One shot

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đây là một nơi nào đó trong một thế giới nào đó. Trông nó như một khu ổ chuột, nói là khu ổ chuột chắc vẫn còn quá nhẹ nhàng nhưng bây giờ gọi vậy là đúng nhất. Không có một ngôi nhà nào cả, tất cả chỉ lụp xụp những tấm giẻ rách móc lên mấy thanh gỉ sắt. Ở giữa nơi này có một vài lô gạch sứt mẻ đầy rêu xanh không biết từ bao giờ, nhưng bây giờ đã được đục khoét gắn vào mấy thanh kim loại gỉ sét dựng lên bốn cái "cột nhà". Một tấm bạt che mưa màu xanh da trời lỗ chỗ các mảng màu và những miếng vá, được buộc lên những cây cột kia trở thành "mái nhà". Không biết ở cái khu ổ chuột này có bao nhiêu người, nhưng mà ở đây đang có ba người sống.

Giữa bầu không khí chỉ gợn lên ẩm và mốc, một cặp bé trai bé gái đang mải miết "sàng lọc" đống phế liệu theo hình dạng. Một nửa là "công việc" nhưng chúng chủ yếu là đang chơi đùa. Những thanh sắt tròn thẳng có thể làm một cái xà đơn, những thanh sắt vuông góc có thể về làm móc treo, rồi những cục sắt, tảng sắt đủ mọi hình thù có thể dùng để chơi xếp hình. Hoàng và Thanh, hai đứa trẻ mới lên năm lên sáu, quần áo không rách rưới nhưng đầy rẫy những vết đen vết nâu trông cũng như mấy miếng vá. Tay chân mặt mũi chúng cũng không hơn tấm áo kia là bao.

Kết thúc buổi vui chơi, hai đứa trẻ đã xếp gọn đống sắt ấy theo phân loại. Hoàng lau mồ hôi trán nói với Thanh:

- Hôm nay làm việc thế là đủ rồi, mình về nhà thôi!

- Dạ!

Chúng dắt tay nhau nhảy chân sáo đi về hướng cái "nhà gạch".

Một toán công nhân làm việc ở một khu phế thải khác nhưng to hơn và bẩn hơn nhiều so với chỗ của hai đứa trẻ. Trời còn là buổi sáng nhưng xung quanh chỉ có một màu tối do khói và bụi. Những người công nhân mặc áo sáng màu có đánh số, nhưng chúng đều đã ngấm màu của không khí nên không còn thấy rõ. Họ đeo kính bảo hộ và khẩu trang N99 cùng màu áo hiện tại, không hề có mặt nạ phòng độc.

- Khụ! Khụ! Khụ!

Người phụ nữ duy nhất ở đây đã bắt đầu ho từ nãy tới giờ. Một ông chú, có vẻ là người quản đốc đã nghỉ tay, đi lại gần.

- Cô Miên, cô hãy về nhà nghỉ đi.

Người phụ nữ, tỏ ra lúng túng, ngay lập tức chắp tay với người quản lý.

- Anh Trung... Tôi chỉ vô tình lỡ miệng thôi, làm ơn, ít nhất hãy để tôi làm hết ca sáng.

- Tôi xin lỗi, cô đã ho quá mức quy định ở công trường rồi, nếu cô còn ở lại sẽ ảnh hưởng đến cả đoàn.

- Nhưng nếu tôi nghỉ bây giờ thì con tôi sẽ không có cái ăn mất.

- Tôi xin lỗi. Nhưng đây là trách nhiệm của tôi!

Giọng người quản đốc có phần đanh lại, ông từ từ tiến tới tủ đồ rồi quay lại với chiếc túi zip có in chữ "Miên" màu mực trắng ngấm bụi. Miên lưỡng lự nhìn người quản đốc nghiêm nghị giơ chiếc túi trước mặt. Cô run rẩy cầm chiếc túi.

- T...tôi xi...in phép!

Cô ôm chiếc túi và chạy ra phía ngoài công trường. Những người khác ai cũng muốn cảm thông và nói đỡ cho cô nhưng không được, mạng sống hiện tại là quan trọng nhất.

Miên đi tới một bức tường gạch đổ vỡ, nơi đây có sự hiện diện của ánh mặt trời. Cô cởi bộ quần áo công nhân kèm khẩu trang ra, sau đó định lộn mặt trong chiếc túi zip ra để trở thành túi đựng đồ bẩn. Cô bất ngờ rơm rớm nước mắt cầm thứ ở trong túi ra.

- Cái đồ không biết đếm! Tôi có hai đứa con cơ mà!

Miên đưa tay đang cầm chiếc kẹo mút được bọc nilon lên lau nước mắt, rồi giữ chắc nó trước ngực.

- Mình đành phải về nhà thôi.

Đầu giờ trưa, hai đứa trẻ về đến "nhà". Vừa mở tấm "bạt cửa" ra, chúng đồng thanh:

- Con về rồi ạ!

Đáng ra đó chỉ là một câu chào dành cho ngôi nhà vì mẹ chúng thường đi làm đến chiều tối mới về. Nhưng chúng ngay lập tức nhận ra sự hiện diện của một người phụ nữ, mặc bộ đồ thể dục cũ mèm.

- Mẹ ơi! Mẹ làm sao vậy?!

Hai đứa trẻ chạy xúm lại, mẹ chúng đã nằm sõng soài dưới nền nhà. Nâng mẹ ngồi dậy, chúng thấy mẹ đã bất tỉnh, mặt đỏ bừng, người nóng như lửa đốt. Người anh nói giọng bình tĩnh nhưng tạo ra không khí khẩn trương:

- Thanh, mau đi lấy cái khăn rồi thấm nước vào!

- Dạ!

Người em nhanh chóng đến một góc "nhà" nơi để tủ đồ, lấy một cái khăn rồi nhúng vào xô nước mưa. Người anh kéo mẹ về phía "chiếc giường" là một hộp gỗ to chứa đầy các thứ "vải" và phủ lên bằng miếng vải lành lặn nhất. Người anh quận mảnh vải "ga giường" ấy lại trở thành một "cái chăn" cho mẹ, người em cũng mang miếng khăn nhúng nước đắp lên đầu mẹ.

Một lúc sau, người mẹ bắt đầu tỉnh lại, đôi mắt từ từ mở ra nhưng ngay sau đó là một cơn ho sặc sụa. Miên nhìn lên "trần nhà" sau đó nhìn hai đứa con. Ánh mắt cô tiều tụy trên khuôn mặt đỏ ửng cùng hơi thở gấp gáp. Khi thấy hai đứa trẻ đang nhìn mình như muốn khóc, cô cố nén một nụ cười với tay xoa đầu chúng:

- Mẹ xin lỗi, hôm nay lại không có cơm cho cả nhà mất rồi. Nhưng mẹ có cái này, hai đứa chia nhau ăn tạm nhé.

Nói rồi, Miên chìa bàn tay run rẩy còn lại ra, bàn tay mà dù đã ngất cô vẫn cầm chắc viên kẹo. Hai đứa rưng rưng, thút thít, người anh cầm viên kẹo, tháo lớp nilon ra cắn đôi và đưa cho người em nửa to hơn:

- Chúng con ăn đây ạ!

Người mẹ vẫn mỉm cười:

- Đáng ra mẹ phải làm chỗ dựa cho các con, vậy mà bây giờ đến cử động cũng không làm được. Xin lỗi các con...

Hai đứa trẻ cũng không biết phải nói gì, chúng chỉ ngồi đấy, nhai kẹo với khuôn mặt lo lắng sợ hãi. Người em sau khi nuốt ực phần kẹo của mình đã đứng bật dậy:

- Con sẽ đi lấy Thuốc...

Người mẹ thoáng biến sắc, đôi mắt đã hiện rõ ý muốn can ngăn nhưng cô bé đã ngay lập tức quay đầu chạy ra khỏi "nhà". Miên ngây người một lúc rồi hướng mắt về phía đứa con trai lớn, ánh mắt hiền dịu với một nụ cười yếu ớt:

- Có lẽ mẹ phải nằm nghỉ một lát. Hoàng à, con hãy thay mẹ đi cùng em nhé!

Hoàng gật đầu, nắm lấy bàn tay nóng ran của mẹ. Cậu bé đứng dậy và lục tục cầm theo một chiếc hộp bỏ vào túi quần và ra khỏi nhà.

Ra khỏi khu ổ chuột, đi thêm một quãng là tới "khu mua sắm", có hàng bánh mì, có hàng quần áo, có hàng thuốc... Những cửa hàng như vậy được treo biển ở ngoài, rồi đến một sân đỗ ô tô có mái che và cửa hàng sẽ ở ngay liền kề đó.

Hoàng chạy đến chỗ hiệu thuốc, cậu bé đã trông thấy em gái mình thập thò cạnh cửa hàng thuốc. Nó gồm một bên là cửa hàng với những hộp thuốc để trong tủ kính, một bên là kho chứa đầy những thùng các tông. Ông chủ hàng đang ngủ gật trên mặt đất, một ông chú to béo, râu và tóc đã bạc, nhưng mặt trông chỉ khoảng chừng ngoài năm mươi. Ông ta mặc áo ba lỗ, quần đùi cùng một chiếc mũ phớt che mắt cho dễ ngủ.

Vẻ rón rén của Thanh đã khiến cho Hoàng vô cùng bất ngờ. Cô bé nhẹ nhàng lướt qua ông chú đang ngủ gục cạnh cửa, thò tay vào trong tủ kính đang mở, lấy ra một hộp Thuốc. Khi thấy em gái đang định chạy ra khỏi cửa hàng, Hoàng lại gần chặn lại. Hai đứa trẻ nói thầm với nhau

- Thanh! Em không được ăn trộm, hãy trả lại đi, anh có mang "tiền" theo rồi, chúng ta sẽ mua nó.

- "Tiền" của nhà mình chỉ mua được vài viên thôi, rồi chúng ta thậm chí chẳng thể mua bánh mì...

- Dù vậy cũng không được! Chúng ta không thể thối nát như cái thế giới này...

- Lại câu nói của bố, ông ấy thì biết gì về thế giới này. Anh chỉ lặp lại những thứ ông ấy nói trong khi còn chẳng hiểu!

Hình như, Thanh đã nói hơi lớn tiếng làm ông chủ cửa hàng tỉnh giấc. Ông ta nhắc chiếc mũ che mắt cho nó về vị trí trên đầu, thấy hai đứa trẻ đang đứng đó, trên tay đang cầm hộp Thuốc. Chúng đứng như trời trồng, đôi mắt sợ sệt chăm chăm nhìn ông chủ hiệu thuốc, đôi chân hơi vững hơi rung. Hiện giờ, ăn trộm chỉ có thể bị đánh chết, chẳng có đủ tài nguyên để người ta trộm, trừ khử luôn là đỡ gánh nặng cho thế giới.

Ông chú râu tóc bạc phơ không nổi nóng, hoặc có thể là chưa nổi nóng ra mặt. Ông ta chỉ đứng dậy, lôi bao thuốc lá và bật lửa trong túi quần ra, châm lấy điếu cuối cùng trong bao. Sau khi rít một hơi, ông ta vẫn còn từ tốn hỏi hai anh em:

- Chúng bay tới trộm Thuốc hả?

Hoàng bừng tỉnh, vội lôi chiếc hộp ra, một chiếc hộp màu đen hình lập phương:

- Không! Chúng cháu không ăn trộm, chúng cháu tới mua thuốc, "tiền" đây ạ! Làm ơn bán cho chúng cháu!

Rít thêm một hơi nữa, ông chủ hàng cầm chiếc hộp lên:

- Bình thường chắc tao sẽ bán cho năm viên...

Hoàng và Thanh sáng mắt lên, ông chú ấy sẽ bán thuốc chứ không đánh chết chúng. Mẹ sẽ mau khỏi bệnh và cả nhà sẽ được cùng ăn cơm...

- ...nhưng bọn trộm thì tao không!

Như một tiếng sét ngang tai, hai trái tim bé nhỏ như ngừng đập một giây.

- Nãy tao đã tỉnh từ lúc con bé bước qua cửa rồi, sức tao cũng chả đánh chết được chúng bay, lại phải gọi người phiền lắm. Tốt nhất là chúng mày cút đi!

Hai đứa trẻ đều run người bần bật, Thanh đã định lùi bước chạy đi. Nhưng Hoàng không định chạy, cậu bé từ từ quỳ xuống, dập đầu trong cơ thể vẫn còn run rẩy:

- Ch...chá...cháu cầu xin bác! L...làm ơn...mẹ cháu đang bệnh, làm ơn...bán cho chúng cháu, một viên thôi cũng được!

Ông chú có vẻ chẳng mấy để tâm, lại rít điếu thuốc, phì phà làn khói lên bầu trời còn tối hơn cả màu khói thuốc. Ông ta dập điếu thuốc bằng tay không bỏ vào cái bao thuốc rỗng lúc nãy sau đó ném bẹt nó cùng chiếc hộp xuống trước mặt đứa trẻ đang quỳ lạy:

- Chúng bay nên biết điều đi. Nhà chúng bay ở bãi rác phải không, mang cái cục rác này về luôn đi, coi như quà của tao đó.

Ông già nhếch cái môi lên một cái rồi đi vào trong nhà đóng cửa, kéo rèm, treo biển "nghỉ bán".

Thanh nhìn thấy vậy, mếu máo:

- Oa oa! Tại anh đấy, tại anh hết, bây giờ mẹ phải làm sao? Oa oa!

Hoàng vẫn chưa ngẩng đầu lên, những giọt nước từ đâu chảy ra từ khuôn mặt nhỏ bé của cậu thành hai hàng liên tục. Cậu nói to dõng dạc:

- Con xin đội ơn ông! Con sẽ không bao giờ quên ơn ông!

Nói rồi, Hoàng nắm lấy bao thuốc lá đứng dậy, kéo tay Thanh còn bất ngờ, đứng lặng thinh:

- Mình về thôi!

Thanh vẫn lặng lẽ cầm tay anh mà đi về nhà, cô bé muốn nói nhưng tự dưng lại thấy ái ngại. Lần đầu tiên cô bé thấy anh trai mình dập đầu như vậy. Người em đã phải thẫn thờ không nói nên lời trước người anh luôn thể hiện một con người chính trực lại phải cúi đầu cầu xin và cảm ơn tha mạng. Thanh bất chợt dừng lại, Hoàng đang nắm tay em, bị kéo dừng lại theo. Cậu quay sang người em gái:

- Sao vậy Thanh?

- Sao ư? Sao anh lại phải dập đầu xin lão ta, lại còn phải cảm ơn tha mạng nữa chứ! Bây giờ chúng ta còn không có Thuốc cho mẹ...

Hoàng nhìn Thanh bằng một đôi mắt hiền dịu giống hệt như đôi mắt của mẹ nhìn cậu khi bảo cậu đi cùng với em. Người anh mỉm cười, xoa nhẹ đầu người em, sau đó giơ cái bao thuốc lá mà ông chủ hàng gọi là "cục rác" lên, đổ ra lòng bàn tay. Một mẩu thuốc lá còn một nửa và một...viên Thuốc.

- Có lẽ ông ấy không thể trực tiếp đưa cho chúng ta được, nhưng rõ ràng ông ấy là một người vô cùng nhân hậu...

Thanh lại tiếp tục bần thần.

Khi Thanh rón ra rón rén vào cửa hàng, ổng chủ đã tỉnh rồi, ông cũng nhìn thấy quần áo cô bé lấm lem màu của bãi rác gần đây. Ông đã quyết định tiếp tục giả vờ ngủ, ông biết rằng đứa trẻ này sẽ chẳng đủ tiền mua thuốc và thế giới sẽ lại kệ cho con người cần Thuốc đấy ra đi. Ông chủ hiệu thuốc thầm nghĩ "Phiền thật!"

Đáng lẽ, mọi thứ cứ vậy mà diễn ra mà không có rắc rối gì, một cậu bé tầm tuổi nhưng lớn một chút xuất hiện, ngăn cản và trách móc cô bé. Ông nghĩ là phải đuổi chúng đi ngay: "Nếu giả vờ tỉnh dậy chắc chúng nó sẽ chạy đi luôn cùng hộp Thuốc."

"Chúng ta không thể thối nát như cái thế giới này..." – Câu nói của cậu bé vang vọng trong đầu ông chú râu tóc bạc phơ. Ông ngờ ngợ đã nghe ở đâu rồi. Thế giới đang thối nát theo nghĩa đen, mọi thứ đều đã đang và sắp "thối" cả rồi. Bây giờ không khi màu đen, nguồn nước màu đen, cây cối cũng đen. Các công trình của con người thì đổ nát, các tòa nhà chọc trời giờ chỉ cao ngang đầu người, những cây cầu qua sông giờ chỉ dành cho tôm cua cá... Quả là THỐI NÁT theo nghĩa ĐEN.

Khi ông chủ cửa hàng đứng dậy, ông đã mong chúng chạy biến cho nhanh nhưng, đứa con trai đã đứng lại, tỏ ý muốn mua Thuốc. "Trời ạ! Sao thằng nhóc này vẫn còn tồn tại được trong cái thế giới 'thối nát' này vậy chứ?" Ông chú già lấy thuốc lá muốn hút một xíu để suy nghĩ xem làm thế nào. "Tiền" mà cậu bé đưa có thể mua Thuốc nhưng chắc chắn cả nhà sẽ không thể mua thêm được gì nữa.

Còn một điếu cuối cùng, sau khi rút điếu thuốc ra, ông nhìn thấy viên Thuốc trong túi quần đã lăn vào trong bao thuốc lá. Và rồi ông từ chối bán thuốc, dập điếu thuốc lá hút dở cho vào bao xong quẳng cho thằng nhỏ. "'Hàng xóm' mà biết mình từ thiện thế này thì cũng đăng ký là nhà khó khăn ngay."

Vào nhà đóng cửa kéo rèm, ông chủ ngồi vào chiếc ghế tựa bằng gỗ hiếm hoi còn nguyên vẹn trong thời buổi này, ngẫm lại chuyện xưa: "Hà, định đầu cơ kiếm chác mà cuối cùng lại thành phải đi ban phát thế này sao? Mà biết đâu lại do mình mà thế giới nó vậy nhỉ? Hà..." Miên man trong dòng suy nghĩ, bất chợt một tiếng nói to và dõng dạc phát ra từ bên ngoài vọng vào.

"Con xin đội ơn ông! Con sẽ không bao giờ quên ơn ông!"

Ông chú bỗng rưng rưng nước mắt: "Bố khỉ, tầm tuổi này mà còn mau nước mắt quá!" Sau tiếng thở dài, ông lấy tay lên chặn dòng lệ sắp tuôn trào. "Câu nói của mày nghe như nhân vật trong văn học vậy." Rồi ông chợt nhận ra điều gì đó: "À, mình nhớ thằng lỏi ấy rồi, nó cũng hay phát ngôn kiểu này lắm, bay mà cũng có đệ tử rồi cơ đấy."

- Em sẽ đến để xin lỗi...

- Được rồi, khi nào mẹ khoẻ lại cả nhà sẽ cùng đi, không phải xin lỗi mà là cảm ơn.

- E...em cảm ơn anh...

- Không, em phải cảm ơn ông chủ hiệu thuốc...

- ...vì anh đã ngăn em trở thành một đứa ăn trộm.

Hoàng nhìn em gái đứng bẽn lẽn sau lưng mình, cô bé đang cúi mặt vì xấu hổ. cậu nắm lấy tay em mình kéo đi:

- Không sao đâu, trách nhiệm của người lớn là phải dạy dỗ cho trẻ con mà!

Thanh cảm nhận lấy sự ấm áp từ đôi tay của người anh trai, bất giác lòng cô bé thấy lòng mình nhẹ bẫng. Thanh cười mỉm:

- Anh Hoàng lại nói mấy câu của bố rồi! 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro