ba

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Bà già dẫn tôi qua vài hành lang rồi đến trước một cánh cửa gỗ lớn. Bà đẩy cửa, hất đầu ra hiệu cho tôi bước vào.

Căn phòng rộng và tối, tràn ngập mùi hương trầm khiến tôi cảm thấy phát ốm. Giữa phòng là năm người đàn ông đang ngồi quanh một cái bàn chữ nhật phủ khăn trắng. Trên bàn có những khay thức ăn bằng bạc, ly thủy tinh, dao nĩa bạc và những cái đĩa trắng viền vàng. Khói bốc lên từ những khay thức ăn như hơi nước bốc trên mặt sông vào những ngày nắng nóng. Năm người đàn ông đang nói chuyện ồn ào nhưng khi thấy tôi bước vào, họ lập tức im lặng. Tôi chỉ nhận ra một người, Ông chủ Gahil, đang bập một điếu thuốc trên môi.

Ông Gahil nói to: "Thánh thần phù hộ, cháu quả là một nàng công chúa xinh đẹp".

Ông mỉm cười vẫy bàn tay đeo nặng trang sức ra hiệu cho tôi lại gần: "Đến đây nào, công chúa, sao cháu không múa một bài cho chúng ta xem nhỉ?".

Tôi rất bất ngờ. Tôi không chuẩn bị gì cả và cũng không biết múa. Những người đàn ông xoay ghế lại và tất cả mọi người đều nhìn tôi. Tim tôi đập loạn xạ. Không ai nói gì cả. Tôi bắt đầu nhảy chân này qua chân kia và khua tay. Khi tôi nhảy, những chiếc chuông nhỏ trên hai vòng bạc đeo chân kêu leng keng. Bà già lê bước về phía cuối phòng. Khi tôi kết thúc màn trình diễn của mình, những người đàn ông cười phá lên và vỗ tay tán thưởng. Tôi cười bẽn lẽn.

Một người nói: "Gahil, ít nhất anh cũng không nói với chúng tôi rằng cô bé là một vũ công; tôi hy vọng anh sẽ không bảo cô bé hát...".

Tôi cảm thấy câu nói đó như một lời sỉ nhục - dù sao tôi cũng là một nghệ sĩ - tôi nói một cách cứng cỏi: "Cháu có thể hát, thưa ông".

Người vừa nói quay lại nhìn tôi: "Cháu bé xinh đẹp, được rồi, hát cho chúng ta nghe một bài nào".

Tôi ngừng một lúc rồi cất tiếng hát nho nhỏ. Tiếng hát của tôi nhỏ đến mức gần như bị át bởi tiếng ồn ngoài đường qua khung cửa sổ mở. Tôi hát bài hát mà ngày xưa bà thường hát ru chúng tôi:

Mẹ sông ơi, hãy mang cá con đến mùa xuân vĩnh hằng

Chiếc đuôi nhỏ của con đã mệt rồi nhưng con biết biển đang chờ đợi

Con thấy con sâu ngọ nguậy trên lưỡi câu nhưng con biết mình không được để bị cám dỗ

Gió thổi mạnh vào con nhưng con biết mình phải cố gắng bơi

Cơ thể bé nhỏ của con đã mệt đừ, chiếc đuôi đã đuối lả

Và con chỉ muốn nhìn thấy đại dương trước khi con chết.

Khi tôi hát xong, những người đàn ông cười to và vỗ tay nhiệt liệt. Rõ ràng tôi đã thành công. Ông chủ Gahil nói: "Công chúa nhỏ, thật tuyệt vời. Cháu hãy đến đây ôm các chú đi nào. Tất cả mọi người đều yêu mến cháu".


Tôi mỉm cười, nụ cười của một đứa trẻ, và chạy đến ôm những ông chú mới quen. Đầu tiên là người đã yêu cầu tôi hát. Ông đứng lên, tôi thấy ông rất cao. Ông cúi xuống, mở rộng vòng tay và ôm tôi thật chặt. Ông có mùi thuốc lá. Mặt tôi áp vào bụng ông. Ông xoa lưng tôi, hôn lên đầu tôi, thì thầm điều gì đó mà tôi nghe không rõ.

"Đến đây nào", ông chú thứ hai nói. Ông này mập ú, có mùi rất khó chịu. Ông không đứng lên mà kéo tôi về phía ông và ôm lấy tôi. Ông tựa đầu lên vai tôi, hơi thở của ông phà vào tai tôi một cách nặng nề. Một tay ôm lưng tôi, một tay ông xoa ngực tôi thành những chuyển động tròn. Khi tay ông bắt đầu di chuyển xuống bụng tôi, Ông chủ Gahil hắng giọng và ông chú buông tôi ra.

Ông chú thứ ba ốm và thấp. Ông đi vòng quanh chiếc bàn đến trước mặt tôi. Dù có vẻ ngoài xấu xí nhưng ông mỉm cười rất dịu dàng: "Công chúa nhỏ, bài hát thật hay. Cháu sẽ hát cho chú nghe một lần nữa chứ?". Tôi ngần ngừ một chút rồi gật đầu.

Đến đây với chú Nir nào", ông nói.

Tôi bước đến gần, ông nhẹ nhàng ôm lấy tôi. Tôi áp má vào bụng ông và cảm thấy bụng ông chuyển động lên xuống đều đặn theo nhịp thở. Ông mặc quần trắng, áo sơmi màu nâu nhạt với đôi giày láng bóng. Sau đó Chú-Nir-hay-cười buông tôi ra và nói: "Đi chào các chú tiếp đi nào".

Những ông chú trước khá lớn tuổi (khoảng bằng Ông chủ Gahil hay cha tôi), còn ông chú cuối cùng khá trẻ. Khi ông bước đến gần, tôi có thể thấy mặt ông đang đổ mồ hôi. Ông khá nhỏ con, mặc một bộ vest màu xám. Ông không ôm tôi mà chỉ đưa tay về phía tôi. Tôi không biết ông định làm gì. Ông chủ Gahil nhắc: "Nắm tay ông ấy đi, công chúa bé". Tôi đưa hai tay nắm lấy tay ông. Tay tôi run rẩy và tay ông chú cũng run rẩy. Hai tay tôi nắm lấy bàn tay ông, bàn tay tôi trông thật bé nhỏ so với bàn tay to lớn của ông. Ông nói bằng một giọng trầm run run: "Chú cũng rất thích bài hát của cháu... Cháu hôn chú một cái chứ?". Ông chỉ vào má mình. Tôi hôn nhẹ lên má ông và ông cũng hôn lên má tôi. Tôi cảm thấy đôi môi ông hơi ươn ướt trên má mình.

Giọng nói ồm ồm của Ông chủ Gahil cắt ngang: "Được rồi, các vị, mời mọi người ngồi xuống nào".

Sau khi các ông chú yên vị, ông Gahil ra lệnh cho tôi: "Công chúa, đến đây đứng kế bên ta". Tôi tuân lệnh; có điều gì đó trong giọng nói của ông khiến mọi người đều phải phục tùng. Khi tôi đứng kế bên ông, ông vòng tay ôm eo tôi và nói tiếp: "Các vị, hiển nhiên đây là một viên ngọc quý giá. Nhiều năm rồi tôi chưa bao giờ gặp một nàng công chúa bé duyên dáng xinh đẹp như thế này".

Ông chú mập ngắt lời ông Gahil, quay sang bà già: "Cô bé có sạch sẽ không? Bác sĩ kiểm tra cô bé chưa?".

Bà già trả lời từ trong bóng tối ở góc phòng: "Sáng sớm nay bác sĩ Dasdaheer đã kiểm tra toàn bộ cô bé. Tôi có báo cáo của ông ấy đây. Ông ấy nói cô bé rất mạnh khỏe và...", bà hắng giọng, "... trong trắng". Cả Chú-mập và Chú-trẻ-tay-to đều gầm gừ trong miệng như những con lợn đói.

Ông chủ Gahil, vẫn vòng tay ôm eo tôi, tiếp tục: "Các vị, đến lúc bàn chuyện làm ăn rồi. Ai sẽ là người đầu tiên thưởng thức công chúa nhỏ miền quê này?". Ông nhìn quanh, nhìn vào mắt từng người rồi nói: "Bắt đầu, giả sử, năm mươi ngàn rupee?".

Im lặng một chút, Chú-mập và Chú-trẻ-tay-to bật lên: "Tôi theo"; và những ông chú khác cùng gật đầu đồng ý.

Ông chủ Gahil mỉm cười nhìn quanh bàn: "Bảy mươi lăm ngàn?".

Chú-cao, Chú-Nir-hay-cười và Chú-mập cùng gật đầu tán thành.


Ông chủ Gahil tiếp tục xướng: "Một trăm ngàn rupee".

Tôi đã từng theo cha đến một cuộc bán đấu giá thú nuôi nên tôi hiểu rằng đây cũng là một cuộc đấu giá. Các ông chú vẫn gật gù đồng ý.

Bỗng Chú-Nir-hay-cười cắt ngang và hỏi tôi: "Cô bé, có anh em hay chú bác nào từng cho cái gì vào giữa hai chân cháu không?". Tôi không hiểu ông nói gì và chỉ lắc đầu. Chú-Nirhay-cười nhìn Ông chủ Gahil nói bình thản, vẫn với nụ cười trên môi: "Gahil, giải quyết nhanh đi vì công chúa nhỏ của chúng ta sẽ chóng mệt. Có ai ở đây theo giá năm trăm ngàn rupee không, tiền mặt?". Không một tiếng thở. Trong không khí im lặng, tôi nghe tiếng quần áo bà già kêu sột soạt.

Ông chủ Gahil nói: "Các vị, có ai nữa không?"

Ông chờ đợi, nhưng tiếng gầm gừ của những con lợn đói đã không còn. Ông Gahil tỏ vẻ hài lòng, tuyên bố: "Lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba... Xong". Ông toét miệng cười đến tận mang tai: "Nir, cô bé là của anh".

Chú-Nir-hay-cười quay sang tôi và nói: "Cô bé, chú rất muốn nghe cháu hát nữa. Cháu về phòng đi, chú sẽ đến ngay".

Bà già xuất hiện đột ngột từ trong bóng tối, nắm bàn tay run rẩy của tôi dắt tôi về phòng. Trước khi đi, tôi quay lại nhìn thấy Chú-Nir-hay-cười đang đếm tiền đưa cho Ông chủ Gahil.



Mọi người đều biết là cái cần[1] bắt cá không bao giờ động đậy. Tôi thường ngồi nhìn cái cần với ông tôi hàng giờ. Ông cháu tôi ngồi kế nhau bên bờ sông, không bao giờ chạm vào cái cần và cũng không bao giờ nói chuyện. Không có những chuyện tán gẫu giữa hai ông cháu. Chúng tôi chỉ ngồi chia sẻ sự im lặng với nhau. Ông dạy tôi rằng cái cần có thể cảm nhận được khi con cá đến gần bởi những chuyển động của dòng nước dưới chân nó. Ông đã nói sai, nhưng tôi không có dịp để nói với ông điều đó.

Cái cần không bao giờ biết được khi nào con cá đang đến; nó chỉ đơn giản luôn luôn sẵn sàng. Cái cần cúi người xuống dòng sông và đôi mắt của nó nhìn chăm chăm xuống nước, bất động. Khi cái cần nhìn thấy một con cá nằm trong tầm với của nó, bùm, nó quăng cái ngàm xuống nước. Cái ngàm mở rộng, băng xuyên qua mặt nước chộp lấy con cá. Khi cái ngàm đã chộp được con cá, cái cần thả lỏng nhẹ một chút cho phép con cá quằn quại. Cái cần sử dụng sức mạnh của con cá để kéo nó khỏi hốc ngàm và bỏ vào giỏ. Đó là một điệu vũ chỉ trong một giây, nhưng nếu được xem thật nhiều lần, bạn sẽ nhận ra những chuyển động đó. Cái cần luôn luôn bắt con cá theo cùng một cách, dù trời nắng hay trời mưa.

Những cô gái nhỏ không phải cái cần bắt cá. Họ không bao giờ đứng yên; họ chạy vào nhà khi trời tối hay trời bắt đầu mưa. Phòng tôi cửa sổ có chấn song còn cửa vào thì có khóa. Ngoài trời đã tối sẫm. Tôi có thể cảm thấy dòng nước thay đổi dưới chân mình, nhưng tôi không có khả năng luôn luôn làm cùng một việc, theo cùng một cách khi dòng nước thay đổi.



***



Bà già dẫn tôi về phòng. Tôi vẫn còn cảm giác ngộp bởi mùi hương trầm trong phòng ăn và bởi cuộc gặp với những ông chú mới. Tôi cảm thấy nhiều cảm xúc lẫn lộn, như một túp lều được sơn nhiều màu, sự mệt mỏi, sự cô đơn, sự hoảng loạn. Tôi không khóc vì sợ nước mắt sẽ làm nhòe lớp trang điểm của mình.

Một lần nữa tôi bị khóa một mình trong phòng. Những ngọn nến lập lòe trên hai ngọn chúc đài cao bằng kim loại đen ở hai bên giường. Tôi nhảy lên giường như thể nó là một hòn đảo có thể cho phép tôi trốn tránh những xoáy nước bên trong mình. Chiếc giường được phủ một tấm trải màu trắng lấp loáng dưới ánh nến, khiến tôi có cảm giác nó là một nơi trú ẩn không an toàn.

Vài phút sau, bà già quay lại với một khay bánh ngọt, nhưng tôi không còn thèm muốn chúng nữa. Tôi vẫn đói, nhưng tôi thèm món thịt hầm của mẹ hơn. Trên chiếc khay còn có những que trầm và bà già đốt chúng lên. Chúng không ngột ngạt như trong phòng ăn nhưng tôi vẫn ngửi thấy mùi trầm thoang thoảng. Bà tôi vốn không bao giờ quẳng đi thứ gì, nếu có một miếng thịt đã bị hư thối một phần, bà thường tẩm thật nhiều gia vị cho át mùi. Nhưng gia vị của bà không thể giấu được mùi thịt thối và những que trầm cũng không che giấu được sự ảm đạm lảng vảng trong không khí.

Bà già ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường. Tôi nhìn bà nhưng bà không nhìn lại. Tôi thấy bà có vẻ căng thẳng. Bà tiếp tục nhìn chằm chằm xuống đất. Tôi phá tan sự im lặng: "Cháu xin mấy cây bút màu được không?". Bà liếc nhìn tôi, chỉ cử động đôi mắt. Câu trả lời duy nhất của bà là một nụ cười mỏng như sợi chỉ vắt nhẹ trên môi.


Có tiếng gõ cửa nhẹ. Không vội vã, bà già từ từ đứng lên mở của và Chú-Nir-hay-cười bước vào.

"Xin chào", ông mỉm cười. Ông nhìn tôi đang ngồi trên giường như thể tôi là một cái bình quý giá: "Cháu là Batuk phải không? Nhớ chú không? Chú là chú Nir".


Tôi nhìn xuống sàn gật đầu.


"Batuk", ông nhẹ nhàng nói, "Chúng ta sẽ có một khoản thời gian vui vẻ với nhau. Nhưng trước hết, cô bé đáng yêu, chú muốn nghe cháu hát".

Tôi gật đầu: "Dạ vâng".

Tôi nhìn xuống sàn, phát hiện ra một con rết đang bò từ từ về phía chiếc giường, tìm kiếm một chỗ ẩn thân. Bà già đứng lên lê chân về phía đầu bên kia căn phòng, kế bên cánh cửa (đề phòng tôi chạy trốn chăng?). Chú Nir ngồi xuống chiếc ghế gỗ cạnh giường, đặt tay lên đầu gối và mỉm cười với tôi.

Sau đó ông đứng dậy, xích qua ngồi lên cạnh giường. "Bây giờ hãy hát cho chú nghe lần nữa nào", ông nói. Giọng ông không còn nhẹ nhàng nữa. Tôi không thể nhớ nổi bài hát nào. Tôi cảm thấy nước mắt ứa ra, nhưng tôi vẫn không khóc. Bà già hắng giọng một tiếng, tôi biết mình sắp sửa bị khiển trách. Tôi bỗng sực nhớ bài hát "Con dê" mà tôi thường hát ngoài đồng.

Tôi bắt đầu hát nho nhỏ với một chút nhiệt tình khi thấy chú Nir có vẻ thích thú. Ông vẫn giữ nụ cười mím chi trên đôi môi khép chặt, tỏ vẻ hài lòng và gật gù khuyến khích. Như tôi đã viết ở trên, chú Nir khá xấu trai; không phải vì ông có ba mắt hai mũi, mà là vì đôi mắt và cái mũi không hòa hợp chút nào với gương mặt to bè so với cái cổ. Ông vừa mỉm cười vừa cởi đôi giày bóng loáng ra. Tôi tiếp tục hát:

Dê ơi - dê ơi - hãy chạy thật nhanh


Qua những ngọn đồi, hãy chạy thật xa

Có đàn chim bay trong không trung


Hỏi dê chạy đi đâu đó


Dê ơi - dê ơi - hãy chạy thật nhanh


Qua những ngọn đồi, hãy chạy thật xa


Có đàn cá bơi dưới khe suối


Biết rõ khi nào dê uống nước


Dê ơi - dê ơi - hãy chạy thật nhanh


Qua những ngọn đồi, hãy chạy thật xa


Có những lá cỏ xanh non


Biết rõ khi nào dê muốn ăn

Dê ơi - dê ơi - hãy chạy thật nhanh


Qua những ngọn đồi, hãy chạy thật xa

Sau khi tôi hát xong, ông vỗ tay mỉm cười: "Batuk, bài hát thật dễ thương. Giờ cháu đứng lên hát một lần nữa nhé?". Tôi ngồi im không động đậy, những âm thanh buổi tối ngoài đường nghe như rõ hơn trong im lặng. Nụ cười biến mất và ông lặp lại: "Đứng lên hát đi, Batuk". Giọng của ông nghe nhẹ nhàng, nhưng trong thâm tâm tôi run rẩy. Không tuân lời không phải là lựa chọn.

Tôi đứng lên giường hát một lần nữa. Đến đoạn điệp khúc cuối cùng, tôi hơi lúng túng. Khi tôi hát xong, ông nhìn lên mỉm cười: "Nào, không có gì phải sợ cả. Đến đây ngồi vào lòng chú nào". Tôi hy vọng những gì ông nói sẽ biến mất nếu tôi không làm theo (tôi thường giải quyết những yêu cầu của mẹ theo cách đó). Nhưng mệnh lệnh ấy như lơ lửng trong không trung... Tôi bước ba bước khó khăn ngang giường và hạ mình ngồi vào lòng chú Nir. Chân tôi để trên chân ông, đu đưa xuống thành giường. Ông vòng tay ôm lấy tôi, kéo lưng tôi sát vào ngực ông. Ông thở mạnh vào tóc tôi. Nước mắt tôi bắt đầu rơi xuống chiếc áo sari xinh đẹp. Vòng tay ông lỏng ra, ông bắt đầu xoa bóp ngực tôi bằng hai bàn tay. Ông thì thầm vào tai tôi: "Cháu thấy không, không có gì phải khóc cả, chú nhẹ nhàng như một con mèo". Tôi có thể cảm thấy hơi thở ấm của ông phả vào tai. "Cháu hát rất hay". Ông trượt hai bàn tay xuống trước ngực tôi tiếp tục chà xát. Ông bắt đầu sờ xuống hai đùi tôi. Tôi bị tê liệt. Khi ông chà xát hai đùi tôi, tôi cảm thấy một sự kinh hoàng lan tỏa khắp người.

Ông sờ đến đâu, tôi cảm thấy mình nhơ bẩn đến đó, như thể một lọ mực đổ lên tờ giấy. Vết nhơ từ từ loang ra và thấm vào bên trong tôi. Hãy chạm vào tôi xem, tay bạn sẽ dính đen. Hãy thử tắm rửa cho tôi đi, bạn sẽ không có đủ nước để rửa sạch vết nhơ trên người tôi.

Tôi vùng hét lên, cào cấu và đá vào người ông. Bà già chạy ra để giữ tôi lại. Bà chụp hai cổ tay tôi ghìm chặt; bà ta quả là một con dê già mạnh mẽ. Chú Nir thì nắm hai cổ chân tôi (tôi đã đá vài cú trúng ngực ông). Ông xoạc hai chân tôi ra và đè tôi xuống giường. Tôi không thể đá ông ra được. Bà già rút trong túi ra một sợi dây vải trắng, cột hai cổ tay tôi vào nhau, trói tay tôi vào đầu giường. Một miếng vải nút vào miệng tôi để tôi không la và không cắn được. Tôi cố gắng cắn tay bà ta khi bà nhét miếng vải vào miệng tôi. Nó suýt làm tôi ngộp thở và tôi gần như mắc nghẹn. Bà già tát tôi rất mạnh hai cú lên mặt khiến tôi choáng váng. Chú Nir cười: "Chà, cháu mạnh đấy. Quả là vui hơn chú tưởng". Tôi tiếp tục lắc đầu, đó là cách duy nhất tôi có thể làm để phản đối ông. Bà già không ngừng tát vào mặt tôi bằng bàn tay xương xẩu của bà cho đến khi ông chú nói: "Thôi được rồi... Tôi có cô ta rồi... Để xem cô ta làm gì nào".


Một phút im lặng trôi qua. Nhìn xuống tôi, đôi mắt ông lấp lánh. Vài giây sau, tôi cảm thấy chất mực đen dơ bẩn của ông trào ra chảy tràn vào người tôi. Nó quét xuyên qua tôi - tôi có thể cảm thấy nó, dòng chảy nhơ nhớp của ông ta.

Tôi nhắm mắt nhìn vào bên trong mình. Như có một ngọn sóng trào đập vào bờ. Dòng chảy nhơ bẩn loang khắp người tôi và tôi nhìn thấy sự trong trắng của mình đen dần. Tôi đã tốn quá nhiều năng lượng cho cuộc chiến và không còn sức kháng cự nữa. Tôi có thể nhìn thấy làn sóng đen tràn khắp người mình như những con suối. Tôi có thể nhìn thấy những hố nước đen hình thành. Tôi nhìn quanh tìm chỗ trốn nhưng không có chỗ nào cả. Tôi nhìn vào hai quả thận, đen bẩn. Tôi nhìn vào bụng, cũng đen bẩn. Đầu tôi cũng đen bẩn. Tôi nhìn xuống hai chân - những cái chân vô dụng tê liệt - chúng cũng đen bẩn. Tôi nhìn lên hai tay bị trói - chúng co quắp lại - nhưng chúng cũng một màu đen. Trái tim tôi đẩy dòng nước đen đi khắp nơi trong tôi, thấm vào từng giọt máu. Tôi không còn chỗ nào để đi cả. Khắp mọi ngóc ngách đều ngập màu đen. Và rồi tôi nhìn thấy linh hồn của mình.

Tất cả mọi từ ngữ đều xuất phát từ màu đen. Khi bạn gom tất cả mọi từ ngữ trên thế giới và đặt chúng vào một cái tách, bạn sẽ có gì? Một cái tách đen, trong đó những từ ngữ đang nằm lẫn lộn. Chúng ta có thể nghĩ rằng một từ là của mình khi chúng ta nghe hoặc viết ra nó, nhưng không, từ ngữ là vay mượn. Từ ngữ có thể trẻ trung, nhảy nhót như những đứa trẻ và cũng có thể già đi như con người. Giống như người chết, từ ngữ cuối cùng sẽ trở về màu đen nơi chúng sinh ra.

Và cứ như thế, tôi nhìn vào chính mình, sắp xếp mình thành từ ngữ. Tôi chọn những từ thể hiện những suy nghĩ và giấc mơ của mình, giấu chúng đằng sau bóng đen của quả thận. Tôi nén nhu cầu tình cảm của mình thành từ ngữ, nhét nó kế bên lá gan (nó sẽ ở đó an toàn cho đến khi tôi cần nó). Tôi sao chép bài thơ cuộc sống thành từ ngữ, cẩn thận trượt nó vào giữa hai sợi gân, nơi mà ông ta không thể tìm ra. Tôi khắc những từ ngữ của niềm vui và nỗi buồn thành một hình chóp, đặt chúng dưới da để tôi có thể chạm vào chúng mỗi khi cần biết những cảm xúc của mình đang ở đâu. Tôi gom những ký ức vào một hồ sơ đầy từ ngữ, lùa nó vào một khe hở trong đầu. Còn rất nhiều chỗ cho tất cả những từ ngữ trên thế giới sống trong người tôi; tất cả đều được chào đón. Ông ta có thể lấy đi ánh sáng của tôi và hủy diệt nó, nhưng lúc này, bên trong tôi là một đội quân từ ngữ, âm tiết, vần điệu. Tất cả những gì bạn có thể nhìn thấy là một lỗ đen lấp đầy một cô gái nhỏ, nhưng hãy tin tôi, từ ngữ đang ở đó, sống động và an toàn.

Thời gian của những nụ cười ngọt ngào và những lời xoa dịu đã trôi qua. Ông ta phủi tôi ra. Có một vệt màu xám trên da ông, không còn dấu hiệu gì của nụ cười. Tôi đã cào lên mặt và lưng ông. Ông có một vết máu trên đùi (máu của ông hay máu của tôi?). Không khí lạnh ngoài đường vuốt ve cơ thể tôi, hong khô những giọt mồ hôi ông nhỏ lên người tôi. Tôi nhắm mắt lại, hai tay vẫn bị trói bằng sợi dây vải, và bảo sức mạnh của mình hãy giết chết linh hồn ông.

Ông đứng lên, cầm chiếc khăn bà già đưa, quấn nó quanh hông và bước ra khỏi phòng. Dù cả ông lẫn bà già đều không nhìn thấy, nhưng tôi nhìn thấy ông vẫn mang một lớp áo choàng dày nặng màu hạt dẻ trên vai. Khi còn là một đứa trẻ, ông mang chiếc áo choàng này, do ba mẹ ông cho, một cách nhẹ nhàng. Giờ đây, khi đã là một người đàn ông thất bại, ông chỉ có thể bước đi nặng nề dưới sức nặng của nó. Sự sáng chói của tất cả mọi ánh sáng đã bị ngăn cản và ông sẽ sống trong bóng tối mãi mãi.

****
Tôi nằm hoàn toàn bất động. Tôi không thể cử động, cũng không suy nghĩ gì. Tôi không cảm thấy đau đớn hay buồn khổ, tôi chỉ kiệt sức.

****
Bà già quay lại sau vài phút nói: "Mày chưa tắm được vì chú của mày đang ở trong đó. Nhưng khi ông ấy tắm xong mày có thể đi tắm và ngủ". Bà lôi miếng vải khỏi miệng tôi, mở dây trói cổ tay tôi. Có một vết hằn đỏ nhưng tôi không cảm thấy gì cả. Bà ngồi xuống trên chiếc ghế gỗ cạnh giường.

Tôi không nói gì. Tôi cũng không cử động vì không muốn hai cái chân lười biếng của mình phải làm gì cả. Bỗng bà già vuốt tóc tôi. Tôi rụt lại vì ngạc nhiên. Tôi lắng nghe tiếng động ngoài đường như thể tiếng nhạc. Tôi không có cảm giác về thời gian, nước mắt tôi cũng không rơi nữa. Tôi không nghĩ về cha mẹ, cũng không nghĩ về gia đình mình. Tôi không thật sự nghĩ gì cả. Một lúc sau, tôi ngước mắt nhìn bà già. Tôi chăm chú nhìn bà, và trong một thoáng, bà có vẻ thật xinh đẹp, chỉ một thoáng thôi. Đôi mắt bà trống rỗng nhìn ra ngoài cửa sổ, không biết tôi đang nhìn. Nước mắt chảy xuống hai má bà, từng giọt một. Bà không thể hiện cảm xúc gì, cũng không buông ra một tiếng động nào. Bà nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ, im lặng khóc. Bà không cố gắng chạm vào tôi lần nữa.

Thời gian trôi qua, những âm thanh đêm khuya cuối cùng bị cắt ngang bởi giọng nói lặng lẽ của bà già: "Dậy đi, mày phải đi tắm". Tôi gắng gượng đứng dậy trên hai chân. Chiếc sari và bộ áo lót đã bị xé toạc khỏi người tôi từ lâu, tôi đứng trần truồng trên sàn. Bà già đưa tôi một chiếc khăn trắng. Tôi đứng dạng chân, không tin tưởng đôi chân của mình nữa. Tôi cảm thấy rất đau. Tôi chầm chậm lảo đảo theo bà già đi đến phòng tắm. Tôi không để ý máu chảy từ cửa mình nhỏ giọt thành một vệt dài sau lưng.

Phòng tắm vẫn còn vương hơi nước, sàn nhà ướt đẫm. Tôi leo vào cái bồn tắm trống, cảm nhận nó vẫn còn ấm sau người sử dụng trước. Tôi nhìn xuống thấy một vũng máu nhỏ đọng giữa hai chân mình. Cả tôi và bà già đều nhìn nó chằm chằm nhưng không ai phản ứng gì; chúng tôi chỉ ngồi nhìn vũng máu nhỏ lớn dần. Bà già mở nước, vũng máu trôi đi, chỉ để lại một chút màu hồng nhạt trên sàn bồn tắm khi nước xả vào.

Tôi ngâm mình trong nước nóng một lúc. Bà già không vội vàng, không kỳ cọ, không nói chuyện với tôi, và lần này cũng không có dầu thơm. Tôi leo khỏi bồn tắm một cách khó khăn vì toàn bộ sức lực đã cạn kiệt. Bà già quấn khăn vào người tôi, chúng tôi trở về phòng ngủ. Tôi thấy những giọt máu đã khô trên sàn đá.

Tôi ngã xuống giường, bò lên gối. Bà già đi ra khóa cửa lại. Tôi không bao giờ gặp lại bà nữa.

Cửa sổ vẫn mở và tôi có thể cảm nhận được làn gió lạnh từ bên ngoài. Thật may là ông ta không chạm vào cái gối của tôi. Đầu tôi lún vào cái gối. Tất cả những gì tôi có thể ngửi thấy trước khi chìm vào giấc ngủ là mùi chất tẩy được dùng để tẩy trắng cái gối.

****

M


ột ngày không bận rộn. Puneet với miếng băng quấn quanh eo xuống đến đùi, vẫn buồn rầu. Tôi đã quen với việc Puneet khoe khoang vẻ đẹp điểm trang, ăn mặc khêu gợi trước cửa cái ổ của anh. Tôi nhớ nó. Đó là sân khấu hàng ngày của tôi. Anh phô trương chính mình trong chiếc quần bé xíu, mặc áo ngực và một tấm mạng the mỏng; tôi nhìn anh nghiêng phần thân trên để làm nổi bật phần dưới - như một người đánh cá quăng lưới trên sông. Việc anh là một cậu bé chỉ để làm bộc lộ nữ tính của anh nhiều hơn mà thôi. Nhiều lần tôi chắc chắn rằng nụ cười lơi lả của tôi đã thu hút những người làm bánh tập sự (loại người giá trị nhất) về phía tôi, chỉ để họ bị rơi vào lưới tình của Puneet. Nói đơn giản, nhiều người đàn ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nằm trên ngai vàng của một cậu bé, nhưng lại bị Puneet thuyết phục. Anh thường kể cho tôi nghe với một nụ cười dâm tục, rằng khi họ cảm thấy đôi môi anh trên môi họ, là lúc anh bắt đầu dệt mộng cho họ. Anh kể cái lưỡi của họ ban đầu rất ngần ngại khi chạm vào lưỡi anh, nhưng sau đó chúng sẽ nhảy múa và sẽ cùng đan vào nhau. Lý thuyết của anh là tất cả mọi người đàn ông đều có một phần của anh bên trong họ; nó chỉ đang chờ được giải thoát. Dòng khách hàng lũ lượt của anh chứng tỏ điều đó.

Bất chấp sự ảm đạm của Puneet, đàn ông vẫn đứng chờ bên ngoài Đường Chung cho đến khi tấm màn của anh mở ra. Thông thường, ngay sau khi một người hâm mộ vừa rời anh thì lại một người khác lấn vào hoặc thậm chí nhào lên từ giữa đường để có thể đến cửa phòng Hoàng tử Puneet trước mọi người khác. Ngay cả khi Puneet chỉ đứng trước cửa mà không hề có ý quảng cáo bản thân, đàn ông vẫn bị anh cuốn hút. Có lẽ chính vẻ đẹp nhục cảm của anh đã tạo nên sức quyến rũ đó. Sự khoái lạc bị cấm đoán có lẽ là điều ngọt ngào nhất.

Tôi nghĩ về ngôi làng của mình. Thường thì mọi cậu bé đều muốn có thứ đồ chơi của những người khác. Những thứ đồ chơi càng nguy hiểm lại càng có sức cám dỗ lạ lùng. Jitendra là một cậu bé trạc tuổi tôi, đứa yếu nhất và nhỏ con nhất trong bọn. Cậu không chỉ nhỏ con bề ngoài mà còn ít được mọi người chú ý. Cậu như một hạt cát nhỏ trong đôi giày của bạn. Tất cả bọn con trai và thỉnh thoảng vài đứa con gái trêu chọc cậu; bạn có thể thổi một cái và cậu ta sẽ bay mất. Cậu không có bạn bè. Tuy nhiên, tất cả đều thay đổi vào ngày sinh nhật của cậu, khi cậu nhận được một con dao bấm, món quà sinh nhật từ một ông chú ở Delhi. Khi bạn bấm vào một cái nút trên cán dao, lưỡi dao sẽ bắn ra. Lưỡi dao nhọn và sắc đến mức nó có thể cắt gọn ngang cổ một con chuột. Con dao nhanh chóng trở thành món đồ chơi ưa thích của Jitendra.

Một ngày nọ, một cậu bé mười tuổi, lớn hơn Jitendra khoảng một tuổi, tìm cách lấy con dao của cậu. Trong lúc đánh nhau, Jitendra bấm nút, lưỡi dao bắn ra đâm vào sườn cậu bé kia; máu phun ra, nạn nhân hét lên đau đớn. Buổi tối hôm đó, một trận cãi vã kịch liệt nổ ra giữa các bậc cha mẹ, cả hai đứa trẻ đều bị phạt nặng. Sau sự kiện này, Jitendra không bao giờ bị chọc ghẹo nữa, mặc dù cậu vẫn không có bạn. Bọn trẻ trong làng sợ và tránh né cậu. Có những món "đồ chơi" đòi hỏi sự can đảm mới sở hữu được, vì vậy chúng được chú ý đặc biệt. Con dao của Jitendra là một món đồ chơi như thế, và Puneet cũng vậy.

Puneet trở thành một "đứa trẻ lạc loài" sau khi mẹ anh biến mất. Việc anh tồn tại được quả là một phép màu. Anh kể cho tôi nghe về sự hung bạo của đường phố trước khi Ông chủ Gahil đem anh về: giết người, tra tấn, cướp bóc bằng bạo lực... Anh kể với tôi rằng cha anh đã vượt ngục tìm kiếm anh, nhưng bị bắt lại sau một trận chiến đường phố náo động. Anh giải thích mẹ anh đã kết hôn với một người đàn ông giàu có và ông này đã bán anh đi. Những câu chuyện về cha mẹ anh toàn là tưởng tượng. Từ lâu trong ký ức Puneet đã không có gì về cha mẹ mình cả. Làm thế nào họ có thể tìm lại được vị thế của mình trên trái đất này, khi biết rằng con trai họ sống cách tôi hai cái ổ và hàng ngày mua vui cho những người đàn ông nhơ bẩn cả trong lẫn ngoài? Puneet không có gì khác ngoại trừ cái lồng của anh và con đường này. Đó là lý do tại sao anh không bao giờ tìm cách trốn thoát.


***


Puneet chuồi vào cái ổ của anh, theo sau là một người đàn ông trong bộ vest xám. Cơ thể của Puneet thể hiện rõ nét sự thảm hại, mặc dù mắt và môi anh vẫn được trang điểm tỉ mỉ. Anh ốm hơn, cái băng quanh eo anh tuột xuống ngay cả khi anh không cúi nghiêng người. Tôi có một ý tưởng tuyệt vời để khích lệ tinh thần anh; tôi sẽ viết cho anh một câu chuyện. Anh không biết đọc cũng không sao; tôi sẽ đọc cho anh nghe. Trên thực tế, tôi không biết ai khác ngoài tôi có thể đọc được.

Puneet yêu dấu, dưới đây là một câu chuyện dành cho anh. Em hy vọng anh sẽ thích nó. Hạt gạo

Thầy giáo dạy: "Thế giới cân bằng trên một hạt gạo".

Học trò hỏi thầy: "Thưa thầy, làm thế nào cả thế giới này, bao gồm những con voi, nhà cửa, thành phố, dinh thự, cánh đồng và bầu trời, có thể cân bằng trên một hạt gạo?"


Thầy giáo mỉm cười bình thản, nhìn đám học trò trước mặt, và bắt đầu kể câu chuyện này.

Ở một vương quốc xa xôi có một ngôi làng nhỏ, trong ngôi làng nhỏ có một gia đình, hai vợ chồng nông dân và năm đứa con, ba trai, hai gái. Cậu con trai út rất mạnh mẽ, nhanh nhẹn và thông minh. Cậu có một mối liên hệ đặc biệt với dòng chảy của trái đất. Trong những tiền kiếp, cậu là chiến mã của vị vua vĩ đại nhất, là một con hổ đã dâng lớp da mình cho hoàng hậu, và là một hoàng tử với sứ mệnh sẽ cai trị vương quốc lớn nhất trên thế giới nhưng bị sát hại do lòng ghen tị của những kẻ xấu xa. Giờ đây, trong kiếp này, cậu sinh ra là con trai út của một nông dân nghèo, nhưng vẻ đẹp nội tâm của cậu vẫn tỏa sáng. Ngay khi còn là một đứa bé, hào quang của cậu đã thu hút sự chú ý của những nhà tiên tri mù. Tin đồn lan truyền rằng cậu bé có sức mạnh và quyền năng chữa được bách bệnh.

Nhìn vào cậu con trai mười bốn tuổi này, bạn sẽ bị thu hút bởi vẻ khôi ngô của cậu. Cậu sắp bước vào tuổi dậy thì, cơ thể cường tráng của cậu có thể làm đổi hướng làn gió xoáy. Đôi mắt long lanh và gương mặt tuấn tú khiến ai cũng muốn đặt lên đó một nụ hôn. Nhưng nếu có thể nhìn sâu hơn bên dưới diện mạo bên ngoài, bạn sẽ thấy một cái gì đó huy hoàng hơn nữa. Cậu bé tỏa sáng với sự khôn ngoan vĩnh hằng, vì cậu có thể nhìn thấy kiếp trước, kiếp này và cả kiếp sau của mỗi người. Cậu có thể nhìn thấy sự tự hào giả dối của những người giàu, sự oán than vô nghĩa của những người nghèo. Cậu có thể phân biệt tình yêu với lòng ham muốn, có thể ngửi thấy mùa xuân trong không khí trời đông. Cậu tên là Puneet.

Trong làng, mùa màng liên tục thất bát suốt ba năm liền, đất đai trở nên cằn cỗi. Dòng suối cung cấp nước cho làng không còn chảy nữa, các giếng nước gần như cạn khô. Làng đã sử dụng hết số lương thực dự trữ từ lâu, những người dân bắt đầu chết đói trên đường. Một buổi sáng sớm, người nông dân nói với cậu con trai út của mình: "Con trai Puneet, tất cả chúng ta đều sẽ chết đói. Con là một cậu bé đặc biệt với những quyền năng vô hạn. Con phải rời ngôi làng này để tìm cách cứu giúp chúng ta. Hãy đem lại cho ta sự giàu có để có thể mua thức ăn và nước uống". Chỉ trong một giờ, trước khi những ánh nắng đầu tiên của mặt trời xuất hiện, Puneet tạm biệt cha mẹ và các anh chị lên đường. Cậu gói vài viên sỏi vào một miếng giẻ rồi đeo lên vai, rời khỏi làng trên đôi chân trần.

Cậu đi bộ nhiều ngày dưới cái nắng khốc liệt, vượt qua nhiều hiểm nguy. Cậu tìm nước bằng cách đi theo dấu chân các con vật, ăn rễ hoặc cây cỏ dại mọc ven đường để sống. Cậu đến một thị trấn lớn; tuy gầy ốm và bụi bặm, nhưng cậu vẫn mang trên vai những viên sỏi từ ngôi làng của mình. Đây là một thị trấn giàu có nhưng đầy lòng tham và sự giả dối. Cậu đến một quán trọ trong thị trấn, vục đầu uống nước trong máng ngựa cho đến khi cơn khát được thỏa mãn. Cậu sục sạo đống rác trong quán trọ để tìm thức ăn. Cậu ăn cho đến khi sức khỏe hồi phục hoàn toàn. Lang thang trong thị trấn, cậu thấy những người giàu và người nghèo sống cộng sinh, lòng tham và sự giả dối hiện diện khắp nơi, không hề có dấu hiệu nào của sự tử tế. Cậu ói hết thức ăn ra vì không muốn sự nhơ bẩn của thị trấn này nhiễm vào con người mình.

Đến quảng trường, cậu nhìn thấy một đám đông. Vì khá mảnh khảnh, cậu dễ dàng chen lên phía trước. Đám đông bu quanh một võ đài làm bằng một bục gỗ vuông, quây dây thừng xung quanh. Đứng giữa võ đài là một gã khổng lồ cao to gần bằng một con voi. Cái bóng của hắn gần như che phủ cả võ đài. Trước mặt gã khổng lồ là một chiến binh máu me đầy mình đang quỳ mọp van xin tha mạng, bộ giáp của ông gần như đứt đôi. Gã khổng lồ đưa mắt nhìn một phụ nữ xinh đẹp đang ngồi trên chiếc ngai ở một góc võ đài, đám đông đang ồn ào bỗng trở nên im lặng. Đó là nữ hoàng của vương quốc hùng mạnh này; bà đội một chiếc vương miện vàng khảm đầy ngọc trai và kim cương, trên vai khoác một chiếc áo choàng vàng lấp lánh. Hai bên ngai vàng của bà là hai con sư tử với những sợi xích quấn quanh cổ dày hơn cánh tay một người đàn ông. Dưới chân bà là một rương vàng.


Bà nói to: "Để cho hắn sống, nhưng vì hắn đã thua cuộc nên cả gia đình hắn, vợ con hắn phải trở thành nô lệ của ta. Kẻ thua cuộc kia, ngươi có chấp thuận không?".

Người chiến binh nằm phủ phục, máu khô trên mặt ông và máu tươi rỉ ra từ những vết thương. Ông trả lời: "Thưa Nữ hoàng vĩ đại, tôi và gia đình tôi rất vinh dự được hầu hạ bà mãi mãi".

Nữ hoàng vẫy tay ra dấu cho đám đông im lặng. "Giết hắn đi, người khổng lồ", bà ra lệnh, "Chôn sống gia đình hắn. Một gia đình có thể dễ dàng mua được như vậy thì không đáng làm nô lệ cho ta. Một chiến binh không có danh dự thì không đáng được uống nước trong vương quốc của ta. Chúng ta phải thanh lọc vương quốc, loại bỏ những kẻ yếu đuối như vậy. Giết hắn đi! Đó là mệnh lệnh của ta".

Gã khổng lồ, với một nhát kiếm ngọt xớt, cắt lìa đầu kẻ thua cuộc. Máu phụt ra từ cổ người chiến binh, bắn vào mặt một người phụ nữ đứng kế võ đài. Nữ hoàng hét lên với đám đông đang sững sờ: "Còn anh hùng nào muốn chiến đấu với người khổng lồ của ta để giành rương vàng này không?". Tất cả đều im lặng.


Trong lúc đó, gã khổng lồ rút một con dao bên hông, quỳ xuống bên cạnh xác chết. Hắn cắt rời cái đầu khỏi thân hình bất động, xát cái đầu đang nhỏ máu vào ngực mình để máu của người chiến binh hòa lẫn vào máu khô của kẻ thách đấu trước đó. Rồi hắn đứng dậy, gầm lên và giơ cao cái đầu như một dấu hiệu chiến thắng. Đám đông ồ lên cổ vũ. Và Puneet bình thản bước lên võ đài.

Ngay lập tức mọi người lại im lặng. Người khổng lồ cười ầm: "Cái gì? Nhóc con, mày là con cừu hiến tế à?".

Nữ hoàng vẫy tay và hỏi Puneet: "Cậu bé, ngươi làm gì trong võ đài này? Cái xác đẫm máu này là cha ngươi ư? Ngươi sẽ trả thù cho ông ta ư?".

Puneet trả lời: "Không, thưa Nữ hoàng tôn kính. Tôi không phải con trai ông ấy. Tôi đến để giành chiếc rương vàng".

Nữ hoàng cười to: "Ngươi có biết là để giành được chiếc rương vàng này, ngươi phải giết chết người khổng lồ của ta không? Anh ta đã từng lấy đầu hơn một trăm người to khỏe gấp đôi ngươi".

Puneet trả lời: "Thưa Nữ hoàng, tôi chấp nhận thử thách, nhưng tôi muốn xin một đặc ân vì tôi không có vũ khí".

Nữ hoàng đáp: "Ngươi nói đi".

Hai con chó lang thang chui vào võ đài và gặm nhấm cái xác không đầu của người chiến binh.

Puneet nói: "Tôi có thể mượn Nữ hoàng một đồng vàng được không? Nếu tôi thắng, nó sẽ là của tôi; còn nếu tôi thua, Nữ hoàng vẫn có thể lấy lại nó từ xác chết của tôi".

Nữ hoàng hỏi: "Ngươi có gì để làm vật thế chấp không?". Bà tỏ vẻ thích thú trêu đùa cậu bé khôi ngô tuấn tú này.


"Đây", Puneet trả lời, giơ cao túi sỏi, "Đây là những viên sỏi từ ngôi làng của tôi".

Nữ hoàng bật cười và đám đông cũng cười ồ. Nữ hoàng nói: "Vì tinh thần thể thao, ta chấp nhận điều kiện của ngươi. Người đâu, đem cho cậu bé mượn một đồng vàng".

Puneet cẩn thận đặt túi sỏi lên sàn gỗ trước mặt nữ hoàng và một người hầu mang đến cho cậu một đồng vàng. Phần xác còn lại của người chiến binh thất trận được kéo ra và võ đài được dọn sạch. Có một sự im lặng tuyệt đối khi cậu bé đứng đối mặt với gã khổng lồ.

Gã khổng lồ gầm lên như sấm: "Ngươi không đáng là một miếng bánh cho ta".

Puneet đáp: "Chiến binh vĩ đại, tôi không thể đánh nhau với ông được".


Đám đông ồ lên chế nhạo. Nữ hoàng vẫy tay cho đám đông im lặng. Bà tỏ vẻ bực bội: "Cậu bé, ngươi đã đồng ý sẽ chiến đấu. Ngươi không có lựa chọn".

Puneet trả lời: "Không phải tôi sợ chiến đấu với anh ta, thưa Nữ hoàng. Bởi vì nhan sắc của bà quá lộng lẫy nên tôi không thể chiến đấu khi đang ngắm bà được".

Nữ hoàng hài lòng trước sự tâng bốc này. Bà mỉm cười: "Nhưng ta không thể khiến mình ít lộng lẫy hơn được".


Puneet trả lời: "Thưa Nữ hoàng, ngay cả nếu bà chỉ đẹp bằng phân nửa thế này thôi, nhan sắc của bà cũng vẫn làm lóa mắt mọi người".

Nữ hoàng thích thú hỏi: "Vậy ngươi muốn sao?". Gã khổng lồ tỏ ra nóng nảy, sốt ruột muốn ăn tươi nuốt sống cậu bé.

Puneet tiếp tục: "Tôi có thể yêu cầu người khổng lồ đứng giữa Nữ hoàng và tôi, để tôi có thể can đảm chiến đấu mà không bị nhan sắc của bà làm tôi lóa mắt được không?".

Nữ hoàng cười to và cảm thấy một nỗi ham muốn phụ nữ với chàng thanh niên trẻ đẹp này: "Được rồi, cứ làm thế đi".

Cậu bé và gã khổng lồ đổi chỗ. Đám đông lại trở nên im lặng đến mức có thể nghe được tiếng vo ve của một con ruồi.

"Chiến đấu đi!", gã khổng lồ gầm lên, lao về phía Puneet. Puneet bình thản nhìn từng bước chân của gã khổng lồ dẫm trên sàn gỗ tiến lại gần mình. Cậu đứng yên không động đậy trong khi gã khổng lồ đang từ từ đến gần. Ngay khi có thể ngửi thấy hơi thở hôi thối của gã khổng lồ, Puneet tung đồng tiền vàng lên không trung. Gã khổng lồ bị phân tâm, ngẩng người nhìn đồng tiền vàng lấp lánh xoay tròn. Khi nhìn lên, hắn bị lóa mắt trong một thoáng bởi ánh mặt trời phản chiếu vào đồng vàng, và đó là lý do tại sao Puneet muốn thay đổi vị trí chiến đấu. Puneet, người hiểu rõ chu kỳ của sự sống, hiểu rằng nếu cả thế giới cân bằng trên một hạt gạo, thì một người khổng lồ cũng vậy. Khi gã khổng lồ bị lóa mắt bởi đồng vàng, hắn đã bị mất cân bằng. Puneet bật lên phía trước, dùng hết sức bình sinh đấm vào đầu gối phải của gã khổng lồ. Hắn lảo đảo té về phía sau, hai cánh tay chới với trong không trung. Hắn ngã ngửa trên sàn gỗ với một sức mạnh làm rung chuyển toàn bộ mặt đất. Cái đầu là phần cuối cùng của cơ thể hắn bị đập xuống sàn, nó đập ngay lên trên túi sỏi nhỏ của Puneet. Cái đầu hắn bị vỡ đôi như một trái dưa hấu, người ta có thể thấy não cùng máu chảy tràn ra ngoài. Hắn chết trước khi đồng tiền vàng kịp rơi xuống sàn võ đài.

Đám đông im lặng sững sờ, rồi cả thị trấn bùng lên những tiếng reo hò.


"Thế đấy, các học trò của ta, thế giới này cân bằng trên một hạt gạo".


Sau đó thầy giáo im lặng.

Các học trò ngồi im suy ngẫm trước câu chuyện lạ lùng. Một lúc sau, một em giơ tay hỏi: "Thưa thầy, thế Puneet có đem rương vàng về làng không? Cậu bé có cưới nữ hoàng và trở thành vị vua vĩ đại nhất thế giới như định mệnh của cậu không?".


Thầy giáo mỉm cười: "Không, câu chuyện không kết thúc như thế". Thầy im lặng một chút rồi kể tiếp: "Ngay khi gã khổng lồ vừa ngã xuống, Puneet chộp thanh kiếm trong bàn tay hắn đâm xuyên qua cổ nữ hoàng.

"Các con ạ, một nữ hoàng bán rẻ sinh mạng thần dân để mua vui thì không phải là nữ hoàng. Cái chết của bà ta sẽ là niềm vui cho những người đã chết".

Một em khác hỏi: "Nhưng còn gia đình Puneet... còn ngôi làng đang chết đói thì sao, thưa thầy?".

Người thầy vĩ đại nhìn vào khoảng không và trả lời: "Sau khi nữ hoàng chết, Puneet nhắm mắt lại lắng nghe tiếng cha mẹ, anh chị cậu và cả làng đang gào khóc đòi thức ăn. Cậu có thể nghe tiếng khóc than đau đớn, nhất là của những người đang chết đói. Puneet nhắm mắt, tĩnh tâm, cầu mong họ chết đi".

Đám học trò thở gấp. Một em hỏi: "Nhưng tại sao lại có thể như thế được, thưa thầy?".

Thầy giáo im lặng một chút, chờ cho các học trò bình tĩnh lại để có thể lắng nghe. Cuối cùng thầy nói: "Ngôi làng nào lại để mất ba năm mùa màng mà không buồn đi tìm nguồn nước mới hay tìm cách chuyển đi nơi khác? Người cha nào lại sai con đi tìm cách cứu mình? Puneet nhìn lên không trung và mong họ chết đi, bởi vì chính họ cũng mong cho mình được chết".


Người học trò lớn nhất ngồi ở hàng đầu. Anh là người học trò yêu thầy nhất và được thầy yêu nhất. Anh hỏi: "Thưa thầy, thầy sẽ mong gì cho chúng con?".

Thầy giáo, người thầy vĩ đại nhất trong những người thầy, người khi còn trẻ đã đánh bại gã khổng lồ bằng duy nhất một đồng vàng, trả lời: "Ta mong các con không mong gì cả".

Hết. Yêu anh, Batuk.

***

Tôi học đọc viết ở một bệnh xá truyền giáo năm lên bảy tuổi. Tôi phải nhập viện vì bị ốm, do lỗi của mẹ, ít nhất đó là theo lời bà tôi.

Lúc còn nhỏ, tôi thường tìm mọi lý do để ra sông, khi thì đi câu cá với ông, khi thì đi chơi, thậm chí có khi tôi lấy lý do giặt quần áo để được ra sông. Bạn có thể luôn luôn tìm thấy tôi ngoài bờ sông. Thật lạ lùng vì tôi ghét bị ướt nhưng lại thích ngồi bên dòng sông. Tôi thích nghe tiếng nước chảy, thích nhìn vũ điệu của những tia nắng trên mặt nước. Tôi thích cảm giác cô đơn nhưng không ở một mình, vì nước luôn ở bên tôi suốt cả cuộc đời. Nhiều năm sau này, tôi vẫn hài lòng vì Đường Chung cũng là một dòng sông với những dòng người qua lại, những dòng xe hơi, xe buýt và những hạt nắng lấp lánh trên đường. Những dòng chảy không ngừng kết nối với tôi và cuốn tôi theo nó.

Vào một ngày nọ - không khí ẩm ướt nhưng trời xanh không một gợn mây - tôi từ dòng sông về nhà khi trời sẩm tối. Khi bước vào nhà, tôi bỗng ho khan. Bà bảo mẹ: "Tao đã bảo mày không được để nó ngồi ngoài bờ sông cả ngày mà. Giờ thì thấy chưa, nó bệnh rồi đó".

Bà tôi có khả năng thiên phú trong việc biến những thứ đơn giản nhất thành một bài diễn văn đả kích mẹ tôi. Ví dụ như khi bà nói: "Quẳng cái bánh đi", mẹ tôi sẽ lập tức hỏi: "Nó bị gì à?". Ngay cả nếu bà trả lời "Không có gì" thì giọng điệu của bà cũng hàm ý rằng cái bánh của mẹ không hơn một quả trứng ung. Vì thế nên khi bà trực tiếp buộc tội mẹ đã cố ý làm cho tôi bị ốm, mẹ tôi phản ứng ngay (mẹ vẫn luôn làm thế).

Mẹ quay ngoắt lại và ngắt lời bà: "Con đã nói Batuk không được ngồi ngoài bờ sông suốt ngày, nhưng mẹ biết tính nó mà, nó thích ngồi nhìn thằn lằn và nói chuyện với cây cỏ như một đứa khùng".

Tôi ho lần nữa nhưng lần này cố ý ho mạnh hơn (tôi rất có năng khiếu diễn kịch).

"Thấy chưa, tao bảo rồi", bà nói, "Nó không có khùng, nó chỉ ngớ ngẩn thôi. Nếu là tao thì tao sẽ cột nó vào một sợi dây thừng". Tôi suýt buột miệng nhưng bà vẫn tiếp tục nói và tôi biết sắp có chuyện vui để xem. Đúng như vậy, bà tôi cao giọng: "Mày là một đứa ngốc!". Bà nói như rít lên với mẹ tôi: "Mày để nó ngồi ngoài trời cả ngày - giờ hãy nhìn nó xem. Nói tao nghe thử, có bao giờ tao cố ý giết con chưa? Nếu tao đối xử với mày như mày đối xử với bé Batukee," - là tên ở nhà mà bà đặt cho tôi và tôi rất ghét cái tên đó - "hẳn bà ngoại sẽ cho tao một trận tơi tả".

Quả là một vở kịch tuyệt vời. Thế là tôi phun ra một tràng ho kéo dài cả phút (nghệ thuật bị ốm). Bà liếc nhìn tôi một cách thương hại (hay tán thưởng?) và cong môi chuẩn bị cho cú đánh cuối cùng: "Nếu con bé chết, mày sẽ mục xương trong tù. Ai sẽ chăm sóc những đứa trẻ tội nghiệp còn lại và bé Navaj tàn tật đáng thương?".

Bà thường đổ lỗi rằng Navaj bị khuyết tật là do mẹ không chịu uống loại trà đặc biệt của bà lúc mang thai. Tôi nghĩ có lẽ mình nên ho thêm chút nữa (vở kịch tiếp tục màn hai). Bà vẫn cong cớn với cái lưỡi như rắn độc: "Tao đã nuôi lớn cả đàn con tao. Mày tưởng tao sống đời để nuôi con giùm mày luôn à?... Coi chừng đấy... Ít nhất bọn trẻ phải tồn tại được qua trung học".

Tôi rặn thêm một tràng ho dữ dội mà một đứa bé bảy tuổi có thể tạo ra được. Bà quay sang tôi với ánh mắt tội nghiệp pha chút đắc thắng; tôi nghĩ chắc hẳn bà sẽ vui hơn nếu tôi lăn đùng ra chết tại chỗ. Tôi nhìn vẻ tội nghiệp trong mắt bà bốc hơi như bơ tan chảy giữa trời nắng nóng. Bà quét tia nhìn dữ tợn về phía mẹ tôi và tuyên bố: "Con bé cần đi bác sĩ" (ho), "NGAY BÂY GIỜ!" (ho, ho, ho). Điều lạ lùng là, tôi bị ốm thật.

Mẹ tôi đã học cách xử lý cơn giận của bà nhiều năm rồi. Mẹ chỉ đơn giản chuyển chúng qua cha tôi. Cho đến lúc đó, cha vẫn ngồi im lặng thưởng thức màn kịch. Mẹ quát lên với cha: "Anh nghe chưa, đồ say xỉn, cho con bé đi bác sĩ đi!".

***




Có ba cách để được trị bệnh. Cách thứ nhất là gọi điện sang thị trấn lân cận để mời bác sĩ đến, nhưng chúng tôi không bao giờ có đủ tiền để làm thế. Cách thứ hai là cha sẽ gom góp tất cả tiền bạc hiện có, quẳng tôi lên chiếc xe bò của gia đình và chở đến thị trấn nơi bác sĩ đang ở, cách làng vài giờ đi xe. Khi đến nhà bác sĩ, chúng tôi sẽ ngồi chờ hàng thế kỷ trước khi tôi được khám bệnh. Bác sĩ sẽ hỏi thăm tôi vài giây trước khi đẩy gọng kiếng lên, hí hoáy viết vào một mẩu giấy. Sau đó ông đưa mẩu giấy cho y tá và cô y tá sẽ đưa cha tôi một ít bột gói trong một bao giấy nhỏ màu nâu bóng. Chuyến viếng thăm kết thúc bằng một trận cãi vã khi cha tôi cố gắng giải thích rằng cha chỉ có "chừng này thôi" còn cô y tá khăng khăng là cha phải trả thêm tiền.

Cách chữa bệnh thứ ba cũng là đến thị trấn giống như cách thứ hai, nhưng không đến bác sĩ. Cha sẽ mua cho tôi một ly nước ngọt và để tôi ngồi đợi trên chiếc xe bò ở quảng trường khoảng một giờ trong khi ông đi thăm cô em họ. Khi ông quay lại với mùi nước hoa oải hương của cô em họ trên áo, chúng tôi sẽ quay về nhà, cả hai đều vui vẻ. Có lẽ nước ngọt có một thành phần đặc biệt gì đó bởi vì sau đó tôi thường cảm thấy khá hơn.

Lần này chúng tôi đi theo cách thứ ba. Tôi được một ly nước ngọt còn cha uống trà. Sau đó ông cột con bò và chiếc xe vào quảng trường, để tôi ngồi đợi trong khi ông đi thăm cô em họ. Một giờ sau đó, chúng tôi quay về nhà, nhưng giờ thì tôi thật sự bị ho nặng và khi về đến nhà thì tôi lên cơn sốt. Mẹ hỏi bác sĩ nói gì, cha nói dối rằng bác sĩ bảo tôi sẽ sớm khỏe lại, chỉ cần hạ sốt bằng khăn nhúng nước. Mẹ hỏi cha bác sĩ có cho thuốc không, cha trả lời rằng bác sĩ có cho thuốc và tôi đã uống rồi. Sau đó cha thêm thắt chi tiết vào để lời nói dối có tính thuyết phục hơn, cha nói chất bột là một hỗn hợp màu nâu trắng có mùi rất khó uống. Lúc đó tôi ốm nặng đến mức không đủ sức xác nhận hay phản đối câu chuyện bịa của cha.

Tôi tiếp tục bị sốt cao trong vài ngày, ho ra rất nhiều đàm nhớt màu vàng nâu, đôi khi lẫn cả máu. Tôi không ăn được và cơn ho vẫn không dứt. Nhiều người trong làng đến thăm và chúc tôi mau khỏe, thậm chí có người còn thử chẩn đoán, chữa trị. Điều duy nhất mọi người đều đồng ý là vị bác sĩ khám bệnh cho tôi là đồ lang băm bịp bợm. Tôi nghe ít nhất ba người nói rằng ông ta thậm chí không phải là một bác sĩ. Mặt cha tôi trông tái mét.

Sau năm ngày tôi bị sốt cao và ho nặng, mọi người quyết định đưa tôi đến một bệnh xá truyền giáo ở Bhopal, mất đến một ngày đi đường. Tôi được trùm kín, hai cha con khởi hành từ tờ mờ sáng. Chúng tôi vẫn đi trên chiếc xe bò và tôi ho khan suốt đường. Khi chúng tôi đến bệnh xá nằm ở ngoại ô thành phố, cô y tá lắng nghe câu chuyện của cha, nhìn tôi ho ra một chất nhớt vệt hồng. Trước sự ngạc nhiên của tôi, cô y tá cẩn thận lấy một mẫu chất nhớt này vào lọ như thể một cái gì rất quý giá. Vài giờ sau, cô quay lại bảo cha rằng tôi bị bệnh lao, cần phải nhập viện. Khu bệnh xá thật ra là một chuồng gà rộng được sửa lại cho người bệnh nằm. Nó có mùi của những người đã nằm trước đó, át cả mùi i-ốt và mùi bệnh. Dọc tường là những chiếc giường kê song song dành cho phụ nữ, phía bức tường đối diện là giường dành cho đàn ông. Tôi được cấp một cái giường thép và một tấm nệm xám vào khoảng giữa dãy giường phụ nữ. Khi cha ra về, tôi ốm nặng đến mức không khóc nổi.

Dù hơi sợ nhưng tôi cảm thấy thoải mái hơn khi nằm trên tấm nệm. Tôi là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ở đây. Ban ngày rất ồn ào: tiếng bánh xe lăn, tiếng người rên rỉ, ói mửa, hấp hối, tiếng vù vù của ruồi nhặng. Vào ban đêm, sự tĩnh lặng như một cái mền trùm lên tiếng ngáy, tiếng sột soạt của bốn mươi ba bệnh nhân và một cô y tá. Có lẽ tôi đã quen với cái mùi ở đây vì tôi thường thấy những người khách đến thăm vừa bước vào đã vội bịt mũi chạy ra trước khi bị nghẹt thở, đôi lúc còn nôn ói.

Kế bên giường tôi là một bà già nằm gần như trần truồng. Trông bà già hơn bà tôi nhiều và gầy trơ xương. Một tay bà buông thõng xuống cạnh giường. Khi những ngón tay của bà động đậy, tôi có thể thấy những đường gân quằn quại dưới lớp da mỏng như một tờ giấy gói thuốc lá. Thỉnh thoảng khi bà ngủ, tôi nhìn chuyển động chập chờn của mạch đập ở cổ tay bà chỉ để xem khi nào nó ngừng đập. Một vài ngày sau, nó thật sự không đập nữa. Trong vòng một giờ, xác bà được cuộn vào một tấm vải nhựa và biến mất.

Giường bên kia là một phụ nữ khoảng bằng tuổi mẹ tôi nhưng mập gấp đôi mẹ. Chân trái cô bị quấn băng dày cộm và y tá đến thay băng mỗi ngày. Cô bị cưa chân vì nó bị nhiễm trùng do bệnh tiểu đường. Lạ lùng là cô không hề có vẻ muốn nổi điên vì cái chân mình đang nằm trong một cái thùng rác nào đó. Trái lại, cô có vẻ thích thú với sự chú ý của mọi người, vì gần như ai đi ngang cũng dừng lại một chút với vẻ cảm thông: "Tội nghiệp quá", "Thật là một căn bệnh kinh khủng", "Trông cô tuyệt lắm" (mặc dù không có chân), và mang cho cô rất nhiều đồ ăn ngon. Thỉnh thoảng người phụ nữ cũng tỏ ra rộng rãi, chia sẻ với tôi một chút thức ăn thừa mà cô ăn không hết, nhưng hành động hào phóng này hiếm khi diễn ra, vì cô gần như luôn luôn liếm sạch các hộp đồ ăn. Hai tuần sau khi mổ, cô rời bệnh xá trên một chiếc hộp gỗ có bánh xe do chồng cô đẩy ra với điếu thuốc phì phèo trên môi. Tôi dám chắc người phụ nữ này sẵn sàng hy sinh luôn cái chân còn lại để đổi lấy vài tuần được mọi người thương hại và được ăn những món ăn ngon.

Vào ban ngày, bệnh xá có một bác sĩ, ba y tá và hai người tạp vụ lớn tuổi, chịu trách nhiệm khiêng vác, lau chùi và dọn xác chết khi cần. Bệnh xá còn có một linh mục mà mọi người gọi là Cha Matthew, một người da trắng mảnh khảnh trẻ tuổi. Mỗi ngày ông đến nói chuyện với chúng tôi khoảng nửa giờ, cho chúng tôi một miếng bánh mì với nước quả. Ông có một giọng nói mềm mại, một tác phong nhẹ nhàng. Khi giảng đạo, ông đứng trên một chiếc bàn gỗ đặt trước lối vào giữa bệnh xá, hoa tay múa chân như một người mất trí. Những nỗ lực này không cần thiết vì không ai trong chúng tôi hiểu ông nói gì nhưng cũng không ai có thể bỏ đi. Dù vậy, xem ông nói cũng vui, chủ yếu nhằm mục đích giải trí cũng như được nhận bánh mì và nước quả. Bốn mươi ba người chúng tôi là một đội quân mộ đạo, dù rằng tất cả chúng tôi rồi sẽ rời bỏ ông, bằng cách này hay cách khác. Một hay hai lần mỗi ngày, ông đi dọc hai dãy giường, luôn luôn dừng lại ở giường tôi vì tôi nhỏ tuổi nhất. Ông mỉm cười với tôi, tôi cười lại. Ông luôn mang theo một cuốn sách và một cây thánh giá, những đồ vật mà tôi biết rất quan trọng với ông. Tôi biết ông thường nói chuyện với các y tá về tôi vì tôi thường nhìn vào mắt ông. bằng cách này hay cách khác. Một hay hai lần mỗi ngày, ông đi dọc hai dãy giường, luôn luôn dừng lại ở giường tôi vì tôi nhỏ tuổi nhất. Ông mỉm cười với tôi, tôi cười lại. Ông luôn mang theo một cuốn sách và một cây thánh giá, những đồ vật mà tôi biết rất quan trọng với ông. Tôi biết ông thường nói chuyện với các y tá về tôi vì tôi thường nhìn vào mắt ông.

Không ai đến thăm tôi và tôi hài lòng với điều đó vì tôi đang học đọc.

Sau một tuần ở bệnh xá, tôi cảm thấy khá hơn nhưng vẫn không được phép rời khỏi giường. Mỗi ngày, bác sĩ và các y tá đi thăm từng giường bệnh. Ngày nào cũng vậy, khi đến giường tôi, bác sĩ áp ống nghe vào lưng tôi, gật gù rồi thì thầm với cô y tá trưởng và viết gì đó lên cái bảng ở chân giường - không bao giờ ông nói với tôi lời nào. Cô y tá trẻ nhất tên là Hita. Chị Hita chính là người đã dạy tôi đọc sách.

Chị Hita trông giống như mọi cô gái bình thường ở làng tôi: mạnh khỏe, tròn trịa và có một nụ cười hồn nhiên (dù chị có vài chiếc răng gãy). Chị thường ngồi trên giường nói chuyện với tôi trong bộ đồng phục trắng. Một hôm, tôi hỏi chị bác sĩ viết gì lên cái bảng ở chân giường. Chị cầm cái bảng lên đọc to: "Ngày 7 tháng 8, có tiến triển, cần nghỉ ngơi trên giường. Đáy phổi xẹp; đông đặc ở vùng giữa bên phải. Cho phép ăn. Không tập thể dục". Tôi ngạc nhiên hỏi: "Ông ấy viết tất cả những điều đó trong một dòng sao?". Những ký tự ngoằn ngoèo khiến tôi cảm thấy thú vị. Hita gật đầu. Chị chạy đi rồi quay lại với một cuốn sách, bìa sách có một con thỏ và một chiếc xe cút kít có mắt mũi, cả hai đều đang cười. Tôi mở cuốn sách nhìn những ký tự trên trang giấy. Những hình dạng chữ và khoảng trống giữa các từ khiến trang sách trông như một bức vẽ. Y tá Hita chỉ tôi chữ đầu tiên, tôi lặp lại: "Thỏ". Vài giây sau chị bỏ đi vì một người đàn ông ở góc phòng bên kia làm rơi cái ống tiểu và nước tiểu của ông ta chảy tràn ra ngoài. Tôi ôm cuốn sách, nhìn chằm chằm vào từ "thỏ", đọc tới đọc lui như một câu thần chú

Mỗi ngày, chị Hita đến dạy tôi một vài từ. Tôi bỏ ra cả ngày để học từ mới và ôn lại từ cũ.

Sau một tuần, tôi có thể đọc được một đoạn văn ngắn và chị Hita rất vui. Tôi nói với chị rằng tôi muốn đọc cuốn sách cho vị linh mục da trắng nghe, vì ông luôn mang theo một cuốn sách bên mình nên tôi nghĩ ông cũng sẽ thích việc đọc.

Mùa hè ngày càng nắng gắt, Cha Matthew ngày càng tỏ ra diễn cảm hơn trong bài thuyết giáo trên bàn. Ông cố gắng đến mức khi ông kết thúc bài giảng, dù không ai hiểu gì nhưng mọi người đều vỗ tay, còn những người không có tay thì reo hò. Một buổi chiều nọ, khi Cha Matthew đi diễu hành và ngừng lại bên giường tôi như thường lệ, chị Hita nói gì đó với ông bằng tiếng Anh. Cha Matthew quay lại nhìn tôi, mỉm cười và gật đầu cổ vũ. Tôi đã tập đọc hai trang sách đầu tiên thật nhuần nhuyễn từ mấy ngày qua. Dù không thể hoa tay múa chân được, nhưng tôi vẫn cố gắng đọc thật diễn cảm câu chuyện về một chú thỏ đã khích lệ anh bạn xe cút kít bằng cách giúp anh ta trở nên hữu ích hơn. Khi tôi đọc xong, cha Matthew tươi cười vỗ tay, nói gì đó với chị Hita bằng tiếng Anh. Chiều hôm sau, một người đàn ông xuất hiện: Chophra, thầy giáo của tôi.

Trong suốt mười hai tuần tôi nằm ở bệnh xá, thầy Chophra đến dạy tôi (và thăm chị Hita) ba lần một tuần. Tôi là một học trò sáng dạ. Sống ở sa mạc một thời gian dài, tôi rất khát nên khi có người mang nước đến, tôi uống như chưa bao giờ được uống. Trong vòng ba tuần đầu tiên, tôi đã nắm được kỹ năng đọc cơ bản. Sau đó, thầy Chophra mang đến cho tôi những cuốn sách phức tạp hơn. Cơn khát của tôi vẫn không được thỏa mãn vì tôi đọc rất nhanh ngay khi thầy vừa mang sách đến, những tập thơ, những câu chuyện, và ngay cả các bản dịch từ những cuốn sách tiếng Anh. Mỗi ngày, Cha Matthew đều đến nghe tôi đọc sách. Tôi biết ông không hiểu tôi nói gì, nhưng dường như điều đó không quan trọng. Ông có thể nghe được những mẫu âm mà không cần hiểu chúng. Khi tôi đọc xong, ông tươi cười vỗ tay, sau đó đến lượt ông đọc lại cho tôi nghe cuốn sách bìa đen đặc biệt của ông. Ông đọc trong khoảng năm hay mười phút, tôi ngồi lắng nghe âm điệu du dương cùng giọng nói dịu dàng của ông. Sau khi đọc xong, ông đánh dấu trang sách bằng một sợi chỉ vàng đính vào bìa sách. Và cứ như thế, chúng tôi đọc sách cho nhau nghe mỗi ngày. Tôi bắt đầu có thói quen đi ngủ sau khi đọc sách và tỉnh dậy với cuốn sách bên cạnh.


Tôi học viết song song với học đọc bằng cách tập viết chữ từ những cuốn sách mà thầy Chophra cho tôi. Rõ ràng thầy Chophra rất thích đến thăm tôi bất cứ khi nào có thể (ngay cả khi tôi sắp đến giờ ngủ). Tuy nhiên, không phải sự ham học của tôi lôi cuốn thầy đến đây mà lý do chính là vì chị Hita. Thỉnh thoảng tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa, thấy thầy Chophra đang vui vẻ cười nói với chị Hita. Nhìn họ nói chuyện thật vui; thầy lúng túng nói lắp còn chị Hita thì đỏ mặt e thẹn. Sau khi thầy ra về, chị thường nói chuyện về thầy với các y tá khác, họ cười khúc khích với nhau như các cô gái thường làm. Có lần tôi hỏi chị Hita rằng chị có thích thầy Chophra không. Chị mắng tôi và tôi hiểu câu trả lời là có. Thậm chí một lần, khi bệnh xá yên tĩnh, chị Hita ngồi bên tôi suốt bài học của thầy Chophra, như một con thỏ bị thôi miên chằm chằm nhìn vào xe-cút-kít-Chophra

Sự dạy dỗ ngày càng sao lãng của thầy Chophra không hề khiến tôi phiền lòng, vì mỗi lần đến, thầy đều mang nhiều sách cho tôi đọc. Vấn đề là tôi trở nên mê mải với việc đọc sách đến mức quên giả vờ ốm, và trước khi tôi nhận ra điều đó, vị bác sĩ im lặng với cái ống nghe đã viết vào tấm bảng ở chân giường: "Cho về".

Vào ngày xuất viện, tôi thay đồ từ sáng sớm. Tôi chào tạm biệt tất cả những cô chú bạn cùng phòng và các y tá bác sĩ. Ngay cả vị bác sĩ im lặng cũng mở miệng: "Tạm biệt, chúc cháu mạnh khỏe". Buổi tối hôm trước, thầy Chophra đã đến tặng tôi một thùng giấy đựng đầy sách. Khoảng gần trưa, cha tôi bước vào. Tôi rất vui khi gặp lại cha. Không thể kiềm chế được, tôi chạy băng ra, nhảy vào lòng cha, ôm cha thật chặt. Cha cười toét miệng: "Con gái, trông con khỏe lắm. Họ cho con ăn gì thế?". Sau vài câu pha trò, hai cha con tôi gần như không biết nói gì với nhau nữa. Tôi nắm tay dắt cha đi một vòng quanh bệnh xá. Cha Matthew xuất hiện với chiếc đuôi áo dài màu đen phấp phới sau lưng. Ông bắt tay cha tôi; hai người khổng lồ có vẻ hơi thận trọng với nhau nhưng khi tôi chen vào giữa, cảm giác đó biến mất. Cha Matthew tặng tôi một cuốn Kinh thánh (sau này mẹ đã quẳng nó đâu mất) và ôm tôi rất lâu. Tôi tặng lại ông một bài thơ mà mấy hôm trước tôi đã viết, tỉ mẩn trang trí tờ giấy bằng những cành cây, những con báo và những tia nắng mặt trời.


Gởi Cha Matthew:

Mỗi ngày cha đến và đọc sách cho con


Mặc bộ áo đen, mang sách trong tay với nụ cười vui vẻ


Con đọc lại cho cha và cha không hiểu gì cả


Nhưng cha vẫn lắng nghe, mỉm cười và nắm lấy tay con


Cha luôn vỗ về con và nói những điều hạnh phúc Con vẫn cảm thấy bàn tay cha, dù chúng ta đã rời xa


Thương cha nhiều, Batuk.

Sau khi tôi đọc bài thơ, chị Hita dịch lại, Cha Matthew ôm tôi một lần nữa, tôi thấy ông nghẹn ngào. Chị Hita đứng khóc thổn thức. Tôi nhìn dòng nước mắt chảy loang trên gương mặt tròn xinh đẹp, hy vọng chị sẽ gặp lại thầy Chophra.


***







Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro