Chương 3: Chú Quyến Thoát Tụ, Hư Thực Kết Liên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Theo tôn giáo Chăm (Hakum/ Agama Cham) Bà la môn, tầng lớp tu sĩ (Basaih) nói chung và Cả sư (Po Adhia) nói riêng đều thuộc tầng lớp cha truyền con nối, là "halau janun" (chỗ dựa) vững chắc cho xã hội Chăm. Nếu đã chịu lễ nhập môn Ndung Akaok thì suốt đời họ sẽ là bầy tôi của Chúa tể muôn loài Po Débita Thuer.

Tu sĩ Basaih là tầng lớp cao trong xã hội Chăm Ahier, đứng sau giai cấp hoàng gia, quý tộc gọi là Halau Danâng.

Tầng lớp này phải hoàn chỉnh về thể chất lẫn tinh thần, là nòi giống tốt và bản thân không xuất thân từ mối quan hệ cận huyết trong 3 đời. Bản thân người tu sĩ không mắc các bệnh khuyết tật, sống biết kiêng cữ, có đạo đức, thông hiểu kinh kệ (gal bac), hiểu biết phong tục tập quán, và có vợ con gia đình đầm ấm (hu hadiep anưk bang angui). Khi gia nhập hoặc lên chức, các tu sĩ phải thực hiện các nghi lễ. Và phải trải qua rất nhiều cấp bậc mới trở thành Po Adhia (Cả sư): bậc Ndung Akaok (cấp tập sự), Liah, Puah, Tapah.

Cả sư theo tôn giáo Chăm là một vị tinh thần tối cao, quản lí tín đồ theo khu vực đền tháp, có nhiệm vụ phục vụ các lễ cúng tế cho tín đồ và phải tham gia giải quyết các vụ bất đồng, thưa kiện của dân làng liên quan đến phong tục tập quán.

***

Kong-Kae và những người còn lại nhanh chóng bước theo chân vị tu sĩ kia đến dưới gốc cây hoa sứ trắng muốt nằm ở phía tây cụm tháp phía sau, nơi Cả sư đang ngồi thiền tọa trong một túp liều (Kuti) được dựng sơ sài.

Cả sư ngồi thiền trong tư thế hoa sen, khuôn mặt bình thản và hiền từ, hai bàn tay nhẹ nhàng đặt trên đầu gối, bắt ấn theo kiểu Chin Mudra. Ông mặc áo thụng Aw tikuek màu trắng, được may ghép từ năm mảnh vải. Đầu đội khăn Akhan matham taibi, với một đầu khăn có năm đường chỉ (lima jalan) và đầu kia có bốn đường. Dưới tảng đá nơi ông ngồi, có một chiếc túi màu vàng gọi là kadung patuai sula, chứa các vật dụng cần thiết như sách hướng dẫn nghi lễ, trầm hương, và nến...

Các tiếng chuông và âm thanh của những lời cầu nguyện vọng lại từ đền chính Po Nagar, nhưng nơi đây vẫn giữ được một sự tĩnh lặng đặc biệt.

Đoàn người gồm Kong-Kae, Krah Kaong, Jorani, cùng vợ chồng Naila và Ja Danah, bế bé Rang trong tay, lặng lẽ theo sau vị tu sĩ trẻ bước vào khu vực Kuti. Với vẻ mặt trang nghiêm, họ bước đi từng bước nhẹ nhàng, chậm rãi, không dám gây ra bất kỳ tiếng động nào. Khi đến gần, họ dừng lại, quỳ xuống trước mặt Cả sư, đôi tay chắp lại, đầu cúi thấp, biểu lộ lòng thành kính sâu sắc.

Cả sư từ từ mở mắt, ông nhẹ nhàng đưa tay ra, ban phước cho đoàn người bằng một cử chỉ nhẹ nhàng, hòa nhã: "Chư vị hãy đứng lên. Ta rất vui mừng được đón tiếp chư vị tại nơi đây. Hãy nhận sự ban phước của ta và thể hiện lòng chân thành qua những lễ vật của mình!"

Kong-Kae mới nói: "Cảm ơn Cả sư đã tiếp đón chúng con với lòng từ bi, chúng con rất biết ơn về sự ban phước này!"

Krah Kaong tiếp lời: "Chúng con cảm tạ Cả sư vì đã dành thời gian quý báu cho chúng con, chúng con mong rằng sự ban phước này sẽ mang lại an lạc và bình an cho tất cả chúng con!"

Ja Danah và Naila cũng phụ hoạ theo: "Chúng con rất vinh dự khi được gặp gỡ Cả sư. Lễ vật nhỏ bé này là sự biểu hiện lòng thành của chúng con!"

Cả sư tiếp nhận lễ vật với sự vui vẻ và trân trọng, tay ông nhẹ nhàng tiếp xúc với các món quà, sau đó liền gọi vị tu sĩ trẻ tuổi kia nhận lấy thay.

"Chư vị đều là những phần của cùng một vũ trụ rộng lớn, dù từ đâu đến, sự tôn trọng và lòng chân thành đều dẫn dắt chúng ta đến sự hòa hợp và trí tuệ!" - Từ trong lời nói mang hàm ý, vị Cả sư kia giảng giải một cách trang trọng.

Bởi vì từ khi ánh mắt của Cả sư lướt qua Jorani, tựa những tia sáng xuyên qua màn sương mờ ảo, là cảm giác rằng ông đang tìm kiếm một điều gì đó sâu xa hơn trong bản chất của cô, là một chân lý ẩn giấu dưới lớp vỏ bề ngoài trần tục.

Đôi mắt của ông vốn đã lặng lẽ và thanh thản như mặt hồ yên ả, bỗng lóe lên một ánh sáng lấp lánh, giống như một tia chớp nhẹ nhàng giữa bầu trời vũ trụ tĩnh lặng. Ánh nhìn ấy không hề bộc lộ sự ngạc nhiên hay hiếu kỳ, mà là một sự nhận thức kỳ diệu, như thể ông đã khám phá ra một điều huyền bí không thể diễn tả bằng ngôn từ trần thế, sự nhận thức của ông đối với Jorani như một phần của một chân lý vượt qua mọi lý trí và lý giải thông thường.

Ông không lộ ra vẻ gì đặc biệt ngoài sự giản dị vốn có, và sự hiện diện của Jorani, mặc dù đặc biệt, không khiến ông thay đổi thái độ, vẫn giữ vững sự từ bi và tôn trọng.

Chỉ một lát, Cả sư quay sang nhìn về phía những người khác, tựa hồ phớt lờ Jorani và tiếp tục chúc phúc, tay phải ông vẫn giữ tư thế ban phước, tay trái mở ra như đang ôm lấy tất cả những người hiện diện, tạo thành một hình ảnh đầy sự bao bọc và che chở: "Mong rằng ánh sáng của trí tuệ và sự từ bi sẽ dẫn dắt chư vị vượt qua mọi thử thách. Hãy để trái tim và tâm hồn các vị luôn rộng mở, đón nhận sự ban tặng của thần linh và tìm thấy bình an trong chính mình!"

Sau khi hoàn tất nghi thức, Cả sư từ từ quay về trạng thái của một người bình thường. Ông được tu sĩ trẻ tuổi kia đỡ đứng lên.

Kong-Kae cúi đầu, ánh mắt tràn đầy sự kính trọng: "Thưa Cả sư, chúng ta có một người bạn mới là Nai Jorani, cô ấy là người đến từ Vijaya (Tân Châu - Bình Định & Quảng Ngãi), vừa mới gia nhập vào làng của chúng con nên vẫn còn khá lạ lẫm với nơi này. Để cô ấy có thể sớm hòa nhập, chúng con mong muốn được dẫn cô ấy tham quan đền thờ... Xin Cả sư cho phép, và chúng con xin hứa sẽ không làm những sự quấy nhiễu!"

Cả sư từ tốn giơ tay phải lên, tạo thành động tác chấp thuận. Sự chấp thuận của ông không chỉ là một hành động mà là một sự tiếp đón và mong muốn hòa hợp giữa người trong đạo và ngoại đạo: "Chư vị có thể tự do dạo quanh cụm tháp chính và dâng lễ vật cúng dường. Hãy để lòng thành của các vị hòa quyện với sự linh thiêng của nơi đây. Po Bassah Rasak Tun sẽ dẫn đường cho chư vị!"

Nhưng trước khi bọn họ rời đi, Cả sư còn dặn dò: "Vào chiều nay, trước khi buổi kinh tối diễn ra, ta mong được gặp riêng Nai Krah Kaong và Nai Jorani để nói một số chuyện! Hãy đến tìm ta khi hai vị hoàn tất lễ dâng!"

Krah Kaong cúi đầu, gương mặt hiện lên vẻ biết ơn đầy chân thành: "Chúng con sẽ đến tìm Cả sư khi hoàn tất việc dâng lễ!" Jorani dù nghe không hiểu, vẫn bắt chước Krah Kaong và mọi người cúi đầu cảm tạ. Vị Po Basaih Rasak Tun kia liền lên tiếng: "Xin mời, tôi sẽ dẫn đường cho các vị. Hãy đi theo tôi!" Anh ta dẫn đầu, tay vẫy nhẹ gọi mời, đưa đoàn người rời khỏi Kuti.

Krah Kaong quay sang Jorani, ánh mắt nghiêm trang và tôn trọng giải thích: "Trước tiên, chúng ta sẽ dâng lễ vật ở cụm tháp chính nhé!"

Naila gật đầu, ánh mắt lấp lánh đầy tự hào: "Đúng vậy, đây là cơ hội để chúng ta thể hiện lòng chân thành của mình. Mong rằng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với chúng ta và tất cả mọi người!"

***

Tu sĩ Rasak Tun dẫn đầu đoàn người, uyển chuyển đi qua lối lát đá, đến từng tòa tháp trong khu đền Po Nagar.

Ánh sáng dịu nhẹ chiếu xuyên qua tán lá, tạo thành những đốm nắng nhảy múa trên con đường cũ kỹ. Dưới chân các bức tường phủ đầy rêu phong gợi lên một cảm giác thời gian chấp choáng mơ hồ, tô điểm cho vẻ huyền bí.

Khi họ dừng chân trước tháp chính, tu sĩ trẻ quay mặt đối diện, đôi mắt anh tràn ngập sự tĩnh lặng và hiểu biết sâu sắc. Với giọng nói dịu dàng nhưng vang vọng, anh bắt đầu hướng dẫn mọi người cách dâng lễ vật lên các vị thần.

"Trước tiên..." - Anh ta nói, tay cầm lấy một cây nhang, "Mọi người hãy dâng hương để bày tỏ lòng kính trọng, khói hương sẽ dẫn dắt lời cầu nguyện của các vị đến với thần linh!"

Ja Rasak Tun cẩn thận chỉ dẫn từng bước, từ cách châm lửa cho nhang đến việc chọn nơi đặt lễ vật: "Hãy đặt hoa và trái cây lên bàn thờ, mỗi cử chỉ phải nhẹ nhàng và đầy thành kính..." - Anh tiếp tục. - "Khi dâng lễ, hãy nhắm mắt lại, lặng lẽ gửi gắm những lời nguyện cầu chân thành nhất của mình đến với các vị thần! Thần linh sẽ phù hộ các vị!"

Krah Kaong là người đầu tiên, cô cung kính đặt hoa quả lên bàn thờ, nhận lấy nhang rồi chắp tay cầu nguyện, cầu xin với thần linh bảo hộ sẽ chỉ đường dẫn lối đúng đắn. Naila, Danah, và Kong-Kae cũng nối tiếp, dâng lễ vật và thầm cầu nguyện trong không gian yên tĩnh.

Jorani lặng lẽ quan sát mọi thứ xung quanh, lòng tự hỏi liệu mình có thực sự hiểu được ý nghĩa sâu xa của những nghi lễ này, hay cô chỉ đang là một người ngoài cuộc, đứng bên lề của một niềm tin không phải của mình. Cảm giác lạc lõng và băn khoăn ấy như một sợi dây vô hình vồ chặt và siết chặt lấy tâm trí cô, làm cho mọi thứ xung quanh dường như trở nên mơ hồ hơn kể từ khi bước chân đến đền thờ.

Ánh sáng từ những ngọn nến, mùi hương trầm nồng nàn, và những tiếng thì thầm cầu nguyện vang lên trong không gian thiêng liêng khiến cô cảm thấy như mình đang lạc vào một thế giới khác-một thế giới mà cô không thuộc về.

Dù cố gắng giữ vẻ bình tĩnh, trái tim Jorani vẫn không ngừng đập nhanh hơn thường lệ. Mỗi bước chân của cô như nặng trĩu dưới sự hiện diện của những biểu tượng xa lạ, tượng thần uy nghiêm, và những ánh mắt của tín đồ đang thành kính cúi đầu. Cô biết rằng đây là một nơi thiêng liêng đối với những người khác, nhưng sự khác biệt về tôn giáo và niềm tin khiến cô cảm thấy bị tách rời khỏi đám đông.

Những cảm xúc trái ngược bắt đầu nổi lên trong cô -một phần của cô tôn trọng và muốn tìm hiểu về nơi này, nhưng một phần khác lại cảm thấy bất an, như thể cô đang bước vào một lãnh địa cấm kỵ. Jorani cảm thấy mâu thuẫn trong chính mình, giữa sự tò mò và sự dè chừng, giữa sự kính nể và cảm giác không thuộc về.

Jorani nhìn sâu vào đôi mắt của tượng thần, nơi dường như ẩn chứa một sự bí ẩn không thể hiểu hết. Cô tự hỏi liệu có một sự thật nào đó mà cô chưa từng biết đến, một điều mà thần linh nơi này muốn truyền đạt. Nhưng ngay lập tức, cô lắc đầu, cố gắng gạt bỏ những suy nghĩ này, bởi cô biết rằng trái tim mình chỉ thuộc về Đấng tối cao.

Nội tâm Jorani như bị xé toạc bởi hai lực lượng đối nghịch-sự tò mò và sự trung thành tuyệt đối với đức tin của mình. Cô cảm thấy mình đang đứng trên ranh giới mỏng manh giữa hai thế giới, mà chỉ cần một bước sai lầm, cô có thể rơi vào vực thẳm của sự băn khoăn và nghi ngờ. Nhưng cuối cùng, cô vẫn giữ vững niềm tin của mình, thầm nguyện rằng Ngài sẽ hiểu và tha thứ cho cô vì sự hiện diện trong một nơi không thuộc về Ngài.

Cô không thể không tự hỏi liệu mình có đang lạc lối giữa một vùng đất tinh thần mà mình không thể hiểu hết, hay chính sự khác biệt này đang đẩy cô ra xa khỏi những gì cô từng biết và tin tưởng. Trong sâu thẳm, cô biết rằng lòng trung thành của mình vẫn không thay đổi, nhưng cảm giác bị bao quanh bởi một tín ngưỡng khác khiến cô thấy bản thân nhỏ bé hơn bao giờ hết.

Mặc dù trong lòng đấu tranh và có sự đối lập giữa những nghi thức không thuộc về mình, nhưng Jorani vẫn quyết định tôn trọng niềm tin của những người xung quanh. Cô quan sát từng cử chỉ của họ với sự cẩn trọng, và khi đến lượt mình, cô lặng lẽ cúi đầu. Không vái nhang, không thêm bất kì lời cầu nguyện, không dâng lễ vật nhưng trong ánh mắt cô là một sự tôn kính thầm lặng, như một cách thể hiện sự tôn trọng dành cho những niềm tin mà cô chưa từng trải qua. Cô chẳng muốn bất kính!

Ja Rasak Tun đứng nép mình một bên, ánh mắt anh vẫn luôn dõi theo từng động tác của mỗi một người trong số họ. Khi tất cả đã hoàn thành, anh mỉm cười nhẹ nhàng và nói: "Thần linh sẽ nghe thấy những lời cầu nguyện của các vị. Hãy tin tưởng rằng những điều tốt đẹp sẽ đến!" Anh cúi đầu chào một cách trang trọng, rồi hướng dẫn mọi người tiếp tục hành trình, dẫn họ đến tòa tháp kế tiếp.

Jorani khá lạ lẫm với nhiều thứ, cô ngó nghiêng xung quanh, và thứ làm cô thắc mắc nhất chính là các biểu tượng các tiên nữ Apsara cùng với những tảng đá sinh thực khí xếp chồng lên nhau. Cô ngập ngừng mãi đến một lúc lâu sau mới thẹn thùng thỏ thẻ hỏi: "Chị ơi, vì sao các bức tượng này lại bán khỏa thân vậy? Còn cột đá kia gọi là gì vậy chị, vì sao mọi người lại thờ cúng nó?"

Dù Krah Kaong không thành thạo tiếng Việt để nói năng lưu loát, nhưng nhờ sự nhạy bén của Jorani lại giúp cô ấy dễ dàng kết nối các thông tin. Krah Kaong giải thích: "Cột đá em nhắc đến là biểu tượng sinh thực khí Linga - Yoni, đại diện cho sự hòa hợp âm dương và khát vọng vạn vật sinh sôi nảy nở, sung túc trong luân hoàn. Đây là hình ảnh của sự dung hòa âm - dương trong vũ trụ. Còn các bức tượng tiên nữ Apsara không phải là hình ảnh lõa thể mang tính xác thịt - trần tục mà thể hiện một vẻ đẹp lý tưởng, tâm hồn trinh trắng, thanh thoát và thánh thiện, cùng với sự hòa quyện giữa động tác và tâm hồn tạo nên một cách thức thiền định khác biệt. Chúng biểu thị sự gởi gắm ý thức phồn thực và lòng thành kính của con người đối với vũ trụ và các thần linh!"

Krah Kaong và mọi người đã diễn giải kết hợp cả ngôn ngữ và thao tác hình thể để làm cho Jorani hiểu: Tục thờ Linga và Yoni có nguồn gốc từ cộng đồng cư dân sống ở vùng lưu vực Indus, thuộc chủng tộc Sumerian và Dravidan, nơi tín ngưỡng liên quan đến thần mẹ và sự thờ cúng âm lực. Sinh thực khí được coi là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo trong thần thoại của họ.

Trong điêu khắc Chămpa, hình tượng Linga thường có đặc điểm đầu hơi bằng, mặc dù một số ít có dạng vòng cầu hoặc hình chóp. Có ba loại cơ bản: loại đầu đơn (khối bốn cạnh), loại hai phần (khối trụ tròn ở trên và khối bát giác hoặc vuông ở dưới), và loại ba phần (khối trụ tròn trên cùng, khối bát giác ở giữa, và khối vuông ở dưới). Loại ba phần, phổ biến nhất, biểu thị ý niệm tôn thờ ba vị thần trong Ấn Độ giáo: Brahma (thần sáng tạo), Vishnu (thần bảo tồn), và Shiva (thần hủy diệt). Biểu tượng này, còn gọi là "Tam vị nhất linh" (Trimurti), không chỉ thể hiện sự thờ cúng ba vị thần mà còn phản ánh triết lý duy vật tự phát của Ấn Độ về ba nguyên lý cơ bản của vũ trụ: sinh, trụ, và diệt.

Tín ngưỡng phồn thực, với các biểu tượng như Linga và Yoni, cầu mong sự sinh sôi nảy nở cho cây trồng và vật nuôi, đồng thời đảm bảo sự no đủ cho cư dân nông nghiệp cổ đại. Người Việt cổ thường đúc tượng chính mình trong tư thế phồn thực tự nhiên, trong khi người Chăm cụ thể hóa tín ngưỡng này qua hình tượng Linga và Yoni, thể hiện sự hòa hợp âm - dương và khát vọng vạn vật sinh sôi.

Triết lý âm dương của người Chăm Pa cổ có sự khác biệt so với các nền văn hóa nông nghiệp khác. Sống giữa dãy Trường Sơn và biển Đông, người Chăm Pa đối mặt với khí hậu khắc nghiệt và những thử thách từ thiên nhiên cũng như các láng giềng. Sự cứng rắn và hiếu chiến của họ phản ánh chất dương tính mạnh mẽ, nhưng họ cũng hấp thụ ảnh hưởng âm tính từ văn hóa khu vực. Chế độ mẫu hệ của người Chăm là một biểu hiện rõ nét của âm tính trong đời sống văn hóa của họ, tạo nên một sự dung hòa đặc sắc giữa âm và dương.

Mọi người đều vui vẻ và thoải mái cùng nhau trong không khí trang nghiêm cổ kính.

Các bức tượng tiên nữ Apsara trong nghệ thuật điêu khắc cổ đại thường hiện lên với vẻ đẹp siêu nhiên, mang trong mình sự thanh thoát và điêu luyện. Trong truyền thuyết, các nàng Apsara không chỉ nổi bật với sắc đẹp tuyệt trần mà còn là những nghệ sĩ tài ba, vũ công điêu luyện và nhạc công xuất sắc. Theo Ấn Độ giáo, Apsara là vị hôn phối của Gandharva - nam thần nhạc công, đồng thời là tỳ nữ hầu hạ cho Indra - vị vua của các thần linh. Khi Gandharva cất lên những giai điệu tuyệt diệu, Apsara sẽ múa hát, làm say đắm lòng các thần.

Hòa cùng vũ điệu của các tiên nữ Apsara, các hình tượng nữ Khmer trong các tư thế nhảy múa thường được xem là hiện thân của Apsara. Những nhân vật nữ này có thể đứng yên, hướng về phía trước như những người canh gác đền thờ, hay đang trong tư thế sẵn sàng nhảy múa, đều được gọi là Devata. Trong điệu múa Apsara, mỗi cử chỉ đều ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa: Một ngón tay cong hướng lên trời biểu thị "hôm nay", còn việc đặt tay ngang ngực thể hiện "hạnh phúc". Khi tay trái vươn ra phía sau và tay phải nắm lại với ba ngón tay hướng lên, ngón trỏ chạm vào ngón cái, đó là biểu tượng của rắn Naga, là linh vật cưỡi của thần Vishnu. Cử chỉ tay hướng lên biểu hiện cho "cái chết", tay hướng xuống là "sự sống". Sự chuyển động nhanh của hai bàn tay lên xuống miêu tả hai trong bốn giai đoạn của vòng đời con người: sinh, trưởng thành, bệnh tật và chết.

Những động tác của Apsara, ngoài cử chỉ tay tinh tế, còn là những thế chân uyển chuyển và dáng hình mềm mại, như những làn sóng nhẹ nhàng vỗ về mặt nước. Từng động tác của nàng không chỉ đơn thuần là vũ điệu mà còn là một bản giao hưởng hoàn hảo, hòa quyện giữa nghệ thuật và biểu tượng, làm say đắm lòng người và khiến bất kỳ ai chiêm ngưỡng cũng phải ngỡ ngàng trước sự hòa quyện hoàn hảo của vẻ đẹp và sự thanh thoát. Vẻ đẹp ấy không e ấp hay che giấu, mà thể hiện sự tự tin, như một vũ điệu huyền bí giữa trần gian và thiên giới. Bầu ngực để trần, hông thon và hình thể săn chắc, nuột nà, hiện lên như một tuyệt tác của thiên nhiên và tạo hóa, tương tự như hình ảnh của các nữ thần huyền bí trong truyền thuyết Hindu. Khi Apsara đứng một mình hoặc kết nối trong một chuỗi liên hoàn, vẻ đẹp ấy hiện rõ trong sự tinh tế và tự nhiên, tựa như một tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ đá núi.

Jorani càng nghe càng say mê, với tính cách ham học hỏi của mình, mỗi bước chân lại mang về cho cô một lượng kiến thức mới. Cô như một dòng sông không ngừng chảy, luôn mở rộng lòng mình ra để tiếp nhận cái mới. Dù những điều mới lạ đôi khi làm cho tâm hồn cô như đứng trước một gã mù lòa không thấy đường, nhưng mỗi trải nghiệm đều giúp cô soi rõ hơn, thấy được những khía cạnh sáng tỏ trong cuộc sống. Mặc dù những rào cản, những nghi ngờ có thể khiến cô cảm thấy như lạc vào rừng sâu, nhưng lòng kiên trì của cô vẫn không hề lung lay.

Trời chạng vạng, ánh hoàng hôn tắt dần như ngọn đèn dầu sắp hết bấc, ráng chiều trải màu đỏ cam mơ màng lên nền đất. Đèn trong đền bắt đầu được thắp sáng, những ngọn nến sáp ong lung linh tỏa sáng cả không gian tịch mịch. Kong-Kae thủng thẳng nhắc với Krah Kaong về những người thầy thợ trong kiến trúc Hindu-Shilpin trong kiến trúc Hindu cổ: nào là Sthapati - người chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng công trình; nào là Shilpi - những thợ thủ công tài hoa trong việc điêu khắc; và Vardhaki - thợ xây dựng chăm chỉ. Những lời đó, anh ta dặn Krah Kaong phải kể lại cho Jorani, để cô hiểu thêm về sự kỳ công trong việc xây dựng và tu bổ của ngôi đền mà họ đang đứng.

Krah Kaong đứng đó, ánh sáng từ những ngọn nến phản chiếu trên khuôn mặt của cô, làm nổi bật sự tĩnh lặng và kiên nhẫn trong cách cô lắng nghe và trả lời Jorani. Krah Kaong không hề tỏ ra sốt ruột hay khó chịu mà đáp: "Từ xa xưa, các bậc tiền nhân đã ghi chép trong những văn bản cổ rằng nước và cây cối không chỉ tạo ra một không gian tươi đẹp mà còn mang lại sự thanh tịnh và sự sống. Ngôi đền được xây dựng gần những yếu tố này nhằm tạo ra một môi trường hài hòa, nơi các vị thần có thể hiện diện và vui chơi!"

"Nhưng tại sao hoa sen và các loài chim lại quan trọng đến vậy? Em thấy chúng có vẻ không liên quan nhiều đến việc thờ phụng!?"

Krah Kaong nhẹ nhàng quay mặt về phía Jorani, ánh mắt của cô đầy sự dịu dàng và quan tâm: "Hoa sen và các loài chim như thiên nga, vịt không chỉ là biểu tượng của sự thuần khiết và hòa bình mà còn gắn liền với các vị thần trong các truyền thuyết. Hoa sen tượng trưng cho sự giác ngộ và thanh tịnh, trong khi các loài chim tạo ra âm thanh hòa quyện với không gian, giúp tâm trí con người dễ dàng hòa mình vào sự tôn thờ."

"Vậy còn việc động vật sống xung quanh ngôi đền mà không sợ hãi thì sao? Có phải đó cũng là một phần của nguyên tắc này không?"

"Đúng vậy. Một ngôi đền được xây dựng ở nơi mà động vật có thể sống yên bình mà không bị đe dọa là một dấu hiệu của hòa bình và sự tôn trọng tất cả các sinh vật. Điều này phản ánh sự bảo vệ và lòng nhân từ của các vị thần. Trong mắt các tín đồ, đó là cách để tạo ra một không gian thiêng liêng nơi sự sống được tôn vinh và gìn giữ."

Trong từng câu chữ, Krah Kaong không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn thể hiện một sự tôn trọng sâu sắc đối với sự tò mò và sự tìm hiểu của Jorani. Cô không chỉ là người giải thích mà còn là người hướng dẫn, từng bước một dẫn dắt Jorani đi qua những khái niệm phức tạp mà không làm cho cô cảm thấy bị áp lực hay bối rối.

Tu sĩ Rasak Tun vẫn luôn tập trung vào bổn phận của mình, không hề xao nhãng để tâm đến những cuộc chuyện trò xung quanh, nhưng đôi lúc cũng cảm thấy có chút lạ lẫm khi nghe ngôn ngữ trao đổi giữa Jorani và Krah Kaong là tiếng Việt.

"Chúc chư vị bình an và hạnh phúc. Mong rằng các vị tìm thấy sự thanh tịnh trong không gian thiêng liêng này!" - Sau khi hoàn tất công việc, Rasak Tun cúi chào một cách trang trọng rồi lặng lẽ rời đi, để lại mọi người tự do thư thái trong khuôn viên yên tĩnh của đền thờ.

Trên tay Naila, bé Rang đã ngủ thiếp đi tự lúc nào, cái đầu nhỏ bé gục gặc xuống vai mẹ như chú chim non tìm chỗ dựa. Vợ chồng Naila đành từ biệt mọi người trước rồi rời khỏi đền thờ. Kong-Kae nhìn theo, rồi quyết định ở lại giúp đỡ các Po Bassah, như một việc công quả thường ngày. Anh định bụng sẽ về nhà cho đến khi buổi kinh tối kết thúc.

Lúc này Krah Kaong và Jorani cũng quyết định quay về Kuti, để xin gặp Sư Cả Po Tiyang Bara.

Khi Krah Kaong và Jorani đến trước mặt Cả sư, ông đang cầm trên tay cuốn sách cổ bằng lá buông, ghi chép các nghi thức thiêng liêng được gọi là Agal Bac, và liên tục lần từng chuỗi hạt trong lúc đọc.

Agal Bac không chỉ là các kinh luật mà còn là báu vật thiêng liêng của các chức sắc, bao gồm ba bộ chính dành cho mỗi đền tháp, được Po Adhia gìn giữ để thực hiện các nghi lễ. Mỗi bộ có năm tập kinh lớn, mỗi tập gồm nhiều chuyên đề, bao quát từ sinh hoạt đến phong tục tập quán. Tóm lại, có ba vấn đề chính: việc tạo dựng vũ trụ từ hình thành quả đất đến con người và vạn vật; tôn giáo và tín ngưỡng dân gian (Ngap yang parang bingu); và những điều cấm đoán, răn dạy con người về cách sống, đặc biệt là cho tầng lớp tăng lữ Basaih trong việc tu luyện đạo pháp và bùa phép thần chú siêu nhiên để cứu nhân độ thế. Po Adhia và Basaih thờ cúng vật tổ Bangarac, một giỏ đan bằng mây tre nhỏ hình chữ nhật, bên trong chứa các vật thiêng như mũ, chuỗi hạt, lọ nước thần, và chén lễ.

Krah Kaong khẽ nhún người cúi đầu, tiếng nói nhỏ nhẹ nhưng không giấu nổi sự kính cẩn: "Bạch Cả sư, chúng con là tín nữ, xin phép được diện kiến như lời dặn dò vừa rồi của ngài!"

Jorani dù không thạo nghi lễ nhưng cũng cúi đầu theo, lòng bàn tay lạnh ngắt do hồi hộp. Lưng rợn sống, đột nhiên một làn gió thổi từ phía đông đến mang hơi thở của biển. Ánh nến mờ ảo hắt lên nền đá tạo thành những vệt bóng đen dài đậm, khiến cho cảnh vật càng trầm mặc.

Sư Cả không nói gì thêm, chỉ nhẹ nhàng cầm một bông hoa sứ từ trên cành, đặt vào thau nước bằng bạc, mặt nước trong thau dao động nhẹ nhàng, tạo ra những vòng sóng lan dần. Sư Cả nâng mắt lên, ánh mắt ông sắc sảo và trầm tĩnh. Ông gật đầu, mời Krah Kaong và Jorani bước vào gần hơn, mới bắt đầu thăm hỏi: "Nếu ta nhớ không lầm, cô là Nai Jorani?"

Jorani cảm thấy bất an, nhưng khẩu khí lại dứt khoát thừa nhận: "Vâng, con là Jorani!"

"Ta nghe nói cô từ một nơi xa đến, có thể cho ta biết chính xác nơi đó là đâu không?" - Ông ấy nhìn vào Jorani, và hỏi với sự quan tâm lạ thường, như thể đang tìm kiếm một điều gì đó sâu xa hơn trong ánh mắt của cô.

Jorani cố giữ bình tĩnh, nhưng bất giác âm thanh lại run rẩy lạc mất kiểm soát: "Bạch thầy, con đến từ Vijaya, là... người thuộc xã Kat Thrin (Cát Trinh)!"

Sư Cả chỉ gật đầu một cách từ tốn, không hề vội vã, thể hiện một sự kiểm soát hoàn toàn và sự chờ đợi không thể lay chuyển. Sự im lặng kéo dài như một thử thách, nhấn mạnh gia tăng thêm sự căng thẳng trong lòng Jorani. Ông lại ngắt thêm một bông hoa mới, những ngón tay ông khẽ vuốt ve cánh hoa rồi thả vào thau nước lần thứ hai. Hành động của Sư Cả chẳng có gì phức tạp nhưng lại chất chứa đầy ấp sự ẩn ý, như thể ông đang tìm kiếm sự thành thật từ trong câu trả lời của Jorani.

Jorani cảm thấy như một làn sóng lạnh lẽo xâm chiếm cơ thể, khiến cho mỗi tế bào của cô dường như bị đóng băng. Mỗi nhịp thở đều cảm thấy nặng nề, như có một bàn tay vô hình đang siết chặt ngực cô. Bất chợt một cơn đau nhói lan tràn, làm cho hơi thở của cô trở nên gấp gáp và khó khăn. Khuôn mặt cô lập tức trở nên tái nhợt, và trong khoảnh khắc đó, mọi thứ xung quanh dường như quay cuồng. Ánh sáng từ những ngọn nến nhòa dần, biến thành những chùm sáng mờ ảo, làm cho cảnh vật trước mắt cô trở nên tối tăm và lu mờ. Cảnh vật dường như bị vặn vẹo, ánh sáng từ những ngọn nến dập dờn như những đốm sáng ma quái, tạo nên những bóng đen dài và méo mó trên nền đá. Đầu óc cô quay cuồng, và cảm giác mất phương hướng khiến cho mọi thứ trước mắt như đang bị kéo giãn và biến dạng.

Âm thanh ngay túp lều bỗng chốc trở nên hỗn loạn. Tiếng kinh tụng từ các tín đồ bên cụm tháp kia vốn dĩ chỉ là một âm thanh nhẹ nhàng, giờ đây trở thành những tiếng thì thào inh ỏi, vang vọng, chồng chéo lên nhau một cách dồn dập, khiến tâm trí Jorani trở nên hoang mang.

Cô cảm thấy như có một sức mạnh vô hình đang bao trùm lên mình, khiến cho mọi cử động của cơ thể trở nên nặng nề và không thể kháng cự. Cô bất chấp phản kháng nhưng thứ âm thanh này không chỉ gây khó chịu mà còn tạo ra một sự cảm giác u mê, như thể những tiếng động này đang xâm nhập vào tâm trí cô và điều khiển suy nghĩ của cô.

Cảm giác hoảng loạn và lo âu bùng phát trong lòng Jorani, nhưng đồng thời, cổ họng cô lại bị thắt chặt, khiến cô không thể phát ra bất kỳ âm thanh nào. Cô cảm thấy như có một sức mạnh siêu nhiên vô hình nào đó đang ngăn cản mọi nỗ lực của mình để kêu cứu hoặc lên tiếng. Mỗi cử động của cơ thể trở nên trì trệ, giống như cô đang bị kẹt trong một mạng lưới vô hình, không thể thoát ra được. Jorani cảm thấy như mình đang bị dính vào một phép thuật cổ xưa, một sự chi phối mà cô không thể hiểu nổi nhưng lại buộc phải tuân theo.

Đột nhiên, mọi âm thanh và hình ảnh xung quanh bỗng dưng im bặt, nhường chỗ cho một khoảng lặng ngột ngạt. Trong sự tĩnh lặng ấy, một giọng nói nhẹ nhàng, như gió thoảng qua, vang lên bên tai cô. Giọng nói này không phải là của ai đó hiện diện, mà như thể đến từ một thế lực vô hình, đang nhắc nhở cô bằng một âm điệu đầy uy lực: "Anna, đừng phá vỡ nguyên tắc!"

Tiếng nhắc nhở ấy vang vọng trong đầu Jorani, rõ ràng và sắc nét như một mệnh lệnh không thể chối từ, thấm đẫm sức mạnh và sự nghiêm khắc. Lời nhắc nhở này không chỉ là một cảnh báo, nhấn mạnh sự kiểm soát và sự ràng buộc, mà còn là một phần của một trò chơi mà cô phải đối mặt, một cuộc thử thách không thể tránh khỏi.

===

CHÚ THÍCH:

[∮] "Phồn" nghĩa là nhiều, "Thực" là sinh sôi nảy nở, liên quan đến hình ảnh sinh thực khí nam và nữ. Sự hòa quyện âm - dương này không chỉ là nguồn gốc của sự sống mà còn ảnh hưởng đến tín ngưỡng, nghệ thuật, và chi tiết kiến trúc ở khắp vùng Á Đông.

[∮] Chin Mudra (Trí Ấn):

+ Cách Đặt Ngón Tay: Ngón tay cái và ngón tay trỏ chạm vào nhau, các ngón tay còn lại duỗi thẳng hoặc hơi cong, tay đặt trên đầu gối hoặc đùi.

+ Ý Nghĩa: Chin Mudra thúc đẩy sự hòa hợp và sự kết nối với bản thân, giúp tạo ra sự cân bằng và hòa bình trong tâm trí.

[∮] Trong kiến trúc Hindu cổ, các thầy thợ, hay những người chuyên nghiệp liên quan đến việc xây dựng và điêu khắc, được gọi chung là "Shilpin". Đây là một thuật ngữ bao quát dùng để chỉ những người thợ thủ công có tay nghề cao trong các lĩnh vực như điêu khắc, xây dựng đền thờ, và trang trí kiến trúc. Các thầy thợ trong kiến trúc Hindu cổ được phân chia thành nhiều nhóm dựa trên chuyên môn của họ:

+ Sthapati: Người kiến trúc sư, chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng các công trình.

+ Shilpi: Thợ thủ công chuyên về điêu khắc và trang trí, bao gồm việc tạc tượng các vị thần và tạo các chi tiết trang trí tinh xảo.

+ Vardhaki: Thợ xây dựng, chịu trách nhiệm thực hiện các công việc xây dựng và hoàn thiện các kết cấu kiến trúc.

Những thầy thợ này đều tuân thủ theo các nguyên lý trong Vastu Shastra (một loại khoa học kiến trúc cổ) và Shilpa Shastra (kinh điển về điêu khắc và nghệ thuật), đảm bảo rằng các công trình không chỉ đẹp mắt mà còn hài hòa với các nguyên lý tôn giáo và tâm linh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro