Chuyện nhiều năm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm mười sáu em bỏ nhà đi miết. Có một đoạn, em dành gần như cả ngày ở trường với ở chỗ tôi, chỉ về khi không thể nán lại lâu thêm nữa. Về để ngủ, nhưng thường là để nghe mắng đến lúc gục đi mới thôi.

Chỗ tôi chỉ cách em một cuộc gọi và năm trạm dừng xe buýt. Chỗ tôi có một cái sô-pha, dù có vài nơi vải đã mục đến mức lộ cả bông nhồi ở trong ra, nhưng vẫn rất mát và êm. Chỗ tôi cũng có mấy cuốn sách em đã muốn mua từ lâu, một cái bình sứ luôn cắm hoa ly trắng mà em thích, và một con mèo tam thể rất ngoan luôn sẵn sàng cuộn tròn trong lòng em, để em vuốt ve nhẹ nhàng.

Tối hôm tôi nhặt nó về, em cũng ghé qua. Em là người đầu tiên cho nó uống sữa và cọ rửa hết đất cát của những ngày tháng bị bỏ rơi khỏi bộ lông loang lổ màu của nó. Em đã luôn miệng gọi nó là "nhỏ" khi tôi chưa kịp nghĩ ra một cái tên đàng hoàng cho nó. Thế cũng tạm được, mà "tạm được" là quá đủ với cả hai rồi.

Từ đó chỗ tôi kết nạp thêm Nhỏ, thêm một đứa khiến đời tôi thêm bận rộn. Em thường nói đùa, rằng chỗ tôi giết chẳng khác gì mái ấm cho trẻ cơ nhỡ, và rằng:

"Lẽ ra mình phải đặt cho bé tam thể là Nhỏ nhì. Em là Nhỏ nhất rồi mà."

Năm mười sáu, em sang chỗ tôi miết, nhưng lý do chính không phải vì cái sô-pha, bình hoa hay chồng sách. Có lẽ vì chỗ tôi thường chỉ có tiếng trò chuyện của hai đứa, tiếng meo meo nũng nịu của Nhỏ và đôi khi thêm tiếng nhạc Cá Hồi Hoang từ cái điện thoại đã nứt màn hình thậm tệ của tôi.

Chứ không có tiếng cãi vã và mắng chửi của cha, tiếng khóc của mẹ hay tiếng thở run rẩy của em đằng sau cửa phòng mình.

Những lúc em vừa đến, tựa vào cửa phòng tôi và nhìn tôi với một nụ cười buồn thay cho lời chào hỏi, tôi vẫn mơ hồ thấy được sự run rẩy vẫn đang bám lấy em, dai dẳng. Em ít khi nào gom nhiều đồ mỗi lần lẻn đi, dù chỗ tôi chắc chắn thừa sức cho em để hết đồ đạc mà em có.

Hình như tôi đã nói thẳng với em thế, vậy em chỉ đáp lại rằng không có nơi nào đủ rộng để chứa được tất cả lo âu của em, chưa kể đến là căn phòng này vốn đã ngập nỗi buồn của tôi rồi.

Hai đứa giống nhau hơn tôi tưởng. Đôi lúc, tôi nhìn em và chỉ thấy một nỗi buồn nhìn ngược lại mình, cứ như thể trong em chẳng có gì ngoài những dòng tâm tư màu xanh lam lạnh ngắt vậy.

Có lẽ em cũng thấy cùng một sắc xanh đang nhuộm lấy tôi. Và rồi, cuộc nói chuyện không mấy vui vẻ đó là khởi đầu cho những chuỗi ngày hai đứa bắt đầu đào sâu hơn vào nỗi buồn của nhau, cắt lấy từng chút mỗi ngày để cùng nhau nhấm nháp. Những ngày trời phủ một màu xám nhưng không mưa, tôi nhớ em thường dựa vào tôi, một tay ôm gối, một tay nghịch đám lông màu đen mun trên lưng Nhỏ.

Và rồi, em kể tôi nghe về nơi em vừa lánh khỏi.

Em kể tôi nghe về lần đi nhổ răng vào năm em bảy tuổi, ở một phòng khám lớn có tiếng nhờ mẹ có người quen biết nên mới đặt lịch được. Em nhớ trưa hôm đó trời nắng như đổ lửa và đường mẹ chở em đi gặp toàn đèn đỏ. Lên đến nơi, bỗng dưng em lại thấy sợ ánh đèn sáng trưng rọi vào mình và những dụng cụ nha khoa chạm vào da hơi lành lạnh. Em nhớ mình đã vật lộn với bác sĩ cả tiếng mà không chịu nhổ. Và rồi, em cũng nhớ mình đã bị xô ra khỏi cửa phòng khám, ngã trầy hai lòng bàn tay và dàn giụa nước mắt, chỉ vì em làm bẽ mặt mẹ ở chỗ quen khiến mẹ không thể quay lại khám nữa.

Rồi em kể tiếp về bố và mùa hè năm em mười một tuổi. Em phải thi chuyển cấp sang trường chuyên cấp hai duy nhất của thành phố. Em chưa từng là một đứa tự tin về các môn tự nhiên nên giai đoạn đó đã phải ôn Toán rất nhiều. Em nhớ bố đã kèm em giải bài và có không ít lần em không hiểu những thứ theo bố là rất căn bản. Em nhớ có những ngày em ngồi ở cái bàn gỗ màu nâu và khóc nức nở trong tiếng quát nín của bố. Vô số lần, lần nào bố cũng hỏi em rằng khóc thì bài có giải ra không, và vô số lần bố cứ lặp đi lặp lại câu hỏi trong đề bài, mỗi lần lại giận dữ và lên giọng hơn - như thể nếu em đủ sợ hãi thì sẽ tự hiểu ra được cách giải vậy.

Bố mẹ đã luôn quan tâm em, nhưng bằng một sự quan tâm sai cách đến đáng thương.

Sau đó, đến lượt tôi kể em nghe về năm tôi sáu tuổi và bắt đầu đi học, kể về những lần họp phụ huynh mà chỗ của bố mẹ tôi luôn luôn trống, và những lần nộp muộn học phí đến mức tôi suýt không được làm kiểm tra cuối kỳ. Tụi ở trường gọi tôi là thằng mồ côi và bắt nạt tôi suốt, chắc tại tụi nó biết tôi không có ai để chạy về mách hay núp sau lưng. Tụi nó cũng biết rằng dù chuyện có đến tai giáo viên đi nữa, thì ai cũng sẽ chọn đúng về phía tụi nó và người lớn trong nhà của tụi nó, thay vì một đứa trẻ thân cô thế cô. Tôi đã không thể quên cái cảm giác choáng váng từ cú đấm đầu tiên, càng nhớ mãi cái lần đầu tiên tôi đánh lại một đứa trong đám nhóc đó và bị buộc thôi học. Dĩ nhiên là không có ai bào chữa hay xin giảm phạt cho tôi cả.

Tôi hiếm khi gặp mặt bố mẹ trong tuổi thơ của mình. Những năm đầu tôi ở với bà, sau khi bà không còn đủ sức trông chừng tôi nữa, thì tôi ở với một người chú mà đến giờ tôi vẫn không biết tên tuổi. Có những ngày, tôi đi học về trong bộ dạng bẩn thỉu và phải tự ghé tiệm tạp hóa đầu ngõ để tìm bông băng thuốc đỏ. Tôi còn nhớ rõ, nhà đó có một cái tivi rất to mà mỗi lần tôi ghé ngang qua đều cứ đứng mãi ở ngoài nghiền ngẫm bất cứ thứ gì đang được phát sóng.

"Hình như đời ghét mình. Đời ghét mình khủng khiếp, dù mình chẳng làm gì."

Em cố nói giữa những tiếng nức nở. Em gục đầu lên vai tôi và khóc, khóc cho cạn bớt một biển buồn quá rộng lớn so với mười sáu năm cuộc đời.

Tàn nhẫn thật, mình còn chẳng có cơ hội để trẻ.

...

Năm mười tám là ngày tháng mình cố gắng lấp đầy bằng những yêu thương sứt mẻ.

Em bỏ nhà đi thật, và chỗ của hai đứa cũng không còn cách nhau một cuộc gọi hay năm trạm dừng xe buýt nữa - khi mà chiếc điện thoại nứt màn hình của em giờ đã được đặt cạnh chiếc điện thoại lúc nào cũng ra rả phát nhạc của tôi. Còn em đã kịp gom tất cả hành lý của mình và có một góc đường đường chính chính ở đây để đặt chúng.

Con Nhỏ đợt đó cứ meo meo lên không ngót suốt ngày. Có lẽ nó cũng biết vui, cũng cảm nhận được sự hiện diện từ-nay-sẽ-thường-xuyên-hơn của mami nó. Mới có hai năm mà nó đã lớn phổng lên, bộ lông không còn bết dính lại thành những cụm lem mà rõ ràng mảng nào ra mảng nấy. Có trách thì chỉ trách bố mẹ nó nuôi khéo quá, khi mà em có thể bỏ bữa nhưng ngày nào cũng nhớ mua sữa và đổ thức ăn vào khay cho nó, còn tôi thì sẵn sàng nhịn thuốc để mua cho nó thứ này thứ kia.

Mỗi tối đi học, đi làm về, hai đứa đều cố gắng sắp xếp một khoảng nghỉ cho Nhỏ, và cho nhau. Tôi và em sẽ không làm gì hết mà chỉ nằm cạnh nhau ngắm Nhỏ ăn, rồi đôi lúc xúm lại chụp hình hay vuốt ve bộ lông nhiều màu của nó. Để rồi sau tất cả, mỗi đứa lại phải quay về với những nghĩa vụ bắt buộc khác trong cuộc sống của riêng mình.

Năm mười tám, đời tồi tệ với tụi mình theo một kiểu rất khác hồi mười sáu. Em bảo tôi, đôi lúc em có cảm giác như mình thoát khỏi nỗi khổ này, chỉ để rơi ngay vào một nỗi khổ khác còn to lớn hơn thế.

Em vừa học vừa làm cùng một lúc hai công việc. Em đổ lỗi một phần sự không hạnh phúc của bố mẹ em trước kia vì họ không đủ khá giả, và em đang làm mọi thứ trong tầm sức để sống một cuộc đời không giống bố mẹ mình, dù chúng đang bào mòn em dần dần.

Sức khỏe tinh thần của em vẫn bấp bênh và sứt mẻ, dù tụi mình đã cố gắng hàn gắn từng chút một. Nhưng chả hiểu sao, đời cứ quảng cho tụi mình những tổn thương mới chất chồng lên những vết sẹo còn chưa kín da non. Đời không bao giờ cho mình đủ thời gian và những khoảng bình yên để tự chữa lành cả.

Em đi làm gia sư ở một trung tâm môi giới dạy thêm, bị phụ huynh của bé học sinh đầu tiên lừa mất nửa tháng lương. Đã thế gã còn cứ hẹn gặp em hết buổi này đến buổi khác và làm những hành động khiến em kinh tởm. Hôm đó, vừa từ buổi hẹn đi về, em đã đến úp mặt vào vai tôi và khóc.

Em bảo, em không dám kể cho tôi nghe vì em sợ phiền tôi, em biết chỗ làm của tôi cũng đang trong đợt chạy việc khủng khiếp và em cứ nghĩ rằng mọi thứ vẫn ở mức độ em có thể tự xoay sở được. Bỗng chốc trông em chẳng khác gì đứa trẻ ngày trước, không dám nói với mẹ rằng mình bị bắt nạt ở trường hay đem về một bài kiểm tra điểm hơi thấp, vì em biết thế nào mẹ cũng bảo em đang làm quá mọi thứ lên, hoặc là đổ hoàn toàn trách nhiệm lên người em. Em chưa từng được yêu thương tử tế, mà điều đó khiến em mất niềm tin, nghĩ rằng ai bước vào đời em rồi cũng chỉ cho em một thứ tình cảm ít ỏi như vậy. Em lúc nào cũng sợ mình là một nỗi phiền phức và không đem lại lợi ích gì trong mối quan hệ hai người, dù gần như mỗi ngày tôi đều trấn an em và bảo rằng tôi ổn với mọi thứ.

Nếu em cần, tôi sẽ lặp lại điều đó thêm nhiều ngày nữa. Tôi biết vẫn có nhiều nỗi bất an em chưa sẵn sàng chia sẻ với tôi, và tôi không bao giờ ép em phải nói ra thứ gì khiến em không thoải mái cả. Em cứ im lặng và ôm tôi, hoặc em có thể nói với bé Nhỏ những lúc tôi vắng nhà và bắt nó giữ bí mật cũng được.

Có một điều khiến tôi day dứt, là tôi vẫn đang làm thêm này nọ ngoài công việc chính để đỡ đần cho em nên không thể ở nhà thường xuyên. Cuộc đời cũng không nhẹ nhàng mấy cứ ép tôi phải gồng mình để thi gan với nó. Chắc sẽ có lúc tôi không kiểm soát được mà đem những gắt gỏng từ thế giới ngoài kia đổ lên em, hoặc cảm xúc tôi bị bào mòn đến mức không còn cho em sự quan tâm mà em cần. Vì nếu thế, tôi sẽ chẳng khác gì người đàn ông đầu tiên đến với cuộc đời em và làm tổn thương em, hay người đàn ông đầu tiên trong đời tôi - người hầu như luôn vắng mặt, còn những khoảng thời gian hiếm hoi ông ta có mặt đã trở thành những đoạn ký ức ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

Năm mười tám, cả tôi và em đều phải cố gắng cùng một lúc thoát khỏi bóng đen của quá khứ, chật vật với những áp lực chưa khi nào thuyên giảm của hiện tại và loay hoay chuẩn bị cho những tháng ngày tương lai có lẽ cũng chẳng tốt đẹp bao nhiêu.

Đời vẫn ghét mình khủng khiếp, nhưng tụi mình vẫn kiên trì tập cách thương nhau, một tình thương rất mẻ và bập bẹ - mà đối với tụi mình đã là quá đủ.

....

Năm hai mươi hai, thực ra đời vẫn tệ như vậy. Chỉ là con người ta đã quen với sự hiện diện của những khoảng tối và cách để vẫn tìm được đường, tìm được nhau trong đó thôi. Em và tôi bắt đầu nghĩ nhiều về một tương lai xa hơn, về những thứ mà tụi mình chưa từng nghĩ một ngày có thể cân nhắc đến việc thực hiện.

Tụi mình đã lớn đủ để bắt đầu để tang ngày trẻ và tìm cách bù đắp những tháng ngày mình chưa có cơ hội trải nghiệm thực thụ bao giờ. Tôi đã tích góp được một khoản gần đủ để mở một tiệm cà phê hay tiệm hoa nhỏ, như những gì em hay nói cho tôi mỗi khi tôi bảo em kể về những ước muốn viển vông nhất của mình.

Những lúc rảnh rỗi, hai đứa thường nằm trên nền nhà, nói bẩn vơ về việc nên chọn mở tiệm hoa, tiệm cà phê, hay tiệm cà phê kèm một sạp hoa ở trước cổng. Một lần, em còn nghĩ đến việc sẽ mở cà phê mèo để Nhỏ có bạn cho bớt cô đơn. Lúc đó, Nhỏ đang nằm ở trên bụng tôi cũng ngẩng đầu dậy mà meo lên một trận, cứ như thể nó cũng hiểu và muốn nêu ý kiến vậy.

Một vài hôm khác, ngoài hoa, cà phê và mấy chuyện thường ngày, cả hai còn nói về những chuyện "trọng đại" và xa hơn thế nữa. Đó là những buổi tối trầm hơn, có thể là sau khi em nhận được một tin tức gì đó từ gia đình mình, hoặc một đứa bạn nào đó của em vừa kết hôn hay chào đón một đứa trẻ.

Tôi và em chắc chẳng ai nghĩ mình sẽ sống được đến tầm tuổi này đâu, nhưng có lẽ khi nhìn những đứa bạn dù ngày trước cũng từng phải chiến đấu với đời như mình vẫn dạn dĩ lao vào một khởi đầu mới, trong thâm tâm tụi mình cũng muốn thử làm điều đó.

Trong thâm tâm, tụi mình đều muốn có thể cùng nhau dựng lên một tổ ấm không có sự hiện diện của những trận cãi vã ầm ĩ, những cơn giận ngột ngạt, không có cả tiếng dập cửa hay tiếng ly chén rơi vỡ, không có những lỗ thủng do một nắm tay nào đó đục vào tường, hay những vết nứt được một bàn tay khác để lại trên mấy món đồ mà không ai còn đủ quan tâm để thay thế.

Tụi mình sẽ dịu dàng với nhau và cho nhau sự ấm áp mà trước đây cả hai đều chưa từng được nhận. Em sẽ giữ tôi yên ổn và tôi sẽ cho em an toàn, tránh xa khỏi nỗi sợ, tổn thương và những ám ảnh của quá khứ.

Chúng mình đều là những mảnh vụn đã phải trầy trật tìm đến nhau từ những ngôi nhà vỡ nát. Nhưng cùng nhau, cả hai sẽ tạo nên một thứ gì đó tròn đầy.

Tụi mình rất muốn, rất muốn có thể cùng nhau tự chữa lành, và gây dựng nên một gia đình sẽ không bao giờ có người bị tổn thương để phải cần đến sự chữa lành nữa.

Dĩ nhiên, tôi vẫn sợ bản thân chỉ đang ngày một tệ đi một cách không kiểm soát, và rồi tình yêu cũng không thể xóa đi sự thật tôi là một đứa tồi tệ như thế được.

Tôi biết em cũng có những nỗi sợ hẹt vậy - sợ mình không những không tự chữa lành được, mà còn khiến người bên cạnh tổn thương hơn nhiều lần.

Chẳng có ai trong hai đứa tụi mình là một mảnh ghép đủ chỉn chu và chắc chắn cả, nên tụi mình rất sợ.

Niềm hi vọng là thứ có tiềm năng hủy diệt. Nó có thể hồi sinh, cũng có thể khiến người ta sống không bằng chết sau khi mọi thứ người ta xây nên lại một lần nữa sụp đổ, trở lại điểm bắt đầu.

Nhưng mà năm hai hai, mình đã bất chấp mọi thứ để nó tràn vào bản thân. Em bảo với tôi, lần đầu tiên em chủ động nghĩ đến việc sẽ cố gắng, thật sự cố gắng có một cuộc đời trọn vẹn.

Năm hai hai là chuỗi ngày trời đẹp một nửa. Năm hai hai, có hai người đứng nhìn khung cảnh đó và cố gắng miệt mài để phủ kín một nửa đẹp đẽ còn lại của bầu trời.

....

Rồi một năm nào đó, tôi và em sẽ chuyển đến một nơi khác. Ngôi nhà mới sẽ vững chãi và rộng rãi hơn, nhưng chắc chắn tụi mình sẽ khó mà nói lời tạm biệt với chỗ thuê cũ của hai đứa lắm. Căn phòng đó có tuổi đời bằng chuyện tụi mình mà.

Nó là nơi đầu tiên tôi tự tích góp tiền và thuê được sau khi bà nội mất và tôi không còn nơi ở cố định nữa.

Nó là nơi em đã lẻn đến vô số lần vào năm mười sáu - đoạn tối nhất đời em, khi mà nhàn đã trở nên không ăn toàn và quá đỗi ngột ngạt.

Nó cũng là ngôi nhà thực thụ đầu tiên của mèo Nhỏ. Những năm tháng hỗn độn đó, trong căn nhà đó, ba đứa đã may mắn tìm thấy nhau, để rồi cưu mang nhau qua bão tố cuộc đời. Tôi đã chọn góc nhà kia để đặt khay thức ăn của Nhỏ, còn ở góc này em đã "chiếm lấy" để đựng cặp sách mỗi lần em trốn qua. Trên chiếc kệ vốn trống trải, cứ sau mỗi năm lại có thêm nhiều mảnh của tôi và em hơn: chiếc bình cắm nhành ly trắng giả mà em thích, cái đồng hồ để bàn đã hỏng máy từ lâu mà bà nội tặng tôi và một chồng sách cùng mấy món linh tinh đủ thể loại - quà mà hai đứa tặng nhau, có khi không vì dịp gì cả.

Còn trên mấy mét vuông sàn nhà này, tôi với em đã ở bên nhau trong không biết bao nhiêu trạng thái cảm xúc.

Có lúc em khóc lúc nở vì những chuyện tồi tệ cứ ập đến trong đời, có lúc tôi lại đi loanh quanh cả tiếng đồng hồ vì lo lắng trăm ngàn công việc. Có lúc em ngủ quên trong khi vẫn đang học hay làm một phần việc nào đó, cũng có lúc tôi bày bừa giấy tờ đến mức không còn chỗ để đặt chân. Có lúc cả hai chẳng làm gì cả, chỉ nằm nhìn trần nhà và nói đủ thứ chuyện: chuyện ngày hôm qua, hôm nay và ngày sau nữa - những cột mốc tưởng chừng không tồn tại, không thể với đến.

Vậy mà càng lúc càng gần hơn rồi.

Rồi một năm nào đó, mình sẽ bỏ khoảng đại dương tối đen ở lại đằng sau cánh cửa của ngôi nhà cũ.

Không biết tụi mình có thể có thêm một tiệm cà phê, sạp hoa hay những bạn mèo khác hay không. Nhưng chắc chắn là dù năm hai tư, hai sáu, hay sau đó nữa, mình vẫn sẽ có nhau.

Bởi lẽ không có nhau, thì chắc cũng chẳng có được những năm hai tư, hai sáu, hai tám.

...

Một năm nào đó, mỗi ngày đều sẽ là một ngày trời đẹp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro