Soju vị cam

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đến bây giờ mình vẫn nhớ rất rõ, thứ nước có cồn đầu tiên mình tự bỏ tiền ra mua là một chai soju vị cam - thứ nước mà mình thường thấy mấy diễn viên trong phim Hàn Quốc hồi đó uống. Mình cũng nhớ rất rõ vị của ly soju đầu tiên mà mình cạn, nhớ cả những gì mình ba hoa lúc đó, rằng thì ra rượu cũng dễ uống và chỉ có thế. Rằng, điều duy nhất khiến cái chai chẳng khác gì nước trái cây đó đặc biệt chỉ là cái lệnh cấm, hay cái mác chỉ-dành-cho-người-lớn được dán trên bao bì.

Nói ngoài miệng thế, nhưng lúc đó, thú thật mình có một nửa hãnh diện. Mình vui vì biết bản thân có thể chống chọi được một thứ mà chỉ có người lớn chịu được, đã tiến được một bước gần hơn đến cột mốc mình luôn khá mơ hồ. Soju ngày hôm đó ngọt nhiều hơn là đắng, như những ngày mình còn thèm được lớn lên, còn nghĩ rằng cuộc sống của người trưởng thành là thiên đường tự do, là những lần được hẹn hò đến quá nửa đêm hay được nốc rượu thỏa thích.

Đấy là trước khi đồ uống có cồn trở thành một hình phạt, một cái giá để đánh đổi, một biện pháp để trốn khỏi muộn phiền.

Có lý do mà những thứ như rượu bia, thuốc lá, bằng lái xe, việc làm,... đều phải đến một độ tuổi nào đó con người ta mới có được. Bởi lẽ, khi ấy, người ta mới có đủ sự chín chắn và trách nhiệm, đủ vững chãi để có thể hoàn toàn tự gánh chịu những hậu quả. Dĩ nhiên vẫn có những đứa trẻ làm được hay chịu đựng được mấy thứ lớn lao đáng sợ đó - nhưng tàn cuộc để lại sẽ khủng khiếp hơn và ảnh hưởng đến chúng ở mức độ mạnh hơn.

Vậy nên, mới có giới hạn độ tuổi được gán cho rượu bia, thuốc lá, việc nộp đơn ứng tuyển hay việc thi bằng lái.

Thế mà,

Dường như,

Chưa bao giờ người ta đề ra giới hạn nào cho những gánh nặng tâm lý và nỗi đau tinh thần.

...

Có những đứa trẻ, nếm vị cồn lần đầu tiên vào năm mười ba tuổi, bỏ nhà đi xa lần đầu vào năm mười lăm và có hình xăm đầu tiên vào năm mười sáu. Nhiều người bảo chúng là lũ học đòi, rằng những suy nghĩ trong đầu chúng không hề phù hợp với lứa tuổi. Họ chỉ trỏ và bàn tán, rằng cái tuổi chẳng phải làm gì ngoài ăn với học như này thì lấy đâu ra áp lực và gánh nặng để mà đổ lỗi do tiêu cực.

Mình không biết nữa, tụi mình lấy tiêu cực từ đâu thế nhỉ? Mình cũng ước mình chẳng phải làm gì ngoài ăn với học và sống với những suy nghĩ trong tầm tuổi ấy lắm chứ.

Có đứa trẻ, bắt đầu uống rượu từ năm mười ba tuổi, vì trong nhà nó gần như tất cả mọi người đều làm thế. Bọn họ đều uống vì những lý do rất khác nhau. Bố nó dần trở nên nghiện rượu sau cái đợt bị một người bạn lừa sạch tiền đầu tư vào một dự án. Bố nó uống để không phải nhìn vào sự thật. Bố nó uống để có sức mắng nhiếc tất cả những người đã đẩy ông đến tình cảnh này, để có làm những chuyện không hay thì đến ngày mai cũng quên hết. Bố nó uống, để giải tỏa nỗi ấm ức. Có lắm lúc, cơn giận lớn đến mức ngất ngưởng say rồi vẫn còn nghẹn đầy ở đó, nên ông ấy đã trút lên mọi thứ, mọi người khác trong tầm với, bao gồm vợ con.

Và rồi, đến lượt mẹ nó cũng uống để không phải nhìn vào sự thật nữa. Mẹ nó uống để không khiến không khí tệ hơn, để đủ ngà ngà và không bị những lời đả kích của bố gây tổn thương nữa. Cuối cùng thì sau một khoảng thời gian, nó cũng đủ lớn để bắt đầu biết đau và biết học lỏm cách trốn khỏi niềm đau từ những người xung quanh mình.

Bố mẹ nó đâu có chỉ cho nó cách đường hoàng nào khác? Họ bận trốn khỏi sự thật đến mức trốn hẳn khỏi đời nó. Những lúc họ có mặt trở lại, thì cũng chỉ đem theo những quan tâm sai lệch và ngột ngạt, vừa không đủ, lại cũng quá dư thừa.

Đứa trẻ đó, bỏ nhà đi xa vào năm mười lăm tuổi để thách thức sự thiếu thốn tình thương đó, rồi lại chọn một hình xăm vào năm mười sáu tuổi để phản kháng lại những ràng buộc dư thừa.

Nó thề là nó vẫn đang cố gắng, nhưng thật khó để thoát khỏi những vòng lặp và sự tự hủy. Mà chẳng hiểu sao, người ta chỉ cứ nhìn vào những kết quả bề mặt, ở những vùng mà họ cho là quan trọng. Họ chỉ biết làm mày đã thất bại ở những khoản đó. Họ, không một ai, hiểu làm nó đã phải tốn sức đến nhường nào.

...

Rốt cuộc là ai? Ai đã khiến tụi mình phải lớn lên từ năm chỉ mới lên mười, mười hai, mười lăm?

Không có một giới hạn độ tuổi nào cho những tổn thương tinh thần, vậy mà họ vẫn kỳ vọng những đứa trẻ không may hứng chịu phải cáng đáng tốt đúng gánh nặng đó. Những lời họ nói cứ liên tục tự mâu thuẫn với nhau.

Có những lúc, họ chỉ trích tụi mình vì "tỏ vẻ như" có những suy nghĩ già trước tuổi. Cũng có lúc, họ khen những đứa trẻ như thế là hiểu chuyện, là có triển vọng, là quán xuyến được cảm xúc của bản thân và cả những người xung quanh.

Hệt như một ly soju vị cam, mình mắc kẹt giữa hai luồng suy nghĩ - phải tiếp tục trẻ con và cần trở thành người lớn, giữa những tiêu chuẩn và kỳ vọng của xã hội, giữa một vị ngọt ngất ngưởng trong lý thuyết và hàng trăm ngàn mặt tối chỉ ập đến rõ ràng vào một buổi sáng hôm sau.

Soju vị cam không tốt cho mình chút nào.

Soju vị cam có lẽ đang rút cạn những gì mình có, dần dần, mãi cho đến cái ngày mình không còn trụ được nữa và thật sự ngã gục.

...

Một chiều mưa tầm tã giữa một đời rả rích, mình thoáng nghe tiếng ai đó vặn nắp và tiếng lanh canh những miệng ly chạm vào nhau. Mình nhìn xuống chiếc ly còn đầy một nửa soju vị cam.

Mình không còn nhớ đó là một-nửa-ly thứ mấy, càng không nhớ nổi trời đã mưa được bao lâu.

Mình đã sống sót như một kỳ tích, mà cũng như một lẽ hiển nhiên, qua những tuổi mười ba, mười lăm, mười sáu lưng chừng, qua những lần cãi vã, những chuyến đi xa và những hình xăm nguệch ngoạc.

Mình chẳng biết từ khi nào mà bản thân đã tròn mười tám và soju vị cam không còn là thứ đồ bị cấm đoán mà bọn mình phải lén lút trốn lên sân thượng để uống nữa. Có lẽ lúc này, những gánh nặng và nỗi đau cũng sẽ được hợp thức hóa, và mình không còn tư cách nào để cảm thấy rối ren hay than phiền nữa.

Lắm thứ đã thay đổi, nhưng dù mình còn mười lăm hay bây giờ, thì soju vị cam và những suy nghĩ trong đầu mình vẫn thế.

Vẫn nặng nề sau lớp vỏ bọc nhẹ nhàng như không và có thể giết mình bất cứ lúc nào.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro