bốn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Trên đường về nhà, tôi nói chuyện phiếm với cha. Cha vui vẻ nghe tôi nói, với một nụ cười lặng lẽ trên môi. Đôi khi ông rướn người qua chiếc xe, vuốt tóc hoặc ôm tôi. Mặc dù ông hỏi nhưng tôi không cho ông biết có gì trong cái thùng giấy.

Buổi tối, chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi ở một quán trà. Tôi bảo cha lấy cái nón che mắt lại. Tôi lấy một cuốn sách trong thùng giấy ra, hỏi cha sẵn sàng chưa, rồi bắt đầu đọc sách cho cha nghe. Câu chuyện kể về một cô gái yêu một chàng trai nhưng bị gia đình bắt buộc cưới người khác. Người chồng mới cư xử với cô rất tàn tệ vì anh ta chỉ cưới cô vì tiền bạc danh vọng và anh ta biết vợ mình yêu một người khác. Cô gái có trái tim tan vỡ tìm cách trốn thoát, cố gắng quay về với người yêu của mình. Trên chặng đường về, cô phải đi qua một dòng sông, một cơn bão nổi lên đánh chìm thuyền, ném cô lên một hòn đảo nhỏ xíu. Khi nước dâng cao, hòn đảo từ từ chìm xuống, cô gái chỉ còn biết gởi lời than khóc theo gió. Chàng trai người yêu nghe tiếng khóc của cô, dong thuyền vượt qua cơn bão để đến hòn đảo. Dù con thuyền của anh cũng bị bão đánh tan nhưng anh đã xoay sở lên được hòn đảo và lao vào vòng tay cô. Cặp tình nhân chết trong tay nhau khi hòn đảo từ từ bị nhấn chìm trong nước.

Cha không nói lời nào cho đến khi tôi đọc xong. Khi đọc hết truyện, tôi lén nhìn cha dưới chiếc nón, mắt cha ngấn lệ, nước mắt lấp lánh thành dòng trên má. Cha chỉ nhìn tôi chăm chăm.

Tôi luống cuống nói: “Cha ơi, còn có những truyện khác vui hơn, để con...”

“Batuk, cha không khóc vì câu chuyện. Cha không bao giờ tưởng tượng được mình sẽ có một đứa con biết đọc... Đó sẽ là tấm vé cho con rời khỏi Dreepah-Jil”, ông tỏ vẻ hào hứng hẳn lên, “Chúng ta sẽ tìm cho con một thầy giáo... Một ngày nào đó con sẽ trở thành... bác sĩ, luật sư”.

Tôi ngắt lời: “Hay là một cô giáo”.

“Đúng vậy, con gái, hay là một cô giáo tuyệt vời. Batuk, đến với cha nào”.

Tôi nhảy vào lòng cha với một cuốn sách khác trong tay, những bài thơ của Namdev. Trong khi tôi đọc những từ ngữ mà tôi không hiểu rõ, cha ôm tôi vào lòng. Đêm hôm đó, chúng tôi cùng thêu dệt những giấc mơ cho tương lai của tôi. Cả cha và tôi đều không hề nghĩ rằng tôi sẽ trở thành một con điếm.
 
                                 ****

Bất chấp câu chuyện mà tôi viết cho anh, Puneet vẫn tiếp tục âu sầu. Hôm nay, một lần nữa, anh ngồi gục đầu ũ rũ trước cửa. Chiếc băng đã được tháo ra. Tôi vẫy tay chào anh nhưng thật sự, tôi muốn bước qua tát vào mặt anh. Phải thừa nhận rằng càng ngày tôi càng ít nghĩ đến anh hơn. Anh vẫy tay lại với tôi một cách rầu rĩ. Một điều tốt là hôm nay anh có nhiều người thăm viếng hơn.

Dường như không ai để ý rằng giữa những lượt làm bánh, tôi ngồi trước cửa, đặt tập giấy lên đầu gối, hí hoáy viết. Ban đầu tôi sợ tập giấy của mình sẽ bị phát hiện, nhưng sau đó tôi không sợ nữa khi nhận ra bà Mamaki không biết đọc, mặc dù bà có thể đánh dấu vào tên chúng tôi trong cuốn sổ nhỏ. Thậm chí bà còn tỏ vẻ hài lòng khi tôi ngồi viết trước cửa, vì như thế sẽ thu hút nhiều khách hơn. Những khách hàng mới thường dừng lại hỏi tôi đang viết gì. Câu trả lời của tôi luôn là: “Em chỉ viết linh tinh thôi” (đàn ông không thích cảm thấy mình ngu ngốc). Việc viết lách của tôi là một cách dễ dàng để thu hút những người đàn ông nhút nhát, và khi họ đến gần, bà Mamaki sẽ tấn công. Bà sẽ mở rộng cánh tay lôi họ vào cái ổ của tôi; thế là xong! Ngoài ra, khi tôi đang ngồi viết, bà có thể chỉ vào tôi khi nói chuyện với những người đàn ông đi ngang. Tôi nhanh chóng lấy lòng bà, thậm chí hôm qua, bà Mamaki còn bảo tôi: “Có lẽ ta nên bảo những đứa khác cũng ngồi viết trước cửa”.

Đối với tôi, một người khách nghĩa là một đoạn văn kết thúc hoặc một chương dang dở.

Buổi chiều thường là lúc yên tĩnh nhất, khi đó tôi dành thời gian cho cuốn sổ của mình. Chiều nay trời rất nóng. Tôi gọi Puneet: “Puneet ơi, em có một chuyện vui cho anh đây!”

Meera thò đầu ra khỏi cái ổ giữa hai chúng tôi với một nụ cười toe toét: “Em cũng thích chuyện vui”. Puneet không cử động mà chỉ gầm gừ trong miệng.

Tôi tiếp tục: “Anh sẽ gọi một con chó hai đầu thế nào?”

Meera hét lên: “Gâu gâu, câu khác đi”.

“Đúng rồi”, tôi nói, “Thế em sẽ gọi một con voi dựa vào một cái cây là gì?”.
Meera nhíu mày; trông cô bé thật dễ thương. Tôi trả lời: “Bầm tím!”.

Meera ngẩn người: “Em không hiểu”.

Puneet lên tiếng một cách ảm đạm: “Bởi vì cái cây sẽ đổ lên người con voi và làm cho nó bị thương”.

Meera bật cười khanh khách, tôi cũng cười to. Cô bé thật sự là một đứa trẻ (đó là điểm hấp dẫn chính của cô). Bà Mamaki lợi dụng điều đó bằng cách nói với khách hàng rằng Meera mới mười tuổi trong khi thật ra cô bé đã mười hai tuổi.

“Câu khác đi chị”, Meera gọi to.

Tôi suy nghĩ một lúc và nói khẽ: “Em sẽ gọi một phụ nữ có ba vú là gì?” Meera lắc đầu nhún vai.

“Bà Hà Mã”, tôi trả lời nhỏ, “Hai cái trên ngực, một cái dưới cằm bà ta”.

Meera bật cười như điên. Puneet ngẩng đầu lên: “Thế em gọi một phụ nữ có râu là gì?”. Anh ngồi thẳng lên.
Meera đáp: “Bà Hà Mã luôn”.

“Đúng thế”, Puneet nói to và mỉm cười lần đầu tiên sau hàng thế kỷ.

Tôi tiếp tục: “Puneet, chuyện gì xảy ra cho cô bé thứ sáu trong nhóm chúng ta?”

“Puneet trả lời: “Cô bé ở giữa hai mông bà Mamaki”. Meera lăn ra cười ngặt nghẽo. “Tới phiên em, tới phiên em”, Meera nói, “Chồng bà Mamaki đâu?”.

Tôi đáp: “Giữa hai vú bà ấy”.

Không ai trả lời. Meera và Puneet im lặng nhìn qua vai tôi.

“Ông ấy chết rồi”, tiếng bà Mamaki vang lên sau lưng tôi, bà lạch bạch đi xuống phố. Ba chúng tôi im lặng một lúc lâu và Puneet bắt đầu mỉm cười. Nụ cười của anh trở thành tiếng khúc khích của tôi, rồi cả ba chúng tôi đều cười to. Puneet ôm bụng cười sằng sặc: “Ông ta bị ngộp thở... họ đang làm tình, ông ta bị trượt té vào bên trong bà ta... Đó là lý do tại sao bà ta có dáng đi như thế”.

Đó là trận cười đau bụng cuối cùng mà chúng tôi chia sẻ với nhau.

                                   ***

Tôi gặp Puneet lần đầu ở một nơi được gọi là Trại mồ côi. Đó là một khu vực rộng khoảng bằng nửa khu chợ bán thịt, có những cột tre giằng những miếng vải cũ chắp vá. Khi một miếng vải mòn xơ xác đến mức không thể chắp vá được nữa, nó sẽ được thay bằng một miếng vải khác ít mòn hơn.

Trại mồ côi được cai quản bởi nhóm Yazak, những người đàn ông và phụ nữ vô nhân tính. Các Yazak chỉ xem bọn trẻ như một phương tiện kiếm tiền. Họ sống trong một ngôi nhà gạch ở đầu trại trẻ, trong đó tiếng nhạc và tiếng tivi không ngừng phát ra. Ngoại trừ mối quan tâm tiền bạc, việc kiểm soát khá lỏng lẻo vì không thể phân biệt được những đứa trẻ với nhau. Trại mồ côi bao gồm một đàn trẻ sống lê lết cho đến khi được gọi đi làm một vài công việc gì đó để đổi lấy thức ăn, quần áo hoặc đôi khi (rất ít), chúng được cho vài xu tiền công. Không làm việc sẽ không có thức ăn. Không đứa trẻ nào dám ăn trộm hay lừa gạt nhóm Yazak, bởi vì không ai quan tâm đến sự hiện diện của chúng và cũng không ai quan tâm đến sự biến mất của chúng. Có rất nhiều tin đồn đáng sợ; ví dụ như, có một đứa trẻ trong trại mồ côi đã ăn trộm một chiếc xe đạp của nhà hàng xóm và bỏ túi 20 rupee mà không nói với người Yazak của mình. Người hàng xóm nói với nhóm Yazak, vì cậu bé có một dấu xăm trên cổ tay như một dấu hiệu phân biệt cậu trong trại trẻ này. Công lý được thực thi lập tức. Người Yazak nắm tóc đứa trẻ mười một tuổi bằng tay phải, nhấc bổng cậu bé lên, dùng tay trái cắt cổ họng cậu bằng một con dao Damascus. Trước khi máu phọt ra, người Yazak quăng cậu bé xuống đất. Một phút trước khi hồn lìa khỏi xác, đôi giày và bộ quần áo rách rưới của cậu bị những đứa bé khác lao vào giành giật. Buổi tối hôm đó, một đứa trẻ khác được thưởng một chén cơm vì đã khiêng cái xác quẳng vào bãi rác công cộng, nghĩa trang của những người nghèo.

Những đứa con gái cũng không thoát khỏi sự bạo tàn của nhóm Yazak. Có một câu chuyện kể về một cô bé bị khâu âm đạo vì dám tự ý giao hoan với người khác. Một phụ nữ Yazak ngồi đè lên cô bé, cho những đứa trẻ lớn hơn giữ chặt tay chân cô, bà ta khâu âm đạo cô bé lại bằng kim và chỉ khâu, chỉ chừa lại một cái lỗ nhỏ xíu cho việc tiểu tiện. Nếu cô bé tìm cách tự cắt chỉ bằng dao hay kiếng vỡ chắc chắn sẽ bị nhiễm trùng và cái đích cuối cùng vẫn là bãi rác. Với những người vi phạm lần thứ hai, âm đạo của họ sẽ bị khâu kín hoàn toàn. Rất ít người vi phạm lần thứ hai có thể lớn lên đến tuổi trưởng thành. Bạn có thể nghĩ rằng điều này không hợp lý, bởi vì đằng nào các cô bé này cũng sẽ rơi vào các ổ gái điếm. Nhưng không, sự trừng phạt dã man đó khiến các cô bé khác e sợ và không bao giờ dám lừa dối nhóm Yazak. Hơn nữa, việc “đóng cửa” một cô bé, như cách gọi của họ, có thể xem là một cách đầu tư, bởi vì những cô bé bị “đóng cửa” sẽ trở nên chuyên nghiệp trong việc phục vụ khách bằng những cách thức khác và như thế họ sẽ được khách thưởng tiền nhiều hơn.

Việc chạy trốn rất hiếm hoi. Khi một đứa trẻ chạy trốn, việc bị bắt lại là không tránh khỏi vì giữa các Trại mồ côi có một quy luật tuyệt đối trong việc trả lại những kẻ lang thang. Hình phạt cho việc chạy trốn là ném đá. Đứa trẻ chạy trốn sẽ bị quấn trong một cái bao tải, vứt nằm trên sàn, bị mọi người xung quanh ném đá cho đến chết. Khi trò vui kết thúc, cái bao sẽ được bịt kín lại và quẳng ra bãi rác, không ai buồn kiểm tra xem đứa bé tội nghiệp còn sống hay đã chết. Tiếng la khóc đau đớn của nạn nhân trong lúc bị ném đá làm nhụt chí những đứa trẻ khác, nhất là khi hình phạt được thi hành bởi những đứa trẻ đang manh nha tìm cách trốn đi.

Với hệ thống công lý tàn nhẫn này, Trại mồ côi trở thành một ngôi nhà yên bình, trật tự cho những đứa trẻ mà sau này lớn lên sẽ trở thành những u nhọt của xã hội.

Không có trẻ sơ sinh ở Trại mồ côi, vì chúng được đưa đi một nơi khác. Trẻ sơ sinh có giá trị cao hơn. Các cô gái điếm được khuyến khích từ bỏ những “của nợ” mà khách hàng của họ để lại. Trẻ sơ sinh được đưa đến một túp lều màu nâu nhạt đối diện khu chợ bán thịt, ngôi nhà chứa khoảng năm mươi trẻ nhỏ cùng các vú nuôi. Những đứa bé này được một mạng lưới ăn xin có tổ chức đến thuê mỗi ngày, vì một kẻ ăn xin với một đứa bé sẽ kiếm được số tiền gấp năm lần một người ăn xin không có đứa bé nào (quy luật này cũng đúng với những đứa trẻ dị dạng hoặc cụt chi). Những đứa bé này được cho ăn đầy đủ để sinh tồn,nhưng không được để quá mập. Một đứa bé mập sẽ không khóc vì đói ngay cả khi chúng bị chọc một cây kim dưới mông, mà bất cứ đứa bé nào cũng phải gào lên. Trẻ sơ sinh cũng bị xăm người làm dấu và người thuê phải trả chúng về khi mặt trời lặn để chúng được cho ăn. Nếu một trẻ sơ sinh sống sót qua giai đoạn đầu, nó sẽ được đưa vào Trại mồ côi, còn nếu không, nó sẽ ra bãi rác.

Người dạy tôi những điều đó là chồng tôi, Shahalad.
  
                                    ***

Buổi sáng sau khi tôi được “khai sáng” ở nhà Ông chủ Gahil bởi ông chú hay cười, bác sĩ Dasdaheer lại đến thăm tôi. Dường như ông vẫn mặc chiếc áo nhàu nát ngày hôm qua. Bác sĩ khám cho tôi nhưng lần này ông chỉ khám xung quanh cửa mình. Ông tuyên bố, và tôi cảm thấy nhẹ nhõm: “Tốt. Không thương tổn gì”. Ông để một chiếc sơmi trắng tay dài lên giường cho tôi mặc. Sau khi ông bước ra, tôi mặc áo vào, vì mãi đến lúc đó tôi vẫn còn trần truồng.

Tôi nằm bất động trên giường khoảng một hoặc hai giờ nữa. Cuối cùng khóa cửa kêu lách cách và Ông chủ Gahil bước vào. Ông mặc chiếc áo choàng dài màu trắng viền vàng và tươi cười với tôi: “Batuk, tối qua cháu thật tuyệt vời; chúc mừng cháu, công chúa nhỏ”.

Tôi nhìn vào khoảng không trước mặt và ông tiếp tục: “Cháu thích những cái bánh ngọt của bà Kumud như thế nào thì chú Nir cũng yêu thích cháu như thế”. Tôi nhớ đến gương mặt hay cười của ông chú và đôi giày bóng loáng của ông.

Ông chủ Gahil tiếp tục bằng giọng trầm trầm: “Khi một người đàn ông trở thành một ông chú, ông ta bắt đầu thích một loại bánh mới, và cháu, công chúa, cháu là cái bánh ngon nhất mà ông ấy từng ăn”.

Ông nhe răng cười như thể ông muốn tôi cùng cười với câu chuyện đùa của ông. Nhưng tôi vẫn nhìn chăm chăm vào khoảng không. Ông hít hơi vào và tiếp tục: “Batuk, cháu rất đặc biệt vì cháu có thể khiến các ông chú cảm thấy vô cùng hứng khởi. Điều đó khiến cháu rất tuyệt vời, như một công chúa trong lâu đài”.

Ông đến gần tôi và ngồi lên giường kế bên tôi. Tôi vẫn nằm yên, không nhìn lên, cũng không động đậy. “Thật ra, công chúa nhỏ”, ông nói tiếp, “Ta có một sắp xếp đặc biệt cho cháu - chỉ cho cháu thôi - để cháu có thể làm thêm thật nhiều bánh với các ông chú khác. Tất cả bọn họ đều sẽ yêu mến cháu. Họ sẽ cho cháu nhiều quà, quần áo, đồ chơi và thức ăn ngon. Cháu sẽ thấy rất vui; cháu làm bánh với họ và họ sẽ cho cháu rất nhiều quà. Như thế có tuyệt không nào?”. Tôi lật mình nằm úp mặt xuống giường.

Ông nói với cái lưng của tôi: “Nào, cháu sẽ nói gì với chú Gahil?”. Tôi không nói gì cả. Ông chủ Gahil lặp lại: “Cháu sẽ nói gì với ta?”. Lần này ông không chờ câu trả lời nữa. Ông dùng tay trái nắm tóc tôi và kéo tôi khỏi giường. Với bàn tay phải, ông tát thật mạnh vào mặt tôi. Tôi nghĩ tôi sẽ ngất đi. Ông tát tôi lần nữa bằng mu bàn tay (ông biết không nên tát tôi bằng bàn tay đeo nhẫn). Vẫn nắm tóc tôi, ông kéo mặt tôi sát vào mặt ông đến mức tôi có thể ngửi thấy mùi da của ông và cảm thấy nước bọt văng vào mặt: “Cháu sẽ nói gì nào?”. Tôi đau đớn và mệt lả đến mức không còn chút kháng cự nào. Tôi thì thào: “Cảm ơn chú”. Ông thả tóc tôi ra, kết thúc cuộc nói chuyện: “Phải thế chứ! Cháu sẽ có một thời gian vui vẻ, cô bé may mắn”. Rồi ông bước ra ngoài. Da đầu tôi tê tái còn mặt thì bỏng rát. Tôi nằm úp mặt xuống giường một lần nữa. Tôi nhớ câu chuyện cổ tích cũ mà tôi từng đọc khi còn nhỏ, tưởng tượng mình là nàng công chúa bị kẹt trên hòn đảo nhỏ xíu giữa cơn bão. Nước đang dâng trào xung quanh, tôi kêu khóc gọi người yêu mình, nhưng ngay cả khi tôi sắp bị nước nhấn chìm, anh ta vẫn không đến.

                                 ***
Khi đang nằm trên giường mơ màng, tôi cảm thấy không phải chỉ một mình tôi trong phòng. Từ phía sau phòng có một người tiến lại gần. Hai tay tôi bị quặt ra sau lưng, hai cổ tay bị trói lại. Ai đó kéo hai cánh tay tôi từ phía sau và tôi gượng dậy quỳ trên giường. Tôi không còn là cô bé Batuk của hai ngày trước, khi mới bước chân vào ngôi nhà này nữa. Đôi khi cuộc sống của bạn thay đổi chỉ trong vài giây nhưng đôi khi mất cả đời. Với tôi, sự thay đổi đó mất hai ngày.

Một bàn tay đẩy giữa lưng tôi buộc tôi đi về phía cánh cửa không khóa, ra khỏi phòng ngủ. Tôi bị đẩy dọc hành lang, đi ngang căn phòng ăn mà tôi đã vào tối qua, đến căn phòng nơi cha để tôi lại, và ra khỏi cánh cửa gỗ sồi lớn. Một cú hích khác đẩy tôi đi xuống cầu thang bằng gạch, bước ra con đường nắng nóng của Mumbai. Chưa đầy một tuần trước, tôi đã rời ngôi làng của mình, giờ thì tôi đang ở trên một con tàu khác. Tôi đã bước lên cầu thang trong sự bảo bọc của cha, giờ thì tôi bước xuống cầu thang, hai tay bị trói và phải tự lo thân mình.

Một người đàn ông mà tôi chưa gặp bao giờ vừa đẩy vừa dắt tôi đi trên đường. Tôi quay lại vài lần, chỉ thoáng thấy hắn có một bộ râu xồm trông như một con chó bulldog. Tôi bị đẩy đi trên đường khoảng hơn một giờ, nhưng dường như không ai quan tâm đến một cô bé bị trói dắt đi với một sợi thừng. Cuối cùng, sau khi đi qua một ma trận đường phố và những con hẻm nhỏ, chúng tôi đến một khu đất rộng với những cột tre chống một mái lều làm bằng những mẩu vải vá víu: Trại mồ côi. Tôi bị đẩy qua đám trẻ con đến một ngôi nhà gạch ở cuối khu đất. Khi chúng tôi bước vào căn phòng chính, người hộ tống tôi có bề ngoài như con chó bulldog nói to: “Một con bé của Gahil đây”. Giọng hắn to và rõ: “Gahil nói nó khá dễ dãi. Ông ấy bảo làm việc với nó vài tuần, sau đó Mamaki Briila sẽ đến đón nó đi. Ông ấy nói không được làm hại nó”.

Hắn để tôi đứng trước cửa một căn phòng tối ngộp khói thuốc lá, lập lòe ánh sáng từ chiếc tivi. Trong phòng có những chiếc ghế cũ kỹ chắp vá, một cái bàn sứt sẹo. Căn phòng được trải một tấm thảm mòn vẹt, cũng được vá víu y như tấm mái của Trại mồ côi. Bức tường loang lổ những mảng vôi vàng đính lỏng lẻo vào lớp gạch. Kiến trúc ngôi nhà cũ gợi cảm giác về sự trường tồn, trong khi những chuyển động cuồng loạn của các Yazak gợi cho tôi về sự hiện diện tạm thời của họ trên mặt đất này.

“Cô!”, một giọng nói sắc lạnh vang lên từ bên trái căn phòng, “Tôi là chồng cô”. Dù tỏ ra cứng rắn nhưng bề ngoài Shahalad lại khá nhỏ con. Hắn đứng khòm nửa người nên cái đầu lúc nào cũng muốn ngẩng lên; điều đó không chỉ làm hắn lùn xủn mà còn khiến hắn trông có vẻ như luôn ngửi tìm gì đó trong không khí. Cái đầu cúi cùng tia mắt láo liêng khiến hắn trông như một con chuột cống. Shahalad không phải là một Yazak có cấp bậc cao nhất nhưng cũng không phải thấp nhất. Địa vị của hắn trong nhóm Yazak giúp tôi có một vị thế giữa những người trong giới của tôi. Khi hắn tuyên bố tôi là cô dâu của hắn, các Yazak xung quanh rộ lên một tràng cười chế nhạo, nhưng hắn chỉ đáp lại bằng một nụ cười khinh khỉnh.

Nếu hy vọng một lễ kết hôn kéo dài, hẳn tôi sẽ thất vọng nặng nề. Ngay khi tràng cười kết thúc, Shahalad nói bằng một giọng mạnh mẽ chậm rãi, hoàn toàn trái ngược với bề ngoài nhỏ con của hắn, rằng đã đến lúc động phòng. Hắn nắm tay tôi kéo về phía cuối phòng trong những tiếng cười nhạo báng: “Cô ta có biết mày có món quà gì tặng cho cô ta không?”, “Đừng trăng mật lâu quá nhé”, và một giọng cao chế giễu: “Em yêu, anh yêu em”.

***
Ở Trại mồ côi, mọi thứ đều vội vã. Shahalad dẫn tôi ra căn phòng phía sau tòa nhà, chỉ được chiếu sáng từ căn phòng chính. Hắn ấn tôi úp mặt vào tường và lật chiếc áo khoác của tôi lên. Tôi cảm thấy hắn cố gắng nhét nó vào người tôi một cách vụng về từ phía sau với một tay đè lên gáy tôi. Hắn sờ soạng và thở hổn hển. Hắn chửi thề. Hắn nhanh chóng nhận ra không thể lèo lái tôi theo cách hắn muốn được. Hắn quẳng tôi lên một tấm nệm phủ một lớp vải xơ xác giữa phòng. Hắn xoạc chân tôi ra, nằm đè lên người tôi. Hắn nặng hơn tôi tưởng, dù tôi không cố gắng chống cự - có lẽ đó là kết quả của sự đổi mới trong tôi. Hắn không nói lời nào kể từ khi chúng tôi bước vào phòng. Hắn đẩy một vài lần trước khi tôi cảm thấy sự rung động kết thúc. Khi xong việc, hắn lăn khỏi người tôi nằm ngửa ra thở dốc. Tôi cảm thấy hắn muốn nói gì đó nhưng hắn không nói gì. Hai chúng tôi nằm ngửa, im lặng nhìn trần nhà tối đen.

Vào lúc đó, bóng tối bị ngắt quãng bởi tiếng hò reo của các Yazak và tiếng tivi trong căn phòng chính. Tôi cảm thấy linh hồn mình đang từ từ rời khỏi xác. Khi vẽ một bức tranh, bạn quệt màu vào tấm vải; đó là một quy trình cơ học khi cây cọ được nhúng vào thuốc màu và quét lên tấm vải. Tuy nhiên, khi một kiệt tác được hình thành, bức tranh không chỉ đơn thuần là sự thể hiện màu sắc mà nó còn sở hữu tinh hoa của người nghệ sĩ. Vào lúc đó, một phần tử không thể xác định sẽ hòa lẫn vào tấm vải; bạn không thể cân đong và cũng không thể nhìn thấy nó, nhưng nó vẫn ở đó! Nó là linh hồn.

Trong ô phòng nhỏ tối tăm, tôi thả linh hồn khỏi thể xác mình. Linh hồn tôi nhảy lên không trung, ở đó nó được tự do. Tôi gầm lên trong không khí, hôn Navaj chúc cậu bé ngủ ngon, giấu cái vòng của mẹ để sáng mai mẹ không tìm thấy, và canh chừng giấc ngủ cho cha vì cha cần tôi làm thế. Tôi cuộn mình dưới chân những nhà thơ vĩ đại, lướt qua bờm những chú ngựa chạy nhanh nhất. Tôi lấp đầy những hang động tĩnh lặng của các ngọn núi, luồn qua móng vuốt của một con chim ưng khi nó sà xuống quắp một con chuột đồng. Tôi phớt lờ những người đang hấp hối, vì không lâu nữa họ sẽ lên đây với tôi, nhưng tôi giúp những người bệnh nếm trải cơn đau. Tôi cười trước sự mù quáng mà cả người nghèo lẫn người giàu cùng chia sẻ. Tất cả những điều đó diễn ra khi tôi đang nằm kế bên người chồng im lặng của mình.

Sự yên lặng trong căn phòng bị phá vỡ khi Shahalad đột ngột vùng dậy. Tôi tưởng hắn đã ngủ. Hắn đi ra cửa rồi khựng lại, quay vào đứng kế bên tôi. Hắn nhìn xuống tôi đang nằm, nở một nụ cười nhăn nhở. Sau đó hắn quay lưng ra ngoài.

Khi Shahalad bước vào căn phòng chính, tôi có thể nghe thấy tiếng vỗ tay hoan hô của các Yazak. Một lát sau, chổng tôi quay lại, tôi nghĩ chắc sẽ có một vòng làm bánh nữa nhưng không, hắn bảo tôi theo hắn vào phòng chính. Khi đứng lên, tôi không thấy đau nhưng tôi cảm thấy một chất lỏng chảy dọc xuống đùi mình. Khi bước vào phòng sau lưng Shahalad, tôi bị một tràng tấn công: “Mày may mắn lắm, có một anh chàng với cái dương vật nhỏ xíu, và “Đó mới là khai vị thôi, mày sẵn sàng cho món chính chưa?”. Tôi nhìn xuống sàn và thấy sàn đá nhẵn thín vì những bước chân qua hàng thế kỷ.

Rõ ràng nhan sắc của tôi khiến Shahalad ưa thích vì thỉnh thoảng hắn liếc nhìn tôi khi hòa vào đám người trong phòng. Tôi thấy những đứa trẻ ra vào căn phòng chính, tìm kiếm người chăn dắt của mình, có lẽ để nhận lệnh hay nhận phần thưởng. Tôi nhanh chóng nhận ra mọi người ở Trại mồ côi đều rất cẩn thận lời nói. Người Yazak không bao giờ công nhận một việc đã hoàn thành, họ chỉ trao phần thưởng bằng một mệnh lệnh: “Bảo đầu bếp cho mày một chén cơm với thịt” (một phần thưởng hiếm hoi). Vì việc không vâng lời Yazak sẽ bị trừng phạt nặng nề nên chỉ có những kẻ ngu ngốc mới dám thử canh bạc đầy rủi ro đó. Đôi khi sự tàn bạo không chỉ để duy trì công lý mà đơn giản vì thú vui. Tôi từng chứng kiến một đứa trẻ (có lẽ khoảng tám tuổi) bị xử tử, vì dám đe dọa một đứa trẻ khác bằng một con dao. Người Yazak bắt đứa trẻ có tội quỳ xuống, sau đó hắn quỳ sau lưng cậu bé và ôm cậu thật chặt. Người Yazak cho một đứa trẻ khác rạch họng đứa trẻ đang bị giữ chặt trong khi đám đông im lặng đứng nhìn. Hãm hiếp cũng là chuyện bình thường. Một cô điếm già hay một em gái nhỏ đều có thể bị lôi vào phòng chính, bị trói lên bàn, lột quần áo cho bất cứ người đàn ông nào hứng thú. Tôi biết không nên can thiệp. Tôi học được rằng tuân lệnh là lý tưởng và giá trị cuộc sống chỉ là một giây; đó là tín điều của Yazak.

Ngày thứ hai tôi ở đây, Wolf, kẻ cầm đầu Yazak, nói to qua căn phòng: “Shah, tôi sẽ mời vợ anh một tách trà để trấn an là cô bé được anh chăm sóc tốt”. Wolf không như các Yazak khác. Những người khác, kể cả Shahalad, ăn mặc rách rưới dơ bẩn, còn Wolf thì rất chỉnh tề. Hôm nay, hắn mặc áo sơmi trắng, quần jean, mang giày da màu nâu, cạo râu sạch sẽ, tóc chải gọn gàng. Hắn không xấu mà cũng không đẹp. Điểm đáng chú ý nhất là trông hắn như một cậu bé mười bốn tuổi mặc dù thực sự hắn già hơn nhiều. Hắn tạo cho người khác một cảm giác ngây thơ vô hại.

Những người Yazak rất sợ Wolf. Họ không bao giờ nói chuyện về hắn khi hắn không có mặt vì sợ một Yazak khác sẽ tọc mạch. Khi Wolf bước vào phòng chính, tất cả đều im lặng, và khi hắn ra lệnh, có một sự vâng lời tuyệt đối. Tôi chưa bao giờ thấy ai dám thắc mắc về mệnh lệnh của hắn. Một điều thú vị nữa về Wolf là hắn không sống ở Trại mồ côi như các Yazak khác mà sống ở đâu đó trong thành phố. Thỉnh thoảng hắn xuất hiện trong phòng chính để nói chuyện với những Yazak cấp cao nhất hoặc đôi khi chỉ để xem tivi, nhưng sau đó hắn sẽ bỏ đi. Ít nhất một tuần một lần, hắn mang theo một cái vali nhẹ, bên trong đựng những gói bột màu trắng và nâu được gói ghém gọn gàng, những viên thuốc nhiều màu và những miếng gỗ nhỏ màu nâu nhạt. Bọn trẻ, dưới sự điều động của các Yazak, mang những gói nhỏ này đi khắp thành phố. Những lần tôi gặp Wolf, hắn không bao giờ cao giọng, luôn luôn mỉm cười. Bọn trẻ thích gặp hắn vì hắn luôn có kẹo bánh, những đồng xu hay những lời dịu dàng dành cho chúng. Vẻ ngoài tử tế của hắn thật sự là một chiếc mặt nạ dối trá.

Wolf vẫy tay với tôi, tôi tiến lại gần; hắn có một quyền năng thực sự. Hắn hỏi: “Cô bé tên gì?”.

Tôi nhìn xuống đất: “Batuk”.

“Batuk, cái tên thật dễ thương. Tôi chỉ muốn uống một tách trà với cô và bảo đảm rằng gã Shahalad tồi tệ sẽ đối xử tốt với cô. Ông chủ Gahil muốn cô phải có những thời gian vui vẻ ở đây vì ông ta có những kế hoạch tốt cho cô. Chúng ta hãy đi đâu đó riêng tư một chút.”

Wolf dắt tôi đi về phía sau nhà, đám Yazak và bọn trẻ dạt ra hai bên nhường đường. Khi chúng tôi đến một trong những căn phòng lớn phía sau, một Yazak theo sau trải một tấm vải sạch lên tấm nệm rồi đi ra ngoài. Wolf nói rất nhẹ nhàng: “Batuk, quỳ xuống”. Tôi quỳ xuống trước mặt hắn, hắn tiếp tục dịu dàng nói với tôi: “Tôi tên là Wolf, công việc của tôi là chăm sóc cho tất cả mọi người...”. Vừa nói hắn vừa kéo dây kéo quần, lôi nó ra, ấn đầu tôi vào đó. Tôi biết mình cần phải làm gì. Hắn tiếp tục nói: “Tôi phải bảo đảm rằng tất cả mọi người... cô, Shahalad, Gahil... được sắp xếp tốt... mọi người đều vui vẻ. Ví dụ như Ông chủ Gahil cần phải chắc chắn rằng cô sẽ làm việc tốt cho ông ấy để ông ấy có thể chăm sóc cho cô”. Hắn tiếp tục: “Cô cần phải làm việc chăm chỉ cho Gahil nếu cô muốn có quần áo đẹp và đồ chơi”. Hắn kéo đầu tôi ra. Hắn lấy một gói nhỏ trong túi, rắc một thứ bột trắng lên nó. “Batuk”, hắn tiếp tục, “Đây là một ít phần thưởng cho cô. Hãy làm một cô bé ngoan”. Loại đường đó không ngọt chút nào mà có vị hơi đắng. Khi hắn nắm đầu tôi dọc theo lớp da căng cứng đắng nghét, một ánh sáng chói lòa lóe lên trong đầu tôi... Tôi gần như muốn nổ tung nhưng tôi phó thác thân mình cho Wolf.

Tôi thức dậy trên tấm nệm lúc trời tối. Tấm trải đã được lấy đi. Tôi đau đớn và hoàn toàn trần truồng. Toàn bộ phần cổ tôi đau như dần. Tóc tôi ướt lạnh, căn phòng có một cái mùi tồi tệ. Tôi nhìn quanh. Shahalad đang ngồi nhìn tôi từ một góc phòng. Khi thấy tôi đã tỉnh, hắn bặm môi như đang mút một cây kẹo. Dù rất đau đớn nhưng tôi có thể thấy hắn cũng đang buồn - có thể cho tôi hoặc có thể cho chính hắn.

Shahalad đứng dậy, bước lại gần, dạng chân đứng ngang người tôi. Tôi không thể nhìn được vào mắt hắn vì căn phòng rất tối. Hắn tuột quần xuống (hắn không mang giày) và leo lên người tôi. Hắn ấn mạnh vào người tôi với một cơn giận điên cuồng đến mức tôi nghĩ hắn có thể giết chết mình. Khi hắn thả tôi ra, tôi nhận ra mùi hôi trên tóc mình là mùi nước tiểu.

                                        ***

Shahalad không phải là một người chồng đòi hỏi, và tôi chỉ là một vật trang trí cho hắn. Đó là một vai trò mà tôi vui vẻ đảm nhận. Tôi càng tỏ ra chứng thực khả năng đàn ông của hắn thì hắn càng có vẻ ít nhu cầu. Trên thực tế, trong vòng một tuần, hắn kéo tôi vào căn phòng phía sau vài lần (tôi đã học cách giả vờ sợ hãi kêu khóc). Khi vào đến đó, chúng tôi chỉ ngồi nhìn nhau, đôi khi hàng giờ. Trong khi chúng tôi ngồi trên tấm nệm, tôi giả vờ rên rỉ đau đớn hoặc đôi khi nài nỉ “nữa đi”. Đó hoàn toàn là ý kiến của tôi và hắn hài lòng với điều đó.

Thỉnh thoảng Shahalad cũng leo lên người tôi làm bánh nhưng hắn luôn luôn chỉ cầm cự được một thời gian rất ngắn, tôi cũng ít đau đớn hơn vì đã quen dần với điều đó. Khi đã quen, tôi cũng luyện tập tốt hơn khả năng thả lỏng mình vào không trung. Đôi khi hắn nói chuyện với tôi. Hắn thường nói về những việc xảy ra ở Trại mồ côi. Khi hắn kể về những vụ đánh đập và trừng phạt, tôi nghĩ đó là một cách xua tan nỗi đau của chính hắn. Hắn kể về những thành tích của Wolf, một phần ngưỡng mộ, một phần căm ghét. Có lần hắn kể hắn có một người em trai đã chết, nhưng hắn không nói gì khác về bản thân hay gia đình. Một lần, hắn bảo hắn thích tôi. Dường như hắn không mong đợi tôi nói gì, và tôi cũng không có gì để nói. Nhiều lúc chúng tôi chỉ ngồi bên nhau, im lặng hoàn toàn. Hắn ngồi hút thuốc, chúng tôi chia sẻ sự yên tĩnh với nhau. Tôi ước những giây phút đó sẽ không bao giờ kết thúc và tôi nghĩ hắn cũng mong ước như thế.

Ngoài những lúc ở phòng sau với Shahalad, tôi gần như không có việc gì làm, chỉ ngồi không trong căn phòng chính. Tôi thích cái băng ghế gỗ ở cuối phòng, nơi tôi có thể ngồi hoặc nằm nhìn mọi thứ xung quanh. Tôi hài lòng vì hầu hết thời gian tôi được ở một mình. Trái lại, những đứa con gái khác thích đi vòng vòng trong phòng. Cũng như hệ thống cấp bậc giữa các Yazak, có một thứ tự tương tự giữa các cô vợ. Họ thích khoe đùi hoặc khoe ngực. Đôi khi họ tán tỉnh những Yazak khác không phải chồng mình, kết quả thường là một trận chiến nảy lửa giữa các cô vợ ghen tuông. Đôi khi các cô vợ cũng tham gia việc trừng phạt một con điếm đường phố, bị mang vào phòng chính để “dạy dỗ” vì tội lười biếng hay không kiếm được nhiều tiền. Họ sẽ giúp trói cô gái lại hoặc thậm chí cổ vũ một Yazak “chẻ cô ta ra”. Có lần tôi thấy một cô vợ Yazak vừa nhét đáy chai bia vào một cô gái đứng đường xấu xí vừa nói: “Thế này nó sẽ biết điều hơn”. Ở các cô vợ, một số người chỉ hơi lớn hơn tôi một chút, cũng có sự tàn bạo dã man. Động lực của điều đó, theo tôi, đơn giản là sự tồn tại. Tôi sung sướng tan chảy vào cái ghế của mình ở cuối phòng tìm kiếm sự vô hình.

Hầu hết thời gian, các Yazak khác, ngoại trừ Shahalad, đều để tôi một mình. Có một quy luật nghiêm ngặt là một Yazak không được dắt vợ người khác vào phòng sau và tôi chưa bao giờ thấy quy luật này bị vi phạm. Wolf dĩ nhiên là ngoại lệ. Tôi không phải típ phụ nữ của Wolf, hắn không bao giờ dắt tôi ra phòng sau lần nữa, mặc dù mỗi lần bắt gặp tia nhìn của hắn hay cảm thấy hắn đang nhìn mình, tôi đều cảm thấy cơn đau dội lên và những sợi lông tóc của tôi như đông cứng lại. Những vết bầm mà hắn gây ra cho tôi đã lành. Một cô vợ Yazak khác là lựa chọn của Wolf, cô ta cao ráo xinh đẹp, tỏ ra hào hứng với sự chú ý của Wolf và thường xuyên chế giễu chồng mình trước đám đông, biết rằng không ai dám làm gì mình. Cho đến một ngày kia, cô ta đột nhiên biến mất. Tôi nhanh chóng nhận thấy Wolf luôn tự mình chào đón tất cả những cô vợ mới và hắn thích gây ra sự sợ hãi cũng như căm ghét ở họ. Sự thống trị của hắn lên các cô vợ cũng tương tự như lên những ông chồng. Vài năm sau này, khi ở Đường Chung, tôi nghe nói cuối cùng các Yazak cũng đã lật đổ Wolf, băm vằm hắn thành từng mảnh bằng dao và miểng chai vỡ. Cuộc phanh thây hoàn hảo đến mức hắn được mang đến bãi rác trong hai mươi bao giấy nhỏ. Đó là điều tất yếu cho những thủ lĩnh vĩ đại, có thành công và cũng có thất bại.

                                   ***

Tuần thứ hai ở Trại mồ côi, tôi gặp Puneet lần đầu tiên. Giữa cái nắng nóng ban trưa, Shahalad dắt tôi vào phòng sau. Hắn làm một cái bánh nhẹ với tôi và cả hai chúng tôi đều lăn ra ngủ. Chúng tôi tỉnh dậy bởi tiếng ồn ào trong phòng chính. Shahalad nhảy dựng lên chạy ra ngoài. Vài phút sau, tôi thơ thẩn ra phòng chính, tìm đến cái ghế của mình ở cuối phòng. Trên cái ghế của tôi, Puneet đang ngồi; lúc đó anh khoảng tám tuổi, một cậu bé còm nhom với gương mặt thanh tú ngồi co rúm, nước mắt dàn dụa, mái tóc đen bám đầy bụi đất. Cậu bé vừa bị bắt ngoài đường.

Như nhiều đứa trẻ đường phố đói khổ khác, Puneet bị bắt lúc đang ăn cắp thức ăn ngoài chợ và được gởi đến Trại mồ côi. Đó là cách thông thường bọn trẻ đến đây; chúng bị bắt khi đang phạm một tội nhỏ nào đó, hoặc bởi người bán hàng, hoặc bởi một thành viên khác của Trại mồ côi, hoặc thậm chí bởi cảnh sát. Khi đó sẽ có một Yazak được gọi đến đưa chúng về Trại mồ côi. Khi người Yazak đến nhận Puneet từ người bán trái cây, anh đang bị trói vào cột đèn. Người Yazak lập tức nhìn thấy tiềm năng của Puneet là một cậu bé xinh đẹp. Những cậu bé như thế sẽ trở nên có giá khi trở thành đàn ông hoặc thành những cậubé-con-gái - những cậu bé được mặc đồ như con gái. Puneet chắc chắn trở thành một cậubé-con-gái vì những nét nữ tính của anh. Anh được người Yazak mang về ngôi nhà gạch trong khi tôi và Shahalad đang ngủ. Wolf lập tức chiếm lĩnh anh trước khi giao anh cho một Yazak khác; những cậu-bé-con-gái mới luôn là sở thích lớn nhất của Wolf. Thật sự tôi có nghe thấy tiếng thét của Puneet vài giờ trước nhưng tôi không nghĩ gì cả, vì những âm thanh như vậy vang lên rất thường xuyên ở đây. Wolf hành hạ anh vài giờ trước khi có một sự cố trong Trại mồ côi khiến hắn buộc phải thả Puneet ra.

Khi Wolf chìm giữa những tiếng la hét, tôi ngồi kế Puneet và chúng tôi im lặng ngồi nhìn những Yazak vây quanh Wolf giữa phòng. Vấn đề là một Trại mồ côi khác bắt đầu vận chuyển hàng ăn cắp qua địa phận của chúng tôi. Sự phân chia ranh giới giữa ba Trại mồ côi chính được xác định rõ ràng và rất hiếm khi bị xâm phạm. Tuy nhiên, hôm nay là một ngoại lệ. Wolf, luôn nói chuyện nhẹ nhàng, yêu cầu mọi người phải thận trọng. Lần đầu tiên tôi thấy, một trong các Yazak cấp cao không đồng ý với hắn, quả quyết rằng cần phải đánh nhau để bảo vệ lãnh thổ. Tôi không biết chính xác chuyện gì xảy ra vì đám đông rất ồn ào, và người Yazak này chạy bung ra ngoài hét lên đau đớn, máu phun ra từ má anh ta. Mọi người khác đều tỏ ra đồng ý với cách tiếp cận của Wolf.

Cuộc khủng hoảng này khiến các Yazak thức trắng đêm. Kết quả là tôi trải qua vài giờ liên tục một mình với Puneet. Tôi vẫn ngồi kế bên anh nhìn mọi chuyện diễn ra nhưng dường như anh không quan tâm gì cả. Vì đã quen ngồi im lặng một mình hàng giờ nên sự im lặng của Puneet không hề khiến tôi khó chịu. Chúng tôi ngồi bên nhau trong im lặng.

Thông thường, khi màn đêm buông xuống, các Yazak đưa vợ về những căn phòng phía sau. Nhiều cặp cùng ở chung một phòng vì có nhiều Yazak nhưng ít phòng, thậm chí một vài cặp ngủ ngay tại phòng chính. Tối nay thì khác, một nhóm Yazak đi theo Wolf để điều tra chuyện gì xảy ra, còn một nhóm khác ở lại, im lặng và căng thẳng. Tivi có một trận đấu cricket nhưng căn phòng hoàn toàn im lặng. Cuối cùng, tôi thấy Puneet nhắm mắt và gục đầu xuống ngủ. Tôi rời cái ghế để anh nằm xuống. Khi anh nằm xuống, tôi thấy một vũng máu dưới chỗ anh đã ngồi; vũng máu đã khô và đen sẫm. Tôi ngủ trên sàn dưới chân anh.

Wolf đã đúng. Chuyện đã xảy ra, như sau này tôi nghe kể lại, là một nhóm trộm cắp nhỏ đã đi lạc vào lãnh địa của chúng tôi. Vấn đề nhanh chóng được giải quyết tối hôm đó, khi Wolf và một số Yazak của chúng tôi gặp các lãnh đạo của một Trại mồ côi khác. Có thể có một số bồi thường thiệt hại nào đó; Shahalad không biết chính xác những bồi thường đó là gì nhưng cả hai chúng tôi đều đoán là nhóm trộm vặt kia hẳn đã trở thành một phần bãi rác khổng lồ của Mumbai.

Buổi tối hôm sau, lần đầu tiên tôi nằm mơ về người bán nón. Dù không biết sau này mình sẽ mơ lại giấc mơ đó nhiều lần nữa nhưng ngay lúc đó nó đã khiến tôi thắc mắc. Dường như điều đó đã thực sự xảy ra khi tôi bừng tỉnh lúc nửa đêm, hai tay quơ quào những cái nón bị rơi. Tôi cảm thấy như mình đang đi xuống khu chợ giống như một điềm báo trước. Thực tế chứng minh điều đó khi ba ngày sau, bà Mamaki Briila đến dẫn tôi đi.

Khi bà Mamaki Briila bước vào phòng chính, các Yazak gọi to “bà Hà Mã”. Bà không tỏ ra khó chịu mà chỉ mỉm cười một cách dễ dãi. Bà Hà Mã dắt tôi đến Đường Chung - tôi được giải thoát. Tôi không hề biết rằng định mệnh của Puneet đã gắn chặt với mình, nhưng một vài tuần sau, anh xuất hiện, chiếm cái ổ cách tôi hai gian. Tôi không bao giờ có cơ hội nói lời tạm biệt Shahalad.

                                    ***

Có lẽ hôm qua Puneet đã cười rất nhiều với câu chuyện đùa về chồng bà Hà Mã, nhưng hôm nay anh vẫn ngồi một mình ủ rũ. Khi ngồi cúi gằm như thế suốt ngày, anh không có giá trị gì với tôi cả.

Nhìn xuống đường, tôi thấy một ông già. Ông già tóc bạc lưng gù đang đi bộ trên Đường Chung tiến về phía tôi. Ông mặc một bộ vest quá khổ màu nâu, tay phải cầm một cây gậy chống sáng bóng. Phía chân cây gậy tẽ làm ba, mỗi chân nhỏ được bọc một miếng cao su đen. Ngoại trừ cây gậy trông khá chắc chắn, mọi thứ khác của ông ta đều có vẻ mong manh. Những cố gắng bám víu của ông với cuộc sống này, mỏng manh như một từ được viết bằng viết chì bên dưới một cục tẩy.
Mỗi lần chống gậy tiến lên một bước, ông giống như một người thợ sửa đồng hồ cẩn thận đặt một bánh răng vào bộ máy đồng hồ. Khi cây gậy được đặt xuống trước mặt ông khoảng hai tấc, chân trái ông lê bước lên một chút: suỵt, suỵt, suỵt. Khi chân trái đã vào vị trí thì ông nghỉ một chút rồi tiếp tục lê chân phải lên: suỵt, suỵt, suỵt. Có thể ông có quyền tận hưởng sự chậm rãi này vì ông có khả năng trường sinh bất tử, khi đó thời gian không còn quan trọng nữa. Nhưng hợp lý hơn, có lẽ ông đang lê bước bên miệng hố tử thần và ông sợ rằng nếu bị trượt chân, ông sẽ rơi xuống hố sâu vĩnh hằng ấy.

Tuy nhiên, điều buồn cười nhất là trong khi lê bước chậm rãi như thế, tay trái ông bụm chặt hạ bộ của mình, như thể nó sắp rơi ra. Ông bụm chặt đến mức tôi có thể thấy khớp đốt tay ông hằn trắng trên lớp da nhăn nheo. Tôi nhìn ông chăm chăm nhưng ông vẫn nhìn về phía trước, hoàn toàn không thể hiện một cảm xúc gì. Tôi nhìn ông cả giờ đồng hồ nhưng ông chỉ đi được khoảng năm mươi bước. Tôi dám chắc ông sẽ không làm bánh với tôi. Nếu ông muốn làm, chắc tôi mất cả ngày trời. Tôi sẽ chỉ ông sang Puneet, nhưng tại sao phải quan tâm?

Thật là tai họa! Từ phía đầu Đường Chung, ông Mũi Khoằm xuất hiện cho chuyến viếng thăm tôi hàng tuần. Lần đầu tiên ông làm bánh với tôi, mồ hôi trên lưng ông đổ ra như tắm, và ông nói “cảm ơn” một cách lắp bắp như dáng đi của một ông già. Nhưng giờ thì ông Mũi Khoằm tự tin hơn nhiều, vui vẻ chân sáo trên đường như thể đang đi dự một bữa tiệc sinh nhật.

                                ***
Khi ông Mũi Khoằm sửa sang quần áo chuẩn bị ra về, ông hôn nhẹ lên má tôi như thể tạm biệt một cô cháu gái. Ông nói: “Tôi vừa tặng em một đặc ân đấy, cưng ạ”. Thậtlòng mà nói, đúng là ông đã cho tôi một đặc ân khi chỉ làm một cái bánh nhỏ trong năm phút dù ở với tôi đến hơn một giờ. Ông tiếp tục: “Một quản lý cấp cao trong công ty tôi” (tôi không biết ông làm gì, mặc dù tôi dám chắc ông không phải là một nhân viên giỏi) “hỏi mọi người xem có ai biết một cô gái xinh đẹp để đi dự tiệc không. Tôi bảo ông ấy xuống đây gặp cô gái trong căn... phòng có màn cửa màu xanh lá cây”.

“Ồ”, tôi nói (tôi không biết tên ông và chắc chắn không thể gọi ông là ông Mũi Khoằm), “ông tốt với em quá. Lần tới em sẽ chuẩn bị một cái gì đó thật đặc biệt cho ông”. Tôi kéo ông lại gần ôm ông thật chặt. Dù tôi bày tỏ lòng biết ơn của mình một cách sâu sắc, vì tôi biết điều đó sẽ khiến ông vui lòng, nhưng ngay sau đó tôi quên bẵng mất.

Gần khuya hôm đó, một chiếc taxi chạy đến Đường Chung, ngừng lại gần cái ổ của tôi. Một người đàn ông bước ra khỏi chiếc xe hơi trắng. Trong bóng đêm, có vẻ như ông khá điển trai. Ông to con và tỏa ra một quyền lực mạnh mẽ như hương trà buổi sớm. Dưới ánh đèn taxi, tôi thấy ông mặc một bộ vest màu xanh nhạt. Tôi kinh ngạc nhìn bà Mamaki bay vụt ra khi ngửi thấy hơi tiền; bà nhảy xổ đến người đàn ông với sự nhanh nhẹn của một con dê núi. Người đàn ông nhìn chằm chằm vào cái ổ của tôi. Tấm màn màu xanh lá được vén lên một phần với ánh điện nhỏ chiếu sáng từ sau lưng tôi. Tôi không chắc ông có thấy mặt tôi không, nhưng ông nhìn tôi lâu hơn bình thường. Tôi bỗng sực nhớ những gì ông Mũi Khoằm nói với mình. Người đàn ông nói chuyện với bà Mamaki vài phút rồi quay lại nhìn tôi lần nữa. Ông leo lên taxi và chiếc taxi biến mất vào bóng đêm. Bà Mamaki vẫn đứng vẫy tay tạm biệt với một nụ cười toe toét.

Ngày hôm sau, tôi cảm thấy có điều gì đó bất thường xảy ra. Khay ăn sáng của tôi có cơm, thịt, trái cây. Khi tôi bắt đầu ăn, bà Mamaki lạch bạch bước vào cái ổ của tôi, ngồi xuống cạnh giường. Bà tỏ vẻ hào hứng đến mức không kiềm chế nổi. Bà nói như một người điên cố gắng lắp bắp diễn đạt ý tưởng của mình: “Batuk, con yêu, người đàn ông tối qua... (phù, phù), người ở trên taxi... (phù, phù)... ông ấy sẽ cho xe hơi đến đây đón con và đưa con đến khách sạn... dự một bữa tiệc. Một khách sạn!”. Bà lặp lại chữ “khách sạn” như thể nó là một thiên đường. “Con gái”, bà nói, một nụ cười giả dối xuất hiện, “con đã ở đây một thời gian, con đã làm việc rất tốt... Ta hứa với con, Batuk, con sẽ được ăn như thế này trong nhiều tuần”. Bà nói văng nước bọt lên người tôi, tôi cảm thấy thật ghê tởm. Tuy nhiên, tôi có thể thấy đây là một điều đáng mừng và tôi mỉm cười.

Giờ thì tôi lại một mình. Tôi chưa từng có cảm giác sợ hãi từ sau khi gặp những ông chú mới, nhưng giờ thì cảm giác đó lại trở về.

Cuốn sổ màu xanh đến đây là hết. 

                         

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro