Chương 2: Ánh Sao Chạm Ngõ, Nhành Lặng Vươn Đón

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau một buổi sáng miệt mài thì thành quả của Jorani cũng chẳng đâu vào đâu. Khi cô nhìn thấy đống bột nhão dính chặt vào khuôn gỗ kia liền cảm thấy đúng là mình đang tự đề cao bản thân.

Làm gì có chuyện dễ dàng như vậy!? Hừ!

"..." Jorani vò đầu bứt tóc, cô đứng lên lấy mũi bàn chân sủi nhẹ khuôn gỗ "dỏm" mà cô tự chế đi ra xa vài thước, nhưng thấy tiếc nên đành chạy đến thu gom lại. Mắt thấy trời cũng không còn sớm, có lẽ Muk Wan cũng sắp từ chợ trở về nhà nên cô mới lật đật chạy ù xuống chân núi để giúp Krah Kaong chuẩn bị nấu cơm.

Muk Wan chịu trách nhiệm buôn bán để kiếm tiền, còn Ong Kri ngoài việc làm rẫy ở ruộng dưa nhà thì ông đôi khi ra ngoài để phụ giúp canh tác ở ruộng lúa nhà người ta. Cứ đều đặn những lúc ông đi canh tác thì Krah Kaong sẽ đem cơm và nước uống ra ngoài chòi canh cho ông ấy vào mỗi trưa. Người dân Chăm ở đây theo chế độ mẫu hệ, tất cả trên dưới đều phụ thuộc vào quyết định phụ nữ, và cũng đều xem họ là trụ cột của gia đình.

Tuy nhiên theo cô biết, vẫn có một số gia đình theo chế độ phụ quyền chứ không nhất thiết phải là mẫu quyền.

Đối với Jorani, cô không hề thấy lạ lẫm cũng không bài xích. Vì dù sao đó cũng là một nét văn hóa độc đáo mà người Việt cổ trước kia đã trải qua, một số dân tộc thiểu số vẫn giữ nguyên cho đến thời đại của cô ở hiện đại. Đều cô quan tâm vẫn là những nét độc đáo về kiến trúc và tập tục cổ truyền mà ít khi cô chú tâm đến ở hiện đại kìa!

Ở giữa ruộng dưa của Ong Kri có một khuôn viên nhỏ, gồm ba gian nhà bao gồm: Sang-yơ (nhà tục), Sang-mayau (nhà kề) và Sang-ging (nhà bếp). Mấy ngôi nhà này đều là sự kết hợp giữa gạch nung, gỗ và cỏ tranh. Và ở trước hiên mỗi gian nhà đều có khung chắn làm bằng mấy thanh gỗ dọc dàng hàng ngang (tương tự với rào), dùng để chắn gió và thú dữ. Bên dưới nền trát đất dày trộn rơm để chóng hoả hoạn và chống nóng.

Sang-mayau theo tập tục chính là nhà dành cho người vợ chồng người chị ở, nếu như em gái của cô ấy lấy chồng thì phải nhường lại cho gia đình của người em. Nhưng do Krah Kaong con một nên hiện tại chỗ đó để làm chỗ cho Krah Kaong dệt vải, và hiện tại cũng là chỗ ngủ của Jorani. Giữa sang-yơ và sang-mayau còn có một hành lang nhỏ bắt ngang để đi lại.

Đối với sang-yơ thì nó chia làm ba chái nhỏ: có một cái rương đựng của cải quý trong gia đình được đặt ở gian đầu; gian giữa có buồng của vợ chồng Muk Wan; gian cuối được làm nhà kho đựng bồ thóc lúa, có buồng của Krah Kaong và cũng thông với nhà bếp. Ngoài ra còn có giếng nước và chòi để đựng nông cụ và chứa củi khô.

Jorani đã khám phá ra rằng mỗi góc của ngôi nhà không chỉ là không gian để ở, mà còn chứa đựng ý nghĩa phong thủy kỳ diệu riêng biệt và hướng về sự hòa thuận trong mối quan hệ giữa người và người. Điều khiến Jorani cảm thấy thích thú hơn nữa chính là cách mà người xưa ví von ngôi nhà như một cơ thể sống, làm cho mỗi chi tiết trở nên quý giá.

Gian đầu như là đầu của ngôi nhà, gian giữa chính là lồng ngực, và gian cuối tượng trưng cho bụng. Cửa nối liền với nhà kề chính là lỗ mũi, còn cửa mở ra nhà bếp chính là miệng. Đòn trên nóc tựa như xương sống vững chãi, rui là xương sườn ôm trọn cấu trúc, mè giống như các đốt ngón tay và ngón chân, và cỏ tranh lợp mái như lông và tóc.

Mọi sự ẩn dụ tinh tế tạo nên một vẻ đẹp hoàn chỉnh của một con người.

So với những căn nhà khác ở nơi này, nhà của Krah Kaong được xem là khá giả, vì nhà vừa to vừa có ruộng vườn riêng không thuộc cai quản của quý tộc. Ong Kri và Muk Wan hiếm muộn, khó khăn lắm mới có được một mụn con gái là Krah Kaong, nên họ bảo bọc Krah Kaong rất kĩ.

Nhưng dường như Jorani có thắc mắc một chút, ở tuổi của Krah Kaong đáng lẽ đã có hôn ước chứ nhỉ? Hơn hết cô đều thấy bọn con gái trạc tuổi cô ấy cũng sinh nở mấy lần rồi! Và có lần cô cũng nhìn thấy Krah Kaong nói chuyện với đám goá phụ trong làng, nhìn từ cách ăn mặc của Krah Kaong so với bọn họ, trong lòng cô cũng phán đoán được mấy phần nhạy cảm, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là nghi ngờ bừa, cô chẳng có mặt mũi nào để thẳng thừng hỏi chuyện riêng tư của người ta cả.

Khi Jorani trở về nhà thì nhìn thấy Krah Kaong đang đứng nói chuyện với vài thiếu nữ khác, trong đó có cả em gái của Kong-Kae gọi là Naila. Từ xa trang phục của họ vô cùng bắt mắt, thậm chí có thể gọi là sặc sỡ. Họ mặc sarông dài, quấn talei kabak (dây thắt chéo) và talei kain mankam (dây thắt ngang eo), đeo trang sức đồng và chuỗi cườm nhiều màu, trên đầu có đội khăn.

Kể cả thường ngày, Jorani đều thấy bọn con gái trong làng luôn xúng xính váy áo như đi trẩy hội vậy!

Lúc Naila vô tình ngó sang thì nhìn thấy Jorani, nên cô bé liền vẫy tay chào. Khác với mấy cô gái kế bên tỏ vẻ khinh thường thì Naila là một trong số ít hiếm hoi muốn làm quen với Jorani.

Người kế bên huých vai của cô bé, môi bĩu xuống, lườm Jorani một phen rồi cúi đầu nói nhỏ vào tai của Naila. Dĩ nhiên khi nghe xong Naila liền có phản ứng bất bình thường, mặt ngờ nghệch nhưng rắm rối, cô bé há hốc rồi lại lắc đầu. Bằng một loạt tiếng Chăm, có vẻ bọn họ đang tranh cãi với nhau... Krah Kaong không tán đồng liền ra mặt bênh vực Naila, lần đầu tiên Jorani thấy Krah Kaong giận dữ, cô ấy quát lớn rồi vung tay xua đuổi mấy cô gái trẻ kia.

Đứng đợi một hồi, Jorani thấy mấy cô gái hậm hực đi về hướng của mình, thế nên cô liền dạt sang một bên để nhường đường, tránh tạo thêm hiềm khích không đáng. Nào ngờ bọn họ lại xỉa xói mấy câu khi lướt qua cô, dùng ngữ điệu hằn học cộc lốc, và gằng giọng để nói.

Lúc này cô mới cảm thấy mình may mắn, bởi vì nếu cô hiểu được họ đang mắng nhiếc cô thứ gì thì chắc chắn cô sẽ không nhường nhịn bọn họ đâu! Không so-lo một một, thì ta lấy một chấp ba, ai chột ai què còn chưa chắc nhá!?

Tuy nhiên thì cũng phải nhắc nhở bản thân dè chừng, chứ cô là kẻ ngoại lai, có khi cô cắc cớ với người ta thì xong xuôi cô sẽ bị tống cứ ra khỏi cái làng này. Nói chung cô chỉ được cái cá tính hung hăng chứ nào dám mạnh bạo!

Ài!

Jorani cúi gầm mặt, cô lèm bèm trong miệng mấy câu độc thoại: "Kẻ không biết thì còn tưởng mấy người bị tôi trộm mất sổ gạo nữa kìa! Nhưng tôi sẽ không thèm tức tối với mấy người đâu... Nhăn nhó làm da mau lão hóa đấy! Có biết hằng năm tôi phải chi bao nhiêu tiền để bảo dưỡng dung nhan xinh đẹp này hay không hở? Hừm, thôi đừng gây rắc rối cho tôi nào!"

Không có gì là không thể, mình chịu nhẫn nại mới là đều tốt nhất!

Đợi bản thân thật sự bình tâm, Jorani ngẩng cao đầu và nở một nụ cười hết sức tươi tắn, nhanh chóng đến chỗ của Krah Kaong và Naila. Lúc này Krah Kaong vẫn còn cả giận, khuôn mặt của chị ấy lạnh lùng và cực kỳ vô cảm, nơi lồng ngực vẫn còn phập phồng nặng nề.

"Salam adei!" (Chào em) - Jorani không dám chọc giận chị ấy thêm, nên cũng chẳng hỏi han thêm ngoài việc chào Naila bằng tiếng Chăm pa rồi chuồn lẹ vào nhà. Nhưng giữa chừng lại bị Krah Kaong bắt lại: "Jorani, Naila muốn nói chuyện với em này!" Ngữ khí đã trở nên ôn hoà, Krah Kaong tự vuốt cơn bực tức xuống, niềm nở thông dịch cho Jorani nghe: "Naila muốn dẫn em đi tham quan đền thờ, để em khỏi bỡ ngỡ vào ngày lễ sắp đến!"

Đi tham quan đền thờ... ừm, nghe có vẻ hay ho à nha! Jorani chớp mắt, vui vẻ đồng ý tấp lự. Cô cần dại dột gì bỏ lỡ cơ hội quý báu này chứ?

Bởi vì trước kia cô có đến Khánh Hòa mấy lần, nhưng chỉ đến nghỉ dưỡng tại Resort chứ không hề tham quan đền đài di tích. Nghĩ lại đúng là phí phạm mấy lần được tìm hiểu phong tục tập quán. Nếu không thì bây giờ cô có thể tự hào vì bản thân mình có kiến thức, phô trương hơn thì có thể mau mắn bắt chước được cái vibe người xưa cho mình. Bây giờ... Ừm, tác phong của cô vẫn còn hiện đại quá, dù cho ăn mặc và sinh hoạt đã có phần na ná họ rồi!

"Ôi, em quên mất!" - Nghĩ lan man một hồi mới kéo Jorani trở về hiện thực phũ phàng. Cô ỉu xìu, buông thòng vai nói: "Chị à, nếu đi tham quan thì phải giới thiệu đúng không? Nhưng em không hiểu tiếng Chiêm, làm sao nói chuyện với Naila được ạ?" Tự nhiên mất hết động lực rồi! Jorani chán nản vỗ vào trán của mình một cái "bẹp".

"Có sao đâu!" - Naila bập bẹ tiếng Việt, có lẽ là Krah Kaong đã chỉ cho cô ấy.

Naila cảm thấy Jorani này rất thú vị, nên cô ấy muốn kết bạn với Jorani. Đôi khi cô thấy Jorani này cứ hay lớ ngớ trong hành vi, khoa tay múa chân kì cục, nhưng dần dà cô và anh trai cũng muốn bỏ qua hết mấy thứ vụn vặt đó. Naila cũng có nói chuyện với Muk Wan, bà ấy bảo Jorani vẫn có thể uốn nắn được, bởi nàng ta biết chuyên tâm lắng nghe dù cho đôi lúc chẳng hiểu được ý nghĩa mà bọn họ muốn truyền đạt.

Lần đầu tiên gặp mặt Jorani, trong lòng Naila cảm thấy rất hưng phấn, bởi vì bề ngoài của cô gái này giống hệt như mấy vị nữ thần trong đền đài.

Từ khuôn mặt đến khí chất đều tỏ ra vẻ đài cát kiêu sa, da thịt mịn màng và tươi sáng. So với chị Krah Kaong, nàng còn trắng hồng hào đến mức tỏ ra hào quang dưới ánh mặt trời. Đặc biệt hớn chính là Jorani có một mái tóc dài, xoăn tít bồng bềnh và đen nhánh, có điều chẳng mấy khi nhìn thấy nàng xoã tóc. Thường thì Jorani sẽ cột đuôi ngựa hoặc búi tròn giống hệt củ tỏi.

Cứ như đám con gái trong làng bảo cô gái trẻ ấy là kỹ nữ hoặc vũ nữ trong cung điện từ Yashodharapura, nhưng Naila lại thấy Jorani giống một người con gái gia giáo được sinh ra và sống trong nhung lụa từ nhỏ. Cốt cách so với mấy vị tiểu thư vương tôn được di dưỡng thật cũng chẳng thua kém.

Trừ một điều chính là nàng khá phóng khoáng, dù chỉ có một thân một mình cũng không làm cho Jorani cảm thấy tù túng. Thậm chí lúc một mình thì Jorani vẫn có thể đối phó với đám du đãng trong chợ, và dễ dàng chặn họng đám thương nhân gian xảo luôn qua mặt tìm cách phá giá nông sản.

Nhưng Naila lại sợ ít lâu nữa khi lễ hội diễn ra, có khi sự sắc xảo của nàng sẽ bị lọt vào mắt xanh của quý tộc nào đó trong vùng. Với thân phận bình dân thì chắc chắn Jorani sẽ bị buộc làm hầu thiếp của người ta mất. Điều này rất khó để né tránh, nếu Jorani trốn khỏi việc tham gia buổi lễ thì cũng bị Po Paley (trưởng làng) và các chức sắc khiển trách.

Naila có nghe nói đến cuộc sống nhà giàu có không hề dễ dàng. Nhất là trong mỗi hành vi, cử chỉ và lời nói phải thật cẩn trọng, và bọn họ luôn đặt ra những quy tắc rườm rà. Cô còn sợ rằng dù Jorani có tài năng và giỏi giang đến đâu cũng không đấu lại được tính khắc nghiệt kìm kẹp kia. Cùng với Muk Wan và Krah Kaong, Naila mong muốn bản thân có thể giúp được Jorani phần nào thì hay phần đấy.

"A, Naila phát âm khá tốt đấy!" - Jorani tròn mắt ngạc nhiên thốt lên.

Đối với Jorani, việc người ngoại quốc có thể nói chuyện bằng ngôn ngữ bản quốc với mình thì thật tự hào và hãnh diện.

"Jorani đừng lo lắng!" - Naila nói thêm lời bằng tiếng Việt, sau đó quay sang nhờ Krah Kaong giúp đỡ.

"Chị sẽ đi cùng em và Naila! Chờ dùng cơm và nghỉ trưa xong, đầu giờ chiều hẳn đi cũng không muộn!" - Nghe Krah Kaong nói, Jorani không có ý kiến với chuyện này.

"Jorani, em có đem vải dệt đến cho chị này!" - Naila sực nhớ, vội vàng lấy một sấp vải lĩnh màu đỏ trong mủng tre cô cắp bên hông đưa cho Jorani. Nhưng lần này cô ấy không biết diễn tả làm sao, nên chỉ ngón tay một vòng quanh ngực của mình: "Dùng như vậy, là Sabai!"

Jorani vui vẻ nhận lấy, tiện tay vuốt nhẹ lên mặt vải. Cảm nhận được chất vải mềm mại, thoáng mát, bề mặt chính có độ bóng láng tương đối, hoạ tiết khá trang nhã, còn thoang thoảng hương thơm của long não nữa. Nếu biết kết hợp với mấy bộ sarông mà Krah Kaong đã đưa cho cô thì mặc vào cũng khá sành điệu! À, cũng nên phối thêm với bông tai tua rua cùng dây chuyền vỏ sò nữa... Chao ôi, có khi kì này cô sẽ là người thời thượng nhất xứ Kauthara đây mất!

"Ndua dhar phuel adei!" (Cám ơn em!)

Jorani thử nói lời cảm kích bằng tiếng Chăm với Naila. Trước sau gì cô cũng sẽ thành thạo nó như mấy ngôn ngữ khác cô từng học thôi. Khà khà, thật ra nếu nói cô có thiên bẩm trong việc học ngôn ngữ thì có quá ngạo mạn không ta?

Ầy, đùa chút thôi!

Qua cách nói chuyện với Krah Kaong và mấy người Trung Quốc thì cô thấy có vài điểm khác biệt rõ rệt với ngôn ngữ hiện đại. Cái cách phát âm thì có phần tương tự, nhưng có vài chỗ cô vẫn phải chỉnh sửa theo bọn họ, đa phần khi giao tiếp cô chỉ dựa vào ngữ cảnh để đoán ý, chứ thật sự có đôi lúc cô không thể dịch được.

"Không có chi!" - Naila cười rồi nói lời tạm biệt.

"Jorani, em định đứng đây đến bao giờ?" - Krah Kaong nhìn Jorani cứ mân mê sấp vải mãi mà cảm thấy khá buồn cười. Lúc này đây cô bé cứ mở to hai mắt ngờ nghệch, bàn tay tỉ mẩn sờ soạng... Chính là trông có vẻ một ngày nào đó chắc hẳn cô bé sẽ có mong muốn học dệt vải này mất thôi!

"Hì, em vào liền đây ạ!"

Quả thật như dự đoán của Krah Kaong, Jorani ôm sấp vải vào lòng, còn dự định lúc nào đó rỗi rải sẽ lấy ra để nghiên cứu đường dệt, sau đó cũng phải dành thời gian nhìn Krah Kaong se sợi.

***

Gần đến trưa, có lẽ là tầm mười giờ hoặc mười một giờ ở hiện đại, Muk Wan từ ngoài chợ gánh thúng trở về nhà.

Muk Wan là một người phụ nữ có vẻ ngoài hiền hậu, làn da hơi ngâm lấm tấm đồi mồi, mái tóc điểm bạc trắng. Nói đúng hơn nhìn bà giống như bà ngoại kể chuyện trong mấy cuốn phim đồng thoại Cổ tích Việt Nam do hãng phim Phương Nam mà cô thường hay xem lúc nhỏ!

"Salam amaik!" (Chào mẹ ạ!)

Ngồi trên chõng trước nhà, Jorani cứ trông Muk Wan mãi, cho đến khi thấy bóng dáng bà ở ngoài ruộng dưa, cô mới chạy đến đỡ lấy đòn gánh và mang đem cất vào trong nhà. Muk Wan vui vẻ hài lòng, xoa đầu Jorani một cách yêu chiều: "Jorani ngoan quá!"

Từ khi có Jorani, nhà cửa liền nhộn nhịp. Cái con bé này suốt ngày cứ lẽo đẽo theo bà, hỏi này hỏi nọ, nhưng thực chất bà chẳng hiểu mô tê chi cả, cũng chẳng thể giải thích cho nó. Tuy nhiên, bà và chồng không hề ghét bỏ cái tính cách tọc mạch của con bé này, vì nhìn thấy nó như vậy, bà liền nhớ đến cái lúc nhỏ khi mà Krah Kaong vẫn còn nhí nhảnh.

Để minh bạch về thân phận của Jorani, bà liền nhận con bé làm con gái nuôi của mình. Hai tháng trước, bà nói với Akauk Guăp (trưởng tộc), Jorani họ hàng xa ở Vijaya (Qui Nhơn) của chồng bà. Do thân thích lâu ngày không liên lạc nên nhất thời quên mất, con bé cũng vì thân côi cút nên mới lang thang trôi dạt đến đất này để nhận lòng thông cảm của mọi người.

"Mẹ Wan có mệt không ạ?" - Jorani hỏi, kéo tay bà đến chõng rồi đấm bóp vai cho bà.

"Ừm, thoải mái lắm!" - Bà trả lời.

"Mẹ uống nước đi ạ!" - Krah Kaong đem ấm trà và chén ra ngoài, sau đó cẩn thận dâng cho Muk Wan.

Thật tình Krah Kaong chỉ cảm thấy vui vẻ chứ không hề tị nạnh cùng Jorani khi nhìn thấy cô ấy cứ nịnh nọt lấy lòng mẹ của mình. Vì cô luôn nghĩ, đã rất lâu, từ lúc sự kiện nhốn nháo kia xảy ra, thì gia đình cô chẳng thể cùng nhau gắn kết được nữa. Cho đến khi có sự xuất hiện của Jorani thì sự hờ hững trong lòng mới có thể nguôi ngoai chút ít.

"Chị, chị xin phép Muk Wan giúp em với, xin cho chị em mình chiều nay đi đến tháp tham quan ạ!" - Jorani hào hứng gợi nhắc.

"Con bé muốn cầu xin thứ gì vậy?" - Muk Wan hỏi.

"Dạ thưa mẹ, chúng con muốn xin phép chiều nay đến đền thờ ạ! Là sau khi đem thức ăn cho cha!"

"Đền của Yang Po Inư Nưgar sao? Cũng được đấy, cứ để con bé thăm thú cho hiểu biết nhiều hơn!" - Muk Wan đồng tình. - "Tụi con muốn đi cùng với ai? Mẹ nghĩ nếu chỉ có một mình con thì sợ sẽ không xoay sở nỗi với sự hiếu kỳ của con bé này!"

"Thưa mẹ, là Naila đề nghị nên chúng con sẽ đi cùng con bé!"

Muk Wan nghe thế cũng không hỏi gì thêm, bà bảo Jorani ngưng tay rồi mới đứng lên đi về phía sau nhà để rửa ráy.

"Thế là Muk Wan cho chúng ta đi chơi rồi hả chị?" - Jorani chun mũi, tò mò hỏi. Krah Kaong liền cười tủm tỉm, vươn ngón tay khều một cái nơi chóp mũi nhỏ nhắn kia rồi bảo: "Nếu chị nói mẹ Wan không cho chúng ta đi chơi thì sao?"

Hừm! Sao lại như thế được nhỉ!?

Jorani buồn một chốc, nhưng cũng chỉ một chốc thôi nụ cười nghịch ngợm lại biểu lộ: "Nhất định Muk Wan sẽ cho mà, em bảo đảm đấy!" Cô nheo mắt lại, môi hồng có chút vẩu lên: "Có phải chị trêu em đúng không?"

"Ừm!" - Krah Kaong thật thà gật đầu.

"À ha, hôm nay chị Kaong còn biết trêu em nữa! Ấy thì, em phải..." - Chưa vội nói hết lời, Jorani đã vội vươn ma trảo nhào tới cù lét vào eo của Krah Kaong. Cô ấy vội vàng lách người, chạy một mạch vào nhà sau: "Thôi nào, cái con bé tinh nghịch này... Tới giờ dọn cơm rồi này!"

"Ha ha ha!" - Jorani nhìn dáng vẻ hốt hoảng của Krah Kaong rồi bật cười, một tay cô ôm bụng, một tay lại chống eo.

***

Lạ nước lạ cái thì cũng không phải, dù sao ở tương lai mảnh đất này và cô cũng nhập thành một thể, là gốc gác và cũng là nguồn cội. Ở phương diện rộng hơn thì nó cũng được gọi là một phần thuộc quê hương Việt Nam của cô nếu cô ra nước ngoài sinh sống.

Vừa dùng xong bữa trưa sớm, đang lúc dọn dẹp thì Muk Wan hỏi chuyện cô. Cứ cho rằng cô là con nuôi của bà, là thân thích đến từ Vijaya, nhưng cũng không thể vì thế mà phớt lờ đi quê quán thật của cô. Họ vẫn cho rằng cô là người Giao Chỉ, một phần vì đó là ngôn ngữ nói chuyện hằng ngày của cô với Krah Kaong, nhưng phần khác họ cũng nghi ngờ cô là con lai giữa Trung Quốc và Giao Chỉ bởi cô cũng biết một ít tiếng Trung thông dụng.

"Dạ không ạ!" - Jorani lắc đầu. Một phần nào đó chắc là bởi di truyền từ mẹ, cũng có một phần từ nhỏ đã bị ba mẹ nuôi thả nên sống ở đâu cô cùng dễ dàng thích nghi.

"Ừm!" Muk Wan cúi đầu bổ dưa hấu ra vài miếng, sau đó lựa vài miếng đỏ au mọng nước đặt vào dĩa gốm sành để dành một lát Krah Kaong đem đến chòi canh cho Ong Kri. Đặt dĩa vào giỏ tre có lót lá chuối, Muk Wan liền khựng lại, có vẻ bà quên mất một thứ gì đó, nên mới thấy thiếu thiếu.

"Krah Kaong!" - Bà quay đầu, khẩn thiết nói cô ấy về việc bản thân lóng ngóng làm lạc mất món đồ Krah Kaong đã nhờ bà mua.

"..." Cô ấy trầm mặc một chút, thấy mẹ mình khẩn hoảng thì cũng chẳng nghiêm trọng hoá vấn đề. Krah Kaong cười dửng dưng nói: "Khi khác mua lại cũng được mẹ ạ!"

"Cái đó đã là đợt cuối cùng rồi, bọn họ nói chẳng biết chừng nào mới nhập lại nữa!" - Muk Wan biết con gái mình thất vọng liền rầu rĩ, vốn dĩ hiếm hoi lắm Krah Kaong mới trông đợi và nhờ vả bà mua sắm cho con bé. Thế nên được dịp bà liền dò hỏi khắp nơi, may thay bọn người Chà Và có hàng, nhưng đây lại là cái duy nhất trong đợt hàng cuối cùng của họ trước khi về nước.

"Có chuyện gì vậy chị?" - Jorani nhìn thấy không khí trì trọng nên khẽ thì thầm. Krah Kaong đưa mắt nhìn mẹ mình rồi ôn hoà nói: "Không có gì đâu em, mẹ buồn vì đánh rơi đồ thôi!"

"Đánh rơi đồ? Có quý giá không ạ? Thế thì Muk Wan có nhớ được lần cuối cùng bà thấy nó là khi nào không ạ?" - Jorani chau mày nghiêm túc hỏi. Nếu như xác định được thì may ra vẫn có cơ hội để lượm lặt lại.

"Chắc là khó đấy! Nhưng thôi kệ đi, một món đồ nhỏ cũng chẳng đáng giá là bao! Em ở đây an ủi mẹ, chị vào trong buồng lấy đồ rồi chị em mình ra ruộng với cha!" - Krah Kaong không muốn đề cập tới nên lảng tránh, cô nhanh chân bước vào buồng ngủ của mình. Jorani ngẩn người, vì nhận ra sự khó chịu của Krah Kaong. Nhưng cô không lưỡng lự lựa chon đánh liều hỏi chuyện với Muk Wan: "Mẹ Wan, có chuyện gì ạ?"

"Ta đã làm mất canting vừa mới mua cho Kaong!"

Canting*?

Là gì thế!?

Jorani gãi đầu mình, lúng túng mở to mắt nhìn Muk Wan.

"Canting là dụng cụ để vẽ malam (sáp lỏng) lên vải Batik Tulis!" - Krah Kaong kéo tấm phên làm vách chắn cửa buồng sau đó mới lên tiếng giải thích.

"Là vật bằng đồng giống cây bút đúng không ạ? Lúc nãy em có thấy nó trong thúng của Muk Wan, chắc là do Muk Wan làm rơi, lúc gánh thúng liền bị đám rơm che mất!" - Jorani chạy đến chõng tre, lục lọi trong mủng rồi đưa cho Krah Kaong. - "Em tính đợi dùng cơm xong mới hỏi chị và trả cho Muk Wan!"

Canting là một chiếc bút vẽ bao gồm Nyamplung (bình đựng), Cucuk (ngòi bút) và Gagang (tay cầm).

Muk Wan nhìn thấy vật trong tay Jorani liền thở phào, bà đưa mắt nhìn con gái mình thì thấy cô ấy dùng hai tay nâng niu nó, nên trong lòng nhẹ nhõm gấp bội. Muk Wan bắt lấy tay của Jorani nói lời cảm ơn, nhưng cô bé lại xấu hổ phất tay cười cười.

Krah Kaong lấy khăn tay của mình quấn một vòng quanh canting rồi đem cất vào hộp dụng cụ của mình. Cô đã sưu tầm đủ dụng cụ rồi, sẽ có thể thử nghiệm trên vải.

Kì thực trong lòng nguôi ngoai mấy lần đều nhờ có Jorani, Krah Kaong cảm thấy chắc chắn cô bé chính là một ân huệ mà thần linh đã ban xuống cho cô.

"Thưa mẹ, vậy tụi con mang cơm trưa đến cho cha đây!" - Không còn chuyện trúc trắc, Krah Kaong liền giục Jorani mang cơm đến cho cha.

"Các con đi đi, mẹ vào buồng nghỉ ngơi đây!" - Muk Wan chùi tay vào khăn, sau đó ôm ngực của mình rời đi.

=====

CHÚ THÍCH:

[∮] Sabai: Sabai hoặc Sbai bắt nguồn từ sari của Ấn Độ , phần cuối của nó được mặc qua một bên vai. Trong quần áo, nó đặc biệt dùng để chỉ một loại trang phục giống khăn choàng hoặc vải che ngực chủ yếu được phụ nữ và ít được đàn ông sùng đạo sử dụng. (Hình minh họa bên dưới)

[∮] Batik Tulis: Hay còn gọi là vải được nhuộm theo kỹ thuật Batik. Một loại vải độc đáo của người Indonesia với các họa tiết phức tạp được nhuộm sáp và in hoa văn lên vải bằng phương pháp thủ công. Batik được gọi là euyeuk trong tiếng Sunda , vải có thể được chế biến thành một dạng batik bởi một pangeyeuk ( thợ làm batik ). (Hình minh họa bên dưới)

Từ batik có nguồn gốc từ tiếng Java . Từ bathikan cũng có nghĩa là "vẽ" hoặc "viết" trong tiếng Java.

[∮] Canting bắt nguồn từ tiếng Javacanthing ꦕꦤ꧀ꦛꦶꦁ (IPA: t͡ʃaɳʈɪŋ), cũng được viết là tjanting: có nghĩa là dụng cụ xúc nhỏ. Canting có nguồn gốc từ Java và được người Java phát minh, người ta tin rằng nó được phát minh từ khoảng thế kỷ 12. Là một công cụ khắc chứa một lượng nhỏ sáp nóng. (Hình minh họa bên dưới)

(*) Vì vậy dụng cụ Canting và Batik được tác giả sử dụng trong chương này chính là một tình tiết được hư cấu.

[∮] Mô tả chi tiết nhà của người Chăm dựa trên bài báo Độc đáo khuôn viên nhà Chăm tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam năm 2023. (Đỗ Quyên/ VOV4)

~*~

Lời bộc bạch ngượng ngùng của tớ (tác giả): Trong truyện của mình có nhiều yếu tố liên quan đến văn hóa của người Chăm, tuy nhiên đó chỉ là các chi tiết mình tham khảo trên mạng, vì vậy sẽ có rất nhiều sai sót. Nếu như có chỗ nào cần chỉnh sửa, mong mọi người nhẹ nhàng nhắc nhở mình nhé, cám ơn ạ!

Đặc biệt mình muốn gửi lời cảm ơn Nhà thơ Inrasara, bởi vì có một số chi tiết mình tham khảo từ trang web của ông và các bài báo có liên quan đến sự chia sẻ của ông!

[☆] Nhà thơ Inrasara tên thật là Phú Trạm (sinh ngày 20 tháng 9 năm 1957 tại làng Chakleng - Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam), ông là một nhà thơ Người Việt gốc Chăm nổi tiếng của Việt Nam. Ông là người được ví như "thư viện sống" về văn hóa dân tộc Chăm. Bởi lẽ, cả cuộc đời, sự nghiệp của ông đều dành cho văn hóa dân tộc Chăm với sứ mệnh cầu nối dân tộc Chăm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro