Chương 9

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ở chương tám ta đã biết người khai mở ra Kim Khái Môn chính là Nguyễn Biện. Qua chương này ta sẽ tiếp tục cùng Phạm Thân tìm hiểu về Kim Khái Môn thông qua cuộc trò chuyện với thầy Hợp.

Tác giả rút lui, cuộc vui bắt đầu.
__________________________________________________
Đề Hồ Truyện
Thể loại: Dã sử, Quân sự, Linh dị, Kỳ ảo.
Chương Chín

Nói tới đây thầy Hợp dừng lại, ăn một miếng cam. Thân ngồi dưới đất mơ màng nhớ tới một chuyện về Nghiêm quận công mà trước đây thầy Phó từng kể ở lớp học.

Vào năm Canh Thân, 1418, tức mười năm trước khi Lê Thái Tổ đánh bại quân Minh, lập ra triều đại mới. Trong nghĩa quân có kẻ phản bội, tên Ái. Kẻ này dẫn quân Minh đánh úp căn cứ nghĩa quân khiến Lê Lợi cùng ba quân bị vây khốn trên núi Chí Linh. Lương thực cạn kiệt, sĩ khí sụt giảm. Lúc đó cấp thiết nhất chính là thoát khỏi vòng vây.

Lê Lợi ra kế hỏi tướng lĩnh:

“Nay thế trận hiểm nguy, có ai dám làm như Kỷ Tín đời Hán (1), thân khoác hoàng bào mà hy sinh thay ta không?”

Trong quân có tướng hậu cần, tên Lê Lai (2) đứng lên, thưa rằng:

“Thần nay nguyện được tử trận thay cho chủ công. Ví như sau này giành được giang sơn thì xin nghĩ đến công lao của thần, khiến cho con cháu muôn đời được nhờ quốc ân, được vậy thần chết cũng nhắm mắt."

Lê Lai là người trung dũng, tính tình cương trực, chí khí lẫm liệt, Lê Lợi thường rất yêu thích. Nay ông xung phong vào cửa tử, trong lòng Lê Lợi rất thương cảm, chần chừ mãi không ra lệnh. Lê Lai chắp tay nói giọng cương quyết:

“Bây giờ nguy khốn thế này, nếu ngồi giữ mảnh đất nguy hiểm, toàn quân sẽ sớm bị diệt. Mấy năm qua sợ là hóa thành vô ích. Nếu theo kế này của chúa công, may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì!”

Lê Lợi rơi nước mắt, ban lệnh cho Lê Lai xuất quân.

Ngoài năm trăm tử sĩ cùng hai thớt voi, thì còn có một vị tướng theo bên Lê Lai, người này chính là Nguyễn Biện. Trước ba quân Lê Lợi khấn với trời:

“Lê Lai, Nguyễn Biện có công đổi áo, sau này khôi phục nghiệp xưa, nếu không nhớ đến công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn triện biến thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn!”

Vừa dứt lời, cửa trại mở ra, trống trận gióng lên dồn dập. Lê Lai, Nguyễn Biện chắp tay chào Lê Lợi cùng chư tướng, rồi xuất quân hướng đến cửa trại giặc khiêu chiến.

Giặc cậy quân mạnh xông ra đánh. Nguyễn Biện cưỡi ngựa, dẫn năm trăm quân cùng hai thớt voi, hộ tống Lê Lai xông vào giữa trận giặc, tả xung hữu đột.

Đánh ác liệt một hồi, cảm thấy không còn chống đỡ được nữa, Lê Lai hô to “Ta đây là chúa Lam Sơn!”. Giặc liền xúm lại vây bắt.

Cả trăm tên giặc Minh cuối cùng cũng cản được ngựa của Lê Lai. Thấy thế, Nguyễn Biện liền xông vào, kéo Lê Lai lên ngựa của mình, chạy phá vòng vây.  Vừa chạy Biện vừa bắn cung. Tên xuất đi không trượt phát nào. Ngay lúc gần thoát thì ngựa của Biện không chạy nổi nữa, khụy té xuống đất.

Hai lần té ngựa, cơ thể Lê Lai đã đến cùng cực, không chạy nổi nữa. Cung của Biện cũng đã gãy. Hai người đấu lưng vào nhau đánh một trận cuối.

Để bắt được hai người võ dũng, quân minh đã bỏ xác đến vài chục tên. Sau khi bắt được chúng liền đem Lê Lai về trại chém đầu, còn Nguyễn Biện thì bị giải về Bắc Kinh.

Sự kiện phá vòng vây này rất nổi tiếng, được lưu truyền đến mãi về sau. Nhưng trước đây, nhiều lần Thân nghe người kể chuyện ở hàng nước hay thầy đồ làng kể lại đều không thấy sự xuất hiện của Nguyễn Biện. Riêng chỉ có thầy Phó là nhắc đến. Cảm thấy khó hiểu Thân đem chuyện này hỏi thầy Hợp.

Thầy Hợp uống một hớp trà rồi đáp:

“Chuyện của ông Biện thì đúng là chỉ có đám sĩ phu là biết ít nhiều!... Nhưng lâu như vậy rồi, người ta cũng chỉ còn nhớ người cải trang Lê Lai.”

Thầy ngưng lại, tay vuốt râu, mắt nhìn xa xăm như nhớ lại một sự việc xưa cũ. Thầy nói tiếp:

“Dân gian truyền nhau “mồng một Lê Lai, mồng hai Lê Lợi” là do vào những ngày tháng cuối đời, Lê Thái Tổ có dặn lại đời sau phải làm giỗ Lê Lai trước mình một ngày. Nhưng thật ra trong những ngày đó, ngài căn dặn lại rất nhiều việc. Từ chuyện quân sự, ngoại bang, kinh tế đến các vấn đề thiên tai, dịch họa. Lúc đó ngài như muốn cố xử lý sự vụ của cả nước trong thời gian ít ỏi còn lại.

Trên giường bệnh, ngài liên tục gọi các đại thần vào dặn dò. Một hôm, ngài gọi Nguyễn Xí cùng Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân vào căn dặn chuyện quốc sự và bàn chuyện kế vị. Vua ban chiếu chỉ cho các đại thần phò Thái tử Lê Nguyên Long lên ngôi, tức hoàng đế Lê Thái Tông (3). Cuối cùng, ngài bảo các đại thần lui ra, riêng Nguyễn Xí thì giữ lại.

Nguyễn Xí ngồi bên giường hầu chuyện. Vua nhắc tới các chiến sĩ năm xưa đã hy sinh, hỏi bao năm nay chăm lo cho gia quyến họ có được trọn vẹn. Xí đáp mọi chuyện ổn thỏa, binh sĩ đều được lưu tên. Ai mất tích thì đều đã cố gắng kiếm tìm. Gia quyến binh sĩ đều đã được ban tiền, cấp đất trồng trọt. Con em các tướng chết trận đều được triều đình đào tạo trọng dụng.  Vua nghe vậy rất hài lòng.

Quân thần hai người ngồi kề bên nhau ôn lại chuyện năm xưa tung hoành trận mạc. Sau lại nói đến trận phá vòng vây năm Canh Thân.

Năm đó, trên núi Chí Linh, các tướng có đề ra vài kế phá vòng vây, nhưng Lê Lợi đều không chịu kế nào. Tối đó, Nguyễn Biện xin diện kiến Lê Lợi để hiến kế phá vây:

“ Bẩm chúa công, quân giặc đặt trại quanh núi, chốt chặn chủ yếu ở bốn con đường hiểm yếu. Nghĩa quân muốn xuống núi, tất phải qua một trong bốn đường. Thần đã do thám được quân số tại các trại có sự chênh lệch.

Một trại chính là nơi đại quân đang đóng, quân số rất lớn. Ba trại  phụ đóng ở nơi địa thế nhỏ hơn, quân số trên dưới ba ngàn. Ngoài ra còn có năm sáu trại nhỏ rải rác xung quanh. Các trại này có sự phối hợp điều động binh lực rất nhịp nhàng.

Trong hai lần nghĩa quân tổ chức phá vây, quân giặc hễ thấy chúa công ở nơi nào thì liền điều quân về nơi ấy đánh giết. Trước ta cũng đã thử kế chia quân tập kích các trại, nhưng binh lực quân ta quá mỏng chưa kịp tạo lỗ hổng liền bị quân tiếp viện của địch đánh bật lại.

Nay hạ thần xin hiến kế!... Ta cho ba người đóng giả chúa công, cùng thần đánh vào một trại phụ. Khi quân Minh bắt đầu dồn về phía chiến sự thì đại quân của chúa công phá vòng vây đánh ra ở nơi khác. Mấu chốt của kế này nằm ở người giả và thanh thế.

Toán quân đánh lạc hướng ở trại phụ không những thanh thế phải lớn mà còn phải đoạt được thế thượng phong ở giai đoạn đầu. Phải làm cho giặc kinh sợ, tương là chúa công ra quân thật.

Như vậy chúng sẽ phải kéo quân từ trại chính sang. Khi quân giặc rút ra từ trại chính, thì đại quân ta phải tức tốc đánh thẳng vào trại chính. Vì các trại phụ binh lực ít, quân Minh luôn đề cao cảnh giác, phối hợp tiếp viện, nên ta phải đánh vào nơi chúng không ngờ đến nhất.”

Lê Lợi rất hài lòng với kế này. Ngài hỏi về việc sau khi thoát ra rồi sẽ hội quân với Biện ở đâu. Biện thật lòng đáp:

“Toán quân đánh lạc hướng ở giai đoạn hai sẽ kéo dài thời gian càng lâu càng tốt và... chín phần là hy sinh!”

Lê Lợi nghe những lời này thì biết rõ Nguyễn Biện đang nói khéo, trận này chắc chắn mười phần là không ai thoát được. Còn Biện sẽ ra trực tiếp chỉ huy, sợ cũng không trở về được nữa. Không muốn mất đi ái tướng bên mình bao năm, Lê Lợi liền không muốn quyết kế này.

Lúc này có một người lẫm liệt bước vào, quỳ xuống nói:

“Bẩm chúa công, kẻ làm tôi thì phải xả thân vì chủ!.. Nếu Chúa công chần chừ không quyết thì sợ là quân thần sớm sẽ chung mạng mà diệt vong trên núi này!”

Người vừa vào chính là Lê Lai. Nguyễn Biện cũng đến bên Lê Lai cùng quỳ xuống nói:

“Chúng thần đã bàn kế kỹ lưỡng. Trong quân ta vóc dáng giống chúa công nhất cũng chỉ có Lê Lai. Ngón gươm đất Hoan Châu đứng nhất là chúa công thì nhì cũng chỉ có Lê Lai!... Nay chúng thần quyết cược một trận, dốc cả mạng cho nghĩa quân ta một con đường máu mà hồi sinh, mưu đại nghiệp!”

Lê Lợi thấy hai người quyết tâm thì trong lòng hiểu đây đã là cách cuối cùng. Ông cũng không lạ cái kỳ tài của Nguyễn Biện, binh võ đã sớm thành tài. Biện thân cận với ông đã hơn mười năm, tình thâm như ruột thịt. Lê Lai lại là người lo hậu cần cho nghĩa quân chu đáo, thiếu Lê Lai thì ra trận như rách áo, gió thổi sau lưng. Biết mai đây sẽ mất đi hai mãnh tướng lòng Lê Lợi đau đớn không thôi.

Hôm sau mọi việc được thông báo cho ba quân tướng sĩ. Lê Lợi đứng ra khấn trời y như lời thầy Phó đã kể. Nhưng khác biệt lại nằm ở quá trình đánh nhau phía sau.

Nguyễn Biện cắt râu tóc Lê Lai cho giống Lê Lợi, rồi khoác áo bào của Lê Lợi lên bên ngoài áo giáp Lê Lai. Lần ra quân này hai người dẫn theo năm trăm thân quân, hai thớt voi và năm mươi thớt ngựa. Năm trăm quân này là kỳ binh đã được Nguyễn Biện tôi luyện từ những ngày đầu theo phương pháp trong kỳ thư.

Trang bị, vũ khí, ngựa giáp Lê Lợi đều dốc túi bỏ ra không tiếc. Thời điểm đó lực lượng nghĩa quân còn yếu mà Lê Lợi chịu bỏ ra như vậy là đã hết lòng. Trong tâm ngài vẫn mong hai ái tướng có được một con đường thoát 

Quân Nguyễn Biện và Lê Lai kéo đến đánh một trại phụ của địch nằm gần một con đường hẹp xuống núi. Thường thì đại quân sẽ không thể đi qua được nơi này, nhưng với năm trăm binh của Biện thì không khó. Hơn nữa, đây là trận địa Biện đã dày công chọn lựa và điều tra quân địch kỹ càng.

Theo kế, ngoài Lê Lai, Nguyễn Biện còn bố trí cho hai binh sĩ có dáng người xấp xỉ Lê Lợi mặc áo bào vàng. Địch thấy có hai người mặc áo bào màu vàng trên lưng voi thì sẽ nghĩ đó là Lê Lợi mà xua quân ra đánh.

Biện đã điều tra qua tên chỉ huy trại này. Hắn là một tên Việt gian, tính rất đa nghi và đã từng thấy qua Lê Lợi. Dựa vào sự đa nghi của tên này, Biện bày ra một ổ liên hoàn kế.

Ông vừa tạo thanh thế cho giống chủ tướng xuất binh, lại vừa dùng Lê Lai có dáng vóc, võ thuật gần giống Lê Lợi. Sau lại tiếp một chiêu kế lồng trong kế, lập hai người giả thế mạng cho Lê Lai, sau cùng mới đưa Lê Lai ra. Với toàn bộ sự sắp xếp này vẫn cần binh lính mạnh mẽ, tinh thần quả cảm như liều chết bảo vệ chủ công, thì địch mới hoàn toàn bị lừa, tin tưởng chúa Lam Sơn đã thật sự xuất binh. Còn nếu tướng địch gặp ba người giả mà đâm phân vân, chần chừ thì đó chính là hắn đang tự đào mồ chôn.

Trận chiến diễn ra, Nguyễn Biện dẫn hai trăm quân ra khiêu khích trước. Hơn ngàn quân địch cậy mạnh liền ùa ra như sói đói lập công.

Đánh chưa được bao lâu thì Biện lùi quân về ba dặm, quân giặc liền đuổi theo. Quân Biện liền rút vào đường hẹp lên núi, dựa địa hình cao đánh xuống. Nhưng cũng ngay lúc này một trăm nghĩa quân, dẫn đầu là một thớt voi, ẩn nấp trong bìa rừng liền túa ra đánh chặn hậu quân địch.

Chiêu này đơn giản nhưng thường hiệu quả. Tên đạn quân địch bắn như mưa như nhờ trang bị tương đối tốt với khiên dày giáo nhọn, đội hình chặt chẽ mà quân Nguyễn Biện giảm được mức thương vong xuống mức thấp nhất.
 
Khi đã vào đánh áp sát, mấy trăm quân của Nguyễn Biện có sức chiến đấu tốt, phối hợp tiến lui nhịp nhàng, lại đánh từ vào hai hướng, nên liền có thể giết địch như cắt cỏ.

Địch bất ngờ bị chặn hai đầu, không kịp phản ứng liền bị đánh cho lao đao, liên tục nhận thương vong.

Trong quân địch đã dần xuất hiện sự hoảng loạn, lại thấy trong đám quân mới xuất hiện có người ngồi trên lưng voi mặc áo vàng. Sợ uy chúa Lam Sơn thì lại càng hoảng. Chưa biết thật giả liền phát tính hiệu kêu cứu về phía trại.

Quân trong trại do đích thân tướng địch liền kéo ra. Khoảng cách không xa nên rất nhanh quân tiếp viện của địch đã gần đến nơi. Ngay lúc này một trăm nghĩa quân cùng một thớt voi khác từ bìa rừng xông ra đánh chắn trước mặt quân tiếp viện.

Tướng địch thấy hai người trên lưng voi đều mặc áo vàng, dáng người nhìn từ xa cũng có phần giống chúa Lam Sơn. Nhất thời không phân biệt được liền dừng lại, Chia mấy trăm bộ binh cùng kỵ binh tiến lên đánh vào, nhất quyết phải bắt sống hai tên áo vàng.

Quân tiếp viện của địch vừa đánh vào thì trong trại địch liền có khói bốc lên nghi ngút. Tướng địch thấy cảnh tượng thì hơi hoảng, liền cùng hai ba trăm quân quay đầu, kéo về lại trại.

Về đến nơi thì lại thấy kỵ binh tập kích. Lúc nãy kéo quân ra chỉ để lại vài chục binh sĩ bảo vệ. Năm mươi kỵ binh của Nguyễn Biện nhân cơ hội liền từ trong rừng chạy đường vòng đánh vào trại địch, ra sức đốt giết.

Kỵ binh thấy tướng địch dẫn binh đánh vào trại thì liền tháo chạy ra bên hông. Rồi tiếp tục chạy vòng đến chiến địa ở đường hẹp đánh thúc vào phía sau lưng quân địch. Vài trăm quân của tướng địch toàn là bộ binh, căn bản hai chân không chạy lại bốn chân, vừa rồi chạy liên tiếp hai vòng đâm hụt hơi, giờ đã bị kỵ binh bỏ xa.

Trong một khoảng thời gian ngắn, vài trăm quân của Nguyễn Biện lợi dụng địa hình rừng núi, ẩn nấp thực hiện ba lần bao vây quân địch. Một ngàn quân đầu tiên của địch cuối cùng không chống cự lại được quân của Biện trên núi đánh xuống, liền liều mình, dồn sức đánh toán quân có hai thớt voi ở phía sau. 

Quân Minh thương vong nặng nề, thay chất đống ở ngã vào đường hẹp. Bốn trăm quân còn lại chật vật lắm mới rút về lại được bình địa phía trước doanh trại, hợp quân với tướng địch.

Bên nghĩa quân tuy thắng trận đầu như cũng đã mất hơn trăm tử sĩ cùng một thớt voi. Sự thành công duy nhất của quân giặc đến lúc này chính là bắt sống được một người cải trang Lê Lợi.

Thấy tình hình không ổn, tướng địch đã hơi hoang mang, tâm lý bắt đầu chần chừ. Trong lòng hắn lo sợ đánh thêm nữa mà chẳng may đại quân của nghĩa quân vọt ra từ đâu đó đánh tới thì có mà tan nát. Sau lại lo nếu trong đám quân này có chúa Lam Sơn thật mà còn vượt qua được, trốn thoát thì đầu hắn cũng rơi. Do dự, tướng địch liền thu quân vào trại. Sau cử tốc mã đi cầu viện trại chính. 

Chú Thích:

1. Kỷ Tín ( ?- 204 TCN) là một võ tướng của Hán vương Lưu Bang. Trong cuộc chiến Hán Sở tranh hùng, khi Lưu Bang bị Tây Sở Bá vương Hạng Vũ vây rất ngặt ở thành Huỳnh Dương, thế khó thoát, nhờ Kỷ Tín đóng giả làm Hán vương để lừa Hạng Vũ, nhờ thế Lưu Bang mới thoát nạn được.

2. Lê Lai là một tướng lĩnh tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn. Ông sinh ra ở huyện Lương Giang, Trấn Thanh Hoa (nay là huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), cha tên là Lê Kiều, nối đời làm chức phụ đạo trong vùng, con lớn tên Lê Lạn, con thứ là Lê Lai.

Lê Lai được sử gia Lê Quý Đôn miêu tả trong sách Đại Việt thông sử là có tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả lẫm liệt, lo việc hậu cần cho Lê Lợi rất chu đáo. Ông được coi là một anh hùng, một tấm gương trung nghĩa với sự kiện nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là cải trang thành Lê Lợi và bị quân Minh giết chết.

3. Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân là những công thần khai quốc nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam.

Lê Thái Tông (năm 1423 – năm 1442), tên húy Lê Nguyên Long, là vị hoàng đế thứ hai của hoàng triều Lê nước Đại Việt. Thái Tông trị vì từ năm 1433 cho tới khi mất năm 1442, tổng cộng 9 năm.
_________________________________________________
Tái bút: Chuyện trên hư hư thực thực, thần thoại, kỳ ảo nên chẳng rõ thật được mấy phần. Các bạn đọc thì cứ xem như giải trí. Mọi sự tương đồng với con người, sự việc ngoài đời thật thì chẳng qua chỉ là trùng hợp

Cảm ơn các bạn đã dành chút thời gian đọc truyện

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lichsu