Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 3:

  Tôi biết giờ phút này, nếu tôi từ chối anh, tôi sẽ gián tiếp cắt đứt đi tương lai của chính em trai mình. Em tôi còn bé, nó còn cả chặng đường phía trước, tôi không muốn em sẽ gắn liền cuộc đời em với xe lăn và giường bệnh.

  Tôi kí thật nhanh vào tờ giấy hợp đồng. Anh nói tôi sẽ làm cho anh trong vòng mười tám tháng, hết kì hạn hợp đồng nếu tôi muốn tiếp tục làm thì sẽ gia hạn hợp đồng. Tôi cầm tiền rồi lao đi nộp viện phí, hi vọng em có thể được mổ gấp.

  Sau một tháng, nhờ vào số tiền của anh giúp, em trai tôi mổ lấy máu đông thành công, em về nhà với mẹ, còn tôi tiếp tục quay lại thành phố đi làm. Sau khi mổ cho em tôi không còn dư nhiều tiền, chỉ còn khoảng chục triệu đồng, tôi để lại toàn bộ cho mẹ để mẹ lo cho em, khi quay lại thành phố trong túi tôi còn đúng hai trăm nghìn.

  Tôi gọi điện cho anh Quân ra đón. Anh ra đón tôi rồi đưa tôi lên nhà anh. Anh nói để tiện cho việc nấu nướng dọn dẹp, từ giờ tôi chuyển đến nhà anh sống và coi như giúp đỡ việc nhà cho anh. Tôi không thấy anh gọi tôi là người giúp việc, anh chỉ coi tôi như một người đến nấu cơm hàng ngày, giúp đỡ anh. Cách nói chuyện của anh tôi nhận thấy anh là một người rất tinh tế và ấm áp.

  Anh dọn cho tôi một phòng lớn để ở. Phòng có đầy đủ tiện nghi, có điều hoà và bàn trang điểm. Ga giường và chăn gối đều rất sạch sẽ. Tủ quần áo cũng rất lớn, khi mở ra tôi thấy có sẵn mấy bộ ga gối để thay, còn có thêm một vài bộ quần áo phụ nữ. Nhìn thấy còn nguyên mác và giá tiền, tôi đem sang phòng hỏi anh. Anh chỉ cười bảo.

- Coi như là quà anh tặng em, mấy bộ này mặc thoải mái lắm. Trước anh mua để tặng mà người ta không nhận. Thôi thì em nhận đi. Dù gì để đó anh cũng không mặc được.
- Vậy thì em cảm ơn anh. Đồ đắt tiền thế này em cũng không dám nhận, nhưng để không thì nó phí anh nhỉ?
- Ừ ! - anh cười.

  Anh sống một mình trong một căn biệt thự hai tầng. Nhà anh rộng dãi nhưng cảm giác rất trống trải. Một mình anh có tới ba chiếc ô tô, tôi không biết nó bao nhiêu tiền nhưng nhìn qua cũng biết giá của nó không tầm thường. Anh có nói với tôi anh và bố mẹ không sống cùng nhau mấy năm nay, phần vì anh muốn tự lập, phần vì anh muốn có không gian riêng tư hơn. Anh hay đi làm về muộn nên nhà cửa trống vắng, nên anh muốn thuê một người dọn dẹp và trông nhà để căn nhà bớt hiu quạnh.

  Công việc của tôi thật sự rất nhàn hạ. Đồ ăn thì có người giúp việc nhà bố mẹ anh đem qua, tôi chỉ cần nấu cho anh bữa sáng và tối vì trưa anh hầu như là đi làm, không mấy khi ăn trưa ở nhà. Cuối tuần anh ở nhà cả ngày, hôm đó anh sẽ cùng tôi dọn vệ sinh toàn bộ căn nhà. Nhà anh tuy chỉ có hai tầng nhưng không gian trống rộng, mỗi lần dọn cũng phải hết nửa ngày. Nhưng anh rất tâm lý, mặc dù tôi là người làm của anh nhưng đa số những việc nặng nhọc anh đều làm hết, còn những việc như lau nhà thì tôi làm. Nhà anh có máy hút bụi, có cây lau nhà hiện đại, nên việc lau quét nhà với tôi khá đơn giản. Đôi lúc tôi làm xong việc trước thì chạy lại tới giúp anh, nhưng anh cứ khăng khăng đuổi tôi ra ghế ngồi vì sợ tôi mệt.

  Làm ở nhà anh sáu tháng, tôi dần trở nên thân thiết với anh hơn. Sau sáu tháng, em trai tôi đã trở về cuộc sống bình thường, sau đầu chỉ có một vết sẹo nhỏ, tóc mọc lên chút là có thể che hết. Thi thoảng tôi về thăm nhà thì anh cũng hay theo tôi về cùng. Nói là muốn hưởng chút không gian yên tĩnh thanh bình ở quê. Mỗi lần anh đến chơi là mẹ tôi lại đi chợ mua đồ đạc về nhiều lắm, mẹ biết chuyện anh giúp đỡ tôi có tiền mổ cho em nên mẹ coi anh như ân nhân vậy.

  Sống với anh sáu tháng chung nhà, tôi cũng biết được một số chuyện của anh. Gia đình anh có hai anh em, anh là út. Bố mẹ anh đều là doanh nhân, kinh doanh một chuỗi nhà hàng khách sạn quốc tế. Anh không theo sự nghiệp của bố mẹ mà mở hai cửa hàng kinh doanh thiết kế trang sức, vàng bạc. Thời gian đầu mới lập nghiệp, anh nói cũng khó khăn lắm. Mẹ anh có ngỏ ý giúp đỡ nhưng anh nhất định không nhận, anh muốn đi lên bằng thực lực của mình. Tôi nhìn anh mà ngưỡng mộ vô cùng. Tài giỏi, đẹp trai, con nhà gia giáo. Ai bảo, khi sinh ra người ta đã ở vạch đích rồi cơ chứ.

  Anh năm nay tròn ba mươi tuổi, nhưng trông anh như mới hai bảy cái xuân thôi. Lần đầu gặp anh có nói anh ba mươi tôi cũng chẳng tin. Anh hơn tôi mười tuổi mà khi tôi đứng cạnh anh trông chẳng kém tuổi hơn anh là bao ấy.

Gia đình anh là gia đình quyền quý, nhưng khi gặp mẹ anh, tôi thấy bà ấy thật sự rất nhẹ nhàng, không giống mấy bà hàng xóm có tí tiền như ở quê tôi, không coi ai ra gì. Mẹ anh nói chuyện nhỏ nhẹ, cũng không có ý khinh miệt người thấp kém hơn mình, nói chuyện một câu cô hai câu cháu. Có lần mẹ anh đến thăm, tình cờ thấy tôi ở đấy, sau hỏi ra mới biết tôi được anh thuê về, bà niềm nở kéo tay tôi hỏi chuyện.

- Cháu tên gì, nhà ở đâu?
- Cháu tên Hà, nhà cháu ở dưới Hải Dương, nhưng nghèo lắm cô ạ.
- Ui giời, nghèo giàu quan trọng gì. Cháu làm lâu chưa, quen việc không? Thằng Quân nó đối xử với cháu tốt không?
- Cháu làm cũng nhàn lắm ạ. Anh Quân không bắt cháu làm nhiều việc, anh ấy tốt lắm ạ. Thi thoảng hay cho cháu quần áo, còn dạy cháu học tiếng Anh nữa ạ.
- Ừ, thi thoảng bác qua chơi. À, bác mang sang quả dưa ngon lắm, bác trai đi công tác nước ngoài mua về, lát nhớ bổ ra ăn nhé.

  Bác ấy rất nhẹ nhàng, tình tính tốt như thế. Nhưng anh Quân nói, bố anh trái ngược với mẹ anh hoàn toàn. Ông nghiêm nghị và khó tính, trong mắt ông chỉ có con cả là giỏi giang, còn đứa con thứ chỉ là đồ bỏ đi.

  Sống cùng anh một thời gian, tôi mới phát hiện ra anh có chứng bệnh lạ. Anh không nhận thức được màu đỏ và xanh, theo như tôi tìm hiểu, đó là bệnh mù màu. Bất kể đồ vật nào có màu đỏ hoặc xanh lá anh đều không nhận ra được. Tôi phát hiện ra được là khi tôi mua mấy đôi dép lê đeo trong nhà về, chúng toàn là màu xanh lá, nhưng anh lại nói rằng.

- Sao lại mua dép màu đen thế em? Trông tối quá.
- Ơ, đây là màu xanh lá mà anh.

  Hoặc thi thoảng tôi nấu chè đậu đỏ, anh lại nói tôi.

- Chè đỗ đen em nấu ngon lắm.

  Tôi dần nghi hoặc. Đến khi tôi hỏi ra, anh mới bật cười rồi nói với tôi.

- Mắt anh không nhìn được màu xanh đỏ.

  Lúc mới phát hiện ra tôi cũng hơi bàng hoàng, trần đời tôi chưa bao giờ nghe thấy chứng bệnh này cả. Sau một thời gian tìm hiểu trên mạng tôi mới biết, 7% nam giới sẽ mắc bệnh này, anh lại vô tình lọt phải 7% đó. Bệnh của anh cũng nhẹ, thi thoảng anh vẫn sẽ nhìn thấy màu xanh lá nhạt hoặc đỏ nhạt, nhưng nếu đỏ đậm hoặc xanh đậm thì anh sẽ nhìn thành màu đen.

  Nghe thấy thế tôi thương anh vô cùng.
...

  Bẵng đi một thời gian êm đềm thì cuộc đời tôi có hai sự kiện sảy ra.

  Mẹ tôi trở bệnh nặng. Bà nhập viện rồi em trai mới gọi cho tôi. Và sự kiện thứ hai là con Hà có bầu, nhưng bố đứa bé không chấp nhận cưới nó.

  Tôi xin anh nghỉ một tuần để đến bệnh viện chăm mẹ, cùng lúc ấy tôi gặp con Hà đi từ khoa sản ra. Tôi mới lao đến gọi nó. Mới tuần trước còn đến thăm nó mà tuần này nhìn nó đã xanh xao, xác xơ. Nó vừa khóc vừa ôm lấy tôi.

- Thằng trời đánh đó không nhận con mày ạ.
- Rồi giờ mày tính sao? Chẳng lẽ ôm nguyên cái bụng bầu.
- Tao không biết, tao phải làm gì đây mày ơi? Đẻ nó ra thì lấy đâu tiền nuôi nó, mà bỏ nó đi thì khổ, nó là máu mủ của tao mà. Tao làm gì nỡ bỏ.
- Thôi còn nước còn tát. Mày về nhà nghỉ đi, tao đang chăm mẹ. Rảnh tao qua với mày.

   Tôi chia tay nó để vào chăm mẹ mà lòng cứ mắc nghẹn. Khổ thân con bé, giờ nếu đẻ đứa bé ra mà không cho nó ăn uống đầy đủ cũng khổ, mà bỏ nó đi thì thất đức lắm. Tôi thấy trên ti vi người ta hay nói bỏ thai sau này sẽ khó có con lại, như thế thì cuộc đời nó sau này sẽ về đâu? Chuyện yêu đương của nó tôi hoàn toàn không biết gì, vì chả bao giờ nghe nó kể về người yêu hay người tình nó cả.
...

Tôi xuống gặp bác sĩ nói chuyện về tình hình bệnh của mẹ, bác sĩ nhìn tôi lắc đầu nói.
- Mẹ cháu bị ung thư gan rồi, đã sang giai đoạn 4 rồi. Giờ tế bào ung thư lan ra khắp cơ thể, bệnh nhân giờ chỉ có giữ tinh thần ổn định mà cố gắng sống tiếp thôi. Mẹ cháu ăn uống không đủ chất, hay lo nghĩ, lại làm việc trong môi trường vệ sinh kém nên bệnh càng kéo dài thêm. Thôi, chúng tôi cũng hết cách rồi.
- Mẹ cháu còn có cách nào cứu giúp không, cháu xin chú, chú đừng để mẹ cháu về.

  Tôi khóc lóc cầu xin vị bác sĩ. Làm sao có thể là ung thư được, tôi nghe nói ung thư rất khó chữa.

- Bây giờ thật sự muộn rồi, nếu có xạ trị sẽ tốn rất nhiều tiền, mà giờ mẹ cháu cũng cao tuổi rồi, xạ trị khả năng bà ấy cũng không chịu được đau đớn. Tôi khuyên gia đình nên đưa bà về nhà, sống tiếp những ngày tháng vui vẻ với con cháu. Thực xin lỗi.

  Tôi gần như lê lết đôi chân ra khỏi phòng bác sĩ, nước mắt rơi lã chã. Tôi còn chưa kịp báo hiếu cho mẹ, chưa kịp để mẹ nhìn tôi lấy chồng, chưa kịp đưa mẹ đi du lịch như tôi đã từng hứa. Cuộc đời, đôi khi chúng ta nhận ra điều gì đó có ý nghĩa, thì lại đã quá trễ rồi.

  Tôi ngồi ngoài hành lang bệnh viện, lặng lẽ khóc. Bây giờ bước vào phòng bệnh nhìn mẹ nằm đó, chắc tôi sẽ không chịu nổi mất. Phải hơn một tiếng sau, tôi mới ngừng khóc mà bước vào bệnh viện.

- Sao mắt sưng thế con? Con khóc à? -
Mẹ tôi dường như đã nhận ra điều khác thường.
- Không mẹ, tại con gì nó bay vào mắt, con lấy mãi không ra, dụi nên mắt đỏ ấy.
- Ừ, thế bác sĩ bảo sao? Mẹ bị bệnh gì?
- Mẹ chỉ bị ốm nhẹ thôi, suy nhược cơ thể ấy. Con bảo mẹ rồi, con đi làm có tiền, mẹ cứ cố gắng ăn uống vào chứ. Con đủ tiền nuôi mẹ mà. - tôi nhẹ nhàng trách mẹ.
- Ừ, mẹ biết rồi. Thế mẹ sắp được ra viện chưa?
- Chiều mẹ ơi, chiều mẹ con mình về nhà nhé.

  Đúng lúc ấy có chuông điện thoại vang lên, tôi lấy cớ nghe điện thoại rồi ra ngoài. Là anh Quân gọi.

- Sao rồi em, bác ốm nặng không? Anh bận quá chưa kịp vào.

Chẳng hiểu sao nghe giọng Quân tôi lại thấy nhẹ lòng, cảm giác như có chỗ bám vào vậy. Tôi càng được lúc khóc to.

- Mẹ em bị ung thư, giai đoạn cuối rồi. Anh ơi, em phải làm sao để cứu mẹ đây.
- Ngoan, đừng khóc. Em càng khóc càng mất bình tĩnh, làm sao mà cứu mẹ đây. Ở yên đó lát anh đến.

  Quân an ủi tôi. Tôi chỉ có một người bạn thân, nhưng giờ nó cũng thành ra như thế, tôi không muốn làm nó thêm phiền lòng. Và người thứ hai làm tôi cảm thấy được an ủi chính là Quân. Anh chỉ là người chủ nhà thuê tôi làm việc, nhưng hai lần gia đình tôi có chuyện, anh đều là người duy nhất giúp tôi.

  Khoảng 30 phút sau thì Quân đến. Anh nhìn thấy tôi thì chạy lại gần.

- Bác sao rồi, bác có biết mình bị bệnh không?
- Không anh ạ, em giấu mẹ rồi. Hiện tại mẹ em không biết gì cả. Bác sĩ trả về rồi anh, em phải làm sao đây?
- Cứ giấu bà, đưa bà về nhà. Lát anh sẽ đưa mẹ con em về quê. Em đừng khóc, mẹ biết em khóc sẽ nghi ngờ đó.

  Nghe thấy thế tôi dừng khóc lại. Phải rồi, mẹ tôi mà biết được thì bệnh tình sẽ càng nặng hơn, tôi không muốn mẹ rời xa chúng tôi nhanh như thế.

  Chiều đó, anh quay lại bệnh viện, giúp mẹ con tôi xuất viện, toàn bộ viện phí anh đều đóng. Anh không đưa mẹ con tôi về quê mà anh đưa mẹ con tôi về nhà anh.

  Mẹ tôi thấy Quân thì thích lắm. Trước mỗi lần anh về quê là bà mua đồ lớn đồ bé, bắt tôi nấu cho anh ăn mấy món đặc sản quê tôi. Quân là người dễ gần, với ai cũng nói chuyện thân thiện hoà đồng, lại hay nói đùa, mỗi lần anh nói điều gì vui là mẹ tôi lại cười tít.  

- Cứ để mẹ em ở đây chơi mấy hôm, em dễ chăm sóc, làm cho mẹ vui vẻ rồi hãy đưa mẹ về quê. Ở đây cũng gần bệnh viện, khi nào về quê thì qua viện khám thêm một lần đi.

  Tôi cảm kích nhìn anh, bỗng thấy anh đỏ mặt.

- Em mà nhìn anh như thế anh sẽ cho là em thích anh đấy.

Lần này tới tôi đỏ mặt.

  Thường ngày tôi hay nói chuyện phiếm với mẹ, nấu cơm chờ Quân về rồi ăn. Nói thật ở gần Quân lâu ngày, tôi cũng thấy có tình cảm với anh. Là thích, chứ chưa phải yêu. Nhưng anh cứ tinh tế nhẹ nhàng, lại chu đáo thế thì khả năng tôi yêu anh sẽ không ít. Tôi biết mình không xứng với anh, vậy nên tôi sẽ cố gắng chôn chặt tình cảm này của mình.

  Mười một giờ Quân về, nhìn thấy cơm canh nóng hổi, có hai người đợi mình về ăn cơm, tâm trạng anh cảm thấy vui vẻ không ít. Anh đùa một câu.

- Cháu thấy chúng ta như một gia đình ấy. Vợ cùng mẹ vợ chờ cơm con rể.

Mẹ tôi thấy anh đùa thế còn cười, cũng đùa lại một câu.

- Thế Quân thấy con gái cô thế nào, có đạt đủ tiêu chuẩn làm vợ cháu không?
- Hì, cháu chỉ sợ cô chê cháu già thôi, cháu hơn em Hà đến tận mười tuổi, thêm vài cái tuổi nữa khéo em Hà gọi cháu là chú ý.
- Ui tuổi tác có là gì, cô với bố cái Hà còn kém nhau tới mười sáu tuổi đây này.
- Thế nếu em Hà không chê, mấy hôm nữa con đưa mẹ vợ về nhà, tiện con dẫn bố mẹ con về cùng, làm vài mâm ăn hỏi rồi cưới luôn.

Người ngoài cuộc như tôi chỉ biết câm nín, đỏ mặt.
...

  Một tuần sau quả nhiên anh đưa mẹ con tôi về quê thật, nhưng không có dẫn bố mẹ anh theo cùng đâu nha.

  Nhà tôi nghèo nhưng được cái nhà cửa rộng dãi, nhà từ thời ông bà để lại còn khang trang đẹp đẽ nguyên vẹn. Ông bà tôi trước cũng giàu có, dần dần tài sản lụi bại, đến khi cưới mẹ tôi về thì còn mỗi cái nhà cho con cháu. Qua bao năm tháng, ngôi nhà vẫn vững chãi đẹp đẽ, chỉ có bức tường đã phủ rêu phong minh chứng cho thời gian.

  Anh nó sẽ ở chơi nhà tôi hai hôm, vì là hai hôm cuối tuần nên anh không phải đi làm. Mẹ tôi mừng ra mặt, các em tôi càng thích hơn. Anh mua sách vở cho cả hai đứa, lại cho hai đứa tiền tiêu vặt, mỗi lần tôi cấm anh làm thế thì anh lại nói.

- Coi như anh có công với nhân tài đất nước vậy, sau này chúng nó ra trường nhất định anh phải bắt hai đứa nó về công ti anh làm việc.

  Anh nói chuyện xa quá, chúng nó giờ một đứa mới lớp mười hai, một đứa mới lớp chín, nhanh lắm cũng phải mất hơn năm năm để đứa lớn học xong, lúc ấy liệu anh còn quen biết tôi nữa không?
....

   Tối đến tôi ngủ với mẹ, anh ngủ với hai nhóc kia bên xong. Nằm cạnh mẹ xoa xoa bàn tay mẹ tôi mới thấy mẹ gầy đi nhiều. Tôi có nói chuyện với hai đứa em, bảo hai đứa giấu mẹ không được cho mẹ biết, hai đứa khóc cả một buổi tối mới nín. Cảm xúc ấy tôi biết, biết một người sắp rời xa mình mà không làm gì được đau lòng lắm chứ. Mẹ nắm tay tôi, xoa xoa, giọng mẹ rất ấm.

- Con thấy Quân là người thế nào?
- Sao tự nhiên mẹ hỏi đến anh ấy? - thấy mẹ nhắc đến Quân, tôi hơi chột dạ.
- Mẹ thấy Quân có vẻ nó thích con.
- Sao mẹ nói thế, anh ấy là người giỏi giang, đẹp trai phong độ, người như thế vơ đại cũng được một cô hoa hậu, xinh đẹp giỏi giang thông minh, ai lại chọn người như con.

Mẹ thấy tôi nói thế thì đập nhẹ vào tay tôi, bà mềm mỏng nói.

- Ngốc lắm, đàn ông sẽ không chỉ chọn một người xinh đẹp làm vợ đâu. Người đàn ông còn muốn lấy một cô gái tốt, có thể yêu thương bố mẹ của mình thật lòng thôi con ạ. Lấy một người đẹp mà không có lòng nhân hậu, thì có khác gì bình hoa cắm trong nhà. Mẹ tin thằng Quân nó thông minh thế, chắc điều này nó cũng hiểu được. Mẹ đã đến tuổi này, làm sao không nhìn ra nó thích con chứ.

  Tôi thở dài. Anh ấy có thích tôi thì chắc cũng chỉ tình cảm nhất thời, chứ người như tôi vừa nghèo vừa kém cỏi, làm sao xứng với anh được.

  Màn đêm dần xuống, tôi đưa những suy nghĩ của mình từ từ chìm sâu vào giấc ngủ.

                               Nguyễn Phương Thanh

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro