Chương 2_Ôm mối tương tư (p3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

03.

Ta ôm mối tương tư với Quân Dao suốt hơn một tháng trời mới tạm buông bỏ được. Cũng nhờ vào chuyện chiều hôm ấy họa sư lôi cổ ta và Thường Kiệt tới mách tội với cha. Nói là lôi cổ, nhưng thực ra họa sư chỉ túm cổ Thường Kiệt, còn ta thì lẽo đẽo theo sau. Cha không mắng mỏ gì hai đứa. Người chỉ nhẹ nhàng sai nội thị Phan Đường Liệt đi gọi ngõ Khai Quốc Vương, tức cha nuôi của Thường Kiệt. Lúc nhìn thấy cái đầu đen sì mực chỉ thò ra hai con mắt của họa sư, Khai Quốc Vương giận tới tím mặt. Thường Kiệt bị ông cương quyết xin được đem về dạy dỗ lại, dạy tới khi nào không dám làm hư Thái tử nữa mới thôi.

Họa sư ấm ức giãi bày thêm một hồi rồi cũng xin lui. Chỉ còn một mình đứng giữa điện, ta len lén liếc nhìn cha, bấm bụng chờ người nổi trận lôi đình. Vậy nhưng câu đầu tiên người hỏi lại là: "Thế Nhật Tôn không thích học vẽ tranh hả?"

"Có chứ ạ." Ta đáp láu.

Cha nhướng một chân mày, ta đành xụ mặt, lí nhí sửa lời: "Dạ, không... con không thích."

Cha ngồi xuống bàn, giở một cuốn tấu chương ra rồi thở dài nẫu ruột: "Đàn không biết gảy, tranh không biết vẽ. Lại còn tối ngày ăn vụng cho béo nứt ra thế kia. Rồi mai này Nhật Tôn sẽ bị cô nương nhà người ta bỏ rơi mất thôi."

Ta tròn mắt kinh ngạc. Hóa ra bao trò nghịch phá cùng Thường Kiệt, thậm chí là cả mối tương tư thầm kín với Quân Dao, bằng cách thần kì nào đó đều lọt cả vào đôi mắt tinh anh của cha. Ta mon men tới gần người, tay mân mê cạnh bàn mãi mới thốt được lên lời: "Nhưng mà phụ hoàng ơi... nó cũng béo mà."

Cha nựng má ta, mỉm cười nói: "Cô nương nhà người ta lớn lên rồi thì sẽ không còn béo nữa. Cầm kỳ thi họa cũng sẽ tinh thông. Tới lúc đó Nhật Tôn mới thèm lo thì đã muộn mất rồi."

Vậy là ta bèn hạ quyết tâm chừng nào chưa trở thành một trang nam nhi tuấn tú, văn võ toàn tài thì sẽ nhất quyết không gặp Quân Dao. Bức tranh của nàng ta cất vào cái hộp nhét trong hộc tủ, thi thoảng lại mở ra xem.

Ta đếm từng ngày kể từ khi Thường Kiệt lầm lũi đi theo Khai Quốc Vương rời khỏi điện Trường Xuân, háo hức mong được khoe với hắn về quyết định trọng đại của mình. Ngày thứ mười ba Thường Kiệt mới quay trở lại, mặt mũi tươi rói trông không có vẻ gì là bị cho roi cho vọt. Vừa nhác thấy ta, hắn đã hớn hở khoe được Khai Quốc Vương dẫn theo khi ông đi luyện quân.

"Lớn lên ta sẽ trở thành Đại tướng quân giống cha." Thường Kiệt ưỡn ngực tự hào.

"Cha nào cơ? Cha nuôi hay cha đẻ?"

Hắn gãi gãi đầu: "Nào cũng được."

Câu chuyện về nghề nghiệp tương lai của Thường Kiệt khiến ta quên hẳn quyết định trọng đại kia. Sau đó, những chủ đề về chí hướng nam nhi khiến hai đứa không còn hào hứng chia sẻ với nhau dăm ba cái chuyện nữ nhi thường tình nữa. Để rồi trong suốt những năm tháng sau này, ta hằng ước giá như ngày đó mình đã không quên, giá như ngày đó ta vẫn tiếp tục tâm sự với Thường Kiệt về Quân Dao. Nhưng cuộc đời ấy mà, chẳng bao giờ có chuyện giá như.

"Thế sau này Nhật Tôn thích làm gì?"

Ta buồn buồn vân vê góc áo. "Làm Hoàng thượng chứ còn làm gì nữa."

"Không." Thường Kiệt lắc đầu thật mạnh. "Thích cơ. Giả như không phải làm Hoàng thượng ấy, thì Nhật Tôn thích làm gì?"

Bấy giờ ta mới nhận ra mình chưa từng suy nghĩ về nghề nghiệp tương lai. Bởi căn bản có bao nhiêu lựa chọn đâu mà suy nghĩ. Nửa năm trước, khi hai đứa bắt đầu học võ, Thường Kiệt còn nói chắc như đinh đóng cột rằng mai này sẽ trở thành võ sư. Giờ được Khai Quốc Vương dẫn đi xem luyện quân thì lại muốn đổi nghề. Ta thầm ghen tị. Hắn có bao nhiêu là lựa chọn, thích gì làm nấy. Còn làm Hoàng thượng thì sẽ phải làm tới chết mới thôi. Càng nghĩ lại càng cảm thấy Hoàng thượng là công việc kém hấp dẫn vô cùng.

"Thế có những nghề gì?"

Thường Kiệt xòe tay nhẩm đếm: "Nghề tướng quân này, nghề thừa tướng này, nghề vú nuôi, nghề đầu bếp, nghề cung nữ, nhiều lắm."

Ta trỏ Phan Đình đang gà gật ngoài cửa. "Nội thị cũng là một nghề nhỉ?"

"Ừ. Cả nghề nội thị nữa."

Ta chợt nảy ra một ý: "Hay là sau này ngươi làm nội thị đi. Lớn tướng rồi vẫn được ở trong cung."

"Không đời nào." Thường Kiệt giãy nảy lên khiến ta giật bắn. Phan Đình cũng tỉnh giấc mà ngơ ngác ngó vào. Đợi hắn lại thiu thiu rồi Thường Kiệt mới chỉ vào đũng quần rồi ghé tai ta nói nhỏ, giọng hơi nghiêm trọng. "Làm nội thị là bị cắt chim đấy."

Đó là lần đầu tiên ta cảm thấy có một nghề còn khổ hơn cả nghề Hoàng thượng. Ấy vậy mà Phan Đình lại kể về cơ duyên đến với cái nghề này bằng một lòng biết ơn vô bờ bến. Phan Đình rưng rưng nói hắn mồ côi cha mẹ từ năm mười tuổi, nhà lại nghèo rớt. Lúc trước có nằm mơ hắn cũng không dám mong sẽ có một ngày được ăn đủ no, mặc đủ ấm. Hắn coi việc được Phan Đường Liệt nhận làm con nuôi rồi đưa vào cung là may mắn cả đời của mình.

"Rồi làm sao ngươi đi tiểu?"

Phan Đình nuốt ngược cái nấc cụt vào bụng, rồi trố mắt nhìn ta. Dường như không tin nổi sau khi nghe câu chuyện cảm động hắn kể thì ta lại đi quan tâm vấn đề này. Hắn trợn mắt ngó trần nhà, hình như đang cân nhắc xem phải mô tả sao cho dễ hiểu.

"Lúc cắt xong thì đao tử tượng cắm một cái nút đồng vào... của nô tài. Nên, bẩm Thái tử, đại khái là vẫn còn lỗ."

"Cắm vào đâu cơ?"

Phan Đình lại trợn mắt ngó trần nhà. Lần này trông hắn còn căng thẳng hơn. Cuối cùng hắn kéo ta vào tẩm điện, đóng kín cửa rồi xin ta cho phép hắn được hé quần ra. Dĩ nhiên ta đồng ý, thậm chí còn háo hức nhóng cổ, ghé mắt nhòm vào. Nhưng điều trông thấy sau đó lại ám ảnh ta suốt nửa tháng trời. Tới độ mỗi sáng thức dậy việc đầu tiên ta làm là thò tay xuống đũng quần nắn xem còn hay mất. Khi nỗi ám ảnh dần vơi đi, ta mới dám đem chuyện này kể với Thường Kiệt.

"Sợ thật!" Hắn rùng mình. "Rồi có tiểu đứng được không hay phải ngồi?"

"Quên mất không hỏi."

"Chốc hỏi đi."

Cảm giác giật thột một cái gần cuống rốn, ta lắc đầu nguầy nguậy: "Không. Không nữa hỏi đâu."

Vậy nhưng tới tối ta vẫn không nhịn được mà đi hỏi Phan Đình.

Hắn nhìn ta, gượng gạo nói: "Nô tài vô cùng biết ơn vì cha nuôi đã đưa mình vào cung. Nhưng mà làm nội thị cũng chẳng phải là chuyện vinh quang gì. Thái tử đừng chọc nô tài nữa."

Thấy thái độ khổ sở của Phan Đình thì ta không dám hỏi thêm bất kỳ câu nào nữa. Thường Kiệt nói đám nội thị thường hay mặc cảm vì khiếm khuyết cơ thể. Cắt bỏ đi rồi, nam chẳng ra nam, nữ chẳng ra nữ. Lúc đó ta còn nhỏ nên cũng kém hiểu biết, trong đầu luôn đinh ninh rằng khí khái nam nhi chung quy đều tụ lại ở đũng quần. Sau này mới ngẫm ra chí khí của một người đàn ông chẳng liên quan gì tới đũng quần của họ. Thậm chí nhiều kẻ đũng quần đầy đủ nhưng vẫn không đáng mặt nam nhi đại trượng phu.

Dù không tâm sự với Thường Kiệt chuyện về Quân Dao nhưng ta vẫn luôn canh cánh trong lòng quyết tâm theo đuổi nàng. Bắt đầu từ việc thôi xuống bếp ăn vụng và cần mẫn rèn luyện thêm những môn mà cha vẫn thường vui mồm gọi là tài lẻ. Có một dạo ta cho rằng cùng ăn vụng như nhau nhưng Thường Kiệt chẳng bao giờ béo còn ta thì cứ ngày một phì ra là bởi hắn may mắn cầm tinh con dê, còn ta lại đen đủi cầm tinh con lợn. Sau này nhớ lại mới nhận ra lần nào ta cũng vục mồm ăn lấy ăn để, còn hắn thì chỉ ăn lấy hương lấy hoa.

Nỗ lực bóp mồm bóp miệng suốt hai tháng, cuối cùng cũng có một ngày Thường Kiệt chợt ngắm ta rồi thốt lên kinh ngạc: "Sao dạo này gầy thế?"

"Thật hả?" Ta mừng rỡ hỏi lại.

"Ừ. Thật. Trông teo tóp còn mỗi cục mỡ." Hắn cười phá lên.

Vì chuyện này mà ta dỗi Thường Kiệt mất hai ngày.

Khi ta vật lộn xong với chuyện ăn uống thì cũng là lúc Thường Kiệt phải đương đầu với vấn đề mà vú Dung gọi là biến động tuổi dậy thì. Ban đầu ta còn tưởng hắn bị ốm kinh niên nên giọng nói mới ồm ồm như vịt đực. Hắn cũng không còn thường xuyên cùng ta bày trò nghịch phá, thay vào đó hắn thích bắt chước người lớn, thích ra vẻ đạo mạo khuôn phép. Vú Dung nói tuổi thơ của Thường Kiệt như vậy là chấm dứt rồi.

Tuổi thơ của ta cũng chấm dứt sau đó ba năm.


Đao tử tượng: những người hành nghề hoạn. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro