Chương 3: Tuyết Ẩm Cừu Mâu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 3: Tuyết Ẩm Cừu Mâu

Tiêu Dung quay lại quán trọ, vừa hay gặp người làm mang thau nước bẩn ra ngoài. Nhìn thấy Tiêu Dung, cậu ta cười vui vẻ: "Hôm nay sắc mặt công tử tốt thế, trông tươi tắn hẳn lên."

Tiêu Dung: "..."

A Thụ len lén nhìn Tiêu Dung, ừ thì đúng là "tươi" thật, hai má đỏ hồng vì tức cơ mà.

Tiêu Dung cứng đờ, không nói lời nào, phất tay áo đi thẳng lên lầu. A Thụ vội vã đi theo khép cửa lại.

Đúng là nhà dột còn gặp mưa giông. Lang chủ nhà nhóc vốn rất sĩ diện, nào giờ có bị bẽ mặt thế này đâu.

Tiêu Dung ngồi trên giường giận dỗi. A Thụ im lặng đứng bên cạnh một lúc lâu rồi rón rén đến gần, bắt chước cách Tiêu Dung từng dỗ dành cậu nhóc, nói nhỏ: "Lang chủ đừng giận mà. Giận quá sinh bệnh, mà bệnh thì không ai chịu thay đâu."

Tiêu Dung: "..."

Cậu không nhúc nhích, chỉ chầm chậm quay đầu lại nhìn khuôn mặt ngây thơ của A Thụ, mở miệng nói: "A Thụ này, sao tự nhiên ta thấy nhóc hơi chướng mắt nhỉ?"

A Thụ: "..."

Cậu nhóc im bặt.

Thực ra A Thụ cũng lo lắng lắm. Từ lúc đến bên Tiêu Dung, ngày nào nhóc cũng nghe cậu lẩm bẩm mình muốn gia nhập quân Trấn Bắc, muốn góp sức cho đội quân đó. Giờ khó khăn lắm mới đến được nơi lại bị người ta đuổi thẳng cổ thế này.

Cuộc sống lang bạt trên đường không dễ chịu chút nào, số tiền họ mang theo cũng gần hết. Lúc đầu lang chủ không tính toán chi li như bây giờ, nhưng phát hiện tiền cứ vơi như nước chảy, mới bắt đầu tiết kiệm hơn.

Sau khi triều Ung di cư về phía Nam, giá cả leo thang một cách chóng mặt. Giờ Nam Ung ổn định rồi, nhưng họ đang đi xuôi về phía Bắc, giá cả ở đây chỉ khá hơn thời cuối Bắc Ung cũ chút đỉnh.

Một đồng tiền lớn mới mua được hai cái bánh, mà đồng tiền lớn không phải loại tiền xu đồng nhỏ như mọi người nghĩ. Tiền lớn là một đồng xu dày và nặng hơn nhiều, một đồng lớn trị giá khoảng hai mươi đồng nhỏ.

Mười văn tiền chỉ mua được một chiếc bánh không nhân, chỉ đủ cho một đứa trẻ ăn no lửng bụng. Giá cả thì trên trời, mà nguyên nhân giá bánh tăng cao là vì giá lương thực đắt đỏ.

Trong thời loạn lạc giá lương thực tăng là điều dễ hiểu, nhưng thời đại Tiêu Dung đang sống còn có một điều kỳ lạ khác: giá củi cũng đắt ngang giá lương thực.

Người dân sống ở thời đại này biết là đắt nhưng chẳng hiểu vì sao mà đắt, và vì đắt quá nhiều năm nên họ cũng quen dần. May mà củi khác lương thực, chỉ cần ra ngoài tìm mỗi ngày, tất cả thời gian rảnh đều dùng để lượm củi thì cũng có thể gom đủ dùng trong năm. Nhưng nếu có chuyện gì bất ngờ xảy ra khiến họ không thể kiếm củi, mà tiền không đủ mua thì chỉ còn một con đường duy nhất: chết cóng.

Bốn chữ "củi, gạo, dầu, muối" có lẽ bắt đầu từ đây, mà chữ "củi" lại đứng đầu tiên.

Thời này các món ăn lạnh phát triển nhanh chóng, người ta nghĩ ra đủ cách tiết kiệm củi để giữ ấm. Ba mươi năm trước, nhiều người không bao giờ quên được trận tuyết lớn từ Cao Câu Lệ ập về hai sông Cám - Tương, phủ dày khắp nơi. Sông Dương Tử, sông Hán đóng băng vào mùa đông, phía Bắc trâu bò chết rét hàng loạt. Còn phía Nam vì không lường trước được trận tuyết này cứ kéo dài liên miên, nên chỉ trong một tháng, có tới một trăm năm mươi vạn người chết chìm trong tuyết trắng.

Những người chết cóng không biết rằng họ sinh ra đúng vào một trong ba thời kỳ khí hậu lạnh giá khắc nghiệt nhất trong lịch sử, mà có lẽ bị chết cóng vẫn là kết cục nhẹ nhàng hơn. Vì khí hậu lạnh đi, dân du mục phương Bắc mất nơi sinh sống, phải tràn xuống phía Nam để tranh giành tài nguyên, khiến vùng Trung Nguyên cũng bị đánh bất ngờ, cục diện càng thêm rối ren.

Người chết thì không phải lo nữa, nhưng với người sống, cơn ác mộng chỉ mới bắt đầu.

Ba mươi năm trước, tuyết, phản loạn, di cư, xâm lược, bao nhiêu chuyện xảy ra.

Và đến hôm nay, ba mươi năm sau, người dân vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của trận tuyết đó, vẫn sống trong nỗi sợ trước tuyết và máu.

Nhưng cũng như câu nói, "người ta quen rồi, quen thì sẽ không thấy buồn nữa".

A Thụ còn nhỏ, cậu nhóc không trải qua trận tuyết thảm khốc đó, nhưng nhóc biết mỗi khi đông đến, phương Bắc lạnh khủng khiếp. Vào mùa đông, tiền thuê phòng khác xa mùa hè, mà mùa đông lại kéo dài. Lang chủ của nhóc sức khỏe không tốt, vì vậy A Thụ hy vọng Tiêu Dung có thể quay về phương Nam.

Trước đây khi quân Trấn Bắc chưa từ chối Tiêu Dung, A Thụ không dám nói gì. Nhưng hôm nay biết quân Trấn Bắc có thái độ như vậy, cậu nhóc mạnh dạn nói ra.

"Lang chủ, nếu quân Trấn Bắc không cần lang chủ, vậy chúng ta có nên quay về không?"

Tiêu Dung: "..."

Tâm trạng vừa khá lên chút đã nghe câu này. Tiêu Dung thầm nghĩ, nhóc cũng biết cách nói chuyện quá cơ.

Cậu nhìn A Thụ, hỏi: "Nhóc muốn quay về à?"

A Thụ hồi hộp nhìn cậu, lắp bắp: "Muốn, không, không muốn. Lang chủ đi đâu A Thụ đi đó. Nhưng Lâm Xuyên là nhà của lang chủ, còn... còn có..."

Thấy mặt A Thụ bắt đầu đỏ lên, Tiêu Dung thở dài, dịu dàng nói thay: "Còn Dật Nhi cũng ở đó, đúng không?"

A Thụ gật đầu như gà mổ thóc.

Tiêu Dung khẽ cười: "Nhóc nhớ Dật Nhi rồi?"

A Thụ lập tức lắc đầu: "Tiểu lang chủ là em trai của lang chủ, A Thụ nghĩ, nếu có thân thích bên cạnh, lang chủ sẽ yên tâm hơn, sức khỏe cũng tốt hơn."

Tiêu Dung im lặng.

Giá mà mọi chuyện dễ dàng như vậy.

Nếu có thể, cậu cũng không muốn ở lại đây, nơi mà mùa xuân vẫn lạnh chết người. Gã đầu đất Khuất Vân Diệt chỉ giỏi đánh trận chứ chẳng biết gì về quản lý. Bình Dương có thể duy trì trật tự hoàn toàn nhờ vào sự giỏi giang của Thái thú Bình Dương. Khi triều Ung di cư về phía Nam, hầu hết các gia tộc lớn đều theo, để lại những tòa thành hoang tàn, khiến vùng này phải mất rất lâu mới phục hồi được chút ít.

Nhưng cậu không thể đi. Vất vả lắm cậu mới giữ được cái mạng này, sao có thể bỏ cuộc dễ dàng như vậy.

Hơn nữa tuy giờ phía Nam là chốn an nhàn, nhưng chẳng bao lâu nữa cũng sẽ loạn. Sang năm khi Trần Lưu Vương khởi nghĩa, đừng nói Lâm Xuyên, ngay cả Nhai Châu, vùng xa xôi nhất cũng không thoát khỏi kiếp nạn.

Tiêu Dung lại thở dài, vỗ nhẹ lên đùi A Thụ: "A Thụ à."

A Thụ khó hiểu nhìn cậu.

Tiêu Dung nở nụ cười mệt mỏi nhưng đầy thỏa mãn: "Lang chủ của nhóc dù đi đâu cũng không thực sự yên lòng. Chỉ có ở bên cạnh Trấn Bắc Vương, chỉ có Khuất Vân Diệt, chỉ có ở cạnh hắn ta mới không cần thuốc thang mà khỏe lại. Chỉ có bên hắn, ta mới thấy lòng mình thật sự bình yên."

A Thụ sững sờ, tròng mắt như muốn rơi ra ngoài. Ngày nào nhóc cũng nghe Tiêu Dung mắng Trấn Bắc Vương, tưởng lang chủ rất ghét hắn, thậm chí có khi còn muốn soán ngôi gì đó. Ai ngờ...

Thì ra là vậy sao!!!

A Thụ còn nhỏ, thế giới quan của nhóc vừa bị một cú sốc lớn, mà Tiêu Dung hoàn toàn không để ý, vẫn tiếp tục nói: "Khi ta ổn định rồi, sẽ viết thư đón Dật Nhi và mọi người đến đây. Đừng lo, chúng ta sẽ được đoàn tụ sớm thôi."

A Thụ ngẩn ra rồi hỏi: "Lang chủ định ở lại Bình Dương thật ạ?"

Tiêu Dung: "Không, ở lại đây làm gì. Tất nhiên là ta sẽ đi theo quân Trấn Bắc."

A Thụ ngây thơ nói: "Nhưng họ có cần người đâu?"

Tiêu Dung: "..."

Đứa nhỏ này thật là, sao cứ nhằm đúng chỗ đau mà nhắc hoài vậy.

Im lặng một lúc, Tiêu Dung đành buông xuôi: "Họ không cần ta thì ta bỏ đi à? Thế thì ta còn mặt mũi nào nữa. Ta cứ bám lấy bọn họ, không mang ta theo thì cũng đừng hòng sống yên ổn."

A Thụ: "..."

Thế chỉ khổ cho lang chủ thôi.

Tiêu Dung lấy một tập giấy trắng ra, mỗi lần dùng là bớt đi một tờ. Cậu cẩn thận viết một hàng chữ.

Trong thời buổi củi đắt đỏ thế này, giấy còn quý như vàng. Tập giấy này là của cậu em trai tặng, nếu bắt Tiêu Dung bỏ tiền ra mua thì cậu không nỡ chút nào.

Viết xong, cậu không dùng phong bì mà cuộn giấy lại, buộc dây thành một cuộn nhỏ rồi đưa cho A Thụ, bảo nhóc mang đến cho vị tướng quân mà họ gặp hôm nay.

Trước khi A Thụ đi, Tiêu Dung chợt nhớ ra gì đó.

"À, tướng quân đến Bình Dương tuyển người ấy, tên là gì nhỉ?"

Tiêu Dung vốn không nhớ những chuyện lặt vặt, cậu còn bận nhớ các sự kiện lịch sử đã đọc mà. Mấy việc này thường là A Thụ lo thay cậu.

A Thụ đáp: "Nghe nói tên Giản Kiệu."

Nói xong A Thụ vội vã chạy đi, bỏ lại Tiêu Dung với đôi mắt trợn tròn kinh ngạc.

Vị tướng quân trẻ măng, mắt mờ đó mà là Giản Kiệu á?

Người duy nhất trong số các tướng dưới trướng Khuất Vân Diệt không bị thanh trừng, cuối cùng còn sống thọ mà chết yên bình, là Giản Kiệu đó ư???

Không biết vì sao, Tiêu Dung bỗng thấy uất hận. Người duy nhất đắc tội với cậu lại là kẻ có kết cục tốt nhất...

‧₊˚ ☁️⋅♡🪐༘⋆

Phía bên kia, Giản Kiệu đang ủ rũ.

Phía bắc sông Hoài vốn đã không còn nhiều nhân tài. Năm xưa vùng này bị người Hồ tàn phá nghiêm trọng, lại thêm các gia tộc lớn đều di cư theo hoàng đế về phía Nam. Dù có một vài gia tộc không đi, thì cũng chỉ là những gia tộc không mấy danh tiếng hoặc thuộc thứ tộc. Để tìm một người làm mưu sĩ, quân sư thì nhất định phải là người biết chữ, mà dân thường thì mấy ai biết chữ, vì vậy số người có thể chọn lựa giảm đi chín phần mười.

Lúc đầu Giản Kiệu theo danh sách do các văn nhân trong thành lập ra mà đến từng nhà hỏi thăm, vẫn còn được mời vào uống chén trà. Nhưng từ khi lan truyền tin tức Trấn Bắc Vương tự tay giết chết một mưu sĩ đến đầu quân, số lần bị từ chối từ của Giản Kiệu còn nhiều hơn số muối hắn đã ăn.

Ở quận Nhạn Môn không có ai, hắn bèn đến quận Đại và quận Trung Sơn, mấy nơi này cũng gần nhau, chỉ mất vài ba ngày là đi hết.

Không phải vì những nơi này quá nhỏ, mà do từ xưa đến nay đây vốn là đất lưu đày, nơi trú ngụ của những hoàng tử thất thế hoặc quan lại phạm tội.

Cũng chỉ có quân Trấn Bắc là không chê bai, còn những người có chút triển vọng đều mơ ước chuyển đến các thành lớn hơn.

Người ta thường nói, "Con không chê mẹ xấu, chó không chê chủ nghèo". Ừ thì, ví dụ này không hay lắm, nhưng đúng là như vậy đấy. Quân Trấn Bắc phát triển ở đây, Giản Kiệu lớn lên ở Nhạn Môn nên hắn luôn mong muốn nơi này ngày càng tốt đẹp hơn.

Vì thế Giản Kiệu thật lòng quan tâm đến việc chiêu mộ nhân tài, chứ không coi đó là một nhiệm vụ phiền toái mà Cao Tuân Chi giao cho. Thậm chí hắn còn đích thân đến thành Bình Dương, nơi tuy không xa lắm nhưng từng có nhiều gia tộc danh giá.

Rồi... chẳng có gì cả.

Ai nghe kể về chiến tích của Trấn Bắc Vương cũng đều từ chối gặp. Dán cáo thị khắp nơi, một ngày chỉ có ba người đến đầu quân: một người giỏi nấu ăn, một kẻ có dáng vẻ trộm cắp, đến mức Giản Kiệu không cần gã khai ra cũng biết gã từng làm chuyện mờ ám. Và người thứ ba khiến hắn phải thốt lên: "Quả là rừng càng lớn thì chim càng lạ!"

Sao mà có thể chính xác đến thế cơ chứ? Người này không sót điểm nào trong số những điều cấm kỵ, tất cả đều dính đủ. Đến tận bây giờ, trời đã tối mà Giản Kiệu vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi nhớ về Tiêu Dung.

Đưa người này đến gặp đại vương liệu có thể phá vỡ kỷ lục giết người nhanh nhất của đại vương không ta? Hoặc có thể khiến đại vương lần đầu tiên mất hết kiên nhẫn? Bình thường đại vương không hành hạ ai, nhưng với Tiêu Dung có khi lại phá lệ.

Thôi vậy, có duyên mà không phận, hy vọng Tiêu Dung hiểu không giữ cậu lại là vì muốn tốt cho cậu. Đây gọi là tích đức đấy!

Giản Kiệu lắc đầu, cố gắng quên đi gương mặt dễ gây mê hoặc của Tiêu Dung, tiếp tục suy nghĩ xem tiếp theo có thể đi đâu nữa.

Đúng lúc đó, một vệ binh mang thư do A Thụ gửi đến.

"Thưa tướng quân, đây là thứ mà Tiêu Dung bảo phải giao cho ngài, còn dặn ngài đuổi hết người đi rồi mới xem."

Giản Kiệu nghi ngờ nhận thư. Ban đầu hắn định mở ngay, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, hắn chọn đi vào gian trong đọc một mình.

Vừa nhìn thấy nét chữ, Giản Kiệu nhếch mép. Chữ này còn tệ hơn chữ hắn khi mới học vỡ lòng.

Người này là văn nhân thật á hả?

May cho Tiêu Dung không có mặt ở đây, nếu không chắc chắn sẽ bật cười chế nhạo. Biết thế là được rồi, viết được chữ phồn thể đã là giỏi lắm rồi. Nếu ta viết chữ giản thể thì các ông còn phải mò mẫm đoán chữ cả buổi nữa đấy.

Dù sao đi nữa, chữ của Tiêu Dung ít ra vẫn đọc được. Giản Kiệu lẩm nhẩm đọc, rồi đứng bật dậy.

Bởi vì trong thư viết: "Đánh lạc hướng dụ hổ ra khỏi hang, trong quân có người phản bội, Trường An gặp nạn."

Giản Kiệu tuy không phải người học cao, nhưng ít ra cũng là một trong bốn tướng lĩnh dưới trướng Khuất Vân Diệt, về nhạy bén trong quân sự, hắn cũng không tầm thường.

Khi Ích Châu xảy ra biến loạn, đại vương từ bỏ việc truy kích Hung Nô, chuyển sang tiến sâu vào Ích Châu. Năm ngoái đại vương vừa chiếm được Ích Châu, đó là nơi xa nhất so với quận Nhạn Môn. Quân Trấn Bắc vốn đã không giỏi quản lý, lại càng không thể với tay tới những nơi xa xôi như vậy.

Trước khi rời đi, để uy hiếp dị tộc, đại vương gần như đã tắm máu Ích Châu. Nghe tin Ích Châu loạn lạc, Giản Kiệu còn tưởng là người dị tộc trỗi dậy.

Sau đó biết là dân chúng nổi dậy, Giản Kiệu mới yên tâm đôi chút.

Nông dân khởi nghĩa là chuyện thường, dễ đối phó. Nhưng dị tộc thì manh động, không sợ chết, khó mà kiểm soát.

Nhưng nếu tất cả chỉ là bề ngoài, và đứng sau lưng là người Hồ thì sao? Chúng làm vậy để kéo đại vương ra khỏi quân doanh...

Ích Châu ở xa, dù đại vương có phát hiện vấn đề thì cũng không kịp quay lại. Người Hồ chắc chắn không biết hành tung của đại vương, vì vậy "trong quân có người phản bội" không phải là nói ngoa. Chắc chắn có kẻ phát hiện đại vương dẫn theo hai vạn quân rời khỏi đại quân, đã thông báo cho người Hồ.

Còn kẻ nào trong số các bộ tộc người Hồ thì cũng dễ đoán. Bộ tộc có đủ sức mạnh để đối đầu với quân Trấn Bắc, luôn nhòm ngó Trung Nguyên, có thể vượt qua Nhạn Môn và trực tiếp tiến vào Trường An, chỉ có thể là người Tiên Ti.

Giản Kiệu phừng phừng lửa giận. Lại là người Tiên Ti!

Hắn không vội hành động ngay, cũng không vì giận quá mà tin luôn vào thông tin của Tiêu Dung. Hắn giả vờ như chưa có chuyện gì rồi tìm một mật thám đáng tin cậy, ra lệnh phi ngựa đến Lương Châu điều tra. Nếu người Tiên Ti thực sự tiến vào, nhất định sẽ bị phát hiện.

Quân Trấn Bắc đáng sợ, mà Trấn Bắc Vương còn đáng sợ hơn. Người Tiên Ti phải vòng qua một chặng đường xa như vậy chỉ để lừa đại vương đi, chứng tỏ chúng rất kiêng dè Khuất Vân Diệt. Khi đại vương còn ở gần trung tâm, chúng không dám lộ mặt.

Điều đó có nghĩa là chúng mới vừa hành động không lâu. Nếu mật thám đi nhanh, vẫn còn kịp.

Đêm đó Giản Kiệu không dám ngủ. Hắn cho mật thám đi lúc nửa đêm, khi trời vừa hửng sáng, tin tức đã đến nơi.

Tất nhiên không phải từ mật thám, vì người nọ còn đang trên đường quay về. Nhưng tình báo mà mật thám dùng tín hiệu quân đội đã về.

Vừa nghe có đại quân hành quân qua Lương Châu, Giản Kiệu sốt sắng.

Hắn đã chuẩn bị sẵn sàng, vừa sai thân binh gửi vài lá thư, vừa phi ngựa đến quận Nhạn Môn.

Đại quân đều ở bên đó, còn hắn chỉ có năm vạn quân, phải gọi thêm người mới được.

Trong khi phía Giản Kiệu náo loạn, Tiêu Dung ở quán trọ vẫn ngủ say như chết.

Mãi đến khi mặt trời lên cao cậu mới tỉnh dậy, ngáp dài một cái rồi vươn vai. Vừa vươn xong, Tiêu Dung bỗng nhận ra có điều bất thường.

Ơ, sao hôm nay người nhẹ nhõm thế này, cảm giác khỏe khoắn hẳn?

Cơ thể không còn nặng nề, cảm giác yếu ớt cũng biến mất.

Cậu vội xuống soi gương, trong gương cũng không còn bộ mặt nhợt nhạt nữa.

Ôi trời, hóa ra cũng có ngày như này sao?!

Tiêu Dung hớn hở, cậu nghĩ chắc nhờ vào tin tức mình gửi đã có tác dụng. Trong lịch sử, người Tiên Ti tuy không chiếm được Trường An hay các đồn lũy, nhưng chúng đã tàn sát dân chúng khắp vùng Hà Châu và Tần Châu, gây ra nhiều thương vong. Vì đó là lãnh thổ của Trấn Bắc Vương, nên dân chúng đổ lỗi cho Khuất Vân Diệt.

Cộng thêm một số kẻ giật dây, từ một anh hùng trong lòng dân chúng, Khuất Vân Diệt nhanh chóng trở thành "đồ chó chết".

Tiêu Dung không kìm được ngửa mặt lên trời cười lớn: "Sáng mắt chưa hả Khuất Vân Diệt, ngươi đã biết ta lợi hại cỡ nào rồi chứ."

Thế nhưng, lúc này Khuất Vân Diệt vẫn chưa nhận được tin tức Giản Kiệu gửi.

Hắn cũng không tiến sâu vào Ích Châu, mà sau khi suy nghĩ một lát, bất ngờ quay ngựa, phi nhanh trở lại thành An Định.

Đám thuộc hạ phía sau chẳng hiểu tại sao hắn lại thay đổi ý định, đành cắm đầu theo sau.

Lẽ ra Khuất Vân Diệt sẽ chạm trán người Tiên Ti đang lén lút hành động ở ngoài thành An Định, và một trận đại chiến sẽ nổ ra. Nhưng khi hắn đến nơi, trận chiến đã diễn ra rồi.

Không còn là sáu vạn kỵ binh Tiên Ti đối đầu với hai vạn bộ binh của hắn nữa, mà là sáu vạn kỵ binh Tiên Ti chống lại năm vạn kỵ binh và bảy vạn bộ binh của quân Trấn Bắc.

Người Tiên Ti thực sự giỏi chiến đấu, nếu không họ đã không khiến Bắc Ung suýt diệt vong. Nhưng đám phế vật triều Ung sao có thể so với quân Trấn Bắc.

Tỷ lệ 1:1 người Tiên Ti còn không đánh thắng nổi quân Trấn Bắc, huống chi giờ là 1:2. Mà khi Khuất Vân Diệt xuất hiện, sĩ khí càng tăng, tỷ lệ đó còn trở thành 1:4.

Giờ thì đám Tiên Ti này đã có cơ hội nếm thử cảm giác bị đánh đến khóc kêu cha gọi mẹ.

Người Tiên Bi hèn hạ, thấy không đánh lại được thì quay sang tấn công thành, định vào An Định đốt nhà cướp của rồi chạy. Nếu không có mười hai vạn quân ở đây, một mình Khuất Vân Diệt chắc không cản nổi chúng.

Nhưng khổ nỗi, ở đây có mười hai vạn quân cơ mà.

Chỉ trong một ngày, người Tiên Ti đã bị đánh đến tơi tả. Tin tình báo sai lệch, chúng đến để đánh lén chứ không phải đánh liều chết. Thấy tình hình không ổn, chúng lập tức rút lui. Khuất Vân Diệt dẫn đầu đoàn quân, cưỡi ngựa phi như bay, thanh trường mâu trên tay hắn tên là Tuyết Ẩm Cừu Mâu. Mũi mâu sắc nhọn đâm thủng cả lông bò, thân mâu có ba nhánh, nặng bốn mươi cân, chỉ có Khuất Vân Diệt mới có thể vung nó nhẹ nhàng như không.

Và mỗi cú vung của hắn đều lấy mạng ít nhất ba kẻ địch.

Người Tiên Ti là kẻ thù không đội trời chung của Khuất Vân Diệt và quân Trấn Bắc. Gặp người Tiên Ti, nhất định phải giết.

Truy sát hơn một trăm dặm, đến khi đôi mắt đỏ ngầu vì hận thù của Khuất Vân Diệt trở lại bình thường mới thôi. May mà ngựa của hắn đủ khỏe, nếu không chắc đã kiệt sức mà nôn ra máu luôn rồi.

Khi trở về với đại quân, Khuất Vân Diệt cuối cùng cũng nhớ ra phải hỏi, tại sao đại quân đến nơi còn nhanh hơn hắn.

Lúc đó hắn đột nhiên quay lại, còn không chắc suy đoán của mình đúng không, chỉ định đến thăm dò thôi. Ai lại giỏi đến mức quả quyết rằng nơi đây có biến, còn dám điều một phần ba binh lực của quận Nhạn Môn ra ngoài?

Giản Kiệu đã về trước, người trả lời hắn là một thuộc hạ khác, cũng là bạn thân thuở nhỏ của hắn.

"Giản tướng quân nhận được tin tình báo, sai mật thám đến Lương Châu điều tra, phát hiện dấu vết của người Tiên Ti. Ta sai người gửi thư cho đại vương, nhưng không ngờ đại vương đến nhanh quá, chắc là bỏ lỡ mất thư rồi."

Người vừa nói là Nguyên Bách Phúc, cái tên nghe đã thấy vui vẻ. Người cũng như tên, trông rất hiền lành, khác hẳn các tướng quân khác.

Khuất Vân Diệt rất ghét những người đẹp, mà Nguyên Bách Phúc tuy không quá đẹp nhưng cũng có nét ưa nhìn. May mắn là y có tình bạn với Khuất Vân Diệt, nếu không đã chẳng thể tồn tại lâu dưới mắt hắn như vậy.

Khuất Vân Diệt hừ một tiếng, hỏi: "Giản Kiệu đâu?"

Nguyên Bách Phúc cười đáp: "Hắn nói phải quay lại Bình Dương để lo một việc gấp."

Một dấu hỏi lớn xuất hiện trên đầu Khuất Vân Diệt. Còn chuyện gì gấp hơn tính chiến công nữa à?

Nghĩ mãi không ra, nhưng người đã đi rồi hắn cũng chẳng bận tâm nữa, chỉ lắc đầu rồi tiện tay ném cây Tuyết Ẩm Cừu Mâu cho một tên lính, bước vào lều nghỉ ngơi.

Truy đuổi hai trăm dặm làm hắn hơi mệt, cũng chẳng định đến Ích Châu nữa. Nguyên Bách Phúc đã ở đây rồi, giao cho y lo liệu luôn vậy.

ִֶָ𓂃 ࣪˖ ִֶָ🐇་༘࿐

Một ngày sau, Giản Kiệu tướng quân râu ria lởm chởm, cuối cùng cũng về đến Bình Dương.

Hắn lao đến quán trọ nơi Tiêu Dung đang ở, phấn khích hét lớn về phía trên lầu: "Tiên sinh! Tiêu tiên sinh, xin thứ lỗi cho tại hạ mắt mờ không nhận ra người tài! Tiên sinh quả là đại tài, đại tài!!!"

Còn bên trong phòng, Tiêu Dung đang cầm tách trà chậm rãi nhấp một ngụm, làm như không nghe thấy gì. Cậu còn dặn A Thụ: "Bỏ thêm ít táo đỏ vào."

A Thụ: "..."

Cậu nhóc lặng lẽ bỏ thêm một nắm táo đỏ vào ấm trà.

Tiếng la hét bên ngoài ngày càng ầm ĩ, nghe có vẻ như vị tướng quân kia sắp khóc đến nơi vì không ai ra mở cửa. A Thụ không chịu nổi liền hỏi: "Lang chủ, chúng ta không mở cửa cho ngài ấy thật sao?"

Tiêu Dung khẽ mỉm cười, vẻ mặt đầy thù dai: "Không, cứ để hắn đợi."

Lời tác giả:

Giản Kiệu: Ta oan quá mà.

Khuất Vân Diệt: Ngươi thay ta nhận tội, ta sẽ chăm sóc gia đình ngươi cẩn thận.

Giản Kiệu: ...

__________________

🌱 Góc gỡ rối: Ngày trước triều Ung xây dựng ở phía Bắc sông Hoài, sau trận tuyết lớn mới di cư về phía Nam, nên Nam Ung hiện tại là Bắc Ung cũ. Cũng bởi trận tuyết ấy nên ngoại tộc xâm lấn Trung Nguyên, để vào Trung Nguyên phải vượt qua phía Bắc sông hoài, thế nên Bắc Ung mới chiến loạn liên miên. Chiến tranh dẫn đến giá cả của Bắc Ung hiện tại cũng chỉ khá khẩm hơn Bắc Ung cũ chút ít.

Người Hồ là ngoại tộc nói chung, người Hồ còn phân chia thành các bộ tộc như người Tiên Ti, người Ô Tôn, v.v

Khuất Vân Diệt là con lai giữa người Trung Nguyên và người Hồ, nhưng cụ thể là bộ tộc nào trong người Hồ thì về sau sẽ nói rõ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro