Chương 17: Luân Chuyển (Phần 1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Bây giờ chúng ta phải làm sao?"

"Ta... không biết nữa. Mọi thứ đều rối tung rối mù cả lên. Tình thế... đã xoay chuyển theo hướng vô cùng bất lợi cho chúng ta..."

"Chẳng lẽ... chúng ta... tuỳ cơ ứng biến?"

"Rốt cuộc... ngươi rốt cuộc đã biết những gì?"

Trên nền đất, đằng sau hàng cột, hai người bọn tôi đang ngồi xếp bằng, đối diện nhau, ta nhìn ngươi, ngươi nhìn ta, bối rối. Cơn hoảng loạn đã trôi qua và để lại hai thằng nhóc đang đau đầu suy tính nước cờ tiếp theo.

"Ta biết rằng bằng hữu ngươi đang lập mưu kế gì đấy..."

"Tiếp tục!" Tôi đanh giọng.

"Lê Ngỗi biết được về danh tính của ngươi, và sự tồn tại của thứ thuốc tiên kia..."

"Tiếp nữa!"

"Và kế hoạch của Trịnh huyện thừa liên quan đến một người nào đó quan trọng, và toàn thể dân chúng huyện Gia Định..."

"Ừm hửm..."

Ngày hôm qua, Trịnh Viêm đã nêu lên một loạt tên của những nhân chứng trong vụ án. Thím Mùi bán chè, bác Vân chủ nhà khách, chú Văn bán vải vóc và quần áo. Những người này đã chứng kiến tội ác của lão quản gia, cảnh tôi chạy đi cứu đứa nhỏ, cũng như cách bọn tôi đối đãi cô bé như em gái mình. Nếu dựa vào những gì cậu sinh viên hàng nước đã nói, thì triều đình cấm tiệt chuyện buôn người, đặc biệt là trẻ em vô tội. Nếu tính từ thời điểm bọn tôi "phạm pháp", phải chăng chính tôi mới là người có thể tố cáo bọn chúng? Phải chăng chính tôi mới là nguyên cáo hợp pháp, là người tuân thủ phép nước, cứu chuộc đứa trẻ, lập được công trạng?

Còn chuyện buôn bán có giấy phép hay không giấy phép, tất cả đều là vì mục đích mua chuộc tự do cho cô bé kia?

Xét cho cùng thì bọn tôi không hề mang nhiều tội đến như vậy!

Dân chúng không được ăn học tử tế nên không ai hiểu rõ luật lệ triều đình Đại Việt, bị tên Phạm Tất và Lê Ngỗi xỏ mũi dài dài! Càng nghĩ, tôi càng kinh sợ sự thâm hiểm của bọn họ. Tới giờ này tôi vẫn còn chưa dám tin chuyện tên Lê Ngỗi dám sai người thủ tiêu Trịnh huyện thừa ngọt xớt như vậy. Thảo nào ai ai trong huyện cũng ngán hắn. Vừa có tiền, vừa có quyền, lại vừa có sự gian trá kinh điển của lũ quan lại quý tộc tham ô.

Dù có sự trợ giúp của Trung Nghĩa, cơ hội chiến thắng của tôi cũng vô cùng thấp.

Chưa kể hắn còn biết được "thân phận" của mày, não tôi tàn nhẫn tiếp lời, chỉ cần bại lộ là tin tức sẽ bay một cái vèo đến tai ngài Thượng thư Hình bộ. Sau đó thì "phập", cái đầu mày sẽ sớm lìa khỏi cổ thôi!

"...ta sẽ lẩn vào đám đông và kích động dân làng, đổi trắng thay đen, lật ngược tình thế..." Trung Nghĩa lầm bầm. Anh ta đỡ tôi đứng dậy khi binh lính bắt đầu tập trung đến công đường. Từ đâu bỗng xuất hiện hai tên lính chạy đến tháp tùng tôi, không quên lo xa trói tay tôi thêm vài vòng ra đằng sau và đeo gông vào cổ. Đã gần đến giờ xử án, và cơ hội chạy thoát đã là con số 0 tròn trĩnh.

Cầu trời, khẩn phật, các vị thần linh, và cả gia tộc bác Nguyễn Trãi, tôi lẩm bẩm cầu nguyện, nói chung là ai cũng được! Con, Đặng Duy An, đã phạm một sai lầm cực kì nghiêm trọng, và đã làm liên luỵ đến biết bao nhiêu người. Hôm nay là ngày xử án, con biết là mình sẽ không thể nào qua khỏi. Con chỉ dám cầu mong cho ba người bạn kia luôn được phù hộ, bảo toàn được tính mạng.

Tôi thở hắt ra, chân lê lết một đoạn đường khá dài đến trước công đường, và tiếp tục suy tính cách đối phó lũ giai cấp thống trị kia. Chưa tới giờ xử án mà dân chúng đã tập trung đông nghẹt đằng ngoài, đứng sau hai thanh giáo chặn cửa, và tôi nhận ra một vài khuôn mặt quen thuộc: cậu sinh viên ăn chè đứng ngay hàng đầu, rồi cô chủ quán cơm đêm, ông chú vạm vỡ cầm bảng cáo trạng hôm nọ. Ngay cả bà lão bán rau cũng có mặt! Cậu học trò của phủ Tĩnh Gia vừa bắt gặp ánh mắt cảm kích của tôi thì há hốc, như không thể tin vào mắt mình trước bộ dạng thê thảm của thằng nhóc hôm nọ. Không chỉ cậu ta, mà toàn bộ những người hiện diện trong phiên xử đều hít một ngụm khí lạnh khi thấy tôi bị lôi lên công đường. Có lẽ họ không ngờ đến tính chất nghiêm trọng của vụ án, cũng như thủ đoạn dã man của lão tri huyện.

"Ối giời đất ạ! Bọn chúng đã làm gì cậu thế này?"

"Mợ thầy ơi! Chúng bây nhìn xem, những ngón tay đều bị kẹp đến hỏng cả."

"Đúng là lũ người lòng lang dạ thú!"

"Suỵt, ông khẽ thôi! Lão tri huyện nghe được thì khốn!"

Mắt tranh thủ rà soát đám đông, tôi tìm kiếm hai bóng hình cao ráo khả nghi kia, nhưng hoàn toàn không thấy đâu.

Tốt! Vậy có nghĩa là:

1.  Nick và Andrey không hề lo lắng đến mức hoá đần độn. Bọn họ vẫn còn lý trí để biết tránh mặt nguy hiểm.

2.  Tôi có thể yên tâm đối phó hai người kia. Sống chết thế nào, chỉ một mình tôi gánh chịu là đủ.

Thằng nhóc này bị lôi đi xềnh xệch đến trước một cái bàn lớn, nhấn vai quỳ xuống. Hai hàng lính canh đứng đối nhau, nghiêm nghị, quân phục chỉnh tề, gươm giáo sáng loáng. Đứng phía bên tay trái là lũ nguyên cáo. Xếp đầu hạng trong danh sách đen, và đứng chính giữa là tên Lê Ngôi, người đang cười phè phỡn với cây quạt nan phe phẩy. Tên quản gia cáo già đứng ngay phía sau, và lấp ló ngoài cùng là tên nghiện rượu Huỳnh Thảy. Phía bên phải là mấy tên lính quen thuộc – Hoàng Am, Trình Khải – khuôn mặt ai nấy sưng vều lên, lốm đốm xanh xanh đỏ đỏ như con tắc kè bông mà nếu trong tình huống khác tôi sẽ phá ra cười. Hoàng Am, tên nhóc con hỉ mũi chưa sạch bắt gặp cú liếc sắc lẹm như dao găm của tôi thì lùi lại vài bước, đụng phải cây cột, mém chút nữa thì ngã nhào ra đất.

Chưa thấy Phạm Tất đâu.

Để đảm bảo Andrey và Nick sẽ không bao giờ lộ mặt, và ngăn chặn tuyệt đối âm mưu dụ dỗ quy hàng của bọn Lê Ngỗi, tranh thủ lúc "trùm cuối" chưa xuất hiện, tôi uốn lưỡi ba lần khởi động, dồn hơi xuống bụng dưới và dùng thứ nội công còn sót lại để hét thật to lên bằng tiếng Anh, vang vọng:

"ANDREY, NICK, DÙ CÓ CHUYỆN GÌ THÌ HAI ĐỨA MÀY CŨNG NHẤT QUYẾT KHÔNG ĐƯỢC XUẤT HIỆN, NGHE RÕ CHƯA?"

Quần chúng đang xôn xao bỗng im bặt. Trình Khải bước lại, tát tôi một cú như trời giáng.

Chát!

"Câm mồm!"

"Hắn chính là muốn ra tín hiệu cho hai tên đồng bọn kia đấy!"

Một tên lính lạ hoắc bước tới, định nhét miếng vải dơ hầy vào miệng tôi thì bỗng khựng người lại.

Bịch! Bịch! Bịch!

Từ đằng sau, tiếng bước chân khoan thai trên nền đất đang từ từ tiến lại gần. Không cần quay đầu lại thì tôi cũng biết là ai.

Tri huyện Phạm Tất cuối cùng cũng đã tới. Trong đầu tôi bỗng vang lên bản nhạc Imperial March[1] huyền thoại. Bi đát hơn cả người tình bị bỏ rơi, tim tôi liên tục nhói lên, đau quằn quại và tê tái mỗi khi nhìn vào bản mặt lão ta.

Khoan đã, nói như vậy thì có hơi sai sai. Thật ra nhan sắc ông ta cũng không đến nỗi tệ lắm, mang thần thái của một người từng mài đũng quần trên ghế nhà trường. Da láng bóng, mắt xếch, mũi thanh mảnh. Điều duy nhất làm mất hình tượng là hàm râu cá trê vô duyên rủ xuống từ nhân trung, giống hình ảnh mấy ông quan văn nhu nhược mà tôi đã từng xem trên phim truyền hình. Hôm nay ông vận quan bào màu xanh biếc, hoạ tiết hơi khác so với y phục của Trịnh Viêm. Đầu đội ô sa, chân mang ủng, lưng đeo đai nạm ngọc.

Nhìn cao sang quyền quý thế thôi, chứ nhân cách bị vứt vào thùng rác mất rồi!

Sự có mặt của Phạm Tất khiến không khí lập tức nặng như đeo chì, chứng tỏ sức ảnh hưởng lớn của những văn võ bá quan thời bấy giờ. Tôi biết dân chúng huyện Gia Định vừa sợ hãi, vừa ngán ngẩm các tầng lớp giai cấp thống trị. Không biết vua Lê Thánh Tông quản lý các vị quan lại khác trong triều như thế nào, chứ nếu ông nào cũng giống Phạm tri huyện đây thì đất nước sẽ mau chóng nát bét như hũ tương nữa cho xem!

CẠCH!

Kinh đường mộc[2] đập lên mặt bàn, chát chúa. Giống như khi giám thị mới bước vào lớp học, tất cả "học sinh" trên công đường cúi rập mình xuống, ai nấy im phăng phắc. Tôi bất chấp lễ nghi, ngước đôi mắt đầy thù hằn lên nhìn ông ta.

"Duy An, ngươi đã biết tội của mình chưa?"

"Ha," tôi cười khảy, cái miệng lại nhanh hơn cái đầu. "Ta chỉ nhận tội vì ngươi đã bức ta tới đường cùng..."

Dân chúng lao xao trở lại. Nhiều người đã bắt đầu muốn xông thẳng vào công đường. 

"Hỗn xược!" Lần đầu tiên tôi mới thấy Phạm Tất lớn tiếng, nhưng mà chao ôi, tôi đây cóc sợ! "Người đâu, dạy dỗ hắn cho ta!"

Cái gì cơ? Tôi đã nói đúng sự thật mà! Ông đã tra tấn tôi, ép tôi cắn lưỡi đến chết. Giờ còn muốn dạy dỗ gì nữa?

Trình Khải nhanh nhảu bước lại gần, mặt khoái trá.

Chát!

À, thì ra ở đây, "dạy dỗ" đồng nghĩa với "tát vêu mồm". Công nhận mấy tên lính này, tát cũng chuyên nghiệp thật, chỉ cần một cú thôi là đủ làm con người ta xiểng niểng. Mất thăng bằng, tôi ngã sấp ra sàn, đầu óc quay cuồng.

Pax ơi là Pax, mày ngu quá là ngu,một giọng nói giống như Andrey vang lên trong đầu, không nên gây thù với kẻ trước mặt làm gì! Thay vào đó, mày hãy nghĩ cách xoay ngược tình thế vụ án đi!

"Ngươi còn chưa biết tội?"

Im lặng. Tôi mà nhận tội thì vụ án sẽ nhanh chóng kết thúc, nghĩa là bao nhiêu công sức chống lại phe phản diện sẽ đổ sông đổ biển. Pax này đâu có dễ đầu hàng như thế!

"Ta vô tội," tôi bình tĩnh kháng cáo, "ngược lại, Lê Ngỗi và hai người đây mới là... là gắp lửa bỏ tay người, là... là vi phạm vào phép nước..."

Lại là tiếng xôn xao của những người tham dự phiên xử, và những tên lính trên công đường cũng liếc nhìn nhau, mặt đầy vẻ hoang mang. Mắt xếch của Phạm Tất quắc lên, trông vừa đáng sợ vừa buồn cười (nói vậy chứ tôi không bao giờ dám đùa giỡn dù chỉ một giây).

"Nói hồ đồ gì thế? Trình Khải!"

"Có thuộc hạ!"

"Ngươi còn nhớ hắn đã khai ra những gì chứ?"

"Bẩm ông, thuộc hạ nhớ rất rõ."

"Nói đi!"

"Tên Duy An này, vào tầm canh giờ Dần, ngày hai mươi, tháng năm, Quang Thuận năm thứ hai, đã khai ra những tội danh như sau: buôn bán bảo vật mà không có giấy thông hành từ triều đình Đại Việt, tấn công thường dân, đả thương binh lính đang thi hành công vụ."

Định mệnh! Lúc đó bị tra tấn ghê quá, nói bừa bãi bao nhiêu thì bị mấy tên lính ghi chép lại bấy nhiêu.

"Ai là nhân chứng cho lời khai trên?"

Hoàng Am tiến tới.

"Có thuộc hạ!"

"Được, và ta cũng đã có mặt ở đó. Còn ai dám kháng cáo?"

Không ai dám lên tiếng. Biết ngay mà!

"Tang chứng đâu?"

"Bẩm ông, đây là thanh kiếm của Ngô Trọng, con dao ngũ sắc, con dao làm bếp và sợi dây thừng. Tất cả đều được dùng là hung khí gây án, riêng con dao ngũ sắc còn là vật phẩm được phạm nhân dùng để trao đổi."

Phạm Tất gật đầu, ra hiệu tên lính để qua một bên. Tên Lê Ngỗi nhìn lưỡi dao mà tiếc nuối, không bằng lòng nhìn Phạm Tất nhưng bị ông quan cố tình phớt lờ.

"Ai ở đây là nhân chứng?"

"Bẩm huyện quan," tên quản gia bước lên,"là thảo dân."

"Ngươi là ai?"

"Thảo dân là Dương Kiên."

"Ngươi đã chứng kiến những gì?"

"Bẩm ông, vào buổi chiều ngày hai mươi sáu, tên Duy An đây đã rao bán cho thảo dân một con dao, bảo vật của nhà Ka-nê-lốt, xứ Hy Lạp, với giá hai quan." Ông ta cung kính cúi người trước tri huyện, một trời một vực với thái độ xấc láo của tôi "Khi thảo dân từ chối không chịu mua thì hắn đã uy hiếp tính mạng của thảo dân..."

Một lời bịa đặt trắng trợn! Quả là không biết nhục! Tôi nghiến răng muốn nhào vô thụi lão ta một cú, nhưng với hai tên lính kềm kẹp sát rạt đằng sau lưng, giãy dụa tại chỗ còn khó khăn nữa là.

"Duy An to gan," Phạm Tất đập bàn,"có thật là như thế không?"

Cơ hội phản công đây rồi! Đã đến lúc đem sự thật ra phanh phui trước bàn dân thiên hạ.

"Hoàn toàn là vu khống! Không... không có lửa làm sao có khói!" Tôi bức xúc gào lên, quay về phía lũ nguyên cáo. "Dương Kiên, Huỳnh Thảy, Lê Ngỗi! Các ngươi đều cùng một giuộc với nhau, là bán một đứa trẻ vô tội làm nô tì, đã vậy còn dám đổi trắng thay đen, cáo buộc ta đủ thứ tội danh. Phạm tri huyện," lần đầu tiên, tôi dám vùng người lên, lảo đảo đứng dậy, nhìn thẳng vào mắt ông ta, "nếu ông còn chút nhân tính nào, thì hãy xem xét lại vụ án và giải quyết cho minh bạch! Chớ có vì thứ đồng tiền bất lương kia mà hại người ngay thẳng!"

Trong năm giây ngắn ngủi mà căng thẳng ấy, đứng trực diện trước kẻ thù, tôi đấu tranh tư tưởng dữ dội. Tôi vừa là đang chìa cành oliu[3] ra cho ông ta, vừa cật lực bám víu lấy cái phao cứu sinh đang xì hơi giữa biển lớn.

Lần đầu, tôi tự nhủ, và cũng như lần cuối. Nếu ông ta từ chối không nghe thì coi như xong – tôi càng bước gần hơn tới cái chết.

Quả nhiên, sau màn kháng cự quyết liệt đó, tôi đã quăng một trái bom tin tức động trời vào dư luận, làm cho cả cái công đường náo loạn. Loáng thoáng tiếng đồng tình của mọi người cũng đủ làm thằng nhóc này ấm lòng. Không chỉ phản kháng thôi đâu, tôi chính là đang đánh vào lương tâm nghề nghiệp nói riêng, và lương tâm của con người Phạm Tất nói chung.

Giống như câu nói nổi tiếng của đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt[4]:"Công lý không phải chỉ dành cho một phía, nó phải dành cho cả hai phía."

"Đúng thế! Đúng thế!" Tiếng người dân đã bắt đầu có dấu hiệu lấn át. To mồm nhất là anh sinh viên hàng nước. "Mong tri huyện suy xét! Mong Phạm đại nhân suy xét!"

Sự ngạc nhiên và lưỡng lự hiện lên trong ánh mắt của Phạm Tất. Sức ép dư luận đôi khi cũng đủ khiến các nhà cầm quyền nao núng, thậm chí là bối rối. Phạm tri huyện tốt nhất nên nhớ rằng trên mình còn có vài "sếp" bự hơn nữa, những người chính trực như Thái uý Lê Lăng chẳng hạn, sẽ sẵn sàng đuổi thẳng cổ cấp dưới nếu làm việc quan liêu và tắc trách.

Đổ mồ hôi hột, cả người tôi như bị lả đi. Cái gông nặng trịch đè lên cần cổ mỏi nhừ. Một ông Phạm Tất bỗng chốc biến thành ba ông Phạm Tất. Đầu gối tôi dộng xuống nền đất một cái bịch, khiến ông quan tưởng bở là tôi cuối cùng cũng chịu quỳ gối xuống cầu xin. Phạm tri huyện đập kinh đường mộc xuống, trấn áp đám đông ồn ào. Tay ông ta chống cằm, nheo mắt, mím môi nhìn tôi, rồi nhướn mày quay qua nhìn tên nịnh bợ Lê Ngỗi, người mặt đang vặn vẹo, méo mó, trông rất khó chịu.

"Được! Ta nghe đây!"

Chú thích:
[1] Bản nhạc hành quân huyền thoại của đội quân Đế Quốc của Darth Vader trong phim Star Wars.
[2] Tấm thẻ bài bằng gỗ, dùng trong phá án để quan giữ trật tự và gây sự chú ý.
[3] Thành ngữ của tiếng Anh, "offer an olive branch" nghĩa là muốn chủ động giảng hoà để chấm dứt mâu thuẫn.
[4] Đệ nhất phu nhân của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro