CHƯƠNG 2: Hương thảo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Sau khi yên tâm vì cuối cùng cũng "tống khứ" được cô em út về cung, Nhật Duật quay sang Haibara thì thấy nàng đang mệt mỏi đứng dựa lưng vào tường, đôi mắt nhung sâu hun hút đen thẳm như trời đêm thẫn thờ nhìn những cánh chim mải miết bay về tổ trên nền trời vương sắc hồng của hoàng hôn. Mái tóc nâu đỏ đặc biệt giống ánh chiều tà bay bay trong gió, những sợi tóc cài vào khóe môi xinh xắn khiến nàng phải đưa tay lên để cài chúng qua vành tai. Không hiểu sao hình ảnh ấy khiến Nhật Duật cảm giác rằng cô bé đang đứng trước mặt mình là một cô nương chứ không phải một đứa trẻ. Lắc đầu để xua đi ý nghĩ buồn cười vừa lướt qua trong đầu đó, Nhật Duật lên tiếng:

- Ai-kun này, tiểu cô nương áo trắng đã giúp nhóc là em gái của ta. Nó nhờ ta cho nhóc lưu lại trong phủ cho đến khi cháu có thể về Phù Tang. Ý nhóc thế nào?
- Cháu có thể không? – Haibara ngần ngừ, ban đầu nàng nghĩ thiếu nữ vận bạch y kia sẽ mang nàng theo nhưng cuối cùng không phải. Tại sao cô ấy lại phải nhờ người này?
- Tất nhiên là có thể. Ta đã nhận lời với nó. Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy. Vả lại nếu ta để nhóc bơ vơ tiếp tục lang thang, e rằng nó mà biết được thì sau này ta sẽ khó sống. À mà quên giới thiệu, em gái ta tên An Tư, còn ta là Chiêu Văn – Nói đến đây, Nhật Duật ra chiều ngán ngẩm khi nghĩ tới cô em gái trông thì hiền mà không dịu của mình. Vẻ mặt đó của chàng khiến Haibara thấy buồn cười.
- Nếu chú có lòng thu nhận cháu, ơn trời bể này cháu xin ghi lòng tạc dạ. Cháu sẽ không ăn nhờ ở đậu đâu. Cháu có thể làm tiểu tỳ, nấu cơm giặt quần áo gánh nước chẻ củi, cháu đều làm được. – Haibara nhớ lại mấy lời thoại kinh điển hay xem trên phim và đem ra ứng dụng.
- Mấy việc đó trong phủ ta có người làm rồi, ta cũng không muốn mang tiếng là bóc lột sức lao động của trẻ con. – Nhật Duật ra chiều nghĩ ngợi, đưa tay xoa xoa cằm – Có điều ta đang thiếu một thư đồng, nếu nhóc làm được thì ta không phải tìm người nữa. Nhưng chuyện đó để sau, giờ "vâng lời" bà cô trẻ, ta phải đưa nhóc đi khám đại phu đã.
- Vâng. Nhưng cháu không có tiền trả tiền thuốc – Haibara đưa tay vân vê vạt áo sơ mi.
- Không sao – Nhật Duật tươi cười và buông một câu khiến nàng chưng hửng – Ta sẽ bảo An Tư trả lại cho ta sau.

Tiểu nhị của Ẩm Nguyệt các dắt con ngựa ô với bộ lông đen bóng ra cho Nhật Duật. Chàng vuốt ve chiếc bờm dày và dậm của nó. Dù không rành về ngựa lắm nhưng Haibara đoán rằng đây chắc hẳn là giống ngựa quý bởi đôi mắt sáng quắc và rất có thần của nó.

- Tiểu cô nương, xin đắp tội. – Nhật Duật bông đùa

Trong lúc Haibara chưa hiểu gì thì đã thấy mình bị bế thốc lên, lúc nàng định thần lại thì thấy mình đã yên vị trên lưng con tuấn mã to lớn từ lúc nào. Sau đó, Nhật Duật cũng nhảy phốc lên lưng ngựa. Cầm chắc dây cương trong tay, chàng thúc nhẹ vào bụng ngựa, con tuấn mã hí lên và bắt đầu bước đi. Do đang đi trên đường phố tấp nập người qua lại, nên Nhật Duật để chú ngựa đi chậm. Đây là lần đầu tiên Haibara cưỡi ngựa nên nàng không quen, thân hình nhỏ bé bị lắc lư, đôi lúc người nàng còn vô tình ngả ra sau chạm vào bở ngực rông lớn vững chãi của Nhật Duật. Mùi hương bạc hà thanh mát dìu dịu từ áo chàng phảng phất nơi cánh mũi thanh tú của Haibara. Hầu như những con đường nàng đi qua đều được lát đá ong hoặc gạch Bát Tràng bằng phẳng. Nàng không khỏi tò mò xen lẫn hiếu kỳ mà đưa mắt ngắm nhìn khung cảnh cách đây 700 năm của một đất nước khác. Nhìn cảnh kinh thành trù phú hoa lệ sầm uất với những tòa nhà sững sững nối tiếp nhau hai bên đường, hẳn đây đang là lời kỳ thịnh trị.

- Này nhóc, năm nay nhóc bao nhiêu tuổi – Nhật Duật hỏi.
- Cháu 7 tuổi ạ. – Haibara lễ phép đáp. Trong lòng không khỏi ấm ức một chút khi một người tên Chiêu Văn mặt búng ra sữa này chắc cũng chỉ tầm tuổi thật của nàng gọi nàng là nhóc
- An Tư bảo ta dạy nhóc tiếng An Nam trong thời gian nhóc lưu lại phủ ta, nhóc có muốn học không.
- Tất nhiên là cháu có, nhưng liệu có làm phiền chú không – Chưa biết lúc nào về được Nhật, trong thời gian còn ở lại Đại Việt này không sớm thì muộn nàng vẫn phải học tiếng rồi thích nghi với cuộc sống ở đây, nay có người dạy tội gì không nhận lời. Nhưng bằng trực giác nàng cảm nhận thân phận của thiếu nữ mặc áo trắng và chàng trai đang cưỡi chung ngựa với mình đây chắc hẳn không chỉ là dân thường, hơn nữa ai cũng có công việc của mình, đâu thể rảnh rỗi mà dành thời gian dạy tiếng cho nàng.
- Chỉ cần nhóc chịu bái sư và nộp học phí cho ta đầy đủ là không có gì phiền cả - Nhật Duật tươi cười – Nhưng nhóc yên tâm nếu không có tiền trả, ta sẽ bảo An Tư trả hộ cho.

Đến đây thì Haibara lờ mờ đoán được chắc hằng ngày người này bị em gái "bắt nạt", "chèn ép" hoặc "bóc lột" nhiều quá, nên mới muốn thông qua nàng trả đũa cô em. Hình như anh em nhà này có vẻ "không bình thường" cho lắm. Ngẫm nghĩ, nàng thấy thiếu nữ tên An Tư ấy thật tốt với nàng. Cũng thật may mắn khi nàng gặp được nàng ấy, không thì nàng cũng chẳng biết xoay xở ra sao giữa chốn xa lạ này.

- Cháu không muốn làm phiền chị...à không cô ấy. – Thiếu nữ kia chắc khoảng tầm 14 tuổi, còn ít hơn tuổi thật của nàng, gọi chị là hợp lý rồi, nhưng gọi anh là chú mà gọi em là chị nghe có vẻ hơi mâu thuẫn nên nàng sửa lại - Nhưng cháu cũng không có tiền trả học phí. Chú dạy cháu tiếng An Nam, cháu dạy lại chú tiếng Anh, có được không? – Dù sao nàng cũng không muốn mang ơn An Tư quá nhiều, lại thêm chẳng biết được ông anh tinh quái này sẽ "yêu sách" gì ở cô em, rồi một tia sáng chợt lóe qua trong đầu nàng.
- Nhóc cứ gọi An Tư là chị cũng được, nó còn chưa đến tuổi cài trâm mà nghe nhóc gọi mình là cô chắc phải khóc ròng suốt mấy ngày mấy đêm. Không có nhóc gọi là cô, hiện giờ nó cũng đang có rất nhiều người gọi là cô rồi. Tiếng Anh là tiếng của nước nào vậy, ta chưa nghe bao giờ - Vốn là người ham học hỏi, lại có hứng thú trong việc học tiếng các nước nên khi nghe thấy Haibara nhắc đến thứ tiếng lạ lùng ấy, Nhật Duật hỏi ngay.
- Đó là tiếng của một nước thuộc châu Âu à không là một trong những nước của người Tây Dương, cách rất xa nơi này và Nhật...Phù Tang. – Haibara cũng không biết giải thích sao để một người cổ đại có thể hiểu được.
- Nhóc nói thử một đoạn tiếng nước đó cho ta nghe được không? – Nhật Duật hứng thú.
Sau khi nghe Haibara nói một đoạn khá dài một cách trôi chảy lưu loát như thể đó mới là tiếng mẹ đẻ của nàng, Nhật Duật nhíu mày ngạc nhiên:
- Sao cháu lại biết thứ tiếng này?
- Thực ra chỉ có bố cháu là người Phù Tang, còn mẹ cháu là người nước Anh, vì vậy màu tóc cháu không phải màu đen – Haibara chần chừ không biết có nên nói điều này ra không, cái thời cổ xưa này có khi người ta còn chẳng biết đến khái niệm con lai là gì nhưng cũng chẳng có cách giải thích nào khá hơn, nói nàng đã từng sống bên đó một thời gian còn mù mịt khó hiểu hơn.
- Được đấy nhóc, ta dạy nhóc tiếng An Nam, nhóc dạy ta thứ tiếng nhóc vừa nói. – Thực ra Nhật Duật nói bắt Haibara trả tiền học phí chẳng qua chàng vốn nghịch tính lại thấy cô bé con này có vẻ chững chạc chín chắn, già trước tuổi như bà cụ non nên muốn trêu cô bé một chút để cho cô bé lúng túng bối rối chơi, chứ có cho vàng chàng cũng chẳng dám đòi tiền của An Tư, không khéo lại bị sáu ông anh kia hùa nhau vào xâu xé chàng. Nào ngờ cô nhóc trông thế mà cũng chẳng vừa, đòi trao đổi với chàng, nhưng không thể không công nhận, tuy chàng thông thạo thứ tiếng của các man người thiểu số trên lãnh thổ Đại Việt, rồi tiếng Hán, tiếng Chiêm Thành và tiếng của một số nước lân bang khác nhưng thứ tiếng mà cô bé nói chàng chưa nghe qua bao giờ.
- Chú hơn chị An Tư có nhiều tuổi không – Haibara cứ thắc mắc nên buột miệng trong khi chàng trai này kêu nàng cứ gọi An Tư là chị, trong khi gọi nàng là nhóc như đúng rồi.
- 11 tuổi. Nhóc hỏi để làm gì? Có phải trông ta quá trẻ không?– Nhật Duật cười tự đắc.
Nhẩm tính thì chàng trai này đã 25 tuổi, nhìn gương mặt trẻ con của anh ta, Haibara thấy thật khó tin. Vậy là anh ta thực sự hơn nàng 7 tuổi. Rồi nàng cũng chợt nhận ra từ nãy đến giờ nàng nói chuyện nhiều hơn bình thường, mọi ngày nàng kiệm lời, ít nói. Người này cũng thật biết gợi chuyện.
- Tại cháu phân vân không biết nên gọi chú là chú hay là bác? – Câu nói của Haibara làm Nhật Duật có cảm giác bị cả thùng nước lạnh dội vào đầu giữa mùa đông giá rét.

Con tuấn mã đi vòng vèo một hồi qua những con phố khiến Haibara phải thật chú ý để cố gắng nhớ đường, cuối cùng nó dừng lại trước một cửa của tòa dinh thự rộng lớn. Phủ đệ của Chiêu Văn vương tại kinh thành được lập gần cửa Đại Hưng. Đưa mắt nhìn tấm biển bằng gỗ bóng loáng với dòng chữ thiếp vàng thanh thoát như rồng bay phượng múa, Haibara không biết là chữ gì. Thì ra thời kỳ này, Việt Nam vẫn còn dùng Hán tự, sau mới đổi sang dùng chữ quốc ngữ với bảng chữ cái La tinh. Một người gác cổng nhanh nhẹn chạy ra cung kính vái chào Nhật Duật làm Haibara đoán được là người này ắt hẳn rất có vai vế. Sau đó người gác cổng dắt con ngựa cho chủ nhân. Còn Nhật Duật ung dung bước vào phủ. Haibara đi theo chàng. Tòa phủ này rộng lớn và đặc biệt thu hút người khác phải ngắm nhìn với màu xanh tươi ngút ngàn của cây cối. Thấp thoáng đằng sau những tán cây xanh mượt, những khóm tre ngà vàng óng, những khóm hoa khoe sắc rực rỡ là những lầu son gác tía nhấp nhô, ẩn hiện. Những hòn non bộ xinh đẹp, những dãy hành lang trải dài bằng gỗ quanh co uốn lượn, những tiểu đình sừng sững hiên ngang giữa mặt hồ ngát sen khiến Haibara mải miết ngắm nhìn. Một nhóm tỳ nữ đi tới mặc quần áo giống nhau, đều là áo tứ thân màu quan lục, tóc vấn đuôi gà. Họ trông thấy vị vương gia liền cúi chào:

- Bẩm, đức ông đã về.
Nhật Duật gật đầu mỉm cười đáp lại, rồi chàng chỉ vào Haibara bảo cô gái đứng đầu nhóm tỳ nữ bảo:
- Dương Đông [1], cô bé này là người của công chúa An Tư gửi tại phủ ta, cô hãy đưa cô bé đi tắm rửa, thay quần áo, sau đó gọi Lý đại phu đến để kiểm tra vết thương cho cô bé. Tiện thể sắp xếp cho cô bé một chỗ ở.
- Vâng lệnh đức ông, tiểu tỳ sẽ đi làm ngay. – Tỳ nữ tên Dương Đông lễ phép đáp.
Rồi chàng quay sang Haibara dặn dò:
- Nhóc cứ đi theo cô gái này, cô ấy sẽ lo việc ăn ở cho nhóc. Chuyện học tiếng thì phải đợi ta có thời gian. Nếu nhóc làm thư đồng cho ta thì sẽ tiện lợi hơn. Nhưng có điều phải xem nhóc có vượt qua thử thách của ta không đã. – Nói đến đây, trên bờ môi kiên nghị của Nhật Duật phảng phất nụ cười bí hiểm mà trong mắt Haibara nó khiến nàng thấy "khó chịu" y như khi nhìn thấy nụ cười nửa miệng tự mãn "khinh người" của Shinichi.
- Vâng, cháu biết rồi. – Nàng đáp.

Vì Nhật Duật hay đưa khách là người nước ngoài về phủ chơi nên đám tù nữ cũng đã ở trong phủ lâu năm không lấy làm ngạc nhiên mấy khi thấy vương gia và cô bé ăn mặc kỳ quái mình đầy vết thương này bằng một thứ tiếng họ không hiểu. Nhưng trong những vị khách Nhật Duật từng đưa về, đây là lần đầu tiên có một cô bé con như thế này. Tuy không biết quan hệ ra sao, nhưng vương gia đã nói đây là người của công chúa An Tư nên họ cũng không dám thất lễ hay tùy tiện đắp tội bởi đến ngay cả vị vương gia đầy uy quyền, cao cao tại thượng đang đứng trước mặt còn phải "nể" vị công chúa được Thái thượng hoàng và 5 vị vương gia khác cưng như cưng báu vật ấy huống chi các nàng chỉ là những tỳ nữ bé nhỏ.
Khi bóng dáng nhỏ bé của Haibara cùng Dương Đông khuất dần sau dãy hành lang, Nhật Duật gập chiếc quạt trúc đang phe phẩy lại, chàng bảo một nàng tỳ nữ khác:

- Minh Tri[2], bảo Ly Sơn[3] đến thư phòng của ta.
- Vâng, thưa đức ông.
Sau khi trịnh trọng gõ cửa, một người tráng sĩ vai hùm lưng gấu, dáng người vạm vỡ dày dạn sương gió đẩy cánh cửa gỗ trạm trổ hoa văn tinh xảo bước vào thư phòng của Nhật Duật khi nghe được tiếng đáp của chàng:
- Mời vào.
- Bẩm đức ông cho gọi thuộc hạ có việc gì giao phó ạ? – Ly Sơn chắp tay cung kính thưa
- Ta muốn nhờ ngươi điều tra giúp ta một chuyện – Nhật Duật không ngẩng lên, vẫn chăm chú thảo những nét trên tờ giấy trải rộng trên thư án. Từng nét mực tàu đen nhánh óng ánh dưới ánh nến lần lượt hiện ra, dần dần trên tờ giấy trắng tinh hiện lên là gương mặt của một cô bé chừng 7 tuổi với mái tóc ngắn ngang vai, người đó không ai khác chính là Haibara. Cẩn thận đặt chiếc bút lông còn ướt mực lên giá treo, Nhật Duật đợi cho nét mực khô rồi cuộn bức tranh lại đưa cho Ly Sơn.
- Người muốn thuộc hạ điều tra người này – Ly Sơn nhận lấy bức tranh từ tay Nhật Duật.
Đáp lại anh ta là một cái gật đầu nhẹ nhàng cùng gương mặt bình thản với đôi mắt yên tĩnh thâm thúy khó dò của vị vương gia.

.......................

Khi An Tư về đến cung cũng là lúc hoàng cung đã lên đèn, những dãy đèn lồng đung đưa theo gió làm cả hành lang rực sáng. Nàng trở về Tân Nguyệt điện. Hôm nay nàng xuất cung đi dâng hương ở chùa Diên Hựu một cách danh chính ngôn thuận, được sự cho phép của Thái Thượng hoàng chứ không phải lén trèo tường vượt rào như mọi khi vì vậy mới có cả một đoàn người hộ tống rình rang, cỗ xe ngựa sang trọng, bản thân nàng tuy không mặc cung trang nhưng cũng quần áo cũng thuộc loại sang trọng. Còn mỗi lần trốn khỏi cung nàng chỉ mặc đồ đơn giản như bao thiếu nữ thường dân khác với váy lĩnh đen, áo yếm màu cánh đào cũng áo cánh và áo tứ thân màu nâu, tóc vấn đuôi gà bằng khăn lượt đen, chân đi guốc mộc. Mọi lần chốn khỏi cung nàng thường chỉ mang theo "tứ hà". "Tứ Hà" là 4 thị nữ thân cận của nàng, cả 4 người họ đều là những người võ công cao cường. Cũng giống như Nhật Duật, trong khi chàng đặt tên cho gia đinh và tỳ nữ trong phủ mình dựa theo tên của tam thập lục kế trong binh pháp Tôn Tử, thì An Tư đặt tên cho 4 nàng thị nữ của mình theo tên những dòng sông mà tại nơi đó đã diễn ra những sự kiện lịch sử của dân tộc: Nàng thứ nhất và cũng là thủ lĩnh của "Tứ Hà" tên Bạch Đằng – Đây là nơi hai lần[4] các tiền bối mà nàng kính trọng và ngưỡng mộ đã đánh tan thủy quân hùng mạnh của Bắc quốc, lần thứ nhất là tiêu diệt quân Nam Hán vào năm 938 do Tiền Ngô Vương Ngô Quyền chỉ huy, lần thứ hai là chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất do vua Lê Đại Hành Lê Hoàn lãnh đạo, nàng thứ hai tên Như Nguyệt[5] – đây là nơi tướng quân Lý Thường Kiệt xây dựng phòng tuyến kháng chiến chống quân Tống Xâm lược lần thứ hai vào thời vua Lý Nhân Tông và nhiếp chính là Linh Nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan, nàng thứ ba tên là Lô Giang[6] – trên dòng sông này tại bến Đông Bộ Đầu, các bậc cha anh của An Tư đã oanh oanh liệt liệt chiến thắng quân Thát Đát xâm lược lần thứ nhất vào năm 1258, khi ấy An Tư nàng vẫn chưa chào đời, nàng cuối cùng tên là Hát Giang – đây là nơi hai vị nữ trung hào kiệt Trưng Trắc và Trưng Nhị mà dân gian thường gọi là hai Bà Trưng đã trẫm mình xuống để bảo toàn khí tiết. Bạch Đằng múa song kiếm, Như Nguyệt dùng trường côn, Lô Giang điêu luyện với roi thừng làm vũ khí, còn Hát Giang thành thục với đại đao. Hai nàng thị nữ hôm nay theo nàng ra ngoài là Lô Giang và Hát Giang.

Tân Nguyệt điện là cung của An Tư. Nơi này không rộng lớn và khá yên tĩnh. Trong cung cũng có ít tỳ nữ, thường thì chỉ có "Tứ Hà" kề cận bên cạnh nàng và một nhũ mẫu. Còn những nàng cung nữ khác chỉ đến dọn dẹp rồi lui bởi nàng không thích có quá nhiều người hầu hạ mình. Vừa về đến cửa cung, An Tư cùng Lô Giang và Hát Giang đã trông thấy bóng dáng quen thuộc của người nhũ mẫu đứng đợi ở trước cửa điện. Lục Thảo năm nay cũng tầm ngoài tam tuần, nàng đã chăm sóc cho An Tư từ nhỏ từ sau khi mẫu thân của An Tư qua đời vì bạo bệnh. An Tư và "Tứ Hà" thường gọi nàng bằng cái tên thân mật là dì Thảo.

- Công chúa, sao giờ này người mới về làm nhũ mẫu lo quá đi mất, cứ tưởng có chuyện gì.- Lục Thảo khẽ vuốt những sợi tóc mai bị gió làm cho lòa xòa của An Tư qua vành tai nàng
- Dì Thảo, đâu có trễ lắm đâu. – An Tư cười trừ trước sự quan tâm lo lắng của nhũ mẫu.
- Lô Giang, Hát Giang hai người đi chuẩn bị nước tắm và quần áo cho công chúa, còn Bạch Đằng và Như Nguyệt hai người xuống ngự thiện phòng kêu họ dọn thức ăn lên.- Lục Thảo lên tiếng nhắc nhở khi thấy bốn nàng cung nữ đang tíu tít kể chuyện cho nhau nghe như những chú chim non.
- Vâng, chúng con biết rồi thưa dì Thảo. – Bốn nàng đồng thanh đáp.
- Công chúa vào ngồi nghỉ đi, để nhũ mẫu đi pha trà cho người – Sau khi "xua" được bốn con vịt giời đi làm nhiệm vụ, Lục Thảo quay sang An Tư.
- Cảm ơn dì Thảo – An Tư mỉm cười tươi tắn rồi bước qua bậu cửa sơn son tiến vào trong tẩm cung.

Khi bóng dáng của người nhũ mẫu đã khuất, nụ cười trên môi nàng liền vụt tắt rồi sau đó bờ môi hồng lại nhếch lên, lần này là một nụ cười buồn phảng phất chua xót. Đôi mắt nàng thẫm dần mông lung nhìn ra những khóm hoa đủ màu sắc rực rỡ đang runh rinh múa hát theo nàng gió ngoài sân. Không thể trách người cũng không thể trách ta, bởi vì quê hương mỗi người chỉ có một.

...............................................
Nhạc nền:

Haibara trằn trọc lăn qua lăn lại trên chiếc giường tre mà mãi vẫn không ngủ được. Có lẽ do lạ giường lạ chiếu. Đến bây giờ nàng vẫn cảm giác những gì mình đang trải qua chỉ như một giấc mơ nhưng giấc mơ này cũng quá chân thực. Nàng ngồi dậy, xỏ đôi chân nhỏ bé vào đôi guốc mộc rồi đứng dậy mở cửa bước ra ngoài sân. Cái váy lĩnh đen dài, tà tứ thân tha thướt cùng dải lụa màu hoa hiên làm thắt lưng làm nàng chưa quen lắm. Bộ đồ của nàng đã rách chẳng thể mặc được nữa, vả lại nhập gia thì tùy tục, nàng cũng không muốn tự biến mình thành sinh vật lạ để cho người ta chú ý rồi nhòm ngó như xem thú trong vườn bách thảo. Vuốt nhẹ mái tóc bị gió đùa nghịch, hương nước gội đầu mà nàng cung nữ tên Dương Đông gội cho nàng vẫn còn vương trên từng sợi tóc. Thời này tất nhiên chưa có dầu gội đầu. Họ dùng bồ kết nướng cùng hương nhu, lá sả, vỏ bưởi phơi khô để đun nước gội đầu. Thứ nước gội đầu từ thảo mộc có màu vàng sóng sánh và tỏa ra hương thơm khiến người ta thư thái dễ chịu lại giúp tóc mềm mượt đen bóng. Haibara thích cái hương thơm này.

Như một thói quen nàng dựa lưng vào cây cột gỗ trước cửa phòng, hai tay khoanh trước ngực, đưa mắt nhìn xa xăm. Trời về đêm yên tĩnh như tờ, vạn vật chìm trong giấc ngủ chỉ có nàng là còn thao thức. Nàng thấy những người trong phủ đi ngủ từ rất sớm. Mà cũng phải ở đây chẳng có phương tiện giải trí gì cả, không đi ngủ sớm cũng chẳng biết làm gì, không ti vi, không máy tính, không internet. Tối muộn chắc quán xá ngoài đường cũng đóng cửa hết chứ không như thế giới hiện đại sống cuộc sống không có ban đêm. Nghĩ đến hoàn cảnh của mình, hiện tại nàng cũng đã có chỗ dung thân, tương lai chưa biết ra sao nhưng trước mắt thì cũng khá tốt. Cái ăn cái mặc chỗ ở phải được giải quyết thì mới có thể nghĩ đến cái khác. Như lời Chiêu Văn đã hứa, khi có thể sẽ đưa nàng đến Phù Tang. Rồi nàng cũng phải tìm cách để trở về thế kỷ 21. Trở về??? Ở đây nàng không có nhà, không người thân, nàng cô đơn nhưng trở về nàng cũng thế. Ở đây ít ra nàng sẽ không phải sống trong nơm nớp lo sợ một ngày nào đó mình sẽ bị tổ chức phát hiện và truy lùng ra, một ngày nào đó những người đã cưu mang giúp đỡ nàng, những người mà nàng yêu quý và trân trọng sẽ vì nàng mà bị liên lụy. Ở đây không có tổ chức áo đen, không có Sherry. Nhưng nếu có cơ hội mà không trở về thì có khác gì chạy trốn. Nàng vốn không thuộc về nơi này, mà cũng phải trước giờ chẳng có nơi nào để nàng có thể thuộc về. Nhưng đây là quá khứ, nàng dù vô tình hay cố ý cũng đã lội ngược dòng thời gian. Hơn ai hết nàng hiểu những kẻ chống lại dòng thời gian sẽ bị trừng phạt. Nàng phải trở về để còn điều chế thuốc giải. Nàng có thể mang hình dáng trẻ con suốt đời cũng không sao nhưng cậu ta thì không. Nàng nợ cậu ta, đã nợ thì phải trả. Không biết giờ này đám nhóc thám tử nhí sao rồi, chắc bác Agasa cùng tên thám tử bốn mắt đó đã gọi người đến xuống vực cứu hộ.

Những cơn gió mát rượi đem theo hương hoa lan mơn man da thịt Haibara khiến nàng dù cảm thấy hơi lành lạnh nhưng cũng thật dễ chịu. Đúng là 700 năm trước có khác, môi trường chưa bị tàn phá nặng nề như hiện đại nên không khí thật trong lành, khí hậu không biết là do đặc thù của vùng đất này hay do trái đất chưa bị nóng lên bởi hiệu ứng nhà kính mà dù đang là mùa hè cũng thật mát mẻ. Mà khoan, theo như lời Chiêu Văn nói thì nàng đã lạc về năm 1280, trong trí nhớ và dựa vào kiến thức lịch sử của nàng thì thời gian này tại Nhật Bản là thời mạc phủ Kamakura dưới sự trị vì của dòng họ Hojo, năm 1281 đế quốc Mông Cổ bấy giờ là Đại Nguyên đã đem 15 vạn quân vượt biển sang xâm lược Nhật Bản lần thứ hai. Nếu nàng đến Nhật Bản ngay bây giờ thì sẽ vướng vào nạn binh đao. Vào giai đoạn này, khắp lục địa Á-Âu đều bị vó ngựa quân Mông Cổ bành trướng, vậy thì đất nước Đại Việt có biên giới giáp ranh Đại Nguyên này e rằng cũng khó tránh khỏi sự nhòm ngó của quân Mông Cổ. Nhưng chiến tranh xảy ra ở Nhật Bản vào năm nào nàng có thể nắm rõ thậm chí cả diễn biến còn ở mảnh đất nàng đang đứng đây thì chịu. Nàng chỉ biết năm 1283 vua của Đại Nguyên là Hốt Tất Liệt muốn đem quân viễn chinh xâm lược Nhật Bản lần thứ ba để phục thù cho hai lần thất bại trước nhưng do yếu tố khách quan là những sự kiện diễn ra tại Việt Nam vào giai đoạn đó đã giúp Nhật Bản thoát được cuộc xâm lược mới của quân Mông-Nguyên. Hiện tại, nàng thấy Đại Việt vẫn đang hưởng thái bình nhưng sắp tới thì sao. Nàng đã bị lạc về đoạn thời gian đầy binh đao khói lửa rồi. Nếu không tìm được cách về thế kỷ 21 ngay, có lẽ nàng sẽ lưu lại tại Đại Việt cho đến khi chiến tranh ở Nhật kết thúc rồi mới lên đường sang đó.
Đồng hồ bác Agasa cho nàng vẫn đeo ở tay nhưng xem giờ ở đây không khớp với nơi này, chẳng biết bây giờ là mấy giờ, đã khuya lắm chưa. Nàng cũng nên đi ngủ sớm, người ở đây ngủ sớm chắc cũng dậy sớm, mà nàng thì thuộc dạng thức đêm ngủ ngày nên theo như lời Conan thì nàng lúc nào mắt cũng lờ đờ và miệng cũng ngáp. Nàng đang ăn nhờ ở đậu vì vậy trong khi người ta dậy sớm thì mình cũng không thể nằm ườn ra đến trưa được. Nghĩ vậy, Haibara đóng cửa về phòng. Hương hoa cau thoang thoảng nơi chiếc gối dần dần đưa nàng vào giấc ngủ. Một giấc ngủ không có ác mộng bởi nơi này không có tổ chức áo đen.

Nàng chẳng thề ngờ hai người hôm nay mình gặp, một người là vị công chúa với sự hi sinh thầm lặng và cao cả đã đang và sẽ để lại trong lòng những thế hệ mai sau của Việt Nam niềm kính trọng và thương xót vô bờ và cho đến giờ cuộc đời của nàng công chúa "hồng nhan bạc mệnh" ấy vẫn còn là một bí ẩn lớn với các nhà sử học, một người là ông hoàng nổi tiếng tài hoa của thời Trần đồng thời cũng là một trong những vi tướng quân kiệt xuất được lưu danh thiên cổ trên những trang sử vàng chói lọi của Việt Nam.

Chú thích:

[1], [2], [3]: Nhật Duật đặt tên cho gia đinh và tỳ nữ trong phủ mình theo tên của 36 kế trong binh pháp tôn tử. Dương Đông trong dương đông kích tây, Minh Tri trong minh tri cố muội (nghĩa là biết rõ nhưng cố tình làm như không biết), Ly Sơn trong điệu hổ ly sơn.
[4]: Quân ta 3 lần chiến thắng đánh bại quân xâm lược trên sông Bạch Đằng, lần thứ ba là trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên lần thứ ba, trong khi tại thời điểm câu chuyện này xảy thì chưa có chiến thắng đó ra tức trước cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên lần thứ hai 5 năm. Nên An Tư đặt tên chỉ dựa trên hai lần chiến thắng đó.
[5] Sông Như Nguyệt là sông Cầu ngày này

[6] Sông Lô là sông Hồng ngày nay.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro