P14:LÝ CHIÊU HOÀNG - Đoạn kết của một vương triều

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Lý Chiêu Hoàng là vị nữ hoàng đầu tiên, và nhân tiện cũng là cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Cha bà là vua Lý Huệ Tông, cả đời chỉ loanh quanh bên một người đàn bà là Trần Thị Dung. Đế vương chung tình kể cũng là của hiếm lạ, nếu không kể tới việc dẫn đến họa ngoại thích chuyên quyền và cuối đời cũng chỉ sinh được có hai cô công chúa.

Trước sức ép của quyền thần Trần Thủ Độ (có bà con và luôn tiện có tư tình với hoàng hậu Trần thị), vua Lý Huệ Tông buộc phải lập đứa nhỏ hơn là công chúa Chiêu Thánh mới lên 6 làm hoàng thái nữ và truyền ngôi cho.

Năm 1224, công chúa Chiêu Thánh lên ngôi, tôn hiệu là Chiêu Hoàng. Bước đầu tiên trong âm mưu lật đổ nhà Lí thành công mĩ mãn. Thừa thắng xông lên, Thủ Độ liền đưa cháu trai mình là Trần Cảnh vào cung hầu hạ, nói sang miệng là bầu bạn cùng nữ đế. Rồi biên kịch vàng Trần Thủ Độ từ từ dựng nên màn kịch về mối tình trẻ trâu giữa thằng cháu vắt mũi chưa sạch và vị nữ đế còn đang chẫng bốn răng cửa.

Sử sách ghi vài dòng như sau:

"...Một hôm, Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh..."

Sau đó, làm như thể mối tình trẻ trâu cuối cùng cũng đơm hoa kết trái, biên kịch vàng Trần Thủ Độ sắp xếp cho Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh làm chồng. Chắc khi ấy nữ đế còn chẳng biết chồng là cái gì, có ăn được hay không.

Sau đó, Trần Thủ Độ tiếp tục thuyết phục Chiêu Hoàng tự nguyện trên tinh thần bắt buộc xuống chiếu nhường ngôi cho chồng. Lần này, biên kịch vàng bị diễn sâu thái quá. Lấy danh Lý Chiêu Hoàng mà lại đi phóng bút hẳn một chiếu thư lời lẽ bay bổng, Hán Việt tùm lum, điển tích loạn xạ, vượt xa khả năng biết đọc biết viết thông thường của một nhóc tì 7 tuổi.

Nhà Lý lúc bấy giờ, suy tàn đến cùng cực, vẫn may mắn rơi vãi lại vài nhân tài kiệt xuất, hết mực trung chinh như Lý Quang Bật, Lý Long Tường. Nhưng tất nhiên team Lý lực mỏng, cân không được team Trần. Những quần thần phe trung lập chưa biết theo team nào, trước uy quyền đến lộng quyền của Trần Thủ Độ cũng chỉ biết cúi đầu gật gù khen phải.

Năm 1225, Trần Cảnh lên ngôi, sử gọi là Trần Thái Tông. Giang sơn Đại Việt chính thức sang tên đổi chủ. Triều Lý chấm dứt sau 216 năm cai trị. Từ đây mở ra triều đại nhà Trần, triều đại tai tiếng bậc nhất, nhưng đồng thời cũng có chiến công vang dội mà khó có triều đại nào sánh kịp khi 3 lần đẩy lùi vó ngựa Nguyên Mông, đế quốc đã làm cỏ cả một dải đất rộng lớn trải dài từ Á sang Âu.

Trần Thủ Độ một tay che trời, tài năng khỏi bàn cãi. Nhưng dù là trùm sò trong âm mưu lật đổ nhà Lý, Trần Thủ Độ cũng không ham hố đặt mông nình lên bệ rồng, mà trước sau đều một lòng phò tá vua, an phận làm một quyền thần hô mưa gọi gió.

Sau khi Trần Cảnh lên ngôi, liền phong cho Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh hoàng hậu. Vị thế của bà tụt xuống một bậc, nhưng nhìn chung vẫn cao quý chán. Ngày tháng chầm chậm trôi qua, mối tình trẻ trâu năm nào đã phát triển thành tình yêu nam nữ. Đế hậu hết mực yêu thương trân trọng lẫn nhau.

Năm 1233, Chiêu Thánh hoàng hậu hạ sinh thái tử Trần Trịnh khi mới 15 tuổi. Mọi việc tưởng chừng có vẻ viên mãn thì đùng một cái, thái tử Trịnh qua đời khi vẫn còn quấn tã. Chuyện này kể ra cũng không có gì lạ, ở cái thời kì y học thô lậu, ở cái tuổi còn mài đũng trên ghế nhà trường, trẻ con sinh ra 10 thì đến 8 đứa dặt dẹo.

Hậu quả của lần sinh nở khi sinh lí chưa hoàn thiện kéo dài cho tới tận vài năm sau, Chiêu Thánh hoàng hậu đau ốm liên miên. Trần Thủ Độ bắt đầu sốt ruột khi hoàng hậu đã 4 năm mà vẫn không thể sinh hạ thêm đứa nào chứ đừng mơ tới thái tử.

Trong cơn quẫn trí, hoặc quá lí trí, Trần Thủ Độ liền cùng bà Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung (mẹ đẻ Chiêu Thánh, lúc này đã xách váy đi theo làm vợ Trần Thủ Độ), hai ông bà hùa nhau ép Trần Cảnh bỏ Chiêu Thánh, lập công chúa Thuận Thiên (vừa là chị dâu, vừa là chị vợ của Trần Cảnh) lên làm hoàng hậu.

Bà Trần Thị Dung thiết nghĩ phải có trái tim làm bằng sợi carbon tổng hợp, hay bét nhất cũng phải ti tan nguyên chất. Hổ dữ còn không ăn thịt con, riêng bà này nhai con không thèm cả nhả bã.

Thuận Thiên lúc ấy còn mang thai 3 tháng với chồng là Trần Liễu (anh ruột của Trần Cảnh). Đó là scandal loạn luân, đổ vỏ đầu tiên của nhà Trần. Sau này nhà Trần còn nảy nở thêm vài đấng anh tài noi gương đế vương, có tư tưởng rộng rãi khoáng đạt, loạn luân trong vinh quang và đổ vỏ trong niềm hân hoan phấn khởi.

Họ Trần có khuynh hướng bị ám ảnh đến hoang tưởng bởi vấn đề ngoại thích chuyên quyền, vì họ từng dùng chính phương thức này để cướp ngôi từ tay họ Lý. Một lô xích xông những bà hoàng hậu sau đó đều là người nội tộc. Kết hôn cận huyết, giống nòi suy thoái nhanh đến thảm hại. Dấu vết của những trường hợp quái thai, dị tật vương vãi tung toé khắp các trang sử vẻ vang của nhà Trần. Nhưng đề phòng tới lui, kết cục nhà Trần vẫn mất vào tay ngoại thích, ngay sau khi người phụ nữ ngoại tộc đầu tiên (em họ Hồ Quý Ly) rờ được tay vào ngôi vị hoàng hậu.

Quay lại với Trần Cảnh và Chiêu Thánh, Trần Cảnh ban đầu vì tình yêu tuổi mới lớn với Chiêu Thánh còn làm mình làm mẩy bỏ lên Yên Tử tu hành để phản đối. Trần Thủ Độ bèn dẫn cả đoàn bá quan văn võ lên Yên Tử xẻ gỗ đóng cọc chuẩn bị xây nhà lầu cung điện, dõng dạc tuyên bố: "Vua ở đâu, triều đình ở đó". Trần Cảnh từ bé đến giờ chưa gặp phải ai lầy lội như ông này, tự biết nhây nữa cũng vô ích, đành nuốt ấm ức quay về.

Vụ tai tiếng này châm ngòi cho cơn phẫn uất tột độ của Hoài vương Trần Liễu. Bị cướp vợ, cướp con một cách trắng trợn, Trần Liễu dấy binh làm loạn ở sông Cái. Nhưng trước sự chèn ép quyết liệt của Trần Thủ Độ, cuối cùng lại phải dẹp tự ái nam nhi đến chỗ Trần Cảnh xin tha thứ. Tự an ủi bản thân quân tử trả thù vài chục năm chưa muộn, Trần Liễu về nhà ẩn nhẫn bồi dưỡng nhân tài trăm năm hiếm có Trần Quốc Tuấn, những mong sau này ông con có thể thay ông cha cướp ngôi rửa hận. Kết quả lại đào tạo ra một danh tướng lừng lẫy, tận trung với các vua Trần đến hơi thở cuối cùng.

Năm 1237, Chiêu Thánh bị giáng xuống thành công chúa. Địa vị tiếp tục tụt thêm một bậc, coi như trở lại vạch xuất phát. Chiêu Thánh công chúa sống cô độc trong cung ngót nghét 20 năm, thẳng một lèo đến 40 tuổi, hết xừ nó tuổi xuân.

Đỉnh điểm bi kịch cuộc đời của vị nữ đế là vào năm 42 tuổi (1259), khi bà bị chồng cũ gả bán.

Vua Thái Tông trong cơn hứng trí đã đem vợ cũ, tức Chiêu Thánh công chúa, ban cho công thần góa vợ Lê Tần để cảm kích ơn cứu mạng trong trận chiến với Mông Nguyên năm 1258. Trở thành phu nhân của bầy tôi, địa vị của Chiêu Thánh lần này trượt dài mấy bậc.

Việc làm này của Trần Thái Tông tô đen sì thêm vào vết nhơ "nho nhỏ" trong cuộc đời anh minh, sáng suốt, đầy công trạng với đất nước của ông.

Dân gian còn lưu truyền mãi câu ca dao thác lời Chiêu Thánh oán trách Trần Cảnh:

"Trách người quân tử bạc tình,
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao."

Tuy nhiên, lần bán rao này lại vô tình mang lại 20 năm hạnh phúc cuối đời cho Chiêu Thánh. Cặp vợ chồng ngoại tứ tuần sống với nhau tròn 20 năm. Trần Thủ Độ lúc này mới ngẩn tò te, trợn mắt nhìn vị hoàng hậu không biết đẻ năm nào sinh liền tù tì một đôi kim đồng ngọc nữ, là Thượng Vị hầu Lê Tông và Ứng Thụy công chúa Lê Ngọc Khuê.

Không biết Trần Thái Tông khi ban Chiêu Thánh cho Lê Tần có ý thức được mình đang cứu vớt cuộc đời bà không. Hay chỉ đơn giản là: "Ông thích thế. Ông làm vua, ông có quyền."

Chiêu Thánh công chúa mất năm 1278, khi ấy bà 61 tuổi. Sử sách chép, khi qua đời tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, da vẫn tươi như hoa đào. Vụ này hoặc là xạo một cách trắng trợn, hoặc là để lại manh mối quý giá về kỹ thuật cải lão hoàn đồng, tiền thân của phẫu thuật thẩm mỹ.

Lý Chiêu Hoàng là vị vua duy nhất trong chín đời vua Lý không được an táng tại đền Đô. Lăng mộ của bà, đền Rồng, nằm cô quạnh bên rìa rừng Báng. Căn nguyên bà bị kì thị cho ra đảo là vì đã đánh mất ngai vàng, trở thành tội nhân muôn đời của nhà Lý.

Nhưng dưới cái nhìn công bằng hơn cho nữ đế, nói tới tội lỗi đánh mất giang sơn vào tay đấng trượng phu, nếu Mị Châu thực sự có chút lỗi lầm thì Chiêu Hoàng lại hoàn toàn vô tội. Thử hỏi khi 7 tuổi chúng ta đang làm gì? Và nếu có ai đáng bị ra đảo, thì đó hẳn phải là ông nội của Chiêu Hoàng, vua Lý Cao Tông, người đã vô tư dẫn dắt triều Lý bước đi hùng dũng trên con đường dẫn tới họa diệt vong.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro