Mở đầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gấp tập tám bộ Thần Điêu Đại Hiệp của Kim Dung lại, Ngô Kỷ lại thở dài. Anh đã đọc không biết bao nhiêu lần những bộ truyện kiếm hiệp ấy, mỗi lần đọc xong là mỗi lần anh thở dài như vậy. Chẳng biết khi nào mình mới có thể đi khắp nơi, giúp đỡ người khác như mấy đại hiệp trong truyện, Ngô Kỷ luôn tự hỏi như vậy. Anh luôn buồn bực rằng mình không được sinh ra một ngàn năm trước, khi mà ở thời cổ đại, anh có thể học võ nghệ rồi chu du thiên hạ, hành hiệp cứ thế. Nhưng buồn bực cũng chỉ có thể buồn bực mà thôi, bởi Kỷ biết những suy nghĩ đó cực kì trẻ con, nói ra cho người khác thì người ta cười vào mặt. Vả lại, "giang hồ" trong truyện ở đâu ra cho anh mà chu du?

Đặt cuốn sách lên cái giá sách mà ba anh đã đóng cho anh khi ông còn sống, bụng Kỷ kêu gào lên một tiếng. Đã chạng vạng tối mà anh chưa ăn gì kể từ ổ bánh mì buổi sáng. Kỷ mệt nhọc bước khỏi căn nhà hai tầng cũ kĩ nằm trong cuối con hẻm nhỏ. Căn nhà này là khi ba mẹ anh khi vô Nam, làm lụng để tiền mà mua lại của một ông già. Con cái ông đã bỏ đi hết, nên ông muốn bán căn nhà này đi, kiếm chút tiền vào viện dưỡng lão mà an hưởng tuổi già. Thấy ba mẹ Kỷ thật thà, chất phác, lại siêng làm, ông cũng chỉ còn một mình, có nhiều tiền để mà làm gì? Do đó ông chỉ bán lại với số tiền đủ phần dự tính cho quãng đời còn lại của ông trong viện dưỡng lão mà thôi. Nhà nằm ở quận 5 Sài thành, nơi mà tập trung khá nhiều người Hoa sinh sống. Nhưng bán kính vài trăm mét quanh căn nhà này lại chẳng có dấu hiệu nào liên quan đến người Hoa cả. Trừ một người: Ba của Kỷ.

Thường ngày Kỷ sẽ tự nấu cơm ở nhà mà ăn bởi anh đã học được một ít kỹ năng từ người mẹ tuyệt vời của mình. Hôm nay, vì ráng đọc xong bộ sách đã đọc không dưới năm lần, Kỷ chẳng còn thời gian mà đi chợ nên ra ngoài ăn. Dạo một vòng quanh khu phố, Kỷ chẳng thấy quán ăn nào mà hấp dẫn anh vào. Chắc Kỷ đã ngán ngẩm những món ăn đấy rồi. Đôi chân Kỷ cứ tiếp tục bước trong khi bụng anh cứ sôi sùng sục. Chẳng mấy chốc Kỷ ra đi ra đến đường lớn, nhìn thấy xe cộ chen chúc nhau, ánh đèn đa sắc chiếu sáng khắp mặt đất, Kỷ có chút khó chịu. Anh chưa bao giờ thích sự đông đúc. Cả ánh sáng đèn điện nữa. Kỷ định bụng sẽ bước vô lại những con hẻm nhỏ kia, chọn đại một quán mà ngồi lại ăn. Bỗng một hàng chữ trên hộp đèn phía bên đường đối diện thu hút sự chú ý của anh: Bún Chả Hồ Gươm. Quán này mới mở à? Sao mình chưa bao giờ để ý thấy. Kỷ nhớ trên mạng đang xôn xao tâng bốc món bún chả mà ngài Obama ăn. Cũng thú vị đấy, Kỷ nhủ.

Kỷ chưa ăn món bún chả bao giờ, mặc dù rõ ràng mẹ Kỷ nói rặc giọng miền Bắc (chắc hẳn mẹ anh cũng đã ăn rồi chứ?). Quán ăn này sạch sẽ, phòng ngồi có máy lạnh, có ti vi ở hai góc nhà. Chỉ có điều nó quá sáng và chói. Dù sao chỉ ngồi ăn một lát thôi mà, xong rồi mình sẽ ra về nhanh thôi. Kỷ ngồi vào, gọi một phần. Trước khi tô chả và tô bún được đưa lên, Kỷ nhanh nhảu nhìn quanh xem người ta ăn như thế nào. Quán cũng có lai rai vài người khách nên nhìn qua một lần là anh biết cách ăn.

Nơi Kỷ ngồi đối diện một cái ti vi bên góc trái quán, có vẻ như đang chiếu phóng sự về một làng dân tộc thiểu số ở miền cực Bắc đất nước. Chả mới nướng nóng hổi, dù bỏ vào tô mắm nhưng vẫn bốc khói dày đặc như che hết tầm nhìn của Kỷ, khiến anh chỉ có thể cắm cúi mà ăn. Miếng bún đầu tiên vào đã dứt hẳn cơn gào thét của bụng. Hmm, khá ngon đấy! Kỷ luôn có niềm tin bất diệt vào câu nói "trời đánh còn tránh bữa ăn", nên anh hầu như lơ hết mọi thứ đang xảy ra sang một bên, chỉ lẳng lặng dứt điểm món bún chả tuyệt hảo này.

Tiếng âm nhạc từ ti vi phát ra. Giai điệu du dương, lúc trầm lúc bổng. Đó là tiếng đàn bầu. Tiếng đàn khi lên cao thì như chạm đến bầu trời, hòa nhịp cung những cánh chim dập dìu, như có màu sắc, lan tỏa theo những cơn gió mùa thu se lạnh; khi âm vực hạ xuống thì lại đột ngột nhưng không thô, âm thanh như nhảy nhót từ cành cây này sang nhánh lá kia, rồi là là sắt mặt đất. Dường như cả quán ăn chẳng ai quan tâm đến sự đẹp đẽ của âm thanh ấy. Con người hiện đại ngày nay chẳng để ý đến âm nhạc dân tộc mấy cơ mà! Mọi người trong quán đều ai làm việc nấy, duy chỉ một người bị kéo khỏi bữa ăn để ngước lên nhìn ti vi. Đó là Kỷ!

Kỷ đang ăn lấy ăn để phần bún chả của mình. Tiếng đàn vang lên. Ban đầu Kỷ chẳng để ý cho lắm. Anh cảm giác quen quen, chắc là bản nhạc pop nào đó được chuyển thể sang nhạc cụ dân tộc. Đến khi đoạn nhạc lên đến cao trao, Kỷ thấy không đúng lắm: chẳng có bài nhạc pop nào như thế cả! Ngước mắt lên tìm nguồn phát nhạc, Kỷ sững sờ quên cả nhai. Trên ti vi đang chiếu cảnh một thiếu nữ người dân tộc thiểu số dựa theo tiếng đàn mà múa. Điệu múa vô cùng uyển chuyển, những lần dừng lại, những cái phất tay, uốn người, cong eo đều thật khớp với tiếng nhạc. Khi tiếng đàn dồn dập, thiếu nữ đẩy nhanh tốc độ của động tác múa, nàng xoay người như thể đang ở giữa trường âm thanh mà vẫy vùng, có thể bay lên tầng không bất kì lúc nào; khi nhịp đàn chậm lại, nàng giang rộng hai cánh tay ngọc ngà rồi nhẹ nhàng thu lại như ôn trọn cả trời đất vào lòng. Ngô Kỷ nhìn vào màn hình đến thẫn thờ, bất giác một giọt nước mắt từ khóe mắt trái rơi ra. Rồi mắt phải một giọt. Rồi nước mắt thi nhau mà chảy ra. Đoạn nhạc này, điệu múa này. Thân thuộc lắm!

Ngô Kỷ - cái tên này là do mẹ đặt cho anh. Ngô dĩ nhiên là họ của bố anh – Ngô Chu Thành. Còn Kỷ chính là năm mà bố mẹ anh gặp nhau: năm Kỷ Mùi 1979. Mẹ anh kể năm ấy khi gặp nhau, hai người đều chưa hai mươi tuổi. Sau đó, cả hai lưu lạc từ Bắc đến Nam chẵn mười lăm năm, vừa lúc sắp sinh Kỷ, mà cũng vừa lúc đặt chân đến đất Sài Gòn. Ba anh là người Trung Quốc chính gốc. Chỉ có thể. Những gì anh biết về ba mẹ ngày trước chỉ có thể. Không một tin tức nào về ông bà, về họ hàng. Khi còn bé, Kỷ vẫn thường thấy ba lấy cây đàn bầu trong tủ kính ra gảy lên một giai điệu tuyệt đẹp, còn mẹ anh thì thuận theo tiếng đàn mà biểu diễn ra một vũ điệu động lòng người. Khi đủ lớn, Kỷ năn nỉ ba dạy cách gãy đàn, lại năn nỉ mẹ dạy cho điệu múa kia. Đã bốn năm rồi, từ khi ông Thành đổ bệnh đến giờ, hai mẹ con đã không động vào cây đàn cùng điệu múa ấy. Cho đến cách đây một năm, ông Thành qua đời, mẹ Kỷ cũng đi theo ông nửa năm sau đó. Nỗi đau buồn dường như đã che lấp đi kí ức về giai điệu cùng vũ điệu của Kỷ.

Hôm nay, Kỷ lại được nghe, được nhìn thấy chúng! Là "Hạ Huyền Tiên Nữ"!    

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro