Người dạy gió giao âm thơ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi lẳng lặng đi lên tầng, khẽ khàng và cố để chân chỉ chạm nhẹ lên cầu thang. Nhà tôi đã đi ngủ hết, chỉ còn tôi học cuối cấp nên phải thức khuya học bài, vừa cực vừa mệt nhưng vì đỗ đại học nên phải cố. Nghĩ thế bất giác lòng tôi chững lại, tôi nghĩ vẩn vơ mấy thứ khi ngồi đọc sách, phải chăng tôi giỏi như chị gái hay anh trai. Một người buôn những giấc mơ trong khi người còn lại được nghiên cứu về trăng và sao, về những khoa học lẫn giữa điều mầu nhiệm. Nhưng trời cho một chứ không cho hai, nhà tôi đã có anh chị được tài nên tôi khi sinh ra đã phải chịu phần thiệt. Tuy cha mẹ không nói ra nhưng tôi cũng hiểu họ thất vọng thế nào khi sinh ra được hai đứa con giỏi giang lại thừa ra một đứa như tôi.

Giá tôi biết nhìn trăng đoán mây, nhìn sao đoán số hay thu giấc mơ của người này rồi bán cho người kia có phải tốt không.

Gió chợt nổi cơn giận và mưa bắt đầu hiện. Không phải mưa rào, chỉ tí tách tí tách từng tí một như cách mẹ tôi hay ví von, "cà phê phin". Mùi sách cũ thơm quá, hơn cả mùi giấy mới. Cái mùi như một thứ đồ xưa cũ, mà tôi thì hay mơ mộng. Lúc nghĩ thế này, khi thì nghĩ thế kia. Và rồi tôi lại nghĩ đến chuyện trước mặt, cái chuyện thi đại học và chuyện tôi khiến nhà mình khổ tâm. Chị tôi đỗ trường Bụi Sao, anh tôi đỗ trường Giọt Trăng, phải chi tôi đỗ trường Biển Gió nhỉ? Mà tôi đâu có được thi khối ấy, tôi có tài cán gì đâu.

Như người ta nói ấy: Mày chỉ có nước ở nhà lấy chồng chứ trông chờ gì.

Tôi thấy vài hạt mưa bay lất phất trên trang sách đã ố vàng. Một tập thơ cũ của bà tôi. Bà yêu văn chương, mê mệt tài thi ca của ông nội nên gật đầu chịu cưới ông. Và tôi cũng mê văn chương nên gật đầu chịu gửi hồn theo gió, theo mây.

Chợt, tôi nghe tiếng. Tiếng gì như tiếng thì thầm, mà tôi không thấy sợ. Tôi thấy nhớ, thấy thương. Ấy tiếng thơ gửi trong gió. Bà tôi tài lắm, bà nuôi gió như nuôi con nuôi cái trong nhà, bà đọc thơ, kể chuyện và dạy chúng như một người mẹ tài ba. Gió là người và thơ là tình cảm. Bà dạy tôi yêu văn chương bao nhiêu thì không thiếu một phần cho gió.

Ngày nhỏ tôi theo bà để bố mẹ đi thành phố làm ăn. Anh chị cứng cáp lại đến tuổi ăn học nên đi cùng bố mẹ còn tôi thì khi ấy tóc mới nảy mầm nên đành ở nhà nghe bà ầu ơ. Lúc ấy tôi được bà cho nghe tiếng gió thì thầm, nghe Kiều của Nguyễn Du, nghe Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm và nghe chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa. Nhưng lâu rồi tôi không về thăm bà, gió không rời xa bà nên tiếng gió tôi cứ ngỡ mình quên.

Mà có lẽ tôi đang mơ, mơ một giấc chiêm bao tôi cũng giỏi như bao người. Cũng biết ngắm trăng, ngắm sao, cũng biết trêu mây ghẹo gió, thi vị và tài tình lắm. Mà sao giọng gió như giọng con nít mới học nói, học đọc, ngọng líu ngọng lơ, như giọng tôi ngày bé đọc theo bà. Một mối tơ vò tôi quấn chặt bay lâu nay theo gió thổi mãi thổi mãi chỉ còn vỏn vẹn một sợi mỏng cho tôi buộc gió lại.

Tôi thấy mùi ngai ngái của đất, cái mùi ấy như mùi hay quấn quít bên đám gió của bà tôi, cái mùi đất sau mưa, sũng nước của ông nội. Tôi lại nhớ cái giọng khàn khàn, nghe mà như giọng tài tử hát cải lương của ông. Cái giọng đọc thơ làm mủi lòng bao cô gái Hà Thành khi xưa. Và cũng chính giọng nói ấy khen tôi có tài, ông bảo thấy mùi đất của ông là hiếm có chứ không phải ai cũng làm được. Còn tôi thì tôi chỉ biết mùi đất nâu sũng nước ấy quấn quít đám gió anh, gió em, gió chị của bà lắm.

À, thế là tôi đang mơ thật rồi. Vừa nãy tôi còn đang nghĩ biết đâu đây là thực và đứa như tôi cũng biết làm phép này, phép nọ, cũng có tài như mọi người. Thế là tôi lại nằm xuống bàn học, ngửi mùi sách cũ, mùi đất mưa và mùi của thứ gì đấy tôi không thể gọi thành lời. Chẳng hiểu sao mưa cứ làm ướt những trang sách và ướt cả gò má tôi.

Suốt cả đêm tôi cứ lúc tỉnh lúc mơ, lúc thấy tiếng gió reo, ngâm thơ, cười khe khẽ, thấy mùi đất và ngửi được mùi ngai ngái. Tôi muốn bay theo gió theo mây, muốn gửi hồn vào thi ca như ông bà tôi, mà để làm được vậy thì tôi phải có tài. Tự nhiên tôi thấy tủi, sao anh chị tôi có tài lại không thích văn chương mà tôi yêu văn chương như yêu thứ quà bánh quý giá lại không có. Tự nhiên tôi thấy giận ông bà, cái giận lây mà đáng nhẽ không nên có. Ông bà nói người nào yêu văn chương cũng là người có tài, tôi cũng yêu mà không chắp cánh bay được là do tình yêu ấy chưa đủ lớn. Thế mà tôi lại giận ông bà.

Nhưng nếu bảo tôi chỉ yêu văn chương là chưa đủ, tôi thương nó như cách chị tôi nâng niu những giấc mơ non nớt mới ra đời, một đứa trẻ sinh non thiếu tháng; và như cách anh tôi nuốt từng lời trắng sao nhắn nhủ. Tôi thấy một cái mát mà ấm áp đến lạ, nó mơn man da thịt tôi như cái cách cơn gió của bà quạt cho tôi ngày hè mất điện và cái ấm nó đến từ bên trong da thịt. Ngực tôi quặn thắt lại, nó đang xôn xao một nỗi niềm lạ, tôi chỉ biết mình vui lắm, vui tới nỗi chẳng biết gì ngoài khoé miệng cứ giương lên không hạ xuống được.

Phải tôi có tài hay không? Phải gió thương nên gió đến bầu bạn với tôi hay không? Và phải tôi đâu có nằm mơ đâu? Ấy là thật rồi.

Trời lúc tờ mờ sáng chưa rực lên ánh vàng cam óng ánh, nó hơi ửng hồng sắc ban mai, không trọn vẹn, tròn trịa nhưng đẹp lắm. Vì tôi vui nên cả những điều ngày thường không để tâm đến cũng đẹp lạ. Ngay cả cái nhức mỏi của cổ, cái mệt rã rời của người ngợm như cũng bị gió thôi đi xa. Thế là tôi có tài, cái tài gió giao âm thơ. Tôi cứ thế nhìn "gió em" chỉ bé bằng bàn tay và chút sắc sẫm màu của mùi đất không chớp mắt, tôi sợ mình nhắm mắt thì thì phải tỉnh khỏi cơn mơ này.

Nhưng dù có chớp mắt lại, tại mắt tôi khô quá, thì gió vẫn ở đấy, vẫn trong lòng bàn tay tôi một "gió em". Bé xíu và chẳng là gì so với bà tôi, nhưng đấy là cái tài của tôi. Thế là tôi cũng giỏi như anh chị mình. Nhưng thú thực, tôi sẽ cất gió đi chờ tới khi em lớn, tôi muốn nói với ông bà đầu tiên, về việc ông bà đúng.

Tôi có tài.

Tôi nén tiếng cười chỉ trong cổ họng, gió bé xíu thế này không là gì trong mắt bố mẹ tôi, tôi không muốn họ biết. Tôi sợ nghe bố mẹ nói xong tài của tôi lại mất, tôi sợ gió sẽ bỏ tôi đi mất. Vì nghe bảo cái tài mới nhú mà không được chăm sẽ mất đi. Và cái tài không được biết sẽ chỉ còn nắm tro tàn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro