Câu chuyện làng Đông

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gần tám giờ tối, Hoàng chạy phăm phăm trên con đường rải đá đã vỡ nát. Nó vừa chạy vừa quất cây đuốc sạc loang loáng, soi kĩ từng bụi cỏ hay ngóc ngách trên đường. Từ sau khi bố mẹ mất, nó luôn tập cho mình sự cảnh giác cao độ để có thể ứng phó với mọi tình huống. Không chỉ thói quen này, ngay cả các kĩ thuật chiến đấu lẫn kĩ năng sinh tồn được dạy ở làng, nó cũng không ngại rèn luyện cho đến khi thuần thục.

Chẳng biết từ khi nào, luyện tập là điều duy nhất mà Hoàng quan tâm. Dường như luôn có một khao khát phải trở nên thật mạnh mẽ thôi thúc Hoàng kể từ khi bố mẹ mất. Ba năm nay, Hoàng được các bậc tiền bối đánh giá là có triển vọng nhất trong số những võ sinh cùng lứa với nó. Thậm chí, người ta còn nói vui rằng, biết đâu nó sẽ hất cẳng cháu trai của trưởng làng để lên nắm giữ vị trí thủ lĩnh.

Nói về làng Đông, đây là một trong ba ngôi làng võ nổi tiếng thuộc trấn Nam, nằm ở hữu ngạn sông Hồng. Trấn Nam hiện tại còn mười lăm quận với các tên gọi khác nhau: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Nam và Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Thanh Trì, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức và Hà Đông. Làng Đông thuộc quận Hai Bà Trưng, tiếp giáp với ba trục đường lớn là Lê Duẩn, Trần Nhân Tông và Đại Cồ Việt. Ngôi làng cách bờ sông Hồng hơn hai cây số, từng là một trong những trại huấn luyện lính đồn trú của triều đình. Làng Đông cùng với làng Dịch Vọng Hậu ở Cầu Giấy và làng Chèm ở Bắc Từ Liêm là ba ngôi làng võ đào tạo ra những đội quân tinh nhuệ nhất trấn Nam.

Khoảng ba năm trước, vào thời điểm quân rợ từ phương Nam kéo lên, triều đình đã rút hầu như toàn bộ quân trấn thủ vào sau tường thành Vành Đai Lớn, từ bỏ hầu như toàn bộ khu vực Từ Liêm bên ngoài. Lo ngại trước lực lượng đông đảo của rợ Nam, quân đội triều đình tiếp tục bị điều về phía bên kia sông Hồng. Trấn Nam chỉ còn lại những lực lượng dân quân địa phương của các làng với quân số chưa đến ba ngàn. Hơn một vạn lính rợ tấn công và vượt qua cổng Ngã Tư Lớn, tiến sâu vào trấn qua trục đường Nguyễn Trãi. Khi đó, dân quân ba làng vẫn chưa kịp tập hợp đầy đủ để ngăn chặn bước tiến quân rợ. Mọi hi vọng tưởng chừng như không còn cho đến khi chúng tới một địa điểm được gọi là Thành Phố Hoàng Gia, một quần thể kiến trúc vĩ đại được xây dựng từ nền văn minh cũ được triều đình trưng dụng làm tiền đồn lớn nhất trấn Nam. Tại đây, sáu người anh hùng của làng Đông, trong đó có bố mẹ của Hoàng đã chặn đứng cuộc tấn công của quân rợ, kéo dài thời gian cho ba làng tập hợp lực lượng trấn thủ trục đường chính.

Dân quân ba làng trấn Nam đều là những dũng sĩ tinh nhuệ, nổi tiếng với kĩ thuật chiến đấu mang tên Võ cổ truyền. Họ không chỉ cắt ngang bước tiến của quân rợ mà còn đẩy bật chúng ra khỏi tường thành Vành Đai Lớn. Câu chuyện về sáu người anh hùng làng Đông được lưu truyền khắp trấn Nam với nhiều hoài nghi về chiến công của họ. Tuy nhiên, mọi người đều thống nhất tôn cả sáu người lên bậc Võ thần, tức là những người có công lớn với dân.

Tiếng huyên náo vang lên bất chợt cắt ngang dòng suy nghĩ của Hoàng. Mải chìm đắm trong những câu chuyện từ quá khứ, Hoàng không để ý là mình đã về tới làng từ lúc nào. Cổng chào bằng đá được thắp sáng bằng đuốc đã lù lù ngay trước mắt. Sau cổng, trên cái chòi canh cao ngất, có một người đang vẫy tay với Hoàng.

-Dũng Sĩ Diệt Lợn của làng Đông về rồi đây. Sắp tới màn đấu võ tranh rượu rồi đấy. Mày vào nhanh còn kịp.

Người vừa nói là thằng Thuyên, bạn thân của Hoàng từ hồi bé. Thằng này là con trai của ông thầy giáo Thuấn, chuyên dạy chữ với dạy toán cho bọn trẻ con. Nhà Thuyên chỉ có hai bố con, mẹ nó mất từ hồi nó mới sinh. Bố Thuyên không giỏi võ, nhưng được cái vốn chữ nghĩa mấy đời để lại nên mới làm thầy dạy học. Không như bố mình, Thuyên không thích theo nghiệp văn. Nó thích làm võ sĩ như bao thằng con trai làng Đông khác. Từ nhỏ, nó đã hay sang nhà Hoàng để tập võ cùng. Cho đến nay, cả hai đứa đều được coi là những nhân tài trong thế hệ võ sĩ mới của làng Đông. Ấy thế mà ông giáo Thuấn vẫn không ưng, nhất quyết muốn nó tu chí học hành để sau này còn nối nghiệp ông làm thầy giáo. Ông hay chửi Thuyên:

-Mày ngu lắm con ạ. Nhà ta là dòng họ thầy giáo duy nhất của cái làng này. Mày cứ mải võ vẽ đánh nhau rồi đến lúc nhà vua bắt quân thì có mà chết ra đấy, thế là cái gốc văn hóa của cả làng tiệt mất rồi còn đâu.

Thuyên ghét lắm, nhưng vẫn phải nghe. Mấy dạo gần đây, nó vẫn hay buồn bực về chuyện tham dự Lễ Xăm Mình sắp tới. Có lẽ đêm nay nó cũng chán nản mà bỏ tiệc, ra chòi ngồi một mình.

Hoàng không vào làng vội. Nó trèo lên chòi ngồi với Thuyên. Lúc này nó mới để ý Thuyên đang cầm một chai rượu đã uống hết một nửa. Thấy Hoàng, Thuyên cũng chẳng nói gì, chỉ lẳng lặng giơ chai rượu lên chào rồi nốc tiếp.

-Mày uống hơi nhiều rồi đấy.

-Kệ tao. Ông già đang say bí tỉ, lại lảm nhảm cái vụ văn với võ. Tao mặc kệ, ra đây trông hộ chú Dần cho đỡ phiền.

-Tao biết.

Hai thằng con trai ngồi im lặng một lúc. Ánh đuốc soi rõ mặt thằng Thuyên, hơi lờ đờ vì men rượu. Trông ra thì nó có phần trắng trẻo thư sinh hơn so với nhiều thằng con trai làng Đông khác. Đôi mắt sáng cùng sống mũi dọc dừa nhỏ ngự trên khuôn mặt trắng mịn không tì vết. Thi thoảng Hoàng cũng nghĩ vui, nếu thằng này sinh ra là con gái thì chắc chắn sẽ là một mỹ nhân. Có điều nó chẳng bao giờ dại dột mà nói ra cái suy nghĩ ấy với thằng bạn chí cốt, vì dù trông có vẻ hiền lành, nhưng tính thằng Thuyên cục như ông thần lửa. Có đợt bị mấy đàn anh trêu, gọi là thằng ái, Thuyên nổi điên xông vào tẩn nhau một trận ra trò. Vụ đấy mấy ông kia bị đòn đau nên biết mùi, về sau không ai dám trêu nó nữa.

Thuyên nốc thêm một ngụm rượu lớn rồi lè nhè bảo:

-Mày ngồi đây làm gì. Cả làng đang chờ mày đấy.

-Ờ, xuống đây. Chán đời quá thì tí xong tiệc tao bảo em Vân lên tâm sự.

-Mả cha mày.

Thuyên bực mình đấm hờ vào mặt thằng bạn trời đánh. Hoàng cười cười né được rồi nhảy phóc xuống sân. Nó gọi với lên:

-Cung tên với cây giáo của tao để dưới chòi ấy. Tí mày về thì bảo với ông nào đến chuyển ca gác là để nguyên đấy cho tao. Mai tao còn đi săn.

Nói xong, Hoàng thong thả bước vào trong làng.

~~~

Làng Đông được xây dựng trên một khu đất cũ được gọi là "công viên". Diện tích làng cũng gần sáu chục vạn thước vuông. Đấy mới là khu dân cư chính của làng. Trong khu vực Hai Bà Trưng vẫn còn những khu chăn thả, ao vườn khác thuộc làng Đông, ví dụ như khu Tuổi Trẻ, nơi có chuồng gia súc lớn nhất cách làng khoảng một cây số.

Hoàng đi thẳng xuống con dốc, trước kia vốn là một bờ hồ lớn. Cái hồ cạn trở thành một hố trũng khổng lồ là trung tâm của ngôi làng. Giữa vùng trũng đó nổi lên hai gò đất từng là hai hòn đảo. Một gò nằm ngay giữa khu đất, là nơi cất nhà của các đời trưởng làng và Hội đồng Tiền bối. Gò đó có tên là gò Hòa Bình. Một gò khác nằm gần bờ, có cây cầu bắc sang, gọi là gò Thống Nhất, nơi có một sân đá rộng từng đặt một bức tượng lớn. Giờ tượng đó đã vỡ nát cả, dân làng dẹp luôn để lấy nguyên khoảng sân làm đài đấu võ và cũng là nơi tổ chức những sự kiện lớn của làng.

Bữa tiệc hôm nay không chỉ là ăn mừng việc Hoàng cùng các thợ săn làng Đông hạ gục được bầy lợn hoang mà còn là ngày hội chuẩn bị cho Lễ Xăm Mình sẽ được tổ chức vào ngày này tuần sau. Lễ Xăm Mình là một buổi lễ truyền thống của làng Đông diễn ra vào mùng mười tháng mười hằng năm, đánh dấu sự trưởng thành của các thế hệ võ sinh mới. Những chàng trai cô gái đến năm mười lăm tuổi nếu muốn theo nghiệp võ sẽ được tham dự Lễ Xăm Mình. Buổi lễ này là để chọn ra những võ sĩ phù hợp cho từng hệ phái. Sau khi phân chia hệ phái xong, các võ sĩ sẽ được xăm một biểu tượng riêng, tượng trưng cho bản ngã và lời phán mà trưởng làng ban cho họ. Hình xăm đó được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất, tượng trưng cho linh hồn của mỗi người võ sĩ làng Đông và sẽ gắn bó với họ cho đến cuối đời.

Trước Lễ Xăm Mình một tuần, làng Đông sẽ tổ chức một ngày hội võ để sát hạch trình độ của các võ sinh. Qua ngày hội này, các trưởng lão cùng các sư phụ sẽ tìm ra người có đủ tư cách để tham dự Lễ Xăm Mình. Những ai không đủ nặng lực sẽ phải tiếp tục luyện tập để có thể tham dự vào năm sau. Tuy nhiên, từ trước đến nay, hầu như không có ai bị đánh trượt trong ngày này. Vì thế, các võ sinh quyết tâm theo nghiệp võ sau này hầu hết đều trở thành những võ sĩ nổi tiếng của làng Đông.

Dân làng phần lớn đang tụ tập xung quanh Gò Thống Nhất. Dưới chân gò, ba bếp lớn đang đỏ lửa nướng nguyên ba con lợn hoang to bằng hai người đàn ông. Hoàng nhận ra cái bếp ở giữa đang quay một con lợn thiếu mất một vành tai, chẳng phải con nào khác ngoài con Cụt. Nguyên tuần săn đuổi nhọc công mà giờ nhìn thấy nó đang vàng ruộm bốc khói trên lò khiến Hoàng có cảm giác hơi bị hụt hẫng.

Vừa nhìn thấy Hoàng, dân làng đều giơ cốc lên chào nó. Nhiều người tiến lại xoa đầu, vỗ lưng nó thùm thụp. Khó khăn lắm nó mới lách khỏi để lên được trên gò Thống Nhất. Trưởng làng cùng Hội đồng Tiền bối đang ngồi ăn một mâm riêng. Mấy ông vừa ngắm đám trẻ đấu võ múa quyền vừa vui vẻ uống rượu. 

Hoàng tiến đến bàn của các trưởng lão, khoanh tay chào lớn:

-Cháu chào các ông các bác.

-Ôi dà, đây rồi. Thằng cu Hoàng nó về đây rồi. Quý hóa quá.

Ông Tiêm sang sảng nói, vẫy Hoàng lại rồi xoa đầu nó. Ông là một trong năm Tiền Bối, ngồi ghế thứ ba, phụ trách đội thuyền và trao đổi hàng hóa với các làng bên kia sông Hồng. Ông năm nay đã gần sáu mươi, vóc người đậm và chắc. Trên trán ông có một vết sẹo chém ngang do ngày xưa bị một tay lái buôn chơi bẩn lia trúng. Chùm râu quai nón của ông rậm rì, bạc thếch, phủ kín cái cằm rộng. Nom ông vẫn còn sung sức và nhiệt tình lắm.

-Gớm chứ, dân làng chờ mày mãi. Thanh niên ưu tú có khác. Sắp xăm đến nơi rồi, nhỉ?

-Dạ vâng. Cháu vừa tiện đường qua thăm mộ bố mẹ ạ. 

Ông Tiêm cười ha hả vỗ lưng nó, bảo:

-Mọi người đang chờ dũng sĩ về múa vài đường côn Bát Quái để được mở rộng tầm mắt đây. Lên đài đi cháu, anh em chúng nó thi thố xong hết rồi đấy.

Hoàng chắp tay dạ ran. Nó bình tĩnh bước lên đài gỗ được dựng trên khoảng sân rộng chính giữa gò. Một cậu võ sinh quỳ xuống, dâng ngang một cây côn màu đen trước mặt Hoàng. Hoàng cầm lấy côn, múa vài vòng cho thuần tay. Cây côn làm bằng gỗ bạch lạp nhẹ bẫng và dẻo dai, quất nghe vun vút từng tiếng đầy uy lực. Tuy nhiên, Hoàng chau mày suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu, đưa trả lại cây côn. Nó quay lại chỗ ngồi của các tiền bối, hỏi:

-Cây côn của bố cháu đâu? Cháu muốn thử nó.

Mọi người chợt ồ lên kinh ngạc trước đề nghị táo bạo của Hoàng. Cây côn mà nó nhắc đến là vũ khí của Võ thần Nguyễn Việt Tuấn, được đúc bằng sắt nên khá nặng, đến người lớn nhiều người còn chưa chắc đã múa nổi nói chi một thằng bé mới mười lăm tuổi. Tuy nhiên, dân làng lại tỏ ra hứng thú trước sự tự tin của Hoàng. Một người trong Hội đồng Tiền bối đứng dậy nói:

-Các cụ bảo tuổi trẻ tài cao quả không sai. Cậu Hoàng đã muốn thế, vậy tại sao chúng ta không xem thử tài năng của con trai Võ thần như thế nào?

Dân làng vỗ tay tán thưởng rào rào. Người vừa nói là bác Năm Phùng. Tên thật của bác là Phùng Kỷ. Sở dĩ người ta gọi bác là Năm Phùng vì bác là người duy nhất trong số các trưởng lão thông thạo tới năm môn võ khác nhau. Một phần nữa cũng vì năm nay bác mới có năm mươi tư tuổi, trẻ nhất trong số các trưởng lão của Hội đồng Tiền bối. Với sự am hiểu lịch sử và các tích truyện cũ từ thời Diệt vong, Năm Phùng cũng chính là người kể chuyện đáng kính của làng Đông.

Bác Năm Phùng đứng dậy rời chỗ ngồi. Đích thân bác đi lấy cây côn sắt của Võ thần Nguyễn Việt Tuấn được thờ trong miếu để trao lại tận tay cho Hoàng.

-Đây là Huyền thiết côn, một trong những bảo vật lâu đời nhất của làng Đông chúng ta. Võ thần Nguyễn Việt Tuấn từng là sư phụ côn pháp của làng, nên đã được truyền cho cây côn này. Hôm nay, hãy chứng minh cho chúng tôi thấy là cậu xứng đáng để kế tục sự nghiệp của cậu Tuấn.

Nói đoạn, Năm Phùng dâng ngang cây côn trước mặt Hoàng. Nhìn cây côn sắt đen bóng trong tay vị trưởng lão, trong lòng Hoàng không khỏi dâng lên một niềm cảm khái và tự hào về người cha anh hùng. Nó ôm quyền cúi chào kính cẩn, rồi mới đưa hai tay đỡ lấy cây côn.

Vừa chạm tay vào mặt sắt mát lạnh, Hoàng cảm giác như có một luồng điện chạy xuyên qua cơ thể. Nó cảm thấy hưng phấn lạ kì. Cây côn trong tay Hoàng nặng trịch, cũng phải cỡ mười cân. Hoàng múa thử vài đường côn cho quen tay, xong nó bước ra giữa đài, chắp tay lễ dài một lượt rồi hô lớn:

-Bát Quái Côn!

Hoàng vào thế, bắt đầu thi triển bài côn gia truyền. Cây côn sắt nặng là thế mà nó vẫn có thể múa được những động tác linh hoạt và mạnh mẽ. Mới đến chiêu thứ ba, Hoàng quật đánh rầm cây côn xuống đất, làm cả đài gỗ rung rinh như muốn sập. Mọi người đều giật mình ồ lên trước sức mạnh của cây côn sắt. Huyền thiết côn trong tay Hoàng giờ đây uy lực vô cùng. Dân làng Đông vừa kinh ngạc, vừa cảm phục trước tài năng của cậu thiếu niên.

Múa hết bài côn, Hoàng về thế bái tổ, dộng mạnh cây côn xuống sàn gỗ, nghiêm thủ. Hoàng trao lại cây côn cho một võ sinh rồi ôm quyền chào một lượt. Mọi người nhất loạt hoan hô rào rào. Năm Phùng thay mặt các trưởng lão đứng lên phát biểu:

-Đúng như lời lão Tiêm già vừa nói: Quả là được mở rộng tầm mắt! Không hổ danh là con giai Võ Thần Nguyễn Việt Tuấn, cậu Hoàng thực sự xứng đáng trở thành người kế thừa Huyền thiết côn. Tôi nói có đúng không mọi người?

Dân làng ai nấy đều vỗ tay hưởng ứng nhiệt tình. Ông Tiêm nện cốc cồm cộp, nói lớn:

-Đúng. Nói rất đúng, trừ cái đoạn chú gọi tôi là lão Tiêm già ra. Chú muốn thử cái bơi chèo sắt của tôi lắm hả chú Phùng?

-Em không dám. Mọi người ở đây đều biết, cưỡi sóng sông Hồng là ông Ba Tiêm mà.

Dân làng bật cười ha hả. Bữa tiệc bây giờ mới chính thức bắt đầu. Những đĩa thịt lợn quay tẩm mật ong thơm lừng được chuyền tay nhau không sót một người. Rượu nếp các chị các cô nấu ủ cả năm nay được đem ra đãi cho bằng hết. Giữa không khí nhộn nhịp của buổi tiệc làng Đông, Năm Phùng vẫy Hoàng lại gần, bảo:

-Bàn này có mặt già Bo trưởng làng, cùng lão Phong, lão Cân, lão Tiêm, lão Trường và tôi đây, đủ cả năm mạng Tiền Bối. Nay cả sáu người chúng tôi đều nhất trí chọn cậu làm sư phụ côn pháp sau võ sư Toàn, và trong Lễ Xăm Mình tới đây, cháu sẽ nhậm chức Thủ lĩnh của làng. Cậu thấy sao?

Hoàng vội vàng chắp tay cúi đầu, đáp:

-Dạ, cháu cảm ơn các ông, các bác. Nhưng mà để cháu làm sư phụ côn pháp với Thủ lĩnh như vậy có hơi ưu ái quá không? Cháu sợ mình còn non lắm, không làm nổi đâu. Anh Biền có lẽ hợp hơn cháu.

Biền là con trai của ông Phong, và là cháu trai của già Bo trưởng làng. Y năm nay đã hai mươi tư tuổi, cũng là người giỏi đánh côn. Theo truyền thống, chức Thủ lĩnh đều là người nhà của trưởng làng. Các Thủ lĩnh dường như đã được định sẵn một con đường là trở thành Đại ca của Hội đồng Tiền bối, và từ đó trở thành trưởng làng của làng Đông. Việc chọn ra một người không thuộc gia tộc trưởng làng làm Thủ lĩnh như ngày hôm nay có thể coi là một tiền lệ trước giờ chưa từng có. Chưa kể các Tiền Bối quyết định giao trọng trách lớn lao như thế cho một đứa trẻ mới mười lăm tuổi, đương nhiên là Hoàng cảm thấy không ổn chút nào.

Trái với suy nghĩ của Hoàng, già Bo trưởng làng ôn tồn nói:

-Thằng Biền tuy giỏi, nhưng tính tình nó không tốt. Nó không biết thương anh em, chỉ thích đánh người làm vui. Hơn nữa, Biền nó cũng hay kiêu căng, cậy là cháu trai của ta mà không coi ai ra gì. Ta thật không yên tâm khi giao cho nó chức Thủ lĩnh.

Ông Phong, cha của Biền nói thêm:

-Người đứng đầu không thể là người nhà mãi được. Chúng ta cần người tài. Hoàng ạ, cháu tuy nhỏ nhưng lại có ý chí, có sự nỗ lực khiến đám người lớn chúng ta cũng phải cảm phục. Nếu cháu đơn thuần chỉ là con trai của bậc Võ thần thì chúng ta chưa chắc đã có quyết định như vậy. Nhưng theo như tất cả mọi người đều thấy, cháu thực sự là một người có tài. Nếu còn non, chúng ta chắc chắn sẽ chỉ bảo cháu tận tình. Đừng vì tuổi tác mà không dám tự tin vào bản thân mình. Cháu thể hiện được nhiều hơn là những gì cháu tưởng đấy.

-Nhưng mà... có phải thiệt thòi cho anh Biền quá không ạ?

-Dào ôi, lo cho thằng ôn đấy làm cái gì. Coi như đây là bài học để nó tỉnh ngộ ra. Dù không được làm Thủ lĩnh, nhưng nếu nó có chí thì nó vẫn có thể thay cháu làm Sư phụ Côn pháp được. Đấy là nếu nó chịu thay đổi.- Bác Tiêm bĩu môi nói.

Hoàng đang còn ngẩn ngơ định nói gì đó, nhưng già Bo đã ngắt lời nó, bảo:

-Đây là quyết định của bọn ta. Hợp hay không hợp, phải làm thử mới biết. Cháu nên tự tin vào bản thân mình, Hoàng ạ.

-Cháu... hiểu.

Hoàng không còn cách nào thoái thác nên đành nhận lời. Bàn định xong, nó quay xuống chỗ dân làng đang tiệc tùng nhộn nhịp. Năm Phùng còn gọi với theo, dặn:

-Mai có đi đâu thì về sớm qua nhà bác nói chuyện nhé.

-Vâng!

~~~

Đã gần mười giờ tối, tiệc làng Đông vẫn chưa tàn. Hoàng ngồi cùng đám bạn, chán nản nhấm nháp nước cam vắt tiếp chuyện chúng nó. Thằng Thuyên giờ mới xuống chòi nhập hội. Nó đã nốc gần hết chai rượu thứ hai. Nhìn cái bản mặt ủ ê của Hoàng sau khi tâm sự chuyện nhậm chức, Thuyên lè nhè nói:

-Mày còn buồn gì thế Hoàng. Được lên chức Thủ lĩnh đáng ra phải sung sướng chứ? Cả cái tiệc này cũng nhờ mày mà có còn gì.

Thằng Đạt, bạn đồng môn của Thuyên và Hoàng, nhích cái thân hình tròn vo chắc nịch đẩy Thuyên lăn quay xuống đất. Nó vừa nhai thịt lợn vừa bảo:

-Hỏi huỵch toẹt ra thế hả cái thằng bê tha này. Anh em với nhau là phải tâm sự tình cảm đàng hoàng, hiểu chưa?

-Muốn hỏi chuyện thằng Hoàng thì phun thẳng mẹ ra đi, bày đặt tình với chả cảm. Phát tởm.- Thuyên lồm cồm ngồi dậy, miệng lèm bèm chửi.

Hoàng đằng hắng bảo hai thằng bạn:

-Cảm ơn chúng mày đã quan tâm. Nhưng mà nói thật, tao thấy mình không hợp để làm Thủ lĩnh. Cảm giác có gì đó không ổn cho lắm.

-Có gì mà không ổn? Trong cái lứa này thì cả đám bọn tôi đều phục ông hết. Ông lên làm Thủ lĩnh là đáng lắm.- Đạt ôn tồn nói.

-Hay mày sợ thằng Biền? Nó chỉ được cái nước to xác cậy quyền cậy thế chứ có tài cán đếch gì đâu.- Thuyên nói thêm.

-Không phải sợ hay gì cả, mà là tao thấy mình không đáng, Thuyên ạ. Ông Đạt cũng nên nghĩ lại xem. Các ông quý tôi, nhưng mà tôi đâu đã làm được gì to tát cho làng. Tôi cảm giác mình vẫn chưa sẵn sàng cho chuyện này.

Đạt với Thuyên còn chưa kịp đáp thì đám con gái đã kéo đến nhập hội. Thuyên sượng sùng quay đi khi cái Vân ngồi xuống ngay cạnh nó. Hoàng với Đạt biết tỏng, nhìn nhau mà cố nhịn cười. Đúng là cái thằng thư sinh nhát gái.

Vân với Ánh, hai đứa xinh xắn nhất hội cùng đứng lên thay mặt cả bọn nâng cốc chúc mừng Hoàng. Cả hai đồng thanh nói:

-Chúc mừng tân Thủ lĩnh Nguyễn Việt Hoàng. Bọn em xin kính anh một ly.

Vân là cháu gái của bác Hai Cân trong Hội đồng Tiền bối. Mẹ Vân mất khi cô mới lên hai, còn cha cô hiện đang đi lính cho triều đình, đóng ở bên kia sông Hồng. Vân trông cao ráo, chín chắn, tóc cột đuôi ngựa dài quá vai. Cô bé đứng đầu trong lứa võ sinh nữ đồng môn với Hoàng. Thằng Thuyên mê Vân cũng vì cái sự cứng cỏi trưởng thành của cô, nhưng từ hồi nào đến giờ nó vẫn chưa dám hó hé một câu thổ lộ.

Khác với Vân, Ánh vẫn còn cha mẹ ở bên. Cha Ánh là chú Dương, phó tướng của nhóm chèo thuyền dưới quyền ông Ba Tiêm. Những người chèo thuyền sông Hồng rất được dân làng nể trọng, vì nhờ có họ mà làng mới có thể buôn bán và vận chuyển hàng hóa qua bên kia sông. Những dân làng hết hạn đi lính cũng được họ chở qua sông để về với gia đình. Triều đình có thuyền nhưng không bao giờ dùng để chở người cả, chỉ đi tuần và lập thành các đội phòng thủ bên tả ngạn sông mà thôi. Mẹ của Ánh là con gái của một nhà buôn bên kia sông, do cơ duyên nên mới theo chú Dương về làng Đông. Cả làng ai cũng biết tiếng cô Hồng khéo buôn. Cô hay đi đổi hàng ở các làng khác bên này sông để đem những thứ cần thiết về cho dân làng. Hoàng cũng rất hay qua nhà cô đổi thú săn được để lấy đồ dùng hay lương khô, ngũ cốc các thứ. Cô Hồng cũng thường dúi cho nó thêm vài phần dư ra rồi bảo: "Thương mày mất cả cha lẫn mẹ nên cô cho, cứ lấy mà dùng". Vì thế mà Hoàng quý cô lắm.

Mấy cô bé trong đám môn sinh nữ có mặt ở đây đều cùng tuổi với Hoàng, nhưng vì ngưỡng mộ nên cả đám gọi nó là anh. Phần khác là do Hoàng là đứa sinh sớm nhất đám, nên bọn con gái lại càng được thể nâng tầm người trong mộng. Kì thực, Hoàng thừa biết trong đám này có không ít cô muốn cặp kè với nó, có điều nó chưa từng nghĩ đến việc sẽ yêu một ai đó, và nó thấy mình vẫn còn bé để mà bắt đầu yêu đương tình tứ các thứ. Một phần nữa là vì nó cũng ngại. Mới mười lăm tuổi đầu, làm gì mà đã phải nên đôi nên cặp suốt ngày âu yếm nhau? Đấy là Hoàng suy diễn ra thế, chứ trong đám cùng tuổi nó thiếu gì mấy cặp yêu sớm. Nó biết là vậy, nhưng vẫn muốn tránh xa để còn tập trung tư tưởng rèn luyện bản thân. Cũng chính vì cái "lập trường vững vàng" ấy mà đám con gái lại càng thích, nên Hoàng có muốn tránh cũng chẳng được.

-Cảm ơn mấy cô, nhưng mà vụ phong chức làm ơn bé tiếng giùm tôi. Đến Lễ Xăm Mình mới công bố chính thức mà giờ đã ồn ào thì phiền lắm.- Hoàng ngao ngán đáp.

-Dạ vâng. Lời của Thủ lĩnh là mệnh lệnh. Mà anh Hoàng làm ít rượu nể mặt bọn em đi chứ, tiệc tùng gì lại đi uống nước cam thế kia.

-Thôi thôi, xin kiếu. Sáng mai còn phải dậy sớm đi săn nữa. Làm tí cồn vào lại lăn ra ngủ cả ngày, không khéo là chết đói.

Cái Ánh, mặt đỏ tưng bừng ngồi phịch xuống ngay bên cạnh Hoàng. Ánh đứng sau Vân trong đám con gái, nhưng sắc thì lại có phần hơn. Nếu Vân trông giống một cô chị gái chững chạc thì Ánh giống một nàng em út tinh nghịch và năng động. Đôi mắt nâu, sống mũi cao dọc dừa, mái tóc buộc hai bên thả xuống vai uốn theo nét mặt trái xoan trẻ con đúng tiêu chuẩn thiếu nữ ngây thơ mà đám con trai làng Đông thường hay bàn tán. Cả đám môn sinh cùng lứa thừa biết cô bé rất thích Hoàng, nhưng khổ nỗi nó lại chưa dám tính đến chuyện nên đôi nên cặp, cũng chẳng muốn thẳng thừng phũ phàng với cô. Chính vì lí do đó mà nhiều lần Hoàng rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, muốn lui không được mà đi tới cũng chẳng dám.

Hoàng ngại ngùng giả vờ ngó lơ khi Ánh mon men áp sát vào người nó nhỏ nhẻ:

-Thủ lĩnh có khác, tác phong nghiêm túc quá cơ. Nhưng mà do anh nghiêm túc thật hay là đang cặp kè với cô nào làng bên nên mới lấy cớ đi săn đấy hả? Có nhà em nuôi cho rồi, lo gì chết đói.

Cả đám bật cười ha hả khiến Hoàng đỏ bừng mặt. Nó chột dạ vì Ánh phán... suýt đúng. Đúng là Hoàng định ngày mai sẽ đi khám phá khu mộ cùng với cô gái lạ mặt mặc đồ đen kia. Dính phải mấy tình huống như thế này càng khiến Hoàng cảm thấy lũ con gái thật đáng sợ. Nó đánh trống lảng:

-Mấy đứa say rồi. Dân võ mà bê tha thế đấy. Cả đám được dạy là hơi cồn không tốt cho việc luyện khí rồi còn gì. Nốt bữa nay thôi, từ sau cấm nghe chưa.

-Rồi rồi, tuân lệnh Thủ lĩnh. Biết anh gương mẫu rồi. Nhưng mà chiều bọn em mỗi tối nay thì có làm sao mà...

Còn chưa nói dứt câu, Ánh ngắc ngư đổ hẳn vào người Hoàng. Cô nàng gục luôn tại chỗ làm Hoàng bối rối chẳng biết xử trí thế nào. Vân trông thấy vậy, ngán ngẩm lắc đầu nói:

-Đã bảo uống vừa vừa thôi mà chẳng nghe. Nó nốc hết hai chai rồi đấy. Cũng tại anh Hoàng chẳng chịu để ý gì cả.

Đám con gái cười khúc khích với nhau. Hoàng thừa hiểu hai chữ "để ý" ở đây có nghĩa là gì, nhưng nó tự biết mình không muốn dính dáng đến mấy chuyện đấy. Hoàng đặt Ánh nằm hẳn xuống ghế đá, rồi đứng dậy nói:

-Tối nay thế là đủ rồi. Trẻ con không nên uống nhiều. Mọi người tốt nhất nên nghỉ ngơi sớm đi. Học đòi mấy ông chú bê tha chỉ tổ thiệt thân.

Vân biết ý, bảo:

-Để bọn em đưa cái Ánh về, có gì nói chuyện với nó sau. Anh Hoàng mai có việc thì cứ đi nghỉ sớm đi.

-Ừ, nhờ mấy đứa. Thằng Thuyên với ông Đạt cũng nên rút sớm đi. Tiệc tàn đến nơi rồi.

-Không phải nhắc. Mày cứ về lo cho xong chuyện đi.

Thuyên vẫy tay xua Hoàng. Tự nhiên hoàng nghe giọng thằng Thuyên tỉnh hơn hẳn. Trước khi đi khỏi, nó vẫn còn kịp nghe Thuyên bảo với Vân:

-Tí để tôi giúp bà đưa cái Ánh về, tiện thể có vài chuyện muốn nói luôn.

Hoàng vừa đi vừa mủm mỉm cười. Kể ra có tí men rượu vào thì mới có bản lĩnh được. Nó thầm chúc thằng bạn chí cốt được may mắn rồi thong thả bước về nhà.

~~~

Nhà của Hoàng nằm ở gần cổng Trần Nhân Tông, đi bộ từ gò Thống Nhất về nhà chưa đến mười phút. Nó không thích về thẳng nhà mà thường hay đi dạo loanh quanh trên những con đường làng có từ trước thời Diệt vong. Giờ đã gần mười một giờ đêm, Hoàng tìm một cái ghế đá trong một góc tối ngồi im lặng một lúc. Nó ngửa cổ lên ngắm bầu trời đen kịt, vẩn vơ suy nghĩ về những cái không đâu.

Hoàng nhớ đến cô gái nọ. Cứ mỗi lần nó đến thăm mộ bố mẹ, hoặc là nó thấy cô đã ở đó từ trước, hoặc là cô sẽ xuất hiện khi nó đã chờ được một lúc. Cô luôn đến từ một con đường nhỏ, dẫn ra phía sau những tòa nhà trắng đồ sộ. Hoàng chưa từng thử đi vào những con đường đó. Nó vẫn luôn thắc mắc về thân phận thật của cô gái đó. Trông cô không giống với người của làng Chèm, làng Duy Tân hay bất cứ một ngôi làng nào khác thuộc trấn Nam. Cô chỉ đơn giản xuất hiện ở đó và nói chuyện với Hoàng mỗi khi nó đến thăm mộ.

Cô ấy là ai? Suốt ba năm trời, câu hỏi đó vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí Hoàng. Dù nó không thể hiện ra, nhưng mỗi lần nhìn thấy cô, nó vẫn có một khao khát được biết thân phận thực sự của cô. Thi thoảng, nó muốn được gặp cô, dù cho cả hai gặp nhau cũng chẳng nói chuyện gì nhiều. Một vài câu hỏi thăm, dăm ba mẩu chuyện vô vị, còn đâu đa phần là hai đứa chỉ ngồi cùng nhau trong im lặng. Cô không bao giờ tiết lộ về bản thân mình, dù chỉ là một điều nhỏ nhặt. Nó hoàn toàn không biết, không hiểu cô, nhưng lại thấy cô như là một người bạn tri kỉ của mình. Đôi lúc nó cảm giác cô gái ấy chỉ là một hình bóng mà nó tưởng tượng ra. Kể ra thế cũng tốt. Hoàng hi vọng cô sẽ không bao giờ biến mất, vì chẳng biết từ khi nào mà nó đã coi cô như một chỗ dựa tinh thần lớn lao của mình.

Bỗng một tiếng sột soạt vang lên lôi tuột Hoàng ra khỏi mớ suy nghĩ thơ thẩn. Hoàng nhìn quanh thì thấy ba mạng thanh niên đang bá vai nhau bước đến gần. Chúng nó có vẻ không để ý đến Hoàng đang ngồi ngay đó mà cứ tiếp tục vừa đi vừa nói cười hô hố. Mọi sự sẽ không có gì cho đến khi tên đi giữa đột nhiên dừng bước.

-Ê, hình như tao vừa thấy người nổi tiếng.

Tên thanh niên lừ đừ quay lại. Y nheo nheo mắt nhìn thẳng vào mặt Hoàng. Hoàng biết thừa khuôn mặt lưỡi cày hung hiểm kia. Đó không ai khác chính là Biền, con trai của Phong trưởng lão và cháu trai của già Bo trưởng làng. Đi với y là Tín và Công, hai thằng có thể coi là tay sai của Biền. Thằng Tín dáng cao lêu nghêu, tướng tá còn nhom trông như bộ xương di động, còn thằng Công to béo chắc nịch nhưng mà lùn tịt, mặt lúc nào cũng hằm hè như đang muốn gây sự với ai. Thấy Hoàng, Biền "à" lên một tiếng làm ra vẻ như vừa ngộ ra cái gì. Y bá cổ hai thằng bạn đến đứng trước mặt Hoàng, lè nhè nói:

-Hóa ra là tiểu Thủ lĩnh được cả làng yêu mến đang ngồi trầm tư ở một góc tối mà chẳng ai để ý. Mấy ông già gọi là gì ấy nhỉ? Tuổi trẻ tài cao à? Hay lắm.

Hoàng vẫn lặng thinh nhìn gã thanh niên say xỉn trước mặt. Nó cố thả lỏng người, nhưng vẫn sẵn sàng bật dậy ngay khi có biến. Tình huống này nó không hề mong muốn một chút nào. Nó đã biết rằng việc các trưởng lão quyết định phong nó làm Thủ lĩnh thay cho Biền kiểu gì cũng gây ra rắc rối. Cố không quay mặt đi bởi mùi rượu hôi rình tỏa ra khi Biền dí mắt sát vào mặt nó một cách khiêu khích, Hoàng bình tĩnh đáp:

-Anh say rồi, anh Biền.

-Say?

Biền đứng thẳng người. Y trợn mắt siết tan tành chai rượu trong tay, chỉ thẳng mặt Hoàng quát:

-Mày bảo tao say? Thằng ôn con mới nứt mắt như mày thì biết cái chó gì mà bảo tao say? Thằng khốn nạn không cha không mẹ này, mày lấy cái quyền gì mà đòi làm Thủ lĩnh của cái làng này? Mày bỏ bùa mê thuốc lú gì cho mấy thằng già mụ mẫm chết tiệt đấy hả? Cái gì mà con trai Võ thần với cả truyền nhân của Huyền thiết côn chứ? Dân làng này ngu muội đến cái nỗi để một thằng trẻ ranh nó leo lên đè đầu cưỡi cổ như thế này đây. Mày...

-Tôi cảnh cáo anh đấy, anh Biền. Nếu anh còn xúc phạm tới bố mẹ tôi và các trưởng lão thì...

-Thì mày làm gì tao?- Biền gào lên kích động.- Mày tưởng mày được cái danh Thủ lĩnh chó cắn ấy mà đòi dọa được tao hả? Mày nghĩ thằng ranh con như mày có quyền lớn tiếng với đàn anh của mày hả? Đồ không cha mất nết!

Hoàng điên tiết bật dậy tống thẳng một cú đấm vào mặt Biền. Biền cũng chẳng phải dạng vừa. Y ngả người tránh theo đúng tư thế ngã của Túy Quyền, thốc một đá vào bụng Hoàng. Hoàng xoay người tránh sang một bên. Hai tên bạn của Biền vòng ra sau, quây Hoàng vào giữa. Biền rút trong túi ra một con dao găm sắc lẻm, dài hơn một tấc. Hoàng căng thẳng nhìn lưỡi dao loang loáng trước mặt. Ba tên thanh niên di chuyển xung quanh Hoàng, dần dần siết chặt vòng vây. Biền lăm lăm con dao trong tay. Y nhìn Hoàng với một vẻ căm ghét thấy rõ. Hoàng cũng không dám rời mắt khỏi món vũ khí nguy hiểm mà Biền đang cầm. Dẫu biết rằng Biền là một gã ngang ngược và xấu tính, nhưng nó không ngờ y lại có thể liều lĩnh đến mức này.

Đột nhiên, Biền lao vào tấn công. Y lia mũi dao chém ngang ngực Hoàng. Hoàng vội lui lại tránh lưỡi dao hiểm độc thì bị hai thằng đằng sau dồn cứng một góc. Con dao sượt qua áo Hoàng, để lại một vết cắt nông ri rỉ máu. Biền điên cuồng vung dao chém tới. Hoàng phải vừa tránh dao, vừa phải tránh Tín và Công hai thằng đang nhăm nhe đánh lén phía sau. Cầm cự được một lúc, tấm áo của hoàng đã rách bươm. Nó lĩnh thêm hai nhát dao nữa vào tay trái.

-Thằng này mày lì gớm. Không thèm kêu cứu cơ à? Do mày gan hay là do sĩ diện đây hả? Để tao xem mày còn lì được bao lâu!

Nói rồi, Biền múa dao lao thẳng vào Hoàng. Hai thằng Tín Công cũng xáp lại một chập. Hoàng bối rối không biết nên đỡ hay nên né chỗ nào. Nó thầm ước trong tay mình lúc này có cây côn thì ba thằng mất dạy chưa chắc đã được đắc ý. Trong lúc tưởng chết đến nơi, một bóng người lao thốc đến, đạp văng con dao trên tay Biền, đồng thời quật y ngã lăn quay xuống nền cỏ. Hoàng rảnh tay, bật người tung song cước đạp ngã cả hai thằng Tín và Công. Hoàn hồn nhìn kĩ lại thì Hoàng mới nhận ra, người vừa cứu nó là bác Năm Phùng.

Năm Phùng đứng hiên ngang trước mặt ba tên thanh niên đang lồm cồm bò dậy. Biền gườm gườm nhìn bác, hộc lên một lời cảnh báo:

-Ông nhớ đấy. Làng này không yên đâu.

Nói xong, nó cùng hai thằng bạn bỏ đi thẳng. Lúc bấy giờ, Năm Phùng mới quay sang Hoàng, hỏi:

-Cậu có sao không?

-Cảm ơn bác Phùng. Cháu chỉ bị xây xát chút thôi, không có gì nghiêm trọng đâu.

Năm Phùng kiểm tra kĩ lưỡng mấy vết cắt trên tay và ngực Hoàng, rồi bác ôn tồn bảo:

-Không ngờ mấy thằng này chúng nó liều thế. Đúng là rượu vào rồi thì cái gì cũng dám làm. Đêm nay cậu qua ngủ ở nhà tôi đi. Chẳng biết bọn nó sẽ giờ trò gì nữa đâu.

-Dạ, phiền bác quá. Cháu không sao thật mà. Anh Biền chắc do qua chén nên giận quá mất khôn thôi. Cháu nghĩ không có gì phải làm quá lên đâu.

-Chí ít cũng để tôi xử lí mấy vết cắt cho cậu trước đã. Để yên dễ bị nhiễm trùng lắm.

-Vậy thì nhờ bác vậy.

Thế rồi, Năm Phùng theo Hoàng về đến tận nhà. Bác đun ít nước sôi luộc vải trong lúc khâu vết thương cho Hoàng. Vết xước ở ngực như bị sượt qua nên chỉ cần lau sạch và đắp băng lên mà thôi. Còn hai vết chém trên tay Hoàng thì có vẻ nghiêm trọng hơn. Năm Phùng phải lau thật kĩ, bắt nó nhai một nắm thảo dược giảm đau mà bác luôn đem theo. Chờ một lúc cho Hoàng ngấm thuốc rồi bác mới bắt đầu khâu lại vết thương. Hoàng đau tái người, nhưng nó vẫn cố cắn răng chịu đựng mà không kêu lấy một tiếng. Khâu xong, Năm Phùng đắp cho Hoàng thêm ít lá thuốc nữa rồi băng lại đàng hoàng. Bác nói:

-Thế này là ổn. Đừng nghĩ đến chuyện bao che cho mấy đứa kia. Vết thương của cậu không giấu được đâu. Đêm nay sẽ có người gác ở khu nhà cậu. Bây giờ thì nghỉ ngơi đi. Ngày mai nếu có làm gì thì nhớ hãy về sớm. Tôi có vài chuyện cần nói với cậu.

Hoàng cảm ơn bác rồi nằm luôn ra giường. Đầu óc nó lơ mơ do tác dụng của thảo dược nó nhai ban nãy. Hoàng đặt chiếc đồng hồ quả quýt lên cái bàn cạnh giường rồi nằm thẳng cẳng. Trước khi chìm vào giấc ngủ, trong đầu nó chợt thoáng qua hình ảnh một thiếu nữ trong bộ đồ đen đang ngồi chờ nơi đài phun nước hoang vắng. Bên cạnh cô là ngôi mộ của sáu người anh hùng làng Đông đang yên nghỉ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro