Chương 4: Con gái nhà họ Dương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

01.


Trên triều hiện giờ, Đô thống(1) Đàm Toái Trạng đang hô mưa gọi gió, lại có ý ủng hộ ra mặt cháu ngoại ông ta là Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung. Đứa em trai cùng cha khác ông ngoại này của ta càng lớn càng tài hoa xuất chúng. Những năm gần đây, cứ hễ ta cùng cha xuất chinh thì nó lại ở nhà giám quốc. Có một đứa em trai như vậy đáng ra là chuyện tốt, nhưng ông ngoại của nó lòng lại đầy dã tâm, cuối cùng thành ra chuyện chẳng lành. Giờ mới thấy Thường Kiệt nói đúng, hồi còn nhỏ đáng ra ta không nên nghỉ chơi với Nhật Trung. Anh em nhiều năm khách sáo, có khi từ lâu đã thành người ngoài, giờ lại thêm gian thần đưa đẩy.

 (1) Đô thống: một chức quan võ cao cấp của triều Lý.


Ta không muốn cuối cùng sẽ đi tới kết cục thủ túc tương tàn, nhưng cũng không thể vô lo không phòng bị. Người đứng đầu hàng ngũ võ quan là Thái úy Nguyễn Quang Lợi xưa nay đều giữ thái độ trung dung, lại còn sắp tới tuổi cáo lão hồi hương. Kẻ có thể lôi kéo mà lại đủ sức đối trọng với Đô thống Đàm Toái Trạng hiện tại chỉ có mình Thượng tướng quân Dương Bình. Người đời nói chẳng sai, thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông di họ hàng. Ta thương Quân Dao từ nhỏ, vậy cũng nên bắt đầu thương cả họ nhà nàng đi thôi.


Vậy mà ta còn chưa kịp tính xem phải làm gì thì Thượng tướng quân Dương Bình đã tính hộ. Khi lời đồn Quân Dao đẹp tới khuynh quốc khuynh thành bắt đầu lọt vào tai ta mà không phải là từ cái miệng bép xép của Phan Đình, thì ta đã biết Thượng tướng quân Dương Bình đang bắt đầu tìm cách gả con gái vào Đông cung. Ta tự tính thì là một đằng, nhưng để người khác tính toán với ta thì lại đi một nhẽ. Chuyện cưới Quân Dao trong lòng vốn có chút chờ mong, giờ lại đâm ra hơi lấn cấn.


Đáng thất vọng hơn là trong bao nhiêu phương thức hay ho để nhét được mĩ nhân vào lòng ta, thì Thượng tướng quân Dương Bình lại đi chọn cách thông qua Tư thiên giám(2). Mười bốn tuổi đầu bị phán cả đời đau khổ vì tình đã khiến ta đây ghét cay ghét đắng đám người chuyên thò tay bấm độn. Tư thiên giám sinh ra vốn là để giúp thiên tử trị quốc, an định lòng dân. Từ khi nào thì lại trở thành công cụ để người ta tác oai tác quái?

(2) Tư thiên giám: là cơ quan quan sát và chiêm nghiệm âm dương bói toán, các vấn đề địa lí và phong thủy, các hiện tượng thiên văn thời tiết, làm lịch, coi ngày.

Mùng một tháng Giêng năm Càn Phù Hữu Đạo thứ ba(3), ngay chính ngọ, vầng dương chói lòa bị bóng đêm nuốt trọn. Lần cuối cùng xảy ra hiện tượng nhật thực là vào năm Thuận Thiên thứ mười chín(4). Tròn một tháng sau đó thì ông nội qua đời. Lần này Tư thiên lệnh(5) vội vã dâng sớ nói: "Trời sinh dị tượng, Đông cung tất biến". Ta thực nóng lòng chờ xem màn kịch Thượng tướng quân Dương Bình dốc công bày ra sẽ đặc sắc tới mức nào.

(3)Năm Càn Phù Hữu Đạo thứ ba: năm 1041. (4)Năm Thuận Thiên thứ mười chín: năm 1027.

(5) Tư thiên lệnh: chức quan đứng đầu Tư thiên giám.

Năm ngoái mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, vậy nên Nguyên tiêu năm nay lễ hội đèn Quảng Chiếu được tổ chức vô cùng hoành tráng. Đài quảng chiếu cao gần ba mươi trượng được dựng lên sừng sững trước cửa Đại Hưng. Trên đỉnh ngự một đài sen khổng lồ, vòng ngoài tạo mình rồng uốn bảy tầng quanh lồng nhiễu, bên trong bày xếp vô số đèn nến đủ dạng đủ màu, dưới chân đài lại bố trí hệ thống cơ quan tự động quay. Từ xa nhìn lại, đài cao Quảng Chiếu trông chẳng khác nào thiên long bay lên chín tầng mây mà đỡ lấy sen vàng. Kế đài Quảng Chiếu là hai gác chuông cao mười lăm thước. Mỗi gác treo một quả chuông vàng. Bên cạnh đặt tượng nhà sư cầm vồ, trong gắn cơ quan, cứ cách một canh giờ là lại tự động đánh lên bảy tiếng. Đó là chưa kể đến mấy tòa thất bảo, núi vàng núi bạc, rồi mấy tòa Bạch Ngân, Điểu Vân, Tượng Xí,...

Những năm trước, mỗi lần diễn ra hội đèn Quảng Chiếu ta đều điều động phân nửa số quân cấm vệ của Đông cung tới trực luân phiên ở cửa Đại Hưng. Năm nay cũng vậy. Nếu ta là Thượng tướng quân Dương Bình thì chắc chắn sẽ lựa chọn dịp này để ra tay. Trò hay phải thưởng thức từ xa, ta dắt theo Phan Đình đi dạo phường dạo phố. Cấm quân rút đi phân nửa, Đông cung trống không, rộng cửa đón kẻ gian lộng hành.

*

Độc chiếm ngao đầu là tiết mục được trông chờ nhất của hội đèn Quảng Chiếu. Không chỉ vì đây là màn múa được triều đình dàn dựng để cầu chúc phước lành cho dân chúng, mà còn bởi người biểu diễn luôn là người xuất sắc nhất trong lứa thanh niên ưu tú của Đại Cồ Việt. Từ năm ngoái thì Thường Kiệt đã được như ý nguyện, thầu trọn màn này. Đây cũng là lí do khiến cho nhan sắc của hắn được cả thành Thăng Long biết đến.

"Nghe bảo năm nay vẫn là Ngô Thường Kiệt múa Độc chiếm ngao đầu đấy."

Âm giọng thích thú lọt vào tai khiến ta tò mò ngẩng lên khỏi đống mặt nạ. Phía đầu kia quầy hàng là hai cô gái chạc mười bốn, mười lăm.

Cô gái lớn hơn tiếp lời: "Năm ngoái lúc múa xong chàng còn cười với em nữa cơ. Đến bây giờ em vẫn còn cất nụ cười của chàng trong túi đây này."

Rồi hai nàng cùng cười rộ lên. Chợt thấy ta chăm chú nhìn, bọn họ thoắt cái trở nên ngượng ngùng, bẽn lẽn. Cô gái cao hơn lấy can đảm tiến tới một bước, nhẹ nhàng cất giọng oanh vàng thỏ thẻ: "Công tử mua mặt nạ cho ai vậy?"

Ta mỉm cười, nhìn nàng sâu lắng: "Ta mua cho người thương."

Nàng bối rối vén tóc mai, thẹn thùng hỏi: "Là... là ai thế?"

Ta cầm lên một cái mặt nạ hoàng lân, dịu dàng đáp: "Là người đêm nay sẽ múa Độc chiếm ngao đầu ở tháp Nghinh Phong, Ngô Thường Kiệt."

Dứt lời, ta quay lưng bước đi. Nếu còn tiếp tục đứng đó thì chỉ e sẽ phì cười vào mặt nàng.

Phan Đình trả tiền rồi tất tả chạy theo. Hắn cứ than vãn mãi không thôi: "Ông trời của tôi ơi, đừng trêu chọc con gái nhà lành nữa có được không. Người khiến cô nương đó sợ phát khóc rồi kia kìa."

Ta mặc kệ Phan Đình. Tịnh thân từ năm mười tuổi như hắn thì làm sao hiểu được thú vui của việc trêu hoa ghẹo nguyệt. Hơn nữa ta trêu ghẹo cũng có chừng có mực, chưa bao giờ làm ảnh hưởng đến mặt mũi hoàng thất. Nhưng Thăng Long phồn hoa đô hội cũng không thắng được mấy câu càm ràm của Phan Đình. Khi không còn mặc kệ hắn được nữa thì ta cũng mất hứng dạo phố dạo phường, vậy nên ta tới tìm Thường Kiệt. Còn nhớ Nguyên tiêu năm ngoái, trước khi múa Độc chiếm ngao đầu hắn cứ trốn biệt trong ngôi đình trên đảo Ngọc Tượng(6).

(6)Ngọc Tượng: tên gọi cũ của đảo Ngọc Sơn trong hồ Hoàn Kiếm.

Đảo Ngọc Tượng là một gò đất lớn nổi lên giữa hồ Lục Thủy(7). Trước kia nơi này được gọi là Tượng Nhĩ, bởi có hình dạng giống tai voi. Khi ông nội dời đô ra Thăng Long thì người mới đổi tên thành Ngọc Tượng. Ngôi đình cũ dựng trên đảo cũng theo đó mà mang cái tên này.

(7) Hồ Lục Thủy: tên gọi cũ của hồ Hoàn Kiếm.

Thường Kiệt luôn luôn chỉ cần dựa vào tiếng bước chân mà nhận ra ta. Có lần ta giả bộ đi bước thấp bước cao hòng đánh lừa, vậy mà vẫn bị hắn phát hiện rồi bóc mẽ: "Thái tử giả thọt y như thật."

Lần này cũng vậy, ta vừa bước chân qua ngưỡng cửa thì hắn đã cất giọng hỏi: "Thái tử không đi xem hội mà tới đây làm gì vậy?"

Ta tới ngồi tựa lên bậu cửa sổ, phóng mắt ra hồ Lục Thủy ngập tràn hoa đăng mà than thở: "Một ngày có mười hai canh giờ. Trừ đi thời gian ngủ nghỉ thì còn tám. Vậy mà ngươi lại cứ dính lấy ta tới tận bảy canh giờ. Thường Kiệt à Thường Kiệt, ngươi biến bổn Thái tử trở thành tình địch của cả cái thành Thăng Long này rồi. Còn dám xuống phố thì ta sẽ bị đám đàn bà con gái nghiền ra mất."

Thường Kiệt vừa quấn nốt xà cạp lên cánh tay vừa nghiêm túc nói: "Thứ nhất là gần đây người rất hay bắt thần ngủ lại Đông cung, vậy nên không chỉ có bảy canh giờ. Thứ hai, Thái tử mới là người cứ dính lấy thần."

Cẩn thận ngẫm lại thì thấy hình như hắn nói không sai. Ta bèn ngồi xuống bàn nhấp một ngụm trà. "Ngươi hỏi sao ta lại tới đây ấy hả? Vì ta nghe nói con trai nhà họ Ngô cứ hễ xuống phố thì con gái lại xếp hàng dài cả dặm. Hôm nay bổn Thái tử muốn xem tận mắt."

"Lời đồn thì cũng đúng. Nhưng hai từ xếp hàng lại hơi sai."

Lúc đó Thường Kiệt không chịu nói rõ hơi sai ở chỗ nào. Giả như hắn chịu nói thì chẳng đời nào có chuyện ta nảy ra cái ý tưởng định mệnh ấy. Đại khái là tự nhiên ta lại muốn biết cảm giác của đệ nhất mĩ nam Đại Cồ Việt khi khiến cho bao thiếu nữ cuồng si là như thế nào.

"Này, cởi ra đi."

Thường Kiệt đang chỉnh trang lần cuối, nghe ta nói thì khựng lại, ngẩng lên nhìn.

Ta sốt ruột rút dây thao(8) của hắn. "Hôm nay ta múa thay ngươi."

(8) Dây thao: dây thắt lưng

Rồi ta hào hứng tự lột phăng áo xống. Lột xong vẫn thấy Thường Kiệt đứng như trời trồng.

"Có cởi không thì bảo! Bổn Thái tử đem ngươi đi thiến bây giờ."

Hôm ấy, ta đeo mặt nạ hoàng lân, giả làm Thường Kiệt múa Độc chiếm ngao đầu. Bỏ ít công sức, đổ ít mồ hôi mà đổi được bao nhiêu là ánh mắt say mê của thiếu nữ. Nhưng vào cái khoảnh khắc tháo đầu lân, lòng rộn ràng bước ra đường lớn, ta mới thấu hiểu sâu sắc cái từ "hơi sai" mà Thường Kiệt nói. Đám con gái không hề xếp hàng dài cả dặm như lời đồn. Họ bâu lấy ta giống như ruồi bâu mỡ. Thái tử ta đây đã sống qua mười tám nồi bánh chưng, nhưng chưa bao giờ phải chịu cảnh xô đẩy ác liệt tới như vậy. Ta giữ rịt cái mặt nạ và ra sức vùng thoát trong nỗi kinh hoàng. Khi co cẳng chạy khỏi đám con gái vẫn lẵng nhẵng bám đuôi, trong đầu ta chỉ có một suy nghĩ duy nhất, ấy là sống như Thường Kiệt sao mà khổ quá, thực sự khổ quá.

02. 

Chạy được nửa vòng hồ thì bắt gặp một con thuyền đậu sát mép nước, ta bèn nhảy xuống rồi rút mái chèo đẩy thuyền ra xa bờ. Đám con gái không có cách nào bám theo nữa nhưng vẫn chưa chịu bỏ đi mà cứ tụ tập lại thành một đống.

"Này!"

Âm giọng cứng cỏi của một người con gái vang lên sau lưng. Ta giật mình quay lại.

Rất nhiều năm sau đó, ta vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc lần đầu tiên trông thấy Quân Dao sau mười hai năm xa cách. Nàng ngồi đó, trong trẻo như ánh trăng non tựa mạn thuyền. Cánh hoa lan đỏ thắm họa nơi chân mày khẽ nhướng lên khi nàng cất giọng: "Ta là Dương Quân Dao. Cha của ta Thượng tướng quân Dương Bình. Cô ruột của ta là Nguyên phi Tuyết Anh. Dám động vào ta thì ngươi sẽ không được yên thân đâu."

Ta thoáng bất ngờ. Nhật Tôn của năm mười tám tuổi không còn hồn nhiên ngây thơ như hồi lên sáu. Quân Dao thì sao? Nàng của năm mười bảy tuổi liệu có còn là cô bé con dễ hờn dỗi khi xưa? Suy nghĩ bật ra trong đầu ta ngay lúc ấy là cuộc gặp gỡ này có phải do nhà họ Dương sắp xếp? Chuyện đêm nay ta rời khỏi Đông cung nhiều người biết. Nhưng đâu ai lường được ta sẽ đeo mặt nạ hoàng lân, thay Thường Kiệt múa Độc chiếm ngao đầu. Lại càng không ai lường được ta sẽ nhảy xuống thuyền để tránh đám con gái theo đuôi. Nghĩ vậy nhưng ta vẫn quyết định giấu đi danh tính thật để thử thăm dò nàng.

"Ta là Ngô Thường Kiệt. Cha nuôi của ta là Khai Quốc vương Lý Long Bồ. Người anh em thân nhất của ta là đương kim Thái tử Lý Nhật Tôn. Dù ta có động vào nàng thật thì cũng chẳng ai dám làm gì ta đâu."

Nàng liếc đám con gái đang nhóng cổ bên bờ hồ. "Ra là đệ nhất mỹ nam của Đại Cồ Việt."

"Cũng bất đắc dĩ ta mới phải nhảy xuống thuyền." Ta bối rối lùa tay vào tóc.

Nàng mỉm cười, khẽ nghiêng mình khua nước đẩy vài ngọn đèn hoa đăng dạt mạn. "Ban nãy có xem anh múa Độc chiếm ngao đầu ở tháp Nghinh Phong. Giai nhân rung động bởi khí khái anh hùng cũng là lẽ thường tình."

Ta chắp tay tạ tội: "Xuống thuyền mà không xin phép là Thường Kiệt có lỗi. Chờ lát tan hội sẽ đưa nàng vào bờ."

Nàng yểu điệu thục nữ, ta quân tử hảo cầu. Mặt hồ liễu rủ màn che, hoa đăng rải khắp như cả vạn ánh trăng rằm. Có cảnh đẹp, lại có cả mĩ nhân. Lòng đầy hoài nghi cũng chẳng ngăn được trái tim ngừng thổn thức. Ta say đắm nhìn nàng, rồi buột miệng: "Ai dạy nàng vẽ chân mày vậy?"

"Có đẹp không?"

"Đẹp. Vẽ trên gương mặt mỹ nhân lại càng đẹp."

Quân Dao nhẹ hỉnh cằm: "Không phải tự nhiên mà người ta lại nói con gái nhà họ Dương xưa nay đều là mỹ nhân khuynh thành."

Ta vốn định tự khen con trai nhà họ Lý xưa nay cũng đều là anh hùng tuấn kiệt, nhưng chợt nhớ ra mình đang mang cái mác con trai nhà họ Ngô, nên lại nói: "Khuynh thành hay không ta chẳng biết, nhưng hiện giờ thì đã lạc cả tay chèo rồi."

Tay chèo lạc thật, nên ta chẳng thèm chèo nữa, mặc cho thuyền lững lờ trôi. Nàng châm ngọn đèn hoa đăng, thả xuống nước rồi chắp tay cầu nguyện.

"Này, nàng vừa cầu gì vậy?"

"Ta cầu mong được cùng người mình yêu bên nhau trọn một đời."

Trái tim ta đập rộn. Lúc còn chưa trở nên lạnh lùng trầm tĩnh như hiện tại, Thường Kiệt từng ba hoa rằng trong nghệ thuật tán gái thì quan trọng nhất là nhận diện được tín hiệu, quan trọng nhì là biết chớp lấy thời cơ. Thái tử ta đây đem Thường Kiệt ra ghẹo gái thì nhiều nhưng chưa từng tán gái một cách bài bản. Ta không dám chắc câu vừa rồi của nàng có phải là tín hiệu hay không. Thế nhưng người xưa có câu thà giết lầm còn hơn bỏ sót. Vậy nên ta nhìn nàng say đắm, rồi buông nhẹ một câu: "Còn ta lại chỉ cầu nàng ấy trọn đời bình an."

Rõ ràng ta rất có thiên phú. Cô nương nhà họ Dương nghe xong liền mỉm cười, e lệ cúi đầu.

Hôm ấy từ biệt, nàng trao cho ta nụ cười nhẹ thoảng gió xuân. Bước qua nhịp cầu Đông còn ngoảnh đầu gọi lớn khiến trái tim ta bừng bừng trống hội.

"Này Ngô Thường Kiệt, con gái lớn Thượng tướng quân Dương Bình vừa tới tuổi cập kê. Nếu thích nàng ấy thì sớm mang sính lễ qua mà hỏi cưới."

*

Đêm ấy, thư phòng của Đông cung cháy lớn. Ngọn lửa đỏ rực liếm tận nền trời, qua giờ Dần(1) mới dập yên. Nhà họ Dương quả nhiên không khiến ta thất vọng.

(1) Giờ Dần: từ 3 giờ đến 5 giờ sáng.

Rạng sáng hôm sau, Tư thiên lệnh vội vã tới yết kiến cha, tâu rằng dị tượng đã bắt đầu giáng xuống Đông cung. Lần này mới chỉ cháy thư phòng, nhưng nếu không ngăn chặn sớm thì chỉ e Thái tử sẽ gặp nguy. Khi nghe cha nói lại, ta cũng không có cảm xúc gì đặc biệt ngoại trừ hơi hơi khâm phục. Mười ba năm làm Thái tử chỉ có hai người ăn phải gan hùm mật gấu dám mở miệng rủa ta. Người đầu tiên là vị cao nhân ở Lâm Tây, phán ta cả đời khổ sở vì tình. Người thứ hai là lão Tư thiên lệnh, nói ta sắp vương phải tai bay vạ gió.

"Thưa phụ hoàng, Tư thiên lệnh có nói phải làm sao mới hóa giải được dị tượng không ạ?"

"Có nói. Nhưng trước tiên cho trẫm hỏi Thái tử một câu có được không?"

"Dạ, được ạ." Ta đáp, cảm thấy hơi chột dạ.

"Vì sao Thái tử lại cho loan tin mình sẽ rời cung đi xem hội?"

Ta kinh hãi quỳ xuống.

Cha coi như không thấy động thái của ta, thản nhiên tiếp: "Tư thiên lệnh nói muốn hóa giải dị tượng thì Thái tử phải cưới một người con gái có bản mệnh chí âm. Hơn một tháng trước, Nguyên phi có vô tình nói với trẫm rằng cháu gái nàng ấy mang bản mệnh này, thật là vừa hay."

Ta dập đầu nhận lỗi: "Con biết tội, thưa phụ hoàng!"

"Đông cung vốn là chảo lửa. Trẫm ở ngôi trữ quân mười sáu năm trời cũng không nhìn thấu được lòng dạ của anh em ruột thịt. Thái tử muốn dùng Dương Bình làm đối trọng với Đàm Toái Trạng, trẫm không trách, cũng sẽ không quản. Trẫm chỉ mong sẽ không phải chứng kiến cảnh huynh đệ tương tàn. Thái tử hiểu chứ?"

"Con hiểu rõ, thưa phụ hoàng."

"Vậy... Thái tử vừa nhận tội gì vậy?"

Ta ngẩng nhìn cha. Giọng nói lẫn vẻ mặt của người đều không giống như đang tức giận. Ta bèn bấm bụng đáp: "Con... cũng coi như góp phần làm cháy Đông cung."

Cha bật cười: "Tự nhiên hao tiền tốn của. Đúng là tội Thái tử rất nặng."

Ta nén thở phào, đầu óc cũng dần thả lỏng.

Cha khoát tay cho ta đứng dậy, rồi người hỏi: "Đến bây giờ Thái tử vẫn còn thích cô nương nhà người ta à?"

"Thưa phụ hoàng, dù có yêu thích nàng đến mấy thì con cũng sẽ không bao giờ đem giang sơn ra đánh đổi."

"Thái tử tin chắc mình sẽ kiềm chế được nhà họ Dương?"

"Nhật Tôn do một tay phụ hoàng dạy dỗ. Thuật dùng người của phụ hoàng con cũng học hỏi được vài phần."

"Nói nghe xem."

"Thưa phụ hoàng, từ khi Thái tổ(2) lập nước, Lâm Tây vốn là điểm nóng quy tụ những kẻ tận trung với tiền triều. Chúng mê hoặc lòng dân, khiến dân chúng nảy sinh ác cảm, chống đối triều đình. Nhưng hơn mười năm trước thì bản chất quân phản loạn Lâm Tây đã bắt đầu thay đổi. Chúng lấy danh nghĩa phục Lê để lừa gạt, bóc lột dân chúng Lâm Tây và các vùng lân cận. Thậm chí chúng còn chia chác, cấu kết với quan lại để giảm thiểu sự chú ý của triều đình. Vị quan lớn này chính là Thượng tướng quân Dương Bình. Dương Bình lạm dụng quyền lực hòng thâu vét tiền tài, nhưng lại vô tình giúp phụ hoàng một tay. Lòng tham của thủ lĩnh phản quân và Dương Bình càng lớn thì lòng dân Lâm Tây sẽ càng nghiêng ngả. Bốn năm trước người đích thân dẫn binh dẹp loạn là đã bắn một mũi tên trúng hai đích, vừa tiêu diệt tận gốc quân phản nghịch, vừa triệt để thu phục lòng dân. Gian thần nếu biết cách điều khiển thì cũng sẽ trở thành một thanh kiếm vô hình. Con gái Dương Bình nếu gả vào Đông cung sẽ giúp cho gốc rễ nhà họ Dương thêm vững chắc. Thanh kiếm vô hình này cũng sẽ càng sắc bén hơn."

(2) Thái tổ: chỉ vua Lý Công Uẩn.

Phụ hoàng nhìn ta thật lâu. Cuối cùng người gật đầu: "Thần tử dù quyền lực có lớn tới đâu đi nữa thì cũng vẫn nằm gọn trong lòng bàn tay của thiên tử. Tự cổ chí kim, quyền thần xuất hiện chẳng qua là bởi thiên tử bất tài mà thôi."

Ta chắp tay, cúi đầu ghi tạc: "Con đã nhớ kĩ, thưa phụ hoàng."

Trước khi ta rời đi, cha còn hỏi một câu: "Nhưng Thái tử à, con đành lòng để cô nương ấy cả đời mắc kẹt giữa mình và nhà họ Dương hay sao?"

Ta không trả lời được. Đành lòng hay không, ta chưa bao giờ nghĩ tới. Ta luôn cho rằng sinh ra là con gái nhà họ Dương thì vận mệnh của nàng đã buộc phải trở thành quân cờ chính trị. Được người cầm cờ yêu thương trân trọng chính là hạnh phúc của một quân cờ. Rất nhiều năm sau này ta mới hiểu, rằng Nhật Tôn của năm mười tám tuổi thực ra vô cùng ích kỉ và háo thắng. Ta đắc ý khi có được nàng, khi bước đầu thao túng được họ Dương. Vị cao nhân ở Lâm Tây hóa ra chẳng hề sai. Ba mươi năm ở bên nhau, ta và nàng, cả hai rốt cuộc đều khổ vì một chữ tình.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro