P15:LÝ THƯỜNG KIỆT - Đánh Tống, bình Chiêm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Hẳn mọi người đều biết, ai không biết thì bây giờ biết, Lý Thường Kiệt vốn là một hoạn quan. Thế quái nào mà người anh hùng đánh Tống bình Chiêm, tác giả (theo giả thuyết) của bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử lại...

Nhưng nghĩ tới cũng phải nghĩ lui, đời làm gì có ai hoàn hảo. Và cái sự Ngài khiếm khuyết chút đỉnh cuối cùng cũng chẳng ảnh hưởng tới đầu óc hay thể lực Ngài là bao. Điều này mang tới niềm hy vọng lớn lao cho một số những anh chàng không may khuyết chỗ nọ, lẹm chỗ kia. Con đường trở thành vĩ nhân vẫn phơi phới, lồng lộng.

Lý Thường Kiệt mở mắt nhìn đời năm 1019 giữa đất Thăng Long. Tên cúng cơm của ngài là Ngô Tuấn. Có cha làm Sùng tiết tướng quân, là chắt kêu sứ quân Ngô Xương Xí bằng cụ nội. Tra thêm một thôi một hồi, té ra còn là cháu sáu đời của Ngô Vương Ngô Quyền.

Gia đình cơ cấu, gốc gác đọc lên như đại bác nổ bên tai. Ấy vậy mà lại vào cung làm thái giám, âu cũng do cái mặt tiền đẹp đẽ quá mức cần và đủ.

Năm 1041, chàng mĩ nam Ngô Tuấn (khi ấy mới được 23 cái mùa khoai sọ, xuân xanh phơi phới) vào cung tự yêm, ngày ngày hầu cận vua Lý Thái Tông.

Mười hai năm làm nội thị, Ngô Tuấn từ một Hoàng môn chi hậu nho nhỏ, đã leo tận lên chức Nội thị sảnh đô tri. Nói chung cũng chả hiểu cái chức ấy lớn cỡ nào, to bao nhiêu. Đại khái chỉ biết Ngô Tuấn mới 35 tuổi đã trở thành một nhân vật máu mặt trong triều đình, há mồm là hô mưa gọi gió.

Năm 1054, sau mười ba năm kề cận, Lý Thái Tông băng hà. Thái tử Nhật Tôn lên ngôi, sử gọi là Lý Thánh Tông. Con đường công danh của Ngô Tuấn lại càng rộng mở. Ông được phong lên tận Kiểm hiệu thái bảo, thường can gián vua. Đại khái là có thể bảo vua làm thế này rất dở, hay thế kia thì không được khôn.


CUỘC PHẠT CHIÊM CỦA NHÀ LÝ (1069)

Từ thế kỉ X, các vua Lý cứ lâu lâu lại rục rịch nam chinh một lần, mỗi khi Chiêm Thành nổi hứng bỏ cống hoặc ăn nhầm gan hùm mật gấu đi quấy nhiễu vùng biên giới.

Đến thời Lý Thánh Tông, một ngày giông bão, vua mở bản đồ ra coi cho đỡ buồn, tự nhiên lại cảm thấy lãnh thổ Đại Việt hơi nhỏ (chắc do ảnh hưởng thời tiết). Thế là cuộc nam chinh thường lệ lại đèo thêm một ý nghĩa khác, đó là mở rộng biên giới.

Vừa hay đúng lúc ấy, vua Chiêm là Chế Củ lại một lần nữa bỏ cống Đại Việt, lén lút thần phục nhà Tống. Mọi động thái của Chế Củ, lọt vào mắt vua Lý Thánh Tông đều trở thành hành động khiêu khích không thể khoan thứ.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông tự mình thân chinh, việc trong triều giao lại cho Nguyên Phi Ỷ Lan và thái sư Lý Đạo Thành.

Thủy quân nhà Lý gồm 200 chiến thuyền, do Lý Thường Kiệt làm Đại tướng. Mất tổng cộng 26 ngày vừa đi vừa đánh, cuối cùng cũng tới được kinh đô Phật Thệ.

Vua Chiêm Chế Củ phát hoảng, đèo bồng cả gia đình chạy trốn. Thế mà trốn rất kĩ, vua quan nhà Lý tìm mòn mắt cũng không ra.

Cái trò giong buồm tiến đánh thì cực kì phấn khích, vì ngày nào cũng nghe: quân ta tiến, tiến và tiến... quân ta thắng chỗ nọ, vượt chỗ kia. Nhưng đến giai đoạn lùng bắt Chế Củ, ngày nào cũng nghe: quân ta chưa, chưa và chưa... thì vua lại chán không thể tả. Đến lúc chán hết chịu nổi bèn đem quân trở về.

Dọc đường về, nghe nhân dân khen nức nở bà Nguyên Phi ở nhà giám quốc, trong nước được yên trị. Vua thầm nghĩ: "Người đàn bà trị nước còn được như thế, mình đàn ông đi oánh lộn mà cũng không xong."

Tự ái nam nhi trỗi dậy, vua đùng đùng dẫn quân quay lại. Chỉ tội Chế Củ, vừa mới thở phào đã lại phải thở hắt ra.

Ròng rã hơn một tháng trời, quân Lý dồn được Chế Củ tới sát biên giới Chân Lạp. Chế Củ không may lại từng gây thù với Chân Lạp, thế là hết đường chạy.

Cuối cùng, Chế Củ phải ngậm ngùi dâng ba châu Địa Lý, Bố Chính, Ma Linh (vùng từ dãy Hoành Sơn đến dãy Bạch Mã), mới được tha về nước.

Nam chinh thắng lợi. Một ngày đẹp trời, vua Lý Thánh Tông lại mở bản đồ ra coi, phấn khởi thấy biên giới Đại Việt đã rộng ra đáng kể.

MỐI QUAN HỆ MỜ ÁM GIỮA LÝ THƯỜNG KIỆT VÀ NGUYÊN PHI Ỷ LAN
(Tất nhiên chỉ trên trường chính trị, anh Kiệt là thái giám mà)

Năm 1072, thái tử Càn Đức mới 7 tuổi lên ngôi, lấy hiệu Lý Nhân Tông. Thái sư Lý Đạo Thành tôn hoàng hậu Dương thị lên làm Hoàng thái hậu. Nhưng chỉ 4 tháng sau, dưới sự tác động của mẹ đẻ là Nguyên Phi Ỷ Lan cùng với đại thần nắm giữ binh quyền Lý Thường Kiệt, vua Nhân Tông xuống chiếu phế truất Thái hậu, đem bà và bảy mươi hai cung nữ chôn sống theo vua Lý Thánh Tông cho có bầu có bạn. Dương thị trở thành một trong hai bà thái hậu số nhọ nhất trong lịch sử, bị chính con cháu mình giết chết.

CHIẾN DỊCH ĐÁNH TỐNG (1075-1076)

Năm 1070, Vương An Thạch bắt đầu chú ý đến phương nam và sốt ruột muốn lập công, bèn tâu bậy lên vua Tống rằng:

- Đại Việt vừa đánh Chiêm Thành thất bại thảm hại, quân đội què quặt, lấy quân Ung Châu sang chiếm Đại Việt còn dễ hơn húp cháo.

Vua Tống nghe vậy mừng húm, nghĩ chuyến này ngon ăn, lập tức tuyển quân, tập thủy chiến, biến Ung Châu thành một căn cứ quân sự, chuẩn bị tấn công Đại Việt. Sau này mới biết chẳng cái dại nào bằng cái dại này.

Nhà Lý tính ra không phí cơm gạo nuôi tình báo, âm mưu của quân Tống bại lộ còn nhanh hơn cả Tôn Quyền bị Tào Tháo đuổi.

Trước tình hình đó, thái uý Lý Thường Kiệt phát biểu hùng hồn:

- Ngồi yên đợi giặc sao bằng sang phủ đầu, dằn mặt nó.

Quần thần sau phút xanh lè mắt mũi thì lại thấy phấn khích tột độ. Từ thưở cha sinh mẹ đẻ tới giờ có khi nào được vinh quang như vậy. Một cuộc tấn công quy mô sang đất Tống được lên kế hoạch chớp nhoáng.

Trong 5 tháng ngắn ngủi, giữa mùa đông mưa dầm gió bấc, đạo quân của Đại Việt thọc sâu vào đất Tống trước sự ngỡ ngàng của đối phương. Thế quái nào mình còn đang chuẩn bị đánh nó mà nó đã sang ủ lò mình.

Triều đình nhà Tống phút chốc lộn tùng phèo. Tống Nhân Tông đổ lỗi cho thằng tâu bậy Vương An Thạch:

- Mày bảo nó què quặt mà giờ nó sang làm cỏ mình là thế quái nào?

Hai ông tướng số nhọ là Thẩm Khởi và Lưu Di, chống quân Lý đến hộc cả lương khô, may không chết trận thì nay lại bị Vương An Thạch lôi ra làm bia đỡ đạn. Nào là trách nhiệm, nào là tội trạng, tự nhiên như rác trút lên đầu.

Lý Thường Kiệt sau khi diệt được ba căn cứ quân sự lớn phía nam bèn dẫn quân về nước phòng thủ, đề phòng quân Tống nổi máu cùn.

Quân Tống nổi máu cùn thật, cơn giận lấp hết cả trí khôn, bán cầu não trái, phải teo lại còn bằng hạt đậu. Bản thân bét nhè mà vẫn hăng máu đem quân sang rửa hận.

Lý Thường Kiệt thừa lệnh đón đánh, lập phòng tuyến trên sông Như Nguyệt. Cũng chính tại đây, bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, bài thơ Nam Quốc Sơn Hà chính thức đi vào sử sách.

Quân Tống bị chặn tại phòng tuyến Như Nguyệt, tiến không được. Mà rút về thì vừa ê mặt, lại còn bị Vua gõ đầu. Ở yên một chỗ thì cạn kiệt lương thực, hao mòn vì khí hậu, thi thoảng còn bị quân Lý nổi hứng bơi sang chọc cho một phát.

Trước tình hình đó, Lý Thường Kiệt cảm thấy chiến tranh liên miên vừa hại người, lại cũng nhọ mình, bèn sai sứ sang xin nghị hoà để quân Tống rút về. Quách Quỳ mừng như bắt được vàng, gật đầu cái rụp rồi phấn khởi kéo quân về nước.

Năm 1105, Lý Thường Kiệt qua đời, thọ 87 tuổi. Ông trải sóng gió qua ba đời vua, được ban quốc tính. Và cũng là vị thái giám đầu tiên được ghi danh vào sử sách như một người anh hùng dân tộc.


"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro