1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

THÀ ĐỪNG GẶP GỠ - Thạch Thảo
Chương 1:

- Cái gì? Nói to nữa lên tôi xem nào? Muốn nghỉ phép? Làm mất hợp đồng của công ty tôi còn chưa xé xác cô ra mà cô dám đòi nghỉ phép. Cô liệu hồn mà đi xin lỗi đối tác trong ngày mai. Nếu không tiền lương tháng này với tiền bảo hiểm đừng có hòng lấy.

Khi điện thoại vừa kết nối, anh Phương trưởng phòng đã mắng xa xả vào mặt Hoài. Trên quần áo cô vẫn ám đầy mùi rượu, một mảng lớn rượu vang bị người ta hắt thẳng vào ngực áo. Nhớ đến bộ mặt ghê tởm của "người đối tác" trong miệng anh Phương, ruột gan Hoài lại quặn thắt.

- Anh Phương, em đã nói rồi mà. Trách nhiệm của em chỉ là kí hợp đồng, ông khách đó đòi hỏi hơi quá đáng.

- Thế nào là quá đáng? Từng ấy người ở đó ông ấy làm được gì cô? Cùng lắm là cởi hai ba cái cúc áo, sờ soạng vài cái. Có chết được không? Bao nhiêu con đàn bà muốn còn chẳng được, thế mà cái hạng đàn bà bị chơi nát xong bỏ như cô còn giả vờ trong sạch cơ à? Đúng là đồ sao chổi.

Hoài oằn mình chống lại cơn đau dạ dày đang quằn quại, cố gắng không để những lời chửi rủa ấy vào tai. Cô chẳng thể ngờ những từ ngữ bẩn thỉu vậy lại xuất phát từ một người có học, lại làm đến chức trưởng phòng một công ty lớn như anh Phương. Bán rẻ thân thể để đổi hợp đồng là một chuyện nhẹ nhàng lắm sao?

- Sao? Câm rồi hả? Tôi nói cho cô biết, ngày mai dù ch.ết cũng phải lết đến công ty cho tôi. Tôi sắp xếp một cuộc hẹn với ông Tĩnh cho cô.

- Im mồm đi. - Hoài bực mình chửi lại. Có lẽ chính gã Phương kia cũng không tin nổi nhân viên cấp dưới đang chửi mình. - Nếu anh thích thì mang cả nhà đến gặp cho ông ta cởi, cho ông ta bóp. Cái thứ bẩn tưởi như anh chắc từ nhỏ đã được giáo dục để có tiền phải ngửa người ra hầu hạ kẻ khác nhỉ? Anh thèm muốn kí hợp đồng như thế thì cứ làm, tôi không nói gì đâu.

Gã Phương gằn lên trong điện thoại:

- Con này mày điên rồi đúng không?

Hoài bật cười:

- Điên? Thôi thôi! Số tiền lương còn lại của tôi anh cứ giữ lấy mà nuôi cả nhà anh, ít ra vẫn được năm mười ngày không phải kéo nhau đi tiếp khách. Thế nhé, từ giờ không gặp lại nữa. Bye!

Hoài nói xong, chẳng chờ tên khốn trưởng phòng đáp lại đã cúp máy ngay. Đây là lần đầu tiên cô chửi một người một cách thô tục và nanh nọc đến vậy. Chửi xong, gần như Hoài đã mất hết cả sức lực, vì những sỉ nhục mà hôm nay phải chịu, vì sự uể oải bất lực của những người thấp cổ bé họng giữa thành phố phồn hoa này. Cô ngã vật ra giường, nhìn lên chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường.

Bây giờ là 11 giờ đêm, giờ này những ngôi nhà trong thành phố vẫn sáng đèn. Tiệc cưới của Luận có lẽ cũng vừa mới tan cuộc. Hoài bất giác nhớ về chàng trai nhút nhát với nụ cười duyên dáng, người cô đã yêu thương và gắn bó suốt 4 năm trời. Hôm nay là ngày anh làm đám cưới. Cô dâu là con gái duy nhất của sếp anh. Một người con gái tài giỏi, xinh đẹp, giàu có. Còn cô chỉ là một đứa trẻ mồ côi, một người trẻ không chỗ dựa ngụp lặn giữa thành phố rộng lớn để mưu sinh như bao người trẻ khác. Bản thân cô còn chẳng sống được thoải mái, thì làm sao trở thành chỗ dựa cho anh đây.

“Cái đồ sao chổi!” Hoài lại canh cánh lời chửi rủa của gã trưởng phòng. Rất nhiều người vẫn thường nhắc về Hoài như một vật đen đủi. Trước kia, cô cũng có bố mẹ như bao người khác. Bố cô làm giám đốc một công ty xây dựng, mẹ là giảng viên dạy vũ đạo. Cô giống như cô công chúa nhỏ giữa tình yêu của bố mẹ. Gần hai mươi năm trước, một cơn ác mộng ập xuống cuộc đời Hoài. Trợ lý của bố cô đột nhiên xuất hiện ở trường học, quỳ một chân xuống chỉnh lại chiếc nơ áo trên cổ áo cô, run giọng:

- Hoài ơi, con đến gặp bố mẹ con lần cuối đi. Bố con... Nhớ con lắm...

- Sao lại là lần cuối ạ? Bố mẹ con đi đâu?

Đến khi chiếc khăn trắng phủ lên mặt bố mẹ được lật ra, Hoài mới hiểu ý nghĩa của mấy chữ "lần cuối cùng" là như thế nào. Người ta bảo, bố phát hiện mẹ ngoại tình trong ngày ông phá sản. Người đàn ông khốn khổ kia ôm vợ từ trên tầng mười của công trình đang xây dở nhảy xuống, ra đi tại chỗ. Trước khi chết, ông để lại di chúc, ủy thác luật sư bán căn nhà cả gia đình đang ở đi để trả lương cho công nhân, tuyệt nhiên không nhắc gì đến đứa con gái 6 tuổi.

Người ta cũng bàn tán với nhau:

- Con bé Hoài đó chắc chắn là con của bà vợ với người tình, cho nên bố nó mới làm thế chứ.

Họ hàng chẳng nhìn ngó gì đến Hoài, công ty của bố vỡ nợ từ trước khi ông chết, chỉ còn lại cái xác không. Cô bị đưa vào trại trẻ mồ côi, lên 9 tuổi thì được một cặp vợ chồng trung tuổi nhận nuôi. Bố mẹ nuôi rất thương cô, lúc nào cũng coi Hoài như con gái ruột. 

Song thời gian êm đềm kia chẳng kéo dài bao lâu, chỉ được hai năm, hai ông bà ra đi trong một vụ va chạm đường sắt, để lại đứa trẻ mới mười tuổi côi cút giữa cuộc đời.

Kể từ đó, cái danh sao chổi, khắc cha khắc mẹ đã gắn liền với Hoài. Cô cố gắng học tập, làm việc bò lên một vị trí thật cao, gặp được người con trai mình yêu - Luận, nhưng vẫn không thoát khỏi bóng tối của số phận. Gia đình anh không đồng ý cho con trai họ, cháu trai họ lấy một cô gái mồ côi lại có tiếng khắc cha mẹ.

Họ đến trước mặt cô, hết đánh giá lại tặc lưỡi tiếc nuối:

- Cháu nên nghĩ đến vị thế của hai đứa. Thời nào cũng vậy, môn đăng hộ đối thì mới sống lâu bền được. Cháu yêu thằng Luận thì đừng cản trở con đường công danh của nó.

Trước lời của mẹ, Luận chỉ cúi đầu không dám cãi lại. Chưa bao giờ Hoài thấy mình thản nhiên và điềm tĩnh như thế, cô chủ động nói lời chia tay.

Đã được 2 tháng kể từ ngày ấy. Luận lấy vợ, đúng vào hôm nay, trong khi cô đang ở trong căn tập thể của bố mẹ nuôi, chịu dày vò vì cơn đau dạ dày đang quặn lên từng đợt.

Thực ra Hoài không còn buồn và nhớ nhiều về người tình cũ. Cô chẳng phải người lụy tình. Nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo thế này, số điện thoại của Luận lại gọi đến máy của Hoài. Một số mà cô vốn đã xóa đi trong danh bạ, tuy nhiên lại khắc vào trong lòng rất sâu.

Hôm nay là ngày cưới của anh, anh gọi đến đây vì lí do gì? Hoài không nghe, cô không tôn trọng cô dâu, thì cũng phải tôn trọng phẩm giá của chính mình cứ. Thế nhưng Luận cứ gọi dai dẳng, năm sáu cuộc liền vẫn không chịu thôi. Hoài đang định tắt máy đi thì nhận được tin nhắn:

“Anh nhớ em quá ❤. Hoài ơi, anh đã thử rồi nhưng không quên được em. Tại sao có nhiều người ngăn trở chúng mình như vậy? Hôm nay là ngày đám cưới mà anh không yêu nổi vợ, chỉ nhớ em thôi. Em chờ anh được không, anh sẽ ly hôn với cô ta. Chờ mấy năm nữa, anh sẽ đường hoàng mà cưới em.”

Hoài đọc thật chậm từng chữ một, ánh mắt đăm đăm không rời màn hình, ngón tay ấn vào nút gọi.

Người đàn ông bên kia đầu dây hình như đang say rượu, giọng nói cứ khàn khàn:

- Anh cũng biết em nhớ anh mà. Hoài, dạo này em thế nào?

- Anh nhớ em à?

Hoài nhỏ giọng hỏi.

- Ừ, anh nhớ em lắm.

Dịch vị trào ra chua loét, bỗng nhiên Hoài mỉm cười:

- Nếu là con người, không ai ứng xử như anh đâu, anh Luận ạ.

Người đàn ông cứng họng, ấp úng hồi lâu:

- Em nói gì vậy? Anh biết em giận anh, nhưng mà anh cũng bị bố mẹ ép...

- Thôi được rồi! - Hoài cắt ngang. - Tôi định coi anh như người lạ thôi, nhưng giờ anh làm tôi ghê tởm quá rồi đấy. Anh bị ép? Bao nhiêu tuổi rồi, ai ép được anh nếu anh không muốn? Hôm chia tay tôi, anh có mở được cái miệng ra không?

- Anh... em nghe anh...

- Câm! Tôi hỏi anh muốn chia tay à? Anh nói gì? Không, anh chẳng nói gì cả. Anh cúi đầu, hèn hạ không trả lời. Tôi đã nói rồi, tôi tôn trọng quyết định của anh, anh có gia đình, có bố mẹ, là những người anh không thể bỏ rơi. Tôi không quan trọng đến nỗi anh có thể buông bỏ tất cả để theo đuổi thứ tình yêu hão huyền. Tôi thương anh, nhưng không muốn gặp lại anh nữa, từ giờ chúng ta là người xa lạ.

Hoài tựa vào gối ôm bụng, nghiến răng:

- Chờ anh ly hôn để cưới tôi ấy hả? Đừng có mơ, đừng tưởng ai cũng như con điếm cần tình yêu của anh đến nỗi phải làm người thứ ba. Anh thừa biết tôi ghét nhất trên đời là ba chữ người thứ ba cơ mà? À... Phải rồi... Anh coi rẻ mà...

Luận nghe chửi nặng quá, gằn lên trong điện thoại:

- Đủ rồi! Anh thương em, không có nghĩa là em được nói mấy lời quá đáng thế đâu!

- Quá đáng? Anh nói chuyện hài hước vừa thôi. - Hoài vặn lại. - Hôm anh nói chia tay, tôi bị chẩn đoán có nguy cơ xuất huyết dạ dày do làm việc quá sức. Tôi đi làm để làm gì? Anh nói anh muốn mua một căn chung cư. Tôi làm như trâu chó để góp tiền với anh! Hôm nay anh kết hôn, tôi...

Hoài đang định kể về thảm trạng của mình, bỗng nhiên chán chường dừng lại. Cô thở hắt ra:

- Thôi anh không cần biết đâu. Đừng có liên lạc với tôi nữa.

Cô tắt máy, còn cẩn thận đến nỗi rút cả sim ra, bực tức ném điện thoại trên giường. Hoài tự hỏi tại sao mình lại kể khổ nhiều như thế. Vốn dĩ cô đã định giấu kín những thứ đó trong lòng, cho đến khi quên đứt người đàn ông bạc bẽo đó. Có thể vì cơn say và cơn đau đến cùng lúc quá khó chịu khiến Hoài không tỉnh táo. Hoặc có thể... Do cô quá thất vọng trước đôi mắt nhìn người của mình.

- Khốn nạn thật. Sao trước kia mình yêu anh ta được chứ?

Hoài nói rồi vùi đầu vào trong gối, chẳng biết đã ngủ say từ lúc nào. Khi cô tỉnh dậy cũng đã chín giờ sáng. Cô đã nghỉ làm ở công ty, nên chẳng cần dậy sớm để làm cái gì. Nhưng hôm nay, mới có chín giờ mà chuông cửa đã bấm inh ỏi. Hoài chẳng có mấy người bạn, chẳng có ai quan tâm đến nỗi sẽ gọi dựng cô dậy vào lúc này.

Cô chỉnh lại quần áo, mệt mỏi chống tay ngồi dậy để mở cửa.

- Ai đấy?

Bên ngoài cửa nhà là một người phụ nữ trẻ, xinh đẹp, đứng bên cạnh cô ấy là một phụ nữ trung tuổi khác. Người này, Hoài chỉ gặp đôi ba lần, nhưng rất quen thuộc với cô. Bà chính là mẹ của Luận, người đã cấm thẳng cô không được bước vào nhà mình.

- Bác...

Cô lịch sự chào một tiếng. Bà Thy mẹ Luận liếc người cô từ đầu đến cuối, chun mũi phẩy tay khi hít phải hơi rượu thoang thoảng vẫn còn bám trên người Hoài.

- Cô uống rượu? Tôi đã bảo cái thứ đến từ viện mồ côi chẳng hay ho gì mà! Rời xa con trai tôi cô thảm hại đến thế hả? Cô tưởng chỉ cần tỏ ra đáng thương nó sẽ trở về với cô à?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#gshd