17. Vì sao hoa cải nở trái mùa? | 𝓗𝓪𝓵𝓬𝔂𝓸𝓷

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

by halcyon_seastorm

[Tại đây có đăng tải GIF hoặc video. Hãy cập nhật ứng dụng ngay bây giờ để hiển thị.]

Tôi nằm sấp trên mặt đất, mùi mưa ẩm thoang thoảng bên cánh mũi. Chiếc phông trắng nhiễm hẳn bùn bẩn nhưng nếu tôi là kẻ quan ngại đến điều ấy, có lẽ ngay từ đầu đã kê đệm mà ngã xuống.

Nhưng rõ ràng, như thế, tôi chẳng thấu được âm hưởng sự sống dưới tấc đất kia như anh.

Có cơn gió mùa hạ thổi qua, mang theo hương hoa cải và tôi nhắm mắt lại. Lông mi tơ ẩm chầm chậm chạm vào làn da hai bên má. Cứ như thế tôi áp tai xuống, co người ôm lấy ngực mình, nghiêng đi nghe cuộc trò chuyện của rễ cây hoa lá đâm chồi, nghe tiếng con giun đào xới đất tơi tơi rồi nghe cả mấy đứa dế mọn ú ới họ hàng từ gốc cây bên nọ sang gốc cây bên kia.

Ngày hạ, trong bóng đêm đen kịt của đôi mắt đã khép là những thanh âm không mang theo màu sắc, nhưng lại là bức tranh của từng miền ký ức dội lại như sóng đổ về bờ cát đã khô cằn. Tựa có con bướm lạc, kéo đi miếng vải đã cũ rích sờn mép mà khi mắt lại mở, tôi thấy có người nằm bên.

Đầu ngón tay anh buộc một sợi chỉ đỏ, dài chừng hai, ba mét nối với ngón áp út nơi tôi. Anh nằm chao nghiêng, giống như tôi, tóc rũ xuống nền đất ẩm nơi hoa lá lười nhác không buồn tới. Hàng mi anh khép hờ là màu nắng vàng hắt lại nhàn nhạt và mái tóc trắng tinh khôi mà anh bảo tôi từ cái thời cha sinh mẹ đẻ đã thế dù "thằng cha" bạch tạng nào đếm xỉa gì đến anh. Anh nằm yên, như đang ngủ mơ giữa cái nắng chiều ít gay gắt hẳn, song, đôi hàng mi anh khẽ run, anh nhìn thấy tôi, bàn tay vươn ra từ chiếc sơ mi tan màu mái tóc, làm sợi chỉ buộc lơi giữa kẽ ngón tay anh rung lên, nhưng lại khiến cái sóng yên biển lặng của lòng tôi như được đà trở gió.

Mà cái thói đời đẻ ra con người tôi vừa ngu dốt lại tham lam, tim tôi đánh trống ong ong trong đầu óc, chỉ biết ấy là một bản nhạc chẳng ra gì nhất mà tôi từng nghe. Nó bảo tôi nằm yên, nó bảo tôi đừng động đậy. Nhưng, suy cho cùng tôi chỉ là người đói hàng chục năm sống dở chết dở, cố gắng vươn mình ra đến chốn anh nằm như thể ấy là nơi bông lúa trổ hoa. Để tôi nắm lấy bàn tay anh, từ cổ tay đến lòng bàn tay to lớn hơn tôi, để tôi hôn vào đôi mắt, đôi môi và lắng nghe đôi trái tim tôi anh còn cùng chung nhịp đập.

"Tham lam" là từ dùng để chỉ cái ngữ như tôi. Nhủ với lòng chỉ cần thấy là được, nhủ với đôi mắt là hãy để yên cho nó nhìn ngắm thôi, vậy mà trái tim vẫn cứ muốn phải chứng thực một lần cho chắc.

Phải chạm, chạm vào mới biết, mới là thấy, mới là thương.

Thế nên, mới là mất, mới là tan.

Tôi tham lam, muốn ngấu nghiến tất thảy, nhưng sau cùng những gì tôi chạm đến là cánh hoa cải dầu lơ thơ trong không trung nơi chỉ vài phút trước, anh còn nằm ở đó.

Rõ ràng da thịt đã tiếp xúc, con ngươi đã bao trọn lấy anh một tấc chẳng rời.

Nhưng cũng chỉ vì da thịt đã tiếp xúc...

Dù chỉ một diện tích rất nhỏ, một hơi ấm không lan được đến tim lạnh.

Như hạt sương rơi trên cánh hoa, nhỏ giọt xuống bùn đất.

Tách

Và tôi giật mình, tỉnh dậy.

Ở một nơi không có ai ngoài chính mình.

—-

Năm vừa tròn hai mươi, tôi cuốn gói ra khỏi căn hộ cạnh trường đại học, xin bảo lưu và đè sấp một tập giấy lộn lên mặt bàn phòng đào tạo.

Gọi chúng nó là giấy lộn đối với tôi thôi, chứ đối với người khác mà nói, ấy như thể thư tuyệt mệnh. Nó thì thầm rõ cả lý do rằng là tôi sẽ chẳng bao giờ trở về nữa, bảo lưu cùng lắm chỉ là thủ tục mà thôi.

Không ai nói điều gì, mà người ta chỉ nhìn tôi thương cảm.

Đồ đạc không nhiều, tôi xin tiền cha mẹ cùng với ba mớ xu lẻ trong tài khoản tiết kiệm, thuê một căn nhà nhỏ vùng ngoại ô. Cho người ở một mình thì đơn giản, tôi không cần gì nhiều chỉ đâu đó một chiếc giường, một cái bếp và chốn vệ sinh cá nhân, lúc mưa không dột, nắng không tới là được. Đừng hỏi sao tôi lại dễ dàng chuyển đi tới thế, sao ai cũng đồng ý để tôi một thân một mình nơi xa lạ khi tuổi đời còn trẻ, bởi nếu phải trả lời, tôi chỉ có thể nói là do mình không muốn cạo đầu.

"Tôi bị máy hớt tóc đuổi đánh, nếu nó bắt kịp tôi, tôi sẽ trọc."

Cũng là câu đầu tiên tôi bảo anh về mình.

Với ai, tôi cũng ton hót về nguyện vọng cuối đời của mình như thế nhưng chỉ có anh là chẳng cười.

Do cuộc sống tối giản đến mức hơi vượt quá cần thiết, tôi mới ngang nhiên chiều lòng mình, ra cửa hàng gần nhà tậu một chiếc xe đạp cũ. Hàng "tay hai" vừa rẻ vừa đẹp, mỗi năm sửa vài chục lần nhưng chung quy lại, tôi vẫn lượn được ra đường gấp đôi số lần nó bị bỏ xó.

Chiều ấy cũng giống bao ngày, tôi lôi bừa một chiếc phông trắng trơn với cái quần cộc, chỗ làm cách nhà tôi hai ba con phố, tôi lại đăng kí ca muộn nên tha hồ thong thả.

Tôi không có niềm yêu thích gì đặc biệt với bánh đa cua hay bún bò, hay phải đạp xe suýt rụng rời chân tay chỉ để được mười lăm nghìn một tiếng nhưng do bất thường có tiếng tăm, tôi sẽ bảo là do con đường đi đến đấy đẹp nên tôi muốn mỗi ngày phải đạp xe ngang qua một lần. Mà con người ai chẳng có tính lười? Chỉ có tiền bạc mới kéo được người ta ra khỏi giường dưới tiết trời nắng nóng hơn ba mươi bảy độ mà thôi.

Thế nên C. Mác mới nói, "vật chất quyết định ý thức" là vì như vậy.

Còn tôi không đăng kí làm sáng là vì trời nắng.

Lúc xế tà là quãng mà ánh vàng cam xâm chiếm lấy thiên hạ như thể của mình, tôi đạp xe giữa con đường trải nhựa mới, mùi nhựa đường còn hơi hăng xộc lên mũi. Tôi cố đạp nhanh đi qua, qua mấy con hẻm, qua mấy căn nhà gần đến chợ quê lại mọc lên sum xúp. Tiếng người xì xầm càng lúc càng lớn bởi giờ ấy mát giời, thích hợp để buôn và vì chồng con thì chưa về, tiếng ta cười người nói lại như vang lên từ mọi ngóc ngách của thế gian. Để mà bỗng nhiên, có ai vặn xoay chiếc nút bằng kim loại, hay thấy ồn ào quá mà cầm cái điều khiển ti vi tắt phụt đi âm lượng, xe tôi bắt đầu thong dong thả chậm, tựa con rùa trên mặt đất. Cứ càng gần cuối ngõ, tôi lại càng thấy rõ có con đường xuyên thẳng lên mây, giữa đồng hoa cải trái mùa hãy còn màu xanh xanh xuân thì.

Lúc này thích hợp để đi san sát mép đường nhưng đừng ngả người sang ngang mà ngồi thẳng lưng, hít một hơi sâu cái hương hoa mơn mởn không trung, nhắm mắt lại, dang đôi tay và để chiếc xe đạp kéo mình đi đến nơi đâu không còn phải nghĩ ngợi.

Nhưng,

Đã là lý thuyết thì lúc nào cũng tươi đẹp.

Dù nghìn tỉ lần trước đó vẫn ổn thì rồi cũng sẽ có một lần bất ổn.

Như bây giờ đây, bất chợt xuất hiện người đàn ông vọt lên từ dưới đồng, ống quần xắn đến đầu gối, bỗng chạy ra trước đầu xe tôi. Tạ ơn bất kì ai đang phù hộ, chở che cho tôi, đúng lúc ấy tôi lại mở mắt, theo quán tính nghiêng người sang trái và chẳng nói cũng biết, cả người cả xe và cả tôi đều nằm sấp dưới đồng hoa.

Có lẽ lúc đó, anh cũng bàng hoàng nhưng chỉ ngây ra như phỗng nhìn tôi, tay cầm một đoá hoa cải nở rực rỡ.

"Tôi gọi em rồi mà." Anh đứng từ xa, nói với.

Nếu là người bình thường, tình huống trớ trêu thế này sẽ đổ lỗi cho tôi à?

Sao người bình thường giờ lạ thế?

Tôi không nói, không rằng, từ từ đứng dậy. Tôi chỉ nghĩ biết thế chẳng mặc quần cộc mà mặc quần bông cho an toàn. Cúi xuống nhìn đầu gối đã trầy xước, khuỷu tay lại nhưng nhức ran rát, chiếc xe đạp khi này, tôi không còn dám để vào đầu bởi có lẽ lúc tôi đứng tần ngần ở đây chắc nó đã đi được mươi mấy dặm chuyển sinh. Tôi bắt đầu giương mắt lên nhìn anh, huơ tay múa chân như mấy cô ở góc màn hình bên phải trên chương trình thời sự, nó vô nghĩa vì tôi không phải người điếc nhưng ý tứ là, tôi bị điếc.

Chẳng rõ anh có hiểu ý tôi không, chỉ thấy đôi tay anh cầm hoa run nhẹ, anh cúi mặt xuống sâu đến nỗi tôi không nhìn được biểu cảm của anh. Nhưng tôi không quan tâm đến anh, tặc lưỡi xuýt xoa cho cái chân đau của mình, tôi vươn tay ném chiếc xe đã thân tàn ma dại lên lại mặt đường, loạng choạng tìm gờ lấy đà trèo lên tiếp sau nhưng một lúc lâu, tôi vẫn ở nguyên tại chỗ, ngẩng đầu nhìn thấy một đoá hoa còn tươi đẹp hơn đoá anh vừa cầm.

Mùa hoa cải là tiết trời xuân mưa bay còn bây giờ, đồng chỉ còn cành lá thậm chí nụ hoa còn chưa chớm.

Vậy mà anh lại cầm bó hoa cải trên tay, sương đọng cánh hoa nở rực rỡ.

Anh hỏi tôi, "Em tên gì?"

"Em là Phác Trí Mân." Nhưng lại không phải do tôi trả lời.

Tôi ngờ nghệch nhìn xuống chiếc áo đồng phục "Bánh đa cua khua ngay kẻo hết!" của mình, hàng chữ đỏ thẫm be bé ngay bên dưới là tên của tôi.

"Anh biết tên tôi làm gì?" Tôi nghe giọng mình phát ra mấy thanh âm, nhưng trong bụng dạ lại nhộn nhạo như bản thân vừa làm điều gì có vẻ sai trái lắm.

À...

Và anh cười phá lên, cổ rụt lại nấp sau mấy khóm hoa, tôi chợt nhận ra có lẽ ban nãy anh cũng cười tôi như thế mà chỉ vì, anh đứng ngược ánh hoàng hôn nên tôi mới tưởng anh thấy tội lỗi. Anh cười như nắc nẻ, như đứa trẻ lên ba xem bố nó làm trò. Nhưng tôi rõ ràng không phải bố anh, anh cũng chẳng phải thằng con trai tôi.

Trăm năm một cõi người điên, đi đâu để gặp kẻ biêng biêng như mình?

Đáp án thế mà lại là, đồng hoa cải.

Bởi vì anh vừa làm chuẩn chỉnh mấy động tác của các cô ấy cho tôi xem, đôi mắt vẫn hấp háy ý cười.

Sau, anh dùng một cây gậy gỗ không biết lấy từ đâu ra, đưa cho tôi. Tôi một đầu, anh một đầu để rồi anh kéo tôi lên. Tay anh đeo đôi chiếc găng đen dưới tiết trời nóng nực và trước khi tôi nhận ra điều gì anh đã đứng cách xa tôi cả ngàn bước và để bó hoa kia dưới chân tôi.

"Ngày nào em cũng đi qua đây nên anh nghĩ em sẽ thích."

"Xin lỗi em, Mân."

—-

Tôi không gặp lại anh thật lâu sau đó.

—-

Tôi bị u não ác tính.

Nên có đôi khi tôi sẽ quên đi nhiều điều.

Thậm chí mỗi buổi sáng thức dậy, sau những cơn đau đến mức không mở nổi mắt, tôi vẫn dậy nhưng không biết mình là ai. Như thể ngày hôm qua đã bị kẻ nào tàn ác gột rửa đi tất thảy kí ức chẳng để sót lại chút gì. Tôi tự lục tìm bản thân trong ngôi nhà có lẽ là của mình, trong tủ quần áo có lẽ là của mình, trong căn bếp có lẽ là của mình, trong nhà vệ sinh, trong căn phòng có lẽ, có lẽ là của tôi.

Để tôi nhớ lại,

Tên tôi là Phác Trí Mân,

Tuổi đôi mươi,

Là sinh viên trở về quê nhà,

Có bệnh trong người, không chữa thì sẽ chết,

Chữa thì phải cạo đầu,

Làm nhân viên phục vụ ở quán bánh đa cách xa mình hàng cây số,

Ngày hôm qua, đã gặp một người đàn ông kì lạ.

Ngày hôm qua, là bao giờ, nhỉ?

—-

Năm vừa tròn hai mươi, tôi cuốn gói ra khỏi căn hộ cạnh trường đại học, xin bảo lưu và đè sấp một tập giấy lộn lên mặt bàn phòng đào tạo.

Gọi chúng nó là giấy lộn đối với tôi thôi, chứ đối với người khác mà nói, ấy như thể thư tuyệt mệnh. Nó thì thầm rõ cả lý do rằng là tôi sẽ chẳng bao giờ trở về nữa, bảo lưu cùng lắm chỉ là thủ tục mà thôi.

Không ai nói điều gì, mà người ta chỉ nhìn tôi thương cảm.

...

Lúc này thích hợp để đi san sát mép đường nhưng đừng ngả người sang ngang mà ngồi thẳng lưng, hít một hơi sâu cái hương hoa mơn mởn không trung, nhắm mắt lại, dang đôi tay và để chiếc xe đạp kéo mình đi đến nơi đâu không còn phải nghĩ ngợi.

Lần này anh không xuất hiện đột ngột làm tôi ngã nhào nơi nao. Anh mặc một chiếc áo ghi lê, và ngồi yên giữa đồng hoa chưa nở. Có lẽ vẫn là hè vì tôi còn cái cảm giác nóng nực xua không tan trong người, tôi không biết cũng không nhớ thời gian đã trôi qua bao lâu. Tôi đã gặp người đàn ông ấy, phải chăng là ngày hôm qua? Phải chăng đã bẵng đi vài năm hay vài tháng? Hôm qua, tôi đã làm gì, nhỉ?

Tôi chỉ biết mình dừng xe lại, đỗ yên nó bên vệ đường. Hôm qua xe tôi hỏng, tôi đã sửa chưa? Nhưng có vẻ như nó vẫn còn bình thường lắm.

Và đáng lẽ, tôi chỉ ra khỏi nhà lúc hoàng hôn.

Tôi nhảy thoắt xuống dưới, rẽ từng khóm hoa đến nơi anh, chợt phát hiện anh ngồi trên chiếc ghế gỗ sơn màu trắng phau như sắc áo, thật lạ thường nhưng điều làm tôi chú ý là sợi chỉ đỏ trên đầu ngón tay anh buông thõng bên hông, chảy dài sang ngang nơi chiếc ghế khác đang ngự trị.

Càng đến gần anh, tôi càng nghe gió thổi lộng và mạnh mẽ, nó không đẩy tôi ra xa anh nhưng dường như nó khẽ bảo tôi nghe rằng, Kì đang đợi mình.

Mà khoan, Kì là ai?

"Em, lại đây."

Anh khẽ thầm thì nhưng làn gió trưa đưa thanh âm anh đến bên tôi rõ ràng đến lạ. Anh ngồi yên, giọt nắng đung đưa trên từng lọn tóc trắng loăn quăn dài đến ngang vai, anh không nhìn tôi, chỉ để tầm mắt loanh quanh những khóm hoa chưa chớm nụ.

Và có lẽ sẽ chẳng bao giờ khi chúng nó ghen tỵ với đoá hoa anh cầm.

Anh chưa từng ở một mình, hay, tôi chưa từng gặp anh khi anh không làm hoa cải nơi đây nở trái mùa.

Tôi khẽ ngồi nơi anh chỉ, buộc sợi chỉ đỏ trên ngón tay áp út. Tôi không biết mình làm thế vì gì, tại sao tôi lại phải nghe lời anh nói nhưng dưới tia nắng như bỏng rát ấy, cái cảm giác đáng lẽ phải trốn chạy vừa hình thành lại dường như từ khắc tôi nghe giọng nói anh cộng hưởng với thanh âm vọng lại từ tiếng cây lá xào xạc, đôi chân tôi bỗng chẳng còn muốn di chuyển, nó cứ đứng yên tại chỗ và rồi lại đưa tôi đi về phía anh.

Dưới chân tôi là bó hoa cải nở rực rỡ.

Anh đã không còn mang tự bao giờ.

Anh không nhìn tôi, chỉ nhìn về phía trước, nơi những cành hoa xanh biêng biếc nối đuôi nhau trải dài vô tận không một kẽ hở mà chỉ chốn tôi và anh được rẽ lối. Và tôi bỗng nghe mình hỏi anh, một câu hỏi mà tôi chẳng kịp nghĩ suy điều gì,

"Tại sao em phải về?"

Về đâu, về chốn nào?

Đây không phải nhà của tôi ư?

"Anh ngỡ em sẽ hỏi, vì sao hoa cải nở trái mùa. Nhưng hoá ra là em biết." Anh bật cười.

"Tại sao em phải về?" Tôi chỉ thấy miệng mình lại mấp máy câu hỏi khi nãy. Tôi không hiểu nổi trái tim, vì sao lại cứ phải đập một cách khó chịu như thế này trong lồng ngực, vì sao cứ phải hít thở khó khăn như thế mà không đứng dậy, cắt bỏ sợi chỉ đầu ngón tay rồi chạy đi? Sao cứ phải ngồi đây đau đớn thế này, sao cứ không lẩn trốn đi, cứ ở lại mà phải lìa xa?

Tại sao tôi cứ phải phân biệt đâu là hư thực, đâu là chiêm bao?

"Em cũng có thể làm cho hoa nơi đây bừng nở." Anh nói.

"Em có thể làm nắng ban trưa thành màu hoàng hôn."

"Em có thể vặn tắt những thanh âm làm em khó chịu, chỉ nghe những gì em muốn nghe, nói những điều em muốn nói."

"Em có thể nhớ những điều em muốn nhớ, quên những gì em muốn quên."

"Em có thể sống mãi hoặc chết đi, em hoàn toàn có thể quyết định ở đây."

Anh ngừng lại, song giờ mới quay đầu về phía tôi, nói tiếp, "Và em cũng có thể làm anh biến mất để anh mãi làm một Doãn Kì kì diệu trong mắt em."

"Vậy tại sao em phải về?"

"Vì em mạnh mẽ hơn anh, Trí Mân." Chỉ trong khoảnh khắc ấy, tôi nghe cổ họng mình khô đắng như thể cái dòng cuộn trào từ khoé mi đã cuốn lấy tất thảy đi lời nói, tôi không dối nổi mình thêm để trái tim như co lại vặn xoắn trong lồng ngực, tựa muốn vắt khô cả giọt máu đào hãy còn vương sót. Và tôi đau đớn cúi gằm đầu, chiếc áo khoác hãy còn vương mùi bánh đa làm tôi nhoẻn miệng tự hỏi "cớ sao tôi mãi không thể thoát khỏi đây" thì ra là vì mộng tôi đã chân thực đến mức đã trở thành một phần kí ức của cơ thể. Áo tôi dần nhăn nhúm và khớp ngón tay trắng bệch, tôi không thở nổi vì dường như cái hiện thực tôi tự vẽ đã hoá hư vô, cuồn cuộn cuốn đi cái sắc vàng tươi đẹp của chiêm bao, của hoa cải bừng nở trong sắc xuân khi trong giọt thức cuối cùng của mình, tôi vẫn muốn được ngắm hoa cải nở cùng anh. Để khi tất thảy tan biến, tôi ở lại trong khoảng đen vô tận mà khi tôi ngẩng đầu, chỉ còn tôi và anh.

Tôi đã mơ bao lâu?

Tôi đã đôi mươi, bao lâu?

Tôi đã về quê nhà mình, bao lâu?

Vì giờ khi đôi bàn tay tôi đã hoá ra nhăn nhúm, tôi bắt đầu nghe tiếng tim mình đập.

Trong lồng ngực.

—-

Anh khẽ cúi, nâng cằm tôi lên, anh vẫn là con người trong mộng ấy. Anh mỉm cười nhìn tôi, khẽ chạm vào da mặt tôi qua lớp găng tay màu đen tuyền, xoa cho nước mắt tôi mất đi. Và rồi vẫn chẳng nói một lời, anh bỗng để tay lên ngực trái - nơi tim tôi từ khi trở về đã đập loạn.

"Mày vẫn khoẻ, nhỉ?"

"Mày đã làm rất tốt đấy."

Tôi càng không thở nổi. Tôi không dám nhìn vào mắt anh.

Song, tôi thấy anh từ từ tháo ra chiếc găng tay, anh quỳ xuống dưới chân tôi, ngước lên trông tôi. Đáng lẽ nếu tôi cứ ngủ, cứ mơ và hoa trong tay anh vẫn cứ nở. Có lẽ tôi sẽ đôi mươi mãi và chết đi trong đôi mươi ấy.

Trong màu hoa cải vàng ruộm chân trời, hoặc xanh mướt trong cái hè anh tỏ tình tôi.

Tôi nhận ra mình không còn nhớ ngày đó là tiết đông hạ hay thu xuân.

Vì trong chiêm bao của tôi, đồng hoa cải chưa từng nở rộ.

"Em cứ nghĩ mãi, rằng là

Em thật ích kỉ khi biết mình khiếm khuyết nhưng vẫn yêu anh."

Tôi đã nói thế với mình hàng ngàn lần khi thanh tỉnh.

"Em ước mình có một trái tim khoẻ mạnh để anh không cần cảm thấy phải trao cho em trái tim mình."

"Vì vậy nên em mới nghĩ, nếu đời cho em bị u não ác tính có lẽ sẽ chẳng ai phải đánh đổi điều gì cho em cả."

Nên trong mơ hay đời thực tôi đều mang bệnh, một căn bệnh tôi vốn có và một căn bệnh tôi mong ước có.

"Em sẽ chết, em đã sẵn sàng cho điều đó nhưng em biết anh chưa, Kì ạ, nên em mơ, em thấy tội lỗi và giờ anh lại muốn biến mất trước mắt em thêm đôi lần."

Tôi cười nhìn anh. Dẫu cho chiêm bao nhưng tôi vẫn chèn ép chính mình vì tôi biết, nếu chạm vào anh giờ đây, tôi sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa.

"Vậy nếu như em chết, em sẽ mong muốn điều gì?"

"Anh sẽ quên em đi và sống tiếp."

"Vậy nếu như anh cũng cần một trái tim khác để sống tiếp..."

"Em sẽ trao anh trái tim mình."

Để rồi chúng tôi cùng bật cười.

Tôi trách anh ngốc nghếch, tôi nói anh không cần chết vì tôi, tôi chẳng xứng đáng với điều ấy nhưng suy cho cùng, nếu đổi ngược lại tôi ở vị trí anh, có lẽ tôi sẽ trách mình không tài nào làm khác được.

Yêu và được yêu...

Là gì?

Thương và được thương...

Là gì?

Là khi giờ đây tôi vừa cười vừa khóc, cảm thấy ngu xuẩn trong giấc mơ của chính mình với người tôi yêu nhưng không thể trách mắng.

Và tôi nói, "Anh sai rồi,"

"Em không mạnh mẽ hơn anh, vì em yếu đuối và vì em rất nhớ anh, nên em mới ở đây, nên em mới mơ mãi."

"Nhưng bây giờ..."

"Nhưng bây giờ, em sẽ để anh đi. Kì này," tôi cúi xuống, nhìn vào đôi mắt anh, lại nói tiếp "... anh phải nhớ rằng không phải do em hết yêu anh mà vì rằng em đang cưu mang trái tim anh trong lồng ngực. Em không muốn chúng mình cùng chết đi như vậy."

Chí ít, tôi sẽ mang theo anh cùng tình yêu anh đi đến cuối con đường.

Để làm như thế, tôi cần phải tỉnh dậy.

Và rời xa anh.

Tôi chạm vào bàn tay Kì, sau cùng hôn lên đôi môi mà tôi nhớ nhung khôn cùng. Đôi môi hương hoa cải cùng làn da và hơi ấm tôi mong ngóng đã trở thành nỗi ám ảnh đâm chọc trong tâm trí, nơi kí ức đã không còn vẹn nguyên. Tôi thấy anh, ôm lấy hai má tôi, và tôi nghe anh cùng khóc. Nơi tay anh, từ dưới làn da bỗng chợt đâm chồi lên những nhành dây leo xanh mướt, lan từ đầu ngón tay cho đến khuỷu tay. Nhưng mặc cho điều lạ kì ấy nghiễm nhiên lộng hành, tôi vẫn hôn anh, ôm anh và yêu anh qua từng hơi thở mà chúng tôi gắng gượng cướp lấy. Để rồi khi, từ ngực trái anh - nơi dây leo tạo thành trái tim mới bỗng nơi lên những nụ hoa nhỏ và rồi bừng nở thành nhành hoa vàng li ti. Doãn Kì nhìn tôi, trong mắt anh, tôi chỉ thấy bóng hình chính mình dần mờ nhạt song, anh vẫn thầm thì với tôi,

"Anh yêu em, Trí Mân."

Trước khi những đoá hoa kia ôm lấy anh, tan biến, chỉ còn cánh hoa chầm chậm rơi xuống mặt đất.

Cũng là khi chúng phai màu ra bóng tối xung quanh tôi.

Và tôi trở về,

Với thực tại.

—-

Năm vừa tròn hai mươi, tôi cuốn gói ra khỏi căn hộ cạnh trường đại học, xin bảo lưu và đè sấp một tập giấy lộn lên mặt bàn phòng đào tạo.

Gọi chúng nó là giấy lộn đối với tôi thôi, chứ đối với người khác mà nói, ấy như thể thư tuyệt mệnh. Nó thì thầm rõ cả lý do rằng là tôi sẽ chẳng bao giờ trở về nữa, bảo lưu cùng lắm chỉ là thủ tục mà thôi.

Tôi về quê nhà, kiếm một công việc phù hợp với tấm bằng đại học chật vật bốn năm mới có. Thật may, người ta vẫn bảo lưu cho kết quả năm nhất mặc dù đã quá hạn và chúc mừng tôi trở về với trái tim mới.

Năm vừa tròn ba mươi, tôi mua cho mình chiếc xe đạp, không phải cái loại hàng "tay hai" mà tôi mơ ước. Nào phải do bây giờ tôi mới có tiền để mua, chỉ rằng những năm tháng tuổi đôi mươi, tôi đã làm và học mọi điều tôi mong, rồi nhiều khi, ánh mặt trời không chiếu tới tôi khiến tôi còn chẳng biết căn gác trọ của mình tròn méo thế nào.

Nhưng một ngày, trong mơ, có người bảo tôi, đừng làm việc quá sức.

Tôi nghỉ ngơi hẳn ở tuổi năm mươi của mình.

Không vợ, không con, nhưng chí ít tôi có nhà cửa, có xe hơi cùng con xe đạp.

Tôi chu cấp đầy đủ cho cha mẹ, báo dưỡng công sinh thành. Về nhà ăn Tết mỗi năm một lần, khám định kì ngày cuối hàng tháng. Sức khoẻ tôi còn tốt, trí nhớ còn minh mẫn, xương cốt còn dẻo dai nhưng sau cùng, tôi chợt nhận ra, linh hồn mình đã thấm mệt.

Nhưng trái tim anh vẫn không ngừng nghỉ cho tôi sự sống lan tràn tới từng góc tế bào.

Để rồi cuối cùng, khi nó cũng bắt đầu mệt mỏi, tôi buông xuôi và trở về với anh.

Tôi chết ở tuổi năm mươi lăm, trước khi cả cơ thể hoà mình vào dòng nước chảy xiết,

Tôi mang theo một nhành hoa cải vàng.

Nở trái mùa.

—-

Thực ra, trong từng ấy quãng thời gian trôi, không phải tôi chưa từng tiếp tục mơ.

Nhưng nỗi cô đơn vẫn bấu víu tôi đôi lần mỗi khi tỉnh giấc, mặc cho tôi đã bảo với trái tim ơi đừng buồn.

Nhưng tôi vẫn khóc, rằng khi nước mắt tôi rơi lại chẳng ai lau.

—-

Thật kì lạ khi bây giờ tôi vẫn còn nhớ đến thế.

Thật kì lạ khi những điều tôi muốn quên lại cứ nằm yên trong những giấc mộng.

Để mỗi tối, tôi lại mơ, tôi lại khóc, lại oằn mình trong thương đau.

Để mỗi tối, tôi lại yêu, tôi lại thương, lại trở về với đơn côi.


END

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro