Chương 3_Những kẻ si tình (p1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

PHẦN 2_ĐÔNG CUNG­ THÁI TỬ

Chương 3_Những kẻ si tình

01.

Năm Thông Thụy thứ tư, cha đích thân dẫn quân đi dẹp loạn Lâm Tây. Địa hình hiểm trở, bắc giáp Đại Tống, Lâm Tây từ lâu đã trở thành điểm nóng chính trị của Đại Cồ Việt, là nơi mà đám tàn dư tiền triều khép đôi cánh lại để chờ cơ hội trở mình. Từ Lâm Tây, những tin đồn bất lợi về triều đình cứ nương theo gió mà bay khắp đại ngàn, dụ hoặc lòng tin của không biết bao nhiêu đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông nội không động tới Lâm Tây là bởi lòng người khi đó còn hướng về nhà Lê. Nhưng năm tháng qua đi, những kẻ thực sự tận trung với tiền triều đều đã chết hoặc già yếu. Nòng cốt phản quân giờ chỉ còn lại những kẻ lợi dụng lòng người để bòn rút tiền tài. Thậm chí chúng còn cấu kết với quan tham để trơ trẽn ăn cướp giữa ban ngày ban mặt. Lòng dân rối loạn, không muốn theo triều đình nhưng cũng chẳng còn tin tưởng phản quân. Lúc bấy giờ chính là thời cơ thích hợp nhất để dội một gáo nước lạnh, làm nguội đi điểm nóng Lâm Tây.

Năm ấy ta vừa tròn mười bốn tuổi, được phong làm Đại nguyên soái, được trao gần như toàn bộ quyền chỉ huy. Thường Kiệt cũng theo quân. Ta muốn hắn hộ giá bên cạnh, nhưng hắn lại tha thiết mong được đâm đầu vào hàng ngũ tiên phong. Đó là nơi dễ lập quân công, nhưng cũng là nơi mà mạng sống treo đầu mũi giáo.

"Lỡ chết thì làm sao?"

Thường Kiệt không thèm để ý tới sự lo lắng của ta, hắn bình thản giương cung.

"Được chết trên sa trường là vinh quang của người lính."

Mũi tên rời cung, xé gió rồi cắm phập vào hồng tâm.

Ta ngao ngán nhìn đuôi tên vẫn rung lên nhè nhẹ. Không rõ từ khi nào Thường Kiệt lại bắt đầu ngưỡng mộ cha đẻ của hắn tới vậy. Năm xưa Sùng tiết tướng quân Ngô An Ngữ đã đen đủi nằm lại chiến trường. Cứ đà này thì Thường Kiệt nối gót ông cũng chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi. Khi ta đang vắt óc nghĩ xem có cách nào khiến hắn nghĩ khác đi được không thì Thường Kiệt lại cười nói: "Nếu thần tử trận thì Thái tử cứ để thần nằm lại Lâm Tây, làm mồi nuôi diều núi."

Ta quăng phịch cây cung lên bàn, gắt: "Không thích chôn thì để bổn Thái tử đem bón ruộng cho đỡ phí."

May mắn năm đó Thường Kiệt không có dịp noi gương tướng quân Ngô An Ngữ. Đám diều núi rạp cánh khắp dãy Hoàng Liên chẳng xơ múi được miếng thịt nào của hắn. Thường Kiệt lập công đầu, chém chết thủ lĩnh quân phản loạn.

Làm Đại nguyên soái, lại còn là Thái tử, ba quân lo ta bị sứt mẻ còn hơn cả lo bại trận, vậy nên từ đầu tới cuối ta chỉ việc động não và trỏ tay năm ngón. Nhưng Thường Kiệt thì khác, khi ấy hắn giống như đem cả sinh mạng ra mà đặt cược. Một vài kẻ ở nhà lại chẳng hiểu điều này, hoặc cố tình không hiểu. Sự khốc liệt của chiến tranh, đầu rơi máu chảy, cái chết sát sườn, tất cả dường như chỉ giống câu chuyện trên trang giấy. Trước mặt bọn họ vẫn ngon ngọt chúc mừng Thường Kiệt lập được đại công, nhưng sau lưng thì lại khơi nên những tin đồn ác ý.

"Ngươi chán cung Long Đức rồi à?" Ta khó chịu ngó Thường Kiệt.

Hắn quỳ thẳng lưng giữa điện, từ tốn đáp: "Phủ nhà họ Ngô bao năm nay bỏ trống, giờ đã tới lúc thần phải quay về rồi."

"Không muốn bỏ trống thì ta sai người đến ở hộ ngươi."

"Tạ ơn Thái tử! Nhưng thần muốn tự mình lo hương hỏa cho cha mẹ." Thường Kiệt dập đầu sát đất.

Ta liếc Phan Đình. Hắn đáp lại bằng nét cười ái ngại. Hôm qua hắn rỉ tai ta là gần đây xuất hiện vài tin đồn vớ vẩn, rằng Thường Kiệt ăn nằm với Thái tử nên mới được ưu ái, rằng con đường công danh của hắn trải sẵn hoa vàng.

Ta nhìn Thường Kiệt vẫn cắm đầu xuống đất, rầu rĩ buông một câu: "Từ nay ta không bắt ngươi ngủ cùng nữa là được chứ gì."

Nhưng Thường Kiệt không chịu. Hắn kiên quyết dọn ra khỏi cung Long Đức. Nhiều khi ta mong hắn cứ láu cá như ngày còn bé. Ngoài kia có biết bao nhiêu người còn phải đi móc nối quan hệ để tiến thân. Ta đây lại chẳng ngán gì miệng lưỡi người đời, sẵn sàng chìa vai ra cho hắn làm bàn đạp. Nhưng vai ta đấy Thường Kiệt chẳng thèm giẫm, hắn cứ thích tự đi lên trên đôi chân của chính mình. Nhiều khi điên tiết lắm mà chẳng biết phải làm sao mới được.

Thường Kiệt về nhà độ hai năm thì Thăng Long bắt đầu nổi đầy sóng gió. Một buổi sáng mát trời, Phan Đình châm trà cho ta, miệng cười dúm dím: "Ở Thăng Long đang có một chuyện rất ly kỳ. Thái tử đã biết chưa ạ?"

Ta không thèm đáp lời Phan Đình. Cái kiểu hỏi khiến người ta tò mò ấy hắn cứ dùng đi dùng lại hoài. Chỉ lúc sau hắn đã không nhịn được mà tiếp: "Thái tử, gần đây cứ hễ khi nào con trai nhà họ Ngô xuống phố thì đám con gái lại xếp hàng dài cả dặm."

"Con trai nhà họ Ngô? Thường Kiệt á?"

Không chỉ riêng chuyện con gái bám đuôi, mà cả cái danh hiệu đệ nhất mỹ nam Đại Cồ Việt chẳng biết từ khi nào cũng đã quàng vào cổ hắn. Không giống ta béo lăn béo lóc, Thường Kiệt ngay từ nhỏ đã rất ưa nhìn. Nhan sắc của ta phải nỗ lực mới có được, còn hắn thì là trời sinh. Năm mười bốn tuổi bắt đầu trổ mã lại càng đẹp tới kinh thiên động địa. Nhưng Phan Đình lại nói nếu sinh vào thời loạn thì cái danh hiệu đệ nhất mỹ nam chắc chắn sẽ về tay ta. Đáng tiếc giờ lại là thời bình nên quan niệm về cái đẹp của đám đàn bà con gái cũng khác, không còn chuộng vẻ nam tính góc cạnh. Chỉ có quan niệm của đám đàn ông thì ngàn năm vẫn vậy. Ta nghe tới đây liền bắt đầu cảm thấy thực ra Phan Đình vẫn còn là một người đàn ông chân chính. Ngay tới Thường Kiệt cũng chẳng bao giờ hài lòng với vẻ ngoài của mình. Theo như hắn tự nhận xét thì đường nét khuôn mặt hắn có thiên hướng mềm mại, nữ tính. Đó giống như một rào cản vô cùng lớn cho sự nghiệp binh đao. Không phải tự dưng mà hắn trở nên trầm tĩnh, lạnh lùng. Bởi chỉ như vậy thì mới vơi đi được vẻ phong tình.

"Giá mà thần được một phần như Thái tử." Thường Kiệt săm soi gương mặt mình trên cái ấm đồng.

"Một phần gì cơ? Cái bản mặt ngươi đẹp như vậy còn muốn gì nữa?"

Lúc đó ta chưa hiểu nỗi khổ của Thường Kiệt, cũng không biết hắn đang cố gắng rèn luyện cho ra cái thần thái của con nhà võ, nên mới vô tình đem muối xát vào lòng hắn. Sau này hiểu ra thì ta xem đó là trò vui, rồi tối ngày cố tình chọc ghẹo.

"Khi xưa nước Vệ có Vệ Linh Công say đắm nho sĩ Di Tử Hà. Nước Trần cũng có Trần Văn Đế si mê tướng quân Hàn Tử Cao." Ta chậm rãi ngâm nga. "Thường Kiệt đẹp tới rung động lòng người như vậy, hay là bằng lòng gả vào Đông cung đi?"

Dứt lời, ta phá ra cười ngặt nghẽo trong khi Thường Kiệt thì đen sì mặt mũi.

Cứ trêu riết nên có người lại tưởng thật, ấy là Phan Đình. Cũng bởi vậy mà sau này khi người con gái của lòng ta quay lại, hắn cứ bàng hoàng mãi không thôi.


Năm Thông Thụy thứ tư: năm 1037.

Lâm Tây: tức Lai Châu ngày nay.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro