Thành Quỳ Tử - Hồi 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Trăm sông lại cách trăm núi.
Cách cả một biển cát vàng.
Về nơi trùng xa phương Đông.
Nơi xa ta gọi cố hương."

- Cách cả trăm ngọn núi, trăm con sông. Phía đằng đông xa xôi kia là cố hương của người Kalista ta. Silas, con nghe cho kĩ lời thầy bảo. Dẫu có mấy đời mấy kiếp, dẫu muôn trùng cách trở, người Kalista ta phải trở về cội nguồn. Thầy cũng như nhiều người Kalista khác đã dành cả đời cả kiếp ở chốn Đá Hoang này. Nhưng lòng thầy và họ thì chưa bao giờ nguôi đi nỗi nhớ quê.

Silas vẫn luôn nhớ từng câu từng chữ những lời thầy Abligur kể về quê hương của người Kalista, trong đó có anh. Đấy là vùng đất Silas mới chỉ nghe qua thầy mình và các bậc bô lão trong tộc kể lại, và không chỉ Silas mà nhiều những đứa khác sinh sau đẻ muộn cũng chưa bao giờ được tận mắt chứng thức hết những điều diệu kì về cố hương xem chúng có thật như lời kể lại hay không. Bởi các bô lão là những người cuối cùng của tộc Kalista được thấy quê hương trước khi bị đày đến vùng Đá Hoang này.

Trong lời truyền lại sử cũ của tộc cho lớp trẻ có nói: Người Kalista xưa có nguồn gốc từ vùng đất tên Lanspre trong thần thoại Cát Vàng xứ Lũng Lạch. Nhưng người Kalista hay tự gọi Lanspre bằng cái tên bình dị hơn là Đá Ong. Họ không sống thành những ngôi làng nhỏ thiếu an toàn như những tộc loài vùng Đá Hoang. Người Kalista vùng Đá Ong sống trong một cái thành, và cái thành đó họ gọi là thành Quỳ Tử. Đấy là một món quà quý giá của thần thánh tặng cho người Kalista, thần linh luôn yêu mến những môn đồ mộ đạo của người. Ấy vậy mà vào một ngày nọ ở thành Quỳ Tử, tổ tiên của người Kalista bị đày đến vùng Đá Hoang. Họ đã quen sống những tháng ngày dưới sự che chở của thần thánh, thiên nhiên bốn mùa ôn hoà, lương thực và mọi thứ đủ đầy nên khi đến Thung Rãnh Sâu của vùng Đá Hoang, những người Kalista xưa đã gần như biến mất. Chỉ còn số nhỏ thoát khỏi bệnh tất, cái đói, cái khát để sống sót. Và chẳng hiểu vì lẽ gì mà những người Kalista bị đày đến vùng này là người già và trẻ nhỏ.

- Anh Silas, trời sắp trở gió, mình về lại lều thôi anh. Ta còn phải soạn đồ để đi tiếp nữa.

Lấp ló sau một cái lều với những mảnh vá tím lịm và xanh rêu, một cô gái với làn da bánh mật hơi ló mặt ra. Ở cô có cái gì đó khiến người ta khó lòng dời mắt và nụ cười của cô như một thứ kẹo bánh ngọt ngào.

Silas thu lại đồ vào túi nhỏ đi về phía cô gái và trái với vẻ ngoài có phần nhỏ bé, bên trong chiếc lều như một khu nhà nhỏ với một sảnh lớn ở giữa và những phòng nhỏ xung quanh. Silas đặt túi xuống tấm thảm dệt giữa sàn và tham gia vào cuộc nói chuyện với những người trong nhóm. Có khoảng bảy người cùng đi chuyến này với anh, trừ một thánh sứ đồ đang ở trong phòng nghỉ thì sáu người còn lại bao gồm hộ vệ của thánh sứ đồ kia đều có mặt trong sảnh chính.

Kể từ khi bắt đầu chuyến đi đến nay đã được ba tháng, mọi người đã dần bắt nhịp với việc di chuyển nhanh và nhiều như bây giờ. Vấn đề sức khỏe cũng dần tốt hơn khi thầy thuốc của nhóm đã được trau dồi kiến thức, kinh nghiệm lẫn các thảo dược được đổi lấy từ các vùng đất mà họ đã đi qua. Nhưng lương thực thì lại đang cạn kiệt, có lẽ họ nên tìm một thị trấn để mua thêm hoặc trao đổi cũng như trong mấy ngày trong rừng này phải săn thêm thú và làm thành đồ khô.

Mải miết với những suy nghĩ của mình nên Silas không kịp để ý đến cuộc trò chuyện đã dần chuyển sang mình. Chỉ đến khi anh nghe họ nói về thầy Abligur và thánh sứ đồ Aiselle thì mới để tâm đến. Có vẻ như họ đang bàn về những nơi đã đi qua, một vài người trong nhóm còn tìm thấy nơi sống của bộ tộc bên ngoại hay bên nội mình. Phần lớn người Kalista đã mất do không thích nghi được với vùng Đá Hoang nhưng những người thích nghi được đã kết hôn với các tộc loài khác trong vùng.

Nói không ngoa thì tộc Kalista là tộc có vẻ ngoài cực kì ưa nhìn và khác xa so với những tộc khác vùng Đá Hoang. Đấy cũng là một thứ càng khiến con cháu trong tộc chắc chắn về nguồn gốc của mình. Họ có làn da trắng nhợt vẻ bệnh tật, tóc thường có màu xám bạc, đôi khi là bạc trắng và mắt thì có màu tím kì dị. Những kẻ giàu có hay quý tộc vùng này ngày xưa đã có thời trả giá cao chỉ để mua hay bắt một kẻ thuộc tộc Kalista. Nhưng có lẽ do thần linh vẫn còn yêu mến dù họ bị đày ra khỏi đất thánh, những sống sót không chỉ thích nghi được với khí hậu mà còn sở hữu sức mạnh phi thường không hề thua kém những chiến binh mạnh mẽ nhất. Đám nhà giàu và quý tộc bị gõ tỉnh một phen bèn dừng lại việc mua bán và bắt cóc nhưng ngầm vẫn thuê người với gia cao hòng bắt về một người Kalista cho bằng được.

Lại nói đến người Kalista ở vùng Đá Ong, họ không tự gọi mình là người Kalista và tên Kalista cũng không phải là tên của tộc người này. Họ tự cho mình là môn đồ, là người hầu cận của thần thánh. Còn từ Kalista trong tiếng của người thành Quỳ Tử là hối lỗi, người Kalista hi vọng thần linh và người thân ở cố hương sẽ tha thứ cho lỗi lầm của họ. Trong kinh xám hối của người Kalista có viết về nguyên nhân của việc họ bị đưa đến chốn khỉ ho cò gáy này như sau: Trong ngày cúng Hiển Linh đầu năm, tổ tiên của người Kalista được giao nhiệm vụ chuẩn bị đồ cúng tế bao gồm thức ăn và rượu bạc hà cho các thần dùng bữa, nhưng không may là có kẻ đã hạ độc vào đồ ăn. Một vị thần đã chết, các vị thần nổi cơn thịnh nộ nên đã đày tổ tiên người Kalista đến vùng biên giới. Dẫu xa quê hương nhưng người Kalista vẫn cảm kích và biết ơn thần linh khi đã cho họ cơ hội sống sót.

Người Kalista từ khi dời khỏi thành Quỳ Tử thì trên người bắt đầu xuất hiện các vết bớt lạ. Ngay cả khi họ kết hôn với những chiến binh tộc Sluga dũng mãnh thiện chiến, những vũ công quyến rũ người Philor hay những thủy thủ miền biển Gương cũng không mất đi vết bớt trên người. Với người Kalista, vết bớt như biểu tượng cho tộc người và là minh chứng cho việc vùng Cát Vàng tồn tại.

Nhiều năm trời người Kalista mãi không tìm được phương hướng đến thành Quỳ Tử, những tưởng sắp mất đi hi vọng khi bô lão cuối cùng của tộc ra đi. Vậy mà không, các thế hệ sau của tộc Kalista dần xuất hiện sứ đồ của thần linh. Một trong đó đã trở thành thánh sứ đồ khi có thể tiên tri được vị trí chính xác của thành Quỳ Tử chứ không chỉ là vùng Đá Ong. Thánh sứ đồ này là một người bạn cũ những ngày Silas còn cùng thầy Abligur ở trong đất của tộc. Đấy là Aiselle - đứa con lai giữa tộc Kalista với một nhóm người nhỏ phụng sự thần linh, không giống người Kalista thờ hết các thần, nhóm người nhỏ kia chỉ thờ nữ thần Valerie và nam thần Clitus. Hai vị thần đại diện cho chân lí và sự thật.

Aiselle có khả năng tiên tri cũng như biết được khi nào người ta nói dối cô. Vậy nên hầu hết các thành viên trong nhóm đều tránh né Aiselle. Điều này khiến Silas gặp khá nhiều rắc rối lúc ban đầu dẫn nhóm. Kể cũng lạ, tộc trưởng không để Aiselle hay hộ vệ của cô nàng làm trưởng nhóm mà lại giao việc đó cho Silas - kẻ nhiều năm lang bạt bên ngoài tộc địa. Mà cũng có lẽ là do điều này nên vị trí này mới phù hợp với anh, chuyến đi xa và trải qua nhiều vùng đất. Kinh nghiệm Silas có trong quá khứ sẽ giúp cả nhóm không chết rũ xương hay lạc giữa đường.

- Anh Silas, còn bao lâu nữa thì chúng ta sẽ tới vùng Đá Ong?

Olwen là con lai của ba tộc người, mẹ cô là người Sluga và Kalista trong khi ba cô là người Philor chính gốc. Vậy nên Olwen sở hữu vẻ ngoài vừa mang thân hình quyến rũ với độ mềm dẻo cao của vũ công Philor lại vừa có nét khoẻ khoắn của chiến binh người Sluga, đương nhiên không thể thiếu vết bớt như là biểu tượng của người Kalista ở cần cổ. Nó có màu đen và có hình kì quái như một ngọn lửa, tuy vậy chưa bao giờ vết bớt khiến người Kalista xấu hổ. Đấy là biểu tượng của sự tha thứ và vết bớt như có phép màu của thần linh. Nó đem lại sức hút kì dị và vẻ đẹp bất thường cho những ai để mắt tới.

- Nếu như Aiselle nói không sai thì qua vùng đất này là tới. Chỉ có điều thành Quỳ Tử là khăn Salim của thần linh, tổ tiên ta đã phạm sai nên anh nghĩ các ngài sẽ thử thách và giấu thành đi khỏi ta.

Olwen bĩu môi, trái với vẻ ngoài của một người con gái trưởng thành, cô gái này mới chỉ có mười sáu tuổi. Trưởng tộc gửi gắm cô ấy cho Silas do Olwen là một trong những sứ đồ, chỉ là cho tới bây giờ ngoài khả năng chiến đấu dũng mãnh, dẻo dai ra thì anh vẫn chưa thấy điều gì khiến cô là một sứ đồ. Theo kinh thánh, sứ đồ là những môn đồ được thần thánh ban cho những phước lành đặc biệt, thánh sứ đồ thì có đặc biệt hơn khi được nhiều hơn một phước lành. Chính Silas cũng không hiểu rõ về điều này, thầy ảnh chỉ giảng qua về kinh thánh và để anh tự tìm hiểu. Ông muốn anh làm mọi việc bằng cách tự học hỏi, đôi khi ông sẽ kể cho anh những tháng ngày ông ở thành Quỳ Tử. Thầy Abligur là người sống lâu nhất kể từ ngày tổ tiên người Kalista chuyển đến vùng Đá Hoang. Có lẽ thầy đã sống đến hàng trăm tuổi cũng nên. Vì dù lịch sử người Kalista ở vùng biên giới chỉ mới gần đây nhưng đã có đến hơn trăm năm tuổi.

Chuyến đi này của Silas chỉ có một mục đích duy nhất: Đến được thành Quỳ Tử và xin thần thánh ở nơi ấy cho người Kalista về lại quê hương. Đấy là một nhiệm vụ khó khăn và có thể kéo dài nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng. Vì để được diện kiến thần linh không phải chuyện ăn một quả táo. Họ phải đến được vùng Đá Ong, tìm cách vào thành Quỳ Tử trót lót - chốn này còn được biết đến như toà thành sứ giả của thần, và nhờ vào những sứ giả này để được gặp thần linh.

Ngay từ khi còn nhỏ, Silas được nghe nhiều câu chuyện kể về cố hương từ thầy Abligur, một trong số đó là về những chuyến hành hương của các sứ đồ từ những miền đất khác đến Thánh địa Thần học - Thành Quỳ Tử, ở đó sẽ có những thử thách cam go nơi các sứ đồ thể hiện hiểu biết, tài năng và lòng nhu mộ với thánh thần. Chỉ những sứ đồ tài năng nhất mới có thể vượt qua và họ sẽ có cơ hội diện kiến dung nhan của thánh thần và làm việc trong điện thờ của xứ Cát Vàng. Đó quả là một vinh hạnh lớn lao. Silas đã nghe điều này vô số lần và mỗi lần nghe nó điều anh nhớ nhất vẫn là giọng nói và ánh mắt của thầy Abligur. Anh có cảm tưởng như tất cả lòng thành kính và biết ơn lớn nhất đều nằm trong đôi mắt và giọng nói của con người ấy khi kể lại những kí ức xưa cũ của tuổi thơ.

Tất cả người Kalista, không kể còn sống hay đã mất đều muốn một lần nữa đặt chân lên vùng đất. Người đã khuất ước ao linh hồn được trở lại cố thổ và thân xác họ sẽ được nằm lại mảnh đất quê hương, người trẻ vừa mang theo ước nguyện của những người đã ra đi vừa mang theo những mong ước của bản thân. Họ muốn được tận mắt nhìn thấy, cảm nhận thấy và chứng kiến bằng tất cả giác quan về vùng đất mà cả đời đã và chỉ được nghe qua lời kể của cha ông. Đỗi với người Kalista, vùng Đá Ong nói chung hay thành Quỳ Tử nói riêng với họ đều như một lẽ sống, như ngọn đuốc truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro