glycan mà con người không tiêu hóa được, vi sinh sẽ giúp chuyển hóa thành đường mà con người có thể hấp thụ, do đó glycan trở nên dễ tiêu hóa hơn.

Không dừng lại ở hỗ trợ tiêu hóa, hệ vi khuẩn này còn giúp tạo ra các vitamin, đặc biệt là B2, B12 và acid folic. Hơn thế nữa, nó giúp điều chỉnh việc sản xuất này tùy theo độ tuổi của người mà nó cư ngụ, hoặc điều kiện môi trường của người đó.

Người ta ghi nhận vi khuẩn tạo ra trong cơ thể trẻ em nhiều acid folic hơn người lớn. Hoặc ở các nơi có tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vitamin như Malawi hay vùng nông thôn Venezuela, người ta tìm thấy trong ruột người dân các loại vi khuẩn sản xuất ra riboflavin nhiều hơn ở vùng giàu có Bắc Mỹ, loại này sản xuất ra men glycoside hydrolase giúp chuyển hóa tốt các glycan.

Tác động để chữa bệnh

Đối với bệnh tự kỷ, nếu cơ thể của một trẻ sơ sinh có hệ vi sinh cần quá nhiều sulphure thì trí não của cháu ấy sẽ phải trả giá

Không dừng lại ở quan hệ dinh dưỡng, các nghiên cứu gần nhất cho thấy sự gắn bó mật thiết của “hệ sinh thái con người” này với hàng loạt vấn đề sức khỏe như bệnh béo phì hay suy dinh dưỡng, bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis), bệnh dị ứng, bệnh chàm, bệnh ở gan, nhiều loại bệnh ở đường ruột bao gồm cả ung thư ruột và cả bệnh tự kỷ.

Năm 2006, nghiên cứu của tiến sĩ Gordon thuộc Đại học Y khoa Washington cho thấy trong ruột người béo có nhiều vi khuẩn firmicutes hơn, còn người gầy có nhiều vi khuẩn bacteroidetes hơn. Khi thực hiện chế độ ăn kiêng giúp một người béo trở nên gầy thì hệ vi khuẩn thay đổi tương thích. Thí nghiệm trên chuột cho thấy hệ vi khuẩn không phải thay đổi theo hoàn cảnh, mà nó đã giúp tiến trình làm gầy qua việc hạn chế sản sinh một loại hormone tích mỡ và một loại enzyme có tác dụng làm ngừng đốt cháy chất béo.

Ở chiều ngược lại, trong một nghiên cứu tại Malawi, tiến sĩ Gordon đã chứng minh rằng một số loại vi khuẩn không phù hợp trong ruột sẽ tạo tình trạng suy dinh dưỡng. Qua nghiên cứu các cặp song sinh mà một cháu mập, cháu kia thì ốm, ông nhận thấy hệ vi khuẩn ở trẻ ốm là loại thiếu khả năng tổng hợp vitamin và tiêu hóa các hydrocacbon phức tạp. Khi cấy các hệ vi khuẩn này vào chuột đã làm sạch ruột cũng cho kết quả tương tự.

Nếu nghiên cứu này tiếp tục được khẳng định sẽ có những tác động xã hội lớn, vì tình trạng suy dinh dưỡng tưởng như do thiếu đói thì nay có thể được cải thiện một phần bằng cách điều chỉnh hệ sinh vật trong ruột.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa hệ vi khuẩn này với các bệnh về tim được đồng thời nghiên cứu trên người và chuột. Tiến sĩ Nicholson của Imperial College, London đã cho thấy số lượng acid formic có trong nước tiểu tỉ lệ nghịch với huyết áp của người đó (một dấu hiệu của bệnh tim), mà nguồn phát sinh chủ yếu của acid formic từ hệ vi khuẩn trong ruột. Vì vậy, ông nghĩ rằng sự phân bổ vi sinh ở đây có thể là một yếu tố cần lưu ý trong bệnh tim.

Còn nhà khoa học Stanley Hazen ở Bệnh viện Cleveland, bang Ohio đã nhận thấy khi cho chuột ăn các thực phẩm gây xơ cứng động mạch, đồng thời dùng kháng sinh diệt hết các vi khuẩn trong ruột của chuột thì các chứng xơ vữa động mạch không thấy xuất hiện, mặc dù ông vẫn chưa tìm ra được căn nguyên của hiện tượng.

Mặt khác, khi nghiên cứu liệu pháp Roux-en-Y, phẫu thuật cắt ngắn ruột non, giảm hấp thu thực phẩm để chữa bệnh béo phì (người bệnh có cả bệnh tiểu đường), người ta thấy cả bệnh béo phì lẫn tiểu đường đều chấm dứt. Tiến sĩ Nicholson cho rằng việc bỏ qua một đoạn ruột làm thay đổi phân bố của vi sinh đã tạo ra sự biến mất đột ngột của bệnh tiểu đường.

Tiến sĩ Nicholson cũng cho rằng một số bệnh tự miễn (autoimmune), vốn có nguyên nhân do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào lành gây ra, cũng có nguyên nhân từ hệ vi sinh này. Theo giải thích của ông, rất nhiều tế bào của hệ miễn dịch ở các thành ruột, nơi nó có trách nhiệm phân biệt các vi khuẩn tốt với vi khuẩn xấu bằng cách nhận diện các phân tử trên bề mặt của vi khuẩn.

Đôi khi xảy ra tình trạng giống nhau giữa các vi khuẩn đáng ngờ với các tế bào người đã làm hệ miễn dịch tấn công tế bào. Dù chưa chứng minh được hoàn toàn, nhưng Nicholson ngờ rằng một số thành phần của hệ vi khuẩn ở ruột đã đánh lừa hệ miễn dịch và tạo ra sự oái oăm này. Ông cho rằng các bệnh tự miễn như tiểu đường type-1, dị ứng, chàm hay đa xơ cứng có thể có nguyên nhân từ đây.

Ý kiến này được xác nhận từ một nghiên cứu của Kerstin Berer thuộc Viện Max Planck về sinh học tự miễn và ngoại di truyền ở Freiburg, Đức. Nghiên cứu của họ trên chuột cho thấy các vi sinh ở ruột quả thật có liên quan đến việc kích hoạt một loại phản ứng làm hệ miễn dịch quay qua tấn công các tế bào thần kinh, loại bỏ lớp vỏ của tế bào vốn là nguyên nhân tạo ra bệnh đa xơ cứng.

Mở ra nhiều cơ hội điều trị

Dù đây là một quan niệm khá mới và còn cần phải được tiếp tục nghiên cứu, nhưng nhiều bác sĩ và nhà sinh học trên thế giới vẫn đang rất nghiêm túc trong việc tận dụng phương pháp tiếp cận này để điều trị một số bệnh. Chẳng hạn căn bệnh nhiễm vi khuẩn clostridium difficile gây tiêu chảy dữ dội kèm theo nhiều triệu chứng khác. Mỗi năm, căn bệnh này gây tử vong 14.000 bệnh nhân tại Mỹ. Lý do là chủng khuẩn này đã hoàn toàn đề kháng với kháng sinh nên không có phương cách gì để tiêu diệt.

Nhưng tiến sĩ Mark Mellow của Trung tâm Y khoa Baptist ở TP Oklahoma đã dùng kỹ thuật cấy phân người để điều trị căn bệnh. Phương pháp của tiến sĩ Mellow là bơm một dung dịch chứa phân của một người khỏe mạnh vào ruột của bệnh nhân. Các vi khuẩn khỏe mạnh sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh trong đại tràng và đuổi vi khuẩn clostridium difficile đi.

Năm 2011, ông đã áp dụng liệu pháp này cho 77 bệnh nhân và có đến 91% khỏi bệnh. Với bảy bệnh nhân không đáp ứng tốt, ông áp dụng lần hai thì có đến sáu người hồi phục. Mặc dù đến nay phương pháp này vẫn còn đang được tiếp tục nghiên cứu nhưng nếu được khẳng định, nó sẽ mở ra một hướng điều trị hiệu quả và rẻ tiền.

Nhưng có lẽ mối liên hệ sau đây có thể gây bất ngờ cho bất cứ ai nghe thấy: người ta tìm thấy mối liên quan giữa hệ vi sinh trong ruột với một căn bệnh ở hệ thần kinh, đó là bệnh tự kỷ.

Từ lâu, y học đã ghi nhận người bị bệnh tự kỷ thường có những vấn đề ở đường ruột. Thường họ có khá nhiều chủng vi khuẩn clostridia. Như bất cứ một hệ sinh thái nào luôn có cạnh tranh giữa những cá thể bên trong nó, chủng clostridia có khuynh hướng cạnh tranh với các vi khuẩn khác bằng cách tiết ra chất phenol để tiêu diệt đối phương, nên khi có nhiều clostridia thì môi trường trong ruột sẽ có nhiều phenol, nhưng chất này có hại cho tế bào người và phải được trung hòa nên cơ thể sẽ dùng lượng sulphure dự trữ để hóa giải phenol.

Rủi thay, sulphure cũng là chất cần cho phát triển não. Do đó, nếu cơ thể của một trẻ sơ sinh có hệ vi sinh cần quá nhiều sulphure thì trí não của cháu ấy sẽ phải trả giá.

Dĩ nhiên, nguyên nhân của căn bệnh là do một gen trong cơ thể bị trục trặc gây cản trở quá trình chuyển hóa sulphure, nhưng cùng lúc nếu có quá nhiều clostridia trong ruột càng thúc đẩy quá trình này đến sự mất cân bằng nghiêm trọng hơn. Từ hiểu biết này đã bắt đầu xuất hiện khả năng ngăn chặn căn bệnh tự kỷ quái ác.

ĐÔNG NAM

(THEO THE ECONOMIST, NATURE & SCIENCE)

Những kẻ lạc đường

05/03/2013 14:40 (GMT + 7)

TTCT - 1. Tôi đang là sinh viên đại học. Thời điểm này bạn bè đồng trang lứa với tôi bắt đầu đi thực tập và chuẩn bị lãnh bằng tốt nghiệp. Còn tôi vẫn ngắc ngứ giữa sách vở và những bài thi lại.

Lẽ ra tôi đã là sinh viên năm tư, nhưng do cả một năm học mất phương hướng mà tôi trượt hết các môn thi và phải học lại một năm. Tưởng như một năm học lại có thể giúp tôi lấy lại kiến thức và kỹ năng cần thiết, nhưng trong tôi chỉ có cảm giác chán chường và sự lạc hướng lại càng rõ hơn. Năm nay tôi đã 22 tuổi, nhưng tôi không biết sẽ làm gì với cuộc đời mình.

Tôi vốn là học sinh giỏi 12 năm liền, luôn được giải thưởng cấp thành phố trong những năm học phổ thông. Sau lớp 12, tôi thi đậu ngay vào một trường đại học danh tiếng ở thành phố để theo đuổi ngành học mình yêu thích. Mọi chuyện có vẻ như suôn sẻ, nhưng từ khi vào đại học, việc đi học dường như trở thành cực hình với tôi.

Trái với tưởng tượng của tôi về một môi trường học thuật say mê, lý thú, mỗi ngày lên giảng đường tôi đều phải nghe những bài giảng hết sức khô khan với kiến thức từ chương, cứng nhắc, thiếu sáng tạo. Tôi thấy như mình lại quay về thời tiểu học, trung học với lối áp đặt suy nghĩ từ giảng viên, kể cả khi chúng tôi đã qua tuổi 20.

Từ đó, tâm thế tôi với chuyện học chỉ đầy nỗi chán ngán. Tôi không thấy mình tiếp thu được gì đáng nhớ hay khuấy động tư duy lúc ngồi ở giảng đường. Rồi dần dần tôi bỏ những tiết học tự cho là không quan trọng. Sách vở chữ nghĩa ngày một xa tôi dần.

Dường như chúng tôi vẫn chỉ là những đứa trẻ chưa lớn. Nhưng khi chúng tôi chưa tròn 20 tuổi thì xã hội đã đặt lên tay chúng tôi những lựa chọn. Và theo một cách hiểu nào đó thì chúng tôi không được phép sai. Sai một li, đi một dặm. Chọn sai một ngành học hay một ngôi trường thì ít nhất là lỡ mất một năm, còn không là mất cả quãng đời đại học. Khi đưa ra những lựa chọn thế này tôi cảm thấy rất chơi vơi. Và chơi vơi nhất vì tôi không có niềm tin thật sự vào nền giáo dục xung quanh tôi.

2. Tôi có người bạn theo học ngành y. Ban đầu bạn cũng rất hăng say với ngành học. Bạn lại là người rất sáng láng, cần mẫn, ai thấy bạn theo ngành y cũng tin bạn sẽ có tương lai sáng sủa. Nhưng ngay sau năm đầu, bạn tâm sự với tôi rằng bạn có cảm giác “vỡ mộng,” như là đã chọn sai đường.

Bạn bảo bạn vẫn rất thích ngành y, nhưng môi trường mà bạn đang theo học đầy những tính toán, hơn thiệt và những bài kiểm tra chỉ mang tính từ chương đã làm bạn mất đi niềm hứng khởi. Thế là sang năm hai bạn bắt đầu làm hồ sơ đi du học. Bạn sang một xứ sở khác, nói một thứ ngôn ngữ khác, để học lại cũng chính ngành y.

Lại nói về những người bạn khác của tôi sắp sửa thành cử nhân vào mùa hè tới. Trong số này có một người là sinh viên ưu tú của Đại học KHXH&NV, yêu ngành, làm nghiên cứu miệt mài, điểm số hoàn hảo. Nhưng ngay cả khi sắp sửa tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, bạn vẫn tâm sự với tôi những dằn vặt và thất vọng về những gì mà mình từng coi là yêu sống yêu chết. Bạn nói sau bốn năm miệt mài, bạn chẳng còn cảm thấy đam mê gì với những điều bạn vốn tôn thờ, thậm chí còn thấy hoài nghi giá trị của chúng nữa.

Bạn vẫn đi học đều đặn, đúng giờ, không bỏ học vì giảng viên điểm danh hằng ngày, chứ cũng chẳng phải vì bạn thích lên lớp. Ngoài những môn học chính mà bạn còn chút hứng thú thì những môn học bắt buộc khác rất vô lý và đáng chán với bạn. Kết quả là bạn đi học nhưng chui xuống cuối lớp ngồi và chơi carô với người bạn ngồi cạnh để giết thời gian.

Chính bạn cũng thấy việc này hết sức ngớ ngẩn. Bạn hay nửa đùa nửa thật rằng chẳng phải người ta hết sức ý thức được về sự nghèo nàn trong cách giảng dạy của mình, đến nỗi phải đem chuyện điểm danh ra để lôi kéo sinh viên đến lớp đó sao?

Tôi còn một cô bạn khác, học tài chính ngân hàng bốn năm, đã bắt đầu đi thực tập vào tháng 1 rồi. Sắp tốt nghiệp đến nơi thì cô thở dài thở ngắn với bạn bè rằng đến nước này mới nhận ra niềm mơ ước thật sự của mình là làm nghề gõ đầu trẻ, chứ chẳng phải chuyện tính toán gì cả. Mà quả thật là suốt mấy năm học trung học, cô luôn là học sinh chuyên văn.

Thế cớ sự sao mà bạn lại đi học ngân hàng? Cô trả lời nhẹ tênh, vì học ngành này có tiền, ít ra còn có thể kiếm được việc. Nhưng tới thời điểm này thì bạn bắt đầu mất phương hướng, mất niềm tin, mà lùi cũng chẳng còn kịp nữa. Sắp tốt nghiệp, câu cửa miệng mà tôi nghe thấy nhiều nhất từ những người bạn lạc lối như thế này là: thôi tới đâu thì tới vậy. Chính tôi cũng muốn nói câu này với mình.

3. Tôi có một người bạn du học từ năm cuối trung học, sau đó trở thành sinh viên ngành tâm lý học. Bạn kể có một dạo bạn tìm thử tài liệu ngành bằng tiếng Việt để tham khảo, sau một thời gian “đánh vật” với những tài liệu này, bạn dần nhận ra thà bạn đọc tài liệu bằng tiếng Anh có khi lại dễ hiểu hơn (?!).

Theo bạn, tài liệu tiếng Việt khó hiểu đến nỗi bạn phải dịch chúng ngược ra tiếng Anh để nắm rõ hơn ý tưởng của nó, mà nguyên nhân chính là do từ ngữ của nó quá cao siêu và trùng lặp không cần thiết, cách diễn giải cũng rườm rà, thiếu thực tiễn. Rồi bạn công nhận với tôi là nếu bạn không đi du học mà vẫn học ở Việt Nam, có lẽ bạn chẳng dám theo ngành bạn đang học, cũng chẳng nuôi được đam mê mà dấn thân vì nó tới cùng. Hoặc nếu có thì chắc đến nửa đường bạn cũng thấy nản thôi. Chuyện này làm tôi nghĩ tới người bạn sắp sửa tốt nghiệp cử nhân loại ưu mà tôi đã nói ở trên.

4. Trở lại vấn đề của tôi, tôi là đứa thích được tư duy, được sáng tạo, được vận dụng sức suy nghĩ và trí tưởng tượng của mình, thích được đặt vấn đề, thích đưa ra câu hỏi, mày mò tìm cách lý giải và trả lời. Bởi vậy tôi nhìn những người bạn mình đi học ở xứ người, đến năm cuối họ bắt đầu làm đề tài nghiên cứu, đặt vấn đề và đưa ra tranh cãi về những điều mà họ thích thú, được thỏa sức bộc lộ suy nghĩ của mình, một cách ghen tị.

Tôi không tìm được nhiệt huyết và sự tự tin như thế trong tôi. Tôi vẫn như con gà công nghiệp đi loanh quanh trong lồng, hoàn toàn không có sự giải phóng về mặt suy nghĩ.

Thế là tôi, 22 tuổi, học đúp một năm, đang đứng ngẩn ngơ trước tương lai của mình. Sau này tôi đi đâu, làm gì, làm thế nào, tất cả vẫn còn là bài toán đố cho một kẻ đã loay hoay trong sân trường đại học suốt bốn năm. Sau này tôi có đủ tự tin và bản lĩnh để bảo vệ sản phẩm trí tuệ của mình không lại là một câu hỏi khác.

Tôi, 22 tuổi, lạc đường...

KHÁNH LINH

Tôi tốt nghiệp sư phạm ngành ngữ văn. Từng là học sinh giỏi ở bậc phổ thông, tôi bước vào đại học với bao hăm hở, cứ nghĩ mình sẽ học được những kiến thức bổ ích và gần gũi với nghề mình chọn. Nhưng thực tế là những gì khiến tôi và những người bạn cùng lớp thất vọng rất nhiều.

Trước nhất là chương trình khung quá nặng nề và gần như chiếm hết thời gian những môn học chính. Kinh tế, chính trị, lịch sử Đảng, triết học Mác-Lênin với số lượng tiết học rất lớn và hệ số (điểm thi) rất cao, trong khi những giáo viên dạy môn này chỉ đọc cho sinh viên chép, chép rã rời tay mà chúng tôi vẫn rất mù mờ. Đó là chưa kể một số môn như tâm lý giáo dục hay ngôn ngữ học lẽ ra sẽ là những môn học hấp dẫn nhưng giáo viên vẫn cứ đọc chép!

Lý thuyết thì “tràng giang đại hải” nhưng chúng tôi không hiểu hết và hoang mang không biết nó có ích gì cho nghề nghiệp của chúng tôi không. Khoảng cách giữa kiến thức mà chúng tôi học trên lớp và thực tế cuộc sống hiện tại ngày càng vời vợi. Chúng tôi chênh vênh, chán nản dần.

Các buổi lên giảng đường mất dần hứng thú và trở thành những buổi “trả nợ tình xa” không hơn không kém. Đó là chưa kể những tiết kiến giảng và thực tập sư phạm cũng ngắn, giống như “cưỡi ngựa xem hoa”. Sự va chạm thực tế của chúng tôi, những sinh viên sư phạm, khá sơ sài và ít ỏi. Kỹ năng soạn giáo án chúng tôi chưa được trang bị, phương pháp giảng dạy lơ mơ, lý thuyết cũng từ những tài liệu cũ ít được cập nhật và cũng từ việc đọc chép của giáo viên. Chương trình ngoại khóa hầu như không có.

Nếu như các ngành khác của bậc đại học mà cũng được học như chúng tôi thì các nhà tuyển dụng “kêu trời” không có gì quá đáng lắm. Cũng theo cơ cấu chương trình, chúng tôi có 30 tiết học về việc dạy kỹ năng sống cho học sinh nhưng không có giáo viên, giảng viên cho môn này, chúng tôi cũng không học một tiết nào. Chúng tôi tự hỏi bao nhiêu thứ một giáo viên cần như kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, kỹ năng sáng tạo, quản lý cảm xúc... sao chúng tôi chưa được trang bị?

Tôi có một người bạn đang học ngành tâm lý giáo dục của một trường đại học ở TP.HCM. Theo cái nhìn của bạn, tình hình không có gì khả quan hơn ngành học của tôi. Hầu hết những cơ sở nghiên cứu tâm lý trong nước đều dựa vào tài liệu nước ngoài. Trên bục giảng, các giáo sư và giảng viên dù có học hàm học vị gì đi nữa cũng không nói ra ngoài những tài liệu có sẵn. Cả sinh viên làm khóa luận và luận văn cũng theo kiểu nhai lại kiến thức cũ chứ không có nghiên cứu gì khác biệt và đột phá.

G., bạn tôi, trước là một học sinh giỏi nhiều năm liền của cấp trung học phổ thông, nay cũng là một sinh viên nổi bật của khoa tâm lý. Trong cuộc sống G. là người sôi nổi và chịu khó tìm tòi, sáng tạo. Khi làm luận văn tốt nghiệp, bạn tôi định chọn một đề tài nghiên cứu mới thì lập tức giảng viên hướng dẫn gạt đi vì “không an toàn em à, các giáo viên phản biện sẽ đánh tơi tả”.

Không được giáo viên hướng dẫn đồng ý, dĩ nhiên bạn tôi không thể viết và bảo vệ đề tài mình tâm đắc mà phải chọn viết theo gợi ý của giáo viên hướng dẫn. Bao nhiêu hứng thú bay biến, bạn chỉ biết ngậm ngùi làm theo cách mà giáo viên cầm tay chỉ việc. Nhận một số điểm rất cao ngày tốt nghiệp mà G. không thấy vui. Các bạn sinh viên chúng tôi hay nói với nhau: “Cá không ăn muối cá ươn. Không nghe (giáo viên) hướng dẫn trăm đường rớt thôi”.

Những lý thuyết xám xịt, mênh mông nhưng cũ rích, thừa thãi đang nhận chìm tâm huyết chúng tôi theo thời gian. Thử hỏi nhà tuyển dụng nào có thể nhận những sinh viên học để “trả nợ” như chúng tôi đây?

NGUYÊN THI

Đó mới là cuộc đời

09/03/2013 01:06 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Tham gia loạt “Những kẻ lạc đường” là bài viết của hai độc giả không còn trẻ, có người từng “mất phương hướng những năm hai mươi” và nay đang đối diện với những người trẻ cũng đang... lạc đường.

Từ chuyện của tôi

“Tôi nhận ra rằng khi không thể thay đổi được (môi trường, hoàn cảnh) thì phải chấp nhận và quan trọng là không bi quan. 20 tuổi, mọi thứ vẫn còn ở phía trước, rất xa”.

Tôi thi đậu Đại học Sư phạm kỹ thuật năm 1977, lý do duy nhất khiến tôi chọn trường chỉ là khi ấy trường có ký túc xá nữ quá đẹp, quá tiện nghi (nhiều bạn bè tôi sau đó cũng thổ lộ như vậy). Năm đầu tiên học các môn khoa học cơ bản, tôi thấy mình là học sinh cấp... 4. Năm hai bắt đầu học các môn kỹ thuật cơ sở, tôi chán nản ngay từ đầu và mất phương hướng vì không biết mình học để làm gì với những môn học không thích, khó trôi, không phù hợp với nữ, đôi lúc còn không hiểu bài nữa!

Động lực duy nhất để tôi bốn năm không thi lại môn nào và có năm đạt tiên tiến chỉ vì tôi nghĩ đến cha mẹ ở quê chắt mót từng đồng gửi vào cho tôi. Đó là những năm đất nước rất khó khăn, cha mẹ tôi phải nuôi hai đứa con học đại học ở thành phố, cực đến mức nào! Tôi đã đi qua những năm tháng tuổi 20 trong tâm trạng chán chường nhưng phải luôn cố gắng vì không còn đường nào khác ngoài phải tốt nghiệp đại học để có công việc làm.

Ra trường tôi được phân công về một cơ quan quản lý nhà nước. Những kiến thức đã học bốn năm hầu như sử dụng rất ít và tôi phải làm lại từ đầu với rất nhiều kiến thức khác phục vụ công việc bằng cách tự nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, tham gia các lớp tập huấn...

Thời gian dần trôi, may mắn (cũng là vô tình) tôi có thêm nghề tay trái là viết báo. Bắt đầu từ những bài báo về chuyên ngành kỹ thuật và tôi vận dụng được những kiến thức trong trường đại học. Rồi từ đó khi viết sang lĩnh vực xã hội, những bài giảng về các môn tâm lý học, phương pháp giảng dạy, giáo dục học... đã giúp ích cho tôi ít nhiều. Tất nhiên trên nền tảng sự trải nghiệm và vốn sống.

Tôi nghiệm ra rằng những gì đã học, đã làm qua trong cuộc đời không bao giờ vô ích cả, không chỉ là kinh nghiệm sống mà còn giúp nhận biết được sự việc một cách dễ dàng hơn. Tất nhiên, để đạt được những điều này, tôi hiểu rõ đó là sự cố gắng triền miên, không được bi quan, chấp nhận để bước về phía trước.

Đến chuyện chọn trường của con tôi bây giờ

Con trai út của tôi năm nay thi đại học. Có lẽ do được cha mẹ “bọc đường” kỹ quá nên cháu rất lơ mơ, không có một khái niệm gì về ngành nghề sẽ học. Tôi bảo thi trường nào cháu cũng lắc đầu. Tôi phân vân không biết khả năng con mình sau này ra sao (cháu mới 18 tuổi, rất khó nghĩ được cháu sẽ phù hợp nghề gì trong tương lai, vả lại cuộc sống luôn thay đổi, hiện tại thì thích nhưng học rồi lại chán...). Kinh tế thì cháu không thích. Theo ngành kỹ thuật như cha mẹ thấy không phù hợp vì cháu tính nghệ sĩ, lại có vóc dáng thư sinh.

Đến thời điểm gần nộp đơn thi đại học mà gia đình tôi vẫn chưa quyết được. Khi tôi ngỏ ý thi sư phạm thì thấy cháu có vẻ dừng lại không lắc đầu nữa. Tuy nhiên, tất thảy bạn bè tôi đều can: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Như vậy, tôi thấy ngay từ năm 18 tuổi con tôi đã... mất phương hướng (không biết sẽ học gì và làm gì trong tương lai).

Tôi luôn nói với cháu nếu vào được một trường đại học phù hợp với khả năng và thích là điều may mắn, còn không phải chấp nhận, coi như bốn năm đại học là bước đệm để bước vào đời, ít nhiều những kiến thức đã học sẽ có lúc dùng đến.

Điểm lại cuộc đời mình và của bạn bè, tôi thấy các bạn trẻ giờ đây có hai từ rất hay và đúng đó là hên - xui. Tất nhiên còn nhiều thứ quyết định sự thành công hay thất bại như: tính cách con người, chuyên môn giỏi hay dở...

Nhiều bạn bè tôi có điều kiện chọn phương án cho con đi học nước ngoài, nói vui là “tị nạn giáo dục”. Tuy nhiên, tôi thấy dù học ở nước ngoài, môi trường học tập tốt, thuận lợi nhưng vẫn có nhiều bạn mất phương hướng, và con số thất bại không phải ít. Thậm chí có cha mẹ... mất con nữa!

Và việc kiếm tiền

Khó có thể phủ nhận mối quan tâm về tiền bạc của phụ huynh và cả suy nghĩ của lớp trẻ khi chọn trường đặt nặng vấn đề học ngành nào dễ... kiếm tiền. Chuyện có thật, khi tôi chat với một bạn học cùng lớp con tôi (bạn này học rất giỏi) về việc chọn trường, bạn ấy quyết tâm sẽ theo ngành ngoại giao, và khi tôi bảo con tôi sẽ thi sư phạm, bạn ấy liền cho rằng “dạy thêm có tiền lắm cô ơi”.

Đôi lúc tôi cảm giác có bạn trẻ giờ đây nôn nóng học nhanh, đi làm có tiền. Khác với thế hệ của chúng tôi là học xong, có việc làm là tốt rồi! Những suy nghĩ về tiền bạc cũng là một trong các yếu tố dẫn đến mất phương hướng.

Từ kinh nghiệm của chính mình, có chuyên môn, bầm giập không ít, trải cũng nhiều... tôi nhận ra rằng khi không thể thay đổi được (môi trường, hoàn cảnh) thì phải chấp nhận và quan trọng là không bi quan. Tính tích cực của quan điểm “bánh tét lột lần” là giải quyết từng khâu một, dứt điểm (học cho xong rồi tính tiếp, chẳng hạn). 20 tuổi, mọi thứ vẫn còn ở phía trước, rất xa.

Tôi không cho rằng có ai đã lạc đường. Nếu lạc đường vẫn có lối thoát, vấn đề là chúng ta có tích cực tìm lối ra hay không. Mọi việc trên đời đều có cách giải quyết. Quan trọng là không bi quan, sống tốt, biết lễ phép, sống đàng hoàng lương thiện, vui vẻ trong hiện tại, tận hưởng những ngày tháng còn ngồi trên ghế nhà trường... Tôi biết bổn phận của tôi, một người mẹ bắt buộc phải dạy con mình những điều như vậy, còn con cái có nghe hay không thì... hên - xui!

Một ông bố tâm sự ông chỉ mong con cái ông ba điều: làm việc, vững vàng và yêu đời. Tôi cũng chuẩn bị tư tưởng nếu một ngày nào đó con tôi cảm thấy mất phương hướng để có cách giải quyết, bởi vì tôi đã từng hoàn toàn không có phương hướng trong những năm tuổi 20 và tôi cũng đã trải qua, tất nhiên với không ít bầm trầy, đủ mùi vị của sân, si, hỉ, nộ, ái, ố... Đó mới là cuộc đời, các bạn trẻ ạ!

TÂM AN

Nhưng sự hào hứng ban đầu của tôi nhanh chóng nhường chỗ cho sự... mất hứng, các bạn tạm gọi là 8x từ đời đầu đến đời cuối ấy xuất hiện với sự sợ sệt, kém tự tin hoặc chỉ được cái năng động bên ngoài trong thời gian đầu, rồi chấm hết! Lân la tìm hiểu, tôi nhận ra họ chẳng quan tâm mấy tới chuyên môn marketing hay với cả những đam mê học hành, nghề nghiệp của mình. Khi hỏi “Bạn không có mục tiêu hay hứng thú gì thì làm sao trụ lại được công ty?” thì họ đáp lại là câu trả lời xanh dờn: “Thì trước giờ em có cần hứng thú gì đâu mà vẫn ổn đó thôi”!

Trong số những nhân viên đã tiếp xúc, tôi đặc biệt chú ý tới hai trường hợp, khá điển hình cho những gương mặt “không cần hứng thú” đó. Đấy là Kiên, một chàng trai tự nhận mình “kém đều” các mặt nên chẳng bao giờ có ý kiến gì trong các cuộc thảo luận. Kiên vào công ty với tấm bằng ra trường hạng khá, nhưng hai năm qua cậu chàng chẳng có gì nổi bật, hỏi ra mới biết cậu theo học khoa quản trị chỉ vì giỏi... toán lý hóa nhưng thương trường chưa bao giờ là chọn lựa của cậu.

Tất cả chỉ là sự tham khảo với bạn bè, gồm nhiều người cũng mù tịt về con đường nôm na gọi là “đi làm kiếm tiền” và càng xa lạ hơn với từ chọn lựa nghề nghiệp hay thiên hướng đam mê cá nhân.

Trong một lần trò chuyện, Kiên mơ hồ nói: “Hình như em thích vật lý, nhất là thiên văn học, nhưng gia đình chẳng có điều kiện, cũng không biết muốn theo đuổi ngành này thì học cái gì, ở đâu. Trong nhà, em mới nói chuyện sao này sao kia là bị mắng viển vông, tâm thần (!?), sau này lấy cái gì mà ăn. Nói thật em không thích kinh doanh nhưng em đâu biết lựa chọn nào khác”.

Còn Kim lại là một câu chuyện khác. Lớn lên trong một gia đình gia giáo, có điều kiện vật chất đầy đủ, cha mẹ đều là giáo viên, anh chị cũng hành nghề sư phạm, có học hàm học vị cao nên cả nhà đều định hướng tương lai của cô con út chắc chắn sẽ không có gì khác ngoài bục giảng.

Kim cho biết thuở bé cô được xem... là thần đồng vì hát hay đàn giỏi và cái gì cũng biết sớm: mọc răng sớm (?!), nói sớm, đi sớm, đọc sớm, làm tính sớm. Nhưng thay vì chuyển những con tính lên phấn trắng bảng đen, cô bé lại ứng dụng vào việc... thầu ve chai trong nhà, bỏ ống heo và mua sắm theo ý thích.

Càng lớn, Kim càng được gia đình “cài đặt” vào việc trở thành cô giáo như truyền thống gia đình. Cô được gửi học ở các lớp có bạn của mẹ dạy, được chỉ định làm lớp trưởng vì là con cô giáo, được hướng dẫn bởi những người bạn giáo sư của ba. Nhưng những yêu cầu thành tích ngày càng tăng khiến Kim vốn nóng tính lại càng thêm dễ quạu.

Tất cả đều làm Kim ngộp thở, cộng với những lời giễu cợt của bố mẹ anh chị về chuyện “doanh nghiệp tư nhân trách nhiệm hỏa hoạn một thành viên” của cô mà Kim đùng đùng quyết chí theo đuổi ngành kinh doanh đến cùng mặc cho những lời năn nỉ hay la mắng của cả nhà.

Sau bảy năm ra trường, va vấp nhiều điều khiến Kim nhận ra việc cô theo đuổi ngành kinh doanh chỉ là cách để chống lại sự áp đặt, dè bỉu của gia đình, chủ yếu là để thỏa mãn cái tôi ương bướng của cá nhân cô, nó không thật sự là ngành học mà cô yêu thích hay có khả năng.

Tôi thấy tiếc những năm đại học của những bạn trẻ không phải là kém tài hoa này...

THÚY N.

Không thể để kẻ xấu thắng được

12/03/2013 19:06 (GMT + 7)

TTCT - Giới tội phạm gọi bà Leslie Crocker Snyder là “người phụ nữ rồng” (Dragon Lady) hay “213” - số năm tù bà từng tuyên cho một tay trùm ma túy.

Bà là nữ công tố viên và quan tòa huyền thoại ở New York (Mỹ) trong khoảng thời gian bạo lực nhất, tàn khốc nhất của thành phố này (những năm 1970-1990). Nhưng giờ đây, trước mặt tôi là một phụ nữ hiền hậu, có khuôn mặt trẻ hơn nhiều so với tuổi 71 với câu chuyện khởi đầu từ giấc mơ trở thành công tố viên của một cô bé 5 tuổi...

Điều gì khó cho bà khi là người phụ nữ đầu tiên làm công tố viên về mảng giết người, người lập ra bộ phận chống tội phạm tình dục đầu tiên của nước Mỹ và là người viết luật bảo vệ nạn nhân trong tội phạm tình dục?

Bà Leslie Crocker Snyder: Đó là một kỷ nguyên rất khác - thời điểm mà phụ nữ hoàn toàn không được thừa nhận ở New York, thậm chí là cả ở nước Mỹ. May mắn là điều đó đã được thay đổi. Công việc tôi làm rất thách thức nhưng cũng rất thú vị vì chúng tôi có cơ hội tạo ra thay đổi. Ví dụ như khi tôi truy tố vụ cưỡng hiếp đầu tiên, tôi thấy luật có quá nhiều điểm không công bằng, tôi đã cùng các phụ nữ khác thúc đẩy để thay đổi luật về tội phạm tình dục. Đương nhiên, khi là người phụ nữ đầu tiên làm nghề đó thì không dễ chút nào. Tuy vậy, sau khoảng 10 năm thì mọi thứ thay đổi và giờ ở New York có rất nhiều phụ nữ làm nghề này.

Ông công tố viên trưởng hồi đó là một người rất tuyệt vời tên là Frank Hogan. Ông nổi tiếng nhưng cũng rất gia trưởng. Ông nghĩ phụ nữ không nên tham gia xử các vụ giết người. Tôi thì thường xuyên gặp ông để xin chuyển sang bộ phận đó, còn ông luôn nói “không, không”. Cuối cùng, ông nói với tôi “nếu cô đem cho tôi lá thư cho phép của chồng thì tôi sẽ xem xét chuyện đó”. Sau khi nghe ông nói thế, mọi người đều đến gặp ông và nói muốn tôi chuyển sang bộ phận đó vì tôi có năng lực. Sau đó ông chấp nhận dù tôi chưa bao giờ nộp cái thư cho phép của chồng cả (cười).

"Với tôi thì gia đình vẫn là thành tựu quan trọng nhất trên đời. Trong lĩnh vực nghề nghiệp, tôi nghĩ việc thay đổi được luật về tội phạm tình dục và thành lập được đơn vị chuyên trách đầu tiên trong cả nước để truy tố tội phạm tình dục là thành tựu sáng tạo nhất. 

Làm luật sư, làm công tố viên, làm quan tòa rồi là người mẹ, người vợ, tất cả đều khó, nhưng vai trò được đền đáp và khiến tôi hài lòng nhiều nhất chính là làm mẹ. "

* Đó là giai đoạn vô cùng hỗn loạn và nguy hiểm ở New York, khác xa với bây giờ. Đâu là những khó khăn lớn nhất cho bà khi làm việc chính ở giai đoạn đó?

- Đó là giai đoạn khó khăn nhưng tôi nghĩ nó còn khó khăn hơn khi tôi trở thành thẩm phán vì lúc đó ma túy đá (crack) và tội phạm ma túy hoàn toàn chi phối thành phố. Khi tôi là công tố viên, tình hình cũng tệ nhưng không thể tệ bằng giai đoạn sau vì crack khi đó chưa có. Ma túy đá khiến tội phạm bạo lực hơn.

Công việc của tôi giống ông bác sĩ trong phòng cấp cứu. Bạn thấy quá nhiều điều kinh khủng và dần bạn tự dựng lên một tấm lá chắn về mặt tâm lý bên trong. Không phải là bạn không quan tâm nữa, thực tế là vẫn quan tâm rất nhiều, nhưng bạn tránh không để bị ảnh hưởng bởi những gì kinh khủng mình thấy. Ví dụ tôi đã thấy quá nhiều vụ xâm hại tình dục kinh hoàng, có những vụ nạn nhân là trẻ nhỏ, những vụ giết người, xác chết... nhiều điều rất kinh khủng. Bạn rèn để giấu được cảm xúc của mình. Giống ông bác sĩ trong phòng cấp cứu, bạn phải học cách để đối phó với nó và vượt qua.

* Trong công việc bị chi phối bởi đàn ông như vậy, bà tồn tại thế nào?

- Đôi khi có vẻ không công bằng lắm khi bạn phải làm lâu hơn gấp đôi hoặc là nỗ lực gấp bội thì mới đạt được cùng một vị trí [như đàn ông]. Ví dụ như khi toàn bộ bạn nam cùng khóa công tố viên với tôi đã được thăng chức thì tôi phải đợi thêm một năm. Khi họ được giao việc tại các tòa người lớn với những vụ án lớn thì tôi phải làm thêm một năm ở tòa của trẻ vị thành niên, các vụ không nghiêm trọng bằng. Nhưng tôi luôn quyết tâm và tôi được làm việc mà tôi muốn.

* Ai là người truyền cảm hứng cho bà?

- Mẹ tôi luôn dạy tôi có thể làm bất cứ thứ gì tôi muốn, tôi có thể trở thành bất cứ ai và tôi nên giữ điều đó. Bà thông minh và thực tế, có thể rất thành công trong chính sự nghiệp của mình nhưng thời điểm đó phụ nữ lại không có cơ hội. Bà luôn khuyến khích tôi phải tự xây lấy sự nghiệp của mình, luôn tự chủ và độc lập.

* Ý nghĩ trở thành công tố viên đến với bà khi nào?

- Khi 5 tuổi tôi đã muốn trở thành công tố viên hình sự rồi. Lúc đó trên radio vào tối chủ nhật hằng tuần có chương trình tên “Những kẻ FBI muốn truy nã nhất” (FBI’s most wanted). Khi mọi người nghĩ tôi đang ngủ thì tôi lén bật radio nho nhỏ để say sưa nghe chương trình này. Ngay từ đó tôi quyết định sẽ trở thành luật sư hoặc là công tố viên.

* TP.HCM cũng là một thành phố lớn như New York. Vậy bài học cho một thành phố lớn khi đối đầu với làn sóng tội phạm là gì, thưa bà?

- New York rất thành công trong việc giảm tỉ lệ tội phạm, phần nhiều là nhờ vào các nghiệp vụ khác nhau của cảnh sát. Ví dụ, họ luôn có thiết bị công nghệ mới nhất để có thể khoanh những vùng có tỉ lệ tội phạm cao. Từ đó họ có thể tập trung nhân lực vào những khu vực trọng điểm. Mỗi khi có một điểm nóng tội phạm mới xuất hiện, họ sẽ điều thêm quân để dẹp ngay.

Nhìn tổng thể, tôi nghĩ các chính sách mới được đưa ra đều giúp ích cho quá trình trấn áp tội phạm. Tôi làm quan tòa hơn 20 năm và phải xử rất nhiều vụ nghiêm trọng vì ma túy đá khi đó chi phối thành phố hoàn toàn. Khi đó tỉ lệ giết người ở New York rất cao, rất nhiều băng nhóm ma túy cực kỳ bạo lực, đường phố thì rất nguy hiểm. Cách xử lý của chúng tôi khi đó là tóm gọn toàn bộ băng nhóm chứ không phải chỉ là vài tên tiểu tốt. Có một bộ phận đặc biệt trong văn phòng công tố viên chuyên xử lý các băng nhóm lớn này.

Khi hết nạn ma túy đá, chúng tôi tư duy chống tội phạm theo cách hiện đại hơn. Giờ chúng tôi có rất nhiều tòa chuyên trách, những tội phạm ma túy hoặc hình sự ít nghiêm trọng chúng tôi đưa vào một tòa riêng với các biện pháp cai nghiện, đào tạo nghề... Đó là cách giúp xóa rất nhiều những tội phạm nhỏ bằng cách giúp người ta thay vì chỉ đưa người ta vào tù - thực tế là nơi có thể biến mọi người thành tội phạm thậm chí nguy hiểm hơn.

Tôi là thẩm phán rất nghiêm vì tôi phải xử lý những vụ nghiêm trọng. Tuy vậy, tôi nghĩ cần có nhiều biện pháp chứ không chỉ dùng nhà tù trong đối phó với tội phạm.

* Như vậy là luật pháp nghiêm minh hay một lực lượng cảnh sát tinh nhuệ sẽ giúp trấn áp tội phạm tốt hơn?

- Tôi nghĩ cần phải có lực lượng cảnh sát hiện đại, thông minh có thể khoanh vùng tội phạm để triển khai lực lượng phù hợp. Nhưng bạn cũng cần những công tố viên có suy nghĩ độc lập, dám sử dụng các nghiệp vụ mới và có bộ phận tòa án suy nghĩ hiện đại nữa. Ví dụ như giờ chúng tôi có rất nhiều tòa chuyên trách: tòa về các tội phạm ma túy, tòa về các vấn đề thần kinh, tòa về bạo lực trong gia đình, tòa về các vấn đề cựu binh... Những tòa chuyên trách này xử lý các vấn đề rất khác nhau, đòi hỏi các kiến thức, nguồn lực, biện pháp khác nhau để có thể đi đến tận gốc của vấn đề thay vì chỉ đơn giản là ném người ta vào tù. Chúng tôi đã thay đổi các biện pháp nghiệp vụ của mình rất nhiều, học cách đối phó với tội phạm khác đi.

* Làm thế nào để người trẻ có thể trở thành thẩm phán giỏi và thành công như bà?

- Tôi nghĩ trước hết bạn phải có niềm đam mê đối với công việc mình làm. Tôi muốn làm luật sư hình sự từ khi 5 tuổi, cực kỳ kiên trì với theo đuổi đó và luôn tìm thấy niềm vui trong công việc của mình. Cuộc sống của tôi có rất nhiều khoảnh khắc nguy hiểm. Khi tôi làm quan tòa, gia đình tôi nhiều lần bị đe dọa. Cảnh sát đã phải bảo vệ chúng tôi trong suốt 11 năm rưỡi, lũ trẻ nhà tôi phải đến trường với cảnh sát.

Điều quan trọng là tôi luôn được làm điều tôi muốn. Nếu bạn rất muốn điều gì và nỗ lực hết sức vì công việc đó, cộng với một chút may mắn, bạn sẽ làm được.

* Bà có bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ cuộc vì những đe dọa vậy không?

- Không bao giờ.

* Bà phải rất cứng rắn mới làm được như vậy?

- Thực tế tôi rất tin tưởng lực lượng bảo vệ tôi. Và tôi cũng rất yêu công việc của mình. Giả sử tôi rút lui thì những quan tòa khác sẽ phải xử vụ đó rồi cái vòng đe dọa sẽ vẫn lại xảy ra mà thôi. Con cái tôi luôn nói “Mẹ phải tiếp tục chiến đấu vì mẹ không thể để những gã xấu chiến thắng được!”. Tôi luôn nhớ điều đó vì đó chính là điều tôi suy nghĩ. Không thể để những gã xấu chiến thắng được.

* Ai cho bà sức mạnh tinh thần lớn vậy?

- Tôi chỉ nghĩ đơn giản là bạn thật sự quan tâm đến công việc mình làm, có một gia đình hết sức hỗ trợ bạn. Trong nghề của tôi thì bạn không muốn để những kẻ xấu chi phối xã hội.

* Bà rất nổi tiếng trong hệ thống tư pháp Mỹ. Vì sao bà nổi tiếng vậy, họ còn gọi bà là “người phụ nữ rồng”?

- (cười) Có vài băng nhóm ma túy gọi tôi vậy. Tôi nghĩ tôi chỉ cố gắng làm tốt công việc của mình. Tôi xử một số vụ án lớn, rất nhiều vụ nghiêm trọng được báo chí đưa tin. Tôi tích cực để thay đổi luật pháp, viết lại luật về tội phạm tình dục, về bảo vệ nạn nhân bị cưỡng hiếp... Tôi hoạt động tích cực trong công việc của mình.

* Những người phê phán bà thì chê bà là nóng tính?

- Tôi nghĩ là bất cứ khi nào họ không thích phụ nữ thì họ sẽ nói người đó nóng tính. Như cách họ phê phán Hillary Clinton - dù tôi không có ý tôi bằng với bà ấy. Đó đơn giản chỉ là điều họ hay nói về những người phụ nữ cứng rắn. Tôi phải xử rất nhiều vụ án nghiêm trọng và tôi không nghĩ là mình hành xử khác một quan tòa nam khi phải xử vụ đó.

* Bà có cảm giác là mình đã thực hiện được giấc mơ của cô bé 5 tuổi ngày nào không?

- Tôi nghĩ tôi là một trong số ít người may mắn biết là mình muốn làm gì với cuộc đời và thật sự đạt được hầu hết những điều mình muốn. Có những điều tôi không thành công như trong cuộc chạy đua vào chức tổng công tố trưởng Manhattan, nhưng nhìn chung đó là cuộc đời đầy thú vị và tôi cảm thấy hài lòng với những gì mình đạt được.

Chúng tôi tin vào sự điều hành của luật pháp. Luật pháp luôn đứng trên tất cả. Khi mà mọi quốc gia tin vào điều này thì đó sẽ là bước quan trọng để tiến tới một xã hội văn minh.

THANH TUẤN thực hiện

Những kẻ lạc đường

Tôi không vỡ mộng, nhưng thất vọng...

19/03/2013 11:46 (GMT + 7)

TTCT - 1. Thời còn học phổ thông, mỗi khi đọc báo, xem tivi thấy ai đó giới thiệu mình là sinh viên trường đại học này kia tôi đều rất nể phục.

Không hẳn là mất phương hướng nhưng thất vọng, tiếc nuối... là cảm giác của các độc giả tham gia loạt “Nhng kẻ lạc đường” kỳ này. TTCT trích giới thiệu tâm sự của một sinh viên vừa tốt nghiệp và một giảng viên trong số các ý kiến này.

Là một thanh niên chưa bước vào đời, vẫn đang “ăn bám” bố mẹ, tôi đặt mục tiêu phấn đấu bằng được vào đại học và cách đây năm năm, tôi đã đạt được mục tiêu đó.

Những ngày chuẩn bị hành lý, thủ tục để vào TP.HCM nhập học, tôi hừng hực khí thế. Cảm giác đó cũng gần giống đứa bé 7 tuổi bước vào lớp 1. Tôi tưởng tượng viễn cảnh đại học: đó sẽ là những ngày tháng học tập mệt nhọc, suốt ngày cắm đầu trong thư viện, làm khóa luận, trên giảng đường. Thầy cô dạy đại học, nhất là ở trường tôi, sẽ là những người cực giỏi...

Thế nhưng...

2. Thú thật, tôi và nhiều bạn sau khi tốt nghiệp đã nghiệm ra rằng... học đại học dễ hơn học phổ thông, ít nhất là ở trường tôi, và ít nhất là khía cạnh điểm số, thành tích. Tìm người tốt nghiệp trung bình khó hơn tìm người khá, giỏi. Thế nhưng bạn được học gì? Chương trình nặng nề lý thuyết, thiếu thực tiễn... là câu chuyện chung, tôi xin không nhắc tới. Nhưng ngay cả một khung chương trình cố định, rõ ràng, sinh viên cũng không nắm rõ.

Việc đăng ký môn học ở học kỳ nào cũng nhốn nháo vì không biết môn đó có bắt buộc hay tự chọn, mấy tín chỉ... Rồi khi đã học xong các môn học lại nổ ra chuyện học thừa vài môn tự chọn mà lại thiếu ngần ấy môn bắt buộc. Chuyện hạch sách, làm khó dễ ở các phòng, ban quản lý - hành chính cũng dễ dàng bắt gặp.

Tiếp đến, câu chuyện về sách học, giáo trình cũng bát nháo không kém. Giáo trình là những cuốn sách photocopy chuyền tay nhau, muôn hình muôn vẻ và dường như không có sự thống nhất giữa một tổ bộ môn. Sách giả, sách lậu được bày bán tràn lan ở các tiệm sách. Tất cả để phục vụ mục tiêu duy nhất của sinh viên: thi qua môn. Học qua môn thì không khó, tốt nghiệp cũng không khó. Nhưng tốt nghiệp rồi, mọi kỹ năng của bạn đều “thường thường bậc trung”.

Đó là chưa nói nơi tôi học nhốn nháo như một cái chợ. Những ngôi nhà trọ mọc lẫn với hàng quán ven đường, quán karaoke. Ở đó quán bida, quán nhậu, quán cà phê dày đặc mà nhà sách lại hiếm hoi. Công viên, sân bóng đá tìm mỏi mắt mới ra.

Tất nhiên một môi trường như vậy cũng vừa đủ để sinh viên sinh sống, học tập nhưng lại nảy sinh những câu chuyện để người ta liên tưởng đến câu tục ngữ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhiều sinh viên nam là khách hàng thân thuộc của quán nhậu, bida. Chuyện bỏ học, trốn tiết để la cà các quán cà phê có WiFi chẳng hiếm. Nạn trộm cướp là nỗi sợ của sinh viên, họ như rụng rời khi bị mất laptop, xe máy, họ đau đầu tìm nhà trọ mới với hi vọng tìm được sự an toàn hơn.

Ở đó, sinh viên đi xe máy không cần Luật giao thông, chạy ẩu, lạng lách, chở ba, không mũ bảo hiểm... Sống trong một môi trường như vậy, con người bị “lây”, bị ù lì cũng là điều dễ hiểu. Dĩ nhiên lỗi chính là do bản thân mình. Nhưng giá như những nhà quản lý biết cải thiện những việc trong tầm tay thì môi trường đó sẽ tốt hơn nhiều.

3. Tôi cầm tấm bằng đại học trên tay mà cảm giác chỉ như cầm một tấm giấy thông hành. Tấm giấy thông hành này kẹp vào hồ sơ mà đi xin việc vì đơn giản các cơ quan đều có yêu cầu cao nhất là “tốt nghiệp đại học chính quy”. Còn những kiến thức tôi học có giúp gì được cho xã hội, có nâng con người tôi lên không, xin cho tôi vẫn đặt dấu chấm hỏi hoài nghi.

“Đừng đổ thừa cho hoàn cảnh” - một câu quen thuộc người ta hay nói với nhau. Ngẫm lại những năm học và thấy câu nói này đúng. Bản thân đã không cố gắng hết mình, không có mục tiêu rõ ràng, không có định hướng đúng đắn. Sống và học cho qua ngày, qua tháng, qua năm.

Tôi đã tốt nghiệp đại học, không vỡ mộng nhưng có thất vọng và hối tiếc.

LÊ ĐĂNG

Cũng như hai bạn Khánh Linh và Nguyên Thi, tôi từng là học sinh chăm ngoan suốt thời phổ thông. Ở cấp II, tôi học giỏi đều cả văn lẫn toán. Khi chuẩn bị vào cấp III tôi biết mình yêu văn hơn một chút song không can đảm chọn con đường thơ ca (vì sợ lông bông và đói rách!?) nên đăng ký thi vào lớp phân ban A.

Học toán - lý - hóa khô quá, tôi muốn thi ban B vào ngành y, nhất là sau lần nhập viện cấp cứu hình ảnh bác sĩ chuyên nghiệp và nghiêm túc trong áo blouse trắng đẹp lạ kỳ (!). Tuy nhiên, bản thân sợ kim tiêm và máu mủ nên hiểu sẽ không phù hợp công việc bệnh viện. Cuối năm lớp 12, chẳng ai tư vấn nghề nghiệp, chúng tôi hồn nhiên chọn ngành dự thi theo môn sở trường và tâm lý bầy đàn. Đậu cả bốn trường đại học điểm cao, tôi mạnh dạn chọn đại học kinh tế - khoa quản trị kinh doanh vốn là ngành “hot” nhất bấy giờ.

Vào học làng nhàng với những môn đại cương chán ngắt, rảnh rỗi tôi đăng ký học thêm bằng hai ngành luật cho đỡ phí thời gian. Tôi hứng thú học ngay những môn chuyên ngành hấp dẫn vì được miễn những môn đại cương đã học bên kinh tế. Song song thời gian đó, tôi tranh thủ học vi tính và tiếng Anh buổi tối, nhắm đón đầu tôi học cả tiếng Hoa vào cuối tuần.

Lúc ấy do bận rộn học đủ thứ, tôi không để ý trạng thái của mình, chỉ biết rằng dù thích hay không vẫn phải cố gắng học tốt để có tấm bằng đẹp làm chiếc vé thông hành vào đời. (Hầu như bạn bè của tôi cũng vậy, họ tìm những ý nghĩa khác, niềm vui khác bù vào những vỡ mộng đó, sau này đều thành đạt và ngộ ra rằng đó chỉ là chuyện nhỏ do ngày ấy mình trẻ con kỳ vọng nhiều vào giảng đường đại học nên hụt hẫng thôi).

Thật sự có những môn đạt điểm tối đa là do tôi làm đúng theo bài giảng của thầy cô chứ vẫn lơ mơ về ý nghĩa và vận dụng, mãi khi đi làm một thời gian, đụng chuyện tôi mới thấm dần.

Kết quả là tôi tốt nghiệp hai đại học loại giỏi và loại khá, nhưng tiếng Anh chỉ ú ớ, tiếng Trung cũng ậm ờ. Làm trong nước ban ngày, tránh nhàn cư sau giờ tan tầm, tôi dự thi cao học. Bảo vệ luận văn thạc sĩ xong, tôi thi tuyển vào ngạch giảng viên của trường đại học và tham gia giảng dạy vài nơi. Song song đấy tôi vẫn làm việc bán thời gian cho doanh nghiệp.

Thời kỳ đầu đứng lớp tôi rất say mê truyền đạt và tương tác với sinh viên, phấn khởi đến nỗi nghỉ hẳn công tác doanh nghiệp để chuyên tâm giảng dạy. Nhưng qua dăm bảy năm “gõ đầu trẻ”, kinh nghiệm và “thủ thuật” tăng lên thì nhiệt huyết giảm dần.

Và bây giờ sau hơn mười năm đi dạy, đôi khi lên lớp mà như trả bài, nhất là hôm nào có nhiều việc khác phải suy nghĩ khiến tôi giảng như quán tính. Đợt nào con ốm quấy nhiễu mấy đêm liền, tôi đi giảng mà lơ ngơ vì mất ngủ... Tâm sự trăn trở này với đồng nghiệp, nhiều người bảo tôi cả nghĩ, cứ lơ đi và tìm cách khắc phục, rằng đi dạy cũng chỉ là một trong các nghề với đủ hỉ nộ ái ố, đừng hão huyền đặt lên nó những ngôn từ mỹ miều rồi khổ sở gánh vác.

Chia sẻ với sinh viên và cựu sinh viên, các em động viên rằng tôi giảng vẫn tốt, nhiều bài truyền lửa lắm, có những tâm tình rất thấm thía giúp các em vỡ ra nhiều điều... thì tôi hiểu bên cạnh đó mình còn giảng nhiều bài chán ngắt, nói nhiều câu tẻ nhạt. Đôi khi nghe báo đài ca tụng “nghề cao quý trong các nghề cao quý” mà chạnh lòng, ngẫm mình đã giảm sút nhiệt huyết thì nên chăng chuyển nghề? Vậy làm gì

Tự thâm tâm tôi luôn thấy mình có lỗi khi phải gắng yêu nghề mà sống, thường tự trào với bạn bè rằng cái gì mình không làm được thì chỉ cho người khác làm. Đôi lúc lẩn thẩn, đang khỏe mạnh, yên ấm với công việc và gia đình, vẫn hoàn thành nhiệm vụ cơ quan, vẫn lên lớp đều đều với hôm vui nhộn, hôm rực lửa, hôm ngao ngán, đến tuổi này rồi còn lăn tăn nghề nghiệp?

Tôi thèm một cú hích nào kéo tôi đi, mạnh dạn khám phá lĩnh vực phù hợp, mạnh mẽ sống chết với nghề để còn tìm thấy ý nghĩa và niềm vui công việc mỗi ngày.

KIM OANH

(Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TP.HCM)

“Tuổi 20 - đã đủ để qua quá khứ, hiểu chính mình"

23/03/2013 08:07 (GMT + 7)

TTCT - Đề tài “Nhân vật chấn thương trong một số tiểu thuyết Việt Nam tiêu biểu giai đoạn 1986-1995” đoạt giải nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp trường ĐH KHXH&NV, giải ba cuộc thi cấp bộ Tài năng khoa học trẻ năm 2012 và giải nhì Eureka 2012 TP.HCM.

* Trước tiên là câu hỏi hơi "giáo khoa thư": Văn học chấn thương là gì? Tại sao bạn lại thích nghiên cứu văn học chấn thương?

- "Văn học chấn thương" (traumatic literature) là khái niệm được lấy từ hai nguồn cơ bản. Một mặt, nó xuất hiện trong văn học Trung Quốc giai đoạn sau Cách mạng văn hóa dưới dạng một trào lưu văn học, phản ánh nỗi đau con người trong cuộc loạn ly, chia cắt và những va chạm, xung đột với lịch sử, thời đại.

Mặt khác, quan niệm về văn học chấn thương cũng hiện diện trong hệ thống sáng tác và lý luận, phê bình văn học phương Tây vào thời điểm cuối thế kỷ 20, sau những đau thương, di chứng mà con người phải gánh chịu từ những cuộc chiến tranh thế giới, những xung đột về chính trị và văn hóa xã hội. Ở Việt Nam, khái niệm này còn được một số tài liệu dịch là "văn học vết thương".

Gần đây, các tín hiệu thuộc nội hàm vấn đề này bắt đầu được nhìn nhận và tìm hiểu trong văn học Việt Nam, tiêu biểu qua một số tác phẩm nhấn mạnh vào bi kịch con người, sáng tác khoảng giai đoạn sau đổi mới - thời kỳ đột phá về tư duy, quan niệm và bút pháp sáng tác.

Trước đó khi chưa biết khái niệm này, tôi đã đọc Nỗi buồn chiến tranh để khắc khoải tự hỏi người ta sẽ làm gì khi họ có trong tay cả cuộc đời và vận mệnh đất nước, mà chỉ được chọn một. Và sự lựa chọn đó, vừa là bước đi của thời đại vừa là một cuộc dấn thân để trưởng thành của mỗi cá nhân, dù họ chưa bao giờ xem đó là đánh đổi.

Cái tôi muốn hiểu không chỉ là tiến trình lịch sử, những con số, mà là thân phận của những người sống chết cho những con số đó, những câu chuyện mang đầy đủ tâm hồn nhân văn của người Việt trong biến động. Tôi tìm đọc nhiều hơn mảng văn học sau năm 1986, và cô giáo đã gợi ý thực hiện đề tài khi thấy tiềm tàng trong đó một dòng chảy của cảm thức chấn thương, vốn cũng cần được nghiên cứu có hệ thống.

* Nói về chấn thương thì người ta nghĩ ngay đến những vết thương cụ thể, hữu hình. Và chấn thương nhất thiết không phải chỉ đến từ chiến tranh mà còn có thể đến từ bạo lực, hoàn cảnh sống khắc nghiệt... Bạn có nghiên cứu những chấn thương đó hay không?

- Những vấn đề đó đều xuất hiện trong bài nghiên cứu của tôi, dĩ nhiên là dưới những phương diện nằm trong dòng chảy thời đại. Trong văn học Việt Nam chấn thương tinh thần còn hiển hiện từ một số vấn đề như: định kiến về đẳng cấp xã hội, định kiến về giới, tình trạng cô đơn - lạc lối của thân phận, của tuổi trẻ, ranh giới giàu - nghèo và sự mất cân bằng của ưu thế xã hội, một số hủ tục của văn hóa vẫn ảnh hưởng lên đời sống con người... Đây cũng là những cảm thức chung, có sự gặp gỡ với văn học thế giới về những yếu tố gây nên bi kịch tinh thần cho con người.

Vấn đề tôi muốn tìm hiểu là những biểu hiện và di chứng của những chấn thương tinh thần trong tâm hồn con người, dưới tác động qua lại với đời sống xã hội. Giai đoạn 1986-1995 là thời điểm đất nước bước vào đổi mới toàn diện, với trước là cuộc chiến tranh gian khổ và sau là nền hòa bình còn đầy vất vả bộn bề.

Biến động mạnh mẽ của thời cuộc đã làm xuất hiện những dạng thức chấn thương tâm lý nhất định, ví dụ: người bị mất niềm tin, người chịu cảm giác bất an - sợ hãi, người luôn gặp "vận rủi", người bị tổn thương về tinh thần lẫn thể xác, người bị hoang tưởng...

* Tôi vẫn còn thắc mắc: bạn sinh ra trong thời bình, rồi lớn lên trong một gia đình nhà giáo, có thể nói là trong một môi trường khá an lành giữa xô bồ hiện nay. Nên tại sao không phải là những dòng êm ả như văn học lãng mạn, tình yêu đôi lứa, thậm chí là văn học tuổi teen mà lại là văn học chấn thương? Chẳng phải quá "già", quá phức tạp so với tuổi của bạn sao?

- Có lần đọc được một nhận xét của độc giả nước ngoài về Nỗi buồn chiến tranh, đại ý cuốn sách này giúp thế giới hiểu rằng trong những hi sinh đó chất chứa đầy đủ tâm hồn nhân bản của người Việt, vốn từng bị nhìn nhận như những con rôbốt vô cảm chỉ biết chiến đấu để chiến thắng, lúc đó tôi đã khóc.

Hơn lúc nào hết tôi nhận ra nếu như bạn không lắng nghe và thấu hiểu những tiếng nói của cha ông, của cội nguồn dân tộc để lại thì bạn cũng không cách gì đủ vốn liếng mà gìn giữ hay truyền đạt nó một cách thân thương và sâu sắc đến những dân tộc khác. Thấy người ngoài hiểu lầm những mất mát của dân mình đã đau lòng rồi, huống gì nếu chính mình quên lãng nó.

Tôi đã 20 tuổi, đã đến lúc nhận thức rõ ràng những câu chuyện tuy đau thương mà đầy tình yêu của dân tộc để qua quá khứ mà thấu hiểu chính mình. Với đất nước mình thì những câu chuyện ấy rất nhiều, cũng rất đậm đà tinh thần dấn thân của tuổi trẻ.

* Chắc chắn để phục vụ đề tài này, bạn phải đọc những tác phẩm viết về chiến tranh của các tác giả Việt Nam. Nhưng một mảng không nhỏ đề tài chiến tranh Việt Nam là của nhiều tác giả nước ngoài, trong đó có không ít tác giả Mỹ. Bạn có so sánh những chấn thương ở hai trận tuyến khác nhau không?

- Do chỉ giới hạn đề tài trong giai đoạn 1986-1995 nên việc tìm kiếm tư liệu cũng rất rõ ràng. Ngoài Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), tôi còn lựa chọn Thời xa vắng, Ăn mày dĩ vãng (Lê Lựu), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), dưới sự tư vấn của giáo viên hướng dẫn. Đây đều là các tác phẩm giàu giá trị, tầm ảnh hưởng và xuất hiện nhiều biểu hiện của cảm thức chấn thương.

Đối với văn học nước ngoài, tôi đọc các tác phẩm của E.Hemingway với cảm thức "the lost generation" (thế hệ mất mát) cũng thuộc dòng văn học chấn thương Mặt trời vẫn mọc (The sun also rises), Giã từ vũ khí (A farewell to arms), Chuông nguyện hồn ai (For whom the bell tolls).

Ngoài ra, tôi tham khảo một số tác phẩm như The waste land (Đất hoang) của S.Eliot, The grapes of wrath (Chùm nho phẫn nộ) của John Steinbeck... Dĩ nhiên không thể bỏ qua một số tác phẩm của người nước ngoài viết về chiến tranh Việt Nam như Ở lưng chừng thời gian của David Bergen, Vòng tròn của Hạnh, một cuốn hồi ký có hoàn cảnh liên quan đến chiến tranh Việt Nam của Bruce Weigl...

Trong nghiên cứu của tôi không có phần so sánh sự khác nhau giữa những chấn thương này. Tôi chỉ có một số cảm nhận riêng: Trước hết, cùng với nỗi đau của những mất mát, tổn thương, những đánh đổi và đổ vỡ thì bản thân các nhân vật người lính trong văn học nước ngoài (ví dụ văn học Mỹ) có tiềm tàng cảm thức sám hối của chủ thể đi xâm lược. Trong sang chấn tâm lý đó bao gồm cả sự khủng hoảng niềm tin về mục đích của việc hi sinh đời sống, tính mạng cho việc dấn thân vào một cuộc chiến (cuối cùng là) phi nhân tính.

Vì sám hối nên nỗi đau càng giày vò, và một số người lính phải quay lại chiến trường xưa để "trả nợ tinh thần", để tự thú với mảnh đất mình từng cố gắng giành giật. Trong khi đó, cũng âm thầm hứng chịu những đau thương khủng khiếp thì hầu hết trong cảm thức những người lính, người dân Việt Nam, qua văn học, vẫn giữ niềm tin căn bản rằng mình không chiến đấu vì vinh quang, mà là cho những gì mình yêu thương thật sự (quê hương, Tổ quốc, gia đình...). Vì vậy, tình thương là ý nghĩa xoa dịu nỗi đau đó.

Tuy nhiên, về sâu xa, đã là chấn thương tinh thần thì diện mạo của nó cũng có nhiều điểm tương đồng. Chẳng hạn: tình trạng mất niềm tin, nỗi lo âu đánh mất nhân tính, sự sợ hãi trước cái chết, ám ảnh về những mất mát, đổ vỡ, lạc lõng... Đó đều là những dạng tổn thương tâm lý khi bản ngã con người phải đối diện với bạo lực, chết chóc, biến động, khốn khổ, định kiến... nói chung là những xung lực trái ngược với tư tưởng nhân văn, nhân đạo.

* Cuối cùng thì theo bạn, điều tâm đắc nhất bạn rút ra được từ nghiên cứu là gì?

- Tôi ngẫm được rằng có sự tồn tại của cảm thức chấn thương trong văn học Việt Nam, cụ thể là giai đoạn 1986-1995. Và việc nhận thức, phân tích những dạng thức, biểu hiện của chấn thương đó không phải để xóa đi mà là để nhìn thẳng vào đó, thấu hiểu nó và thông qua đó thấu hiểu cái đẹp, cái bi thương, cái nhân văn trong tâm hồn dân tộc mình. Chấn thương chỉ có thể nguôi ngoai khi được lắng nghe, trân trọng và xác tín từ đó những bài học về lịch sử và thân phận con người.

* Cảm ơn bạn và chúc bạn tiếp tục giữ ngôi vị sinh viên giỏi vào ngày tốt nghiệp.

VỸ ANH thực hiện

“Nhân vật chấn thương trong một số tiểu thuyết Việt Nam tiêu biểu giai đoạn 1986-1995” tuy ban đầu là gợi ý của người hướng dẫn, nhưng ngay sau khi tiếp cận đề tài Phượng Linh đã biết giới hạn nghiên cứu một cách khôn ngoan, lĩnh hội rất sâu sắc những đề xuất của người hướng dẫn. Cách viết và cách xử lý đề tài của Linh thông minh, già dặn hơn rất nhiều so với tuổi đời và trình độ sinh viên năm 3.

Theo dõi quá trình phấn đấu của Linh từ năm 15 tuổi đến bây giờ, qua các giải thưởng lớn như giải thi học sinh giỏi quốc gia, giải thành phố, giải Eureka, giải cấp bộ về nghiên cứu khoa học, giải sáng tác của câu lạc bộ văn học..., tôi nghĩ Trần Phượng Linh đã dám phiêu lưu và dám thành công - đó là điều tôi kỳ vọng nhất, trân trọng nhất ở Linh.

Em đã tự làm mình phong phú, sâu sắc hơn bằng văn chương, và cũng mang lại vinh dự cho cộng đồng học thuật mà em thụ hưởng giáo dục và từ đó phát triển như Trường Phổ thông năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM), khoa văn học và ngôn ngữ (ĐH KHXH&NV).

Tiến sĩ LÊ THỊ THANH TÂM

(ĐH KHXH&NV, giáo viên hướng dẫn đề tài nghiên cứu của Phượng Linh)

 Tôi không muốn lạc lối vì muốn sống từng ngày

24/03/2013 00:04 (GMT + 7)

TTCT - Bài viết của tác giả Thúy N. (“Vì sao họ không có lối đi riêng?” đăng trên TTCT số ra ngày 10-3-2013) khiến tôi chạnh lòng.

Tôi là một 8X đời đầu. Tác giả hỏi vì sao chúng tôi không có lối đi riêng ư? Tôi không biết nhiều về người khác, tôi chỉ xin kể câu chuyện của bản thân.

Trắc nghiệm hướng nghiệp đi đâu rồi?

Những kẻ lạc đường

LTS: TTCT đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả cho đề tài “Những kẻ lạc đường”. Trong các số trước, TTCT đã giới thiệu những bạn trẻ không tìm thấy niềm vui hoặc lối ra cho sự chọn lựa của mình. Trong số này là những tâm sự “phá cách” để tìm được chính mình khi đã lạc lối.

Năm lớp 1 tôi có truyện đăng trên báo Nhi Đồng, hoàn toàn do tôi tự sáng tác. Năm lớp 5 thầy giáo chủ nhiệm gọi tôi là tài năng văn chương. Năm 17 tuổi, nhà phê bình Vũ Hạnh coi tôi là cây bút tiềm năng. Thi tốt nghiệp lớp 9 xong, mẹ bảo tôi thi chuyên ban A của Trường THPT Lê Quý Đôn (lúc đó đang dạy thí điểm chương trình phân ban). Lý do của mẹ là “Con gái học văn chương mơ màng, ủy mị, học toán để suy nghĩ cho minh bạch”.

Từ nhỏ tôi đã quen vâng lời mẹ như bất cứ đứa con gái ngoan nào. Tôi học chuyên toán, lý, hóa trong khi tính tiền đi chợ còn trật. Tôi trải qua ba năm tuổi hoa mộng như ác mộng với chuyện học hành triền miên ám ảnh tôi trong những giấc mơ đến tận bây giờ. Điểm son duy nhất của tôi là đậu giải ba môn lịch sử toàn thành. Lý do là vì tôi nghe nói thi đậu như vậy sẽ được miễn thi học kỳ 1.

Tôi đang lo sẽ ăn trứng ngỗng môn toán khi thi học kỳ. Tôi lấy sử cứu toán. Học kỳ 1 năm lớp 10, người ta cho tôi làm trắc nghiệm hướng nghiệp. Tôi đem tâm huyết ra làm, ngày ngày chờ ngóng kết quả. Đến bây giờ tôi cũng không biết cái trắc nghiệm tôi làm ngày đó đi đâu rồi! Năm lớp 11 có giáo sinh về trường thực tập. Khi tôi hỏi cô giáo sinh phụ trách môn văn lớp tôi rằng cô thích ngành này sao thì cô nói một cách đầy tâm sự rằng cô không muốn chọn ngành này, công việc này (!?).

“...Chính vì không chấp nhận tồn tại cho qua ngày nên tôi cứ tiếp tục đi tìm, tìm mãi cho tới ngày tìm thấy chính mình. Tôi muốn được sống (chứ không phải tồn tại) không sót một ngày một giờ nào trong cuộc đời mình. Điều đó làm cho tôi không lạc lối”

Một lần tôi nghe thầy toán năm lớp 12 (người tôi kính trọng như cha) kể về phần thi diễn viên mà thầy từng trải qua ở Trường cao đẳng Văn hóa. Tôi nghĩ hay mình thi chơi cho biết. Tôi lùn và xấu nên đăng ký thi vào khoa đạo diễn sân khấu Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM (bây giờ đã là trường đại học). Tôi đậu. Tôi thi vào Trường đại học KHXH&NV. Tôi rớt. Mẹ cho tôi học Cao đẳng Sân khấu vì: “Đi học cho khỏi chơi lông bông, học phí cũng rẻ. Năm sau thi lại đại học”.

Tôi vừa học cao đẳng vừa ôn thi đại học và trượt cả ba năm. Nghề chọn tôi. Bây giờ tôi là một diễn viên... lồng tiếng. (Vì tôi xấu quá không ăn được hình mà hình cũng chẳng thèm ăn tôi).

Nếu ngày đó tôi không tình cờ nghe một thầy toán từng là diễn viên (chuyện rất hiếm hoi) nói về phần thi diễn viên thì giờ này tôi có là “những kẻ lạc đường” không? Tôi nghĩ là không. Tôi vẫn sẽ trở thành một diễn viên lồng tiếng, một xướng ngôn viên dù có trễ hơn, trầy trật hơn.

Tìm mãi cho tới khi thấy chính mình...

Đâu phải sau khi tốt nghiệp khoa đạo diễn, ra trường tôi có ngay công ăn việc làm như rất nhiều người khác. Ngành nghề tôi học quá đặc thù. Tuy ý tưởng có thừa và thường được khen ngợi nhưng tôi không chịu nổi áp lực công việc, không đủ bản lĩnh, không đủ sức khỏe, song trên hết là không đủ đam mê. Nghề tôi đã học không phải cứ vào một cơ quan nhà nước nào đó rồi “tuần tự nhi tiến” hay “sống lâu lên lão làng”.

Sân khấu được nuôi bằng thị trường mà thị trường thì công bằng đến khắc nghiệt. Tôi nằm nhà rửa chén, nấu cơm hai năm trời. Tôi đi học tiếng Nhật song không thích làm cho công ty Nhật mà họ cũng chẳng tuyển tôi dù tôi nói được tiếng Nhật và tiếng Anh. Mẹ cắt hầu hết nguồn tài trợ. Tôi lao ra đường kiếm tiền. Tôi làm gia sư, đi chạy bàn, dạy tiếng Nhật ở trung tâm, dạy tiếng Anh ở trường mẫu giáo, làm phiên dịch, làm quản lý ở một tiệm chụp hình cho khách du lịch Nhật.

Tuy nhiên tôi thấy mình có khác biệt với các bạn Kim, bạn Kiên trong bài viết của tác giả Thúy N.. Đó là dù làm trái ngành, tôi vẫn “cháy hết mình” với công việc nên học trò thích tôi, khách hàng thích tôi. “Cháy hết mình” cho một thứ không hợp với mình nên tôi căm ghét công việc của mình. Từng ngày tôi đi làm là từng ngày tôi thấy như bị hành hạ. Có lẽ vì mang máu nghệ sĩ, sống quá cảm tính, tôi không đủ lý trí để làm như tác giả Tâm An là “cố gắng triền miên” và “chấp nhận để bước về phía trước”. (Tôi thấy trước mắt mịt mù thì làm sao dám bước?).

Thật tình tôi nghĩ chính vì tôi không chấp nhận tồn tại cho qua ngày, nên tôi cứ tiếp tục đi tìm, tìm mãi cho tới ngày tìm thấy chính mình. Tôi muốn được sống (chứ không phải tồn tại) không sót một ngày một giờ nào trong cuộc đời mình. Điều đó làm cho tôi không lạc lối.

Nói đi phải nói lại. Trong lý do lạc lối của rất nhiều bạn trẻ, ngoài lý do chủ quan là thái độ “bèo trôi nước nổi” của đương sự, còn phải kể đến lý do khách quan. Ngoài việc không được hướng nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bị học trái ngành theo ý người lớn, còn có một lý do rất phổ biến như trường hợp của tác giả Tâm An: khả năng kinh tế của gia đình. Tác giả đã phải gồng mình qua được mấy năm trời đại học cũng vì “không còn đường nào khác ngoài phải tốt nghiệp đại học để có công ăn việc làm”.

Khi có việc làm, dù chán cũng phải đeo bám để mưu sinh và phụ giúp cha mẹ. Quan niệm đi làm kiếm tiền là đương nhiên đối với phần lớn người Việt. Tôi còn nhớ một lần đi phỏng vấn dự tuyển vị trí nhân viên văn phòng ở một công ty Nhật Bản. Sau khi kiểm tra và hài lòng về phần ngoại ngữ, họ hỏi tôi “Vì sao bạn muốn ứng tuyển công việc này?”, tôi trả lời rất thật lòng rằng “để kiếm tiền trang trải cuộc sống”.

Những người Nhật tròn mắt nhìn tôi. Họ hỏi lại lần nữa lý do tôi đi xin việc ở công ty họ như thể không tin nổi. Họ không tuyển tôi. Sau này làm việc với người Nhật nhiều tôi hiểu ra họ nghĩ mục tiêu của tôi quá tầm thường. Họ chờ đợi một mục tiêu xứng đáng hơn. Còn tôi cho là mình rớt vì quá thật thà.

Tìm kiếm việc làm với mục tiêu thể nghiệm mình, để học hỏi, để chứng tỏ bản thân gì gì đó phải chăng là quá xa xỉ với những người Việt trẻ xuất thân nghèo khổ còn rất nhiều ở xứ ta?

XUÂN HẢO (TP.HCM)

“Lạc đường” là cảm trạng hụt hẫng, tiếc nuối, lo âu vì con đường mình lỡ chọn hoặc bị ép chọn. Nếu không vượt thoát được, lâu dần dẫn tới ý nghĩ u uất rằng mình đã sinh bất phùng thời. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1916-1976) có câu thơ nổi tiếng thời trai trẻ: “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ”. Chẳng phải trước thi sĩ không có ai thấy mình sinh nhầm thế kỷ, cũng chẳng phải người cùng thời thi sĩ đều sinh nhầm thế kỷ và càng chẳng phải hiện nay không còn ai thấy mình sinh nhầm thế kỷ. Đó là chuyện muôn đời của tuổi trẻ.

Người lớn nghe một bạn trẻ than lạc đường sẵn sàng giội cho gáo nước lạnh: “Đứng núi này trông núi nọ”. Nhưng theo tôi đó là một bạn trẻ biết chống lại sự áp đặt, biết trọng “cái tôi” của mình. Mà thường những người có năng lực, có tài mới dám nghĩ đến, mới dám cựa quậy. Có tài và trạng thái tâm lý “lạc đường” là hai vế của một mệnh đề tương đương trong toán học. Tức có A thì B, có B thì A.

Nói một cách tích cực, thấy mình lạc đường thì mới có cơ hội đi trên nhiều con đường! Phải chăng đó là động lực để một người có thể làm được nhiều việc khác nhau, cống hiến nhiều hơn cho xã hội? Một bác sĩ kiêm nhà văn, một luật sư kiêm họa sĩ, một nhà quản lý kiêm dịch thuật... ít nhiều từng cảm thấy “lạc đường” để thử sức sang lĩnh vực khác. Nhưng họ không hề từ bỏ đường cũ và đường nào cũng dẫn họ tới đích cả.

Tôi có con đang là sinh viên năm 2 ngành quản trị kinh doanh, ngành “hot” một thời, bây giờ ai cũng biết rồi, lạnh lẽo chưa từng có. Nó than với tôi: “Con chọn sai ngành rồi ba”. Tôi cười, không phải cười mếu mà là cười vui, xin thành thực. Thật ra được làm sinh viên là may mắn hơn người, đó là khoảng thời gian quý giá của cuộc đời, hãy học đi, nghiên cứu đi và đừng nghĩ đến tiền. Chỉ sợ bạn không giỏi thôi, chứ tiền sẽ đến với bạn nếu bạn giỏi bất kỳ lĩnh vực nào. Mà dẫu tiền không đến cũng có sao đâu, vẫn sống, vẫn cống hiến, thế thôi. Sở hữu tri thức cùng phương pháp nghiên cứu ở bậc đại học đã là giàu có lắm rồi.

Tôi để ý những bạn bè lớn tuổi của tôi, người nào thời sinh viên từng trăn trở, đôi khi phẫn nộ rằng mình đi sai ngành thì nay họ thường hiểu biết hơn, sâu sắc hơn trong nhìn nhận xã hội, vững vàng hơn trong cuộc sống. Đại ngôn một chút, họ là những con người toàn diện. Có thể họ không thành công trong nghề nghiệp đã chọn, trong thăng quan tiến chức nhưng họ ung dung, nhàn hạ. Đáng quý hơn, họ còn sử dụng tài năng trong lĩnh vực khác của mình làm được nhiều điều có ích.

Sau cùng tôi xin nhắc lại lời khuyên sinh viên của triết gia Bùi Văn Nam Sơn: “Phải chịu khó đọc những cái mình không thích, học những môn mình không ưa... xin cứ kiên trì, rồi mùa hoa trái sẽ tới” (*).

NGUYỄN PHI HÙNG

“Theo đuổi sự ưu tú thì thành công sẽ theo đuổi ta"

31/03/2013 15:47 (GMT + 7)

TTCT - Trao đổi với bạn Phạm Thành Trung, sinh viên xuất sắc hệ cử nhân tài năng của ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Những kẻ lạc đường

LTS: Tiếp sau tâm sự “phá cách” của các bạn trẻ không chấp nhận “lạc đường”, Câu chuyện cuộc sống số này phỏng vấn và ghi nhận ý kiến của những bạn trẻ giữ được cho mình niềm hăng say hoặc thoát ra khỏi những tình thế khó khăn. Họ đã vượt qua bằng cách nào?

Phạm Thành Trung cho biết: “Giữa phổ thông với đại học có nhiều khác biệt, bản thân tôi cũng không khỏi có những khoảng hẫng, có những điều lạ lẫm khi bước vào một môi trường học tập mới. Ví dụ như đang lao vào học môn chuyên ngành ở cường độ cao khi còn ở phổ thông, năm đầu tiên đại học sinh viên phải tiếp cận với các môn học đại cương, nhiều môn học trái hẳn với sở thích, sở trường của mình.

Thầy cô ở trường đại học cũng không tỉ mỉ, tận tình mà đòi hỏi sinh viên phải chủ động, tự học, tự nghiên cứu nhiều hơn. Có những kỹ năng trước đây tôi không nghĩ là cần thiết thì ở bậc học cao lại thấy nó vô cùng cần như khả năng làm việc nhóm, khả năng sắp xếp kế hoạch học tập, khả năng tự tìm nguồn tư liệu, tự tiếp cận với các nguồn kiến thức khác nhau để bổ trợ cho học tập, nghiên cứu...

Còn một vấn đề khác nữa là sự thiếu hụt vốn hiểu biết xã hội, khả năng hòa đồng và tham gia các hoạt động xã hội... Nếu không vượt qua được những trở ngại này thì rất có thể sẽ dẫn đến việc chán học, thậm chí thù ghét một số môn học và sa sút trong kết quả học tập”.

* Vậy Trung vượt qua sự hẫng hụt này bằng cách nào?

- Tự tìm hứng thú cho mình để duy trì đam mê. So với nhiều bạn trẻ, tôi thấy mình may mắn là được lựa chọn và đeo đuổi điều mình đam mê. Nó là chất xúc tác cho tôi vượt lên khó khăn.

* Không phải ai cũng tạo được hứng thú nếu như khi vào trường đại học phải vượt qua những môn học chán ngắt, hay đứng trước một môi trường học không như mình hình dung, mơ ước?

- Không biết các bạn khác thế nào nhưng với tôi, tự tạo cho mình một thách thức là điều khiến tôi bị cuốn vào việc học, việc nghiên cứu và duy trì được niềm say mê. Khi mới vào trường, tôi đăng ký tham gia Olympic cơ học sinh viên toàn quốc. Kiến thức cơ học tôi mới chỉ được giới thiệu qua hồi phổ thông nên gần như không biết gì cả. Nhưng tôi muốn thử sức và gò mình vào việc phải chạy đua. Tôi xác định nếu không đoạt giải thì cũng có một trải nghiệm, một bài học.

* Lần đó bạn đoạt giải nhất đúng không?

- Vâng. Năm nay tôi cũng đăng ký thi Olympic cơ học, nhưng tôi chọn một mảng cũng mới tinh với mình là thủy lực. Hiện tại là thời gian tôi lao vào tìm hiểu về nó. Một thứ hoàn toàn xa lạ thôi thúc tôi khám phá và cố gắng để làm chủ kiến thức về nó. Những cái đích nhỏ ở mỗi chặng thế này khiến tôi không bị rơi vào trì trệ.

* Nhưng dù sao đó cũng không phải là hoạt động học tập chính thức. Trung vừa nói có những môn học trái với chuyên môn và khá nhiều những điều xa lạ mà tân sinh viên cần thích nghi... Hình như đây cũng là giai đoạn “điểm rơi” của khá nhiều sinh viên từng có thành tích đáng kể ở phổ thông?

- Tôi cũng có vài người bạn học giỏi ở phổ thông, rồi bị sa sút dần do “chọn sai ngành”, do không thích nghi được với điều kiện học tập mới, do thất vọng vì môi trường đại học không như các bạn ấy hình dung... Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi mình không tự đặt cho mình đích đến... Những cái đích gần, xa hơn một chút và cao hơn nữa.

Năm thứ nhất, khi phải học những môn đại cương tôi cũng hụt hẫng, nhưng để mình không buông, tôi tự gò mình vào một nề nếp khắc nghiệt và cụ thể. Ví dụ như không bỏ tiết, đi học đúng giờ, nghiêm túc nghe giảng, ghi chép đầy đủ, đọc sách, nghiên cứu về vấn đề đang học... Tôi có cảm giác sự nghiêm túc của mình tạo hứng thú cho thầy cô... Các thầy cô cũng giảng hay hơn, nhiệt tình hơn.

* Nhưng môi trường đại học, sinh viên không chỉ tiến bộ nhờ “đọc - chép” nghiêm túc?

- Đúng vậy, ý tôi là hãy rèn cho mình từ việc nhỏ thì sẽ vượt qua được việc lớn hơn dễ dàng. Tự mình tạo ra áp lực, tạo ra môi trường khắc nghiệt cho mình, lúc đầu cũng mệt nhưng khi đã đi được một chặng đường, nhìn lại sẽ thấy mình đã vượt xa hơn lúc nào. Quan trọng là tạo cho mình được thói quen làm việc với cường độ cao.

* Trung nhận xét thế nào về môi trường học tập hiện tại? Là một sinh viên có năng lực và đam mê, liệu điều kiện học tập hiện tại có thể thỏa mãn yêu cầu của bạn chưa?

- Tôi may mắn được học tại những ngôi trường tốt cả ở phổ thông và đại học so với mặt bằng chung ở Việt Nam. Nhưng sắp tới tôi vẫn đi du học. Tôi đã có học bổng vào học Trường ĐH Bách khoa Paris. Tôi đã nghiên cứu kỹ về nơi sẽ đến. Không phải trường ở nước ngoài hơn ta ở điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, phòng thí nghiệm, tài liệu sinh động hơn mà là quan điểm chọn lựa và đào tạo sinh viên.

Ví dụ có trường đại học ở Mỹ ngoài khả năng ngoại ngữ của người học còn đề cao năng lực hoạt động xã hội. Còn trường tôi sẽ tới ngay từ năm thứ nhất họ tung sinh viên vào thâm nhập thực tế công việc để hình dung về vấn đề mình sẽ học, sau đó mới trở lại trường...

* Khi đặt cho mình vô số cái đích trong học tập, liệu Trung có xa rời các hoạt động khác và cảm thấy mình thiếu hòa đồng?

- Khi bước vào trường đại học, tôi nhận ra ngay những điều mình thiếu cần bổ sung. Hoạt động xã hội, tìm hiểu các vấn đề đời sống, cả kỹ năng làm việc chung với bạn bè cũng là điều cần bổ sung. Tôi tham gia một số chương trình sinh viên tình nguyện, các hoạt động của khoa, trường.

Thỉnh thoảng tôi chơi đàn trong một nhóm nhạc. Việc chơi này cũng là cách học lấy điều mình cần. Ví dụ soạn và biểu diễn một bản hòa tấu, tôi không thể một mình làm lấy mà cần sự hợp tác, bổ trợ của các bạn trong nhóm. Không có ai hoàn hảo nhưng có thể có sản phẩm tốt nếu biết kết hợp sức mạnh của nhiều người.

* Câu chuyện mình vừa nói với nhau có thể tóm tắt lại là thách thức có thể tạo nên hứng thú và động lực để đạt được những cái đích mà mình đặt ra trên con đường học tập?

- Vâng, tôi rất thích xem bộ phim Ba chàng ngốc của Ấn Độ. Trong đó có một câu thoại mà tôi rất thích là “Theo đuổi sự ưu tú thì thành công sẽ theo đuổi ta”.

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện

Lựa chọn thực dụng sẽ giết chết niềm say mê

Môi trường đại học rất khác với phổ thông, nhất là đối với những sinh viên sống xa nhà. Có vô vàn cám dỗ như game, các thú vui chơi giải trí, trong khi phải sống xa gia đình, tự lập, tự học, tự chủ trong cuộc sống. Tốt nhất là rời xa những cám dỗ ngay từ khi mới đặt chân vào trường, nếu không lâu dần khi đã dấn sâu vào nó, khi đã hình thành thói quen lười biếng, trì trệ sẽ khó thay đổi.

Trong môi trường đại học sẽ không có ai giục giã chuyện học, không có thầy cầm tay chỉ việc. Nếu không muốn sa sút, nếu thật sự muốn có kiến thức thật, đáp ứng công việc thực tế thì chỉ có một con đường: học. Có những môn học, tài liệu hoàn toàn là tiếng Anh. Muốn đọc được sách chuyên ngành phải đi học tiếng Anh chuyên ngành. Đọc được thì mới chiếm lĩnh được kiến thức và khi đó mới có thể bước những bước đầu tiên trên con đường để thành nghề.

Cách chọn cho mình một con đường an toàn và thực dụng đang là xu thế phổ biến của nhiều sinh viên. Và để có được sự “an toàn”, những kiểu học đối phó để có bảng điểm đẹp, bằng đẹp cũng xảy ra. Nhưng nhìn lại thật kỹ thì thấy cách lựa chọn đó giết dần niềm say mê, nhiệt huyết và mong muốn chinh phục tri thức. Đó cũng là cách lựa chọn dễ khiến người trẻ sinh chán nản, thỏa hiệp với bản thân.

LÝ BÌNH LẬP

(sinh viên năm 3 ngành điện tử viễn thông Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)

Thay đổi không có gì là xấu

Bạn tôi học giỏi, dưới áp lực của gia đình và những người xung quanh, bạn lúc nào cũng nỗ lực hết mình trong việc học và kết quả như mọi người mong đợi (mọi người chứ chưa chắc là bạn mong đợi) bạn tốt nghiệp loại giỏi, đứng đầu cả một khóa. Ra trường, làm việc ở một công ty lớn, những tưởng như vậy là ổn. Sáu tháng sau chúng tôi gặp lại, trông bạn tiều tụy, mệt mỏi.

Bạn tâm sự: “Mình không biết tất cả những gì mình làm có phải vì mình không, chắc không phải. Mình cũng không biết mình có yêu công việc hiện tại không, chắc cũng không. Nhưng giờ nghỉ việc mình sẽ phải đối diện với gia đình, mà nghỉ việc mình cũng chẳng biết xin vào làm gì với ngành đã học. Người ta cứ tưởng tốt nghiệp đại học loại giỏi là ghê gớm lắm, nhưng giờ mới thấy loại gì không phải là vấn đề, quan trọng là làm được việc gì. Quan trọng hơn nữa là phải biết sống cho chính bản thân mình chứ không phải là một ai khác”.

Sau một thời gian mệt mỏi, dằn vặt, cảm thấy không có lối thoát đến mức phải đi điều trị tâm lý với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh, sau đó bạn tôi lấy hết can đảm chỉ để... nghỉ việc.

Thật buồn cười khi sống cho chính bản thân mình mà phải đắn đo và khó khăn đến như vậy. Sau đó bạn chỉ làm những việc part-time, những việc chưa bao giờ làm, từ bán hàng đến tiếp thị sản phẩm, bồi bàn... và dành dụm hết khoản tiền kiếm được để đi phượt. Tôi cho rằng hành trình mà bạn tôi đã làm chính là việc đi tìm lại chính con người mình, tìm lại đâu là niềm vui, là sở thích, là cái mà mình thật sự muốn chứ không phải dư luận, gia đình, người thân mong muốn.

Thay đổi không có gì là quá xấu, có thể ban đầu bạn cảm thấy mọi chuyện không ổn, nhưng rồi nếu quyết tâm và kiên định bạn sẽ nhận ra thay đổi để đón nhận những điều mới, để “cứu lấy” chính tương lai mình vì hẳn chúng ta không thể sống mãi trong cảm giác lạc lối!

[email protected]

Gửi em - người sinh viên đang bối rối

13/04/2013 11:39 (GMT + 7)

TTCT - “Tôi là một người đi dạy học đã hơn ba mươi năm sống gần gũi trong thế giới của em, gắn bó với em, ngày ngày gặp em trên  giảng đường đại học.

Vì thế nên giờ đây, cho dù nhắm mắt lại, không cần trí tưởng tượng, tôi cũng nhìn thấy em, người sinh viên - rõ như là mình đang mở mắt và có em trước mặt.

Em đang ngồi trong lớp, nghe giảng, ghi chép, em đang dán mắt vào bảng thông báo kết quả điểm, nghĩ tới kỳ đóng tiền nhà trọ, hay đang ngồi trong lớp nhưng không ghi chép gì... Hoặc có khi em học mà không nghĩ ngợi gì cả. Giữa em và bài học có một khoảng cách ngán ngẩm và em chấp nhận nó một cách thờ ơ, coi như một phần việc phải làm, no comment”.

Đây là một đoạn tôi cố tình mô phỏng cách viết của nhà văn Pháp André Maurois khi ông mở đầu tác phẩm Thư gửi người đàn bà không quen biết (Lettre à l’innconnue). Tôi chỉ mô phỏng chứ không giễu nhại, chỉ mượn một cách bắt đầu để nói chuyện với em, cho em thấy rằng việc học tập kinh nghiệm của người đi trước có khi vô cùng hữu ích, ít nhất là để bắt đầu một điều gì. Nhất là một việc quá khó đối với tôi, là nói chuyện với em - người sinh viên hiện đại - như một người bạn.

Trên các trang Facebook, trên các forum, em đã phát biểu rất mạnh về nơi em học, về người dạy học, về chương trình học, về xã hội... Tôi cố thử tìm hiểu em đang trong trạng thái nào trong những trạng thái dưới đây qua những bày tỏ ấy?

“Cuộc đời của chúng ta không bao giờ là một bàn tiệc được người khác dọn sẵn mà chúng ta chỉ có việc... ăn. Điều dở giống như những chất liệu ngoài ý muốn, bắt ta chế biến cho bữa tiệc đời của ta”.

Em đang bất mãn vì cái dở: Bài học dở, thiếu thực tế, thiếu tính ứng dụng, “cái cần thì không có mà cái có thì không cần”. Thầy dở, thuyết giảng lê thê, thế kỷ 21 rồi mà còn đọc chép, thi chủ yếu là trả bài. Cách dạy không sinh động, không hấp dẫn.

Em đang bực bội vì bị mất tự do, bị ràng buộc trong khuôn phép, bị “dạy dỗ” trong khi em biết rất nhiều điều về cái dở, cái xấu và quá xấu của người lớn, của những người đang tự nhận có trách nhiệm giáo dục em. Trong mắt em, họ là những người đang cao giọng rao truyền tri thức, đạo đức, là những điều mà có khi bản thân họ cũng chưa có. Nhan nhản trên báo chí đâu phải là không có những chuyện này?

Em đang bị những áp lực trái chiều nhau giữa các định kiến mà em rất ghét với những mục tiêu mà em nhất định phải đạt được vì không có cách nào khác. Bằng cấp là một chuyện mà thực tài là một chuyện, phấn đấu là một chuyện mà kết quả lại là một chuyện khác. Nhân cách là một chuyện nhưng “luật chơi” của những cuộc cạnh tranh, ngay cả những cạnh tranh trong học đường, lại là một chuyện khác...

Em đang muốn khẳng định mình bằng cách nhanh nhất, rằng em có suy nghĩ riêng, có đánh giá riêng, có bản lĩnh riêng, đã có khả năng giám định nhiều thứ. Em muốn có tự do quyết định, có những lựa chọn, những nhận thức của riêng mình. Em rất nhiệt thành tin tưởng bản thân mình có thể làm được nhiều thứ tốt hơn nếu em được tự do hơn, được cung cấp những điều kiện tốt hơn...

Em đang khao khát những giấc mơ như là bài học nào cũng hay theo cách nghĩ của em, gần gũi với điều em yêu thích, cũng là những giải pháp gọn gàng hữu hiệu cho vô số những vấn đề của em, trong đó có vấn đề lấy bằng tốt nghiệp. Bài học phải phù hợp với tâm tình, nguyện vọng, ước muốn, quan niệm, nhu cầu hiện tại và tương lai... của em. Cái gì thích hợp với xu hướng của mình thì mới thích. Em muốn được chấp nhận như một người trưởng thành, người tự do và trước hết là ở học đường.

Câu trả lời từ chính mình

Những kẻ lạc đường:

LTS: Các bạn, “những kẻ lạc đường” có bao giờ nghĩ rằng những thầy cô mà mình chê trách cũng từng là sinh viên bao năm trước? Và không ít trong số họ cũng đã có những phút bối rối, nản lòng? Tham gia diễn đàn là tâm sự của một giảng viên môn văn học nước ngoài, từng có 30 năm trên bục giảng. Cô đã “đọc vị“ sinh viên mình và gửi đến họ những tâm sự chân thành...

Giá như tôi là em, trong vị trí của em, từ điểm nhìn của em, từ tuổi đôi mươi mà đặc trưng là chỉ nhìn về phía trước và chỉ chú ý cái mình muốn, thì chắc tôi cũng nói như vậy thôi. Và nói cho công bằng thì chắc rồi em cũng sẽ như tôi, sau khi những cảm xúc đã qua đi sẽ nghĩ lại về điều mình đã nói và sẽ tự hỏi như tôi từng tự hỏi rồi từng phải tự kiếm cho ra câu trả lời cho chính mình.

Bất mãn? Đó là trạng thái không hài lòng với thực tế xảy ra so với điều mình mong muốn. Có những bất mãn cần thiết và những bất mãn không cần thiết. Chẳng hạn như bất mãn vì một bài học theo em là quá dở và lại được truyền đạt bởi một người thầy cũng... dạy dở.

Tôi nói là không cần thiết phải bất mãn như thế vì một người khôn ngoan luôn học được ở mọi điều, kể cả ở cái dở. Em có biết mình học được những gì từ cái dở không?

Đó là lòng trắc ẩn trước khiếm khuyết của người khác mà người ta chưa khắc phục được, là khả năng từ đó tìm ra được cái hay ngay trong cái dở, là lời cảnh báo cho những gì mình rất có thể cũng rơi vào và biết trước để tránh. Người thầy giảng bằng cách đọc chép chưa chắc là người thầy dở nhưng chắc chắn là người đó thiếu lòng tin ở bản thân và thiếu lòng tin ở đối tượng.

Bài học dở nhưng do chương trình bắt buộc? Thì mình cũng có cái để học đó thôi. Người ta hay cho rằng học tức là phải học cái hay. Nhưng lỡ không có hay chưa có cái hay để học thì mình học từ cái dở vậy. Tôi nói “học từ cái dở” chứ không nói là học cái dở. Cái dở có khi cũng có ích nếu mình biết cách tiếp cận với nó và nhất là đừng có dở theo nó, mà phải biết “hấp tinh đại pháp”.

Khi còn đi học tôi cũng học vài người thầy mà tôi “không phục”, nhưng tôi biết “hợp tác” với hoàn cảnh. Tôi không phê phán thầy mình vì tôi đọc được nỗi khổ của con người trong hoàn cảnh “bị dở”, có khi phải cố tình che giấu bằng cách này hay cách khác, và vì tôi biết luật loại trừ xã hội, sớm muộn mà thôi.

Khi ra trường, éo le thay, tôi lại được phân công dạy cái môn của người thầy đó. Tôi không bao giờ quên được những ngày tháng đầu tiên đi dạy tôi đã rõ thế nào là sự “dở” ngay trong chính bản thân mình. Khi ấy, nhờ những bài giảng đọc chép (tôi mượn lại của người bạn học nghiêm chỉnh hơn tôi) mà tôi không ưa thích chút nào đó để bước đi những bước đầu tiên, vừa nhìn theo nó lần mò tìm lối đi vừa chống lại nó, để tìm ra cái mà tôi cho là phù hợp.

Chính những bài đọc chép mà tôi không ưa thích chút nào đó đã giúp tôi hiểu một điều rất quan trọng: thế nào là một giáo trình dạy đại học về phương diện hình thức, về cách tổ chức bài giảng, về một nội dung dễ truyền đạt và người nghe dễ tiếp nhận. Người dạy văn học nước ngoài cực hơn hai lần dạy văn học Việt Nam, vì phải vừa thấu cảm được hai phương diện văn hóa và văn học mới không lệch đường khi tiếp cận tác phẩm.

Tôi đã nhờ chính các sinh viên cùng làm điều đó với tôi bằng cách sân khấu hóa (một cách thận trọng) các tác phẩm văn học thế giới nổi tiếng, tạo sự lý thú cho người học qua việc nhập vai, sống với tinh thần văn hóa thời đại của nhân vật và tác phẩm. Sinh viên của tôi còn thành công hơn cả tôi. Vài người trong họ giống như những đạo diễn, diễn viên và đó là kỷ niệm đẹp của họ.

Bữa tiệc đời ta

Cuộc đời của chúng ta không bao giờ là một bàn tiệc được người khác dọn sẵn mà chúng ta chỉ có việc... ăn. Điều dở giống như những chất liệu ngoài ý muốn, bắt ta chế biến cho bữa tiệc đời của ta. Ta muốn nấu món ngọt thì chất đó lại đắng, ta muốn nấu món mặn thì chất đó lại chua. Nhưng món canh chua, canh khổ qua tuyệt vời lại bao gồm hết cả những cái đó phải không?

Và trong trường lớp, có khi với những “bàn tiệc” người giảng dạy đã dọn sẵn mà khách mời còn chưa biết “cách ăn”. Vậy thì cái dở nếu xảy ra là thuộc về cả hai phía đó em ạ.

Tự do? Tôi cũng thích tự do. Khi còn là sinh viên tôi cũng có lần nghỉ những buổi học mà tôi mệt mỏi nhiều hơn thích thú. Nếu vì nghỉ học mà ít điểm, thậm chí thi rớt môn dó tôi cũng không oán trách ông thầy, vì tự do cũng là tự trách nhiệm. Tự do thật sự ích lợi đối với những người có bản lĩnh nhưng tự do cũng là mối nguy hiểm đối với người thiếu bản lĩnh.

Tôi nhớ được một định nghĩa lý thú về tự do mà tôi học từ môn triết: “Tự do là nắm được quy luật”. Không có tự do vô điều kiện. Những tài năng lớn thường là những người biết sử dụng tự do một cách đúng chỗ. Ông Bill Gates đã nghỉ học ngay từ năm thứ hai đại học vì trường lớp không có đủ khả năng dạy cho ông những thứ ông cần. Nhưng sau khi thành công và đạt được ước mơ, Bill Gates đã trở lại trường đại học, học nốt hai năm cuối cho có bằng cấp đàng hoàng như nguyện vọng của cha ông.

Ràng buộc? Tôi cũng ghét ràng buộc. Nhưng điều làm ta không thoải mái chính là tâm lý bị ràng buộc hơn là những ràng buộc bên ngoài, có tính nhất thời, tính giai đoạn như ràng buộc ở nhà trường qua quy chế, lề luật, chương trình... Đó là những chiếc lồng tạm của những cánh chim tự do đang chờ đủ lông đủ cánh.

Em có quyền làm người sinh viên tự do, có khả năng khẳng định mình bằng cách đối mặt với những điều em “không phục” trong kiến thức trường lớp. Và điều đó thật sự phải đẹp hơn là cam tâm làm nô lệ cho thói quen “dựa dẫm cho qua”.

Em có quyền làm người sinh viên tự do nếu em biết tự trách nhiệm. Nếu tự do mà chưa thành tựu thì cũng không bao giờ đổ lỗi cho ngoại cảnh, cho người khác. Không có gì hạ thấp con người bằng sự đổ lỗi cho kẻ khác.

Em, người sinh viên trẻ đang bối rối là hình ảnh từng hiện diện trong một phần đời quan trọng của tôi suốt mấy chục năm qua. Cho dù em đang bất mãn, bực tức, áp lực... trong chiếc nôi vào đời của mình, tôi vẫn có lòng tin rằng đó cũng là những bước đi của em trên con đường trưởng thành sớm muộn.

TS LÊ NGỌC THÚY (Đại học Cần Thơ)

Cuộc đời là một sự lựa chọn

29/04/2013 08:02 (GMT + 7)

TTCT - Bước vào tuổi mười tám, cũng là lúc các học sinh đứng trước một trong những sự lựa chọn quan trọng nhất của cuộc đời: lựa chọn một ngành học, một nghề nghiệp cho tương lai.

Những kẻ lạc đường:

LTS: Chọn lựa ngành nghề cũng chỉ là một trong vô số sự chọn lựa trong cuộc đời mỗi người, và cuộc đời chúng ta trở nên hạnh phúc hay bất hạnh là từ những chọn lựa này, ở tầm nhìn ngắn hạn hay tầm nhìn dài hạn. TTCT giới thiệu ý kiến của TS Phạm Thị Ly tham gia diễn đàn “Những kẻ lạc đường”.

Thật ra thì không chỉ tuổi mười tám, mà cuộc đời luôn luôn là một sự lựa chọn. Chúng ta làm điều này mà không làm điều khác, đi con đường này mà không đi con đường khác, làm nghề này mà không làm nghề khác, kết hôn với người này mà không phải là người khác, tất cả đều là kết quả của một sự lựa chọn. Và cuộc đời của chúng ta đạt được những thành tựu gì, trở nên như thế nào, hạnh phúc hay bất hạnh, có ích hay có hại cho xã hội là do cách chúng ta lựa chọn.

Tất nhiên, có những người có nhiều cơ hội lựa chọn hơn người khác. Nếu chúng ta bẩm sinh thông minh, xinh đẹp, có năng khiếu âm nhạc, hội họa, ca hát, nếu cha mẹ chúng ta giàu có, hẳn chúng ta có nhiều thứ để mà chọn lựa. Nhưng kể cả khi không có những ưu thế đó, chúng ta vẫn có vô số lựa chọn mà mình phải quyết định.

Có những cơ hội lựa chọn do may mắn, do gia thế mà có. Nhưng phần chủ yếu vẫn là những cơ hội do chính chúng ta tạo ra. Năng lực tạo ra cơ hội cho chúng ta lựa chọn. Nếu chúng ta không có năng lực thì cơ hội có đến cũng sẽ trôi qua. Chúng ta cần nhận biết được tất cả những khả năng lựa chọn mà mình có và tạo ra thêm nhiều khả năng lựa chọn mới.

Sự lựa chọn quan trọng như vậy, cho nên bài học về sự lựa chọn là bài học thiết yếu nhất của cuộc đời. Cái gì quyết định sự lựa chọn của chúng ta?

Kinh nghiệm cuộc đời cho tôi thấy có ba yếu tố quyết định sự lựa chọn của chúng ta: một là năng lực trí tuệ, hai là giá trị, ba là tầm nhìn.

Hiển nhiên là năng lực trí tuệ có vai trò quan trọng trong sự lựa chọn. Năng lực trí tuệ ở đây là nắm bắt được những thông tin đầy đủ, phân tích những thông tin ấy và nhận thức được bản chất của những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta.

Tầm nhìn ngắn hạn và tầm nhìn dài hạn

Tôi lưu ý nhiều hơn đến hai yếu tố sau là giá trị và tầm nhìn. Giá trị là những gì chúng ta xem là quan trọng, thiết yếu, sống còn đối với mình, là những gì chúng ta có thể sẵn sàng đánh đổi tự do, an toàn, sự no ấm của mình để bảo vệ nó. Mỗi người có thể có những giá trị giống nhau và khác nhau. Nó là một cái thang bậc đa dạng thể hiện thứ tự ưu tiên của những gì chúng ta coi trọng.

Mơ ước một cuộc sống đầy đủ không có gì là xấu, ngược lại còn là động lực của sự tiến bộ. Người ta chỉ khác nhau ở con đường đạt đến mục tiêu. Chính các giá trị đã hướng dẫn chúng ta chọn con đường nào để đạt đến mục tiêu. Điều cần nhớ: cái gì cũng có hai mặt, mỗi sự lựa chọn đều đòi hỏi chúng ta phải trả giá. Vì vậy điều quan trọng là hiểu rõ hậu quả những lựa chọn của chúng ta.

Tầm nhìn là khả năng nhìn ra một viễn cảnh xa hơn bối cảnh thực tế mà mình đang sống. Tầm nhìn ngắn hạn là chạy theo những ngành thời thượng, là chọn nghề dựa trên những nhu cầu trước mắt. Tầm nhìn dài hạn là phân tích bối cảnh xã hội, xác định năng khiếu, đặc điểm và năng lực của bản thân, trong đó quan trọng nhất là năng lực tự học và phẩm chất cá nhân. Đó mới là giá trị cốt lõi quyết định những thành tựu mà ta có thể đạt được. Với tầm nhìn dài hạn đó, chúng ta sẽ không nản lòng với khó khăn trước mắt và kiên trì với sự lựa chọn của mình.

Chúng ta đều có chung một mục tiêu là kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân mình, gia đình mình và cho xã hội mà mình đang sống. Nhưng chúng ta có thể khác nhau trong cách lựa chọn con đường để đạt được mục tiêu đó. Con đường mà chúng ta lựa chọn sẽ cho thấy chúng ta là ai. Nếu các em mong muốn có thật nhiều tiền, thật nhiều quyền lực và địa vị với bất cứ giá nào, cho dù trái với đạo đức lương tâm, thì đó cũng là một sự lựa chọn. Hãy tự hỏi cái giá phải trả cho sự lựa chọn đó là gì và mình có thể chấp nhận cái giá ấy hay không.

Quy luật mười nghìn giờ

Còn nếu các em không chỉ mong muốn có nhiều tiền, mà còn mong muốn được tự hào rằng các em đã làm ra một đồng tiền sạch bằng tài năng của mình, chứ không phải bằng cách ăn xin, ăn cắp, ăn cướp hay ăn hối lộ, thì các em cần biết rằng nếu như các em làm tất cả mọi việc bằng nỗ lực và trách nhiệm cao nhất của mình, nếu như các em để hết tâm huyết vào công việc của mình, không sớm thì muộn đồng tiền sẽ tự tìm đến với các em. Các em không cần phải tìm kiếm nó.

Có một quy luật gọi là “quy luật mười nghìn giờ”. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng trong những điều kiện thông thường, một người bình thường kiên trì làm một loại công việc gì đó, sau nhiều nhất là mười nghìn giờ người ấy sẽ đạt đến trình độ thành thạo như một chuyên gia trong công việc ấy. Nếu các em đạt đến trình độ chuyên gia, các em sẽ có chỗ dùng, không phải nơi này thì là nơi khác, chắc chắn như vậy.

Còn một điều khác quan trọng hơn cả mười nghìn giờ, đó là sự yêu thích công việc của mình. Các em có bao giờ nhìn thấy một người đầu bếp nổi danh và tài hoa nào lại miễn cưỡng nấu bếp như một công việc khổ sai? Có bao giờ thấy một ông thầy lên lớp chốc chốc lại nhìn đồng hồ mong cho hết giờ để ra về lại được học trò yêu quý và nhớ mãi? Chắc chắn là không!

Các em không thể thành công thật sự trong công việc nếu các em không yêu thích công việc ấy. Có rất nhiều người không may buộc phải làm một công việc nhàm chán mà họ không hề thấy hứng thú, chỉ như một kế sinh nhai. Thật đáng tiếc vì tám giờ vàng ngọc, tức một phần ba cuộc đời của họ đã trôi qua một cách nhạt nhẽo vô vị và uổng phí.

Nếu các em yêu thích công việc của mình, các em sẽ thấy vui sướng hạnh phúc khi làm việc, các em sẽ làm hết sức mình và chắc chắn sẽ đạt được thành công. Phần thưởng lớn nhất là niềm vui từ bên trong, là sự cảm nhận rằng mình đã sống một cuộc đời có ý nghĩa. Những phần thưởng khác như tiền bạc, địa vị, danh tiếng sẽ tự đến như một hệ quả tất yếu.

Cuộc đời là một sự lựa chọn. Sự lựa chọn của chúng ta cho thấy chúng ta là ai và sẽ quyết định những gì chúng ta gặt hái trong tương lai. Các em đang ở trong giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Các em cần nhìn một bức tranh rộng của xã hội, và hiểu rằng ngày nay, nhiều nghề nghiệp đang tương tác với nhau, mọi vị trí công việc đều đòi hỏi một nền tảng tư duy, phẩm chất cá nhân và kỹ năng giao tiếp mà chỉ riêng kiến thức chuyên ngành không đủ để đáp ứng. Vì vậy chọn nghề gì không quan trọng bằng việc chuẩn bị cho nghề nghiệp đó như thế nào.

Các em cần đánh giá đúng bản thân mình, về năng lực, về ý chí, về những mối quan tâm và hứng thú, về những mơ ước và cả khả năng chịu đựng thử thách của mình. Đó là những điều kiện cần để có lựa chọn đúng. Và hãy nhớ một câu ngạn ngữ Anh: Không có bữa trưa nào là miễn phí!

TS PHẠM THỊ LY

Đầu tư vào con cái

04/05/2013 17:26 (GMT + 7)

TTCT - Trong số các nhà xã hội học đương đại, hai nhà lý luận nữ quyền người Anh là Christine Delphy và Diana Leonard coi gia đình cũng là một tổ chức kinh tế (the family as an economic system).

Những kẻ lạc đường:

Lts: Câu chuyện về những người trẻ tốt nghiệp đại học, thậm chí còn trên giảng đường đại học, đã thấy hoang mang lạc hướng - khởi đi từ TTCT số đề ra ngày 3-3-2013 - đã được sự hưởng ứng nhiệt thành của độc giả. Sự chủ động, ý thức cá nhân của bản thân mỗi sinh viên, trách nhiệm dẫn dắt của những người thầy và niềm tin của các bậc cha mẹ đã được phân tích. Ý kiến khép lại cuộc trò chuyện này xin dành cho TS Lê Thanh Hải (Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan).

Chỉ có điều cơ cấu hoạt động của gia đình không giống như trong một công ty vận hành theo quy định của luật pháp.

Các mối quan hệ, nhất là nghĩa vụ đóng góp và quyền lợi hưởng thụ của mỗi cá nhân, có khác nhau tùy thuộc vào vị trí của họ trong gia đình. Tuy nhiên về mục tiêu hoạt động để đem về lợi nhuận tối đa cho tất cả thành viên trong gia đình thì đơn vị kinh tế này hoàn toàn giống các mô hình tổ chức sản xuất khác trong xã hội như công ty tư nhân hay tập đoàn nhà nước.

Như vậy, người chủ gia đình tức là các bậc phụ huynh cần phải biết đầu tư vốn vào đúng chỗ để phát huy nguồn nhân lực, cũng giống như một cán bộ tổ chức trong xí nghiệp cần phải biết nên đào tạo thêm cho ai để tăng lợi thế và lợi nhuận cho công ty. Nhiều nhà tư bản lớn trên thế giới hiểu rõ quy luật này nên đầu tư cho con cái ngay từ khi mới chào đời.

Rất nhiều người Việt sẵn sàng bỏ tiền cho con đi học nước ngoài nhưng thật sự không phải ai cũng hiểu được lý do và cơ chế tư duy của các nhà tài phiệt đó. Đầu tư sai không chỉ gây ra lỗ lã mà đôi khi còn khiến cả gia đình lụn bại, sa vào nợ nần chỉ vì một người con du học nước ngoài.

Để tránh lạc đường

Giáo sư người Pháp Pierre Bourdieu trong quyển sách được coi là kinh điển trong ngành xã hội học hậu hiện đại từng chỉ ra rằng quan hệ chính là số vốn xã hội cơ bản nhất mà bạn có thể trang bị cho con mình. Nó thật sự quan trọng như là vốn tài sản, vì nếu chọn được bạn tốt cho con tức là đã giúp con đi được gần một nửa con đường thăng tiến.

Trước hết, nền giáo dục đại học ở mỗi quốc gia đi theo một triết lý đào tạo riêng, phù hợp với cả bản sắc dân tộc lẫn nhu cầu kinh tế - xã hội hiện tại của giai đoạn đó. Nếu nước Đức coi hệ thống đại học là nguyên khí quốc gia mà ngân sách phải trợ cấp không chỉ lương giảng viên mà cả vé xe buýt cho sinh viên, thì nước Anh lại coi trường đại học là nơi bán dịch vụ đào tạo, ban giám hiệu tự phong chức giáo sư cho người dạy thuê.

Nếu hệ thống các trường công của Pháp được xây dựng để đào tạo viên chức cho bộ máy nhà nước thì mô hình universitas như thuở ban đầu của các trường đại học ở Ý và châu Âu lại là môi trường để sinh viên khám phá thế giới và tự rèn luyện mình. Xã hội Mỹ đòi hỏi bằng cấp khi hành nghề còn xã hội Việt Nam thì thích nhiều bằng cấp để khoe nhau.

Khi đưa con vào một hệ thống đại học thì bạn đã đồng thời chấp nhận con mình sau này, ít hay nhiều, sẽ là sản phẩm của môi trường đào tạo đó, cộng thêm những ảnh hưởng từ bản sắc văn hóa của quốc gia đó. Đây là điều mà rất ít phụ huynh nghĩ đến. Đa số chỉ đơn thuần tính toán rằng con mình sẽ học được chút kiến thức gì đó từ chuyên ngành máy tính, kinh tế, vật lý, toán học... từ mái trường đại học thể hiện qua bằng cấp.

Rất ít người nhìn nhận thấu đáo rằng trong thế giới đương đại không phải ai cũng làm đúng ngành mình học, và kiến thức đại học chỉ cần sau năm năm, thậm chí có trường hợp chỉ 2-3 năm là hoàn toàn lạc hậu không còn sử dụng được nữa.

Cũng có người muốn con học thật cao, chí ít cũng phải lên tới thạc sĩ tiến sĩ, mà không biết rằng thật ra có những ngành nghề lương cao chỉ tuyển người có trình độ trung cấp hoặc kỹ sư là cùng, vì cần thợ lành nghề hơn là chuyên gia lý luận. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi không ít sinh viên sắp tốt nghiệp cảm thấy đã đi lạc đường. Không phải ai khác mà chính nhiều bậc phụ huynh đã đưa con mình đi vào con đường sai đó.

Con đường do bước chân ta qua

Nhưng trách nhiệm của mỗi người trẻ là phải biết chỉnh hướng cuộc đời kể từ sau ngày bạn tròn 18 tuổi, đủ nghĩa vụ công dân, hay chí ít cũng là từ sau ngày tròn 21 tuổi - tuổi được cho phép tự mua rượu uống ở châu Âu. Phụ huynh sống trong một môi trường xã hội khác với con cái nên sẽ không thể dự đoán chính xác được đâu sẽ là con đường thăng tiến của thế hệ sau.

Nếu cách đây 20 năm những ai học máy tính - biết tháo lắp ổ cứng và ráp thẻ nhớ vào board mạch chủ - là thần tượng của cả trường thì nay thậm chí cả chiếc laptop tinh vi cũng đã ít người muốn cặm cụi sửa chữa khi hư hỏng vì đã có những chiếc tablet và iPad hấp dẫn hơn đang chờ mua. Nhu cầu sinh viên từ các ngành học thay đổi xoành xoạch, các tập đoàn công nghệ mạng tuyển người chú trọng vào khả năng tư duy sáng tạo của nhân viên tương lai hơn là bằng cấp hay kiến thức trong một ngành nghề cụ thể nào đó.

Google đặt ra bài thi tuyển nhân viên bằng tình huống giả tưởng là bạn bỗng nhiên bị thu nhỏ lại chỉ còn một phần mười hiện tại và lọt vào bên trong chiếc máy xay sinh tố chuẩn bị bật điện, đơn giản chỉ để xem trí tưởng tượng của bạn đến đâu, bạn có thể vận dụng các kiến thức cơ bản từ hồi phổ thông đến mức nào, chứ không phải xem bạn có tư duy lập trình cao siêu hay không.

Nếu có thời gian đọc toàn bộ quyển sách của William Poundstone Are you smart enough to work at Google? (tạm dịch: Bạn có đủ thông minh để làm việc ở Google?) - tác phẩm đang là bestseller trên thế giới, bạn sẽ cảm nhận được toàn bộ triết lý đang thay đổi trong xu hướng nghề nghiệp trên thế giới.

Khi phụ huynh khó mà nhận biết hết và thật sự sắc bén về sự thay đổi đang diễn ra rất nhanh, rất mạnh trên toàn cầu thì chính con trẻ phải biết chủ động tìm hướng đi mới cho mình. Đó chẳng phải là điều gì riêng biệt cho thế giới hậu hiện đại của ngày hôm nay, mà chính là điều kiện tiên quyết để một đứa trẻ thành “người lớn”.

Trong những đòi hỏi của thế giới mới, vốn kiến thức không chỉ thua kém khả năng tư duy sáng tạo mà còn cả các mối quan hệ nữa. Rất dễ hiểu tại sao người ta cho con học trường danh tiếng - chỉ đơn giản vì coi đây là nơi tập trung các mối quan hệ sẽ giúp con mình thăng tiến về sau. Thế nhưng bản thân đứa bé cũng phải được chuẩn bị để biết tận dụng cơ hội đó, hơn là bị đưa vào một môi trường vượt quá sức của bản thân và trở nên tự kỷ, không dám ra ngoài tạo dựng quan hệ, chưa nói gì đến khả năng dẫn dắt và lãnh đạo các bạn đồng lứa.

Khi đưa con ra nước ngoài hay thậm chí về một thành phố lớn ở trong nước để học đại học, các bậc phụ huynh phải ngay lập tức giúp con mình nghĩ xa hơn, chẳng hạn ra trường sẽ quay về nhà làm việc hay cần trang bị kiến thức và các mối quan hệ để trụ lại ở môi trường mới, trở thành công dân của mảnh đất mới đó. Chỉ cần chọn lựa sai một chút vào lúc này có thể sẽ làm mất của con mình từ 5-10 năm trong giai đoạn tuổi trẻ sung sức nhất của cuộc đời, tức là đã đặt con mình vào một bài toán kinh tế với điểm khởi đầu là bất lợi và thua lỗ.

Với các bậc phụ huynh vẫn đang cặm cụi thoi đưa từ sáng sớm đến tối mịt hết đưa con đi học lại bơ phờ chờ đón con trước cổng trường, đừng nên đổ hết công sức và tiền của ra để cuối cùng lại phó mặc toàn bộ nội dung học tập cho nhà trường và thầy cô giáo.

Hệ thống giáo dục nước Anh ngay từ cấp phổ thông đã chia các môn học thành hai loại: hướng nghiệp (vocational) và hàn lâm (academic) - một cái để khi tốt nghiệp trung học phổ thông là các em có thể đi làm kiếm tiền nuôi thân lập gia đình, còn cái kia thì dành cho các vị không màng đến tiền của mà thích đóng góp cho tri thức của xã hội và nhân loại.

Và ngay cả khi hệ thống chung đã được thiết kế như vậy, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều học sinh Anh vẫn có thói quen tạm nghỉ một năm (gap year) đi chu du vòng quanh thế giới để nghĩ xem mình có thật sự muốn đi học đại học hay không, đã chọn đúng trường và ngành nghề hay chưa.

Theo triết gia hậu hiện đại người Anh gốc Ba Lan Zygmunt Bauman thì thế giới hiện tại giống như một sa mạc mà mỗi chúng ta đều là một lữ khách đang lang thang vô định trên đó. Con đường ta đi thật ra không phải nằm ở phía trước mà là do những bước chân đã qua định ra... Và có một nghịch lý là khi đi trên sa mạc nhiều khi người ta mới thật sự biết mình đang đi đâu nhờ nhìn trở lại vào các dấu chân đã qua, còn những con đường trong thành phố mới thật sự khiến người ta lạc lối.

Trong một buổi trưa muộn ở góc Hồ Con Rùa, tôi từng gặp một cậu bé bán báo nói như vậy. Từ Thanh Hóa vào Sài Gòn lập nghiệp, ngày đầu tiên cậu ra khỏi nhà và đi lạc luôn đến ba ngày sau mới tìm về được chỗ ở vì từ bé đến lớn cậu vẫn quen định hướng bằng... đường dây điện.

Bạn có khi nào tự hỏi mình đang định hướng cho cuộc sống của bản thân bằng một hệ thống giá trị hay lý tưởng triết học nào hay không? Nếu câu trả lời là không thì rất nhiều khả năng bạn đang bị dẫn dắt trong một ma trận của những điều định hướng mà các tập đoàn lớn đã nghĩ ra cho bạn, và chi tiền cho quảng cáo để lan tỏa điều đó.

TS LÊ THANH HẢI

Băn khoăn về những khoảng trống

18/05/2013 16:17 (GMT + 7)

TTCT - Dù đã có những lý giải vì sao chất lượng dạy và học lịch sử ở nhà trường phổ thông đi xuống, nhưng cũng chỉ dừng ở mức bàn cãi và chỉ ra những bất cập dựa trên hiện tượng mà chưa có một nghiên cứu nào thật sự khoa học cho “cái gốc” của vấn đề.

Lịch sử - Đôi chuyện viết và học:

Hai câu chuyện của hai người thầy dưới đây, một về những kỳ giảng dạy dài trên lớp, một về chuyến đi thăm bảo tàng cùng học sinh của mình cho thấy việc học lịch sử hoặc trở thành một trải nghiệm đáng nhớ hoặc nặng nề cho cả thầy và trò. Nhưng họ vẫn cùng chia sẻ cái nhìn chung: hiểu biết lịch sử có thể giúp bồi đắp nhân cách cho mỗi cá nhân theo một cách thức giản dị nhất.

Từ thực tế giảng dạy của một giáo viên lịch sử, tôi cho rằng một trong những “cái gốc” đó là chương trình sử trong nhà trường.

“Được” và “chưa được”

Cái “được” trước hết: chương trình - sách giáo khoa (SGK) môn lịch sử ở nhà trường phổ thông hiện nay đã có chuyển biến trong việc tăng thêm lượng kênh hình và kiến thức minh họa, nội dung từng bài có tính mở rộng hơn. Ai cũng biết các môn học được xây dựng theo lộ trình đồng tâm và có tính liên thông.

Ở bậc THCS mà tôi đang trực tiếp giảng dạy, chương trình sử qua bốn năm học sẽ giúp học sinh nắm trọn vẹn một quá trình lịch sử từ khi loài người xuất hiện đến giai đoạn hiện nay. Khi lên bậc THPT, các em sẽ được tìm hiểu “lại” nhưng “sâu” hơn về những nội dung lịch sử đó với mục đích khi hoàn thành chương trình phổ thông, học sinh sẽ có được một hệ thống kiến thức đầy đủ về lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc Việt Nam.

Chương trình hiện nay đã ít nhiều khắc phục được hạn chế trước đây. Các bài giảng lịch sử trước đây chủ yếu là nội dung quân sự, chính trị thì nay đã có thêm nhiều bài về kinh tế, văn hóa, xã hội, hạn chế việc học lịch sử chỉ là học sử chiến tranh. Kiến thức được cập nhật gần với đời sống xã hội hơn, giúp học sinh dễ liên hệ hơn (nội dung học đến năm 2000 hoặc hơn) so với chương trình cũ chỉ đến năm 1991.

Thêm phần lịch sử địa phương đưa vào giảng dạy chính khóa giúp học sinh biết rõ hơn về truyền thống đấu tranh của địa bàn mình đang sinh sống. Từ năm học 2011-2012, việc thực hiện giảm tải chương trình cho học sinh, trong đó có bộ môn sử, đã góp phần giảm bớt lượng kiến thức quá tải, giúp giáo viên có thời gian đi sâu vào những nội dung trọng tâm để giảng dạy cho học sinh.

Cách trình bày trong SGK giúp giáo viên dễ dàng xác định trọng tâm bài giảng, lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm bài học. SGK không chỉ nêu nội dung kiến thức mà đã chú trọng đến việc thiết kế các hoạt động học tập, nên thật sự trở thành tài liệu định hướng giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và hỗ trợ học sinh tự học, tự phát hiện, chiếm lĩnh tri thức mới. Qua đó, hình thành dần phương pháp học tập cho các em.

Cái “được” thứ hai là về người thầy: chương trình - SGK mới đòi hỏi giáo viên phải nâng cao trình độ chuyên môn và đổi mới phương pháp dạy phù hợp. Bản thân người thầy không thuần túy truyền thụ những kiến thức gói gọn trong sách vở, mà phải biết cách hướng dẫn học sinh đi từ kiến thức lý thuyết sang nhận định tình hình và liên hệ hiện tại.

“Được” là điều dễ thấy vì nó hiển hiện và... ít, trong khi cái “chưa được” lại nhiều và liên đới đến quá nhiều người. Trong đó, cần đề cập nhất đó là cái chưa được trong “quan điểm giáo dục”. Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy, chúng tôi cho rằng bộ chủ quản cần phải có một xác định cẩn trọng và khoa học đối với quan điểm giáo dục nói chung và quan điểm giáo dục trong bộ môn sử nói riêng.

Đó là chúng ta đưa bộ môn sử vào giảng dạy cho học sinh với mục đích gì? Đó có phải là việc bộ môn sử sẽ góp phần cùng với các bộ môn văn hóa khác trong việc “dạy làm người” cho các em? Và quan trọng nhất với môn sử là không chỉ dạy làm người chung chung, mà phải làm người Việt Nam cụ thể.

Học sử là để có sự hiểu biết (và niềm tự hào) về truyền thống lịch sử của dân tộc, không chỉ là truyền thống chống ngoại xâm mà còn là truyền thống bao lần bị xâm lăng, bị đồng hóa, bị nô thuộc, ta vẫn giữ vững được bản sắc của ta, nhờ đâu?

Học sử còn để giúp các em nhận ra vì sao trước bao nhiêu lần thế nước “ngàn cân treo sợi tóc” ta vẫn làm được những việc long trời lở đất mà các đất nước hùng mạnh khác trên thế giới không thể làm, và ta trong thế kỷ 20 đã trở thành một “hiện tượng không thể lý giải” khi tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ thành công và trong thế bị cô lập, bị vây bủa sau chiến tranh vẫn có thể vươn lên vị thế như hôm nay?

Học sử còn để giúp học sinh nhận ra hôm nay trong hòa bình, khó khăn vẫn chưa bao giờ giảm bớt, vẫn trùng trùng bủa vây, nhưng ta vẫn phải vượt qua và giữ vững thế nước.

Có xác định được quan điểm như thế thì mới có thể chỉ đạo việc biên soạn chương trình - SGK phù hợp, giúp bộ môn sử làm tròn trách nhiệm của mình là góp phần đào tạo một thế hệ trẻ biết giữ nước, quý nước. Điều này thì chương trình lịch sử cấp phổ thông chưa làm được hay nói một cách nghiêm khắc hơn, bộ môn sử đã “bỏ trống trận địa” này.

Làm sao học sinh có thể yêu thích môn sử thông qua các bài học mà chủ yếu là mô tả diễn biến, dày đặc các con số khô khan về khí tài, khí cụ, lực lượng hai bên? Các em sẽ hiểu sử nước mình như thế nào qua các con số đó, sẽ rút ra được suy nghĩ gì, nhận định gì “sau sử sách” khi “địch chết ba, ta chết rụi” mà vẫn phải phân tích lấy được những “nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm” phần lớn na ná nhau, dễ gây nhầm lẫn?

Làm sao có thể bắt học sinh yêu thích môn sử khi bộ môn lịch sử chưa có vai trò, vị trí, chức năng xứng đáng trong trường phổ thông, chưa đảm bảo sự cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người”, còn nặng về kiến thức tư liệu, tính chính trị?...

Để sử thật sự “sống”

Về nội dung, tôi cho rằng SGK lịch sử bậc phổ thông là một “tóm tắt sử” viết cho người lớn. Lấy sách viết cho người lớn rồi tóm lược lại một lần nữa cho trẻ con học thì dĩ nhiên không phù hợp với lứa tuổi. Lịch sử là một môn học học về cái đã qua, cái không tồn tại thật sự trước mắt học sinh. Do đó, muốn lịch sử trở thành sống động phải được gắn với cuộc sống cụ thể của từng thời kỳ lịch sử và cả hôm nay - điều này lại chưa được các nhà làm chương trình và viết SGK quan tâm, điều chỉnh.

Cuối cùng, ngay cả việc phân tích cái được - chưa được của quan điểm/chương trình cũng vẫn cứ là điều... dễ. Bởi điều khó nhất lại ở một “cây cầu bắc ngang” - chính là người thầy - đối tượng mà tôi cho là có hơn 50% trách nhiệm trong việc làm học sinh thích hay không thích môn học này. Người ta đã nhắc quá nhiều đến nguyên nhân đáng buồn này, nhưng gần như những phân tích đó ít đến được... tai người đứng lớp.

Việc ít đọc, ít cập nhật thông tin, việc đâu đó có những người thầy coi việc đến trường giảng dạy của mình là điều “trót lỡ” nên chểnh mảng trong tâm thức... đều là những hiện tượng không hề cá biệt đưa đến tình trạng học sinh chán nản với môn sử.

Lịch sử phải gắn bó từ vô thức - như gắn bó trong máu - nơi mỗi người thì đến một giai đoạn nào đó, một trình độ nào đó mới có thể trở thành một gắn bó ý thức. Ở ngay người thầy mà lịch sử đã trở thành một cái “cần câu cơm” miễn cưỡng thì nói gì đến việc mang những “con cá ngon” đến cho học sinh mình?

NGUYỄN THỊ XUÂN THẢO 

(thạc sĩ - giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Gò Vấp)

“Chúng tôi đã đến thăm Bảo tàng Smithsonian, nghĩa trang Arlington, Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, núi Vernont, Bảo tàng tưởng niệm nạn nhân bị diệt chủng Do Thái và Đài tưởng niệm Lincoln. Học sinh của tôi rất háo hức...

Sau khi tham quan Bảo tàng tưởng niệm nạn nhân bị diệt chủng Do Thái, chúng tôi dành một ít thời gian để suy ngẫm về tất cả những gì đã được thấy và nghe trong lúc ở đó. Lòng tôi tràn ngập tự hào vì học sinh của tôi đã cư xử rất đúng mực và lễ phép suốt thời gian chúng tôi đi qua những hiện vật trưng bày có sức lay động mạnh mẽ này.

Sau khi tham quan và có thời gian suy nghĩ, một học sinh của chúng tôi, Marcus, vốn là người gốc Phi, tiến lại phía tôi và nói: “Thầy biết không, em vẫn luôn nghĩ chỉ có dân tộc chúng em là phải chịu đựng nhiều nhất trong lịch sử. Em không nhận ra rằng những dân tộc khác cũng phải chịu đựng nhiều như thế. Giờ thì em đã hiểu vì sao chúng ta học lịch sử”.

Khi tôi hỏi em vì sao, em đã nói ra điều mà tôi đã cố truyền đạt cho học sinh của mình trong cả năm vừa qua: “Để chúng ta không lặp lại những sai lầm của người khác, và học cách tôn trọng những điểm khác biệt của nhau”. Chỉ riêng việc Marcus hiểu được điều đó, tôi nghĩ, đã khiến toàn bộ chuyến đi và công sức của chúng tôi thật sự không uổng phí”.

(TRÍCH CUỐN SÁCH NGƯỜI GIEO HI VỌNG CỦA NHÓM TÁC GIẢ “NHỮNG NHÀ VĂN TỰ DO” VÀ ERIN GRUWELL, NXB THỜI ĐẠI, 2011)

Hãy để giáo viên tham gia viết sách giáo khoa môn sử

21/05/2013 14:05 (GMT + 7)

TTCT - Tôi là một giáo viên dạy lịch sử bậc trung học cơ sở, có hơn 25 năm giảng dạy, có thể nói chưa bao giờ thấy học sinh xem thường bộ môn lịch sử như hiện nay.

Lịch sử - Đôi chuyện viết và học:

Không hề tránh né việc nhận lãnh trách nhiệm trước tình trạng học sinh vừa chán vừa sợ môn sử, nhiều giáo viên đã gửi tới TTCT câu chuyện riêng với những ưu tư và nỗ lực của họ để đưa môn học thiết yếu này trở về vị trí xứng đáng của nó.

Hồi mới ra trường, tôi cảm thấy hào hứng khi giảng những bài lịch sử. Lúc đó, học sinh rất hứng thú học môn sử, kể cả những em có học lực yếu kém. Có em thường lén đọc truyện trong giờ học cũng gấp lại để nghe giảng. Giờ ra chơi, nhiều học sinh còn hỏi thêm những chuyện xoay quanh một sự kiện lịch sử vừa học trên lớp mà nhiều lúc cách đặt vấn đề của các em làm tôi cảm thấy bối rối. Rõ ràng đó là tín hiệu vui cho môn sử vì cho thấy các em đầu tư suy nghĩ về những vấn đề, hiện tượng lịch sử.

Hãy để chính các giáo viên đứng lớp tham gia viết SGK, cách thể hiện, văn phong trong SGK cũng phải phù hợp với tâm lý, đặc điểm của lứa tuổi học sinh, hết sức tránh tình trạng hiện nay SGK chỉ là “giáo trình đại học được tóm tắt lại”. 

Bây giờ nhớ lại chuyện cũ ngỡ như là... giấc mơ. Việc học lịch sử của học sinh bây giờ như một người ăn vẫn biết ngon nhưng cơ thể lại không hấp thụ được. Rất nhiều người lý tưởng hóa phương pháp dạy học mới, về khả năng nhận thức của học sinh, nhưng thử đến “bám trụ” các trường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vài tuần sẽ thấy để các em chịu ngồi học và hiểu thôi cũng là cả một vấn đề.

Ngành giáo dục tổ chức tập huấn giáo viên cải tiến phương pháp, tạo cho học sinh chủ động tìm kiếm kiến thức (hay còn gọi là lấy học sinh làm trung tâm), nhưng khi giáo viên thực hiện đúng theo yêu cầu thì đón nhận những lời đề nghị phũ phàng: “Thầy nói luôn đi thầy ơi!” hoặc “Em không nhớ nữa”... Cái khó bây giờ là nhiều học sinh bị “sức ỳ tư duy” rất lớn, rất ít em chịu suy nghĩ, tìm tòi, lại luôn sợ bị lạc đề khi đi thi do nền tảng kiến thức không vững.

Đi tìm nguyên nhân không khó nhận ra là ngay từ sách giáo khoa (SGK). Nội dung SGK vừa thừa, vừa thiếu: dung lượng kiến thức “nặng”, dàn trải, khô cứng, những diễn biến chi tiết phức tạp, học sinh khó nhớ; thiếu các nhân vật lịch sử, các mốc lịch sử trình bày chưa trọng tâm.

Bài viết trong SGK chứa rất nhiều sự kiện nhưng hiếm có bài nào tường thuật sự kiện một cách cụ thể sinh động với những nhân vật được khắc họa đầy đủ. Cầm quyển SGK, hiếm em nào chịu đọc (hoặc chỉ xem qua từ đầu đến cuối). Kênh hình ít, chưa hấp dẫn người học. Chương trình chỉ nhằm mục đích kiểm tra kiến thức học thuộc lòng, chứ không vì mục tiêu giáo dục toàn diện năng lực và phẩm chất của người học.

Ngay phương pháp giảng dạy chúng tôi cũng luôn bị áp đặt. Nhưng học sinh ở từng địa phương, từng lớp đâu giống nhau. Một thời gian dài nhiều người còn phê phán một số giáo viên hay kể chuyện lịch sử theo bài học để ru ngủ học sinh. Nhưng chính những câu chuyện ấy mới là “chất xúc tác” để các em mau nhớ và hiểu bài hơn. Thiết nghĩ việc để giáo viên tự chọn phương pháp phù hợp với học trò của mình mà vẫn đảm bảo được mục đích yêu cầu của bài là thích hợp nhất.

Tất nhiên, cũng có không ít giáo viên mà nguyện vọng trước đây không phải làm giáo viên dạy lịch sử. Việc đào sâu, tìm tòi kiến thức chỉ dừng lại ở SGK và sách giáo viên, tiết học được đóng khuôn, đo ni sẵn. Phương tiện phục vụ dạy và học đối với môn lịch sử ở nhà trường quanh đi quẩn lại vẫn là những thứ đã có từ những năm 1980. Ấy vậy mà đầu năm học, môn sử vì được cho là “dễ” nên bị “khoán” là phải đạt yêu cầu từ 90% trở lên để gồng gánh cho các môn chính khác.

Hạn chế từ sách thì để khắc phục cũng phải từ việc mạnh dạn và cương quyết đổi mới chương trình và SGK ở các cấp học. Hãy để chính các giáo viên đứng lớp tham gia viết SGK, cách thể hiện, văn phong trong SGK cũng phải phù hợp với tâm lý, đặc điểm của lứa tuổi học sinh, hết sức tránh tình trạng hiện nay SGK chỉ là “giáo trình đại học được tóm tắt lại”.

Bài học trên lớp càng có tác dụng cao khi được hỗ trợ bằng các hoạt động khác (tự học ở nhà, tham quan bảo tàng, nhà truyền thống địa phương, sinh hoạt ngoại khóa...).

Ngoài ra, chỉ nhà trường thì sẽ không bao giờ đủ, để học sinh thích lịch sử cần sự tham gia của nhiều ngành khác như điện ảnh, kịch nói, các nhà xuất bản, ngành văn hóa thông tin... để đưa các em đến một môn lịch sử gần gũi hơn.

LÊ QUANG HUY

(Trường THCS Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy, Tiền Giang)

Sống như người xưa đã sống

25/05/2013 16:41 (GMT + 7)

TTCT - Nhiều nhà giáo dục đã chỉ ra rằng muốn có trò giỏi trước tiên phải có thầy giỏi. Hỏi học sinh ngày nay vì sao không còn ham thích học sử còn nhận được câu trả lời chung: thầy dạy không hay! Trên thực tế, câu trả lời của các em là xác đáng.

Tôi như bao đồng nghiệp khác cũng có nhiều băn khoăn về nội dung bài dạy, về phương pháp. Tôi đã thử chọn một cách dạy sử khác về hình thức, về cách diễn đạt mà vẫn đảm bảo nội dung bài học. Tôi vẫn nhớ cách các thầy cô của tôi ở bậc tiểu học đã dày công tìm tòi cách dạy sử để giúp chúng tôi luôn có được sự háo hức yêu thích môn học này.

Hồi ấy, học bài “Hai Bà Trưng khởi nghĩa”, thầy cho chúng tôi xem tranh chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách bị Tô Định cho người chặt đầu. Nét mặt Thi Sách trước khi chết được vẽ toát lên vẻ hiên ngang anh hùng làm chúng tôi khâm phục và càng căm thù quân xâm lược.

Rồi hình ảnh Hai Bà Trưng trên lưng voi với lá cờ vàng bay phấp phới khi cuộc khởi nghĩa thành công đã làm tôi và các bạn cùng lớp ghi nhớ mãi kết quả của cuộc khởi nghĩa: Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta... Bài học lịch sử ấy và biết bao bài học khác đã khắc sâu trong tôi cho đến hôm nay.

Tôi cũng nhớ ba tôi - một người thầy rất tài hoa như tôi nghĩ - khi dạy bài chiến thắng Bạch Đằng, ông đã bỏ nhiều công sức để vẽ từng tấm tranh lên giấy bóng mờ rồi chiếu cho học sinh xem với một dụng cụ rất thô sơ. Tranh chiếu tới đâu, ông thuyết minh tới đó.

Trước khi lên lớp, ba tôi chiếu cho tôi xem để dự báo sự hấp dẫn đối với học trò. Sau này, ba tôi dành dụm tiền chụp lại những tấm tranh ấy để chiếu bằng phim slide nhanh hơn, sống động hơn và sử dụng dài lâu hơn. Bộ Giáo dục - đào tạo đã tặng bằng khen cho đồ dùng dạy học này của ba tôi trong triển lãm toàn quốc của ngành vào những năm 1976-1980.

Những tấm tranh ấy, bây giờ nhìn lại thật đơn giản so với công nghệ thông tin ngày nay nhưng đối với tôi ngày ấy là cả một thế giới diệu kỳ. Ba tôi chính là người thầy đầu tiên truyền cho tôi cảm hứng học sử và trở thành người dạy sử sau này.

Khi đã trở thành một người thầy dạy sử, tôi vận dụng tất cả những hiểu biết của mình để truyền ngọn lửa yêu thích môn học này cho các em. Không bao giờ tôi giới thiệu suông bài dạy của mình. Cách tôi dẫn nhập vào bài có khi là những câu thơ, những đoạn văn, bài hát liên quan đến bài dạy. Có tiết học, các em nghe chính bạn cùng lớp hát một bài hát liên quan chủ đề học hôm đó, có khi người biểu diễn là tôi - thầy của các em. Tôi tin những giờ sử như thế không còn là sự buồn chán nữa.

Biết các em có thành kiến rằng môn sử toàn con số sự kiện, tôi sưu tầm tài liệu, tranh ảnh từ sách báo rồi làm thêm một nguồn tư liệu bằng hình ảnh tự ghi lại qua các chuyến đi đến nhiều vùng miền đất nước. Dạy phần Hiệp định Geneva, các em thấy thầy đang đứng cạnh cây cầu Hiền Lương lịch sử, giúp các em nhớ dễ hơn rằng đây chính là giới tuyến quân sự tạm thời - vĩ tuyến 17- trong thời gian chờ tổng tuyển cử của hai miền Nam - Bắc 1956.

Từ đây, tôi nói với các em về tình cảm thống nhất, khát vọng hòa bình của nhân dân hai miền Nam - Bắc mà các em sẽ được học trong bài sau đó “Hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Tôi nói với các em về suy nghĩ, tâm tư của bản thân khi đứng trước các địa danh lịch sử, lúc viếng nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương ở Côn Đảo, hình ảnh các xà lim giam giữ đồng chí, đồng bào ta suốt thời chống Pháp, chống Mỹ...

Không khí lớp học những khi ấy chùng xuống, tôi cảm nhận được sự xúc động nơi các em.

Trong nhiều năm dạy học, tôi cùng đồng nghiệp tổ chức các tiết học thực địa cho các em, ở bảo tàng địa phương hay nhiều khu di tích lịch sử khác như Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, dinh Thống Nhất... Tôi khuyến khích các em vẽ tranh, chụp ảnh các tư liệu lịch sử được trưng bày ở các nơi này để làm giàu kiến thức, học sử tốt hơn.

Thực tế dạy nhiều năm cho tôi thấy việc học trò tận mắt thấy di chứng chất độc da cam và hậu quả bom mìn trong chiến tranh để lại ở nước ta đã tạo hiệu quả cao hơn nhiều lần bài giảng trên lớp. Các em hiểu nhiều hơn về lịch sử dân tộc, đồng cảm với nỗi đau của nhiều số phận con người trong chiến tranh để biết yêu hòa bình hơn. Trong mỗi chuyến đi ấy, tôi không chỉ là người thầy mà còn là một học trò cùng học sử với các em.

Muốn học sinh yêu thích học sử, người thầy phải yêu thích trước đã. Nên để hết tâm tư, tình cảm của bản thân vào từng giai đoạn, từng sự kiện của lịch sử, sống như người xưa đã sống. Khi dạy sử bằng cả tấm lòng, ta luôn có thể tìm ra phương pháp dạy hiệu quả nhất.

NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)

Làm khác đi, bắt đầu từ mục đích dạy sử

04/06/2013 00:03 (GMT + 7)

TTCT - Tôi trở lại với trường hợp Phần Lan, quốc gia đang rất nổi tiếng nhờ thành công trong giáo dục phổ thông của họ, như là một căn cứ, thông qua đó giúp chúng ta tự định vị mình đang ở đâu và đang thật sự có những vấn đề gì.

Lịch sử - Đôi chuyện viết và đọc

Hai ý kiến trong kỳ này, một nêu quan điểm về nội dung môn sử cần dạy trong trường học theo từng cấp, một cho biết cách làm của một nền giáo dục khác đối với môn sử. TTCT mong bạn đọc tiếp tục góp bàn cho câu hỏi: Vậy nếu đi từ sách giáo khoa, ta cần một cách tiếp cận ra sao?

Trước tiên tôi sẽ bàn đến các tiêu chí về một mẫu hình học sinh lý tưởng liên quan đến môn học này mà nhà trường Phần Lan lấy làm mục tiêu đào tạo.

Mục tiêu môn học

Tại Phần Lan, mục tiêu môn sử cũng như các môn học khác của bậc giáo dục cơ bản được quy định trong chương trình cốt lõi quốc gia (VN thường gọi là chương trình khung - BTV). Tài liệu này trình bày mục tiêu và nội dung tổng quát của môn học dành cho học sinh bậc giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), mô tả những khía cạnh về một mẫu hình lý tưởng phải như thế nào.

Học sinh Phần Lan bắt đầu học sử từ lớp 5. Chúng tôi xin lấy những quy định quốc gia dành cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 để phân tích, theo đó học sinh phải:

• Nắm và sử dụng được những thông tin về lịch sử.

• Biết sử dụng nhiều nguồn, so sánh giữa các nguồn và xây dựng ý kiến, góc nhìn dựa trên những nguồn này.

• Hiểu rằng dữ liệu lịch sử có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau.

• Giải thích được mục đích và hệ quả của hoạt động con người.

• Đánh giá các lựa chọn thay thế trong tương lai dựa trên những bằng chứng về sự thay đổi trong lịch sử.

Cụ thể hơn, tài liệu mô tả mẫu hình của học sinh sau khi đã kết thúc lớp 8 như sau:

• Biết cách phân biệt đâu là những yếu tố giải thích một vấn đề chính với những yếu tố thứ cấp.

• Sẵn sàng đọc và giải thích những nguồn thông tin khác nhau.

• Biết đặt các sự kiện lịch sử được học vào bối cảnh thời gian phù hợp và sắp xếp theo đúng trình tự thời gian.

• Biết cách giải thích nguyên nhân, theo nhiều mặt trong cuộc sống, vì sao con người từng hành động khác hẳn so với cách họ làm ngày nay.

• Biết cách trình bày nguyên nhân gây ra cũng như hệ quả mang lại của những sự kiện lịch sử.

• Sẵn sàng trả lời câu hỏi về quá khứ bằng cách sử dụng thông tin các em có được từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm những thông tin các em tìm kiếm được thông qua những phương tiện công nghệ hiện đại.

• Trình bày một cách có hệ thống những ý kiến, lý luận và đánh giá về những sự kiện hay hiện tượng.

Chúng ta thấy những gì mà việc giảng dạy môn học này nhắm tới ở trên là đào tạo những kỹ năng và thái độ khách quan khoa học mà học sinh cần phải sở đắc, tuy ở đây mới chỉ là những mục tiêu dành cho học sinh lứa tuổi trung học cơ sở. Chúng ta không thấy những đòi hỏi bắt học sinh thuộc lòng các nội dung có sẵn, mà là những đòi hỏi liên quan đến phương pháp sử học, đến cách tư duy độc lập, đến khả năng phân tích và phê phán - những điều có lẽ rất xa lạ đối với học sinh cùng lứa tuổi ở nước ta.

Để thực hiện mục tiêu này, giáo viên sử dụng các phương pháp sư phạm chủ động như tổ chức cho các em tự nghiên cứu văn bản, làm việc nhóm, thuyết trình, tập cho các em tìm kiếm phân loại thông tin, thẩm định các nguồn dữ liệu, đánh giá và phê phán chúng...

Cách thức đánh giá kết quả học tập

Học sinh Phần Lan không phải học để thi. Từ lớp 1 đến lớp 9, học sinh chỉ phải trải qua một kỳ thi cuối lớp 9. Trong suốt các năm học, quyền đánh giá học sinh thuộc về giáo viên đứng lớp, giáo viên lại phối hợp với từng học sinh để làm điều này chứ không áp đặt một chiều.

Về việc này, một cô giáo dạy lớp 6 chia sẻ: “Học sinh tự lập bảng đánh giá bản thân, tự cho mình một số điểm, tôi cũng cho các em một số điểm nhất định. Các bài kiểm tra (do giáo viên tự tổ chức) đóng một vai trò nhỏ trong đó, nhưng kết quả học tập cũng phụ thuộc vào cách thức hoạt động trong lớp của học sinh. Ví dụ nếu học sinh tích cực phát biểu, các em sẽ có thêm điểm cộng”.

Với cách làm như trên, thầy trò cùng bàn bạc và đi đến một bản báo cáo chung bằng số, với những nhận xét bằng lời vào cuối mỗi năm học. Những bản báo cáo này như là lý lịch học tập và rèn luyện của học sinh, không những miêu tả mặt kiến thức mà còn miêu tả tất cả khía cạnh trong quan niệm giáo dục toàn diện của người Phần Lan mà mục tiêu giáo dục quốc gia đã xác định.

Trở lại vấn đề học và dạy sử ở VN, đọc các sách giáo khoa sử, cũng như sách giáo viên, tài liệu hướng dẫn giảng dạy môn học này, tôi thấy mục tiêu của việc dạy được mô tả chủ yếu là chuyển tải những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa cho học sinh, làm cho học sinh ghi nhớ các sự kiện, các mốc thời gian, các ý nghĩa rút ra từ bài học...

Ví dụ mục tiêu của bài học “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định, trong sách giáo khoa lịch sử và địa lý lớp 5 là: Học xong bài này, học sinh biết: 1) Trương Định là một trong những tấm gương tiêu biểu của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Nam kỳ. 2) Với lòng yêu nước, Trương Định đã không tuân theo lệnh vua, kiên quyết ở lại cùng nhân dân chống quân Pháp xâm lược (tr. 9)...

Trường học nước ta không dạy cho các em các phương pháp sử học, khả năng tư duy độc lập, phân tích và phê phán các sự kiện lịch sử... như chúng ta thấy trong trường hợp Phần Lan. Cả hệ thống giáo dục phổ thông VN hiện nay là dạy - học để đi thi và các đề thi phần lớn nghiêng về kiểm tra trí nhớ mà không dạy cho các em khả năng nhận định những kiến thức đó thế nào, đúng hay sai...

Như vậy, quan niệm về hình ảnh lý tưởng của một học sinh giỏi sử giữa ta và Phần Lan là hoàn toàn khác biệt. Một bên là hình ảnh của một nhà sử học với khả năng phản biện, tư duy độc lập, biết các kỹ năng đọc sử và giải thích sử...; một bên là hình ảnh của một học sinh ghi nhớ tốt những gì có sẵn để trả bài nhằm có những điểm số tốt mà không cần biết những gì có sẵn đó như thế nào.

Điều đó không chỉ làm các em chán ghét môn sử mà đẩy chúng ra xa với những chuẩn mực quốc tế trong việc quan niệm thế nào là giỏi là dở, chẳng đem lại lợi ích gì cho riêng người học và sự phát triển xã hội nói chung.

NGUYỄN KHÁNH TRUNG (IRED)

Tôi có đọc ở mỗi cấp học một vài cuốn sách giáo khoa môn sử và quả tình nhiều lần đã phải chịu thua, quẳng sách đi với nỗi bứt rứt không nói nên lời. Đáng ra sử cấp I phải là những bài văn khái quát và thật hay (từ cực ngắn đến dài dần ra) về những giai thoại, huyền thoại và những nhân vật tiêu biểu nhất của sử Việt.

Các vị vua Hùng, Thánh Gióng, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Dương Vân Nga, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Gia Long, Nguyễn Huệ, Minh Mạng, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... không có những bài sử có văn thì các em nhỏ không thể nào nhớ, thích và yêu môn sử được. Đó là những nhân vật làm nên những trang sử ngời sáng của dân tộc và sự toàn vẹn của nước Việt ngày nay. Họ sẽ dẫn dắt các em ở tuổi hồn nhiên ấy bằng sự hiến dâng và thành công của họ.

Sử cấp II, theo tôi, Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim có thể chọn làm nền tảng, ít nhất cũng từ thời Hồng Bàng đến hết nhà Nguyễn. Đây là bộ giáo trình công phu gần như hoàn hảo của một người tâm huyết và nhiều tinh thần khách quan trong nghiên cứu sử.

Đã đến lúc chúng ta nên thôi phân biệt đối xử với những tác gia một thời biến động và phức tạp, cốt để cho học sinh và sinh viên của mình được thừa hưởng mọi đóng góp, dù họ từng là gì. Cũng như chúng ta đã cho in lại văn thơ và hát lại ca khúc của những người một thời từng ở “bên kia chiến tuyến”. Sử dụng lại Việt Nam sử lược sẽ dễ dàng đưa đến cho học sinh hệ thống kiến văn sử, có cả bản đồ lẫn biểu đồ để hình dung sự tồn tại song hành của các nước lớn liên quan chính đến Việt Nam là Trung Quốc và Pháp.

Sử cấp III, theo tôi, quả thật nan giải nếu chúng ta không biên soạn với tinh thần khách quan. Sự công tâm, minh bạch luôn là vẻ đẹp của môn sử. Đó là những khúc quanh bi kịch của dân tộc mà những nam nữ thanh niên sắp trưởng thành cần biết để được trưởng thành một cách thật sự, không phải một người thụ động hay một con vẹt mà là người thấu suốt, có lập luận và có chủ kiến riêng.

Đó là những giai đoạn có hào hùng và cũng có sự phức tạp dữ dội, ví như sự kiện Dương Vân Nga với hai triều, như chân dung nhiều mặt của Trần Thủ Độ, như vụ án vườn Lệ Chi, như sự phân tranh dằng dặc Trịnh - Nguyễn, như công lao và sự yếu kém của nhà Nguyễn, như sự vẻ vang nhưng ngắn ngủi của triều đại Quang Trung, như thế sự bàn cờ ở hội nghị Giơnevơ giữa các nước lớn và thân phận bé nhỏ của Việt Nam, như những bước được và mất của những chiến dịch chủ yếu của cuộc chiến với người Mỹ...

Chúng ta đã khiến các em học sinh cấp III (bắt đầu từ cấp II) bội thực vì những chiến công của một phía trong hai cuộc chiến mới đây. Khoa học lịch sử khác với khoa học quân sự. Điều đó còn để lộ rằng chúng ta quá đắm đuối với thành tích của chính mình mà nhẹ hẳn phần của cha ông ngàn xưa và cận đại. Liệu chúng ta có giỏi hơn cha ông xưa trong việc thoát ra ngàn năm Bắc thuộc và sau đó là những cuộc chiến tranh giữ nước luôn luôn không cân sức? Ngay cả một em nhỏ cấp II cũng thấy chúng ta quá tự cao tự đại về thời của mình (xem trên TTCT số 17) mà không thể yêu sử được.

Không dưng mà giáo sư sử học Trần Quốc Vượng ấm ức cho đến lúc ra đi, rằng ở Việt Nam hiện thời có môn sử nhưng chưa có khoa học lịch sử.

DẠ NGÂN

“Đọc vị truyền thông"

19/06/2013 12:29 (GMT + 7)

TTCT - 1. Đầu năm 2013, tôi có dịp đến một nơi cách TP.HCM 100km, một làng ven biển. Ở nhờ nhà một người bạn quen, chúng tôi sống cuộc sống của gia đình bạn.

Bữa cơm hải sản tươi sống được chuẩn bị. Giữa chừng, người mẹ sai cô con gái nhỏ đi mua nước mắm. Chừng mười phút, cô bé trở về, trên tay là nhãn hiệu nước mắm đang được quảng cáo ra rả trên truyền hình về tính năng loại bỏ vi khuẩn gây hại.

Thú thật là tôi khá bất ngờ vì nơi bạn tôi sống cũng có nghề làm nước mắm, thế nhưng nhãn hiệu nước mắm kia vẫn len lỏi được đến bếp của bà nội trợ nơi đây. Giữ ấm ức trong lòng đến ngày trở về, người bạn cười ha hả chỉ cho tôi nhân vật chính trong một bộ phim đẫm nước mắt Hàn Quốc không có thời gian chết vì cứ liên tục bị “ngăn cản” giữa chừng bởi cô diễn viên đầu có gàu và nữ bác sĩ dùng tay rờ bồn cầu!

Không phải là mới, nhưng nếu có điều kiện theo dõi các chương trình truyền hình trong nước sẽ thấy quảng cáo phủ sóng ồ ạt mọi đài truyền hình. Với đài truyền hình địa phương, quảng cáo là nguồn sống chính cho đài, là ngân sách cho địa phương, là những bộ phim dài tập nước ngoài cho khán giả.

Với nhãn hàng, quảng cáo là cách thức giới thiệu sản phẩm mới cho người tiêu dùng. Chỉ là vài mươi giây quảng cáo trên truyền hình, thông tin ở dạng cô đọng nhất nhưng ảnh hưởng đến hàng triệu, thậm chí chục triệu người.

Dường như nội dung quảng cáo đã bị bỏ ngỏ khá lớn cho các nhãn hàng và công ty quảng cáo tự tung tự tác. Chẳng phải vô tình khi mà các shot quảng cáo hiện nay của các mặt hàng tiêu dùng đều sử dụng hình ảnh bác sĩ hoặc nhà khoa học để nói về sản phẩm. Hình ảnh đọng lại trong đầu người xem là một bác sĩ (chưa rõ là bác sĩ chuyên ngành nào) xác nhận rằng loại kem đánh răng XYZ tốt. Hay một tiến sĩ mặc áo blouse trắng nói rằng mì ăn liền ABC không có chất gây hại vì màu nước của nó trong.

Với người tiêu dùng, đó là một bảo chứng cho sản phẩm, dù thông tin mà nhãn hàng công bố chưa hẳn đã đúng và chưa hề có một đánh giá khoa học nào về chất lượng sản phẩm. Với tần suất phủ sóng dày đặc như hiện nay thì lẽ tất nhiên bà nội trợ của vùng quê ven biển nọ sử dụng nước mắm công nghiệp là chuyện không gì lạ.

2. Các đoạn phim quảng cáo ồ ạt đánh vào tâm lý chuộng sự tiện dụng và công nghệ mới của người tiêu dùng. Những sản phẩm mới ra đời luôn nhấn mạnh đến sự khác biệt và nổi trội hơn sản phẩm cũ hoặc sản phẩm cùng loại. Bởi thế, cứ cách 3-6 tháng, những sản phẩm hóa mỹ phẩm lại công bố một sáng tạo đột phá mới, ưu điểm nổi trội với cùng chức năng đánh bay gàu, đánh tan vết bẩn hoặc làm trắng da hơn sản phẩm cũ (dù sản phẩm cũ đã từng khẳng định mình là tối ưu khi ra đời).

Khi không còn có thể lợi dụng tính năng của sản phẩm trong phân khúc thị trường các sản phẩm có chất lượng như nhau thì nhà sản xuất và công ty quảng cáo sẽ chăm chú tạo ra những xu hướng mới nhắm vào một nhóm khách hàng nhất định. Những mỹ từ như “sành điệu, tự tin, hoàn hảo, nổi bật” được tận dụng tối đa hướng đến “cái tôi” của người tiêu dùng.

Trong cuộc chiến giành thị phần giữa các nhãn hàng, người tiêu dùng bị rơi vào thiên la địa võng những chiêu thức của công ty quảng cáo. Với mỗi sản phẩm mới, chỉ cần 80 triệu dân Việt Nam nhón tay sử dụng thử một lần thì các nhãn hàng đã thành công lớn, do đó thu hút và thu hút hơn nữa, khêu gợi tò mò và sự thèm khát chính là châm ngôn của người làm quảng cáo.

Không công khai gọi mình là quảng cáo, có một dạng quảng cáo khác âm thầm ẩn dưới các bài PR dạng nhân vật chia sẻ kinh nghiệm. Quảng cáo kiểu này thường lợi dụng người nổi tiếng. Thu hút được càng nhiều sự chú ý theo dõi, hay nói theo ngôn ngữ teen là “câu view” càng nhiều tức là quảng cáo đã thành công.

Hồi giữa năm 2012, cư dân mạng được một phen giật đùng đùng trước tuyên bố của một cô người mẫu, nội dung: “Không xài hàng hiệu, kể như không có tương lai”. Phát ngôn gây sốc được các báo mạng giật tít to đùng. Cái tựa bài như chọc vào mắt người đọc. Người mẫu nọ bị “ném đá” tơi tả. Sau một thời gian im lặng “hứng đá”, cô người mẫu mới thẽ thọt kể khổ rằng cô đang làm đại diện cho một nhãn hàng và lời nói của cô chỉ là một phần của chương trình PR.

Cô cũng khổ tâm lắm với cái mà báo đăng nhưng vì tôn trọng hợp đồng mà cô phải cắn răng chịu. Chỉ có nhãn hàng là nhe răng cười, vì không dưng cả trăm ngàn lượt xem biết đến nhãn hàng nọ. Còn người đọc thì ngơ ngác, thật thật giả giả ai người tường minh?

Trách ai? Trách giới truyền thông, những nhà quảng cáo, hay những kẻ thổi còi sao nhãng trách nhiệm? Nhưng tốt hơn có lẽ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, người tiêu dùng phải tự phòng vệ trước khi bị thiệt thân, nói theo kiểu dân gian là “tự cứu mình trước khi trời cứu”. Nhưng làm sao để những người dân vùng xa như cô bé em người bạn tôi biết được thông tin nào là chính xác, thông tin nào là thổi phồng, là PR?

3. Có một nữ phát thanh viên CNN ở Atlanta, cô Marcia Ladenrdoff, sau một thời gian dài làm việc trong ngành truyền thông đã chuyển sang giảng dạy ở Đại học Bắc Florida. Trong chương trình của cô có khóa học mang tên Media literacy (*, tạm dịch: Đọc vị truyền thông). Các sinh viên được trang bị kiến thức để hiểu kỹ thuật nào truyền thông và quảng cáo dùng để “nhồi” vào óc người xem ý định của họ, khiến người tiêu dùng mua những sản phẩm cả khi họ không cần, khiến họ chấp nhận những giá trị hay chạy theo lối sống được truyền thông quảng bá.

Trong phần bài tập, họ được đề nghị sống những ngày không điện thoại, không tivi để hiểu thêm giá trị của giao tiếp trực tiếp. Những sinh viên sau khóa học thừa nhận họ đã tỉnh táo và phản biện hơn trong tiếp nhận thông tin mà truyền thông, quảng cáo mang đến.

Bài học cho thấy sự đề kháng chỉ xuất hiện khi nội lực cơ thể ta mạnh mẽ.

Nhưng ai sẽ trang bị cách “đọc vị truyền thông” đó cho cô bé em của bạn tôi?

DUY

Nói về chúng tôi

30/06/2013 16:33 (GMT + 7)

TTCT - Năm nay 22 tuổi, chỉ còn hai tháng nữa tôi sẽ tốt nghiệp đại học và bắt đầu bước vào đời, nhưng đến tận lúc này tôi vẫn loay hoay chưa biết mình muốn làm gì, trở thành người như thế nào. Chung quy cũng chỉ bởi một vấn đề: tôi sợ ràng buộc, sợ thất bại, sợ mất tự do.

Có một “Thế hệ tôi”?

Nhận dạng giới trẻ thời công nghệ số, Time tóm gọn trong ba đặc điểm: quá yêu bản thân, theo chủ nghĩa vật chất và nghiện công nghệ. Giới trẻ Việt thì sao? Họ có “yêu mình quá mức” như không ít bạn trẻ trên thế giới? Trích đăng tự sự của một bạn trẻ sắp bước vào đời, TTCT mời độc giả và cả những bạn trẻ chia sẻ những băn khoăn, những khó khăn và thách thức của thế hệ lớn lên cùng nhịp đập kỹ thuật số.

Tôi có một cuộc sống không khác nhiều bạn trẻ lớn lên trong giai đoạn mở cửa, đất nước phát triển. Gia đình tôi không giàu nhưng chưa bao giờ cha mẹ để con cái phải thật sự thiếu thốn.

Dụng cụ học tập, sách vở, tiền học chính khóa, học thêm, ngoại khóa, kể cả việc đưa đón đến trường cha hay mẹ đều chăm lo đầy đủ, dù khá chật vật, cũng vì muốn tôi an tâm học hành. Thậm chí đến cả việc nhà, việc nội trợ, chỉ từ khi vào đại học tôi mới bắt đầu đỡ đần được, còn trước đó mẹ đều giành làm hết, chỉ yêu cầu tôi hãy tập trung mà học thật tốt.

Tôi đã quen việc mình trở thành trung tâm của mọi hoạt động trong gia đình. Đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, lại sống trong những điều kiện nhiều thuận lợi, con đường học vấn của tôi, và nhiều bạn bè tôi, khá suôn sẻ, đạt được khá nhiều thành tựu.

Những thành tích đó cùng với vai trò “trung tâm vũ trụ” ở gia đình đã nuôi trong chúng tôi niềm tin rằng mình là kẻ có tài, ít ra là trong lĩnh vực chuyên môn mình đang theo đuổi. Riêng tôi, làm việc nhóm, tôi luôn nhận làm nhóm trưởng để dễ dàng phân công các bạn. Trong việc học, tôi cố giữ cho mình một tư tưởng riêng. Tôi e sợ những thứ cũ, những gì gọi là phổ thông. Dường như việc để ai đó, mà tôi tin là không bằng tôi, chỉ đạo hay dạy dỗ, với tôi, đôi khi cũng là xúc phạm.

Thà ta phụ người

Chính sự yêu quý và chiều chuộng bản thân đã giúp chúng tôi ý thức về mình cao độ, đã luôn tự tin để khẳng định mình, song cũng lại khiến sức chịu đựng của chúng tôi với cuộc đời trở nên mong manh, thiếu kiên nhẫn và dễ thất vọng ghê gớm. Những lưỡng lự đó, mâu thuẫn đó lắm khi đã khiến tôi thấy tuổi trẻ này, thời đại này vừa hấp dẫn, thách thức, lại đầy hoang mang.

Bạn bè tôi thường truyền nhau những “lời có cánh” đại loại như “người không vì mình thì trời tru đất diệt”, “thà ta phụ người còn hơn để người phụ ta” làm một phần của phương hướng sống. Điều này, xét đến cùng, thì có gì là ích kỷ, khi cố gắng bảo vệ quyền lợi, giá trị, vị thế của mình?

K., cô bạn thân của tôi, vừa chia tay bạn trai gắn bó sáu năm từ thời phổ thông. K. sắp ra trường thì may mắn quen được một người đàn ông tốt bụng, giàu có và quan trọng hơn là ông hứa hẹn sẽ giúp cô xin vào một công ty lớn nọ, miễn là K. đồng ý nhận lời yêu.

Hôm thông báo tin ấy với tôi, K. chẳng vui chẳng buồn rõ rệt, chỉ dặn tôi là lớn rồi phải biết kiếm tiền, “yêu mà không có tiền thì bất hạnh lắm, kiếm ra tiền là thương lấy mình, gia đình mình, chứ nghèo thì dễ hèn lắm mày ạ”. Lời K. nói đã ám ảnh tôi mấy ngày, một đứa cũng sắp phải bươn bả vào đời trong lo sợ.

Mà suy cho cùng thì K. cũng đâu phải là đứa cá biệt khi chúng tôi lớn lên với sự tôn sùng những giá trị vật chất. Từ nhỏ chẳng bị để cho thiếu thốn, lớn lên thì giá trị mỗi người dường như tăng thêm cùng mỗi cái “like” cho bộ quần áo thời thượng hay một thú ăn chơi lạ.

Một người bạn khác của tôi, M., sau một thời gian phấn đấu xây dựng hình tượng trên mạng xã hội đã trở thành niềm mơ ước cho kha khá cô gái khác, khi vừa có nhiều ảnh đẹp, vừa có chàng người yêu giỏi giang, lãng mạn (thông qua những gì hai người chia sẻ), vừa sành điệu với thời trang, mỹ phẩm đẳng cấp, vừa sống ngọt ngào, hiểu biết và viên mãn.

Ít ai (trừ bạn bè cùng lớp) biết cô còn nợ năm môn do “còn nhiều thứ phải lo” và sẵn sàng buông lời lẽ vô cùng nặng nề với những ai vô tình nhận xét bộ quần áo này của cô chưa ổn, hình như tình yêu của cô phô diễn quá hay không... Với M., đó đều là những kẻ vì thua kém mà ganh tị với cô, chẳng đáng để coi trọng. M. cứ sống trong hân hoan và hãnh diện.

Độc đáo, cá tính và xuất chúng?

Chúng tôi đã luôn bị ám ảnh bởi những từ ngữ như: độc đáo, cá tính, xuất chúng. Có những người bạn của tôi lúc trò chuyện hay viết lách luôn chêm tiếng Anh vào vì bạn tin phải như thế mới đúng chuẩn phát âm, mới đạt trình độ toàn cầu hóa, thậm chí khi viết thì Sài Gòn cũng phải thành Saigon, Việt Nam cũng phải là Vietnam.

Một người bạn khác mỗi ngày đều đặn cập nhật mạng xã hội bằng những dòng tự sự đầy triết lý, hiểu biết, hạnh phúc, những bí quyết này công thức nọ, điểm tô cho mình bằng những món hàng công nghệ, mỹ phẩm, thời trang mới sắm - tất thảy đều thời thượng và có gu thẩm mỹ.

Dần dần bạn trở thành thần tượng thu nhỏ trong mắt cộng đồng xung quanh tôi, ít ra là thế, vì bạn đã có lượng người theo dõi trên mạng đông đảo và luôn ủng hộ, đồng cảm với mọi hành động, mọi ý kiến của bạn. Lao theo sự khẳng định này, có khi chúng tôi làm tổn thương người khác mà không hay.

Như chuyện T., người anh khóa trên, phản biện ý tưởng của một giảng viên từng là thầy mình trên mạng xã hội. Anh thẳng thắn, tự tin, thậm chí có đôi phần mỉa mai. Chỉ sau mấy tiếng entry đã trở nên vô cùng hấp dẫn, thu hút hàng loạt lượt bình luận, đồng tình có, phản đối có, và bỗng chốc anh trở thành một cái tên khá nổi tiếng trong lứa chúng tôi. Về sau tôi biết được tuy không lên tiếng nhận xét gì và khá tôn trọng sinh viên, song thầy tôi đã phải trải qua một giai đoạn tổn thương trầm trọng.

Công nghệ cho chúng tôi thể hiện mình theo những cách khác nhau. Hằng ngày lướt Facebook bạn bè, tôi bắt gặp không ít những lời than vãn về sự bất công mà cuộc sống đã trút lên chúng tôi; về môi trường tệ hại, dịch vụ kém, lạc hậu so với nước ngoài. Ngược lại, chúng tôi xuýt xoa trầm trồ khi được ngắm một bộ ảnh lung linh, một món hàng hay ho, tán dương nhau khi một bằng chứng của tình yêu đẹp mà bạn bè vui vẻ tung lên chia sẻ với mọi người.

Công nghệ giúp chúng tôi thể hiện chính mình, trở thành trung tâm nhận thức, được thừa nhận, được đông đảo theo dõi, được tán thưởng, được “like”. Vì thế, bạn đừng ngạc nhiên vì sao chúng tôi chìm đắm trong Internet.

Thế rồi một hôm...

Tôi quyết định tạm khóa Facebook nhằm cố gắng tập trung vào thi cử vì việc suốt ngày chia sẻ và theo dõi mọi người đã ngốn quá nhiều thời gian. Và tôi ngộ ra nhiều điều.

Rằng lâu nay cha mẹ biết về mình còn ít hơn bạn bè, dù rằng sống chung nhà.

Rằng lâu nay em trai cũng chẳng trò chuyện gì với tôi vì đã có nút chia sẻ trên mạng.

Lâu nay có hàng đống sách tôi mua mà lần lữa mãi chưa đọc, vì nghĩ trên mạng còn bao nhiêu thông tin hay ho.

Rồi tự dưng thấy mình đáng thương, cả bạn bè tôi nữa, đáng thương quá chừng. Vì thật ra tụi tôi giống nhau nhiều đấy chứ, giống từ cách thể hiện, cách tiêu dùng, mua sắm, cách đánh giá đẹp hay xấu, tốt hay tồi, xịn hay dỏm, yêu hay không yêu, cách thất vọng và phản ứng lại với đời... Chúng tôi, biết đâu, đã tự đồng hóa mình trong ảo tưởng về cái tôi và sự độc - đáo - thời - thượng. Vì nếu không có những giá trị đó, những thứ nhãn mác đặc sắc gắn lên thì chúng tôi sẽ bất an và tự ti đi bao nhiêu.

Mọi điều mà chúng tôi nỗ lực, dù hào nhoáng hay thầm lặng, đều là cố gắng bảo vệ cá tính và nhằm xây dựng hình ảnh riêng cho bản thân. Chính sự yêu quý và chiều chuộng bản thân đã giúp chúng tôi ý thức về mình cao độ, đã luôn tự tin để khẳng định mình, song cũng lại khiến sức chịu đựng của chúng tôi với cuộc đời trở nên mong manh, thiếu kiên nhẫn và dễ thất vọng ghê gớm. Những lưỡng lự đó, mâu thuẫn đó lắm khi đã khiến tôi thấy tuổi trẻ này, thời đại này vừa hấp dẫn, thách thức, lại đầy hoang mang.

Dường như chúng tôi đã luôn sống trong kiêu hãnh và cô đơn...

Còn bạn thì sao?

Những người trẻ thời công nghệ số là... “thế hệ đáng ngại nhất và cũng đáng phấn khích nhất kể từ thời cha mẹ họ làm cách mạng, không phải vì họ đang cố gắng chiếm lấy cơ cấu cầm quyền trong xã hội, mà vì đang lớn lên mà không cần có cơ cấu đó. Cách mạng công nghệ đã làm mỗi cá nhân mạnh mẽ hơn, họ có thể di chuyển tới thành phố mới, khởi nghiệp, đọc và thành lập các tổ chức.

Cuộc cách mạng thông tin cũng tăng quyền hơn cho mỗi cá nhân bằng cách trao cho họ công nghệ để cạnh tranh với các tập đoàn lớn: tin tặc đối đầu với tập đoàn, blogger - tòa soạn báo, khủng bố - quốc gia, đạo diễn trên YouTube - các studio.... Họ không cần những gì đã có sẵn. Họ là thế hệ Tôi Tôi Tôi (Me-Me-Me generation)”.

Time

BẢO LINH

Vì chúng đã được tin!

08/07/2013 20:12 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Trở về từ trại hè Eco Camp 2013, chủ nhiệm câu lạc bộ Đọc sách cùng con (đơn vị tổ chức trại hè), tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh đã chia sẻ với chúng tôi những điều chị ghi nhận sau 10 ngày hội trại.

1. Hoạt động trại hè hầu hết là hoạt động tập thể, rất nhiều thứ phải làm cùng những người bạn mới, mỗi người mỗi tính. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bạn nhỏ khó chịu, cảm thấy bị tù túng. Ở nhà muốn gì được nấy. Bây giờ đi cũng phải theo hàng, làm phải theo giờ, kiểu gì cũng phải bàn bạc cả đội tìm sự đồng thuận. Vì thế có cô bé ban đêm bỏ ra ngoài ngồi khóc đòi về. Hỏi ra thì biết xích mích với cả đội.

Một cậu bé khác thì bị đặt nick trêu chọc. Một bé khác cứ đến giờ ngủ là gây hấn với cả phòng. Có một chị lớn trùm chăn khóc suốt đêm. Một bạn khác oán thán những người lớn đã đưa mình vào trại.

Tất cả những tình huống ấy đều gặp trong trại hè mười ngày của chúng tôi. Và rồi dần cũng trôi qua. Còn lại là những bài học được chính các bạn nhỏ rút ra để ngày cuối, khi tổng kết trại, chúng đã biết lo lắng cho nhau, biết để phần cơm cho bạn, biết tăng nhiệt độ trong phòng khi bạn bị cảm lạnh, biết nhường nhịn nhau nhiều hơn.

Một bài học tôi từng đưa ra cho các bạn nhỏ: một bạn nắm chặt nắm đấm, trong đó để một món đồ, hãy bằng cách nào đó lấy được món đồ ấy. Bạn có thể dùng bạo lực tách những ngón tay. Nhưng cũng có cách khác. Đó là khi các bạn dùng lời để thuyết phục người kia. Bài học thuyết phục chỉ thành công khi các bạn biết được nhu cầu của mình, lại cũng đảm bảo quyền lợi cho người kia, nói có lý, có tình. Đó chính là bài học của sự đồng thuận.

2. Ở trại hè, trẻ kể về gia đình mình. Trong bài học về tiền, trẻ nhớ lại mẹ từng chi tiêu thế nào. Những đứa trẻ nghĩ về gia đình trong sự xa cách - sự hồi tưởng, tưởng tượng, với một chút liên tưởng bỗng đem lại cho trẻ một cảm xúc tích cực về những người thân. Tình yêu đôi khi cũng cần khoảng cách là vì thế.

Một trong những hoạt động của trại hè có sự tham gia của bố mẹ các em - là viết thư tay. Những lá thư tay được gửi đến trại và các bé hân hoan đón nhận, rồi viết thư trả lời. Quan sát quá trình này của các em, tôi nhận ra được sự gắn bó cảm xúc giữa bố mẹ và con cái. Có bé tương đối thờ ơ với những lá thư, thậm chí không đọc, để lại trên bàn; có bé phấn khởi đọc đi đọc lại, trả lời tỉ mẩn.

Tôi hiểu với thời đại tốc độ này, những lá thư tay quả là một trò lạ lẫm. Nhưng nếu biết tận dụng “trò” này một cách có điều tiết, vừa đủ, thư tay có thể là một kênh giao lưu rất tốt, cho nhiều cảm xúc giữa bố mẹ và con.

Cũng qua việc này, tôi phát hiện thấy sự thiếu cảm xúc ở trẻ chính là vì trẻ chưa bao giờ tự hỏi bố mẹ làm những việc này việc kia cho mình có vất vả gì mà chỉ tự nhiên hưởng thụ thôi. Lòng tri ân không tự nhiên mà có. Cần có sự thấu hiểu. Hãy tin vào khả năng thấu hiểu của trẻ để sẵn sàng chia sẻ.

Trong trại hè có trường hợp một cô bé 13 tuổi xin về vì không hợp với các hoạt động của trại. Tôi nghĩ điều này là rất tự nhiên. Mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt, và chúng ta chỉ có thể nương vào từng cá thể ấy để hướng dẫn chúng mà thôi. Tuy nhiên, điều cảm động là ngày tổng kết trại, bố của em đã đưa em đến nói những lời cảm ơn.

Trẻ không thể học được lòng tri ân nếu chính những người lớn thờ ơ và vô cảm trước những gì người khác cố gắng làm cho mình, vì mình.

3. Cậu bé Việt, 10 tuổi, tự hào nói với tôi khi tôi khen cậu đã biết dậy sớm nhanh nhẹn, đã không lèo nhèo đòi... đi bơi suốt từ sáng đến tối mà đã tìm được niềm vui trong các hoạt động chung khác cùng đội: “Con phải như thế mẹ mới tin tưởng mà cho con đi xa mẹ 10 ngày chứ!”.

Bé Quang Huy, 6 tuổi, kể với mẹ về tình bạn giữa bé và một anh 7 tuổi tên là Chính: “Ban đầu Chính không muốn chơi với con. Nhưng bây giờ Chính thích chơi với con rồi mẹ ạ. Mẹ có biết tại sao không? Vì con hoạt động với Chính. Và vì Chính... hoạt động với con. Bọn con cùng một đội mà, nên bây giờ Chính rất thích chơi với con”.

Cô bé Thu Giang, 9 tuổi, thể hiện mình trong các buổi học hát, tự tin đứng lên trò chuyện với các anh chị sinh viên người Mỹ đến từ Michigan, được khen vì biết chăm các em, tỏ ra người lớn, có kỷ luật.

Các cậu bé được coi là ít nói nhất và tưởng chừng khó hòa đồng nhất cũng đã hò hẹn nhau “Năm sau gặp lại nhé!”.

Tôi nhớ lại cảnh một số bố mẹ trong hôm đầu tập trung toàn trại vẫn chạy theo dặn dò, gương mặt lo lắng. Bây giờ thì tôi cho rằng những đứa trẻ từng một lần được đi trại hè sẽ không còn bỡ ngỡ với bất kỳ tình huống giao tiếp ngoài xã hội nào nữa. Chúng đã hiểu những cơ hội và thách thức đều không đáng sợ. Vì chúng đã được tin.

THỤY ANH

Mỹ:

Có một “thế hệ tôi”?

09/07/2013 20:18 (GMT + 7)

LTS: Không chỉ bạn trẻ VN băn khoăn về chính mình trước lúc vào đời (“Nói về chúng tôi” - TTCT 28-6) những người cùng tuổi với họ trên thế giới cũng đang phải đối phó với các vấn đề tương tự: cái tôi đang được chắp cánh bởi công nghệ và những điều kiện xã hội của thế giới phẳng.

TTCT mời bạn cùng nhận dạng những vấn đề này.

Tác giả Joel Stein trên tờ Time số ra tháng 5-2013 có bằng chứng cho nhận định này.

Theo Viện Quốc gia sức khỏe Mỹ, tỉ lệ những người có tính yêu mình quá mức (narcissistic) hiện gấp gần ba lần so với những người nay đã tuổi 65 hoặc cao hơn khi ở độ tuổi 20 như họ. 58% sinh viên đại học tự chấm điểm họ yêu mình hơn năm 2009 so với năm 1982.

Những người thuộc thế hệ “millennial” nhận nhiều lời khen ngợi thành công khi lớn lên nên 40% tin rằng họ cần phải thăng chức hai năm mỗi lần, bất kể khả năng thực hiện công việc thế nào. Họ cũng bị sự nổi tiếng ám ảnh: số học sinh nữ cấp II muốn lớn lên thành trợ lý của người nổi tiếng nhiều gấp ba lần trong khảo sát năm 2007. Sự phát triển của họ cũng như ngưng lại.

Theo khảo sát năm 2012 của ĐH Clark về những người trưởng thành đang nổi lên, nhiều người tuổi từ 18-29 sống với bố mẹ hơn với vợ/chồng.

Và họ lười nữa! Viện Việc làm và gia đình (Families and Work Institute) cho biết năm 1992, 80% những người dưới 23 tuổi muốn một ngày nào đó họ sẽ có công việc đảm nhận nhiều hơn trách nhiệm; 10 năm sau chỉ có 60% muốn thế.

Cuộc sống của những người “millennial” đơn giản hơn: họ lớn lên không cần phải giải toán nhiều nhờ máy tính. Với 80 triệu người thuộc nhóm tầm 20 tuổi này ở nước Mỹ, họ thuộc nhóm tuổi lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Tự bơm mình như bóng bay

Những “millennial” ở các nước đều khác nhau, nhưng vì toàn cầu hóa, sự xuất khẩu của văn hóa phương Tây và tốc độ tăng trưởng, “millennial” trên thế giới trở nên giống nhau nhiều hơn so với thế hệ lớn hơn họ ở cùng một quốc gia.

“Millennial” giao tiếp cả ngày, nhưng hầu hết qua màn hình. Theo Hãng Pew, họ dùng điện thoại liên hệ với nhau hằng giờ, trung bình có 88 tin nhắn mỗi ngày, và bị ảnh hưởng rất lớn từ bạn bè, dù theo GS Mark Mauerlein thuộc ĐH Emory: “Áp lực từ bạn bè làm triệt tiêu trí thông minh”.

Bạn dễ gặp “millennial” ở quán cà phê, ngồi cạnh nhau và nhắn tin. Trong họ có vẻ bình tĩnh nhưng thật ra đang rất lo lắng vì sợ có thể bị bỏ qua điều gì đó hay ho quanh mình. 70% số đó kiểm tra điện thoại hằng giờ, nhiều người có hiện tượng lúc nào cũng nghĩ điện thoại đang rung trong túi.

Nhưng “millennial” hiểu làm thế nào để biến mình thành thương hiệu. “Mọi người đều đang tự bơm mình như bóng bay trên Facebook” là nhận định của W.Keith Campbell, GS tâm lý tại ĐH Georgia. Khi ai cũng thông tin với bạn về kỳ nghỉ của họ, tiệc tùng, lên chức, bạn bắt đầu phải cố gắng để đời mình cũng không kém chị kém em. Nếu bạn làm tốt trên Instagram, YouTube và Twitter, bạn có thể trở thành một microcelebrity (người nổi tiếng nho nhỏ trong giới của mình).

“Millennial” muốn mọi người ủng hộ mình ngay cả với bức hình chụp thử đồ khi đi mua sắm. Họ rất lo mình lạc hậu hay không cập nhật từ mới. Họ coi trải nghiệm cái mới quan trọng hơn tích trữ của cải.

Những kẻ chẳng thèm buồn

“Millennial” lớn lên xem truyền hình thực tế, và hầu hết những chương trình này về cơ bản đều về những người yêu bản thân mình. Truyền thông đã làm mạnh hơn giấc mơ tự yêu mình, khát khao nổi tiếng, khuyến khích người thường xác định bản thân giống như ngôi sao nên họ trở nên ghét đám đông và càng khó chấp nhận sự vô vị của cuộc sống.

Nhưng “millennial” không phải sinh vật mới, chúng chỉ tiến hóa để thích nghi với môi trường.

Ví dụ, “tự cho mình có nhiều quyền” với cuộc sống không phải do họ quá được bao bọc, mà do để thích nghi với cuộc sống thừa mứa. “Twixter” - lớp người chưa trưởng thành hẳn nhưng cũng không còn trẻ con nữa - nói họ có vô số lựa chọn nghề nghiệp, có nhiều việc trước đây không hề tồn tại.

Vậy nếu họ có thể nhảy việc bảy lần trước tuổi 26 thì việc gì phải cố gắng nỗ lực đi từ nấc thang thấp nhất trong công ty? Họ cũng không cần phải cưới ai đó ở cùng quê vì họ có khả năng kết nối bạn bè khắp thế giới. Vì tuổi thọ tăng quá nhanh và công nghệ cho phép phụ nữ có bầu ở tuổi 40 nên họ quyết định việc trọng đại trong đời trễ hơn.

Thực tế, rất nhiều đặc tính tiêu biểu của “millennial” y như cách trẻ con nhà giàu cư xử. Internet đã dân chủ hóa cơ hội cho nhiều người trẻ, giúp họ tiếp cận với thông tin từng chỉ dành cho nhà giàu.

“Millennial” bây giờ ít quan tâm tới bổn phận công dân và cũng ít tham gia chính trị hơn thế hệ trước. Họ không tôn trọng chính quyền, họ cũng chẳng ghét bỏ gì chính quyền hay oán hận. Đó là lý do họ sẽ không nổi loạn. Họ thậm chí chả thèm buồn nữa. Thế giới phẳng tới mức “millennial” chẳng có lãnh đạo. Đó là lý do các cuộc cách mạng từ Chiếm lấy Phố Wall tới quảng trường Tahrir có ít cơ hội thành công hơn những vụ nổi loạn trước đó. Họ không đam mê, họ có đủ thông tin nhưng không hành động.

“Millennial’” có thể là thế hệ đỉnh cao mới của những doanh nhân lạc quan hay chỉ suốt ngày khóc lóc thất vọng vì xã hội không đáp ứng kỳ vọng của họ? Nhưng sự vĩ đại của một thế hệ không bị quyết định bởi dữ liệu như trên, mà phụ thuộc vào họ ứng phó ra sao trước thách thức với mình. Điều quan trọng là những thành phần khác trong xã hội đối xử thế nào với họ?

HẠNH NGUYÊN (lược dịch từ TIME)

Thế giới phẳng khiến không chỉ ở phương Tây mà cả tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc (TQ) chẳng hạn, nơi gia đình quan trọng hơn cá nhân, thì Internet, đô thị hóa và chính sách một con cũng đã tạo ra thế hệ quá tự tin và chỉ nghĩ cho mình như kiểu phương Tây. Không chỉ trẻ nhà giàu mà ngay cả con nhà nghèo cũng có tỉ lệ tự yêu bản thân, theo chủ nghĩa vật chất và nghiện công nghệ.

Theo nhật báo Thanh Niên Trung Quốc (TNTQ), chính sách một con và điều kiện khá giả của kinh tế TQ khiến không ít phụ huynh vì muốn con em có cuộc sống tốt đã luôn thỏa mãn yêu cầu của con cái một cách vô tội vạ, cho dù yêu cầu đó có vượt khỏi khả năng kinh tế, thậm chí đó là yêu cầu bất thường họ vẫn cố mà làm. Nhiều bạn trẻ vừa tốt nghiệp đã được bố mẹ mua nhà, muốn gì được nấy, người khác có gì họ cũng muốn có ngay cái đó, chờ đợi một phút cũng không được.

TNTQ gọi họ là những người “muốn có ngay”. Một điều tra của tờ báo này cho thấy có đến 80% (trong số 2.293 người) được hỏi cho rằng xã hội TQ có hiện tượng “muốn có ngay”, trong đó thế hệ 8X chiếm đến 40,9%.

Dẫn một trường hợp ông bố họ Lý hứa với con khi nào điểm trung bình học kỳ đạt 8,5 điểm sẽ mua iPad, nhưng khi được thưởng, đứa trẻ không hề tỏ ra phấn khởi hay cảm động (dù để mua được món quà đó, ông tốn hết cả tháng lương). TNTQ nói giới trẻ ngày nay không biết thế nào là hạnh phúc, yêu cầu của họ ngày càng cao, cảm giác thỏa mãn ngày càng thấp. Họ hoàn toàn không thể hiểu được thế nào là ngày tháng còn dài, làm tốt mới có báo đáp.

Trong cuộc sống hôn nhân, giới trẻ xem việc ly hôn là chuyện rất bình thường. Nguyên nhân họ được bố mẹ yêu thương vô bờ bến nên không quyến luyến với gia đình nhỏ, cho dù ly hôn thì vẫn được bố mẹ bảo bọc. Trong hôn nhân, họ luôn lấy mình làm trung tâm, muốn được nhận chứ không muốn cho đi. Họ xem việc kết hôn, ly hôn là chuyện cá nhân, trong khi bố mẹ cho rằng họ ích kỷ, không nghĩ đến gia đình, con cái.

Nhận định về thế hệ “muốn có ngay” này, tờ Hồ Nam Nhật Báo cho biết thế hệ trẻ có yêu cầu cao hơn khi tìm việc, chú trọng cảm giác bản thân, không thích làm lao động bình thường, làm bảo vệ hay nhân viên làm tóc. Họ thích công việc thoải mái, được tôn trọng, có không gian tưởng tượng. Thậm chí, giới trẻ 9x có thể bỏ việc chỉ vì đồng phục quá xấu, áp lực lớn, không thoải mái, không tạo điều kiện cho họ thể hiện cái tôi.

Chinanews cho rằng giới trẻ TQ sinh ra, lớn lên trong thời kỳ đất nước thịnh vượng nên có khát vọng mãnh liệt về sự thành công, hứng thú với xu hướng và quan niệm phương Tây. Quan niệm việc làm đang thay đổi từ việc “không mang dấu ấn riêng, chấp nhận hi sinh cơ hội để tìm kiếm công việc ổn định, lấy công việc làm đầu, giúp công ty sinh lợi” chuyển sang “khát vọng công việc có cá tính, không sợ nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn, cho rằng công việc và cuộc sống đều quan trọng như nhau”.

Tiến sĩ Khương Nhữ Tường phát biểu trên trang Sohu.com nhận xét khi chọn việc làm giới trẻ TQ quá chú trọng vật chất, nếu không được trả công tương xứng họ sẽ nghỉ việc, không như thế hệ cha ông vì lý tưởng có thể chịu đựng

10, 20 năm. Họ theo đuổi những gì tốt đẹp và cho rằng đương nhiên phải được trả công xứng đáng, nếu không thì không thể gọi là tốt đẹp. Có thể gọi đó là sự ích kỷ, cũng có thể là độc lập, chịu trách nhiệm về lựa chọn việc làm của mình.

CẢNH CHÁNH (tổng hợp)

Chữ Y trong tiếng Anh đọc là why, tức tại sao. Thế hệ Y gần như tự chất vấn mọi thứ!

Lãnh đạo phát biểu có luôn đúng và có ích? Tại sao không thể hòa hợp cuộc sống gia đình và nghề nghiệp? Doanh nghiệp có quyền gây hại môi trường?... Theo nghiên cứu của Viện Trendence ở Berlin (Đức), địa vị xã hội và danh tiếng đứng cuối danh sách gồm 19 điểm ưu tiên của thế hệ Y, trong khi hình thức tổ chức quyền lực giao quyền điều hành cho nhiều người và sự phát triển cá nhân là hai điểm dẫn đầu.

Theo nhà nghiên cứu Klaus Hurrelmann ở Berlin, tính từ năm 1945 nước Đức có ba thế hệ. Đầu tiên là những người hoài nghi mang những tổn thương của chiến tranh và đã giúp hồi sinh nước Đức. Kế đó là thế hệ Golf, tức những đại diện cho tiêu dùng và luôn bận rộn trong thời kỳ thịnh vượng. Và nay là thế hệ Y với đặc điểm muốn có tất cả cùng lúc: một gia đình cộng với thời gian rảnh, một công việc có ý nghĩa cùng với quan hệ bạn bè. Họ thích tự tổ chức công việc theo hướng linh hoạt.

Không hi sinh cuộc sống cho công việc

Thế hệ Y... muốn có tất cả cùng lúc: một gia đình cộng với thời gian rảnh, một công việc có ý nghĩa cùng với quan hệ bạn bè. Họ thích tự tổ chức công việc theo hướng linh hoạt.

Ingo Kucz, 32 tuổi, là một trường hợp. Anh làm việc ở bộ phận chiến lược của Deutsche Bahn. Buổi sáng, trước khi đến công ty, anh đưa con gái 4 tuổi đến trường và đưa con trai 1 tuổi đến người giữ trẻ. Kucz về nhà lúc 5g chiều và có thể dành cho con hai tiếng đồng hồ rồi ngồi vào bàn làm việc buổi tối. Kucz làm việc 40 giờ/tuần, đôi khi nhiều hơn.

“Nếu không thể có lịch làm việc linh hoạt như ở Deutsche Bahn, có lẽ tôi sẽ tìm công việc khác” - anh nói. Khi con bệnh, anh làm việc tại nhà. Không phải Kucz không muốn dấn thân trong nghề, thậm chí anh đang theo học chuyên ngành xã hội học. “Tôi chỉ không sẵn sàng hi sinh cuộc sống gia đình cho công việc và địa vị xã hội mà thôi” - Kucz giải thích.

Ông bố trẻ này thuộc một thế hệ mới muốn mọi thứ đều khác. Trước khi đến Deutsche Bahn, Kucz làm cho một tập đoàn công nghiệp. Viễn cảnh nghề nghiệp tốt, lương cao, nhưng cách quản lý không thích hợp với anh: quá nặng nề về cấp bậc, mệnh lệnh nhiều hơn là giải thích.

Trong một thời gian dài, các tập đoàn ở Đức hoạt động theo văn hóa mệnh lệnh và vâng lời, nhưng những người như Kucz từ chối hệ thống này. Không phải giám đốc nào cũng thông cảm những nhân viên mới ngay từ buổi phỏng vấn xin việc đã tìm hiểu về khả năng nghỉ không lương, nghỉ để làm nghĩa vụ gia đình... Họ thường bị đánh giá là lo nghĩ đến lợi ích cá nhân nhiều hơn là công việc. Nhưng các cuộc điều tra không cho thấy thế hệ Y làm việc ít hơn.

Pha lẫn giữa quản trị và... Disneyland!

Theo thống kê của một viện nghiên cứu ở Đức, nếu thời gian làm việc trung bình của lứa tuổi dưới 30 trong những năm 1980 là 814 ngày, chỉ trong vòng hai thập niên con số đó giảm xuống còn 536 ngày (khoảng 18 tháng). Tại Hamburg, trụ sở của Google ở Đức thu hút 350 nhân viên có độ tuổi trung bình 35.

Hãng công cụ tìm kiếm này đại diện cho phần trên của thế hệ Y với phong cách làm việc pha lẫn giữa quản trị và... Disneyland, khi các cuộc họp diễn ra trong những cái giỏ bãi biển khổng lồ hoặc cabin máy bay giả. Tại đây có cả bể bơi, phòng tập yoga, hip-hop và tập quyền anh hoàn toàn miễn phí.

“Khi tôi cảm thấy thoải mái thì doanh nghiệp được lợi” - Eva Krüger nói. Tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế truyền thông và từng làm tiếp thị trên mạng cho một nhà xuất bản, nay cô giúp khách hàng trong lĩnh vực thời trang đăng quảng cáo trên Google.

“Chúng tôi đều có mục đích tự đặt ra mỗi quý và muốn đạt chỉ tiêu. Ở đây người ta không trả lương để tôi ngồi tại chỗ mà vì tính sáng tạo của tôi” - cô giải thích. Kucz và Krüger giống nhau ở chỗ cả hai làm nhiều hơn những gì được yêu cầu. “Trước kia, người ta tưởng thưởng bằng thăng chức” - giám đốc nhân sự Wilfried Porth của Daimler nhấn mạnh. Nhưng ngày nay, khi được trả lương người lao động muốn cảm thấy có ích.

Công việc chỉ thu hút khi người ta có thể tạo ra cái mới và làm thay đổi thế giới. Chính vì biết Daimler có xe chạy bằng điện nên khi phỏng vấn xin việc, các ứng viên thường tìm hiểu đề tài này vì họ muốn đóng góp vào việc làm cho chiếc xe hơi tương lai ít gây tác hại đến môi trường.

Một trong những lý do khiến thế hệ Y muốn có những đảm bảo về chất lượng sống chủ yếu là vì nhà tuyển dụng không thể và cũng không muốn hứa hẹn việc làm suốt đời. Họ không trông mong những lời hứa vì họ biết rằng nền kinh tế thời toàn cầu hóa bấp bênh ra sao. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng phải tự tổ chức lại theo hướng linh hoạt hơn. Chẳng hạn tại Trumpf, cứ mỗi hai năm nhân viên có thể xác định lại thời gian làm việc trong tuần tùy theo nhu cầu cá nhân và nguyện vọng của họ.

Tại công ty tư vấn doanh nghiệp McKinsey có độ tuổi nhân viên trung bình là 30, để giữ được những người giỏi nhất, công ty đề nghị nghỉ ba tháng liên tục. Năm ngoái, trong số sáu tư vấn viên thì có một người tận hưởng chế độ nghỉ này.

TRƯỜNG MINH

Bản lĩnh là trong đời thực

15/07/2013 12:00 (GMT + 7)

TTCT - 1. Bạn Bảo Linh nói không sai về việc thế hệ trẻ hiện nay khá đắm chìm trong thế giới ảo (“Nói về chúng tôi”, TTCT số ra ngày 28-6). Tôi sinh năm 1990, và như nhiều bạn trẻ cùng lứa khác, lớn lên cùng nhịp với thời đại số hóa, với Internet.

Có một "Thế hệ Tôi"?

LTS: Tham gia diễn đàn Có một “Thế hệ tôi“, một du học sinh ở Nhật kể về những trải nghiệm cá nhân chỉ riêng ở khía cạnh làm sao để ”giữ mình” trong một thế giới mà mỗi người trẻ đều có quyền năng quá lớn nhờ Internet, trong khi một độc giả trẻ khác kể về câu chuyện lạc lõng giữa bầy đàn.

Tiến bộ vượt bậc này của công nghệ khiến không chỉ giới trẻ Việt Nam mà khắp thế giới phải đối mặt với những xung đột giữa hai thế giới mới - cũ. Nhưng nào phải chỉ chúng tôi ngông cuồng?

Chẳng phải Socrates vào thời của mình cũng từng nhận xét: “Bọn trẻ ngày nay thích sự xa hoa. Chúng cư xử tồi tệ, coi thường chính quyền, bất kính trước người lớn... Chúng chẳng còn đứng lên chào những người lớn tuổi khi họ bước vào. Chúng cãi lại cha mẹ, tán gẫu không đúng chỗ, ăn ngấu nghiến ngay tại bàn, ngồi gác chéo chân và ngỗ ngược với cả thầy cô” (*).

Không khó để nhận ra khoảng cách, hay mâu thuẫn thế hệ, đã là câu chuyện muôn đời.

Nhưng có vẻ như trong thời đại này cuộc xung đột đó còn mang màu sắc khác. Là bởi Internet ra đời và lan tỏa toàn thế giới nhưng lại chia cắt xã hội thành hai thế hệ: thế hệ những người trưởng thành trước khi Internet trở nên phổ biến và thế hệ chúng tôi lớn lên cùng sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin.

Vì thế đừng trách vì sao chúng tôi có một đời sống tinh thần lệ thuộc vào Internet (dù ít hay nhiều thay đổi theo từng người). Bởi với khát khao khẳng định muôn đời của giới trẻ, Internet tạo cho chúng tôi điều kiện thể hiện bản thân sao cho nổi trội giữa một thế giới mạng, nơi chúng tôi có thể giao lưu với biết bao người.

Internet, không nghi ngờ gì nữa, mang lại quyền năng quá lớn. Nó cho chúng tôi không chỉ tri thức mà còn là sự nổi tiếng (?), và hơn hết là tự do gần như vô hạn. Sức hấp dẫn đó thật sự khó cưỡng lại đối với một người trưởng thành, huống hồ là những người trẻ, mà tâm hồn vẫn đang là những khoảng trống bao la!

Nguồn tri thức khổng lồ từ Internet vẫn được dùng cho mục đích học thuật, nhưng chúng cũng được dùng để tạo ra vẻ ngoài “trí thức”, hay để chiến thắng trong những cuộc tranh cãi bất tận về đủ loại chủ đề trên mạng nhằm tô vẽ hư danh.

2. Bản thân tôi từng điều hành một diễn đàn mạng, chứng kiến sự tranh cãi do bất đồng quan điểm của các thành viên. Có thể nói những cuộc tranh luận đó đã đem lại kiến thức cho các thành viên khác. Thế nhưng sự nôn nóng khẳng định hoặc thể hiện mình khiến ngay cả những thành viên “thông thái” nhất (trên 20 tuổi, đang học đại học hoặc đã đi làm) cũng không hề giấu giếm sự hả hê khi là “người chiến thắng” trong những cuộc tranh luận đó.

Thật không khó để giải thích tại sao phần lớn những diễn đàn dành cho người trẻ lại có một bầu không khí “chợ trời” với những lời miệt thị đầy cay độc. Và từ những lời lẽ gay gắt trên mạng, không ít người trẻ tuổi trở nên cực đoan cả trong suy nghĩ lẫn hành động. Nhẹ thì họ từ chối lắng nghe ý kiến của người khác, lười tiếp thu tri thức mới. Nặng thì dẫn đến những vụ việc động trời chỉ vì nguyên nhân rất vớ vẩn.

(Một lần nữa, Internet là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú cho những câu chuyện này, nơi bạn chẳng cần mất công tìm kiếm lâu cũng có thể thấy các kiểu “giết người vì chờ mua hủ tiếu”, “giết bạn vì thua game”...).

Bên cạnh đó, khả năng kết nối với thế giới đã biến Internet thành một sàn tạp kỹ khổng lồ. Điều này giúp những người có thực tài vươn lên dễ dàng hơn. Nhưng nó cũng mang theo những kẻ học đòi trẻ tuổi khác. Kết quả là những hệ lụy như những bức ảnh “nóng” được đăng lên để thu hút sự chú ý, hay khủng khiếp hơn là kẻ thủ ác lên Facebook thú nhận đã giết người yêu.

Chưa bao giờ người trẻ tuổi phát điên vì nổi tiếng đến thế. Thành công của những gì họ làm được đo bằng lượng phản hồi (feedback) mà họ có, bất kể việc họ làm là đúng hay sai.

3. Liệu có còn cách nào để kéo những người trẻ tuổi ra khỏi thế giới hư danh này không?

Tôi cho là có. Vì họ vẫn phải tồn tại trong thế giới thực. Họ vẫn cần cơm ăn, áo mặc, một mái nhà để tồn tại. Hãy trải nghiệm cuộc đời thực, thấu hiểu giá trị của những kinh nghiệm thực tiễn.

Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày đầu du học xa nhà, chịu nhiều khó khăn. Chỉ khi đó sự phù phiếm của thế giới ảo mới hiện ra. Chỉ khi đó tôi mới ý thức mình chẳng là gì dẫu đã nhận được bao nhiêu cái “like” và tán dương “thủ lĩnh” trên Facebook. Tôi vẫn chỉ là một thanh niên có lúc đã nao lòng trước khó khăn, lạc lõng trên vùng đất lạ và dễ dàng thù ghét thế giới vì những khó khăn của riêng mình.

Khi đó, người giúp tôi nhìn lại mình lại là một cô bé Nhật. Cô tên Okawa, cùng làm chung với tôi ở một nhà hàng. Cô bé 18 tuổi ấy vừa đi làm vừa kiếm tiền để vào đại học. Một ngày nọ, một va chạm ở nhà hàng khiến cô ôm mặt lao vào phòng nghỉ. Tôi lặng lẽ bỏ ra ngoài để cô có thể khóc. Nhưng cô không khóc, và đáng nể hơn, cô tiếp tục ngày làm việc đó và vẫn không bỏ việc trong những ngày sau đó.

Sau này, tiếp xúc với người Nhật khác trong công việc, tôi dễ dàng nhận ra họ không để những khó khăn, nghịch cảnh của bản thân ảnh hưởng đến trách nhiệm với xã hội. Để có thể cư xử mạnh mẽ như thế, ngoài tính cách bản thân còn do quá trình giáo dục đầy khắc kỷ của gia đình người Nhật: đặt một người trong hoàn cảnh thiếu thốn khiến họ nghiêm túc nhìn nhận điều gì quan trọng với mình, bắt buộc họ chiến đấu vì những gì mình cần, đó là cách để có được trách nhiệm và nghị lực.

Chính hình ảnh của cô bé và những bài học mà sự cọ xát thực tiễn mang lại hơn là thế giới ảo đã khích lệ tôi đứng vững và vượt qua những khó khăn.

Và tôi cũng nhận ra bản lĩnh đích thực của mỗi người là ở cuộc đời dài rộng họ đã và đang sống, mà thế giới ảo chỉ là một cuộc chơi...

HỒNG HƯNG

(*): “Personality and Adjustment”, trang 277 (bản in 1953), NXB McGraw-Hill

Tôi 23 tuổi, tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, hiện đang làm việc tại một công ty kiểm toán quốc tế có mức thu nhập cao so với nhiều bạn vừa ra trường. Là một người trẻ đang trưởng thành, tôi thấy mình vẫn còn nhiều lúng túng.

Đó là từ một ngày bạn bè tôi chuyền nhau trên Facebook hình ảnh một cô gái nuôi con giun khổng lồ, cho ăn, tắm chung... , thậm chí ngủ chung. Mọi người kinh hãi, đồn ầm ĩ khắp nơi. Hàng ngàn lượt chia sẻ ảnh, thậm chí chỉ trích cô gái này “không được bình thường”. Tôi cũng vậy, cũng lao vào vòng xoáy kỹ thuật số bằng bình luận “Ghê quá!” trên trang cá nhân của mình.

Và chỉ một tuần sau, một cô bạn thân của tôi hiện đang làm việc tại ĐH Y dược TP.HCM đã trách tôi rằng: “Bạn đã tốt nghiệp đại học, cũng đi làm nhưng tư duy phản biện của bạn đâu mà có thể hùa theo dư luận một chuyện rõ ràng chẳng có ý nghĩa gì cả? Giun là sinh vật thở bằng da, liệu có thể tắm trong bồn như vậy được không? Giun là loài không có khung xương (nhưng rắn thì có), liệu với cỡ to như vậy chúng có thể ngóc đầu như trong tấm ảnh không?”.

Câu nói ấy khiến tôi chợt tỉnh và ngộ ra quanh mình hàng ngàn bạn trẻ khác cũng như tôi: dễ bầy đàn chia sẻ nhưng không hề có ý thức phản biện.

Phải chăng chúng tôi đã quen lệ thuộc, dễ dàng chấp nhận? Xung quanh ai làm gì cũng làm theo, quen đi trên một con đường đã dọn sẵn. Học văn mẫu, nhớ thuộc lòng, cố vào đại học, tốt nghiệp xong thì kiếm một việc làm cho tươm tất. Bởi vậy nên mới ngây ngô tin vào hàng loạt câu chuyện chia sẻ trên mạng: khi có kẻ cướp ở ATM thì nhập ngược mã PIN hay bị kim tiêm HIV đâm vào thịt thì nặn máu ra rồi xoa xà phòng...(!).

Suy cho cùng, không phải chúng tôi không có đủ tri thức để nhận xét đúng sai, nhưng có vẻ chúng tôi không tự tin để làm điều đó. Ngày còn nhỏ đi học, thầy cô bảo học thuộc lòng thì cứ nghe rồi học. Có đứa đứng dậy hỏi thầy những chỗ “thấy lạ” thì bị thầy mắng: “Tôi là thầy hay em là thầy!”.

Một cô bạn cùng khoa tôi ở trường đại học thường tranh luận với giảng viên thì bị bạn bè cho là “chơi trội”. Chẳng nhóm nào muốn nhận bạn vào vì cho rằng bạn lập dị, cá biệt và sợ nhận bạn vào nhóm thì giảng viên sẽ ghét lây cả nhóm. Bạn thành một “cá thể lạ” trong lớp vì những người xung quanh không quen chấp nhận sự khác biệt, đặc biệt là tư duy phản biện mà bạn xây dựng cho mình quanh những câu hỏi “Tại sao?”, “Như thế nào?”.

Một người bạn cùng lớp phổ thông của tôi xin bố mẹ nghỉ học một năm để đi trải nghiệm thì bị mắng: “Tao đẻ ra mày thì chúng mày phải nghe!”.

Dần dần, chúng tôi hành xử theo số đông bởi khi nói điều gì đó ngược dòng rất dễ bị “ném đá”. Số đông cuốn chúng tôi đi cùng, dù ngay trong “bầy đàn” chúng tôi cũng lạc lõng và cô đơn...

HUỲNH LƯU ĐỨC TOÀN

Cuộc sống thật và mạng cũng có thật

25/07/2013 12:27 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Tham gia Câu chuyện cuộc sống kỳ này là chuyện kể của một bà mẹ và một bạn trẻ 17 tuổi về những trải nghiệm để nhận chân “thế hệ tôi”.

Từ chuyện của tôi - một bà mẹ

Con gái tôi ở xa, ít khi gọi điện thoại cho tôi trừ lúc có việc. Mối thông tin liên lạc (hằng ngày) luôn chủ động từ tôi. 11g khuya hôm đó, tôi đã đi ngủ thì có điện thoại của con gái. Đoán có sự cố, tôi chuẩn bị tinh thần. Y như rằng, cô con gái kể bỏ quên chìa khóa trong nhà (khóa bấm)!

Bình thường, mỗi khi về đến nhà, mở cửa xong, cháu có thói quen treo ngay chìa khóa vào móc xe để khỏi quên. Hôm đó, cháu vừa bấm khóa thì phát hiện quên chìa khóa nhưng vội đi học (có bài kiểm tra), cháu định bụng sẽ về nhà sớm tìm thợ sửa khóa. Làm bài kiểm tra xong, cháu quên bẵng việc mất chìa khóa và đi uống nước với bạn. Đến khi sực nhớ ra, về tới nhà thì người thợ sửa khóa ở đầu đường đã dọn hàng.

Loay hoay cả giờ đồng hồ, cuối cùng cháu đành cầu cứu mẹ ở cách xa... 500km. Cháu hỏi có phải tôi có gửi một bộ chìa khóa nhà nơi cậu nó không? Tôi trả lời cậu giữ chùm chìa khóa nhà nhưng đó là bộ chìa cũ. Bởi nhà đã một lần bị trộm mở khóa, cháu thay khóa mới và không gửi nhà cậu.

Tôi gọi cho em trai, ý định bảo con qua nhà cậu nghỉ qua đêm rồi mai tính. Điện thoại tắt máy ò í e. Em dâu cũng vậy! Tôi không tài nào nhớ ra số điện thoại nhà em trai (danh sách trên điện thoại di động của tôi không lưu).

Tôi gọi hỏi con gái có chỗ bạn bè nào ngủ qua đêm không? Cháu trả lời chỉ có ba người bạn có thể đến ở được nhưng một người đã về quê, một người không về nhà đêm đó và một người thì bà chủ trọ không cho người lạ vào. Nghĩ đến cảnh con gái đang đứng trước nhà, trời đã khuya, hẻm thì vắng, tôi như ngồi trên lửa. Lại đâm giận con gái.

Sống ở thành phố bảy năm rồi mà khi có việc không tìm được một ai để nhờ vả. Hàng xóm thì cháu không quan hệ với gia đình nào ngoại trừ bà tổ trưởng. Ngoài đi làm, đi học, đi chơi với bạn bè, về đến nhà cháu đóng kín cửa, giao tiếp với bên ngoài chỉ qua màn hình máy tính. Cháu thông suốt chuyện phim ảnh, thời sự trên các diễn đàn, chat đến khuya cùng lúc với nhiều bạn bè trên Facebook... Nhưng tuyệt nhiên những gia đình xung quanh cháu không quan tâm hay làm quen với họ.

Cuối cùng, may sao, tôi nhớ đến cuốn sổ tay cũ đã không ghi chép gì nữa hơn mười năm nay có số điện thoại nhà em trai. Mọi chuyện ổn khi con gái đến nhà cậu nghỉ lại chờ sáng mai nhờ người đến sửa khóa. Lúc ấy đã 1 giờ sáng.

Tôi hỏi con trai chuẩn bị thi đại học và sẽ vào ở với chị nghĩ thế nào trong tình huống này? Cháu trả lời không biết và thêm một câu: “Ở hai người sẽ khác một người!”.

Lại đổ lỗi cho công nghệ?

Quá giấc, không ngủ được, tôi suy nghĩ về con gái. Tôi nhận thấy con tôi dù sống xa gia đình đã lâu nhưng cháu vẫn còn bị động trước sự cố. Trường hợp này, nếu không liên lạc được với cậu (ví dụ như gia đình cậu đi nghỉ cuối tuần) liệu cháu có dám đến thuê khách sạn nghỉ qua đêm không? Cũng thật ái ngại, gần 1g sáng, một cô gái đến thuê phòng khách sạn, lỡ gặp chuyện xui rủi nữa thì sao? Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra và không ai có thể đoán trước được việc gì sẽ đến.

Tôi còn nhận thấy con gái tôi rất tự tin trên thế giới ảo, có thể tư vấn cho bạn bè về thời trang, công nghệ, những cuốn sách, bộ phim... Vậy mà trong tình huống trên cháu hoàn toàn bị động.

Nhiều người lớn tuổi nghe câu chuyện cho rằng chỉ cách đây khoảng 20 năm thôi, khi công nghệ chưa can dự nhiều vào đời sống, con người ta vẫn có thể thông tin, liên lạc với nhau đúng hẹn và việc giúp đỡ nhau trong đời sống là chuyện rất bình thường. Thế thì tại sao công nghệ phát triển đã đẩy người ta xa nhau đến vậy? Giới trẻ tự hào bạn bè nhiều (cả trăm người), nhưng hàng xóm bên cạnh lại không biết ai.

Có thể thấy giờ đây cuộc sống công nghệ đã chi phối không chỉ giới trẻ mà cả người lớn. Việc họ cảm thấy tiếp xúc đời thực đôi khi ít thoải mái hơn giao tiếp qua mạng đã khiến con người ngày càng sống ảo, tưởng là vui khi có chỗ trao đổi, chuyện trò (chat) mà không thấy nhiều khi cuộc sống ảo đã đẩy người ta xa nhau hơn. Bởi trên đó là một xã hội mà mọi người đều có thể giao lưu với nhau bình đẳng, một người kết bạn với cả ngàn người. Thân có, sơ có và cả không ai biết ai.

Cuộc sống là thật nhưng mạng cũng có thật. Và cuối cùng, con người chìm trong đó, tưởng mình nhiều bạn bè mà rốt lại không có ai như trường hợp con gái tôi.

Một tia hi vọng le lói bắt đầu từ câu nói của con trai: “Ở hai người sẽ khác một người”. Mấu chốt là đây chăng? Con người bắt buộc phải giao tiếp, ăn, mặc, sống, làm việc; con người thật cần phải có con người thật để học cách ứng xử, ứng phó sự cố?

KIM DUY

Cái tôi bị lỗi

Năm nay tôi 17 tuổi - độ tuổi mà tôi thường hay nói đùa với bạn bè rằng “sắp bị quẳng ra cuộc đời”. Và tất nhiên, tôi cũng đã và đang trải qua cảm giác băn khoăn lo lắng không biết 10 năm, 20 năm nữa mình sẽ ra sao, trở thành ai, đứng ở vị trí nào trong xã hội. Dường như đối với tuổi trẻ chúng tôi, bước ra đời đồng nghĩa với việc đánh một canh bạc lớn.

Tất nhiên nếu thất bại thì bạn vẫn có thể đứng dậy và ngẩng cao đầu bước tiếp, nhưng chẳng ai muốn thất bại cả. Chỉ cần đi sai một bước thì tất cả dự định, ước mộng được vẽ lên sẽ tiêu tan ngay lập tức và bạn buộc phải xây dựng tất cả lại từ đầu. Chính vì thế mà chúng tôi trở nên dè dặt hơn, thận trọng hơn.

Mỗi người chúng tôi tự xây cho mình cái tôi riêng, dùng cái tôi như một vỏ bọc để thể hiện cá tính, như một thứ hàng rào bảo vệ vững chắc để chỉ cần có ai đó xâm phạm, chúng tôi sẽ sẵn sàng vỗ ngực kêu to: “Này là tôi, tôi với cá tính, tôi với bản lĩnh. Không gì có thể giết được chúng tôi”. Internet đã giúp chúng tôi thể hiện cái tôi của mình như thế.

Dĩ nhiên chúng tôi sung sướng hơn thế hệ trước rất nhiều. Chúng tôi không chỉ được sinh ra trong thời bình mà còn được nuôi dưỡng tốt về mặt vật chất. Và dường như tất cả những gì chúng tôi muốn, chúng tôi đều có được, từ sách vở, áo quần cho đến những thiết bị đắt tiền như máy tính, điện thoại hoặc những thứ nhằm thỏa mãn việc giải trí. Internet giúp chúng tôi thỏa mãn khao khát được khẳng định mình.

Nhưng thật trớ trêu, những gì chúng tôi có chỉ là những bức ảnh đẹp được chỉnh sửa bằng photoshop, những câu status đầy “chất thơ” hay những lời nói cay nghiệt, đay nghiến nhau trên mạng xã hội. Vì thế khi biến cố thật sự xảy ra, chúng tôi mất thăng bằng, chúng tôi khóc lóc và thậm chí rơi vào trạng thái u uất.

Nghe có vẻ vô lý, nhưng tôi tin những người trẻ chúng tôi ai cũng nhận ra rằng một lúc nào đó, khi bị “quẳng ra cuộc đời”, những thứ lung linh, ảo diệu trên mạng xã hội kia sẽ chẳng giúp ích gì cho chúng tôi cả mà chỉ còn lại những gì thật nhất, rõ ràng nhất được phơi bày. Tôi mạn phép được gọi đây là những “cái tôi bị lỗi”, những cái tôi được xây dựng vì một mục đích đúng đắn nhưng phương thức thì sai lầm, sai lầm khi nó chọn những gì không thật để gầy dựng.

Đó cũng là lý do đôi khi chúng tôi sợ phải lớn lên, sợ trở thành người trưởng thành bởi nói cho cùng, chúng tôi là những cá thể chưa hoàn thiện, những cá thể chỉ mới được “thử nghiệm” trên máy tính, sách vở chứ chưa va vấp với thực tế.

Tôi đồng tình với bạn Bảo Linh trong bài viết “Nói về chúng tôi” (TTCT, 30-6-2013) rằng đôi khi tôi cũng thấy chính mình và bạn bè thật đáng thương. Bởi còn gì đáng thương hơn việc không nhận ra những huyễn hoặc vô ngần của không gian ảo.

Nó không thể giao tiếp thay bạn, không thể quyết định cuộc đời bạn, không thể tạo nên con người bạn khi bạn cần đứng ngẩng cao đầu giữa đám đông thật sự, thay vì ngồi trên ghế với đầu bạn ngang bằng màn hình vi tính, ngón gõ phím, tay di chuột và không có một lời nào được thốt ra...

LÊ HUỲNH ANH THY 

(TÂN BÌNH, TP.HCM)

Lạc quan với “Thế hệ tôi”

06/08/2013 21:23 (GMT + 7)

TTCT - 1. Câu chuyện về những người trẻ - những kẻ đang tác động vào xã hội với tất cả sự sung mãn nhất của lứa tuổi ở thời điểm nào cũng có.

Có một “Thế hệ tôi”? (Xem TTCT từ số đề ra ngày 28-6)

Những con người ích kỷ, mê công nghệ và lười lao động - đó là phác thảo sơ nét về thế hệ Tôi - Tôi - Tôi. Nhưng có nên bi quan về họ?

Ở góc độ rộng lớn đã từng có những định nghĩa về thế hệ X (sinh ra sau Thế chiến thứ hai, trong giai đoạn bùng nổ trẻ em những năm 1960-1980), thế hệ Y (sinh từ đầu những năm 1980 đến đầu những năm 2000). Nhỏ hơn trong cộng đồng có thế hệ Peter Pan (sống với cha mẹ lâu hơn, trì hoãn việc trưởng thành), thế hệ “chuối” (chỉ những đứa trẻ gốc châu Á, da vàng nhưng mang văn hóa của người da trắng)...

Trong những cách nhìn về thế hệ này, không thiếu những đánh giá một chiều và lo ngại về sự phá hủy những trật tự xã hội vốn đã định hình sẵn.

Tuy nhiên, ở góc độ tích cực hơn, với suy nghĩ kẻ phá hủy là kẻ xây dựng, sự xuất hiện của những thế hệ mới hàm chứa trong nó không ít nét tích cực. Câu chuyện của Times về thế hệ Millennial (như TTCT số đề ra ngày 7-7 trích giới thiệu) không là hiện tượng cá biệt của nước Mỹ, trong không gian phẳng hiện nay.

“Khái niệm thành công của xã hội hiện đại chủ yếu hình thành từ hai yếu tố: tiền bạc và quyền lực... Nhưng nó chỉ là hai chân của một cái ghế, bạn trẻ có thể tạm đứng trên chiếc ghế đó một thời gian, nhưng sẽ khó giữ thăng bằng nếu thiếu một thước đo thứ ba, đó là sự khỏe mạnh, thông thái, biết tự đặt câu hỏi và biết cho đi”.

Arianna Huffington

2. Trong những lo ngại về nhóm trẻ tự đề cao cái tôi cá nhân quá mức, tôi nhìn thấy những hình ảnh người trẻ độc lập hơn thế hệ cha anh của họ. Họ dám phản biện, dám thể hiện cái tôi vốn khép kín của một xã hội phương Đông truyền thống.

Trong tiến trình phát triển, xã hội Việt Nam đã từng có thời kỳ đóng hộp tất cả mọi nhu cầu. Sự giống nhau khiến xã hội chỉ tồn tại một màu. Điều tốt đẹp là không có khoảng cách giữa những người trong xã hội, nhưng vì ai cũng như ai nên không ai có động lực để lao động, năng lực sản xuất đi xuống, đất nước trì trệ trong một thời gian dài.

Quá trình cải cách những năm 1990 đã tạo ra động lực thay đổi, những người sinh năm 1980 trở về sau lớn lên với những điều kiện tốt hơn thế hệ cha anh mình. Họ dám lăn xả và nắm bắt những cơ hội mới của thời kỳ mở cửa. Họ là một phần của “Thế hệ Tôi”.

“Thế hệ Tôi” thích những sự mới lạ, thích thể hiện cái tôi. Điều này trái với quy tắc thứ bậc trong xã hội. Nhưng sự đổi mới nào không cần đến phá cách?

Tôi nhớ cách đây một vài năm, báo chí rầm rộ đưa tin trang web của Bộ Giáo dục - đào tạo bị xâm nhập. Người làm việc đó là một học sinh cấp III. Em làm vì bản thân phát hiện lỗ hổng trong hệ thống dữ liệu của trang web. Sau những cố gắng thông báo cho người quản trị mà không được hồi đáp, em đã tự mình thâm nhập vào lỗi mạng đó và chiếm quyền kiểm soát, không quên để lại tên và thông tin liên hệ.

Trong câu chuyện về em học sinh đó, những người ở thế hệ ba mẹ tôi trầm ngâm bảo rằng em dại dột, nhưng những thanh niên ở tuổi em lại cảm thấy một chút đồng cảm, pha chút tự hào về thành tích này. Sự mâu thuẫn trong nhìn nhận một vấn đề luôn tồn tại khi còn tồn tại khoảng cách giữa các thế hệ.

3. Bên cạnh đó, thế hệ sau luôn là sản phẩm kế thừa của thế hệ trước. Những người phàn nàn về sự ích kỷ của “Thế hệ Tôi” chỉ nhìn vào kết quả mà quên đi nguyên nhân tạo ra họ. Có nhiều yếu tố tác động đến nhóm người của thế hệ Tôi - Tôi - Tôi. Sự phát triển của công nghệ thay đổi mô thức giao tiếp, thay đổi cơ chế thăng tiến, tạo ra một thế hệ thụ hưởng mới. “Thế hệ Tôi” nghiễm nhiên được tiếp cận với những phát kiến của thế hệ cha anh.

Đầy đủ tiện nghi và vật chất, thiếu vắng sự quan tâm của gia đình, tất nhiên sẽ nảy sinh sự ích kỷ và cái tôi quá lớn. Điều này lý giải cho câu chuyện hiện thực xã hội quyết định tính cách của một thế hệ. Tại Mỹ, thế hệ vĩ đại (The greatest generation) (*) đã xây dựng nên một nước Mỹ siêu cường sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Còn ở Việt Nam, cuộc chiến tranh giải phóng đất nước cũng làm nên một lớp thanh niên đầy chất lý tưởng và cống hiến.

Hiện tượng một số thanh niên chỉ biết đến lợi ích cá nhân, sống ỷ lại sau những năm 1990 cho thấy thế hệ này đã được cung cấp vật chất quá mức như một hình thức bù đắp cho những năm tháng thiếu thốn. Người bù đắp không ai khác là những người cha, người mẹ đã đi qua những năm gian khó của đất nước.

Sự bùng phát kinh tế như một cỗ xe không phanh cuốn mọi người vào chuyến hành trình đến với của cải, bỏ rơi bên đường các giá trị đạo đức, nhân phẩm của con người. Có thể dễ dàng thấy sự khác biệt về nỗ lực và sự kiên nhẫn khi so sánh giữa một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nông thôn với một đứa trẻ lớn lên ở thành phố.

4. Như vậy, với cái nhìn lạc quan về sự phát triển của các thế hệ, tôi tin sự xuất hiện của “Thế hệ Tôi” là một sự tất yếu. Chúng ta đã tạo ra thế hệ Tôi - Tôi - Tôi thì hãy chấp nhận nó như là một phần của cuộc sống, và tin rằng họ sẽ tìm ra “thước đo thứ ba” cho thành công của họ.

Trò chuyện với các sinh viên Đại học Smith (một đại học tư về khoa học xã hội cho nữ sinh viên ở Northampton, bang Massachusetts), bà Arianna Huffington, tổng biên tập báo The Huffington Post, đã nói về “thước đo thứ ba” này.

Theo bà, khái niệm thành công của xã hội hiện đại chủ yếu hình thành từ hai yếu tố: tiền bạc và quyền lực... Nhưng nó chỉ là hai chân của một cái ghế, bạn trẻ có thể tạm đứng trên chiếc ghế đó một thời gian, nhưng sẽ khó giữ thăng bằng nếu thiếu một thước đo thứ ba, mà theo bà, đó là “sự khỏe mạnh, thông thái, biết tự đặt câu hỏi và biết cho đi”.

Và qua tâm sự của tác giả Bảo Nhi, Vĩ Anh (trên TTCT số đề ra ngày 21-7-2013), chúng ta đã thấy không ít bạn trẻ Việt sở hữu “thước đo thứ ba” này của thành công.

Hi vọng vào sự ổn định của xã hội về đời sống vật chất và tinh thần sẽ góp phần tạo nên một thế hệ người Việt trẻ khắc phục được những nhược điểm của thế hệ trước: tự tin nhưng không ích kỷ, IQ phát triển cùng EQ, xây dựng mục tiêu cá nhân trong sự tổng hòa mục tiêu xã hội và cộng đồng.

LAN HƯƠNG

(*): The greatest generation là một thuật ngữ của nhà báo Tom Brokaw, nhằm chỉ những người sinh ra và lớn lên sau cuộc đại khủng hoảng, liền sau đó là Chiến tranh thế giới thứ 2. Họ tham gia cuộc chiến không vì danh tiếng hay để được công nhận mà xem đó như một bổn phận phải làm (http://en.wikipedia.org/wiki/Greatest_Generation)

Khi công nghệ phủ sóng khắp hành tinh, việc gửi một thư điện tử từ trên lầu xuống tầng dưới rất nhanh, nhưng chỉ cần một chút trục trặc thì có khi bạn cầm thư (bằng tay) chạy (bằng chân) xuống gửi tận tay người nhận có khi còn nhanh hơn. Tuy nhiên trường hợp dễ nhận thấy là chúng ta sẽ la lối mắng nhiếc không tiếc lời cái đường truyền chết tiệt hay cái máy tính ”cùi bắp” nào đó.

Những người máy sinh học?

Giờ đây không hiếm người tư duy theo quan điểm “Tôi sành điệu - tôi hiện đại tức tôi tồn tại”, vì vậy họ sẵn sàng thức đêm thức hôm để mua bằng được điện thoại đời mới, hãnh diện khi trang bị cả dàn “xinê trong nhà”, hạnh phúc biến mình thành cái giá đeo lủng lẳng đủ thứ công nghệ nghe nhìn kỹ thuật số mới nhất, chí thú với những kết nối trên mạng, hào hứng đăng vài cảm nhận cá nhân, sung sướng với vài lời khen ngợi từ những người không quen biết...

Sao cũng được, bởi chúng ta không thể ngăn được sự phát triển của khoa học công nghệ và nói chung là không nên làm thế vì điều đó đi ngược lại quy luật của cuộc sống trí tuệ và mục tiêu của nhân loại. Dù không ai tiên đoán chính xác con người sẽ phát triển đến mức nào nhưng chắc chắn không ai muốn giới hạn khả năng của mình, và nếu có phải trả một cái giá nào đó hẳn con người cũng sẵn sàng thử vì thật ra chẳng ai biết rõ ràng điều gì sẽ xảy ra.

Với đủ mọi hình thái phát triển từ suy diễn, tưởng tượng trên màn ảnh đến những nghiên cứu khoa học, rất nhiều người trẻ được cảnh báo đủ thứ về các thảm họa có thể có khi họ đánh mất sự tương tác thật sự với cuộc sống. Nhưng ai cũng nghĩ không phải tại họ và hi vọng sự trừng phạt hay trả giá nếu có sẽ... chừa mình ra vì mình tốt, mình đâu có lạm dụng gì, chẳng qua là vì mình sinh... nhầm thời đại, mở mắt ra là đã thế rồi, không xài thì lạc hậu sao (?).

Với sự tiến bộ chóng mặt của công nghệ hiện đại, biết đâu chúng ta sẽ phát cuồng chào đón viễn cảnh có thể tiến đến một thế hệ “người máy sinh học”, khi mà chúng ta sống để phục vụ máy móc hoạt động chứ không phải máy móc hoạt động để phục vụ chúng ta sống!

“Tác dụng phụ” của công nghệ?

Và như thế, ngoài việc chịu sự chi phối từ máy móc ra, con người giờ đây còn bị ảnh hưởng bởi những “tác dụng phụ” như là một sản phẩm khác của thời đại máy móc: họ yêu nhanh, chia tay dễ dàng, sợ ràng buộc nhưng lại xem đó là sự dứt khoát; thiếu kiên nhẫn với những đòi hỏi của công việc nhưng lại xem chuyện nhảy cóc hai ba việc trong một năm là thành tích; đổ lỗi cho khách quan để che giấu những khuyết điểm bản thân.

Tất cả đều cho thấy sự sợ hãi, thiếu hay yếu khả năng giải quyết vấn đề, chúng khác xa chân dung tự họa đầy kiêu hãnh của bạn trẻ trước cuộc sống.

Khi sở hữu công nghệ cao, không ít bạn trẻ đã cho mình là “đỉnh” thay vì tìm hiểu nên dùng công nghệ đó vào việc gì. Ngay cả cách nhìn nhận của “Thế hệ Tôi” về sự tách rời của bản thân với xã hội và người thân dường như cũng nhuốm màu tự hãnh kiểu như “Sao tôi có mọi thứ (đẹp, tốt, có tài, năng động, hiện đại) mà cuộc sống lại vô vị thế này?”.

Thay vì ngồi đó tự vấn như vậy, có lẽ chúng ta nên tự nhấc mình ra khỏi những ngộ nhận về cái tôi để đừng tự đóng kén mình trong những comment quanh quẩn. Chẳng ai buộc bạn phải chọn lựa giữa công nghệ hay cuộc sống thực tế, bạn vẫn có thể kết hợp hai thứ đó với tinh thần chấp nhận rủi ro và sẵn sàng trải nghiệm hơn là tự đặt quá nhiều câu hỏi mà chẳng chịu động tay vào việc gì.

Nếu bạn cứ mãi giậm chân mà không chịu nhảy vì sợ bị gãy chân thì một cách nào đó bạn cũng đã tự làm gãy chân mình rồi đấy!

NGỌC MINH

Để cái tôi hòa hợp với những giá trị xã hội khác

12/08/2013 22:15 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Tham gia Câu chuyện cuộc sống “Có một Thế hệ Tôi”, nhiều độc giả đã nêu ra những băn khoăn, kể cả những câu hỏi về lựa chọn cách sống trong thời buổi công nghệ và chủ nghĩa vật chất đang được coi trọng.

Những giá trị “mì ăn liền”

* TTCT: Do tính chất công việc, các cô từng tiếp xúc với nhiều bạn trẻ. Nếu tóm gọn những tính cách, đặc điểm của họ, các cô sẽ nói về họ thế nào? Có giống như “Thế hệ Tôi” mà TTCT từng đề cập không?

- TS Thanh Huyền: Tôi thấy bài viết trên báo các bạn có nhiều điểm giống với các sinh viên mà tôi dạo này thường gặp. Họ có khá nhiều điểm khác với sinh viên của tôi cách đây khoảng một thập niên. Họ thực dụng hơn.

Ví dụ, khi tôi hỏi sinh viên làm sao để họ hào hứng tham gia những sự kiện mà khoa tổ chức thì câu trả lời là: Cô hãy đưa ra nhiều lợi ích về vật chất như quà tặng, tài liệu, suất ăn miễn phí..., chứ nếu chỉ có lợi ích tinh thần thì may ra chỉ thu hút được một lần thôi! Nhiều người không chăm chỉ và trong sáng bằng các thế hệ trước. Ví dụ, để giải bài tập được giao, nhiều sinh viên thường tìm kiếm phương án trả lời sẵn có trên mạng rồi copy và paste, thay vì đọc sách và suy nghĩ.

Một số đáng kể cũng thích tô vẽ cho bản thân, nhưng bắt chước nhiều hơn là xây dựng cá tính để gây ấn tượng...

- ThS Ngọc Dung: Tôi chọn cách nhìn các bạn tôi gặp theo lăng kính nhiều chiều.

Ở khía cạnh động cơ hành động, nhu cầu được xã hội tôn trọng là nhu cầu cao nhất. Trong bối cảnh xã hội cạnh tranh, nếu mọi người đều có khả năng học tập và kỹ năng như nhau, bạn sẽ phải làm mình nổi bật bằng cách nào?

Sự độc lập và thành tựu của cá nhân trở thành thước đo thành công. Khát khao tạo ra sự khác biệt ngay lập tức có thể dẫn đến hành động tạo ra những giá trị hư danh ngắn hạn và một vài bạn có thể bằng mọi cách thực hiện nó, bất chấp nó có phù hợp với chuẩn mực xã hội - văn hóa hay không. Có thể gọi đây là những giá trị “mì ăn liền”, xuất hiện khắp nơi và được các bạn đề cập.

Tôi thật sự lo ngại cho những bạn trẻ quên mất tầm quan trọng việc xây dựng mối quan hệ của họ với cộng đồng. Những đóng góp vào cộng đồng (như gia đình, tình bạn và nỗ lực xây dựng sự tin cậy) mới thật sự là giá trị nền tảng và lâu dài bạn nên đeo đuổi. Thống kê có đến 75% các bạn sinh từ năm 1980 tham gia cộng đồng mạng xã hội, và trong số đó rất nhiều người được cho là “ngây thơ” tin tưởng hoàn toàn vào cộng đồng ảo đó.

Chính vì lẽ đó, để xây dựng một hình ảnh TÔI độc đáo, một số bạn trẻ có thể vô tư đưa những hình ảnh riêng tư hoặc những câu nói gây tức giận lên mạng, từ đó thu được sự nổi tiếng trong tức thời. Họ không biết rằng những gì được đưa lên thế giới mạng sẽ không thể nào xóa hết hoàn toàn. Và điều đó có thể gây rắc rối cho bạn trong thời gian dài.

* Đúng vậy. Các bạn trẻ thừa nhận họ bị ám ảnh bởi công nghệ, nghiện truyền thông xã hội. Tác giả Ngọc Minh biện hộ rằng họ không có lỗi khi “sinh nhầm” thời đại?

- TS Thanh Huyền: Ngọc Minh nói đúng. Trước đây, khi công nghệ truyền hình bùng nổ, nhiều người đã lo lắng con người sẽ ít quan tâm chia sẻ, lắng nghe nhau hơn. Nhưng rồi bạn thấy đấy, xã hội vẫn phát triển, các giá trị nhân bản nhất vẫn còn đó, và dường như ai cũng hào hứng hơn khi có các công nghệ truyền thông mới.

Tôi thấy không cần quá lo lắng. Bạn trẻ hoàn toàn có quyền trải nghiệm các công nghệ đang có trong thời đại của họ. Tự họ sẽ điều chỉnh để đạt được sự cân bằng cho chính mình.

- ThS Ngọc Dung: Hãy lấy ví dụ về Thủ tướng Anh Cameron tuyên bố sẽ không cho phép con của mình tiếp cận Facebook mà không có sự giám sát. Lý do thứ nhất, bất cứ những gì được đưa lên mạng sẽ không bao giờ bị xóa, dù bạn có nhấn nút delete nó.

Thứ hai, bạn cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa thông tin lên mạng xã hội. Bạn có khả năng cân đối được những rủi ro và tác động lâu dài đến sự nghiệp tương lai khi bạn đưa những quan điểm hay hình ảnh tiêu cực lên mạng xã hội hay không?

Công nghệ dường như đang thay đổi cả thế giới. Trong xã hội thực, tùy thuộc vào bối cảnh xã hội, mỗi người sẽ đóng những vai trò khác nhau (là người con trong gia đình, là sinh viên trên giảng đường...) và dĩ nhiên ai cũng phải có trách nhiệm làm tròn vai trò đó. Khi Internet và mạng xã hội xuất hiện, bạn có thể tự xây dựng hình ảnh mới của mình với thế giới, làm cho mình trở nên riêng biệt, cá tính, khác hẳn con người thật và những vai trò mà mình đang được giao trong xã hội thật.

Rõ ràng công nghệ không có lỗi, lỗi ở đây là bạn không học cách tự kiểm soát được hành vi của mình.

* Mới đây nhất đã có những cảnh tỉnh về tình trạng nghiện điện thoại thông minh, Internet. Họ phải làm gì đây?

- TS Thanh Huyền: Có lẽ không có giải pháp chung cho mọi trường hợp. Kinh nghiệm ở Hàn Quốc, nơi gần 100% dân số dùng Internet, ngay từ khi trẻ mới học mẫu giáo, cha mẹ, ông bà đã được chính quyền/nhà trẻ/cộng đồng... mời tham dự các lớp học chống độc trong Internet, game cho con em mình. Theo đó, các hoạt động chung của gia đình, cộng đồng... tạo ra không gian chia sẻ thực, và họ cũng tận dụng không gian ảo để làm không gian thực đó đạt hiệu quả cao hơn.

Với giảng viên chúng tôi, việc sinh viên mang laptop được kết nối WiFi vào giảng đường cũng là một câu chuyện cần có cách xử lý. Sinh viên có phương tiện công nghệ mà giảng viên biết cách khai thác cũng rất tốt, chẳng hạn giao cho họ tìm kiếm, xử lý thông tin về bài học ở mỗi tiết và yêu cầu họ báo cáo. Nếu không thì họ sẽ chat chit, lướt web, thậm chí mua sắm trên mạng suốt giờ học và nhìn chúng ta với đôi mắt hoàn toàn trống rỗng.

- ThS Ngọc Dung: Các nghiên cứu gần đây giả định xu hướng sử dụng Facebook của giới trẻ xuất phát từ hai nhu cầu: (1) gắn kết mọi lúc với cộng đồng nhóm và (2) thể hiện bản thân. Có thể nói một trong những lý do bạn không thể xa rời Facebook hay chiếc điện thoại là vì bạn không muốn tụt hậu so với nhóm bạn của mình.

Tâm lý giới trẻ còn có khái niệm hòa nhập giữa các nhóm bạn bè. Bạn có thể bị xem là lạc hậu nếu không biết được điều mà người khác biết. Điều bạn trẻ cần làm là cân bằng giữa đâu là cuộc sống thực và đâu là giá trị ảo, hư danh.

Bên cạnh đó, nếu xu hướng dùng Facebook của bạn xuất phát từ ý muốn thể hiện bản thân, bạn có thể dễ dàng bị cuốn theo những thông tin cá nhân, hoặc các vấn đề gây tranh cãi trong cộng đồng lên mạng. Bạn cần tự hỏi liệu có cần thiết phải gây ấn tượng bằng những vấn đề như vậy hay không?

Ứng xử với sự chân thành và trách nhiệm

* Nói về cái tôi, bạn Vỹ Anh nói cũng có nhiều kiểu “tôi”. Cái “tôi” độc lập thật sự của giới trẻ phương Tây, hay cái “tôi” của bạn trẻ Việt, những người phải dung hòa truyền thống phương Đông với những giá trị mới họ nhận được trong thế giới phẳng.

- ThS Ngọc Dung: Nền giáo dục của phương Tây dạy người trẻ trưởng thành thông qua việc đặt câu hỏi, tạo ra những tranh luận, thể hiện ý kiến cá nhân và tự đi tìm đáp án. Văn hóa Việt Nam, văn hóa Á Đông vốn coi trọng tính tập thể và khuyến khích cá nhân phải kiên nhẫn, vượt qua những chướng ngại, hoàn thiện bản thân, phấn đấu theo một tấm gương điển hình.

Dù kinh tế và công nghệ phát triển có làm thay đổi cách nhìn của giới trẻ về năng lực bản thân, thế giới tinh thần vẫn không thật sự phẳng như vậy, bởi sự phát triển của cái tôi vẫn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố truyền thống văn hóa nơi bạn đang sống.

Cuộc sống hiện đại có thể làm gia tăng sự bận rộn, thời gian dành cho bản thân được ưu tiên hơn cho gia đình và bạn bè. Song các giá trị về sức mạnh gia đình, tình yêu thương và tin tưởng là những thứ có thể không thay đổi. Bạn không thể cưỡng lại những giá trị văn hóa mà bạn đã được sinh ra và lớn lên, vì thế tại sao không học cách làm bạn với chúng?

Mặt khác, văn hóa Á Đông cũng có một chút điều chỉnh so với trước kia. Các quan hệ ngày nay được mở rộng ở góc độ tự nguyện thay vì bắt buộc tuân theo.

* Trong những cuộc tư vấn ở các trường, kiểu “tôi” nào các cô hay gặp nhất? Có kiểu “tôi” nào như bạn Hồng Hưng, là thủ lĩnh một diễn đàn mạng nhưng “sẩy chân” ra đời mới thấy mình chẳng là gì, thua cả một cô bé Nhật 18 tuổi (trong bài “Bản lĩnh là trong đời thực” của TTCT số ra ngày 14-7). Gặp những trường hợp đó, các cô sẽ nói gì?

- TS Thanh Huyền: Tôi rất thích sự “ngộ ra” của Hồng Hưng, và đó là cái kết rất đẹp trong câu chuyện của bạn ấy bởi có sự thức tỉnh. Kiểu “tôi” mà chúng tôi hay gặp hoặc là những sinh viên mới vào trường, hoặc sinh viên vừa ra trường. Thay đổi hoàn cảnh khiến họ bối rối nhiều hơn những trường hợp khác.

Với những tân sinh viên, họ thường băn khoăn về con đường phía trước, về cách đạt được mục đích, cách thích ứng trong môi trường học tập mới mà không bị thua bạn kém bè, về ý nghĩa cuộc sống và sự lựa chọn con đường học vấn của họ (nhiều em vào khoa tôi học nhưng lại không do ý mình mà do ý cha mẹ hay người khác)...

Tôi thường gợi ý họ gần gũi những sinh viên lớn hơn và thật sự giỏi theo đánh giá của tôi để học hỏi và chia sẻ được nhiều hơn với tinh thần “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Với những sinh viên mới ra trường, khi họ gặp các khó khăn trong công việc ở nơi làm, họ thường liên hệ với tôi để hỏi cách giải một đầu bài của sếp, cách hòa hợp với những người khác trong cơ quan, cũng có em không thích làm ở nơi cha mẹ sắp đặt nhưng không biết quyết định thế nào...

Tôi cũng đã ở trong những hoàn cảnh đó nên dễ dàng đồng cảm. Tôi thường động viên họ sẵn sàng trải nghiệm những thử thách, dù khó khăn vấp ngã. Nếu họ vấp ngã rồi thì biết trân trọng bài học từ sự vấp váp đó để đứng dậy. Trong ứng xử, không có gì quý hơn hai từ “chân thành” và “trách nhiệm”.

* Cảm ơn các cô đã dành thời gian cho TTCT.

TTCT thực hiện

Phubbing và một xã hội ngừng giao tiếp

17/08/2013 20:08 (GMT + 7)

TTCT - “Trong khi bạn cập nhật cho xong trạng thái của bạn, chúng tôi xin vui lòng phục vụ người lịch sự đang không cắm đầu vào điện thoại đằng sau bạn”. “Không Twitter, không Facebook, không Instagram, không Foursquare...: tôn trọng đồ ăn, âm nhạc và người bạn đi cùng”.

Có một Thế hệ tôi

LTS: Nghiện công nghệ đang đe dọa khả năng giao tiếp xã hội của “Thế hệ Tôi”. Đây là một hiện thực ngày càng được nhiều bạn trẻ nhận chân và cảnh báo, như phát hiện của sinh viên Úc 23 tuổi Alex Haigh, và tâm sự của một doanh nhân Thái Lan có bốn con gái mê giao tiếp ảo.

Đó là những khẩu hiệu bạn có thể in trên áo mặc mà trang web Stop Phubbing gợi ý. Stopphubbing.com là trang nhà của một chiến dịch trực tuyến chống lại cái mà họ gọi là “sự thống trị tàn nhẫn của công nghệ kỹ thuật số trên quy mô toàn cầu”.

“Dịch bệnh” phubbing

Được bắt đầu từ Alex Haigh, một sinh viên 23 tuổi vừa tốt nghiệp sống ở Melbourne, Úc, phubbing là một từ tiếng Anh mới, xuất phát từ hai chữ phone snubbing, có nghĩa là “phớt lờ một ai đó trong giao tiếp xã hội, tập trung hết sự chú ý vào điện thoại di động thay vì người đối diện”. Trang web của Haigh đưa ra nhiều tuyên bố thú vị: “97% những người được hỏi nói họ thấy thức ăn tệ hơn khi đi ăn cùng một kẻ phubbing” hoặc “92% những kẻ phubbing liên tục sau này trở thành chính trị gia”.

Thị trường điện thoại thông minh quy mô lớn mới chỉ tồn tại được khoảng 17 năm, iPhone mới ra đời được sáu năm và iPad ba năm, nhưng chúng đã thay đổi đời sống xã hội con người một cách tai hại, bên cạnh những tiện ích không thể chối cãi. Trang web của Haigh nêu bật một “sự thật mất lòng”: xử trí với con người trên màn hình dễ hơn là ngoài đời thật.

Phải thừa nhận là một chiếc điện thoại thông minh hiện giờ có thể kết nối với Internet ở bất kỳ đâu, và sự phát triển của công nghệ với các trang mạng xã hội, trò chơi điện tử trực tuyến, ca nhạc, phim ảnh, sách báo... tất cả đều gói gọn trong một thiết bị cầm tay nhỏ xíu, có sức mê hoặc rất lớn. Nhưng cũng chính bởi sức hút lớn mà sức phản kháng cũng lớn. Haigh nói với báo Mỹ Time rằng trang Stop Phubbing đã phải tạm đóng cửa vào tuần trước vì lượng quy cập quá lớn.

“Trang mạng của chúng tôi đang bùng nổ - Haigh nói với báo Úc Herald Sun. Có vẻ như bất kỳ ai cũng đều đã trải qua cảm giác bị phubbing”.

Chưa có thống kê đầy đủ nào về tình trạng phubbing, nhưng hơn một nửa người Mỹ (55%) sở hữu một chiếc điện thoại thông minh với đầy đủ tính năng gây sao nhãng, theo một cuộc thăm dò của Pew Research Center. Năm 2011, tác giả Sherry Turkle đã viết một cuốn sách với tựa đề Alone together (Đơn độc ở cạnh nhau), trong đó có những nghiên cứu định lượng về “tại sao chúng ta chờ đợi nhiều hơn ở công nghệ, nhưng lại lạnh nhạt hơn với nhau”.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm cách định lượng ảnh hưởng của điện thoại di động tới xã hội trong điều kiện thí nghiệm. Năm ngoái, các chuyên gia xã hội học ở Đại học Essex (Anh) đã công bố một nghiên cứu về sự xuất hiện của một chiếc điện thoại di động có thể ngăn cản tương tác trực tiếp giữa con người với nhau ra sao.

Trong nghiên cứu, nhà khoa học Andrew Przybylski và cộng sự đã tập hợp 74 người không quen biết thành các cặp đôi và yêu cầu họ thảo luận về một điều lý thú xảy ra với họ gần đây trong hai điều kiện khác nhau: một số cặp có điện thoại di động, các cặp kia chỉ có những mảnh giấy ghi chú. Sau 10 phút trò chuyện, những cặp có điện thoại di động có tỉ lệ trả lời “có” cho câu hỏi “Tôi và người bắt cặp có thể trở thành bạn” thấp hơn nhiều.

Người bù nhìn trước một thiết bị điện tử

Trong một thí nghiệm thứ hai, các nhà nghiên cứu tìm cách chứng minh rằng thảo luận trực tiếp về những đề tài thật sự có ý nghĩa, với một chiếc điện thoại di động bên cạnh rất có hại cho các mối quan hệ, vì những người đối thoại cảm thấy dễ bị tổn thương khi người nghe sao nhãng họ.

Và đó mới chỉ là điện thoại thông thường. Phubbing còn tệ hại hơn nhiều khi nó ngăn cản những kết nối thật sự giữa con người với con người khi người ta dành hết thời gian cho những kết nối ảo, những đường link và sự nổi tiếng trên mạng. Chính nhờ thế, chiến dịch Stop Phubbing đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi gần như ngay tức khắc.

Không ai muốn trở thành người bù nhìn trước một thiết bị điện tử, như trang Stop Phubbing tuyên bố: “Tất cả các bạn đã thấy điều đó. Chính các bạn có lẽ từng làm như thế. Đó là việc chơi với chiếc điện thoại của mình khi giao tiếp xã hội. Thành thực mà nói, như thế không khác gì nhổ vào mặt người khác. Hỡi những phubber chuyên đăng ảnh, video và các tin nhắn trên toàn thế giới, hãy cùng hành động chống lại tai họa hiện đại này”.

Phil Reed từ Đại học Swansea (Anh) khẳng định: “Phubbing lan tràn khắp thế giới. Thử tưởng tượng những cặp đôi trong tương lai ngồi cạnh nhau trong im lặng và mối quan hệ của họ dựa hoàn toàn trên việc cập nhật trạng thái ở các trang mạng xã hội cá nhân. Kỹ năng giao tiếp trực tiếp hoàn toàn biến mất. Ai đó phải làm gì đó về tai họa này”.

“Đây mới chỉ là bắt đầu. Phubbing sẽ còn tăng mạnh khi việc sử dụng Internet bằng điện thoại đang tăng trưởng nhanh hơn bao giờ hết và truy cập mạng toàn cầu qua máy tính ngày càng lỗi thời” - Tarek Daouk, trưởng bộ phận sáng tạo của công ty mạng toàn cầu có trụ sở tại Dubai, Starcom MediaVest Group, tiên đoán.

Điện thoại di động đã tới được 90% dân số toàn cầu tính tới quý 1-2013 và số đăng ký thuê bao điện thoại hiện vào khoảng 6,4 tỉ, xấp xỉ dân số thế giới, theo báo cáo Mobility của Hãng Ericsson vừa công bố. “Tôi từng đi cùng một nhóm bạn khi vào nhà hàng, có quy định là phải để tất cả điện thoại lên bàn và ai không cưỡng lại việc kiểm tra tin nhắn hay lướt web sẽ là người phải thanh toán tiền cho bữa ăn” - chuyên gia công nghệ người Saudi Arabia Khaldoon Said chia sẻ một kinh nghiệm chống phubbing.

HẢI MINH

Đích đến còn là trái tim nhân hậu

Khi còn nhỏ, tôi không bao giờ nghĩ trong tương lai mình sẽ có cuộc sống thuận tiện như hiện nay với chiếc smartphone (điện thoại thông minh) trong tay. Nhờ nó mà tôi có thể làm việc gần như mọi lúc mọi nơi, xử lý công việc lúc 8g sáng hay thậm chí lúc nửa đêm khi nằm trên giường ngủ.

Mặc dù vậy, tôi vẫn muốn nhấn mạnh đến tác động xấu của công nghệ. Với một chiếc smartphone trong tay, giới trẻ giờ đây có thể tiếp cận mọi thứ, kể cả những đoạn phim không lành mạnh. Tôi có cảm giác giới trẻ “sống” trên mạng quá nhiều đến nỗi họ không có được những kiến thức thực tiễn cần thiết và thiếu hiểu biết sâu sắc về thời cuộc.

Một thống kê cho thấy giới trẻ Thái Lan dành trung bình đến bốn giờ rưỡi mỗi ngày cho “cuộc sống” trên thế giới ảo. Nghĩa là họ dành đến hơn 1/4 thời gian còn lại trong ngày ngoài tám tiếng để ngủ cho việc lướt web, vào mạng xã hội hay chat chit. Điều đáng nói là nhiều người trẻ tuổi lại thích chat chit những thứ vô bổ hoặc không có lợi gì cho cuộc sống của mình.

Một hôm nọ, tôi ăn tối cùng vợ và bốn cô con gái ở nhà, một trong những lần hiếm hoi chúng tôi có thể ngồi lại cùng nhau như thế vì tôi quá bận bịu với công việc kinh doanh của mình. Lúc ấy, tôi hoàn toàn sửng sốt khi thấy mấy cô con gái không nói chuyện với nhau trong suốt bữa ăn mà lại trò chuyện với nhau qua công cụ chat trên smartphone của chúng! Tôi lập tức nói với vợ: “Không được rồi, chúng ta phải điều chỉnh chúng ngay, thế giới mạng đầy rẫy những cạm bẫy và lừa lọc”.

Nếu giới trẻ cứ nghiện thế giới ảo như thế này thì dần dần họ sẽ mất đi những kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực. Đó là chưa kể họ dễ bị lừa do cứ mải mê trên mạng nên thiếu kinh nghiệm và vì thế không phân biệt được đâu là lời nói thật, đâu là lời nói dối, đâu là đúng, đâu là sai trong vô vàn những lời “có cánh” và những thông tin thật giả lẫn lộn trên chốn ấy.

Trong thế giới ảo ai cũng có thể dùng lời hay ý đẹp để huyễn hoặc người khác dù cho thực tế họ có thể không nghĩ hoặc không là như vậy. Tôi xin phép nói thẳng rằng nếu cứ tiếp tục như thế này, giới trẻ sẽ không hiểu biết gì về thực tại xung quanh mình và rồi sẽ dần trở nên ngốc nghếch. Tôi thật sự lo ngại!

Ai đó có thể nói rằng giới trẻ hoàn toàn có thể tự điều chỉnh và đạt được thành công trong cuộc sống mà không cần kinh nghiệm của người lớn dẫn đường. Tôi thì nghĩ khác, họ có thể thành công về mặt vật chất, trở nên giàu có nhưng đó không phải là thành công thật sự. Đích đến trong cuộc sống nên là sự sẻ chia chứ không đơn thuần là giàu có.

Thế giới đang tôn sùng vật chất và tiền bạc, nhiệm vụ của thế hệ đi trước như chúng ta là giúp thế hệ trẻ nhận ra rằng đó không phải là đích đến của một con người khi sinh ra trong cuộc đời này.

Thành công thật sự của một con người là mang đến những gì tốt đẹp nhất cho thế giới này. Chính vì thế, tôi hoàn toàn ủng hộ giới trẻ với mong muốn đạt được nhiều thành tựu về mặt kinh tế nhưng sẽ trọn vẹn hơn nếu họ mang trong mình một trái tim nhân hậu, biết cảm thông, chia sẻ với người khác. Có thể giới trẻ khó chấp nhận ngay những sự sẻ chia từ những người lớn tuổi ngay hôm nay nhưng chúng ta phải kiên nhẫn!

Supachai Verapuchong 

(doanh nhân Thái)

Việt Toàn (ghi)

Đi, để hỏi

19/08/2013 22:57 (GMT + 7)

TTCT - 1. Cuối tháng 6-2013, tôi xách balô lên máy bay đi Úc để tham gia Young Leaders Program (*) với hi vọng khi quay lại, bản thân mình sẽ có những thay đổi nhất định. Và kết quả là trở về từ đây tôi đã biết... đặt nhiều câu hỏi cho bản thân mình.

Ngày đầu tiên, cô Jo, một luật sư, nói chuyện về dân tị nạn. Cô chỉ vào poster có vô số hình người được vẽ dưới dạng hoạt hình với những hình dạng, màu sắc khác nhau và bảo: “Hãy chỉ cho tôi một dân tị nạn trong bức poster này”. Chúng tôi đảo mắt nhìn từ trên xuống dưới và cuối cùng chỉ vào hình người đàn ông để ria mép, mặc áo ba lỗ, quần đùi.

Cô Jo lắc đầu và nói: “Hãy nhìn vào người phụ nữ đứng kế bên ông ta xem, bà ấy cũng có thể là dân tị nạn đấy. Hay người thanh niên đứng dưới, hay đứa bé gái ở ngoài cùng hàng 2, hay cụ già ở...”. Cô chỉ ra cho chúng tôi hiểu rằng dân tị nạn có thể là bất kỳ ai, cũng giống như chúng ta, nhưng họ chỉ khác ta một điều là họ bị mất nhà cửa, đồ đạc, người thân - những thứ quan trọng nhất trong đời.

Hôm sau chúng tôi được dẫn đến tòa nhà quốc hội bang Victoria và cùng nhau tranh luận vấn đề “Chính phủ Úc có phải chịu trách nhiệm về cơn khủng hoảng dân tị nạn không? Liệu chính phủ có đang lợi dụng cơn khủng hoảng này?”. Những câu hỏi quá lớn để chúng tôi có thể đưa ra câu trả lời xác đáng. Nhưng chúng tôi, những học sinh 16, 17 tuổi đến từ nhiều nước, đã tìm hiểu, bàn bạc và tranh cãi hăng say để bảo vệ quan điểm của mình.

Trong buổi tranh luận, những lý lẽ chúng tôi đưa ra có thể đúng, có thể sai, nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là chúng tôi đã được mở mang tầm mắt và hơn hết là học cách quan tâm đến những vấn đề ngoài bản thân mình, ngoài đất nước mình. 

2. Trong chuyến đi này, điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất là buổi tham quan nhằm hiểu thêm về người vô gia cư được thực hiện bởi Tổ chức phi lợi nhuận Urban Seed. Chúng tôi được anh Chuck, thành viên của Urban Seed, đặt câu hỏi: “Khi nghe đến người vô gia cư, các bạn nghĩ đến những từ khóa gì?”. Chúng tôi lần lượt đưa ra câu trả lời: đàn ông, cướp bóc, lớn tuổi, say xỉn, tâm thần...

Sau đó, Chuck dẫn chúng tôi băng qua hàng loạt trung tâm thương mại xa xỉ đến một con hẻm nhỏ chằng chịt các hình vẽ graffiti trên tường và nồng nặc mùi nước tiểu. Anh nói đây là nơi những người vô gia cư thường đến để ngủ và dần dần rơi vào hố đen vô tận của tệ nạn xã hội. Anh nhắc lại những định kiến về người vô gia cư của chúng tôi và khẳng định rằng chúng tôi đã sai. Chuck cho biết hơn 50% người vô gia cư ở đây là thanh thiếu niên và phụ nữ.

Để rõ thêm, anh kể cho chúng tôi nghe về một thiếu niên vô gia cư 15 tuổi giải tỏa nỗi buồn bằng việc chơi thuốc. Vào ngày Valentine, cậu muốn ăn mừng và rủ bạn gái mình cùng chơi thuốc. Sau khi đã lả mệt, cô bạn gái gục vào vai cậu và nhắm mắt. Đêm xuống, cậu lay cô ấy dậy mãi không được và chợt nhận ra cô đã tắt thở. Cô chết vì sốc thuốc, ngay trên vai cậu.

Tiếp theo, Chuck dẫn chúng tôi đến cuối một con hẻm không người qua lại. Anh chỉ vào góc khuất có đèn sáng và giới thiệu đây là nơi người vô gia cư đến để chích heroin. Tôi xúc động mạnh khi nhìn dòng chữ được viết trên tường “Heroin is my friend and my enemy.[…]. I don’t know if I belong to the bush or the city” (tạm dịch: Heroin vừa là bạn vừa là kẻ thù của tôi. […]. Tôi không biết rằng tôi thuộc về nơi nào, bụi rậm hay thành phố).

Chuck bảo việc phá hủy tất cả đường dây buôn bán heroin hoặc cấm người vô gia cư chích heroin là một chuyện ngoài tầm của chính phủ, huống chi đối với một tổ chức nhỏ như Urban Seed.

Vậy nên Urban Seed đã giúp người vô gia cư nghiện heroin bằng cách tạo cho họ một môi trường an toàn để chích heroin: gắn đèn ánh sáng trắng vào góc khuất trên nhằm giúp họ tìm ven dễ hơn, tránh việc chích bừa; đặt một vòi nước sạch để họ pha lỏng bột heroin vì có nhiều người pha bột heroin bằng Coca Cola hoặc tệ hơn là nước tiểu khi họ không có nguồn nước sạch...

3. Ở xứ mình, khi bạn 17 tuổi - cái tuổi mà người lớn vẫn gọi là “ăn chưa no lo chưa tới”, những gì bạn được người lớn khuyên bảo hầu như chỉ là học thật tốt để thi đại học, kiếm bằng cấp, kiếm việc làm và... thu nhập cao. Đó quả là lời khuyên vô cùng hữu ích. Song  ngẫm lại nếu bạn bị cuốn vào guồng quay đã được định sẵn này, bạn sẽ vô tình sống một cuộc sống tẻ nhạt, ích kỷ và chỉ vì bản thân mình.

17 tuổi, bạn đã đủ lớn để bước ra khỏi vỏ bọc êm ái, nhìn ra xung quanh  và thấy được những mặt lồi lõm xấu xí của thế giới này. 17 tuổi, bạn đã đủ lớn để nghe những câu hỏi về những vấn đề nhức nhối của xã hội, của nhân loại và tự đặt cho mình câu hỏi: “Mình có thể làm gì để giúp giải quyết những vấn đề này?”.

Tôi cũng như bạn, ở tuổi 17, chúng ta cần rất nhiều thời gian và công sức để tìm câu trả lời. Nhưng tôi tin đến một ngày, sau những nỗ lực và cố gắng, nếu biết đặt câu hỏi, chúng ta sẽ có câu trả lời...

ĐOÀN LÊ QUỲNH TRÂN 

(Trường phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM)

(*): Young Leaders Program: chương trình sinh hoạt ngoại khóa hai tuần do Trường Trinity College (thuộc Đại học Melbourne, Úc) dành cho học sinh 14-17 tuổi đến từ các nước. Học sinh sẽ được chia sẻ, trao đổi, tranh luận về những vấn đề nổi bật của thế giới như sự nghèo đói, thiếu nước sạch, quyền trẻ em...

Bản sơ yếu đầu năm

27/08/2013 09:42 (GMT + 7)

TTCT - Ngày đầu năm học, lớp con trai tôi là lớp cuối cùng ra khỏi trường. Con trai thấy mẹ nói ngay: “Mới ngày đầu tiên mà thầy chủ nhiệm bắt tụi con viết nhiều quá chừng”. “Viết gì hả con?”. “Thầy sinh hoạt nội quy xong, kêu tụi con viết những quy định phải chấp hành, xong rồi viết nộp cho thầy sơ yếu lý lịch. Mà thầy hỏi nhiều lắm mẹ”.

“Chắc là tên tuổi, ngày tháng năm sinh, tên cha mẹ, nghề nghiệp... chứ gì?” - tôi gợi. Con trai hào hứng: “Nếu vậy nói làm gì! Thầy hỏi nhiều câu không giống những bản sơ yếu khác đâu. Thí dụ ngoài những câu như mẹ nói... thầy còn hỏi: Em có sống cùng cha mẹ không, nếu không sống cùng cha mẹ thì em sống với ai? Vì sao? Em có khó khăn, túng thiếu gì không? Em có nỗi oan ức nào không thể nói ra không? Em thích làm gì? Năng khiếu của em là gì?...”.

Tôi lặng đi một lúc. Rồi hỏi con: “Vậy con có nỗi oan ức nào không? Con có kể ra không?”. Con trai hồn nhiên: “Không có mẹ. Con chỉ nghĩ hoài mình có năng khiếu gì không. Cuối cùng con viết là con thích đánh cờ tướng...”. “Các bạn con thì sao?”. “Con đâu biết. Con lo viết phần của con. Nhưng con thấy mấy bạn cũng viết nhiều lắm... Nên lớp con mới ra cuối cùng đó”.

Câu chuyện của con làm tôi suy nghĩ suốt đường về. Con trai đã học tới lớp 9 và đây là buổi học đầu tiên mà giáo viên chủ nhiệm có thể làm con ấn tượng như vậy. Những câu hỏi của một bản sơ yếu... Dễ hiểu vì sao thầy hỏi các con đang sống với ai. Xã hội hiện nay đã khác xưa lắm rồi. Những gia đình truyền thống đang ngày càng mỏng manh.

Năm ngoái, khi đi họp phụ huynh, lớp của con có những bạn mà người đi họp phụ huynh không phải là cha mẹ. Có em được bà ngoại đi họp vì cha mẹ bỏ nhau, em sống cùng bà ngoại và mẹ đi làm ăn xa. Bà ngoại đến lớp không biết ngồi vào đâu mặc dù trên bàn đã viết tên từng em để phụ huynh ngồi vào chỗ con mình. Hỏi ra mới biết bà không biết chữ... Những cảnh đời như vậy đã khiến thầy bổ sung câu hỏi “em sống cùng ai”...

Nhưng còn “những nỗi oan ức”? Đúng vậy. Chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ có câu hỏi đó trong một bản sơ yếu đầu năm, nhưng khi mỗi gia đình có những câu chuyện mà không phải ai cũng có thể sẻ chia thì làm sao bạn biết mỗi đứa trẻ đến lớp mang theo những nỗi niềm nào?

Hôm qua, lúc chờ đón con, tôi bắt chuyện với một phụ huynh có con học cùng lớp con trai tôi. Chị nói: “Con mình may lắm đó, được thầy chủ nhiệm”. Chị cho biết ba năm trước con đầu của chị, năm nay vừa đậu đại học, cũng từng là học sinh lớp 9 được thầy chủ nhiệm, và kể:

"Chị biết không, ngày họp phụ huynh để thầy tư vấn chọn nguyện vọng cho các con mới biết thầy sâu sát tụi nhỏ thế nào. Chỉ cần phụ huynh nói tên học sinh và ba nguyện vọng chọn trường của cháu, thầy có thể nói ngay chọn lựa đó có đúng với sức học của em không, và nếu thay đổi thì nên như thế nào. Còn con mình, mình vừa nói tên và trường, thầy cũng nói ngay: Chọn vậy là đúng rồi, cứ yên tâm cho con đi thi. Năm nay may quá, thằng em lại được học thầy...”.

Tôi cũng mừng với chị. Mừng cho con tôi được vào lớp thầy chủ nhiệm. Nhưng không chỉ vậy. Trong niềm vui của tôi có “nỗi oan ức” mà thầy hỏi các trò vào ngày đầu năm. Tôi không biết có em nào kể cho thầy nghe chuyện của mình sau buổi học đầu tiên đó hay không, nhưng tôi biết là có một cánh cửa đã mở cho những mái đầu hồn nhiên. Cánh cửa trái tim của một Người thầy.

THANH THÚY

Can thiệp hay chia sẻ?

27/08/2013 11:30 (GMT + 7)

TTCT - Mỗi một giai đoạn ta lại có một cái tên khác nhau cho lớp trẻ mới lớn. Lúc còn nặng về nông nghiệp thì đó là tuổi cập kê (để còn lập gia đình mà nuôi thân). Thời lãng mạn thì đó là tuổi mộng mơ (hay coi những bộ phim tình cảm ướt át).

Có một "thế hệ Tôi"?

LTS: Diễn đàn Có một “thế hệ Tôi” đã nhận được nhiều chia sẻ của các bạn trẻ và những chuyên gia truyền thông, tâm lý. TTCT khép lại loạt Câu chuyện cuộc sống kỳ này với bài viết của TS Lê Thanh Hải, người cho rằng thay vì đặt vấn đề ”tác động” vào giới trẻ, sẽ hữu ích hơn khi ta sẻ chia cùng họ kinh nghiệm về con đường ta đã đi qua...

Theo dòng thời gian, “tóc em đuôi gà” và “tuổi ô mai” dần nhường chỗ cho “thế hệ @” hay bây giờ là “thế hệ Tôi Tôi Tôi”. Rất nhiều ý kiến trong loạt bài viết vừa qua trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã mổ xẻ rất kỹ những biểu hiện chính của thế hệ trẻ ngày hôm nay, nhấn mạnh đến ảnh hưởng trực tiếp của công nghệ thông tin và thiết bị mạng vào tâm sinh lý của họ.

Những kẻ vừa bơi vừa tìm hướng

Cũng như cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra một xã hội hoàn toàn mới, cuộc cách mạng Internet đi cùng với cơn sóng toàn cầu hóa đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới chúng ta đang sống, nơi mà những giá trị và chuẩn mực cũ nay không còn hiệu lực nữa. Hơn vậy, ngay cả các triết gia hàng đầu thế giới cũng không thể xác định rõ ràng cái xã hội mà chúng ta đang sống là gì, vì tất cả đều hóa lỏng và tuôn chảy, như mô tả của triết gia Do Thái người Anh gốc Ba Lan, giáo sư Zygmunt Bauman.

Bạn cứ thử nhìn mà xem, mới ngày nào cả thế giới đổ xô đi học viết lệnh trong DOS cho máy tính, sang đến Windows tưởng đã êm xuôi lắm, vậy mà bây giờ bật điện thoại lên dùng Android ngay cả đứa con nít không cần học gì cũng mở trò chơi ra bấm luôn được. Tất cả những chứng chỉ cao thấp ngày xưa nay chỉ còn làm được mỗi một việc là treo trên tường làm kỷ niệm.

Nhiều hệ thống giá trị nay không còn tồn tại nữa. Những nghề nghiệp từng một thời là sự lựa chọn dễ dàng cho thanh niên như thư ký đánh máy hay thợ sửa xe, nay chỉ còn là hoài niệm. Có những thứ ta phải hùng hục học cho nhanh để mà hội nhập với cuộc sống mới, nhưng rồi đùng một cái người ta lại thay đổi hết toàn bộ.

Nhiều khi từ quê ra tỉnh sống vài năm, quay trở về quê lại thấy mình bỡ ngỡ trước nếp sống mới - không phải chỉ những thứ liên quan tới công nghệ thông tin, mà kể cả phương tiện giao thông, phương thức thanh toán cho đến mô hình canh tác và thói quen trong cuộc sống hằng ngày.

Biên giới giữa các nước mở cửa cùng lúc với sự phát triển của các hãng hàng không rẻ tiền khiến lưu lượng người qua lại giữa các nền văn hóa ngày càng nhiều, kéo theo dòng chảy của sự thay đổi ngày càng nhanh và mạnh. Giới trẻ ngày nay đang phải đứng giữa nhiều dòng nước như vậy, khi mà ngay cả cha mẹ của họ cũng đang phải vừa bơi vừa tìm hướng chứ không thể tự tin chỉ đường cho con, nói gì đến chuyện dạy dỗ và truyền lại kinh nghiệm.

Thời của họ không cần phải luyện toán bao nhiêu năm mới được nổi tiếng như Lê Bá Khánh Trình, mà chỉ cần một câu nói gây sốc kèm theo một bức ảnh chụp thân hình hấp dẫn là đủ thành Bà Tưng.

Khi không còn cái “uy” tuổi tác và thứ bậc...

Giáo sư người Đức Ulrich Beck còn chỉ ra thêm một vấn đề nữa của xã hội đương đại, là nguy cơ rủi ro vượt khỏi khả năng xử lý của cá nhân hay nhóm người. Trước kia con người vốn sống trong một xã hội đầy rủi ro, cho đến ngày có những công ty bảo hiểm giúp họ điều hòa bớt những điều bất hạnh có thể ập đến trong xã hội. Dần dà rồi thì nhiều mô hình tương tự trở thành phổ biến, từ quỹ phúc lợi xã hội cho đến bảo hiểm y tế, và trở thành luật lệ phải tuân thủ.

Khi hệ thống vượt khỏi khả năng kiểm soát của con người thì chính các mối liên kết này trở thành nguy cơ cho mỗi con người trong xã hội, như là bể quỹ tín dụng, hay cơn khủng hoảng tài chính trên thế giới suốt nhiều năm qua. Giờ đây chính những định chế đó lại là nguy cơ rủi ro cho con người, với mức độ tàn phá không thể ước tính nổi. Từ rủi ro tài chính cho đến thảm họa môi trường như hỏng giàn khoan dầu và tình trạng ấm nóng toàn cầu, sang cả những tác hại cho giá trị văn hóa và cuộc sống.

Tương tự vậy, tương lai của thế hệ trung niên và những người già đang nằm trong tay của giới trẻ, những người sẽ lên nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong xã hội và sẽ nộp tiền vào quỹ phúc lợi xã hội để từ đó trích ra lương hưu và tiền viện phí.

Giáo sư người Anh, nam tước Anthony Giddens thì không bi quan đến như vậy, cho rằng chúng ta chỉ đang trải qua tiếp một cơn sóng công nghệ sau thời hiện đại mà thôi, và mọi thứ vẫn đang nằm trong khả năng kiểm soát của con người. Và thêm nữa, tâm tính của giới trẻ không hoàn toàn do xã hội đương đại và bạn bè trên Internet định đoạt.

Thật vậy, nếu đọc quyển sách của giáo sư người Pháp Pierre Bourdieu bạn sẽ thấy bản sắc của một con người được xây dựng từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày từ khi còn nhỏ, như ông bà ta vẫn thường dặn “học ăn, học nói, học gói, học mở” (xem box). Ngay cả chuyện dùng điện thoại cầm tay thế hệ mới thôi cũng đã có sự khác biệt khi lựa chọn.

Một khảo sát mới đây cho thấy người dùng iPhone thường có xu hướng cao ngạo và du lịch nhiều, còn chủ của Blackberry thường kiếm được nhiều tiền, và người dùng Android giỏi ứng xử và nấu ăn ngon. Nhận xét về kết quả khảo sát, giám đốc bộ phận kinh doanh mạng điện thoại di động của Talk Talk là Dan Meader giải thích:

“Chúng ta liên tục cầm điện thoại bên mình cho nên thiết bị này trở thành một bộ phận nối dài của ta theo nhiều cách hiểu khác nhau. Tất nhiên, nếu chỉ mua một chiếc điện thoại nào đó thì tính cách hay nếp sống của bạn sẽ không thay đổi ngay lập tức, nhưng theo thời gian có thể tạo ra những tính cách khác nhau do sự khác biệt về tính năng hoạt động và chức năng được thiết kế của thiết bị cầm tay”.

Giới trẻ ngày hôm nay lớn lên như thế nào chịu ảnh hưởng rất nhiều từ việc khi bé họ đã được bố mẹ mua cho những món đồ chơi gì, kể cả chiếc xe máy hay xe đạp để đi học và máy tính để nối mạng.

Điều khó khăn cho các bậc phụ huynh ngày nay là không còn cái uy do tuổi tác và thứ bậc đem lại như xưa nữa. Bạn có là cô dì chú bác nhưng không biết sử dụng smartphone phải đi nhờ đứa cháu giúp hướng dẫn thì làm sao có thể quay trở lại vai trò là người hướng dẫn họ trong cuộc sống cho được?

Trên mạng tất cả đều ngang hàng, và nhiều lúc bằng cấp hay kinh nghiệm và logic cũng không có chút giá trị gì, chỉ còn lại một đám đông dễ dàng nổi loạn theo một hướng khó mà dự đoán trước được, như quyển sách nổi tiếng của le Bon.

Cái đám đông của ngày hôm nay có đến ba phần tư là thanh niên sinh sau 1975 và một nửa chả còn biết gì đến thời bao cấp, chỉ còn chút trải nghiệm sau khi đã đổi mới và mở cửa. Chỉ cần vài triệu đồng là họ đã dễ dàng bay sang Bangkok hay Singapore chơi và rớt đại học mà có chút tiền thì không khó khăn gì bay sang Anh hay Úc để du học.

Mà ngồi ngay ở Sài Gòn hay Hà Nội thì cũng có ca sĩ Hàn Quốc hay cầu thủ Arsenal sang biểu diễn, có Lamborghini và túi xách Gucci để học làm công tử và chân dài. Câu hỏi đặt ra cho mỗi người trong chúng ta không còn giống nhau nữa, tùy thuộc vào chỗ đứng và góc nhìn của mình trong xã hội.

Với tôi, cũng như nhà báo người Mỹ gốc Do Thái đã viết bài mô tả “thế hệ Tôi Tôi Tôi” trên tờ Time, Joel Stein - đều sinh năm 1971, thì câu hỏi đặt ra cho “thế hệ Tôi Tôi” của chúng tôi là có thể tác động gì được, và có nên can thiệp vào cuộc sống của một lớp người trẻ hơn mình 20 tuổi, lứa 9x hay không?

Điều trước mắt mà tôi có thể làm được là tìm hiểu các bạn trẻ để có thể học được nhiều điều từ họ, và chia sẻ kinh nghiệm về con đường mình đã đi qua, để giúp họ tự chọn lựa con đường cho cuộc đời mình.

Pierre Bourdieu (1930-2002) là giáo sư người Pháp đầu ngành về triết học, nhân học và xã hội học. Quyển sách của ông về vốn văn hóa có tựa đề La Distinction (sự phân biệt) xuất bản năm 1979 đã trở thành giáo khoa kinh điển cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới, đặc biệt là sau ngày được dịch sang tiếng Anh hồi năm 1984, và được các nhà xã hội học quốc tế đưa vào danh sách 10 tác phẩm quan trọng nhất trong ngành vào năm 1998.

Theo Bourdieu, những thứ mà ta vẫn nghĩ là khẩu vị hay sở thích riêng của mỗi người thật ra lại là kết quả của quá trình phân biệt và tạo ra giai cấp hay tầng lớp trong xã hội. Theo đó thì thẩm mỹ của tầng lớp lao động là phổ biến nhất trong xã hội, nhưng cũng tồn tại những hệ giá trị thẩm mỹ riêng của tầng lớp cao, ví dụ như giới thượng lưu tập cho con cái cách ăn mặc lịch sự từ bé, học nhạc, họa để biết thưởng thức nghệ thuật, chơi những trò chơi của giới quý tộc để phân biệt mình với những người còn lại trong xã hội.

Hiện tượng này cũng đang nổi cộm trong giới nhà giàu ở Việt Nam, cho con đi học trường quốc tế, luyện tiếng Anh, đi du lịch nước ngoài, xài đồ hiệu... Như vậy, theo ông, khẩu vị về đồ ăn hay gu về quần áo, âm nhạc, phim ảnh là những biểu hiện của giai cấp được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác qua quá trình nuôi nấng dạy dỗ từ khi còn rất bé.

TS LÊ THANH HẢI

Câu chuyện giả danh

02/09/2013 11:16 (GMT + 7)

TTCT - Khi biết chuyện tôi đang “đau khổ” vì lỡ post một thông tin trên trang Facebook của mình mà ngay sau đó đã được một bạn khác “share” trên trang của bạn với một bình luận tôi không mong muốn, N., bạn thân tôi, mách nước: “Sao cậu không tạo một tài khoản Facebook khác, tên khác, không ai biết? Trên đó cậu có thể nói gì thì nói mà không sợ lộ danh tánh hay gây hậu quả nghiêm trọng...”.

LTS: Từ số này, TTCT giới thiệu chuyên mục mới xuất hiện luân phiên với Câu chuyện cuộc sống: Thế giới ảo & thực. Bởi chúng ta đang sống trong một thế giới mà những câu chuyện trong thế giới ảo có thể truyền cảm hứng nhưng cũng có thể gây hệ lụy cho cuộc sống thực, và những câu chuyện đời thực có thể được lan xa nhưng cũng có thể bị bóp méo qua lăng kính ảo. Chuyên mục mới là nơi chia sẻ những câu chuyện này, mời độc giả cùng tham gia.

Lời “khuyên” của bạn khiến tôi nghĩ ngay tới sự giả danh rất phổ biến trên mạng xã hội. Có lẽ nó bắt đầu từ những ý định ban đầu tưởng là vô thưởng vô phạt này chăng?

Mà đúng là đâu có khó khăn gì khi lập một trang Facebook mang tên người khác?

Một chút vui?

Không ít người trong giới showbiz một sáng đẹp trời bỗng phát hiện có người giả danh mình phát biểu linh tinh khiến người hâm mộ một phen sửng sốt. Q.H., B.T., U.L., H.L., DTV và MPT từng là nạn nhân của sự giả danh như thế. Buồn cười hơn, có người với tài khoản thật của mình trên Facebook có số người hâm mộ còn ít hơn số người hâm mộ trên trang Facebook giả danh của mình.

Một vài bạn giả danh để thử sự “hài hước” của cuộc sống: một tiếng ho, một cái ngáp của một diễn viên có thể “câu” hàng mấy ngàn “like”. Quá đi một chút, kẻ giả danh đưa “cái tôi” xấu xí của mình vào trò chơi, có khi là sự ghét bỏ, sự dè bỉu, sự gây hấn, khiến chủ nhân thật có khi “chừa” không dám chơi Facebook nữa.

Không chỉ có giới showbiz. Như nhà văn B.A.T tâm sự trên Facebook: anh đang ngồi nhà làm việc và chat với một độc giả trẻ. Vì bận việc gấp, anh ngưng chat mà chưa kịp chào tạm biệt. Nửa giờ sau trở lại anh “tá hỏa” nhận ra tài khoản mình đã bị hack và ai đó thay mình tiếp tục cuộc trò chuyện trên mạng với độc giả bằng những lời lẽ hết sức xuẩn ngốc và ngây ngô.

Nhà thơ V.C.H. cũng rơi vào tình trạng “cười như mếu” khi bất ngờ có một Facebook mang tên anh, hình đại diện là anh, ra sức kết bạn với tất cả bạn bè anh và còn mạo danh anh sáng tác những bài thơ “con cóc” khiến thiên hạ cười vỡ bụng. Chịu hết xiết, một bạn cũ nhắn tin anh qua điện thoại: “Dạo này mày chập mạch rồi?”.

Nhưng rồi sau khi “báo cáo sai phạm”, anh viết trên trang mình một cách hết sức hài hước: “May quá, ai đó treo avatar hình mình lúc còn trẻ ở tuổi 20 nên nhìn cũng xinh trai, “nó” mà ác một chút treo hình mình lúc già mà lại “cuỗng trời” thì nguy”. Ít hôm sau, kẻ giả danh nhắn tin xin lỗi nhà văn vì “chú ơi, cháu đùa chút thôi, làm nhà thơ rất nổi tiếng như chú ít ngày cũng thấy sướng thật”.

Nhưng hậu quả có thể không nhỏ

Tuy nhiên, không phải chuyện giả danh nào cũng mang lại tiếng cười.  L.Đ.Đ., kiến trúc sư, rất bất ngờ khi nhìn thấy một trang Facebook mang tên anh và có cả rất nhiều hình ảnh của anh và gia đình. Trang này lần lượt và âm thầm kết bạn với bạn bè anh rồi sau đó đăng những status làm lộ bí mật công ty mà anh là phó giám đốc. Ban quản trị công ty hết sức tức giận, còn các công ty đối thủ mừng như bắt được vàng.

Biết là trò “ném đá giấu tay” này của một người ganh ghét mình và người đó ở ngay trong nội bộ công ty nhưng anh không cách nào tìm ra thủ phạm, chỉ biết báo cáo sai phạm về cho người điều hành Facebook và nhắn tin cho bạn bè rằng trang cá nhân đó không phải của mình.

Cần nói thêm nạn giả danh không xa lạ gì trên mạng xã hội toàn cầu. Chẳng hạn có đến 18 trang Facebook tự giới thiệu là tài khoản chính thức của David Beckham, vậy đâu thật sự là trang chính thức của anh? David Beckham không đủ thời gian để điều hành cùng lúc 18 trang cá nhân như vậy, người tạo ra những trang “ăn theo” tên tuổi của David Beckham có đơn giản là vì sự hâm mộ hay có mục tiêu khác?

Việc mạo danh không chỉ nhằm vào người nổi tiếng, những người có lượng fan page lớn (như các chính khách, công ty danh tiếng), mà còn nhằm vào tất cả nhóm người khác trong xã hội với rất nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó có cả việc lừa đảo, trục lợi. Câu chuyện xảy ra với Diane Solomon năm 2010 là một ví dụ.

Diane (đang ở Los Angeles, Mỹ) nhận được tin nhắn của cô bạn kể rằng vừa nói chuyện với Diane trên Facebook. Theo đó, Diane đang bị một băng nhóm ở London bắt giữ, cô không thể trả tiền phòng khách sạn để về nước, cần được bạn bè giúp đỡ. Thực tế là Diane không sử dụng Facebook và ai đó đã âm thầm thu thập tất cả thông tin của cô để tạo thành một trang Facebook cá nhân mang tên Diane. Hậu quả là những người bạn của Diane đã bị lừa tiền.

Nhiều vụ giả danh khác còn chấn động hơn khi người bị giả danh là những nhân vật rất đình đám trên thế giới. Gần đây nhất, Ngoại trưởng Tadjikistan Hamrokhon Zarifi ngày 13-8-2013 đã phải lên mạng của Bộ Ngoại giao nước này loan báo về một tài khoản giả danh mình trên Facebook, yêu cầu mọi người cảnh giác vì “Zarifi này đang gửi yêu cầu kết bạn đi khắp nơi”.

Khôi hài hơn là câu chuyện cựu nhân viên Cơ quan An ninh Mỹ (NSA) Edward Snowden, người tháng 6-2013 đã gây chấn động khi tiết lộ chương trình do thám mật của NSA khiến Mỹ truy lùng. Sau khi Snowden bỏ sang Hong Kong cùng với những tập tin mật đã chia sẻ cho báo giới, cư dân mạng đã lùng sục tài khoản của Snowden trên thế giới ảo.

Tháng 7-2013, lúc Snowden từ Hong Kong bay sang Nga để rồi “bị kẹt ở sân bay Sheremetyevo (Nga), nơi anh quá cảnh và không thể bay tiếp đi đâu vì bị Mỹ hủy hộ chiếu, cựu điệp viên Nga Anna Chapman nửa đùa nửa thật rao trên trang Twitter của mình: “Snowden, anh cưới em nhé?” thì ngay lập tức “Snowden” trả lời đồng ý trên một trang Twitter.

Cũng ngay lập tức, giới truyền thông Nga lẫn phương Tây lao vào bình luận “cuộc hôn nhân” này sẽ giúp Snowden có quốc tịch Nga và như thế thoát khỏi tình thế khó khăn như thế nào... Cho đến khi nhà báo Glenn Greenwald của Guardian, đang làm việc mật thiết với Snowden, khẳng định Snowden không có một tài khoản nào trên các mạng xã hội và “Snowden” đồng ý cưới Chapman là “Snowden giả” thì dư luận mới thôi bàn tán!

Dù trong thế giới ảo hay đời thật, sự mạo danh nào cũng đáng chê trách. Không nói đến những kẻ giả danh với những mục đích xấu, có những người giả danh ở tuổi vị thành niên đơn giản vì hài hước “quá đà”, muốn phá phách chút cho vui mà nhiều lúc không biết hành động như thế là sai trái. Có lẽ vậy mà ở một số nước trên thế giới, như Estonia, trong chương trình dạy trẻ em sử dụng Internet có bài học phân biệt tài khoản thật hoặc giả danh.

Theo đó, mỗi bạn trẻ cần hiểu trách nhiệm của mình khi mở một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và cách hành xử khi phát hiện những tài khoản giả danh.

TRANG THI - VÂN ANH

Góc tư vấn

10% tài khoản facebook là... giả!

Năm 2012, Facebook công bố có đến 83 triệu tài khoản của họ là giả, con số này chiếm 10% trong tổng số tài khoản đăng ký của họ. Trong số những tài khoản Facebook đó, có rất nhiều tài khoản được tạo ra với mục đích giả danh, tấn công tài khoản cá nhân khác hoặc hạ uy tín, thanh danh của người khác.

Các trang mạng xã hội đều có công bố một vài giải pháp nhằm giúp người sử dụng kiểm tra sự xác thực của tài khoản mạng xã hội và báo cáo khi bị mạo danh. Việc kiểm tra này rất hữu ích trước khi người sử dụng Internet quyết định kết bạn hoặc trở thành người hâm mộ của một trang mạng nào đó để đề phòng những tài khoản ảo. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là người sử dụng mạng xã hội cần phải biết thông tin nào cần được giữ kín hay thể hiện trên trang mạng xã hội của mình.

Công ty Sophos tiến hành một nghiên cứu để chứng minh việc tấn công và ăn cắp thông tin cá nhân qua tài khoản Facebook rất đơn giản. Bằng việc tạo ra một tài khoản ảo cho một cô vịt đồ chơi tên Paul Ducklin, Sophos đã gửi đi 200 yêu cầu kết bạn và vài giờ sau đó 80 người đã chấp nhận trở thành bạn trên Facebook của vịt Paul, cung cấp thông tin quý giá để bọn tội phạm tìm ra mật khẩu của các thẻ tín dụng/ngân hàng hoặc để lừa đảo như trường hợp của Diane.

Gần 89% người phản hồi để ngày tháng năm sinh, gần 100% tài khoản có địa chỉ email, 40% có thông tin của gia đình.

Khi những kẻ xấu có thể xâm nhập vào danh sách bạn bè hoặc thông tin cá nhân, chúng có thể thu thập hình ảnh, thông tin cá nhân, chờ cơ hội sử dụng chúng nhằm đe dọa hoặc khống chế nạn nhân. Vì thế, hãy bắt đầu bằng việc sắp xếp danh sách bạn bè, ai là người thật sự bạn cần chia sẻ thông tin.

Kế đến, hãy giới hạn nội dung thông tin và hạn chế đưa hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội. Bạn có thể chọn chức năng ẩn - hiện nội dung, vì người quyết định nội dung và ai là người được phép đọc thông tin là chính bạn.

Một số bạn trẻ sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái lo âu, mất niềm tin khi những hình ảnh hoặc thông tin của họ trên Facebook được sử dụng nhằm mục đích trêu chọc hoặc tạo các ảnh ghép. Hãy thông báo với cha mẹ hoặc người bạn tin tưởng về tình trạng trên. Facebook cũng đang có chức năng nhận báo cáo về việc xâm hại sự riêng tư và việc mao danh, hãy thông báo với Facebook để họ khóa các tài khoản đó lại.

THS TÂM LÝ TRẦN THỊ NGỌC DUNG

Nguồn tham khảo: 

Sky news (2013) Facebook: Celebrities' Pages To Be Verified

Sophos (2010) Facebook the Private Chalegence

Mamoun F (2010) Facebook Identity Theft Scam

Còn gì cho lớp 1

14/09/2013 10:57 (GMT + 7)

TTCT - Con trai vào năm cuối của trường mầm non và biết quan tâm đến con chữ, sự kiện ấy đã làm “rung chuyển” cả gia đình.

Ban đầu cả nhà kiên quyết sẽ không dạy thêm, học thêm. Bố đấy, mẹ đấy ngày xưa hết vỡ lòng bập bõm chữ được chữ không nhưng vẫn vào trường đại học danh giá như ai. Mặc kệ con hàng xóm, mặc kệ con đồng nghiệp, mặc kệ các lớp dự thính… Nhưng quả thật trong không khí sùng sục chuẩn bị vào lớp 1 của cả khu phố, gia đình mình không thể mãi đứng ngoài lề.

Lẽ tất nhiên cả nhà đồng lo nhưng với tư cách người mẹ, mình luôn lo lắng nhỉnh hơn. Đồng nghiệp cùng “vác bụng bầu” một thời khoe con gái đã biết đọc truyện veo veo, viết chính tả đủ nét đậm nét thanh, đẹp hơn cả phụ huynh. Ngày vô cơ quan, rảnh lúc nào, xoay qua xoay lại vẫn là chuyện lớp 1! Về đến nhà, sáng, trưa, chiều, tối vẫn là chuyện lớp 1, bước ra khỏi cổng là thấy không khí lớp 1 sục sôi... Thôi thì phải theo người, phải giống người thôi kẻo vào lớp 1, con mình nó kém, nó khác người, nó nản chí lại khổ cả đời người. Vậy là cuộc chiến với hai chín chữ cái bắt đầu.

Bảng chữ cái hiện diện khắp nơi trong nhà: bàn học, bàn ăn, dán trên tường cạnh giường ngủ, cạnh tivi... Khắp nhà đâu đâu cũng thấy a, b, c… Rồi những quy chế, quy định về thi đua khen thưởng được “ban hành” gấp chỉ chờ ngày thực hiện. Bên nội, bên ngoại điện thoại thăm hỏi từng ngày để nắm “tiến độ” học của thằng đích tôn.

Hai tháng, tình hình chuyển biến ở mức... không có gì để mà khoe. Con gặp bạn cùng lứa đã biết quê quê: Con chữ biết mình mà mình đâu biết nó! Thằng bạn cùng phố khó ưa, đang chơi vui ngon trớn, đụng chuyện gì xích mích cỏn con nó cũng xách sách Tiếng Việt lớp 1 ra thách đố. Con lủi nhanh vào nhà, ấm ức nước mắt ngắn dài...

Vậy là đi học dự thính, giã từ những cuộc vui, “Tạm biệt gấu Mi-sa nhé, tạm biệt thỏ trắng xinh… nhớ lắm, quên sao được trường mầm non thân yêu”. Qua Tết Nguyên đán, mẹ đến trường mầm non nộp đơn xin cho con nghỉ học, nước mắt mẹ, nước mắt con dài dài.

Sáu tháng học dự thính, con đã tiến bộ rõ lắm rồi. Gặp “tay” hàng xóm có thể tự tin đứng nghênh nghênh không phải lủi vô nhà. Nhà mình cũng bớt hoang mang. Ai cũng xuýt xoa: “May là còn... cứu kịp một bàn thua trông thấy”!

Phố mình, trước thềm năm học mới, những ông bố bà mẹ và những đứa con sắp vào lớp 1 đều háo hức, hân hoan. Vậy là con nít phố mình đứa nào cũng ngon lành, học hành tấn tới cả. Đã nghe chúng tụ tập nhau nói chuyện làm toán, chuyện viết chính tả râm ran, thương thương, tồi tội là...

Rồi con vào lớp 1, một chút bỡ ngỡ, một chút háo hức, cả chút lạc quan pha lẫn kiêu kiêu ra vẻ ta đây biết hết rồi còn gì. Bạn bè trong lớp bốn mươi mốt bạn, chỉ duy nhất một bạn chưa biết đọc biết viết. Lẽ dĩ nhiên bạn ấy thành “khác người” rồi. Con đi học một tuần, cục kiêu căng trong người có vẻ xẹp xuống. Chúng bạn còn biết làm tính cộng, tính trừ có nhớ kìa, biết đọc biết viết đã là gì đâu!

Mẹ vô lớp ngó quanh quất, thấy mấy bạn gái viết chữ còn ngay ngắn, đẹp hơn cả chữ của... mẹ con trai. Vậy là không còn gì cho lớp 1 nhưng cuộc đua vẫn tiếp diễn. Đua rèn chữ đẹp, đua giải toán Violimpic, giải Đậu lém (*)… thôi thì vẫn lu bù, có hết cực nhọc đâu!

Học trò tiến tới thế nhưng coi bộ cô dạy còn mệt hơn dạy... vỡ lòng. Vì biết chữ hết rồi nên các cậu, các cô xoay qua nói chuyện thành thần. Rồi lo “cầm đèn chạy trước ôtô”, chuyện gì cô dạy cũng nheo nhẻo “con biết rồi” nhưng trẻ con lơ đễnh vẫn có nhầm lẫn và sai sót. Khi dạy bài mới, mỗi học trò một trình độ mà mức chênh lệch ở vào khoảng đáng kể, cô càng vất vả. Không chừng diễn mãi kiểu này, chúng chán chữ thì gay. Vậy là cô lại phải toát mồ hôi tìm ra điều mới từ những con chữ chúng đã thuộc làu.

Bà, vốn dĩ là cô giáo, lại là người kỹ càng trong mọi tính toán, phán xanh rờn: Nhà nhà dạy chữ trước cho trẻ con kiểu này, đúng là cô giáo lớp 1 được “ăn không”!

Nhưng chẳng biết cô có sung sướng với quyền được “ăn không” đó không?

Lớp 1 ơi lớp 1!

TRÂM OANH

(*): Giải toán Violimpic: là hình thức học toán trên mạng miễn phí, giúp học sinh tiểu học và trung học cơ sở giải toán trên mạng qua thực hành, hướng dẫn cách đặt số cần nhớ vào đúng hàng chữ số.

Đậu lém: Phần mềm do Nhà xuất bản Đồng Nai xuất bản, có mục tiêu củng cố kiến thức toán lớp 1, tạo tình huống thông qua các trò chơi để giúp bé làm toán và làm quen với kỹ năng sử dụng máy tính.

Trái tim thật đập theo “nhịp” thế giới ảo

16/09/2013 11:22 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Tham gia chuyên mục Thế giới ảo & thực lần này, tác giả Phương L. Phạm cho rằng thế giới ảo không có lỗi, bởi Internet cũng giống như “đường sá chợ búa ngoài đời thật”, cái cần thiết là sự chọn lựa, biết “đãi vàng trong cát”, biết cách làm giàu cho chính mình từ thế giới ảo này.

Một bà lão đáng thương ngồi bên lề đường bán vài món đồ nhỏ. Một người bạn đi ngang qua, trò chuyện với bà tìm hiểu cảnh ngộ, chụp rồi post tấm ảnh lên Facebook kể lại hoàn cảnh ấy. Sau hàng nghìn cái nhấn like, nhiều bạn trên cộng đồng mạng đã đến và mua hàng ủng hộ bà. Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện khác từ trên mạng xã hội đã biến thành hành động thật ở ngoài đời.

Có lẽ đã đến lúc nhận thấy rằng thế giới ảo trên mạng Internet không chỉ là ảo nữa. Cũng như không còn nữa chia tách khái niệm “ảo” và “thật” một cách quá rõ ràng theo kiểu “thế giới ảo hãy cứ để nó ảo”...

Nở hoa đời thực

Nếu bạn tham gia vào một trang như nhiếp ảnh, đi phượt, chơi xe máy, làm đồ thủ công thì sẽ hiểu hàng trăm thành viên của những trang này đã dành rất nhiều thời gian, thậm chí tiền bạc và một phần công việc cho những cuộc gặp gỡ sau giờ trao đổi, bấm “like”, chỉ dẫn nhau trên mạng. Những bức ảnh đẹp, sợi dây chuyền bằng vải kết khéo léo hay một món đồ chơi như cái “dreamcatcher” được các bạn chuyền tay nhau trên mạng đã trở thành niềm vui thật sự của những con người “ảo” chỉ nhìn thấy nhau qua cái avatar nhỏ xíu trên mỗi tài khoản Facebook hay diễn đàn.

Giờ muốn làm gì, mấy bạn trẻ chỉ cần online, tìm là thấy ngay. Như mấy nhóm chơi xếp giấy, cắt giấy kirigami có hẳn một trang Facebook để tha hồ chỉ nhau cách cắt, chia sẻ mẫu cắt, rồi cũng có khi tụ tập nhau lại để cùng nhau thi... cắt giấy. Cộng đồng những người mê làm đồ thủ công rất quen thuộc với những trang tên Mintown, CLB Xì Gòn Handmade hay Hội những người đam mê đồ chơi giấy đều hoạt động rất sôi nổi với những bạn có cùng đam mê.

Ở trang này, các bạn tha hồ tìm được những mẫu vẽ giày, làm thủ công, đan len, vẽ tranh, mẫu gấp giấy, cắt giấy tuyệt đẹp và lạ mắt, được mọi người cùng làm, chỉ nhau cách làm. Một số trang cũng bán cả sản phẩm của mình cho những người thích.

Có nhóm tình nguyện như nhóm SV07, một mùa hè, nhóm cần 30 tình nguyện viên để giúp các vận động viên khuyết tật cả nước về TP.HCM thi thể thao. Anh trưởng nhóm chỉ cần viết một status lên Facebook, vài ngày sau có tới... 90 bạn trẻ đến xin đi hỗ trợ người khuyết tật. Từ một nhóm tình nguyện khá ít người, trưởng nhóm lúc ấy thậm chí đã phải tổ chức phỏng vấn để chọn những bạn thích hợp nhất cho mùa giải. Coi như năm đó nhóm SV07 thành công mùa tình nguyện nhờ Facebook.

Trước đây, khi xảy ra tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, cư dân mạng đã nhờ các tài khoản blog, Yahoo!360, Wordpress mà biết về hoàn cảnh, hình ảnh, tình trạng của các nạn nhân. Những chuyến hàng cứu trợ “qua mạng” rõ ràng là có thật, không ảo chút nào, và đã cùng giúp những gia đình nạn nhân vượt qua phút đau thương đó.

Dân đi du lịch “gà nòi” có thể đã quen với “Diễn đàn ngủ nhờ Couchsurfing” nổi tiếng thế giới. Diễn đàn này có một lượng khủng thành viên là những tay đã “đi bụi” khắp thế giới với số tiền cực kỳ ít ỏi, bởi đây là nơi tụ hội của những người mê đi hoặc đơn giản là... không đi được nên rủ rê mọi người tới ở nhờ để kể chuyện chu du cho nghe. Qua diễn đàn này, hàng nghìn thành viên đã đi chơi khắp nơi, gặp gỡ nhau, ở nhờ, cắm trại cùng nhau hoặc... cho mượn luôn căn nhà một tháng khi đang đi du lịch đâu đó. Nếu ai ít tiền, mê đi du lịch đều có thể tìm thấy những chủ nhà hiếu khách và rất thú vị ở rất nhiều nơi trên thế giới này.

Nhiều nhóm bạn làm phim, tự quay clip, tự biểu diễn, tấu hài rồi post lên mạng “câu like”. Người có tài năng nhanh chóng trở nên nổi tiếng, kiếm được tiền thật, có thể xuất hiện ở các sân khấu ca nhạc, trở thành hình tượng trong giới giải trí.

Lằn ranh của chính bạn

Thế giới ảo trong một cái click like hay một câu comment hỏi han giờ đã dẫn đến hành động của thế giới thật. Những sự hợp tác, điều tốt đẹp, tri thức nhanh chóng được nhân lên nhiều lần.

Một phần của những cuộc hẹn hò ngày hôm nay là những người bạn sẽ chụp ảnh nhau, post lên Facebook và tag nhau vào. Một phần của những đối thoại giữa cha và con trai giờ là cha cũng có tài khoản Facebook, cũng tag con trai mình vào khi cha đang... đi đâu đó với bạn bè.

Hấp dẫn hơn, mẹ của một em gái bỗng trở thành “hot girl lớn tuổi” với các bạn của chính em khi bà là một người bạn rất vui trên Facebook và được nhiều đứa nhỏ hỏi thăm, nhờ tư vấn, trò chuyện như người thân. Qua đó, những con người ở thế giới thực dù rất xa nhau vẫn có thể tìm thấy nhau đang lang thang đâu đó trên thế giới ảo. Cha mẹ cũng quan sát, cũng yêu thương, cũng chăm sóc, nhưng đôi khi chỉ cần một comment là đủ với đứa con nhỏ đang loay hoay trong tuổi nổi loạn của mình.

Thế giới ảo cũng giống như đường sá chợ búa ngoài đời thật. Ở nơi đó, người nào bình tĩnh, chịu khó tìm hiểu, chịu khó suy nghĩ thì sẽ dần tự hiểu giá trị của những status hàng chục nghìn like hay một “tấm ảnh xúc động gây xôn xao”... có phải là thật hay không?

Tại sao bạn lại phải kết luận Internet là lừa đảo khi chính bạn dễ dãi nhấn like cho một “hình ảnh kinh hoàng gây phẫn nộ” chẳng chút căn cứ gì? Tại sao bạn giận dữ quay lưng với thế giới ảo khi lỡ bị kẻ nào đó lừa một số tiền qua email trong khi chính bạn dễ dãi tưởng là mình sẽ được “thừa kế hàng triệu đô” bởi những lời mời mọc có cánh? Tại sao bạn kết tội rằng thế giới ảo xúc phạm bạn trong khi chính bạn đã cư xử bằng lời lẽ thô tục, xúc phạm với những người ảo khác trên mạng?

Cũng từ sự nhanh chóng, vội vàng đến thế, đã có những tội ác ra đời từ thế giới ảo. Nhưng đó lại là một phần khác của lằn ranh hai thế giới này... Một lằn ranh rất buồn và nhiều khi đáng tiếc. Và để cuộc sống của bạn không còn lằn ranh ảo thực đó, phải chăng ta cần có lằn ranh của chính mình: ngay cả trong thế giới ẩn danh, nặc danh đó cũng có những chuẩn mực sống nhất định. Hãy luôn là chính bạn.

Kẻ lừa đảo, chuẩn mực kép, sự bịp bợm có ở tất cả mọi nơi trên cõi đời này, nào có chừa thật hay ảo đâu. Bình tĩnh một chút, biết “đãi cát tìm vàng”, cuộc sống của bạn chẳng phải đã rực rỡ và tự do hơn rất nhiều nhờ những tri thức mà Internet đem lại sao?

PHƯƠNG L.PHẠM

Những trang tươi tắn

Trong 25 nhóm vào loại lớn nhất Facebook đã có trên 1 triệu thành viên, có rất nhiều nhóm có tiêu chí mục đích hết sức thú vị, từ hài hước, nhân đạo, cho tới tham vọng, hoặc đơn giản là chỉ để vui.

Những nhóm thiện nguyện như “Feed a child with just a click!” (Nuôi ăn một trẻ bằng một cú kích chuột!) từng có trên 5 triệu thành viên vào năm 2010.

Hình thành từ trang mạng thehungersite.greatergood. com, nhóm này đề nghị các thành viên đóng góp tiền cho rất nhiều mục đích từ thiện, chống đói nghèo, ủng hộ các bệnh nhân ung thư, hỗ trợ động vật, chống phá rừng… Nhóm cũng bán các quà tặng, vật lưu niệm, quần áo trên trang của họ để quyên tiền cho mục đích từ thiện.

Họ không phải là tổ chức từ thiện duy nhất thấy Facebook là một kênh quảng bá cực kỳ hữu hiệu. Handicap International UK, tổ chức hỗ trợ người tàn tật quốc tế có trụ sở tại Anh; Macmillan Cancer Support, hỗ trợ người bị ung thư; Blue Cross UK, Meningtis Research và War Child UK là những tổ chức từ thiện khác đặc biệt thành công trên mạng xã hội.

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy trang của họ với hàng chục nghìn thành viên trên Facebook, với nhiều hình ảnh cảm động, sự tương tác liên tục và theo dõi cụ thể những công việc thiện nguyện mà chỉ có thời đại kỹ thuật số và mạng xã hội mới làm được.

L.P.

Đó là lý do khiến công dân mạng thời gian qua đã hình thành bộ quy tắc hành xử trên không gian ảo gọi là Netiquette (ghép từ chữ Net với etiquette - nghi thức giao tiếp).

Bộ quy tắc này có thể tóm gọn như sau: Đừng quên rằng có một con người ở đầu bên kia trong mối giao tiếp trên thế giới ảo của bạn, hãy đối với họ bằng sự tôn trọng, đừng chuyển đi những thông tin nào mà nếu gặp mặt trực tiếp bạn sẽ không nói thế. Một số quy tắc cụ thể:

- Hãy cẩn thận với những gì bạn viết về người khác. Hãy nhớ rằng bất cứ ai mà bạn viết về cuối cùng sẽ đọc được những comment của bạn.

- Hãy trung thực. Đừng giả làm người khác hay điều gì khác không phải bạn.

- Hãy đặt mình vào vị trí cử tọa. Hãy sử dụng từ ngữ thích hợp. Việc lạm dụng, chẳng hạn như biệt ngữ trong một cuộc trò chuyện không có tính kỹ thuật, có thể không tốt, chưa kể trẻ em cũng có thể vào đọc ở những phòng chat này...

- Tránh dùng lời lẽ xúc phạm, đặc biệt những comment có thể diễn giải bạn là kẻ quấy rối tình dục hoặc phân biệt chủng tộc. Đừng quên luật vẫn có thể áp dụng trên không gian ảo. Đừng thực hiện những hành vi phạm luật trên mạng, như phỉ báng hay vu khống kẻ khác, cũng đừng đùa cợt về việc thực hiện những hành vi phạm pháp.

- Cẩn thận với việc hài hước hoặc chế nhạo. Một comment hài hước của người này có thể là bình luận làm bẽ mặt hoặc mất danh giá của người kia...

- Tránh dùng từ in hoa. Trên mạng, từ in hoa được xem như HÉT.

- Đừng gửi đi những thông tin nhằm mục đích lôi kéo người khác vào những cuộc tranh cãi không cần thiết hoặc không quan trọng.

MINH THƯ

 (trích từ trang web của EMC Publishing, trụ sở tại Minnesota - Mỹ, chuyên cung cấp chất liệu và công nghệ học tập cho các nhà giáo dục)

Con người trong thế giới mạng

22/09/2013 09:38 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Đồng tình với bài viết của tác giả Phương L. Phạm (xem Trái tim thật đập theo “nhịp” thế giới ảo, TTCT số ra ngày 13-9) là những ý kiến cho rằng mạng xã hội đã phổ biến đến mọi ngõ ngách và vấn đề đặt ra là biết cách làm chủ chúng.

1. Có lẽ đã đến lúc tiếng Việt nên có một từ mới để thay chữ “thế giới ảo”. Hai mươi năm trước, người ta dùng chữ ảo - virtual - để mô tả một xã hội thu nhỏ được tái dựng qua các trò chơi như SimCity.

Nhưng nay ngay cả người già ở nước Anh cũng phải cập nhật kiến thức sử dụng mạng để giải quyết đa số công việc hằng ngày: thanh toán tài khoản, mua hàng đặt siêu thị chở về tận nhà, đăng ký hồ sơ lương hưu và trợ cấp, giải quyết công việc với các công sở nhà nước...

Mạng Internet đã trở thành một phần, thậm chí là đa số, trong cuộc sống, và không còn là thế giới ảo ở nơi nào đó xa xôi nữa. Để phân biệt với những tiếp xúc gặp mặt trực tiếp (face-to-face), ta có thể dùng khái niệm không gian mạng (cyberspace).

Sự dễ dàng và nhanh chóng của các dịch vụ mạng khiến người ta cũng muốn mọi chuyện trong xã hội đời thường được giải quyết đơn giản và gọn nhẹ giống như vậy. Khi sống lâu trong thế giới ảo, ta dần biến thành con người ảo và có câu chuyện những cô bé cậu bé không còn kỹ năng giao tiếp trong thế giới thật. Khi đó, các bậc phụ huynh phải tự mình dò dẫm đi vào để “cứu net” con mình trước khi bọn xấu kịp ra tay.

2. Với những đặc thù riêng về kỹ thuật, thế giới này có nhiều điểm khác với việc giao tiếp đời thường và dần tạo ra những thói quen hoàn toàn mới cho người sử dụng. Trước hết là đường truyền tín hiệu tạo ra kết nối (connection) rút ngắn khoảng cách, khiến người ở rất xa có thể dễ dàng gặp nhau chỉ nhờ một cú nhấp chuột (click), hay đơn giản hơn nữa là đập nhẹ ngón tay vào màn hình máy tính bảng (tablet).

Tôi biết chuyện một cụ bà ở Việt Nam nuôi cháu ngoại được con gái trang bị cho một chiếc iPad để cứ em bé khóc là bấm nút sang cho mẹ hát ru và nói chuyện, cứ như đang ở bên cạnh trong phòng làm việc. Bà mẹ trẻ ở Anh cứ thế yên tâm kiếm tiền, gửi con về Việt Nam cho bà chăm và ngày nào cũng “gặp mặt” con.

Nhưng cũng có chuyện một em bé nhớ ông nội toàn bật nút gọi lúc nửa đêm ở Việt Nam vì chưa hiểu tại sao trời vẫn đang còn chiều ở châu Âu mà ông nội đã lên giường ngủ mất rồi.

Kết nối mạng xã hội, nhiều người có thói quen đem điện thoại vào toilet ngồi chat, đến nỗi Hãng Sony Ericsson phải thiết kế thêm chức năng đặc biệt chống thấm nước cho điện thoại Xperia đời mới...

Đặc điểm thứ hai rất thường được nhắc đến khi bàn về tính cách của người sử dụng mạng là sự thay đổi dễ nhận thấy về mặt tâm lý. Trên mạng người ta dễ vui, dễ buồn, dễ thích, dễ ghét, dễ chán, dễ yêu, dễ ngoại tình (và tất nhiên cũng dễ bỏ nhau) hơn bình thường. Điều này trước hết liên quan đến số lần gặp mặt.

Ngoài đời ta thường nhìn thấy nhau mỗi ngày một lần, trong khi trên mạng bạn có thể “gặp mặt liên tiếp” ở nhiều trạng thái hoàn cảnh khác nhau. Lại có thể “ngồi bên nhau” bên bàn làm việc kín đáo, cả ngày không bị người khác quấy nhiễu bằng ánh mắt hay những câu hỏi săm soi.

Khi không cần phải giữ ý trước mặt mọi người xung quanh thì ta còn gì ngại ngần mà không thể hiện sự buồn vui, khi chỉ đơn giản là hai ký tự :) và :(. Các phần mềm để tán gẫu (chat) như Yahoo! Messenger còn thiết kế cả chục ký hiệu trạng thái tình cảm khác nhau (emotion icon) để người sử dụng tha hồ chọn lựa.

Để nói câu “anh yêu em” hay “em yêu anh” thì chỉ cần dùng điện thoại cầm tay gửi tin nhắn với ba ký tự duy nhất: aye hoặc eya. Và để chia tay cũng chả cần phải giải thích nhiều lời, đơn giản là cắt quan hệ (unfriend) trên Facebook, phong tỏa điện thư (block email) hay xóa luôn tài khoản (account) của mình trên mạng xã hội.

Đặc điểm thứ ba của thế giới mạng là khả năng thâm nhập không gì có thể cản phá nổi và tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt. Vấn đề hiện nay không phải là làm gì để chặn mạng nhằm tránh các tác động xấu, mà là hiểu gì về thế giới mạng để hạn chế các tác động xấu đó.

Cũng giống như phản ứng hạt nhân có thể dùng để chế tạo bom nguyên tử hay nhà máy điện hạt nhân, thế giới mạng mà mũi nhọn hiện nay là mạng xã hội (social network) đem lại cả điều xấu lẫn điều tốt tùy theo khả năng sử dụng của mỗi người. Sau thành công của Tổng thống Mỹ Barack Obama với chiếc điện thoại BlackBerry nối mạng, giờ đây mọi người dân ở các nước phát triển đều cố gắng nối kết vào thế giới này.

Mỗi buổi sáng đi làm ở London, bạn sẽ thấy người dân Anh trên phương tiện công cộng hầu như ai cũng có một chiếc điện thoại thông minh (smart phone). Họ xem thời tiết để mặc đồ cho phù hợp, coi giờ tàu để kịp chuyển đường đi cho nhanh, mua vé trước trên mạng và thậm chí nếu đi xe của National Express thì không cần ra máy tự động in vé mà mở luôn email trên điện thoại đưa cho người lái xe kiểm tra thay vé.

Đến một nơi mới thì bạn có thể bật bản đồ để xem mình đang đứng ở góc nào, hoặc khởi động phần mềm chỉ đường sẽ bảo bạn đi thẳng, quẹo phải hay quẹo trái cho đến khi tới đích. Với hệ thống định vị, bạn có thể biết người mình hẹn đang đi đến đâu, có bị muộn giờ hay không, hay món hàng bạn đặt mua đang ở chỗ nào, người chủ công ty vận tải biết các chiếc xe của mình có đang bị kẹt trong khu tắc đường hay không để còn điều phối cho phù hợp.

Điện thoại có thể dùng để đọc và xử lý văn bản, in ra, scan rồi gửi đi, biến thành một văn phòng di động giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian.

3. Như vậy, dù muốn hay không thì mỗi người Việt Nam, trẻ hay già, nông dân hay công chức, đều đã là một phần của thế giới mạng toàn cầu như vừa mô tả. Chiếc điện thoại cầm tay để gửi và nhận tin nhắn làm thành viên của Twitter không còn là điều xa xỉ với ngay cả thợ gặt lúa ở dưới quê, còn máy tính bảng hàng Trung Quốc cũng không phải là thiết bị quá tầm chi tiêu của thợ may công nghiệp trên thành phố.

Mạng xã hội đã phổ biến đến mọi ngõ ngách. Nhanh chóng nắm bắt cuộc cách mạng công nghệ này để có thể làm chủ hơn là bị điều khiển, mới có thể phát triển cùng nhịp bước của thế giới.

LÊ THANH HẢI

Ủng hộ và anti…

28/09/2013 18:16 (GMT + 7)

TTCT - Cách đây vài hôm, bạn tôi gửi link một fan page (1) kèm lời nhắn nhủ: “Vào đây ủng hộ với tui, bức xúc quá”.

Tò mò, tôi vào xem thử thì nhận ra fan page này được lập nhằm phản đối dữ dội chuyện hẹn hò yêu đương của một anh chàng vlogger A và một “hot girl” B (2) mà bạn tôi cũng là một thành viên thường trực!

Với gần mấy ngàn thành viên ra vào bình luận, đăng bài, nội dung trang bày tỏ đủ cung bậc cảm xúc nhằm... ngăn cản chàng yêu nàng, mong chàng chia tay nàng: từ khuyên nhủ, tiếc nuối, bực bội đến giận dữ, mỉa mai, chỉ trích…

Thử dành thời gian dạo một vòng quanh mấy hội nhóm trên mạng xã hội, một không gian rộng lớn của các Hội những người ủng hộ A..., Nhóm các bạn anti B... (3) cứ thế hiện ra hàng loạt với vô số biểu hiện vừa phong phú, vừa phức tạp.

Vào hội cho... vui

“Tham gia fan page để vào “chém gió” là chính ấy mà, người lớn cứ làm nghiêm trọng vấn đề” hay “vào đấy để nói chuyện với mấy bạn đồng tư tưởng cho thoải mái, với cả xem người ta cãi nhau càng... vui hơn” là câu trả lời tôi nhận được khi hỏi nhanh cậu em trai và đứa bạn nó. Cả hai thường xuyên vào ra Hội những người ghét CLB MU.

Trang này hoạt động sôi nổi, đặc biệt lâu lâu lại nổ ra những cuộc “thư hùng bàn phím” nảy lửa với Hội những người hâm mộ MU - một nhóm hâm mộ đối lập.

Không ít người nổi tiếng sau một đêm ngủ dậy hay biểu diễn đã thấy hàng loạt trang “anti” mình mọc lên như nấm sau mưa. Từ các nghệ sĩ đến những hot girl cả nổi tiếng lẫn tai tiếng. Cả những người mới hơi hơi nổi một chút đâu đó cũng có từ một đến rất nhiều trang phản đối mang những cái tên đại loại như: Hội những người ghét..., Bộ mặt thật của..., Hội những người phát cuồng vì..., Hội những người anti...

Khá đông bạn trẻ thường trực đăng bài, bình luận nhằm mỉa mai nhân vật chính, biến hình ảnh và hành động của họ thành trò mua vui.

Cá biệt hơn, thời gian qua một cô gái người Thái Lan cũng trở thành “nạn nhân” của hiện tượng này. Thường xuyên chụp những tấm ảnh ngộ nghĩnh, quái lạ đăng lên trang Facebook cá nhân, cô gái không ngờ đến một ngày tận bên Việt Nam cũng xuất hiện hàng loạt trang “phát cuồng” về mình.

Tại đó, những tấm ảnh của cô bị đem ra cắt ghép, chế tác cho thêm bội phần hài hước, thậm chí lố bịch để rồi được cập nhật hằng ngày lên mạng và trở thành nơi bêu riếu, cười đùa cho mấy ngàn người trẻ.

Hơn nữa, chỉ với một hành động nào đó của người nổi tiếng xảy ra trên truyền hình, mặt báo hay cả trong đời sống họ, chỉ sau một đến mấy ngày đã có page anti xuất hiện với vài trăm, vài ngàn người “like” ủng hộ. Điển hình có Hội những người phản đối A yêu B như đã kể trên, hay hội Chúng tôi phản đối A yêu B, Chúng tôi phát cuồng vì A yêu B, thậm chí là 1 triệu like để A suy nghĩ lại...

Ngoài ra, cứ mỗi lần có show giải trí hay sự kiện giật gân gì trên truyền thông là theo đó vô số trang với nội dung phản ứng nảy nở: Hội tẩy chay quyết định của HLV TL, Hội những người anti HLV ML thiên vị, Hội những người phản đối nhà mạng ngưng khuyến mãi 100%, Hội những người phản đối cách ra đề… Dường như hội nhóm trên mạng xã hội đã trở thành kênh bày tỏ những gì không vừa ý, khó chịu của các bạn trẻ mà ngoài đời thực họ không có điều kiện phát ngôn, tập hợp.

Giải tỏa bức xúc

Hơn thế nữa, một bộ phận cư dân mạng tham gia các trang “anti” nhằm những mục đích nghiêm trọng: chỉ trích sự việc hiện tượng, thỏa mãn bức xúc nào đó…

Như một bình luận trên trang Chúng tôi không ủng hộ việc A yêu B: “Fan nâng anh lên thì cũng dìm anh xuống được. Vậy mà anh chẳng biết chiều lòng fan, còn gây thù chuốc oán. Việc anh yêu B đã phản bội lại chúng tôi và phản bội lại những phát ngôn của anh…” (!?). Một sự việc tưởng chừng rất riêng tư, cá nhân và vốn chẳng ảnh hưởng đến ai ngoài các nhân vật chính lại có thể gây bão mạng!

Bên cạnh đó, các Hội anti..., Hội những người ghét cay ghét đắng..., Hội căm ghét... đều thể hiện rõ những cảm xúc tiêu cực, nặng về sự miệt thị, đả kích. Tại đó, hàng loạt bài đăng và bình luận tự động đưa ảnh của các nhân vật chính lên, thêm vào những lời bài trừ, chê bai, trù dập, sỉ nhục.

Khi hỏi riêng một số thành viên các loại trang trên rằng vì sao họ lại nặng lời như thế đối với một người vốn chẳng dính dáng mấy đến mình, tôi nhận được hai kiểu giải thích phổ biến. Một là: “Nó khiến mình khó chịu, tội gì không lên đây “dìm hàng” nó cho nhanh”; hai là “Nói chung mới đầu mình chưa ghét nó mấy, nhưng vào đây thấy mọi người nói dữ quá, càng nói càng khiến mình thấy bực bội y vậy...”.

...Và những hệ lụy

Mới đây, H., sinh viên Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, đã bị lãnh đạo nhà trường cảnh cáo xử lý kỷ luật vì việc thành lập Hiệp hội những người ghét dân Thanh Hóa trên Facebook.

Một hậu quả ghê gớm hơn là chuyện em P.U.N., học sinh một trường THPT tại TP Đà Nẵng. Bị trang Bộ mặt thật của các hotteen Đà Thành viết bài xuyên tạc đời tư, miệt thị nhân phẩm và gánh chịu sự hùa theo bêu riếu của các thành viên trang này, N. chịu không nổi áp lực nên đã uống thuốc tự tử.

Dù được cứu sống kịp thời nhưng có lẽ tâm hồn em sẽ luôn gánh chịu một vết thương sâu sắc. Không được may mắn như vậy, Amanda Todd, một nữ sinh Canada, đã tự vẫn sau khi bị bạn bè đưa tấm hình riêng tư lên Facebook, biến cô thành chủ đề bình luận, đùa cợt, bêu riếu trên mạng xã hội.

Dẫu biết rằng bình luận là nhu cầu phổ quát của con người, song việc lạm dụng và đẩy nó đi xa khỏi những giới hạn của sự nhân văn, nhân tính sẽ gây nên vô số hậu quả đau lòng. Mạng xã hội là nơi lan truyền một cách nhanh gọn mọi ý kiến, nhận định; nhưng cùng lúc cả mọi sự xuyên tạc, chỉ trích có thể xâm phạm nghiêm trọng đến quyền cá nhân của người khác.

KHÁNH LINH

“Yêu hoa”, “yêu nắng”... đến “yêu thương lặng lẽ”

Cộng đồng mạng xã hội có những mảng sáng thú vị, đôi phần hóm hỉnh và đặc biệt là đậm đà tinh thần trẻ trung của cư dân mạng.

Chẳng hạn, những hội “yêu”, nơi quy tụ những ai cùng đam mê, chí hướng ở một vấn đề hoặc lĩnh vực nào đó trong cuộc sống.

Từ những sở thích giản dị, lành mạnh (Hội những người yêu đọc sách, Hội những người thích đan len, Hội những người đam mê nấu ăn...), những vẻ đẹp của tự nhiên (Hội những người yêu hoa/yêu nắng/yêu mưa/yêu gió/yêu biển...) đến những điều thân thương, đáng yêu, đáng quý như động vật, trẻ em, truyền thống dân tộc, quê hương đất nước (Hội những người yêu cún con, Hội những người yêu mẹ và bé, Tôi yêu áo dài, Tôi yêu bữa cơm gia đình, Tôi ♥ Việt Nam | I ♥ Vietnam, Sài Gòn Sài Gòn...).

Thậm chí, trang Hội những người yêu mèo trực thuộc website yeudongvat.org hoạt động rất hiệu quả trong việc cứu giúp và kết nối việc nhận nuôi, chạy chữa cho những động vật bị bỏ rơi, lâm bệnh.

Và bạn có biết có những hội nhóm hài hước, thậm chí tự trào với tinh thần lạc quan như thế này không: Hội những người vừa tắm vừa hát, Hội những người thích được ôm từ phía sau... thật chặt, Hội những người muốn kết bạn với những người sinh cùng ngày với mình, Hội những người yêu ba mẹ, Hội những người yêu thương lặng lẽ, Hội những người ế vì quá tử tế mà thôi, Hội những người cứ ở vậy cho chúng nó thèm... 

(1): Là trang trên mạng xã hội, được lập để ủng hộ một ai đó hoặc một sự việc nào đó

(2): Tên nhân vật đã được thay đổi

(3): anti: Chống

Trong số những hành động được cho là ngược đãi hay ức hiếp trên không gian điều khiển có việc “viết các comment công kích cá nhân trên các trang xã hội kể cả khi cá nhân đó không đọc hoặc không biết việc người ta viết về mình”, và “chia sẻ những thông tin cá nhân của người khác mà bình thường không bao giờ họ muốn cho những người lạ biết”.

Như vậy, chuyện buồn của P.U.N. hay bi kịch của cô bé Canada Amanda Todd có thể liệt vào phạm trù “bị ngược đãi trên không gian điều khiển” này.

Khi mạng xã hội đang phát triển và luật pháp chưa thể chi phối mọi mặt những hành vi trên không gian điều khiển, thì những điều chỉnh từng lúc đã nhắc nhở cư dân mạng rằng mạng xã hội cũng có thể mang tới cho họ rắc rối. Gần đây nhất là việc sáu cư dân mạng ở Virginia kiện sếp mình ra tòa.

Theo Reuters, các công dân này cho rằng họ bị mất việc chỉ vì bấm nút “like” một đối thủ chính trị của sếp mình, cảnh sát trưởng Hampton, Virginia, trong một cuộc bầu cử năm 2009 nên bị sếp sa thải. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm số 4 đã xử quyền “thích” hay “không thích” ai đó trên mạng xã hội cũng là một cách bày tỏ ý kiến, và do đó không thể cấm vì sẽ vi phạm tự do ngôn luận đã được tu chính án số 1 của Mỹ quy định.

Không bình luận về kết quả vụ án, diễn tiến này chỉ ra, như nghiên cứu trên ghi nhận: ”...Người ta thường không nhận thức được là khi họ ngồi trước màn hình, tất cả những gì họ thấy chỉ là màn hình. Còn khi họ viết gì đó và nhấn nút gửi đi..., (thông tin đó) sẽ phát triển đời sống của chính nó”.

Vì vậy, khi bạn bấm nút gửi đi một thông tin nào đó trên mạng xã hội, hãy thử hình dung đời sống tiếp theo của nó một khi đã vượt khỏi sự chi phối của bạn.

Cuộc sống của chúng tôi sau thảm họa Fukushima

09/10/2013 12:18 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Sau loạt hồ sơ “Nhật: Fukushima và Olympic 2020” (TTCT số ra ngày 22-9), TTCT nhận được bài viết của GS Michiko Yoshii chia sẻ về cuộc sống của người Nhật sau thảm họa này. TTCT trân trọng giới thiệu.

Những ngày vừa qua ở Nhật, hệ thống truyền thông tiếp tục đưa tin về việc 300 tấn nước nhiễm phóng xạ rò rỉ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Do tôi từng sống bên ngoài nước Nhật trong vòng 23 năm, trong đó 12 năm tại Việt Nam (từ năm 1993-2005), và chỉ trở về nước Nhật từ tháng 8-2008, tôi xin chia sẻ cùng quý độc giả về cuộc sống hằng ngày của tôi và gia đình - như một ví dụ đặc trưng của người dân Nhật - sau thảm họa “3 trong 1” từ ngày 11-3-2011.

Chạy trốn

Tôi và gia đình sống ở tỉnh Mie, miền trung nước Nhật, cách Tokyo 300km và cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 500km về phía tây nam. Khu vực này cũng bị động đất nhưng nhẹ, 3 độ Richter, không có thiệt hại. Sóng thần cao 2m có gây thiệt hại cho việc nuôi thủy sản nhưng không có thiệt hại về người dù là bị thương hoặc nhà ở.

Nghe tin về thảm họa Fukushima, họ hàng tôi ở khu vực Tokyo chạy trốn tới nhà chúng tôi ở. Trong khi đó chúng tôi tìm cách về Việt Nam vì gia đình tôi luôn coi Việt Nam như là quê hương. Lúc đó Chính phủ Việt Nam đã giúp dân Việt Nam và gia đình tại Nhật về nước, lo giúp vé máy bay chỉ với giá 200 USD/người/chuyến.

Cuối tháng 3-2011, cả gia đình tôi (gồm chồng tôi người Việt, tôi người Nhật, con gái 16 tuổi và con trai 11 tuổi) đều được về Việt Nam. Nhân đây, tôi chân thành cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện giúp chúng tôi về Việt Nam.

Đầu tháng 4, năm học mới bắt đầu (theo tổ chức giáo dục của Nhật), con trai tôi vô được trường Nhật tại TP.HCM và ở lại với bố. Trường lúc đó bất ngờ đông học sinh vì nhiều gia đình cũng đưa con về Việt Nam, đặc biệt là các bà mẹ người Việt đưa nhiều cháu lai Việt - Nhật về nước. Riêng tôi vài ngày sau lại cùng con gái về Nhật ở, gia đình chia đôi như Lạc Long Quân và Âu Cơ...

Về Nhật với con gái, cuộc sống của chúng tôi không dễ dàng chút nào. Vào tháng 4-2011, rau cải vùng đông bắc Nhật bị phát hiện nhiễm phóng xạ mạnh, nhưng lúc biết tin thì nhiều người đã ăn rau rồi. Cùng tháng, nước ở thành phố Tokyo bị nhiễm phóng xạ, bị cấm uống. Nước suối đóng chai không còn để bán, kể cả khu vực tôi ở, vì người ta mua để gửi cho bà con ở vùng Tokyo.

Vào tháng 5, phát hiện thịt bò của cả nước Nhật bị nhiễm phóng xạ vì bò ăn cỏ của khu vực đông bắc. Khi biết được tin đó, người ta cũng đã ăn thịt nhiều rồi...

Hai nồi cơm riêng

Khi bị nhiễm, phóng xạ vào phá tế bào của cơ thể người, đặc biệt trẻ con và phụ nữ có thai vì cơ thể của họ đang thời kỳ phát triển để có nhiều tế bào mới, nhưng những người trên 50 tuổi dùng thực phẩm nào cũng ít nguy cơ hơn. Vì vậy trong gia đình mình, tôi đã phải mua thức ăn, nấu ăn theo một cách mới: khi mua rau thì chọn của khu vực địa phương miền trung, tây hoặc nam.

Mua hai loại gạo: một loại từ miền nam, tin là sạch và mắc tiền cho các cháu; một loại khác của địa phương cho bố mẹ vì nghe nói tại địa phương nơi chúng tôi ở người ta cũng đã pha gạo địa phương vào chung với gạo Fukushima. Thịt bò thì mua của Tasmania (Úc), thịt gà mua của Brazil, thịt heo của Mỹ, cá của Chile hoặc châu Âu, bạch tuộc của Morocco, tôm của Việt Nam...

Ở nhà, tôi nấu hai nồi cơm riêng: một nồi cho hai cháu với gạo miền nam, một nồi cho bố mẹ và tôi với gạo địa phương. Sau khi chồng và con trai tôi trở lại Nhật vào mùa hè năm 2011, chồng tôi đi chợ mua nhầm rau vùng bị nhiễm phóng xạ, vậy là từ đó rau trữ trong tủ lạnh cũng phải chia làm hai loại, mỗi loại có dán nơi xuất xứ để phân biệt loại nào dùng cho người lớn và loại nào dùng cho người trẻ tuổi. Chẳng hạn, cùng là dưa leo nhưng dưa leo vùng đông bắc dành cho bố mẹ và dưa leo vùng phía nam dùng cho hai cháu.

Thông qua các cơ quan truyền thông Nhật, nhiều nhà khoa học, bác sĩ nói rằng bị nhiễm một lượng phóng xạ “ít” thì không sao. Nhưng người dân chúng tôi đã có kinh nghiệm, bởi khi nào họ cho mình biết là có vấn đề nghĩa là sự việc đó đã xảy ra từ lâu rồi. Bố mẹ phải tự mình đề phòng, bảo vệ sức khỏe của con cái mình mà thôi... Như vậy, có 300 tấn nước phóng xạ rò rỉ hay không, chúng tôi cũng đã bỏ ăn cá Nhật từ lâu rồi.

Trong thời gian sống và làm việc tại TP.HCM, tôi đã có dịp quan tâm đến vấn đề trẻ em đường phố và nghiên cứu vai trò của các tổ chức xã hội, đoàn thể Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Tôi cũng thấy được điều tương tự mà các tổ chức xã hội Nhật Bản đang nỗ lực làm để bảo vệ trẻ em Nhật sau thảm họa này.

Tự “rửa” phóng xạ

Hiện tại các cháu tại Fukushima vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều cháu trở nên quá mập vì thiếu vận động (quanh quẩn trong phòng, bên ngoài nồng độ nhiễm phóng xạ cao không ra chơi được). Có nhiều trường hợp cha mẹ ly dị vì cha ở lại Fukushima làm việc, mẹ và con cái di dời đi nơi khác hoặc nhiều cháu bị ngược đãi vì cha mẹ bị stress... Tại đó, rất nhiều cháu vẫn đang rất cần được bảo vệ và chăm sóc.

“Nhà trẻ mầm non di động” là một nhà trẻ tư nhân do bà Taeko Henmi tổ chức tại thành phố Fukushima. Thành phố này có 280.000 dân, cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi 60km. Nơi đây theo chính phủ thì mức độ nhiễm phóng xạ “không cao”, gia đình nào không có điều kiện di dời thì bị bắt buộc ở lại chung với trẻ em.

Nhưng thực tế về sau chúng tôi biết được chính nơi này cũng có độ nhiễm phóng xạ tương đương khu vực nhiễm xạ cao do nhà nước quản lý - có nghĩa là tương đương trong một phòng nghiên cứu phóng xạ: không ai được ăn uống, ngủ nghỉ trong đó, ra khỏi phòng phải thay quần áo.

Nhà trẻ di động của bà Taeko Henmi hằng ngày tập trung trẻ vào buổi sáng, cho trẻ lên xe buýt đi 50km, vượt qua một dãy núi cao đến tỉnh kế cận là Yamagata, nơi ít nhiễm phóng xạ, cho trẻ ở lại đó sinh hoạt, học tập, vui chơi cả ngày, buổi chiều đưa các em trở lại Fukushima. Kinh phí di chuyển mỗi ngày do các tổ chức xã hội đài thọ.

Fukushima Ise-Shima no Kai là một tổ chức xã hội khác có trụ sở tại tỉnh Mie, cách Fukushima 500km về hướng tây nam. Tổ chức này cũng đưa trẻ em bị nhiễm phóng xạ ra xa khỏi khu vực có mức độ phóng xạ cao trong vòng vài tuần nhằm giúp trẻ bị nhiễm phóng xạ có thời gian đào thải phần nào chất phóng xạ từ trong cơ thể.

Trong vòng vài tuần cách ly môi trường bị nhiễm phóng xạ, trẻ được đi biển tắm, lên núi chơi, nướng thịt ngoài trời và tham gia các hình thức dã ngoại khác... Nhiều tổ chức xã hội khác trong và ngoài nước Nhật cũng làm tương tự và đều tự lo kinh phí đi lại và sinh hoạt, chăm lo đời sống cho trẻ suốt thời gian trẻ tự “rửa” phóng xạ.

Vào tháng 5-2011, Chính phủ Nhật đưa ra tiêu chuẩn giúp đỡ để di dời theo độ nhiễm phóng xạ là 20mSv/năm. Thật ra chỉ những ai ở trong khu vực có độ nhiễm phóng xạ tương đương hoặc cao hơn mới được nhà nước giúp đỡ di dời. Tiêu chuẩn này ngang với tiêu chuẩn nhân viên làm trong nhà máy điện hạt nhân: được bồi thường nếu bị ung thư. Trong khi khu vực bị nhiễm xạ cao vẫn có trẻ em, phụ nữ mang thai phải chịu sống trong đó.

Sau khi các phụ huynh ở Fukushima đến Tokyo biểu tình, cuối cùng chính phủ phải đưa ra lời hứa: “Chúng tôi sẽ cố gắng rửa nhà trường, rửa sân chơi để mức độ phóng xạ xuống dưới mức 1mSv/năm”.

Vừa qua, Olympic 2020 được quyết định tổ chức và sẽ diễn ra tại Tokyo. Tôi nghĩ không nhiều người biết rằng ngay tại Tokyo, rất đông gia đình đã phải chịu cảnh ly tán: bố ở lại Tokyo làm việc trong khi mẹ và các con đến những nơi khác ở, như chạy về hướng nam hoặc tây nam, đến các tỉnh như Okinawa, Fukuoka, Okayama, Mie... Sự phân chia gia đình giữa bố với mẹ và các con nay vẫn còn tồn tại.

Từ năm 2008, tôi và gia đình quyết định trở lại sống ở Nhật do công việc tôi được đảm nhận trong một đại học ở tỉnh Mie. Nếu biết trước sẽ xảy ra một sự cố do nhà máy điện hạt nhân như thế, chắc chắn chúng tôi đã chọn ở nơi khác để sống, mặc dù đó là quê hương, gốc gác của mình.

GS MICHIKO YOSHII (Đại học Mie, Nhật Bản)

Hợp đồng 18 điểm

16/10/2013 21:08 (GMT + 7)

TTCT - Bà mẹ Mỹ Janell Hofmann mua cho con trai iPhone khi cậu bước vào tuổi 13. Trao điện thoại cho con, bà kèm theo bản “Hợp đồng 18 điểm” tự thảo ra, được nhiều tờ báo Mỹ, Úc trích đăng.

TTCT trích giới thiệu. Bạn có thể tham khảo toàn văn ở link (*).

...Điều 7: Không sử dụng công nghệ này để nói dối, lừa phỉnh hay làm người khác thất vọng. Đừng tham gia những cuộc đối thoại gây tổn thương người khác. Phải là bạn tốt trước đã, hoặc phải đứng ngoài những cuộc “ném đá” này.

Điều 8: Đừng nhắn hoặc nói gì mà con sẽ không nói với người đó khi trực diện... Hãy tự kiểm duyệt.

Điều 10: Đừng nhận hoặc gửi hình ảnh những bộ phận trên cơ thể mình hoặc của người khác lên mạng. Đừng cười (vì dặn dò này). Bởi có rất nhiều rủi ro và chúng có thể hủy hoại tuổi thiếu niên, trường học và cả cuộc đời con sau này. Nó (việc gửi hình ảnh này) luôn là một ý tưởng tồi. Không gian điều khiển luôn to lớn và mạnh mẽ hơn con. Rất khó để làm cái gì đó trên Internet biến mất - kể cả điều tiếng xấu.

Điều 13: Đừng chụp quá nhiều hình hoặc quay quá nhiều video. Chẳng cần thiết phải ghi lại mọi thứ thế đâu. Hãy sống những trải nghiệm của mình. Chúng sẽ được lưu giữ vĩnh viễn trong ký ức của con.

Điều 14: Đôi khi hãy để điện thoại ở nhà và hãy cảm thấy an toàn, yên ổn với quyết định đó. Hãy học sống không có nó. Hãy lớn hơn và mạnh mẽ hơn nỗi sợ bị lãng quên.

Điều 15: Tải nhạc mới, cổ điển hoặc những loại nhạc khác hơn hàng triệu bản nhạc mà các bạn cùng tuổi con đang nghe. Thế hệ các con may mắn tiếp cận được âm nhạc nhiều hơn bao giờ trong lịch sử, hãy tận dụng món quà đó. Hãy mở rộng các chân trời của con.

Điều 17: Hãy luôn nhìn lên, tìm hiểu những gì đang xảy ra quanh con, đừng dán mắt mãi vào màn hình. Hãy nghe tiếng chim hót, đi bộ, nói chuyện với mọi người. Hãy đặt câu hỏi mà không cần vào Google...

Điều 18: Nếu con vi phạm, mẹ sẽ lấy lại điện thoại và chúng ta sẽ ngồi xuống cùng đối thoại. Rồi sẽ bắt đầu lần nữa...

Mẹ hi vọng con đồng ý với những điều khoản này. Phần lớn các bài học ở đây không chỉ áp dụng cho iPhone, mà cho cuộc đời con...

MINH THƯ trích dịch

(*): http://www.janellburley hofmann.com/postjournal/gregorys-iphone-contract/#.UlNewNLwlGs

Troll - trò đùa vô hại?

20/10/2013 17:39 (GMT + 7)

TTCT - Xuất hiện trong vài năm trở lại đây, troll là một thuật ngữ sử dụng khá phổ biến trên Internet.

Theo định nghĩa của từ điển Oxford, ở một nghĩa hẹp, troll là hành vi cố tình đăng tải những thông điệp gây chia rẽ hoặc kích động người khác. Một người dùng Internet bị gọi là troll khi người đó cố tình đưa ra những thông tin ngược chiều, không có tính cách xây dựng mà chỉ nhằm tạo ra một cuộc tranh cãi vô bổ.

Troll - trò đùa mới

Tuy nhiên, trái với dạng thức troll có tính phá hoại, từng được Wikipedia liệt vào hành vi phá hoại cộng đồng Wiki, troll còn được hiểu như một thú giải trí mới của người dùng Internet. Một chút nhanh nhạy, giễu cợt đủ mọi thành phần trong xã hội với chút hóm hỉnh, các net-user (1) có thể thu hút hàng chục ngàn “like” cho hành vi troll của mình.

Với cách hiểu này, trong tiếng Việt không thiếu từ để diễn tả troll, nhẹ nhàng có trêu chọc, “trẻ” hóa hơn thì “mày troll tao hả?” tương đương “mày chơi tao hả?” (xin vui lòng đọc với ngữ điệu bình thường, không lên giọng). Không quá khó để thực hiện một trò chọc phá - troll. Với các công cụ máy tính đơn giản như phần mềm đồ họa giản đơn, công cụ cắt ảnh, vài nhân vật với biểu cảm được cộng đồng thừa nhận (troll face) là có thể đủ gia vị cho một trò troll.

Ví dụ: khi bất ngờ nhận được lời tỏ tình “dù anh không giàu có, nhưng anh yêu em chân thành” thì xin đừng vội cảm động, vì troll sẽ cho bạn thấy sự nham nhở bằng phản ứng “không có tiền thì cạp đất mà ăn à...” như phát biểu của một hot-girl dạo nào.

Song song với những đề tài đả kích thói háo danh, nịnh bợ hoặc tham lam, một phần của troll còn hướng đến các nhân vật tiếng tăm như chính khách hoặc giới văn nghệ sĩ. Đặc biệt các quyết định quản lý phi thực tế hay các phát ngôn hớ hênh dễ dàng trở thành một đề tài yêu thích của troll.

Phản ứng với chuyện xăng tăng giá hồi tháng 7-2013, troll dùng hình ảnh ông Arsene Wenger - HLV của Arsenal với bình luận: “Người Việt Nam vì quá để ý đến chúng tôi mà quên mất xăng vừa tăng 460 đồng/lít (2)”. Không thể phủ nhận sự thông minh của người dùng Internet khi châm biếm các “chính sách trên trời” kiểu như quy định xe chính chủ hoặc vòng ngực đạt chuẩn để điều khiển phương tiện giao thông...

Đùa mà không vui?

Người viết thử đặt câu hỏi cho một số bạn trẻ cuồng nhiệt các trò troll trên mạng, về nguồn gốc và tác giả của những hình ảnh chế thông minh này, nhưng câu trả lời nhận được là: “Không biết”, “Chắc của một ai đó có thời gian rảnh”, “Vui mà”. Khi người dùng Internet thích troll chỉ vì hài hước, họ bỏ qua các nội dung ẩn chứa đằng sau những hình ảnh giản đơn của troll face.

Theo khảo sát của WeAreSocial, 73% trong số 30,8 triệu người dùng Internet tại Việt Nam dưới 35 tuổi, nhóm dân số trẻ này sử dụng đến 29 giờ mỗi tháng để vào mạng Internet. Chỉ bằng vài hình ảnh nguệch ngoạc, một lát cắt cuộc sống được truyền đạt đến hàng triệu người dùng, nhưng ai đảm bảo được rằng những sự kiện này không bị diễn giải theo một thiên kiến có chủ ý?

Trong một phiên bản trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú” ở Việt Nam, một người chơi đã chọn câu trả lời từ gợi ý của một khán giả nam thay vì hai nữ khán giả trước đó, vì quan niệm: “Trong những giờ phút quyết định, tôi ít niềm tin vào phụ nữ hơn”.

May mắn thay, lựa chọn của anh đem lại đáp án đúng. Diễn tiến này ngay lập tức được quăng lên YouTube. Giới troll cũng không đứng ngoài cuộc khi hình ảnh người chơi nọ được ghép cùng câu nói của anh, bên dưới là bình luận: Đằng sau người đàn ông thất bại là một người phụ nữ xui dại. Đằng sau một người thành công có bóng dáng của một người đàn ông, cuối cùng kết luận: Chỉ có đàn ông mới đem lại hạnh phúc cho nhau!

Từ một câu nói vô thưởng vô phạt của một người vô danh, tín đồ troll nâng lên thành chuyện giới tính!

Ở phạm vi hẹp hơn là nỗi lo về cách thức biểu lộ cảm xúc của những con nghiện troll trên Internet. Troll đơn giản hóa tranh châm biếm về dạng thức và chiều sâu. Bởi nó chỉ biểu lộ cảm xúc của một số loại gương mặt nhất định như: người ưa trêu tức kẻ khác (troll face với nụ cười ngoác đến tận mang tai), nạn nhân của các trò đùa với khuôn mặt méo mó vì khó chịu và tức giận (rage guy), okay guy - chấp nhận mọi trò trêu chọc đến mức nhu nhược, LOL guy - những kẻ thuộc về đám đông cười nhạo, gương mặt cười như mếu của Yao Ming chỉ tình hình tiến thoái lưỡng nan, một ông sếp tự tin thái quá, nhân vật FA (forever alone - ế suốt đời)...

Các nhân vật của troll được đẩy đến tận cùng của các cảm xúc. Sự thái quá trong biểu lộ xúc cảm trở thành đặc trưng của troll, mà có lẽ nhờ thế nó được yêu thích. Suy tưởng liên hệ đến một nhân vật như ông sếp, như anh cảnh sát giao thông hay anh bạn thân trong thực tế bị đùa cho đến tức giận đỏ mặt tía tai trở thành niềm vui của không ít người dùng Internet thích troll.

Mặc dù cộng đồng troll face cũng đề xuất một số tạo hình khác, tuy nhiên đây lại là những biểu cảm được chấp nhận và chế ra nhiều mẩu chuyện nhất. Đằng sau niềm yêu thích các nhân vật troll là cách sống có chút nhẫn tâm, ích kỷ trước những tình huống trớ trêu của nhân vật bị troll.

Sự phát triển của troll góp một góc nhìn châm biếm vào đời sống, nhưng sự phát triển của troll cũng cảnh báo chúng ta về những nguy cơ tiềm ẩn trong việc lạm dụng nó. Chẳng phải các chuyên gia tâm lý đã khuyên người sử dụng Internet rằng “đừng bao giờ nói với một người trên mạng những điều mà nếu gặp trực tiếp người ấy, bạn sẽ không bao giờ nói”?

LAN HƯƠNG

(1): Net-user: Người dùng Internet

(2): http://citinews.net/the-thao/anh-troll-gia-xang-tang-bat-ngo-len-muc-ky-luc-ARN5PPI/

Góc Tư vấn

Ai cũng có thể trở thành “troller”?

Tạp chí khoa học online 141 tuổi Popular Science (tạm dịch Khoa Học Thường Thức) đã tuyên bố không cho phép độc giả của họ để lại lời bình luận từ ngày 24-9-2013.

Giám đốc nội dung Suzanne LaBarre đã giải thích: “Những nhận xét tiêu cực làm mất đi tính đúng đắn của khoa học”. Phớt lờ mục đích tạo diễn đàn trao đổi về những công nghệ và thành tựu khoa học mới, đã có độc giả vô tư bình phẩm, “hạ bệ” những nghiên cứu khoa học mới khiến tòa soạn lo lắng sẽ làm giảm nhiệt đam mê của những nhà khoa học trẻ nghiêm túc.

Nhà tâm lý học Suller đã trình bày nghiên cứu về tác động của sự ẩn mình trong thế giới online, nhằm lý giải vì sao con người thay đổi hành vi 180 độ khi họ bước vào thế giới mạng. Sự kết hợp của những lý do sau sẽ khiến bất cứ ai cũng có thể trở thành “troller”.

- Ẩn danh. Dù tôi có nói xấu, thóa mạ hoặc sỉ nhục bạn, không ai biết người vừa buông những nhận xét xấu xí trên mạng đó là tôi. Nhờ sự ẩn danh trên Internet, người ta có thể nhanh chóng bộc lộ cảm xúc của mình, không e ngại bị biết tên tuổi, lý lịch.

- Ẩn mình - không ai biết mặt mũi, danh tính của tôi, họ cũng không thể phán xét tôi. Trong bóng tối của thế giới Internet, dù có bị chỉ trích, phê phán, không ai biết tôi ngoài đời hình dáng thế nào. Mặt trái của thế giới Internet là bạn không thể thấy được cảm xúc của người khác. Chính bởi lẽ đó, sự vô tư và vô tâm chì chiết, miệt thị cứ xảy ra.

- Lời nói gió không bay. Đó là những gì xảy ra trên thế giới Internet. Những thảo luận ngoài đời thật sẽ chấm dứt trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng thế giới mạng thì không. Một người có thể nhận xét những status của bạn ngay tức khắc, song cũng có khi vài tháng sau, câu chuyện đã yên lại được khơi dậy khi ai đó bắt đầu phê bình về status cũ. Vì thế, những ý kiến được đưa ra nên cẩn trọng, có thể vào thời điểm hiện tại những ý kiến đó được đánh giá đơn giản, song ở thời điểm khác nó được cho là kiêu ngạo và khác thường.

- Suy đoán mù mờ. Khi không tương tác trực tiếp mặt đối mặt, bạn dễ quy kết tính cách và phẩm chất của một người dựa trên những khái niệm, đặc điểm về tính cách được lưu giữ sẵn trong não bộ. Và cứ thế, chỉ dăm ba câu đối thoại, não đã vẽ nên gương mặt người bạn đang nói, quy kết họ đang nhìn bạn như là kẻ xấc xược, hoặc ngu dốt. Những suy đoán càng khiến bạn tức giận vì bạn tin 100% rằng bạn hiểu rõ mục đích, động cơ của người đưa ra bình luận, mặc dù có thể họ không có ý định xấu như bạn đã nghĩ.

- Ảo là không thật. Nếu trong thế giới thật dù có cảm giác mù mờ, suy đoán, bạn sẽ phải cẩn trọng, tìm hiểu ngọn ngành, không dám hành động bộc phát. Thế giới ảo tạo cho chúng ta cái quyền được giải thoát, nghĩ gì làm đó, không quan tâm đến hậu quả.

- Pháp luật hay nguyên tắc giao tiếp là điều không tồn tại, tôi có thể tự do ứng xử. Đó là điều mà mọi người sẽ có thể thực hiện khi ngồi trước màn hình máy tính và bắt đầu viết những bình luận.

Những lý do trên cho thấy phần tối của thế giới Internet, quá dễ để lăng mạ hoặc lấy người khác ra làm trò đùa trên mạng. Đối với các nhà giáo dục, người ta đang bắt đầu hướng người sử dụng Internet học cách cảm thông người khác, luyện tập nhiều hơn về trí tuệ xúc cảm. Nếu để ý bạn sẽ thấy các trang Facebook hiện tại đang xuất hiện chức năng thể hiện cảm xúc. Vì khi thấy được cảm xúc được bộc lộ, những hành động troll có thể giảm đi.

ThS TRẦN THỊ NGỌC DUNG

* Nguồn tham khảo:

Castella and Brow V. (2011) Trolling: Who does it and Why, BBC News

Martin A (2013) Online Disinhibition and The Psychology of Trolling, Wire

LaBarre S (2013) Why We're Shutting Off Our Comments, Popular Science

Câu chuyện giáo dục:

Cận cảnh học thêm

23/10/2013 11:19 (GMT + 7)

TTCT - Bấy lâu ai cũng chủ quan nghĩ rằng học thêm - dạy thêm mang nhiều tiêu cực, như là học sinh bị ép học thêm, dạy thêm tràn lan, hình ảnh người thầy xấu đi khi dạy thêm... Thế nhưng hỏi chuyện trực tiếp học trò học thêm từ thôn quê đến thành phố thì thấy... không phải vậy!

Tại tỉnh Phú Yên, tôi đặt một số câu hỏi chung cho nhiều nhóm học sinh của các trường THPT Trần Quốc Tuấn, THPT Trần Bình Trọng, THPT chuyên Lương Văn Chánh, THPT Nguyễn Huệ và đã nhận được những câu trả lời hồn nhiên và hết sức bất ngờ.

Các bạn có học thêm không? Vì sao phải học thêm?

- Có, có. Dạ có chứ ạ (đồng thanh).

- Không thể không học thêm. Không học thêm là học không nổi.

- Các bạn học thêm thì mình cũng phải học thêm cho kịp bạn. Học thêm thấy vui mà.

- Nếu không học thêm thì không đủ, học trên lớp không bao giờ đủ.

- Em thích đi học thêm vì thầy cô dạy thêm vui vẻ, nhiệt tình, nhất là không bị dò bài (kiểm tra bài cũ).

Có bạn nào trong lớp không học thêm?

- Rất ít.

- Hầu hết các bạn đều học thêm, ít nhất cũng học một đến hai môn.

- Cũng có một vài bạn tự học. Vài bạn khác chắc là nhà... không đủ tiền.

- Một số bạn học thêm kiểu a dua, tới lớp học thêm để chọc phá. Thích thì đi, không thích thì thôi, có khi chạy làng (không đóng tiền) thầy cô.

Chúng ta thường học thêm môn gì?

- Toán, lý, hóa.

- Em chỉ học thêm tiếng Anh.

- Tụi em học thêm các môn sẽ thi đại học thôi.

Tại sao không học thêm môn văn, sử, địa?

- Môn văn có văn mẫu, sử, địa thì học thuộc bài, cần gì thì coi thêm trên mạng.

- Những môn này tự học được, còn toán, lý, hóa không có thầy cô dạy thêm là học không vô, khó lắm.

- Thầy cô dạy môn xã hội thường dễ chịu. Nhưng nếu ai làm khó, dò bài nhiều thì tụi em bỏ luôn môn đó.

Khi học thêm có thấy mình tiến bộ trong học tập?

- Có chớ. Có tiến bộ (đồng thanh).

- Trước kia môn toán em toàn một hai (điểm 1, 2) nay toán của em được bảy tám.

- Nếu không khá hơn tụi em học thêm làm gì!

Thầy cô trên lớp có gợi ý các bạn học thêm hay là các bạn tự tìm tới?

- Ít có thầy cô gợi ý học thêm. Thầy cô có lớp dạy thêm tại nhà hoặc thuê nhà gần trường để dạy. Ai dạy thêm, ai không, biết hết rồi thì cần gì gợi ý.

- Tụi em thấy mình dở môn nào thì tự động học thêm môn đó.

- Tụi em tìm đến thầy cô dạy hay,

có tiếng nhưng nếu không hiểu, không hợp thì tụi em chuyển sang học chỗ khác ngay.

- Ai vui tính, dạy tận tình, dễ hiểu là tụi em kéo tới học. Các thầy cô cũng phải cạnh tranh với nhau.

- Không thầy cô nào dám ép buộc tụi em tới nhà học thêm đâu.

- Khi tụi em nói “khó quá” thì cũng có thầy cô khuyên đi học thêm nhưng không dám nói đến cua (lớp dạy thêm) của thầy cô đó.

Nếu bây giờ cấm hẳn dạy thêm thì các bạn thấy sao?

- Ui, không được đâu (đồng thanh la).

- Nếu cấm thì hơi gay đó. Tụi em “dính” vô rồi, bây giờ không học thêm thì không thể tự học được.

- Không học thêm chết liền!

- Không cho học thêm ở nhà buồn lắm, đâu biết làm gì.

- Em phản đối.

- Nếu cả nước cấm hết, ai cũng như ai khi thi đại học thì chấp nhận được.

- Nhưng làm gì cấm tiệt hết được.

Học thêm nhiều có ảnh hưởng đến việc học các môn khác?

- Tối về học các môn khác.

- Không ảnh hưởng gì, bởi nếu không đi học thêm cũng đâu có tự học được.

- Đi học thêm nhiều thấy mệt nhưng bù lại vui.

Ba mẹ có than tốn tiền học thêm không?

- Không, ba còn biểu đi học thêm nhiều môn nữa.

- Tiền học thêm không nhiều, so với cái tụi em học được, hiểu được thì cũng đáng (đồng tiền).

- Ba mẹ quyết tâm cho tụi em ăn học, tốn chút đỉnh ráng được.

Từ những câu trả lời của học sinh có thể kết luận: không thể cấm dạy thêm - học thêm (vi phạm pháp luật) với chương trình học hiện hành, cùng việc dạy và học nhắm vào thi cử như hiện nay, đặc biệt là phương pháp dạy học cũ kỹ và chưa thay đổi cách kiểm tra đánh giá từ cấp quản lý. Nói như giáo sư Hoàng Tụy, chúng ta đã tạo ra một nền hư học cổ lỗ. Và không thể chối cãi rằng giáo viên dạy thêm, một kiểu làm kinh tế tư nhân, “buộc” mừng khi học trò ngày càng mất tính tự học. Nếu ngược lại, còn ai đi học thêm?

Tôi không tiện hỏi: “Ba mẹ các bạn làm gì?”, nhưng tôi biết trong số các em có ba mẹ làm ruộng, thợ hồ, bảo vệ, nhân viên khu giải trí, bán hàng rong, bỏ mối hàng... mới thấy các bậc phụ huynh hi sinh ghê gớm cho con em mình.

Cuộc phỏng vấn chưa làm thống kê này biết đâu sẽ là một gợi ý cho việc Bộ GD-ĐT đang hồ hởi triển khai đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” nước nhà.

NGUYỄN PHI HÙNG (Trung tâm GDTX-HN)

Thế giới ảo & thực

Chạy khỏi Facebook

28/10/2013 11:25 (GMT + 7)

TTCT - Lang thang trên Facebook, bắt gặp một tấm hình thú vị, tôi vội vàng vào “tường nhà” nhỏ bạn thân để share (chia sẻ) thì bất ngờ thấy trang cá nhân của bạn đã hoàn toàn biến mất.

Lo lắng bạn gặp biến cố chi đó, tôi gọi hỏi thăm. (Đến lúc này, chỉ còn điện thoại là công cụ liên lạc khả dĩ và cũng may là tôi có nó). Thì ra lý do của bạn cũng trùng khớp với hàng chục lần ý nghĩ đó nhen nhóm trong đầu tôi, chỉ là bạn đã dám thực hiện.

Tạm khóa...

Bạn nói: “Facebook lấy đi quá nhiều thời gian và gây cho người ta trạng thái phân tâm khủng khiếp. Mình nhận ra lên Facebook đã trở thành một thói quen gây nghiện khiến công việc sao nhãng, thức khuya liên tục…”. Rồi bạn bàng hoàng nhận ra tiến độ làm việc tại nhà vẫn giậm chân tại chỗ, tiền thì đã tiêu gần hết vào mấy món đồ mua online vì quảng cáo quá ngọt ngào, thời gian hầu như toàn dành cho: hết like rồi bình luận qua lại, tán gẫu suốt đêm.

Bạn tôi quyết định tạm thời khóa Facebook để ngăn bản thân không thể tiếp cận với cái thế giới “quá hấp dẫn và lắm chuyện ấy”.

Vậy là thêm một người gia nhập hội “bỏ Facebook ra đi” bằng cách deactivate (vô hiệu hóa) tài khoản của mình.

Lý do của bạn cũng là lý do của nhiều người tôi biết, khi thất vọng và âu lo về những hậu quả sau thời gian dài theo đuổi Facebook và bị “nghiện”, đã phải dùng biện pháp xóa bỏ nhằm cách ly chính mình khỏi “chất gây nghiện” kia.

Nếu như với trường hợp trên khóa Facebook là nhằm hạ quyết tâm, thì với M., một bạn khác của tôi, người đã vài lần deactivate tài khoản một thời gian rồi mới mở lại, việc đóng cửa “ngôi nhà” trên mạng lại mang một cảm quan khác: nỗi ghen tị.

Học xa nhà, cứ tết đến, những hình ảnh sum vầy đầm ấm được mọi người phô bày rầm rộ lại khiến M. chạnh lòng rồi đâm ra những ý nghĩ bơ vơ, kiểu như chốn này mình là người ngoài cuộc, không có chỗ dành cho mình. Nhằm tránh sự khó chịu và nỗi cô độc giày vò làm sao nhãng cuộc sống, M. đành khóa Facebook tạm thời, đến khi thấy tâm trạng thoải mái hay cần liên lạc gấp mà không còn cách nào khác, cô mới kích hoạt.

V., cùng tâm trạng với M., còn thừa nhận thêm đôi khi chính trong sự lạc lõng và cảm giác so sánh với người khác ấy, việc tạm thời khóa Facebook cũng như một cách trốn tránh khỏi cộng đồng. “Trốn là để tìm thấy”, những lúc ấy V. thầm muốn việc mình biến mất cũng là một cách tỏ bày lặng lẽ với bạn bè rằng “tôi đang không ổn và tôi cần những sự quan tâm ngoài đời thật”.

Trong nhóm bạn bè tôi, khoảng trên dưới năm tài khoản lại bị chủ nhân vô hiệu hóa vì chung một cảm giác khác. Đó là sự khó chịu khi phải đối diện với một số người, một số điều, một số chuyện trên mạng, mà chỉ có cách khóa đi thì mới không phải “chứng kiến” nữa.

Với họ, không biết tự bao giờ trên Facebook xuất hiện kha khá những mối quan hệ xã giao, không thân thiết, không muốn biết nhưng không - thể - không - kết - bạn (như đồng nghiệp, hàng xóm, bạn học...), hoặc những nhân vật mà sự thể hiện của cá nhân đó trên mạng chỉ khiến họ thêm mệt mỏi (vì than vãn) hoặc ngán ngẩm (vì “hoàn hảo”).

Với P., bạn tôi, thì “Facebook ngày càng trở nên xô bồ, nơi xuất hiện nhiều mục đích lộn xộn, vô bổ: khoe khoang, mua bán, tạo quan hệ, thậm chí để nói xấu, khích bác nhau…”. Và dường như chỉ bước ra khỏi không gian mạng xã hội, những người trẻ nọ mới có thể quay về với bản thân, không bị ảnh hưởng từ những đám đông ồn ào.

Cuộc sống họ, như P. thừa nhận, “thiếu Facebook cũng không thấy xáo trộn, mà lại tận hưởng được thời gian tốt hơn, vì những ai quan tâm đến nhau đều có nhiều cách khác để liên hệ”.

... Hay “biến mất” vĩnh viễn

Lại còn một nhóm bạn khác hầu như đã xóa hoàn toàn tài khoản và không có ý định quay lại. Chính cảm giác bị biết - quá - nhiều trên thế giới ảo khiến họ thấy cuộc sống cá nhân mất an toàn trầm trọng, khi mọi sở thích, phát ngôn, địa điểm đều có thể công khai, lan tràn với tốc độ nhanh chóng, cũng như mọi thông tin lưu trên hồ sơ ảo đều có thể bị truy cập và sử dụng cho những mục đích khác nhau.

Để giữ bản thân ở một khoảng cách an toàn, không rắc rối, không phiền nhiễu, không hệ quả trong những mạng lưới ảo, họ đã xóa đi sự tồn tại của mình nơi đó.

Bên cạnh cảm giác bất an, khó chịu vì bị cuốn vào đời sống trên thế giới ảo là hiện tượng bão hòa cảm xúc sau khi đã “chơi Facebook” một thời gian dài. Nếu như ở trường hợp trước, từ bỏ là một cách kháng cự, kìm giữ bản thân thì với hoàn cảnh này, một số bạn bè tôi đã tự hủy tài khoản vì không còn thấy được sự hấp dẫn, cần thiết của nó nữa.

Cuộc sống thực bận rộn gồm ngồn ngộn sự kiện, mối quan tâm, đối lập với những hiện tượng bầy đàn, nhộn nhạo, hoặc những yếu tố lặp đi lặp lại trên Facebook khiến họ cảm thấy “mạng xã hội bỗng trở nên vô cùng nhàm chán, luẩn quẩn, ngột ngạt…”.

Hiện nay, trong một cộng đồng nhỏ khoảng 50 người mà tôi quen biết, thân thiết, đã có trên 15 người từng khóa hoặc xóa vĩnh viễn tài khoản Facebook. Số còn lại, trong đó có tôi, cũng đôi lần nghĩ đến ý định ấy nhưng vẫn chưa đủ động lực.

Ở các nước phương Tây, hiện tượng “đào thoát” khỏi mạng xã hội xuất hiện ngày càng phổ biến, bắt nguồn từ hàng loạt lý do lớn nhỏ: hao phí thời gian, gây nghiện, lo ngại yếu tố bảo mật riêng tư... Song, cũng không ít người thừa nhận rằng không có mặt trên Facebook cũng lắm lúc khiến họ cảm thấy bứt rứt, khi mọi chuyện ngày nay phần lớn đều được thông báo tại đó, kể cả hình thức “nhắc ngày sinh nhật”, kể cả tình trạng của các mối quan hệ...

Và nhiều người đã không vượt qua ý nghĩ về sự ngoài rìa cuộc đời, khi chính cuộc đời thực đã được tái hiện chi tiết, thậm chí chi tiết hơn mức cần thiết, trên thế giới ảo.

Đến “tự tử ảo hàng loạt”

Tờ Daily Mail trong một số ra tháng 9 đã sử dụng cụm từ “virtual identity suicide” để mô tả tình trạng những người dùng Facebook ở Mỹ và Anh rủ nhau từ bỏ trang mạng xã hội này hàng loạt. Một thăm dò và phân tích 600 người dùng Facebook của Đại học Vienna nêu ra các nguyên nhân chính liên quan đến sự “ra đi hàng loạt” này: âu lo cho việc bảo vệ sự riêng tư và nhân thân trên mạng (48,3%), không còn hài lòng nói chung (13,5%), các khía cạnh tiêu cực của bạn bè ảo (12,6%) và... sợ nghiện (6%).

Brenda Wiederhold, biên tập viên của tạp chí Tâm lý trên không gian điều khiển, hành vi và mạng xã hội, nói: “Vì những câu chuyện nổi tiếng như vụ WikiLeaks và mới đây là các báo cáo (của Edward Snowden) về việc giám sát của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, các công dân ngày càng lo âu cho việc bảo mật sự riêng tư của họ trên không gian điều khiển”.

Tuy nhiên, một cái nhìn cận cảnh của Đại học Vienna vào những người “bỏ cuộc chơi” Facebook đã vẽ ra một chân dung nhóm khá thú vị: đa số những người từ bỏ vĩnh viễn này là người lớn tuổi và là nam giới!

Vậy thì với những người trẻ hơn, Facebook vẫn còn đủ hào quang hấp dẫn của những ngày đầu? Một bài báo trên tờ The Christian Science Monitor chỉ ra nghịch lý: trong khi sự phổ biến của Facebook thể hiện qua con số fan của nó ngày càng tăng, thì cùng lúc nạn “mệt mỏi vì Facebook” (Facebook fatigue) và “quá tải bảng tin” (News feed overload) đã khiến việc lướt trang mạng xã hội này trở nên bớt hấp dẫn.

Bài báo này dẫn lời Rachel Fernandez (18 tuổi) - người tạo trang Facebook của mình bốn năm trước: “Khi mới có Facebook, tôi từng nghĩ đây là thứ tuyệt nhất ta có. Bạn trở nên hợp thời vì ai cũng có. Nhưng giờ thì nó tẻ nhạt rồi”. Cô cho biết không bỏ hẳn Facebook dù hiện nay cô chẳng buồn xem bảng tin, các post mới, ảnh và vô số video của gần 1.800 bạn bè mình tải lên mỗi ngày.

Facebook với cô cũng không khác email hoặc điện thoại, nhưng cô chọn lựa nó vì những người cô cần giao tiếp đều trên đó cả. Điều đó cho thấy Facebook là một tài sản lớn nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn nhất.

Từ đó có thể thấy việc từ bỏ Facebook hay khóa tài khoản, vĩnh viễn hoặc tạm thời, cũng là một thái độ, một quan niệm, một mong muốn hướng đến cuộc sống cân bằng, nhẹ nhõm và tránh bị lệ thuộc vào một trang web ảo, nói rộng hơn là một đám đông. Xu hướng trên xuất hiện cho thấy khát vọng về một cuộc sống tự tại, nơi bản ngã, thời gian và mối quan hệ được xây dựng, sử dụng, nuôi dưỡng một cách hợp lý, chín chắn và chân thật.

KHÁNH LINH - MINH THƯ

Bốn mánh khóe

Nhà báo Sarah Kessler cho biết không dễ từ bỏ Facebook vì công ty này đang tìm mọi cách giữ chân người sử dụng, mà qua kinh nghiệm cá nhân cô đúc kết lại bốn kỹ thuật giữ chân người dùng của Facebook. Cô kể lục lọi mãi cô mới tìm ra phương án xóa tài khoản Facebook, mà nhờ công cụ

Google (!), khi đó Facebook đề nghị cô tạm khóa thôi, thay vì từ bỏ vĩnh viễn. Trang này đề nghị nếu cô chỉ tạm khóa, họ sẽ lưu lại “giúp” cô những thông tin từng tải. Sarah bèn chọn phương án tạm khóa này. Nhưng khi cô ”deactivate” tài khoản của mình thì lại được Facebook nhắc “hãy nghĩ về bạn bè từng ấy năm cùng nhau” rồi liệt ra năm cái tên trong số này, cùng với dòng nhắn tin tự động, nói rằng họ sẽ “nhớ cô biết bao nếu cô bỏ ra đi”.

Sau đó cô được đề nghị kể cho Facebook nghe vì sao cô quyết định từ bỏ. Khi cô giải thích là vì muốn bảo mật sự riêng tư, Facebook ra sức thuyết phục cô đọc những giải thích dài dòng về việc trang web này xử lý các dữ liệu cá nhân thận trọng ra sao, trước khi cô tạm khóa.

Sarah Kessler bình luận: “Đó không phải là người bạn trai tôi từng hò hẹn thời trung học. Facebook có cả một khoa học làm lệch hướng người muốn từ bỏ nó” (1).

Vấn đề ở chỗ nếu người dùng của Facebook Inc. sụt giảm hoặc không truy cập thường xuyên thì lợi nhuận của công ty này sẽ bị ảnh hưởng, bởi phần lớn lợi nhuận của nó lệ thuộc vào số quảng cáo mục tiêu. Và đến nay, cứ một người bỏ thì lại có nhiều người đăng nhập, lý giải vì sao doanh thu của nó đạt 5,1 tỉ USD năm 2012, tăng so với 3,7 tỉ USD năm trước.

Đến nay Facebook có tới 1 tỉ người dùng, trong số này có 618 triệu truy cập mỗi ngày.

(1): www.fastcompany.com/30175 30/4-persuasion-tricks-facebook-uses-to-keep-you-from-quitting#1

Thế giới ảo & thực:

Bạn có sống trong "bội hiện thực"?

02/11/2013 14:56 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Phản hồi bài “Chạy khỏi Facebook” (xem TTCT số đề ra ngày 27-10) là ý kiến của hai độc giả giải thích vì sao họ từng tạm khóa và cái nhìn hiện nay của họ về mạng xã hội này.

Tôi bắt đầu tham gia Facebook từ khi đi du học xa nhà, theo lời giới thiệu của một cô bạn: “Vào đi, Facebook vui lắm”. Thời gian đầu tôi chẳng thấy cái gì vui trên Facebook cả. Tôi tạo tài khoản và để đấy cả tháng không đụng vào.

Đó là cách đây hơn năm năm, Facebook vẫn chưa hoàn toàn phổ biến tại Việt Nam. Bạn bè thân thiết của tôi cũng chẳng mấy ai trên Facebook, nên không có gì khiến tôi hứng thú. Sau đó, dần dần mọi người xung quanh tôi gia nhập Facebook. Những người bạn thân nhất, rồi gia đình tôi, friendlist của tôi đầy dần.

Cảm giác của tôi khi ấy rất hào hứng, tôi có cảm giác mình ở gần họ hơn rất nhiều, được chú ý, được quan tâm, được lắng nghe và công nhận. Tôi chăm chỉ vào Facebook mỗi ngày cập nhật tình hình, chờ đợi những cái “like” và phản hồi của những người tôi quan tâm. Vậy là đủ ấm.

Facebook ấm cúng, facebook khó ưa

Lần đầu tiên tôi deactivate Facebook là khi tôi... giận một người bạn. Tôi quyết định tắt Facebook một thời gian, tự hỏi: Mình deactivate thì ai sẽ phát hiện ra đầu tiên nhỉ? Tôi cho rằng người quan tâm đến tôi nhất là người dành nhiều thời gian dòm ngó trang Facebook của tôi nhất. Cũng theo kiểu tư duy này, đó cũng sẽ là người mong muốn tôi quay lại Facebook nhất.

Lần đó tôi deactivate không lâu lắm, nhưng từ sau đó tôi hay chọn deactivate làm giải pháp từ bỏ xã hội (và đương nhiên, chỉ mang tính tạm thời). Sau này nhìn lại tôi nhận ra mình hay deactivate vào khoảng tháng 2 mỗi năm. Lý do vì đó là thời điểm Tết âm lịch, bạn bè tôi hầu như ai cũng quây quần với gia đình, rồi chụp hình khoe cảnh sung túc đầy cả Facebook.

Cả trang home của tôi vào mùa tết nhìn như một cái lễ hội, hình hoa mai hoa đào, hình các món ăn ngon, bao lì xì, các gia đình sum họp cười toe toét. Còn khi đấy tôi vẫn đang ở xứ người, thui thủi một mình, vào Facebook chỉ khiến tôi thấy buồn và tủi thân thêm. Nên không hẹn mà cứ tới khoảng tháng 2 là tôi lại quyết định deactivate, như một giải pháp trốn tránh cả thế giới.

Tôi coi Facebook như là một phần xã hội của tôi, vì đó là nơi duy nhất tôi có thể trò chuyện và quan sát cuộc sống hằng ngày của những người bạn cách xa tôi cả nửa vòng Trái đất. Tôi là người ít nói, ở môi trường mới tôi khó kết bạn, nên Facebook cứ như một vòng tay ấm cúng tôi có thể yên ổn tựa vào, bày tỏ ý kiến về nhiều thứ và tin chắc là sẽ có một ai đó công nhận nó (thường là những người bạn thân của tôi).

Tôi check Facebook liên tục, cứ vài phút một lần, mỗi tin nhắn hoặc notification đều làm tôi sung sướng. Nhưng đó cũng là quy luật, khi quay về Việt Nam nghỉ hè, tôi bỏ Facebook ròng rã mấy tháng vì tôi không cô đơn.

Đó cũng là lúc tôi nhận ra vị trí thật sự của Facebook với tôi. Thời gian tôi dành cho Facebook gần như tỉ lệ thuận với cảm giác cô đơn của tôi. Tôi càng thấy cô độc thì tôi càng bám lấy Facebook, còn khi có bạn bè xung quanh thì tôi cũng không còn nhu cầu lên Facebook.

Ở một số thời điểm khi tôi đã không còn nhu cầu, tôi lại thấy Facebook rất khó ưa (vì thiên hạ quá xô bồ, suốt ngày dòm ngó thiên hạ khiến mình vừa mất thời gian vừa có cảm giác bản thân rất sân si), nên tôi lại quyết định deactivate cho yên tĩnh.

Công cụ hay bản ngã?

Lần gần đây nhất tôi mở Facebook sau một thời gian deactivate là vì phải chuyển trường. Khi đó Facebook là kênh liên lạc chính yếu của tôi với hội sinh viên ở trường mới, cũng là nơi giúp tôi kiếm chỗ ở mới và làm quen với những người bạn học chung trường, kể cả khi chưa gặp mặt nhau. Sau việc đó thì tôi không nghĩ tới chuyện deactivate Facebook nữa.

Tôi nghĩ điều khác biệt là tôi không còn đồng hóa bản ngã của mình với trang Facebook cá nhân nữa. Tôi không còn coi Facebook là một gương mặt của mình, mà chỉ còn là một phương tiện mà thôi. Mà phương tiện thì đơn giản là khi cần thì ta dùng, không cần thì ta không đụng đến, chứ khác với bản ngã, nếu không vừa ý thì ta buộc lòng phải giết chết nó (bằng cách deactivate).

Nhà xã hội học Jean Baudrillard từng bàn về khái niệm “hyperreality” (tạm dịch: bội hiện thực) trong các bài viết của ông. Khái niệm này nói về những điều kiện, khi mà cái thực và cái ảo hoàn toàn đan lẫn vào nhau, không còn một sự phân cách rõ ràng, và con người thấy mình hòa hợp với cái ảo và xa cách cái thực hơn.

Con người tìm thấy niềm vui bằng việc tiếp xúc với một nơi chốn giống với thực tế, mô phỏng thực tế (nhưng không phải là thực tế). Điều đáng nói là họ sẵn sàng đầu tư cho nơi “ảo mà thực” đó, khi mà đó là nơi thể hiện nhu cầu, khao khát và một số phẩm chất mà họ chưa đạt được.

Baudrillard cũng nhấn mạnh “hyperreality” không bị giới hạn về mặt thể chất: nó có thể diễn ra chính trong nội tâm, hoặc ở một thế giới ảo. Về điều này, bản thân Facebook là một “hyperreality” như thế, và cả người dùng Facebook cũng đã tạo ra một “hyperreality” cho riêng mình. Họ tạo ra một dạng nhân bản chính mình thông qua việc chọn hình đại diện, chọn lọc thông tin để giới thiệu bản thân, chọn lọc những ý nghĩ và nhu cầu chia sẻ cho trang cá nhân.

Bản ngã thứ hai đó sẽ được công nhận thông qua số lượt like, số lượng phản hồi, số lượng “bạn” trên trang cá nhân. Nhưng cũng thấy rõ là khác với bản ngã thực tế, bản ngã Facebook sống chủ yếu nhờ vào tương tác xã hội. Thiếu đi các tương tác này, cũng là sự công nhận chủ chốt, thì bản ngã này sẽ chết. Bản ngã này, vì vậy, dù hoa mỹ và hoàn thiện hơn bản ngã thực nhưng mỏng manh và dễ bị “hạ sát” hơn.

Thời điểm này, số người dùng Facebook đã là một con số khổng lồ, và mỗi thành viên bước vào Facebook với một mục đích và hoàn cảnh riêng. Tùy vào cách nhìn nhận Facebook (là công cụ hay là bản ngã ảo), có thể thấy với những ai đã xây dựng trang cá nhân như một thực tại thứ hai và quyết định giết chết nó, sự từ bỏ đó gần như là một sự trở về hiện thực.

VỸ ANH

Câu chuyện giáo dục

Một cuộc đua

06/11/2013 10:50 (GMT + 7)

TTCT - Năm trước, cuộc thi an toàn giao thông dành cho học sinh cấp tiểu học toàn thành phố khởi sự là một bài văn, yêu cầu các em viết trong một trang giấy, đề tài: “Lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm”. Bài viết của con trai tôi được chọn vào sơ khảo.

Theo thông tin của thầy hiệu trưởng, trong 19 quận huyện và tổng cộng gần cả trăm trường tiểu học trong thành phố chỉ chọn được mười bài văn vào sơ khảo nên việc con tôi, một học sinh trong một trường nhỏ, vào được sơ khảo đã là một chuyện xưa nay chưa có tiền lệ.

Ngày trường nhận thông báo chính thức từ phòng giáo dục, tôi nhận từ nhà trường gần chục cuộc điện thoại chúc mừng. Thế rồi kèm theo hàng loạt lời chúc mừng từ thầy cô, con tôi nhận được khoảng tám, chín tập tài liệu từ văn phòng nhà trường, những tập tài liệu về an toàn giao thông cùng mấy trang ký hiệu giao thông mà thầy cô bắt cháu phải học thuộc lòng trong vòng chưa tới hai tuần để chuẩn bị kỳ thi chung khảo.

Ngoài việc học thuộc tài liệu, cháu phải tự viết một bài dài hai trang giấy học sinh về đề tài “Nếu bạn em đi băng ngang đường sai luật thì em phải khuyên bạn thế nào?” để hùng biện trước toàn trường.

Thời gian chuẩn bị kỳ thi chung khảo rất ngắn, chỉ trong vòng mười ngày. Sau khi con tôi viết xong bài hùng biện thì cháu bất ngờ được biết cùng lúc đó có ba thầy cô giỏi văn nhất trường cũng được phân công viết bài. Cuối cùng, thầy hiệu phó có nhiệm vụ lấy bốn bài viết của cả thầy trò “tổng hợp” lại cho... đầy đủ, trí tuệ và sâu sắc.

Ngạc nhiên hơn, con trai tôi được đặc cách mỗi tối từ 6g đến 8g30 phải đến nhà cô phụ trách Đội để cô tập cho cách hùng biện, cách ra những cử chỉ điệu bộ, cách nhấn nhá, “lên giọng, xuống xề” để thuyết phục khán thính giả. Chưa hết, thầy hiệu trưởng còn “thỉnh giảng” một cô hiệu trưởng từ một trường khác - nơi có học sinh từng đậu chung kết về an toàn giao thông - đến rèn cho con tôi những trò chơi trong cuộc thi sắp tới.

Khỏi phải nói con trai tôi quay cuồng thế nào trong lịch làm việc dày đặc ấy. Tuy nhiên vốn bướng bỉnh, cháu nhất quyết không chịu thuộc bài văn tổng hợp mà thầy hiệu phó dày công soạn thảo hai đêm liền. Cháu tự ý viết một bài khác của mình.

Buổi sáng thứ hai và thứ tư tuần kế tiếp, cháu hùng biện thử trước toàn trường. Các bạn học sinh trong trường vỗ tay cho con trai tôi khá nhiệt tình nhưng thầy hiệu trưởng, cô phụ trách Đội, thầy hiệu phó và những thầy cô có liên quan bực tức ra mặt trước sự bướng bỉnh thái quá của cháu. Thầy hiệu trưởng gọi điện cho tôi, phản đối cách hành xử của con tôi và mong tôi khuyên cháu vâng lời.

Mặc dù cảm thấy bài viết của con dễ đi vào lòng người hơn bài viết sáo mòn của thầy hiệu phó, nhưng tôi cũng gọi con lại và bảo cháu hãy cân nhắc lần nữa, có nên học bài của thầy hiệu phó hay bài của chính mình. Con tôi đáp: “Không hiểu sao con học thuộc bài của thầy hiệu phó rồi mà khi đứng trước đám đông, con quên sạch những câu chữ của thầy, còn những câu chữ của con cứ hiện lên trong đầu óc của con”.

Thứ sáu tuần đó, cháu trình bày bài của mình trước toàn trường thật suôn sẻ. Lần này thầy hiệu trưởng nhượng bộ. Sau đó, thầy phân công hẳn hai cô giáo cùng học, cùng chơi an toàn giao thông với cháu, kèm cặp cháu, dò bài cho cháu trong khoảng ba ngày còn lại trước cuộc thi. Quả thật bi hài, con trai tôi bắt đầu rối khi bị chăm sóc quá chu đáo, cháu bắt đầu lẫn lộn lung tung và ngái ngủ bất cứ khi nào có thể do căng thẳng...

Kỳ thi chung khảo cũng tới, những thí sinh nhí từ khắp cả nước đổ về TP.HCM. Trước giờ thi, nhà trường thuê hẳn một chiếc xe 45 chỗ chở con tôi cùng thầy cô và các cổ động viên tới trường thi là một nhà thi đấu lớn. Con tôi đoạt giải ba. Thầy hiệu trưởng và toàn thể giáo viên trong trường tỏ ra hết sức hài lòng, coi như cũng bõ công dạy dỗ kèm cặp cháu. Cả trường gọi con tôi là “đại sứ Hon đa”. Nhiều tuần sau đó, con tôi đi học luôn được chào đón bằng những cái vỗ vai thân ái từ học sinh cùng lớp lẫn khác lớp.

Tôi cảm nhận được sự mệt mỏi của con khi trở thành một vận động viên trên trường đua giành lấy chút vinh quang. Những kèm cặp, thúc đẩy và lo lắng của ban giám hiệu tạo cho cháu nhiều áp lực tinh thần. Vì vậy sau cuộc thi cháu giấu tất cả giải thưởng vào một ngăn tủ và khóa chặt. Cháu sợ nhìn thấy nó, sợ nhắc đến nó trong nhiều tháng liền. Sau cùng cháu bảo: “Thầy cô bảo con giỏi văn, con sợ phải thay mặt trường đi thi những giải như vậy. Thi thố này nọ khiến con thấy đuối quá”.

Một cuộc thi của trẻ con, cuối cùng lại là của người lớn.

BẢO NHI

Một ngôi chợ kinh doanh tên tuổi

06/11/2013 22:09 (GMT + 7)

TTCT - Đã từ lâu rồi tôi không còn dùng Facebook cho cuộc sống cá nhân nữa, chỉ giữ để liên lạc công việc với những ai thường xuyên có mặt trên Facebook. Không ít người cũng rời Facebook với nhiều lý do khác nhau.

Cũng như dịch vụ chat Messenger của Yahoo!, hay mạng IRC một thời nổi tiếng, sau mỗi giai đoạn nếu không còn phù hợp với nhịp bước của thời đại thì các phương tiện liên lạc cũng dần bị đào thải.

Thời gian của bạn: tiền cho người kinh doanh Facebook

Chắc bạn còn nhớ có một thời chiếc máy điện thoại bàn là vật không thể thiếu trong mỗi hộ gia đình, nhưng nay ngay cả thợ gặt thợ cấy cũng chờ gọi công bằng điện thoại cầm tay, và bản thân tôi từ nhiều năm nay không hề có điện thoại cố định trong nhà.

Điện thoại cầm tay làm thay đổi rất nhiều thói quen trong cuộc sống hằng ngày của người sử dụng và có những loại điện thoại không hề thích hợp cho người xài Facebook, cũng như các phần mềm Facebook mới can thiệp quá nhiều vào cuộc sống riêng tư của người ta.

Vừa mới quen một đối tác làm ăn, nạp số vào máy, thế là Facebook tự động tích hợp với hệ thống email và friends trên mạng, khiến đối tác biết hết không chỉ về cuộc sống riêng tư của bạn mà cả đường đi nước bước, hay thậm chí cảm giác của bạn sau khi gặp họ nữa.

Xuất phát từ một phần mềm kết nối cho sinh viên từ các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, Facebook liên tục đi trước thời đại đến mức khiến không ít người khó chịu, và không phải cải tiến nào cũng là cùng chiều với nhịp bước của xã hội. Đó chính là lý do khiến nhiều người rời bỏ mạng Facebook.

Mà bản thân người Anh cũng không hạp lắm với dịch vụ này và thích sử dụng Twitter hơn. Nếu Đàm Vĩnh Hưng và nhiều sao Việt lên Facebook kết nối với người hâm mộ và chia sẻ hình ảnh, thì các ngôi sao của Anh thường kín đáo “tâm sự” trên Twitter. Họ chỉ lên Facebook khi cần quảng bá thương hiệu nào đó.

Facebook, suy cho cùng, cũng giống như một cái chợ mà để có thể kinh doanh tên tuổi bạn sẽ phải đầu tư thời gian, còn nếu chỉ để chơi thì bạn đang lãng phí thời gian - mà thời gian là tiền bạc - tức là đóng góp tiền bạc cho những người kinh doanh trên đó.

Deactivate - chiêu thức bán hàng

Nhìn từ góc cạnh tâm lý con người, chuyện rời bỏ Facebook không phải là đơn giản. Khi bạn đóng cửa tài khoản Facebook thì phần mềm này không chia tay vĩnh viễn với bạn, chỉ tạm ngưng hoạt động (deactivate) để bất kỳ khi nào bạn thích chỉ cần log-in vào như bình thường là khởi động trở lại.

Đây là chiêu thức thường gặp trong bán hàng, và cái mà Facebook cần để biến thành tiền chính là sự có mặt và thời gian tham gia của bạn (để họ bán quảng cáo cho các tập đoàn lớn và lấy con số về lượng người truy cập).

Rất nhiều người sử dụng Facebook mô tả mối quan hệ của mình với mạng xã hội này giống như một cơn nghiện không dễ gì cắt bỏ. Đi đến chỗ nào đẹp là muốn chụp ảnh hay viết vài câu cảm xúc để chia sẻ. Xong rồi là cứ bồn chồn lại vào xem có ai bấm nút like cái status của mình hay không. Khi có người “ném đá” thì không chỉ đáp trả mà còn mất ngủ vào canh xem kẻ đó đối đáp lại như thế nào, và thiên hạ đàm tiếu ra sao.

Có bạn còn dồn hết tâm trí để vận động bạn bè xông vào “tẩn” cho kẻ kia một trận. Thôi thì hỉ nộ ái ố trong cuộc đời có dịp xả ra hết chỉ trong vòng một đêm thức trắng trên mạng. Mỗi lần như vậy cảm giác nghiện lại ăn sâu vào trong con người ta, như Immanuel Kant từng phân tích trong quyển sách nổi tiếng mở đường cho ngành nghiên cứu nhân học, khi nói về ảnh hưởng gây nghiện của cảm xúc trái chiều (vui - buồn, ngọt - đắng, yêu - ghét...) đi cùng nhau.

Cũng giống như là bỏ thuốc lá, phải là một người rất vững vàng và được sự trợ giúp của ngoại cảnh mới có thể dễ dàng từ chối sự cám dỗ của Facebook.

TS LÊ THANH HẢI

Thế giới ảo & thực

“Like” không cứu nổi mạng người

09/11/2013 14:52 (GMT + 7)

TTCT - “Hãy bảo là bạn thích tôi đi”. Nếu nhận được đề nghị đó trong đời thật, hẳn bạn sẽ thấy rất phản cảm. Vậy mà nó là chuyện thường ngày trên mạng xã hội Facebook, nơi không hiếm khi ai đó nhắn bạn: “Nhấn like mình đi”.

Nút “Like” (yêu thích) nhỏ bé bỗng được cung cấp một thứ quyền lực mạnh mẽ khi gắn liền với sự biểu lộ về xúc cảm, nhận thức, xu hướng - những gì thuộc về bản ngã con người.

Chỉ với một biểu tượng giản dị mà tiếng nói của người ta lại có thể được phát ngôn một cách gọn gàng, nhanh chóng và thầm lặng đến thế. Bao trạng thái tinh thần hỉ nộ ái ố cũng theo đó mà biểu hiện đầy phong phú, phức tạp.

Like: sẻ chia, khích lệ

Ngày nay mạng xã hội đang trở thành một trong những kênh chủ chốt nơi người ta thỏa sức bộc lộ tâm trạng, và việc tìm hiểu về tâm ý, tính tình của đối phương, cũng ít nhiều biểu hiện thông qua việc “lướt”, xem xét trang cá nhân thuộc về họ.

Vui, buồn, hờn, giận, bức xúc, những xúc cảm rất con người, ít nhiều khó bộc lộ thoải mái ngoài đời thật thì nay chỉ cần đôi dòng chữ thổ lộ, vài câu thơ trữ tình, hay một đoạn trích bóng gió xa xôi, muôn mặt tế vi của tâm tư đã được hiện lên trong phần cập nhật tin tức tại Facebook bạn bè.

Do vậy, nếu như đăng tâm sự là một trạng thái chia sẻ với thế giới rằng tôi đang trải nghiệm, hạnh phúc, sầu thương, khó chịu ra sao, thì hành động bấm “Like”, chưa kể bình luận, lại có thể được phiên dịch đa nghĩa (chung vui, chia buồn, đồng cảm, động viên...), mà nghĩa nào cũng có thể khiến chủ thể được khích lệ hay an ủi thêm nhiều phần.

Niềm vui ấy càng được duy trì, bồi đắp khi nhờ vậy, ta biết được ai đâu đó, bạn bè nào luôn để tâm đến những cảm nghĩ, hành động của mình, thông qua việc họ bấm “Like” thường trực nơi những dòng trạng thái có lúc đời thường, có lúc vu vơ của ta.

Dường như chỉ một hành động đơn sơ, một thứ mang tính khoảnh khắc trên thế giới ảo, lại đầy đủ khả năng đem đến niềm vui âm ỉ nào đó rất thực, khi mối dây thấu hiểu và cộng cảm đã lại được thiết lập rất xa, từ những màn hình máy tính.

Quả thật, không chỉ sẻ chia cái tôi, Like còn là động thái kết nối những tâm hồn đồng điệu, qua sự gắn bó cùng một ý niệm, ý thích. Mặt khác, khả năng động viên và đánh giá của chính hành động trên cũng được ghi nhận. Như bạn tôi, đam mê nhiếp ảnh và đặc biệt có năng khiếu, chính những lượt Like trên các tấm ảnh, trên trang fanpage bạn thực hiện, là nguồn ủng hộ mạnh mẽ để cậu dám rời bỏ một công việc an toàn đi theo đuổi đam mê thật sự.

Những lượt bấm nút “yêu thích” ấy không hề là sự câu kéo hay xin xỏ, nó hoàn toàn tự nguyện khi người xem hài lòng với tác phẩm mà cậu đem lại. Like, ở đây, cũng gần với một sự cảm ơn, một lời thừa nhận.

Tuy nhiên, sau một thời gian, nút Like đã bộc lộ cả hai mặt giá trị của nó, bên cạnh những hiện tượng đẹp.

Mỗi Like là một...

Không ít người khi đã dấn thân quá sâu vào thế giới ảo, bắt đầu nảy sinh hiện tượng lệ thuộc vào sự đồng cảm, động viên hay ngưỡng mộ từ những nickname trên mạng. Họ thường xuyên cập nhật mọi vấn đề cá nhân, thậm chí những yếu tố vô cùng nhạy cảm, và cả thực hiện nhiều hình thức thu hút sự chú ý nhằm có nhiều Like.

Số lượng Like trở thành mối quan tâm hàng đầu và từ đó cũng nảy sinh vô số cái lố bịch, bi kịch hay trạng thái “ăn mày cảm xúc” và đào sâu thêm khoảng cách giữa con người với thế giới thực.

Hơn nữa, chính trong nút Like - nơi bày tỏ quan niệm và sở thích cá nhân, cũng là chỗ có thể sinh sôi xu hướng tâm lý bầy đàn. Có những cái Like theo quán tính, theo thói quen, theo ý nghĩ “thấy mọi người Like mình cũng Like cho đông vui, cho sành điệu, cho ra vẻ am hiểu, nhanh nhạy” mà không cần quan tâm đến nội dung thật sự người khác muốn chia sẻ.

Đôi khi có những dòng cập nhật đầy tâm trạng, buồn bã khi chia sẻ những sự việc không vui lại cũng nhận được nhiều lượt Like mà không có bất kỳ dòng chữ an ủi, động viên, hỏi han nào bình luận phía dưới.

Nhiều trang fanpage đã lợi dụng tâm lý đám đông trong cách hoạt động trên thế giới ảo để câu kéo lượng Like. Dạo gần đây, những tấm ảnh hoặc fanpage với nội dung: Like nếu bạn yêu mẹ/bố/gia đình; Bỏ qua không Like nếu bạn không yêu nước; Thấy đúng thì cho một Like; Nếu không Like tức là bạn không có trái tim, 1 triệu Like để..., 1 Like là 1 gạch ném vào..., 1 Like là X tiền ủng hộ cho..., Like để giúp đỡ..., xuất hiện ngày một phổ biến và thu hút lượng Like khổng lồ.

Sau đó, khi đã đạt được số người yêu thích lớn, một số trang đã bị bán lại và biến thành những địa chỉ kinh doanh online với lượng fan sẵn có. Cá tính của công dân mạng, đôi khi, có thể bị lợi dụng và mua bán một cách nhanh chóng như vậy.

Mới đây, Unicef đã tung ra một số video giáo dục cộng đồng với thông điệp: “Bấm Like không cứu nổi mạng người”. Thay vì chỉ chia sẻ, Like và bình luận bày tỏ sự thông cảm, tiếc thương, bức xúc cho một thân phận, hoàn cảnh, tình hình; chúng ta hãy bắt tay vào những hành động thiết thực như quyên góp, cứu trợ, lên tiếng (*).

Một nghiên cứu vừa được công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences, cho thấy việc thống kê và phân tích những lượt Like của ai đó trên Facebook có thể chỉ ra rõ nét con người họ về chủng tộc, giới tính, chỉ số IQ, cá tính, văn hóa. Chúng ta có thể truy cập vào website: www.youarewhatyoulike.com để thử đánh giá về bản thân trong một ứng dụng do chính các nhà khoa học cung cấp dựa trên nền tảng nghiên cứu này.

Có thể nói Like chính là một động thái sống, một hành vi văn hóa, một kênh biểu thị cái tôi và là sự hồi đáp của xã hội đối với một hiện tượng. Do vậy, dù ở bất cứ môi trường nào, thực hay ảo, thì mọi hành động cá nhân, bao gồm cả những lượt Like đơn giản, cũng cần được thực hiện một cách sáng suốt, nhân bản, văn minh và có trách nhiệm.

PHƯỢNG LINH

Mặc dù có thể xuất phát từ mục đích động viên hay đồng cảm thì nhu cầu “like” lắm khi cũng phai nhạt tính hồn nhiên và chân thành của nó, để trở thành một thứ kỹ xảo giao tiếp. Đã xuất hiện một số sách cẩm nang hướng dẫn việc làm sao... thu hút nhiều like trên mạng xã hội về: hình tượng bản thân, sản phẩm tiếp thị... Bỏ qua những nội dung về việc sử dụng kỹ thuật tin học nhằm tăng lượng like, view... thì các lời khuyên nhằm “được nhiều like”, hay thu được nhiều comment (bình luận), share (chia sẻ), “viết status (trạng thái)/đăng ảnh Facebook được nhiều người like” cũng xuất hiện ngày một phổ biến. Chẳng hạn, trên một trong những “cẩm nang” có bán ở các hiệu sách thành phố, người viết dẫn ra nhiều biện pháp tâm lý học, khảo sát xã hội học để chứng minh: nếu đăng những nội dung ngắn gọn, đúng trọng tâm, có liên quan đến bản thân, vào buổi trưa thứ bảy,... thì xác suất được like của bạn sẽ tăng lên (!). Có thể thấy hành động like ngày càng được chú ý về mặt số lượng và có thể với nhiều động cơ khác hơn là mục đích giải trí, sẻ chia đơn thuần.

(*): http://www.telegraph.co.uk/technology/facebook/10041713/Likes-dont-save-lives-charity-hits-out-at-Facebook-slacktivists.html

Vào Facebook, người ta dễ dàng gặp những bức ảnh đăng một em bé bị tật nguyền, ung thư, một người ăn xin cực khổ... với lời kêu gọi là hãy chia sẻ cho nhiều người cùng biết để giúp đỡ hoàn cảnh này. Tôi thật sự không hiểu những nút “share”, nút “like”, những bình luận có giúp được những hoàn cảnh đó không, chỉ biết rằng qua hành vi này, người ta đã có thói quen làm từ thiện trên mạng.

Tôi phân biệt rõ những trường hợp chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn trên Facebook.

Đầu tiên là những bức ảnh, status chia sẻ các hoạt động thiện nguyện “offline” vừa diễn ra của một bạn nào đó và kêu gọi mọi người tham gia các hoạt động tiếp theo. Hoặc những hoàn cảnh nghèo khó có thật, có địa chỉ hẳn hoi để mọi người biết mà giúp đỡ.

Khi xem những bức ảnh hoặc đọc status này, nhiều người ủng hộ và hoan nghênh, nhiều người tự nguyện tham gia và rủ người khác cùng làm. Từ thế giới mạng, nhiều người trẻ đã bắt tay hành động thực tế.

Nhưng cũng nhiều người thích sống “online” hơn là “offline” với những bức ảnh đau thương của những người khốn khó nhưng đã được chia sẻ trên rất nhiều diễn đàn, không rõ về thực tế của người này, họ còn sống không, họ đang ở đâu và muốn giúp họ thì như thế nào? Thường thì đây là những “chiêu trò” của một số fangape nhằm “câu like”, “câu view” để kiếm lợi.

Nhưng điều đáng tiếc là một số bạn không biết đã thi nhau chia sẻ, bình luận và ngộ nhận mình đã làm từ thiện, trong khi chính mình không bao giờ bắt chuyện với một bà cụ bán vé số, một em bé ăn xin hay chưa từng đi thăm hỏi một mái ấm tình thương. Đây là một biểu hiện cho sự thích nhìn, ngắm, bình luận hơn là đi và làm của nhiều bạn trẻ.

Không phải tự nhiên mà tổ chức UNICEF ở Thụy Điển đã gọi các cư dân chuyên làm từ thiện trên mạng là “Slacktivist” (ghép từ chữ: slack - bê trễ và activist: người hoạt động tích cực). Đó là người có những cảm xúc rất máy móc, khi thấy người nào khốn khó thì lập tức gõ bàn phím “Trời ơi, tội nghiệp quá”, “Mong sao cuộc sống của em sẽ tốt hơn”... một cách sáo rỗng.

LÊ ĐẶNG

Cuộc sống muôn màu

Văn hóa Giải trí

Thế giới không phẳng:

“Giới tính thứ ba”: những bước đi mới

11/11/2013 20:30 (GMT + 7)

TTCT - Tại Việt Nam, cái nhìn về người đồng tính đã có những thay đổi đáng kể so với các năm trước đây. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, đã bắt đầu thực hiện những chính sách cởi mở để bảo vệ quyền lợi của “giới tính thứ ba”.

Tại hai trường mẫu giáo Nicolaigarden và Egalia ở Stockholm (Thụy Điển), các giáo viên tránh dùng từ “cô”, “cậu”, “con trai”, “con gái”... Họ khuyến khích các học sinh gọi nhau một cách đơn giản là “bạn”. Khi một học sinh nữ đập phá đồ chơi, giáo viên sẽ không trách mắng cô bé hay dạy cô rằng con gái không được hành động như vậy.

Thư viện của trường có rất ít những truyện cổ tích như Cô bé lọ lem hay Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn với những nhân vật nam nữ khuôn mẫu rõ ràng, nhưng lại đầy những truyện về cha mẹ đơn thân hay những cặp vợ chồng đồng tính.

Các giáo viên không khuyến khích học sinh nữ chơi đồ hàng và học sinh nam chơi đồ chơi Lego. Một trong những đồ chơi phổ biến nhất trong trường là những búp bê thể hiện trạng thái cảm xúc như vui sướng hay giận dữ. Điều đặc biệt là tất cả các búp bê này đều không mặc quần áo và không thể hiện rõ giới tính nam hay nữ.

“Xã hội mong muốn các bé gái thể hiện nữ tính, dịu dàng và xinh xắn, còn các bé trai phải mạnh mẽ, hướng ngoại. Trường Nicolaigarden tạo điều kiện cho chúng được là chính mình” - Hãng tin AP dẫn lời giáo viên Jenny Johnson, 31 tuổi, của Trường Egalia khẳng định.

Xóa nhòa khoảng cách giới tính

Bà Lotta Rajalin, 52 tuổi, giám đốc của Trường Nicolaigarden và Egalia, cho biết nhà trường đặc biệt chú trọng tới việc nuôi dưỡng một môi trường giúp trẻ em thông cảm với người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới. Ngoài Nicolaigarden và Egalia, ở Stockholm còn có bốn trường tiểu học công lập khác áp dụng mô hình giáo dục tương tự.

Thụy Điển là quốc gia đặc biệt tôn trọng nữ quyền và trong những năm gần đây trở thành nước tiên phong tại châu Âu trong việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và cho phép các cặp đôi đồng tính được nhận con nuôi.

“Chúng tôi đang hướng tới việc xây dựng một xã hội trung lập về giới tính” - tạp chí Time dẫn lời nhà báo P.M. Nilsson khẳng định. Dù những mô hình mới như Trường mẫu giáo Nicolaigarden và Egalia vẫn vấp phải một số phản ứng, nhưng trên thực tế xã hội Thụy Điển đang ngày càng xóa nhòa khoảng cách giới tính.

Chỉ cần ở vài ngày tại Thụy Điển, bạn sẽ phát hiện rất nhiều nỗ lực của xã hội nhằm xóa nhòa khoảng cách giới tính. Dễ nhận thấy nhất là việc sử dụng từ “hen” dành cho những người không muốn được xác định một cách cụ thể là nam hay nữ, thay cho từ “han” (anh ấy) và “hon” (cô ấy).

Từ “hen” đã được đưa ra từ thập niên 1960 nhưng chỉ trở nên phổ biến vào năm 2012, khi tác giả truyện thiếu nhi Jesper Lundqvist sử dụng nó trong cuốn Kivi and the monster dog (Kivi và con chó quái vật). Cũng trong năm 2012, từ “hen” đã được chính thức đưa vào cuốn bách khoa toàn thư của Thụy Điển.

Sau đó tạp chí Nojesuiden xuất bản một ấn phẩm thay toàn bộ các từ “han” và “hon” bằng từ “hen”. Việc sử dụng từ này dẫn tới nhiều cuộc tranh cãi dữ dội ở Thụy Điển, nhưng chỉ một năm sau các tờ báo lớn như Aftonblade bắt đầu thường xuyên sử dụng từ này để thay cho “han” và “hon”. Ở Quốc hội Thụy Điển, các nghị sĩ cũng đã quen thuộc với từ “hen”.

Tất nhiên tại Trường Nicolaigarden và Egalia, các giáo viên cũng chỉ dùng từ “hen” để nói về người khác với các học sinh nhỏ tuổi của mình. Nhà báo Linda West của trang web Jezebel.com khẳng định: “Đó là một bước tiến đáng kể nhằm mở rộng khái niệm giới tính và là sự công nhận đối với những người có giới tính phức tạp hơn so với sự phân định nam - nữ cứng nhắc và cổ hủ”.

Công nhận “giới tính thứ ba”

Nhưng ở châu Âu không chỉ có Thụy Điển cởi mở về giới tính. Từ ngày 1-11 Đức trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Âu công nhận “giới tính thứ ba” trên giấy khai sinh.

Theo luật mới, các bậc cha mẹ tại Đức có quyền bỏ trống ô giới tính trong giấy khai sinh của con mình. Trong tình huống này, đứa trẻ được hiểu là mang giới tính “không xác định”. Bộ Nội vụ Đức cũng cho biết hộ chiếu của các công dân Đức, hiện chỉ có ô nam và nữ để xác định giới tính, sẽ có thêm ô thứ ba mang dấu hiệu X cho người mang “giới tính thứ ba”.

Theo Der Spiegel, thống kê cho thấy cứ 1.500-2.000 trẻ em ra đời thì có một mang đặc điểm sinh dục của cả nam và nữ. Trong tình huống này, các bậc cha mẹ rối trí thường làm theo lời khuyên của bác sĩ là phẫu thuật bộ phận sinh dục của con em họ theo chuẩn nam hoặc nữ tùy theo quan điểm của bác sĩ.

Các cuộc phẫu thuật này chỉ mang tính chất chỉnh sửa hình thức chứ không hề có lợi cho sự phát triển thể chất và tâm lý của những đứa trẻ “lưỡng tính” này. Và bản thân các đứa trẻ “lưỡng tính” bị mất quyền lựa chọn của riêng mình ngay từ khi còn quá nhỏ.

Báo chí Đức đã dẫn rất nhiều trường hợp người “lưỡng tính” phải qua phẫu thuật hồi nhỏ đã phải sống một cuộc đời bất hạnh và bị kỳ thị. Một người từng bị phẫu thuật trong quá khứ cay đắng tổng kết bi kịch cuộc đời mình: “Tôi không phải nam cũng chẳng phải là nữ. Tôi mãi mãi chỉ là sự chắp vá của các bác sĩ, suốt đời phải mang những vết sẹo không thể mờ”.

Một số trường hợp bị quy định là nam hoặc nữ và khi trưởng thành không hề cảm thấy phù hợp với giới tính mà người khác gán cho họ.

Trước Đức, Chính phủ Úc đã đưa ô giới tính X, nghĩa là chưa xác định, không rõ hoặc lưỡng tính, vào hộ chiếu từ năm 2011. “Đây là sự công nhận nhân quyền quan trọng đối với những người muốn chọn xác định giới tính của mình không phải là nam hay nữ” - báo Guardian dẫn lời thượng nghị sĩ Úc Louise Pratt khẳng định khi đó. Sau Úc, New Zealand cũng áp dụng mô hình hộ chiếu tương tự vào năm 2012.

Ở Nam Á, Bangladesh đưa mục “giới tính khác” vào đơn xin cấp hộ chiếu từ năm 2011. Trong khi đó, Nepal công nhận “giới tính thứ ba” trong bảng kê khai dân số từ năm 2007. Năm 2013, chính quyền Nepal tuyên bố sẽ cấp chứng minh nhân dân với mục “giới tính thứ ba” cho những người không muốn xác định mình là nam hay nữ. Pakistan từ năm 2011 cũng đã cho phép người dân được đăng ký “giới tính thứ ba” khi xin cấp chứng minh. Ấn Độ cũng đưa mục “giới tính thứ ba” vào danh sách cử tri từ năm 2009.

HIẾU TRUNG (Theo Time, Der Spiegel)

Khác với các quốc gia Tây Âu, Nga là một trong những quốc gia châu Âu cấm tuyên truyền hôn nhân đồng tính trong giới trẻ. Hồi cuối tháng 6, Tổng thống Nga V. Putin đã ký một đạo luật tạm gọi “chống tuyên truyền đồng tính” sau khi hai viện của Quốc hội Nga lần lượt thông qua.

Theo dự luật được sửa đổi này, từ nay các cuộc biểu tình của giới đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT) ở Nga bị cấm, cũng như việc tuyên truyền những quan niệm hôn nhân phi truyền thống trong trẻ em, kể cả việc truyền bá thông tin có thể làm tăng quan tâm tới vấn đề này. Mỗi vi phạm đều nhận một mức phạt cụ thể, trong đó có cả việc phạt tù và trục xuất đối với người nước ngoài.

Ngay sau khi dự luật được ban hành, chỉ trích đã nổ ra trong cũng như ngoài nước Nga. Tuy nhiên, trong một phát biểu ở Phần Lan hồi tháng 6, tổng thống Nga đã kêu gọi các nước “đừng can thiệp vào chuyện nội bộ của Nga”. Ông lập luận: “Một số nước cho rằng không cần thiết bảo vệ trẻ em khỏi chuyện này. Nhưng chúng tôi thì có. Chúng tôi sẽ thực hiện việc bảo vệ này theo cách mà các đại biểu chúng tôi đã quyết định”.

Trong một phát biểu hồi tháng 4-2013, ông Putin cũng cho rằng hôn nhân đồng tính sẽ không sinh sản trẻ em và rằng Nga cũng như nhiều nước châu Âu đang bị đe dọa bởi nạn sụt giảm dân số.

Trước cuộc bỏ phiếu ở Hội đồng liên bang (Thượng viện Nga), bà Valentina Matvienko, chủ tịch HĐLB, nhấn mạnh các sửa đổi này không nhằm kỳ thị người đồng tính mà chỉ nhằm bảo vệ giới trẻ, bởi hiện nay không giống như thời Liên Xô, khi những người giới tính phi truyền thống ở Nga không bị đặt ngoài vòng pháp luật.

Bà nói: “Họ (LGBT) cũng là những thành viên bình đẳng của xã hội. Như người trưởng thành, họ có quyền quyết định họ muốn sống thế nào. Nhưng với trẻ em (việc cấm tuyên truyền) không phải là ý thích bất chợt của ai đó, mà là một yêu cầu từ xã hội”.

Những người soạn thảo các sửa đổi dự luật cho rằng dự luật sửa đổi nhằm “bảo vệ trẻ em khỏi phải đối mặt với vấn đề bản năng giới tính quá sớm, bảo vệ đa số khỏi một thiểu số đang truyền bá hung hăng những giá trị của họ”.

Một cuộc thăm dò đầu tháng 6 của Trung tâm Thăm dò dư luận toàn Nga (VTSIOM) cho thấy 88% người Nga ủng hộ các bổ sung luật mới. Chỉ 7% chống. Một cuộc thăm dò khác của Trung tâm Levada cũng cho thấy 85% người trưởng thành Nga được hỏi cho biết họ phản đối mạnh mẽ luật cho phép hôn nhân đồng tính, 87% phản đối tổ chức các sự kiện liên quan đến những người đồng tính ở thành phố của mình.

NG.THANH (Theo RIA, Bloomberg)

Thế giới ảo & thực

Nuôi con thời... Google

18/11/2013 11:41 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Mục “Thế giới ảo & thực” kỳ này là nỗi băn khoăn của một độc giả về việc đặt niềm tin quá lớn vào... "bác sĩ Google”, cũng là một vấn đề mà không ít người dùng Internet cần lưu ý.

Vừa rồi tôi đến thăm một người bạn có con gái mới sinh được 6 tuần. Tôi nhìn trên giường “bà đẻ”, ngoài các vật dụng phục vụ cho em bé còn có laptop, iPad và hai điện thoại (một tab và một nhỏ hơn). Mẹ ngồi cho em bé bú bình. Tôi hỏi cháu không có sữa hay sao mà phải cho con bú bình? Bạn tôi trả lời thay: “Sữa mẹ đó chớ, vắt ra rồi cho bé bú”.

Tôi ngạc nhiên: “Sao không cho bé bú ngay vú mẹ mà phải qua bình?”. Mẹ em bé nói: “Cho bú bằng bình mới kiểm soát được bé bú bao nhiêu”. Chị bạn tôi giải thích thêm: “Mỗi lần ngậm vú mẹ, bé không chịu bú, nút chút xíu rồi ngủ, đặt xuống thì bé thức giấc và khóc vì còn đói”. Mẹ em bé tiếp: “Cháu tra trên Google rồi, cho bé bú như vầy rất tiện, nhờ vắt sữa nên sữa mẹ tiết ra đều, nhiều và liên tục, em bé bú đủ lượng cần thiết, mẹ đi vắng vẫn có sữa mẹ cho bé bú...”.

Cũng là nuôi con bằng sữa mẹ?

Chị bạn cho biết mỗi ngày vắt sữa ba lần vào bình sữa rồi để tủ lạnh, sau đó cứ lấy ra hâm lại (bằng lò vi sóng) cho bé bú. Tôi ngạc nhiên quá, mới bảo: “Sữa đưa ra khỏi người của mẹ mức độ nhiễm khuẩn sẽ rất cao. Đơn giản thế này, sữa mẹ vừa lấy ra mùi rất thơm, nhưng để một lát trong không khí sẽ biến mùi”. Con gái bạn tôi nói: “Không đâu cô, trên mạng còn bảo sữa mẹ để được sáu tháng nếu bảo quản lạnh tốt” (?).

Trong lúc ngồi nói chuyện, tôi thấy bé bú hết bình sữa và mẹ cho nằm xuống. Được một lúc, bé khóc, cựa quậy, mẹ thay tã xong bé vẫn khóc. Chị bạn tôi cho là bé còn đói, lấy một bình sữa khác (trên bàn) cho bé bú. Tôi cố vớt vát cái quan điểm “cổ hủ” của mình: “Sữa này vắt lâu chưa, mẹ ngay đó không bồng cho bé bú lại đi lấy bình sữa bên ngoài? Mẹ mỏi thì nằm xuống cho bé bú nằm”.

Bạn tôi nói: “Sữa mới vắt, bé bú hết bình này no, ngủ êm. Cho bé bú nằm nguy hiểm lắm, bé sẽ bị viêm tai giữa, về tra trên mạng đi”. Tôi không bàn luận nữa và nhẩm tính thời gian từ lúc tôi đến chơi đã hơn 30 phút nhưng tôi không thấy vắt sữa, như thế bình sữa đã để bên ngoài hơn 30 phút rồi. Em bé bú no, nằm ngủ, câu chuyện tiếp tục sang chủ đề khác, tuy nhiên cũng chỉ xoay quanh em bé.

Tìm hiểu thêm tôi biết bây giờ có rất nhiều bạn trẻ nuôi con bằng sữa mẹ kiểu này. Ngoài những lý do trên, tôi nghĩ các cô còn sợ xấu ngực. Mới thấy các cô “tân tiến” hơn thế hệ chúng tôi nhiều quá. Nằm trong “ổ” mà vẫn tham gia trò chuyện với nhiều người trên thế giới, lướt net, up hình lên Facebook, viết nhật ký cho con mỗi ngày trên các trang mạng xã hội... Có gì thắc mắc mang lên diễn đàn trao đổi, từ em bé bị sổ mũi, sốt, tiêu chảy cho đến mọc răng...

Không tin về... mở mạng coi đi

Mà các bà mẹ (thế hệ tôi) cưng chiều con gái lắm. Ví dụ như đang ở dưới bếp mà con gái kêu: “Mẹ ơi cho em bé bú”, là lật đật chạy lên ngay, cầm theo bình sữa (mẹ) lên cho bé. Bà ngoại bế em bé với bình sữa, trong khi mẹ bé thì ôm iPad, hay laptop, hay tán gẫu qua điện thoại.

Tôi kể chuyện với chị bạn khác có con gái vừa sinh em bé, chị cười ngất: “Con gái mình cũng nuôi con bằng sữa mẹ kiểu vậy. Tiện lắm bạn ơi, mẹ đi đâu ai cho bé bú cũng được, bú đủ nên ba tháng bé sổ sữa, cưng lắm. Bạn không tin về mở mạng coi đi, bây giờ bọn trẻ toàn nuôi con kiểu này”.

Tôi không cần mở mạng coi làm gì. Tính lùi thời gian, tôi là một bà mẹ vừa mới “dứt sữa” cho con cách đây 15 năm thôi (bé bú mẹ đến 3 tuổi). Điều tôi ấm ức không phải vì thời gian chưa dài lắm để khẳng định tôi đã lạc hậu (cho con bú mẹ) mà là tại sao thế hệ trẻ lại lệ thuộc vào mạng đến vậy? Việc tra cứu Internet hoàn toàn hợp lý khi cần tìm hiểu thông tin và chỉ ở mức tham khảo.

Tôi còn ấm ức bởi bây giờ người mẹ được nghỉ thai sản đến sáu tháng, thêm sự giúp đỡ của bà ngoại (cũng còn trẻ) thì tại sao không cho em bé bú mẹ mà phải nhờ vào “công nghệ cao” của máy vắt sữa và bảo quản sữa trong tủ lạnh? Còn nữa, nếu mẹ sợ xấu ngực thì sau khi sinh có thể tập yoga, aerobic, tập thể dục, chơi thể thao... Vấn đề là mẹ có quyết tâm hay không?

Tôi nhớ lại bé của tôi ngày ấy. Đúng là mỗi lần bú mẹ chưa được bao nhiêu thì bé lim dim ngủ và ngừng bú. Nhưng tôi có cách. Một là tôi sẽ khều nhẹ vào lòng bàn chân cho bé nhột và thức bú tiếp, hai là tôi sẽ lấy ngón tay day nhẹ vào má, bé sẽ nhóp nhép vú mẹ tiếp. Và thương làm sao đôi mắt đen tròn của bé vừa bú vừa nhìn mặt mẹ, thậm chí bàn tay nhỏ nhỏ kia còn tham lam tìm một bên vú khác. Biết bao kỷ niệm yêu thương gắn bó mẹ và con thời chưa có “bác sĩ Google”.

Có thể thấy từ khi có công cụ tra cứu Google, bất cứ ai khi gặp vấn đề về sức khỏe, điều đầu tiên họ làm là hỏi Google xem có trường hợp giống mình không? Chỉ cần vài giây, cả chục trang hiện ra. Có người chỉ để tham khảo nhưng cũng có người nghe theo những hướng dẫn trên mạng khiến bệnh tình trở nặng thêm.

Chị bạn tôi bị đau ngón tay cái co duỗi không được. Tra Google chị biết được đó là bệnh “ngón tay cò súng”, cách điều trị là uống thuốc kháng viêm, nặng hơn phải chích thuốc và nếu nặng quá phải phẫu thuật (tất nhiên phải khám và có sự chỉ định của bác sĩ). Tìm hiểu thêm nhiều thông tin chị biết được cách chữa trị bằng bó rượu gừng. Thấy cách này vô hại, chị làm thử nhưng không khỏi. Cuối cùng chị phải cầu cứu bác sĩ, may mà chưa phải mổ.

Từ việc nuôi con bằng (bình) sữa mẹ cho đến tự tìm “bác sĩ Google” mới thấy mạng giờ đây không còn ảo nữa mà là thật rồi và con người đã lệ thuộc quá nhiều vào nó. Tỉnh táo tiếp nhận và phân tích thông tin (đúng/sai) là điều quan trọng cần thiết. Và chỉ có bác sĩ thật mới phán đoán được đúng bệnh trạng thật. Với vấn đề về sức khỏe, thông tin trên mạng ảo chắc chắn chỉ là để tham khảo mà thôi...

Biết vậy, nhưng nếu tôi có con dâu và con dâu tôi cũng chọn cách nuôi con bằng sữa mẹ như trên liệu tôi sẽ phản ứng thế nào? Tôi sẽ giải thích ra sao cho con dâu thông hiểu? Nếu con dâu không nghe tôi mà nghe lời “bác sĩ Google”, chê tôi lạc hậu, tôi sẽ làm sao? 

KIM DUY

Góc Tư vấn

Đừng để “Cyberchondria”

Hình như ai trong chúng ta cũng có lần như thế này: nửa đêm thức giấc với đầu đau như búa bổ, một hạch bỗng dưng sưng to ở đâu đó trên cơ thể, những cơn ho sù sụ không dứt hay đau đâu đó không rõ nguyên nhân... Không ít người đã “Google” để tìm xem chứng đau đó là gì và giải quyết ra sao.

Và không chỉ mình bạn như thế. Đó là chuyện thường ngày với mọi cư dân có Internet trên thế giới, kể cả ở những xứ sở tiên tiến nhất. Một thống kê mới nhất của Pew Internet and American Life Project xác nhận 8/10 người dùng Internet ở Mỹ vào mạng để tìm kiếm các thông tin về sức khỏe.

Vấn đề là có những lúc việc tìm kiếm đem lại những câu trả lời đúng, nhưng cũng không ít khi nó dẫn đến những nỗi lo âu hay hiện tượng được gọi là “cyberchondria”: những nỗi lo vô cớ trước những triệu chứng chung chung dựa trên việc tìm kiếm hoặc tra cứu thông tin trên mạng.

Từ những ám ảnh mà bạn tự nhận lấy vào mình từ Internet, không ít người đã tự chẩn đoán rồi tự điều trị. Trong khi đó, Internet chỉ là một công cụ. Bạn có thể sử dụng đúng một công cụ, nhưng cũng có thể bạn dùng sai hay lạm dụng, bởi trên Internet có vô số thông tin giả hoặc sai lệch, nhất là ở các diễn đàn y tế. Nếu tự chẩn đoán dẫn tới stress và tự điều trị sai lạc thì việc sử dụng Internet để chăm sóc sức khỏe là phản tác dụng.

Nhưng nói như thế không có nghĩa toàn bộ thông tin về sức khỏe trên Internet là vô dụng. Chuyên gia tâm thần học Rajnish Mago thuộc Bệnh viện Đại học Thomas Jefferson cho rằng bạn có thể sử dụng Internet để nắm bắt thông tin, trở nên hiểu biết hơn về những vấn đề bạn quan tâm hoặc những triệu chứng biểu hiện trên cơ thể mình, mang những thông tin đó tới gặp bác sĩ. Đây là cách thức hiệu quả có lợi cho cả hai phía: bệnh nhân và bác sĩ (1).

Tương tự như thế với trường hợp nuôi con bằng sữa mẹ... bảo quản trong tủ lạnh. Kinh nghiệm các bà mẹ chia sẻ trên Google có thể chỉ cho những bà mẹ không có điều kiện bên cạnh con suốt ngày đêm tham khảo và chọn lựa, nhưng đó không phải là cách tối ưu đối với những bà mẹ được nghỉ thai sản có điều kiện cho con bú.

Bỏ qua những yếu tố tình cảm thiêng liêng mà việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại, chỉ riêng việc bảo quản sao cho sữa vẫn giữ được độ thuần khiết và ích lợi dinh dưỡng của nó khi vào cơ thể bé là việc cần quan tâm. Một nghiên cứu không liên quan trực tiếp đến vấn đề này nhưng cũng đáng cho các bà mẹ nuôi con theo phương cách “Google” nói trên chú ý: điều tra của tạp chí Pediatrics (Mỹ) cho thấy sữa mẹ đóng gói để lạnh được mua qua mạng “có độ sinh sôi vi khuẩn cao và thường bị nhiễm độc” (2).

Cụ thể, 64% trong các mẫu sữa mua qua mạng được thử có tụ cầu khuẩn, ba trong số các mẫu mua từ Internet này thậm chí còn nhiễm khuẩn salmonella. Vấn đề, theo các chuyên gia, nằm ở khâu đóng gói, bảo quản và vận chuyển. (Nghiên cứu này cho biết thường những bà mẹ mua sữa mẹ qua mạng này là những người vì bệnh tật, hoặc giải phẫu ngực không có sữa cho con bú)!

MINH THƯ

9x - Những đứa con thành thị

23/11/2013 14:26 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Rio Lam, tác giả bài viết dưới đây, tên thật Lâm Vị Quân, sinh trưởng tại TP Đà Nẵng, hiện là sinh viên ngành truyền thông tại Mỹ.

Dõi theo Facebook Rio Lam và được sự đồng ý của tác giả, TTCT giới thiệu các bài viết của Quân để cung cấp thêm một góc nhìn của bạn trẻ 9x về sự trưởng thành. Và chúng tôi chờ đón câu chuyện của các bạn.

Tôi nghĩ gì về sự trưởng thành

Ngày 24 tháng 5 năm 2012

“Trưởng thành là ngày bạn trở về nhà lành lặn, không “rách rời chắp vá”, ngồi xuống uống hớp nước, ăn miếng bánh cùng ba mẹ và kể lại những gì mình đã thấy - những điều có thể ba mẹ chưa thấy nhưng nhờ công dưỡng dục của đấng sinh thành mấy chục năm trời, bạn mới có cơ may chứng kiến”

RIO LAM

Tôi thuộc lứa đầu tiên của thế hệ mà người ta gọi là 9x. Có một thời gian tôi đã chán ngán tự hỏi vì sao mình lại thuộc về thế hệ này?

Tôi nghe nhạc tiền chiến, đọc tiểu thuyết kinh điển, viết văn đúng chính tả và thích đọc thơ. Hẳn có một điều gì đó sai, rất sai, hoặc với tôi, hoặc với cả một tập hợp những kẻ sinh vào những năm 1990. Lúc đó nhìn ra xung quanh tôi không nghĩ 9x sẽ làm được gì, ngoài một hệ thống ngôn ngữ cải biên quái gở tật nguyền và những trò quá lố - vốn cũng do 8x “nhập khẩu” vào.

Thỉnh thoảng tôi cũng đọc những tin tức kiểu 9x phát minh bóng đèn biết phát sáng khi được bật công tắc, doanh nhân 9x, 9x đạt học bổng trường danh tiếng… Nhưng bỏ qua một bên những thành tích cá nhân nhất thời và phù phiếm đó, thế hệ của chúng tôi sẽ để lại gì ngoài một lớp tro bụi, gió thổi sẽ bay?

Từ những năm tuổi thơ khi đất nước bắt đầu có của ăn của để, những đứa con thành thị đã không còn chỗ để chơi với thiên nhiên. Chúng tôi không có những khoảng đất, những bờ ao hay ruộng lúa. Và chân thành mà nói, làm sao yêu thương một điều mà bạn không hề có? Tuổi thơ với đồng ruộng, cánh diều của các cô chú anh chị đi vào sách giáo khoa, vào tranh vẽ bằng những lời ca ngợi, rồi sau đó họ bắt 9x học thuộc lòng. Còn tuổi thơ điện tử truyện tranh của chúng tôi trôi dạt trên Facebook, trong những tấm hình “Ấu thơ trong tôi là…”.

Tôi luôn tự hỏi có cần thiết phải chơi với dế trên cánh đồng để được công nhận là trẻ em đích thực hay không? Chẳng phải Doraemon đã thắp lên những giấc mơ thần tiên trong chúng tôi không kém một ông Bụt nào, và cuốn băng 5 anh em siêu nhân hay Mario đi cứu công chúa cũng có gì thua kém một chàng dũng sĩ diệt rồng trong cổ tích đâu? Chúng tôi không cần bám lấy những gì xưa cũ để có một tuổi thơ được cấp giấy chứng nhận thơ mộng.

Chúng tôi lớn lên, và hãy nhìn xem chúng tôi đã đem lại cho chúng tôi điều gì: 8x sex trước hôn nhân và chúng tôi công khai điều đó; 8x chơi thuốc và chúng tôi là người đã đưa chủ đề này lên mặt báo thường xuyên; 8x lộ hàng và chúng tôi biến nó thành chuyện bình thường. 9x đã làm mọi thứ tệ hơn, hay đúng ra là chúng tôi đã phơi bày mọi thứ như nó vốn là? Bộ mặt hào nhoáng bóng lộn của món hàng “văn minh” đã được chúng tôi hồn nhiên phơi ra, dù cố ý hay vô tình, bằng tất cả tự trọng và liêm sỉ.

9x có lạc lối? Tôi còn nhớ những năm mình học cấp II, quan hệ trước hôn nhân là một điều gì đó rất ghê tởm, những thằng con trai làm điều đó là những thằng khốn nạn, và con gái - nếu không ngu thì cũng là đĩ điếm tạm thời. Lên cấp III, một buổi chiều bình yên, tôi đang online thì bà chị chạy vào hỏi: “Em nghĩ gì về con gái quan hệ trước hôn nhân?”. Tôi thắc mắc chị hỏi làm gì, chị trả lời: “Để làm khảo sát”. Nhưng tôi vẫn đoán được lý do thật sự.

Những ngày sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ. Người yêu của chị chắc chắn không phải một thằng khốn nạn, anh rất tốt và chị thì tuyệt đối không phải “hàng”. Lại có một điều gì đó rất sai ở đây, một bánh răng trong hệ nhận thức của tôi bị lệch. Chúng tôi phải định nghĩa lại những gì đã được nhồi nhét, vỡ mộng nhận ra sự trơ tráo giả dối. Chỉ có phủ nhận mà không biết cách khẳng định, chúng tôi phải tự tìm đường cho mình, đi lạc là chuyện tất nhiên.

Người ta bảo chúng tôi sướng vì gia đình đầy đủ, đất nước (có vẻ) thái bình. Quá sướng nên những nỗi đau của chúng tôi chưa bao giờ được ghi nhận. Giống như việc cả tuần bạn chỉ ăn đúng một món bánh hamburger thì bạn cũng không được than đói khổ vậy. Vì bạn đã ăn hamburger, là đồ Mỹ, là hàng McDonald, là tập hợp những thứ phù phiếm và rẻ tiền nhưng dựa vào đó người ta khẳng định là bạn no và không có tư cách than đói, vì đói là phải ăn khoai ăn sắn.

Tôi có cô bạn đói đến mức ngất xỉu trong nhà vệ sinh, lúc tỉnh dậy cũng chỉ đơn giản là bắt xe buýt về nhà một mình như chưa có gì xảy ra. Tôi có một người em tóc nhuộm nâu mặc váy voan, nửa đêm không có tiền nhà bị chủ đuổi, phải ngủ vạ vật ở bãi giữ xe WalMart.

Nhưng chúng tôi không có tư cách than vãn, đói đến xỉu nhưng trong ví vẫn có thẻ ngân hàng, ngủ ở WalMart là ngủ trong chiếc xe cũ nát, có thể bị bất kỳ gã nào đập vỡ cửa. 9x thành thị là như vậy đấy. Chúng tôi thiếu một khung cảnh lạc hậu cần đổi mới, một background nghèo khổ cùng cực, hay một cuộc chiến, một điều gì đó vĩ đại để nỗi đau của chúng tôi được công nhận hợp pháp.

Nói về bản sắc Việt, tôi thuộc về một thế hệ với phần đông những con người kêu gọi phản đối SOPA/PIPA (*) bằng tiếng Việt, kêu gọi Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam cũng bằng tiếng Việt, cho người Việt nghe, người Việt đọc, click một cái là ủng hộ cho ABC XYZ 5 xu, viết một comment dài lê thê một trăm lẻ hai chữ là bảo vệ chính kiến; một thế hệ tự tin và hoang mang, yên tâm và sợ hãi…

Nhưng tôi không buồn đâu bạn à. Chụp ảnh hở ngực hay quay clip sex, nhảy nhót điên cuồng trên bar hay ngồi cà phê nghe nhạc Trịnh, đợi Diablo III hay đi nhặt rác ngoài biển, chúng tôi - 9x - đều đang sống và cho người ta biết là chúng tôi sẽ sống…

Một lần cúi đầu

Ngày 5 tháng 10 năm 2013

Có một ngày rất bình thường, tôi nói chuyện với mẹ qua Internet và bỗng dưng nhận ra những định nghĩa trong đầu mình về 9x, 8x hay các thế hệ đi trước đều thật nông cạn.

Ngày hôm ấy tôi và mẹ chỉ nói những chuyện cỏn con không đâu vào đâu, chuyện nhà cửa bếp núc, chuyện người này người kia, giá xăng lên giá đô xuống, nhưng khi tắt màn hình chat đi tôi cứ vậy mà nghĩ hoài.

9x - tạm gọi như thế - là những con người đang ở độ tuổi vào đời.  Có một lúc nào đó chúng tôi đã nghĩ không ai hiểu mình và khoảng cách giữa chúng tôi và các thế hệ đi trước lớn hơn rất nhiều so với khoảng cách giữa 8x và 7x, 7x và 6x. Nhưng hôm ấy tôi nhận ra mình sai.

Mỗi thế hệ có một hoàn cảnh riêng dẫn đến những đặc điểm riêng, nhưng tựu trung đều có những vấn đề cơ bản: tình yêu, tình bạn, học tập, làm việc, cơm áo gạo tiền, đam mê và khát vọng. Mỗi con người của từng thế hệ đều đi tìm những gì mình cần, tạo ra kết nối với người khác và cố gắng cân bằng giữa những mâu thuẫn của cuộc sống.

Thế hệ đi trước có một điều mà 9x chưa có: kinh nghiệm. 9x có một điều mà những người lớn đã để lại sau lưng: tuổi trẻ. Nhưng là một 9x, tôi cho rằng nhận thức về cái mình chưa có dĩ nhiên phải kém hơn nhận thức về cái mình từng có. Mình không thể hiểu rõ giá trị của kinh nghiệm bằng người lớn hiểu tính chất của tuổi trẻ.

Nói vậy không phải khuyến khích các bạn trẻ răm rắp nghe theo lời cha mẹ, đặt đâu ngồi đấy mà đánh mất đi bản thân mình. Nói vậy là để chia sẻ cùng các bạn suy nghĩ của tôi, rằng khi người lớn khuyên răn hay thậm chí cấm cản mình điều gì, dẫu mình không muốn nghe theo, cũng nên nhớ rằng trong lời dạy ấy có những điều mình chưa biết.

Dẫu không nghe cũng nên trân trọng, ghi chép vào cuốn sổ tinh thần của mình. Sau này khi “mở ra đọc lại” biết đâu nhận ra những điều mà ngày xưa trẻ quá mình chưa thấu được.

Bốn năm trời xa nhà giúp tôi học được một điều nhỏ như sau: lòng tin của ba mẹ là điều phải góp nhặt, phải tìm kiếm qua từng ngày chứ không tự nhiên mà có. Ngày xưa tôi được một tòa soạn báo mời ra Hà Nội nhận giải, tiền vé máy bay, khách sạn, ăn uống đều được chi trả; vậy mà ba mẹ vẫn không yên tâm cho đi. Các anh chị trong ban biên tập phải gọi điện đảm bảo đủ thứ thì ba mẹ mới miễn cưỡng cho phép.

Bây giờ tôi lái xe xuyên bang đi chơi với bạn bè, ba mẹ còn bảo chụp ảnh gửi về cho xem. Lòng tin của ba mẹ khi chưa có thì mình dễ nhầm tưởng đó là “khoảng cách thế hệ” và không thể xóa bỏ. Nói như vậy thì “oan” cho ba mẹ mất. Tình yêu trai gái phải bồi đắp dần dần, tình bạn phải có năm tháng, vậy sao lại “bắt” ba mẹ vô cớ tin mình khi mình chưa chứng tỏ được gì?!

Gần đây mọi người có xôn xao về chuyện Huyền Chip đi du lịch bụi. Khoan bàn đến việc quyển sách ấy đúng hay sai, sự thật nằm ở câu nào chữ nào mà hãy nghĩ đến hai chữ “trưởng thành”. Tôi nghĩ sau này mình sẽ dạy em và con của mình khác đi một chút.

“Trưởng thành” không chỉ là đi xa, khám phá thế giới, ném mình vào những cuộc phiêu lưu. Trưởng thành là ngày bạn trở về nhà lành lặn, không “rách rời chắp vá”, ngồi xuống uống hớp nước, ăn miếng bánh cùng ba mẹ và kể lại những gì mình đã thấy - những điều có thể ba mẹ chưa thấy nhưng nhờ công dưỡng dục của đấng sinh thành mấy chục năm trời, bạn mới có cơ may chứng kiến.

Có lẽ tôi hơi truyền thống và bảo thủ, nhưng đối với tôi, sự trưởng thành của mình nằm ở trong mắt ba mẹ. Còn khoảng cách thế hệ, ngày mà bạn thật sự trưởng thành, nó không còn là một rào cản hay thiếu sót của bên nào; nó sẽ trở thành một minh chứng cho thấy xã hội vận động.

RIO LAM

(*): Các dự luật SOPA (Stop Online Piracy Act - Đình chỉ hoạt động vi phạm bản quyền trực tuyến) và PIPA (Preventing Real Online Threats to Economic Creativity and Theft of Intellectual Property Act of 2011 - Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) được bàn thảo tại Quốc hội Hoa Kỳ năm 2011 và 2012, đề xướng các biện pháp hạn chế truy cập Internet nhân danh mục đích bảo vệ quyền tác giả. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại các dự luật này, nếu được thông qua, có thể sẽ đe dọa sự tồn tại của thế giới mạng, các trang như YouTube, Wikipedia...

Trong chiếc áo không của cha mẹ mua cho

02/12/2013 21:39 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Bài viết của Rio Lam (xem TTCT số đề ra ngày 24-11-2013)đã nhận được phản hồi của không ít bạn trẻ “9x đời đầu” (như các bạn tự gọi chính mình). TTCT giới thiệu hai trong số những ý kiến đa chiều này.

Khi người ta trẻ, người ta hay nghĩ nhiều về sự trưởng thành và ở độ tuổi của chúng tôi, những đứa con 9x, chúng tôi hay nghĩ về sự trưởng thành với một nỗi u hoài bàng bạc khó tả. Tôi không rõ tại sao chúng tôi lại buồn nhiều đến thế nhưng tôi chỉ biết rằng chúng tôi, những cô nhóc cậu nhóc kiên định là thế, táo bạo là thế nhưng cũng rất đỗi nhạy cảm và dễ tổn thương.

Chúng tôi thích gặm nhấm sự ám ảnh khi xem xong một series phim buồn, thích vu vơ hát theo một giai điệu của The Beatles khi ngồi vắt vẻo trên tầng thượng ngắm nhìn cả thành phố lúc 5 giờ sáng, thích nghĩ về sự trưởng thành như một quy luật tất yếu và nghiệt ngã.

Trong suy nghĩ của tôi, trưởng thành tức là cởi bỏ lớp quần áo xưa cũ, khoác lên mình tấm áo mới, nhưng lần này chiếc áo ấy không phải do cha mẹ mua cho bạn mà bạn phải tự sắm cho riêng mình, cái mà mang nét đẹp chỉ riêng bạn có.

Trưởng thành là khi bạn chấp nhận cất vào tủ áo chú gấu Teddy ngày nào bạn tâm sự hằng đêm, là chấp nhận rằng đôi khi kết thúc có hậu như trong truyện cổ tích là điều không thật, là ngừng huyễn hoặc bản thân rằng hoàng tử sẽ tìm được công chúa chỉ bằng một chiếc hài nàng đánh rơi, là ngừng hi vọng rằng cứ hễ bạn khóc thì bà tiên sẽ xuất hiện và ban phép mầu cứu lấy cuộc sống bạn...

Nhưng cũng chính lúc ấy, lúc mà bạn đã rũ bỏ hết bao mầu nhiệm thần tiên vốn từng nuôi dưỡng tuổi thơ thì đó là lúc bạn dễ bị tổn thương nhất. Bạn bắt đầu hoài nghi về cuộc đời, bắt đầu sợ nó, bạn tự hỏi không biết mình sẽ đi về đâu giữa những giao lộ người tấp nập, gấu bông và búp bê cũng chẳng thể “lắng nghe” những câu chuyện bạn kể được nữa. Vậy là bạn bơ vơ và lạc lối.

“Bản thân tôi không cổ vũ việc khai sáng tâm hồn bằng mạng xã hội vì xét cho cùng, nó chỉ có tác dụng vuốt ve cái tôi cô đơn của bạn”

Nhưng có một điều mà chúng tôi tự hào vì bản thân mình đã làm được. Đó là chúng tôi biết rẽ ngoặt và tìm cho mình một con đường khác. Có sao đâu chứ, chẳng phải trưởng thành là quá trình bạn đi tìm con người thật của chính mình hay sao?

Phải, chúng tôi nghĩ mình cần phải đi lạc, cần phải đánh đổi, cần phải hi sinh, cần phải cho đi để tìm ra một phần hồn nào đó trong mình mà chúng tôi nghĩ là mình xứng đáng nhất.

Bản thân tôi không cổ vũ việc khai sáng tâm hồn bằng mạng xã hội vì xét cho cùng, nó chỉ có tác dụng vuốt ve cái tôi cô đơn của bạn, khiến mọi người tung hê bạn như một biểu tượng của sự thời thượng, sành điệu hoặc giả chăng nếu bạn cảm thấy chán và cuộc sống của bạn vô vị thì với một màn hình máy tính và những comment vô thưởng vô phạt, bạn cũng sẽ dần trở nên ảo tưởng rằng bản thân mình là thế này, con người mình mang tính cách thế kia thôi!

Xét cho cùng, quan niệm về cái gọi là “cao lớn phổng phao” của một con người hoàn toàn tùy thuộc vào cách anh ấy hoặc cô ấy nhìn nhận chính bản thân mình chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào cách nhìn của ai khác (kể cả cha mẹ).

Một con người đã lớn khôn là một con người nhận thức rõ sự trưởng thành toát ra từ trong chính tâm hồn mình, là một con người chủ động nắm bắt từng hơi thở của cuộc sống đang cuồn cuộn chảy trong huyết quản, trong từng nhịp đập trái tim, là một con người biết hoài niệm về quá khứ (suy cho cùng, chẳng nên chối bỏ hoàn toàn những gì thuộc cái tôi xưa cũ mà hãy xem nó như một món quà nho nhỏ mà đấng sinh thành đã tặng cho bạn.

Khi buồn và cô đơn, bạn có thể mở nó ra ngắm nghía, chiêm nghiệm để rồi khi đóng nó lại, bạn sẽ trở lại là bạn của hiện tại, trở về với cuộc sống ồn ào đời thường nhưng cũng không kém phần thú vị), nhưng đồng thời cũng hãy biết buông tay đúng lúc để giành lấy những cơ hội từ cuộc đời “chân thực” mà tạo hóa đã ban cho.

Có thể chúng tôi trải qua nỗi buồn, nỗi cô đơn khi không ai hiểu mình nhưng chúng tôi biết đó là quy luật, là một trải nghiệm mà đời người chỉ có một lần và hãy nhìn nhận nó ở góc độ rằng rồi đây bạn sẽ can trường hơn, mạnh mẽ hơn và quan trọng hơn cả là nhớ hãy là chính mình, đừng là một ai khác. Đó là cái mà bạn đem sự trưởng thành của mình ra đánh đổi, vì thế hãy sử dụng nó một cách khôn ngoan.

LÊ HUỲNH ANH THY

Trưởng thành theo cách của mình

Trong sự lớn lên của chính bản thân mình, điều tôi nhận ra là ba mẹ đã “trưởng thành” thay cho tôi nhiều hơn là mình nghĩ.

Được “tưới nước” quá nhiều

Có một ngày nào đó khi đi qua tuổi 18, bạn nhận ra tự lập vẫn là một khái niệm xa vời không tưởng? Chúng ta sẵn sàng chi sang cho mọi sở thích cá nhân bằng tiền của ba mẹ, nhưng dành số tiền tự mình kiếm ra để có thể đóng học phí là điều không dễ dàng.

Chúng ta có thể than phiền hàng giờ vì sự quản lý của ba mẹ, từ những chuyện nhỏ nhặt như đi chơi về quá khuya, phòng ốc bữa bãi, đến những chuyện to lớn như học hành, tình cảm; nhưng để có thể tự tin chọn cho mình một cuộc sống tự lập, về tài chính lẫn tinh thần, là một sự quá ngưỡng.

Khi tôi nói điều này với bạn mình, Vân (22 tuổi), cô bạn tôi, không ngần ngại đáp lại: “Cứ còn ở với ba mẹ thì hưởng thụ thôi. Khi nào đi làm rồi tính”. Nhưng cũng với câu chuyện đó, khi tôi chia sẻ với người anh trai 28 tuổi của mình thì anh bảo: “Còn sống với ba mẹ thì không bao giờ trưởng thành được”.

Khi viết những điều này, tôi chợt nhớ đến cách mà ba tôi chăm sóc từng cây con trong vườn. Những cây mới sinh trưởng không bao giờ được tưới nước cho nó. Ông nói cần phải tập cho chúng đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, cây nào yếu không sống nổi sẽ bị nhổ bỏ ngay từ đầu. Nếu không, thế hệ cây tiếp sau sẽ vì thế mà ngày càng yếu đi.

Với ý nghĩ đó, điều làm tôi cảm thấy hụt hẫng trong sự lớn lên của chính mình là luôn được “tưới nước” quá nhiều bởi gia đình. Rõ ràng, những đứa con 9x thành thị như chúng tôi không có nhiều cơ hội để tự lập. Chúng tôi không có nhiều lần trong thời trẻ của mình gặp phải những va vấp, chấn thương tinh thần lớn lao nào, vì gia đình đã vạch ra mọi giới hạn nguy hiểm.

Mà điều cốt lõi nhất để trưởng thành có lẽ là những trải nghiệm, và nếu không tự lập thì điều này cũng trở thành vô nghĩa. Bạn không thể phát biểu “kiếm tiền khó lắm” nếu như bạn chỉ được nghe ba mẹ than vãn về nó mỗi khi bạn tiêu hoang, mà không phải vì bạn đã dành cả mùa hè đi làm thêm ngày đêm để có nó.

Chính vì thế, trong sự trưởng thành của mỗi thế hệ, tôi vẫn có niềm tin vào sức mạnh của khả năng độc lập. Chỉ khi bạn ý thức được rằng chúng ta sẽ phải tự lập trong suy nghĩ và cả hành động, tự khắc chúng ta sẽ lớn, sẽ phải trưởng thành thôi.

Một hành trình nhiều khiếm khuyết

Tôi quan niệm giữa việc lớn lên và việc trưởng thành có một khoảng cách phân biệt. Điều đó lý giải rằng không có nghĩa khi bạn lớn lên như một sự thay đổi tất yếu về mặt sinh lý thì bạn cũng sẽ trưởng thành hơn. Chính vì vậy sự trưởng thành có thể đến ở bất kỳ độ tuổi, thời kỳ nào trong cuộc đời của bạn mà không dự báo trước.

Nếu mãi mãi trong cuộc đời mình, bạn không biết làm gì để trưởng thành thì bạn chỉ có thể dừng lại ở việc lớn lên. Trưởng thành giống như một vạch kẻ trên đường đua, bước qua ranh giới đó bạn sẽ bước sang một chặng mới trong cuộc đời. Vì thế, điều quan trọng chính là cách chọn lựa để được sống, được va vấp, được trải nghiệm.

Có những người bạn xung quanh tôi luôn nghĩ rằng mình đã trưởng thành nhưng thực tế thì không. Bạn có thể đi phượt xuyên biên giới, có thể sống tự lập một mình ở một nơi xa lạ, có thể tự chu cấp tài chính cho bản thân... nhưng tất cả cũng chỉ là hoạt động bên ngoài sự trưởng thành của chính bạn.

Thực tế, trưởng thành, theo tôi, là sự chiêm nghiệm có ý thức về hành động của bản thân. Sự trưởng thành bản thân nó vốn dĩ không cần sự thể hiện với thế giới. Thế nên, đừng đánh đồng việc phải làm như thế này hay thế kia mới là trưởng thành.

Tuổi trẻ của một 9x thành thị như tôi và bạn bè tôi cần một sự diễn tiến tự nhiên của cuộc sống. Ở đó, chúng tôi sẽ trải nghiệm sự trưởng thành của chính mình bằng bản năng hơn là kế hoạch. Sẽ hay hơn nếu người lớn chỉ đưa ra những định hướng thay vì những đánh giá chủ quan; tốt hơn nếu truyền đi niềm tin cho chúng tôi rằng “cứ đi rồi sẽ tới”, thay vì đưa ra một danh sách báo động đỏ về những hiểm nguy rình rập.

Một hành trình trưởng thành hoàn hảo theo tôi phải là một hành trình có nhiều khiếm khuyết. Bởi có ngây thơ mới tin rằng con người có khả năng tránh được những tai nạn. Mọi con đường đều không bằng phẳng, nên những khó khăn là điều hiện hữu tất yếu.

Tôi tin không chỉ riêng tôi mà rất nhiều bạn bè của mình thường hay bị gia đình so sánh với những bạn trẻ ở nông thôn, bằng những câu như: “Bằng tuổi chúng bây, mấy đứa ở quê đã như thế này như thế kia...”, hoặc không thì so sánh với những người thành công trong cuộc sống. Nhưng sau tất cả những so sánh đó, tôi không nghĩ nó sẽ giúp tuổi trẻ chúng tôi có cái nhìn chín chắn hơn về bản thân, nếu không nói chán nản hơn.

Vậy thì hãy để cho chúng tôi được trưởng thành theo cách của mình. Đó có thể không phải là sự chọn lựa để trở thành tốt nhất. Nhưng tôi không tin khi bạn cố gắng bắt chước việc trở thành ai đó sẽ giúp bạn thành công hơn việc được trở thành chính mình. 

DƯƠNG LÊ

“Sung sướng quá bày đặt cô đơn”?

06/12/2013 21:31 (GMT + 7)

TTCT - 9x trong tôi là gì, ngoài một danh xưng, một sự dán nhãn của xã hội và người lớn dành cho đám trẻ. Có đôi khi tôi mơ hồ cảm thấy bản thân đã và đang lớn lên giữa mảnh vỡ của vô số hệ quy chiếu, vô số giá trị cũ mới đan cài, va đập vào nhau, nhập nhòa và chông chênh.

1. Sinh ra vào thời kỳ chuyển giao kinh tế tại chốn thị thành, chúng tôi được cha mẹ bảo bọc từng miếng ăn chuyện học, được đưa đón hằng ngày giữa lớp chính khóa và lớp ngoại khóa, bởi “đời cha mẹ khổ nhiều rồi, đời con cần sung sướng”.

Những năm ấy gia đình nào sang giàu gì, nhưng với những đứa con bé dại - tôi, thơ ấu vẫn ngọt ngào những quyển truyện tranh, những tập dán hình, những cuốn băng hoạt họa, những bộ đồ hàng...

Tương đối suôn sẻ, chúng tôi hết cấp I, cấp II, cấp III, rồi vào đại học, như một điều hiển nhiên. Học rồi học, gia đình lo toan và tạo điều kiện hết mực, tôi yên tâm giữa những lựa chọn an toàn, những toan tính riêng chẳng phải bị níu kéo bởi vướng mắc kinh tế.

Để rồi sau khi bay nhảy thỏa sức với những sở thích cá nhân, vùi đầu vào bài vở trên lớp, tưng bừng với ngày tốt nghiệp đại học, tôi bước ra khỏi giảng đường, cầm trên tay tấm bằng giỏi và bắt đầu rơi vào những ngày bước hụt chân, khủng hoảng lựa chọn. Hậu tốt nghiệp, đôi khi thật ghê gớm.

Chơi vơi giữa hàng loạt nghề nghiệp phức tạp, giữa bằng cấp tốt nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn, giữa nỗi e sợ thị trường cạnh tranh khốc liệt ngoài kia, những 9x bè bạn tôi, ai nấy ngơ ngác như vừa bị tống ra khỏi chăn ấm nệm êm.

Loay hoay xin việc, loay hoay thích ứng, một số ít trong chúng tôi vẫn đang kiên trì bám trụ, số nhiều thì hoặc nộp đơn xin nghỉ vì “bon chen quá, mệt mỏi”, hoặc xin vốn gia đình tách ra làm ăn riêng vì “làm trong tập thể, tổ chức thấy ngột ngạt, ràng buộc”, hoặc tiếp tục trì hoãn thời khắc vào đời thật sự bằng việc nộp đơn đi du học, đi học sau đại học như tôi...

Thật sự chúng tôi ái ngại về mình. Có phải chúng tôi chưa đủ tài, biết đâu chúng tôi chỉ giỏi duy nhất một việc: học. Hay chúng tôi là những kẻ trốn tránh trách nhiệm? Tự tin và tự ti, kiêu hãnh và e sợ, thế hệ tôi hiện lên trong tương quan những mâu thuẫn nội tại như thế.

2. Tôi và bè bạn còn tìm gặp trong nhau những niềm hoang mang. Lớn lên giữa sự nhạt phai của những quy chiếu giá trị cũ và sự non nớt của những hệ tư tưởng mới du nhập, lắm khi chúng tôi thấy lạc loài không biết đặt hai chân lên điểm tựa nào.

Ngày còn thiếu niên, mọi tạp chí nữ sinh, mọi mục tư vấn tình cảm, và đặc biệt là cha mẹ, đều ngầm chỉ dạy rằng “ăn cơm trước kẻng” là sai lầm kinh khiếp, là “thiệt hại của những cô gái dại dột, sa ngã”.

Ý nghĩ ấy như cái cây, tự hồi nào bám cội rễ sâu hoắm trong trí tưởng. Đến một ngày chị bạn tôi nhẹ nhàng thông báo rằng cô đã thực hiện được “cuộc cách mạng vĩ đại” với người yêu và cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc. Ở tuổi 22, tuy đủ lớn để hiểu được lựa chọn của chị, vì anh tốt, vì tình yêu của họ chín muồi, tôi vẫn dư e ngại và hỏi lại một câu ngớ ngẩn: “Lỡ... nếu sau này anh chị không cưới nhau mà người đến sau không chấp nhận chị đã như vậy thì sao?”.

“Thì mình yêu người khác, người nào thật sự hiểu và tôn trọng mình chứ sao” - hết sức bình tâm, chỉ một lời nhẹ nhàng chị nói đủ khiến tôi bàng hoàng. Chúng như đã đánh đổ, tháo rời hết mọi mối dây định kiến.

Lớn lên giữa thời đại số, từ cấp II tôi đã biết lên mạng, tạo nickname tán gẫu trực tuyến. Chưa bàn tới những sáng tối của không gian ảo kia thì chính sự bùng nổ và tác động của thế giới online đã tách chúng tôi khỏi biết bao hoạt động vật lý từ đời sống thực.

Trò chuyện - lên mạng, chúc mừng - lên mạng, gửi thư - lên mạng, xem hình - lên mạng, nghe nhạc, đọc báo, đọc sách - lên mạng, hình dung về nhau - lên mạng và tìm tài khoản online của họ... Thế giới thu gọn trên một màn hình phát sáng nhưng lại đẩy càng xa khoảng cách thực hữu giữa người và người. Chúng tôi ham muốn tự do nhưng ngộ độc bơ vơ bởi sự tự do ấy.

3. Tôi biết rằng, dường như, mình đang thiếu một điều gì đó, một cái gì rất căn bản và nguyên lành: niềm tin chăng, hay điểm tựa đạo đức luân lý, hay sự bình tâm và sáng suốt, hay trải nghiệm? Để rồi cũng vào giây phút ấy, tôi bỗng nhận ra chẳng có gì là dễ dàng trên đời cả, trưởng thành nào cũng cần phải dấn thân, phải sai lầm.

Cho nên, đừng chê trách chúng tôi là “sung sướng quá bày đặt cô đơn”, là cố tình xa lánh gia đình, là đua đòi bày vẽ đủ trò quái lạ. Hãy để chúng tôi nhận ra những quy luật cuộc đời để chúng tôi nhận thức và lựa chọn, dại dột và vấp ngã, khôn ngoan và thành đạt.

Hãy để chúng tôi nhìn thấy nhiều cánh cửa rộng mở của một thời đại mới. Rồi mỗi người sẽ buộc phải tìm và đi trên con đường riêng cho sự trưởng thành.

BẢO LINH

Không phải chiến tích, mà là cách nghĩ

Tôi từng là một du học sinh ở Nhật, có làm thêm ngoài giờ tại một nhà hàng. Tôi nhớ có lần trong một cuộc tán gẫu, bếp trưởng chỉ các bạn sinh viên làm thêm khác rồi nhận xét: “Các cậu vẫn còn chưa trưởng thành nhỉ?”. Khi đó tôi rất ngạc nhiên và thắc mắc: “Họ đều là sinh viên trường giỏi, tự lo học phí, sống độc lập, như thế không phải là trưởng thành hay sao?”.

Bếp trưởng đã trả lời rất đơn giản: “Trưởng thành là việc cậu suy nghĩ như thế nào, không phải chỉ là kết quả của những gì cậu làm. Cậu đã được cha mẹ nuôi dạy, và sau đó cậu muốn đi tiếp con đường như thế nào, cậu sẽ chịu trách nhiệm gì với bản thân, đó mới là trưởng thành”.

Đến hôm nay tôi vẫn chiêm nghiệm lời của bếp trưởng, và giật mình nhận ra đằng sau những “chiến tích” cả thật lẫn ảo, tôi vẫn còn đang trên con đường trưởng thành.

Cái giếng cũ

“Trưởng thành là việc cậu suy nghĩ như thế nào, không phải chỉ là kết quả của những gì cậu làm. Cậu đã được cha mẹ nuôi dạy, và sau đó cậu muốn đi tiếp con đường như thế nào, cậu sẽ chịu trách nhiệm gì với bản thân, đó mới là trưởng thành”.

Tôi vẫn luôn thấy hạnh phúc vì điều kiện sống của mình. Tôi sinh năm 1990, thời đại chuyển mình của đất nước. Mới hôm qua xung quanh tôi còn là xe đạp, nhạc của thập niên 1960-1970, thì ngày hôm sau tôi đã bước đi giữa một rừng xe máy, với dòng chảy cuồn cuộn của công nghệ cho tôi chạm vào những nền văn hóa thế giới.

Cuộc đời rộng mở, sự chăm lo của cha mẹ cho tôi rất nhiều cơ hội, rất nhiều điều kiện mà không phải ai cũng có.

Nhưng cũng chính vì thế tôi từng ngộ nhận rằng trưởng thành phải được đo bằng chiến tích. Bạn phải thể hiện mình, phải thành công không ngừng, phải vượt trội thì đó mới là trưởng thành. Thế nên tôi lao vào đủ loại thử thách: khi ở Nhật tôi cố gắng leo lên đỉnh Phú Sĩ, thi biện luận, tôi cố gắng khoe khoang những nơi mà mình từng đến như bao bạn trẻ trên Facebook khác...

Nhưng những chiến tích đó không làm nỗi buồn của tuổi mới lớn nguôi ngoai, cũng không làm vơi đi cảm giác cô độc luôn vây lấy tôi. Và lúc đó, tôi lờ mờ nhận ra rằng những chiến tích của mình chỉ để thỏa mãn cái tôi chứ không phải là sự trưởng thành mà mình truy cầu.

Bầu trời mới

Loay hoay trong “giếng cạn” của mình, tôi dần trở nên tiêu cực: thiếu trách nhiệm, vô tổ chức. Dần dần, tôi không còn nhận ra con người mình mỗi khi soi gương buổi sáng. Trong gương là một kẻ hoàn toàn quay lưng lại với xã hội vì không thỏa mãn được cái tôi và buông xuôi tất cả. Câu nói của bếp trưởng dường như đánh thức điều gì đó trong tôi.

Bình tĩnh nhìn lại quá khứ, tôi nhận ra mình làm nhiều điều với tâm thế của một đứa trẻ hiếu thắng, sự liều lĩnh của một kẻ bất cần. Tôi nhớ ra mình đã tỏ ra bất hợp tác khi tham gia những cuộc thi, hay tiêu tiền một cách uổng phí. Tuy chưa phải là người trưởng thành nhưng tôi cũng cảm nhận được rằng thái độ của mình vốn không phải là thái độ của một người trưởng thành.

Dẹp bỏ khái niệm cũ, tôi đi tìm định nghĩa mới cho hai chữ “trưởng thành” thông qua việc học hỏi từ những người xung quanh.

Với người Nhật, họ cho rằng trách nhiệm là điều quan trọng nhất trong tư duy của một người trưởng thành. Không chỉ là một người công nhân hoàn thành nhiệm vụ, mà một đứa trẻ biết tự chuẩn bị quần áo đi học đã là một loại trách nhiệm. Chính vì thế, trong những bài huấn luyện nhân viên mà tôi từng trải qua, người Nhật luôn đưa tinh thần trách nhiệm lên làm tiêu chuẩn chính.

Còn với những người bạn Việt xung quanh tôi, họ nhấn mạnh về một điều: sự tự chủ. Khi tôi bày tỏ sự ấm ức vì bị bắt nạt trong công việc, anh Trung bạn tôi điềm đạm nói: “Mục đích của chúng ta là kiếm tiền để đóng học phí. Nếu em để sự tức giận vượt quá kiểm soát tức là em vẫn còn trẻ con. Anh thì khác, họ trách mắng vô lý không thể làm anh tức giận hay buồn bực. Vì anh biết mình phải kiềm chế để vượt qua những điều này và hoàn thành mục tiêu”.

Tóm lại, sự trưởng thành là việc bạn tự chủ và cân nhắc mọi việc, không cho tình cảm vượt quá sự kiểm soát của mình.

Từng chút một, bằng việc nhận ra những gì mình còn thiếu, tôi biết mình đang leo ra khỏi giếng cạn của lòng tự ái, sự háo thắng mà tiếp cận cách tư duy của những người trưởng thành. Vì tôi thuộc về một thế hệ yêu bản thân quá mức nên việc dẹp bỏ cái cũ hết sức chông gai.

Nhưng cũng như những con đại bàng trưởng thành đập vỡ mỏ và rút hết móng một cách tàn bạo để rồi tiếp tục tung hoành cùng bộ móng và mỏ mới, tôi mong từng bước sẽ trưởng thành, có thể là trong đau đớn để đập bỏ cái tôi cũ của mình, và thấy được bầu trời phía trên miệng giếng.

NGÂN LONG

9x - Những đứa con thành thị: trưởng thành theo mỗi bước đi

23/12/2013 16:22 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Kết thúc loạt bài “9x - Những đứa con thành thị”, TTCT giới thiệu phân tích của TS Lê Thanh Hải về cách nhìn nhận sự trưởng thành trong các xã hội, và tâm trạng của hai bà mẹ Việt có con đang hoặc sắp bước vào tuổi trưởng thành.

Tự sự của du học sinh 9x Rio Lam, và của các 9x đồng lứa, với các nhà nghiên cứu chúng tôi thì đây là cả một kho tư liệu quý giá mà nếu thực hiện bằng một dự án điều tra xã hội học sẽ tốn kém vô cùng!

Giáo sư đầu ngành xã hội học người Mỹ gốc Ba Lan Florian Znaniecki đã khai mở cả một phương pháp nghiên cứu đặt cơ sở trên hồi ký và nhật ký.

Ta có thể sử dụng chìa khóa này để nhìn vào một vài vấn đề của thế hệ trẻ 9x, qua những gì Rio Lam và các bạn 9x chia sẻ. Nội dung nổi hẳn lên trong suy nghĩ của bạn trẻ này là sự trưởng thành - thời khắc khi một đứa trẻ trở thành người lớn, một con người ở tuổi vị thành niên bước lên hàng thanh niên.

Đó cũng chính là sự trăn trở, suy tư có lẽ là lớn nhất của tuổi trẻ.

Là khi bạn tìm được câu trả lời

Rất nhiều người bạn già tôi gặp ở Mỹ, từ Việt Nam sang ở độ tuổi đã trưởng thành, đều nhận ngày đến nước Mỹ như là sinh nhật từ đầu, bởi vì từ thời điểm đó phải học lại hết tất cả từ đầu, và trưởng thành cùng ngày với con mình thành người lớn.

Mỗi một dân tộc có một cách hiểu khác nhau về sự trưởng thành của một con người. Với các bạn trẻ Ba Lan thì ngày lễ tốt nghiệp cấp III chính là ngày trở thành người lớn (matura). Bên cạnh chuyện học thi, nhiều tháng trước đó họ đã phải tập luyện để đến ngày lễ tốt nghiệp mặc lễ phục trang nghiêm cặp đôi nhảy điệu polonez. Người Đức cũng có ngày lễ tương tự khi con cái tròn 18 tuổi.

Xã hội Anh - Mỹ không đặt nặng chuyện tuổi tác hay học hành, mà chia nhỏ các tiêu chuẩn ra để các bạn trẻ có thể đạt từ từ, như là đủ tuổi để lái xe (thường là 17 tuổi nếu có người lớn ngồi bên cạnh), hay đủ tuổi để mua rượu và vào vũ trường (thường là 21 tuổi). Điều này cũng thể hiện rất rõ trong chương trình giáo dục phổ thông, không chỉ trang bị kiến thức về cuộc sống cho phép học sinh sau này biết suy nghĩ độc lập, mà còn cả những giao tiếp xã hội, có nơi gọi là kỹ năng mềm, để học sinh đó biết tìm được chỗ đứng trong cộng đồng.

Quá trình dạy dỗ cả ở nhà trường và gia đình là một con đường đưa em bé dần xã hội hóa (socialization) vào cộng đồng và trở thành một công dân có đầy đủ khả năng sống trong cộng đồng đó. Đứa bé nay không chỉ biết băng qua đường, biết đi chơi không lạc đường về, mà còn biết tự kiếm sống, biết phải làm gì khi gây ra, là nạn nhân, hay chứng kiến tai nạn trên đường, biết bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác - cũng chính là gia đình mới của mình sau này.

Văn hóa Việt Nam có truyền thống coi ngày “lập thân” là lễ trưởng thành của con cái, cả gia đình nhìn cậu con trai nay có người nâng khăn sửa túi, biết bảo vợ dâng ly trà cho đấng sinh thành. Ngày nay xã hội không còn chỉ trọng nam và tuổi kết hôn không còn là độ tuổi 15-18 như trước, mỗi gia đình và địa phương bắt đầu có những chuẩn mới để xác định mốc trưởng thành cho một con người.

Điều mà Rio Lam đã băn khoăn cũng chính là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ luôn thắc mắc trong đầu: Tôi đã trưởng thành chưa? Tôi là ai trong xã hội này? Có thể nói, khi tìm được câu trả lời chính là thời điểm bạn đã trưởng thành và tự tin thể hiện điều đó với những người xung quanh.

Lớn lên cùng năm tháng và tờ báo mình yêu thích

Trưởng thành còn là sự khẳng định về bản sắc văn hóa dân tộc của bản thân, trong trường hợp bạn là sinh viên ra nước ngoài du học, như những gì Rio Lam đã khắc khoải tự vấn. Theo năm tháng, trong tất cả các môn học thời phổ thông, ta được học cách phân biệt thế giới bằng phép so sánh.

Khi nhìn thấy các vật trước mắt, thói quen sẽ gửi lệnh yêu cầu não phân biệt xem những vật đó giống nhau hay khác nhau: trái táo xếp vào cạnh trái táo, chén ăn cơm để cạnh đĩa đồ ăn, nhạc tình tự dân tộc Việt Nam cạnh dân ca Nhật Bản, còn nhạc rock Mỹ thì xếp cạnh nhạc thính phòng phương Tây chẳng hạn.

Rồi chúng ta sẽ tranh cãi với nhau về chuyện xếp như vậy là đúng hay sai, và bánh mì kẹp thịt của Lee Sandwich ở Little Saigon bên California là chính hiệu đồ ăn Việt Nam hay không... Cứ như thế, mỗi chúng ta dần bước từ không gian nhỏ hẹp của cá nhân ra biển lớn của xã hội loài người, từ ngõ nhỏ phố nhỏ của mình ra đại lộ và đường cao tốc của hệ thống giao thông quốc tế, xuyên biên giới quốc gia, xuyên lục địa để lớn thêm một chút nữa, trở thành công dân thế giới.

Cứ như vậy, mỗi chuyến đi xa là một bước trưởng thành, là thêm một câu trả lời về cái vị trí của tôi trong thế giới này. Đến ngay cả Trịnh Công Sơn, sống cả đời người qua năm tháng, tưởng chừng như đã biết được hết tất cả điều hay tiếng lạ của cõi đời này, thế mà đến cuối đời vẫn tự hỏi qua bài hát mà có lẽ chúng ta ai cũng biết: Tôi là ai?

Đó chính là sứ mệnh của con người, mỗi sáng thức dậy là bước vào dòng chảy cuộc đời của một thế giới mà triết gia người Anh gốc Ba Lan Zygmunt Bauman mô tả như là một khối chất lỏng vĩ đại không ngừng chuyển động. Mỗi chúng ta giống như đang đi trên sa mạc, và điểm đến chỉ được biết đến qua những điểm dừng mà ta đã đi qua, giống như những vết chân để lại trên cát.

Xã hội luôn thay đổi, và trong thế giới đa cực toàn cầu hóa như ngày hôm nay thì còn thay đổi với tốc độ chóng mặt nữa. Mới trưởng thành ngày hôm qua thì hôm nay mọi tiêu chuẩn trong xã hội đã thay đổi hết, đòi hỏi mỗi chúng ta phải học lại từ đầu, ngay trên chính mảnh đất mình đang sống, có khi còn từ chính con cái của mình nữa, đơn giản như chuyện làm sao bật cái điện thoại thông minh lên để tự tìm đường đi, hay gọi điện miễn phí cho mấy đứa cháu nội ngoại.

Lúc nhỏ thì còn có bố mẹ để hỏi ý kiến và dựa vào kinh nghiệm của người già để phân biệt đúng sai, giờ thì biết trông ngóng vào ai? Khi xưa chỉ cần học cho xong một cái nghề, một cái bằng đại học là đủ để có việc làm cả đời. Nhưng nay kiến thức chưa kịp tốt nghiệp đại học đã lỗi thời, ngành nghề đào tạo chưa xong đã không còn cần đến trong xã hội.

Cho nên giáo sư đại học California Rogers Brubaker mới phát hiện xu hướng của con người sẽ chọn đại một nhóm biểu hiện nào đó thường là bất kỳ (contingent) để định nghĩa bản sắc và nhất là bản sắc dân tộc của mình. Rồi sau đó thông qua phản biện xã hội, nhất là trên báo chí - như giáo sư Trường nghiên cứu văn hóa Edinburgh Stuart Hall đã tạo dựng ra cả một trường phái nghiên cứu - mà các quan điểm mang tính khu vực đó được xây dựng thành đại diện cho cả dân tộc.

Và đó chính là giá trị phổ quát nhất để đánh giá sự trưởng thành của mỗi cá nhân - trưởng thành qua năm tháng và tuổi tác cùng tờ báo mình yêu thích - chẳng hạn với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Để cả cộng đồng độc giả trưởng thành cùng một tờ báo, bên cạnh những bài viết tự sự như của Rio Lam, những bài bình luận phân tích liên quan, còn cần thêm rất nhiều tuyến bài tương tự, và nhất là nghiên cứu trở thành luận văn cử nhân, thạc sĩ hay kể cả tiến sĩ trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Đó là điều còn thiếu để dân tộc Việt Nam bước ra sánh vai cùng bốn biển năm châu, để các bạn trẻ Việt Nam không cần phải chờ đến vài năm sau ngày ra nước ngoài du học mới bắt đầu suy nghĩ và không phải ai cũng có điều kiện tìm ra câu trả lời. Những năm tháng gian khó tạo ra một thế hệ cha anh phải lớn trước tuổi, còn điều kiện vật chất đầy đủ trong hòa bình khiến thế hệ trẻ ngày nay có người đã già mà mãi không chịu lớn, như cách mô tả của các nhà xã hội học!

TS LÊ THANH HẢI (Ba Lan)

Là mẹ của 9x thành thị

Đọc bài viết của bạn Rio Lam trên TTCT số 45 tôi thấy bạn đã quá trưởng thành. Tôi đang có suy nghĩ biết đến khi nào con tôi, 9x đời giữa, mới được như bạn?

Theo dõi bạn của con trên Facebook, tôi thấy đa số rất hồn nhiên. Các bạn vừa qua tuổi 18, sinh viên năm thứ nhất, vẫn đang còn chưa định hình học hành (tự học, tự tìm kiếm tài liệu, nghiên cứu, mở rộng đề tài học bằng suy luận...) như thế nào, lập kế hoạch tham gia sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động xã hội ra sao, các bạn vẫn còn lơ ngơ lắm!

Tôi cũng nhận thấy một điều, lớp con tôi cũng “hồn nhiên” như lớp chúng tôi tuổi 18 ngày ấy. Năm thứ nhất, thể nào cũng ra hồ Con Rùa chụp hình làm kỷ niệm. Đi chơi Sở thú. Đi hát karaoke còn nằm lăn ra sàn nhà và uống nước ngọt, ăn cơm ở siêu thị, có tiền thì kéo nhau vào KFC (rất hiếm). Nói chung, chưa vượt được cái “gông” của... cấp IV.

Điều nữa, các bạn còn mang tư tưởng như được “xả hơi” sau mấy năm cấp III “cày cuốc” không có thời gian để thở! Tôi cũng theo dõi bạn của con đang học ở nước ngoài. Có bạn phù hợp, hòa nhập nhanh, nhưng không ít bạn chán nản. Tôi vẫn thường chat với một bạn đang học ở Ukraine, bạn ấy bảo rào cản lớn nhất là ngôn ngữ, ở trường bạn học tiếng Anh, nhưng giao tiếp thì bằng tiếng Nga. Bạn đang rất nỗ lực và không biết đến khi nào thì... buông xuôi!

Không thể phủ nhận chính môi trường xã hội hôm nay khiến cha mẹ bất an khi thả con mình ra đời. Con tôi, 9x thành thị, kỹ năng sống cao nhất cũng chỉ biết làm sao không bị đói, tự lo cho mình bữa ăn đơn giản với cơm, trứng chiên, lấy nước mì gói làm canh và biết... sửa xe đạp (món quà tôi mua tặng khi cháu thi đậu đại học là... bộ dụng cụ cơ khí để cháu tự sửa chữa điện, nước, máy móc, xe... khi đi học xa nhà, với ý nghĩa khẳng định rằng con đã lớn).

Tôi dặn con phản ứng “tự vệ” khi bị tấn công là xuống nước năn nỉ, có gì nộp hết và... chạy càng nhanh càng tốt. Tuyệt đối không tham gia các vụ cãi vã, đôi khi mối họa chỉ từ một lý do rất cỏn con. Tôi không biết có phải mình đã dạy con... hèn từ khi chập chững vào đời hay không, nhưng tôi chắc chắn không ít cha mẹ bắt buộc phải dạy con mình như thế!

Ngoài ra, luôn căn dặn con tránh những xung đột trên các diễn đàn mạng xã hội. Từ mạng ảo bước ra ngoài đời thật là khoảng cách rất ngắn.

Còn một điều mà rất nhiều người cười tôi và cho là phi lý, đó là tôi dặn con (trai) không nên yêu đương khi còn đi học. Bởi, không chỉ chi phối việc học hành mà đôi khi có những điều rất đáng tiếc. Tôi đã thấy có những mối tình sinh viên mù quáng, một phút không tự chủ, điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Tôi cũng biết dặn là vậy, lo là vậy, “Chao ôi, yêu có ông trời cứu”, một khi con người đã vào vòng tình ái, chẳng ai có thể lèo lái được trái tim mình cả!

Tôi cũng biết rất rõ để trưởng thành con người phải vượt qua nhiều thứ, đôi lúc còn phải bị “rách rời, chắp vá” nữa. Tuy vậy, bỏ qua những lo lắng, khi nghĩ về con, tôi luôn hướng về phía trước, mong con tận hưởng những tháng ngày tuổi trẻ sôi nổi, hồn nhiên, vui tươi với bạn bè, với giảng đường, “cày cuốc” học hành, nghiên cứu...

Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng chắc không ít những người mẹ của 9x thành thị cũng có suy nghĩ như tôi: hi vọng và cả lo lắng!

KIM DUY

9x cần đối thoại

Bài viết của Rio Lam rất sâu sắc và đầy lửa, phản ánh một cái nhìn của thế hệ 9x và giống như một lời tâm sự chân thành với thế hệ đi trước. Đọc tâm sự Rio Lam cùng những bạn trẻ tiếp đó, ta thấy rõ hơn một số khuyết điểm của thế hệ cha mẹ (có thể là 7x và 6x): đã cung cấp vật chất đầy đủ, đã thay con làm mọi việc nhưng quên rằng con cái lớn lên cần nhiều giá trị khác hơn.

Các 9x hoang mang và cô đơn, được bảo bọc chở che nhiều đến nỗi một chút khó khăn cũng trở thành bi kịch, một thế hệ 9x thiếu kỹ năng sống trầm trọng. Trong túi có thẻ ngân hàng tại sao phải đói, bạn bè đâu mà phải ngủ ngoài bãi xe trong chiếc xe cũ nát, bỏ lại người yêu để du học thì có ngày quay về chứ không lẽ đi là vĩnh viễn nếu em tin rằng đó là tình yêu?...

Cho con nhiều của cải vật chất hay bảo bọc con một cách quá đáng chính là sai lầm của các bậc làm cha mẹ. Yêu con không đúng cách, cha mẹ chỉ làm cho con sống ỷ lại, dựa dẫm, yếu đuối và thiếu kỹ năng sống như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phán đoán tình huống và kỹ năng ra quyết định, thiếu hẳn sự nhường nhịn, sự sẻ chia để tạo dựng mối quan hệ bền chặt.

Thiếu những kỹ năng sống thì khi bắt đầu tự lập các em sẽ gặp vô số những “bi kịch” lớn nhỏ khác nhau. Có vấp ngã, có phép thử thì dần dần các em cũng trưởng thành lên được. Kinh nghiệm nào các em góp nhặt được cũng sẽ là một “niềm đau” nhưng thế vẫn hơn dựa dẫm và thành những thanh niên “không chịu lớn”.

Đọc bài thứ hai của Rio Lam, tôi mừng vì qua một năm sống tự lập một số giá trị mà Rio nhìn nhận lại, đó là kinh nghiệm của thế hệ đi trước và niềm tin của cha mẹ đặt vào con cái. Cha mẹ luôn cần sự đối thoại thân thiện với con cái. Rio đã làm được những thứ mà thế hệ của em chưa hẳn ai cũng làm được, đó là đối thoại cởi mở và công bằng.

Có thể Rio có cha mẹ tuyệt vời, luôn hiểu con và ủng hộ mọi quyết định của con nếu quyết định đó khiến con hạnh phúc hơn. Nhưng nếu các em khác không có cha mẹ hiểu mình thì cuộc đối thoại giữa hai thế hệ sẽ cam go hơn. Người làm cha mẹ luôn kỳ vọng ở con mà quên rằng mỗi con người sinh ra có ước mơ và có quyền đeo đuổi ước mơ của chính mình.

Cảm ơn Rio Lam đã cho thế hệ chúng tôi hiểu hơn về thế hệ các em, cảm ơn Rio Lam đã có một cuộc đối thoại hết sức sâu sắc, công bằng và cởi mở.

BẢO NHI

Di sản trưởng thành

14/12/2013 08:30 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Tiếp theo những tự sự của các 9x (xem TTCT từ số ra ngày 24-11), Câu chuyện cuộc sống kỳ này là tâm sự của hai 8x nói với các em 9x.

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông

(Đi thi tự vịnh - Nguyễn Công Trứ)

Rõ ràng chuyện danh tiếng - xin phép tạm gọi vậy cho những định nghĩa về một di sản để lại cho đời - không phải chỉ là chuyện của 9X ngày nay. Bọn chúng tôi - đầu têu của những “hệ thống ngôn ngữ cải biên quái gở, tật nguyền và những trò quá lố” - cũng có lúc suy nghĩ chín chắn về tương lai.

Tôi nhớ đầu những năm 2000, ngành công nghệ thông tin bùng nổ, 8X chúng tôi không thiếu những người ôm mộng trở thành Bill Gates thứ hai. Bằng chứng là học bổng NUS “ế” hẳn ngành quản trị kinh doanh vì ai cũng nhăm nhăm thi công nghệ thông tin.

10 năm qua đi, những đứa 8X chọn ngành công nghệ thông tin để lấy học bổng của Singapore ngày nào giờ là những nhân viên văn phòng, nhân viên công nghệ thông tin bình thường. Có người giờ đang quay quắt chuyển nghề vì sự xuống dốc của thị trường chứng khoán vài năm gần đây. Chẳng ai đoán định được tương lai!

Thời điểm năm 2000, 8X chúng tôi làm quen với khái niệm khủng bố sau vụ 11-9. Cãi nhau tóe lửa vì lời Tổng thống Bush khi đó, nôm na là ai không đứng về phía ta sẽ là kẻ thù của ta. Trong nước, nhiều vụ trọng án được phanh phui, xổ tung nhiều mâu thuẫn. Người ta lên án đồng tiền làm đảo lộn các giá trị, tha hóa đạo đức con người.

Lũ học sinh 8X vẫn ngày hai buổi lên lớp, nghi hoặc những phản ánh đời sống méo mó lồng ghép trong bài giảng của các thầy cô. Học sinh 8X có chuyện sống thử không? Tôi đồ rằng chẳng cần xét đến thời của chúng tôi mà từ xưa, rất xưa đã có chuyện này. Chẳng qua do con người chưa tạo ra được phương thức mã hóa dữ liệu như Internet ngày nay mà thôi!

Chúng tôi cũng từng hỏi

Chúng tôi sẽ để lại gì cho thế hệ sau? Thú thật khi đọc bài của Rio Lam tôi mới lôi ngược câu hỏi này từ chồng chồng lớp lớp các câu hỏi khác từng được tôi giương lên! Những “Bill Gates” ngày xưa, những kẻ lên án khủng bố, đòi hỏi công bằng giờ tất bật trong bộ đồng phục công sở, “thờ” một ông sếp to đùng để có thu nhập đủ chi tiêu cho bản thân và giúp đỡ gia đình, một số thành những ông bố, bà mẹ bệ vệ có những thiên thần đáng yêu.

Cuộc sống của chúng tôi sẽ tan thành tro bụi? Tôi đoán rằng không, nếu Rio Lam biết những người mờ nhạt đó vẫn đang ấp ủ những dự tính cho tương lai. Thời gian trôi đi, người ta điềm tĩnh hơn khi nói về ước mơ, song động lực cống hiến vẫn luôn sôi sục.

Tôi có nhóm bạn đang xoay xở với kế hoạch thành lập một lớp cao học kinh tế online miễn phí cho mọi người như tinh thần sẻ chia kiến thức để được nhiều hơn. 8X của chúng tôi cũng có những kẻ suốt ngày khoe hình rong ruổi trên các nẻo đường của Việt Nam. Những kẻ chỉ biết hưởng thụ đó cũng có lúc biết dừng xe, giúp người đạp xích lô đẩy xe hàng lên khỏi con dốc cao, hoặc lục hết túi để tìm chiếc kẹo cho em bé người dân tộc đang đứng ngơ ngác nhìn khách lạ.

Thêm nữa, tuổi trẻ không cần trải nghiệm chiến tranh để khỏa lấp bất hạnh. Thế hệ cha anh chúng ta được vinh danh trong công cuộc giữ nước. Không phải chiến tranh biến họ thành anh hùng, mà anh hùng chỉ là cách nói khác cho những mất mát mà họ phải chịu đựng khi lựa chọn con đường bảo vệ độc lập dân tộc.

Khi thành tựu là trải nghiệm

Để lại gì cho cuộc sống này là một câu hỏi khó. Bạn được quyền chọn những thứ bạn muốn dành cho con cháu mình, nhưng con cháu sẽ quyết định thứ gì đáng giá với chúng. Tôi tự nhiên nảy ra suy nghĩ này khi đọc những trăn trở của Rio Lam. Lẽ hợp logic thôi, khi 8X chúng tôi mong mỏi sẽ tạo thành tựu chấn động giới công nghệ, nhưng 9X lại chỉ thấy ở chúng tôi một thế hệ quái gở, du nhập những trò nhố nhăng như lộ hàng, khoe thân để mong tìm chút hư danh.

Tôi tin những suy nghĩ của Rio là những suy nghĩ của một người tích cực, người đang cảm thấy một chút mệt mỏi trước nhiều thứ phải chiến đấu để giữ lại bản sắc của một người trẻ tuổi 9X.

Tôi thích cách hiểu về thành tựu của cô bạn X. trong cùng chuyên mục. Thành tựu để lại của bạn là sự trưởng thành trong mắt những người xung quanh. Sự trưởng thành về cơ học được pháp luật thừa nhận, nhưng sự trưởng thành trong nhân cách và hành vi là một quá trình tích lũy không giới hạn.

Tôi nhìn thành tựu của X. với chút ngưỡng mộ và thấy mình hiện tại. Tôi phải mất đến 10 năm để biết đâu là thành tựu của mình. Thành tựu với tôi là những hành trình trải nghiệm. Sau tất cả mệt mỏi, hoài nghi, thất vọng về cuộc sống, về những con người xấu xí quanh mình, tôi học được cách chung sống với thực tại, chọn một cách sống tích cực để thấy mình có ích, đi đến những địa danh mới, tranh thủ học hỏi văn hóa của mỗi nơi mình đi qua.

Tôi trưởng thành nhờ trải nghiệm. Mỗi người có một cách hiểu về thành tựu của đời mình. Nếu bạn từng đọc Tôi là một con lừa của Nguyễn Phương Mai - một cuốn sách kể về hành trình thoát khỏi “vũng bùn” những thứ nhàm chán của Mai để thấy mình trưởng thành.

Tôi nhớ nhất đoạn Phương Mai kể lại trải nghiệm dưới biển sâu: “Chỉ với một tích tắc nhìn vào mắt cá mập trắng Nam Phi, mọi ý nghĩ về kỷ lục trong tôi tan tành. Tôi bàng hoàng nhận thấy sự kiêu căng ngạo mạn đến lố bịch của loài người về những đỉnh cao kỷ lục nhỏ nhặt và phù phiếm (...) nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục trải nghiệm những đỉnh cao, chỉ có điều đã tự biết chẳng nên lấy đó làm điều tự hào (...)”.

Thời thế tạo anh hùng. Trước khi nghĩ đến những di sản có thể để lại cho hậu thế, hãy biết vượt qua những bung xung của thời cuộc. Lộ hàng, khoe thân, sống thử hay phải thích nghi với máy móc hiện đại chỉ đơn giản là những căn cứ để đánh giá mức độ tự chủ và trưởng thành của ta.

LAN HƯƠNG

Sống đúng với tuổi của mình

Ở góc độ tâm lý, hình ảnh các bạn 9x hôm nay, hay tuổi đôi mươi của thế hệ 8x vào 10 năm trước đây đều có điểm chung là “trẻ”. Ở tuổi đôi mươi, 6x, 7x hay 8x cũng có thể từng rơi vào thế giới hỗn độn như 9x hiện tại, có khác chăng vấn đề gây tranh luận vào thời điểm trước không giống thời nay.

Không ai đánh giá một người là tầm thường vì họ làm tốt những công việc bình thường, theo trách nhiệm họ được giao. Bởi nếu chưa làm tốt vai trò được giao trong gia đình và xã hội, làm sao bạn có thể thực hiện điều lớn lao làm thay đổi thế giới. Không cha mẹ nào muốn nghe con mình nói, như một người bạn của Rio, “con phải ngủ ngoài đường vì không có tiền trả tiền nhà”, bởi có thể vấn đề ở chỗ con không biết quản lý tốt chi tiêu, thiếu kế hoạch đối phó hoặc chuẩn bị.

Như vậy, cái bạn trẻ 9x thiếu không phải là bối cảnh khó nghèo để bạn vươn lên, mà là kỹ năng sống có trách nhiệm với bản thân, trung thực, học cách tự lập và không để người khác lo lắng cho mình. Chiến thắng chính bản thân là chiến thắng vinh quang nhất. Xã hội Việt Nam mà thế hệ 9x phát triển hôm nay thiên về tính cá nhân và công nghiệp, vì thế có thể làm bạn trẻ chỉ nhìn vào hiện tượng mà không suy xét bản chất của vấn đề.

Cũng giống như các bạn trẻ Việt Nam, 9x tại các nước phát triển cũng đang đương đầu với những vấn đề khó khăn của lứa tuổi. 91% bạn trẻ 12-15 tuổi tại Anh có thể lên mạng tự do, không có sự giám sát của cha mẹ. Có đến 190.000 bạn trẻ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục trước khi bước qua tuổi 18.

Không tôn trọng bản thân, chọn lối sống không lành mạnh hoặc buông thả, không quan tâm đến sức khỏe tương lai là một trong những điều giới trẻ tại phương Tây đang bị chỉ trích. Trong khi giới trẻ thất vọng vì người lớn không hiểu mình, “cổ lỗ sĩ”, thì người lớn, nhà giáo dục và phụ huynh thật sự lo lắng vì bạn trẻ mải mê chạy theo cái mới mà không lường hết những rủi ro có thể gặp.

Chiến dịch nói không với việc để lộ hình ảnh cá nhân, gửi hình sex hay video sex qua điện thoại cho bạn trai, được chính công nương Anh Kate Middleton kêu gọi phụ huynh cùng tham gia, là một ví dụ. Chiến dịch giúp phụ huynh bộc lộ suy nghĩ của mình không nhằm vào việc lên lớp: “Con phải thế này...”, mà nhằm vào việc giúp bạn trẻ suy nghĩ về những rủi ro và mở rộng một góc nhìn khác về cuộc sống trước khi phán xét suy nghĩ người khác.

Đọc thư từ của chiến dịch này, tôi nhớ lời Suzanne Whitton viết cho con gái như sau: “Mẹ đang theo dõi từng bước phát triển của con, từ một đứa trẻ cho đến khi thành thiếu nữ. Điều mẹ cầu mong lúc này là giữ gìn sự ngây thơ của con càng lâu càng tốt. Điều này không có nghĩa là mẹ muốn con cứ mãi là trẻ con, mà mẹ cố gắng giúp con sống đúng với lứa tuổi của mình. Có thể con cho là mẹ vớ vẩn, nhưng là người bảo hộ cho con, mẹ mong muốn điều tốt đẹp nhất”.

Trong khi bạn trẻ tranh luận về tự do và quyền riêng tư, các bậc phụ huynh sẽ nhìn vấn đề: “Con tôi có biết cách sử dụng quyền riêng tư và tự do của mình đúng cách? Hay sự vô tư của con có thể khiến nó bị lợi dụng sau này?”.

Một cách trung thực, thế hệ nào cũng có điểm hay và điểm cần cải thiện. Là thế hệ đi sau, 9x có quyền chọn lựa mình muốn giữ gìn điều này và phê phán điều kia. Học hỏi điều hay của thế hệ trước, cộng với phát huy những cái hay của thế hệ mình, chắc chắn 9x sẽ tìm được cho mình một bản sắc riêng.

ThS tâm lý TRẦN THỊ NGỌC DUNG

Bức thư cậu học trò trong tù

21/12/2013 14:49 (GMT + 7)

TTCT - Chị bưu tá dừng xe trước cửa, tôi có thư. Thời đại công nghệ thông tin, tôi nhận được lá thư viết tay, gửi từ trại giam, tôi quen ai như thế nhỉ? Một cô giáo nhận lá thư tay của một cậu học trò cũ thì cảm động thật, nhưng khi biết học trò đang chịu mức án 17 năm tù thì chỉ từ tan nát mới diễn tả hết...

“Vô cùng ngạc nhiên, vô cùng thảng thốt, vô cùng cảm động...”. Tôi đã hồi âm thư em bằng rất nhiều từ “vô cùng”. Tôi giấu đi chữ “vô cùng tan nát” vì không muốn em mặc cảm hơn.

Thư em bắt đầu bằng lời thăm hỏi và hàng loạt từ “giá mà”: giá đừng hỗn hào với thầy cô, giá đừng bỏ học đi bụi, giá đừng trộm cắp... Em nói rằng em viết thư cho tôi mà không mặc cảm mình là một tù nhân, vì ngày xưa chưa bao giờ tôi gọi em là “học sinh cá biệt”, vì tôi “chịu khó” lắng nghe tâm tư của học trò, vì em bây giờ mất phương hướng, bế tắc...

Em là học sinh lớp đầu tiên tôi làm công tác chủ nhiệm. Em bỏ học giữa chừng, tôi có đến nhà vận động nhưng đã không gặp, em bỏ xứ...

Trong bức thư đầu tiên gửi tôi, em viết: “Em vẫn hi vọng một điều nhỏ nhoi là những dòng chữ này có thể đến được tay cô. Em không biết khi đọc thư này cô sẽ nghĩ gì về cậu học trò cũ nhưng với em, khi ngồi viết những dòng này, hàng loạt những chữ “giá mà” đang dần hiện hữu kèm theo những nỗi đau đang gặm nhấm mà ngày ngày em phải chịu đựng. Em đã phụ công sinh thành của cha mẹ, công giáo dưỡng và lòng mong mỏi của cô thầy...”.

Tôi viết thư và gửi đi, gửi cho em niềm tin để hướng thiện. Tôi kể em nghe về cuộc đời của nhà văn được xem là một bậc thầy truyện ngắn thế giới, O. Henry, từng ngồi tù vì khi là nhân viên của một ngân hàng đã bị truy tố vì tội biển thủ công quỹ do sổ sách ông làm có những con số không khớp nhau. Ông ngồi tù sau đám tang của vợ.

Trong nhà tù ở thành phố Columbus, ngoài thì giờ làm việc, ông vẫn sáng tác để gửi tiền về nuôi con gái. Bắt đầu từ đây, ông dùng bút danh O. Henry như một cách để ghi nhớ trải nghiệm cay đắng của cuộc đời, bút danh này là những chữ cái được nhặt ra từ cụm từ “Ohio penitentiary” (nhà tù Ohio).

Những bức thư tay gửi qua gửi về. Sợi dây liên lạc giữa chốn ngục tù với thế giới bên ngoài được kết nối. Học trò cũ đã “thăm” lại mái trường, thăm thầy cô giáo và gửi những lời xin lỗi muộn bằng những dòng chữ nắn nót. Tôi hồi âm cho em bằng tấm lòng, chỉ mong em đừng tuyệt vọng, đừng để mặc cảm lỗi lầm giằng xé. Khuyên em xem đây là một trải nghiệm nghiệt ngã và bắt mình phải vượt qua.

Những bức thư sau em gửi tôi, tôi vui mừng vì em đã lấy lại thăng bằng, đã biết mơ đến một ngày được trả tự do, được làm người lương thiện.

Em ạ! “Kẻ phạm vào tội lỗi là con người, đau buồn vì nó là thánh nhân, kiêu hãnh về nó là ác quỷ” (Thomas Fuller). Cô mong em hãy đối diện với sai lầm. Hãy chuộc lỗi, hãy chịu trách nhiệm bằng việc cải tạo tốt. Cuối chân trời luôn có một lối đi... Mong em kiên cường, lạc quan để tin rằng “Sau cơn mưa trời lại sáng”.

Tôi luôn kết thúc thư của mình bằng những lời như thế.

Dù những trang giấy trắng có bao nhiêu con chữ đi nữa thì tin rằng, tôi, tất cả thầy cô giáo, gia đình, toàn xã hội đều muốn nói với em rằng ngã như thế nào, vì sao ngã không quan trọng bằng việc đứng dậy thế nào sau cú ngã.

Cuộc sống của một người tù không có nghĩa là đất trời đã đổ nát dưới chân. Em còn quá trẻ, đường đời còn dài. Đừng bao giờ đánh mất niềm tin.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Mạng xã hội không xấu xí

Sự hồi sinh của những “quảng trường”

13/01/2014 09:57 (GMT + 7)

TTCT - LTS: Tiếp sau loạt bài về sự khơi gợi, lan truyền niềm tin và lòng nhân ái của mạng xã hội, TTCT giới thiệu bài viết từ Ý về một sự hồi sinh trong thời đại Internet, khi mạng xã hội đã đưa những con người thực gặp gỡ nhau, nói chuyện với nhau, giúp đỡ nhau, giải trí cùng nhau...

Câu chuyện nghe có vẻ kỳ quặc ấy đang xảy ra trong thời đại công nghệ chi phối con người của bây giờ. Nhưng nếu nó diễn ra trên đất Ý, chắc hẳn chính người Ý cũng sẽ phải ngạc nhiên.

Mà ngạc nhiên cũng đúng thôi, bởi không ít người Ý có tuổi tôi từng nói chuyện đều cho rằng bây giờ đồng bào của họ ít quan tâm đến nhau quá. Người cùng một khu phố, một con đường chẳng mấy khi quan tâm chăm sóc đến nhau, chưa nói gì đến chuyện hỏi thăm vì một việc gì đó.

Ngày xưa thì khác hẳn. Những mâu thuẫn trong khu phố cũng ít hơn. Sự xa cách giữa những con người sống gần nhau nhưng thiếu giao tiếp thực tế làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội.

Một nghiên cứu xã hội ở thành phố Florence mới công bố cho thấy cứ ba người Ý thì chỉ một người coi hàng xóm là bạn. Con số này còn thấp hơn đối với người trẻ (13%). Những cuộc cãi cọ ở chung cư hoặc khu phố chiếm 30% số vụ kiện cáo ở các tòa án, thường rất tốn kém và kéo dài nhiều năm. “Nội dung” của những cãi cọ nảy lửa ấy thật ra chẳng có gì to tát lắm: vì rác (chiếm 60%), vì tiếng ồn hoặc động vật nuôi gây ra (50%), thậm chí vì cả mùi nấu ăn của hàng xóm.

Điều gì đã xảy ra? Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ nhiều năm qua hay cuộc sống thực dụng nhưng thiếu an toàn, đầy nghi kỵ và mạng xã hội phát triển đã làm thay đổi cái cách mà người ta sống chung với nhau?

Từ “phố mạng xã hội”

Những người ở phố Fondezza, thành phố Bologna, miền bắc Ý, có thể từng có chung hiện tượng, nhưng nay có một câu trả lời khác. Thế giới mới không cần phải đi tìm đâu xa mà có khi ở ngay bên hàng xóm. Có những bà mẹ tìm thấy “ôsin” cho con gái mình ở tòa nhà đối diện, những cô học sinh nhờ một lời chỉ dẫn trên Facebook mà tìm được gia sư dạy guitar, hay một phụ nữ hỏng máy giặt tìm được một sinh viên túng tiền để sửa giúp.

Những người đó chưa từng biết nhau trước kia. Nhưng nhờ có Facebook và nhờ ý tưởng xem ra có vẻ đơn giản nhưng không dễ thực hiện của Federico Bastiani, 36 tuổi, một cư dân của khu phố này. Ý tưởng nảy ra đối với chuyên gia về công nghệ thông tin này rất đơn giản.

Anh bảo: “Tôi đã sống ở đây những bốn năm. Nhưng tôi chẳng biết gì về những người đang sống trong cùng khu với mình. Thật khó tin. Tôi nghĩ ta vẫn chào họ hằng ngày, nhưng rốt cục họ là ai?”. Thế là Bastiani tạo ra một “group” trên Facebook cho những người cùng phố Fondezza.

Anh in thông báo về việc thành lập “group” đó thành 50 bản trên giấy A4 rồi phát cho tất cả những người hàng xóm mà anh gặp mặt gần như hằng ngày nhưng chẳng biết họ là ai.

Anh thú nhận: “Tôi cứ tưởng là chỉ khoảng chục người xin vào group này thôi...”. Anh nhầm. Bởi đến nay con số đã lên đến trên 300 và còn tiếp tục tăng. Nhưng con số không quan trọng, mà chính là một cuộc cách mạng mang tính xã hội trong thời đại cuộc sống ảo chi phối gần như tất cả. Thành phố Bologna, được bầu là nơi đáng sống thứ ba trên đất Ý, đã công nhận đây là “phố mạng xã hội” đầu tiên ở Ý.

Nhưng trên thực tế những gì xảy ra không phải là một điều thần kỳ, mà đơn giản chỉ là thiện chí. Người ta hoàn toàn có thể dễ dàng liên lạc với nhau dù bằng bất cứ phương tiện nào. Vấn đề là họ có muốn hay không thôi. Điều đáng chú ý là một khi mô hình trao đổi giữa người với người được tái lập, thì các chức năng xã hội của xã hội thu nhỏ trong cộng đồng ấy cũng được khuyến khích.

Bastiani đưa ra một ví dụ sinh động về “group” của anh hoạt động như thế nào: “Chẳng hạn bạn sắp đi khỏi thành phố, nhưng trong tủ lạnh của bạn vẫn còn năm quả chanh. Liệu bạn có vứt đi tất cả không? Chỉ cần chụp một tấm ảnh bằng điện thoại thông minh của bạn, đăng ảnh lên trang Facebook của nhóm. Kiểu gì cũng có một người hàng xóm đang chuẩn bị đi chợ. Nếu người đó thấy tấm ảnh, họ sẽ sang gõ cửa nhà bạn và xin số chanh ấy. Quan hệ xã hội được tái sinh theo cách ấy”.

Điều tương tự đã xảy ra nhiều lần. Không chỉ với những quả chanh, mà còn về nhiều điều có thể bị cho là nhỏ nhặt khác nữa. Và thế là người dân nơi này bắt đầu quan hệ với nhau nhiều hơn.

“Cuộc cách mạng nhân bản” thậm chí đã gây sự chú ý đến cả những người kinh doanh. Họ ủng hộ dự án của Bastiani theo cách của riêng mình. Rạp chiếu phim nằm trên phố Fondezza đã tiến hành một chiến dịch bán vé hạ giá theo gói dành riêng cho dân khu phố nằm trong nhóm của Bastiani trên Facebook.

Không chỉ họ để ý đến câu chuyện của phố Fondezza, mà bây giờ cả nước Ý đã biết đến dự án của Bastiani. Câu chuyện này sẽ đi đến đâu? Người ta sẽ mở ra hàng nghìn “phố mạng xã hội” khác trên một đất Ý ngày càng chia rẽ vì mâu thuẫn vùng miền và khủng hoảng kinh tế? Và mục đích cuối cùng chỉ là làm quen với hàng xóm? Và mối quan hệ của họ sẽ như thế nào nữa?

Đến “Ngày hội hàng xóm”

Không ai nghĩ xa xôi đến thế, nhưng một số dự án mạng xã hội đang được tiến hành ở miền bắc Ý theo hướng của Bastiani, nhằm gắn kết chặt chẽ hơn người dân trong cộng đồng vì một mục đích chung. Chẳng hạn như tránh lãng phí về chỗ ở.

Mỗi năm, người Ý thất thu khoảng 200 triệu euro do không tận dụng được không gian sống, trong khi nhu cầu ở thuê vẫn cao mà nhiều người không tìm được nhà phù hợp. Ở Florence, người ta dùng Facebook để mời mọi người tham dự “Ngày hội hàng xóm” và kêu gọi các nhà ký giao ước để mọi người có trách nhiệm hơn với nhau trong việc bảo vệ an toàn của khu phố.

Đối với người Ý, quảng trường là nơi gặp gỡ, trao đổi, là nơi thể hiện sự dân chủ và lành mạnh, công bằng trong cuộc sống. Bây giờ, khi mạng xã hội đã thay thế những quảng trường đó, thì những người như Bastiani đang làm sống lại không khí giao tiếp của những quảng trường thật.

Câu chuyện của phố Fondezza là một câu chuyện đáng suy nghĩ về mỗi cá nhân của những khu dân cư, những thành phố, những cộng đồng xã hội vẫn sống bên nhau mà thật ra lại như những thực thể riêng biệt và đơn độc, trong một thời đại mà xã hội mạng lên ngôi.

Bỗng dưng tôi nhớ đến ông hàng xóm Giovanni. Ông già 70 tuổi và không biết đến Facebook ấy thỉnh thoảng vẫn phi “con xe” Matiz màu xám cũ rích chạy qua cổng cơ quan tôi ở Roma. Nếu nhìn thấy tôi đang lúi húi làm gì đó ngoài sân hoặc đang đứng trước cổng, thể nào ông cũng bóp còi đánh toét một tiếng, rồi nhoài người ra cửa xe để chào. Bây giờ, ông ấy ra sao rồi nhỉ?

TRƯƠNG ANH NGỌC (Roma, Ý)

Nextdoor: Mạng xã hội cho xóm giềng

Dù thường sử dụng mạng xã hội để liên lạc với những người lạ hoàn toàn không quen biết trên thế giới, nhưng nhiều người Mỹ không biết chút gì về hàng xóm của họ, từ cái tên trở đi, theo kết quả một nghiên cứu mới đây.

Từ nỗi lo đó, những người thành lập trang nextdoor.com hi vọng tạo ra sự thay đổi bằng việc khuyến khích một trang mạng xã hội chuyên dùng cho những khu xóm giềng. “LinkedIn là cho sự nghiệp, Facebook cho bạn bè và Twitter cho sở thích - Nirav Tolia, đồng sáng lập và giám đốc điều hành Nextdoor, cho biết - Đó là ba trang lớn nhất, nhưng nơi chúng ta sống, nơi chúng ta có một mái ấm, nơi chúng ta dành phần lớn thời gian và tiền bạc của mình, thì lại không có chỗ”.

Nextdoor là một trang mạng xã hội mà những người hàng xóm có thể giới thiệu cho nhau một anh “thợ đụng” giỏi trong khu nhà, bình luận về quán cà phê ở góc đường, tìm thú đi lạc, thông báo về các tội vặt và gặp nhau vì những vấn đề “tối lửa tắt đèn” khác. Mọi thành viên phải xác nhận nơi họ sống để tham gia trang mạng xã hội này và các nhóm được thiết kế riêng biệt cho từng khu dân cư.

“Chúng tôi xây dựng một mạng xã hội mà trong đó mọi người nói về con cái, cho biết tên thật và địa chỉ, những gì thật sự xảy ra với họ ở thế giới thực, vì thế quyền riêng tư là quan trọng nhất với chúng tôi” - Tolia nói.

Trên trang Nextdoor, địa chỉ nhà, thông tin liên lạc và tất cả hình ảnh đều là không bắt buộc. Các thông tin người dùng khai báo cũng không thể tìm thấy trên các trang mạng tìm kiếm, theo công ty này, và cũng không có các mẩu quảng cáo cứ lẽo đẽo theo bạn trên Internet.

Trang mạng đã được mở khoảng hai năm, nhưng mãi gần đây mới bắt đầu có sự tăng trưởng đáng kể. Hơn 22.500 khu dân cư ở Mỹ đã tham gia, so với 176 vào năm đầu tiên (2011).

Mindi Ries là một trong những người tham gia đầu tiên. Ries sống ở Clifton, một khu dân cư tại Cincinnati, với chồng và con gái 2 tuổi. Khi cô và chồng nhận ra họ sẽ ở đó một thời gian khá dài, họ quyết định phải tìm hiểu nghiêm túc về hàng xóm.

“Cả hai chúng tôi đi làm cả ngày nên không dễ làm quen với hàng xóm” - Ries nói. Cô và các hàng xóm khác bắt đầu in tờ rơi và lan truyền thông tin về khu Clifton trên Nextdoor. Họ đã phát triển từ mười hộ lên gần 1.000 hộ hiện giờ. Các câu lạc bộ đọc sách, một buổi tọa đàm hằng tháng và một câu lạc bộ đi xe đạp đã được ra đời từ mạng xã hội Nextdoor.

Trang mạng cũng có thể giúp hàng xóm láng giềng giúp đỡ nhau hiệu quả, như việc tìm một người trông trẻ vào tối thứ sáu hay cảnh báo khu dân cư phòng ngừa tội phạm.

Kể từ năm 2013, Nextdoor tiến thêm một bước nữa khi bổ sung các dịch vụ công vào trang của họ, và đã thuyết phục được 120 thành phố ở Mỹ cung cấp thông tin từ các chính quyền địa phương, sở cảnh sát và sở cứu hỏa cho trang mạng, để họ đăng tải lại cho người dùng.

HẢI MINH

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro