Chương 1: Mùa Trăng Lạc Lối, Sao Rơi Ngút Nẻo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tháng 8 năm con rồng (Thun inưgirai), mưa gió thuận hoà (Păl halim hacan), đồng bằng ngập lụt, trong xứ loạn lạc.

Có một ngày nọ trong hạ tuần tháng 3 năm kế tiếp, sao Cầy nở, trời biến dị tượng.

Khi ánh sáng kia vụt qua, là thời khắc giao hội giữa mặt trăng và mặt trời, trong phút chốc rồi bị dập tắt. Triều dâng cực đại, mực nước cao hơn hẳn bình thường, chim trời lượn thành một vòng tròn lớn, sau đó đâm thẳng về phía vách đá và rơi hàng loạt. Có lẽ lúc đó là thời khắc định mệnh, chu kì mới xuất hiện chẳng biết sẽ kéo dài bao lâu...

***

"Jorani, em đang làm gì thế?"

"Chị Krah Kaong!" - Jorani thốt lên, ngoái đầu nhìn về sau lưng, nét cười trên gương mặt càng rạng rỡ, cô đứng lên phủi bụi trên làn váy trắng, sau đó chạy đến nắm lấy tay Krah Kaong kéo về chỗ mình đang làm việc, rồi chỉ tay vào đống bột gỗ hỗn loạn ở dưới đất. Jorani hí hửng kể: "Em muốn làm nhang nụ bằng gharu (kỳ nam), nhưng thật khó quá chị ạ! Em đang thử trước một vài hương liệu khác... Cái này là hương nhu, đinh tử, tiên hương, bạch đàn, à... còn có cả hoa ngọc lan!"

Krah Kaong ngạc nhiên: "Những thứ này em lấy ở đâu ra vậy?"

"Mấy cái này là em đổi được với mấy người Thiên Triều trong chợ đấy chị!" - Jorani khoe khoang chiến tích. - "Muk Wan chỉ em phơi cá khô, em nướng lên, pha thêm chút mắm me rồi đem đổi cho họ. Họ thích lắm, miệng ăn chưa hết đã vội muốn thêm nữa ạ!"

"Nhưng chị muốn hỏi, em định làm nhang nụ để làm gì?" - Krah Kaong nhíu mày, trước mắt cứ sợ Jorani bày biện linh tinh, sau đó lại chuốc thêm một vài phiền phức khác.

"Thì..." - Jorani ấp úng, không phải cô không muốn nói sự thật cho Krah Kaong, mà chỉ tại cô không biết nói sao cho phải, cũng không thể bịa đặt được mãi. Nhưng Jorani cứ lắp ba lắp bắp, suy cho cùng lại không nói được lí do hợp lý để Krah Kaong hài lòng. Cô mới thở dài một hơi, không hay biết từ lúc nào mồm mép của mình chẳng còn linh hoạt được nữa.

"Thế đến đây được vài ngày, đã cảm thấy quen thuộc hay chưa?"- Krah Kaong cũng không quá hứng thú, chỉ muốn hỏi cho có lệ, vừa hay thấy được sự bối rối của Jorani bèn đổi chủ đề khác. Cô vươn tay vén tóc mái xuề xòa của Jorani, rồi khẽ lấy ngón tay miết nhẹ lên má của cô ấy: "Chỗ này dính bẩn nè!"

Jorani lắc đầu, cô cười gượng gạo dùng mu bàn tay chùi đi vết lem luốt trên khuôn mặt mình: "Chị Krah Kaong, chị không thấy nghi ngờ về danh tính của em hay sao? Mọi người đều xa lánh em, bọn họ đều bảo em đến từ Yashodharapura (Angkor), là người Cao Miên (Khmer) theo toán quân của La -Chân Đà-La-Bạt-Ma Nhị-Thế (Rajendravarman II) đến để cướp bóc... Chị không sợ em làm nội gián để tìm cách ám hại chị với Muk Wan hay sao?"

Thật sự đến nơi này đã gần ba tháng, sinh hoạt hằng ngày cũng vào nề nếp, chỉ có đều vẫn còn bất tiện trong giao tiếp. Cũng may là Krah Kaong biết một ít tiếng Việt, nhờ vậy mới giúp đỡ cho cô được phần nào. Hơn hết, lí do Jorani bị dân làng ghét bỏ cũng bởi vì khi cô xuất hiện thì trên người cô mặc trang phục giống hệt phục của người Cao Miên. Một miếng vải dài gọi là Sampot để làm váy, miếng vải còn lại là Chang Pong quấn quanh ngực để làm áo, cùng với khăn rằn Krama quấn ở eo làm thắt lưng. Vừa hay chiến thuyền của bọn cướp người Cao Miên cũng vừa mới bị đắm ở gần đây, khiến cho cô không có cách nào chứng minh sự trong sạch của mình.

"Không có đâu, con bé này, em đừng suy nghĩ nhiều như vậy!" - Krah Kaong cười thân thiện, nắm tay Jorani kéo đến cái chõng tre dưới gốc cây me rừng ngồi xuống.

Thực ra nếu Jorani là người xấu thì đã làm những việc xấu từ lâu và đã bị trừng phạt rồi, huống hồ gia đình của cô cũng chỉ là thường dân, đâu có thể cho Jorani bất kì lợi ích nào.

Và thật sự cho đến nay cô bé vẫn luôn hồn nhiên như thế, tuy bất đồng ngôn ngữ thế mà không thể ngăn cản được sự gần gũi của cô bé với gia đình Krah Kaong. Cũng phải kể đến việc mẹ Wan rất thương xót cô bé đơn độc này, chính là mẹ Wan luôn muốn ưu ái cô bé.

"..."

Trong lúc Krah Kaong đang phủi sạch đống lá me rơi đầy trên chõng thì Jorani rướn mắt nhìn cô ấy, trong lòng hỗn độn, có thể vừa cảm kích, vừa tò mò về người con gái đấy.

Krah Kaong tuổi mười chín, thân hình khá mảnh mai, trên mái tóc thả dài đến ngang thắt lưng có cài một bông hoa sứ trắng làm trang sức, khác biệt với mọi người bới tóc cao hình búa. Khuôn mặt của Krah Kaong rất trắng, là kiểu trắng trẻo bợt bạc, còn nụ cười của cô ấy rất đẹp, mỗi lần cười lên thì có thể thấy được hai đồng điếu sâu khoắm ở hai bên má. Tuy nhiên mắt của cô ấy bị dị tật, một bên đồng tử ở mắt phải của cô ấy có lớp màng trắng mờ đục, còn một bên bình thường. Trong Đông y, bệnh của cô ấy được gọi là trọc nhãn (濁眼).

"Jorani!" - Krah Kaong gọi, từ ngữ khí có thể đoán được sự nghiêm túc trong câu chuyện sắp tới mà cô ấy sắp nói. Mà cũng bởi vì sự nghiêm túc ấy lại khiến cho Jorani cảm thấy hơi ngột ngạt, có chút rợn sống lưng của mình.

"Dạ?"

"Ngồi xuống đi!"

"Dạ!" - Jorani ngoan ngoãn ngồi xuống.

"Có phải em đang tìm cách rời khỏi đây không? Dạo gần đây chị thấy em cứ nói chuyện với mấy người Thiên Triều ở trong chợ lúc đi bán dưa hấu cùng với mẹ. Hình như sắp tới bọn họ cũng có chuyến đi buôn ở Giao Chỉ..." - Krah Kaong đề cập đến chuyện đó, dĩ nhiên đa phần lo lắng cho Jorani, vì cô gái này chỉ là một thiếu nữ non nớt chưa trải sự đời nhiều, chưa chắc gì bọn người kia lại có thiện ý giúp đỡ, không khéo lại bị người ta lừa gạt lẫn người và tiền bạc. Nên Krah Kaong đành nhấn mạnh: "Chị thấy tốt nhất em nên né xa bọn họ ra, bọn họ không phải là những người đơn thuần để kết giao đâu!" Bởi lẽ cô cũng đã chứng kiến được mấy vụ người phiên bang (ngoại quốc) dụ dỗ, dọa dẫm và lừa gạt con gái trong làng để bán đi làm nô lệ cho các chủ chứa hoặc các nhà quý tộc.

Jorani thở dài, biết không thể dấu diếm được nên mới gật đầu xác nhận. Vốn dĩ sự xuất hiện của cô ở vùng đất này là điều ngoài dự kiến, thật không biết do trục trặc gì khiến cho bản thân lại rơi vào tình huống oái oăm? Nếu ba tháng trước không phải nhờ vợ chồng Ong Kri và Muk Wan có lòng nghĩa hiệp đứng ra bảo lãnh, thì chắc chắn cô sẽ bị người làng này chặt ngón tay vì tội trộm cắp.Với lại nếu cô không giao tiếp với những người Trung Quốc kia thì cô cũng không thể làm rõ ràng được một số chuyện bản thân đang mông lung.

"Jorani, chị khuyên em nên suy nghĩ lại. Chị biết chị lắm chuyện, nhưng chuyện này chị không can thiệp thì không được!" - Krah Kaong nhìn lên bầu trời, giọng nói có chút mệt mỏi. Lúc này trời trong vắt không có một bóng mây, gió thổi hiu hiu, dường như cô ấy đang lẩm nhẩm tính toán một điều gì đó. Cách lâu lại nói tiếp: "Thần linh có nhắn nhủ, nên chúng ta không nên gấp gáp. Ít nhất phải đợi đến sang năm thì em mới có thể đến Giao Chỉ một cách an toàn!"

Lại là thông điệp của thần linh!

Jorani chán nản, trong lòng bức bối khó chịu. Không phải cô không tin tưởng vào tâm linh, bởi vì cô cũng là một người có đức tin vào Đấng tối cao. Nhưng nếu thời gian ở đây kéo dài quá lâu, cô sợ tâm trí của mình không thể trụ vững được nữa. Vừa lúc Jorani đến đây, thần linh cũng từng gửi một thông điệp đến với Krah Kaong và Muk Wan, thế nên lúc Jorani nói dối mình đang lựa dưa hấu để mua cũng không bị bọn họ phanh phui làm bẽ mặt.

"Chị à, thực sự em không thể nấn ná ở đây quá lâu! Thời gian của em không còn nhiều, nếu không đến Giao Chỉ thì em sẽ không thể trở về nhà được nữa!" - Jorani đành lựa chọn thành thật với Krah Kaong, bởi vì ở nơi này chỉ có cô ấy mới khiến cho cô an tâm hơn khi tâm sự.

Nhưng thực sự Jorani đang vướng mắc vào một chút rắc rối. Nếu tính từ lúc này đến giao hẹn còn lại nửa năm, và ở thời hiện đại chỉ đúng có nửa tiếng. Có thể lần tiếp theo cô đến thời đại này, mọi thứ đã quá muộn màng rồi!

Bây giờ là triều đại Indravarman III (918-959), nói chính xác hơn ngày cô đặt chân đến đây là ngày 9 tháng 8 năm 945 (Ất Tỵ), vào tiết Lập Thu. Theo đó ở Chăm lịch là tầm tháng 4 (bilan pak) năm 867 saka, đúng tiết tháng tư cây cổ rùa trổ bông. (Djơp bilan pak harek mưrok thrôh bunga.)

Thực ra ngày giờ chỉ là ngẫu nhiên, thậm chí cô không thể tiên liệu chính xác vào lúc nào và vị trí nào cô xuất hiện, thậm chí cô cũng không chắc chắn đó có phải là ngày hoàng đạo hay không nữa!

Lần đó chỉ là bất cẩn, thật xui xẻo mới phải chịu cảnh lênh đênh trên biển suốt hai tiếng đồng hồ. Cũng may cô có học bơi, nếu không chẳng biết phải phơi thây sương gió đến chừng nào nữa? Nghĩ lại thì cảm thấy thật rùng mình... Ài!

Krah Kaong vẫn không đoán được nguyên nhân hạn chế thời gian của Jorani là gì, nhưng khi nhìn thấy vẻ ủ rũ của cô ấy, Krah Kaong cảm thấy rất tội nghiệp, là cô thật sự muốn giúp đỡ cô bé hết lòng.

Mẹ Wan của cô có nói, cô bé này nhất định không phải là người tầm thường. Cứ nhìn dáng vẻ của cô bé thấy được sự thông thái và kiêu hãnh tràn ngập, pha lẫn trong đó còn có một chút kiêu ngạo. Ngay lúc cô bé bị bắt quả tang trộm dưa thì cũng chẳng thấy sự khiếp vía chột dạ, dù vật chứng có ở trên tay thì cô ấy vẫn có thể thoát nạn một cách suôn sẻ. Jorani bình tĩnh đến khác lạ, mắt nhìn thấy cô và mẹ liền đoán được là chủ nhà, thế nên dõng dạc đòi mua dưa của nhà cô bằng hai ốc tiền.

Cho đến khi mọi người tản ra, cha mẹ cô nói chuyện với cô bé ấy thì mới biết được cô bé này đi lạc, lúc đói quá mới dằn lòng lẻn vào ruộng dưa nhà cô để ăn trộm. Tuy trang phục cô bé có hơi hướm Cao Miên, nhưng rõ ràng bằng ngôn ngữ cô bé sử dụng có thể chứng minh cô bé là người Giao Chỉ hoặc Thiên Triều. Thật may cô biết một chút tiếng Giao Chỉ, nếu không cũng rất khó nói chuyện với Jorani.

"Em nhất định phải nghe lời chị, chị sẽ không hại em, mà em cũng chẳng chịu thiệt thòi! Sắp tới có lễ lớn, em giúp mẹ và chị một tay, nhờ đó cũng có thể làm dịu đi thành kiến của mọi người đối với em!" - Krah Kaong lắc đầu, vẫn giữ nguyên quyết đoán của mình.

Jorani vẫn còn phân vân, giữa hai lựa chọn một đi một ở, cô vẫn muốn chọn vế trước. Krah Kaong nhìn Jorani nghiêm túc suy nghĩ liền mới muốn nói ra quyết định của mình và mẹ. Và lời kế tiếp của Krah Kaong có từ tính và ma lực, khiến cho Jorani đang ưu tư đành không cách nào từ chối được: "Chẳng phải em muốn học cách làm nhang trầm hương hay sao? Nếu em ở lại, chị sẽ nhờ anh Kong-Kea chỉ em!"

Kong-Kae trong lời của Krah Kaong nhắc đến chính là một thanh niên có đôi tay khéo léo và đôi chân thoặt nhanh nhẹn. Anh ta không chỉ biết đánh cá mà còn làm thêm đủ thứ nghề, và đặc biệt rất có tài năng trong việc đi tìm dó bầu nơi rừng thiêng nước độc. Chỉ tiếc anh ta nhút nhát, thường bị người ta ức hiếp và phỗng tay trên nên đến giờ vẫn hoàn toàn nghèo túng.

"Thật chứ ạ?" - Jorani mừng rỡ, hai mắt loé sáng lên. Thật sự nếu được Kong-Kae chỉ cách làm trầm hương thì cô sẽ kiếm thêm được một mớ thu nhập từ đám thương gia kia, cũng có tiền mua một chỗ trên tàu đi đến Đại Cồ Việt nữa.

Jorani từ lúc đến đây vẫn luôn ấp ủ, mong sớm ngày có thể tìm cách đến Đại Cồ Việt. Ban đầu cũng có chút chật vật khi cô không biết bất kỳ câu chữ Chăm-pa nào, người có thể nói chuyện cũng chỉ có Krah Kaong cùng với đám thương buôn người Trung Quốc. Tuy vậy cô cũng đang học dần tiếng Chăm-pa và cố gắng bập bẹ vài từ mỗi ngày, vì không biết mình sống ở đây đến khi nào... Nhập gia tùy tục là thiết yếu, tốt hơn cứ tiếp thu văn hóa của người ta, có chút nền tảng cơ bản để thuận bề ứng phó, nhất là không tự biến mình trở thành một thứ gì đó lập dị trong mắt cổ nhân. Ừm, một khi Krah Kaong đã hứa hẹn như vậy thì Jorani quyết định ở lại đây thêm một thời gian. Học được một nghề để làm kế sinh nhai vẫn tốt hơn cứ thất nghiệp và ăn bám người khác nhỉ?

Ở vùng cát trắng Kauthara này người ta rất chuộng khai thác trầm hương để bán cho phiên bang. Họ thường trao đổi hàng hóa với Thiên Trúc, Thiên Triều cùng với Chà Và, Mã Lai. Đặc biệt cái loại Kalambak là loại thượng hạng nhất, cũng là loại cực kỳ khan hiếm.

Tuy không dám nghĩ bản thân có thể tạo ra thứ hương thơm thượng hạng, nhưng chắc là cũng có thể làm ra thứ hương liệu gì đó hay ho chứ? Hy vọng là vậy chứ biết sao giờ!?

Nghĩ đến đây Jorani cảm thấy phấn khích, cũng cảm kích chân tình của Krah Kaong. Cô nhào đến ôm lấy cánh tay và dẻo miệng nịnh nọt Krah Kaong: "Chị, hôm trước em ra chợ cùng Muk Wan có nhìn thấy sợi chuỗi bằng vỏ sò đẹp lắm, nghĩ hợp với chị lắm, nhưng em không có tiền mua... Lúc nãy em có xuống bãi dưới để nhặt vỏ ốc, khi nào em thắt xong em sẽ tặng chị làm trang sức nhé!"

"Được thôi!" - Krah Kaong cười hiền từ xoa đầu của Jorani.

"À, chị ơi, sắp tới mọi người tổ chức lễ hội gì vậy ạ?" - Jorani đang nũng nịu liền rướn cổ lên hỏi. Ôi chao, cô thật sự rất tò mò với việc người xưa sẽ tổ chức lễ hội như thế nào đấy!

Vốn cũng là một người ham vui, thích nhộn nhịp và hay khám phá, Jorani luôn hiếu kỳ với những thứ xung quanh mình. Từ gốc cây đến ngọn cỏ và cả những vì sao, Jorani luôn có lòng nhiệt thành với chúng, thế nên ngành học của cô cũng liên quan ít nhiều đến chúng.

"Là lễ Mbang Katé!" - Krah Kaong nói.

Mbang Katé?

"Ừm đây là lễ lớn truyền thống trong năm đấy! Nói nom na là một ngày lễ tưởng nhớ đến tổ tiên, thần linh và những anh hùng có công với đất nước. Thường sẽ tổ chức tầm 3 ngày, ngày đầu tổ chức tại đền, ngày hai cúng tế trong làng, và ngày thứ 3 thì tổ chức tại nhà!" - Krah Kaong cắt nghĩa để Jorani dễ hiểu.

"Vì mẹ Wan là Muk Pajâu (Bà Bóng), nên chị em mình phải hỗ trợ mẹ hết mình nhé!"

"Oa, long trọng vậy hả chị? Em rất mong đợi đó!" Nhìn vẻ háo hức của Jorani, Krah Kaong nhịn không được bật cười thành tiếng. Cô nghĩ thầm rằng vì sao cô bé này lại đáng yêu như thế, và thật không nỡ nếu như cô bé rời đi quá sớm.

====

CHÚ THÍCH:

[∮] Sao Cầy: Sao Thiên Lang. Tên của ngôi sao là Sirius, phiên âm từ tên Σείριος hay Seirios, có nghĩa là "sáng rực" hoặc "nóng thiêu đốt".

[∮] Gharu (kỳ nam/ trầm hương):
Gỗ trầm hương , gỗ lô hội , gỗ đại bàng , gỗ gharu hoặc Gỗ của các vị thần, thường được gọi là oud hoặc oudh, là một loại gỗ thơm, sẫm màu và nhiều nhựa được sử dụng trong hương, nước hoa và các tác phẩm chạm khắc thủ công nhỏ. Nó hình thành trong lõi gỗ của cây Aquilaria sau khi chúng bị nhiễm một loại nấm mốc Phaeoacremonium , P. parasitica .

[∮] Năm 945 - 946, Champa trở thành quốc gia giàu có và thịnh vượng. Vì thấy Champa ngày càng hùng mạnh và ảnh hưởng càng rộng ở Đông Nam Á, vua Khmer là Rajendravarman II cùng binh lính từ Angkor đánh thẳng vào Kauthara (Aia Terang - Nha Trang), cướp nhiều châu báu trong đó có tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng (Bhagavati là nữ thần Yang Pu Nagara, là vị thần bảo vệ xứ sở, biểu tượng uy quyền của Champa).

[∮] Yashodharapura ( tiếng Khmer : យសោធរបុរៈ ; tiếng Phạn : यशोधरपुर "Yashodharapura" ), còn được gọi là Angkor ( tiếng Khmer : អង្គរ ), là thủ đô của Đế chế Khmer trong hầu hết lịch sử của nó. Nó được thành lập bởi Vua Yashovarman I vào cuối thế kỷ thứ 9 và tập trung vào ngôi đền Phnom Bakheng.

(*) Harshavarman II ( tiếng Khmer : ហស៌វរ្ម័នទី២ ) là một vị vua Angkor cai trị từ năm 941 đến năm 944. Ông kế vị cha mình vào năm 941; tuy nhiên, triều đại của ông tại Koh Ker rất ngắn ngủi và có nhiều xung đột. Người anh em họ của ông là Rajendravarman II, đã giành quyền lực từ tay ông và chuyển thủ đô trở lại Yashodharapura.

[∮] Như lịch Trung Quốc hay lịch Châu Âu, lịch Champa có loại lịch nông nghiệp gọi là nông lịch (Takawi ahier). Lịch Champa gồm có hai loại:

1. Lịch thuần âm (takawi awar)

2. Lịch thuần dương (takawi ahier)

Hai loại lịch này kết hợp lại với nhau thì gọi là lịch âm dương hỗn hợp. (Sakawi harung ahier awal)

Danh từ theo tiếng Cham thường có 2 cách gọi: Sakawi hay Takawi.

Danh từ Saka có nguồn gốc từ Ấn Độ dùng để chỉ niên lịch năm kỷ nguyên, do đó mới gọi là Sakawi.

[∮] Bệnh trọc nhãn (đục nhãn): Trong Đông y, bệnh tròng mắt trắng đục thường được gọi là "trọc nhãn" (濁眼) hoặc "nhãn trọc". Đây là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng mắt bị mờ đục,  hay còn gọi là bệnh đục thủy tinh thể / cườm khô (cataract) trong y học hiện đại.

Đây là bệnh lý khiến thủy tinh thể của mắt trở nên mờ đục, làm suy giảm thị lực và có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị.

Trong y học cổ truyền, bệnh này được cho là do sự mất cân bằng âm dương, khí huyết, hoặc do yếu tố phong, đàm, và thấp gây ra (thận hư, khí huyết không đủ, hoặc các vấn đề về can và tỳ). Điều trị bằng Đông y có thể bao gồm sử dụng các loại thảo dược và châm cứu để điều chỉnh sự cân bằng trong cơ thể.

[∮] Kauthara (Aia Terang-Nha Trang): Kauthara (chữ Phạn: कौठर; chữ Hán: 華英 / Hoa-anh, 慶和 / Khánh-hòa, 古笪羅 / Cổ-đát-la) là một địa khu Champa phân bố trên một không gian từ Phú Yên (Êa Riu) trải dài cuối cùng đến vịnh Cam Ranh. Nơi này có địa thế chủ yếu là đồng bằng duyên hải nhỏ và hẹp với sự nối liền giữa núi và biển, sự bồi đắp thường xuyên của phù sa theo lưu vực các con sông đổ về cửa biển đã tạo nên khu vực trung tâm Kauthara phát triển về kinh tế xã hội một cách hoàn thiện là nơi hội tụ của ngã ba giao thương cùng với các hoạt động văn hoá - xã hội khi xưa rất nhộn nhịp chỉ đứng sau kinh đô Vijaya.

[∮] Sampot truyền thống là một mảnh vải dài, hình chữ nhật được quấn quanh phần eo che phần bụng, chân và được buộc lại ở ngay trước bụng. Phần cơ thể phía trên, theo truyền thống, người Campuchia sẽ dùng Chang Pong - một loại vải có màu bất kỳ vắt chéo ngang một bên vai và che đi phần ngực của người phụ nữ, chỉ để hở một ít phần bụng nhằm tôn lên nét quyến rũ của phụ nữ Á Đông nói chung và phụ nữ Campuchia nói riêng.

[∮] Krama: khăn rằn có hoạ tiết vải gingham.

*Theo Hab Touch, giám đốc Bảo tàng Quốc gia Campuchia, krama có thể có niên đại từ thời kỳ Tiền Angkor Norkor Phnom, giữa thế kỷ thứ nhất và thứ năm sau Công nguyên.

*Chiếc khăn rằn Krama đã gắn bó với người dân Campuchia từ thế kỷ thứ 17. Theo tín ngưỡng, người dân nơi đây theo đạo Hindu thờ ba vị thần: thần sáng tạo (Brahma), thần bảo tồn (Vishnu) và thần hủy diệt (Shiva). Trong số đó có thần Vishnu là người hiền hòa, đôn hậu luôn luôn che chở cho con người. Thần Vishnu thường cưỡi trên mình rắn thần Naga 7 đầu. Người dân Campuchia vì lòng tôn kính thần Vishnu đã làm ra chiếc khăn Krama (dịch là khăn rắn) tượng trưng cho rắn thần Naga. Họ cho rằng quàng, quấn chiếc khăn trên đầu như luôn có thần Vishnu và rắn thần Naga ở bên, mang lại may mắn, bình an cho người quàng nó.

Từ nguyên thủy, khăn rằn được định hình sẵn những màu đỏ, vàng. Qua quá trình cộng hưởng, khăn rằn nhiều màu sắc hơn bao giờ hết. Ngay cả người sản xuất cũng không thể thống kê hết được có bao nhiêu màu sắc của khăn rằn Krama.

[∮] Cao Miên (高棉): Đế quốc Khmer (Khmer: ចក្រភពខ្មែរ) hay Đế quốc Angkor (Khmer: ចក្រភពអង្គរ) (802-1431) là một cựu đế quốc rộng lớn nhất Đông Nam Á với diện tích lên đến 1 triệu km²,từ năm 802- 1431, đóng trên phần lãnh thổ hiện nay thuộc Campuchia, Miền Nam Việt Nam, Lào và Thái Lan. Đế quốc Khmer, tách ra từ Vương quốc Chân Lạp, đã từng cai trị và có phần đất phiên thuộc mà ngày nay thuộc lãnh thổ của các quốc gia: Lào, Thái Lan và miền nam Việt Nam.

[∮] Ốc tiền: Cho đến nay tác giả chưa tìm thấy tài liệu về tiền tệ của người Chăm-pa nên đành sử dụng ốc tiền. Là loại dùng để trao đổi mua bán trước khi có hệ thống tiền tệ.

(*) Ở Việt Nam, dấu vết của đồng tiền nguyên thủy đầu tiên được tìm thấy cũng là vỏ ốc. Cũng giống như nhiều nơi khác ở châu á, ốc được dùng làm tiền ở Việt Nam cũng là loài Cypraea. (Đỗ Văn Ninh - Tiền cổ Việt Nam, nxb khoa học xã hội, Hà Nội, 1992).

[∮] Giao Chỉ (交趾): là địa danh một phần lãnh thổ Việt Nam trong lịch sử, từ thời Hùng Vương đến các kỳ thời Bắc thuộc. Nó cũng là tên Bắc Tống và Nam Tống gọi 3 nhà nước của nhà Đinh, nhà Tiền Lê, và nhà Lý từ 975 đến 1164.

[∮] Chà Và: Java (tiếng Indonesia: Jawa, tiếng Java: ꦗꦮ) là một đảo của Indonesia, giáp Ấn Độ Dương ở phía nam và biển Java ở phía bắc.

[∮] Thiên Trúc (天竺): Trong các thư tịch Trung Quốc, thời nhà Hán gọi khu vực là "Thân Độc" (身毒), hay "Thiên Trúc" (天竺). Tên gọi Ấn Độ (tiếng Trung: 印度) xuất hiện lần đầu trong "Đại Đường Tây Vực ký" của cao tăng Huyền Trang đời nhà Đường.

[∮] Thiên Triều (天朝): là một tên cũ được dùng để chỉ nước Trung Quốc, bao gồm cả văn học và thơ ca. Đây là một trong nhiều tên gọi Trung Quốc. Các nước chư hầu của Trung Quốc cũng từng sử dụng từ "thiên triều" để gọi triều đình của hoàng đế Trung Quốc, thường là mang ngụ ý thần phục.

[∮] Kalambak: Các sử liệu cổ của Trung Quốc còn cho biết, ngay từ thế kỷ II trước công nguyên, Trầm Hương của Chămpa đã đựơc người Trung Quốc biết đến và luôn được ghi chép là báu vật bang giao của người Chămpa. Đến thế kỷ thứ IX, người Hồi Giáo và người Phương Tây thường hay nhắc tới Trầm Hương của Chămpa.

(*) Tome Pires viết: "Trong các mặt hàng của Chămpa, quan trọng nhất là Kalambak. Đây là loại Trầm Hương thực sự, là loại Trầm Hương tốt nhất trong các loại Trầm. Loại Kalambak chất lượng tốt nhất là ở Chămpa!"

[∮] Mbang Katé: Lễ hội Katé còn được gọi là Mbang Katé là một lễ hội của đồng bào dân tộc Chăm.Đây là một lễ hội dân gian thiêng liêng đặc sắc và rất quan trọng. Tưởng nhớ đến những người đã khuất, tưởng nhớ đến các vị anh hùng dân tộc (được người Chăm tôn vinh làm thần). Thường được tổ chức vào 1 tháng 7 theo lịch của người Chăm (khoảng 25/9 đến 25/10 dương lịch). Người dân tập trung tại các đền tháp cổ kính, thưởng thức các điệu múa nhạc dân gian trong kho tàng âm nhạc của người Chăm. Mọi người nghỉ ngơi và tràn ngập niềm vui, đi thăm viếng chúc tụng lẫn nhau. Lễ hội được chia làm hai phần là phần lễ và phần hội.

[∮] Muk Pajâu: Bà bóng (Muk Pajâu) sẽ người múa và dâng lễ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro