Chương 8

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đúng hẹn lại lên!

Chương trước ta đã biết Thân là người của Kim Khái môn, nhưng môn phái này là sao thì phải xem thêm mời biết. Ta cùng đến với chương tám Đề Hồ Truyện.

Tác giả rút lui, cuộc vui bắt đầu.
__________________________________________________
Đề Hồ Truyện
Thể loại: Dã sử, Quân sự, Linh dị, Kỳ ảo.
Chương Tám

Kể từ đêm đó, Thân bắt đầu dành thời gian sang xạ trường học võ chỗ cụ Hợp. Giờ Thân gọi cụ là thầy Hợp.

Mỗi ngày học sinh trường phủ thức dậy vào giữa giờ mão (1). Sau khi vệ sinh, các học trò sẽ bắt đầu dọn dẹp nhà ở, lớp học rồi dùng bữa sáng. Đến giờ Thìn thì bắt đầu tiết học thứ nhất, kéo dài đến đầu giờ Ngọ.

Giữa giờ Ngọ thì bắt đầu dùng cơm trưa. Sau bữa trưa, các học sinh về gian nhà nghỉ trưa. Vào giờ mùi sẽ bắt đầu tiết học thứ hai. Ở tiết thứ hai, ngoài tứ thư ngũ kinh, thi phú, học sinh cũng thường được xếp một môn ngoại khóa, như xạ nghệ, vẽ tranh, trồng cây… Tiết này kết thúc vào giữa giờ Thân.

Riêng Phạm Thân thì được thầy Phó cho ngoại lệ. Sau khi hết tiết học buổi sáng, Thân dùng cơm rồi liền chạy sang xạ trường. Ở đây Thân không được nghỉ trưa mà tập luyện thể lực khốc liệt đến đầu giờ tuất. Mỗi ngày, sau khi tập luyện rã rời thì lại phải chạy về trường phủ thêm một chặng. Tập được năm tháng thì cơ thể Thân đã bắt đầu cứng cáp, dẻo dai hơn nhiều.

Một buổi trưa, thầy hợp đang ngồi trong phòng sách, tầng trệt của tòa nhà ở sân trước xạ trường. Thân thì đang tập đứng tấn ở ngoài sân. Trên người cậu mặc độc một chiếc khố vải. Hai chân Thân đứng trên hai chồng gạch cao. Trên đầu đặt một chén nước. Giữa hai chồng gạch có cắm một nén nhang. Nhang tàn thì Thân sẽ thôi đứng tấn và tập qua động tác khác.

Khi nén nhang còn một đoạn ngắn thì Thân nghe thấy tiếng thầy Hợp kêu cậu vào.

Thân đi vào phòng sách, đến bên thư án nơi thầy ngồi. Thầy bảo Thân lại gần, rồi bắt đầu xoa một thứ rượu thuốc màu nâu nhạt lên khắp thân thể cậu. Thuốc này có mùi rất kỳ lạ, ngoài mùi rượu nồng đậm thì còn thoang thoảng mùi bạc hà. Khi thoa lên da thì chuyển từ màu nâu sang màu vàng.

Thoa xong, thầy Hợp lệnh cho Thân ra sân kéo cung chín mươi cân một trăm lần. Chín mươi cân là mức cung Thân chỉ mới tập gần đây, vẫn chưa quen. Nhưng thầy đã lệnh thì trò phải làm.

Thân kéo đến lần thứ chín mươi thì đôi tay đã mỏi nhừ, lưng nghe ê ẩm, mồ hôi xuất ra đầy người. Thứ thuốc thầy Hợp thoa lên người Thân lúc này cũng đã phai màu đi nhiều, nhưng  khắp thân thể Thân bắt đầu xuất hiện vằn vẹn gân xanh gân đỏ.
Thân mặc kệ, cố gắng kéo mười lần cuối. Sau khi trút hết sức lực, Thân mới miễn cưỡng hoàn thành một trăm lần kéo cung. Thầy Hợp đi ra sân, bắt đầu sờ nắn tay, lưng và chân của Thân.

Xem xong, thầy tỏ vẻ hài lòng, nói:

“Ta đã không nhìn lầm! Trước đây con từng tập qua xạ nghệ, cơ thể lại có thiên phú, nên mới vài tháng đã cứng cáp lên nhiều!... Vài bữa nữa sẽ bắt đầu sang giai đoạn ngâm. Nay nghỉ sớm, con về gọi Nhật Tài mai sang đây ta nói chuyện!”

Thân vâng lời thầy, ra sân sau tắm rửa, mặc lại quần áo. Quay lại sân trước thì thầy Hợp vẫn đang ngồi ở sân đấu uống trà, hút thuốc. Thấy hãy còn sớm, Thân tiến lại hỏi thầy:

“Thưa thầy, khi nãy thầy nói về giai đoạn ngâm, vậy trò phải trải qua tất thảy mấy giai đoạn ạ?”

Thầy Hợp đáp:

“Con sẽ phải qua ba giai đoạn là Xoa, Ngâm, Kỹ!... Xoa là giai đoạn luyện thể lực ban đầu. Giúp cho sức khỏe dẻo dai, xương cốt cứng cáp. Người thường thì mất một đến hai năm. Riêng con thì đúng là đặc biệt, mới năm tháng, ta xoa thuốc lần đầu liền đã thành công! ...Sau khi xoa ta sẽ qua Ngâm. Giai đoạn này là tăng cường tập luyện về thể lực và khí lực. Quan trọng nhất là luyện nhịp thở. Mỗi tháng sẽ ngâm mình trong rượu thuốc hai lần. Việc này sẽ rất đau khổ và kéo dài một năm!... Vượt qua được thì ta đến Kỹ. Kỹ là giai đoạn lớn nhất, chuyên tâm về kỹ thuật sử dụng binh khí và binh thư. Thời gian lại vô chừng, có người học một hai năm là thành danh tướng, nhưng cũng có kẻ học cả đời không thể xuất môn!”

Thân nghe xong thì càng tò mò về Kim Khái Môn. Cậu nói:

“Tuy trò đã là người của Kim Khái Môn, nhưng bản thân lại không biết gì về lại lịch bản môn. Nay trời hãy còn sớm, thầy giảng cho trò với ạ!”

Đầu giờ Thân, trời về chiều, ánh mặt trời đã bớt đi sự gay gắt. Dưới lọng che ở sân thi đấu, thầy Hợp ngồi trên ghế tựa uống trà. Ông lấy một trái cam từ dĩa trái cây trên bàn trà bên cạnh đưa cho Thân. Thân ngồi dưới đất lột cam, thầy Hợp thì nhàn nhã vê những bi thuốc lào cho vào điếu cày.

Lột cam xong Thân đặt lên bàn mời thầy. Thầy lấy một nửa cho Thân. Ông hút một hơi thuốc, nhả khói lên không, rồi bắt đầu kể về lai lịch kỳ bí của Kim Khái Môn cho cậu học trò nhỏ.

Thầy Hợp đã từng nói Kim Khái Môn được lập nên bởi Cương quốc công Nguyễn Xí. Nhưng để có được một thiên tài quân sự, một khai quốc công thần cho nhà Lê thì không thể thiếu công lao của người anh của ông, Nghiêm quận công Nguyễn Biện (2). Chuyện gia đình họ Nguyễn ở xứ Nghệ sớm đã trở thành truyền thuyết.

Chuyện là ở huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quảng, Trấn Nghệ An (3) có một nhà làm muối lâu đời, gia chủ lúc bấy giờ tên là Nguyễn Hợp. Ông sinh được hai người con trai, trong đó người con thứ chính là cha của Nguyễn Xí, tên Nguyễn Hội.

Nguyễn Hội vào những năm tuổi trẻ là một doanh nhân có chí hướng muốn tự tạo dựng, mở mang sự nghiệp. Nên vào nửa cuối thế kỷ mười bốn, ông dẫn vợ là bà Vũ Thị Hạch vào xã Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, trấn Nghệ An, mở thêm một lò muối.

Tại đây, nhờ cần cù chịu khó, hai vợ chồng làm ăn rất phát đạt, muối nhà ông Hội bán lên đến cả các tỉnh miền cao. Sau bà Hạch sinh được hai người con trai, sau này đều là những anh hùng của dân tộc. Người anh tên Nguyễn Biện, người em tên Nguyễn Xí.
 
Đất Thượng Xá vào những năm đó hãy còn là một vùng đất  hoang vu. Ruộng tươi đất tốt ít ỏi, dân cư thưa thớt. Lúc đầu về đây còn nhiều khó khăn, ông Hội nhận thêm việc canh giữ chùa Kim Tự, còn gọi là chùa Vàng. Thường ngày, vào cuối giờ sửu, ông phải thức dậy đi vào chùa điểm chuông chùa.

Thời này tiếng chuông chùa chính là âm thanh báo thức cho bàn dân trong vùng. Nghe chuông mọi người sẽ tỉnh giấc, chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.

Một đêm nọ, trời mát, ông Hội cùng hai con đang nằm ngủ trên sập ngoài hiên. Lúc đang lim dim ngủ thì bỗng một cơn gió lạnh thổi đến làm ông Hội lơ mơ tỉnh giấc.

Vừa mở mắt ông không khỏi giật mình khi thấy một người phụ nữ đang quỳ gối trước sập. Người này chẳng rõ người hay ma, nhìn thế nào cũng không rõ mặt. Bà ta cầu xin rằng:

"Sáng ngày mai, xin ngài gia ân, đừng điểm chuông chùa! Nếu ngài vẫn điểm chuông thì mẹ con nhà thiếp sẽ bị họ giết oan!"

Câu nói vừa dứt thì ông Hội rùng mình tỉnh hẳn, lấy tay dụi mắt, thì người nọ đã không còn thấy đâu nữa. Ông Hội cho là mình nằm chiêm bao. Nhưng sự việc kỳ lạ này làm ông thao thức mãi không ngủ lại được.

Giờ sửu đến, trong lòng ông Hội cứ phân vân, cuối cùng ông chọn tin vào linh tính của mình. Nghĩ chuyện này tất có uẩn khúc nên ông quyết định không vào chùa điểm chuông.

Trời sáng, ông Hội vừa mở cửa đi ra lò muối, thì ông hàng thịt ở cạnh nhà, đầu tóc rối mù chạy sang trách:

"Chết thật! Bác làm tôi lỡ việc rồi! Sáng nay, không nghe tiếng chuông chùa nên tôi không dậy làm thịt lợn để đưa ra chợ bán được, làm bà nhà tôi quần tôi te tua từ sáng đến giờ!”

Nói đoạn ông dừng lại thở vài hơi rồi nói tiếp :

“Mà khốn khổ, con lợn tôi mua về thả trong chuồng chiều qua, sáng nay bỗng sinh ra một đàn lợn con. Không tin bác sang mà xem!".

Ông Hội nghĩ bụng chuyện này tất có liên quan đến người phụ nữ đêm qua. Ông lật đật sang nhà anh hàng thịt xem, thì quả đúng con lợn nái trong chuồng đã sinh ra một đàn lợn con. Đang xem thì ông Hội phát hiện ra một chú lợn con trông rất lạ. Bề ngoài là một con lợn nhưng trên thân mình lại lờ mờ những đường vằn như hổ.

Ông hàng thịt thấy sự lạ lại nghĩ là điềm gở. Ông phát hoảng liền nói với vợ đem giết nó đi. Ông Hội liền cang ngăn, một mực xin tha mạng cho con lợn con. Lấy trong người ra ít tiền, ông Hội xin ông hàng thịt nuôi nó thêm một thời gian, rồi sau ông sẽ mang nó về nhà nuôi.

Một thời gian sau, chú lợn con cứng cáp hơn, trên thân mình những vằn đen bắt đầu nổi rõ, ông Hội đã sang mang về nuôi. Vợ chồng ông Hội nuôi lợn rất kỹ, luôn cho ăn uống kèm tắm rửa. Hai anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Hội cũng rất thích chú lợn kỳ lạ này, thường chơi đùa.

Được chăm sóc chu đáo con lợn lớn nhanh như thổi, chỉ một thời gian sau nó trở thành một con hổ thực sự vạm vỡ. Nhớ tới cơ duyên xưa với chuông chùa Kim Tự, ông Hội đặt tên cho nó là Kim.

Hàng ngày ông Hội dắt Kim bên mình và dạy cho nó cách canh đó (4) và lò nấu muối mỗi khi ông đi vắng.

Cuối tháng ba năm Ất Dậu, 1405, Có người bạn ở làng bên mời ông Hội sang ăn đám tiệc. Trước khi đi, ông Hội dắt Kim ra đập Hạng, nơi ông đang đặt đó đơm tôm cá, rồi âu yếm vỗ vào lưng nó dặn:

"Con ở nhà canh đó và lò muối cẩn thận cho ta. Ta đi sẽ mang thịt về, sáng mai con có quà ăn nhé!".

Bữa tiệc hôm ấy kéo dài đến tận khuya mới tàn. Khi về ông Hội đã ngà ngà say nhưng cũng không quên đem thịt về cho Kim.

Lúc về đến làng, ông bỗng dưng nảy ra ý định ra đập Hạng, thử kiểm tra xem chú hổ mà ông yêu quý có vâng lời không.

Trên bầu trời tối đen bắt đầu vần vũ đổ mưa. Ông Hội lầm lũi vào nơi đặt đó, từ xa thấy con hổ đang ngồi canh chừng. Bất ngờ nó phát hiện có người, liền đề cao cảnh giác. Lại trời tối mưa to nhìn không rõ. Mùi rượu trên người ông Hội cùng nước mưa trên mũi đã vô hiệu hóa khứu giác của Kim.

Tưởng có kẻ gian đang muốn ăn trộm cá của chủ mình, Kim liền lao thẳng vào vồ, khiến ông Hội chết ngay tại chỗ.

Sau khi vồ chết người, con hổ mới nhận ra đó là chủ của mình. Nó khóc, rồi ngoạm xác ông Hội đặt lên lưng, cõng vào khu Đồng Lầm, thuộc làng Mượu Nậy, bới đất an táng chủ.

Sáng hôm sau, không thấy ông Hội trở về, cũng chẳng thấy con hổ đâu. Bà Hạch cùng gia nhân đi hỏi thăm khắp nơi. Sau bà con làng xóm cũng bủa ra đi tìm. Tới chiều mới phát hiện xác ông Hội đã được Kim chôn lấp sơ sài ngay tại Đồng Lầm.

Con hổ nằm canh giữ bên mộ không rời. Dân làng và vợ con ông Hội vào đưa xác ông về chôn thì con hổ nhe răng gầm gừ, nhất quyết không cho mang xác chủ đi.

Hai anh em Nguyễn Xí mấy lần đánh lạc hướng, dụ hổ đi chỗ khác cho gia đinh đưa thi hài cha đến nơi khác an táng, nhưng ban đêm hổ lại mang xác chủ về vùi lấp ở chỗ cũ. Sau nhiều lần thất bại, gia đình đành phải để nguyên ông lại đó.

Kỳ lạ là nơi ông Hội được hổ mai táng, đất cứ nổi dần lên thành một nấm mộ lớn, cỏ mọc xanh um.

Sáng sớm ngày thứ một trăm sau khi ông Hội mất, anh em Biện và Xí ra mả cha dọn dẹp. Khi hai người vừa đến nơi thì thấy con hổ ngậm một quyển sách rách nát đến đặt dưới chân hai người.

Con hổ quay qua dụi đầu vào mả ông Hội, vẻ lưu luyến. Xong, nó quay lưng bỏ đi vào phía núi Riềng. Mặc hai anh em Biện Xí gọi khản giọng nhưng hổ Kim không quay lại nữa.

Bốn lăm ngày sau, vì quá thương chồng, tâm trạng buồn phiền, bà Hạch lâm bệnh nặng rồi đột ngột qua đời, để lại Biện năm đó mười một tuổi và Xí vừa mới lên tám.

Ông Nguyễn Hợp năm đó tuổi đã cao, sợ cũng không còn sống được mấy năm, nhưng thương hai đứa cháu côi cút. Ông quyết định lặn lội, dẫn hai anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí ra trại Lam Sơn nhờ Hào trưởng Lê Khoáng, người từng có giao tình với Nguyễn Hội, cưu mang hai anh em.

Ở trại này hai anh em đã gặp Lê Lợi (5), người sau này giải phóng dân tộc, lập nhà Hậu Lê, và cũng tại đây Nguyễn Biện đã phát hiện quyển sách con hổ tặng là một cuốn kỳ thư.

Tuy cuốn sách chỉ còn nửa sau, nhưng với tài năng quân sự, Nguyễn Biện đã biên soạn lại được sáu phần, lập ra các kỹ thuật chiến đấu cùng binh pháp yếu lược. Đây chính là tiền đề cho Nguyễn Xí hoàn thiện và lập ra Kim Khái Môn về sau.

Chú Thích:
1. Giờ Tý: từ 23 giờ đến 1 giờ sáng.
    Giờ Sửu: từ 1 giờ đến 3 giờ sáng.
    Giờ Dần: từ 3 giờ đến 5 giờ sáng.
    Giờ Mão: từ 5 giờ đến 7 giờ sáng.
    Giờ Thìn: từ 7 giờ đến 9 giờ sáng.
    Giờ Tỵ: từ 9 giờ đến 11 giờ sáng.
    Giờ Ngọ: từ 11 giờ đến 13 giờ trưa.
    Giờ Mùi: từ 13 giờ đến 15 giờ chiều.
    Giờ Thân: từ 15 giờ đến 17 giờ chiều.
    Giờ Dậu: từ 17 giờ đến 19 giờ tối.
    Giờ Tuất: từ 19 giờ đến 21 giờ tối.
    Giờ Hợi: từ 21 giờ đến 23 giờ tối khuya.

2. Nguyễn Biện - (1394 - 1425) người làng Hải Tân, xã Thượng Xá (nay là xã Khánh Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An). Ông là một tướng lĩnh của Lê Lợi, Anh hùng dân tộc Việt Nam, Ông được nhà Lê truy phong tước vị Thái phó Nghiêm Quận Công.

3. Nay là huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

4. Đó - đồ dùng để đón bắt cá, tôm, tép, thường đan bằng tre, nứa, hình ống, có hom đậy.

5. Lê Lợi - Lê Thái Tổ (1385 – 1433) là một nhà chính trị, nhà lãnh đạo quân sự, người đã thành lập một đội quân người Việt và lãnh đạo đội quân này chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của quân đội nhà Minh (Trung Quốc) từ năm 1418 đến lúc đánh đuổi hoàn toàn quân Minh ra khỏi Đại Việt vào năm 1428, lập ra nhà Hậu Lê.
__________________________________________________
Tái bút: Chuyện trên hư hư thực thực, thần thoại, kỳ ảo nên chẳng rõ thật được mấy phần. Các bạn đọc thì cứ xem như giải trí. Mọi sự tương đồng với con người, sự việc ngoài đời thật thì chẳng qua chỉ là trùng hợp

Cảm ơn các bạn đã dành chút thời gian đọc truyện

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lichsu